You are on page 1of 12

ĐỀ SỐ 01

Phần I (6.0 điểm)


Đọc đoạn trích văn bản sau và trả lời câu hỏi:
“… Ông Hai ngồi lặng trên một góc giường. Bao nhiêu ý nghĩ đen tối, ghê rợn, nối
tiếp bời bời trong đầu óc ông lão. Biết đem nhau đi đâu bây giờ? Biết đâu người ta chứa bố
con ông mà đi bây giờ?…
Thật là tuyệt đường sinh sống! Mà không một gì cái đất Thắng này. Ở Đài, ở Nhã
Nam, ở Bố Hạ, Cao Thượng… đâu đâu có người chợ Dầu người ta cũng đuổi như đuổi hủi.
Mà cho dẫu vì chính sách Cụ Hồ người ta chẳng đuổi đi nữa, thì mình cũng chẳng còn mặt
mũi nào đi đến đâu.
“Cả làng chúng nó Việt gian theo Tây …” cái câu nói của người đàn bà tản cư hôm
trước lại dội lên trong tâm trí ông.
Hay là quay về làng?…
Vừa chớm nghĩ như vậy, lập tức ông lão phản đối ngay. Về làm gì cái làng ấy nữa.
Chúng nó theo Tây cả rồi. Về làng tức là bỏ kháng chiến, bỏ Cụ Hồ …
Nước mắt ông giàn ra. Về làng tức là chịu quay lại làm nô lệ cho thằng Tây.”
(Làng - Kim Lân, Ngữ văn 9, tập 1, tr.169, Nxb Giáo dục, 2021)
Câu 1: (0.5 điểm) Nêu hoàn cảnh sáng tác của tác phẩm có chứa đoạn trích trên.
Câu 2: (0.5 điểm) Các câu: “Cả làng chúng nó Việt gian theo Tây …”; “Hay là quay về
làng?” mang đặc điểm của hình thức ngôn ngữ nào?
Câu 3: (0.5 điểm) Khi xây dựng nhân vật ông Hai, tác giả luôn để ông hướng về làng Chợ
Dầu với tình yêu tha thiết. Vậy tại sao tác giả không đặt tên truyện ngắn là “Làng Chợ
Dầu”?
Câu 4: (4.0 điểm) Bằng những hiểu biết về truyện ngắn Làng, hãy viết đoạn văn diễn dịch
phân tích tâm trạng nhân vật ông Hai trong đoạn trích trên. Đoạn văn có sử dụng phép thế
dùng để liên kết và một lời dẫn trực tiếp (gạch chân, chú thích).
Câu 5: (0.5 điểm) Trong chương trình Ngữ văn THCS, cũng có một tác phẩm viết về nỗi
đau khổ của người nông dân khi rơi vào tình cảnh “tuyệt đường sinh sống”. Đó là tác phẩm
nào? Tác giả là ai?
Phần II (4.0 điểm)
Đọc đoạn trích văn bản sau và trả lời câu hỏi bên dưới:
“… Bạn đã bao giờ cười chê một người có khiếm khuyết chưa? Bất cứ ai được hỏi
như thế, hẳn chẳng dám trả lời rằng chưa. Chê bai người khác là một nhược điểm phổ biến
trong tính cách con người. Tuy nhiên, đây không phải là điều quá quan trọng, và càng
không phải là “căn bệnh” hết cách chữa. Lòng nhân ái, sự cảm thông, ấy là “phương
thuốc” hữu hiệu để trị “căn bệnh” này. Thật vậy, khi mà khả năng yêu thương, đồng cảm,
chia sẻ đối với người khác dần dần được bồi đắp trong ta, khi ta biết đặt mình vào hoàn
cảnh người khác để nghĩ suy và thức tỉnh, thì lúc ấy, tiếng cười ngạo mạn vô lối sẽ không có
lí do để bật ra.”
(Theo Minh Đăng, Tiếng cười không muốn nghe - Tạp chí Hồng Lĩnh, số 170/2020)
Câu 1: (0.5 điểm) Nêu phương thức biểu đạt chính của văn bản?
Câu 2: (0.5 điểm) Dựa vào việc đọc - hiểu nội dung đoạn trích, em hãy lí giải vì sao tác giả
cho rằng “Chê bai người khác là một nhược điểm phổ biến trong tính cách con người. Tuy
nhiên, đây không phải là điều quá quan trọng, và càng không phải là “căn bệnh” hết cách
chữa”?
Câu 3: (3.0 điểm) Dựa vào những hiểu biết về thực tế xã hội, hãy viết một đoạn văn nghị
luận khoảng 2/3 trang giấy thi để gửi đến người đọc thông điệp: “Hãy biết đặt mình vào
hoàn cảnh của người khác để nghĩ suy và thức tỉnh!”.
-----Hết-----
ĐỀ SỐ 02
Phần I (4.0 điểm)
Đọc kĩ đoạn văn sau và trả lời câu hỏi:
Có phải chúng ta đang ngày càng ít nói với nhau hơn. Chúng ta gặp nhau qua email,
tin nhắn, chúng ta đọc blog hay những status trên Facebook của nhau mỗi ngày, chúng ta
những tưởng đã hiểu hết về nhau mà không cần thốt nên lời. Có phải vậy chăng? Có phải
chúng ta cũng như loài cá heo có thể giao tiếp với nhau bằng sóng siêu âm. Tiếng nói của
con người dùng để làm gì nếu không phải để thổ lộ, để giãi bày, để xoa dịu. Nếu muốn được
hiểu thì phải nói trước đã. Vậy thì còn ngần ngừ chi nữa, hãy nói với nhau đi. Nói với ba,
với mẹ, với anh chị, với em, với bạn bè… Đừng chat, đừng email, đừng post lên Facebook
của nhau, hãy chạy đến gặp nhau, hay ít nhất hãy nhấc điện thoại lên, thậm chí chỉ để gọi
nhau một tiếng “ơi” dịu dàng.
(Phạm Lữ Ân, Nếu biết trăm năm là hữu hạn, NXB Hội Nhà văn, tr48-49)
Câu 1: (0.5 điểm) Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn văn trên.
Câu 2: (0.5 điểm) Chỉ ra công dụng của dấu chấm lửng được sử dụng trong đoạn văn.
Câu 3: (1.0 điểm) Tìm một câu hỏi tu từ trong đoạn văn. Dụng ý của tác giả khi sử dụng câu
hỏi tu từ đó?
Câu 4: (2.0 điểm) Từ ý văn trên, hãy viết một đoạn văn (khoảng nửa trang giấy thi) bàn về
thực trạng nghiện Facebook trong cuộc sống xã hội ngày nay.
Phần II (6.0 điểm)
Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi bên dưới:
Trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”, Phạm Tiến Duật đã viết:
“Không có kính, rồi xe không có đèn
Không có mui xe, thùng xe có xước
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước
Chỉ cần trong xe có một trái tim.”
Câu 1: (1.0 điểm) Nhan đề bài thơ có gì đặc biệt?
Câu 2: (1.0 điểm) Vì sao có thể nói hình ảnh những chiếc xe không kính trong bài thơ là
hình ảnh độc đáo?
Câu 3: (4.0 điểm) Hình ảnh người lính lái xe Trường Sơn trong những năm kháng chiến
chống Mĩ cứu nước hiện lên thật đẹp trong khổ cuối của bài thơ. Hãy làm rõ điều đó bằng
một đoạn văn Tổng hợp - Phân tích - Tổng hợp (khoảng 12 câu). Trong đoạn văn có sử dụng
một câu ghép và một trợ từ (có gạch chân và chú thích).
-----Hết-----
ĐỀ SỐ 03
Phần I. (6.5 điểm)
Đọc và trả lời câu hỏi bên dưới:
Khi chép khổ thơ đầu bài thơ “Sang thu” của nhà thơ Hữu Thỉnh, có bạn học sinh đã
chép như sau:
“Đã nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về”
Câu 1: (1.0 điểm) Hãy cho biết bạn đó đã chép sai từ nào? Theo em, việc chép sai từ như
thế ảnh hưởng tới giá trị của câu thơ và bài thơ như thế nào?
Câu 2: (0.5 điểm) Xác định thành phần tình thái trong khổ thơ trên và cho biết tác dụng.
Câu 3: (1.5 điểm) Hãy chép khổ thơ cuối của bài thơ trên. Nêu ý nghĩa nhan đề của bài thơ.
Câu 4: (3.0 điểm) Bài thơ “Sang thu” của Hữu Thỉnh đã thể hiện những cảm nhận vô cùng
tinh tế của nhà thơ về khoảnh khắc giao mùa từ hạ sang thu. Hãy viết một đoạn văn theo
phương pháp tổng - phân - hợp để làm rõ hình ảnh thiên nhiên lúc giao mùa và cảm xúc của
tác giả qua khổ thơ mở đầu bài thơ “Sang thu” (trong đoạn văn có sử dụng một câu ghép và
một thành phần biệt lập, gạch chân, chú thích rõ).
Câu 5: (0.5 điểm) Nêu tên một bài thơ khác trong chương trình Ngữ văn 9 có cùng thời kì
sáng tác với bài thơ “Sang thu”, ghi rõ tên tác giả.
Phần II (3.5 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
LỖI LẦM VÀ SỰ BIẾT ƠN
Hai người bạn cùng đi qua sa mạc. Trong chuyến đi, giữa hai người có xảy ra một
cuộc tranh luận, và một người nổi nóng, không kiềm chế được mình đã nặng lời miệt thị
người kia. Cảm thấy bị xúc phạm, anh không nói gì, chỉ viết lên cát: “Hôm nay người bạn
tốt nhất của tôi đã làm khác đi những gì tôi nghĩ.”
Họ đi tiếp, tìm thấy một ốc đảo, và quyết định đi bơi. Người bị miệt thị lúc nãy bây
giờ bị đuối sức và chìm dần xuống. Người bạn kia đã tìm cách cứu anh. Khi đã lên bờ, anh
lấy một miếng kim loại khắc lên đá: “Hôm nay người bạn tốt nhất của tôi đã cứu sống tôi.”
Người kia hỏi: “Tại sao khi tôi xúc phạm anh, anh viết lên cát, còn bây giờ anh lại
khắc lên đá?”
Anh kia trả lời: “Những điều viết lên cát sẽ mau chóng xóa nhòa theo thời gian,
nhưng không ai có thể xóa được những điều tốt đẹp đã được ghi tạc trên đá, trong lòng
người.”
Vậy mỗi chúng ta hãy học cách viết những nỗi đau buồn, thù hận lên cát và khắc ghi
những ân nghĩa lên đá.
(Trích Ngữ văn 9, tập 2, NXB Giáo dục 2015)
Câu 1: (0.5 điểm) Nêu phương thức biểu đạt chính của văn bản trên.
Câu 2: (1.0 điểm) Chép chính xác một câu văn có chứa lời dẫn trực tiếp trong văn bản trên.
Vì sao em biết câu văn đó có chứa lời dẫn trực tiếp?
Câu 3: (2.0 điểm) Văn bản “Lỗi lầm và sự biết ơn” khép lại với thông điệp: “Vậy mỗi
chúng ta hãy học cách viết những nỗi đau buồn, thù hận lên cát và khắc ghi những ân nghĩa
lên đá.”
Bằng những hiểu biết của mình, hãy viết một đoạn văn khoảng 2/3 trang giấy thi trình bày
cảm nhận của em về ý nghĩa bức thông điệp trên.
-----Hết-----
ĐỀ SỐ 04
Phần I (6.0 điểm)
Đọc và trả lời câu hỏi bên dưới:
Tác phẩm “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long đã khắc họa thành công hình
ảnh những con người lao động mới. Dưới đây là một phần trích trong tác phẩm:
- Quê cháu ở Lào Cai này thôi. Năm trước, cháu tưởng cháu được đi xa lắm cơ đấy,
hóa lại không. Cháu có ông bố tuyệt lắm. Hai bố con cùng viết đơn xin ra lính đi mặt trận.
Kết quả: bố cháu thắng cháu một – không. Nhân dịp Tết, một đoàn các chú lái máy bay lên
thăm cơ quan cháu ở Sa Pa. Không có cháu ở đấy. Các chú lại cử một chú lên tận đây. Chú
ấy nói: nhờ cháu có góp phần phát hiện một đám mây khô mà ngày ấy, tháng ấy, không
quân ta hạ được bao nhiêu phản lực Mĩ trên cầu Hàm Rồng. Đối với cháu, thật là đột ngột,
không ngờ lại là như thế. Chú lái máy bay có nhắc đến bố cháu, ôm cháu mà lắc “Thế là
một – hòa nhé!”. Chưa hòa đâu bác ạ. Nhưng từ hôm ấy cháu sống thật hạnh phúc. Ơ, bác
vẽ cháu đấy ư? Không, không, đừng vẽ cháu! Để cháu giới thiệu với bác những người khác
đáng cho bác vẽ hơn.
(Ngữ văn 9, tập 1, NXB Giáo dục, 2018)
Câu 1: (0.5 điểm) Nêu hoàn cảnh ra đời và xác định thể loại của tác phẩm “Lặng lẽ Sa Pa”.
Câu 2: (1.0 điểm) Trong đoạn trích trên, nhân vật “cháu” (anh thanh niên) trò chuyện với
ai? Lời trò chuyện ấy giúp em cảm nhận được những nét đẹp nào của nhân vật này?
Câu 3: (4.0 điểm) Dựa vào tác phẩm “Lặng lẽ Sa Pa”, em hãy viết đoạn văn khoảng 12 câu
theo phép lập luận tổng hợp - phân tích - tổng hợp làm rõ vẻ đẹp của nhân vật anh thanh
niên trong mối quan hệ với mọi người. Đoạn văn có sử dụng phép thế để liên kết cấu và một
câu chứa thành phần biệt lập phụ chú (gạch dưới, chú thích rõ từ ngữ dùng làm phép thế và
thành phần biệt lập phụ chú).
Câu 4: (0.5 điểm) Kể tên một văn bản khác trong chương trình Ngữ văn 9 cùng giai đoạn
sáng tác với tác phẩm “Lặng lẽ Sa Pa”, ghi rõ tên tác giả.
Phần II (4.0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Trong các dụng cụ của con người, có lẽ chúng tôi thuộc loại bé nhất. Tuy bé nhưng
nhà ai cũng cần đến. Các bạn có biết chúng tôi là ai không? Chúng tôi là cái kim khâu,
bằng kim loại, bề ngang độ nửa mi-li-mét, bề dài khoảng hai, ba xăng-ti-mét, một đầu nhọn,
một đầu tù, có lỗ tròn để xâu chỉ. Kim phải cứng mới dùng được. Khi đứt cúc, sứt chỉ, thế
nào cũng phải có tôi thì mới xong. […]
Chúng tôi bé thật đấy, nhưng không tầm thường chút nào! Chúng tôi làm được
những việc mà những kẻ to xác không làm được. Như vậy có phải là rất đáng tự hào không?
(Ngữ văn 9, tập 1, NXB Giáo dục, 2018)
Câu 1: (0.5 điểm) Xác định phương thức biểu đạt chính trong đoạn trích trên.
Câu 2: (0.5 điểm) Xét theo mục đích nói, câu văn “Các bạn có biết chúng tôi là ai không?”
thuộc kiểu câu gì?
Câu 3: (1.0 điểm) Phân tích tác dụng của biện pháp nghệ thuật nhân hóa trong đoạn trích
trên.
Câu 4: (2.0 điểm) Từ hình ảnh cây kim “bé thật đấy, nhưng không tầm thường chút nào” tự
hào vì “làm được những việc mà những kẻ to xác không làm được” kết hợp với hiểu biết xã
hội, hãy viết khoảng 2/3 trang giấy thi trình bày suy nghĩ của em về ý kiến: Tự tin vào giá trị
bản thân sẽ giúp mọi người khẳng định chính mình.
-----Hết----
ĐÈ SỐ 5

Phần I (7.0 điểm)


Cho câu thơ sau:
Tám năm ròng cháu cùng bà nhóm lửa
Câu 1: (1.0 điểm) Câu thơ trên trích trong tác phẩm nào? Của ai? Nêu hoàn cảnh sáng tác
và xuất xứ của tác phẩm đó.
Câu 2: (1.0 điểm) Chép chính xác 10 câu thơ tiếp theo câu thơ trên và cho biết nội dung
đoạn thơ em vừa chép.
Câu 3: (1.0 điểm) Theo em, từ “ròng” trong câu thơ trên có nghĩa là gì? Nêu giá trị của từ
đó trong câu thơ. Tìm một từ có thể thay thế từ “ròng” trong câu thơ trên .
Câu 4: (3.5 điểm) Hãy viết một đoạn văn khoảng 10 - 12 câu theo cách lập luận diễn dịch
nêu cảm nhận của em về hình ảnh người bà trong đoạn thơ em vừa chép, trong đoạn có sử
dụng một câu bị động và thành phần khởi ngữ (gạch chân và chú thích rõ).
Câu 5: (0.5 điểm) Trong chương trình Ngữ văn THCS có 01 tác phẩm có chung đề tài với
tác phẩm ở Câu 1. Hãy kể tên tác phẩm đó và nêu tên tác giả.
Phần II (3.0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:
Chúng ta đang sống trong một thế giới bị sự dễ dàng cám dỗ. Ta muốn vẻ bề ngoài
khỏe mạnh và cân đối, nhưng lại không muốn luyện tập để đạt được nó. Ta muốn thành
công trong sự nghiệp nhưng lại tự nhủ giá như có một cách nào đó để thành công mà không
phải làm việc vất vả và tuân theo kỉ luật. Ta ước mơ có một cuộc đời tràn đầy niềm vui,
không nỗi sợ nhưng lại thường xuyên né tránh các biện pháp hiệu quả nhất (như dậy sớm,
chấp nhận rủi ro, lập mục tiêu, đọc sách), những điều chắc chắn sẽ đưa ta đến ý tưởng của
mình. Chẳng có gì miễn phí. Chẳng có buổi tiệc nào là buổi chiêu đãi. Điều tốt đẹp trong
đời luôn đòi hỏi sự hi sinh và tận hiến … Thành công đâu tự nhiên mà có. Chúng đến từ
những nỗ lực và phát triển liên tục không ngừng. Đừng rơi vào ảo tưởng rằng cuộc đời tốt
đẹp sẽ đến mà không cần nỗ lực. Hãy nỗ lực hết mình, và điều tốt đẹp sẽ đến với bạn.
(Trích Đời ngắn ngủi, đừng ngủ dài - Robin sharma, NXB Trẻ, trang 180)

Câu 1: (0.5 điểm) Chỉ ra và gọi tên một thành phần biệt lập có trong đoạn văn bản trên.
Câu 2: (0.5 điểm) Theo em tác giả muốn gửi tới mỗi chúng ta thông điệp gì qua đoạn trích
trên?
Câu 3: (2.0 điểm) Từ văn bản trên cùng những hiểu biết của em về xã hội, hãy viết đoạn
văn nghị luận khoảng 2/3 trang giấy thi, trình bày suy nghĩ của em về ý kiến: “Hãy nỗ lực
hết mình, và điều tốt đẹp sẽ đến với bạn.”
-----Hết-----

You might also like