You are on page 1of 8

Câu 1: Trong hoạt động lý luận cũng như trong hoạt động thực tiễn,

chúng ta cần lưu ý rằng cái mới nhất định sẽ thay thế cái cũ, cái tiến bộ
nhất định sẽ thắng cái lạc hậu, cái mới ra đời từ cái cũ, nó kế thừa tất cả
những gì tích cực cái cũ. Do đó, cần chống thái độ phủ định sạch trơn cái
cũ. Liên hệ thực tiễn trong xã hội?
Trả lời:
Theo Chủ nghĩa Mác - Lê nin thì mọi sự vật và hiện tượng đều chứa đựng
những mặt, những khuynh hướng đối lập tạo thành những mâu thuẫn trong
bản thân mình; sự thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập tạo thành xung
lực nội tại của sự vận động và phát triển, dẫn tới sự mất đi của cái cũ và sự ra
đời của cái mới. Sự ra đời của cái mới là kết quả của sự phủ định cái cũ,
cái lổi thời.
Phủ định ở đây không phải là sự can thiệp của những lực lượng bên
ngoài làm phá huỷ, thủ tiêu sự vật, chấm dứt sự phát triển của nó, cả trong tự
nhiên lẫn trong xã hội mà phủ định ở đây được hiểu là Phủ định biện chứng là
quá trình tự thân phủ định, tự thân phát triển, là mắt khâu trên con đường dẫn
tới sự ra đời của cái mới, tiến bộ hơn so với cái bị phủ định.
VD: Trong sinh vật các giống loại đều có tính di truyền, các thế hệ con cái
đều kế thừa các yếu tố tích cực của các thế hệ bố mẹ. Ông cha ta thường nói
con nhà tông không giống lông thì giống cánh
Phủ định biện chứng có 2 đặc trưng cơ bản sau đây:
+ Thứ nhất, nó mang tính khách quan, là điều kiện của sự phát triển.
Phủ định biện chứng là quá trình mang tính khách quan do mâu thuẫn của bản
thân sự vật tự quy định. Hơn nữa, phương thức phủ định sự vật cũng không
tuỳ thuộc ý muốn của con người. Khi đề cập đến vấn đề này, chúng ta lưu ý
rằng mỗi sự vật có phương thức phủ định riêng, do đó mà có sự phát triển.
+ Thứ 2, nó mang tính kế thừa, là nhân tố liên hệ giữa cái cũ và cái mới.
Phủ định biện chứng không phải là sự thủ tiêu, sự phá huỷ hoàn toàn cái phủ
định. Trái lại, để dẫn tới sự ra đời của cái mới, quá trình phủ định biện chứng
bao hàm trong nó nhân tố giữ lại những nội dung tích cực của cái bị phủ định.
Phủ định biện chứng, sự phủ định mang tính kế thừa, phủ định đồng thời cũng
là khẳng định.
VD: Khẳng định (hạt thóc)- phủ định lần một (cây lúa)- phủ định lần 2 ( hạt
thóc)
Mỗi lần phủ định biện chứng được thực hiện sẽ mang lại những nhân tố
tích cực mới. Do đó, sự phát triển thông qua những lần phủ định biện
chứng sẽ tạo ra xu hướng tiến lên không ngừng. Sự phát triển đi lên đó
không phải diễn ra theo đường thẳng, mà theo đường “xoáy ốc”. Trong
quá trình phát triển đó, giữa cái cũ và cái mới, sự vật cũ và sự vật mới bao giờ
cũng có mối liên hệ ràng buộc, tương tác qua lại, xâm nhập vào nhau, chuyển
hóa lẫn nhau và làm tiền đề của nhau. Cái cũ, sự vật cũ khi mất đi không có
nghĩa là mất đi hoàn toàn, mà trong nó vẫn được bảo tồn và giữ lại những yếu
tố tích cực, những “hạt nhân hợp lý” để tạo tiền đề, nền tảng cho sự phát triển
tiếp theo. Thực chất nó là mắt khâu trung gian liên hệ giữa cái cũ, sự vật cũ
với cái mới, sự vật mới. Ngược lại, cái mới, sự vật mới phát triển cao hơn
không phải từ hư vô, trên mảnh đất trống không, mà là kết quả phát triển hợp
quy luật từ những gì hợp lý của cái cũ, sự vật cũ; là kết quả của sự đấu tranh
và kế thừa tất cả những yếu tố còn tích cực của cái cũ, sự vật cũ.
V.I.Lênin cũng từng viết rằng: “Không phải sự phủ định sạch trơn,
không phải sự phủ định không suy nghĩ, không phải sự phủ định hoài nghi,
không phải sự do dự, cũng không phải sự nghi ngờ là cái đặc trưng và cái bản
chất trong phép biện chứng, - dĩ nhiên, phép biện chứng bao hàm trong nó
nhân tố phủ định, và thậm chí với tính cách là nhân tố quan trọng nhất của nó,
- không, mà là sự phủ định coi như là vòng khâu của liên hệ, vòng khâu của
sự phát triển, với sự duy trì cái khẳng định”.
Tính kế thừa trong quy luật phủ định của phủ định đã được Đảng và
Nhà nước ta vận dụng xây dựng và phát triển đất nước đặc biệt là trong gìn
giữ và bảo vệ nền tảng của xã hội chính là nền văn hóa Việt Nam.
Đối với nước ta, sự phát triển văn hóa Việt Nam là một dòng chảy liên
tục kế tiếp nhau qua các thời kỳ lịch sử. Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra
đời, trong quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng ta luôn kế thừa, tiếp thu có chọn
lọc những di sản quý báu của dân tộc và nhân loại. Đảng ta luôn xác định xây
dựng nền văn hóa mới là một trong những nhiệm vụ trung tâm của cách mạng
Việt Nam, trong đó truyền thống văn hóa của dân tộc được Đảng ta kế thừa và
phát huy triệt để, góp phần trực tiếp nâng truyền thống văn hóa của dân tộc và
các giá trị của nó lên một tầm cao mới, với một chất lượng mới. Đầu năm
1943, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã thông qua bản Đề cương văn hóa
Việt Nam, Đề cương xác định lĩnh vực văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh
tế, chính trị, văn hóa) của cách mạng Việt Nam và đề ra ba nguyên tắc của
nền văn hóa mới: Dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa. Có thể coi Đề
cương văn hóa Việt Nam là bản Tuyên ngôn, là Cương lĩnh của Đảng về văn
hóa trước Cách mạng Tháng Tám mà ảnh hưởng của nó còn tác động sâu rộng
đến mãi sau này. Năm 1948, Tổng Bí thư Trường Chinh đã trình bày Bản báo
cáo “Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam”, tại Hội nghị văn hóa lần thứ hai,
trên cơ sở vân dụng quan điểm của chủ nghĩa Mác để phân tích tình hình văn
hóa Việt Nam đưa ra chủ trương kháng chiến hóa văn hóa và văn hóa hóa
kháng chiến nhằm đẩy nhanh công cuộc kháng chiến kiến quốc; xây dựng nền
văn hóa dân chủ mới Việt Nam có tính dân tộc, khoa học, đại chúng. Nghị
quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt
Nam khóa VIII, một Hội nghị chuyên bàn về vấn đề xây dựng nền văn hóa
mới, quan điểm đó đã được cụ thể hóa trong Nghị quyết “Xây dựng và phát
triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc” - Nghị quyết
này có vai trò đặc biệt quan trọng trong lãnh đạo sự nghiệp xây dựng và phát
triển nền văn hóa Việt Nam thời kỳ đổi mới. Đến Nghị quyết của Đại hội X
một lần nữa khẳng định phải “bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc
trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế”. Kế
thừa quan điểm Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương
Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VIII, Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín Ban
Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI, Đảng đã xác định
xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong tình hình mới. Đặc
biệt, trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục
khẳng định quan điểm về phát triển văn hóa, con người Việt Nam, trong đó
nhấn mạnh “Phát triển con người Việt Nam toàn diện và xây dựng nền văn
hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt
Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo
vệ Tổ quốc”.
Trong bối cảnh hiện nay, dưới tác động mạnh mẽ của quá trình toàn cầu
hóa, sự tăng cường giao lưu về mọi mặt trong quan hệ giữa các quốc gia trên
thế giới, sự tác động mạnh mẽ của toàn cầu hóa, của cuộc cách mạng khoa
học - công nghệ, của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã,
đang và sẽ đặt ra cho chúng ta những khó khăn, thách thức lớn đối với việc kế
thừa các giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc. Chính vì vậy, nhiệm vụ bảo
tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc càng trở nên cấp thiết và nặng nề hơn
bao giờ hết.
Một là, kế thừa là sự thống nhất của hai quá trình giữ lại và loại bỏ.
Cái mới ra đời và phát triển trên cơ sở tiếp nối những yếu tố tích cực và
loại bỏ những yếu tố tiêu cực của cái cũ. Do vậy, trong nhiệm vụ bảo tồn và
phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, chúng ta cần phải chống hai khuynh hướng
sai lầm: khuynh hướng bảo thủ và khuynh hướng phủ định sạch trơn đối với
các giá trị văn hóa truyền thống.Kế thừa truyền thống văn hóa của dân tộc ở
nước ta hiện nay, về thực chất là một quá trình phủ định biện chứng các mặt,
các yếu tố, thuộc tính và các bộ phận cấu thành của nó. Sự kế thừa đó không
phải là loại bỏ hoàn toàn hay phủ định sạch trơn truyền thống văn hóa, cắt đứt
sợi dây liên hệ giữa quá khứ, truyền thống với hiện tại và tương lai; nó cũng
không phải là bê nguyên xi hoàn toàn truyền thống văn hóa mà là sự kế thừa
có chọn lọc, kế thừa có điều kiện, tức là chỉ giữ lại những “hạt nhân hợp lý”,
những yếu tố còn tích cực, tiến bộ, đồng thời loại bỏ những yếu tố tiêu cực,
lỗi thời, lạc hậu trong truyền thống văn hóa.
Trước đây, ở nước ta đã tồn tại quan điểm phủ định sạch trơn trong cách
mạng tư tưởng và văn hóa, nhiều giá trị văn hóa truyền thống, nhiều phong
tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc đã bị coi là “đồi phong, bại tục” cần phải xóa
bỏ. Hậu quả của quan niệm này là nhiều di tích lịch sử, văn hóa bị tàn phá
nặng nề hoặc bị lảng quên, nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp không được gìn
giữ, bảo tồn dần dần bị mai một... Khuynh hướng bảo thủ thực chất là khuynh
hướng đề cao, tuyệt đối hóa truyền thống văn hóa dân tộc, coi truyền thống
văn hóa dân tộc là cái bất biến, không thể thay đổi được và vì vậy kế thừa
nguyên xi, không cần phải bổ sung, sửa đổi và phát triển. Từ đó dẫn đến
“đóng cửa”, từ chối hoặc hạ thấp việc tiếp thụ các giá trị văn hóa bên ngoài.
Quá trình hội nhập văn hóa đã làm cho các quốc gia đang ngày càng xích
lại gần nhau hơn bởi những giá trị truyền thống chung, đồng thời tạo điều
kiện cho mỗi dân tộc phát huy nét độc đáo, đặc trưng của mình. Quá trình này
cũng sẽ tạo điều kiện cho thế giới luôn tồn tại trong sự thống nhất chung của
tất cả những cái riêng, cái đặc thủ; cái chung không bài trừ cái riêng mà cùng
với cái riêng làm tiền đề cho nhau để cùng thúc đẩy nhau phát triển và tiến bộ.
Chẳng hạn như Áo dài, bộ trang phục truyền thống của người Việt
Nam, nhìn lại cả quá trình lịch sử phát triển của bộ áo dài, có thể thấy nó đã
được cách tân rất nhiều để phù hợp với thời đại hơn. Quy luật phủ định của
phủ định đã giúp nhìn rõ hơn về quá trình phát triển áo dài của nước ta. Thế
kỷ XVII, kiểu dáng sơ khai của chiếc áo dài là chiếc áo giao lãnh bốn vạt, tiền
thân của áo tứ thân. Áo giao lãnh khoác ngoài yếm lót, mặc cùng váy đen và
thắt lưng màu tương tự như áo tứ thân, chỉ khác là hai vạt trước buông thả chứ
không buộc trước bụng. Trong suốt thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XX, để tiện hơn
cho việc đồng áng, buôn bán vất vả, người xưa đã chế ra kiểu áo tứ thân gọn
ghẽ với hai vạt trước rời nhau, có thể buộc lại, và hai vạt sau may liền thành
một tà áo. Người xưa phải ghép hai vạt áo sau để tạo tà vì thời đó khổ vải chỉ
rộng chừng 35 - 40cm. Là trang phục của tầng lớp bình dân, áo tứ thân
thường được may từ vải tối màu để tiện cho công việc. Phụ nữ thành thị ít
phải lao động thường mặc áo ngũ thân để phân biệt mình với tầng lớp lao
động nghèo. Áo ngũ thân có bốn vạt như áo tứ thân, được may liền nhau
thành hai tà trước và sau như áo dài. Vạt con thứ năm được may dưới tà trước
như một mảnh áo lót kín đáo. Áo có cổ và phom rộng, được mặc rộng rãi đến
đầu thế kỷ XX. Trong những năm 1939 - 1943, bước đột phá táo bạo, góp
phần hình thành kiểu dáng của áo dài ngày nay chính là kiểu áo dài “Le Mur”
do họa sĩ Cát Tường sáng tạo vào năm 1939. Khác với phom dáng rộng
truyền thống, áo dài Le Mur ôm sát đường cong cơ thể với nhiều chi tiết u hóa
như tay phồng, cổ khoét hình trái tim, đính nơ, … Chiếc áo “lai căng” này bị
dư luận thời đó lên án mạnh mẽ, cho là không đứng đắn nên chỉ có giới nghệ
sĩ phong cách tân thời mới dám mặc. Đến năm 1943, thì kiểu áo này dần bị
lãng quên. Năm 1960, áo dài với tay raglan, tay áo được nối từ cổ xéo xuống
nách. Tà trước nối với tà sau qua hàng nút bấm từ cổ xuống nách và dọc theo
một bên hông. Kiểu ráp này vừa giảm thiểu nếp nhăn ở nách, cho phép tà áo
ôm khít theo đường cong người mặc, vừa giúp người phụ nữ cử động tay
thoải mái,linh hoạt. Từ đây, chiếc áo dài Việt Nam đã được định hình. Đầu
những năm 1960, áo dài Bà Nhu đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ vì đi ngược
với truyền thống và thuần phong mỹ tục thời đó. Bà đã thiết kế ra kiểu áo dài
hở cổ, bỏ đi phần cổ áo hay còn gọi là cổ thuyền, cổ khoét. Nhưng ngày nay,
mẫu áo dài rất được ưa chuộng vì sự thoải mái và phù hợp với khí hậu nước
ta.
Những năm 1960, áo dài chít eo thách thức quan điểm truyền thống trở thành
kiểu dáng thời thượng. Lúc này, chiếc áo nịt ngực tiện lợi đã được sử dụng
rộng rãi. Phụ nữ thành thị với tư duy cởi mở muốn tôn lên những đường cong
cơ thể qua kiểu áo dài chít eo rất chặt để tôn ngực. Gần cuối thập kỷ 60, áo
dài mini trở nên thịnh hành trong giới nữ sinh vì sự thoải mái, tiện lợi của nó.
Tà áo hẹp và ngắn đến gần đầu gối, áo rộng và không chít eo nhưng vẫn may
theo đường cong cơ thể. Ngày nay, chiếc áo dài truyền thống đã cách tân tạo
ra rất nhiều kiểu dáng, sử dụng rất nhiều chất liệu khác nhau. Áo dài mặc với
quần jeans, áo dài tà ngắn, áo dài tranh vẽ, áo dài cong có thể mặc trong ngày
cưới, ... Như vậy, qua nhiều lần phủ định biện chứng được kế thừa từ áo dài
cổ truyền, áo dài ngày nay đã được cách tân phù hợp hiện đại hơn mà vẫn
mang vẻ đẹp truyền thống.
Vì vậy, khi nhận thức và hành động, các chủ thể văn hóa cần có thái độ
khách quan, khoa học trong giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc. Tích cực đi
sâu nghiên cứu, tìm hiểu, thông qua điều tra, khảo sát, đánh giá phân loại một
cách có hệ thống, đồng bộ để lưu giữ những truyền thống văn hóa còn tiến bộ,
còn phát huy tác dụng. Kiên quyết loại bỏ những gì của truyền thống văn hóa
đã trở nên lỗi thời, lạc hậu, không còn phát huy tác dụng. Xây dựng một thái
độ đúng mực đối với những gì cần được bảo tồn, giữ gìn. Cái gì cần được bảo
tồn, giữ gìn thì phải bảo tồn, giữ gìn ngay từ khi nó còn đang tồn tại. Hiện
nay, trong hệ các giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc có rất nhiều giá trị
độc đáo, đặc sắc cần phải được giữ gìn, kế thừa và phát huy. Đó là những giá
trị tiêu biểu mang tính ổn định, lâu dài và là điểm tựa để Việt Nam phát triển
đi lên. Những giá trị đó là “lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc,
tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ
quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý, đức tính cần cù,
sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối
sống”[3].
Hai là, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc phải trên cơ sở kế
thừa có chọn lọc các giá trị có ý nghĩa định hướng cho phát triển bền vững đất
nước.
Kế thừa có chọn lọc các giá trị văn hóa dân tộc để bảo tồn, phát huy
chính là quá trình giải quyết mối quan hệ biện chứng giữa truyền thống và
hiện đại. Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cần phải có quan điểm
lịch sử - cụ thể. Thực tế, sự thay đổi bối cảnh mới về không gian, thời gian và
chủ thể đã có những giá trị không còn phù hợp, thậm chí cản trở sự phát triển.
Đặc biệt là cần loại trừ những phi giá trị phát sinh, những phi giá trị có nguồn
gốc liên quan đến tính cộng đồng làng xã, tính ưa hài hòa, ổn định, tính linh
hoạt; thói dựa dẫm, cào bằng, đố kỵ, sỹ diện, vô cảm, thụ động, bảo thủ, chậm
chạp, đối phó, thiếu tầm nhìn, chủ quan, sống bằng quan hệ, cẩu thả, coi
thường pháp luật. Phải tập trung chọn lọc tinh hoa giá trị văn hóa dân tộc để
bảo tồn, phát huy. Các giá trị văn hóa dân tộc như lòng yêu nước, ý thức dân
tộc, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kêt, lòng nhân ái, bao dung, khả năng hòa
nhập, thích nghi được bảo tồn và phát huy sẽ là động lực mới cho phát triển.
Ba là, kế thừa không phải giữ lại nguyên vẹn một cái gì đó mà lọc bỏ,
chuyển hóa.
Trong việc lưu giữ, phát huy yếu tố tích cực của cái cũ trong quá trình
xây dựng và phát triển cái mới thì bản thân yếu tố tích cực đó cũng phải được
cải biến, chuyển hóa để cho phù hợp với điều kiện tồn tại của cái mới. Trải
qua mấy nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã xây dựng
nên bản sắc văn hóa với những giá trị đặc sắc, độc đáo, mang sắc thái riêng
của dân tộc Việt Nam. Trong quá trình phát triển, truyền thống văn hóa của
dân tộc không hề đứng yên và bất biến, mà trái lại luôn được các thế hệ người
Việt Nam kế tiếp kế thừa, bổ sung, phát triển và đổi mới liên tục. Đặc biệt, ở
những thời kỳ chuyển biến mạnh mẽ của lịch sử, vào những thời điểm chuyển
giao thời đại, nhiều giá trị, nhiều khía cạnh của truyền thống văn hóa dân tộc
cũng có sự thay đổi mang tính bước ngoặt. Thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ
quốc Việt Nam trong thời kỳ mới đã và đang đặt ra những yêu cầu, nội dung
và hình thức mới cho việc bổ sung, phát triển truyền thống văn hóa của dân
tộc. Dựa trên nền tảng của những “hạt nhân hợp lý” trong truyền thống văn
hóa dân tộc được giữ lại, cần tích cực bổ sung, phát triển thêm các giá trị mới,
bảo đảm cho sự phát triển của hệ thống các giá trị văn hóa dân tộc luôn là một
dòng chảy liên tục, không đứt đoạn. Các giá trị mới là những cái mới phù
hợp, cái mới đang phát huy tốt tác dụng theo quan điểm của Đảng và nhân
dân ta. Các giá trị mới ở đây không phải hoàn toàn tách rời giá trị văn hóa
truyền thống của dân tộc, tinh hoa của nhân loại, càng không phải do ý muốn
chủ quan của một vài cá nhân áp đặt, mà nó được hình thành trong sự kế thừa
biện chứng, trong sự tiếp nối hợp lôgíc các giá trị văn hóa truyền thống của
dân tộc qua hàng nghìn năm lịch sử. Hệ giá trị văn hóa dân tộc truyền thống
được kế thừa, phát huy phải có ý nghĩa đối với dân tộc và nhân loại hiện nay.
Đó là hệ giá trị vì hòa bình, độc lập tự chủ, ấm no, dân chủ, bình đẳng, văn
minh, nhân ái, khoan dung, có khả năng hòa hợp với cộng đồng. Các giá trị
bản sắc văn hóa dân tộc được phát huy phải có vai trò định hướng cho sự phát
triển hài hòa mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng, tránh cực đoan vì lợi
ích giữa cá nhân và xã hội, đem hạnh phúc đến cho con người. Chẳng hạn,
truyền thống đoàn kết cố kết dân tộc để giữ nước trước đây có thể được kế
thừa và nâng cao trong công cuộc xây dựng đất nước hiện nay, thành tư tưởng
đại đoàn kết toàn dân, đại đoàn kết dân tộc, toàn dân tham gia phát triển kinh
tế, toàn dân tham gia xây dựng nền quốc phòng, toàn dân sẵn sàng tham gia
chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, toàn dân tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, bảo
đảm trật tự an toàn xã hội, toàn dân tham gia phòng, chống dịch covid-19.
Nhưng trong điều kiện nền kinh tế hoạt động theo cơ chế thị trường hiện nay,
tính cục bộ, địa phương rất dễ gây trở ngại trong việc mở rộng các mối quan
hệ trong hoạt động kinh tế cũng như ở các lĩnh vực hoạt động khác, ngăn cản
tiến bộ xã hội.
Tóm lại, việc kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống
trong quá trình xây dựng và phát triển nền văn hóa mới ở nước ta là một
nhiệm vụ có tầm quan trọng đặc biệt, bởi vì một dân tộc nào đó sẽ không thể
nào tiến lên được nếu như dân tộc đó quên đi quá khứ của nó, cái quá khứ đã
quy định tiến trình lịch sử của dân tộc đó. Chính vì vậy, cần thường xuyên,
tích cực bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc để vừa chủ
động hội nhập quốc tế, lại vừa làm cho nền văn hóa Việt Nam ngày càng thể
hiện tính dân tộc và tính hiện đại. Với tính cách là nhân tố nội sinh của quá
trình phát triển, nền văn hóa đó sẽ là cơ sở góp phần xác định vị thế vững
chắc của dân tộc ta trên con đường hội nhập và phát triển.

You might also like