You are on page 1of 24

Chương 1

KỸ NĂNG VIẾT ĐƠN


1.1. KHÁI QUÁT CHUNG VỀ ĐƠN TỪ
1.1.1. Khái niệm
Đơn là loại văn bản mà một cá nhân hay tập thể dùng để đề đạt một nguyện vọng,
yêu cầu với một người hay với một cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết những
nguyện vọng, yêu cầu đó. Đơn có thể được in sẵn, có thể được viết ra giấy; có thể theo mẫu
hoặc không theo mẫu, … Dù ở dạng nào thì thông tin trong đơn cũng phải đảm bảo tính
chính xác và đầy đủ.
Đơn từ rất hay gặp trong đời sống. Đây là loại văn bản được sử dụng trong lĩnh vực
quản lý hành chính: đơn đề nghị, đơn trình bày, đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn xin (đơn
xin nghỉ học, đơn xin việc, đơn xin học bổng),…
1.1.2. Đặc điểm
1.1.2.1. Đặc điểm về phong cách
Căn cứ vào các lĩnh vực, phạm vi, điều kiện giao tiếp; người ta chia văn bản thành
các loại phong cách khác nhau. Tùy thuộc vào mục đích giao tiếp mà mỗi loại văn bản lại
có những đặc trưng khác nhau. Đơn từ là loại văn bản thuộc phong cách hành chính với
những đặc trưng nổi bật là: có tính hành chính - công vụ; hình thức trình bày mang tính
khuôn mẫu; ngôn ngữ diễn đạt mang tính nghi thức, trang trọng.
Đơn từ luôn đảm bảo những đặc điểm cơ bản của văn bản hành chính. Đó là:
Tính chính xác - minh bạch
Đặc điểm này làm cho văn bản luôn có nội dung chính xác, rõ ràng; không làm cho
các thành viên giao tiếp hiểu sai lệch nội dung. Tính minh bạch trong nội dung câu chữ thể
hiện ở chỗ sử dụng từ, câu đơn nghĩa, ngôn ngữ diễn đạt trong sáng, rõ ràng, mang tính
khách quan và dễ hiểu, không có những lối diễn đạt hình tượng có thể hiểu theo nhiều
nghĩa. Thông tin trong đơn luôn phải đảm bảo tính chính xác và đầy đủ.
Tính nghiêm túc - khách quan

4
Tính nghiêm túc vốn là thuộc tính của các loại văn bản hành chính. Vì vậy, các câu
chữ trong loại văn bản này phải đảm bảo tính khách quan, không hoặc ít chứa đựng cảm
xúc hoặc đánh giá chủ quan của cá nhân.
Để cho văn bản mang tính khách quan, nghiêm túc thì đơn thường không dùng các
câu cảm thán, câu hỏi tu từ, không dùng tiếng lóng và không nên dùng tiếng địa phương.
Ở đơn từ, đôi khi dấu ấn chủ quan của từng cá nhân sẽ xuất hiện trong một chừng mực nhất
định.
Tính khuôn mẫu
Tính khuôn mẫu là tính qui định chung về cách thức trình bày văn bản áp dụng cho
tất cả các thành viên giao tiếp có liên quan tới nội dung văn bản. Ví dụ đơn xin việc được
dùng cho tất cả những người đang có nhu cầu muốn có việc làm ở một vị trí nào đó. Đơn
kiến nghị được dùng cho tất cả những người muốn đề đạt, khiếu nại, giải quyết một vấn đề
của cá nhân hoặc tập thể... Và những người này khi viết đơn thì phải làm theo khuôn mẫu
của kiểu đơn đó.
Tính khuôn mẫu của đơn từ thể hiện qua sự qui phạm theo những mẫu nhất định.
Người viết bắt buộc phải tuân theo những khuôn mẫu đó, nếu vi phạm thì mục đích, hiệu
quả của đơn sẽ bị ảnh hưởng.
Việc sử dụng rộng rãi theo mẫu những phương tiện quy định, quy phạm là dấu hiệu
phân biệt nổi bật của các văn bản thuộc loại phong cách này. Khác với tất cả các phong
cách chức năng khác, văn bản thuộc phong cách hành chính - công vụ thường có tính khuôn
mẫu đồng dạng. Vì thế, người ta có thể đưa ra các loại mẫu in sẵn, các “khuôn” chung để
có thể tạo ra các văn bản đồng loạt như nhau. Khi sử dụng, người ta chỉ việc đưa vào đó
những chi tiết bổ sung, những nội dung thích hợp với mục đích.
Trong các loại văn bản thuộc phong cách hành chính - công vụ thì đơn từ có hình
thức tự do hơn những loại văn bản như quyết định, nghị định, chỉ thị, thông tư,… Có hai
loại: loại văn bản có sẵn mẫu, người viết chỉ cần điền thông tin vào chỗ trống (đơn in) và
loại người viết tự viết không theo mẫu (đơn viết tay). Tuy nhiên, dù viết theo loại nào thì
đơn từ cũng có những công thức diễn đạt chung và thứ tự các mục trong đơn là giống nhau.

5
Ba đặc điểm về phong cách của đơn từ như đã nêu trên (tính chính xác - minh bạch,
tính nghiêm túc - khách quan, tính khuôn mẫu) được biểu hiện rõ rệt hơn trong những đặc
điểm về ngôn ngữ.
1.1.2.2. Đặc điểm về ngôn ngữ
Trong phong cách hành chính - công vụ nói chung và đơn từ nói riêng, ngôn ngữ
hoạt động chủ yếu nhằm thực hiện chức năng thông báo. Mọi cách tổ chức ngôn ngữ đều
hướng tới việc làm thế nào đề truyền đạt thông báo sao cho ngắn gọn và có hiệu quả nhất.
Các đặc trưng của phong cách hành chính - công vụ chi phối việc dùng từ ngữ, cách
đặt câu cho loại văn bản này. Đơn từ thuộc loại văn bản hành chính nên cũng mang đầy đủ
các đặc điểm cơ bản về từ, về câu trong văn bản hành chính.
Đặc điểm cơ bản về từ
Người viết đơn thường sử dụng một lớp từ chuyên biệt với tần số cao. Đó là lớp các
từ hành chính mang tính pháp quy chặt chẽ. Các từ ngữ này cũng có tính đơn nghĩa và đòi
hỏi việc sử dụng phải chính xác, thích hợp với nội dung của văn bản và mức độ của vấn
đề.
Ngoài ra, loại văn bản này thường sử dụng lớp từ toàn dân, có tính phổ thông rõ ràng,
chính xác; tránh dùng các từ địa phương, tránh các tiếng lóng và các biệt ngữ. Như vậy,
đặc điểm ngôn ngữ của loại văn bản đơn từ chính là thông dụng và dễ hiểu.
Thuộc vào hệ thống thuật ngữ của đơn từ, có thể kể đến những từ ngữ sau đây:
- Tên gọi của đơn: Đơn xin..., Đơn đề nghị về việc, ...
- Tên gọi tổ chức cơ quan, đoàn thể: Ủy ban nhân dân, Bộ y tế, Sở Giáo dục và đào
tạo, Viện khoa học xã hội, …
- Từ ngữ thuộc về thể thức: kính gửi, đồng kính gửi, đề nghị, …
Đặc điểm cơ bản về câu
Khi viết đơn, người viết ưu tiên sử dụng câu trần thuật. Các kiểu câu nghi vấn, cảm
thán không thích hợp với loại văn bản này.
Câu thường là câu dài để trình bày trọn vẹn nội dung. Các thành phần đồng chức của
câu trong văn bản thường được ngắt thành từng dòng tạo sự mạch lạc rõ ràng.

6
Câu phải mang tính khách quan, không sử dụng các phương tiện biểu cảm. Câu phải
có nghĩa tường minh, các thành phần câu phải được sắp xếp hợp lí để tránh các cách hiểu
khác nhau.
Ở loại văn bản này, cú pháp thường thiên về kết cấu diễn dịch, hay dùng các câu liệt
kê, các câu tường thuật, giải thích nhằm cụ thể hóa các câu và mệnh đề khái quát. Kết cấu
câu có xu thế ngắn gọn. Trong những hoàn cảnh cụ thể cho phép dùng các câu tỉnh lược
(thường là tỉnh lược bộ phận chủ ngữ). Một số thói quen sử dụng từ ngữ hoặc một số quán
ngữ hay được dùng như:
….. kính mong…giải quyết.
Kính đề nghị…
Tôi xin chân thành cảm ơn.
Đơn từ ưa sử dụng những câu tường thuật, những câu cầu khiến; không sử dụng
những câu hỏi, câu cảm thán; sử dụng những câu đơn đầy đủ hai thành phần với trật tự
thuận, không sử dụng trật tự ngược. Đơn từ không sử dụng lời nói trực tiếp, không sử dụng
những từ tình thái và những cấu trúc có nội dung đưa đẩy.
Cú pháp trong đơn có xu hướng phân loại, trình bày chi tiết, xem xét các quan hệ
nhân – quả, điều kiện – kết quả trong sự thống nhất với nội dung trong đơn.
Bài tập 1
Đơn sau mắc một số lỗi về từ và câu. Hãy chỉ ra các lỗi sai và sửa lại.

7
1.2. CẤU TRÚC CỦA ĐƠN
Nói tới các văn bản hành chính là nói tới thể thức của văn bản. Thể thức của văn bản
không những đảm bảo cho việc trình bày thông tin được rõ, đạt hiệu quả giao tiếp cao mà
trong nhiều trường hợp còn đảm bảo văn bản có giá trị pháp lý. Vì vậy, khi soạn thảo những
văn bản này cần đặc biệt chú trọng tới tính đúng đắn về thể thức. Thể thức này được bộc
lộ qua cách tổ chức cấu trúc của văn bản.
Một lá đơn thông thường sẽ bao gồm ba phần: phần mở đầu, phần nội dung và phần
kết.
1.2.1. Phần mở đầu
Phần mở đầu của đơn bao gồm những nội dung sau:
- Quốc hiệu và tiêu ngữ
+ Quốc hiệu: CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
+ Tiêu ngữ: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc.
- Ngày, tháng, năm và nơi viết đơn
Người viết ghi rõ địa điểm viết đơn; ngày, tháng, năm viết đơn. Phần này viết sau
quốc hiệu và tiêu ngữ (in nghiêng, góc bên phải).
- Tên đơn (đơn xin nghỉ học, đơn xin việc, đơn xin học bổng, …): tên đơn cần được
viết rõ ràng. Ví dụ:
ĐƠN XIN PHÚC KHẢO BÀI THI HẾT HỌC PHẦN
MÔN TIẾNG VIỆT THỰC HÀNH
- Nơi, người nhận đơn (thường bắt đầu bằng Kính gửi…). Ví dụ
Kính gửi: Tổng cục Đường bộ Việt Nam;
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội
1.2.2. Phần nội dung
Phần nội dung của đơn bao gồm những nội dung sau:
- Giới thiệu tóm tắt về người viết đơn (chỉ ghi những thông tin cần thiết). Thông tin
của người làm đơn cần được cung cấp trong đơn ngay sau phần mở đầu.
+ Với tổ chức: Ghi tên tổ chức và phải ghi thông tin của người đại diện. Ví dụ: với
công ty, người đại diện căn cứ vào điều lệ của Công ty.
8
+ Với cá nhân: Ghi họ và tên của cá nhân người làm đơn, số chứng minh thư nhân
nhân, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp và quốc tịch,...
Tùy thuộc vào các loại đơn mà nội dung thông tin của người làm đơn có thể được
yêu cầu cung cấp ở dạng cơ bản hoặc ở dạng chi tiết, đầy đủ. Ví dụ với đơn xin việc, người
làm đơn cần cung cấp đầy đủ những thông tin về trình độ học vấn, trình độ ngoại ngữ, kinh
nghiệm làm việc,...
- Trình bày nội dung sự việc, lí do viết đơn:
Người viết đơn tóm tắt nội dung sự việc, trình bày lí do cụ thể của việc viết đơn. Tùy
thuộc vào mục đích người làm đơn mà có thể ghi rõ, cung cấp đầy đủ thông tin các bên có
liên quan.
- Nguyện vọng của người viết đơn: Yêu cầu đề nghị gì?
Sau khi trình bày nội dung sự việc thì ghi rõ nội dung đề nghị (ví dụ đề nghị cho tôi
được đổi (cấp lại) giấy phép lái xe cơ giới đường bộ hạng A1, đề nghị được tăng lương
20%, giảm học phí, tăng trợ cấp), nội dung xin phép (ví dụ xin phép được nghỉ học 02
ngày), ....
1.2.3. Phần kết
Phần kết của đơn bao gồm những nội dung sau:
- Lời cam kết và cám ơn
Ví dụ: Tôi cam đoan những thông tin trên là đúng sự thật. Nếu sai tôi xin chịu hoàn
toàn trách nhiệm trước pháp luật.
Tôi xin chân thành cảm ơn.
- Họ tên, chữ kí của người viết đơn
+ Nếu là cá nhân phải ký tên, ghi rõ họ tên hoặc điểm chỉ trực tiếp vào đơn.
+ Nếu là cơ quan/tổ chức thì thủ trưởng ký tên và đóng dấu trực tiếp vào đơn.
- Tài liệu kèm theo đơn (nếu có)
Ví dụ: Tài liệu kèm theo đơn xin cấp lại giấy phép lái xe
+ 01 giấy chứng nhận sức khỏe;
+ Bản sao chụp giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân, giấy phép
lái xe sắp hết hạn;
+ Hồ sơ lái xe gốc
9
Bài tập 2
Bạn có nhận xét gì về cấu trúc của đơn xin nghỉ học sau:

1.3. CÁC LOẠI ĐƠN


Căn cứ vào hình thức và nội dung trình bày trong đơn, người ta chia ra hai loại đơn:
đơn theo mẫu và đơn không theo mẫu.
1.3.1. Đơn theo mẫu
Đơn theo mẫu thường là in sẵn. Ví dụ: Đơn xin học nghề, đơn xin đăng kí dự thi,
đơn xin cấp lại giấy phép lái xe, …
Ví dụ: Đơn theo mẫu
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
…, ngày … tháng … năm …
ĐƠN XIN HỌC NGHỀ
Kính gửi: ………………………………………………………………...........
Họ và tên: ………………………………………………………………..........
10
Năm sinh: ………………………………………………………………..........
Nơi sinh: ………………………………………………………………...........
Nơi ở hiện nay: …………………………………………………………..........
Dân tộc: ………………………………………………………………..............
Trình độ văn hóa: ………………………………………………………...........
Trình độ ngoại ngữ: ………………………………………………………........
Nguyện vọng: …………………………………………………………...........
…………………………………………………………………………………
Lời cam đoan: …………………………………………………………..........
Xác nhận của nhà trường hoặc Người viết đơn
địa phương nơi cư trú
(Kí và ghi rõ họ tên)
1.3.2. Đơn không theo mẫu
Ví dụ: đơn xin phép nghỉ học, đơn xin miễn giảm học phí, …
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
T.H, ngày 25 tháng 8 năm 2020
ĐƠN XIN MIỄN GIẢM HỌC PHÍ

Kính gửi: Thầy Hiệu trưởng Trường THCS Kim Đồng


Em tên là Nguyễn Văn A, 12 tuổi, học sinh lớp 6B Trường THCS Kim Đồng, huyện
P, tỉnh T.H, xin được trình bày với các thầy một việc như sau:
Vừa qua, cơn bão số 7 và trận lũ quét đã gây nhiều ảnh hưởng cho toàn huyện. Bão
và lũ đã làm hỏng nhà cửa và đồ dùng sinh hoạt, gây thiệt hại lớn đến cuộc sống của gia
đình em. Sau cơn lũ, bố mẹ em lại bị ốm, kinh tế gia đình em gặp rất nhiều khó khăn.
Vì vậy, em viết đơn này xin nhà trường cho em được miễn học phí trong năm học
này.
Em cam đoan những điều trên là đúng sự thật, nếu có điều gì sai em xin hoàn toàn
chịu trách nhiệm.
Em chân thành cảm ơn thầy.
11
Học sinh
(Kí tên)
Nguyễn Văn A
1.3.3. So sánh hai loại đơn
Hai loại đơn (đơn theo mẫu và đơn không theo mẫu) có những điểm giống và khác
nhau.
1.3.3.1. Giống nhau
Hai loại đơn này đều có chung phần đầu, phần cuối và thứ tự các mục trong đơn.
Trong đó, phần đầu bao gồm quốc hiệu, ngày tháng năm viết đơn, tên đơn, tên người viết
đơn, tên (người hoặc cơ quan, tổ chức) nhận đơn. Phần cuối bao gồm lời cam kết hoặc cám
ơn; họ tên, chữ kí của người viết đơn. Thứ tự các mục trong đơn đều tuân theo trình tự:
giới thiệu thông tin cơ bản về người viết đơn, trình bày lí do viết đơn và những yêu cầu đề
nghị của người viết đơn.
1.3.3.2. Khác nhau
Hai loại đơn này cũng có những điểm khác nhau nổi bật. Ở đơn theo mẫu, phần kê
khai về bản thân đầy đủ và chi tiết hơn (bao gồm năm sinh, nơi ở, dân tộc, trình độ văn
hoá, trình độ ngoại ngữ); phần nội dung đơn, nguyện vọng trình bày ngắn gọn. Còn ở đơn
không theo mẫu thì phần kê khai về bản thân ghi không chi tiết như đơn theo mẫu (chỉ trình
bày thông tin cơ bản có liên quan tới người nhận đơn để nhận diện). Nhưng phần nội dung
ở loại đơn này thì ghi rõ hơn đơn theo mẫu. Loại đơn này đã trả lời rõ những câu hỏi như:
Vì sao gửi đơn? Gửi để làm gì? Đặc biệt phần vì sao được trình bày rõ, cụ thể, chi tiết. Sự
khác nhau giữa các phần (phần đầy đủ, chi tiết hay phần ngắn gọn, chỉ vừa đủ thông tin) ở
hai loại đơn trên là dựa trên mục đích của người viết đơn. Tuy nhiên, dù viết đơn theo loại
nào thì cũng cần có những phần cơ bản, những phần quan trọng không thể thiếu trong đơn.
Đó là:
- Quốc hiệu
- Tên đơn
- Tên người viết đơn
- Tên người hoặc cơ quan, tổ chức nhận đơn
- Lí do viết đơn và những yêu cầu đề nghị của người viết đơn.
12
1.4. KỸ NĂNG VIẾT CÁC LOẠI ĐƠN
1.4.1. Yêu cầu chung
1.4.1.1. Yêu cầu về hình thức
Đơn từ là một trong những văn bản thường được sử dụng nhiều. Hiện nay có rất
nhiều mẫu đơn được cung cấp hoặc bán sẵn. Tất cả đơn từ cần tuân theo những yêu cầu bắt
buộc về hình thức trình bày. Từng phần trong đơn có những qui định về loại chữ, cỡ chữ,
kiểu chữ,... đòi hỏi người viết đơn phải tuân theo.
Đa số đơn từ được đánh máy và sẽ có những qui định về hình thức như sau:
- Khổ giấy: Khổ A4.
- Kiểu trình bày: Theo chiều dài của khổ A4.
- Định lề trang: Cách mép trên và mép dưới 2 - 2,5 cm, cách mép trái 3 – 3,5 cm,
cách mép phải 1,5-2 cm.
- Phông chữ: Phông chữ tiếng Việt Times New Roman, bộ mã ký tự Unicode theo
Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6909:2001, màu đen.
Đơn phải trình bày trang trọng, ngắn gọn và mạch lạc theo một số mục nhất định.
Các loại đơn thường phải có đầy đủ các mục và mỗi mục có yêu cầu cụ thể về hình thức
như sau:
Thành phần Ví dụ minh họa
TT thể thức và chi tiết Loại Cỡ Kiểu Phông chữ Times New Roman Cỡ
trình bày chữ chữ chữ chữ
Quốc hiệu và Tiêu
1
ngữ
- Quốc hiệu In 12- Đứng, CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ 12
hoa 13 đậm NGHĨA VIỆT NAM
- Tiêu ngữ In 13- Đứng, Độc lập – Tự do – Hạnh phúc 13
thườn 14 đậm
g
Tên đơn In 13- Đứng, ĐƠN ĐỀ NGHỊ 14
2
hoa 14 đậm ĐƠN XIN TRỢ CẤP
3 Nơi nhận

13
Từ “Kính gửi” và In 13- Đứng 14
tên cơ quan, tổ chức, thườn 14
cá nhân nhận đơn g
a - Gửi một nơi Kính gửi: Bộ Nội vụ 14
- Gửi nhiều nơi Kính gửi: 14
- Bộ Nội vụ
b
- Bộ Kế hoạch và đầu tư
- Bộ Tài chính
Giới thiệu tóm tắt về In 13- Đứng Họ và tên: Nguyễn Lan Hương
người viết đơn thườn 14 Ngày sinh: 21/09/1987
4 g

Nội dung sự việc và In 13- Đứng Tôi viết đơn này để trình bày một
5 nguyện vọng của thườn 14 việc như sau: ….
người viết đơn g
Lời cam kết hoặc In 13- Đứng Tôi xin chân thành cảm ơn.
6 cảm ơn thườn 14
g
Địa điểm và thời In 13- Nghiê Hà Nội, ngày 05 tháng 01 năm
7 gian viết đơn thườn 14 ng 2021
g
Họ tên, chữ ký của In 13- Đứng, Nguyễn Văn A
8 người làm đơn thườn 14 đậm Trần Văn B
g
Cần lưu ý:
1
Cỡ chữ trong một văn bản tăng, giảm phải thống nhất. Ví dụ: Quốc hiệu cỡ chữ 13, Tiêu ngữ cỡ
chữ 14, địa danh và ngày, tháng, năm văn bản cỡ chữ 14. Hoặc Quốc hiệu cỡ chữ 12, Tiêu ngữ cỡ
chữ 13, địa danh và ngày, tháng, năm văn bản cỡ chữ 13.
(Nguồn: https://thuvienphapluat.vn) - Nghị định 30/2020/NĐ-CP về công tác văn thư
(thay thế Nghị định 110/2004/NĐ-CP), có hiệu lực thi hành từ ngày 05/3/2020.
1.4.1.2. Yêu cầu về nội dung

14
Những nội dung bắt buộc cần có trong đơn là: Đơn gửi ai? Ai gửi đơn? Gửi để đề
đạt nguyện vọng gì?
Nội dung của đơn cần ngắn gọn, súc tích và không đa nghĩa. Nói tới đơn, người ta
luôn chú ý đến tính khách quan của ngôn ngữ văn bản. Về bản chất, các công việc cần được
thực thi trong đơn chủ yếu là công việc cần được thực hiện dựa trên cơ sở của pháp luật
cùng với những quy định mang tính hành chính của Nhà nước, của các cấp chính quyền
hay của các cơ quan, tổ chức, đoàn thể,… Do đó, để đảm bảo tính công bằng, sự bình đẳng
trước pháp luật và tập thể, ngôn ngữ văn bản phải hoàn toàn khách quan, tránh sự can thiệp
mang tính chủ quan của các chủ thể giao tiếp. Nói cách khác, ngôn ngữ có tính phi biểu
cảm. Đây là một tiêu chuẩn mang tính bắt buộc. Đặc điểm này được thể hiện qua những
điểm cụ thể sau:
Văn bản phải đảm bảo tính một nghĩa, tránh mập mờ, nước đôi. Hay nói cách khác,
trong văn bản loại này không được sử dụng loại nghĩa hình tượng. Ngôn ngữ trong trường
hợp nào cũng phải rõ ràng, chính xác. Muốn yêu cầu công việc được tốt và chính xác, ngôn
ngữ phải truyền đạt thông tin sao cho vừa nhanh, vừa hiệu quả. Muốn đạt được yêu cầu
này, ngôn ngữ trình bày phải ngắn gọn, súc tích và chỉ có một nghĩa. Tức là văn bản bao
giờ cũng chỉ có một cách hiểu duy nhất chung cho tất cả mọi người. Quan hệ giữa hình
thức và nội dung mà nó biểu hiện phải đạt tới quan hệ 1-1 (một nội dung – một hình thức).
Yêu cầu này bắt buộc người tạo lập văn bản không được dùng các kiểu cấu trúc ngữ pháp,
các từ ngữ mơ hồ về nghĩa. Văn phong chủ yếu sẽ là văn tường thuật, mệnh lệnh. Không
được dùng các câu hỏi tu từ. Tính không đa nghĩa có thể nói là đặc điểm điển hình nhất
của loại văn bản này.
Không sử dụng các từ, các câu tình thái nhằm biểu lộ tình cảm chủ quan phục vụ cho
mục đích cá nhân. Chỉ sử dụng hạn chế các khuôn biểu cảm ở phần mở đầu hay phần kết
thúc văn bản nếu thấy cần thiết. Có thể nêu một vài khuôn biểu cảm được quen dùng như
sau: Tôi xin chân thành cảm ơn/ Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn về… với chúng tôi.
Ngoài ra, những từ ngữ được sử dụng trong khi viết đơn thường là các từ toàn dân,
có tính chuẩn mực cao, không dùng các từ địa phương, biệt ngữ và tiếng lóng. Khi viết
đơn, từ ngữ được lựa chọn khắt khe, không thể có những từ chung chung, mơ hồ, mang
tính hình ảnh, biểu tượng, để có thể bị bắt bẻ, xuyên tạc. Không thể có những từ ngữ địa
15
phương, biệt ngữ, tiếng lóng, những từ ngữ mang màu sắc hội thoại và hội thoại thông tục.
Màu sắc biểu cảm - cảm xúc có tính chất đánh giá chủ quan của những từ ấy sẽ không thích
hợp với tính chất nghiêm túc, trang trọng cần phải ở đơn từ.
Bài tập 3
Các đơn sau đã không tuân theo những yêu cầu về hình thức và nội dung cần có. Bạn
hãy viết lại chúng.

(Nguồn: https://vietnammoi.vn)

16
(Nguồn: Kenh14.vn)
1.4.2. Kĩ năng viết đơn theo mẫu
Đơn theo mẫu là loại đơn theo giấy in sẵn để người sử dụng điền vào chỗ trống. Ví
dụ: Đơn đề nghị đổi, cấp lại giấy phép lái xe.

17
Ở loại đơn này, tất cả nội dung đã được làm theo một mẫu chung. Những nội dung
mà người viết cần viết sẽ được để trống. Thông thường, đó là những nội dung liên quan tới
thông tin cá nhân của từng người. Ví dụ: họ tên, ngày tháng năm sinh, dân tộc, tôn giáo,
trình độ học vấn, quê quán,… Tùy vào mục đích của đơn mà những thông tin này có thể
được yêu cầu ở dạng cơ bản (thông tin chính: tên, ngày tháng năm sinh) hoặc dạng chi tiết
hơn (họ tên cha, họ tên mẹ, số điện thoại, số sổ hộ khẩu, nơi đăng ký hộ khẩu thường
trú,….). Ngoài ra, người viết cần tự điền những thông tin liên quan tới: nơi nhận (tên cơ
quan, tổ chức, cá nhân nhận đơn), điền ngày tháng năm địa điểm làm đơn, kí và ghi rõ họ
tên của mình.
Vì đơn được in theo mẫu có sẵn nên người viết không cần quan tâm tới hình thức
của đơn. Người viết chỉ cần điền vào chỗ trống những nội dung cần thiết để trả lời cho
đúng yêu cầu của từng mục trong đơn. Ví dụ: Đơn xin xác nhận tạm trú:

18
Đơn trên được in sẵn với hai phần: phần chung thống nhất được in sẵn và phần riêng
dành cho người sử dụng điền vào. Những thông tin được đánh dấu đỏ trong đơn trên là
những phần người viết cần tự điền.
Lưu ý
Cần đọc kĩ từng mục trong đơn để trả lời đúng theo yêu cầu của từng mục. Nội dung
điền phải chính xác tuyệt đối. Cần tránh việc viết nhầm thông tin cá nhân của mình. Phần
về lý do phải ngắn gọn, tránh trình bày dài dòng kể lể, tránh viết tràn ra ngoài phần đã để
trống. Những yêu cầu về chính tả phải được tuân theo nghiêm ngặt. Hơn nữa, cần phải đảm
bảo một lá đơn sạch sẽ, bố cục và thông tin rõ ràng, chính xác. Nó thể hiện sự nghiêm túc
và tôn trọng người nhận đơn. Có rất nhiều trường hợp, chỉ cần một chữ cái, một dấu thanh
bị tẩy xóa, hoặc có chữ kí không giống với chữ kí mẫu là lập tức đơn bị trả lại.
1.4.3. Kĩ năng viết đơn không theo mẫu
Đây là loại đơn có tính chất cá biệt hơn đơn theo mẫu. Đơn có phạm vi phổ biến bị
hạn chế hơn và có tác dụng trong thời gian ngắn hơn. Những thông tin thuộc loại này không
phải là được điền vào chỗ trống như đơn theo mẫu mà chúng được viết ra có dấu ấn cá
nhân ít nhiều.
Đơn viết không theo mẫu vẫn phải trình bày theo một thứ tự nhất định. Người ta
thường viết đơn theo các mục sau đây:
- Quốc hiệu, tiêu ngữ: CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
- Địa điểm làm đơn và ngày...tháng...năm...
- Tên đơn: ĐƠN XIN...
- Nơi gửi: Kính gửi....
- Họ tên, thông tin về người viết đơn
- Trình bày sự việc, lí do và nguyện vọng (đề nghị)
- Cam đoan và cảm ơn
- Kí tên
Một số lưu ý cụ thể khi viết một số mục trong đơn như sau:
1.4.3.1. Kĩ năng viết phần mở đầu

19
- Quốc hiệu và tiêu ngữ: cần viết đúng chính tả, viết hoa, viết thường đúng theo qui
định. Quốc hiệu in hoa, tiêu ngữ in thường. Phần này được đặt trên đầu đơn, căn giữa.
- Địa điểm làm đơn và ngày…tháng…năm: Ghi địa điểm làm đơn, ngày tháng năm
làm đơn. Cần ghi chính xác, tránh ghi nhầm ngày (gây lỗi logic) và cũng tránh để trống
không ghi. Địa điểm chỉ cần ghi tên các tỉnh thành. Phần này được in nghiêng và viết ở góc
trên cùng bên phải đơn sau Quốc hiệu và tiêu ngữ. Ví dụ: Hà Nội, ngày 09 tháng 04 năm
2021.
- Tên đơn: Tên đơn cần phải được viết rõ ràng, đầy đủ thông tin nhưng tránh quá dài
dòng. Ví dụ: ĐƠN KHỞI KIỆN ĐỒNG CHÍ NGUYỄN VĂN A., BÍ THƯ ĐẢNG ỦY
TỈNH X, GIÁM ĐỐC SỞ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG TỈNH X. (chỉ cần ĐƠN
KHỞI KIỆN, thông tin khởi kiện ai, chức vụ gì sẽ được trình bày ở phần sau).
- Nơi gửi: xác định cá nhân, tổ chức gửi đến thật chính xác. Tránh trường hợp thừa
nơi gửi (gửi quá nhiều nơi không cần thiết) hoặc gửi thiếu nơi.
Ví dụ: Đơn xin việc thì cần gửi tới Ban lãnh đạo và phòng nhân sự công ty, không
nên gửi quá nhiều người (Giám đốc công ty, Trưởng phòng nhân sự công ty, Công đoàn
công ty…) nhưng cũng không nên chỉ đề gửi mỗi công ty ABC.
1.4.3.2. Kĩ năng viết phần nội dung
- Họ tên, thông tin người viết đơn
Họ và tên là thông tin bắt buộc cần phải có trong đơn. Những thông tin cá nhân khác
của người viết đơn có thể đưa ra tùy thuộc yêu cầu của đơn (Ngày tháng năm sinh, Số
chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân, Quê quán, …). Thông tin đưa ra cần đủ, tránh
thừa hoặc thiếu thông tin.
Ví dụ: Khi viết đơn khiếu nại, tố cáo thì những thông tin bắt buộc người viết đơn
phải có là: Họ tên, Ngày tháng năm sinh, Địa chỉ thường trú, Số CMND, Ngày cấp, Nơi
cấp.
Nhưng khi viết đơn xin cấp lại thẻ sinh viên thì chỉ cần cung cấp thông tin: Họ tên,
Ngày tháng sinh viên, Mã số sinh viên, Khoa, Lớp.
- Trình bày sự việc, lí do và nguyện vọng (đề nghị)
Đây là phần quan trọng trong đơn và cũng là phần đòi hỏi người viết đặc biệt chú ý
tới các yếu tố ngôn ngữ: chính tả, cách dùng từ, cách đặt câu, cách sắp xếp lý lẽ để đề đạt
20
nguyện vọng, yêu cầu một cách chính xác, rõ ràng và logic nhất. Phải trình bày sự việc, lí
do viết đơn thế nào để người nhận đơn sau khi đọc xong có thể chấp nhận yêu cầu, nguyện
vọng, đề nghị mà người viết đơn đề đạt.
Những lỗi cần tránh ở phần này là lỗi logic trình bày sự việc và lỗi diễn đạt: trình
bày dài dòng, rối, lặp, thiếu logic; trình bày lý do chung chung không cụ thể, lý do không
thuyết phục;… Sử dụng ngôn ngữ tránh mang tính chất ra lệnh, bắt buộc; cũng không nên
bi lụy, thể hiện thái quá cảm xúc; tránh dùng ngôn ngữ nói,…
Một điều cần lưu ý là việc lựa chọn đại từ xưng hô. Bạn cần chú ý mối quan hệ giữa
những người tham gia giao tiếp: người viết đơn và người nhận đơn.
Với mục đích chính là thực thi công việc, tính chất nổi bật của đơn từ là yêu cầu.
Yêu cầu ở đây được hiểu theo nghĩa rộng là: ra lệnh, thỉnh cầu, đề nghị. Yêu cầu thường
là của cấp dưới gửi cho cấp trên, của cá nhân gửi cho tập thể, ... Về nguyên tắc, có thể xây
dựng một khung giao tiếp chính trong kiểu văn bản này như sau:
Người yêu cầu ----------- Nội dung ---------- Người tiếp nhận
(1) (2) (3)
Mối quan hệ giữa người yêu cầu và người tiếp nhận đôi khi tạo ra một đặc điểm: tính
không bình đẳng trong quan hệ của những người tham gia giao tiếp. Đây cũng là đặc điểm
làm cho các văn bản thuộc phong cách hành chính - công vụ khác hẳn các phong cách chức
năng khác.
Tính không bình đẳng trong quan hệ giao tiếp được thể hiện ở tính trên - dưới, tổ
chức - cá nhân với mục đích nhằm thực thi công việc sự vụ. Cụ thể, đơn thì bao giờ cũng
liên quan tới đối tượng là: Người kiến nghị, đề nghị - Người được kiến nghị, đề nghị. Và
hai đối tượng này thường không bình đẳng về vị thế giao tiếp, thường có quan hệ trên –
dưới: người xin phép – người cho phép (học sinh, sinh viên – giáo viên, giảng viên, nhà
trường: đơn xin nghỉ học, đơn xin hoãn thi, đơn xin phúc khảo điểm thi,….), người đề nghị
- người được đề nghị (người dân – cán bộ quản lý: đơn xin cấp lại chứng minh thư/thẻ căn
cước công dân/hộ chiếu, đơn xin tăng lương…), người kiến nghị - người được kiến nghị
(người dân – các cấp chính quyền: đơn khiếu nại, đơn tố cáo,…).
Chính vì vậy, người viết đơn cần lựa chọn đại từ xưng hô cho phù hợp, ngôn ngữ sử
dụng cần thể hiện sự tôn trọng người nhận. Thông thường, đơn thường sử dụng đại từ “tôi”,
21
trong nhiều trường hợp bạn nên thay đổi cách xưng hô để phù hợp với hoàn cảnh. Ví dụ:
khi viết đơn gửi cho giáo viên, Nhà trường thì nên xưng là “em”.
1.4.3.3. Kĩ năng viết phần kết
- Lời cam đoan và cảm ơn
Người viết đơn cần cam đoan toàn bộ sự việc đã trình bày trong đơn là hoàn toàn
đúng sự thật và nếu sai sẽ chịu mọi trách nhiệm trước pháp luật, trước cơ quan và tổ chức.
Lời cam đoan này để khẳng định tính chính xác, minh bạch thông tin có trong đơn. Nó
cũng là tiền đề để người nhận đơn có thể xem xét chấp thuận yêu cầu của đơn đưa ra.
Sau lời cam đoan là lời cảm ơn. Lời cảm ơn thể hiện sự lịch sự cần thiết. Các đơn
thường có lời cảm ơn chung là: Tôi xin chân thành cảm ơn.
- Kí tên: Kí và ghi rõ họ tên. Chữ kí trong đơn cần trang trọng (tránh vẽ vời rắc rối,
tránh đơn giản quá). Cần ghi rõ họ và tên đầy đủ, tránh chỉ ghi mỗi tên.
- Giấy tờ/ Tài liệu kèm theo (nếu có)
Đơn không theo mẫu có thể có tài liệu kèm theo. Ví dụ: đối với những trường hợp
trình lý do liên quan tới sức khỏe cần có giấy xác nhận của cơ sở y tế.
Bài tập 4
Vì nghỉ quá số buổi học theo quy định nên một số bạn sinh viên đã không đủ điều
kiện dự thi hết học phần môn Tiếng Việt thực hành. Các bạn đã viết đơn xin được thi học
phần. Dưới đây là phần trích lý do viết đơn ở một số đơn. Hãy chỉ ra các lỗi sai và sửa lại.
(1) Theo như quy định của môn học Tiếng Việt Thực Hành, mỗi học sinh được nghỉ
không quá 3 buổi. Thế nhưng vì một số lý do khách quan mà em đã có số buổi nghỉ vượt
quá số buổi nghỉ được cho phép nên nhận được thông báo sẽ không được tham dự kì thi
hết môn.
Hôm nay em viết đơn này để trình bày lý do nghỉ học quá số buổi cho phép của mình.
Lý do: Vì một số vấn đề về sức khỏe nên em phải ở lại bệnh viện điều trị dài ngày.
Tuy nhiên cũng vì sự tắc trách của bản thân, nên em đã không thông báo với gia đình để
bố mẹ liên hệ với cô để trình bày lý do này từ trước.
Trên đây là lý do của em về vấn đề nghỉ quá số buổi cho phép, kính mong cô sẽ xem
xét và cho phép em được tham dự kì thi hết học phần Tiếng Việt Thực Hành.

22
(2) Trong quá trình học môn Tiếng Việt thực hành, em đã nghỉ quá số buổi được cho
phép nên theo quy định không được tham gia kì thi kết thúc học phần. Tuy nhiên, vì lí do
nghỉ học của em là chính đáng và không thể tránh khỏi nên trước tiên em xin được trình
bày với cô lí do nghỉ học như sau: Ngày 09/09/2020, sau khi thức dậy, em cảm thấy bụng
đau quằn quại nên đã đến bệnh viện khám và được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh viêm dạ dày
cấp, phải nằm viện để điều trị và tiến hành phẫu thuật. Ngày 11/09/2020, sau khi được phẫu
thuật, bác sĩ yêu cầu em phải ở lại bệnh viện để theo dõi đến hết ngày 8/10/2020. Chính vì
thế trong thời gian này, em đã nghỉ 5/3 số buổi theo quy định, cụ thể là buổi học ngày
9/9/2020, ngày 16/9/2020, ngày 23/9/2020, ngày 30/9/2020 và ngày 7/10/2020.
(3) Em viết đơn này mong muốn được cô cho phép em được thi cuối kì môn Tiếng
Việt thực hành mã lớp: VLF1053*. Trong học kì I năm học 2020-2021 bởi vì lí do sức
khỏe, em thường xuyên bị ốm nên em đã nghỉ học 4 buổi môn học của cô. Mặc dù em rất
muốn tham gia buổi học nhưng mà bởi vì nhà của em cách trường khá xa, việc lưu thông
trên đường trong lúc bị ốm khiến em rất lo lắng. Em đã cố gắng không nghỉ quá số buổi
quy định nhưng em đã nghỉ 4 buổi học. Em thật lòng mong muốn được tham gia bài thi
cuối kì môn của cô. Em thật sự cảm kích nếu cô cho phép em được thi cuối kì môn Tiếng
Việt thực hành của cô.
(4) Trong học kỳ vừa qua, tôi đã đăng kí học phần môn Tiếng Việt thực hành, lớp
VLF ***. Tuy nhiên, tôi không đủ điều kiện dự thi kết thúc học phần vì lý do:
Tôi có ý định đi du học trao đổi tại Đức nên từ tháng 11 vừa rồi, tôi đã đi học ở trung
tâm để lấy chứng chỉ B1 ZD. Lịch học ở trung tâm là 9 giờ sáng thứ 4 hàng tuần, trùng với
lịch học của bộ môn Tiếng Việt thực hành. Vì vậy tôi đã nghỉ học 6 buổi, vượt quá số buổi
nghỉ quy định.
Nay tôi làm đơn này kính mong phòng Đào tạo xem xét và tạo điều kiện cho tôi được
dự thi kết thúc học phần môn Tiếng Việt thực hành, để tôi có thể hoàn thiện hồ sơ tại
trường.
1.4.4. Một số lưu ý chung khi viết đơn
- Đơn từ không theo mẫu thường phải viết bằng tay, không nên dùng bản in.
- Tên đơn bao giờ cũng viết hoặc in bằng khổ chữ to.

23
- Khi viết đơn cần chú ý trình bày cho sáng sủa, cân đối: các phần Quốc hiệu - tiêu
ngữ, tên đơn, kính gửi, nội dung đơn, mỗi phần nên cách nhau 2-3 dòng, không viết sát lề
giấy, không để phần trên hoặc phần dưới trang giấy khoảng trống quá lớn.
- Tên người (hoặc cơ quan, tổ chức) nhận đơn, tên người viết đơn, mục đích, lí do và
nguyện vọng là phần quan trọng nhất của đơn; cần trình bày sự việc một cách rõ ràng,
thành thực, lí do và nguyện vọng phải chính đáng.
- Đơn theo mẫu hay không theo mẫu đều có chung một số mục ở phần mở đầu và
phần kết thúc đơn.

BÀI TẬP THỰC HÀNH


1. Vừa qua, dịch bệnh Covid 19 đã làm ảnh hưởng tới đời sống kinh tế của gia đình
bạn và các công việc làm thêm của bản thân bạn. Bạn hãy viết đơn cho Nhà trường xin hỗ
trợ tiền học phí.
2. Gần đây, công ty bạn có sự tăng trưởng rõ rệt, doanh số cá nhân của bạn luôn ở
mức cao. Bạn hãy viết đơn xin tăng lương và thuyết phục lãnh đạo thấy rõ năng lực và sự
cần thiết cần phải tăng lương cho bạn.

PHỤ LỤC
Một số mẫu đơn dành cho sinh viên của Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học
Quốc gia Hà Nội. (Nguồn: http://hssv.ulis.vnu.edu.vn/bieu-mau/)

1. ĐƠN XIN ĐI HỌC NƯỚC NGOÀI


CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

ĐƠN XIN ĐI HỌC NƯỚC NGOÀI

Kính gửi: - Ban Giám hiệu Trường...................................................


- Phòng Chính trị và Công tác HSSV
- Ban Chủ nhiệm khoa:.....................................................
24
Họ và tên sinh viên..............................................................................................
Sinh ngày :............................................Nơi sinh: ...............................................
Sinh viên lớp :..........................Mã SV .............................. Khoa: .....................
Điện thoại liên hệ: ......................................... Email: .........................................
Em xin phép được đi học nước ngoài:
- Trường, nước đến: ............................................................................................
- Kinh phí chi trả: ...............................................................................................
- Thời gian: .........................................................................................................
Và xin phép nghỉ học: ........................................................................................
Trong thời gian tham gia học tập tại nước ngoài, sinh viên cam kết:
1. Tuân thủ các quy định của Chương trình, Trường đại học tiếp nhận và các quy
định pháp luật của Đất nước nơi tôi đến trao đổi.
2. Không tham gia các hoạt động bạo động chính trị, kỳ thị tôn giáo, hoạt động kinh
doanh, các hoạt động kích động xã hội, bè phái cực đoan, hoạt động phạm pháp và các hoạt
động khác gây nguy hiểm cho bản thân.
3. Quay về nước sở tại đúng thời hạn quy định khi chương trình kết thúc.
Nếu vi phạm, tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm và chấp nhận những hình thức kỷ
luật của chương trình, của Trường đại học tiếp nhận và của Trường đại học cử đi.
Hà Nội, ngày tháng năm 20
Ý KIẾN CỦA BCN XÁC NHẬN HỌC PHÍ NGƯỜI LÀM ĐƠN
KHOA (Kí và ghi rõ họ tên)

2. ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP TIỀN HỖ TRỢ MIỄN, GIẢM HỌC PHÍ


CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP TIỀN HỖ TRỢ MIỄN, GIẢM HỌC PHÍ

25
(Dùng cho học sinh, sinh viên đang học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo
dục đại học công lập)

Kính gửi: Phòng lao động - thương binh và xã hội (cấp huyện) ........................
Họ và tên: ..........................................................................................................
Ngày, tháng, năm sinh: ......................................................................................
Nơi sinh: ............................................................................................................
Họ tên cha/mẹ học sinh, sinh viên: ....................................................................
Hộ khẩu thường trú (ghi đầy đủ):
Xã (Phường): ......................... Huyện (Quận): .........................................
Tỉnh (Thành phố): .............................................................................................
Ngành học: .......................................... Mã số sinh viên: ................................
Thuộc đối tượng: (ghi rõ đối tượng được quy định tại Thông tư liên tịch hướng dẫn
Nghị định 49): ...........................................................................................
Căn cứ vào Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ,
tôi làm đơn này đề nghị được xem xét, giải quyết để được cấp tiền hỗ trợ miễn, giảm học
phí theo quy định và chế độ hiện hành.
Hà Nội, ngày ..... tháng ..... năm ….
Người làm đơn

(Kí và ghi rõ họ tên)


3. ĐƠN XIN NGHỈ HỌC CÓ THỜI HẠN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

ĐƠN XIN NGHỈ HỌC CÓ THỜI HẠN

Kính gửi: - Ban Giám hiệu Trường...........................


- Phòng Chính trị và Công tác HSSV
26
Tên em là : .........................................................................................................
Sinh ngày :............................................Nơi sinh: ...............................................
Sinh viên lớp :..........................Mã SV ..............................Chuyên ngành: .................
Khoa: ............................................................................................................................
Điện thoại liên hệ: .......................................................................................................
Em xin phép được nghỉ học từ .......................................đến ......................................
Lý do :
.......................................................................................................................................
.......................................................................................................................................
.......................................................................................................................................
Hà Nội, ngày tháng năm 20

Ý KIẾN CỦA GIA ĐÌNH NGƯỜI LÀM ĐƠN

XÁC NHẬN PHÒNG KHTC (Ký và ghi rõ họ tên)

TÀI LIỆU THAM KHẢO


1. Hữu Đạt (2011), Phong cách học tiếng Việt hiện đại, Hà Nội: NXB Giáo dục Việt
Nam.
2. Đinh Trọng Lạc (chủ biên) (2005), Nguyễn Thái Hòa, Phong cách học tiếng Việt,
Hà Nội: NXB Giáo dục.
3. Nguyễn Minh Thuyết (chủ biên) (1999), Nguyễn Văn Hiệp, Tiếng Việt thực hành,
Hà Nội: NXB ĐHQGHN.
4. Bùi Minh Toán, Lê A, Đỗ Việt Hùng (1997), Tiếng Việt thực hành, Hà Nội: NXB
GD.
5. http://hssv.ulis.vnu.edu.vn/bieu-mau/
6. https://thuvienphapluat.vn/
7. https://luatvietnam.vn/
27

You might also like