You are on page 1of 34

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

ĐỀ LUYỆN THI VÀO 10


MÔN NGỮ VĂN

Họ và tên học sinh: …………………………..


Lớp: ……………….

NĂM HỌC 2022 – 2023


ĐỀ LUYỆN SỐ 1

Phần I. Bài thơ “Đồng chí” (Chính Hữu) đã khai thác chất thơ, vẻ đẹp của người lính
trong cái bình dị, bình thường, chân thật. Trong bài thơ, tác giả viết:
Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không mặc kệ gió lung lay
Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính.
Anh với tôi biết từng cơn ớn lanh
Sốt run người vừng trán ướt mồ hôi.
Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay.
1. Nêu hoàn cảnh sáng tác của bài thơ. Tác phẩm này được in trong tập thơ nào
của Chính Hữu?
2. Trong các từ in đậm ở đoạn thơ, từ nào được dùng theo nghĩa gốc, từ nào được
dùng theo nghĩa chuyển? Nghĩa chuyển được hình thành theo phương thức nào?
3. Em hãy viết một đoạn văn khoảng 12 câu theo phép lập luận diễn dịch cảm nhận
hình ảnh người lính trong bài thơ, trong đó có sử dụng câu phủ định, phép nối để liên kết
(gạch chân, chú thích rõ một câu phủ định và từ ngữ dùng làm phép nối).
4. Kể tên một văn bản khác trong chương trình Ngữ văn cấp THCS cũng viết về
tiếng cười của những người lính, ghi rõ tên tác giả.
Phần II. Đọc đoạn trích dưới đây và thực hiện yêu cầu:
[…] Và cái thập loại chúng sinh Đá chen chúc khắp vịnh Hạ Long kia, già đi, trẻ
lại, trang nghiêm hơn hay bỗng nhiên nhí nhảnh, tinh nghịch hơn, buồn hơn hay vui
hơn,…hóa thân không ngừng là tùy theo góc độ và tốc độ di chuyển của ta trên mặt nước
quanh chúng, hoặc độ xa gần và hướng ta tiến đến chúng hay rời xa chúng, hoặc đột
nhiên khiến cho mái đầu một nhân vật Đá trẻ trung ta chừng đã quen lắm bỗng bạc xóa
lên, và rõ ràng trước mắt ta là một bậc tiên ông không còn có tuổi.
[…]
Hạ Long vậy đó, cho ta một bài học sơ đẳng mà cao sâu: Trên thế gian này, chẳng
có gì là vô tri cả.
(Theo Nguyên Ngọc- Hạ Long- Đá và Nước, Ngữ văn 9, tập 1)
1. Xác định các phương thức biểu đạt có trong đoạn trích.
2. Chỉ ra và nêu tác dụng của một biện pháp tu từ được sử dụng trong cách diễn
đạt “Và cái thập loại chúng sinh Đá chen chúc khắp vịnh Hạ Long kia, già đi, trẻ lại,
trang nghiêm hơn hay bỗng nhiên nhí nhảnh, tinh nghịch hơn, buồn hơn hay vui hơn,
[…]” .
3. Từ đoạn trích trên kết hợp với những hiểu biết xã hội, hãy trình bày suy nghĩ
của em (khoảng 2/3 trang giấy thi) về ý kiến: Cỏ dại cũng là hoa, khi bạn đã hiểu
chúng.
ĐỀ LUYỆN SỐ 2

Phần I (7.0 điểm). Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi:
“Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không mặc kệ gió lung lay
Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính.”
(Đồng chí - Chính Hữu)
1. Bài thơ “Đồng chí” ra đời trong hoàn cảnh nào? Giải thích ý nghĩa nhan đề
bài thơ.
2. Chỉ ra biện pháp tu từ hoán dụ trong câu thơ “Giếng nước gốc đa nhớ người
ra lính”. Biện pháp tu từ hoán dụ đã mang lại hiệu quả gì trong việc diễn đạt?
3. Khép lại bài thơ là một bức tranh đẹp về tình đồng chí:
“Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo.”
Hãy viết đoạn văn (khoảng 10-12 câu) theo cách lập luận T – P -H nêu cảm nhận về
đoạn thơ trên. Trong đoạn văn có sử dụng một câu ghép và một lời dẫn trực tiếp (gạch
chân và chú thích rõ).
4. Trong chương trình Ngữ văn 9 cũng có một tác phẩm cùng giai đoạn sáng tác
với bài thơ “Đồng chí”. Đó là tác phẩm nào? Của ai?
Phần II (3.0 điểm). Đọc đoạn văn sau đây và trả lời câu hỏi:
Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:
“Hãy làm việc tốt vì bản chất của chúng ta là như thế. Hãy làm việc tốt vì nó không
những giúp ích cho người khác mà còn mang lại cho bạn cảm giác thực sự thoải mái và
mãn nguyện. Hãy làm điều tốt vì chính những điều đó sẽ là ngọn đuốc thắp sáng con
đường đi tìm ý nghĩa của cuộc sống cũng như giá trị của bản thân bạn. Bạn là người duy
nhất cần được biết điều đó. Cuộc sống này là của bạn, vì vậy dù bất cứ giá nào đi chăng
nữa thì bạn cũng nên sống hết lòng với nó, không phải vì bất kỳ ai mà vì chính bạn.”
(Kent M. Keith Ph. D, 10 nghịch lí cuộc sống, NXB Trẻ, 2008)
1. Nêu phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên.
2. Theo tác giả, làm việc tốt sẽ mang lại những điều tốt đẹp như thế nào?
3. Từ việc đoạn trích trên kết hợp với hiểu biết xã hội của em, hãy viết đoạn văn
khoảng 2/3 trang giấy thi trình bày suy nghĩ của em về ý kiến: Hãy làm việc tốt vì chính
bạn.
ĐỀ LUYỆN SỐ 3

Phần I (6.5 điểm):


Mở đầu tác phẩm “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của nhà thơ Phạm Tiến Duật
là hình ảnh những chiếc xe không kính và người lính lái xe Trương Sơn:
“Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi
Ung dung buồng lái ta ngồi
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.”
(Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018.)
1. Nêu xuất xứ, hoàn cảnh sáng tác của “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”, và
cho biết ý nhan đề bài thơ có gì đặc biệt.
2. Hãy viết một đoạn văn (khoảng 10 đến 12 câu) theo cách lập luận tổng hợp -
phân tích - tổng hợp để làm rõ hình ảnh những chiếc xe không kính và người lính lái xe
được thể hiện trong khổ thơ trên. Trong đoạn văn có sử dụng câu nghi vấn và phép nối
(gạch chân, chú thích rõ câu nghi vấn và phép nối).
3. Cũng trong tác phẩm “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” ở một khổ thơ khác
tác giả viết:
“Không có kính, ừ thì ướt áo
Mưa tuôn mưa xối như ngoài trời”
Hãy chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ so sánh được sử dụng trong hai
câu thơ trên.
4. Nắng mưa là những hiện tượng xuất hiện trong tự nhiên và cũng được đưa vào
thơ ca. Hãy kể tên một văn bản khác trong chương trình Ngữ văn 9 có nhắc đến cơn mưa
và ghi rõ tên tác giả.
Phần II (3.5 điểm):
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Bạn ơi, nếu bạn muốn sống một đời mà không phạm chút sai lầm nào, làm gì được
nấy, thì đó hoặc là bạn ảo tưởng, hoặc là bạn hèn nhát trước cuộc đời. Một người mà
lúc nào cũng sợ thất bại, làm gì cũng sợ sai lầm là một người sợ hãi thực tế, trốn tránh
thực tế, và suốt đời không bao giờ có thể tự lập được… Sai lầm cũng có hai mặt. Tuy nó
đem lại tổn thất, nhưng nó cũng đem đến bài học cho đời. Khi tiến bước vào tương lai,
bạn làm sao tránh được sai lầm? Nếu bạn sợ sai thì bạn chẳng dám làm gì…. Thất bại
là mẹ của thành công. Tất nhiên bạn không phải là người liều lĩnh, mù quáng, cố ý phạm
sai lầm. Chẳng ai thích sai lầm cả. Có người phạm sai lầm thì chán nản. Có kẻ sai lầm
rồi thì tiếp tục sai lầm thêm. Nhưng có người biết suy nghĩ, rút kinh nghiệm, tìm con
đường khác để tiến lên. Những người sáng suốt dám làm, không sợ sai lầm, mới là người
làm chủ số phận của mình.
(“Không sợ sai lầm”, theo Hồng Diễm Ngữ văn 7, tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam,
2019)
1. Xác định phương thức biểu đạt chính và chỉ ra một câu tục ngữ được sử dụng
trong đoạn trích trên.
2. Theo tác giả, khi gặp sai lầm con người thường có những cách giải quyết nào?
3. Từ nội dung đoạn trích trên và hiểu biết thực tế, em hãy trình bày suy nghĩ
(khoảng 2/3 trang giấy thi) về ý kiến: Những người sáng suốt dám làm, không sợ sai lầm,
mới là người làm chủ số phận của mình.
ĐỀ LUYỆN SỐ 4

Phần I (6.5 điểm). Kết thúc tác phẩm “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”, nhà thơ
Phạm Tiến Duật khẳng định:
“Xe vẫn chạy vì Miền Nam phía trước
Chỉ cần trong xe có một trái tim.”
(Ngữ văn 9, tập một - NXB Giáo dục Việt Nam, 2019)
1. Tác phẩm “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” viết về chủ đề gì? Kể tên một tác
phẩm khác đã học trong chương trình Ngữ văn 9 cũng viết về chủ đề đó và ghi rõ tên tác
giả.
2. Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong hai câu thơ trên.
Bài thơ đã xây dựng một hình tượng thơ rất độc đáo – những chiếc xe không kính.
Hãy nêu ý nghĩa của hình tượng thơ đó.
3. Cũng trong bài thơ trên, ở khổ thơ thứ ba tác giả viết:
“Không có kính, ừ thì có bụi,
Bụi phun tóc trắng như người già
Chưa cần rửa, phì phép châm điếu thuốc
Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha.”
3. Hãy viết một đoạn văn (khoảng 12 câu) theo cách lập luận quy nạp trình bày
cảm nhận của em về hình ảnh người lính lái xe kiên cường, dũng cảm, trẻ trung, sôi nổi
được thể hiện trong khổ thơ trên trên. Trong đoạn văn, em có sử dụng câu cảm thán và
thành phần phụ chú (gạch chân, chú thích rõ câu cảm thán và thành phần phụ chú).
4. Ghi lại một khổ thơ khác trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” cũng sử
dụng kết cấu câu “Không có…ừ thì…”.
Phần II (4.0 điểm):
Đọc văn bản sau và thực hiện theo yêu cầu:
ĐIỀU GÌ LÀ QUAN TRỌNG?
“Chuyện xảy ra tại một trường trung học.
Thầy giáo giơ cao một tờ giấy trắng, trên đó có một vệt đen dài và đặt câu hỏi với học
sinh:
- Các em có thấy gì không?
Cả phòng vang lên câu trả lời:
- Đó là một vệt đen.
Thầy giáo nhận xét:
- Các em trả lời không sai. Nhưng không ai nhận ra đây là một tờ giấy trắng ư?
Và thầy kết luận:
- Con người thường chú tâm đến những lỗi lầm nhỏ nhặt của người khác mà quên
đi những phẩm chất tốt đẹp của họ. Khi phải đánh giá về một sự việc hay một con người,
thầy mong các em đừng chú trọng vào vệt đen mà hãy nhìn ra tờ giấy trắng với nhiều
mảng sạch mà ta có thể viết lên đó những điều có ích cho đời.”
(Trích Quà tặng cuộc sống – Dẫn theo http://gacsach.com)
1. Văn bản trên sử dụng phương thức biểu đạt chính nào? Xác định phép liên kết
câu và chỉ rõ phương tiện liên kết trong đoạn văn: “Các em trả lời không sai. Nhưng
không ai nhận ra đây là một tờ giấy trắng ư? Và thầy kết luận:…”
2. Theo tác giả, con người chúng ta hay mắc sai lầm nào khi nhìn nhận, đánh giá
người khác? Nêu ra điều đó người viết muốn thể hiện thái độ gì?
3. Từ văn bản trên cùng với những hiểu biết xã hội, hãy trình bày suy nghĩ của em
(khoảng 2/3 trang giấy thi) về lời khuyên của thầy giáo: “Khi phải đánh giá về một sự
việc hay một con người, thầy mong các em đừng chú trọng vào vệt đen mà hãy nhìn ra
tờ giấy trắng với nhiều mảng sạch mà ta có thể viết lên đó những điều có ích cho đời.
ĐỀ LUYỆN SỐ 5
Phần I (6.5 điểm):
Trong tác phẩm “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”, nhà thơ Phạm Tiến có đoạn:
“Những chiếc xe từ trong bom rơi
Đã về đây họp thành tiểu đội
Gặp bè bạn suốt dọc đường đi tới
Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi.

Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời


Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy
Võng mắc chông chênh đường xe chạy
Lại đi, lại đi trời xanh thêm.”
(Ngữ văn 9, tập 1 – NXB Giáo dục, 2019)
1. “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” được viết vào năm nào và in trong tập thơ
nào của Phạm Tiến Duật?
2. Em hiểu “Bếp Hoàng Cầm” được nhắc đến trong đoạn thơ trên như thế nào?
Việc đưa hình ảnh đó vào bài thơ có ý nghĩa gì?
3. Hãy viết một đoạn văn (khoảng 10-12 câu) theo cách lập luận tổng – phân – hợp
để làm rõ đời sống vật chất và tinh thần của những người lính lái xe được thể hiện trong
đoạn thơ trên. Trong đoạn văn có sử dụng câu phủ định và phép thế (gạch chân và chú
thích rõ câu phủ định và phép thế).
4. Hình ảnh cái “bắt tay” trong đoạn thơ trên gợi cho em nhớ đến câu thơ nào đã
học. Chép chính xác câu thơ đó và cho biết câu thơ em vừa chép thuộc tác phẩm nào ?
Của ai?
Phần II (3.5 điểm):
Đọc phần trích sau đây và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
“Hãy tiếp tục làm những điều mà trái tim bạn tin rằng nó đúng với bản thân. Hãy
để giấc mơ của bạn lớn mạnh hơn nỗi sợ hãi và hãy để hành động của bạn nói thay
những lời sáo rỗng. Đừng để bản thân sống bằng sự may rủi, hãy sống bằng những lựa
chọn của chính bạn. Thay vì luôn đổ lỗi bản thân thì tại sao bạn không thay đổi? Đừng
để những quyết định của bạn nằm trên miệng lưỡi của người khác.
Bạn nói bạn không học giỏi toán nhưng thực sự bạn không chịu học. Bạn nói bạn
không biết làm thơ thật ra thì bạn chưa hề làm thơ. Năng khiếu có thể là tự nhiên nhưng
các kỹ năng chỉ có thể được phát triển bởi từng giờ, từng ngày tập luyện.
Đây là cuộc đời của bạn, và chỉ duy nhất của bạn. Người khác có thể cùng đi với
bạn, nhưng không ai có thể đi thay nó cho bạn.”
(Theo Tùng Khuê - CareerLink.vn từ “Mười lời khuyên hữu ích cho bản thân”)
1. Ghi lại 02 câu cầu khiến có trong đoạn văn trên và cho biết người viết sử dụng
liên tiếp các câu cầu khiến nhằm mục đích gì?
2. Theo tác giả, ngoài năng khiếu tự nhiên, các kỹ năng của mỗi người còn phụ thuộc
vào yếu tố nào?
3. Từ nội dung đoạn trích cùng những hiểu biết của bản thân, em hãy viết một
đoạn văn nghị luận (khoảng 2/3 trang giấy thi) để làm sáng tỏ nhận định: Chuyện ta cần
làm trong đời không phải vượt lên trên người khác mà là vượt lên trên chính ản thân
mình.
ĐỀ LUYỆN SỐ 6
Phần I (6 điểm):
Trong tác phẩm “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”, nhà thơ Phạm Tiến Duật có
viết:
“Võng mắc chông chênh đường xe chạy
Lại đi, lại đi trời xanh thêm”
(Ngữ văn 9, tập 1 – NXB Giáo dục, 2019)
1. Hình ảnh những chiếc xe không kính trong bài thơ mang những nét độc đáo,
khác lạ, hãy chỉ ra sự độc đáo khác lạ đó. Việc đưa hình ảnh này vào bài thơ giúp em
hiểu thêm điều gì về tác giả Phạm Tiến Duật?
2. Xét về cấu tạo, từ “chông chênh” thuộc từ loại gì? Ghi lại một câu thơ khác
trong một bài thơ đã học ở chương trình Ngữ văn THCS cũng sử dụng từ “chông chênh”
và cho biết tên bài thơ, người sáng tác.
3. Chỉ ra và nêu hiệu quả nghệ thuật của một biện pháp tu từ có trong hai câu thơ
trên?
4. Kết thúc bài thơ, tác giả viết:
“Không có kính, rồi xe không có đèn,
Không có mui xe, thùng xe có xước,
Xe vẫn chạy vì miền Nam phái trước:
Chỉ cần trong xe có một trái tim.”
Hãy viết một đoạn văn (khoảng 12 câu) theo cách lập luận diễn dịch để làm rõ vẻ
đẹp của người chiến sĩ lái xe được thể hiện trong khổ thơ trên. Trong đoạn văn có sử
dụng câu nghi vấn và phép lặp (gạch chân và ghi chú câu nghi vấn và phép lặp).
Phần II (4 điểm):
Đọc đoạn văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
“Việc tỏ ra mình là người luôn đúng - nghĩa là người khác sai - sẽ đẩy chúng ta
vào thế sẵn sàng tranh cãi với bất kỳ ai không cùng quan điểm. Và nếu tình trạng này cứ
tiếp diễn sẽ khiến đầu óc chúng ta tốn rất nhiều năng lượng cũng như làm chúng ta xao
nhãng với cuộc sống xung quanh. Mặc dù vậy, nhiều người vẫn dành rất nhiều thời gian
và công sức để chứng minh (hay bảo vệ) quan điểm của mình và cho rằng người khác đã
sai. Vô tình hay hữu ý, nhiều người tin rằng việc đưa ra ý kiến riêng “đúng đắn” sẽ giúp
người khác điều chỉnh họ và học hỏi thêm nhiều điều. Thực ra, điều này hoàn toàn sai.
Bạn hãy nhớ lại xem, đã bao giờ bạn bị ai đó “sửa lưng” và bạn nói với họ: “Cảm
ơn bạn đã chỉ cho tôi thấy điều tôi sai!”. Hoặc đã bao giờ có ai đó nói cảm ơn khi bạn
phản đối họ hay chứng tỏ bạn đúng họ sai. Sự thật là đa phần chúng ta đều không thích
bị người khác vạch ra sai lầm của mình. Con người luôn mong muốn người khác lắng
nghe và được công nhận. Do đó, một người biết cách lắng nghe thường là người được
yêu quý và tôn trọng. Những người có thói quen hay phản đối người khác thường chỉ
nhận được phản ứng bực bội và bị lảng tránh.
(Richard Carlson - Tất cả đều là chuyện nhỏ, NXB Tổng hợp Thành phố
HCM, trang 35)
1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên và ghi lại một thành
phần biệt lập có trong đoạn trích, cho biết đó là thành phần biệt lập gì?
2. Theo tác giả, người biết cách lắng nghe và người hay phản đối người khác sẽ
nhận được những cách ứng xử khác nhau như thế nào từ những người xung quanh?
3. Từ nội dung đoạn trích trên và những hiểu biết xã hội, hãy trình bày suy nghĩ
của em (khoảng 2/3 trang giấy) về ý kiến : Biết lắng nghe người khác là một trong cách
giúp chúng ta tự hoàn thiện bản thân”.
ĐỀ LUYỆN SỐ 7

Phần I (6.5 điểm):


Với tình yêu thiên nhiên, con người và cuộc sống mới, một nhà thơ đã miêu tả cảnh
đoàn thuyền ra khơi đánh cá:
“Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi,
Câu hát căng buồm cùng gió khơi.”
(Ngữ văn 9, tập một - NXB Giáo dục Việt Nam, 2020)
1. Những câu thơ trên được trích từ bài thơ nào? Của ai? Cho biết hoàn cảnh sáng
tác bài thơ ?
2. Hãy chỉ ra và nêu hiệu quả nghệ thuật của một biện pháp tu từ được sử dụng trong
hai câu thơ trên.
3. Cũng trong bài thơ chứa những câu thơ trên, tác giả viết:
“Hát rằng: cá bạc biển Đông lặng,
Cá thu biển Đông như đoàn thoi
Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng.
Đến dệt lưới ta, đoàn cá ơi!”
Bằng một đoạn văn (khoảng 12 câu) theo phép lập luận diễn dịch, hãy trình bày cảm
nhận của em về tinh thần lạc quan yêu đời, niềm vui lao động của đoàn thuyền trong hành
trình ra khơi đánh cá. Trong đoạn văn có sử dụng câu ghép và câu có thành phần cảm
thán (gạch một gạch dưới câu ghép, hai gạch dưới thành phần cảm thán).
4. Trong bài thơ chứa những câu thơ trên, có một khổ thơ khác cũng nêu tên các
loài cá. Hãy ghi lại chính xác khổ thơ đó.
Phần II (3.5 điểm):
Đọc kĩ văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
“…Đối với tôi, nguyên tắc thành công đến từ một điều cơ bản: sống trong thế chủ
động. Cần gì thì lên tiếng. Muốn gì thì đấu tranh. Kiến thức do học tập. Thành tựu nhờ
lao động. Chẳng có cái gì ở trên đời này tự nhiên mà có. Chủ động lèo lái thì mới có cơ
may đưa con thuyền cuộc đời cập bến bờ mơ ước. Dù sóng gió, giông bão xảy ra trên hải
trình vạn dặm, có giữ vững bánh lái, cầm chắc tay chèo thì mới đến được đất liền. Sống
mà không biết tự cứu lấy mình, sống thụ động buông thả, thì cũng giống như một con bè
trên dòng nước lớn, để mặc sóng gió xô đâu trôi đó, được chăng hay chớ, rồi sẽ mệt nhoài
vì giông bão cuộc đời.
… Sống thụ động thì chẳng khác gì đời cây cỏ. Như thế khác nào tự đào hố chôn
mình. Sống ở thế chủ động là chủ động học tập, chủ động hỏi han, chủ động giúp đỡ
người khác, chủ động gợi ý người khác giúp đỡ mình. Chứ em không cứu mình thì ai
cứu được em.”
(Rosie Nguyễn – Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu, NXB Hội nhà văn, 2017)
1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn văn bản trên.
2. Chỉ ra và nêu tác dụng của một biện pháp tu từ trong câu văn sau: “Sống mà không
biết tự cứu lấy mình, sống thụ động buông thả, thì cũng giống như một con bè trên dòng
nước lớn, để mặc sóng gió xô đâu trôi đó, được chăng hay chớ, rồi sẽ mệt nhoài vì giông
bão cuộc đời”.
3. Từ nội dung đoạn văn bản trên và hiểu biết xã hội, hãy trình bày suy nghĩ của
em (khoảng 2/3 trang giấy thi) về ý kiến: Sống chủ động là một trong những nguyên tắc
để thành công.
ĐỀ LUYỆN SỐ 8

Phần I (6.5 điểm)


Bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận đã khắc họa nhiều hình ảnh đẹp tráng
lệ, thể hiện sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người lao động. Trong bài thơ, tác giả viết:
“Cá thu biển Đông như đoàn thoi
Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng”
(Ngữ văn 9, tập một - NXB Giáo dục Việt Nam, 2020)
1. Bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” được viết theo thể thơ nào ? Hãy trình bày mạch
cảm xúc của bài thơ.
2. Chỉ ra và nêu hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu
thơ: “Cá thu biển Đông như đoàn thoi”.
3. Cũng trong bài thơ chứa những câu thơ trên, tác giả viết:
“Cá nhụ cá chim cùng cá đé,
Cá song lấp lánh đuốc đen hồng,
Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe.
Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long.”
Bằng một đoạn văn (khoảng 12 câu) theo phép lập luận diễn dịch, hãy trình bày cảm
nhận của em về sự giàu đẹp của biển quê hương được thể hiện trong khổ thơ trên. Trong
đoạn văn có sử dụng câu bị động và câu chứa thành phần khởi ngữ (gạch một gạch dưới
câu bị động, hai gạch dưới thành phần khởi ngữ).
4. Kể tên một văn bản khác trong chương trình Ngữ văn 9 cũng ca ngợi vẻ đẹp của
người lao động trong thời kì miền Bắc xây dựng XHCN, ghi rõ tác giả.
Phần II (3.5 điểm)
Đọc kĩ văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
“Thái độ là yếu tố quyết định tất cả. Mỗi người đều có quyền nắm giữ và kiểm soát
một thái độ sống cho riêng bản thân. Nó là yếu tố còn quan trọng hơn cả học thức, ngoại
hình và tiền bạc. Chính thái độ sẽ quyết định bạn được mọi người yêu quý hay ghen ghét,
xem thường. Nó là yếu tố kéo mọi người gần bạn hay đẩy họ ra xa bạn.”
(Trích “ Thái độ quyết định thành công”- Wayne Cordeiro, NXB Tổng hợp TP.Hồ
Chí Minh, 2016)
1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên.
2. Xác định một phép liên kết được sử dụng trong hai câu văn in nghiêng ở đoạn
văn trên và chỉ rõ từ ngữ dùng làm phương tiện liên kết. Theo tác giả, vì sao thái độ lại
“quan trọng hơn cả học thức, ngoại hình và tiền bạc”?
3. Từ nội dung đoạn văn bản trên và hiểu biết xã hội, hãy trình bày suy nghĩ của em
(khoảng 2/3 trang giấy thi) về ý kiến: Thái độ tích cực tạo nên sức mạnh.
ĐỀ LUYỆN SỐ 9

Phần I (6.5 điểm)


Bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” là một khúc tráng ca về lao động và về thiên
nhiên đất nước.
1. Bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” được sáng tác trong hoàn cảnh nào ? Xác định
phương thức biểu đạt của bài thơ ?
2. Kết thúc bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá”, nhà thơ Huy Cận viết:
“Câu hát căng buồm với gió khơi,
Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời.
Mặt trời đội biển nhô màu mới,
Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi.”
(Ngữ văn 9, tập một - NXB Giáo dục Việt Nam, 2020)
Trong đoạn thơ trên, những hình ảnh nào được lặp lại ở khổ thơ đầu ? Nêu ý nghĩa
của sự lặp lại đó.
3. Bằng một đoạn văn (khoảng 12 câu) theo phép lập luận tổng phân hợp, hãy trình
bày cảm nhận của em về niềm vui phơi phới của những người dân chài khi làm chủ biển
khơi được thể hiện trong khổ thơ trên. Trong đoạn văn có sử dụng câu phủ định và câu
chứa thành phần phụ chú (gạch một gạch dưới câu phủ định, hai gạch dưới thành phần
phụ chú).
4. Kể tên một bài thơ khác trong chương trình Ngữ văn 9 cũng có kết cấu đầu cuối
tương ứng, ghi rõ tác giả.
Phần II (3.5 điểm)
Đọc kĩ văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
“Sai lầm cũng có hai mặt. Tuy nó đem lại tổn thất, nhưng nó cũng đem đến bài học
cho đời. Khi tiến bước vào tương lai, bạn làm sao tránh được sai lầm? Nếu bạn sợ sai thì
bạn chẳng dám làm gì…. Thất bại là mẹ của thành công. Tất nhiên bạn không phải là
người liều lĩnh, mù quáng, cố ý phạm sai lầm. Chẳng ai thích sai lầm cả. Có người phạm
sai lầm thì chán nản. Có kẻ sai lầm rồi thì tiếp tục sai lầm thêm. Nhưng có người biết suy
nghĩ, rút kinh nghiệm, tìm con đường khác để tiến lên. Những người sáng suốt dám làm,
không sợ sai lầm, mới là người làm chủ số phận của mình.”
(“Không sợ sai lầm”, Hồng Diễm, NXB Giáo dục Việt Nam, 2019)
1. Theo tác giả, khi gặp sai lầm con người thường có những cách giải quyết nào?
2. Xác định một phép liên kết được sử dụng trong hai câu văn in nghiêng ở đoạn
văn trên và chỉ rõ từ ngữ dùng làm phương tiện liên kết. Xét theo cấu tạo, câu văn: “Tuy
nó đem lại tổn thất, nhưng nó cũng đem đến bài học cho đời.” thuộc kiểu cầu gì ?
3. Từ nội dung đoạn trích trên và hiểu biết thực tế, em hãy trình bày suy nghĩ
(khoảng 2/3 trang giấy thi) về ý kiến: Những người sáng suốt dám làm, không sợ sai lầm,
mới là người làm chủ số phận của mình.
ĐỀ LUYỆN SỐ 10

Phần I (6.5 điểm)


Bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận đã khắc họa nhiều hình ảnh đẹp tráng
lệ, thể hiện sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người lao động. Trong bài thơ, tác giả viết:
“Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe
Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long”
(Ngữ văn 9, tập một - NXB Giáo dục Việt Nam, 2020)
1. Ghi lại năm sáng tác của bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá”. Bài thơ được trích từ
tập thơ nào của nhà thơ Huy Cận ? Trình bày chủ đề của bài thơ ?
2. Chỉ ra và nêu hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu
thơ: “Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe”.
3. Cũng trong bài thơ chứa những câu thơ trên, tác giả viết:
“Ta hát bài ca gọi cá vào,
Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao.
Biển cho ta cá như lòng mẹ
Nuôi lớn đời ta tự buổi nào.”
Bằng một đoạn văn (khoảng 12 câu) theo phép lập luận quy nạp, hãy trình bày cảm
nhận của em về sự giàu đẹp và sự ân nghĩa, thủy chung, bao la của biển cả được thể hiện
trong khổ thơ trên. Trong đoạn văn có sử dụng câu nghi vấn và một thành phần biệt lập
tình thái (gạch một gạch dưới câu nghi vấn, hai gạch dưới thành phần biệt lập tình thái).
4. Chép thuộc 2 câu thơ thể hiện sự hào phóng, bao dung, che chở của thiên nhiên
dành cho con người trong chương trình Ngữ văn 9, ghi rõ tên bài thơ và tác giả.
Phần II (3.5 điểm)
Đọc kĩ văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
“Sự học mà đã hạ xuống là học “tủ” thì chúng tôi cũng không cần làm việc cùng
các bạn nữa. Sao không có một “hãng” nào đó in ra độ 500 bài làm sẵn để học sinh cứ
việc mang về học thuộc như con vẹt, rồi đem nguyên văn chép lại cho hội đồng chấm thi
duyệt xem chép sai hay đúng, việc gì còn phải lôi thôi bày đặt ra chương trình học tập để
bắt trẻ em ngày ngày phải đến trường ?”
(Theo Nghiêm Toản, Luận văn thi phạm)
1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích? Qua đoạn trích trên, tác giả
muốn phản ánh nội dung gì?
2. “Sự học mà đã hạ xuống là học “tủ” thì chúng tôi cũng không cần làm việc cùng
các bạn nữa.” Xét theo cấu tạo, câu văn trên thuộc kiểu câu gì? Câu văn đã thể hiện thái
độ gì của người viết?
3. Qua đoạn văn trên, kết hợp với hiểu biết xã hội, hãy viết đoạn văn nghị luận
khoảng 2/3 trang giấy thi trình bày suy nghĩ của em về vấn đề: “Ý thức học tập của con
người sẽ quyết định đến tương lai sau này của mỗi cá nhân.”
ĐỀ LUYỆN SỐ 11

Phần I (6.5 điểm). Cho đoạn thơ sau:


Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa
(Theo Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2020)
1. Đoạn thơ trên thuộc bài thơ nào? Tác giả là ai? Hãy nêu xuất xứ của bài thơ chứa
đoạn thơ trên.
2. Xác định và nêu tác dụng của biện pháp tu từ điệp ngữ được sử dụng trong đoạn
trên.
3. Theo mạch cảm xúc khơi nguồn kỉ niệm về bếp lửa và bà, nhà thơ tiếp tục nhớ
về những kí ức thuở nhỏ bên người bà thân yêu:
“Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói
Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi
Bố đi đánh xe khô rạc ngựa gầy
Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu
Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay”.
4. Từ nội dung đoạn thơ, hãy viết đoạn văn khoảng 12 câu theo phép lập luận tổng
hợp – phân tích – tổng hợp để làm rõ những kỉ niệm của hai bà cháu về một thời gian khổ,
thiếu thốn, nhọc nhằn. Đoạn văn có sử dụng phép liên kết và câu đơn mở rộng thành phần.
(Gạch chân, chú thích rõ một phép liên kết và một câu đơn mở rộng thành phần).
5. Trong chương trình Ngữ văn THCS, có rất nhiều tác phẩm viết về chủ đề tình
cảm bà cháu sâu nặng, thiêng liêng, hãy kể tên một tác phẩm, ghi rõ tên tác giả.
Phần II. (3.5 điểm):
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
“Bất cứ ai cũng đã từng thất bại, đã từng vấp ngã ít nhất một lần trong đời như một
quy luật bất biến của tự nhiên. Có nhiều người có khả năng vực dậy, đứng lên rồi nhẹ
nhàng bước tiếp như thể chẳng có chuyện gì xảy ra, nhưng cũng có nhiều người chỉ
có thể ngồi một chỗ và vẫn luôn tự hỏi lí do vì sao bản thân lại có thể dễ dàng “mắc
bẫy” đến như thế…
Bất kì vấp ngã nào trong cuộc sống cũng đều mang lại cho ta một bài học đáng giá:
Về một bài toán đã áp dụng cách giải sai, về lòng tốt đã gửi nhầm chủ nhân hay về một
tình yêu lâu dài bỗng phát hiện đã trao nhầm đối tượng.
(...) Đừng để khi tia nắng ngoài kia đã lên, mà con tim vẫn còn băng lạnh. Đừng để khi
cơn mưa kia đã tạnh, mà những giọt lệ trên mi mắt vẫn còn tuôn rơi. Thời gian làm tuổi
trẻ đi qua nhanh lắm, không gì là mãi mãi, nên hãy sống hết mình để không nuối tiếc
những gì chỉ còn lại trong quá khứ mà thôi...”
(Trích“Hãy học cách đứng lên sau vấp ngã”)
1. Hãy chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên. Dấu ngoặc kép được
sử dụng ở câu in đậm có công dụng gì?
2. Tác giả đã đưa ra những dẫn chứng nào để khẳng định“Bất kì vấp ngã nào trong
cuộc sống cũng đều mang lại cho ta một bài học đáng giá”?
3. Từ nội dung của đoạn trích trên, kết hợp với hiểu biết xã hội và trải nghiệm của
cá nhân em, hãy trình bày suy nghĩ (khoảng 2/3 trang giấy thi) về sức mạnh của niềm hi
vọng trong cuộc sống.
ĐỀ LUYỆN SỐ 12

Phần I (6.5 điểm). Trong bài thơ “Bếp lửa”, nhà thơ Bằng Việt viết:
“Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói
Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi
Bố đi đánh xe, khô rạc ngựa gầy
Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu
Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay.”
1. Nêu hoàn cảnh sáng tác của bài thơ. Tác giả đã nhớ lại những kỉ niệm nào vào năm lên bốn
tuổi?. Chỉ ra một câu thơ thực hiện hành động nói bộc lộ cảm xúc trong đoạn trên.
2. Em hãy phân tích tác dụng của việc sử dụng cụm từ “đói mòn đói mỏi” trong đoạn thơ trên.
3. Khi dòng cảm xúc dâng trào trong những miền kí ức xa xăm về người bà của mình, nhà thơ
đã tái hiện hình ảnh bà thật đẹp đẽ trong những câu thơ tiếp theo:
“Tám năm ròng, cháu cùng bà nhóm lửa
Tu hú kêu trên những cánh đồng xa
Khi tu hú kêu, bà còn nhớ không bà?
Bà hay kể chuyện những ngày ở Huế.
Tiếng tu hú sao mà tha thiết thế!
Mẹ cùng cha công tác bận không về,
Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe,
Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học,
Nhóm bếp lửa nghĩ thương bà khó nhọc,
Tu hú ơi! Chẳng đến ở cùng bà,
Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa?”
Bằng một đoạn văn khoảng 12 câu theo phép lập luận tổng hợp – phân tích – tổng hợp,
em hãy làm rõ hình ảnh người bà và tình cảm của cháu dành cho bà qua khổ thơ trên, trong đó
có sử dụng phép nối và câu chứa thành phần biệt lập tình thái.
4. Hình ảnh bếp lửa trong bài thơ của Bằng Việt cũng gợi cho ta nhớ đến hình ảnh bếp Hoàng
Cầm – biểu tượng cho tình cảm ấm áp, gắn bó của những người cùng trải qua gian khó trong
chiến tranh. Em hãy cho biết trong chương trình Ngữ văn THCS, bài thơ nào xuất hiện hình ảnh
bếp Hoàng Cầm và tác giả bài thơ đó.
Phần II (3.5 điểm). Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
Đôi khi cuộc sống dường như muốn cố tình đánh ngã bạn. Nhưng hãy đừng mất lòng
tin. Tôi biết chắc chắn rằng, điều duy nhất đã giúp tôi tiếp tục bước đi chính là tình yêu của tôi
dành cho những gì tôi đã làm. Các bạn phải tìm ra được cái các bạn yêu quý. Điều đó luôn
đúng cho công việc và cho những người thân yêu của bạn. Công việc sẽ chiếm phần lớn cuộc
đời bạn và cách duy nhất để thành công một cách thực sự là hãy làm những việc mà bạn tin
rằng đó là những việc tuyệt vời. Và cách tạo ra những công việc tuyệt vời là bạn hãy yêu công
việc mình làm. Nếu như các bạn chưa tìm thấy nó, hãy tiếp tục tìm kiếm. Đừng bỏ cuộc bởi vì
bằng trái tim bạn, bạn sẽ biết khi nào bạn tìm thấy nó.
(Steve Jobs với những phát ngôn đáng nhớ, http://vnexpress.net, ngày 26/8/2011)
1. Xác định và chỉ rõ một phép liên kết câu được sử dụng trong các câu in đậm.
2. Theo tác giả Steve Jobs, cách duy nhất để thành công thực sự là gì? Tác giả muốn
khích lệ chúng ta những điều gì qua đoạn trích trên?
3.Dựa vào đoạn trích trên kết hợp với những hiểu biết xã hội, hãy trình bày suy nghĩ của
em (khoảng 2/3 trang giấy thi) về ý kiến: Cuộc sống sẽ trở nên ý nghĩa hơn khi ta biết yêu những
công việc ta làm.
ĐỀ LUYỆN SỐ 13

Phần I (6.5 điểm). Ở bài thơ “Bếp lửa”, nhớ về kỉ niệm “Tám năm ròng” nhà thơ
Bằng Việt viết:
“…Mẹ cùng cha công tác bận không về
Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe
Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học…”
1. Bài thơ “Bếp lửa” được viết năm nào và được in trong tập thơ nào?
2. Chỉ trong hai dòng thơ hình ảnh “bà” và “cháu” được nhắc lại bốn lần. Điều đó
có ý nghĩa gì?
3. Hình ảnh bà hiện lên thật đẹp, đầy lay động trong mỗi khổ thơ. Hãy viết đoạn văn
quy nạp (khoảng 12 câu) để làm rõ tấm lòng yêu thương và sự hi sinh âm thầm của bà
được thể hiện trong khổ dưới đây. Trong đoạn sử dụng câu bị động và phép thế để liên
kết câu (gạch chân chỉ rõ).
“Năm giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi
Hàng xóm bốn bên trở về lầm lụi
Đỡ đần bà dựng lại túp lều tranh
Vẫn vững lòng bà dặn cháu đinh ninh:
“Bố ở chiến khu, bố còn việc bố,
Mày có viết thư chớ kể này, kể nọ
Cứ bảo nhà vẫn được bình yên!”
4. Trong chương trình Ngữ văn 9 cũng có tác phẩm khác cũng nhắc hình ảnh
giặc đốt làng. Đó là tác phẩm nào? Nêu rõ tên tác giả.
Phần II: (3.5 điểm)
Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi bên dưới
.... Lãng phí thời gian là mất tuyệt đối. Mất tiền có thể kiếm lại được tiền, mất xe
có thể sắm lại được nhưng mất thời gian thì chịu, đố ai có thể kiếm lại được. Thời gian
là một dòng chảy thẳng; không bao giờ dừng lại và cũng không bao giờ quay lùi. Mọi cơ
hội, nếu bỏ qua là mất. Tuổi trẻ mà không làm được gì cho đời, cho bản thân thì nó vẫn
xồng xộc đến với tuổi già. Thời gian là một dòng chảy đều đặn, lạnh lùng, chẳng bao giờ
chờ đợi sự chậm trễ. Hãy quý trọng thời gian, nhất là trong thời đại trí tuệ này; nền kinh
tế tri thức đã và đang làm cho thời gian trở nên vô giá. Chưa đầy một giờ, công nghệ
Nhật Bản đã có thể sản xuất một tấn thép; con tàu tốc hành của các nước phát triển trong
vài giờ đã có thể vượt qua được vài ngàn kilomet. Mọi biểu hiện đủng đỉnh, rềnh ràng
đều trở nên lạc lõng trong xu thế toàn cầu hiện nay. Giải trí là cần thiết, nhưng chơi bời
quá mức, để thời gian trôi qua vô vị là có tội với đời, với tương lai đất nước…..
(Phong cách sống của người đời - http://www.chungta.com)
1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn văn trên?
2. Tại sao tác giả viết: Giải trí là cần thiết nhưng chơi bời quá mức, để thời gian
trôi qua vô vị là có tội với đời, với tương lai đất nước?
3. Từ thông điệp của văn bản trên, hãy viết đoạn văn (2/3 trang giấy thi) trình bày
suy nghĩ của em về câu nói của Steve Jobs: Tương lai được mua bằng hiện tại.
ĐỀ LUYỆN SỐ 14

Phần I (6.0 điểm). Dưới đây là khổ thơ thứ 4 và khổ thơ thứ 5 của một bài thơ:
“Năm giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi
Hàng xóm bốn bên trở về lầm lụi
Đỡ đần bà dựng lại túp lều tranh
Vẫn vững lòng bà dặn cháu đinh ninh:
“Bố ở chiến khu ,bố còn việc bố,
Mày có viết thư chớ kể này, kể nọ
Cứ bảo nhà vẫn được bình yên!”

Rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen


Một ngọn lửa, lòng bà luôn ủ sẵn
Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng…”
1. Hai khổ thơ trên trích trong tác phẩm nào? Do ai sáng tác? Cho biết trình tự
mạch cảm xúc của tác phẩm đó.
2. Từ “đinh ninh” trong đoạn thơ có nghĩa là gì? Từ “ đinh ninh” kết hợp cùng
lời dặn của bà giúp người đọc hiểu được điều gì về người bà?
3. Dựa vào khổ thơ thứ 5 của bài thơ, hãy viết đoạn văn ( khoảng 12 câu) theo cách
lập luận tổng- phân - hợp để làm rõ vẻ đẹp và tấm lòng của người bà . Đoạn văn có sử
dụng câu phủ định và phép lặp (gạch chân, chỉ rõ).
4. Hãy kể tên một tác phẩm thơ trong chương trình Ngữ văn lớp 9 cùng giai đoạn
sáng tác với tác phẩm chứa đoạn thơ trên. Đó là tác phẩm nào? Của ai?
Phần II (4.0 điểm). Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:
“Mỗi chúng ta đều giống một đóa hoa. Có những bông hoa lớn và cũng có những
bông hoa nhỏ, có những bông nở sớm và những bông nở muộn, có những đóa hoa rực
rỡ sắc màu được bày bán ở những cửa hàng lớn, cũng có những đóa hoa đơn sắc kết
thúc “đời hoa” bên vệ đường. Sứ mệnh của hoa là nở. Cho dù không có những ưu thế để
như nhiều loài hoa khác, cho dù được đặt ở bất cứ đâu, thì cũng hãy bừng nở rực rỡ,
bung ra những nét đẹp mà chỉ riêng ta mới có thể mang đến cho đời.
[...] Hãy bung nở đóa hoa của riêng mình dù có được gieo mầm ở bất cứ đâu.
(Trích Mình là nắng việc của mình là chói chang, Kazuko Watanabe, NXB Thế giới,
2018)
1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên. Hãy chỉ ra kiểu hành
động nói ở câu văn được in đậm? Hành động nói đó được thực hiện theo cách nào?
2. Hình ảnh những bông hoa trong đoạn trích ẩn dụ cho điều gì? Theo em, qua
đoạn trích trên, tác giả muốn gửi gắm tới chúng ta thông điệp gì?
3. Từ thông điệp “Mỗi chúng ta đều giống một đóa hoa” làm đẹp cho đời, kết hợp
với hiểu biết của em về xã hội, hãy viết một đoạn văn nghị luận khoảng 2/3 trang giấy
thi trình bày suy nghĩ của em về lối sống đẹp.
ĐỀ LUYỆN SỐ 15

Phần I (6.5 điểm):


Mở đầu bài thơ” Ánh trăng”, Nguyễn Duy viết:
“Hồi nhỏ sống với đồng
với sông rồi với bể
hồi chiến tranh ở rừng
vầng trăng thành tri kỉ

Trần trụi với thiên nhiên


hồn nhiên như cây cỏ
ngỡ không bao giờ quên
cái vầng trăng tình nghĩa”
(Ngữ văn 9, tập 1 – NXB Giáo dục, 2018)
1. Bài thơ “Ánh trăng” được sáng tác trong hoàn cảnh nào? Hoàn cảnh sáng tác ấy
có ảnh hưởng thế nào đến chủ đề của bài thơ?
2. Trong bài thơ, các hình ảnh “đồng, sông, bể, rừng” được nhắc lại ở một khổ thơ
khác. Chép chính xác khổ thơ đó. Các hình ảnh “đồng, sông, bể, rừng” ở hai khổ thơ
khác nhau như thế nào?
3. Hãy viết một đoạn văn (khoảng 12 câu) theo cách lập luận diễn dịch trình bày
cảm nhận của em về đoạn thơ trên. Trong đoạn văn có sử dụng câu chứa thành phần cảm
thán và phép nối (gạch chân, ghi chú thành phần cảm than, phép nối).
4. Ghi lại một bài thơ khác đã học trong chương trình Ngữ văn THCS cũng xuất
hiện hình ảnh trăng và nêu rõ tên tác giả.
Phần II (3.5 điểm):
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu,
“Một nhiếp ảnh gia bất ngờ bị kẹt trong một vùng lũ. Đập vào mắt anh là cảnh một
bé trai đang vật lộn trong dòng nước chảy xiết với cánh tay chới với cố bám lấy một
cành cây để khỏi bị lũ cuốn trôi. Trong tích tắc nhiếp ảnh gia nghĩ tới một tác phẩm
độc đáo cho cuộc thi nhiếp ảnh sắp diễn ra nhưng thay vì lấy máy ảnh ra tác nghiệp,
anh buông ba lô lao xuống dòng nước cứu đứa bé. Đồ nghề của anh bị lũ cuốn trôi và
không tác phẩm nào của anh được gửi tới cuộc thi nhiếp ảnh. Bù lại anh có khoảnh khắc
đẹp nhất của cuộc đời mình: khoảng khắc anh đưa tay kéo được đứa bé về phía mình
ngay trước một vùng nước xoáy.”
(Trích Những ngọn lửa – Nguyễn Bích Lan, NXB Phụ nữ 2015)
1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn văn trên. Chỉ ra phép liên kết
câu và các từ ngữ được sử dụng làm phương tiện liên kết ở những câu văn in đậm trong
đoạn trích trên.
2. Trong đoạn trích trên, em hãy cho biết nhiếp ảnh gia đã nhận được gì và mất gì?
3. Từ đoạn trích trên và những hiểu biết xã hội, hãy trình bày suy nghĩ của em
(khoảng 1/2 trang giấy thi) về bài học “cho” và “nhận” trong cuộc sống.
ĐỀ LUYỆN SỐ 16

Phần I (6.5 điểm): Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi:
Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng
như là đồng là bể
như là sông là rừng

Trăng cứ tròn vành vạnh


kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình.
(“Ánh trăng” – Nguyễn Duy, Ngữ văn 9, NXB Giáo dục, 2014)
1. Trình bày ý nghĩa nhan đề bài thơ?
2. Ở phần trên của bài thơ, khi nói đến sự xuất hiện của vầng trăng, tác giả đã viết
“vầng trăng tròn”; trong đoạn thơ này, một lần nữa nhà thơ lại viết “Trăng cứ tròn vành
vạnh”. Theo em, việc lặp lại hình ảnh này có ý nghĩa gì?
3. Trong câu thơ “Ngửa mặt lên nhìn mặt”, từ “mặt” nào dùng theo nghĩa gốc, từ
“mặt” nào được theo nghĩa chuyển, chuyển nghĩa theo phương thức gì?
4. Viết một đoạn văn (khoảng 10 đến 12 câu) theo cách lập luận tổng – phân –hợp
nêu cảm nhận của em về khổ thơ trên. Trong đoạn văn có sử dụng câu bị động và khởi
ngữ (gạch một gạch dưới câu bị động, gạch hai gạch dưới khởi ngữ)
Phần II (3.5 điểm): Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu,
Có thể thấy, nói tục, chửi thề để lại rất nhiều tác hại, hiệu ứng của nói tục dù
là vô tình hay cố ý cũng đều gây khó chịu cho người nghe, sứt mẻ mối quan hệ, làm
tổn thương người khác. Không chỉ có vậy, người nói tục, chửi thề cũng tự làm giảm
đi giá trị bản thân và không đáng cho người khác tôn trọng. Để môi trường văn hóa
hiện nay không bị ô nhiễm bởi “rác” ngôn ngữ, các bậc phụ huynh nên quan tâm, chia
sẻ, xem con mình như những người bạn để thấu hiểu tâm tư nguyện vọng, có những điều
chỉnh phù hợp, để các con hiểu rằng buông lỏng giá trị ngôn ngữ là rất gần với buông
lỏng giá trị hành vi chuẩn mực của con người.
(“Rác” ngôn ngữ, thói quen xấu cần loại bỏ - Nguyễn Văn Tuân - Quốc phòng
thủ đô online ngày 22/10/2020)
1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn văn trên. Chỉ ra một phép liên kết
trong hai câu văn in đậm.
2. Theo tác giả, việc nói tục, chửi thề có những tác hại gì ?
3. Nhà văn Nguyễn Đình Thi khi còn sống than rằng ông cả đời sợ nhất hai loại
rác: rác ngôn ngữ và rác thải. Lời tâm sự của nhà văn đã gợi cho em những suy nghĩ gì
về hiện trạng rác ngôn ngữ xung quanh chúng ta hiện nay. Từ đoạn trích trên và từ thực
tế cuộc sống, em hãy viết một đoạn văn (khoảng 2/3 trang giấy thi) trình bày suy nghĩ
của em về vấn đề đó.
ĐỀ LUYỆN SỐ 17

Phần I (7.0 điểm): Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi bên dưới
“Từ hồi về thành phố
quen ánh điện, cửa gương
vầng trăng đi qua ngõ
như người dưng qua đường

Thình lình đèn điện tắt


phòng buyn-đinh tối om
vội bật tung cửa sổ
đột ngột vầng trăng tròn”
(Trích “Ánh trăng” – Nguyễn Duy)
1. Xác định thể thơ và phương thức biểu đạt của đoạn thơ trên.
2. Từ ngữ nào cho em thấy hoàn cảnh sống hiện tại của nhân vật trữ tình? Đó là
hoàn cảnh như thế nào?
3. Trong hai khổ thơ trên tác giả dùng hình ảnh ‘vầng trăng”. Tại sao đến khổ thơ
cuối ông lại viết “ánh trăng” ?
4. Viết một đoạn văn quy nạp (từ 12-15 câu) làm rõ cảm xúc của nhà thơ về vầng
trăng trong hiện tại. Trong đoạn văn có sử dụng câu ghép và thành phần biệt lập tình
thái. (Gạch chân, chú thích rõ câu ghép và thành phần biệt lập tình thái)
Phần II (3.0 điểm): Đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Định nghĩa thành công cũng khác nhau ở mỗi người. Tôi còn nhớ sự chia sẻ của
Jessica Lu, chuyên gia tư vấn nhân sự của Tập đoàn Towers Watson, người đã nghỉ hưu
ở tuổi 40 vì đã đạt được những mục tiêu về tài chính: “Tôi tự thấy mình là người thành
công, vì hiện giờ tôi đã trở thành chính xác con người mà tôi từng mong ước”. Thành
công tức là trở thành người mình từng mong muốn trở thành, một định nghĩa thú vị. Quả
thật, điều thử thách nhất và mãn nguyện nhất trong cuộc sống, không phải là trở thành
người thành công trong mắt người khác, hay trong cái nhìn của xã hội, mà là vượt lên
bản thân, đạt được những mục tiêu của mình, và trở thành người mà mình từng mong
ước. Còn đối với tôi, thành công chính là sống trọn vẹn với tất cả tiềm năng của mình...
(Trích Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu? – Rossie Nguyễn, NXB Hội nhà văn, 2018)
1. Xác định thành phần khởi ngữ mà tác giả sử dụng.
2. Theo tác giả, “thành công chính là sống trọn vẹn với tất cả tiềm năng của
mình…”
a. Em hãy giải nghĩa từ “tiềm năng”.
b. Còn em, em quan niệm thế nào là thành công? Để chạm tới được thành công,
chúng ta cần làm gì? Hãy trình bày suy nghĩ của mình bằng một bài văn
nghị luận khoảng 2/3 trang giấy thi.
ĐỀ LUYỆN SỐ 18

Phần I: (6,5 điểm)


Mùa thu luôn là nguồn cảm hứng bất tận của thi ca. Nhà thơ Hữu Thỉnh cũng
góp vào đề tài này thi phẩm “Sang thu” sâu lắng.
1. Nêu hoàn cảnh ra đời của bài thơ “Sang thu”
2. Từ “hình như” trong khổ 1 thuộc thành phần biệt lập nào? Qua từ “hình như”
em hiểu gì về cảm xúc của tác giả?
3. Phân tích hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ nhân hóa trong câu thơ:
“Sương chùng chình qua ngõ”.
4. Cảm nhận được sự biến chuyển diệu kì của thiên nhiên, đất trời trong khoảnh
khắc giao mùa, ở khổ thơ thứ hai của bài thơ “Sang thu”, Hữu Thỉnh viết:
“Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu”
Viết một đoạn văn (khoảng 12 câu) theo cách lập luận diễn dịch trình bày cảm
nhận của em về những biến chuyển trong không gian lúc giao mùa từ hạ sang thu ở khổ
thơ trên. Đoạn văn có sử dụng 1 phép nối và 1 câu bị động (gạch chân và chỉ rõ)
Phần II (3,5 điểm)
Đọc kỹ đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi:
Chưa bao giờ vai trò của một cá nhân lại dễ dàng nhận ra như thế. Dù bạn là ai,
là một người nông dân, công nhân, doanh nhân, công chức, viên chức hay chính trị gia
thì bạn đều bình đẳng trước dịch bệnh. Mọi ứng xử của bạn đều có tác động rất lớn tới
cộng đồng, và ngược lại, mối nguy cơ của cộng đồng cũng ràng buộc trực tiếp tới nguy
cơ của bạn. Tôi biết bạn muốn vượt qua trận dịch kinh khủng này và đang tìm mọi cách
để sống sót, để khỏe mạnh và để lại tiếp tục những dự định, kế hoạch cuộc đời. Bạn sẽ
mặc bộ đồ vũ trụ, gom thật nhiều thực phẩm, trốn kỹ trong nhà hoặc chạy đến một hoang
đảo nào đó? Rất có thể cách đó có tác dụng. Nhưng cũng có cách hiệu quả hơn rất nhiều.
Nó đây và nếu bạn thấy đúng, hãy chia sẻ công thức này để nhiều người cùng biết: hãy
có trách nhiệm với cộng đồng. Đó là phương pháp đúng đắn nhất để bảo vệ bản thân.
(Trích “Có trách nhiệm với cộng đồng là tự bảo vệ bản thân”, Trần Thu Thủy,
Vn.Express, 27/3/2020)
1. Đoạn văn trên sử dụng phương thức biểu đạt nào?
2. Tìm trong đoạn trích ba từ thuộc cùng một trường từ vựng. Gọi tên trường từ
vựng ấy.
3. Từ nội dung đoạn trích, kết hợp những hiểu biết xã hội, em hãy viết đoạn văn
khoảng 2/3 trang giấy thi trình bày suy nghĩ về trách nhiệm của mỗi cá nhân với cộng
đồng trong cuộc sống ngày nay.
ĐỀ LUYỆN SỐ 19

Phần I. (6.0 điểm)


“Bài thơ khép lại với hình ảnh “sấm” và “hàng cây” vừa có tính tả thực vừa mang
ý nghĩa ẩn dụ, gợi ra những suy tư thâm trầm.”
1. Câu văn trên gợi em nhớ tới bài thơ nào? Của ai? Trình bày mạch cảm xúc của
bài thơ.
2. Trong khổ cuối của bài thơ đó, tác giả sử dụng một loạt các từ biểu đạt về mặt
định lượng để diễn tả sự vô định của thiên nhiên, đó là những từ ngữ nào? Những từ ngữ
ấy sử dụng theo phép tu từ nào? Nêu hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ ấy.
3. Trong chương trình Ngữ văn 9, em đã được học một bài thơ mà khổ thơ cuối
cũng mang đậm triết lí sâu xa. Em hãy chép chính xác khổ thơ đó.
4. Ngỡ ngàng, thích thú trước những tín hiệu đầu tiên báo thu về, nhà thơ đã viết:
“Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về.”
Dựa vào đoạn thơ trên, viết đoạn văn từ 10 - 12 câu theo cách lập luận diễn dịch
làm rõ cảm nhận tinh tế của nhà thơ về những biến chuyển của đất trời trong khoảnh
khắc giao mùa từ hạ sang thu, trong đoạn có sử dụng một câu ghép và phép nối (gạch
chân và chỉ rõ câu ghép và phép nối).
Phần II (4 điểm): Đọc phần trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Kính gửi thầy,
Con tôi sẽ phải học tất cả những điều này. Rằng không phải tất cả mọi người đều
công bằng, tất cả mọi người đều chân thật. Nhưng xin thầy hãy dạy cho cháu biết cứ mỗi
kẻ vô lại ta gặp thì ở đâu đó sẽ có một vị anh hùng (…)
Xin hãy dạy cho cháu khoanh tay làm ngơ trước một đám đông đang gào thét... và
đứng thẳng người bảo vệ những gì cháu cho là đúng…
Xin hãy đối xử dịu dàng với cháu nhưng đừng vuốt ve nuông chiều cháu bởi vì chỉ
có sự thử thách của lửa mới tôi luyện nên được những thanh sắt cứng rắn.
Xin hãy dạy cho cháu biết rằng cháu phải luôn có niềm tin tuyệt tối vào bản thân,
bởi vì khi đó cháu sẽ luôn có niềm tin tuyệt đối vào nhân loại.
Đây quả là một yêu cầu quá lớn, tôi biết, thưa thầy. Nhưng xin thầy cố gắng hết sức
mình, nếu được vậy, con trai tôi quả thật là một cậu bé hạnh phúc và may mắn.
(Trích lá thư tổng thống Mĩ Abraham Lincoln gửi thầy giáo ngôi trường con trai
ông theo học.)
1. Tại sao ngài tổng thống lại muốn thầy giáo dạy cho con mình “luôn phải có niềm
tin tuyệt tối vào bản thân”?
2. Cụm từ in đậm sử dụng biện pháp tu từ gì? Nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó.
3. Từ bức thư của ngài tổng thống Mĩ và những hiểu biết của mình, em hãy trình bày suy
nghĩ (khoảng 2/3 trang giấy) về câu nói: Điều kì diệu sẽ xảy ra nếu bạn biết tin tưởng vào bản
thân
ĐỀ LUYỆN SỐ 20

Phần I (6.0 điểm)


Cho câu thơ:
“Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác”
(Theo Ngữ văn 9, tập 2, NXB Giáo dục, 2018)
1. Câu thơ trên mở đầu cho văn bản nào? Tác giả là ai? Cách xưng hô trong câu
thơ thể hiện tình cảm gì của chủ thể trữ tình đối với Bác ?
2. Chỉ ra biện pháp tu từ được sử dụng trong câu thơ “ Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt
Nam”.
3. Viết đoạn văn theo phép lập luận tổng- phân- hợp có độ dài khoảng 12 câu làm
rõ cảm xúc của tác giả khi phải rời lăng được thể hiện qua khổ thơ kết thúc bài thơ trên.
Trong đoạn có sử dụng phép thế và câu cảm thán. (Gạch chân và chú thích rõ một phép
thế và một câu cảm thán)
4. Hãy kể tên một văn bản thơ khác em đã học trong chương trình Ngữ Văn THCS
cũng có các hình ảnh thiên nhiên là biểu tượng cho ước nguyện đẹp đẽ của con người.
Phần II (4 điểm)
Đọc đoạn văn sau thực hiện các yêu cầu:
(1) “... Như những con chim kỳ diệu trong truyện cổ tích, sách ca hát về cuộc sống
đa dạng và phong phú như thế nào, con người táo bạo như thế nào trong khát vọng đạt
tới cái thiện và cái đẹp. Và càng đọc, trong lòng tôi càng tràn đầy tinh thần lành mạnh
và hăng hái. Tôi trở nên điềm tĩnh hơn, tin ở mình hơn, làm việc hợp lý hơn và ngày càng
không để ý đến vô số những chuyện bực bội trong cuộc sống.
(2) Mỗi cuốn sách đều là một bậc thang nhỏ mà khi bước lên, tôi tách khỏi con thú
để lên tới gần con người, tới gần quan niệm về cuộc sống tốt đẹp nhất và về sự thèm khát
cuộc sống ấy”
(Theo Mác-xim Go-rơ-ki, “Tôi đã học tập như thế nào?”)
1. Gọi tên và chỉ rõ 2 phép liên kết câu trong đoạn văn (1).
2. Theo tác giả, việc đọc sách đã mang đến những thay đổi nào trong con người
ông?
3. Bằng một đoạn văn có độ dài khoảng 2 /3 trang giấy thi, trình bày suy nghĩ của
em về ý kiến của Mác-xim Go-rơ-ki: “Mỗi cuốn sách đều là một bậc thang nhỏ”
ĐỀ LUYỆN SỐ 21

Phần I (6.0 điểm).


Mở đầu bài thơ của mình, có một nhà thơ đã viết:
“Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi!Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng”
1. Những câu thơ trên trích trong bài thơ nào? Tác giả là ai? Nêu hoàn cảnh sáng
tác của bài thơ?
2. Chỉ ra một thành ngữ có trong khổ thơ trên và giải thích ý nghĩa của thành ngữ
đó?
3. Kể tên một bài thơ khác trong chương trình Ngữ văn THCS viết về Bác Hồ. Ghi
rõ tên tác giả?
4. Hãy viết đoạn văn theo phép lập luận tổng - phân - hợp (khoảng 12 câu) để để
làm rõ cảm xúc của tác giả trước khung cảnh bên ngoài lăng Bác. Trong đoạn văn có sử
dụng phép thế và một thành phần biệt lập (Gạch chân và chú thích rõ phép thế và thành
phần biệt lập).
Phần II (4.0 điểm):
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Người có tính khiêm tốn thường hay tự cho mình là kém, còn phải phấn đấu thêm,
trau dồi thêm, cần được trao đổi, học hỏi nhiều thêm nữa. Người có tính khiêm tốn không
bao giờ chịu chấp nhận sự thành công của cá nhân mình trong hoàn cảnh hiện tại, lúc
nào cũng cho sự thành công của mình là tầm thường, không đáng kể, luôn luôn tìm cách
để học hỏi thêm nữa.
Tại sao con người lại phải khiêm tốn như thế? Đó là vì cuộc đời là một cuộc đấu
tranh bất tận, mà tài nghệ của mỗi cá nhân tuy là quan trọng, nhưng thật ra chỉ là những
giọt nước bé nhỏ giữa đại dương bao la. Sự hiểu biết của mỗi cá nhân không thể đem so
sánh với mọi người cùng chung sống với mình. Vì thế, dù tài năng đến đâu cũng luôn
luôn phải học thêm, học mãi mãi.
Tóm lại, con người khiêm tốn là con người hoàn toàn biết mình, hiểu người, không
tự mình đề cao vai trò, ca tụng chiến công của cá nhân mình cũng như không bao giờ
chấp nhận một ý thức chịu thua mang nhiều mặc cảm tự ti đối với mọi người.
Khiêm tốn là một điều không thể thiếu cho những ai muốn thành công trên đường đời.
(Trích Tinh hoa xử thế, Lâm Ngữ Đường, Ngữ văn 7, tập 2, NXB Giáo dục)
1. Trong đoạn văn thứ nhất, người có tính khiêm tốn có biểu hiện như nào?
2. Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp liệt kê được sử dụng trong đoạn văn thứ
nhất?
3. Em hiểu như thế nào về câu nói sau: “Tài nghệ của mỗi cá nhân tuy là quan
trọng, nhưng thật ra chỉ là những giọt nước nhỏ giữa đại dương bao la”.
4. Từ nội dung phần Đọc hiểu, em hãy viết một đoạn văn (khoảng 2/3 trang giấy
thi ) trình bày suy nghĩ về ý kiến: “Khiêm tốn là một điều không thể thiếu cho những ai
muốn thành công trên đường đời”.
ĐỀ LUYỆN SỐ 22

Phần I ( 6,0 điểm). Xúc động khi lần đầu được ra thăm lăng Bác, nhà thơ Viễn Phương
đã có những vần thơ thật đẹp:
“Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng.”
( Trích “Viếng lăng Bác”, SGK Ngữ văn 9, tập 2)
1. Nêu hoàn cảnh sáng tác của bài thơ “Viếng lăng Bác”.
2. Xác định một thành ngữ được sử dụng trong khổ thơ trên và nêu ý nghĩa của
thành ngữ đó trong việc biểu đạt nội dung đoạn thơ.
3. Biết bao xúc động khi những người con miền Nam được ra thăm lăng Bác! Cảm
xúc ấy dâng trào khi được hòa trong dòng người vào lăng. Hãy viết một đoạn văn diễn
dịch khoảng 12 câu phân tích khổ thơ thứ hai để làm rõ niềm xúc động thành kính đó của
tác giả. Trong đoạn văn có sử dụng thành phần biệt lập cảm thán và phép thế (chú thích rõ
từ ngữ dùng làm thành phần biệt lập cảm thán và phép thế).
Phần II ( 6,0 điểm). Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:
“Nhà khoa học người Anh Phơ-răng-xít Bê-cơn (thế kỉ XVI-XVII) đã nói một câu nổi tiếng:
“Tri thức là sức mạnh”(1). Sau này Lê-nin, một người thầy của cách mạng vô sản thế giới, lại
nói cụ thể hơn: “Ai có tri thức thì người ấy có sức mạnh”(2). Đó là một tư tưởng rất sâu sắc(3).
Tuy vậy, không phải ai cũng hiểu được tư tưởng ấy(4).”
(Theo Sách giáo khoa Ngữ văn 9, tập 2)
1. Xác định phép liên kết và chỉ rõ từ ngữ được sử dụng làm phương tiện liên kết
giữa câu (2) và câu (3).
2. Em hiểu như thế nào về quan điểm “Tri thức là sức mạnh”?
3. Học tập là con đường để chinh phục tri thức. Đặt trong bối cảnh kì thi tuyển sinh vào
lớp 10 trung học phổ thông sắp đến, em hãy viết một đoạn văn nghị luận (khoảng 2/3 trang giấy
thi) để lan tỏa tới các bạn thông điệp: “Hãy học bằng khát vọng.”
ĐỀ LUYỆN SỐ 23

Phần I (6.0 điểm). Trong bài thơ “Nói với con”, nhà thơ Y Phương có viết:
“Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói
Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc”.
(Ngữ văn 9, tập 2, NXB Giáo dục, 2018)
1. Xác định phương thức biểu đạt của bài thơ “Nói với con”.
2. Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ điệp ngữ trong hai câu thơ:
“Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói”
3. Cũng trong bài thơ, Y Phương đã có những dòng thơ thật tự hào:
“Chân phải bước tới cha
Chân trái bước tới mẹ
Một bước chạm tiếng nói
Hai bước tới tiếng cười
Người đồng mình yêu lắm con ơi
Dan lờ cài nan hoa
Vách nhà ken câu hát
Rừng cho hoa
Con đường cho những tấm lòng”
Dựa vào đoạn thơ trên, hãy viết đoạn văn (khoảng 10-12 câu) theo phép lập luận
tổng – phân – hợp, làm rõ điều cha muốn nói với con về cội nguồn sinh dưỡng. Trong
đoạn văn có sử dụng câu đơn mở rộng thành phần, khởi ngữ (gạch chân, chú thích rõ
dưới câu đơn mở rộng thành phần và khởi ngữ).
4. Chương trình Ngữ văn THCS có tác phẩm cũng ca ngợi tình phụ tử thiêng liêng
cao đẹp. Đó là tác phẩm nào? Ghi rõ tên tác giả?
Phần II (4.0 điểm). Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:
“Mỗi một người đều có vai trò trong cuộc đời này và đều đáng được ghi nhận. Đó
là lí do để chúng ta không vì thèm khát vị thế cao sang này mà rẻ rúng công việc bình
thường khác. Cha mẹ ta, phần đông, đều làm công việc rất đỗi bình thường. Và đó là một
thực tế mà chúng ta cần nhìn thấy. Để trân trọng. Không phải để mặc cảm. Để bình thản
tiến bước. Không phải để tự ti. Nếu tất cả đều là doanh nhân thành đạt thì ai sẽ quét rác
trên những đường phố? Nếu tất cả đều là bác sĩ nổi tiếng thì ai sẽ là người dọn vệ sinh
bệnh viện? Nếu tất cả đều là nhà khoa học thì ai sẽ là người tưới nước những luống rau?
Nếu tất cả đều là kĩ sư phần mềm thì ai sẽ gắn những con chip vào máy tính? Phần đông
chúng ta cũng sẽ là người bình thường. Nhưng điều đó không thể ngăn cản chúng ta
vươn lên từng ngày.”
(Phạm Lữ Ân, Nếu biết trăm năm là hữu hạn, NXB Hội Nhà văn, năm 2018)
1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn văn trên.
2. Theo tác giả, lí do gì khiến chúng ta không nên “vì thèm khát vị thế cao sang
này mà rẻ rúng công việc bình thường khác” ?
3. Từ nội dung đoạn trích trên và những hiểu biết xã hội, hãy trình bày suy nghĩ
của em (khoảng 2/3 trang giấy thi) về ý kiến: “Phần đông chúng ta cũng sẽ là người bình
thường. Nhưng điều đó không thể ngăn cản chúng ta vươn lên từng ngày”.
ĐỀ LUYỆN SỐ 24

Phần I (6,5 điểm):


Khép lại bài thơ “Nói với con”, nhà thơ Y Phương có viết:
“Con ơi tuy thô sơ da thịt
Lên đường
Không bao giờ nhỏ bé được
Nghe con.”
(Ngữ văn 9, tập 2, NXB Giáo dục, 2018)
1. Bài thơ “Nói với con” ra đời trong hoàn cảnh ra đời nào? Xác định thể thơ của bài
thơ đó.
2. Chỉ ra và nêu tác dụng tác dụng của thành phần biệt lập trong đoạn trích trên.
3. Viết về vẻ đẹp của “người đồng mình” và những điều cha mong muốn, nhà thơ Y
Phương đã có những câu thơ dạt dào cảm xúc:
“Người đồng mình thương lắm con ơi
Cao đo nỗi buồn
Xa nuôi chí lớn
Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn
Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói
Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc”
Hãy viết đoạn văn (khoảng 10-12 câu) theo phép lập luận diễn dịch, trình bày cảm
nhận về đoạn thơ trên. Trong đoạn văn có sử dụng thành phần tình thái, câu phủ định (gạch
chân, chú thích rõ dưới thành phần tình thái và câu phủ định).
4. Chương trình Ngữ văn lớp 9 có tác phẩm cùng năm sáng tác với bài thơ “Nói với
con”. Đó là tác phẩm nào? Ghi rõ tên tác giả?
Phần II (3,5 điểm):
Đọc đoạn trích sau và trả lời những câu hỏi ở dưới:
“Hãy tiếp tục làm những điều mà trái tim bạn tin rằng nó đúng với bản thân. Hãy để
giấc mơ của bạn lớn mạnh hơn nỗi sợ hãi và hãy để hành động của bạn nói thay những lời
sáo rỗng. Đừng để bản thân sống bằng sự may rủi, hãy sống bằng những lựa chọn của
chính bạn. Thay vì luôn đổ lỗi bản thân thì tại sao bạn không thay đổi? Đừng để những
quyết định của bạn nằm trên miệng lưỡi của người khác.
Bạn nói bạn không học giỏi toán nhưng thực sự bạn không chịu học. Bạn nói bạn
không biết làm thơ thật ra thì bạn chưa hề làm thơ. Năng khiếu có thể là tự nhiên nhưng
các kỹ năng chỉ có thể được phát triển bởi từng giờ, từng ngày tập luyện. Đây là cuộc đời
của bạn, và chỉ duy nhất của bạn. Người khác có thể cùng đi với bạn, nhưng không ai có
thể đi thay nó cho bạn.”
(Theo Tùng Khuê - CareerLink.vn từ “Mười lời khuyên hữu ích cho bản thân”)
1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên.
2. Ghi lại ít nhất 02 câu cầu khiến và cho biết người viết sử dụng liên tiếp các câu cầu
khiến trong đoạn văn nhằm mục đích gì?
3. Từ nội dung đoạn trích cùng những hiểu biết của bản thân, em hãy viết một đoạn
văn nghị luận (khoảng 2/3 trang giấy thi) để làm sáng tỏ nhận định: Kiên trì là điều cần
thiết giúp đạt thành công trong cuộc sống.
ĐỀ LUYỆN SỐ 25

Phần I (6,0 điểm):


Trong truyện ngắn “Làng”, khi tái hiện diễn biến tâm trạng ông Hai nghe tin làng
Chợ Dầu theo giặc, nhà văn Kim Lân có viết:
“Nhưng sao lại nảy ra cái tin như vậy được? Mà thằng Chánh Bệu thì đích
là người làng không sai rồi. Không có lửa làm sao có khói? Ai người ta hơi đâu bịa ra
những chuyện ấy làm gì. Chao ôi! Cực nhục chưa, cả làng Việt gian! Rồi đây biết làm
ăn, buôn bán ra sao? Ai người ta chứa. Ai người ta buôn bán mấy. Suốt cả cái nước Việt
Nam này người ta ghê tởm, người ta thù hằn cái giống Việt gian bán nước… Lại còn bao
nhiêu người làng, tan tác mỗi người một phương nữa, không biết họ đã rõ cái cơ sự này
chưa ?...”
(Ngữ văn 9, tập một - NXB Giáo dục 2018)
1. Truyện ngắn “Làng” được kể ngôi thứ mấy ? Nêu tác dụng của ngôi kể.
2. Hãy ghi lại một câu nghi vấn có trong đoạn trích trên và cho biết tác dụng của
việc sử dụng câu nghi vấn đó.
3. Bằng những hiểu biết về truyện ngắn “Làng”, hãy viết một đoạn văn theo phép
lập luận tổng - phân - hợp (từ 10 đến 12 câu) làm rõ diễn biến tâm trạng của nhân vật ông
Hai khi vừa nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc đến cuộc trò chuyện với đứa con út. Trong
đoạn văn sử dụng lời dẫn trực tiếp và phép thế (gạch một gạch dưới lời dẫn trực tiếp,
gạch hai gạch dưới phép thế).
4. Trong chương trình Ngữ văn THCS cũng có một tác phẩm khác viết về chủ đề
người nông dân. Hãy cho biết đó là tác phẩm nào? Ghi rõ tên tác giả.
Phần II (4.0 điểm):
Đọc bài thơ sau và thực hiện yêu cầu bên dưới:
NHỮNG ĐIỀU BÉ NHỎ
“Những giọt nước bé nhỏ, Những sai lầm nhỏ bé
Những hạt bụi đang bay Ta tưởng chẳng là gì
Đã làm nên biển lớn Tích lại thành tai họa
Và cả trái đất này. Làm chệch hướng ta đi.
Cũng thế, giây và phút Những điều tốt nhỏ nhặt
Ta tưởng ngắn, không dài Những lời nói yêu thương
Đã làm nên thế kỉ, Làm trái đất thành đẹp
Quá khứ và tương lai Đẹp như chốn thiên đường.”
(Chuyến du hành của những giọt nước – Thái Bá Tân dịch, NXB Kim Đồng- 2016)
1. Xác định phương thức biểu đạt chính và thể thơ của bài thơ trên.
2. Chỉ ra hai điều bé nhỏ được tác giả nhắc đến trong khổ đầu bài thơ. Em có đồng
tình với quan điểm của tác giả: “Những sai lầm bé nhỏ/Tích lại thành tai họa” không?
Vì sao?
3. Từ nội dung bài thơ trên và những hiểu biết xã hội, hãy viết đoạn văn (khoảng 2/3
trang giấy thi) trình bày suy nghĩ của em về ý nghĩa của những việc làm tử tế bình thường
quanh ta.
ĐỀ LUYỆN SỐ 26

Phần I (6,5 điểm):


“Làng” là một truyện ngắn cảm động của nhà văn Kim Lân viết về tinh thần yêu
nước của người nông dân Việt Nam thời kì đầu kháng chiến chống Pháp. Trong truyện
có đoạn:
“Ông Hai vẫn cứ trằn trọc không sao ngủ được. Ông hết trở mình bên này lại trở
mình bên kia, thở dài. Chợt ông lão lặng hẳn đi, chân tay nhủn ra, tưởng chừng như
không cất lên được… Có tiếng nói léo xéo ở gian trên. Tiếng mụ chủ… Mụ nói cái gì vậy
? Mụ nói cái gì mà lào xào thế ? Trống ngực ông lão đập thình thịch. Ông lão nín thở,
lắng tai nghe ra bên ngoài.”
(Ngữ văn 9, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2020)
1. Truyện ngắn “Làng” được sáng tác trong hoàn cảnh nào? Ghi tên một tác phẩm khác
trong chương trình Ngữ văn 9 cũng có cùng giai đoạn sáng tác với truyện ngắn “Làng”
2. Trong đoạn trích trên, theo em tại sao: “Ông Hai vẫn cứ trằn trọc không sao ngủ
được.” ?
3. Hãy ghi lại và nêu tác dụng của một câu đặc biệt có trong đoạn trích trên.
4. Với hiểu biết của em về truyện ngắn trên, hãy viết một đoạn văn khoảng 12 câu
theo phép lập luận tổng hợp – phân tích – tổng hợp để làm rõ tinh thần yêu nước của
nhân vật ông Hai, trong đó có sử dụng câu bị động và phép thế (gạch dưới, chú thích rõ
một câu bị động và từ ngữ dùng làm phép thế).
Phần II (3,5 điểm):
Đọc đoạn thơ sau trả lời các câu hỏi nêu ở bên dưới:
“Mẹ!
Có nghĩa là duy nhất
Một bầu trời
Một mặt đất
Một vầng trăng
Mẹ không sống đủ trăm năm
Nhưng đã cho con dư dả nụ cười tiếng hát”.
(Trích “Ngày xưa có mẹ” - Thanh Nguyên)
1. Đoạn thơ trên sử dụng phương thức biểu đạt chính nào ?
2. Chỉ ra và nêu tác dụng một biện pháp tu từ trong đoạn thơ trên ?
3. Từ nội dung đoạn thơ trên và những hiểu biết xã hội của bản thân, hãy viết một
đoạn văn (khoảng 2/3 trang giấy thi) trình bày suy nghĩ của em về ý kiến: “Trong vũ trụ
có lắm kỳ quan, nhưng kỳ quan đẹp nhất là trái tim của người mẹ”.
ĐỀ LUYỆN SỐ 27

Phần I (6.5 điểm). Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi:
“Cháu ở đây có nhiệm vụ đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt
đất, dự vào việc báo trước thời tiết hằng ngày, phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu….
…..Cháu lấy những con số, mỗi ngày báo về “nhà”bằng máy bộ đàm bốn giờ, mười một
giờ, bảy giờ tối, lại một giờ sáng. Bản ấy trong nghành gọi là “ốp”. Công việc nói chung
dễ, chỉ cần chính xác. Gian khổ nhất là lần ghi và báo về lúc một giờ sáng. Rét, bác ạ. Ở
đây có cả mưa tuyết đấy. Nửa đem đang nằm trong chăn, nghe chuông đồng hồ chỉ muốn
đưa tay tắt đi. Chui ra khỏi chăn, ngọn đèn bão vặn to cỡ nào vẫn thấy là không đủ sáng.
Xách đèn ra vườn, gió tuyết và lặng im ở bên ngoài như chỉ chực đợi mình ra là ào ào
xô tới”.
(Sách giáo khoa Ngữ Văn 9, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2020)
1. Đoạn văn trên trích từ tác phẩm nào? Tác giả là ai? Nêu hoàn cảnh sáng tác của
tác phẩm đó.
2. Công việc cụ thể của nhân vật “cháu” là gì? Nhân vật ấy phải làm việc trong
điều kiện như thế nào? Trong hoàn cảnh ấy, điều gì đã giúp nhân vật trên sống yêu đời
và hoàn thành tốt nhiệm vụ?
3. Tìm và nêu tác dụng của một biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn văn?
4. Từ đoạn văn trên kết hợp với hiểu biết của em về tác phẩm, hãy viết một đoạn
văn khoảng 12 câu theo phép lập luận tổng hợp - phân tích - tổng hợp để làm rõ câu chủ
đề :“Dưới vẻ đẹp lặng lẽ, thơ mộng của Sa Pa - nơi thường gợi đến sự nghỉ ngơi vẫn có
những con người hăng say làm việc cho đất nước”. Trong đoạn văn có sử dụng một câu
ghép và phép nối (gạch chân và chú thích rõ).
Phần II (3.5 điểm). Đọc đoạn trích sau và thực hỉện các yêu cầu:
“Bạn có thể không thông minh bẩm sinh nhưng bạn luôn chuyên cần và vượt qua
bản thân từng ngày một. Bạn có thể không hát hay nhưng bạn là người không bao giờ
trễ hẹn. Bạn không là người giỏi thể thao nhưng bạn có nụ cười ấm áp. Bạn không có
gương mặt xinh đẹp nhưng bạn rất giỏi thắt cà vạt cho ba và nấu ăn rất ngon. Chắc
chắn, mỗi một người trong chúng ta đều được sinh ra với những giá trị có sẵn. Và chính
bạn, hơn ai hết, trước ai hết, phải biết mình, phải nhận ra những giá trị đó.
(Trích “Bản thân chúng ta là giá trị có sẵn” - Phạm Lữ Ân,
“Nếu biết trăm năm là hữu hạn”, NXB Hội Nhà văn, 2012, tr.24)
1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.
2. Việc lặp cấu trúc câu: “Bạn có thể không .... nhưng....” có ý nghĩa như thế nào?
3. Từ đoạn trích trên kết hợp với hiểu biết xã hội, em hãy viết đoạn văn khoảng
2/3 trang giấy thi nêu suy nghĩ về nhận định: “Đừng xấu hổ khi không biết, chỉ xấu hổ
khi không học”.
ĐỀ LUYỆN SỐ 28

Phần I (6.0 điểm). Dưới đây là một phần trong truyện “Lặng lẽ Sa Pa” của nhà văn
Nguyễn Thành Long:
“ - Hồi chưa vào nghề, những đêm bầu trời đen kịt, nhìn kĩ mới thấy một ngôi sao
xa, cháu cũng nghĩ ngay ngôi sao kia lẻ loi một mình. Bây giờ làm nghề này cháu không
nghĩ như vậy nữa. Vả khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được?
Huống chi việc của cháu gắn liền với việc của bao anh em đồng chí dưới kia. Công việc
của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất. Còn người thì ai mà
chả “thèm” hả bác? Mình sinh ra là gì, mình đẻ ở đâu, mình vì ai mà làm việc? Đấy,
cháu tự nói với cháu thế đấy,…”
(Sách giáo khoa Ngữ Văn 9, tập 1, NXB Giáo dục)
1. Đoạn trích trên là lời của nhân vật nào, nói với ai? Nói trong hoàn cảnh nào?
2. Câu văn Còn người thì ai mà chả “thèm” hả bác? xét theo mục đích nói, thuộc
kiểu câu nào? Em hãy tìm trong đoạn văn trên một câu văn khác cũng thuộc kiểu câu đó.
Cho biết tác dụng của việc sử dụng liên tiếp kiểu câu ấy trong đoạn văn.
3. Vì sao “Hồi chưa vào nghề, những đêm bầu trời đen kịt, nhìn kĩ mới thấy một
ngôi sao xa” nhân vật cháu nghĩ ngay “ngôi sao kia lẻ loi một mình”. Còn “bây giờ làm
nghề này” anh lại “không nghĩ như vậy nữa”?
4. Từ đoạn văn trên kết hợp với những hiểu biết của em về tác phẩm, hãy viết một
đoạn văn khoảng 10-12 câu theo phép lập luận Tổng hợp - Phân tích - Tổng hợp để làm
rõ những suy nghĩ đẹp của anh thanh niên về công việc và cuộc sống. Trong đoạn có sử
dụng một câu bị động và phép thế để liên kết cấu (gạch dưới từ ngữ dùng làm phép thế,
câu bị động và chú thích rõ).
Phần II (4.0 điểm). Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
Lỗi lầm và sự biết ơn
“Hai người bạn cùng đi qua sa mạc. Trong chuyến đi, giữa hai người xảy ra cuộc
tranh luận và một người nổi nóng, không kiềm chế được mình đã nặng lời miệt thị người
kia. Cảm thấy bị xúc phạm, anh không nói gì, chỉ viết lên cát : “Hôm nay, người bạn tốt
nhất đã làm khác đi những gì tôi nghĩ”.
Họ đi tiếp, thấy một ốc đảo và quyết định bơi đến. Người bị miệt thị lúc nãy bây
giờ bị đuối sức và chìm dần. Người bạn kia đã tìm cách cứu anh. Khi đã lên bờ, anh lấy
một miếng kim loại khắc lên đá : “Hôm nay, người bạn tốt nhất của tôi đã cứu sống tôi.
Người kia hỏi: “Tại sao khi tôi xúc phạm anh, anh viết lên cát, còn bây giờ anh
lại khắc lên đá?”
Anh ta trả lời: “Những điều viết lên cát sẽ mau chóng xóa nhòa theo thời gian,
nhưng không ai có thể xóa được những điều tốt đẹp đã được ghi tạc trên đá, trong lòng
người”.
Vậy mỗi chúng ta hãy học cách viết những nỗi đau buồn, thù hận lên cát và khắc
ghi những ân nghĩa lên đá.
1. Cho biết phương thức biểu đạt chính của văn bản trên.
2. Văn bản trên đã nhắc nhở chúng ta cần có lối sống đẹp, đó là lối sống nào?
3. Ghi lại một lời dẫn trực tiếp có trong đoạn trích trên, nêu dấu hiệu nhận biết và
chuyển thành lời dẫn gián tiếp.
4. Câu chuyện khép lại với bài học thấm thía về lòng bao dung, sự tha thứ và biết
ơn. Bằng hiểu biết về xã hội, em hãy viết một đoạn văn khoảng 2/3 trang giấy thi trình
bày suy nghĩ của em về sự cần thiết của tấm lòng bao dung trong cuộc sống.
ĐỀ LUYỆN SỐ 29

Phần I (6.5 điểm):


Đọc đoạn ngữ liệu sau và trả lời các câu hỏi:
Chắc anh cũng muốn ôm con, hôn con, nhưng hình như cũng lại sợ nó giẫy lên lại
bỏ chạy, nên anh chỉ đứng nhìn nó. Anh nhìn với đôi mắt trìu mến lẫn buồn rầu. Tôi thấy
đôi mắt mênh mông của con bé bỗng xôn xao.
- Thôi! Ba đi nghe con! – Anh Sáu khẽ nói.
Chúng tôi, mọi người, kể cả anh, đều tưởng con bé sẽ đứng yên đó thôi. Nhưng thật lạ
lùng, đến lúc ấy, tình cha con như bỗng nổi dậy trong người nó, trong lúc không ai ngờ
đến thì nó bỗng kêu thét lên:
- Ba... a... a... ba!
Tiếng kêu của nó như tiếng xé, xé sự im lặng và xé cả ruột gan mọi người, nghe
thật xót xa. Đó là tiếng “ba” mà nó cố đè nén trong bao nhiêu năm nay, tiếng “ba” như
vỡ tung ra từ đáy lòng nó, nó vừa kêu vừa chạy xô tới, nhanh như một con sóc, nó chạy
thót lên và dang hai tay ôm chặt lấy cổ ba nó. Tôi thấy làn tóc tơ sau ót nó như dựng
đứng lên.
(Ngữ văn 9, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2020)
1. Đoạn văn trên trích từ tác phẩm nào, của ai? Cho biết hoàn cảnh sáng tác của
tác phẩm đó.
2. Đoạn ngữ liệu trên thuộc tình huống nào của truyện? Qua đó, em hiểu được gì
về chủ để của văn bản.
3. Em nhận xét gì về hành động “nó vừa kêu vừa chạy xô tới, nhanh như một con
sóc, nó chạy thót lên và dang hai tay ôm chặt lấy cổ ba nó.” của bé Thu? Qua đó, em
thấy được điều gì ở cô bé?
4. Viết đoạn văn theo cách diễn dịch (khoảng 12 câu) làm rõ tình cảm sâu nặng
của bé Thu dành cho cha qua văn bản trên. Đoạn văn có sử dụng câu ghép và thán từ.
Gạch chân và chú thích rõ.
Phần II (3.5 điểm):
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Đôi khi cuộc sống dường như muốn cố tình đánh ngã bạn. Nhưng hãy đừng
mất lòng tin. Tôi biết chắc chắn rằng, điều duy nhất đã giúp tôi tiếp tục bước đi chính là
tình yêu của tôi dành cho những gì tôi đã làm. Các bạn phải tìm ra được cái các bạn yêu
quý. Điều đó luôn đúng cho công việc và cho những người thân yêu của bạn. Công việc
sẽ chiếm phần lớn cuộc đời bạn và cách duy nhất để thành công một cách thực sự là hãy
làm những việc mà bạn tin rằng đó là những việc tuyệt vời. Và cách tạo ra những công
việc tuyệt vời là bạn hãy yêu công việc mình làm. Nếu như các bạn chưa tìm thấy nó, hãy
tiếp tục tìm kiếm. Đừng bỏ cuộc bởi vì bằng trái tim bạn, bạn sẽ biết khi nào bạn tìm thấy
nó.
(Steve Jobs với những phát ngôn đáng nhớ, http://vnexpress.net ngày 26/8/2011)
1. Xác định một phép liên kết câu được sử dụng trong các câu văn in đậm ở đoạn
trích trên và chỉ ra phương tiện dùng để liên kết.
2. Theo tác giả Steve Jobs, cách duy nhất để thành công thực sự là gì? Qua đây
người viết đã muốn khích lệ chúng ta những điều gì ?
3. Dựa vào đoạn trích trên kết hợp với những hiểu biết xã hội, hãy trình bày suy
nghĩ của em (khoảng 2/3 trang giấy thi) về ý kiến: “Cuộc sống sẽ trở nên ý nghĩa hơn
khi ta biết yêu những công việc ta làm”.
ĐỀ LUYỆN SỐ 30

Phần I (6.0 điểm):


Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi:
“Không bao lâu sau, cây lược được hoàn thành. Cây lược dài độ hơn một tấc, bề
ngang độ ba phân rưỡi, cây lược cho con gái, cây lược dùng để chải mái tóc dài, cây
lược chỉ có một hàng răng thưa. Trên sống lưng lược có khắc một hàng chữ nhỏ mà anh
đã gò lưng, tẩn mẩn khắc từng nét: “Yêu nhớ tặng Thu con của ba”. Cây lược ngà ấy
chưa chải được mái tóc của con, nhưng nó như gỡ rối được phân nào tâm trạng của
anh”.
(Sách giáo khoa Ngữ văn 9 – tập I, NXB Giáo dục Việt Nam, 2020)
1. Đoạn văn trên trích trong tác phẩm nào? Tác giả là ai? Cho biết hoàn cảnh ra
đời của tác phẩm đó.
2. Trong đoạn trích trên, dấu ngoặc kép được dùng để làm gì?
3. Theo em, chi tiết “vết thẹo dài bên má phải” của nhân vật “anh” trong truyện
ngắn này có ý nghĩa như thế nào trong việc xây dựng cốt truyện và bộc lộ chủ đề của tác
phẩm?
4. Hãy viết một đoạn văn theo cách lập luận quy nạp khoảng 12 câu phân tích tình
cảm của ông Sáu dành cho con lúc ông trở lại chiến khu. Trong đoạn văn có sử dụng lời
dẫn trực tiếp và câu ghép (gạch chân, chú thích rõ).
Phần II (4.0 điểm):
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
“Tôi càng phục tài học với sức sáng tạo của Nguyễn Du trong chữ nghĩa, khi
tôi đ ọ c đ ế n câu thơ ông viết ông đã “ở trong ruộng bãi để học câu hát hay của người
trồng dâu”. Đó không phải là một câu nói bóng, mà đó là một tâm sự, một kế hoạch học
chữ, hay nói theo cách nói của chúng ta ngày nay: Nguyễn Du đã đi vào lời ăn tiếng nói
của nhân dân, cơ sở sáng tạongôn ngữ của nhà thơ thiên tài đã dựa thẳng vào đấy. […]
Nguyễn Du đã trau dồi ngôn ngữ, đêm ngày mài giũa chữ nghĩa kì khu biết chừng nào!”
(Theo Tô Hoài, Mỗi chữ phải là một hạt ngọc, Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục Việt
Nam, 2020)
1. Xét theo mục đích nói, câu văn khép lại đoạn trích thuộc kiểu câu gì?
2. Hành động “ở trong ruộng bãi để học câu hát hay của người trồng dâu” giúp
em hiểu được những nét đẹp gì ở con người đại thi hào Nguyễn Du?
3. Từ những ghi chép về cuộc đời của đại thi hào dân tộc họ Nguyễn, cùng
hiểu biết xã hội,em hãy viết đoạn văn khoảng 2/3 trang giấy thi trình bày suy nghĩ về
quan niệm: “Thành công luôn đến từ những sự khổ luyện!”
ĐỀ LUYỆN SỐ 31

Phần I. (7,0 điểm)


Trong văn bản “Những ngôi sao xa xôi”, khi kể về một lần phá bom của Phương
Định, tác giả Lê Minh Khuê viết:
“Vắng lặng đến phát sợ. Cây còn lại xơ xác. Đất nóng. Khói đen vật vờ từng cụm
trong không trung, che đi những gì từ xa. Các anh cao xạ có nhìn thấy chúng tôi không?
Chắc có, các anh ấy có những cái ống nhòm có thể thu cả trái đất vào tầm mắt. Tôi đến
gần quả bom. Cảm thấy có ánh mắt các chiến sĩ dõi theo mình, tôi không sợ nữa. Tôi sẽ
không đi khom. Các anh ấy không thích cái kiểu đi khom khi có thể cứ đàng hoàng mà
bước tới”.
(Trích Ngữ văn 9, tập II, trang 117, NXB Giáo dục)
1. Tác phẩm “Những ngôi sao xa xôi” ra đời trong hoàn cảnh nào? Nêu ý nghĩa nhan
đề tác phẩm.
2. Hãy ghi lại một câu văn có sử dụng thành phần biệt lập trong đoạn trích trên và
gọi tên thành phần biệt lập đó.
3. Phá bom là nhiệm vụ nguy hiểm của Phương Định và đồng đội. Theo em, điều gì
khiến các nhân vật hoàn thành được nhiệm vụ đó?
4. Em hãy viết một đoạn văn theo cách lập luận tổng hợp - phân tích - tổng hợp
(khoảng 12 câu) làm nổi bật vẻ đẹp phẩm chất của 3 nữ thanh niên xung phong trong
truyện. Trong đoạn có sử dụng hợp lý một câu bị động và một phép thế (gạch chân và
chú thích rõ).
Phần II (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:
“- Đừng sợ nữa chú gà lạc mẹ”
Tôi vuốt ve khẽ nói với gà con
Nhưng tôi biết chẳng bao giờ hết sợ
Nếu bên ta mẹ đã không còn.
(“Lạc mẹ”, Đinh Thị Thu Hiền)
1. Câu thơ đầu của bài thơ sử dụng lời dẫn trực tiếp hay gián tiếp? Vì sao có thể
khẳng định như vậy?
2. Kể tên một tác phẩm khác trong chương trình Ngữ văn lớp 9 cũng đề cập đến tình
mẫu tử thiêng liêng và ghi rõ tên tác giả.
3. Văn bản trên cho ta thấy trong cuộc sống, con người phải đối mặt với rất nhiều
thử thách mà tình mẫu tử là một trong những điểm tựa giúp con người vượt qua. Từ
những hiểu biết xã hội, em hãy viết một đoạn văn khoảng 2/3 trang giấy thi về sự diệu kì
của tình mẹ trong cuộc sống.
ĐỀ LUYỆN SỐ 32

Phần I. (6.0 điểm):


Trong văn bản “Những ngôi sao xa xôi”, kể về một lần phá bom của Phương
Định, tác giả Lê Minh Khuê viết:
“Vắng lặng đến phát sợ. Cây còn lại xơ xác. Đất nóng. Khói đen vật vờ từng cụm
trong không trung, che đi những gì từ xa. Các anh cao xạ có nhìn thấy chúng tôi không?
Chắc có, các anh ấy có những cái ống nhóm có thể thu cả trái đất vào tầm mắt. Tôi đến
gần quả bom. Cảm thấy có ánh mắt các chiến sĩ dõi theo mình, tôi không sợ nữa. Tôi sẽ
không đi khom. Các anh ấy không thích cái kiểu đi khom khi có thể cứ đàng hoàng mà
bước tới."
(Trích Ngữ văn 9, tập II, trang 117, NXB Giáo dục)
1. Nêu hoàn cảnh ra đời của văn bản “Những ngôi sao xa xôi”.
2. Phá bom là nhiệm vụ nguy hiểm của Phương Định và đồng đội. Theo em, điều gì
khiến các nhân vật hoàn thành được nhiệm vụ đó?
3. Liệt kê những câu trần thuật ngắn và nêu hiệu quả nghệ thuật của chúng.
4. Em hãy viết một đoạn văn theo cách lập luận tổng hợp - phân tích - tổng hợp
(khoảng 12 câu) phân tích diễn biến tâm trạng và hành động của Phương Định trong một
lần phá bom. Trong đoạn có sử dụng câu ghép và phép thế (gạch chân và chú thích rõ).
Phần II. (4.0 điểm):
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
“Học vấn chỉ là một phần trong quá trình học hỏi mà thôi. Thông qua học hỏi,
bạn sẽ đạt được nhiều thứ hơn: hình thành tính cách, mở mang trí tuệ, học cách tôn trọng
người khác và khiêm tốn hơn, bởi vì càng học hỏi bạn càng hiểu rằng kho tàng kiến thức
là vô tận. Và bạn có thể học hỏi nhiều thứ từ mọi người chung quanh, từ mỗi trải nghiệm,
hay những khó khăn, giông tố trong đời.”
(Theo “Cho đi là còn mãi”, Azim Jamal & Harvey McKinnon)
1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.
2. Tìm hai phép liên kết câu, xác định từ ngữ thực hiện phép liên kết ấy được sử
dụng trong đoạn trích.
3. Trong đoạn trích trên, em hãy cho biết vì sao lại phải không ngừng học hỏi trong
cuộc sống?
4. Từ nội dung văn bản phần đọc hiểu, em hãy viết một đoạn văn khoảng 2/3 trang
giấy thi trình bày suy nghĩ của mình về sự cần thiết của việc không ngừng học hỏi.

You might also like