You are on page 1of 5

Trường THPT Hùng Vương ……………….…………………….

Tài liệu Phụ đạo Ngữ văn

VỘI VÀNG
- Xuân Diệu-

I. TÌM HIỂU CHUNG


1. Tác giả:
- Xuân Diệu là một nghệ sĩ lớn, nhà văn hoá lớn, có sức sáng tạo mãnh liệt, bền bỉ và sự
nghiệp văn học phong phú.
- Đặc trưng nội dung và phong cách nghệ thuật thơ Xuân Diệu trước Cách mạng :
 Thơ Xuân Diệu thể hiện tình yêu đời, yêu cuộc sống thiết tha, mãnh liệt (say cảnh, say

tình, thiết tha giao cảm với đời).


 Thơ Xuân Diệu cũng thể hiện tâm trạng chán nản, hoài nghi; nhân vật trữ tình trong thơ

thường cô đơn.
 Cảm xúc trong thơ Xuân Diệu say đắm, mãnh liệt. Ông cảm nhận thế giới chung quanh

bằng tất cả giác quan và bằng cái nhìn mới mẻ, tươi non.
 Thơ Xuân Diệu là sự kết hợp hai yếu tố cổ điển và hiện đại, Đông và Tây; nhưng ảnh
hưởng của thơ phương Tây vẫn đậm nét hơn (từ cảm hứng đề tài, đến xây dựng hình ảnh,
cú pháp, nhịp điệu, ngôn từ).
=> Trước Cách mạng Tháng Tám, XD được xem là nhà thơ “ Mới nhất trong các nhà Thơ
Mới” ( Hoài Thanh ). Hồn thơ của ông tiêu biểu bởi tiếng nói thiết tha tình yêu cuộc sống
- con người, rạo rực khát khao giao cảm với đời và băn khoăn, âu sầu vì thời gian qua
nhanh và vì tình trạng cô đơn của con người.
- Đặc trưng nội dung và phong cách nghệ thuật thơ Xuân Diệu sau Cách mạng:
 Xuân Diệu bắt nhịp nhanh vào đời sống kháng chiến và đóng góp to lớn cho thơ ca Việt
Nam sau cách mạng. Nhà thơ hào hứng ca ngợi không khí mới của những con người tự
do dân chủ, của công cuộc lao động sản xuất, xây dựng đất nước. Năm 1960, tập Riêng
chung đánh dấu sự chuyển biến tư tưởng lớn lao của tác giả.
 Hồn thơ ấm áp trong sự sum vầy và tình cảm thuỷ chung. Những sáng tác thời kì này tuy
cố ý gia công về câu chữ, ý tứ nhưng cái vẻ đắm say, nồng nàn thì dường như đã giảm so
với trước. Đề tài tình yêu tiếp tục được khai thác bên cạnh dòng thơ trữ tình công dân.
- Nhận xét chung : Trong quá trình sáng tác, phong cách thơ Xuân Diệu khá thống nhất dù
đề tài của thơ có thay đổi theo từng thời kì. Ở nhà thơ toát lên một tâm hồn yêu cuộc đời,
gắn bó với con người, trân trọng từng cảm xúc và phút giây sống trên cõi đời.
2. Tác phẩm “ Vội vàng”
- “Vội vàng” là một thi phẩm đặc sắc trong tập Thơ thơ ( 1938 ) - tập thơ đầu tay đã khẳng
định vị trí XD trong nền Thơ Mới.
- “Vội vàng” thể hiện cảm xúc hân hoan và khát khao tận hưởng mùa xuân, tuổi trẻ, hạnh
phúc, tình yêu, tận hưởng những cơ hội một đi không trở lại trong cuộc đời. Bài thơ cũng
bộc lộ một quan niệm thực tiễn về thời gian, một triết lý sống đề cao tinh thần dấn thân
và thích ứng rất tiêu biểu cho điệu hồn Xuân Diệu - như Hoài Thanh đã nhận xét “ XD
say đắm tình yêu, say đắm cảnh trời, sống vội vàng, sống cuống quýt”. Tất cả những
điều ấy được thể hiện qua giọng thơ triết lí kết hợp với trữ tình sôi nổi, bồng bột, bứt
SauChu ………… Chỉ cần âm thầm cố gắng, hạnh phúc nhất định sẽ đến………….
1
Trường THPT Hùng Vương ……………….……………………. Tài liệu Phụ đạo Ngữ văn
tung những chật hẹp, giới hạn về số chữ, số câu, vần nhịp để tuôn trào cảm xúc trong thể
thơ tự do và nhiều hình ảnh chuyển đổi cảm giác mới mẻ, thú vị.
II. ĐỌC - HIỂU VĂN BẢN
1. Phần 1 : Tình yêu tha thiết cuộc sống trần thế, niềm ngất ngây trước cảnh sắc trần
gian ( 13 câu đầu )
a. Mở đầu thi phẩm là một khổ thơ ngũ ngôn bộc lộ những ước muốn chủ quan của một cái
“ Tôi” Thơ Mới thật lãng mạn và táo bạo:
« Tôi muốn tắt nắng đi
…………………………..
Cho hương đừng bay đi »
- “Nắng” và “gió” -> hiện tượng của tự nhiên, có quy luật riêng mà con người không thể
thay đổi .
- Nếu thời gian đi bằng nắng, bằng gió thì Xuân Diệu muốn “ tắt nắng”, “ buộc gió” ->
khát vọng phi thường, muốn chế ngự thiên nhiên, níu giữ thời gian, muốn đi ngược lại
những quy luật muôn đời để vĩnh cửu hoá những hiện tượng mong manh, cho “ màu
đừng nhạt”, “hương đừng bay ”. “Màu” và “hương” là những tinh tuý của đất trời. ->
Nhà thơ muốn giữ mãi sắc màu và hương vị của cuộc sống.
- Khát khao cháy bỏng ấy bật lên thành điệp khúc “ Tôi muốn…Cho…” như ngân mãi
một ước mong không bao giờ có thực -> lời thơ càng trở nên khắc khoải.
- Vì sao thi nhân lại có ước muốn tưởng chừng phi lý ấy ? Chính là vì XD đã phát hiện có
một thiên đường ngay trên mặt đất này – đó là thế giới của mùa xuân và tình yêu được
nhà thơ vẽ ra ngay trong 9 dòng thơ tiếp theo
b. Tình yêu cuộc sống thể hiện qua bức tranh thiên nhiên mùa xuân rực rỡ sắc màu :
- Bằng cặp mắt “ xanh non”, “ biếc rờn”, Xuân Diệu đã nhìn cuộc sống như một thế giới
thật nên thơ, thật đáng yêu, đáng sống. Đó là một thế giới rực rỡ sắc màu, rộn rã âm
thanh : Có cái hạnh phúc ngọt ngào trong "tuần tháng mật" của ong bướm; cái lộng lẫy
của "hoa đồng nội xanh rì"; cái mơn mởn trẻ trung của " lá cành tơ phơ phất"; có âm
thanh nồng nàn rạo rực của " yến anh khúc tình si"; cái rực rỡ chan hoà của "ánh sáng
chớp hàng mi" và cả tiếng “thần vui gõ cửa” rộn ràng náo nức…-> Xuân Diệu huy động
tất cả các giác quan từ nhiều góc độ để cảm nhân vẻ đẹp và sự quyến rũ đắm say hồn
người của mùa xuân. Tất cả đều đang ở vào thì sung mãn nhất, bởi đó là “ buổi sớm” -
bắt đầu của một ngày ; “tháng giêng” - khởi đầu của một năm.
- Cảnh vật rất đỗi thân quen của cuộc sống đời thường dưới ngòi bút Xuân Diệu quấn quít
lấy nhau từng đôi, từng đôi trong tình cảm luyến ái ( ong - bướm; hoa - lá ; yến - anh…)
-> Thiên đường trần gian ấy trong cảm nhận của nhà thơ chính là một “thiên đường tình
ái”. Xuân Diệu “ hưởng thụ thiên nhiên như hưởng thụ ái tình. Yêu thiên nhiên mà thực
chất là tình tự với thiên nhiên” ( Chu Văn Sơn )
- “ Tháng giêng ngon như một cặp môi gần” -> hình ảnh so sánh sáng tạo, phép tương
giao cảm giác theo phong cách thơ phương Tây -> vẻ đẹp của thiên nhiên hiện ra trong
cặp môi người tình đầy quyến rũ, đắm đuối, say mê -> quan niệm thẩm mỹ mới mẻ của
tác giả : Con người là thước đo thẩm mĩ của vũ trụ, vẻ đẹp con người trần thế là tác
phẩm kì diệu của hoá công, thế giới này đẹp nhất, mê hồn nhất là vì có con người giữa
tuổi trẻ, mùa xuân, tình yêu.
- Biện pháp điệp từ, điệp cấu trúc ( của …này đây…) -> phơi bày sự giàu có của thiên

SauChu ………… Chỉ cần âm thầm cố gắng, hạnh phúc nhất định sẽ đến………….
2
Trường THPT Hùng Vương ……………….……………………. Tài liệu Phụ đạo Ngữ văn
nhiên, mời gọi con người chiêm ngưỡng, tận hưởng, đồng thời tạo âm điệu thơ dập dồn,
say đắm, gấp gáp như muốn chạy đua cùng thời gian và cuộc sống.
- Nhà thơ yêu cuộc sống, đắm say với cái đẹp nhưng đó là một niềm vui không trọn vẹn “
Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa”. Xuân Diệu ý thức một cách sâu sắc về sự
trôi chảy, không vĩnh viễn của thời gian, luôn muốn níu giữ những phút giây của hiện tại.
Và bên cạnh tiếng reo vui bao giờ cũng là tiếng thở dài tiếc nuối đầy khắc khoải. Người
xưa thường tiếc xuân khi xuân đã qua “ Có phải tiếc xuân mà đứng gọi” ( Cuốc kêu cảm
hứng - Nguyễn Khuyến ) còn với XD thì “ Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân” : Thi
sĩ tiếc xuân ngay khi vẫn còn xuân ! -> Cảm nhận mới mẻ. Hai dòng thơ cuối đoạn là
bản lề khép mở hai tâm trạng : khép lại những đắm say, vồ vập, thiết tha và mở ra những
băn khoăn, âu sầu trong một linh cảm bất an
- Kết cấu câu thơ chịu ảnh hưởng của thơ ca Pháp ( thơ vắt dòng ) và sự tự bộc lộ cái tôi
đây bản lĩnh của tác giả mang đến cho đoạn thơ một sức hấp dẫn mới mẻ.
- Tiểu kết : Trước XD ít năm thôi, Tản Đà phải nhờ đến chị Hằng nơi cung quế “ Cành đa
xin chị nhắc lên chơi” để tìm hạnh phúc. Và trong khi những bạn thơ cùng thời với XD
cũng đang trốn chạy cuộc đời, trở về với những cõi “ Thiên thai”, nơi “tiên cảnh” thì
XD đã “ đốt cảnh bồng lai, xua ai nấy về hạ giới” ( Hoài Thanh ) . Đoạn thơ đã thể hiện
sâu sắc và độc đáo tình yêu rạt rào, đắm say cuộc sống của Xuân Diệu qua những khát
vọng phi thường và bức tranh “ thiên đường trên mặt đất”.
2. Phần 2 : Nỗi băn khoăn, âu sầu vì sự sự trôi chảy của thời gian, sự ngắn ngủi của
kiếp người, vì tuổi trẻ một đi không trở lại ( 18 câu giữa )
- Vì sao lại “ vội vàng ” ? Phải chăng bước đi của thời gian đã ăn sâu vào tâm thức của
nhà thơ như một nỗi ám ảnh,nhắc nhở, hối thúc người “Xuân đang tới, nghĩa là xuân
đương qua....Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại…” -> Cách cảm nhận rất riêng của XD :
thời gian tuyến tính, một đời người chỉ có một tuổi xuân và tuổi trẻ một đi không trở lại ;
trái với quan niệm thời gian tuần hoàn trong thơ ca trung đại
- Lời thơ mang đậm yếu tố ngôn ngữ nói và giọng tranh biện hăng hái, sôi nổi . Điệp ngữ
“ nghĩa là…nghĩa là…” mang sắc thái của lời giải thích, lí giải để đưa đến một định
nghĩa. Một hệ thống tương phản đối lập: “tới-qua, non - già, hết - mất, rộng - chật, tuần
hoàn - chẳng thắm lại…” đã khẳng định một chân lý - triết lý : tuổi xuân một đi không
trở lại. Phải quý tuổi xuân “ Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời”->Nhà thơ băn khoăn
về sự ngắn ngủi, mong manh của kiếp người trong sự trôi chảy nhanh chóng của thời
gian.
- Cách nhìn nhận về thời gian rất tinh tế, độc đáo, nhạy cảm : Trong hiện tại đã bắt đầu có
quá khứ và tương lai, cái đang có lại đang mất dần đi “ đương tới nghĩa là đương qua…
còn non nghĩa là sẽ già”.. “ xuân hết...tôi cũng mất” -> cảm nhận đầy bi kịch về cuộc
sống, mỗi khoảnh khắc trôi qua là một sự mất mát , phai tàn, phôi pha, mòn héo, như
một nhà thơ Phương Tây cũng từng viết “ Ôi đớn đau, đớn đau, thời gian ăn cuộc đời” (
Bô-đơ-le )
- “Con gió xinh thì thào trong lá biếc.......Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa?” -> Câu hỏi
tu từ, phép nhân hoá sinh động -> Nỗi bâng khuâng, tiếc nuối của tác giả bao trùm không
gian, tạo vật : những cảnh vật mới còn đang quấn quýt ở khổ thơ trên thì bây giờ hình
như mang theo nỗi buồn “chia phôi” hoặc “tiễn biệt”: sông núi “than thầm”, gió “hờn” vì
xa cách, chim “sợ” độ phai tàn sắp sửa... -> tô đậm nghịch lí giữa mùa xuân - tuổi trẻ và

SauChu ………… Chỉ cần âm thầm cố gắng, hạnh phúc nhất định sẽ đến………….
3
Trường THPT Hùng Vương ……………….……………………. Tài liệu Phụ đạo Ngữ văn
thời gian
- “ Chẳng bao giờ / ôi / chẳng bao giờ nữa ... Mau đi thôi/ mùa chưa ngả chiều hôm” ->
Câu cảm thán với cách ngắt nhịp biến hóa làm nổi bật nỗi lòng vừa lo lắng băn khoăn,
vừa luống cuống tiếc rẻ, bâng khuâng, níu nuối : Phải vội vàng, phải hối hả cho kịp khi
vẫn còn trẻ trung
- Tiểu kết : Cuộc sống trần gian đẹp như một thiên đường; trong khi đó thời gian đi không
trở lại, đời người ngắn ngủi – nên chỉ còn một cách là phải sống vội. Đoạn thơ có sự kết
hợp giữa giọng thơ trữ tình + tranh biện, triết lý đã làm bật lên khát vọng, quan niệm
sống mới mẻ của thi nhân
3. Phần 3 : Lời giục giã sống vội vàng, rạo rực, khát khao sống cao độ mỗi giây phút
của tuổi xuân.
- “Ta muốn ôm” -> Đoạn thơ bắt đầu bằng một câu thơ 3 chữ bật ra mạch cảm xúc sôi nổi,
bồng bột. Đại từ nhân xưng “ tôi” được chuyển thành “ ta” như một sự rộng mở lòng
mình ra với vũ trụ, với cuộc đời
- “Cả sự sống ....cỏ rạng” -> Đoạn thơ quay trở về xúc cảm ban đầu với cấp độ cao hơn :
giãi bày tình yêu cuồng nhiệt đối với cuộc sống. Điệp ngữ “ta muốn” -> tuyên ngôn cùng
thế giới niềm khát khao cháy bỏng của mình.
- Các động từ mạnh thể hiện những cử chỉ yêu đương cứ tăng tiến dần theo sự dâng trào
của cảm xúc : “Ta muốn ôm…ta muốn riết...ta muốn say…ta muốn thâu…ta muốn hôn
…ta muốn cắn…” càng lúc càng say sưa, mãnh liệt, vồ vập.
- Nhà thơ khát khao giao cảm, tham lam ôm cả cuộc đời vào vòng tay, vào lồng ngực rộng
mở đến tận cùng của mình qua rất nhiều các từ “ cả... và.... với...”.
- Đó là cuộc đời với những hình ảnh tươi mới, thanh tân, căng tràn sức sống “ mơn mởn,
mây gió, cánh bướm, tình yêu, cái hôn, non nước, cây, cỏ rạng”.
- Các tính từ “chuếnh choáng” đến “đã đầy” và đến tột cùng “no nê”, thể hiện trạng thái
hưởng thụ thoả thuê cái đẹp của cuộc đời
- “- Hỡi Xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi! ” -> Câu cảm thán, lời thơ mạnh mẽ, táo bạo,
trần thế diễn tả đỉnh điểm của khát khao đón nhận, tận hưởng -> Cuộc đời - tuổi trẻ -
mùa xuân trước mắt nhà thơ như một trái chín hồng tươi, thơm ngon, trong trẻo, ngọt
lành đầy hấp dẫn, quyến rũ, mời mọc.
- Mạch thơ là mạch cảm xúc dâng cao, tuôn trào. Cấu trúc câu thơ mới lạ, tứ thơ độc đáo,
biện pháp trùng điệp tạo âm điệu thơ sôi nổi, dồn dập, phép chuyển đổi cảm giác theo
phong cách thơ phương Tây
- Tiểu kết : Đoạn thơ giãi bày nỗi niềm khát khao giao cảm với đời, cực tả nồng độ sống
đặc trưng của Xuân Diệu: say mê cuộc sống và tình yêu đến tột đỉnh. Đọc đoạn thơ “ ta
thấy cả nỗi cuống quýt, sảng sốt của thi nhân như với lấy những giây phút đã qua, bám
lấy bầu xuân hồng” ( Thế Lữ ). Nhưng cuống quít, vội vàng “ mau đi thôi”của XD không
phải là quan niệm sống gấp, hưởng thụ tầm thường . Vội vàng ở đây là chạy đua với thời
gian để tận hiến và tận hưởng, ý thức được giá trị của sự sống và sự có mặt của mình trên
cõi đời để sống trọn vẹn, sống hết mình - một lẽ sống mới mẻ, tích cực trong hoàn cảnh
xã hội đang “ mốc lên”, “ rỉ ra” lúc bấy giờ.
III. NGHỆ THUẬT :
- Sự kết hợp giữa mạch cảm xúc ( tình yêu tha thiết cuộc sống, khát khao giao cảm với
đời ) và mạch luận lí ( tranh biện, giãi bày quan niệm về thời gian, quan niệm sống ).

SauChu ………… Chỉ cần âm thầm cố gắng, hạnh phúc nhất định sẽ đến………….
4
Trường THPT Hùng Vương ……………….……………………. Tài liệu Phụ đạo Ngữ văn
- Cách nhìn, cách cảm nhận mới và những sáng tạo độc đáo về hình ảnh thơ .
- Sử dụng ngôn từ; nhịp điệu dồn dập, sôi nổi, hối hả, cuồng nhiệt.
IV. Ý NGHĨA VĂN BẢN
- Bài thơ Vội vàng thể hiện một cách sinh động cảm thức thời gian, quan niệm thẩm
mỹ mới mẻ và triết lí nhân sinh của Xuân Diệu : biết quý trọng thời gian, quý trọng
tuổi trẻ, biết sống cũng là để yêu; tình yêu lứa đôi, tình yêu tạo vật.
- Điều còn lại trong mỗi người sau khi đọc bài thơ là khát vọng sống sao cho thăng hoa
nhất, trọn vẹn nhất, đủ đầy nhất. Đó cũng là điều mà tất cả chúng ta - những con người
yêu tha thiết cuộc đời này - sẵn sàng sẻ chia cùng Xuân Diệu.

_______________________________________

SauChu ………… Chỉ cần âm thầm cố gắng, hạnh phúc nhất định sẽ đến………….
5

You might also like