You are on page 1of 58

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI

VIỆN NGHIÊN CỨU SƯ PHẠM


----------&----------

TÀI LIỆU CHUYÊN ĐỀ NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM

PHƯƠNG PHÁP
NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

TS. Nguyễn Thị Kim Dung

Hà Nội, 2019
MỤC LỤC

1. KHOA HỌC VÀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA KHOA HỌC ........................................... 3


1.1. Khoa học và sự phát triển của khoa học ......................................................................... 3
1.1.1. Khái niệm khoa học .......................................................................................................... 3
1.1.2. Sự phát triển của khoa học .............................................................................................. 4
1.1.3. Phân loại khoa học ........................................................................................................... 6
1.2. Nghiên cứu khoa học ......................................................................................................... 7
1.2.1. Khái niệm nghiên cứu khoa học ...................................................................................... 7
1.2.2. Các đặc điểm của nghiên cứu khoa học ......................................................................... 7
1.2.3. Phân loại nghiên cứu khoa học ...................................................................................... 8
1.2.4. Sản phẩm của nghiên cứu khoa học và đề tài khoa học.............................................. 10
2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU KHOA HỌC ......................................................... 11
2.1. Những vấn đề chung về phương pháp nghiên cứu khoa học .................................... 11
2.1.1. Khái niệm phương pháp nghiên cứu khoa học ............................................................ 11
2.1.2. Các đặc trưng của phương pháp nghiên cứu khoa học............................................... 12
2.1.3. Phân loại các phương pháp nghiên cứu khoa học........................................................ 13
2.2. Phương pháp nghiên cứu khoa học cụ thể.................................................................. 15
2.2.1. Phương pháp nghiên cứu thực tiễn................................................................................ 15
2.2.2. Phương pháp nghiên cứu lý thuyết................................................................................ 33
2.2.3. Các phương pháp nghiên cứu bổ trợ: sử dụng toán thống kê trong nghiên cứu khoa
học .............................................................................................................................................. 35
2.2.4. Những điều cần chú ý khi vận dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học ........... 35
2.3. Chọn mẫu nghiên cứu .................................................................................................. 36
2.3.1. Các phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên ...................................................................... 36
2.3.2. Các phương pháp chọn mẫu không ngẫu nhiên........................................................... 37
2.3.3. Phương pháp xác định cỡ mẫu ...................................................................................... 38
3. LOGIC TIẾN TRÌNH NGHIÊN CỨU KHOA HỌC ................................................ 40
3.1. Chọn đề tài nghiên cứu khoa học ................................................................................. 41
3.1.1. Khái niệm đề tài nghiên cứu khoa học.......................................................................... 41
3.1.2. Những căn cứ để xác định/chọn đề tài nghiên cứu khoa học...................................... 41
3.1.3. Các loại đề tài nghiên cứu khoa học.............................................................................. 42

1
3.2. Xây dựng đề cương nghiên cứu. ................................................................................... 44
3.2.1. Tên đề tài ....................................................................................................................... 44
3.2.2. Tổng quan vấn đề nghiên cứu........................................................................................ 44
3.2.3. Lí do chọn đề tài.............................................................................................................. 45
3.2.4. Mục đích và mục tiêu nghiên cứu ................................................................................. 46
3.2.5. Khách thể, đối tượng và phạm vi nghiên cứu............................................................... 46
3.2.6. Lựa chọn phương pháp nghiên cứu khoa học .............................................................. 47
3.2.7. Giả thuyết khoa học ........................................................................................................ 47
3.2.8. Nhiệm vụ và nội dung nghiên cứu của đề tài ............................................................... 47
3.2.9. Tiến độ triển khai nghiên cứu ....................................................................................... 48
3.2.10. Sản phẩm nghiên cứu của đề tài .................................................................................. 48
3.2.11. Kinh phí thực hiện nghiên cứu .................................................................................... 49
3.3. Xử lí phân tích tài liệu thu được. .................................................................................. 49
3.3.1. Sàng lọc tài liệu ............................................................................................................... 49
3.3.2. Sắp xếp, phân tích tài liệu .............................................................................................. 50
3.4. Viết một công trình nghiên cứu khoa học ................................................................... 53
3.4.1. Xây dựng bản thảo.......................................................................................................... 53
3.4.2. Viết công trình nghiên cứu khoa học ............................................................................ 56
TÀI LIỆU THAM KHẢO .................................................................................................... 57

2
MỤC TIÊU
Khi nghiên cứu xong học phần này, người học:
- Trình bày được những nội dung cơ bản của hoạt động nghiên cứu
khoa học (đối tượng, ý nghĩa, nội hàm khái niệm nghiên cứu khoa học,
logic tiến trình nghiên cứu khoa học…);
- Phân tích được nội dung và cách tiến hành các phương pháp nghiên
cứu khoa học;
- Biết cách lựa chọn đề tài, xây dựng đề cương nghiên cứu và vận
dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học để triển khai đề tài;
- Viết báo cáo, công bố và đánh giá các công trình khoa học.

1. KHOA HỌC VÀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA KHOA HỌC


1.1. Khoa học và sự phát triển của khoa học
1.1.1. Khái niệm khoa học
Thuật ngữ “Khoa học” là một khái niệm phức tạp ở nhiều mức độ khác nhau
của quá trình tích cực nhận thức hiện thực khách quan và tư duy trừu tượng. Khoa
học là quá trình nghiên cứu nhằm khám phá ra những kiến thức mới, học thuyết
mới,… về tự nhiên và xã hội. Những kiến thức hay học thuyết mới này, tốt hơn, có
thể thay thế dần những cái cũ, không còn phù hợp. Ví dụ: Quan niệm thực vật là vật
thể không có cảm giác được thay thế bằng quan niệm thực vật có cảm nhận.
Có nhiều định nghĩa khác nhau về khoa học:
“Khoa học bao gồm một hệ thống tri thức về quy luật của vật chất và sự vận
động của vật chất, những quy luật của tự nhiên, xã hội, và tư duy”. Hệ thống tri thức
này hình thành trong lịch sử và không ngừng phát triển trên cơ sở thực tiễn xã hội.
“Khoa học là hệ thống những tri thức được hệ thống hóa, khái quát hóa từ
thực tiễn kiểm nghiệm. Khoa học phản ánh dưới dạng logic, trừu tượng và khái
quát những thuộc tính, những cấu trúc, những mối liên hệ bản chất, những quy luật
tự nhiên, xã hội và tư duy. Đồng thời, khoa học còn bao gồm hệ thống tri thức về
những biện pháp tác động có kế hoạch đến thế giới xung quanh, đến sự nhận thức
và làm biến đổi thế giới đó phục vụ cho lợi ích của con người.”
Hệ thống tri thức ở đây là hệ thống tri thức khoa học, khác với tri thức kinh
nghiệm. Phân biệt 2 hệ thống tri thức: tri thức kinh nghiệm và tri thức khoa học.
Tri thức kinh nghiệm là những hiểu biết được tích lũy một cách ngẫu nhiên qua

3
hoạt động sống hàng ngày trong mối quan hệ giữa con người với con người và giữa
con người với thiên nhiên. Quá trình này giúp con người hình dung được sự vật, biết
cách phản ứng trước tự nhiên, biết ứng xử trong quan hệ xã hội. Tri thức kinh nghiệm
được con người không ngừng sử dụng và phát triển trong hoạt động thực tế. Tuy
nhiên, tri thức kinh nghiệm chưa đi sâu vào bản chất sự vật, chưa thấy được hết các
thuộc tính của sự vật và mối quan hệ bên trong giữa sự vật và con người. Vì vậy, tri
thức kinh nghiệm chỉ phát triển đến một hiểu biết giới hạn nhất định, nhưng những tri
thức kinh nghiệm làm cơ sở cho sự hình thành các tri thức khoa học.
Tri thức khoa học là những hiểu biết được tích lũy một cách có hệ thống và
được khái quát nhờ hoạt động nghiên cứu khoa học. Các hoạt động này có mục tiêu
xác định và sử dụng phương pháp khoa học. Nó không phải là sự kế tục giản đơn
các tri thức kinh nghiệm mà là sự khái quát hóa các quá trình ngẫu nhiên, rời rạc
thành hệ thống các tri thức phản ánh bản chất về sự vật, hiện tượng. Các tri thức
khoa học được tổ chức trong khuôn khổ bộ môn khoa học, như: Triết học, Toán học,
Vật lý, Hóa học, Tâm lí học, Giáo dục học...
Các tiêu chí nhận biết một bộ môn khoa học:
- Có đối tượng nghiên cứu: Đối tượng nghiên cứu là bản chất sự vật hoặc hiện
tượng được đặt trong phạm vi quan tâm của môn khoa học.
- Có hệ thống lý thuyết: Lý thuyết là hệ thống tri thức khoa học bao gồm
những khái niệm, phạm trù, quy luật, định luật, định lý, quy tắc… Hệ thống lý
thuyết của một bộ môn khoa học thường bao gồm hai bộ phận: bộ phận kế thừa từ
các khoa học khác và bộ phận mang nét đặc trưng riêng cho bộ môn khoa học đó.
- Có hệ thống phương pháp luận: Phương pháp luận của bộ môn khoa học bao
gồm hai bộ phận là phương pháp luận riêng và phương pháp luận thâm nhập từ các
bộ môn khoa học khác.
- Có mục đích ứng dụng: Do khoảng cách giữa khoa học và đời sống ngày
càng rút ngắn mà người ta dành nhiều mối quan tâm tới mục đích ứng dụng. Tuy
nhiên, trong nhiều trường hợp, người nghiên cứu chưa biết được mục đích ứng dụng
(chẳng hạn nghiên cứu thuần túy). Vì vậy, không nên vận dụng một cách máy móc
tiêu chí này.
- Có lịch sử nghiên cứu: Lịch sử nghiên cứu của một bộ môn khoa học có thể
bắt nguồn từ một bộ môn khoa học khác. Trong những giai đoạn tiếp theo, sự hoàn
thiện về lý thuyết và phương pháp luận, những bộ môn khoa học độc lập ra đời, tách
khỏi bộ môn khoa học cũ. Ví dụ như Tâm lí học bắt nguồn từ Triết học. Tuy nhiên,
không phải mọi bộ môn khoa học đều có lịch sử phát triển như vậy, nên không áp
dụng máy móc tiêu chí này.
1.1.2. Sự phát triển của khoa học
Quá trình phát triển của khoa học có hai xu hướng ngược chiều nhau nhưng
không loại trừ mà thống nhất với nhau:

4
- Xu hướng thứ nhất là sự tích hợp những tri thức khoa học thành hệ thống chung.
- Xu hướng thứ hai là sự phân chia các tri thức khoa học thành những ngành
khoa học khác nhau.
Trong giai đoạn phát triển của lịch sử, tùy theo những yêu cầu phát triển của
xã hội mà xu hướng này hay xu hướng khác nổi lên chiếm ưu thế.
(i) Thời cổ đại: Xã hội loài người con sơ khai, lao động sản xuất còn đơn giản,
những tri thức mà con người tích lũy được chủ yếu là kinh nghiệm. Thời kỳ này,
triết học là khoa học duy nhất tích hợp những tri thức khoa học khác nhau như: hình
học, cơ học, thiên văn học…
(ii) Thời trung cổ: kéo dài hàng nghìn năm, là thời kỳ thống trị của quan hệ
sản xuất phong kiến và cùng với nó là sự thống trị của giáo hội và nhà thời (chủ
nghĩa duy tâm thống trị xã hội). Thời kỳ này khoa học bị giáo hội bóp nghẹt nên
chậm phát triển, vai trò của khoa học đối với xã hội rất hạn chế và nó trở thành tôi
tớ của thần học.
(iii) Thời kỳ tư bản chủ nghĩa (thế kỷ XV – XVIII – thời kỳ Phục Hưng): là thời
kỳ tan rã của quan hệ sản xuất phong kiến và cũng là thời kỳ mà giai cấp tư sản từng
bước xác lập vị trí của mình trên vũ đại lịch sử. Sự phát triển của sản xuất tư bản chủ
nghĩa đã thúc đẩy sự phát triển của khoa học, khoa học từng bước thoát ly khỏi thần
học, sự phân lập các tri thức khoa học càng rõ ràng, nhiều ngành khoa học xuất hiện,
phương pháp nghiên cứu khoa học (NCKH) chủ yếu được sử dụng trong thời kỳ này là
phương pháp tư duy siêu hình – cơ sở của triết học để giải thích các hiện tượng xã hội.
(iv) Thời kỳ Cách mạng khoa học – kỹ thuật lần thứ nhất (từ giữa thế kỷ XVIII
đến thế kỷ XIX – còn gọi là thời kỳ phát triển tư bản công nghiệp): đây là thời kỳ có
nhiều phát minh khoa học lớn (định luật bảo toàn và chuyển hóa năng lượng, thuyết
tiến hóa …) và xuất hiện nhiều phương tiện NCKH. Sự phát triển của khoa học đã
phá vỡ tư duy siêu hình và thay vào đó là tư duy biện chứng; Khoa học có sự thâm
nhập lẫn nhau để hình thành những môn khoa học mới như: Toán – Lý; Hóa – Sinh;
Sinh – Địa, Hóa – Lý, Toán kinh tế, Xã hội học chính trị…
(v) Thời kỳ Cách mạng khoa học kỹ thuật hiện đại (từ đầu thế kỷ XX đến nay)
Ở thời kỳ này, khoa học và kỹ thuật phát triện theo hai hướng sau:
- Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao nhận thức của con người trong nghiên cứu
các cấu trúc khác nhau của vật chất. Khoa học đi sâu vào tìm hiểu thể giới vi mô,
hoàn thiện các lý thuyết về nguyên tử, về điện, sóng, từ trường… và nghiên cứu sự
tiến hóa của vũ trụ.
- Chuyển kết quả NCKH vào sản xuất một cách nhanh chóng, đồng thời ứng
dụng chúng một cách có hiệu quả trong đời sống xã hội.
Đặc điểm nổi bật của thời kỳ này là khoa học đã trở thành lực lượng sản xuất
trực tiếp, trở thành tiền đế, điểm xuất phát cho nhiều ngành sản xuất vật chất mới.
Song cũng chính sự phát triển nhanh chóng của khoa học lại nảy sinh những vấn đề
mới như: ô nhiễm môi trường, khai thác cạn kiệt tài nguyên… Vì vậy, cần có sự
quan tâm đầy đủ đến mối quan hệ giữa khai thác và tái tạo tự nhiên, bảo vệ môi
trường, làm cho khoa học gắn bó hài hóa với môi trường sinh sống của con người.

5
Tóm lại: Khoa học là hệ thống những tri thức về các quy luật của tự nhiên, xã
hội và tư duy,về những biện pháp tác động đến thế giới xung quanh, đến nhận thức
và làm biến đổi thế giới đó phục vụ cho lợi ích con người.
1.1.3. Phân loại khoa học
Phân loại khoa học là sự phân chia các bộ môn khoa học thành những nhóm
bộ môn khoa học theo cùng một tiêu chí nào đó để nhận dạng cấu trúc của hệ thống
tri thức. Có nhiều cách phân loại khoa học. Mỗi cách phân loại dựa trên một tiêu chí
có ý nghĩa ứng dụng nhất định nào đó.
a) Cách phân loại của Aristốt (384 – 322 trước công nguyên – thời Hy Lạp cổ
đại) theo mục đích ứng dụng của khoa học, có 3 loại:
- Khoa học lý thuyết, gồm: siêu hình học, vật lý học, toán học… với mục đích
tìm hiểu khám phá tự nhiên.
- Khoa học sáng tạo gồm: tu từ học, thư pháp, biện chứng pháp… với mục
đích sáng tạo tác phẩm.
- Khoa học thực hành gồm: đạo đức học, kinh tế học, chính trị học, sử học...
với mục đích hướng dẫn đời sống.
b) Cách phân loại của K Marx theo đối tượng nghiên cứu, có 02 loại:
- Khoa học tự nhiên: có đối tượng là các dạng vật chất và các hình thức vận
động của các dạng vật chất đó được thể hiện trong giới tự nhiên cùng những mối
liên hệ và quy luật giữa chúng như cơ học, toán học, sinh vật học…
- Khoa học xã hội hay khoa học về con người: có đối tượng là những sinh hoạt
của con người cùng những quy luật, những động lực phát triển của xã hội như sử
học, kinh tế học, triết học, đạo đức học…
c) Cách phân loại của B.M Keedrôv (1964) cũng theo đối tượng nghiên cứu
dựa trên ý tưởng của F. Engels. Khoa học được sắp xếp tương ứng với sự phát triển
biện chứng của khách thế. Ông đã trình bày hệ thống tri thức khoa học bằng một
tam giác với 3 đỉnh là Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội và Triết học.
- Khoa học triết học: Biện chứng pháp, lô gic học...
- Khoa học Toán học: Lô gic toán học và toán học thực hành (bao gồm cả điều
khiển học).
- Khoa học tự nhiên và khoa học kỹ thuật: Cơ học, Thiên văn học và vũ trụ
học; Vât lý học, hóa học, địa lý học, sinh học,….
- Khoa học xã hội gồm: lịch sử, khảo cổ học, nhân chủng học, thống kê kinh tế
xã hội…
- Khoa học về hạ tầng cơ sở và thượng tầng kiến trúc, gồm: Kinh tế chính trị học;
Khoa học về nhà nước pháp quyền, Ngôn ngữ học, Tâm lý học và Khoa học sư phạm; …

6
d) Theo UNESCO dựa vào đối tượng nghiên cứu khoa học có 5 loại:
- Nhóm các khoa học tự nhiên và khoa học chính xác.
- Nhóm các khoa học kỹ thuật và công nghệ.
- Nhóm các khoa học nông nghiệp.
- Nhóm các khoa học xã hội và nhân văn.
e) Phân loại theo cơ cấu hệ thống tri thức hoặc chương trình đào tạo có:
- Khoa học cơ bản.
- Khoa học cơ sở của chuyên ngành.
- Khoa học chuyên ngành (chuyên môn).
Ngoài các cách phân loại trên, còn có những cách phân loại theo nguồn gốc
hình thành khoa học, theo mức độ khái quát của khoa học… Tuy nhiên, với sự phát
triển của khoa học thì ranh giới cứng nhắc trong phân loại khoa học luôn bị phá vỡ.
Do đó mọi cách phân loại cần được xem xét như hệ thống mở, phải luôn được bổ
sung và phát triển.
1.2. Nghiên cứu khoa học
1.2.1. Khái niệm nghiên cứu khoa học
Nghiên cứu khoa học thực chất là một quá trình nhận thức hiện thực khách quan
và phản ánh những sự kiện, những quy luật của nó; là cách thức con người tìm hiểu các
hiện tượng khoa học một cách có hệ thống, nhằm phát hiện những hiện tượng, sự việc
mới, có tính chân lí hoặc khám phá những quy luật, nguyên lí mới … Cái mới ở đây
phải bao hàm tính phổ biến, tính logic chặt chẽ, phải được trình bày đầy đủ, tỉ mỉ trong
những điều kiện, hoàn cảnh đã tạo ra nó một cách tất yếu, nghĩa là, nếu người khác hội
đủ những điều kiện y như vậy thì chắc chắn cũng tạo được cái mới ấy.
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là NCKH bao giờ cũng phải nhằm vào
những vấn đề khó khăn phức tạp, những vấn đề mới. Nó có thể là một cuộc điều tra
tình hình thực tế, mô tả và phân tích một đồ dùng dạy học mới, một bài soạn giảng
cải tiến, một kinh nghiệm mới về giáo dục đạo đức… Có rất nhiều người đã bắt đầu
sự nghiệp nghiên cứu của mình từ những vấn đề như vậy. Tính chất NCKH thể hiện
ở đây qua phương pháp điều tra, cách mô tả và phân tích tỉ mỉ, đầy đủ, chính xác,
mà bất cứ người nào khác quan sát, kiểm tra cũng sẽ thấy đúng như vậy.
NCKH là một hoạt động trí tuệ đặc thù bằng những phương pháp nghiên cứu
nhất định để tìm kiếm, xem xét, điều tra, hoặc thử nghiệm những điều mà khoa học
chưa biết, chưa giải thích được. Tức là tạo ra sản phẩm mới dưới dạng tri thức mới,
có giá trị mới về nhận thức và phương pháp.
1.2.2. Các đặc điểm của nghiên cứu khoa học
- Tính khách quan, chính xác trong nghiên cứu là thể hiện sự trung thành với
hiện thực khách quan trong khi phát hiện được cái mới. Yêu cầu đó trước hết đòi
7
hỏi chúng ta phải lựa chọn những đề tài nêu được những vấn đề thiết thực được đặt
ra từ thực tiễn hay lí luận. Yêu cầu khách quan, chính xác đòi hỏi phải lựa chọn
phương pháp, biện pháp, công cụ, kĩ thuật nghiên cứu một cách phù hợp để ghi
nhận đúng đắn, đầy đủ nhất các sự kiện, hiện tượng và tài liệu.
- Quan điểm vận động và phát triển thể hiện ở việc phát hiện càng đầy đủ
càng tốt tính quá trình, sự biến đổi và phát triển của đối tượng được nghiên cứu bởi
hiện thực không ngừng vận động và phát triển. Trong sự vận động, sự vật và hiện
tượng bộc lộ rõ hơn đặc điểm và quy luật của nó. Đặc điểm này cũng cần được quán
triệt khi lựa chọn đề tài nghiên cứu, chọn đối tượng nghiên cứu, khi phân tích, xử lí
tài liệu cũng như khi trình bày kết quả nghiên cứu.
- Xu hướng đi sâu thể hiện ở sự cố gắng tìm ra bản chất của sự kiện, tìm ra
những quy luật chi phối các sự kiện đó chứ không dừng lại ở bề mặt của sự kiện. Vì
vậy, một công trình NCKH dù chỉ đòi hỏi ở mức phát hiện tình hình cũng cần sử
dụng những phương pháp, biện pháp, kĩ thuật, những khái niệm, phạm trù khoa học
để mô tả, ghi nhận hiện tượng, để đo đạc, đánh giá, phân tích sự kiện với mức đầy đủ,
tỉ mỉ, chính xác, sâu sắc cao nhất. Yêu cầu đi sâu thường đòi hỏi chúng ta thu hẹp
phạm vi đề tài bởi sẽ có khả năng phân tích nhiều mặt.
1.2.3. Phân loại nghiên cứu khoa học
Có nhiều cách phân loại khác nhau. Ở đây chúng tôi đề cập đến hai cách phân loại:
Phân loại theo chức năng và phân loại theo tính chất của sản phẩm (tính ứng dụng).
1.2.3.1. Phân loại theo chức năng nghiên cứu
(i) Nghiên cứu mô tả: là những nghiên cứu nhằm đưa ra một hệ thống tri thức về
nhận dạng sự vật/hiện tượng, giúp con người phân biệt được sự khác nhau về bản chất
giữa sự vật/hiện tượng này với sự vật/hiện tượng khác. Nội dung mô tả có thể bao gồm
mô tả hình thái, động thái, tương tác; và có mô tả định tính và mô tả định lượng.
(ii) Nghiên cứu giải thích: là những nghiên cứu nhằm làm rõ nguyên nhân dẫn
đến sự hình thành và quy luật chi phối quá trình vận động của sự vật/hiện tượng.
Nội dung của giải thích có thể bao gồm giải thích nguồn gốc, động thái, cấu trúc,
tương tác, hậu quả, quy luật chung chi phối quá trình vận động của sự vật.
(iii) Nghiên cứu dự báo: là những nghiên cứu nhằm nhận dạng trạng thái của
sự vật trong tương lai. Mọi dự báo đều phải chấp nhận những sai lệch kể cả trong
nghiên cứu tự nhiên và nghiên cứu xã hội. Sự sai lệch trong dự báo có thể do nhiều
nguyên nhân: sai lệch khách quan trong kết quả so sánh, sai lệch do những luận cứ
bị biến dạng trong sự tác động của sự vật khác…
(iv) Nghiên cứu sáng tạo: là loại hình nghiên cứu nhằm làm rõ một sự vật mới
chưa từng tồn tại. Khoa học không bao giờ dừng lại ở mô tả, dự báo, giải thích mà
luôn hướng đến sự sáng tạo các giải pháp cải tạo thế giới

8
1.2.3.2. Phân loại theo tính chất của sản phẩm nghiên cứu
(i) Nghiên cứu cơ bản (fundamental/basic research): là những nghiên cứu
nhằm phát hiện thuộc tính, cấu trúc, động thái của sự vật, tương tác trong nội bộ sự
vật và mối liên hệ giữa sự vật này với sự vật khác. Sản phẩm của nghiên cứu cơ bản
có thể là những khám phá, phát hiện, phát minh, dẫn đến việc hình thành một hệ
thống lý thuyết có giá trị tổng quát, ảnh hưởng đến một hay nhiều lĩnh vực khoa học.
(ii) Nghiên cứu ứng dụng (applied research): là sự vận dụng quy luật được
phát hiện từ nghiên cứu cơ bản để giải thích một sự vật, tạo ra những nguyên lý mới
về các giải pháp và áp dụng chúng vào sản xuất và đời sống. Đó có thể là những
giải pháp về công nghệ, về vật liệu, về tổ chức và quản lý. Cần lưu ý là kết quả của
nghiên cứu ứng dụng thì chưa ứng dụng được. Để có thể đưa kết quả nghiên cứu
ứng dụng vào sử dụng cần nghiên cứu khác gọi là nghiên cứu triển khai.
(iii) Nghiên cứu triển khai (developmental research): còn gọi là triển khai thực
nghiệm là sự vận dụng các quy luật (từ nghiên cứu cơ bản) và các nguyên lý (từ
nghiên cứu ứng dụng) để đưa ra những hình mẫu với những tham số khả thi về kĩ
thuật. Hoạt động triển khai bao gồm triển khai trong phòng thí nghiệm/thực nghiệm
và triển khai bán đại trà. Ví dụ, như nghiên cứu triển khai được áp dụng khi chế tạo
một sản phẩm mới hoặc một mẫu công nghệ mới; hay như áp dụng một phương pháp
giảng dạy mới ở các lớp thí điểm.
1.2.3.3. Phân loại theo hình thức thu thập dữ liệu
(i) Nghiên cứu định lượng
Nghiên cứu định lượng là một loại hình nghiên cứu sử dụng các phương pháp
thu thập dữ liệu bằng số và giải quyết quan hệ trong lý thuyết và nghiên cứu theo
quan điểm diễn dịch. Nghiên cứu định lượng chú trọng vào việc lượng hóa sự biến
thiên của đối tượng nghiên cứu. Nghiên cứu định lượng dựa vào việc đo lường số
lượng. Nghiên cứu định lượng thường gắn vào việc kiểm định (lý thuyết) dựa vào
quy trình suy diễn (Thọ, 2011). Dữ liệu định lượng là dữ liệu trả lời cho các câu hỏi:
bao nhiêu? khi nào?...
Như vậy nghiên cứu định lượng là nghiên cứu sử dụng các phương pháp khác
nhau (chủ yếu là thống kê) để lượng hóa, đo lường, phản ánh và diễn giải các mối
quan hệ giữa các nhân tố (các biến) với nhau hoặc để kiểm định các giả thuyết
nghiên cứu có được từ lý thuyết. Ví dụ, đo mức độ hài lòng của khách hàng đối với
chất lượng dịch vụ, đo mức độ thích thú đối với phương pháp giảng dạy mới; Hay
kiểm định giả thuyết cho rằng tăng lương thì chất lượng lao động cao hơn, hay
giảng dạy theo phương pháp tích cực thì học sinh hứng thú học tập hơn...
(ii) Nghiên cứu định tính
Những nghiên cứu về chất lượng của các mối quan hệ, các hoạt động, các tình

9
huống hoặc các tài liệu được gọi là nghiên cứu định tính. Là loại hình nghiên cứu
thu thập dữ liệu bằng chữ nhằm tìm cách mô tả và phân tích đặc điểm của nhóm
người từ quan điểm của nhà nhân học. Nghiên cứu định tính nhấn mạnh đến việc
mô tả chi tiết, đầy đủ tất cả những gì diễn ra trong một hoạt động hay tình huống cụ
thể nào đó.
Nghiên cứu định tính là các nghiên cứu trong đó dữ liệu cần thu thập ở dạng
định tính (không thể đo lường bằng số lượng). Dữ liệu định tính là các dữ liệu trả
lời cho các câu hỏi: thế nào? cái gì? tại sao?... Ví dụ khi chúng ta cần biết thái độ
của người tiêu dùng về một thương hiệu nào đó, chúng ta có thể hỏi những câu hỏi
sau: Vì sao anh/chị thích dùng thương hiệu này? Đặc điểm nổi bật nhất của thương
hiệu này là gì? Tại sao nó là đặc điểm nổi bật nhất?
Mặc dù sự phân loại nghiên cứu khoa học đa dạng, tuy nhiên trên thực tế, rất
nhiều NCKH là sự kết hợp cả nghiên cứu định lượng và nghiên cứu định tính.
1.2.4. Sản phẩm của nghiên cứu khoa học và đề tài khoa học
Kết quả NCKH cần phải viết ra dưới dạng các tài liệu khoa học khác nhau để
công bố trên các ấn phẩm. Các tài liệu khoa học đó có thể có nhiều ý nghĩa: để báo
cáo theo yêu cầu; để trao đổi và chia sẻ thông tin khoa học; để đón nhận những ý
kiến bình luận, bổ sung của đồng nghiệp; để đi tìm địa chỉ áp dụng, khẳng định
quyền tác giả đối với công trình. Tài liệu khoa học công bố có nhiều loại:
1.2.4.1. Bài báo khoa học
Là ấn phẩm mà nội dung có chứa thông tin mới (dựa trên kết quả quan sát,
điều tra hoặc thực nghiệm khoa học) có giá trị lí luận và thực tiễn được đăng trên
các tạp chí khoa học chuyên ngành với những mục đích khác nhau: công bố một ý
tưởng khoa học, công bố từng kết quả riêng biệt của một công trình nghiên cứu dài
hạn, công bố kết quả toàn bộ công trình nghiên cứu…
1.2.4.2. Báo cáo khoa học
Là một báo cáo được trình bày tại hội nghị, hội thảo khoa học chuyên ngành,
có giá trị khoa học, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn – là kết quả nghiên cứu của tác
giả hoặc đồng tác giả. Báo cáo cần nêu những nội dung ngắn gọn, súc tích, đi thẳng
vào chủ đề với đầy đủ các tài liệu lý thuyết và thực tế, có luận cứ thuyết phục và có
kết luận xác đáng.
1.2.4.3. Kỷ yếu khoa học
Là ấn phẩm mà nội dung của nó phản ánh tóm tắt kết quả nghiên cứu của
các công trình được phân chia theo chủ đề. Ví dụ những kỉ yếu về: Đào tạo
nghiệp vụ sư phạm ở các trường ĐHSP; Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo
giáo viên ở Việt Nam…

10
1.2.4.4. Chuyên khảo
Là một công trình khoa học bàn luận về một chủ đề lớn có tầm quan trọng, có
ý nghĩa lý luận và thực tiễn đối với một chuyên ngành khoa học; là công trình tổng
kết toàn bộ các kết quả nghiên cứu công phu, lâu dài, thể hiện sự am hiểu rộng rãi
và sâu sắc về lĩnh vực chuyên ngành của tác giả hoặc tập thể tác giả.
1.2.4.5. Giáo trình, sách giáo khoa
Là tài liệu chọn lọc, tổng kết và hệ thống hóa các tri thức khoa học thuộc một
lĩnh vực khoa học nhất định được trình bày theo chương trình đào tạo, chương trình
giáo dục do Nhà nước quy định. Sau khi thẩm định xác nhận giá trị khoa học và có
tính giáo dục thì được dùng làm tài liệu giảng dạy và học tập trong các trường học
nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục.
1.2.4.6. Một số sản phẩm đặc biệt của NCKH
Sản phẩm đặc biệt của NCKH đó là những phát hiện, phát minh, sáng chế;
những quy trình khoa học công nghệ đã được cấp bằng sáng chế….
2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
2.1. Những vấn đề chung về phương pháp nghiên cứu khoa học
2.1.1. Khái niệm phương pháp nghiên cứu khoa học
Trong ngôn ngữ hàng ngày cũng như trong các tài liệu khoa học, thuật ngữ
“phương pháp” cũng thường được dùng với hàm nghĩa rất rộng. Do đó, khái niệm
“phương pháp NCKH” có thể bao gồm nhiều cấp độ khác nhau. Trong tài liệu này,
chúng ta quy ước với nhau cách dùng từ như sau:
Thuật ngữ “Phương pháp luận nghiên cứu” là để chỉ những nguyên lí triết
học chỉ đạo toàn bộ hoạt động nhận thức, hoạt động sáng tạo tinh thần hoặc cải tạo
thực tiễn nói chung, trong đó bao gồm cả hoạt động NCKH, như: phương pháp luận
duy vật biện chứng, phương pháp luận duy tâm, phương pháp luận chủ quan siêu
hình… Phương pháp luận nghiên cứu là lý thuyết về phương pháp nhận thức khoa
học thế giới tổng thể, đóng vai trò chủ đạo, dẫn đường và có ý nghĩa thành bại trong
NCKH.
Thuật ngữ “Phương pháp tiếp cận” là để nói về các phương hướng lớn có tính
chất chiến lược chỉ đạo cách thức tiếp cận và thu thập tài liệu, sự kiện khoa học
nhằm đạt được bản chất, quy luật, cơ chế của đối tượng nghiên cứu, do đó nó cũng
chỉ đạo việc sử dụng các phương pháp nghiên cứu, như: “Tiếp cận phát sinh”, “Tiếp
cận so sánh bệnh lí”, “Tiếp cận sư phạm hóa”, “Tiếp cận cắt ngang/bổ dọc”. “Tiếp
cận năng lực”, “Tiếp cận hoạt động”…
Thuật ngữ “Phương pháp nghiên cứu” được dùng để chỉ những cách thức
chung trong khi tiếp cận các đối tượng, ghi nhận, thu thập sự kiện và tài liệu nghiên

11
cứu. Dưới góc độ thông tin, phương pháp NCKH là cách thức, con đường, phương
tiện thu thập, xử lý thông tin khoa học (số liệu, sự kiện) nhằm làm sáng tỏ vấn đề
nghiên cứu để giải quyết nhiệm vụ nghiên cứu và cuối cùng đạt được mục đích
nghiên cứu.
Nói cách khác: Phương pháp NCKH là những phương thức thiết lập và xử lý
thông tin khoa học nhằm mục đích thiết lập những mối liên hệ phụ thuộc có tính
quy luật và xây dựng lý luận khoa học mới.
Dưới góc độ hoạt động: Phương pháp NCKH là hoạt động có đối tượng, chủ
thể (người nghiên cứu) sử dụng những thủ thuật, biện pháp, thao tác tác động, khám
phá đối tượng nghiên cứu nhằm biến đổi đối tượng theo mục tiêu mà chủ thể tự đặt
ra để thảo mãn nhu cầu nghiên cứu của bản thân.
2.1.2. Các đặc trưng của phương pháp nghiên cứu khoa học
a) Phương pháp NCKH có mặt chủ quan và khách quan thể hiện sự tương tác
biện chứng giữa chủ thể và khách thể trong hoạt động NCKH
Mặt chủ quan gắn liền với chủ thể nghiên cứu. Đó chính là đặc điểm, trình độ,
năng lực nhận thức, kinh nghiệm hoạt động sáng tạo, khả năng thực hành… của chủ
thể, thể hiện trong việc ý thức được các quy luật vận động của đối tượng và sử dụng
chúng để khám phá chính đối tượng và kết quả đạt được sẽ phù hợp với khả năng
chủ quan ấy.
Mặt khách quan gắn liền với đối tượng nghiên cứu, phản ánh đặc điểm của
đối tượng và quy luật khách quan chi phối đối tượng mà chủ thể nghiên cứu phải ý
thức được.
Trong NCKH, cái chủ quan phải tuân thủ cái khách quan, Vì vậy, chủ thể
phải hiểu biết chân thực về đối tượng để trên cơ sở đó tìm ra được những thao tác
đúng đắn với đối tượng và hành động chủ quan theo đúng quy luật đó.
b) Phương pháp NCKH có tính mục đích, gắn liền với nội dung; chịu sự chi
phối của mục đích và nội dung; bản thân phương pháp có chức năng phương tiện
để thực hiện mục đích và nội dung
Mục đích nào, phương pháp ấy; mục đích chỉ đạo việc tìm tòi và lựa chọn
phương pháp nghiên cứu. Muốn cho phương pháp nghiên cứu được áp dụng hiệu
quả, áp dụng thành công cần đảm bảo được hai điều: xác định mục đích và tìm được
phương pháp thích hợp với mục đích nghiên cứu
Nội dung nào, phương pháp ấy; sự thống nhất của nội dung và phương pháp
thể hiện ở logic phát triển của bản thân đối tượng nghiên cứu. Mối quan hệ của mục
đích, nội dung và phương pháp nghiên cứu là mối quan hệ biện chứng, được diễn ra
theo quy luật: mục đích và nội dung quy định phương pháp. Còn phương pháp là
phương tiện thực hiện nội dung để đạt mục đích.

12
c) Phương pháp NCKH có một cấu trúc đặc biệt (cấu trúc đa cấp) đó là hệ
thống các thao tác được sắp xếp theo một chương trình tối ưu.
Hoạt động (có mục đích chung là M) bao gồm nhiều hành động A1…. An (có
mục đích riêng – chính là các mục tiêu: MA1… MAn) mà mỗi hành động lại bao gồm
nhiều thao tác: t1…. tn ( thao tác không có mục đích). Để đạt được mục đích chung,
người nghiên cứu cần phải thực hiện một loạt các hành động với những hệ thống
logic chặt chẽ được sắp xếp theo một trình tự xác định và có kế hoạch rõ ràng.
Người nghiên cứu phải biết tổ chức hợp lý cấu trúc bên trong của phương pháp và
triển khai quy trình đó một cách tinh thông - đây là mặt kỹ thuật của phương pháp
nghiên cứu.
d) Phương pháp nghiên cứu cần có công cụ, các phương tiện hỗ trợ
Phương pháp và phương tiện là hai phạm trù khác nhau nhưng chúng lại gắn
bó chặt chẽ với nhau. Tùy theo các yêu cầu của phương pháp nghiên cứu mà chọn
các phương tiện phù hợp, đôi khi phải tạo ra các công cụ đặc biệt để nghiên cứu đối
tượng. Phương tiện kĩ thuật hiện đại tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các
phương pháp nghiên cứu và đảm bảo cho quá trình nghiên cứu đạt được độ chính
xác và tin cậy cao.
2.1.3. Phân loại các phương pháp nghiên cứu khoa học
Các phương pháp NCKH rất phong phú và đa dạng. Vì thế, có nhiều cách
phân loại phương pháp NCKH dựa trên những dấu hiệu sau:
a) Phân loại dựa theo lý thuyết thông tin về quy trình nghiên cứu một đề tài khoa
học: Có 3 nhóm:
- Nhóm phương pháp thu thập thông tin;
- Nhóm phương pháp xử lí thông tin;
- Nhóm phương pháp trình bày thông tin.
b) Phân loại theo tính chất và trình độ nhận thức: có 2 nhóm chính
- Nhóm phương pháp nghiên cứu lý thuyết;
- Nhóm phương pháp nghiên cứu thực tiễn;
- Nhóm phương pháp toán học.
c) Phân loại theo logic của NCKH: có 8 nhóm
- Nhóm phương pháp nghiên cứu lý thuyết;
- Nhóm phương pháp lập kế hoạch nghiên cứu;
- Nhóm phương pháp tổ chức nghiên cứu;
- Nhóm phương pháp thu thập thông tin;
- Nhóm phương pháp xử lý số liệu;
13
- Nhóm phương pháp phân tích và giải thích các số liệu;
- Nhóm phương pháp kiểm tra trong thực tiễn;
- Nhóm phương pháp liên hệ giả thuyết với các phương thức nghiên cứu.
d) Phân loại theo các giai đoạn tiến hành nghiên cứu một đề tài khoa học
- Giai đoạn chuẩn bị gồm các phương pháp: phương pháp lý thuyết (nghiên
cứu tài liệu, sách báo); phương pháp tìm hiểu bước đầu về đối tượng (các phương
pháp quan sát, trò chuyện, điều tra bằng bảng hỏi).
- Giai đoạn xây dựng phương pháp nghiên cứu, gồm:
+ Phương pháp tổ chức nghiên cứu: Phương pháp bổ dọc (là phương pháp tổ
chức nghiên cứu trong suốt thời gian dài, liên tục trên cùng một đối tượng, cho phép
chuẩn đoán chính xác hơn về sự phát triển của đối tượng; Phương pháp cắt ngang –
so sánh (là phương pháp nghiên cứu một cách song song và đồng thời trên nhiều đối
tượng khác nhau để so sánh, đối chiếu và kết luận); Phương pháp phức hợp (là
phương pháp tổ chức nghiên cứu với sự tham gia của các nhà khoa học hoặc chuyên
gia thuộc nhiều ngành khoa học khác nhau);
+ Các phương pháp cơ bản để thu thập tài liệu thực tế được lựa chọn;
+ Các phương pháp, phương tiện thực nghiệm cần thiết khác.
- Giai đoạn thu thập thông tin – tài liệu: là giai đoạn cơ bản gồm các phương
pháp tìm kiếm, thu thập các sự kiện khoa học (bao gồm các phương pháp: nghiên
cứu lịch sử, quan sát khách quan, thực nghiệm, nghiên cứu các sản phẩm hoạt động
lý luận và thực tiễn, mô hình hóa, điều tra và chuẩn đoán…).
- Giai đoạn phân tích, xử lý tài liệu: là giai đoạn lý giải và trình bày kết quả
nghiên cứu (phân tích cả số lượng, chất lượng); Có các phương pháp nghiên cứu:
+ Các phương pháp xử lí tài liệu: Phương pháp thống kê số lượng (định lượng)
và phân tích chất lượng (định tính), đó là các phương pháp thống kê toán học, phân
loại, kỹ thuật vi xử lý…
+ Các phương pháp lý giải các số liệu: giúp cắt nghĩa những tài liệu thu thập
được, nó cung cấp phương pháp khái quát hóa, giải thích sự kiện và mối quan hệ
giữa chúng (bao gồm các phương pháp: mô hình hóa, sơ đồ, đồ thị …). Có thể chia
làm hai loại phương pháp lý giải: phương pháp phát sinh – là phương pháp lý giải
theo quan điểm các mối liên hệ phát sinh; phương pháp cấu trúc – là phương pháp
lý giải bằng cách phân tích các mối liên hệ qua lại giữa các bộ phận, cái toàn bộ.
- Giai đoạn kiểm tra kết quả nghiên cứu trong thực tiễn: bao gồm các phương
pháp kiểm tra kết quả nghiên cứu qua việc ứng dụng có hiệu quả hay không vào
thực tiễn và chỉ dẫn ứng dụng.

14
2.2. Phương pháp nghiên cứu khoa học cụ thể
Phương pháp nghiên cứu khoa học được phân loại theo tính chất và trình độ
nhận thức cụ thể như sau:
2.2.1. Phương pháp nghiên cứu thực tiễn
Phương pháp NCKH thực tiễn là các phương pháp trực tiếp tác động vào đối
tượng có trong thực tiễn để làm bộc lộ bản chất và các quy luật vận động của các
đối tượng ấy. Có các phương pháp nghiên cứu cụ thể như sau:
2.2.1.1. Phương pháp quan sát khoa học
a) Khái niệm
Quan sát khoa học là phương pháp tri giác đối tượng một cách có hệ thống để
thu thập thông tin về đối tượng. Quan sát khoa học là sử dụng một cách có chủ đích,
có kế hoạch, theo những quy cách nhất định các giác quan cùng với ngôn ngữ viết
(và có khi cả các phương tiện kĩ thuật) để ghi nhận, thu thập những biểu hiện của
các đối tượng nghiên cứu làm tư liệu phục vụ cho việc NCKH.
b) Phân loại
Có nhiều loại quan sát trong NCKH: quan sát toàn diện, quan sát từng mặt
(quan sát có chọn lọc); quan sát ngẫu nhiên, quan sát có bố trí, quan sát lâm sàng (có
tính chất tương tự như một cuộc thực nghiệm thăm dò); quan sát phát hiện, quan sát
kiểm định… Tuy nhiên, có hai loại hình quan sát chính: quan sát trực tiếp và quan sát
gián tiếp.
- Quan sát trực tiếp là quan sát trực diện đối tượng đang diễn biến trong thực
tiễn bằng mắt thường hay bằng các phương tiện kỹ thuật như máy quan trắc, kính
thiên văn, kính hiển vi... để thu thập thông tin trực tiếp. Quan sát trực tiếp sẽ giúp
nhà nghiên cứu có được những thông tin chính xác về những hoạt động, sự việc...
có liên quan đến vấn đề nghiên cứu. Vai trò tham gia của nhà nghiên cứu có thể ở
các mức độ khác nhau: hoàn toàn như là người tham gia, vừa như là người tham gia
- vừa là người quan sát, hoàn toàn là người quan sát.
- Quan sát gián tiếp: là quan sát diễn biến hiệu quả của các tác động tương tác
giữa đối tượng quan sát tới các đối tượng khác, mà bản thân đối tượng không thể
quan sát trực tiếp được như: nghiên cứu các nguyên tử, hóa học lượng tử...
c) Thuận lợi lợi và khó khăn
Tác dụng của phương pháp quan sát. Quan sát vốn là một PPNC của nhiều
khoa học, theo nghĩa rộng nhất, nó là một phương pháp để con người tích lũy kinh
nghiệm, giúp nhà nghiên cứu thu thập nhiều tài liệu sinh động từ thực tế về đối
tượng nghiên cứu. Nhờ đó, sau khi xử lí và phân tích tài liệu, ta có thể rút ra nhiều
kết luận sâu sắc về bản chất, quy luật của hiện tượng nghiên cứu.

15
Tuy nhiên, phương pháp quan sát khoa học có những khó khăn như:
- Phương pháp này giá trị khách quan, toàn diện của kết quả quan sát phụ
thuộc rất nhiều vào chủ quan người quan sát (nếu thiếu hiểu biết lí luận và vốn kinh
nghiệm cần thiết, thì có khi nhìn mà không thấy, “tắm mình” trong sự kiện mà
không phát hiện được gì, trong khi người “sành sỏi” chỉ cần “liếc mắt” đã thấy hết.
Ngoài ra, tình cảm, định kiến, tâm thế… của người quan sát, hay bản thân sự có mặt
của người quan sát cũng có thể làm sai lệch kết quả thu được).
- Khối lượng tri giác không lớn, tài liệu ghi nhận không thật cụ thể; mất nhiều
thời gian và nhiều khi rất bị động; chỉ cho ta thu nhận những biểu hiên trực tiếp của
hiện tượng (người quan sát tinh ý, có kinh nghiệm, khéo léo sẽ thu thập được nhiều
hiện tượng phong phú và trung thực. Nếu quan sát nhiều lần sẽ cho phép ta khẳng
định những giả thuyết về tính quy luật của hiện tượng, nhưng tất cả những điều đó
chưa cho phép kết luận chắc chắn trong đó có những yếu tố nào, cái gì là bản chất,
cái gì là tất yếu.
d) Những yêu cầu khoa học khi sử dụng phương pháp quan sát khoa học
- Người quan sát cần có mục đích quan sát rõ ràng;
- Được trang bị đầy đủ về lí luận và thực tiễn có liên quan đến vấn đề, hiện
tượng mà ta sẽ quan sát;
- Nắm được một cách sơ bộ về đối tượng được quan sát để lập kế hoạch,
chuẩn bị phương tiện cho phù hợp;
- Nên có một nhóm hai – ba người trở lên cùng quan sát một số đối tượng nhất định;
- Khối lượng tài liệu quan sát phải đủ nhiều, đủ đa dạng và chi tiết (được thể
hiện ở biên bản quan sát).
e) Quy trình tiến hành
- Xác định đối tượng quan sát trên cơ sở mục đích của đề tài, đồng thời xác
định cả các phương diện cụ thể của đối tượng cần quan sát.
- Lập kế hoạch quan sát: thời gian, địa điểm, số lượng đối tượng, người quan
sát, phương tiện quan sát, các thông số kỹ thuật cần đo đạc được...
- Lựa chọn hình thức quan sát: quan sát trực tiếp, quan sát gián tiếp, quan sát bằng
mắt thường hay bằng các phương tiện kỹ thuật, quan sát một lần hay nhiều lần...
- Tiến hành quan sát: Quan sát phải tiến hành thận trọng, phải theo dõi từng
diễn biến dù là nhỏ nhất kể cả ảnh hưởng của những tác động khác nhau từ bên
ngoài tới đối tượng.
- Ghi chép: Phải ghi chép mọi diễn biến của đối tượng, có nhiều cách ghi chép
(theo mẫu phiếu in sẵn, ghi biên bản toàn bộ nội dung quan át; ghi nhật kí theo thời

16
gian quy định trong một ngày, một tuần, một tháng...; ghi vắn tắt theo “dấu vết nóng
bỏng”; ghi âm, chụp ảnh, quay phim toàn bộ sự kiện...
f) Xử lí dữ liệu và kiểm tra kết quả quan sát
- Các dữ liệu do các cá nhân quan sát được là các “tư liệu thô”, chưa phải là tài
liệu khoa học. Các dữ liệu này cần phải được xử lý thận trọng bằng cách phân loại,
hệ thống hóa, bằng thống kê toán học, bằng máy tính mới đáng tin cậy (chúng ta có
thể sử dụng các phần mềm để xử lý dữ liệu thô như NVIVO).
- Để kiểm tra các kết quả quan sát một cách khách quan, người ta thường sử
dụng một loạt các biện pháp hỗ trợ khác như trao đổi trực tiếp với nhân chứng, lặp
lại quan át nhiều lần, sử dụng người có trình độ cao hoặc có kinh nghiệm để quan
sát lại...
2.2.1.2. Phương pháp điều tra
a) Khái niệm
Điều tra là phương pháp khảo sát một nhóm đối tượng trên một diện rộng
nhằm phát hiện các quy luật phân bố, trình độ phát triển, những đặc điểm về mặt
định tính và định lượng của các đối tượng cần nghiên cứu.
Các tài liệu điều tra được sẽ là những thông tin quan trọng về đối tượng cần
cho các quá trình nghiên cứu và là căn cứ quan trọng để đề xuất những giải pháp
khoa học hay giải pháp thực tiễn
b) Phân loại điều tra
Có hai loại điều tra: điều tra cơ bản và điều tra xã hội học
- Điều tra cơ bản: là khảo sát sự có mặt của các đối tượng trên một diện rộng,
để nghiên cứu các quy luật phân bổ cũng như các đặc điểm về mặt định tính và định
lượng. Điều tra cơ bản được sử dụng trong cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.
Ví dụ: điều tra địa hình, địa chất, điều tra dân số, trình độ văn hóa, điều tra chỉ số
thông minh (IQ) của trẻ em, điều tra khả năng tiêu thụ hàng hóa....
- Điều tra xã hội học: là điều tra quan điểm, thái độ của quần chúng về mặt sự
kiện chính trị, xã hội, hiện tượng văn hóa, thị hiếu,... Ví dụ: điều tra nguyện vọng
nghề nghiệp của thanh niên, điều tra hay trưng cầu dân ý về bản hiến pháp mới...
c) Quy trình tiến hành
Điều tra là một phương pháp NCKH quan trọng, một hoạt động có mục đích,
có kế hoạch, được tiến hành một cách thận trọng.
Các bước điều tra thường được tiến hành như sau:
- Xây dựng một kế hoạch điều tra bao gồm: mục đích, đối tượng, địa bàn,
nhân lực, kinh phí...
- Xây dựng các mẫu phiếu điều tra với các thông số, các chỉ tiêu cần làm sáng tỏ.
17
- Chọn mẫu điều tra đại diện cho số đông, chú ý tới tất cả những đặc trưng của
đối tượng.
- Xử lý tài liệu thu thập được từ điều tra có thể bằng phương pháp thủ công
hay bằng một số phần mềm (trong khoa học xã hội thường sử dụng các phần mềm
SPSS, ConQuest, Excel...).
d) Một số phương pháp điều tra cơ bản
* Phương pháp phỏng vấn
Đó là việc đưa ra thận trọng những câu hỏi phù hợp, có liên quan đến vấn đề
nghiên cứu. Mục đích của phỏng vấn con người là để tìm thấy những gì đang diễn
ra trong suy nghĩ và tình cảm của họ về một điều/vấn đề gì đó. Có 3 loại phỏng vấn:
phỏng vấn có cấu trúc, phỏng vấn bán cấu trúc và phỏng vấn không chính thức. Tuy
nhiên, trong thực tế cả ba loại này thường đan xen vào nhau.
- Phỏng vấn cấu trúc và bán cấu trúc: đó là việc thu thập thông tin dựa trên
những bảng hỏi được soạn thảo sẵn từ trước. Chúng bao gồm hàng loạt các câu hỏi tìm
kiếm thông tin để sau đó dùng cho việc so sánh. Ví dụ, khi muốn nghiên cứu những
đặc trưng của giáo viên dạy trường chuyên và trường bình thường khác nhau như thế
nào, người nghiên cứu tiến hành thu thập thông tin bằng phỏng vấn cấu trúc với một
nhóm giáo viên dạy trường chuyên và trường không chuyên về trình độ đào tạo, trình
độ tay nghề, các kinh nghiệm, các hoạt động của họ sau giờ lên lớp,… Tốt nhất là nên
tiến hành phỏng vấn cấu trúc và bán cấu trúc vào cuối giai đoạn nghiên cứu, vì nó giúp
cho việc kiểm tra một giả thuyết cụ thể nào đó mà nhà nghiên cứu đã có.
- Phỏng vấn không chính thức. Đây là loại hình phỏng vấn được dùng khá phổ
biến trong nghiên cứu định tính. Nó giống như những cuộc đàm thoại, cùng theo
đuổi những quan tâm của cả người nghiên cứu và người trả lời. Chúng không có bất
kì một trật tự các câu hỏi hay một loại hình câu hỏi cụ thể nào cả. Mục tiêu chính
của phỏng vấn không chính thức là tìm hiểu những suy nghĩ và quan điểm của một
cá nhân khi so sánh với những người khác.
Loại hình phỏng vấn này tạo ra tình huống tự nhiên nhất cho việc thu thập số
liệu. Tuy nhiên, nó đòi hỏi người nghiên cứu phải có kĩ năng phỏng vấn: nên đặt ra
những câu hỏi dễ, đơn giản, không đi sâu vào cá nhân trước. Và, điều quan trọng là
phải tạo được bầu không khí tin tưởng, hợp tác và tôn trọng lẫn nhau giữa người
phỏng vấn và người được phỏng vấn.
- Một số yêu cầu đối với người phỏng vấn:
+ Tôn trọng văn hóa của những người được phỏng vấn;
+ Tôn trọng từng cá nhân người được phỏng vấn;
+ Giữ cho bầu không khí phỏng vấn càng tự nhiên càng tốt;

18
+ Hỏi cùng một câu hỏi theo những cách khác nhau trong quá trình phỏng vấn;
+ Yêu cầu người được phỏng vấn nhắc lại ý/câu trả lời mà mình nghe chưa
được rõ hoặc chưa thật hiểu;
+ Học cách chờ đợi: Người nghiên cứu phải biết cách giữ im lặng khi đặt câu
hỏi mà người được phỏng vấn chưa thể trả lời ngay được.
* Phương pháp điều tra bằng bảng hỏi
Bảng hỏi là một trong những công cụ phổ biến nhất để thu thập số liệu cho
nghiên cứu định lượng. Nhà nghiên cứu cần có công cụ tốt trước khi đi thu thập số
liệu và công cụ đó phải giúp nhà nghiên cứu thu được thông tin để trả lời cho câu
hỏi nghiên cứu đặt ra.
Có 4 bước trong việc thiết kế bảng hỏi, là:
- Lập bảng chi tiết, hỏi cụ thể;
- Viết câu hỏi;- Chỉnh sửa để in ấn;
- Thử bảng hỏi.
Bước 1: Lập bảng chi tiết hỏi cụ thể bao gồm việc
ü Xác định các mục đích mà bảng hỏi hướng đến;
ü Xác định đối tượng điều tra;
ü Xác định các phương pháp thu thập thông tin;
ü Thiết lập mối liên hệ giữa câu hỏi nghiên cứu, các thông tin cần thiết,
nguồn cung cấp thông tin và phương pháp thu thập số liệu;
ü Quyết định xem làm thế nào để đo từng biến;
ü Lập bảng chi tiết hỏi cụ thể.
(i) Xác định mục đích của bảng hỏi:
§ Mục đích chính hay câu hỏi nghiên cứu là gì? Có một vài câu hỏi
chính như: Bảng hỏi để tìm kiếm điều gì? Những loại thông tin nào
cần?
§ Các câu hỏi nghiên cứu cụ thể là gì?
§ Những giả thuyết nào? (vẽ sơ đồ)
(ii) Xác định đối tượng điều tra
§ Ai sẽ là người thích hợp cung cấp những thông tin cần thiết?
§ Các đặc điểm của nhóm đối tượng trả lời phiếu.
(iii) Xác định phương pháp thu thập thông tin
Có đúng là phải dùng bảng hỏi không? (đôi khi thông tin chúng ta cần
19
có thể đã có sẵn trong các điều tra khác, vì vậy cần quyết định dựa
trên những nguồn thông tin đã có nào.
(iv) Lập bảng liên kết giữa thông tin cần, nguồn thông tin và phương
pháp thu thập số liệu:
Bảng này giúp cho chúng ta định hướng xem có thể có bao nhiêu câu
hỏi cần thiết phải đặt ra.

Thông tin cần Nguồn thông tin Phương pháp


thiết/biến cần đo thu thập số liệu

(v) Xác định cách thức đo từng biến


Cần phải xem xét xem biến đo là biến đơn hay biến ẩn?
§ Biến đó đo một tiêu chí hay nhiều tiêu chí?
§ Đo tiêu chí đó như thế nào?
Biến đơn: là biến đo một tiêu chí, có thể quan sát, đo đạc trực tiếp. Ví
dụ, giới, trình độ giáo dục của cha mẹ là biến đơn.
Biến ẩn: Khả năng/năng lực được đo đạc gián tiếp thông các các biến
có liên quan có thể quan sát được. Vì thế cần có sự đo đạc gián tiếp.
Các chỉ số là các biến quan sát được.
Cần lập bảng chỉ rõ làm thế nào để đo từng chỉ số của mỗi biến ẩn.

Các chỉ số Đo đạc

Cuối cùng, chúng ta cần lập bảng chi tiết, bao gồm: tất cả các biến,
các chỉ số, các phương pháp đo đạc và các thông tin cần thiết để trả
lời câu hỏi nghiên cứu. Bảng này như là một sự định hướng giúp cho
người nghiên cứu hiểu và tự tin về khung lí thuyết của mình.
Bước 2: Viết câu hỏi
(i) Xây dựng các tiêu chí
Trước hết phải xác định những vấn đề cần quan tâm đối với mỗi tiêu
chí. Cụ thể là:
§ Thông tin nào ta cần phải có?

20
§ Thông tin là các sự việc/sự kiện hay không phải là sự việc/sự kiện?
§ Hỏi như thế nào?
§ Loại hình trả lời nào ta muốn? /Ta muốn người hỏi trả lời như thế nào?
(cấu trúc câu hỏi)
§ Ta sẽ mã hóa từng tiêu chí như thế nào?
§ Có thể đưa cả mã hóa vào bảng hỏi được không?
(ii) Các loại hình câu hỏi:
Có hai cách phân loại câu hỏi: phân loại theo cấu trúc phương án trả
lời đưa ra và phân loại theo loại hình thông tin.
§ Đối với cách phân loại theo cấu trúc phương án trả lời đưa ra, có hai
loại câu hỏi là: câu hỏi đóng (dạng câu hỏi có đưa ra các phương án
trả lời sẵn để người được hỏi lựa chọn, hoặc câu hỏi dưới dạng
Có/Không…) và câu hỏi mở (dạng câu hỏi để cho người trả lời được
tự do đưa ra ý kiến của mình). Trong một bảng hỏi có thể bao gồm cả
câu hỏi đóng và câu hỏi mở.
Trong nghiên cứu, câu hỏi mở có những lợi thế sau đây:
- Người được hỏi có thể diễn đạt chính xác những quan điểm hay cảm
nghĩ của mình;
- Không hạn chế các phương án trả lời;
- Rất hữu ích trong việc kiểm tra giả thuyết về những ý tưởng hay
nhận thức.
Tuy nhiên, câu hỏi mở cũng có những bất lợi như:
- Khó trả lời và tốn nhiều thời gian để trả lời;
- Khó phân tích và tốn nhiều thời gian để phân tích.
Nhóm câu hỏi đóng gồm có các loại hình sau đây:
- Bảng kiểm
- câu hỏi hai lựa chọn
- Câu hỏi nhiều lựa chọn
- Thang xếp loại
v Bảng kiểm thường được sử dụng để kiểm tra xem có hay không có
một cái gì đó? Ví dụ: “Anh/Chị đã sử dụng những loại tài liệu tham
khảo nào sau đây?” (liệt kê các tài liệu tham khảo); Hay, “Em đã
tham gia những hoạt động nào sau đây?” (liệt kê các hoạt động).

21
Thế nào là một bảng kiểm tốt? Một bảng kiểm tốt cần phải:
ü Chứa đựng tất cả các lựa chọn phù hợp;
ü Sẽ tốt hơn khi cung cấp lựa chọn “cái khác” để người được hỏi có
thể bổ sung thêm ở phía cuối bảng kiểm.
v Câu hỏi hai lựa chọn;
Câu hỏi hai lựa chọn thường được sử dụng để đo sự khác nhau hoàn
toàn (đối lập) của các biến. Trong câu hỏi hai lựa chọn, người trả lời
được yêu cầu lựa chọn một trong hai phương án đối lập nhau như:
Có/không; Đồng ý/không đồng ý; Ủng hộ/phản đối; Xấu/tốt;
Thích/không thích; ….
v Câu hỏi nhiều lựa chọn;
Câu hỏi nhiều lựa chọn là dạng câu hỏi đưa ra tất cả các phương án
trả lời có thể có để người được hỏi lựa chọn.
v Thang xếp loại.
- Thang đo thứ bậc
- Cấu trúc này cho chúng ta thấy người được hỏi xếp thứ bậc như
thế nào?
- Nó sẽ tốt khi chúng ta có số lượng hạn chế các biến muốn xếp loại;
Những ưu thế của câu hỏi đóng:
- So với câu hỏi mở, loại hình này dễ trả lời và trả lời nhanh hơn;
- Có thể hỏi nhiều câu hỏi trong một khoảng thời gian nhất đinh;
- Có thể hỏi nhiều người;
- Giá thành thấp hơn;
- So sánh nhóm dễ hơn;
- Thời gian dành cho tập huấn cán bộ điều tra ít hơn.
Những bất lợi của câu hỏi đóng:
- Có thể thiếu các phương án trả lời khác;
- Có thể có yếu tố chủ quan của nhà nghiên cứu khi yêu cầu người
được hỏi chỉ được lựa chọn các phương án sẵn có đưa ra;
- Có thể có những người trả lời chọn tuỳ tiện cho xong mà không có
sự suy nghĩ thấu đáo;
- Khó thiết kế.

22
§ Phân loại theo loại hình thông tin cung cấp, có các dạng câu hỏi sau:
- Câu hỏi về sự việc/sự kiện;
- Câu hỏi không hỏi về sự việc/sự kiện (thái độ, niềm tin, nhận thức).
Thông thường, phần lớn các bảng hỏi đều kết hợp cả hai loại câu hỏi về
sự kiện/sự việc và câu hỏi liên quan đến thái độ, nhận thức, niềm tin.
v Câu hỏi về sự việc/sự kiện:
- Có thể kiểm tra, xác minh;
- Biến đơn;
- Dễ thiết kế.
v Câu hỏi không về sự việc, sự kiện:
- Khó xác minh, kiểm tra;
- Biến ẩn;
- Khó thiết kế.
Một số lưu ý khi dùng câu chữ để đặt câu hỏi:
- Sử dụng các từ ngữ đơn giản, trực tiếp;
- Tránh dùng những nhóm từ viết tắt (UNESCO), chữ viết tắt, biệt
ngữ (từ khó hiểu);
- Tránh dùng những từ tối nghĩa hoặc có nhiều nghĩa;
- Tránh dùng câu hỏi mang tính chỉ dẫn;
- Tránh dùng những câu hỏi có nhiều ý;
- Tránh những giả định ngấm ngầm;
- Đừng bắt trí nhớ của người trả lời làm việc quá nhiều;
- Tránh dùng các mệnh đề hay câu nói đã quen thuộc;
- Những câu hỏi về thái độ sẽ tốt nếu người được hỏi nhận thấy là
câu hỏi bắt mình phải suy nghĩ.
Việc lựa chọn loại hình câu hỏi cần lưu ý đến:
- Số lượng người được hỏi;
- Số lượng và loại hình thông tin cần thu thập;
- Những đặc trưng của người được hỏi (trình độ, tuổi, văn hóa, tín
ngưỡng);
- Số lượng thời gian cần cho việc xử lí và phân tích số liệu;

23
- Hiểu biết của bạn về các vấn đề hỏi (bạn có thể dự đoán các
phương án trả lời có thể ở mức độ nào);
- Phương pháp phân tích số liệu.
(i) Cấu trúc bảng hỏi bao gồm:
- Chỉ dẫn chung
- Chỉ dẫn từng phần
- Câu hỏi
§ Phần chỉ dẫn chung:
- Chỉ dẫn chung:
+ Nêu các lí do tiến hành điều tra;
+ Nói rõ việc giữ bí mật (dấu tên) cho người trả lời;
+ Nêu lí do chọn đối tượng để hỏi;
+ Nêu rõ địa chỉ hồi âm phiếu trả lời (nếu điều tra qua đường bưu điện);
+ Nêu rõ địa chỉ, số điện thoại...của người cần liên lạc;
+ Nêu rõ để người trả lời biết kết quả sẽ được sử dụng như thế nào;
+ Có lời cảm ơn.
§ Chỉ dẫn từng phần ở câu hỏi:
Câu hỏi cần nêu rõ yêu cầu:
+ Cách thức trả lời từng câu hỏi như thế nào;
+ Đảm bảo chắc chắn rằng giữa chỉ dẫn và câu hỏi là phù hợp.
Một số lưu ý khi xây dựng bảng hỏi:
- Nên bắt đầu với câu hỏi dễ và ít nhạy cảm;
- Không nên bắt đầu bằng câu hỏi mở;
- Nên sắp xếp các câu hỏi từ chung nhất đến cụ thể;
- Nên nhóm các câu hỏi theo từng chủ đề hay tiểu mục;
- Nên làm bảng hỏi càng ngắn càng tốt.
Bước 3: Chỉnh sửa bảng hỏi
(i) Đối với các bảng hỏi với câu hỏi đóng khách quan, ví dụ, các thang đo năng
lực hoặc hành vi có cấu trúc/chuẩn hóa, khi tiến hành chỉnh sửa nhà nghiên
cứu có thể sử dụng các phần mềm thống kê thông dụng để đánh giá độ tin
cậy và độ hiệu lực của thang đo nhằm đáp ứng yêu cầu về mặt kĩ thuật.
(ii) Đối với các loại bảng hỏi có câu hỏi mở, có thể sử dụng phương pháp

24
chuyên gia và chỉnh sửa theo góp ý của chuyên gia về nội dung hoặc hình
thức diễn đạt, cách trình bày, liều lượng các câu hỏi…
Bước 4: Thử bảng hỏi
(i) Thử nghiệm trên nhóm mẫu nhỏ khách thể mà nó định đo nhằm mục đích
đánh giá sự phù hợp với đối tượng nghiên cứu về các khía cạnh khác
nhau (về cả hình thức lẫn nội dung cũng như thời gian thực hiện).
(ii) Sau lần thử đầu tiên trên mẫu nhỏ khách thể, cần phải thử tiếp trên mẫu
lớn hơn để khẳng định tính khách quan của bảng hỏi.
(iii) Trong trường hợp của thang đo chuẩn hóa cần có sự tính toán lại các
chỉ số kĩ thuật để đảm bảo là khách quan, tin cậy.
2.2.1.3. Phương pháp tổng kết kinh nghiệm
Trong nghiên cứu khoa học, khi dùng khái niệm “phương pháp” để nói đến
tổng kết kinh nghiệm thì nó có hàm nghĩa rất rộng, và có nghĩa như một đường lối
chung để tiếp cận các hiện tượng thực tế nhằm đạt tới bản chất, quy luật của chúng.
Như vậy, khi vận dụng đường lối này, ngoài phương pháp đặc trưng của nó là khai
thác kinh nghiệm, còn có thể dùng các phương pháp và biện pháp nghiên cứu khác
nữa để phục vụ cho nó, như: nghiên cứu tài liệu, quan sát khách quan, trò chuyện,
nghiên cứu sản phẩm hoạt động, thực nghiệm kiểm chứng...
Hướng nghiên cứu này được sử dụng cho loại đề tài tổng kết những kinh
nghiệm thành công về lĩnh vực nào đó. Như vậy, thực chất của tổng kết kinh nghiệm
là sử dụng phương pháp khai thác kinh nghiệm để xác định điều kiện, nguyên nhân
thành công, vạch rõ quy luật, bước đi, cơ chế hình thành... của các kinh nghiệm tiên
tiến điển hình về những mặt khác nhau của hoạt động thực tiễn. Kết quả thu được có
thể sử dụng để xây dựng lí luận về chính ngành đó hoặc khoa học khác có liên quan.
Nó cũng có thể được dùng làm giả thuyết cho những thực nghiệm.
“Kinh nghiệm” là một khái niệm rộng và phức tạp nếu hiểu theo góc độ triết
học. Ở đây, khi nói đến “tổng kết kinh nghiệm”, chúng ta chủ yếu đề cập đến theo
nghĩa hẹp, tức là phương pháp khai thác kinh nghiệm. Trong giai đoạn triển khai
nghiên cứu với tư cách là một phương pháp NCKH, “khai thác kinh nghiệm” có
nghĩa là ghi nhận, thu thập những hiện tượng, những việc làm, những sự kiện đã
đem lại kết quả khiêm tốn hoặc to lớn, trong việc giải quyết những khó khăn, thực
hiện tốt những nhiệm vụ được giao, thuộc mọi mặt hoạt động trong thực tiễn, để từ
đó đúc kết nên những lí luận phục vụ cho đề tài NCKH.
Trong NCKH, phương pháp tổng kết kinh nghiệm có nhiều ưu điểm.
- Thứ nhất, nó là những kinh nghiệm sống nên thường xuất phát từ những vấn
đề có thực, nhiều khi là từ những mâu thuẫn then chốt của thực tiễn. Vì thế, những
lời giải đáp cho đề tài nghiên cứu rút ra từ đó sẽ có nhiều giá trị thực tế, có thể đem
25
ứng dụng ngay, tốn ít thời gian và công sức nghiên cứu. Do đó, những giải pháp này
dễ được mọi người thực hành tin tưởng và giúp họ thêm tin vào khả năng giải quyết
các khó khăn trong công tác của mình.
- Thứ hai, đây là những kinh nghiệm đã ít nhiều thành công về một số phương
diện nào đó, nên khi ta lựa chọn kinh nghiệm để khai thác thì công việc đó có tính
chủ động hơn, tập trung hơn vào các nhiệm vụ của công trình nghiên cứu so với
tính chất thụ động của quan sát khách quan. Ngoài ra, nếu là kinh nghiệm của
những đơn vị thí điểm thì tính định hướng của nó càng rõ rệt, càng gần gũi với thực
nghiệm khoa học hơn.
- Thứ ba, các kinh nghiệm sống thường sinh động, đa dạng, đặc biệt là những
kinh nghiệm tương đối toàn diện của các đơn vị tiên tiến, vì vậy có thể cung cấp tài
liệu để đúc kết được nhiều khía cạnh phong phú thuộc nhiều ngành khoa học khác
nhau. Ngoài ra, các đơn vị tiên tiến thường có tính điển hình và là những sự kiện đã
phát triển khá đầy đủ, nên khai thác những kinh nghiệm của nó để phát hiện bản chất
và quy luật sẽ thuận lợi hơn so với việc nghiên cứu các đối tượng trung bình hoặc yếu.
- Cuối cùng, sử dụng phương pháp tổng kết kinh nghiệm để NCKH ở lĩnh vực
nào đó là công việc dễ kết hợp với công tác đúc rút kinh nghiệm, tổng kết công tác
mà chúng ta thường làm, vì thế có thể đạt kết quả tốt vừa cho công tác vừa cho
NCKH.
Tuy nhiên, phương pháp tổng kết kinh nghiệm có những khó khăn và hạn chế
nhất định.
- Thứ nhất, việc phát hiện, nhìn nhận và đánh giá phụ thuộc rất nhiều vào
phẩm chất (vô tư, nghiêm túc, khoa học...) và năng lực của người nghiên cứu
(nghiệp vụ chuyên môn cũng như trình độ lí luận). Nếu thiếu những điều đó, thì có
thể gặp mà không thể nhìn ra kinh nghiệm tốt, đặc biệt khi nó không bộc lộ ngay
mà có tác dụng lâu dài. Ngược lại, có những kinh nghiệm lúc đầu tỏ ra tốt, nhưng
chỉ có lợi trước mắt mà lại có hại về lâu dài. Vì thế cần phải hết sức cảnh giác điều
này trong khai thác kinh nghiệm.
- Thứ hai, nếu chính tác giả phải tự trình bày lại kinh nghiệm của mình thì sẽ
gặp những khó khăn của phương pháp tự quan sát hoặc phương pháp nội quan, tức
là dễ xen lẫn cái chủ quan vào cái khách quan. Nếu trình độ hạn chế thì dễ bỏ sót,
dễ nhầm lẫn cái thứ yếu với cái chủ yếu, cái ngẫu nhiên với cái mang tính quy luật
hoặc ngược lại, tước bỏ mất phần sinh động thực tế của kinh nghiệm...
- Thứ ba, những bài học kinh nghiệm lớn thường có rất nhiều phương tiện liên
quan đến nhiều ngành khác nhau nên đòi hỏi sự nghiên cứu liên ngành. Trong
trường hợp đó, nếu không tổ chức được một nghiên cứu mang tính liên ngành như
vậy, mà chỉ nghiên cứu từng mặt tách rời khỏi cơ cấu chung, thì khó thấy hết được
vị trí, ý nghĩa và phạm vi của các kết luận thu được. Thậm chí có thể không phân
26
biệt được cái bản chất chung với cái đặc trưng, thậm chí với cái cá biệt mà nó chỉ có
tác dụng trong trường hợp cụ thể đơn nhất ấy.
2.2.1.4. Phương pháp thực nghiệm
Nghiên cứu thực nghiệm là một trong những loại hình nghiên cứu có sức
thuyết phục nhất mà nhà nghiên cứu có thể sử dụng. Đây là cách tốt nhất để thiết
lập mối quan hệ nguyên nhân – kết quả giữa các biến số.
(i) Đặc trưng của phương pháp thực nghiệm
Đặc trưng chính của nghiên cứu thực nghiệm là người nghiên cứu điều khiển
biến số độc lập hay còn gọi là biến số thực nghiệm. Họ quyết định sẽ tác động đến
khía cạnh nào, đối tượng nào và ở chừng mực nào. Trong nghiên cứu về khoa học
giáo dục, các biến số độc lập có thể là các phương pháp giảng dạy; các loại hình kiểm
tra, đánh gía; tài liệu học tập; các hình thức tổ chức họat động giáo dục; các loại hình
câu hỏi giáo viên đặt ra trong giờ học; các hình thức tổ chức lớp học, các hình thức
khen thưởng... Biến số phụ thuộc là kết quả của nghiên cứu. Đó thường là kết quả học
tập, hứng thú đối với môn học, với hoạt động, động cơ, thái độ đối với nhà trường...
Những đặc trưng cơ bản của nghiên cứu thực nghiệm: Ý tưởng cơ bản của tất
cả các nghiên cứu thực nghiệm rất đơn giản: thử nghiệm một cái gì đó và quan sát
một cách có hệ thống xem cái gì xảy ra. Các thực nghiệm chính thức thường bao
gồm hai điều kiện chính: (1) Thứ nhất, ít nhất phải có hai điều kiện hay phương
pháp đem so sánh để đánh giá hiệu quả của một điều kiện đặc biệt hay còn gọi là
biến số độc lập; (2) Thứ hai, biến số độc lập thường được vận hành trực tiếp bởi nhà
nghiên cứu ngay từ đầu. Ngoài ra sắp xếp các đối tượng vào các nhóm một cách
ngẫu nhiên cũng là khía cạnh quan trọng của nghiên cứu thực nghiệm.
- So sánh nhóm. Một thực nghiệm thường có 2 nhóm đối tượng - một nhóm
thực nghiệm và một nhóm so sánh hay còn gọi là nhóm đối chứng (đôi khi có thể
chỉ có một nhóm, hoặc nhiều hơn 2 nhóm). Nhóm thực nghiệm được nhận sự tác
động của nhà nghiên cứu hay được nhận cách thức tiến hành mới, trong khi nhóm
đối chứng vẫn tiến hành theo cách thức bình thường, hoặc có thể một cách thức
khác. Nhóm đối chứng rất quan trọng trong tất cả các thực nghiệm vì được sử dụng
nhằm mục đích so sánh để tìm xem cách thức tiến hành mới có hiệu quả hơn trong
nhiều cách đưa ra. Đôi khi trong thực tế chúng ta bắt gặp nhiều thực nghiệm, mà ở
đó, nhóm đối chứng không nhận được bất kì một cách thức mới nào cả.
- Điều khiển biến số độc lập. Đặc trưng cơ bản thứ hai của tất cả các thực
nghiệm là người nghiên cứu điều khiển biến số độc lập một cách tích cực. Điều đó có
nghĩa là người nghiên cứu xác định trực tiếp và có mục đích các hình thức của biến
số độc lập, nhóm đối tượng nào sẽ nhận hình thức nào. Để điều khiển biến số độc lập,
người nghiên cứu cần phải qui định ai sẽ nhận được cái gì; khi nào, ở đâu và bằng
cách nào họ nhận được nó.
27
Biến số độc lập trong thực nghiệm có thể được thiết lập dưới nhiều cách khác
nhau. Cụ thể là:
+ Hai cách thức tiến hành đối ngược nhau.
+ Sự hiện diện và sự vắng mặt của một cách thức tiến hành nào đó.
+ Các mức độ khác nhau của cùng một cách thức.
- Tính ngẫu nhiên: Khía cạnh quan trọng của bất cứ một thực nghiệm nào là
sự sắp xếp ngẫu nhiên các đối tượng vào các nhóm nghiên cứu. Trên thực tế, có
nhiều thực nghiệm không thể sử dụng sự sắp xếp ngẫu nhiên được, nhưng người
nghiên cứu cần cố gắng sử dụng nó bất cứ khi nào có thể. Sự sắp xếp ngẫu nhiên
này tương tự như sự chọn mẫu ngẫu nhiên mà chúng ta sẽ thảo luận chi tiết ở phần
sau. Tuy nhiên, chúng không phải giống nhau hoàn toàn. Sự sắp xếp ngẫu nhiên có
nghĩa là từng cá nhân - đối tượng nghiên cứu đều có cơ hội như nhau để được xếp
đặt vào nhóm thực nghiệm hay nhóm đối chứng. Để có được sự sắp xếp ngẫu nhiên,
từng đối tượng trong mẫu nghiên cứu được đánh số và sau đó dùng “Bảng số ngẫu
nhiên” để lựa chọn đối tượng vào nhóm thực nghiệm và nhóm đối chứng.
Việc xếp đặt một cách ngẫu nhiên vào nhóm thực nghiệm và nhóm đối chứng
là nhằm hạn chế đến mức tối đa những ảnh hưởng của các biến số không liên quan
đến thực nghiệm nhưng có tác động đến kết quả nghiên cứu. Đây chính là một trong
những lí do vì sao thực nghiệm thường được xem xét có hiệu quả hơn các loaị hình
nghiên cứu khác trong việc đánh giá mối quan hệ nguyên nhân và hệ quả.
Tuy nhiên, chúng ta cần phải hiểu một thực tế là việc xếp đặt ngẫu nhiên chỉ
đảm bảo các nhóm tương đương nhau ở một vài khía cạnh. Hơn nữa, việc xếp đặt
ngẫu nhiên sẽ không bảo đảm các nhóm tương đương nếu cả hai nhóm không đủ về
số lượng. Trong nghiên cứu thực nghiệm ít nhất mỗi nhóm phải có 30 đối tượng.
(ii) Các loại hình thực nghiệm
§ Loại hình tiền thực nghiệm:
Trong một số tài liệu người ta còn gọi loại thực nghiệm này là loại hình thực
nghiệm yếu, bởi vì chúng không kiểm soát được bất cứ một sự tác động nào từ phía
ngoài đến kết quả nghiên cứu. Bên cạnh biến số độc lập, còn có nhiều sự giải thích cho
kết quả nghiên cứu. Vì thế, nhà nghiên cứu khi sử dụng loại hình này sẽ khó khăn khi
đánh giá hiệu quả của biến số độc lập. Có 4 loại hình nghiên cứu tiền thực nghiệm sau:
- Loại thứ nhất: Nghiên cứu thực nghiệm một trường hợp: Loại hình này chỉ
thu hút một nhóm chịu sự điều khiển hay tác động của nhà nghiên cứu và sau đó
tiến hành đo đạc để đánh giá hiệu quả của sự tác động. Điểm yếu nhất của loại hình
này là không có bất kì sự kiểm soát nào.
- Loại thứ hai: một nhóm có kiểm tra trước và sau thực nghiệm: Khi sử dụng

28
loại hình này, người nghiên cứu cũng chỉ thu hút một nhóm đối tượng, nhưng việc
kiểm tra, đo đạc sẽ được tiến hành trước và sau khi tác động: đo trước thực nghiệm
(0)- tác động (X) - đo sau TN (0). Thành công của thực nghiệm được xác định bằng
sự so sánh điểm số đo trước và đo sau. Loại hình này có tốt hơn loại hình trên,
nhưng vẫn còn yếu. Bởi vì còn có nhiều yếu tố người nghiên cứu không thể kiểm
soát được như: thời gian, cách thức thu thập số liệu, khoảng cách đo trước và sau
thực nghiệm, thái độ của đối tượng nghiên cứu...
- Loại thứ ba: so sánh nhóm tĩnh (cố định): Ở đây hai nhóm đối tượng có sẵn
được sử dụng làm thực nghiệm, nghĩa là các đối tượng không được xếp đặt ngẫu
nhiên thành hai nhóm. Một nhóm được nhận phương thức tiến hành mới, còn nhóm
kia vẫn tiến hành bình thường, rồi cả hai nhóm đều được đo sau thực nghiệm.
Nhóm thứ nhất gọi là nhóm thực nghiệm, nhóm thứ hai gọi là nhóm đối chứng.
Mặc dù loại hình này kiểm soát được một vài biến số ngoại lai tác động đến
kết quả thực nghiệm như yếu tố thời gian, kiểm tra..., nhưng còn có một yếu tố quan
trọng nhất có thể tạo ra kết quả khác nhau. Đó là sự khác nhau giữa các đối tượng
trong hai nhóm.
- Loại thứ tư: so sánh nhóm tĩnh có kiểm tra trước và sau thực nghiệm. Loại
hình này khác loại hình so sánh nhóm tĩnh chỉ ở một điểm là: có sự đo đạc, kiểm tra
trước thực nghiệm ở cả hai nhóm. Khi phân tích số liệu, lấy điểm số đo được của mỗi
nhóm đối tượng sau thực nghiệm trừ đi điểm số đo được trước thực nghiệm của chính
nhóm đó. Sự chênh lệch sẽ cho phép kết luận về sự thay đổi. Ở đây nhiều biến số
ngoại lai đã được kiểm soat. Tuy nhiên, nhiều khi sự chênh lệch về điểm số giữa
trước thực nghiệm và sau thực nghiệm chỉ đơn giản là do đối tượng đã quen với công
cụ đo đạc.
§ Loại hình thực nghiệm khoa học đích thực.
Đặc trưng cơ bản của loại hình thực nghiệm khoa học đích thực này là các đối
tượng được xếp đặt ngẫu nhiên vào nhóm thực nghiệm và nhóm đối chứng. Như đã
nói ở trên, việc xếp đặt ngẫu nhiên là cách tốt nhất để kiểm soát sự tác động của
những khác biệt giữa các đối tượng nghiên cứu đến kết quả thực nghiệm. Có ba loại
hình thực nghiệm khoa học đích thực.
- Loại thứ nhất: nhóm ngẫu nhiên chỉ kiểm tra sau thực nghiệm. Loại hình này
cũng gồm hai nhóm được xếp đặt ngẫu nhiên. Một nhóm được nhận sự tác động
thực nghiệm, còn nhóm kia không và sau đó cả hai nhóm được kiểm tra, đo đạc sau
thực nghiệm. Điểm số đo đạc đó được so sánh với nhau để đánh giá hiệu quả của
thực nghiệm.
Sự kết hợp giữa việc xếp đặt đối tượng một cách ngẫu nhiên và sự hiện diện
của nhóm đối chứng cho phép nhà nghiên cứu kiểm soát được tất cả những biến số
ngoại lai tác động đến kết quả thực nghiệm.
29
- Loại thứ hai: nhóm ngẫu nhiên có đo trước và đo sau thực nghiệm. Loại hình
này chỉ khác loại hình trên ở một điểm duy nhất là đối tượng được đo trước thực
nghiệm. Hai nhóm đối tượng đều được đo hai lần. Sự đo đạc hai nhóm đối tượng
cần phải tiến hành cùng thời gian. Kết quả đo trước thực nghiệm nhằm mục đích
tìm hiểu xem liệu hai nhóm đối tượng có tương đương nhau hay không. Còn để
đánh giá hiệu quả của thực nghiệm, chúng ta chỉ cần so sánh điểm số đo đạc sau
thực nghiệm của cả hai nhóm là đủ, bằng cách sử dụng một vài dạng test để kiểm
định mức ý nghĩa của khác biệt trong thống kê toán học.
Loại hình này có thể kiểm soát được tất cả các tác động của những ảnh hưởng
khác đến kết quả thực nghiệm nhờ sự kết hợp giữa xếp đặt ngẫu nhiên và sự đo đạc
trước thực nghiệm.
- Loại thứ ba: thực nghiệm bốn nhóm: Ở đây, đối tượng nghiên cứu được sắp
xếp ngẫu nhiên thành bốn nhóm. Hai nhóm được đo đạc trước thực nghiệm, còn hai
nhóm kia thì không. Cả bốn nhóm sẽ được đo sau thực nghiệm. Một trong hai nhóm
được đo trước thực nghiệm còn một trong hai nhóm không được đo trước thực
nghiệm sẽ được xếp vào các nhóm thực nghiệm, hai nhóm kia là nhóm đối chứng.
Mô hình này hạn chế được sự ảnh hưởng của đo đạc trước thực nghiệm. Tuy
nhiên, nhược điểm của loại hình này là đòi hỏi một mẫu nghiên cứu lớn để có thể đủ
sắp xếp vào bốn nhóm. Đồng thời, việc tiến hành nghiên cứu bốn nhóm cùng một
lúc đòi hỏi sự chi phí về tài lực cũng như sự nỗ lực của người nghiên cứu là rất lớn.
§ Loại hình thực nghiệm trong môi trường tự nhiên
Đôi khi nhà nghiên cứu không thể sắp xếp đối tượng một cách ngẫu nhiên vào
các nhóm nghiên cứu, bởi vì họ chỉ được phép sử dụng các lớp học như nó đang tồn tại
trong thực tế mà không có bất kỳ một sự xáo trộn nào. Thuộc nhóm này cũng có nhiều
loại hình khác nhau.
- Thực nghiệm nhóm đối chứng không tương đương: Loại hình này gần giống
với loại hình thực nghiệm có kiểm tra trước và sau thực nghiệm. Điểm khác biệt
duy nhất là không có sự sắp xếp ngẫu nhiên các đối tượng nghiên cứu vào các
nhóm. Vì thế có nhiều ảnh hưởng khác đến kết quả thực nghiệm mà người nghiên cứu
không kiểm soát được.
- Loại hình thực nghiệm theo chuỗi thời gian: Loại hình này cũng gần giống
như loại hình thực nghiệm một nhóm có kiểm tra trước và sau thực nghiệm. Điểm
khác biệt là ở chỗ việc đo đạc, kiểm tra được lặp đi lặp lại nhiều lần trong thời gian
trước, trong và sau thực nghiệm. Nếu như các điểm số đo được trước thực nghiệm
đều như nhau và sau đó tăng dần lên trong quá trình thực nghiệm và sau thực
nghiệm thì người nghiên cứu có thể tin tưởng hơn trong việc khẳng định hiệu quả
của thực nghiệm so với loại hình thực nghiệm chỉ gồm một lần đo trước và sau.
- Loại hình thực nghiệm ngang bằng: Ở đây, tất cả các nhóm tham gia thực nghiệm

30
đều nhận được sự tác động như nhau của người nghiên cứu nhưng theo trật tự khác nhau.
Số nhóm tham gia có thể là hai hay nhiều hơn nhưng phải tương đương với số lượng tác
động. Trật tự tác động mà các nhóm nhận được phải bố trí ngẫu nhiên. Loại hình thực
nghiệm này được minh hoạ như sau:
Nhóm I: X1 O X2 O X3 O
Nhóm II: X2 O X3 O X1 O
Nhóm III: X3 O X1 O X2 O
Có 3 nhóm đối tượng tham gia. Nhóm 1 nhận được sư tác động 1 (X1) và đo
ngay (O); sau đó nhận sự tác động 2 (X2) và đo (O); cuối cùng là sự tác động 3 (X3)
- lại đo (O). Tương tự, nhóm II nhận sự tác động 2 trước – rồi đo; sau đó là tác động 3
– rồi lại đo; cuối cùng là tác động 1 - và đo; Nhóm III nhận sự tác động 3 trước - đo;
tác động 1 - đo và cuối cùng là tác động 2 - đo. Điểm số trung bình đo được sau lần
tác động 1 của tất cả 3 nhóm được đem so sánh với điểm số trung bình đo được sau
lần tác động 2 và sau lần tác động 3 của tất cả các nhóm để xác định hiệu quả của
từng tác động.
Loại hình thực nghiệm này kiểm soát được rất tốt ảnh hưởng của sự khác biệt
giữa các đối tượng đến kết quả nghiên cứu. Tuy nhiên, có thể có sự tác động qua lại
giữa các tác động khi mà cùng một nhóm nhận được nhiều tác động khác nhau. Vì
thế người nghiên cứu cần kiểm tra cẩn thận khi sử dụng loại hình này.
- Loại hình thực nghiệm nhiều yếu tố: Trong mô hình này người nghiên cứu
thường quan tâm đến hai hay nhiều biến số độc lập (biến số tác động) và ít nhất có
một biến số do người nghiên cứu điều khiển. Đây là sự chi tiết hoá loại hình thực
nghiệm khoa học đích thực và nó cho phép nghiên cứu hai hay nhiều biến số riêng
rẽ hoặc trong mối tương tác lẫn nhau. Khái niệm "yếu tố" ở đây có nghĩa là mô hình
này thu hút hai hay nhiều biến số độc lập. Mỗi biến số có hai hay nhiều mức độ. Ví
dụ, biến số "phương pháp giảng dạy" có hai hình thức giảng dạy - giảng dạy theo
nhóm và giảng dạy truyền thống; biến số “năng khiếu” cũng có hai mức độ - cao và
thấp. Như vậy mô hình 2 - 2 yếu tố có hai biến số và mỗi biến số có hai mức độ. Ta
có thể có sơ đồ đơn giản sau:
Loại hình giảng dạy:

Truyền thống Nhóm


Năng khiếu Cao
Nhóm I Nhóm II

Thấp Nhóm III Nhóm IV

Mô hình 2 - 2 yếu tố này đòi hỏi có bốn nhóm đối tượng. Mỗi nhóm thể hiện
sự kết hợp giữa một mức độ của một yếu tố và một mức độ của yếu tố khác. Ở đây

31
có một yếu tố được tác động - loại hình giảng dạy; còn yếu tố kia - năng khiếu -
không được tác động mà được xem như biến số kiểm chứng. Ngoài ra, còn có thể
có mô hình 3 - 2 (3 loại hình giảng dạy và giới tính của học sinh - nam, nữ chẳng
hạn); hoặc mô hình 2 - 3 (2 loại hình giảng dạy; 3 mức độ của năng khiếu - cao,
trung bình, thấp)...
Mục đích của loại hình thực nghiệm nhiều yếu tố là để xác định xem tác động
của biến số thực nghiệm có thể khái quát hoá ở mọi mức độ của biến số kiểm chứng
hay chỉ có hiệu quả ở một mức độ riêng biệt nào đó. Ngoài ra nó còn nghiên cứu
các mối liên hệ giữa tập hợp các số liệu.
2.2.1.5. Phương pháp chuyên gia
Phương pháp chuyên gia là phương pháp sử dụng trí tuệ của đội ngũ chuyên
gia có trình độ cao của một chuyên ngành để xem xét, nhận định bản chất một sự
kiện khoa học hay thực tiễn phức tạp, để tìm ra giải pháp tối ưu cho các sự kiện đó,
phân tích, đánh giá sản phẩm khoa học. Ý kiến của từng chuyên gia bổ sung cho
nhau, kiểm tra lẫn nhau và các ý kiến giống nhau của đa số chuyên gia về một nhận
định hay một giải pháp thì được coi là kết quả nghiên cứu.
Phương pháp chuyên gia là phương pháp rất tinh tế, nó tiết kiệm về thời gian,
sức lực và tài chính để triển khai nghiên cứu. Tuy nhiên, nó chủ yếu dựa trên cơ sở
trực cảm hay kinh nghiệm của chuyên gia. Vì vậy, chỉ nên sử dụng phương pháp
này khi các phương pháp khác không có điều kiện thực hiện hay không thể thực
hiện được
Khi sử dụng phương pháp chuyên gia trong NCKH cần lưu ý:
- Chọn đúng chuyên gia có năng lực chuyên môn về lĩnh vực nghiên cứu, có
phẩm chất trung thực, khách quan khoa học và có kinh nghiệm trong nhận định và
đánh giá.
- Nếu sử dụng chuyên gia để nhận định một sự kiện khoa học hay một giải
pháp thông tin thì có thể thông qua các hình thức hội thảo, tranh luận. Người chủ trì
điều khiển định hướng tranh luận, nhà nghiên cứu hoặc thư ký ghi chép đầy đủ mọi
nội dung tranh luận, khi cần thiết thì có thể ghi âm, quay phim. Tất cả các tư liệu
đều được xử lý theo một chuẩn, một hệ thống, để tìm ra được các ý kiến gần nhau
hoặc trùng nhau của đa số chuyên gia. Những ý kiến đó là những kết luận chung về
sự kiện cần tìm.
- Nếu sử dụng chuyên gia với mục đích đánh giá một công trình khoa học thì
phải xây dựng một hệ thống các tiêu chí cụ thể, tường minh và có thể dùng một
thang điểm chuẩn để đánh giá. Phải hướng dẫn kĩ thuật cho chuyên gia đánh giá
theo các thang điểm chuẩn đó và giảm tối thiểu các sai sót kĩ thuật có thể xẩy ra.
- Để đảm bảo tính khách quan trong đánh giá và nhận định một sự kiện, cần

32
hạn chế tới mức tối thiểu những ảnh hưởng qua lại của chuyên gia. Có thể đánh giá
bằng văn bản, không để chuyên gia gặp gỡ nhau trực diện, phát biểu công khai. Nếu
cầu đánh giá công khai thì người có uy tín nhất không phải là người đầu tiên phát
biểu ý kiến.
2.2.2. Phương pháp nghiên cứu lý thuyết
Phương pháp nghiên cứu lý thuyết phương pháp thu thập thông tin khoa học
trên cơ sở nghiên cứu các văn bản, tài liệu đã có và bằng các thao tác tư duy logic
để rút ra các kết luận khoa học cần thiết. Có thể có một số phương pháp nghiên cứu
lý thuyết, cụ thể:
2.2.2.1. Phương pháp phân tích và tổng hợp lý thuyết
Là phương pháp nghiên cứu các văn bản, tài liệu lý luận khác nhau về một chủ
đề, bằng cách phân tích chúng thành từng bộ phận, từng mặt theo lịch sử thời gian, để
phát hiện ra những xu hướng, những trường phái nghiên cứu của từng tác giả và từ đó
chọn lọc những thông tin quan trọng phục vụ cho đề tài nghiên cứu của mình.
Phương pháp tổng hợp lý thuyết là phương pháp liên kết từng mặt, từng bộ
phận thông tin từ các lý thuyết đã thu thập được, để tạo ra một hệ thống lý thuyết
mới đầy đủ và sâu sắc về chủ đề nghiên cứu. Tổng hợp lý thuyết được thực hiện khi
ta đã thu thập được nhiều tài liệu phong phú về một đối tượng. Tổng hợp cho chúng
ta tài liệu toàn diện khái quát hơn các tài liệu đã có.
Phân tích và tổng hợp là hai phương pháp có chiều hướng đối lập nhau, song
chúng lại thống nhất biện chứng với nhau. Phân tích chuẩn bị cho tổng hợp và
ngược lại. Anghen viết: “Tư duy không chỉ đem đối tượng nhận thức phân chia
thành các nhân tố mà còn đem các nhân tố có liên quan với nhau hợp thành một thể
thống nhất; Không có phân tích thì không có tổng hợp”.
Nghiên cứu lý thuyết bắt đầu từ phân tích các tài liệu để tìm ra cấu trúc của lý
thuyết, các trường phái, các xu hướng phát triển của lý thuyết. Từ phân tích người ta
lại tổng hợp chúng lại để xây dựng thành một hệ thống khái niệm, phạm trù tiến tới
tạo thành các lý thuyết khoa học mới.
2.2.2.2. Phương pháp phân loại, hệ thống hóa lý thuyết
Đây là là phương pháp sắp xếp các tài liệu khoa học thành một hệ thống logic
chặt chẽ theo từng mặt, từng đơn vị kiến thức, từng vấn đề khoa học cùng dấu hiệu
bản chất, cùng một hướng phát triển.
Phân loại làm cho tài liệu khoa học từ chỗ có kết quả phức tạp trong nội dung
thành cái dễ nhận thấy, dễ sử dụng theo mục đích nghiên cứu của các đề tài. Phân
loại còn giúp phát hiện các quy luật phát triển của khách thể, cũng như sự phát triển
của kiến thức khoa học, để từ đó mà dự đoán được các xu hướng phát triển mới của
khoa học và thực tiễn.
33
Hệ thống hóa là phương pháp sắp xếp tri thức khoa học thành hệ thống trên cơ
sở một mô hình lý thuyết làm cho sự hiểu biết của ta về đối tượng được đầy đủ và
sâu sắc. Hệ thống hóa là phương pháp tuân theo quan điểm hệ thống – cấu trúc
trong NCKH. Những thông tin đa dạng thu thập từ các nguồn, các tài liệu khác nhau
nhờ phương pháp hệ thống hóa mà ta có được một chỉnh thể với một kết cấu chặt
chẽ để từ đó mà xây dựng một lý thuyết mới hoàn chỉnh.
Phân lại và hệ thống hóa là hai phương pháp đi liền với nhau. Trong phân loại
đã có yếu tố hệ thống hóa, hệ thống hóa phải dựa trên cơ sở của phân loại và hệ
thống hóa làm cho phân loại được đầy đủ, chính xác hơn. Phân loại và hệ thống hóa
là hai bước để tạo ra kiến thức mới sâu sắc và toàn diện hơn.
2.2.2.3. Phương pháp mô hình hóa
Mô hình hóa là phương pháp nghiên cứu các hiện tượng khoa học bằng xây
dựng các mô hình giả định về đối tượng và dựa trên mô hình đó để nghiên cứu trở
lại đối tượng.
Mô hình là hệ thống các yếu tố vật chất hoặc ý niệm (trong tư duy). Hệ thống
mô hình được xây dựng gần giống với đối tượng nghiên cứu, trên cơ sở tái hiện lại
những mối liện hệ cơ cấu – chức năng, mối liên hệ nhân quả của các yếu tố trong
đối tượng.
Đặc trưng quan trọng của mô hình là sự tương ứng của nó với nguyên bản, mô
hình thay thế đối tượng và bản thân nó lại trở thành đối tượng để nghiên cứu, chính
mô hình là phương tiện để thu thập thông tin mới. Mô hình là sự tái hiện đối tượng
nghiên cứu dưới dạng trực quan. Tri thức thu được từ nghiên cứu các mô hình là sơ
sở để chuyển sang nghiên cứu nguyên bản sinh động, phong phú, phức tạp hơn. Mô
hình lý thuyết có nhiệm vụ xây dựng cấu trúc cái mới chưa có trong hiện thức tức là
mô hình hóa cái chưa biết để nghiên cứu chúng. Như vậy, mô hình vấn là cái giả
định, vì thế còn gọi là mô hình giả định… Mô hình hóa được coi là một hình thức
thử nghiệm tư duy, một cố gắng để tìm ra bản chất của sự kiện cần nghiên cứu.
2.2.2.4. Phương pháp lịch sử
Phương pháp lịch sử là phương pháp nghiên cứu bằng cách đi tìm nguồn gốc
phát sinh, quá trình phát triển và biến hóa của đối tượng, để phát hiện bản chất và
quy luật của đối tượng.
Mọi sự vật và hiện tượng của tự nhiên và xã hội đều có lịch sử của mình, tức
là có nguồn gốc phát sinh, có vận động phát triển và tiêu vong. Quá trình phát triển
lịch sử biểu hiện toàn bộ tính cụ thể của nó, với mọi sự thay đổi, những bước quanh
co, những cái ngẫu nhiên, những cái phức tạp, tất yếu, muôn hình, trong các hoàn
cảnh khác nhau và theo một trật tự thời gian nhất định. Đi theo dấu vết của lịch sử
chúng ta sẽ có bức tranh trung thực về bản thân đối tượng nghiên cứu.
Phương pháp lịch sử yêu cầu làm rõ quá trình phát triển cụ thể của đối tượng,
34
phải nắm rõ được sự vận động cụ thể trong toàn bộ tính phong phú của nó, phải
bám sát sự vật, theo dõi những bước quanh co, những ngẫu nhiên của lịch sử, phát
hiện sợi dây lịch sử của toàn bộ sự phát triển. Từ cái lịch sử chúng ta sẽ phát hiện ra
cái quy luật phát triển của đối tượng. Tức là tìm ra cái logic của lịch sử, đó chính là
mục đích của mọi hoạt động NCKH.
Phương pháp lịch sử trong nghiên cứu lý thuyết còn được sử dụng để phân
tích các tài liệu lý thuyết đã có nhằm phát hiện các xu hướng, các trường phái
nghiên cứu, từ đó ta xây dựng tổng quan về vấn đề nghiên cứu hay còn gọi là lịch
sử nghiên cứu vấn đề. Tổng quan là cơ sở để phát hiện những thành tựu lý thuyết đã
có nhằm kế thừa, bổ sung và phát triển các lý thuyết đó. Xây dựng tổng quan là con
đường giúp ta phát hiện ra những thiếu hụt, những điều không hoàn chỉnh trong các
tài liệu đã có, từ đó tìm ra chỗ đứng của đề tài nghiên cứu của từng cá nhân.
2.2.3. Các phương pháp nghiên cứu bổ trợ: sử dụng toán thống kê trong nghiên
cứu khoa học
Khoa học hiện đại sử dụng toán học với hai mục đích:
- Sử dụng toán học thống kê như một công cụ xử lý các tài liệu đã thu thập
được từ các phương pháp nghiên cứu khác nhau như quan sát, điều tra hay thực
nghiệm làm cho các kết quả nghiên cứu trở nên chính xác, đảm bảo độ tin cậy
- Sử dụng các lý thuyết toán học và phương pháp logic toán học để xây dựng
các lý thuyết chuyên ngành. Nhiều công thức toán hoặc đặc biệt được dùng để tính
toán các thông số có liên quan tới các đối tượng, từ đó tìm ra được các quy luật của
đối tượng.
Toán học là công cụ đắc lực trong nghiên cứu cả khoa học tự nhiên và khoa học
xã hội, từ xác định, chọn mẫu nghiên cứu đến xử lý, phân tích tài liệu. Toán học làm
tăng tính chính xác khách quan của kết quả nghiên cứu và nhờ đó mà kết luận của các
công trình nghiên cứu có tính thuyết phục cao.
2.2.4. Những điều cần chú ý khi vận dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học
Bước vận dụng phương pháp là bước quan trọng nhất trong quá trình nghiên
cứu vì nhờ đó sẽ thu thập các sự kiện và tài liệu cho công trình. Vì vậy, muốn tiến
hành tốt, ngoài việc nắm chắc nội dung, đặc điểm và tính năng của từng phương
pháp để sử dụng đúng cách, còn cần chú ý thêm những điểm sau:
- Đối với người mới tập nghiên cứu, khi vận dụng phương pháp nghiên cứu thì
việc vận dụng các phương pháp NCKH khó khăn cần tranh thủ nhiều nhất sự góp ý
của những người có kinh nghiệm, của tập thể nghiên cứu, hoặc cần tra cứu lại sách
vở. Tuy nhiên, công việc này cũng là chỗ cần sự nỗ lực của bản thân, cần sự độc lập
suy nghĩ nhiều nhất để tiếp thu tốt nhất sự đóng góp ý kiến đó; Và nếu được như
vậy, thì chính ở bước này, chúng ta sẽ trưởng thành nhanh nhất về nghiệp vụ NCKH.

35
- Cần chú ý đến giá trị khác nhau của từng phương pháp đối với các yêu cầu
về phương pháp luận đã nêu ở trên (tính khách quan, tính toàn diện, quan điểm vận
động, xu hướng đi sâu). Đồng thời, không nên đơn giản cho rằng, chỉ riêng các
phương pháp là cái quyết định duy nhất đối với chất lượng tài liệu, mà coi nhẹ trình
độ lí luận, trình độ thành thạo, nghệ thuật điêu luyện, sự khéo léo, thông minh của
người sử dụng phương pháp.
- Chất lượng của tài liệu còn phụ thuộc vào mức độ phù hợp của phương pháp
với đề tài nghiên cứu và vào sự phong phú của các phương pháp được sử dụng.
- Cuối cùng, nên chú ý rằng, cùng một cách thu thập tài liệu giống nhau nhưng
cách dùng tài liệu đó với tính chất khác nhau khiến cho ý nghĩa khách quan bao
hàm trong đó bộc lộ một cách khác nhau. Do đó, cũng một cách thu thập tài liệu ấy,
nhưng nó có thể được dùng như là một phương pháp hoặc như là một biện pháp hay
một thủ thuật nghiên cứu.
2.3. Chọn mẫu nghiên cứu
Khi tiến hành một công trình NCKH, thường các nhà nghiên cứu không thể
thực hiện được với tất cả đối tượng cần nghiên cứu. Bởi vì, phần lớn các đối tượng
nghiên cứu thường rất rộng, đa dạng và phân tán. Hơn nữa, việc nghiên cứu tất cả sẽ
rất lãng phí về thời gian, tiền bạc và tất nhiên là không cần thiết. Chính vì vậy, việc
chọn ra một số đối tượng nghiên cứu (chọn mẫu) để chúng thực sự đại diện cho tất cả
đối tượng nghiên cứu là một việc làm rất quan trọng. Kết quả nghiên cứu có phản ánh
đúng đối tượng hay không, phụ thuộc rất nhiều vào cách chọn mẫu nghiên cứu.
Để có được những mẫu đại diện cho tất cả đối tượng nghiên cứu, trong nghiên
cứu người ta thường sử dụng hai cách chính là chọn mẫu ngẫu nhiên và chọn mẫu
không ngẫu nhiên.
2.3.1. Các phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên
Đây là cách tốt nhất để chọn mẫu đại diện cho tất cả đối tượng nghiên cứu.
Đặc trưng cơ bản của chọn mẫu ngẫu nhiên là: Mỗi một thành viên trong nhóm đối
tượng nghiên cứu đều có cơ hội như nhau để được lựa chọn; Và sự lựa chọn của
mỗi đối tượng cụ thể là hoàn toàn độc lập với nhau.
Có ba cách phổ biến nhất để chọn mẫu ngẫu nhiên: Chọn mẫu ngẫu nhiên đơn
giản, chọn mẫu phân tầng, chọn mẫu ngẫu nhiên theo nhóm. Còn có một cách chọn
mẫu ngẫu nhiên ít được sử dụng là chọn mẫu theo hai giai đoạn.
2.3.1.1. Chọn mẫu ngẫu nhiên đơn giản
Chọn mẫu ngẫu nhiên đơn giản là cách chọn mẫu mà ở đó mỗi đối tượng
nghiên cứu đều có cơ hội như nhau và độc lập để được chọn. Điều này có thể đạt
được bằng cách sử dụng Bảng các số ngẫu nhiên. Đó là một danh sách lớn các số
được sắp xếp không theo một trật tự nào cả. Những bảng này có thể thấy ở cuối các

36
tài liệu về thống kê toán học. Bảng dưới đây sẽ minh họa một phần “Bảng các số
ngẫu nhiên”.
Một phần bảng các số ngẫu nhiên

011723 560132 223456 345678 222167 356789


912334 727009 397156 344860 233989 889567
086401 000037 016265 121191 411148 258700
059397 667899 022334 234345 080675 076567
666278 042397 106590 045645 879809 030032
051965 987650 004571 568799 036900 070070
063045 091126 786326 021557 098000 102322

Lợi thế lớn nhất của chọn mẫu ngẫu nhiên đơn giản là sẽ tạo ra được một
mẫu đại diện cho tất cả các đối tượng sẽ được nghiên cứu. Tuy nhiên, việc tiến
hành không phải dễ dàng vì từng thành viên thuộc đối tượng nghiên cứu cần phải
được xác định rõ.
2.3.1.2. Chọn mẫu phân tầng
Đó là quá trình, trong đó một vài nhóm đối tượng được lựa chọn theo cùng
một tỉ lệ như trong tất cả đối tượng nghiên cứu. Cái lợi của chọn mẫu phân tầng là
nó làm tăng mức độ đại diện cho tất cả đối tượng nghiên cứu. Tuy nhiên, nó vẫn đòi
hỏi nhà nghiên cứu phải nắm rõ tất cả đối tượng nghiên cứu.
2.3.1.3. Chọn mẫu theo nhóm
Trong chọn mẫu ngẫu nhiên và chọn mẫu phân tầng, chúng ta cần biết cụ thể
về tất cả các đối tượng nghiên cứu. Tuy nhiên, đôi khi chúng ta không thể có đầy đủ
danh sách của tất cả đối tượng nghiên cứu. Ở đây đơn vị được chọn ngẫu nhiên là
một nhóm chứ không phải một cá nhân. Cái lợi của chọn mẫu theo nhóm là nó có
thể được sử dụng khi việc chọn mẫu ngẫu nhiên từng cá nhân không thể thực hiện
được và đặc biệt là tốn ít thời gian. Tuy nhiên, việc chọn mẫu theo cách này có thể
dễ tạo ra một mẫu không mang tính đại diện cho toàn bộ đối tượng nghiên cứu.
2.3.1.4. Chọn mẫu ngẫu nhiên hai giai đoạn
Đây là sự kết hợp giữa chọn mẫu ngẫu nhiên theo nhóm và chọn mẫu ngẫu
nhiên đơn giản.
2.3.2. Các phương pháp chọn mẫu không ngẫu nhiên
Thuộc nhóm này cũng có một số cách chọn mẫu khác nhau như sẽ được trình
bày dưới đây.

37
2.3.2.1. Chọn mẫu có hệ thống
Khi đối tượng nghiên cứu đã được xác định rõ thì từng đối tượng có thể được
chọn theo một khoảng cách nhất định nào đó. Cách chọn mẫu này được gọi là chọn
mẫu hệ thống với sự bắt đầu ngẫu nhiên. Đôi khi còn có hai cách gọi khác cho kiểu
chọn mẫu này: Đó là chọn mẫu có khoảng cách (tổng đối tượng nghiên cứu/mẫu
định chọn) hay chọn mẫu theo tỉ lệ (mẫu định chọn/tổng đối tượng nghiên cứu).
2.3.2.2. Chọn mẫu thuận tiện
Nhiều khi người nghiên cứu rất khó có thể sử dụng phương pháp chọn mẫu
ngẫu nhiên hoặc chọn mẫu có hệ thống. Trong những điều kiện như thế, người nghiên
cứu có thể sử dụng cách chọn mẫu thuận tiện. Mẫu thuận tiện là nhóm các cá nhân
tiện lợi cho việc nghiên cứu. Cái lợi lớn nhất của cách chọn mẫu này đó là sự thuận
tiện. Nhưng điều bất lợi là mẫu nghiên cứu dễ mang yếu tố chủ quan và không đại
diện cho tất cả đối tượng nghiên cứu.
2.3.2.3. Chọn mẫu có mục đích
Trong một số trường hợp, dựa trên những hiểu biết về đối tượng nghiên cứu
và mục đích đặc biệt của công trình nghiên cứu, người nghiên cứu sử dụng những lí
lẽ riêng của mình để chọn mẫu.
Trên đây đã giới thiệu những phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên và không
ngẫu nhiên cơ bản nhất. Có thể nói, các phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên là lí
tưởng nhất vì nó sẽ mang lại những kết quả khách quan và có độ khái quát cao. Tuy
nhiên, trong phần lớn các nghiên cứu giáo dục, các mẫu ngẫu nhiên ít khi được áp
dụng. Đó là vì: (1) Thứ nhất, có thể do một số nhà nghiên cứu giáo dục chưa ý thức
rõ những rủi ro trong việc khái quát hóa khi mẫu không được chọn ngẫu nhiên. (2)
Thứ hai, trong nhiều nghiên cứu, điều đơn giản là người nghiên cứu không thể đầu
tư thời gian, kinh phí, nhân lực... để có được mẫu ngẫu nhiên. Vấn đề quan trọng ở
đây là, khi công bố kết quả, chúng ta cần phải mô tả chi tiết mẫu được chọn theo
phương pháp nào và những kết quả rút ra được áp dụng cho đối tượng cụ thể nào.
2.3.3. Phương pháp xác định cỡ mẫu
2.3.3.1. Tại sao phải tính cỡ mẫu?
Một câu hỏi luôn đặt ra với nhà nghiên cứu là cần phải điều tra bao nhiêu đơn
vị mẫu để nó đại diện và có thể suy rộng cho tổng thể, để phân tích có ý nghĩa và
kết quả nghiên cứu có giá trị về mặt khoa học?
2.3.3.2. Làm thế nào để xác định cỡ mẫu?
Một cách đơn giản và dễ nhất là dựa vào các nghiên cứu có cùng nội dung đã
được thực hiện trước đó để lấy mẫu.
Có thể hỏi ý kiến các chuyên gia, những người có kinh nghiệm thực hiện các
dự án điều tra khảo sát. Có thể tính toán theo công thức tính mẫu.

38
2.3.3.3. Công thức tính cỡ mẫu
- Với trường hợp cỡ mẫu lớn và không biết tổng thể
z2( p.q )
n=
e2
Trong đó:
n = là cỡ mẫu
z = giá trị phân phối tương ứng với độ tin cậy lựa chọn (nếu độ tin cậy 95% thì
giá trị z là 1,96…)
p = là ước tính tỷ lệ % của tổng thể
q = 1-p (thường tỷ lệ p và q được ước tính 50%/50% đó là khả năng lớn nhất
có thể xảy ra của tổng thể).
e = sai số cho phép (+-3%, +-4%,+-5%...).
Ví dụ:
Tính cỡ mẫu của một cuộc trưng cầu ý kiến trước một cuộc bầu cử với độ tin
cậy là 95% với giá trị z tương ứng là 1.96, sai số cho phép là nằm trong khoảng
+5%. Giả định p*q lớn nhất có thể xảy ra là 0.5*0.5.
Cỡ mẫu sẽ được tính là:
1.962( 0.5*0.5)
n= = 385
0.052
- Nếu tổng thể nhỏ và biết được tổng thể thì dùng công thức sau:
Với n là cỡ mẫu, N là số lượng tổng thể, e là sai số tiêu chuẩn.

N
n=
1+ N (e)2

Ví dụ:
Tính cỡ mẫu của một cuộc điều tra với:
Tổng thể là N= 2000, độ chính xác là 95%, sai số tiêu chuân là +- 5%.
và cỡ mẫu sẽ được tính là:
N 2000
n= = = 333
1+ N (e)2 1+2000 (.05)2

39
Bảng cỡ mẫu
Bảng 1. Cỡ mẫu với sai số cho phép là ±3%, ±5%, ±7% và ±10% Độ tin
cậy là 95% và P=0.5.
Cỡ của tổng Cỡ mẫu(n) với sai số cho phép :
thể ±3% ±5% ±7% ±10%
500 * 222 145 83
600 * 240 152 86
700 * 255 158 88
800 * 267 163 89
900 * 277 166 90
1,000 * 286 169 91
2,000 714 333 185 95
3,000 811 353 191 97
4,000 870 364 194 98
5,000 909 370 196 98
6,000 938 375 197 98
7,000 959 378 198 99
8,000 976 381 199 99
9,000 989 383 200 99
10,000 1,000 385 200 99
15,000 1,034 390 201 99
20,000 1,053 392 204 100
50,000 1,087 397 204 100
100,000 1,099 398 204 100
>100,000 1,111 400 204 100

Nguồn tham của tài liệu: Trung tâm Thông tin và phân tích dữ liệu Việt Nam (VIDAC).

3. LOGIC TIẾN TRÌNH NGHIÊN CỨU KHOA HỌC


Tiến trình nghiên cứu khoa học bao gồm các bước sau:
- Chọn đề tài nghiên cứu khoa học.
- Xây dựng đề cương nghiên cứu.
- Thu thập và xử lí phân tích tài liệu thu được.
- Viết một công trình NCKH.

40
3.1. Chọn đề tài nghiên cứu khoa học
3.1.1. Khái niệm đề tài nghiên cứu khoa học
Thực chất của đề tài nghiên cứu khoa học là một câu hỏi, một vấn đề của khoa
học. Câu hỏi này nảy ra từ những vấn đề, những mâu thuẫn, những thắc mắc, những
khó khăn, vấp váp trong hoạt động thực tiễn hoặc lí luận của con người. Vấn đề
khoa học về bản chất là một sự kiện, hiện tượng mới phát hiện mà khoa học chưa
biết, là một sự thiếu hụt của lý thuyết hay một mâu thuẫn của thực tiễn đang cản trở
bước tiến của con người, với kiến thức cũ, kinh nghiệm cũ không thể giải thích
được, đòi hỏi các nhà khoa học nghiên cứu làm sáng tỏ. Điều đó, có nghĩa là một
vấn đề trở thành đề tài khoa học phải có các điều kiện sau:
- Đó là một sự kiện hay hiện tượng mới chưa từng ai biết, một mâu thuẫn hay
vướng mắc cản trở bước tiến của khoa học hay thực tiễn
- Bằng kiến thức cũ không thể giải quyết được, đòi hỏi các nhà khoa học phải
nghiên cứu giải quyết
- Vấn đề nêu được giải quyết sẽ làm cho một thông tin mới có giá trị cho khoa
học hay làm khai thông các hoạt động của thực tiễn.
Do đó đề tài phải là vấn đề có tính cấp thiết với lý luận hay đối với thực tiễn.
Đề tài có tính mới mẻ, giải quyết được vấn đề sẽ làm cho khoa học phát triển, sẽ bổ
sung cho kho tàng tri thức nhân loại những thông tin mới. Đề tài khoa học được diễn
tả bằng tên đề tài; Tên đề tài là tên gọi của vấn đề khoa học mà ta cần nghiên cứu.
3.1.2. Những căn cứ để xác định/chọn đề tài nghiên cứu khoa học
Trước mắt những người hoạt động trong một lĩnh vực nghề nghiệp bao giờ
cũng có rất nhiều câu hỏi để từ đó nẩy sinh nhiều đề tài nghiên cứu. Do vậy, việc
lựa chọn đề tài có thể dựa trên những căn cứ sau:
- Ý nghĩa lí luận của đề tài: Ý nghĩa lí luận thể hiện ở việc như bổ sung những nội
dung lý thuyết của khoa học; làm rõ những vấn đề lý thuyết đang tồn tại hay xây dựng
cơ sở lý thuyết mới.
- Yêu cầu của thực tiễn (tính ý nghĩa, tính rõ ràng). Đó là những vấn đề về lĩnh
vực chuyên ngành đặt ra từ thực tiễn, nếu giải đáp đúng câu hỏi đó và giải quyết được
vấn đề đặt ra thì sẽ giúp cho việc nâng cao chất lượng hoạt động nghề nghiệp; Ví dụ
như giáo dục được nâng cao, số lượng được tăng tiến, nền giáo dục nước nhà được
phát triển tốt hơn, phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế và xã hội tốt hơn. Đó cũng
là những câu hỏi đặt ra từ thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu kỹ thuật của
sản xuất, nhu cầu quản lý, thị trường… Kinh nghiệm cho thấy, đề tài càng thiết thực,
cấp bách, thì khi tiến hành nghiên cứu càng được sự ủng hộ rộng rãi và tích cực, tức
là càng có nhiều điều kiện khách quan dễ dàng cho việc nghiên cứu. Nói như vậy
không có nghĩa là có thể coi nhẹ những đề tài lí luận và cơ bản, có ý nghĩa rất thiết
thực và rất then chốt cho sau này.

41
- Tính mới mẻ của đề tài nghiên cứu là một yêu cầu quan trọng cần chú ý khi
lựa chọn đề tài. Nó xuất phát từ bản chất của việc NCKH là sáng tạo ra cái mới.
Nếu câu hỏi mà thực tiễn đặt ra cho chúng ta đã có người giải đáp rồi thì chỉ cần
“nghiên cứu” để áp dụng nó vào giải quyết vấn đề của ta. Dĩ nhiên, nếu làm việc đó
một cách nghiêm túc, chúng ta cũng phải có phần nghiên cứu và sáng tạo nhất định.
Nhưng rõ ràng trong trường hợp này, công sức, thời gian và chi phí cho nghiên cứu
giảm bớt hơn nhiều so với khi phải nghiên cứu từ đầu và có giảm về chất xét từ mức
độ sáng tạo.
- Điều kiện khách quan để nghiên cứu (tính khả thi), bao gồm thời hạn, thời
gian dành cho nghiên cứu đề tài đã chọn, cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ nghiên
cứu, nguồn nhân lực có thể cộng tác, hướng dẫn, giúp đỡ chúng ta về phương pháp,
kinh nghiệm, kĩ thuật nghiên cứu. Những điều kiện này càng đầy đủ thì việc nghiên
cứu đề tài có liên quan đến nó càng dễ dàng. Kinh nghiệm cho thấy nên chọn những
đề tài có thể kết hợp với chức năng và nhiệm vụ công tác chủ yếu mà mình đang đảm
nhiệm, với vấn đề mình đang được giao giải quyết, để có thể kết hợp sử dụng luôn
đối tượng và hoàn cảnh công tác làm thành đối tượng và điều kiện để nghiên cứu. Tất
nhiên, điều đó đòi hỏi chúng ta phải nâng công tác hàng ngày lên mức khoa học. Nói
cách khác là áp dụng những lí luận và phương pháp NCKH vào trong công tác hàng
ngày, do đó phải mất thêm công sức, thời gian,chi phí… Nhưng bù lại sẽ có kết quả
gấp bội: chất lượng hoạt động nghề nghiệp được nâng lên một cách vững chắc và
sáng tạo vì được dưa trên cơ sở NCKH. Mặt khác, đề tài nghiên cứu được hoàn thành
với những tài liệu thực tế rất sinh động, phong phú, chân thực và thường có nhiều ý
nghĩa thiết thực vì dựa trên cơ sở hoạt động thực tiễn.
- Điều kiện chủ quan của người nghiên cứu (tính khả thi). Đó là vốn hiểu biết,
kinh nghiệm, sở trường, hứng thú…của bản thân người nghiên cứu. Với những
người mới bước vào nghiên cứu nên bắt đầu từ những đề tài đơn giản, gần gũi, ngắn
hạn, rồi trong quá trình trưởng thành về năng lực NCKH sẽ tiến dần lên những đề
tài phức tạp hơn, toàn diện, dài hơi hơn ...
3.1.3. Các loại đề tài nghiên cứu khoa học
Đề tài khoa học rất đa dạng về chủng loại, phong phú về nội dung và có nhiều
cấp quản lý. Người ta dựa vào các dấu hiệu khác nhau để phân loại đề tài khoa học:
3.1.3.1.Theo cấp quản lý đề tài
Theo cấp quản lý đề tài có thể phân loại thành các đề tài khoa học như sau:
- Chương trình khoa học quốc gia nghiên cứu chiến lược phát triển kinh tế, văn
hóa, giáo dục, khoa học công nghệ quốc gia. Chương trình này chia thành nhiều nhánh
với nhiều đề tài cấp nhà nước, giao cho các cơ sở, các nhà khoa học từng chuyên ngành
thực hiện. Cũng có chương trình khoa học cấp Bộ với nhiều đề tài nhánh khác nhau.
- Đề tài cấp bộ là đề tài nghiên cứu các vấn đề thuộc lĩnh vực chuyên ngành,
nhằm thúc đẩy sự tiến bộ chuyên môn của các ngành phục vụ cho sự tiến bộ chung.
42
- Đề tài cấp cơ sở là đề tài do cơ sở đăng ký và cấp trên duyệt. Đề tài cấp cơ sở
giải quyết những vấn đề trực tiếp trong chuyên môn của cơ sở hoặc của ngành.
- Dự án là một loại đề tài có mục đích ứng dụng xác định, cụ thể về kinh tế và
xã hội. Dự án khác đề tài ở điểm, đáp ứng một nhu cầu đã được nêu ra, chịu sự ràng
buộc về kỳ hạn và nguồn lực và thực hiện trong bối cảnh không chắc chắn.
- Đề án là loại văn kiện được xây dựng để trình một cấp quản lý hoặc một cơ
quan tài trợ để xin được thực hiện một công việc nào đó. Sau khi một đề án được
phê chuẩn có thể xuất hiện nhiều đề tài, dự án, chương trình …
3.1.3.2. Dựa theo các loại hình nghiên cứu khoa học
Dựa theo các loại hình nghiên cứu khoa học có thể phân chia thành các đề tài
nghiên cứu như sau:
- Đề tài nghiên cứu cơ bản là đề tài nghiên cứu có mục tiêu phát hiện ra các sự
kiện, hiện tượng khoa học mới, tìm ra bản chất và các quy luật phát triển của chúng
hoặc là tìm ra các phương pháp nhận thức mới.
- Đề tài nghiên cứu ứng dụng là đề tài tìm ra giải pháp áp dụng các thành tựu
khoa học vào thực tiễn sản xuất hay quản lý xã hội nhằm tạo ra sản phẩm vật chất
hay tình thần, cũng như nhằm cải tiến nội dung và phương pháp hoạt động….
- Đề tài nghiên cứu dự báo là loại đề tài hướng vào việc tìm tòi các xu hướng
phát triển của khoa học và thực tiễn trong tương lai.
Việc phân loại đề tài nghiên cứu kiểu cơ bản và kiểu ứng dụng chỉ là tương
đối và phần nào mang tính ước lệ. Đó là vì, dù đề tài thuộc kiểu nào, trong NCKH,
chúng ta đều phải sử dụng các khái niệm, phạm trù, quy luật, lí luận của các ngành
khoa học đó để phân tích, lí giải sự kiện và rút ra những quy luật, khái niệm, lí luận
mới. Sự khác nhau là ở đối tượng mà ta thu thập, phân tích, lí giải. Nếu đó là những
sự việc, hiện tượng mà ta trực tiếp ghi nhận từ thực tiễn sinh động, những số liệu
mà chúng ta đo đạc, thống kê, một cách ngắn gọn, là những sự kiện thực tế, thì đề
tài thiên về kiểu thực tiễn. Nếu đó là những học thuyết, khái niệm, quy luật, quan
điểm, những biện giải, lí lẽ trừu tượng…, tức là những khái quát lí luận đã có về các
sự kiện, thì đề tài thiên về kiểu lí luận.
3.1.3.3. Theo quy trình tổ chức nghiên cứu khoa học
- Đề tài khoa học do cấp trên giao: loại đề tài này thường là đề tài cấp nhà
nước, cấp bộ hay một phần của các loại đề tài có phạm vi rộng hơn, nghiên cứu các
chiến lược phát triển kinh tế và xã hội của quốc gia hay chiến lược của ngành. Các
cơ sở tiếp nhận một phần theo khả năng của chuyên ngành mình để nghiên cứu
- Đề tài phát hiện từ cơ sở thực tiễn: Đây là loại đề tài có ý nghĩa thiết thực đối
với các hoạt động thực tiễn ở cơ sở. Đề tài này do các nhà khoa học đăng ký với cấp

43
trên, trên cơ sở phát hiện được những vấn đề cụ thể trong phạm vi hoạt động chuyên
môn của mình. Loại đề tài này có ý nghĩa thực tiễn và khả năng ứng dụng rất cao.
3.1.3.4. Theo trình độ đào tạo
- Đồ án tốt nghiệp;
- Luận văn thạc sỹ;
- Luận án tiến sỹ.
3.2. Xây dựng đề cương nghiên cứu.
Sau khi xác định đề tài, chúng ta viết đề cương nghiên cứu. Một đề cương
nghiên cứu thường có những phần sau:
- Tên đề tài;
- Tổng quan vấn đề nghiên cứu;
- Lí do chọn đề tài/tính cấp thiết của đề tài;
- Mục đích, mục tiêu nghiên cứu của đề tài;
- Khách thể, đối tượng, phạm vi nghiên cứu;
- Phương pháp nghiên cứu;
- Giả thuyết khoa học của đề tài;
- Nhiệm vụ và nội dung nghiên cứu;
- Tiến độ thực hiện đề tài;
- Sản phẩm nghiên cứu của đề tài;
- Kinh phí thực hiện nghiên cứu.
3.2.1. Tên đề tài
Tên đề tài gọi là cái vỏ bên ngoài, còn vấn đề khoa học là nội dung bên trong.
Cái vỏ chứa đựng nội dung, cái vỏ phải phù hợp nội dung. Tên đề tài phản ánh cô
đọng nhất nội dung nghiên cứu của đề tài. Đọc tên đề tài là chúng ta nắm bắt được
ngay nội dung vấn đề nghiên cứu của đề tài.
Tên đề tài khoa học phải khác với tên một tác phẩm văn học. Tên một tác phẩm
văn học có thể mang phép ẩn dụ sâu xa. Tên đề tài cần diễn đạt bằng một câu ngữ pháp
trọn vẹn, rõ ràng, một nghĩa, chứa đựng vấn đề cần nghiên cứu. Tên đề tài có thể đặt
thẳng vào đối tượng nghiên cứu. Không nên đặt tên đề tài quá dài, thiếu xác định, quá
xa với nội dung, có thể hiểu theo nhiều cách hoặc dùng mỹ từ bóng bẩy: Ví dụ: Một số
vấn đề về…; Thử tìm hiểu…; Góp phần làm sáng tỏ…
3.2.2. Tổng quan vấn đề nghiên cứu
Sau khi đã xác định được đề tài nghiên cứu, nhà nghiên cứu tiến hành tổng
44
quan cơ sở lí thuyết và các nghiên cứu trước đó có liên quan đến vấn đề nghiên cứu.
Đó có thể là bài báo đăng trên tạp chí chuyên ngành, sách chuyên khảo, kết quả
nghiên cứu của các đề tài trước đó... Việc tổng quan các tài liệu là để thu được các
thông tin sau:
- Cơ sở lý thuyết liên quan đến chủ đề nghiên cứu;
- Thành tựu lý thuyết đã đạt được liên quan đến chủ đề nghiên cứu;
- Kết quả nghiên cứu của đồng nghiệp đã được công bố trên các ấn phẩm;
- Chủ trương, chính sách liên quan đến nội dung nghiên cứu...
Những thông tin thu được từ tổng quan các nghiên cứu trước đó sẽ giúp cho nhà
nghiên cứu xác định được khung lý thuyết của đề tài và đánh giá được thực trạng tình
hình nghiên cứu ở lĩnh vực có liên quan. Khi tổng quan, nhà nghiên cứu cần lưu ý chỉ
ra những nội dung nào đã được nghiên cứu, kèm theo nó là những tác giả nào, tên các
công trình, năm tiến hành hay xuất bản...
3.2.3. Lí do chọn đề tài
Ở đây chúng ta phải trả lời câu hỏi: vì sao chúng ta phải nghiên cứu đề tài đó?
Những vấn đề gì cần phải được làm rõ trong đó? Chúng ta sẽ trình bày những lí do
khách quan và chủ quan khiến ta đã chọn đề tài này để nghiên cứu. Nói cách khác là
trình bày vắn tắt, nhưng thật sáng tỏ những suy nghĩ, những lí lẽ có cơ sở khoa học
nhất thúc đẩy chúng ta lựa chọn. Thông thường, người ta trình bày tình hình thực
tiễn và lí luận của vấn đề, từ đó vạch rõ những yêu cầu, mà, muốn giải quyết chúng
thì phải nghiên cứu đề tài đã chọn. Muốn làm được như vậy, bản thân người nghiên
cứu phải nắm được những băn khoăn, thắc mắc phổ biến của những người quan tâm
đến vấn đề đó.
Trong khi trình bày lí do lựa chọn, càng luận chứng tỉ mỉ và đầy đủ bao nhiêu
càng có tính thuyết phục cao bấy nhiêu. Qua việc trình bày lí do chọn đề tài, có thể thấy
rõ một người nắm vững vấn đề mình nghiên cứu đến mức nào về phương diện thực
tiễn và lí luận, đồng thời cách suy nghĩ, lập luận của người đó có sâu sắc hay không.
Cần nói thêm rằng, có nhiều khi trong phần này chúng ta phải đề cập đến lịch
sử nghiên cứu vấn đề mà mình chọn làm đề tài. Chức năng cơ bản của việc NCKH
là đạt đến một hiểu biết mới, vì vậy, khi trình bày lí do nghiên cứu, nếu kết hợp
điểm qua lịch sử vấn đề, chúng ta sẽ đạt mấy yêu cầu sau:
- Chứng tỏ đây là vấn đề có thực và cần thiết nên đã được nhiều người nghiên cứu;
- Cho thấy rõ vấn đề này đã được nghiên cứu những gì và chúng đã được giải
quyết đến đâu từ trước đến nay. Nếu trình bày tốt thì phần điểm qua lịch sử nghiên
cứu vấn đề sẽ làm người đọc nhìn tổng quát được toàn bộ quá trình hiểu biết và vấn
đề đó từ trước đến nay đã kế tục nhau như thế nào, để cuối cùng, tự họ cũng rút ra

45
kết luận rằng: đúng theo lô gich thì bây giờ nhất thiết phải nghiên cứu đề tài này
chứ không thể nào khác được.
3.2.4. Mục đích và mục tiêu nghiên cứu
Khi viết đề cương nghiên cứu, một điều rất quan trọng là làm sao thể hiện
được mục tiêu và mục đích nghiên cứu mà không có sự trùng lặp lẫn nhau. Vì vậy,
cần thiết để phân biệt sự khác nhau giữa mục đích và mục tiêu.
Mục đích sẽ hướng dẫn, quy định nhiệm vụ, nội dung, các bước đi hướng đến
đích cuối cùng cần đạt. Mục đích có thể là tìm tòi, nghiên cứu làm rõ bản chất của
một sự kiện mới hoặc có thể là tìm kiếm giải pháp nâng cao chất lượng một hoạt
động thực tế nào đó.
Mục đích: là hướng đến một điều gì hay một công việc nào đó trong nghiên cứu
mà người nghiên cứu mong muốn để hoàn thành, nhưng thường thì mục đích khó có
thể đo lường hay định lượng. Nói cách khác, mục đích là sự sắp đặt công việc hay điều
gì đó được đưa ra trong nghiên cứu. Mục đích trả lời câu hỏi “nhằm vào việc gì?”, hoặc
“để phục vụ cho điều gì?” và mang ý nghĩa thực tiển của nghiên cứu, nhắm đến đối
tượng phục vụ sản xuất, nghiên cứu.
Mục tiêu: là thực hiện điều gì hoặc hoạt động nào đó cụ thể, rõ ràng mà người
nghiên cứu sẽ hoàn thành theo kế hoạch đã đặt ra trong nghiên cứu. Mục tiêu có thể
đo lường hay định lượng được. Nói cách khác, mục tiêu là nền tảng hoạt động của
đề tài và làm cơ sở cho việc đánh giá kế hoạch nghiên cứu đã đưa ra, và là điều mà
kết quả phải đạt được. Mục tiêu trả lời câu hỏi “làm cái gì?”.
3.2.5. Khách thể, đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Thế giới khách quan là đối tượng duy nhất của NCKH. Tuy nhiên, thế giới vô
cùng rộng lớn, mỗi lĩnh vực khoa học lựa chọn cho mình một bộ phần hay một phần
nào đó đề tìm tòi, nghiên cứu. Đó chính là thao tác xác định khách thể nghiên cứu.
Xác định khách thể nghiên cứu là chỉ ra được vật mang đối tượng nghiên cứu.
Trong cả khách thể rộng lớn đó, mỗi đề tài cụ thể phải xác định cho mình một
mặt, một thuộc tính, một mối quan hệ của khách thể để nghiên cứu. Bộ phận đó
chính là đối tượng nghiên cứu của đề tài. Mỗi đề tài nghiên cứu có đối tượng nghiên
cứu của riêng mình và đối tượng nghiên cứu chính là trung tâm cần khám phá của
đề tài nghiên cứu. Đối tượng nghiên cứu chính là bản chất của sự vật hay hiện
tượng cần xem xét và làm rõ trong nhiệm vụ nghiên cứu.
Khách thể đồng nghĩa với môi trường mà ta đang xem xét. Xác định đối tượng
là xác định cái trung tâm, còn xác định khách thể là xác định cái giới hạn chứa đựng
cái trung tâm, cái vòng mà đề tài không được phép vượt qua. Như vậy, đối tượng
nghiên cứu nhỏ hơn khách thể nghiên cứu.
Tiếp theo là xác định phạm vi nghiên cứu của đề tài: Phạm vi nghiên cứu về
không gian, thời gian, đối tượng, những mặt, những chỉ số cần điều tra, quan sát,
46
nghiên cứu phát hiện... Việc xác định phạm vụ nghiên cứu giúp cho đề tài đi đúng
trọng tâm, không lệch hướng.
3.2.6. Lựa chọn phương pháp nghiên cứu khoa học
Trong các giai đoạn nêu trên, người nghiên cứu cũng đã vận dụng đến phương
pháp NCKH, đặc biệt là phương pháp đọc sách. Tuy nhiên, giai đoạn này là giai
đoạn chủ yếu của quá trình NCKH, thường đòi hỏi vận dụng đến mức cao nhất các
phương pháp nghiên cứu; và phương pháp nghiên cứu “nắm trong tay nó số phận
của công trình nghiên cứu”.
Căn cứ vào khả năng thu thập tài liệu có tính khách quan nhiều hay ít, người ta
phân thành những phương pháp chính và những phương pháp bổ sung. Tuy nhiên,
sự phân chia này có tính chất tương đối và còn phụ thuộc vào tính chất của đề tài
cũng như vào năng lực khoa học của người sử dụng phương pháp. Phương pháp
phải phù hợp với mục đích, mục tiêu, nội dung. Với từng phương pháp lựa chọn cần
ghi rõ mục đích là gì?
3.2.7. Giả thuyết khoa học
Giả thuyết khoa học là mô hình giả định, một dự đoán về bản chất đối tượng
nghiên cứu. Một công trình khoa học thực chất là chứng minh giả thuyết khoa học.
Giả thuyết có chức năng tiên đoán bản chất sự vật, đồng thời có chức năng chỉ
đường để khám phá đối tượng.
Giả thuyết được xây dựng phải tuân thủ các yêu cầu sau đây:
- Giả thuyết phải có thông tin về sự kiện, nghĩa là có khả năng giải thích được
sự kiện cần nghiên cứu.
- Giả thuyết có thể kiểm chứng bằng thực nghiệm.
Trong quá trình nghiên cứu, người nghiên cứu đi tìm kiếm các luận cứ để
chứng minh giả thuyết. Kết quả nghiên cứu có thể xác nhận hoặc phủ định giả
thuyết khoa học đặt ra ban đầu. Nếu là xác nhận, thì người nghiên cứu khẳng định
luận điểm khoa học của mình hoặc không thì ngược lại. Trong NCKH, một giả
thuyết bị bác bỏ cũng là một kết quả nghiên cứu. Một giả thuyết được chứng minh
là sai có nghĩa là người nghiên cứu đã chứng minh không tồn tại bản chất đó trong
khoa học.
3.2.8. Nhiệm vụ và nội dung nghiên cứu của đề tài
3.2.8.1. Nhiệm vụ nghiên cứu
Một đề tài nghiên cứu dù xác định đến đâu cũng bao gồm rất nhiều nhiệm vụ cụ
thể mà người nghiên cứu phải lựa chọn một số để giải quyết phù hợp với điều kiện
thực tế của mình. Việc xác định nhiệm vụ nghiên cứu thực chất là đặt những câu hỏi
bộ phận của đề tài và chỉ rõ những đối tượng mà mình nhằm phục vụ. Nhiệm vụ

47
nghiên cứu sẽ ràng buộc việc lựa chọn phương pháp nghiên cứu và đối tượng nghiên
cứu. Vì thế, trong một đề cương nghiên cứu được chuẩn bị tốt, thường thường các
phần gắn bó với nhau thành một khối.
Xuất phát từ mục tiêu và giả thuyết khoa học, mỗi đề tài phải xác định được
nhiệm vụ nghiên cứu. Nhiệm vụ nghiên cứu chính là mục tiêu cụ thể mà đề tài phải
thực hiện. Một đề tài hay luận văn thường có 3 nhiệm vụ chính:
- Nhiệm vụ xây dựng cơ sở lý luận hay xác định khung lý thuyết của đề tài.
- Nhiệm vụ xây dựng cơ sở thực tiễn của đề tài (phân tích thực trạng, nguyên nhân...).
- Nhiệm vụ đề xuất các giải pháp cải tạo thực tiễn.
3.2.8.2. Nội dung nghiên cứu
Đây những nội dung dự kiến của công trình nghiên cứu. Nếu có thể, dàn ý này
cần được hình dung khá chi tiết để từ đó rút ra các ý sẽ viết. Vì vậy, nội dung dàn ý
này hoàn toàn có tính chất giả định và có thể sẽ thay đổi trong quá trình nghiên cứu.
Tuy nhiên, nó rất cần thiết để định hướng, khai thác tài liệu và sau đó làm thành
những “ô” để sẵn để ta sắp xếp dần vào đó các tài liệu đa dạng thu thập được khi
nghiên cứu. Kinh nghiệm cho thấy, nếu đề cương được chuẩn bị chi tiết và các tài
liệu được ghi nhận đúng cách thì thu thập đến đâu, chúng ta có thể đưa phần lớn tài
liệu vào thẳng bản thảo do đó không bị mất thời gian.
3.2.9. Tiến độ triển khai nghiên cứu
Thực chất ở đây là chúng ta sẽ xác định cho mình một thời gian biểu để hoàn
thành từng bước nghiên cứu. Việc định trước kế hoạch thời gian là rất cần thiết.
Kinh nghiệm cho thấy, lúc đã bắt tay vào nghiên cứu, có thể do sức ỳ của thói quen,
hoặc do tính cầu toàn..., người nghiên cứu rất dễ bị “sa lầy” về thời gian và cuối
cùng thường bị vội do đó có thể không kịp xử lí đến mức tốt nhất những tài liệu đã
được thu thập rất công phu trước đó, hay nói cách khác là có sự mất cân đối giữa
các bước nghiên cứu. Vì thế, cần tập dượt tác phong hoạch định, phân phối thời
gian hợp lí từ trước khi bắt đầu và có ý chí kết thúc các bước cho đúng hạn. Thêm
nữa, kế hoạch này cũng là cơ sở pháp lí khách quan để tập thể nghiên cứu dựa vào
đó đôn đốc, thúc đẩy nhau cùng thực hiện cho hài hòa.
3.2.10. Sản phẩm nghiên cứu của đề tài
Sản phẩm nghiên cứu của đề tài sẽ là các sản phẩm khoa học (bài báo khoa học
đăng trên tạp chí chuyên ngành, các báo cáo hội thảo, kỉ yếu hội thảo, sách chuyên
khảo, sách tham khảo, giáo trình,...), sản phẩm đạo tạo (nghiên cứu sinh, cao học), sản
phẩm ứng dụng (mẫu, giống cây trồng, thiết bị máy móc, quy trình công nghệ, tài liệu
dự báo, quy chuẩn, phương pháp...) và các sản phẩm khác... Các báo cáo chuyên đề,
báo cáo tổng kết đề tài, báo cáo tóm tắt đề tài... không được coi là sản phẩm nghiên cứu.

48
3.2.11. Kinh phí thực hiện nghiên cứu
Dự trù kinh phí bao gồm chi phí lương trách nhiệm, chi phí nghiên cứu, mua
sắm trang thiết bị, in ấn, chi phí hội nghị, hội thảo... Các loại chi phí này đã được
quy định khá chi tiết trong các văn bản hướng dẫn của các thông tư hiện hành trong
có có các mẫu biểu của cơ quan tài trợ nghiên cứu.
3.3. Xử lí phân tích tài liệu thu được.
Tài liệu thu được có thể từ các nguồn như đọc sách, báo, các công trình
nghiên cứu trước đó, từ internet, từ điều tra, phỏng vấn, thực nghiệm… của chính
đề tài, được lưu trữ dưới nhiều hình thức khác nhau: báo cáo tổng quan, các biên
bản quan sát và thực nghiệm, các sản phẩm của hoạt động cùng với các bản thảo,
bản nháp của nó, tài liệu ghi các cuộc trò chuyện và phỏng vấn, các tập phiếu trả lời,
các ảnh chụp, biểu đồ… và những trang nhật kí khoa học về đề tài. Trong bước tiếp
theo, chúng ta sẽ sàng lọc sắp xếp, phân tích tài liệu. Những công việc này mỗi
người có thể thực hiện theo các cách khác nhau tùy theo môi trường, thói quen của
mình và tùy theo loại hình đề tài nghiên cứu. Dưới đây chỉ là một số kinh nghiệm
để tham khảo:
3.3.1. Sàng lọc tài liệu
Trước hết, chỉ nên bắt tay vào xử lí, sàng lọc, phân tích khi đã có số lượng tài
liệu đủ lớn. Về vấn đề này, F. Engels từng nói rằng: trước hết, phải tập hợp tài liệu
về giới tự nhiên và về lịch sử đến một mức độ nào đó rồi mới có thể chuyển sang
phân tích, phê phán, so sánh hay chia ra từng hạng, từng thứ, từng loại.
Khi có một khối lượng tài liệu lớn như vậy, việc đầu tiên là phải “gạn thô” lấy
“tinh”. Công việc này nhằm phân loại các tài liệu thu được, lựa chọn và sử dụng
vào những chỗ then chốt những gì bảo đảm có chất lượng nhất, còn những thứ khác,
hoặc bỏ đi hoặc chỉ dùng vào những chỗ thứ yếu. Như vậy, đảm bảo cho công trình
đạt tính chính xác cao đồng thời đạt tính súc tích cao cũng là một phẩm chất quan
trọng trong NCKH.
Trong mỗi loại tài liệu, có những bản đầy đủ hơn, đáng tin cậy hơn, điển hình
hoặc rõ nét hơn đối với vấn đề nghiên cứu. Chẳng hạn, đó là những biên bản quan
sát đầy đủ, chi tiết và có sự nhất trí giữa những người quan sát; những bản điều tra
đã được thẩm định nhờ các phương pháp khác…; chúng là những tài liệu loại 1.
Những tài liệu không có đầy đủ nội dung, có nhiều dấu hiệu chứng tỏ lúc thu thập
thiếu chính xác hoặc thiếu khách quan cần được loại trừ. Còn lại, những tài liệu
không thuộc hai loại đó và thường chiếm đa số, được xếp vào loại 2, sẽ được dùng
để bổ sung khi phân tích, xử lí. Trong NCKH, chúng ta cần đặc biệt chú ý khi loại
trừ tài liệu; Đây là việc cần làm nhưng phải rất thận trọng; Nên định ra một tiêu
chuẩn khách quan để sàng lọc đối với mỗi loại tài liệu tùy theo tài liệu cụ thể mà
chúng ta thu thập được.

49
Các tài liệu thu thập được bằng các phương pháp khác nhau thường có giá trị
khác nhau. Người nghiên cứu cần phân biệt sự kiện với tài liệu. Sự kiện là cái gì đó
có thật, tồn tại một cách khách quan được ta trực tiếp ghi nhận. Tài liệu là tất cả
những gì mà từ đó chúng ta tạo ra một công trình hoặc một sản phẩm. Đó có thể là
các sự kiện nhưng cũng có thể là những ý nghĩ, cảm xúc, lời kể lại… đã thông qua
chủ quan của người khác trước khi ta ghi nhận. Trong NCKH, sự kiện là nền tảng,
còn những tài liệu gián tiếp đã thông qua chủ quan của người khác có thể đi sâu hơn
vào bản chất của hiện tượng nhưng cũng có thể sai lầm. Vì thế, khi sàng lọc tài liệu,
cần chú ý nhiều nhất đến việc phân biệt sự kiện với những tài liệu khác thuộc những
mức độ gián tiếp khác nhau về sự vật và hiện tượng.
3.3.2. Sắp xếp, phân tích tài liệu
Sau khi đã sàng lọc và trước khi đọc lại toàn bộ tài liệu cũng nên sắp xếp tất cả
các tài liệu về cùng một đối tượng (ví dụ, theo từng học sinh hoặc theo từng lớp)
thành một nhóm để bổ sung, soi sáng cho nhau. Tiếp theo cần đọc đi đọc lại tất cả
các tài liệu thu được và mỗi lần đọc có thể phục vụ một yêu cầu khác nhau. Đây
chính là quá trình phân tích và khái quát hóa toàn bộ tài liệu. Công việc này nhằm
đạt được các yêu cầu sau đây, mà chúng gắn bó với nhau và quy định lẫn nhau:
- Hình dung được các khung để tổng kết thành số liệu những vấn đề nào có thể
định lượng được;
- Lựa chọn những vấn đề sẽ phân tích (tập trung chủ yếu vào nhiệm vụ nghiên
cứu và những cái mới trong đó). Đánh dấu những tài liệu hoặc những đoạn, những
số liệu cần dùng cho từng ý sẽ phân tích;
- Phác họa những nhận xét, suy luận, kết luận, kiến nghị thực tiễn, những vấn
đề cần tiếp tục nghiên cứu.
Trên thực tế, không phải đến lúc này chúng ta mới bắt đầu suy nghĩ về những
vấn đề đó. Trong đề cương nghiên cứu, đặc biệt là trong dàn ý chi tiết của công
trình, chúng ta đã dự kiến những vấn đề thuộc hai điểm cuối trên đây. Khi xây dựng
phương pháp và biện pháp nghiên cứu, chúng ta đã dự kiến khung định lượng sẽ
dùng. Nhưng đến lúc này, khi đã căn bản tập hợp đầy đủ tài liệu, chúng ta mới có
thể thực sự thực hiện công việc ấy và phải điều chỉnh lại tất cả những dự kiến ban
đầu nếu cần thiết. Cũng có khi, đến lúc viết bản nháp và tính toán số liệu, chúng ta
vẫn sẽ phải tiếp tục điều chỉnh bởi vì có những vấn đề chỉ nảy ra sau khi đúc kết
xong số liệu hoặc trong quá trình diễn đạt nó thành ngôn ngữ viết.
Kết quả thông tin thu được có thể tồn tại dưới hai dạng: Thông tin định tính và
thông tin định lượng.
a) Trước hết, nói đến việc xử lí tài liệu về mặt định lượng
Khi định lượng, việc trước tiên là lập bảng số liệu gốc. Về đại thể, cái khung

50
của bảng này tương tự như khung số điểm của một lớp học hoặc những biểu thống
kê số liệu điều tra. Người ta gọi đây là bảng số liệu gốc vì nó là sự phiên chuyển
thành số lượng những khía cạnh có thể định lượng được của toàn bộ tài liệu gốc. Từ
đó chúng ta lấy ra mọi số liệu để lập những bảng số khác trong công trình nghiên
cứu. Tùy tính chất của tài liệu, cũng có khi chúng ta phải lập đến hai, ba bảng số
liệu gốc khác nhau. Hiện nay, nhiều phần mềm máy tính có thể giúp ta nhập các
bảng số liệu gốc được nhanh chóng và thuận tiện.
Trước khi lập bảng số liệu, thường người nghiên cứu đã xác định sẽ đề xuất
những vấn đề gì. Nhưng mặt khác, chính sau khi đã lên bảng số liệu gốc, chúng ta
mới thấy rõ những vấn đề cần phân tích. Dựa vào đó sẽ lọc ra từ bảng gốc và đem
tính toán. Nên lập những bảng số hết sức tinh giản, tức là phải đầy đủ nhưng không
có một số liệu nào, hoặc một dấu hiệu nào không cần cho sự phân tích. Như vậy, là
nhằm làm cho người đọc hoặc người nghe có thể “nhìn thấy ngay vấn đề”.
Sau đó, chúng ta nên lập các đồ thị, biểu đồ, sơ đồ hoặc mô hình để mang tính
trực quan tốt hơn, bộc lộ quy luật rõ hơn và dễ gợi nhiều ý hơn khi phân tích. Trong khi
chuyển các số liệu sang dạng đồ thị cũng có những quy tắc nhất định cho phép “làm
mịn” đường biểu diễn để thể hiện rõ hơn tính quy luật của nó, đồng thời vẫn không bóp
méo sự kiện và tài liệu. Có nhiều trường hợp chúng ta có thể sử dụng những mô hình
vào mục đích “trực quan hóa” kết quả định lượng. Dựa vào các kết quả do xử lí định
lượng đem lại, chúng ta sẽ có phần lớn nội dung để phân tích định tính.
b) Xử lí và phân tích tài liệu định tính.
Người nghiên cứu phải từ các số liệu đi sâu vạch rõ tính chất, đặc điểm, quy
luật, cơ chế của các sự kiện, tài liệu đã thu được. Trước hết, nên tập trung vào các số
liệu, tài liệu “loại 1” vì ở đó sự kiện được thể hiện rõ hơn cả. Những ý kiến nảy ra từ
việc phân tích các tài liệu này sẽ đựợc kiểm định thêm khi phân tích tài liệu “loại 2”.
Hơn ở đâu hết, chính trong lúc lí giải số liệu và phân tích sự kiện, chúng ta cần quán
triệt thật sâu sắc các nguyên tắc chỉ đạo việc nghiên cứu là: thái độ khách quan, khoa
học, quan điểm vận động và phát triển, xu hướng đi sâu vào bản chất và quy luật của
sự kiện. Chúng ta đều rõ rằng, cùng một sự kiện khách quan như nhau, người ta có
thể lí giải theo những cách khác nhau, có giá trị khách quan khác nhau tùy thuộc vào
quan điểm, xu hướng, sở thích… của mỗi người. Sự kiện có thể được ghi nhận trong
hình thái vận động và phát triển của nó nhưng sự phân tích có thể “làm thô kệch” nó
đi, giết chết tính sinh động của nó. Khi phân tích, cần bám chắc vào những số liệu
tiêu chuẩn và những sự kiện điển hình cho toàn bộ tài liệu thu được. Việc chọn những
số liệu và sự kiện này nên hết sức thận trọng và chính xác.
Nên lưu ý rằng, trong thực tế tiến hành, việc lập các bảng số liệu và phân tích
tài liệu tuy có những khía cạnh độc lập với nhau, song về cơ bản là thống nhất và
nhiều khi phải tiến hành song song. Thoạt đầu có thể có một vài nhận xét định tính
sơ bộ. Chính nó sẽ góp phần làm cơ sở để xây dựng khung tổng kết bảng số liệu gốc.

51
Khi đã hình thành, bảng này sẽ nói lên nhiều khía cạnh định tính của tài liệu. Chúng
ta sẽ dựa vào số liệu đó để phân tích sự kiện và tài liệu. Trong quá trình phân tích
đó chúng ta đi sâu vào bản chất, cơ chế của sự kiện. Nhưng để luận chứng thật
chính xác và cụ thể bản chất này, chúng ta lại phải chọn thêm số liệu, lập thêm bảng
số… Trong quá trình tập dượt và trưởng thành về NCKH chúng ta cố gắng sử dụng
ngày càng tốt hơn sự thống nhất biện chứng giữa phân tích định tính và định lượng,
tiến tới nắm vững được khả năng bắt các con số nói thay cho chúng ta. Có thể
khẳng định rằng, cách trình bày các bảng số liệu, đồ thị, mô hình… và cách dùng
chúng để phục vụ cho việc phân tích định tính là một chỗ dựa đáng tin cậy để phán
đoán đúng về năng lực và trình độ thành thạo của một người nghiên cứu.
c) Rút ra kết luận, đưa ra những kiến nghị thực tiễn, đề xuất những suy nghĩ
mới và những vấn đề cần nghiên cứu tiếp theo
Xét về mặt thực tiễn, thì then chốt của toàn bộ công trình nghiên cứu là ở phần
này. Nó là căn cứ để đánh giá xem chúng ta hoàn thành đến đâu các nhiệm vụ nghiên
cứu và đáp ứng được đến mức độ nào lí do thúc đẩy chúng ta nghiên cứu đề tài này.
Vì thế, đây là một công việc cần tiến hành thật nghiêm túc và chính xác. Nếu kết luận
về một thực nghiệm khoa học thì phải hết sức thận trọng.
- Trước hết, chúng ta chỉ được coi là kết luận những gì được rút ra một cách
trực tiếp và logic với đầy đủ bằng chứng, từ những sự kiện, tài liệu đã thu thập được
và đã được thẩm tra. Không bao giờ được kết luận về một điều gì khi chưa có đủ
bằng cứ thật chắc chắn.
- Nếu cần kết luận rằng một điều gì đó là không có thì phải có những bằng cứ
chứng tỏ điều ấy quả thực là không có chứ không nên chỉ dựa vào sự việc là nó
không xuất hiện trong thực nghiệm, không có mặt trong những quan sát của chúng ta.
Đó là yêu cầu của tính khách quan trong NCKH.
- Cũng cần chú ý đến những trường hợp tạm gọi là không thành công. Đó là khi
những tài liệu và sự kiện rất rối ren, mâu thuẫn, không cho phép rút ra kết luận tích
cực nào. Đó cũng có thể là trường hợp thực nghiệm bị thất bại, sự việc chứng tỏ giả
thuyết của chúng ta bị sai lầm. Cần phải nói rằng, trong “nghề nghiệp” NCKH, đây
không phải là trường hợp đặc biệt hoặc không may, mà là chuyện bình thường. Tuy
nhiên, nếu như đối với tất cả những người làm NCKH, một thí nghiệm thất bại là
chuyện bình thường, thì ngược lại, đối với những nhà nghiên cứu có tài, không một
thí nghiệm nào không đem lại kết quả khoa học. Những nhà khoa học lớn cho rằng,
ngay trong những trường hợp gọi là không thành công như vậy, nếu các sự kiện và tài
liệu được thu thập một cách nghiêm túc bằng những phương pháp đảm bảo tính khoa
học thì vẫn là một công trình nghiên cứu có kết quả. Thực tế, nếu tác giả phân tích
được một cách sâu sắc những mâu thuẫn giữa các sự kiện, hoặc chỉ ra được những sai
lầm trong giả thuyết, những chỗ chưa thích hợp của công cụ hoặc phương pháp
nghiên cứu, thậm chí chỉ cần mô tả thật đầy đủ, chính xác và có hệ thống những sự

52
kiện, tài liệu ấy cũng đã giúp được các nhà nghiên cứu khác tránh không bước vào đó.
Như vậy, cũng là tạo nên một giá trị khoa học…
Để làm được như vậy, không chỉ phải nắm chắc vấn đề và tài liệu, biết cách
làm việc tỉ mỉ, chính xác, biết suy nghĩ một cách toàn diện và phân tích sâu sắc…,
mà còn phải tự rèn luyện cho mình một loạt phẩm chất nhân cách khác như: tinh
thần tự phê bình cao, thái độ khiêm tốn, tính hoài nghi khoa học, lòng tin ở sức
mạnh lí trí của con người, tính trung thực và vũ khí đấu tranh cho chân lí, động cơ
nghiên cứu đúng đắn và trong sáng, sự nhạy cảm chính trị cao, tinh thần trách
nhiệm và thái độ thận trọng.
Thông thường, sau khi kết luận một công trình nghiên cứu, chúng ta sẽ đưa ra
những kiến nghị thực tiễn. Nếu như khi lựa chọn đề tài, lựa chọn phương pháp nghiên
cứu, cũng như khi xử lí, phân tích số liệu, chúng ta càng hướng nhiều về thực tiễn bao
nhiêu thì càng có khả năng đưa ra những đề nghị có giá trị bấy nhiêu. Nhưng càng
quan tâm đến thực tiễn nhiều bao nhiêu, thì càng phải thận trọng khi đề nghị bấy
nhiêu. Đó là vì, từ những kết luận lí thuyết đến những áp dụng thực tế, từ kết quả
thực nghiệm cho đến thực hiện triển khai đại trà thường có rất nhiều vấn đề khác
nhau. Thậm chí nhiều khi nó đòi hỏi cả một công trình nghiên cứu mới hoặc đòi hỏi
người nghiên cứu phải am hiểu nhiều thực tế và nắm sâu về hoàn cảnh cụ thể ở thực
tiễn vận hành.
- Cũng trên tinh thần ấy, chúng ta sẽ nêu lên những phương hướng, những vấn
đề cần tiếp tục nghiên cứu để giải quyết vấn đề sâu hơn, trọn vẹn hơn. Cũng có khi
đó là những nhánh đề tài lân cận trong hình tháp đề tài.
3.4. Viết một công trình nghiên cứu khoa học
Đây là một việc thuộc về hình thức nhưng không phải vì thế mà không quan
trọng. Nội dung và kết quả nghiên cứu được thể hiện ra chủ yếu ở hình thức này và
sự gia công vào hình thức ấy cũng góp phần vào sự đào tạo khoa học cho bản thân
người nghiên cứu. Mẫu báo cáo kết quả nghiên cứu thường có sẵn theo yêu cầu của
cơ quan quản lý. Ở đây chỉ nói vài điều về viết bản thảo và viết công trình nghiên
cứu khoa học.
3.4.1. Xây dựng bản thảo
Để diễn đạt thật trung thực, chính xác (cao hơn nữa là súc tích và hấp dẫn)
những sự kiện, những lập luận và tư tưởng khoa học của mình, thì thường phải trải
qua một quá trình viết đi viết lại nhiều lần. Ngay cả đối với những tài năng lớn
trong nghiên cứu khoa học cũng phải làm như vậy.
- Cần viết đúng theo những điều quy định của ngữ pháp hiện hành (chính tả, cách
đặt câu, cách dùng các dấu chấm phẩy…) và những quy định khác về các kí hiệu, cách
phiên âm… do nhà nước đã ban hành. Bất cứ chỗ nào còn ngờ vực, dù là nhỏ nhất

53
cũng đều phải được đánh dấu lại, ghi ra sổ tay để tra cứu và sửa chữa nội dung cần tra
cứu. Để tiết kiệm thời gian, nên tập trung lại để tra cứu một thể và sửa chữa, đặc biệt
tra cứu nhiều ở các từ điển chính tả, từ điển học sinh, từ điển tiếng Việt. Nên tránh viết
tắt và viết bằng chữ số một cách tùy tiện, chỉ trừ trường hợp dẫn các số liệu hoặc có
những thuật ngữ dài lặp lại nhiều lần. Nhưng trong trường hợp này phải chú thích ngay
ở lần đầu tiên viết tắt.
- Các tranh vẽ, biểu đồ, sơ đồ… cần được đánh số thứ tự để khi nhắc lại khỏi
phải mô tả dài dòng mà chỉ nêu số thứ tự. Trong trường hợp có nhiều ví dụ được sử
dụng nhiều lần, cũng nên áp dụng cách đánh số thứ tự để không mất thì giờ nhắc lại
nội dung. Cố gắng làm thế nào đó để khi phân tích số liệu trong các bảng số, người
đọc luôn luôn có nó ở trước mắt mà không phải lật lại trang sách. Để nhằm mục
đích đó, nhiều khi cần trích ra từ bảng số liệu một vài cột và chép lại sang trang sau
hoặc thay đổi thứ tự các cột số liệu, xếp lại gần nhau để dễ so sánh hơn. Dưới mỗi
bảng số liệu cần ghi chú đầy đủ ý nghĩa các kí hiệu, các cột số, thậm chí đôi khi cả
tiêu chuẩn định lượng và quy cách tính toán…
- Những phần, những chương, những đề mục khác nhau cần có những kí hiệu
để thể hiện trình tự và thứ lớp của nó. Có nhiều cách để ghi các kí hiệu này. Nhìn
chung, ở ta có những cách sau đây:
+ Cách thứ nhất, chia công trình thành từng phần lớn. Trong mỗi phần bao gồm
một số chương ghi dưới hình thức chữ viết: chương 1, chương 2… Dưới đó là các đề
mục lớn được đánh số la mã; rồi đến các đề mục nhỏ hơn đánh số ả rập; dưới nữa, các
ý nhỏ được kí hiệu bằng các chữ cái in thường a,b,c…rồi đến các gạch đầu dòng…
+ Cách thứ hai, có tính chất hiện đại hơn, chỉ dùng một loại số ả rập. Các phần
được kí hiệu 1,2,3…; Các đề mục nhỏ hơn trong từng phần sẽ được kí hiệu: 1.1; 1.2;
2.2;… Các đề mục nhỏ hơn nữa sẽ có ba chữ số cách nhau bằng dấu chấm: 1.1.1;
2.2.3; 3.1.2… Cách này đơn giản và có thuận lợi là khi ghi kí hiệu một mục nào đó
hoặc dựa vào kí hiệu để tìm mục tương ứng, sẽ không phải trở lại các phần lớn hơn,
do đó nhanh chóng hơn. Nhược điểm của cách này chỉ là số kí hiệu của mỗi mục sẽ
hơi dài, đôi khi có thể gây ra nhầm lẫn vì sót các dấu chấm và trông không đẹp mắt.
* Về vấn đề hành văn. Nói chung, trong một công trình khoa học cần chú ý
trước nhất đến tính chính xác, ngắn gọn, sâu sắc, trong khi vẫn phải cố gắng cho lời
văn dễ hiểu không những đối với các nhà chuyên môn mà cả đối với một phạm vi
tương đối rộng những người không thuộc chuyên môn đó. Những yêu cầu này càng
đặt ra cao hơn khi viết các đoạn kết từng phần, từng chương, các tiêu đề mục. Phải
nắm chắc nội dung của các thuật ngữ khoa học.
- Đối với các từ, cần nhớ kĩ các nghĩa bóng, các sắc thái khác nhau để có thể
dùng cho đúng và tế nhị. Chỗ nào không cần thiết thì nên dùng các từ thông thường
thay cho những từ “sách vở”. Tránh dùng những ngôn từ rập khuôn để khỏi rơi vào
công thức, sáo rỗng, không chính xác.…

54
* Vấn đề trích dẫn tài liệu. Cần tỉ mỉ, trung thực trong việc trích dẫn tài liệu
của người khác. Đây không chỉ là vấn đề cách thức mà còn là vấn đề thái độ và tư
tưởng, vấn đề đạo đức trong nghiên cứu. Làm đúng những quy cách trích dẫn trước
hết chứng tỏ thái độ nghiêm túc và chính xác trong NCKH. Hơn thế nữa, nó còn giúp
chúng ta thấy rõ công lao của những người đi trước đối với công trình của mình và
củng cố lòng trung thực. Nó còn góp phần xây dựng tác phong “nói có sách, mách có
chứng” cần thiết cho người làm công tác lí luận.
- Những câu trích dẫn nguyên văn, cần để trong ngoặc kép (“ ”) và kiểm tra
kĩ đến từng dấu phẩy. Nếu có những sửa đổi thật cần thiết thì phải nói rõ (ví dụ, nếu
dịch lại cho chính xác hơn một câu trích từ bản dịch của tác giả khác thì cần chú
thích rõ phía dưới (ví dụ “tôi dịch lại”). Nếu cần gạch chân trong câu trích mà trong
nguyên bản không có gạch chân thì phải ghi và viết tên mình kèm theo (ví du “tôi
gạch chân”)… Khi mượn ý, cần chuyển đạt lại thật chính xác thực chất đoạn văn,
hoặc tư tưởng của tác giả. Tất cả bảng số liệu, đồ thị, tranh ảnh… vay mượn đều
phải có ghi chú và phải chỉ rõ “nguồn” tham khảo. Nếu ý ta vay mượn trải ra trên
nhiều trang, nên ghi tất cả các trang đó, hoặc nếu liên tục thì phải ghi rõ từ trang
nào đến trang nào. Nếu điều ta dẫn bao quát toàn bộ cuốn sách hoặc tài liệu thì
không phải ghi số trang. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp ngoại lệ. Những ý
tưởng được trích dẫn đã trở thành kinh điển, rất phổ biến, lúc đó chỉ cần ghi tên tác
giả. Nếu sử dụng những tài liệu chưa được công bố chính thức cũng cần ghi rõ: bản
thảo, bản đánh máy, nội san… Nếu trích dẫn lại của một tác giả khác thì ghi địa chỉ
của tác giả thứ hai, nhưng nếu có điều kiện, thì tốt nhất nên kiểm tra lại và ghi địa
chỉ gốc. Nếu là tài liệu nước ngoài thì nên ghi rõ tiếng nước nào ngay sau tên cuốn
sách hoặc tài liệu và tốt nhất là nên ghi địa chỉ tài liệu bằng tiếng nước đó…
- Ngoài những trích dẫn, nhiều khi chúng ta cần có những chú thích khác. Thông
thường là để làm sáng tỏ thêm, giải thích sâu hơn một số thuật ngữ, khái niệm, ý tưởng,
học thuyết, tác phẩm, tác giả… được nói đến trong công trình nhưng nếu để xen vào
phần trên thì làm ảnh hưởng đến mạch văn. Cách chú thích cũng có thể làm giống như
cách trích dẫn: hoặc để ngay ở cuối trang, hoặc tập trung vào cuối công trình.
* Khối lượng của bản thảo
Trong bản thảo lần đầu nên viết tất cả mọi khía cạnh của tài liệu mà chúng ta
có thể phân tích được và tất cả những ý kiến có liên quan đến công trình. Nói cách
khác là viết bản nháp “mở rộng”. Trong quá trình viết đi viết lại bản nháp, cần chú
ý cô đúc, gạn lọc từ bố cục, đến dàn ý, đến cả từng câu, từng chữ nhằm đạt được sự
chính xác, ngắn gọn….
Để có một bố cục cân đối, trong quá trình rút gọn, cũng nên hướng tới một tỉ
lệ phân phối giữa các phần cho hợp lí . Có thể:
- Phần mở đầu (hoặc nhập đề hoặc đặt vấn đề) bao gồm lí do chọn đề tài,
nhiệm vụ, đối tượng và cơ sở nghiên cứu) chiếm khoảng 5% đến 10%.

55
- Phần kết luận, kiến nghị và suy rộng chiếm khoảng 5% đến 10%. Phần kết
luận cần viết súc tích, chính xác, dứt khoát.
3.4.2. Viết công trình nghiên cứu khoa học
Chỉ sau khi đã kiểm tra lần cuối các trích dẫn và địa chỉ của nó, các chỗ ngờ
vực về chính tả, các ý cần gạch chân, đóng khung…, nghĩa là chỉ sau khi bản nháp
đã hoàn chỉnh mới bắt đầu viết sạch công trình. Trong quá trình bước đầu NCKH,
chúng ta cần cố gắng học cả cách làm việc có phương pháp để tiết kiệm thời gian.
Duy có một điều cần chú ý là, không nên tranh thủ viết công trình nghiên cứu khi
bản thảo chưa xong nếu chúng ta muốn có một bản báo cáo hoàn chỉnh và có giá trị
khoa học. Về mặt hình thức của báo cáo, cần tuân thủ đầy đủ những quy định hiện
hành của một báo cáo tổng kết đề tài NCKH.
Nếu trong một công trình có nhiều biểu đồ, hình vẽ, tranh ảnh… hoặc các
nguyên bản sản phẩm hoạt động, thì nên xếp vào một phần riêng gọi là “phần phụ
lục”. Trong phụ lục, ngoài những tài liệu kể trên có thể đưa vào các mẫu phiếu điều
tra, trắc nghiệm, các hiện vật thực nghiệm, biên bản quan sát,… thuộc hồ sơ nghiên
cứu. Những tài liệu này giúp người đọc hình dung một cách thật cụ thể việc nghiên
cứu và theo dõi tốt hơn phần nội dung của báo cáo khoa học. Do đó, trong phụ lục
cũng nên sắp xếp tài liệu theo trình tự sử dụng và cũng nên đánh số trang, số thứ tự
các tài liệu để dễ tìm.

56
TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Donald Ary, l.C. Jacobs (2006), Introduction to research methods in


education, seventh edition, Vicki knight.
2. Nguyễn thị Kim Dung (2001), Nghiên cứu định tính trong giáo dục, Tạp chí
Giáo dục, số 15, tháng 10, tr. 25 - 26
3. Nguyễn Thị Kim Dung (2001), Chọn mẫu nghiên cứu trong giáo dục, Thông
tin Khoa học giáo dục, số 85, tr.30 - 32.
4. Vũ Cao Đàm (1999), Phương pháp luận nghiên cứu khoa học, NXB Khoa
học và kỹ thuật.
5. Lưu Xuân Mới (2003), Phương pháp luận nghiên cứu khoa học, NXB ĐHSP
Hà Nội
6. William A. Johnson, Jr. Richard P. Rettig, Gregory M. Scott, Stephen M.
Garrison (2002). The Sociology Student Writer’s Manual. Third Edition.
Prentice Hall, USA.
7. Đào Thị Oanh, Nguyễn Thị Kim Dung, Vũ Thị Sơn (2008), Kết hợp đào
tạo và nghiên cứu khoa học, Tài liệu bồi dưỡng giảng viên trẻ - ĐHSP Hà Nội.
8. Jack R. Fraenkel & Norman E. Wallen. How to design and evaluate
research in education. Third edition. McGraw – Hill, Inc.,
9. Dương Văn Tiến (2006), Giáo trình Phương pháp luận NCKH, NXB Xây
dựng, Hà Nội.
10. Phạm Viết Vượng (2004), Giáo trình Phương pháp luận NCKH, NXB ĐH
Quốc Gia, Hà Nội.

57

You might also like