You are on page 1of 5

LỊCH SỬ 11- BÀI 9: CUỘC CẢI CÁCH CỦA HỒ QUÝ LY

*Tiểu sử Hồ Qúy Ly:


Hồ Quý Ly (1336 – 1407), lấy tên húy Hồ Nhất Nguyên, là vị hoàng đế đầu tiên
của nhà nước Đại Ngu trong lịch sử Việt Nam. Ông ở ngôi vị hoàng đế từ
năm 1400 đến năm 1401 tự xưng là Quốc Tổ Chương Hoàng, sau đó giữ ngôi Thái
thượng hoàng từ năm 1401 đến năm 1407.
Thời niên thiếu, Hồ Quý Ly theo học võ, gia nhập chốn quan trường triều Trần sau
khi đỗ thi Hương, khoa Hoành từ. Hồ Quý Ly có hai người cô ruột là vợ của
vua Trần Minh Tông, một người sinh ra vua Trần Nghệ Tông còn người kia sinh
ra Trần Duệ Tông, do đó ông được sự tín nhiệm khi Trần Nghệ Tông lên làm vua.
Năm 1372, ông được phong làm Tham mưu quân sự. Năm 1377, vua Trần Duệ
Tông đánh Chiêm Thành bị tử trận, Hồ Quý Ly kinh hãi, bỏ chạy về trước, nhưng
vẫn được tha tội. Năm 1380, Hồ Quý Ly làm Thống lĩnh quân Đại Việt để chống
lại các đợt tấn công của Chiêm Thành. Năm 1387, ông được phong làm Tể tướng.
Từ đó, ông có quyền lực gần như tuyệt đối trong triều, các tông tộc, quan lại trung
thành với họ Trần đã có 2 lần chính biến nhằm lật đổ sự thống trị của Quý Ly
nhưng ông đều giành chiến thắng và đã có nhiều người bị hành quyết sau đó.
1. Bối cảnh lịch sử

a) Về kinh tế - xã hội

- Kinh tế:

+ Từ nửa sau thế kỉ XIV, nhà nước không còn quan tâm đến sản xuất nông
nghiệp, không chăm lo tu sửa, bảo vệ đê điều, các công trình thuỷ lợi,.... nên nhiều
năm bị mất mùa, đói kém.

+ Vương hầu, quý tộc, địa chủ nắm trong tay nhiều ruộng đất khiến ruộng đất của
nông dân bị thu hẹp, đời sống bấp bênh, khổ cực.

- Xã hội:

+ Nhiều nông dân phải bán ruộng đất, vợ, con cho các quý tộc, địa chủ giàu có và
bị biến thành nô tì.
+ Mâu thuẫn giữa nông dân nghèo, nô tì với giai cấp thống trị trở nên gay gắt. Các
cuộc khởi nghĩa của nông dân và nô tì đã nổ ra như: khởi nghĩa Ngô Bệ (Hải
Dương), khởi nghĩa Phạm Sư Ôn (Hà Nội),...

b) Về chính trị

- Vua và tầng lớp quý tộc, quan lại nhà Trần ngày càng sa vào những thú ăn chơi,
hưởng lạc. Trong triều, trung thần thì ít mà kẻ gian nịnh, cơ hội thì nhiều.

- Triều Trần suy yếu đến mức không còn khả năng bảo vệ sự an toàn của đất
nước, bất lực trước các cuộc tấn công của Chămpa và những yêu sách ngang
ngược của nhà Minh (Trung Quốc).

=> Trong bối cảnh đó, Hồ Quý Ly - một quý tộc thuộc dòng họ ngoại của nhà
Trần từng bước thâu tóm quyền lực, buộc vua Trần nhường ngôi, lập ra triều Hồ
(1400).

2. Nội dung cải cách

- Hồ Quý Ly đã tiến hành một cuộc cải cách khá hệ thống trên hầu hết các lĩnh
vực nhằm củng cố chế độ quân chủ tập quyền và giải quyết các mâu thuẫn về kinh
tế, xã hội xuất hiện cuối thời Trần.

a) Về kinh tế, xã hội

- Phát hành tiền giấy Thông bảo hội sao, cải cách chế độ thuế khoá, thống nhất
đơn vị đo lường trong cả nước.

- Thực hiện chính sách hạn điền nhằm hạn chế sự phát triển của chế độ sở hữu lớn
về ruộng đất trong các điền trang, thái ấp của tầng lớp quý tộc.

- Thực hiện chế độ hạn nô: quy định số lượng gia nô được sở hữu của vương hầu,
quý tộc, quan lại.

b) Về quân sự:

- Tăng cường lực lượng quân đội chính quy, xây dựng nhiều thành luỹ để phòng
thủ ở những nơi hiểm yếu, như: thành Tây Đô (Thanh Hoá), thành Đa Bang (Hà
Nội)...
- Chế tạo súng thần cơ, đóng thuyền chiến,...

- Lập lại sổ hộ khẩu (biên hết vào sổ các nhân khẩu từ 2 tuổi trở lên, khi làm xong,
số người từ 15 tuổi trở lên, 60 tuổi trở xuống tăng gấp nhiều lần so với trước).

c) Về văn hoá, giáo dục:

- Bắt các nhà sư dưới 50 tuổi phải hoàn tục nhằm hạn chế sự phát triển của Phật
giáo;

- Chấn chỉnh lại chế độ học tập và thi cử; mở rộng việc học, đặt học quan đến cấp
phủ, châu.

- Tổ chức các kì thi, tuyển chọn được nhiều nhân tài cho đất nước.

- Đề cao chữ Nôm, sử dụng chữ Nôm trong sáng tác văn chương; nhiều sách chữ
Hán được dịch sang chữ Nôm để dạy cho phi tần, cung nữ,…

3. Kết quả và ý nghĩa

- Kết quả:

+ Góp phần củng cố quyền lực của chính quyền trung ương.

+ Với chính sách hạn điền, hạn nô, nhà Hồ đã giảm bớt thế lực tầng lớp quý tộc,
hạn chế kinh tế điền trang, thái ấp và chế độ bóc lột nông nô, nô tì của tầng lớp
quý tộc Trần, giải phóng sức sản xuất lao động; tăng thu nhập và quyền lực cho
nhà nước.

+ Những cải cách trên lĩnh vực văn hoá, giáo dục của Hồ Quý Ly thể hiện tư
tưởng tiến bộ nhằm xây dựng một nền văn hoá, giáo dục mang bản sắc dân tộc
Việt Nam.

- Ý nghĩa: bước đầu ổn định tình hình xã hội, củng cố tiềm lực đất nước để chuẩn
bị đối phó với giặc ngoại xâm.

- Điểm hạn chế:

+ Tiền giấy “Thông bảo hội” dễ bị làm giả và chưa được đông đảo dân chúng tin
dùng.
+ Chính sách hạn điền đã hạn chế cả sự phát triển của chế độ tư hữu ruộng đất,
làm cho tầng lớp quý tộc và những người giàu có bị tước mất ruộng đất; còn lợi
ích tầng lớp nông dân nghèo và nô tì thì chưa thực sự rõ ràng.

+ Chính sách hạn nô không làm cho nô tì được giải phóng mà chuyển từ gia nô
sang quan nô (nô tì của nhà nước).

+ Cải cách về văn hoá, giáo dục dù có những tiến bộ nhất định nhưng cũng vấp
phải phản ứng của lực lượng Phật giáo lúc đó còn đang đông đảo và mạnh mẽ.

=> Hạn chế của công cuộc cải cách đã ảnh hưởng đến khả năng thu phục và đoàn
kết nhân dân chống giặc ngoại xâm của nhà Hồ.

*Một số bài học kinh nghiệm rút ra từ cuộc cải cách của Hồ Quý Ly:

- Muốn tồn tại và phát triển thì phải luôn có sự thay đổi để thích ứng với tình hình.

- Nội dung cải cách, đổi mới cần phù hợp với yêu cầu phát triển và điều kiện thực
tiễn của đất nước.

- Tiến hành cải cách, đổi mới một cách quyết liệt, triệt để và toàn diện trong đó
chú trọng đến đầu tư phát triển giáo dục, góp phần đào tạo nên những con người:
yêu nước, có năng lực, bản lĩnh, tinh thần sáng tạo, ý chí quyết tâm, ham hành
động,…

- Luôn chú trọng phát huy và không ngừng củng cố, nâng cao sức mạnh của khối
đại đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

VICTORY

You might also like