You are on page 1of 8

Đề 3: Cảm nhận đoạn thơ sau và nhận xét về những cách tân nghệ thuật

của Xuân Diệu:


Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm,
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng,
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi;
- Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!
Bài làm

I. Mở bài:
- Dẫn từ câu LLVH liên quan đến thơ
- Giới thiệu đoạn trích (trích lược câu đầu....câu cuối) + từ khóa của nhận xét
C1: Puskin từng viết: "Linh hồn là ấn tượng của một tác phẩm. Cây cỏ sống được là
nhờ ánh sáng, chim muông sống được là nhờ tiếng ca, một tác phẩm sống được là nhờ
tiếng lòng của người cầm bút". Và phải chăng sự bay cao của những nốt ngân luyến
láy mà bài thơ "Vội vàng" mang lại, có khởi nguồn từ tiếng nhạc lòng của người nghệ
sĩ Xuân Diệu. Không biết bao năm đã đi qua kể từ ngày ấy, nhưng mãi đến tận hôm
nay, "Vội vàng" vẫn có sức hút riêng, vẫn là bông hoa ngát hương của vườn thơ rộng
mênh mông ngạt ngào hương sắc. Trong những nốt nhấn ngân nga ấy của thi phẩm,
phải kể đến đoạn thơ thể hiện những cách tân nghệ thuật táo bạo của Xuân Diệu:
“Mau đi thôi

- Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!”
C2: Bàn về thơ, Ngô Thì Nhậm từng khẳng định:“Hãy xúc động hồn thơ cho ngọn bút
có thần”. Thơ là tiếng nói của tình cảm cảm xúc, là tiếng lòng của người cầm bút. Khi
tình cảm, cảm xúc của thi sĩ dâng trào mãnh liệt nhất thì thơ ra đời. Bởi vậy đến với
miền thơ là đi vào thế giới tâm tình của thi nhân. Bước vào thi phẩm “Vội vàng” là đến
với thế giới tràn ngập tình yêu cuộc đời “thiết tha, rạo rực” của hồn thơ Xuân Diệu. Đặc
biệt, đọc đoạn trích:
“Mau đi thôi

- Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!”
độc giả còn phát hiện ra sau tình cảm nồng nàn ấy là những cách tân nghệ thuật táo
bạo của Xuân Diệu:

C3: Bàn về thơ, người Trung Quốc xưa quan niệm: “Thơ hay giống như người con
gái đẹp, cái để làm quen là nhan sắc, cái để sống với nhau lâu dài là đức hạnh. Nhan
sắc của thơ là chữ nghĩa, tấm lòng mới là đức hạnh của thơ”. Thơ hay là những vần
thơ được viết lên bằng cảm xúc mãnh liệt của người nghệ sĩ, được thể hiện bằng một
hình thức nghệ thuật độc đáo có sức hấp dẫn lôi cuốn độc giả. “Vội vàng” của Xuân
Diệu là một bài thơ như thế. Với những cách tân nghệ thuật đầy sáng tạo, thi sĩ đã thể
hiện được những cách tân nghệ thuật táo bạo, nhất là trong đoạn thơ:
“Mau đi thôi

- Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!”

C4: Nhà thơ Pháp A.Phơ răng từng nói rằng: “Đọc một câu thơ nghĩa là ta gặp tâm hồn
một con người”. Mỗi câu thơ, bài thơ bao giờ cũng là sự kết tinh phản chiếu thế giới tâm
hồn đẹp đẽ của người nghệ sĩ. Mỗi trang thơ bao giờ cũng là nơi ký thác gửi gắm nỗi
lòng của nhà thơ. “Vội vàng” là bài thơ như thế. Ẩn trong từng dòng chữ là tình yêu
cuộc đời thiết tha, rạo rực của Xuân Diệu. Đặc biệt, đọc đoạn trích:
“Mau đi thôi

- Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!”
độc giả còn phát hiện ra sau tình cảm nồng nàn ấy là những cách tân nghệ thuật táo
bạo của thi sĩ.
  C5: Trong "Thi nhân Việt Nam", Hoài Thanh từng nhận xét: "Chưa bao giờ người ta
thấy xuất hiện cùng một lần một hồn thơ rộng mở như Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng
Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ào nảo như Huy
Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kì dị như Chế Lan Viên,... và thiết tha, rạo rực, băn
khoăn như Xuân Diệu". Không phải ngẫu nhiên nhà phê bình văn học lại đặc biệt sử
dụng đến ba tính từ (chứ không phải một như các thi sĩ khác) để nhận xét về Xuân Diệu.
Bởi đơn giản Xuân Diệu chính là nhà thơ "mới nhất trong các nhà thơ mới". Và "Vội
vàng" là tác phẩm tiêu biểu nhất cho hồn thơ "thiết tha, rạo rực, băn khoăn" ấy. Đọc
đoạn trích:
“Mau đi thôi

- Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!”

độc giả thêm đồng cảm với những cách tân nghệ thuật táo bạo của Xuân Diệu.
II. Thân bài:
1. Khái quát chung:
- Tác giả
- Tác phẩm
- Vị trí và nội dung khái quát của đoạn trích
Xuân Diệu là “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới” (Hoài Thanh), nhà thơ lớn
trong văn học Việt Nam hiện đại. Thơ ông luôn chứa đựng niềm khát khao giao cảm
tuyệt đích với thiên nhiên, con người và cuộc đời, thể hiện một quan niệm sống mới
mẻ cùng với những cách tân nghệ thuật táo bạo. “Vội vàng” (“Thơ thơ”, 1938) là bài
thơ tiêu biểu của tiếng thơ Xuân Diệu trước Cách mạng. Nếu mười ba câu thơ đầu là
tình yêu tha thiết của thi nhân với thiên đường trần thế, mười sáu câu thơ tiếp là quan
niệm mới mẻ về thời gian và tuổi trẻ thì 10 câu thơ cuối này là lời giục giã hãy sống
vội vàng. Nếu 2 phần đầu là lời luận giải vì sao phải sống “vội vàng” thì phần 3 này
thi nhân tập trung lý giải cho câu hỏi: Sống“vội vàng” là sống như thế nào?
2/ Phân tích cụ thể:
Mở đầu đoạn thơ là lời giục giã:
“Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm”
Không thể tắt nắng buộc gió, không thể níu giữ tuổi trẻ, mùa xuân ở lại,
không thể “giam thời gian trong cõi tù đày”, thi nhân giục giã mọi người, giục giã
chính mình “Mau đi thôi!”! Lời giục giã hối thúc mang sắc điệu mạnh mẽ, quyết
liệt bởi kiểu câu cầu khiến có sử dụng dấu chấm cảm giữa dòng. “Mau đi thôi!”
mau chạy đua cùng thời gian, mau vội vã, gấp gáp, khẩn trương để tận hưởng cuộc
sống khi “Mùa chưa ngả chiều hôm”, khi mùa chưa tàn, xuân chưa hết, tuổi trẻ
chưa qua, để đừng lỡ một giây phút nào.
“Mùa chưa ngả chiều hôm” là một cách kết hợp từ mới lạ, thú vị. Xuân
Diệu đã dùng từ chỉ thời gian cuối ngày để chỉ thời điểm cuối mùa. “Mùa chưa
ngả chiều hôm” là mùa chưa tàn, chưa úa, vì thế hãy vội vàng mau chóng tận
hưởng hương sắc của nó. Câu thơ rất điển hình, tiêu biêu cho hồn thơ vội vàng
cuống quýt của Xuân Diệu trước cách mạng. Ông luôn hối thúc, giục giã mọi
người cần sống mau, sống vội như thế:
Mau với chứ! Thời gian không đứng đợi
– Gấp đi em, anh rất sợ ngày mai
(Giục Giã)
Đó là điệu hồn riêng của thi sĩ Xuân Diệu trong dàn đồng ca Thơ mới.
Sáu câu thơ tiếp theo bộc lộ những hành động sống “vội vàng” của thi sĩ:
“Ta muốn ôm
Cả sự sồng mới bắt đầu mơn mởn;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng”
Ba chữ “Ta muốn ôm” đứng biệt lập ở giữa dòng như muốn bộc lộ hết những
ham hố, cuồng nhiệt của Xuân Diệu với cuộc sống trần thế. Đang từ những câu thơ
8 chữ, bỗng rút ngắn lại với câu thơ 3 chữ - câu ngắn nhất trong toàn bài thơ, còn
làm cho giọng thơ đanh lại, rắn chắc như một mệnh lệnh đòi hỏi hiện thực hoá
những khát vọng. Từ xưng “tôi” ở đầu bài thơ, ở đoạn thơ này nhà thơ chuyển
sang xưng “ta”. Chữ “ta” ấy thực ra vẫn là biến thể của chữ “tôi” vẫn để diễn tả
một cái tôi cuồng nhiệt, ham sống và yêu đời tha thiết nhưng cái tôi ấy đã có sự
hòa lẫn với cái ta như muốn nói lên một khát vọng chung cho mọi người, hối thúc,
lay tỉnh bao người hãy sống mãnh liệt, hãy sống tận độ trong từng phút giây của
cuộc đời.
Sau đó, cụm từ “ta muốn” được lặp đi lặp lại nhiều lần góp phần tạo nhịp
điệu hối hả, thể hiện khao khát được sống hết mình với cuộc đời của thi sĩ, nồng
nhiệt, rối rít, cuống quýt như muốn cùng lúc giang tay ôm hết cả vũ trụ, cả cuộc
đời, mùa xuân vào lòng mình. “Ta muốn” một lời tuyên bố dõng rạc, mạnh mẽ về
khát vọng được chiếm lĩnh, giao cảm với cuộc đời.
Say đắm thiên nhiên, cảnh trời, Xuân Diệu muốn tận hưởng thiên nhiên và sự
sống và phải là thiên nhiên giữa thời tươi, phải là sự sống mới bắt đầu mơn mởn,
phải là xuân hồng căng mọng, quyến rũ. Xuân Diệu tham lam, ham hố muốn tận
hưởng tất cả những gì ngon nhất, đẹp nhất của sự sống. Xuân Diệu nhìn mùa xuân,
cuộc đời như người tình tuyệt vời của mình. Bởi vậy hàng loạt động từ mạnh theo
trình tự tăng tiến lần lượt xuất hiện trong các dòng thơ: “ôm”, “riết”, “say”,
“thâu”, “cắn” kết hợp với hình ảnh thơ tươi mới, đầy sức sống để chỉ những hành
động “vội vàng” mãnh liệt, những trạng thái cảm xúc mỗi lúc một gấp gáp hơn,
dào dạt hơn và tình yêu theo đó cứ dâng trào đắm say, cuồng nhiệt.
Thi nhân muốn ôm “Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn”. “Mơn mởn” là một
từ láy rất gợi cảm và giàu ý nghĩa. Nó gợi hình ảnh về sự vật, cây cối, con người
đang ở độ non tơ, tươi mới đầy sức sống. Chữ “cả”, chữ “mới” hướng tới một
cuộc sống trọn vẹn, đang ở độ tươi đẹp, sung thịnh nhất. Nhưng ôm thôi vẫn chưa
đủ vì ôm vẫn còn còn lỏng lẻo quá, nên thi nhân phải “riết”, tức là phải ôm cho
thật chặt, siết cho chắc hơn. Và đối tượng để “riết” chặt ấy là “mây đưa gió lượn”.
Trong ánh mắt “xanh non”của thi sĩ, cảnh vật hiện ra luôn tinh tứ và quyến rũ:
mây không bay, không trôi, không uể oải mà mây đưa rạo rực, gió không thổi mà
gió lượn duyên dáng.
Nhưng “ôm” và “riết” dù chặt đến mấy cũng chỉ là bên ngoài nên thi nhân
phải “say” phải “thâu” để thấu đến tận tâm hồn, để tối đa cảm xúc ngất ngây, say
đắm. Thi sĩ muốn “say cánh bướm với tình yêu”, muốn say nồng trong thế giới
tươi đẹp và lãng mạn. Nhưng dẫu có “say” và say đến mức độ thế nào đi chăng nữa
thì đối tượng mà ta say đắm vẫn chỉ là một khách thể ở bên ngoài. Bởi vậy mà thi
nhân khao khát được “thâu” “trong một cái hôn nhiều” (cái hôn đắm đuối mê say,
bất tận). “Thâu” là được hòa nhập, thu vào là một, để tận hưởng đến tận
cùng. Thi sĩ lãng mạn đang căng mở mọi giác quan để “ôm” cho hết, “riết” cho
chặt, “say”cho đầy và “thâu” cho đã, tất cả muôn vật trong trạng thái đẹp nhất: Từ
cảnh sắc thiên nhiên đến tình yêu; từ cái nhỏ bé nhất là cỏ cây cho đến cái lớn lao
là “non nước”; cả cái hữu hình hữu thể, cả cái vô hình vô thể; cả cái hữu hạn lẫn vô
biên.
Câu thơ “và non nước, và cây, và cỏ rạng” là một sáng tạo rất hiện đại của
Xuân Diệu. Sự lặp lại liên tiếp liên từ “và” trong một dòng thơ không chỉ tạo thành
làn sóng ngôn từ, để đồng hiện cùng lúc tất thảy những vẻ đẹp của thiên đường
trần gian mà còn truyền đến người đọc một cảm xúc hăm hở cuồng nhiệt của một
gã si tình trước người tình nhân mà mình yêu đắm đuối.
Xuân Diệu là thế, luôn muốn tận hưởng mọi thứ đến mức:
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng,
Cho no nê thanh sắc của thời tươi;
Điệp từ "cho" liên tiếp kết hợp với tính từ chỉ cảm xúc viên mãn như "no
nê”, “chếnh choáng”, “đã đầy" đã thể hiện cảm xúc cuồng nhiệt, mãnh liệt muốn
tận hưởng mùa xuân cuộc đời một cách tối đa, tận cùng nhất. Muốn tận hưởng cho
hết, cho đã “mùi thơm”, “ánh sáng”, “thanh sắc” của thời tươi, nghĩa là phải
hưởng thụ cho triệt để mọi vẻ đẹp hương sắc của trần gian, phải sống sao cho “thời
tươi” của loài người thật ý nghĩa, thật tươi đẹp nhất. Thật đúng khi cho rằng: XD
muốn mình là cây kim còn mọi vật xung quanh là nam châm để hút tất cả vào
mình, để tận hưởng một cách viên mãn nhất. Chính Xuân Diệu đã từng thú nhận
“Anh tham lam, anh đòi hỏi quá nhiều” (trích “Yêu”)
Câu thơ cuối khép lại, vang lên tiếng lòng đầy tha thiết và nhục cảm:
- Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!
“Xuân hồng” ở đây là một hình ảnh thơ đa nghĩa, là mùa xuân của đất trời
đang độ non tơ, tươi đẹp nhưng cũng có nghĩa là tuổi xuân đương độ đẹp nhất của
đời người. Động từ "cắn" ở câu thơ cuối này chính là điểm nhấn ấn tượng nhất của
cả bài. Thức nhọn giác quan để tận hưởng còn chưa đủ, nhà thơ muốn dùng hành
động táo bạo mạnh mẽ hơn để chiếm hữu tối đa vẻ đẹp của mùa xuân, của cuộc
đời. Ông muốn chạm vào nhiều hơn, muốn nuốt trọn hương sắc của đất trời không
cho nó biến mất. Có thể nói, từ “cắn” là cách sử dụng ngôn ngữ rất táo bạo. Phải
dùng ngôn ngữ đến như thế mới có thể nói hết khát vọng sống mãnh liệt của thi sĩ.
Thi nhân giờ đây chẳng khác gì một tình nhân say đắm trước nàng xuân tuyệt sắc,
một vị thực khách trước thức đơn đầy của ngon vật lạ trong bữa tiệc nhân gian.
Một XD đang “ … thả mình trong ánh nắng, rung động với bướm chim, chất đầy
trong tim mây trời thanh sắc” (Thế Lữ). Câu thơ: “Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn
vào ngươi!” trở thành một trong những câu thơ độc đáo, táo bạo nhất trong thơ
hiện đại. Cùng với “Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần”, Xuân Diệu đã làm
cả một cuộc cách mạng lớn trong thi ca để trở thành nhà thơ mới nhất trong các
nhà thơ mới.
3.Đánh giá.
đoạn thơ đã diễn tả chân thực quan niệm nhân sinh tiến bộ và mới mẻ của Xuân
Diệu. Không chỉ bộc lộ cái tôi khát khao mãnh liệt “tôi muốn”, nhà thơ còn muốn
gửi gắm tới mọi người thông điệp nhân sinh ý nghĩa: Sống là phải chạy đua với
thời gian, quý trọng từng giây phút của tuổi trẻ, sống vv, sống hết mình, sống tận
hưởng, tận hiến để c/đ ý nghĩa ...
4. Nhận xét nâng cao
Đây là đoạn thơ đặc sắc, in đậm cách tân nghệ thuật của thi sĩ lãng mạn bậc
nhất. Hồn thơ bay bổng, lãng mạn; thể thơ tự do co duỗi nhịp nhàng, linh hoạt theo
cung bậc cảm xúc; nhịp thơ sôi nổi, giục giã; sử dụng hiệu quả nhiều biện pháp tu
từ như điệp từ, điệp ngữ, ẩn dụ, liệt kê…; hình ảnh thơ sáng tạo mới mẻ; thế giới
ngôn từ phong phú, mạnh bạo, đặc biệt sd nhiều động từ theo chiều tăng tiến…
III. Kết bài

You might also like