You are on page 1of 16

BÀI 12.

PHONG CÁCH KHẨU NGỮ, PHONG CÁCH HÀNH CHÍNH,

PHONG CÁCH KHOA HỌC TRONG TIẾNG VIỆT HIỆN ĐẠI

1. Phong cách khẩu ngữ hiện đại

1.1. Định nghĩa:

Phong cách khẩu ngữ tự nhiên là phong cách giao tiếp bằng lời nói
miệng có tính phổ thông nhất, quan trọng nhất đối với đời sống con
người, được dùng cho tất cả mọi thành viên trong cộng đồng xã hội.

1.2. Quá trình hiện đại hóa khẩu ngữ tiếng Việt

Hiện nay, khẩu ngữ tiếng Việt đã được hiện đại hóa.

Quá trình hiện đại hóa khẩu ngữ tiếng Việt chịu tác động bởi những
yếu tố lịch sử, văn hóa, xã hội: chính sách đổi mới của Nhà nước từ 1986
đến nay, các làn sóng phát triển của khoa học công nghệ, kinh tế tri thức,
sự phát triển của hệ thống giáo dục- đào tạo, nhận thức của các tầng lớp
nhân dân và đặc biệt là nhận thức của thanh thiếu niên đã có những bước
chuyển biến nhất định, xu hướng tiếp xúc với các ngoại ngữ và du nhập
một số yếu tố ngoại lai vào tiếng Việt.

Biểu hiện của quá trình hiện đại hóa khẩu ngữ tiếng Việt: vốn từ, ngữ
phong phú hơn, có các yếu tố ngoại lai trong tiếng Việt, các từ, ngữ mới,
lạ xuất hiện.

1.3. Một số đặc điểm cơ bản của phong cách khẩu ngữ hiện đại

Thứ nhất, phong cách khẩu ngữ tự nhiên trong tiếng Việt gắn liền với
những đặc điểm văn hóa truyền thống, với thói quen, tập quán của người
Việt Nam.
Thứ hai, phong cách khẩu ngữ tự nhiên giàu sắc thái biểu cảm, sinh
động.

Thứ ba, phong cách khẩu ngữ tự nhiên chứa nhiều hiện tượng dư, lặp
về mặt ngôn ngữ.

Thứ tư, phong cách khẩu ngữ tự nhiên có tính đa dạng, không tập
trung, đứt đoạn và không liên tục.

Thứ năm, về vấn đề sử dụng từ ngữ trong phong cách khẩu ngữ tự
nhiên: Một là, phong cách khẩu ngữ tự nhiên có khả năng thu hút, tái tạo
lại vốn từ ngữ của các phong cách chức năng khác. Hai là, trong phong
cách khẩu ngữ tự nhiên có hiện tượng rút gọn các thành phần câu trong
giao tiếp.

Thứ sáu, phong cách khẩu ngữ tự nhiên có khả năng chuyển hóa, chứa
đựng khả năng phong phú làm tiềm tàng cho phong cách nghệ thuật. Thứ
bảy, ngữ điệu có vai trò quan trọng trong phong cách khẩu ngữ tự nhiên,
thể hiện thái độ, cảm xúc, định hướng giao tiếp của người tham gia giao
tiếp. Thứ tám, phong cách khẩu ngữ tự nhiên gắn liền với đặc trưng văn
hóa dân tộc (văn hóa giao tiếp, văn hóa tâm linh). Thứ chín, phong cách
khẩu ngữ tự nhiên thể hiện đặc điểm loại hình ngôn ngữ của tiếng Việt (ví
dụ: vấn đề “iếc hóa”, “ung hóa”). Thứ mười, phong cách khẩu ngữ tự
nhiên tồn tại ở hai dạng: dạng giao tiếp có tính chất gia đình và dạng giao
tiếp có tính chất xã hội.

1.4. Xu hướng phát triển của khẩu ngữ hiện đại

Khẩu ngữ hiện đại có thể có một số xu hướng phát triển như sau:

Thứ nhất, khẩu ngữ hiện đại ngày càng súc tích, ngắn gọn. Thứ hai,
khẩu ngữ hiện đại sẽ có vốn từ ngày càng phong phú, có chứa nhiều yếu
tố ngoại lai hơn trước (do có sự giao lưu, hợp tác phát triển giữa Việt
Nam với các nước khác trên thế giới, do tiếng Việt có sự tiếp xúc, giao
thoa với các ngôn ngữ khác). Thứ ba, khẩu ngữ hiện đại sẽ chịu ảnh
hưởng nhiều của các từ, ngữ mà thanh thiếu niên hay dùng. Thứ tư, khẩu
ngữ hiện đại có thể sẽ giảm đi một số yếu tố văn hóa truyền thống, nếu
các thế hệ sau ít dùng các yếu tố này trong hoạt động giao tiếp.

2. Phong cách hành chính tiếng Việt hiện đại

2.1. Định nghĩa:

Là phong cách được sử dụng để trao đổi những công việc hành chính
sự vụ hàng ngày giữa các cơ quan hành chính, các đoàn thể, các cấp từ
Trung ương xuống địa phương với các thành viên và bộ phận xã hội có
liên quan.

Tên gọi khác: Phong cách hành chính, phong cách hành chính sự vụ

2.2. Quá trình hình thành phong cách hành chính tiếng Việt hiện đại

Từ năm 1975, sau khi giải phóng miền Nam Việt Nam, đất nước thống
nhất trên toàn vẹn lãnh thổ, phong cách hành chính đã có những biến đổi
so với trước: về hình thức, cách thức trình bày, một số từ ngữ, khuôn cấu
trúc dùng trong văn bản thuộc phong cách hành chính.

Từ khi có chính sách đổi mới năm 1986, phong cách hành chính tiếng
Việt hiện đại lại có những bước chuyển biến mới: một số quy định về
cách thức trình bày, cách viết tắt, cách sắp xếp các mục trong văn bản
hành chính công vụ.

Hiện nay, do hoạt động giao tiếp trong lĩnh vực hành chính ngày càng
mở rộng, do việc quan hệ đối ngoại,hợp tác phát triển, quan hệ liên ngành
ngày càng được tăng cường, văn bản hành chính tiếng Việt có một số yêu
cầu chặt chẽ và chi tiết hơn, nhằm đảm bảo thực hiện được mục đích giao
tiếp trong lĩnh vực hành chính.

2.3. Một số đặc điểm cơ bản của phong cách hành chính

Thứ nhất, phong cách hành chính có đặc điểm về quan hệ của người
tham gia giao tiếp.

Quan hệ của những người tham gia giao tiếp trong phong cách hành
chính có tính không bình đẳng, nhằm mục đích thực thi công việc sự vụ.

+ A: người ra lệnh, yêu cầu- B: người thực hiện

+ C: người kiến nghị, đề nghị - D: người được kiến nghị, đề nghị

Tính chất văn bản phụ thuộc trực tiếp vào các vai giao tiếp và phạm vi
giao tiếp, trong đó phạm vi giao tiếp đóng vai trò quyết định. Văn bản
hành chính không chính quy: chỉ chú ý vào nội dung chính của công việc
cần thông báo. Người viết hầu như ít chú ý đến mặt hình thức (tức là các
quy định về khuôn, mẫu của văn bản). Khi phạm vi giao tiếp ở mức độ
quy mô hơn thì văn bản được xác định chuẩn mực hơn. Trong phong cách
hành chính- công vụ, các văn bản chính quy bao giờ cũng đóng vai trò
chủ yếu, quyết định cho toàn bộ tính chất và đặc điểm sử dụng ngôn ngữ
của phong cách này. Mặc dù có sự khác nhau về tính chất và chuẩn mực,
các văn bản hành chính- công vụ vẫn có điểm chung về cách thức trình
bày các cứ liệu và diễn giải các vấn đề, tuy nội dung đề cập không giống
nhau.

Thứ hai, phong cách hành chính có đặc điểm về hoạt động và tính
khuôn mẫu. Phong cách này có chức năng thông báo, đảm bảo thông tin
được truyền đạt và phản hồi một cách ngắn gọn nhất, có hiệu quả nhất.
Tính chất nổi bật: mệnh lệnh (trên- dưới, nhà nước- nhân dân, tập thể- cá
nhân), yêu cầu (ngang nhau, dưới – trên, cá nhân- tập thể).
Khung: Người yêu cầu- Nội dung- Người tiếp nhận

Nhiễu Truyền tin

Mã hóa

Người nói/ viết- Thông tin- Người nghe/ đọc

Thông điệp

Giải mã

Phản hồi

* Tính khuôn mẫu đồng loạt:

Hiện nay, chúng ta có các loại mẫu in sẵn, các khuôn chung: đơn từ,
giấy mời, quyết định, quyết nghị, hóa đơn, chứng từ, công hàm, công
ước, hợp đồng, ly hôn, kết hôn, công lệnh, chứng nhận, văn bằng…

Về nguyên tắc, chúng ta cần xác định một hệ thống các văn bản loại
này thống nhất từ trên xuống dưới để văn bản có tính chất chính quy và
đạt được các tiêu chuẩn của phong cách hành chính- công vụ.

Đối với các văn bản cùng loại, sự thiếu thống nhất trong khuôn mẫu
trình bày đang là một vấn đề tồn tại cần phải giải quyết.

Thứ ba, phong cách hành chính có tính phi biểu cảm. Công việc hành
chính, sự vụ không phải là công việc thuần túy giữa các cá nhân mà là
công việc được thực hiện trên cơ sở pháp luật cùng với các quy định
mang tính hành chính. Phong cách này có tính một nghĩa, tránh mập mờ
nước đôi, không được sử dụng loại nghĩa hình tượng, ngôn ngữ phải rõ
ràng, chính xác.; không sử dụng các từ, các câu tình thái. Trong phong
cách này, người ta chỉ sử dụng hạn chế các khuôn mẫu biểu cảm ở phần
đầu/ phần kết thúc nếu cần (ở phần biên, không ở phần tâm).

VD: Văn bản Đơn: mang tính quy chuẩn, công thức, không mang sắc
thái biểu cảm; phải dựa vào các tiêu chuẩn mang tính pháp luật; có giá trị
về hiệu quả kinh tế, làm nên tính ngắn gọn, súc tích trong sử dụng ngôn
ngữ của phong cách này. Đối với người soạn đơn thì có mẫu, đỡ phải
nghĩ, tránh phải soạn thảo văn bản nhiều lần, chỉ cần điền thông tin vào
những chỗ trống, không dùng từ biểu cảm tiết kiệm thời gian; trình bày
theo đúng quy chuẩn hơn. Đối với người tiếp nhận: thì họ đọc văn bản
ngắn thì nhanh hơn, tránh mất thời gian; tránh tiếp xúc với ngôn từ dư
thừa, tránh mệt mỏi, hiệu quả cao hơn; tiếp nhận đầy đủ thông tin, không
cần mất quá nhiều thời gian. Tính phi biểu cảm mang lại tính khách quan
cho cả người truyền tải và người tiếp nhận thông tin. Tính đồng nhất sẽ
mang lại tính quy chuẩn hơn để sử dụng thống nhất.

Ví dụ: sắc lệnh, nghị định, quyết định, thông tư, chỉ thị, thông báo.

Ví dụ: mẫu đơn có phần kính gửi thì đối tượng tiếp nhận đuợc coi trọng
hơn.

Thứ tư, phong cách hành chính có tính hệ thống, đồng bộ, thống nhất:

Về phương diện hình thức: tổ chức các chương, mục, các vấn đề được
đưa ra, sử dụng hệ thống các chữ số La Mã, các hệ thống chữ cái; đảm
bảo trong văn bản không có sự lặp đi lặp lại, không có sự mâu thuẫn giữa
các phần, đảm bảo hiệu quả giao tiếp đạt mức cao nhất. Chúng ta cần chú
ý tới phương diện nội dung và mối quan hệ giữa hình thức và nội dung.

Ngoài ra, cần chú ý tới các yếu tố sau đây: bối cảnh giao tiếp, kỹ năng
giao tiếp, khung tham chiếu, mục đích giao tiếp, môi trường giao tiếp,
thông điệp (ngôn ngữ, hành động phi ngôn ngữ, giải mã), tín hiệu, mạng
ngữ nghĩa, nhiễu.

Thứ năm, phong cách hành chính có tính ngắn gọn, súc tích, không đa
nghĩa, truyền đạt thông tin nhanh, tạo ra cách hiểu duy nhất chung cho
mọi người. Trong phong cách này, chúng ta không được dùng các kiểu
cấu trúc ngữ pháp, các từ ngữ mơ hồ về nghĩa; chủ yếu dùng văn tường
thuật, mệnh lệnh. Tính ngắn gọn, súc tích, không đa nghĩa là tính chất
điển hình nhất của phong cách hành chính- công vụ. Tác hại của tình
trạng đa nghĩa là làm sai lạc tinh thần của luật pháp, xuyên tạc giá trị
chân thực của văn bản.

Thứ sáu, phong cách hành chính có tính trang trọng, tính quốc tế. Ngôn
ngữ dùng để truyền đạt những thông tin có tính hành chính, luật pháp.
Công ước, công hàm, tối hậu thư, quyết định, quyết nghị bắt buộc mang
tính quốc tế, mang tính trang trọng. Các công việc gắn liền với phong
cách hành chính- công vụ không phải sự trao đổi mang tính cá nhân. Tất
cả các bên tham gia đuợc tôn trọng. Văn bản thuộc phong cách hành
chính-công vụ được xem như là công cụ của luật pháp. Tính chất này của
phong cách hành chính cho phép chuyển dịch các văn bản một cách
tường minh, chính xác. Đặc điểm này giúp chúng ta phân biệt phong cách
hành chính- công vụ với phong cách nghệ thuật, có tính truyền thống cao
(không chuyển dịch theo nghĩa trực tiếp). Trong phong cách này, người ta
dùng từ Hán- Việt.

Thứ bảy, phong cách hành chính có đặc điểm về cách nói tắt, viết tắt.
Văn bản thuộc phong cách này có tính chất súc tích, ngắn gọn nên có lợi
ích là giúp những người tham gia hoạt động giao tiếp tiết kiệm ngôn ngữ.
Hiện nay, trong các văn bản thuộc phong cách hành chính, việc viết tắt
không thống nhất nên chúng ta cần phải có quy định rõ ràng về việc viết
tắt.

Thứ tám, phong cách hành chính có tính quy ước và tính khả biến theo
thời gian. Tính quy ước của văn bản thuộc phong cách hành chính- công
vụ là quy định do các cơ quan đặt ra. Ví dụ như:Quốc hiệu, tiêu ngữ, địa
điểm, ngày tháng soạn văn bản. Cấu trúc của văn bản thuộc phong cách
hành chính- công vụ có thể thay đổi theo thời gian.

Thứ chín, phong cách hành chính có một số đặc điểm về việc sử dụng
từ ngữ như sau: thông dụng, dễ hiểu; một số thuật ngữ được dùng theo
hướng đại chúng hóa; từ ngữ khó thường được giải thích trên văn bản.
Trong văn bản thuộc phong cách hành chính- công vụ, những người tham
gia hoạt động giao tiếp dùng các từ toàn dân có tính chuẩn mực cao,
không dùng từ địa phương, biệt ngữ, tiếng lóng; thiên về câu có kết cấu
diễn dịch, có xu thế ngắn gọn, có thể cho phép dùng câu tỉnh lược.

* Các dạng tồn tại của văn bản thuộc phong cách hành chính:

Cách thứ nhất, phân chia theo khu vực quản lý hành chính và ngành
nghề thì có các loại văn bản sau:

- Văn bản hành chính

- Văn bản ngoại giao

- Văn bản luật pháp chính trị

- Văn bản dùng trong quốc phòng

- Văn bản dùng trong thương mại- kinh tế

Cách thứ hai, dựa vào cấu trúc của văn bản thì có các loại văn bản sau:
- Các văn bản có cấu trúc đơn giản: giấy gọi, giấy báo, công văn, giấy
mời, văn bằng, đơn từ, điện tín, điện báo, công điện, điện mừng, quốc
thư, công hàm…

- Các văn bản có cấu trúc tương đối phức tạp: sắc lệnh, thông đạt, chỉ
thị, quyết định, nghị định, thông tư, điều lệnh, quân lệnh…

- Các văn bản có cấu trúc phức tạp: pháp lệnh, điều luật, hiến pháp,
điều lệ, quy chế, hiệp ước, hiệp định,…

Cách thứ ba, dựa vào tính chất của văn bản thì có các loại văn bản sau:

- Văn bản quy phạm pháp luật

- Văn bản không có tính quy phạm pháp luật

2.4. Vài vấn đề về chuẩn hóa phong cách hành chính

Việc chuẩn hóa phong cách hành chính rất quan trọng, giúp cho việc
trao đổi, thực hiện các nội dung, các công việc hành chính sự vụ chính
xác, tiện lợi, đạt hiệu quả giao tiếp.

Việc chuẩn hóa phong cách hành chính cần dựa trên một số cơ sở
như: a)Có các hội thảo, đề xuất về việc chuẩn hóa phong cách hành
chính. b)Chính sách của Nhà nước. c)Văn bản quy định cụ thể của Nhà
nước về việc trình bày văn bản hành chính (bao gồm cả hình thức và nội
dung văn bản). d) Việc thực hiện cụ thể ở các đơn vị, cơ quan hành chính.

3. Phong cách khoa học tiếng Việt

3.1. Định nghĩa

Là phong cách được dùng để trao đổi những vấn đề có liên quan
đến việc nghiên cứu, phổ biến và phát triển khoa học.
Phong cách khoa học có phạm vi hẹp hơn phong cách hành chính-
công vụ. Đối tượng của phong cách này là các nhà khoa học, các giáo sư,
tiến sĩ, người làm công tác giảng dạy, cán bộ nghiên cứu, giáo viên, sinh
viên và học sinh. Ngôn ngữ chủ yếu được dùng trong phong cách này là
ngôn ngữ viết (ở các hội thảo, người ta dùng cả ngôn ngữ viết và ngôn
ngữ nói trong phong cách này).

3.2. Một số đặc điểm cơ bản của phong cách khoa học

Thứ nhất, về chức năng ngôn ngữ, nhiệm vụ của người viết văn bản
thuộc phong cách khoa học là giải thích, chứng minh làm sáng tỏ ý nghĩa
của các sự kiện với tư cách là cơ sở cho một luận điểm hay một quan
niệm lý thuyết nhất định. Vì thế, văn bản thuộc phong cách này có chức
năng chính là diễn giải và tác động (tác động thiên về lý trí, lấy lý luận
làm cơ bản; khác phong cách nghệ thuật thiên về tình cảm, lấy biểu tượng
làm cơ bản).

Thứ hai, phong cách khoa học có tính chất bình đẳng trong sử dụng
ngôn ngữ, các vai giao tiếp luôn bình đẳng với nhau, có vị trí khách quan
như nhau, ngôn ngữ lạnh lùng, vô can, có tính khách quan. Tính chất này
thể hiện rõ vấn đề chân lý của một văn bản khoa học được thừa nhận dựa
trên cái mới về tư liệu khoa học, khả năng phân tích, lý giải tư liệu của
người viết, không phụ thuộc vào vị thế của người viết. Văn bản thuộc
phong cách khoa học trả lời câu hỏi: Đúng hay sai? (trong khi đó văn bản
thuộc phong cách hành chính- công vụ trả lời cho câu hỏi: có hay
không?). Tính bình đẳng của phong cách này thể hiện ở đặc điểm, mọi
người đều có quyền bình đẳng đối với việc soạn thảo văn bản, chữ ký của
những người soạn thảo văn bản khoa học có giá trị như nhau (khác với
văn bản thuộc phong cách hành chính- công vụ: quy định rõ về quyền
hạn, trách nhiệm của người soạn thảo văn bản). Từ góc độ tiếp nhận văn
bản, đối tượng của phong cách khoa học hoạt động có tính tự do, lựa
chọn theo sở thích, quan niệm (còn đối tượng của phong cách hành chính-
công vụ thì hoạt động không được tự do, buộc phải thực hiện theo luật lệ,
quy ước xã hội; có hay không thực hiện văn bản sẽ trực tiếp liên quan đến
trách nhiệm của cá nhân, tập thể trước pháp luật).

Thứ ba, phong cách khoa học có tính khách quan vì một hiện tượng
khoa học không phụ thuộc vào tình cảm, thái độ chủ quan, phụ thuộc vào
sự vật, chân lý khách quan, lạnh lùng, khách quan. Người soạn thảo văn
bản thuộc phong cách khoa học sử dụng từ ngữ không theo thái độ chủ
quan. Văn bản thuộc phong cách này có từ chỉ thái độ nhưng các từ này
có số lượng hạn chế, là yếu tố biên, xuất hiện ít.

Thứ tư, phong cách này có tính trừu tượng và khái quát hóa. Tính chất
này thể hiện ở tư duy biện chứng, tư duy logic, xây dựng điển hình hóa.
Tính chất trừu tượng và khái quát hóa thể hiện ở việc xác lập các mối
quan hệ, liên hệ giữa các sự vật, hiện tượng,mô hình hóa những quan hệ
bản chất nhất giữa chúng, tránh nhận thức lẻ tẻ, rời rạc, cảm tính.

Thứ năm, phong cách khoa học có tính ngắn gọn khúc triết và lô gích
chặt chẽ. Đây là tính chất cơ bản,rất quan trọng, cần thiết. Cách hành văn
trong phong cách khoa học thiên về sự ngắn gọn, cô đúc, không rườm rà,
theo một logic nhất định; phần trước không mâu thuẫn phần sau. Lý luận
không được phủ định các dẫn chứng đưa ra làm cơ sở.

Thứ sáu, phong cách này có tính một nghĩa và phi hình tượng. Đặc
điểm này thể hiện ở chỗ, trong phong cách này, người tham gia vào hoạt
động giao tiếp không dùng cách nói của văn học, viết văn bản một cách
cụ thể, chính xác; không dùng câu mơ hồ, chập cấu trúc, câu đa nghĩa.
Thao tác của tư duy khoa học là trừu tượng, khái quát hóa nhưng khi thể
hiện trên văn bản thì phải cụ thể, rõ ràng, chính xác. Trong phong cách
này, chúng ta không sử dụng những từ quá bóng bẩy, quá hình tượng.

Thứ bảy, phong cách khoa học có đặc điểm về sử dụng từ, ngữ như
sau:

- Tính thuật ngữ cao. Các khái niệm, thuật ngữ có tính chuyên ngành,
hệ thống cao. Tập hợp các từ ngữ được dùng trong phong cách khoc học
làm thành từ điển chuyên ngành.

- Dùng đại từ ngôi thứ 1, 3. Kết cấu chặt chẽ.

- Trong văn bản khoa học: có khuynh hướng định danh.

- Danh từ dùng nhiều hơn động từ.

- Kết cấu câu chặt chẽ, vô nhân xưng, lô gic, một nghĩa, phi hình
tượng.

- Thường sử dụng câu tường thuật, giải thích; câu ghép, mở rộng thành
phần, thuật ngữ trang trọng; câu vô nhân xưng hoặc đủ các thành phần,
không dùng câu tỉnh lược, cảm thán.

- Sử dụng các cụm từ, quán ngữ, cặp sóng đôi: từ chỗ...chúng tôi đi
đến; theo con số thống kê về..., chúng tôi có thể đi đến 1 kết luận như
sau....

- Trong phong cách khoa học không sử dụng từ địa phương, tiếng
lóng; dùng tiếng toàn dân.

- Một số trường hợp dùng câu thể hiện ý bị động.

* Các dạng tồn tại của phong cách khoa học


- Văn bản phổ biến khoa học thường thức : Loại văn bản này có thể
tồn tại dưới dạng bài báo ngắn, cuốn sách, đề cập tới kiến thức tối thiểu,
dung lượng tương đối ngắn, vấn đề khoa học đời sống.

- Báo cáo khoa học: Là những văn bản thông báo kết quả nghiên cứu,
những người làm công tác chuyên ngành, văn phong, sử dụng nhiều thuật
ngữ.

- Kỷ yếu khoa học: Là những cuốn sách tập hợp các bài nghiên cứu,
tóm tắt và đầy đủ; đã được báo cáo trong hội thảo.

- Thông báo khoa học: Là các bài chưa có dịp in ấn; tổng hợp, liên
ngành hoặc chuyên ngành.

- Thông tin khoa học: Là những bài viết được đóng thành quyển, cuốn
dung lượng nhỏ (tổng hợp hay liên ngành; chuyên ngành).

- Tập san khoa học: Là các bài nghiên cứu trong phạm vi nội bộ.

- Tạp chí khoa học: Là các bài ở mức độ chuyên sâu, tính chuyên môn
cao; đối tượng: hẹp, văn phong khoa học cao, thuật ngữ chuyên sâu, tạp
chí chuyên ngành, liên ngành.

- Sách giáo khoa: Là những văn bản phổ biến, phục vụ cho giáo dục
phổ thông, hệ thống, từ lớp 1 đến hết trung học phổ thông, chuẩn
mực,khoa học, dễ hiểu, sử dụng thuật ngữ từ ít đến nhiều.

- Giáo trình: là những tài liệu phục vụ cho hoạt động đào tạo, nghiên
cứu ở bậc cao đẳng, đại học; có các thuật ngữ chuyên ngành riêng.

- Sách chuyên luận: Là loại văn bản chuyên sâu hơn giáo trình, dành
cho học viên cao học, nghiên cứu sinh, các nhà nghiên cứu.
- Khóa luận khoa học: Là công trình tập sự nghiên cứu; hiện nay là
công trình tốt nghiệp cao đẳng hoặc đại học; nghiên cứu bước đầu về
khoa học cụ thể; thuật ngữ chuẩn mực, chuyên môn.

-Luận văn khoa học: Là công trình có đóng góp về lí luận, thực tiễn;
hiện nay là luận văn thạc sĩ, có nhiều thuật ngữ chuyên ngành.

- Luận án khoa học: Là cơ sở đánh giá thạc sĩ và tiến sĩ; hiện nay là
luận án tiến sĩ.

3.3 Vài vấn đề về phiên âm thuật ngữ khoa học

Vấn đề phiên âm thuật ngữ khoa học trong các văn bản hiện nay chưa
thực sự thống nhất. Các cơ quan có thẩm quyền cần có văn bản quy định
cụ thể về vấn đề phiên âm thuật ngữ khoa học trong các loại văn bản để
người soạn thảo có thể dùng các thuật ngữ khoa học được phiên âm một
cách thống nhất, đồng bộ. Đồng thời, người tiếp nhận văn bản có thể tiếp
nhận được các thuật ngữ khoa học một cách chính xác, đồng bộ, hiệu quả
hơn.

Câu hỏi thảo luận

1) Em hãy thiết lập một đoạn hội thoại trong bối cảnh giao tiếp của
năm 2040 và phân tích đặc điểm ngôn ngữ của phong cách khẩu ngữ tự
nhiên trong đoạn hội thoại đó.

2). Khi nói tới phong cách hành chính công vụ, người ta cần chú ý tới
đặc điểm/ điều kiện gì về phương diện giao tiếp? (Hoạt động giao tiếp
trong PCHCCV thế nào?)

3) Vì sao người ta không dùng các từ địa phương, biệt ngữ, tiếng lóng
trong PC HCCV?
4). Giả sử 100 người viết cùng 1 loại văn bản là: Đơn xin việc làm theo
100 cách khác nhau thì khi đó sẽ có những hạn chế nhất định trong việc
tiếp nhận thông tin. Vì vậy, văn bản thuộc PCHCCV cần phải đảm bảo
tính chất gì?

5). Em thấy có những từ, ngữ, câu nào trước đây từng được sử dụng
trong các VB thuộc PCHCCV nhưng đến nay không được sử dụng trong
VB thuộc PC HCCV nữa? Em thấy có những từ, ngữ, câu nào được sử
dụng trong VB HCCV hiện nay mà trước đây chưa có trong các VB loại
này? Từ đó, em hãy nêu 1 đặc điểm của VB thuộc PCHCCV! (= Theo em,
PC HCCV cần có đặc điểm gì?)

6). Em hãy kể tên các đặc điểm của văn bản thuộc phong cách hành
chính công vụ. Sau đó, em hãy chọn một đặc điểm để phân tích, lấy ví dụ
minh họa.

7) Chức năng ngôn ngữ của phong cách khoa học là gì?

8) Nếu như những người tham gia hoạt động giao tiếp sử dụng nhiều
từ biểu thị tình thái/ nhiều từ biểu cảm trong văn bản khoa học thì sẽ dẫn
đến kết quả như thế nào?

9) Đối với sách giáo khoa, em thấy tính khúc chiết, chặt chẽ của nó
được thể hiện như thế nào?

10) Theo em, văn bản thuộc phong cách khoa học có đặc điểm gì rất
quan trọng tạo nên sự khu biệt giữa phong cách này với phong cách nghệ
thuật?

11) Em hãy chọn một văn bản thuộc phong cách khoa học rồi phân tích
cấu trúc của văn bản đó.

Bài tập luyện kĩ năng


1). Em hãy phân tích các đặc điểm của phong cách khẩu ngữ tự nhiên
trong các câu, đoạn sau đây:

a. Gió đưa cây cải về trời

Để rau răm lại chịu đời đắng cay. (Ca dao)

b. Nhớ ngày nào em còn rất trẻ

Tung tăng theo mẹ viếng sư ông

Chùa làng thanh bạch trưa quạnh quẽ

Một bước nhân duyên đã say lòng

(Trích đoạn 1 trong bài “Nhân duyên” của tác giả Hữu Đạt, trang 20)

2) Em hãy viết một tờ đơn xin việc làm (văn bản thuộc phong cách hành
chính công vụ) và phân tích đặc điểm ngôn ngữ của phong cách hành
chính công vụ trong tờ đơn xin việc đó.

3) Em hãy lập đề cương cho một công trình nghiên cứu khoa học có độ
dài từ 1,5 đến 2 trang A4.

You might also like