You are on page 1of 4

ĐẶC ĐIỂM NGÔN NGỮ THƠ

1.Tính hàm súc


Tính chất này xuất phát từ một lẽ “bài thơ là tổ chức ở trình độ cao của ngôn ngữ, một tổ chức
chặt chẽ tinh tế của ngôn ngữ” nên ngôn ngữ thơ biểu hiện cao độ tính hàm súc. Tính hàm súc là
đặc điểm chung của ngôn ngữ trong tác phẩm văn chương, nhưng do đặc trưng của thể loại mà
nó biểu hiện một cách tập trung với yêu cầu cao nhất trong ngôn ngữ thơ.
So với nhiều thể loại khác thơ thường có dung lượng khiêm tốn hơn. Để phản ánh thế giới hiện
thực muôn màu, thế giới tình cảm phức tạp của con người ngôn ngữ thơ phải thực sự hàm súc, là
kết quả của sự chắt lọc công phu của người nghệ sĩ, Maiacopxki từng nhận đinh: “Làm thơ là cân
một phần nghìn milligram quặng chữ”
Một cách rõ ràng, tính hàm súc của ngôn ngữ thơ là lời ít ý nhiều, lời hết mà ý chưa cạn, nói như
Lưu Trọng Lư, “một câu thơ hay là một câu thơ có sức gợi”. Tính hàm súc được người nghệ sĩ
tạo ra theo nhiều cách riêng. Đó có thể là cách dùng từ sao cho đắt nhất, có giá trị biểu hiện cao
nhất kiểu như Nguyễn Du đã “giết chết” các nhân vật Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Hồ Tôn Hiến,
mỗi tên chỉ bằng một từ: cái vô học của Mã Giám Sinh – “Ghế trên ngồi tót sỗ sàng”, cái gian
manh của Sở Khanh – “Rẽ song đã thấy Sở Khanh lẻn vào”, cái tầm thường ti tiện của Hồ Tôn
Hiến – “Lạ cho mặt sắt cũng ngây vì tình”.
Nói cách khác, hàm súc cũng có nghĩa là phải chính xác, giàu hình tượng, có tính truyền cảm và
thể hiện cá tính của người nghệ sĩ dựa trên cơ sở vận dụng các thủ pháp nghệ thuật như ẩn dụ, so
sánh… tạo nên nhiều lớp nghĩa cho câu thơ. Trong thơ Trung đại, tính hàm súc thường đến từ thủ
pháp chấm phá, gợi tả. Nguyễn Du phác nên một bức tranh mùa xuân tươi sáng và đầy sức sống
không cần nhiều hơn hai chi tiết: “Cỏ non xanh tận chân trời / Cành lê trắng điểm một vài bông
hoa”.
Theo lẽ đó, thơ không có chỗ đứng cho hư từ mà chỉ có thực từ, trong thơ, ý phải tỏa vào lời, lời
phải đỡ với ý, ý phải sâu nhưng lời cũng phải chặt. Một điều đáng nói là, tính hàm súc thường
chỉ xuất hiện trong mực thước văn học truyền thống bởi tính chặt chẽ và quy phạm của từ ngữ,
đến giai đoạn văn học đương đại, đặc điểm này bị đe dọa bởi sự dài dòng và nông cạn của một số
tác giả. Nó đặt ra yêu cầu về sự cân bằng giữa truyền thống và hiện đại giữa hai thuộc tính này.
2.Giàu tính nhạc
Từ xa xưa, cổ nhân đã cho rằng: “thi trung hữu họa, thi trung hữu nhạc”, thơ là tiếng nói trữ tình
của người làm thơ, nó mang trong mình cái nhạc tính từ khi sinh ra. Bởi thế mà “Ly khia với
nhạc tính, thơ chỉ còn là một nhan sắc trơ trẽn thiếu duyên” (Tam Ích). Hơn bất cứ ngôn ngữ ở
thể lọai nào khác, ngôn ngữ thơ với tính cách là một thứ ngôn ngữ giàu nhịp điệu, phong phú về
cách hòa âm, tiết tấu, giàu từ láy âm, tượng hình, chính là thứ ngôn ngữ giàu tính nhạc.
Nhạc tính trong thơ được tạo nên từ nhiều yếu tố như nhịp điệu, cách gieo vần, phối thanh… Đặc
điểm này của ngôn ngữ thơ xuất phát từ tính chất giàu nguyên âm, phụ âm, thanh điệu của tiếng
Việt. Về nhịp điệu của thơ, nó tạo nên tính nhạc nhờ sự lặp đi lặp lại cùng một chu kỳ về bằng –
trắc, về vần (nguyên âm và phụ âm). Nói về vai trò của nhịp điệu trong thơ, Maiacovki từng
khẳng định: “Nhịp điệu là sức mạnh cơ bản, năng lượng cơ bản của câu thơ”. Theo GS. Hà Minh
Đức: “Nhịp điệu là kết quả của một sự chuyển động nhịp nhàng, sự lặp lại đều đặn của âm thanh
nào đó trong thơ”.
Nhịp điệu phụ thuộc nhiều vào trạng thái cảm xúc, nhanh hay chậm.Vì vậy nhiều bài thơ không
có phép tu từ nào nhưng nhờ nhạc mà vần thơ trở nên xuất sắc.
“Hôm qua đi chùa Hương
Hoa cỏ mờ hơi sương
Cùng thầy me thức dậy
Em vấn đầu soi gương”
(Đi chùa Hương – Nguyễn Nhược Pháp)
Bên cạnh nhịp, vần là một yếu tố quan trọng tạo nên tính nhạc trong thơ, là yếu tố truyền thống
và mặc định cho thể loại. Vần là sự lặp lại những âm thanh tương tự để tạo chỗ dựa cho nhạc
tính. Có nhiều cách phân loại, song chủ yếu vẫn là theo vị trí, bao gồm vần chân và vần lưng.
Vần chân phổ biến nhất là trong thơ Đường luật, thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, gieo vần tại cuối mỗi
câu 1,2,4:
“Tiếng suối trong như tiếng hát xa,
Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa.
Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ,
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.”
(Cảnh khuya – Hồ Chí Minh)
Ngoài ra, ở thơ Mới và thơ đương đại, quy luật hiệp vần thường không còn bị bó buộc theo quy
tắc trên mà theo trật tự riêng, không gieo vần mà ngỡ như có vần (“Màu thời gian” – Đoàn Phú
Tứ, “Lí ngựa ô” – Phạm Ngọc Cảnh,…)
Song song với với cách hiệp vần, việc kiến tao âm điệu cũng là cách để tác phâm trữ tình trở nên
giàu nhạc tính hơn. Nó trở thành cầu nối giữa thơ và người đọc, bắc nhip đưa người đọc vào thế
giới màu nhiệm của thơ ca : “Ô hay buồn vương cây ngô đồng Vàng rơi, vàng rơi thu mênh
mông”
Âm điêu trong ngôn ngữ thơ được tạo nên nhờ thanh âm bằng – trắc, là sự sắp xếp có chủ ý của
tác giả. Không chỉ là gieo vần và âm điệu, cách ngắt nhịp cũng góp phần tao nhạc tính đáng kể
cho mỗi câu thơ.
“Thuở còn thơ/ ngày hai buổi/ đến trường
Yêu quê hương /qua từng trang sách nhỏ
“Ai bảo/ chăn trâu/ là khổ”
Tôi mơ màng/ nghe chim hót/ trên cao”
(Quê hương- Giang Nam)
3.Giàu tính họa
Leonardo De Vinci cho rằng: “Thơ là một bức họa để cảm nhận thay vì để ngắm”. Còn Sóng
Hồng nhận định: “Thơ là thơ nhung đồng thời là họa, là nhạc, là chạm khắc theo một cách
riêng”. Một trong những đặc trưng cơ bản của ngôn ngữ thơ ca là tính họa hay còn gọi là tính
hình tượng.
Đó là khả năng của ngôn ngữ văn học có thể tái hiện lại những hiện tượng của cuộc sống một
cách cụ thể, sinh động bằng những từ ngữ gợi cảm, gợi hình, gợi thanh. Nói cách khác, ngôn ngữ
có tính hình tượng là ngôn ngữ rất giàu hình ảnh, đường nét, màu sắc, âm thanh… có khả năng
gây ấn tượng mạnh mẽ, tác động sâu xa vào trí tưởng tượng và cảm nghĩ của người đọc.
Hình ảnh là đơn vị nhỏ nhất diễn tả cảm xúc của nhà thơ. Nhà thơ nói bằng hình ảnh chứ không
nói bằng khái niệm. Thơ bao giờ cũng tồn tại với một hệ thống hình ảnh luôn luôn được làm
mới. Tính họa của ngôn ngữ thơ nằm trong chuỗi những sáng tạo hình ảnh mang vẻ đẹp trực
quan, sinh động.
Hình ảnh trong thơ được tạo nên bởi nhiều phương thức khác nhau: Ẩn dụ (“Tôi chỉ là cây kim
bé nhỏ/ Mà vạn vật là muôn đá nam châm” – Xuân Diệu), nhân cách hóa (“Đàn cò áo trắng,
khiêng nắng qua sông” – Xuân Diệu); Góc độ các kiểu tư duy – hình ảnh bằng thị giác (“Nơi lá
chuối che nghiêng như một cánh buồm” – Lưu Quang Vũ), hình ảnh của thính giác (“Đêm khuya
văng vẳng trống canh dồn/ Trơ cái hồng nhan với nước non” – Tự tình, Hồ Xuân Hương), hình
ảnh hiển thị bằng cảm giác hoặc siêu cảm giác (“Người đi một nửa hồn tôi mất/ Một nửa hồn tôi
hóa dại khờ” – Hàn Mặc Tử).
Có những hình ảnh đẹp đẽ, hài hòa, thơ mộng, mềm mại, nhưng cũng có những hình ảnh khắc
khổ, gớm ghiếc…, mỗi một hình ảnh đều nhằm tái tạo lại thị giác, cảm quan của thi nhân. Ngôn
ngữ mang tính hình tượng phải hợp lí, tránh khiên cưỡng, gò ép, áp đặt. Nó là kết quả của khả
năng quan sát tinh tế, nhạy bén, vốn sống phong phú và trình độ sử dụng ngôn ngữ điêu luyện
của người nghệ sĩ.
Không những quan sát và diễn tả, nhà thơ phải nâng sự quan sát của họ lên đến một mức độ nhạy
bén, hoa mĩ- đây chính là sự khác biệt giữa ngôn ngữ thơ với ngôn ngữ truyện cũng như ngôn
ngữ các loại hình nghệ thuật khác.
Bằng chất liệu ngôn từ, nhà văn không những tái tạo được những cái hữu hình mà còn tái hiện
sinh động và gợi lên một cách trực quan những cái vô hình, những cái mỏng manh mơ hồ nhất
mà các loại hình nghệ thuật khác không làm được.
Nhà thơ Đoàn Phú Tứ đã từng tái hiện sinh động màu sắc và hương vị của thời gian qua tâm
trạng hoài niệm:
“Màu thời gian không xanh
Màu thời gian tím ngắt
Hương thời gian không nồng
Hương thời gian thanh thanh”
(Màu thời gian)
Thơ là tiếng nói của tình cảm và chiều sâu của thế giới nội tâm, “là một loại thể có bản chất đa
dạng với nhiều biến thái và màu sắc phong phú” (GS. Hà Minh Đức). Do đó, thơ luôn mang
những đặc điểm riêng về ngôn ngữ, giúp khu biệt nó với các loại hình khác một cách rõ ràng.
Nói một cách hệ thống, ngôn ngữ thơ mang những đặc điểm về tính hàm súc, tính nhạc, tính họa
là đều là sự bắt nguồn từ những đặc điểm riêng của tiếng Việt và thể loại trữ tình. Với những tính
chất riêng biệt đó, thơ luôn đem đến những tầng nghĩa sâu sắc ẩn sau lớp bề mặt ngôn từ đầy tính
thẩm mĩ, đặt ra những vấn đề nghiêm túc và có chiều sâu trong quá trình sáng tác cũng như tiếp
nhận thế giới thơ trong văn học.

You might also like