You are on page 1of 13

2.

Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc:
2.1. Phát triển kinh tế và văn hóa.
2.1.1 Về nội dung kinh tế.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Nền kinh tế chúng ta xây dựng là một nền kinh tế
xã hội chủ nghĩa với công nghiệp và nông nghiệp hiện đại, khoa học và kỹ thuật tiên
tiến. “Trên cơ sở kinh tế xã hội chủ nghĩa ngày càng phát triển, cách bóc lột theo chủ
nghĩa tư bản được xoá bỏ dần, đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân ngày càng
cải thiện”.
Nền kinh tế xã hội chủ nghĩa phải được tạo lập trên cơ sơ chế độ sỡ hữu công
cộng về tư liệu sản xuất. Ở thời kỳ quá độ, nền kinh tế đó còn tồn tại bốn hình thức
sở hữu chính: “Sở hữu của Nhà nước tức là của toàn dân. Sở hữu của hợp tác xã tức
là sở hữu của tập thể nhân dân lao động. Sở hữu của người lao động riêng lẻ. Một ít tư
liệu sản xuất thuộc sở hữu của nhà tư bản”, trong đó “kinh tế quốc doanh là hình thức
sở hữu của toàn dân, nó lãnh đạo nền kinh tế quốc dân và Nhà nước phải đảm bảo cho
nó phát triển ưu tiên”. Như vậy, Hồ Chí Minh là người sớm đưa ra chủ trương phát
triển cơ cấu kinh tế nhiều thành phần trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước
ta.
Người nhấn mạnh: Nhiệm vụ quan trọng thứ nhất của chúng ta là phải xây dựng
nền tảng vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội và khẳng định tính tất yếu phải công
nghiệp hoá: “Muốn đảm bảo đời sống sung sướng mãi mãi phải công nghiệp hoá xã
hội chủ nghĩa”, “công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa vẫn là mục tiêu phấn đấu chung, là
con đường ấm no thực sự của nhân dân ta”. Người nói đến vai trò của công nghiệp
nặng: “Để xây dựng thắng lợi xã hội chủ nghĩa, chúng ta phải quyết tâm phát triển tốt
công nghiệp nặng”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng đến công tác nghiên cứu và phổ biến khoa
học kỹ thuật phục vụ sản xuất. Người chỉ rõ: “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải
trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và
không ngừng cải thiện đời sống nhân dân… nhiệm vụ của khoa học, kỹ thuật là cực kỳ
quan trọng, cho nên mọi nghành, mọi người đều phải tham gia công tác khoa học kỹ
thuật”.
Coi trọng vấn đề quản lý, hạch toán kinh tế, cho đó là chìa khoá phát triển kinh
tế quốc dân, Người nói: “Quản lý một nước cũng như quản lý một doanh nghiệp: phải
có lãi”, “ở xí nghiệp phải quản lý: có quản lý mới biết thu vào tiêu ra, mới biết có lỗ
lãi, mới biết ai làm tốt, ai làm vượt mức, ai không làm vượt mức”.
Hồ Chí Minh đề xuất chính sách mở cửa và hợp tác với các nước để thu hút
ngoại lực và phát huy nội lực.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ và toàn thể
nhân dân ta, phải làm thế nào để nông thôn tiến kịp thành thị, miền núi tiến kịp miền
xuôi về mọi mặt, nền kinh tế phát triển bền vững, tự chủ, đồng bào ai cũng được ấm
no, hạnh phúc. Theo Người, tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ xã hội.
Muốn tăng trưởng kinh tế nhanh, mạnh và vững chắc, phải sử dụng hợp lý các động
lực phát triển kinh tế; muốn đẩy mạnh tiến bộ xã hội, phải thực hiện thi đua yêu nước.
Việc sử dụng các động lực phát triển kinh tế còn là chính sách để thực hiện công bằng
xã hội. Công bằng xã hội trong tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ biểu hiện như là mục
tiêu của chủ nghĩa xã hội, mà còn là một động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
của đất nước, một biện pháp căn bản để hiện thực hóa những giá trị, lý tưởng cao cả
của xã hội văn minh, tiến bộ. Đây là một trong những nét đặc sắc trong tư duy kinh tế
Hồ Chí Minh.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc thực hiện công bằng xã hội luôn là một yêu
cầu bức thiết của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo đảm sự ổn định và phát
triển xã hội, đặc biệt là trong điều kiện kinh tế nước ta còn phải đối mặt với rất nhiều
khó khăn (những năm 60 của thế kỷ XX). Người khẳng định: - “Không sợ thiếu, chỉ
sợ không công bằng; Không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên”. Để phát triển kinh
tế nhanh, mạnh và vững chắc, theo Người, chúng ta có thể áp dụng các động lực kinh
tế, như thực hiện công bằng xã hội, chính sách tiền lương, tiền thưởng, chính sách
khoán, thực hành tiết kiệm, huy động nguồn vốn nội lực, cải cách hành chính, thực
hiện công bằng trong lưu thông phân phối,… Trong đó:
Thứ nhất, thực hiện công bằng xã hội là một động lực kinh tế rất quan trọng, có
tính quyết định để tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả kinh tế, cải tiến kỹ thuật
và cải tiến trong công tác quản lý. Công bằng xã hội ở đây không phải là công bằng
chung chung, không phải là sự cào bằng bình quân chủ nghĩa, mà là công bằng về
quyền công dân, quyền làm chủ xã hội, công bằng về quyền lợi và nghĩa vụ trước
pháp luật. Một khi đã thực hiện được công bằng xã hội thì người lao động sẽ nhận rõ
quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với xã hội, đồng thời cũng thể hiện
được mối quan hệ hài hòa giữa lợi ích cá nhân với lợi ích tập thể. Thực hiện công
bằng xã hội trong phát triển kinh tế chính là động lực để thúc đẩy, phát huy hết mọi
tiềm năng, sức mạnh của cá nhân và tập thể trong quá trình lao động, sản xuất.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tăng trưởng kinh tế là nền tảng và mục đích của
chủ nghĩa xã hội; còn “chủ nghĩa xã hội là không ngừng nâng cao mức sống của nhân
dân”. Người nhấn mạnh: “Chủ nghĩa xã hội trước hết nhằm làm cho nhân dân lao
động thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và
sống một đời hạnh phúc”. Đặt mục tiêu phát triển kinh tế bên cạnh mục tiêu thực hiện
công bằng xã hội trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, thể hiện rõ lập trường
của Chủ tịch Hồ Chí Minh, không vì sự phát triển kinh tế mà chấp nhận những bất
công trong xã hội. Theo Người, “Muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội thì phải cải tạo xã hội
cũ thành một xã hội mới, một xã hội không có chế độ người bóc lột người, một xã hội
bình đẳng nghĩa là ai cũng phải lao động và có quyền lao động, ai làm nhiều thì hưởng
nhiều, làm ít hưởng ít, không làm không hưởng”. Đây chính là nguyên tắc phân phối
công bằng, kích thích nhân dân hăng hái tham gia hoạt động kinh tế, đóng góp vào sự
phát triển của đất nước. Mỗi người đều có tính cách riêng, sở trường riêng, nhờ
nguyên tắc công bằng được thiết lập mà con người có động lực để phát huy cao độ
khả năng của bản thân, để “ai cũng đưa hết tài năng của mình cống hiến cho xã hội”.
Công bằng xã hội tạo điều kiện cho mọi thành viên trong xã hội không ngừng nâng
cao mức sống và tự khẳng định mình. Mọi người hăng hái đầu tư vào nền kinh tế,
mang lại sự giàu có cho bản thân, gia đình và toàn thể xã hội. Điều này có tính quyết
định tới hiệu quả của sự phát triển kinh tế - xã hội. Đây là nguyện vọng chính đáng
của nhân dân mà Nhà nước cần tạo mọi điều kiện để khuyến khích và phát huy.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, không thể có thứ công bằng mà ở đó người làm ít
hưởng nhiều; trái lại, làm bao nhiêu hưởng bấy nhiêu, không làm, không hưởng. Nói
cách khác, đồng lương của người lao động phải luôn gắn chặt với hiệu quả của công
việc. Chính sách tiền lương là một trong những động lực quan trọng của phát triển
kinh tế và tiền lương cũng chính là thước đo của giá trị sức lao động mà người lao
động đã bỏ ra. Do đó, nếu đồng lương không tương xứng với giá trị sức lao động thì
những tư liệu sinh hoạt cần thiết của người lao động cũng không được đáp ứng. Điều
này sẽ dẫn tới việc đánh mất động lực của quá trình sản xuất và nền kinh tế tất yếu sẽ
bị ngưng trệ. Không chỉ vậy, tiền lương không thích hợp còn là một trong những
nguyên nhân của rất nhiều căn bệnh, như tham ô, tham nhũng.
Thứ hai, chính sách khoán là một trong những động lực kinh tế đem lại lợi ích
cho tập thể và người lao động. Khi nói về chế độ làm khoán, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã
chỉ rõ: “Chế độ làm khoán là một điều kiện của chủ nghĩa xã hội, nó khuyến khích
người công nhân luôn luôn tiến bộ, cho nhà máy tiến bộ. Làm khoán là ích chung và
lại lợi riêng. Công nhân sản xuất ra nhiều vải, cố gắng nhiều, hưởng được nhiều; làm
khoán tốt thích hợp và công bằng dưới chế độ ta hiện nay. Nếu người công nhân nào
thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu kỷ luật lao động thì làm cho mau nhưng không tốt;
như vậy là không đúng và làm khoán phải nâng cao số lượng, nhưng luôn luôn phải
giữ chất lượng”. Như vậy, Người đã xác định đúng đắn vai trò động lực kinh tế của
chế độ khoán đối với việc phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu, chế
độ làm khoán ở đây là chế độ khoán sản phẩm, chứ không phải khoán trắng. Bởi, trên
thực tế, yếu tố chất lượng và số lượng phải luôn đi đôi với nhau, trong đó chất lượng
là yếu tố hàng đầu.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, giá trị của khoán sản phẩm không chỉ đem lại lợi
ích về thu nhập, mà chủ yếu và sâu xa hơn là sự tiến bộ của công nhân và sự phát triển
của nhà máy, đặc biệt, nó còn có ý nghĩa giáo dục tinh thần trách nhiệm và kỷ luật lao
động. Nói cách khác, khoán là biện pháp tích cực để giáo dục và xây dựng tác phong
công nghiệp cho người lao động. Và khoán là động lực kinh tế, vì nó có ý nghĩa
khuyến khích tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế. Thực
tiễn sản xuất cho thấy, vai trò động lực kinh tế và tính hiệu quả của chế độ khoán càng
được thể hiện rõ nét, không chỉ trong sản xuất, trong hoạt động kinh tế, chế độ khoán
còn áp dụng tốt trong các lĩnh vực hoạt động phi sản xuất, kể cả lĩnh vực hành chính
trong giai đoạn hiện nay.
Thứ ba, ngoài chế độ tiền lương, khoán, thực hành tiết kiệm cũng là một động
lực kinh tế quan trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn kêu gọi mọi người phải thực hành
tiết kiệm và phê phán mạnh mẽ thói xa hoa, lãng phí. Theo Người, lãng phí cũng là
một căn bệnh, là tội lỗi đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân. Sự lãng phí gây ra rất
nhiều tai hại trước mắt và hậu quả lâu dài. Người viết: “Đúng, chế độ chi tiêu của Nhà
nước là một sự "ràng buộc", nhưng đó là một sự ràng buộc rất cần thiết và rất hay. Nó
ràng buộc những kẻ phung phí, những người thích phô trương. Nó ràng buộc cả những
người chỉ biết việc trước mắt mà không thấy việc lâu dài, chỉ biết việc của bộ phận
mình mà không thấy việc chung của cả nước. Nhưng chính nhờ đó mà nó lại chặt
xiềng, chắp cánh cho kinh tế nước ta tiến lên như ngựa thần trên con đường xã hội chủ
nghĩa. Nó giúp chúng ta dành dụm từng đồng xu thành những số vốn lớn. Nó vít kín
các lỗ thủng, các khe hở, không để của cải dành dụm của chúng ta bị hao hụt, phân
tán. Như vậy mới dồn được phần lớn vốn của Nhà nước vào việc công nghiệp hóa xã
hội chủ nghĩa”
Thứ tư, ngoài tiết kiệm để tích lũy vốn, phục vụ sản xuất, việc huy động vốn
trong dân cũng là một trong những giải pháp hữu hiệu trong các động lực kinh tế.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng tiền dính với hoạt động của tất cả các ngành. Vì
vậy, các ngành, các tổ chức kinh tế, các cơ quan nhà nước cùng toàn thể nhân dân phải
biết sử dụng đồng tiền cho tốt… Một đồng vốn bỏ ra phải bảo đảm tăng thêm của cải
cho xã hội, phải được luân chuyển nhanh, không để tồn đọng. Phải tích cực huy động
tiền nhàn rỗi vào sản xuất. Khi nói về vấn đề này, Người yêu cầu: Huy động tiền nhàn
rỗi trong dân là nhằm đưa vào sản xuất, thì đồng tiền ấy mới sinh sôi, nảy nở ngày
càng thêm nhiều. Về góc độ kinh tế, con người muốn làm chủ nền kinh tế mới thì phải
học cách quản lý và sử dụng tiền sao cho hợp lý, đem lại lợi ích cho công cuộc kiến
thiết nước nhà, nâng cao mức sống của nhân dân… Pháp luật của Nhà nước là hành
lang ngăn chặn các hành vi lãng phí, tham ô, tham nhũng trong cán bộ, đảng viên và
nhân dân.
Thứ năm, đổi mới nền hành hành chính là động lực rất có ý nghĩa của phát triển
kinh tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa là nhà tư tưởng, nhà lý luận, vừa là kiến trúc sư
trưởng vĩ đại của nền hành chính Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Theo Chủ
tịch Hồ Chí Minh, luôn cần đổi mới nền hành chính, cần tiến hành trên cả ba phương
diện, đó là: Không ngừng đổi mới và ngày càng tăng cường tính chất “nhân dân” của
bộ máy hành chính; xây dựng bộ máy của các cơ quan hành chính từ Trung ương đến
địa phương luôn sát dân, gọn nhẹ và hiệu quả; kiên trì xây dựng một đội ngũ cán bộ
hành chính có lòng trung thành, có đạo đức cách mạng và có kỹ năng hành chính tốt,
ngày càng chính quy, hiện đại. Người chỉ rõ: Giảm đến mức tối thiểu số người làm
việc hành chính, tăng cường lực lượng cho sản xuất trực tiếp. Bộ máy hành chính nhà
nước càng phình ra bao nhiêu, càng trở thành gánh nặng cho ngân sách nhà nước bấy
nhiêu. Lượng tiền bỏ ra chi cho khối hành chính càng lớn, lượng tiền đưa vào sản xuất
càng hạn chế. Đó là chưa kể sự thất thoát đồng tiền qua việc mua sắm những thứ đắt
tiền không cần thiết, xây dựng trụ sở tiêu tốn nhiều tiền công quỹ. Cải cách hành
chính là động lực kinh tế, vì cải cách hành chính như một giải pháp tiết kiệm sức
người, sức của. Mấu chốt của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta như
Người khẳng định: Đó là tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, để xây dựng cơ sở
vật chất kỹ thuật và tiến hành công nghiệp hóa nước nhà. Tăng gia sản xuất và thực
hành tiết kiệm theo Người luôn là nhiệm vụ hàng đầu trong thời kỳ quá độ lên chủ
nghĩa xã hội. Cải cách hành chính thực chất cũng nhằm thực thi hai nhiệm vụ là tăng
gia sản xuất và thực hành tiết kiệm. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Gián tiếp sản
xuất cũng cần. Phải có người làm bàn giấy, tính toán, đánh máy, v.v. mới phục vụ cho
người trực tiếp sản xuất, nhưng nhiều quá có bao nhiêu lãi chén hết. Bây giờ nhà máy
số gián tiếp sản xuất còn nhiều quá”. Như vậy, việc giảm cán bộ gián tiếp của bộ máy
quản lý thực chất là đổi mới nền hành chính, là công việc phải làm thường xuyên, để
cho bộ máy nhà nước không rơi vào tình trạng quá cồng kềnh, gây lãng phí sức người,
sức của, trở thành gọn nhẹ mà công việc vẫn được thực hiện một cách có hiệu quả.
Thứ sáu, thực hiện công bằng xã hội trong lưu thông phân phối. Theo Người, tổ
chức lưu thông phân phối góp phần nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế. Hoạt động
lưu thông phân phối không thể thiếu được trong nền kinh tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh
khẳng định: “Rõ trong nền kinh tế quốc dân có ba mặt quan trọng: nông nghiệp, công
nghiệp và thương nghiệp. Ba mặt công tác này quan hệ mật thiết với nhau. Thương
nghiệp là cái khâu trung gian gắn bó mật thiết nông nghiệp với công nghiệp. Nếu khâu
thương nghiệp bị đứt thì không liên kết được nông nghiệp với công nghiệp, không
củng cố được công nông liên minh”. Cũng như trong quá trình sản xuất, đồng vốn
không được để ứ đọng thì quá trình lưu thông phân phối cũng không được để ách tắc.
Như cơ thể con người, muốn khỏe mạnh thì phải thông khí huyết, bế là sinh bệnh tật,
thứ bệnh của lưu thông phân phối gây bế tắc là bệnh đầu cơ tích trữ. Người phân tích:
“Tệ hại phải chống là bọn đầu cơ tích trữ. Đảng, Chính phủ và mậu dịch cung cấp
hàng cho dân, nhưng một số hàng không đến tay dân mà bị bọn đầu cơ lợi dụng như
vải, thuốc tây, v.v.. Có thứ thuốc mậu dịch bán 500đ một viên mà bọn đầu cơ bán
2.500đ. Thật là nó lợi dụng đồng bào ốm để làm giàu, như thế rất đáng phản đối.
Muốn chống bọn đầu cơ thì không riêng gì công an, công thương, mậu dịch mà tất cả
cán bộ, công nhân, nhân dân đều phải chống cả, vì cán bộ, nhân dân có hàng triệu tai,
mắt mới làm được để cho hàng hoá đến tay nhân dân”. Như vậy, nếu lưu thông phân
phối tốt thì nền kinh tế khỏe, vững và sản xuất không ngừng phát triển
2.1.2 Về nội dung văn hóa.
Hồ Chí Minh đã đưa ra một định nghĩa về văn hoá với nghĩa rộng: “Vì lẽ sinh
tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát triển ra những
ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những
công cụ sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương tiện sử dụng. Toàn bộ
những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hoá. Văn hoá là sự tổng hợp của mọi
phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm
thích ứng nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”. Định nghĩa này đã chỉ ra
nguồn gốc, động lực và cấu trúc của văn hoá. Cũng từ định nghĩa này văn hoá được
xác định là lĩnh vực của đời sống tinh thần, thuộc về kiến trúc thượng tầng của xã hội.
Theo Hồ Chí Minh văn hoá có những nhiệm vụ chủ yếu sau:
 Bồi dưỡng con người có tư tưởng đúng và tình cảm cao đẹp.
 Nâng cao dân trí, nghĩa là đề cập tới chức năng giáo dục của văn hoá.
Người chủ trương nâng cao dân trí, trước hết toàn dân phải quyết tâm
diệt bằng được “giặc dốt”, xoá nạn mù chữ nâng cao dần trình độ, “học
để làm việc, làm người, làm cán bộ”, biến nước ta thành một nước văn
hoá cao. Học phải đi đôi với hành, gắn với thực tiễn. Học ở mọi nơi mọi
lúc, phải không ngừng nâng cao kiến thức chính trị, chuyên môn, tu
dưỡng về chủ nghĩa Mác- Lênin từ đó vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh
nước ta.
 Bồi dưỡng những phẩm chất tốt đẹp, những phong cách lành mạnh, luôn
hướng con người tới chân, thiện, mỹ để không ngừng hoàn thiện bản
thân.
Tư tưởng văn hoá là một mặt trận, nghệ sĩ là người chiến sĩ, tác phẩm văn nghệ
là vũ khí sắc bén trong đấu tranh cách mạng, thể hiện một tư duy rất độc đáo, phản
ánh cuộc đấu tranh phức tạp trên lĩnh vực tư tưởng – văn hoá, đòi hỏi sự bền bỉ, kiên
cuờng và lòng dũng cảm của người hoạt động văn hoá phục vụ lý tưởng cách mạng,
mục tiêu chính trị của Đảng và của dân tộc. Hồ Chí Minh có câu nói bất hủ: “Văn hoá
nghệ thuật cũng là mặt trận. Amh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.
Văn hoá phải phục vụ quần chúng nhân dân, đó là quan điểm xuyên suốt trong
tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa. Người nhắc nhở các nhà văn hoá nhận thức đúng
vai trò của quần chúng, quần chúng không phải là người chỉ sáng tạo ra của cải vật
chất cho xã hội mà còn là những người sáng tác nữa; phải có cách viết phù hợp với
trình độ đại đa số đồng bào, phải học cách nói của quần chúng. Khi cầm bút viết phải
tự đặt ra: Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào? Người kết luận “nghệ thuật
phải gắn bó với cuộc sống”
Hồ Chí Minh rất chú ý đến xây dựng đời sống văn hoá và nếp sống văn hoá.
Theo Người “ Đời sống mới không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng
làm mới. Cái cũ mà xấu thì phải bỏ. Thí dụ: ta phải bỏ hết tính lười biếng, tham lam.
Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý. Thí dụ:
Đơm cúng, cưới hỏi quá xa xỉ, ta phải giảm bớt đi. Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển
thêm. Thí dụ: Ta phải tương thân tương ái, tận trung với nước, tận hiếu với dân hơn
khi trước. Cái gì mới mà hay, thì phải làm. Thí dụ: ăn ở cho hợp vệ sinh, làm việc cho
có ngăn nắp ”.
2.2. Bảo đảm một xã hội công bằng, văn minh.
2.2.1. Trong giai đoạn cách mạng giải phóng dân tộc.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về công bằng xã hội được hình thành và phát triển gắn
liền với mục tiêu giải phóng dân tộc, giành lại cho nhân dân Việt Nam quyền sống
đích thực của con người; đồng thời, góp phần cùng nhân loại tiến bộ trong cuộc đấu
tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tự do, bình đẳng và tiến bộ của cả xã hội
loài người. Bởi vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh về công bằng xã hội, mà cốt lõi là quan
điểm công bằng về cơ hội phát triển, không chỉ là tiền đề tạo ra cơ hội và động lực
phát triển cho mỗi con người, mà cho cả dân tộc Việt Nam nói riêng, các dân tộc thế
giới nói chung. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Chẳng những Việt Nam phải
đấu tranh giành lấy độc lập dân tộc cho chính mình, mà còn phải gánh vác trách nhiệm
một phần trong sự nghiệp mưu cầu hòa bình cho toàn thế giới”.
Chứng kiến Cách mạng Tháng Mười Nga năm (1917) và giai đoạn đầu xây
dựng chủ nghĩa xã hội ở Nga Xô-viết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kết luận rằng chủ
nghĩa cộng sản là giải pháp duy nhất để cứu nhân loại, mang lại tự do, bình đẳng, bác
ái, đoàn kết, và ấm no cho mọi người trên trái đất. Ông nhấn mạnh rằng chỉ có thông
qua việc lo cho mọi người và vì mọi người, chúng ta mới có thể xây dựng một nền
cộng hòa thế giới chân chính, xóa bỏ những ranh giới do tư bản chủ nghĩa tạo ra. Ông
cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng thế
giới trong việc giành lại quyền bình đẳng, tự do và dân chủ, nhấn mạnh rằng đây
chính là công bằng về cơ hội cho sự giải phóng và phát triển của mọi dân tộc trên thế
giới, bao gồm cả Việt Nam. Hồ Chí Minh thể hiện sự niềm tin rằng tất cả các dân làm
ruộng và thợ công trên thế giới sẽ đoàn kết như anh em để đánh bại tư bản, để mọi
quốc gia và mọi dân được hạnh phúc, tạo nên một thế giới cách mạng.
Những nội dung trên cho thấy, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu đấu tranh
giành độc lập dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng giai cấp, giải phóng và phát triển
con người ngày càng toàn diện, với hệ giá trị về bình đẳng, tự do và dân chủ, chính là
tiền đề của công lý, của công bằng xã hội, mà cốt lõi là công bằng về cơ hội phát triển.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh mong
muốn: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được
hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc,
ai cũng được học hành”. Trên cơ sở tiếp thu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác -
Lê-nin vào điều kiện thực tiễn Việt Nam trong thời kỳ đấu tranh, giải phóng dân tộc,
Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa khẳng định: “Chỉ có giải phóng giai cấp vô sản thì
mới giải phóng được dân tộc; cả hai cuộc giải phóng này chỉ có thể là sự nghiệp của
chủ nghĩa cộng sản và của cách mạng thế giới” và “Chính nhờ cuộc cách mạng này
mà cơ sở của quyền tự do chân chính và quyền bình đẳng thực sự đã được đặt ra cho
loài người”.
Như vậy, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, hệ giá trị về mục tiêu giải phóng con
người, mà trước hết là giành độc lập, tự do, dân chủ và hạnh phúc cho nhân dân, chính
là mục tiêu, tiền đề của công bằng xã hội với nội dung cốt lõi là công bằng về cơ hội
phát triển. Đấy chính là điều kiện tiên quyết để mỗi con người được làm chủ vận
mệnh của mình, với mục tiêu “làm cho nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, làm cho
mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và sống một đời hạnh phúc”. Khi đất
nước giành được độc lập, trên tinh thần của bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử nước
nhà, Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa khẳng định: “Chính phủ cố gắng làm theo
đúng ba chính sách: Dân sinh, Dân quyền và Dân tộc”. Đó là xã hội mà nhân dân ngày
càng sung sướng, hạnh phúc, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, già không lao động
thì được nghỉ, những phong tục, tập quán không tốt dần dần được xóa bỏ; là xã hội
ngày càng tiến bộ, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt. Một xã hội như
vậy chỉ có thể là xã hội xã hội chủ nghĩa.
Từ những đánh giá trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra nhận định, công bằng xã
hội mà cốt lõi là công bằng về cơ hội phát triển với hệ giá trị về bình đẳng, tự do và
dân chủ, thực sự chỉ có được trong chế độ xã hội mới dưới chế độ dân chủ cộng hòa.
Người cho rằng: “Nhân dân có nghĩa vụ, đồng thời có quyền lợi”. Trong điều kiện sau
khi giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh: “NƯỚC TA LÀ
NƯỚC DÂN CHỦ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”;
“Nhà nước ta ngày nay là của tất cả những người lao động. Vậy công nhân, nông dân,
trí thức cách mạng cần nhận rõ rằng: Hiện nay, nhân dân lao động ta là những người
làm chủ nước ta, chứ không phải là những người làm thuê cho giai cấp bóc lột như
thời cũ nữa. Chúng ta có quyền và có đủ điều kiện để tự tay mình xây dựng đời sống
tự do, hạnh phúc cho mình. Nhân dân lao động là những người chủ tập thể của tất cả
những của cải vật chất và văn hóa, đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ”. Như vậy,
trong tư tưởng Hồ Chí Minh, công bằng về cơ hội phát triển chính là nội dung cốt lõi
của công bằng xã hội về hệ giá trị bình đẳng, tự do, dân chủ và hạnh phúc cho mỗi
người dân và đó cũng đồng thời là điều kiện và tiền đề của động lực và mục tiêu giành
độc lập dân tộc, giải phóng và phát triển ngày càng toàn diện cho mỗi con người.
2.2.2. Trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Khi nói đến công bằng xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường gắn với bình đẳng
xã hội, mà trước hết là “bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ”; song, bình đẳng về
quyền lợi và nghĩa vụ thực chất là công bằng về cơ hội phát triển. Với quan niệm như
vậy, Người yêu cầu tất cả những người lao động ngày nay đều phải nhận thức rõ mình
là người chủ nước nhà và đã có quyền hạn làm chủ, thì phải làm trọn nghĩa vụ của
người chủ - đó là cần kiệm xây dựng nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhằm mục
đích không ngừng nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân, trước hết là
của nhân dân lao động.
Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm, bình đẳng trước hết là bình đẳng về quyền
lợi và nghĩa vụ; đồng thời, việc thực hiện sự bình đẳng giữa người với người trong
mối quan hệ giữa thực hiện nghĩa vụ và hưởng thụ quyền lợi ấy lại chính là thực hiện
công bằng về cơ hội phát triển. Việc thực hiện một chế độ phân phối công bằng, theo
quan niệm của Người, chính là thực hiện nguyên tắc phân phối; trong đó, phần hưởng
thụ ngang bằng với mức độ đóng góp, cống hiến của từng cá nhân, chứ hoàn toàn
không phải là sự ngang bằng về hưởng thụ giữa các cá nhân, mà không tính đến sự
cống hiến của từng người. Người cho rằng, trong chủ nghĩa xã hội, nguyên tắc phân
phối công bằng là: “Làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm thì không
được hưởng”. Đây là nguyên tắc phân phối công bằng và phù hợp với điều kiện nước
ta trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, đặc biệt là khi đất nước vừa thoát khỏi
chế độ thực dân, phong kiến, còn rất nhiều khó khăn về kinh tế; vì thế, sự bình đẳng
của những người lao động trong mối quan hệ giữa quyền lợi và nghĩa vụ, mà cụ thể là
sự ngang bằng về địa vị làm chủ nước nhà, làm chủ tư liệu sản xuất, là những điều
kiện cơ bản, quan trọng; là cơ hội do chế độ xã hội mới tạo ra, bảo đảm cho mỗi người
đều có thể phát huy mọi khả năng của mình để cùng vươn tới một cuộc sống ấm no,
hạnh phúc.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, công bằng về cơ hội phát triển là một mục tiêu
của chủ nghĩa xã hội, là một động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất
nước; là tiền đề quan trọng để hiện thực hóa những giá trị, lý tưởng nhân văn, tốt đẹp
của chủ nghĩa xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, việc thực hiện công bằng xã
hội là một yêu cầu bức thiết của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, đặc biệt là
trong điều kiện nền kinh tế đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhằm bảo đảm
sự ổn định và phát triển của xã hội. Người chỉ rõ, yêu cầu quan trọng trong công tác
lưu thông phân phối là: “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng; Không sợ nghèo,
chỉ sợ lòng dân không yên”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ ra rằng, thực hiện công bằng về cơ hội phát triển
với nguyên tắc ngang bằng giữa nghĩa vụ và quyền lợi; giữa cống hiến và hưởng thụ
trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, đặc biệt là trong hoàn cảnh đất nước còn
khó khăn về kinh tế, đời sống của nhân dân còn đói, nghèo; cho nên không được coi
việc thực hiện công bằng xã hội như là một sự cào bằng trong nghèo khó. Người
khẳng định: “Không phải chúng ta ham chuộng khổ hạnh và bần cùng. Trái lại, chúng
ta phấn đấu hy sinh, vì chúng ta muốn xây dựng một xã hội ai cũng ấm no, sung
sướng”. Người nhấn mạnh, “chủ nghĩa xã hội là lấy nhà máy, xe lửa, ngân hàng, v.v.,
làm của chung. Ai làm nhiều thì ăn nhiều, ai làm ít thì ăn ít, ai không làm thì không
ăn, tất nhiên là trừ những người già cả, đau yếu và trẻ con. Thế ta đã đến đấy chưa?
Chưa đến. Chủ nghĩa xã hội không thể làm mau được mà phải làm dần dần. Ở nông
thôn phải có tổ đổi công để tăng gia sản xuất rồi tiến lên hợp tác xã, tiến lên nông
trường”.
Để vượt qua hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi
nhân dân phát huy tinh thần đồng cam cộng khổ, đùm bọc, tương thân tương ái, đoàn
kết, hợp tác vì mục tiêu xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc; kiên quyết chống lại
sự đồng nhất tinh thần đồng cam cộng khổ với chủ nghĩa bình quân. Người nói:
“Đồng cam cộng khổ là một tinh thần cần phải có, nhưng nếu bình quân chủ nghĩa thì
lại không đúng. Bình quân chủ nghĩa là gì? Là ai cũng như ai, bằng hết. Ví dụ như
Bác yếu chỉ ăn ba bát cơm, chú khỏe cần nhiều hơn mà cũng ăn ba bát, chú lùn cũng
đòi may áo dài, Bác cao hơn cũng mặc áo dài như chú. Bình quân chủ nghĩa là trái chủ
nghĩa xã hội, thế là không đúng”.
Như vậy, trong quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, công bằng xã hội với cốt
lõi là công bằng về cơ hội phát triển, mà thực chất là bình đẳng về quyền lợi và nghĩa
vụ, là một mục tiêu của sự nghiệp xây dựng chế độ xã hội mới. Mục tiêu của chế độ
xã hội mới, là không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân, là phấn đấu: “Làm cho
người nghèo thì đủ ăn. Người đủ ăn thì khá giàu/ Người khá giàu thì giàu thêm”.
Những quan điểm trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa cho thấy, việc thực hiện
công bằng xã hội với cốt lõi ở việc thực hiện công bằng về cơ hội phát triển, mà thực
chất là bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ, mang ý nghĩa là động lực thúc đẩy sự phát
triển của đất nước; thông qua việc phát huy cao nhất khả năng, sức mạnh của mỗi
người, cùng tham gia xây dựng một cuộc sống mới, từng bước vươn tới xã hội cộng
sản - một xã hội trong đó “Mọi người làm hết tài năng; ai cần dùng gì có nấy”.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, địa vị và vai trò chủ thể của quần chúng nhân
dân luôn được đề cao; đồng thời, Người cũng luôn đánh giá rất cao vai trò của thực
hiện công bằng về cơ hội phát triển trong việc làm yên lòng dân, và nhờ “yên được
lòng dân” mà xã hội được ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển. Đặc biệt,
trong điều kiện hiện nay, những tư tưởng vô cùng quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh
vẫn giữ nguyên giá trị, có tác dụng dẫn dắt, định hướng đối với Việt Nam không chỉ
trong quan hệ lợi ích kinh tế, mà còn trong nhiều mối quan hệ xã hội khác.
2.3. Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Theo Hồ Chí Minh: “Nhiệm vụ quan trong bậc nhất của chúng ta hiện nay là
phải phát triển sản xuất để nâng cao đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân”,
Người chỉ thị: “Chúng ta phải thực hiện ngay: 1- Làm cho dân có ăn; 2-Làm cho dân
có mặc; 3- Làm cho dân có chỗ ở; 4- Làm cho dân được học hành”.
Trả lời phỏng vấn nhà báo nước ngoài ngày 21-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh
nói: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn
toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai
cũng được học hành”. Chăm lo đời sống nhân dân, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính
là làm cho nhân dân được thực hiện nghĩa vụ và hưởng thụ quyền lợi trong một xã hội
tiến bộ và công bằng, với hành lang pháp lý đầy đủ và ngày càng hoàn thiện, để nhân
dân thực sự là người chủ trong xã hội mới và ngày càng được thụ hưởng đầy đủ về vật
chất và tinh thần.
Ngay từ khi Đảng vừa ra đời, trong Chương trình tóm tắt của Đảng, Chủ tịch
Hồ Chí Minh đã khẳng định không bao giờ Đảng lại hy sinh quyền lợi của giai cấp
công nhân và nông dân cho một giai cấp nào khác. Khi đất nước vừa giành được độc
lập, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng
hòa, Người cùng Chính phủ xác định rõ những nhiệm vụ cấp bách cần tập trung giải
quyết, trong đó việc chống nạn đói, nạn dốt và xóa các tệ nạn xã hội; bỏ thuế thân,
thuế chợ, thuế đò; thực hiện quyền tự do, dân chủ,... là những nội dung, biện pháp và
bước đi quan trọng để từng bước chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Người đề nghị Chính phủ lâm thời phát động một chiến dịch tăng gia sản xuất, thực
hành tiết kiệm để cứu đói. Trong thư Gửi nông gia Việt Nam, Người khẩn thiết kêu
gọi: “Tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa... Đó là cách
thiết thực của chúng ta để giữ vững quyền tự do, độc lập”. Để cứu đói dân nghèo trước
khi thu hoạch vụ mùa, Người kêu gọi sẻ cơm nhường áo trên tinh thần “lá lành đùm lá
rách” và gương mẫu thực hiện trước, “cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3
bữa, mỗi bữa nhịn một bơ”. Và đem gạo đó để cứu dân nghèo. Sau một thời gian ngắn
phát động, nhân dân cả nước đã quyên góp được một lượng lớn lương thực và nạn đói
sớm được khắc phục.
Ngay từ những ngày đầu đất nước mới giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí
Minh đã thể hiện quan điểm nhất quán là Chính phủ phải quan tâm đến đời sống của
nhân dân. Vì thế, trong cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến quốc,
Người nhấn mạnh, chúng ta phải thực hiện ngay 4 điều: Làm cho dân có ăn; làm cho
dân có mặc; làm cho dân có chỗ ở; làm cho dân có học hành. Bởi, theo Người, dân chỉ
biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc ấm.
Khi miền Bắc bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, trở thành hậu
phương của tiền tuyến lớn miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước,
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, chăm lo đời sống, hạnh phúc của nhân dân là một
trong những mục tiêu quan trọng của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội mà Đảng,
Nhà nước ta hướng tới. Người cho rằng: “Nói một cách đơn giản và dễ hiểu là: Chủ
nghĩa xã hội không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, trước
hết là nhân dân lao động”. Người diễn giải mục đích tổng quát này thành các tiêu chí
cụ thể: Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung
sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, già không lao động được thì nghỉ… Xã
hội ngày càng tiến bộ, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt. Chỉ có chế độ
xã hội chủ nghĩa thì quyền lợi cá nhân, quyền lợi Nhà nước và quyền lợi tập thể mới
thống nhất. Vì vậy, muốn nâng cao đời sống nhân dân, đem lại cho nhân dân cuộc
sống ấm no, tự do, hạnh phúc không có con đường nào khác là phải tiến lên chủ nghĩa
xã hội.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để chăm lo tốt cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc
cho nhân dân, trước hết phải xây dựng nhà nước thực sự là nhà nước của nhân dân, do
nhân dân, vì nhân dân. Chính phủ phải là công bộc của dân. Công việc của Chính phủ
phải nhằm một mục đích duy nhất là đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho
nhân dân. Người nói: “Chính sách của Ðảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom
đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Ðảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là
Ðảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Ðảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là
Ðảng và Chính phủ có lỗi”. Vì vậy, cán bộ Đảng và chính quyền từ trên xuống dưới,
đều phải hết sức quan tâm đến đời sống của nhân dân, phải đặt quyền lợi của nhân dân
lên trên hết. Phải lãnh đạo, tổ chức, giáo dục nhân dân tăng gia sản xuất và tiết kiệm.
Dân đủ ăn, đủ mặc thì những chính sách của Đảng và Chính phủ đưa ra sẽ dễ dàng
thực hiện. Nếu dân đói, rét, bệnh tật thì chính sách của ta dù có hay mấy cũng không
thực hiện được. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn khẳng định trách nhiệm của Đảng, Chính
phủ là bảo đảm tự do, hạnh phúc cho nhân dân, bởi “Nếu nước nhà độc lập mà dân
không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”.
Trên tinh thần các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là
công bộc của dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ “hứa với dân, sẽ gắng sức làm
cho ai nấy đều có phần hạnh phúc”. Trong việc kiến thiết nước nhà, sửa sang mọi việc,
phải làm dần dần, không thể một tháng, một năm mà làm được hết. “Song ngay từ
bước đầu, chúng ta phải theo đúng phương châm... Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức
làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”. Xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn,
xác định công việc cụ thể, bước đi thích hợp để chăm lo đời sống nhân dân, góp phần
từng bước đẩy lùi nạn đói và mang lại quyền lợi dân chủ cho nhân dân, trước hết là
nông dân.
Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh
nhấn mạnh rằng, xây dựng và phát triển đất nước sau kết thúc chiến tranh luôn là một
nhiệm vụ to lớn, nặng nề và phức tạp mà cũng rất vẻ vang. Đó là một cuộc “chiến
đấu”, đầy khó khăn để chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng; để tạo ra những cái mới
mẻ, tốt tươi. Ðể giành lấy thắng lợi trong cuộc “chiến đấu” ấy, Đảng và Chính phủ
không chỉ cần tiến hành “khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế”; “phát triển công
tác vệ sinh, y tế”; “sửa đổi chế độ giáo dục cho hợp với hoàn cảnh mới của nhân dân”;
“củng cố quốc phòng”,... mà còn phải động viên toàn dân, tổ chức, giáo dục toàn dân,
dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân và tạo điều kiện cho nhân dân tự xây dựng đời
sống ấm no, hạnh phúc của mình.
Hàm chứa triết lý phát triển bền vững, Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn lại trong bản
Di chúc lịch sử: “NHÂN DÂN LAO ĐỘNG ta ở miền xuôi cũng như miền núi, đã
bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh
qua nhiều năm chiến tranh.
Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm
không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Vì “đầu tiên là công việc đối với con
người”, nên Người căn dặn phải chăm lo cho các đối tượng “cán bộ, binh sĩ, dân quân
du kích, thanh niên xung phong” để họ có nơi ăn, chốn ở yên ổn đồng thời phải mở
những lớp dạy nghề thích hợp với mọi người; quan tâm đến “cha mẹ, vợ con (của
thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu”, thì chính quyền địa
phương phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét;
có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ
phụ trách mọi công việc, kể cả công việc lãnh đạo. Cùng với đó, Nhà nước và các cấp
chính quyền phải vừa dùng giáo dục, vừa dùng pháp luật để cải tạo và giúp “những
nạn nhân của chế độ xã hội cũ, như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu... trở nên
những người lao động lương thiện”; miễn thuế nông nghiệp một năm cho nông dân để
đồng bào thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất… Những điều Người dặn, những
quyết sách mà Người cùng Đảng và Chính phủ nỗ lực thực hiện đã góp phần chăm lo
đời sống nhân dân, thể hiện chiều sâu tư tưởng nhân văn của chế độ xã hội chủ nghĩa

TLTK
https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/chinh-tri-xay-dung-dang/-/
2018/819653/cham-lo-doi-song-nhan-dan-theo-tu-tuong-ho-chi-minh-trong-giai-doan-
hien-nay.aspx?gidzl=KiIgMmuy-
bLRqgzS3oByL5tNhLWMB_W05jpw2qGjfrSMYQLSGN_q0qVRz5mGAgTMGulm
K3Lbm6G-13VvL0
https://www.hcmcpv.org.vn/tin-tuc/tu-tuong-ho-chi-minh-ve-phat-trien-kinh-te-va-
van-hoa-khong-ngung-nang-cao-doi-song-vat-chat-va-tin-1088497068?
gidzl=trLf5155TsdMGsmJ45jnQD16QHm9Ld8tcqq-JrjKBM2R664ONWP-
DCfAC1WFKorXpXeq53NtA2fD6qvqQ0
https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/kinh-te/-/2018/829014/mot-so-noi-dung-
ve-phat-trien-kinh-te-trong-tu-tuong-ho-chi-minh-va-y-nghia-trong-tinh-hinh-hien-
nay.aspx
https://hochiminh.vn/tu-tuong-dao-duc-ho-chi-minh/nghien-cuu-tu-tuong-dao-duc-ho-
chi-minh/bao-dam-cong-bang-xa-hoi-o-viet-nam-hien-nay-theo-tu-tuong-ho-chi-
minh-6534

You might also like