You are on page 1of 5

BÀI GIỮA KỲ - MÔN DẪN LUẬN NGÔN NGỮ HỌC

Giảng viên: ThS. Lê Thị Trúc Hà

THÔNG TIN CÁ NHÂN


Họ và tên: Lữ Nguyễn Mỹ Trà
MSSV: 31221026351
Lớp AV003 - Khoá K48

BÀI TỔNG THUẬT


Tiếng Việt là một ngôn ngữ đẹp đẽ và trong sáng, là một tài sản quý báu của dân tộc
Việt Nam được hình thành và phát triển qua hàng nghìn năm lịch sử. Mỗi người Việt Nam
phải có ý thức giữ gìn vẻ đẹp mang tính bản sắc văn hoá của dân tộc ấy bằng cách sử dụng
tiếng Việt đúng chuẩn. Vấn đề về chính tả như thực trạng viết sai chính tả hay sự thiếu thống
nhất các quy tắc chính tả luôn thu hút nhiều sự quan tâm từ xã hội. Trong loạt bài viết bàn
về vấn đề này, đáng chú ý có ba bài báo khoa học sau: “Lỗi chính tả của học sinh lớp 5 dân
tộc Khmer ở thành phố Vị Thanh - Thực trạng và giải pháp” (2014) in trong tạp chí Khoa
học số 09 của đại học Đồng Tháp, “Một số giải pháp khắc phục lỗi chính tả của người Việt
sử dụng tiếng Việt” (2017) in trong tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội và “Thực
trạng chính tả tiếng Việt hiện nay - Sự cần thiết ban hành quy định của nhà nước về chính tả
tiếng Việt” (2018) in trong tạp chí Giáo dục & Xã hội.
Với bài báo đầu tiên, “Lỗi chính tả của học sinh lớp 5 dân tộc Khmer ở thành phố Vị
Thanh - Thực trạng và giải pháp” (2014) của tác giả Huỳnh Hình Kim Ngọc đã cho thấy
rằng dù có chữ viết sạch đẹp, rõ ràng thế nhưng thực trạng viết sai chính tả ở các học sinh
lớp 5 ở thành phố Vị Thanh (Hậu Giang), nhất là học sinh người Khmer rất nghiêm trọng.
Các lỗi sai chính tả thường gặp ở học sinh bao gồm: sự nhầm lẫn giữa các cặp phụ âm đầu
(ch/tr, s/x); sự lược bớt chữ cái ghi âm đệm (loè loẹt/ lè lẹt); hiện tượng thu hẹp độ mở
nguyên âm (đêm/đim); sự lược bỏ thành tố thứ hai trong nguyên âm đôi (rượu/ rựu); sự thay
đổi âm cuối phụ âm đầu lưỡi thành âm cuối lưỡi và âm cuối gốc lưỡi thành âm đầu lưỡi; hay
việc viết nhầm các dấu thanh như thanh ngã thành thanh hỏi. Theo tác giả, có trên 35 lỗi
chính tả trong một bài viết dài 100-120 chữ. Điều này khiến cho chất lượng học tập của các
em học sinh, đặc biệt học sinh dân tộc Khmer đạt kết quả không tốt. Không chỉ vậy, còn
khiến các em học sinh dân tộc cảm thấy thua kém và trở nên tự ti khi sử dụng tiếng Việt.
Sau khi phân tích thực trạng, tác giả đưa ra những nguyên nhân khiến học sinh Khmer lớp 5
còn sai chính tả như sau: Yếu tố chủ quan là do các em có thể chưa cố gắng luyện tập viết
chính tả hoặc chưa nắm chắc các quy tắc chính tả. Còn xét yếu tố khách quan là do đa số
phụ huynh làm nông không để tâm đến việc học của các con và các giáo viên ở thành phố
vẫn còn hời hợt trong việc giảng dạy. Học sinh dân tộc Khmer thường mắc nhiều lỗi chính
tả khi viết tiếng Việt còn do sự khác biệt giữa hai ngôn ngữ về chữ viết, thanh điệu, ngữ âm,
cấu trúc từ ngữ,... Cuối cùng để khắc phục lỗi chính tả cho học sinh dân tộc Khmer lớp 5,
tác giả đưa ra một số biện pháp như sau: Thứ nhất, giáo viên cần luyện cho học sinh cách
1
phát âm chuẩn thường xuyên và liên tục. Thứ hai, hướng dẫn học sinh các mẹo luật chính tả.
Thứ ba, phân tích cấu tạo của âm tiết, từ vựng và ngữ nghĩa tiếng Việt cho học sinh hiểu rõ
bản chất ngôn ngữ. Thứ tư, bằng thủ pháp liên tưởng theo hệ thống giúp học sinh ghi nhớ
các quy tắc chính tả một cách lô- gíc có hệ thống. Thứ năm, thiết kế một hệ thống bài tập đa
dạng và cho học sinh luyện tập các bài tập đó thường xuyên. Thứ sáu, phải tạo một môi
trường giao tiếp tiếng Việt mọi lúc mọi nơi bằng cách tuyên truyền, khuyến khích học sinh
sử dụng tiếng Việt nhiều hơn khi ở nhà, khi ở ngoài trường học.
Với bài báo thứ hai, “Một số giải pháp khắc phục lỗi chính tả của người Việt sử dụng
tiếng Việt” (2017) của tác giả Phan Thị Hồng Xuân cho thấy dù vai trò của chính tả trong
giao tiếp quan trọng nhưng vẫn còn nhiều cá nhân đến tổ chức vẫn còn mắc lỗi sai chính tả
dẫn đến hiệu quả kém trong giao tiếp và mất tính thẩm mỹ của tiếng Việt, từ đó, các giải
pháp được đề xuất trong bài để khắc phục vấn đề này. Trước hết, chính tả được định nghĩa
trong bài báo là “phép viết đúng” hay “lối viết hợp với chuẩn”, tức là chữ viết của một ngôn
ngữ được chuẩn hoá, được thống nhất toàn quốc. Trong khi đó, lỗi chính tả là lỗi viết sai
chuẩn chính tả, sai các quy tắc chung của chữ viết. Tình trạng này đang trở nên rất phổ biến
hiện nay. Không chỉ diễn ra trong trường học đến ngoài xã hội, mà nó còn dễ bắt gặp trong
giao tiếp hàng ngày hay các văn bản hành chính. Tác giả đã đưa ra một số hình ảnh minh
chứng cho tình trạng ấy: các biển hiệu hay bảng thông báo đều có lỗi sai ngớ ngẩn (xôi thịt -
sôi thịt, xử lý - sử lý), tiêu đề của một tờ báo thì mắc lỗi chính tả do phát âm (nóng lòng -
nóng nòng), các bài kiểm tra viết của học sinh thì có trường hợp viết chữ tắt trong bài. Việc
viết sai chính tả đã mang lại tác hại nghiêm trọng đến cuộc sống. Nó dẫn đến sự sai lệch
trong việc tiếp nhận thông tin, nội dung trong giao tiếp hay trong các văn bản chữ viết. Đối
với cá nhân, khi mắc phải lỗi chính tả cho thấy sự yếu kém trong tư duy và văn hoá của
người đó. Đối với các tổ chức hay cơ quan, khi giấy tờ và văn bản hành chính mắc lỗi viết
sai chính tả cho thấy sự bất cẩn, thiếu chuyên nghiệp trong trình độ chuyên môn lẫn trình độ
văn hoá. Tiếp nối việc phân tích thực trạng dẫn đến tác hại của việc mắc lỗi chính tả, tác giả
đã nêu lên sáu nguyên nhân người Việt mắc lỗi khi sử dụng tiếng Việt vì: Thứ nhất, do
không nắm vững chính tự. Thứ hai, không hiểu nghĩa, không nắm được ngữ nghĩa của từ
cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng viết sai chính tả. Thứ ba, không cập nhật quy
định chính tả được ban hành hiện nay: quy định đánh dấu thanh, quy định viết hoa,... dẫn
đến nhiều người vẫn còn viết theo kiểu cũ. Thứ tư, do ảnh hưởng cách phát âm địa phương.
Thứ năm, do sự cẩu thả đến từ người viết. Thứ sáu, do ảnh hưởng của ngôn ngữ mạng mà
phần lớn là được giới trẻ sử dụng với nhiều lý do như tiện lợi, nhanh chóng cũng như thể
hiện cá tính và sự đổi mới hiện đại; tuy nhiên, ngôn ngữ mạng lại không phù hợp và bị xem
là mắc lỗi chính tả khi sử dụng trong giao tiếp hay văn bản nghiêm túc. Sau khi phân tích
thực trạng và đưa ra nguyên do của tình trạng sai chính tả, tác giả đề xuất một số giải pháp
để khắc phục lỗi chính tả đối với từng nhóm đối tượng như sau: Đối với các cơ quan tổ
chức, cần nghiêm khắc giáo dục ý thức viết đúng chính tả cho người dân; cần tuyên truyền
và phổ cập rộng rãi các quy định chung về chuẩn chính tả đến người dân và học sinh; cần
tiếp tục gìn giữ các biện pháp như chuẩn hóa văn bản mẫu của các cơ quan, tổ chức hay phát
mục dọn vườn thông qua truyền thông để giúp người dân sử dụng đúng chính tả tiếng Việt;
cần có chế tài xử phạt với những trường hợp sai chính tả mà gây hậu quả nghiêm trọng. Đối
với nhà trường, giáo viên phải làm gương viết chuẩn chính tả; cần soạn chương trình dạy
học có thể áp dụng dạy chính tả trong mọi môn học; liên kết và giảng dạy chính tả với các
2
kiến thức và kĩ năng khác; đưa ra phương pháp phù hợp nhằm nâng cao tính hấp dẫn của
môn chính tả giúp học sinh từ cấp tiểu học đã có thể nắm vững chính tả. Đối với mỗi cá
nhân, mỗi người phải biết học tập và nâng cao kiến thức về tiếng Việt; nắm vững các quy
định chính tả hiện nay; biết sử dụng các mẹo chính tả; nên biết và nhớ các trường hợp tiếng
Việt do phát âm địa phương hay lý do về lịch sử khác; nên sử dụng từ điển và có sổ tay ghi
chép để viết đúng chính tả; tập và rèn luyện phát âm cũng góp phần viết chuẩn chính tả
tiếng Việt; rèn luyện tính cẩn thận, không nên cẩu thả khi viết. Thực trạng về chính tả trong
những năm gần đây đã được cải thiện nhờ việc dân trí tăng cao, nhưng không thể khắc phục
hoàn toàn tình trạng đó trong một khoảng thời gian ngắn. Có nhiều giải pháp được đưa ra,
quan trọng nhất là việc giáo dục ý thức và trình độ của người dân trong việc viết đúng chính
tả. Bên cạnh đó, các nhà chức trách cần đưa ra những giải pháp hiệu quả và quy định xử
phạt những trường hợp viết sai chính tả mà làm ảnh hưởng xấu đến cá nhân, tổ chức, đất
nước. Tất cả người dân cần có trách nhiệm nâng cao ý thức và trình độ để bảo vệ, giữ gìn và
phát huy vẻ đẹp trong sáng đẹp đẽ của tiếng Việt.
Với bài báo thứ ba, “Thực trạng chính tả tiếng Việt hiện nay - Sự cần thiết ban hành
quy định của nhà nước về chính tả tiếng Việt” (2018) của tác giả Nguyễn Minh Hoạt và
Nguyễn Thị Phương Ngọc đã nêu lên thực trạng chính tả tiếng Việt chưa thống nhất hoàn
toàn làm mất đi vẻ đẹp thuần khiết của tiếng Việt và ảnh hưởng đến bản sắc văn hóa dân tộc,
từ đó đòi hỏi sự cấp thiết hiện nay là Nhà nước nên ban hành quy định về chính tả tiếng
Việt. Chính tả là sự chuẩn hoá hình thức chữ viết ngôn ngữ. Chính tả dựa trên chuẩn mực về
ngữ âm và tuân theo những quy tắc trong một hệ thống chữ viết. Quy tắc chung của tiếng
Việt hiện nay là hệ thống các quy tắc về tiếng Việt hình thành từ sự kết hợp âm, vần, chữ;
cách dùng dấu câu, từ hay chữ viết hoa, viết tắt, viết các con số; cách ghi dấu thanh; cách
viết từ ngữ mượn tiếng nước ngoài,... Từ đó, các quy tắc chung đưa ra giúp người dân có
cách viết chữ theo tính thống nhất, đáp ứng mọi nhu cầu trong giao tiếp, học tập, nghiên cứu
và giảng dạy… Tuy nhiên, hiện nay có hai vấn đề nổi bật về chính tả đó là thực trạng loạn
chính tả và sai chính tả. Loạn chính tả là dù đã có các văn bản quy định về chữ viết tiếng
Việt thống nhất cách viết hoa tên người, tên địa lý, thế nhưng lối viết hoa tên cơ quan hay tổ
chức xã hội vẫn còn mâu thuẫn, chưa được thống nhất trong các sách giáo khoa, giáo trình,
các văn bản hành chính… và các loại văn bản được in ấn, phát hành khác. Nói chung, các
quy định đưa ra chưa nhất quán, có quy định đơn giản nhưng hiện nay không được sử dụng,
có quy định thì phức tạp khó nhớ, có quy định lại chung chung, chưa rõ ràng. Còn thực
trạng sai chính tả thì được biểu hiện qua những ví dụ sau: Lỗi chính tả trên bảng quảng cáo
ở thành phố BMT: nhà nghĩ, sôi lạc, xúc sích rán,...; lỗi chính tả của học sinh từ lớp 1 đến
lớp 5 ở 119 lớp của 81 trường thuộc 6 tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên chiếm đến 90%
trong số chữ viết được luyện; lỗi chính tả của sinh viên trường đại học Tây Nguyên, cụ thể
trong bài tiểu luận môn Tiếng Việt thực hành của sinh viên ngành Khoa học Cây trồng khóa
2014 mắc trung bình 450 lỗi chính tả trong 100 trang luận, mỗi trang có 4-5 lỗi sai. Tác giả
đã đưa ra những nguyên nhân dẫn thực trạng trên. Đối với nguyên nhân gây loạn chính tả là
do chưa có một quy định về chuẩn chính tả cho toàn quốc để người dân thực hiện theo. Dù
trước đây đã đưa ra nhiều quy định nhưng chỉ ban hành ở phạm vi nhỏ hoặc vẫn chưa thống
nhất. Bên cạnh lý do trên, loạn chính tả còn xuất phát từ trong cấu tạo chữ viết tiếng Việt.
Đối với nguyên nhân gây ra việc viết sai chính tả là do sự lệch chuẩn từ ngôn ngữ âm thanh
so với chính tả tiếng Việt, do ảnh hưởng từ cách phát âm địa phương hoặc cách phát âm cá
3
nhân và còn do sự thiếu kiên nhẫn để rèn luyện chữ viết của thế hệ hiện đại so với thế hệ
trước. Loạn chính tả hay viết sai chính tả đều mang đến những tác hại lớn ảnh hưởng đến
bản sắc dân tộc và sự trong sáng của tiếng Việt. Hiện tượng bất tương đồng trong các văn
bản viết, sự lộn xộn chính tả gây mất thẩm mỹ, thiếu tính nhất quán đặc biệt gây ra tác động
đến sự thiếu lành mạnh của tư duy xã hội. Sự thiếu nhất quán trong các văn bản quy định
chính tả của các cơ quan ban ngành dẫn đến hệ luỵ các học sinh, sinh viên hay cán bộ công
chức không tránh khỏi lỗi sai chính tả khi soạn thảo văn bản. Vậy nên, sự cần thiết của các
quy định về chính tả tiếng Việt mà Nhà nước cần ban hành là điều thiết yếu, cấp bách để xử
lý tình trạng tồi tệ mà lỗi chính tả mang lại. Hiện nay, các quy định hiện hành về chính tả chỉ
được ban hành ở một số ngành, tổ chức. Qua 4000 năm hình thành và phát triển, chữ Quốc
ngữ đã chứng minh được vị thế quan trọng, tuy nhiên Nhà nước hiện nay vẫn chưa ban hành
một văn bản chính thức nào về quy định chuẩn hoá chính tả. Nhà nước cần ban hành quy
định thống nhất về chính tả tiếng Việt hoặc xây dựng bộ Luật về ngôn ngữ để giữ gìn bản
sắc văn hoá dân tộc thông qua chữ viết tiếng Việt. Sự chuẩn hóa ngôn ngữ của dân tộc là cần
thiết đồng thời đáp ứng các yếu tố có tính kế thừa, phát triển, khoa học và tiện lợi để tiếng
Việt có thể được truyền bá và lan tỏa trong và ngoài nước.
Ba bài báo khoa học là “Lỗi chính tả của học sinh lớp 5 dân tộc Khmer ở thành phố
Vị Thanh - Thực trạng và giải pháp” (2014), “Một số giải pháp khắc phục lỗi chính tả của
người Việt sử dụng tiếng Việt” (2017) và “Thực trạng chính tả tiếng Việt hiện nay - Sự cần
thiết ban hành quy định của nhà nước về chính tả tiếng Việt” (2018) đều nhận thức được
tầm quan trọng của chính tả tiếng Việt. Sự đồng điệu từ ba bài báo được biểu diễn qua các
luận điểm: Thực trạng, nguyên nhân, tác hại và giải pháp. Thời điểm xuất bản tuy khác
nhau, nhưng các thực trạng của chính tả tiếng Việt được trình bày trong ba bài đều cho thấy
tình trạng về lỗi chính tả vẫn còn kéo dài và chưa được giải quyết triệt để. Cả ba bài đều cho
thấy rõ những lỗi sai chính tả rất nghiêm trọng từ học sinh người Kinh cho đến học sinh dân
tộc Khmer, từ học sinh lớp 5 cho đến sinh viên đại học và người lớn, từ trong trường cho
đến ngoài xã hội. Nhưng đối với bài thứ hai và thứ ba có phần phân tích thực trạng rộng hơn
khi nhận thấy sự thiếu thống nhất giữa các quy định chính tả hiện hành gây ra loạn chính tả.
Bài báo thứ nhất với đối tượng nghiên cứu cụ thể là các học sinh lớp 5 nói chung và học
sinh dân tộc Khmer nói riêng ở thành phố Vị Thanh đã cho thấy rõ những tác hại của thực
trạng lỗi chính tả trong môi trường trường học, trong ngành nghề giáo dục, cụ thể là khiến
cho các em trở nên tự ti khi sử dụng tiếng Việt, chất lượng học tập kém và thấy được sự yếu
kém trong giáo dục.
Ở bài báo thứ hai và thứ ba, đối tượng nghiên cứu rộng hơn và các tác hại đưa ra cũng đã
bao quát cả bài báo thứ nhất. Tổng hợp cả ba bài báo thì tác hại của thực trạng này đã làm
mất đi vẻ đẹp trong sáng của tiếng Việt và gây cản trở trong giao tiếp. Dựa trên nội dung của
ba bài báo, có thể thấy nguyên nhân của lỗi chính tả tiếng Việt có thể được chia thành hai
nhóm chính: chủ quan là do thiếu kiến thức về chính tả, thói quen viết sai từ lâu, ảnh hưởng
của phương ngữ; còn khách quan là do sự phát triển của công nghệ thông tin, sự biến đổi
của tiếng Việt. Nhìn chung, ba bài báo trên đã đề xuất các giải pháp đều có giá trị thực tiễn
để nâng cao chất lượng sử dụng tiếng Việt của người Việt. Các giải pháp này cần được triển
khai rộng rãi, cần có sự phối hợp của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Nhà trường, gia
đình và cá nhân mỗi người cần có ý thức rèn luyện chính tả để góp phần xây dựng một xã

4
hội văn minh,
hiện đại.
Bác Hồ đã từng căn dặn: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý
báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng
rộng khắp.” Tiếp thu quan điểm ấy, GS.TS.NGND Trần Văn Bình khẳng định: “Bởi vì bảo
vệ trong sáng tiếng Việt chính là bảo vệ sự trong sáng của tâm hồn người Việt”. Từ kết quả
nghiên cứu của ba bài báo trên, ta có thể thấy rằng tình trạng lỗi chính tả tiếng Việt hiện nay
đang ở mức báo động, không chỉ ở học sinh mà còn ở người lớn. Muốn khắc phục lỗi chính
tả tiếng Việt là cả một quá trình lâu dài và cần có sự nỗ lực của tất cả người dân Việt Nam.
Với những giải pháp đã đề cập trong các bài báo, chúng ta cần phải thực hiện nghiêm túc để
tình trạng lỗi chính tả tiếng Việt sẽ được cải thiện cũng như bảo vệ tài sản quý báu được
hình thành và gìn giữ bao đời

TÀI LIỆU THAM KHẢO


Nguyễn, M. H và Nguyễn, T. P. N. (2018). Thực trạng chính tả Tiếng Việt hiện nay – sự cần
thiết ban hành quy định của nhà nước về chính tả Tiếng Việt. Giáo dục và Xã Hội.
https://giaoducvaxahoi.vn/en/giao-duc-dao-tao/th-c-tr-ng-chinh-t-ti-ng-vi-t-hi-n-nay-s-c-n-
thi-t-ban-hanh-quy-d-nh-c-a-nha-nu-c-v-chinh-t-ti-ng-vi-t.html
Huỳnh, H. K. N. (2014). Lỗi chính tả của học sinh lớp 5 dân tộc Khmer ở thành phố Vị
Thanh - thực trạng và giải pháp. Tạp chí Khoa học Đại học Đồng Tháp, 9, 49-53.
https://doi.org/10.52714/dthu.9.6.2014.126

Phan, T. H. X (2017). Một số giải pháp khắc phục lỗi chính tả của người sử dụng tiếng Việt.
Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Nghiên cứu Giáo dục, Tập 33(2), 68-74. Doi: 10.25073/2588-
1159/vnuer.4087

You might also like