You are on page 1of 10

KHOA

Luật tự nhiên và Luật thực chứng: Hai triết thuyết


pháp luật lớn nhất
CAFE LUẬT KHOA
Posted on 04/03/2018

Minh hoạ: The Federalist Society/Youtube.

Trong chương trình cử nhân luật của các nước theo hệ thống Thông luật (common
law) như Anh và Mỹ, vào năm học đầu tiên luôn có một vài môn học dễ làm sinh
viên “ngán” không kém gì môn Triết học Mác-Lê trong chương trình của Việt
Nam.
Những môn đó thường có những cái tên nghe rất hoành tráng: Legal Theory (lý
thuyết luật pháp), Jurisprudence (khoa học luật pháp), hay Philosophy of Law (triết
học luật pháp).
Những môn học này dễ “ngán” vì tính chất lý thuyết triết lý chung chung (không
có đâm chém án mạng hồi hộp như môn Hình sự, cũng chẳng có những tranh luận
đùa cợt với ngôn ngữ như trong môn Hợp đồng).
Không chỉ phải ngồi “gặm” những cuốn sách khó hiểu, sinh viên thường còn phải
cố gắng nhồi nhét những thứ mông lung mình học vào những bài tiểu luận “nước
đến chân mới nhảy”, và những bài kiểm tra được giới hạn thời gian vỏn vẹn vài
tiếng đồng hồ không cho mở sách giáo khoa.
Những cậu chàng cô chiêu nào thích học mấy môn này, thường cũng được bà con
xung quanh nhìn như những vĩ nhân “Triết học Mác-Lê” trên giảng đường Việt
Nam!
May thay cho nhiều thế hệ sinh viên luật Anh-Mỹ, trong cuộc chiến đấu với mấy
môn học khó nhằn đó, họ thường được sự trợ giúp rất đáng tin cậy thông qua các
đầu sách giáo khoa của một giáo sư luật người Anh gốc Nam Phi: giáo sư
Raymond Wacks.

Giáo sư Raymond Wacks chụp hình cùng Nelson Mandela năm 1990. Ảnh: Oxford
University Press.
Sau khi học thạc sỹ luật tại Oxford và hoàn thành cấp tiến sỹ tại trường Đại học
London, giáo sư Raymond Wacks đi vào nghiên cứu về lý thuyết và triết học luật
pháp – chuyên ngành này nghiền ngẫm những câu hỏi tưởng chừng rất đơn giản
mà không hề đơn giản chút nào: “Luật là gì? Luật đến từ đâu? Thứ luật ta đang
nhìn ở cái gốc nào chui ra?”.
Không phải tình cờ mà ban biên tập bộ sách Dẫn nhập Rất Ngắn (A Very Short
Introduction series) nổi tiếng của trường Đại học Oxford lại tìm đến giáo sư Wacks
khi họ muốn làm một cuốn dẫn nhập về triết học luật pháp.
Ông hoàn toàn có thẩm quyền chuyên môn và một khả năng viết lách rất thích hợp:
ông luôn biết cách đơn giản hóa và khái quát hóa hiệu quả những lý thuyết mông
lung trừu tượng.
Trong Café Luật Khoa tuần này, chúng ta cùng xem giáo sư Wacks giới thiệu hai
triết thuyết luật pháp có lẽ là lớn nhất trên thế giới: thuyết Luật Tự Nhiên (Natural
Law) và thuyết Thực Chứng Pháp Lý (Legal Positivism).
Trích đoạn:
“TRIẾT HỌC LUẬT PHÁP”
(PHILOSOPHY OF LAW: A VERY SHORT INTRODUCTION)
Tác giả Raymond Wacks (Nhà xuất bản trường Đại học Oxford). Trích từ Bản
tiếng Việt – Dịch giả Phạm Kiều Tùng (Nhà xuất bản Tri Thức ấn hành tháng
06/2011) Từ Chương 1 – Trang 15 đến 23, và Chương 2 – Trang 43 đến 47 (cách
dòng do người trích, hình minh họa không thuộc nội dung trong sách)
“CHƯƠNG 1 – LUẬT TỰ NHIÊN
“Điều đó thật không đúng”. “Điều đó không tự nhiên”. Đã bao lần bạn nghe thấy
những loại phê phán này được nêu lên để đả phá một thông lệ hoặc một hành vi cá
biệt nào đó? Chúng muốn nói gì? Khi việc phá thai bị cáo buộc là vô đạo đức, hoặc
những cuộc hôn nhân đồng giới là không chấp nhận được, thì nền tảng của việc lên
án này là gì?
Có chăng một chuẩn mực chính xác khách quan của cái đúng và cái sai, của cái tốt
và cái xấu? Nếu có, bằng cách nào chúng ta có thể rút ra được nó?
Những vấn đề đạo đức tràn ngập cuộc sống của chúng ta; chúng là đề tài tranh luận
về chính trị và vì thế, về pháp lý.
Ngoài ra, kể từ khi thành lập Liên Hiệp Quốc, chiều hướng chung về đạo lý của
những mối quan hệ quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực nhân quyền, được thể hiện
trong những bản tuyên ngôn và công ước quốc tế đa dạng và càng lúc càng nhiều,
nhiều bản trong số đó dựa vào giả định không thành văn của luật tự nhiên rằng hẳn
là có một bộ sưu tập những chân lý đạo đức mà nếu ứng dụng khả năng lý luận của
chúng ta, tất cả chúng ta có thể phát hiện ra.
Tất nhiên những vấn đề đạo lý đã ám ảnh các nhà triết học về đạo đức kể từ
Aristotle. Sự hồi sinh của lý thuyết về luật tự nhiên có thể ám chỉ rằng chúng ta đã
qua nhiều thế kỷ không tới được gần hơn việc giải quyết chúng.
“Việc mô tả hoàn hảo nhất về luật tự nhiên,” theo một luật gia hàng đầu về luật
này, “là nó cung cấp một tên gọi cho điểm gặp nhau giữa luật và đạo đức”.
Đòi hỏi chính của nó là, nói một cách đơn giản, điều gì tự nhiên như thế nào thì
phải để tự nhiên như vậy.
Trong cuốn sách được hoan nghênh rộng rãi của ông, Natural Law and Natural
Rights (Luật Tự nhiên và Quyền Tự nhiên), John Finnis khẳng định rằng khi chúng
ta cố gắng giải thích xem luật là gì, chúng ta đưa ra những giả định, dù muốn hay
không, về điều gì là “tốt đẹp”:
Thông thường sự đánh giá về luật như một loại định chế xã hội, nếu nó được thực
hiện ở bất cứ mức độ hoặc khía cạnh nào, phải được dẫn trước bằng một mô tả và
phân tích miễn bàn tới giá trị của định chế đó như nó tồn tại trong thực tế. Nhưng sự
phát triển của luật học hiện đại đề xuất, và sự suy xét về phương pháp luận của bất
cứ ngành khoa học xã hội nào xác nhận, rằng một lý thuyết gia không thể đưa ra một
mô tả hay phân tích lý thuyết về những sự kiện xã hội, trừ phi ông ta cũng tham dự
vào công việc đánh giá, tìm hiểu xem điều gì thực sự tốt đẹp cho con người, và điều
gì mà sự hợp lý thiết thực thực sự đòi hỏi.
Đây là một nền tảng vững chắc cho phân tích về luật tự nhiên.
Nó đề xuất rằng khi chúng ta nhận rõ điều gì là tốt đẹp, chúng ta sử dụng trí thông
minh khác với lúc chúng ta xác định điều gì đang tồn tại.
Nói cách khác, nếu chúng ta phải tìm hiểu bản chất và tác động của đề án luật tự
nhiên, chúng ta phải thừa nhận rằng nó tạo ra một logic khác.
Một luật gia La Mã, Cicero, dựa vào triết lý Khắc kỷ, đã giúp hiểu vấn đề khi ông
nhận ra ba thành phần chính của bất kỳ triết lý luật tự nhiên nào:
Luật đích thực là lý lẽ đúng phù hợp với Tự nhiên; nó được áp dụng chung cho mọi
người, bất biến, và vĩnh cửu… Là một cái tội nếu cố gắng sửa đổi luật này, cũng như
không được phép cố bãi bỏ thành phần nào của nó, và không thể hủy bỏ nó hoàn
toàn… [Thượng Đế] là tác giả của luật này, là người ban hành và là quan tòa thực
thi nó.
Điều này nhấn mạnh tính phổ biến và tính bất biến của luật tự nhiên, cái vị thế của
nó như một luật “cao hơn”, và khả năng khám phá ra nó bằng lý lẽ (theo nghĩa này
mà nó được gọi là “tự nhiên”).

Tượng Cicero. Ảnh: wikimedia.org.


Học thuyết cổ điển về luật tự nhiên đã được dùng để biện minh cho cả cách mạng
lẫn phản động.
Trong suốt thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên, những người Hy Lạp đã mô tả những
luật của loài người theo cách gán sự quan trọng của chúng cho quyền lực của định
mệnh vốn điều khiển mọi thứ. Quan điểm bảo thủ này được triển khai một cách dễ
dàng để biện minh ngay cả cho những khía cạnh bất công của hiện trạng.
Tuy nhiên, vào khoảng thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên, người ta đã thừa nhận
rằng có thể đã có một mâu thuẫn giữa luật của tự nhiên và luật của con người.
Aristotle đã quan tâm đến luật tự nhiên ít hơn là đến sự phân biệt giữa công bằng
tự nhiên và công bằng theo quy ước. Nhưng chính những nhà Khắc kỷ Hy Lạp như
đã đề cập ở trên đã bị thu hút một cách đặc biệt tới khái niệm về luật tự nhiên,
trong đó “tự nhiên” có nghĩa là phù hợp với lý trí.
Quan điểm Khắc kỷ nêu lên những nét chủ yếu của đường lối được lựa chọn bởi
người La Mã (như đã được Cicero diễn tả), là những người đã nhận thức được, ít ra
về lý thuyết, rằng những luật không phù hợp với “lý trí” có thể được coi như không
có hiệu lực.
Giáo hội Thiên Chúa giáo La Mã đã trình bày về lý thuyết phát triển đầy đủ của
luật tự nhiên, như chúng ta hiểu nó ngày nay. Ngay từ thế kỷ thứ 5, Thánh
Augustine đã hỏi: “Những Nhà nước không có công lý là gì, nếu không phải là
những băng cướp được mở rộng?”.
Nhưng lý giải hàng đầu về luật tự nhiên được tìm thấy trong các tác phẩm của một
thầy tu dòng Dominic, Thánh Thomas Aquinas (1225-1274) mà tác phẩm chính
của ông, Summa Theologiae (Tổng luận thần học), chứa đựng lời trình bày đầy đủ
nhất của học thuyết Thiên Chúa giáo về đề tài này.
Ông phân biệt bốn loại luật: luật vĩnh cửu (lý lẽ thiêng liêng duy chỉ Thượng Đế
nhận biết), luật tự nhiên (việc tham dự của luật vĩnh cửu nơi những sinh vật duy lý,
có thể được phát hiện bằng lý trí), luật thiêng liêng (được trình bày trong kinh sách
tôn giáo), và luật của con người (được hỗ trợ bởi lý trí và được đề ra vì lợi ích
chung).
Một khía cạnh của lý thuyết Aquinas đã lôi cuốn sự chú ý và gây tranh cãi đặc biệt.
Ông phát biểu rằng một “luật” mà không phù hợp với luật tự nhiên hoặc thiêng
liêng thì hoàn toàn không phải là luật.
Điều này thường được diễn tả như lex iniusta non est lex (một luật bất công không
phải là luật).

Nhà thần học, luật học Thomas Aquinas (Ảnh: fixquotes.com)


Nhưng những học giả hiện đại quả quyết rằng chính Aquinas không bao giờ đưa ra
lời khẳng định này, mà chỉ trích dẫn lời của Thánh Augustine. Plato, Aristotle và
Cicero cũng bày tỏ những cảm nghĩ thích hợp để so sánh, dù sao đó là một lời
tuyên bố khiến liên tưởng tức thời tới Aquinas, người mà dường như đã muốn nói
rằng những luật mâu thuẫn với những đòi hỏi của luật tự nhiên sẽ mất đi sức mạnh
để ràng buộc về đạo đức.
Nói cách khác, một chính quyền mà lạm dụng quyền lực của mình bằng cách ban
hành những luật lệ bất công (vô lý hoặc chống lại lợi ích chung), sẽ mất quyền
được phục tùng vì chính quyền đó thiếu quyền lực về đạo đức.
Một luật như thế Aquinas gọi là một “sự hủ hóa của luật pháp”. Nhưng ông có vẻ
như không ủng hộ quan điểm rằng người ta luôn luôn được biện minh trong việc
không tuân phục một luật lệ bất công, vì mặc dù ông từng tuyên bố rằng nếu một
nhà cai trị ban hành những luật lệ bất công thì “thần dân của họ không bắt buộc
phải tuân theo chúng”, ông nói thêm một cách thận trọng, “ngoại trừ, có lẽ, trong
một vài trường hợp đặc biệt nào đó, khi có vấn đề phải tránh tai tiếng” (nghĩa là
một tấm gương hủ hóa cho những người khác) hoặc có sự rối loạn trong dân
chúng.
Điều này rất khác với những yêu sách cấp tiến đôi khi được đưa ra dưới danh nghĩa
Aquinas, nhằm tìm cách biện minh cho sự bất tuân luật pháp.
Vào thế kỷ 17 ở châu Âu, sự giải trình về toàn bộ các ngành luật pháp, đáng chú ý
là công pháp quốc tế, đã tự cho là đặt cơ sở trên luật tự nhiên. Hugo de Groot
(1583-1645), hoặc Grotius như người ta thường gọi ông, thường được liên kết với
việc thế tục hóa luật tự nhiên.
Trong tác phẩm có ảnh hưởng sâu rộng của ông, De Jure Belli ac Pacis (Luật về
chiến tranh và hòa bình), ông khẳng định rằng, dù Thượng Đế không hiện hữu
chăng nữa, thì luật tự nhiên cũng có cùng một nội dung như thế.
Điều này tỏ ra là một nền tảng quan trọng cho bộ môn công pháp quốc tế đang phát
triển.
Có lẽ Grotius đã muốn rằng có một số sự việc nào đó “thực chất” là sai – dù
Thượng Đế có ban hành chúng hay không; bởi vì, dùng cách so sánh của chính
Grotius, ngay cả Thượng Đế cũng không thể làm cho hai lần hai không phải bằng
bốn!
Luật tự nhiên đã nhận được một số phê chuẩn chính thức ở nước Anh vào thế kỷ
18 trong cuốn Commentaries on the Laws of England (Những Chú giải về Luật của
nước Anh) của Ngài William Blackstone.
Blackstone (1723-1780) mở đầu tác phẩm lớn của ông bằng cách tuyên bố rằng
luật Anh quốc nhận được uy lực của nó từ luật tự nhiên. Nhưng, mặc dù ông viện
dẫn nguồn gốc thiêng liêng này của luật thực chứng, và thậm chí còn coi nó như có
khả năng vô hiệu hóa những luật đã được thông qua nhưng mâu thuẫn với luật tự
nhiên, miêu tả của ông về luật không thực sự nêu rõ những nét chủ yếu của lý
thuyết về luật tự nhiên.
Tuy nhiên, nỗ lực của Blackstone muốn khoác cho luật thực chứng một sự hợp
pháp rút ra từ luật tự nhiên, đã tạo cảm hứng cho Jeremy Bentham là người đã mô
tả luật tự nhiên, trong số những sự việc khác, “chỉ như một sản phẩm của sự tưởng
tượng” (xem chương 2).
Aquinas khiến ta liên tưởng tới một quan điểm khá bảo thủ về luật tự nhiên. Nhưng
những nguyên tắc của luật tự nhiên đã được sử dụng để biện minh cho những cuộc
cách mạng – đặc biệt là Cách mạng Mỹ và Cách mạng Pháp – với lý do là luật
pháp xâm phạm những quyền tự nhiên của cá nhân.
Vì lẽ đó, ở Mỹ cuộc cách mạng chống lại sự cai trị của thực dân Anh đã đặt cơ sở
trên sự viện dẫn tới các quyền tự nhiên của mọi người Mỹ, qua những lời lẽ long
trọng của Tuyên ngôn Độc lập năm 1776, tới “cuộc sống, tự do, và mưu cầu hạnh
phúc”.
Như bản tuyên ngôn diễn tả, “Chúng tôi xem những chân lý này là hiển nhiên, rằng
tất cả mọi người được sinh ra bình đẳng, rằng họ được đấng Tạo hóa ban cho một
số quyền không thể chuyển nhượng”.
Tương tự, những ý tưởng đầy sức truyền cảm đã được bao gồm trong văn bản của
người Pháp, Déclaration des droits de l’homme et du citoyen (Tuyên ngôn về
những quyền của con người và của công dân) vào ngày 26 tháng Tám 1789, đề cập
tới một số “quyền tự nhiên” của loài người.
Luật tự nhiên đã được áp dụng dưới dạng một số những lý thuyết về xã ước mà
chúng diễn giải quyền hạn và nghĩa vụ chính trị theo dạng một xã ước.
Nó không phải là một công ước theo đúng nghĩa của pháp luật, nhưng diễn tả cái ý
tưởng rằng chỉ với sự đồng ý của mình thì một người mới có thể bị khuất phục bởi
quyền lực chính trị của một người khác.
Cách tiếp cận này vẫn còn có ảnh hưởng trong tư tưởng theo khuynh hướng tự do,
đáng chú ý là trong thuyết về công lý của John Rawls (xem chương 4).
***
CHƯƠNG 2 – THUYẾT THỰC CHỨNG VỀ PHÁP LÝ
Hãy tưởng tượng một quốc trưởng đầy quyền lực ban ra những mệnh lệnh cho thần
dân của ông. Họ có bổn phận phải tuân theo những ước muốn của ông.
Nhà triết học pháp lý John Austin. Ảnh: wikimedia.org.
Ý niệm về luật pháp như một mệnh lệnh nằm ở trung tâm của thuyết thực chứng cổ
điển về pháp lý như đã được ủng hộ bởi hai nhân vật lớn giữ vai trò chủ đạo của
thuyết này, Jeremy Bentham và John Austin.
Những nhà thực chứng hiện đại về pháp lý chấp nhận cách tiếp cận về luật pháp
phức tạp hơn nhiều. Nhưng cũng giống như những người tiền nhiệm nổi tiếng của
họ, họ phủ nhận mối liên hệ [mà] luật tự nhiên đề xuất, được phác thảo trong
chương trước, giữa luật pháp và những tiêu chuẩn đạo đức.
Sự khẳng định của các nhà luật học theo thuyết tự nhiên, rằng luật pháp bao gồm
một loạt những định đề được rút ra từ tự nhiên qua một quá trình suy luận, đã bị
chống đối mạnh mẽ bởi những người theo thuyết thực chứng về pháp lý.
Chương này mô tả những thành phần chủ yếu của lý thuyết pháp lý quan trọng nêu
trên.
Thuật ngữ ‘thuyết thực chứng’ bắt nguồn từ từ La-tinh positum, nói về luật pháp
như nó được đề ra hoặc ấn định.
Nói chung, cốt lõi của thuyết thực chứng về pháp lý là quan điểm cho rằng hiệu lực
của bất cứ luật nào cũng có thể được truy ra từ một nguồn có thể xác minh một
cách khách quan.
Nói một cách đơn giản, thuyết thực chứng về pháp lý, giống như thuyết thực chứng
về khoa học, bác bỏ quan điểm – được các nhà luật học theo thuyết tự nhiên tin
tưởng – cho rằng luật pháp tồn tại độc lập với luật do con người ban hành.
Như sẽ trở nên rõ ràng trong chương này, thuyết thực chứng về pháp lý ban đầu
của Bentham và Austin đã tìm được một nguồn gốc của luật pháp trong mệnh lệnh
của một quốc trưởng. H.L.A. Hart dựa vào một quy tắc về sự thừa nhận mà nó
phân biệt luật pháp với những quy tắc xã hội khác. Hans Kelsen tìm ra một chuẩn
mực cơ bản để làm cho bản hiến pháp có giá trị pháp lý.
Những người theo thuyết thực chứng về pháp lý cũng thường khẳng định rằng
không nhất thiết phải có sự liên hệ giữa luật pháp và đạo đức, và rằng sự phân tích
những khái niệm pháp lý thì đáng được theo đuổi, và nó khác (dù không đối
nghịch) với các cuộc điều tra về xã hội và lịch sử và với sự đánh giá có tính phê
phán.

Nhà triết học pháp lý H.L.A. Hart. Ảnh: mtholyoke.edu.


Nhân tố chung quan trọng nhất giữa những người theo thuyết thực chứng về pháp
lý là luật lệ được đặt ra phải để biệt lập – với mục đích để nghiên cứu và phân tích
– với luật pháp như nó phải là vậy về mặt đạo đức.
Nói cách khác, một sự phân biệt rõ ràng phải được vạch ra giữa cái ‘nên’ (điều
được mong ước về mặt đạo đức) và cái ‘hiện có’ (điều thật sự tồn tại).
Nhưng không phải vì điều này mà một người theo thuyết thực chứng về pháp lý lại
thờ ơ với những vấn đề đạo đức. Hầu hết những nhà thực chứng đều chỉ trích luật
pháp và đề nghị biện pháp cải cách nó.
Điều này thường bao hàm những phán xét về đạo đức. Nhưng những nhà thực
chứng quả là có chia sẻ quan điểm rằng phương pháp hiệu quả nhất để phân tích và
tìm hiểu luật pháp đòi hỏi phải đình hoãn sự phán xét về đạo đức cho đến khi xác
lập được rằng điều mà chúng ta tìm cách làm sáng tỏ là cái gì.
Những nhà thực chứng cũng không nhất thiết tán thành việc đề nghị, thường được
gán cho là của họ, rằng những luật lệ bất công hoặc trái đạo lý [vẫn] phải được
tuân theo – chỉ vì chúng là luật pháp.
Thực ra, cả Austin và Bentham đều thừa nhận rằng sự bất tuân những luật lệ đồi
bại là chính đáng nếu nó có thể đẩy mạnh sự thay đổi tiến tới cái tốt.
Theo lời nhà thực chứng về pháp lý hàng đầu hiện đại H.L.A. Hart, thì:
[V]iệc chứng nhận điều gì là có hiệu lực pháp lý thì không quyết định được vấn đề
về sự tuân phục,…[D]ù hệ thống chính quyền có thể có được ánh hào quang vương
quyền hoặc quyền lực lớn lao tới mức nào chăng nữa, những đòi hỏi của nó cuối
cùng cũng phải chịu khuất phục sự giám sát chặt chẽ của đạo đức.
Đối với Hart cũng như với Bentham, đây là một trong những ưu điểm chính của
thuyết thực chứng về pháp lý…”

Bìa sách “Triết học pháp luật” bản tiếng Việt. Ảnh: Nhà xuất bản Tri Thức,
Tìm đọc thêm:
• Sách “Triết học luật pháp” bản tiếng Việt (Nhà xuất bản Tri Thức)
• Sách “Triết học luật pháp” bản tiếng Anh (Amazon)
• The Nature of Law (Stanford Encyclopedia of Philosophy)
• Vai trò của triết học trong đào tạo pháp lý (Hoàng Thảo Anh – Luật Khoa)
• Bàn về triết học pháp luật trong mối tương quan với lý luận chung về pháp luật
(Nguyễn Văn Quân – Tạp chí khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội)

You might also like