You are on page 1of 5

NGUYỄN BẢO TRINH LỚP 9/1

PHÂN TÍCH KHỔ 5 MÙA XUÂN NHO NHỎ

Bài làm
“Xuân về cánh én lượn bay
Trăm hoa đua nở ngất ngây lòng
Như chúng ta đã biết, mùa xuân là mùa hội tụ của các thi sĩ, là một mùa mang đậm
chất thơ, cũng giống như các nhà thơ khác, nhà thơ Thanh Hải cũng đã cảm nhận được mùa
xuân để sáng tác bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”. “Mùa xuân nho nhỏ” là một trong những
sáng tác tiêu biểu của nhà thơ Thanh Hải, là một trong những bài thơ hay viết về mùa xuân,
về khát vọng cống hiến cho cuộc đời của nhà thơ. Được ra đời trong những năm tháng cuối
cùng của cuộc đời ông. Đặc biệt, khổ thơ thứ năm đã thể hiện ước nguyện chân thành, là
lời tâm niệm thể hiện tiếng lòng ấy của tác giả.
Một mùa xuân nho nhỏ “
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
”.Dù là khi tóc bạc
Nhà thơ Thanh Hải tên khai sinh là Phạm Bá Ngoãn, quê ở huyện Phong Điền, tỉnh
Thừa Thiên - Huế. Là nhà thơ hiện đại Việt Nam trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến
chống Pháp và chống Mỹ. Bài thơ “ MXNN” được sáng tác vào tháng 11 năm 1980, khi nhà
thơ Thanh Hải đang nằm trên giường bệnh. Đất nước đã thống nhất, đang xây dựng cuộc
sống mới nhưng còn vô vàn khó khăn gian khổ, thử thách. Mạch cảm xúc của bài thơ đi từ
vẻ đẹp mùa xuân thiên nhiên, đất nước đến khát vọng làm mùa xuân nho nhỏ dâng hiến
cho đời. Bài thơ đc viết theo thể thơ 5 chữ, có nhạc điệu trong sáng, thiết tha, gần gũi với
dân ca, những hình ảnh đẹp, giản dị và sáng tạo. Trong sức xuân mạnh mẽ của đất trời,
trong khí thế bừng bừng sức sống của đất nước vào xuân, tác giả cảm nhận được một mùa
xuân trỗi dậy từ đáy tâm hồn mình. Đó là mùa xuân của lòng người, mùa xuân của sức sống
tươi trẻ, mùa xuân của sự cống hiến và hi sinh. Khổ thơ nằm ở phần giữa của bài, thể hiện
ước nguyện chân thành, lời tâm niệm và khát vọng cống hiến của tác giả.
Câu thơ đầu tiên chứa nhãn tự của toàn bài, là câu thơ ngắn nhưng chứa linh hồn của
cả bài thơ.
“Một mùa xuân nho nhỏ”
Hình ảnh "Mùa xuân nho nhỏ" là một ẩn dụ đầy sáng tạo, biểu lộ một cuộc đời đáng
yêu, một khát vọng sống cao đẹp. Mỗi người hãy làm một mùa xuân, hãy đem tất cả những
gì tốt đẹp, tinh tuý của mình, dẫu có nhỏ bé để góp vào làm đẹp cho mùa xuân đất nước.
Mùa xuân nho nhỏ trong mùa xuân lớn lao của đất nước. Đó là ước nguyện của tác giả,
nguyện sẽ mãi mãi được làm việc, được hi sinh, cống hiến. Tác giả muốn góp chút công sức
nhỏ bé của mình vào mùa xuân lớn của đất nước. Dù là nhỏ bé đấy thôi nhưng là duy nhất,
là những gì đẹp đẽ nhất mà nhà thơ ưu ái dành riêng nó để góp vào xây nên một mùa xuân
rực rỡ, sống động nhất của đất nước. Mùa xuân của tác giả chẳng ồn ào náo nhiệt, không
khoe khoang, cao điệu mà chỉ lặng lẽ âm thầm dâng hiến. Thái độ "lặng lẽ dâng cho đời” nói
lên ý nguyện thật khiêm nhường nhưng hết sức bền bỉ và vô cùng đáng quý vì đó là những
gì tốt đẹp nhất trong cuộc đời. Từ láy “lặng lẽ”, “nho nhỏ” là cách nói khiêm tốn, chân
thành của nhân cách sống cao đẹp khi hướng tới việc góp vào lợi ích chung của dân tộc. Lẽ
sống cống hiến lặng lẽ, khiếm tốn của nhà thơ, âm thầm lặng lẽ hiến dâng, chẳng phô
trương, không cần ai biết đến. Thật cảm động làm sao trước ao ước của nhà thơ dẫu đã qua
tuổi xuân của cuộc đời, vẫn được làm một mùa xuân nhỏ trong cái mùa xuân lớn lao ấy.
Hai câu thơ cuối đã thể hiện ước nguyện chân thành của Thanh Hải, nhà thơ luôn
muốn cống hiến tất cả cuộc đời mình vào đất nước dù ở bất cứ thời điểm nào của cuộc đời:
“Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc ”

Điệp từ "dù là" đặt ở đầu hai câu thơ như một lời hứa, một lời khẳng định, một lời tự
nhủ đầy quyết tâm về khát vọng dâng hiến dù khi mái đầu còn xanh hay khi tóc bạc. Dù khi
còn là những sức trẻ của tuổi hai mươi hay những tháng năm nhọc nhằn của tuổi già thì vẫn
phải giúp ích cho cuộc đời. Khát vọng cống hiến trở thành lẽ sống bất diệt trong cuộc đời.
Thật cảm động và kính phục biết bao khi đọc những vần thơ như lời tổng kết của cuộc đời.
"Dù là tuổi hai mươi" khi mới tham gia kháng chiến cho đến khi tóc bạc là thời điểm hiện
thời vẫn lặng lẽ dâng hiến cho đời và những câu thơ này là một trong những câu thơ cuối
cùng. "Một mùa xuân nho nhỏ" cuối cùng của Thanh Hải dâng tặng cho đời trước lúc ông
bước vào thế giới cực lạc, chuẩn bị ra đi mãi mãi. Chỉ với bốn câu thơ ngắn ngủi cùng với lời
thơ trong sáng, thiết tha, giàu nhạc điệu, hình ảnh thơ tự nhiên, gần gũi, tác giả đã nêu bật
được niềm khát vọng thiết tha, cháy bỏng của mình : cái nguyện ước “lặng lẽ dâng cho đời”,
một “mùa xuân nho nhỏ” đã trở thành ước nguyện không chỉ riêng Thanh Hải mà là tiếng
lòng của tất cả chúng ta.
Bằng tình cảm chân thành, ngôn ngữ giản dị và giọng thơ thủ thỉ nhẹ nhàng, Thanh
Hải như nhắc nhở mỗi chúng ta về niềm yêu cuộc sống. Khổ thơ đã sử dụng nhiều biện
pháp tu từ : ẩn dụ, điệp ngữ, hoán dụ, đảo ngữ. Qua đó, Thanh Hải đã gửi gắm vào thế hệ
tương lai một mục đích sống, một lẽ sống cao đẹp nơi tâm hồn - “sống là cho đâu chỉ nhận
riêng mình". Vì thế, hãy sống và cống hiến hết mình cho đời, dâng những bông hoa đẹp
nhất của cuộc đời mình để xây dựng cho đời sống một cách trọn vẹn nhất.
Đoạn thơ gồm những hình ảnh đơn sơ, gần gũi mà chứa đựng nhiều cảm xúc, nhiều
nghĩ suy. Bằng thể thơ năm chữ, giọng điệu chân thành, tha thiết phù hợp với tâm trạng
cảm xúc, cùng với hình ảnh ẩn dụ… Thanh Hải đã gửi đến cho chúng ta một thông điệp đáng
quý: mỗi người hãy sống có khát vọng, sống có cống hiến, dù chỉ là phần nhỏ bé của mình
vào công cuộc bảo vệ, giữ gìn và dựng xây đất nước. Đọc Đoạn thơ, ta càng yêu hơn, trân
trọng hơn lẽ sống mà Thanh Hải để lại, ta càng phải tự nhủ: Hãy sống đẹp – sống như Thanh
Hải đã sống.

~ CẢM NHẬN KHỔ ĐẦU BÀI MÙA XUÂN NHO NHỎ ~

Bài làm
“Xuân về cánh én lượn bay
Trăm hoa đua nở ngất ngây lòng người “.
Khác với mùa hè xôn xao tiếng ve trên cành phượng vĩ, mùa thu nồng nàn hương vị
của cốm của sen,… mùa xuân mang một hương vị trong lành, đẹp tựa bức tranh sơn dầu
đầy màu sắc của tự nhiên. Trước cái đẹp, lữ khách của mùa xuân đều khó kìm nén trái tim
thổn thức của mình, Thanh Hải cũng không ngoại lệ. Dù trong những năm tháng cuối cùng
của cuộc đời, nhưng tâm hồn người vẫn là một “Mùa xuân nho nhỏ” tràn ngập tươi vui.
Điều đó đặc biệt thể hiện qua khổ đầu bài thơ - một bức tranh xuân tươi đẹp giữa khung
cảnh thiên nhiên và đất trời.
“ Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi! Con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng. “
Nhà thơ Thanh Hải tên khai sinh là Phạm Bá Ngoãn, quê ở huyện Phong Điền, tỉnh
Thừa Thiên - Huế. Là nhà thơ hiện đại Việt Nam trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến
chống Pháp và chống Mỹ. Bài thơ “ MXNN” được sáng tác vào tháng 11 năm 1980, khi nhà
thơ Thanh Hải đang nằm trên giường bệnh. Đất nước đã thống nhất, đang xây dựng cuộc
sống mới nhưng còn vô vàn khó khăn gian khổ, thử thách. Mạch cảm xúc của bài thơ đi từ
vẻ đẹp mùa xuân thiên nhiên, đất nước đến khát vọng làm mùa xuân nho nhỏ dâng hiến
cho đời. Bài thơ đc viết theo thể thơ 5 chữ, có nhạc điệu trong sáng, thiết tha, gần gũi với
dân ca, những hình ảnh đẹp, giản dị và sáng tạo. Khổ thơ nằm ở phần đầu của bài. Khổ thơ
ca ngợi cảnh thiên nhiên tươi đẹp của xứ Huế mộng mơ, qua đó thể hiện tình yêu thiên
nhiên, yêu cuộc sống của nhà thơ.
Mở đầu bài thơ, tác giả đã phác họa lên một bức tranh mùa xuân thiên nhiên xứ Huế
tươi đẹp, tràn đầy sức sống trước mắt chúng ta :
“ Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi! Con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời . “
Khung cảnh mùa xuân dần dần được hiện ra với một vẻ đẹp thật bình dị, đơn sơ
nhưng cũng không kém phần nên thơ và sâu sắc. Ở đây, mùa xuân của Thanh Hải đến với ta
không rực rỡ kiêu sa với cành đào Hà Nội, với những nụ mai vàng đang phô trương sắc
thắm, mà chỉ đơn giản là những chi tiết tiêu biểu về hình ảnh, màu sắc, âm thanh. Nhà thơ
như vẽ ra một không gian cao rộng, dòng sông, bầu trời, mặt đất bao la,... .Thanh Hải đã trở
thành một họa sĩ với bức tranh xuân được pha màu phối sắc rất tài tình, tràn trề một sức
sống mãnh liệt của mùa xuân. Tác giả đảo từ “mọc" lên đầu câu thơ diễn tả bông hoa tím
đang mọc lên giữa dòng sông nước xanh làm cho bức tranh mùa xuân thêm tươi đẹp, sinh
động. Cành hoa nghiêng mình xuống mặt nước tựa như chiếc gương để làm nổi bật lên một
khung trời được in bóng dưới lòng sông. Bức tranh ấy lại càng được đẹp hơn, có "hồn" khi
cái màu tím kia được nhà thơ tô đậm lên thành "tím biếc". Gam màu ấy đã được tô vẽ vào
bức tranh thật khéo léo, tài tình, làm cho người đọc chúng ta có thể hình dung ra ngay
trước mắt cả một bông hoa tím biếc, thật nhỏ, thật xinh, nhưng dường như cũng có đủ khả
năng để nhuộm tím cả bầu trời, cả không gian mùa xuân đang căng tràn sức sống. Cái màu
tím ấy lan ra, chơi vơi, và khẽ lay động theo những ngọn gió xuân đang thổi lên từ lòng sông
xanh mát rượi. Cảnh vật mùa xuân trong bài thơ có lẽ cũng bình dị, giản đơn, và thâm trầm,
tĩnh lặng như vùng đất miền Trung quê hương tác giả. Xứ Huế vốn nổi tiếng mộng mơ với
núi Ngự, sông Hương, với những điệu hò mái nhì mái đẩy, giờ lại càng thêm xinh đẹp dưới
ngòi bút tô vẽ của nhà thơ.
Không gian của mùa xuân được mở rộng theo chiều cao, mùa xuân trong thơ Thanh
Hải không chỉ có màu sắc mà còn có cả âm thanh. Âm thanh được gợi tả trong bài thơ là
tiếng chim chiền chiện. Nhà thơ vui sướng lắng tai nghe tiếng chim chiền chiện hót trên bầu
trời trong trẻo. Từ "ơi" nằm ở đầu dòng thơ là tiếng gọi ngọt ngào xúc động biểu lộ niềm
vui ngây ngất khi nghe âm thanh của tiếng chim. Tiếng chim chiền chiện hót gọi xuân về hay
tiếng lòng náo nức của người dân xứ Huế của người dân đất Việt trước xuân sang. Tiếng
chim ngân vang rung động đất trời đem niềm vui hân hoan trong lòng người. Ngắm dòng
sông, ngắm bông hoa đẹp, nghe tiếng chim hót, nhà thơ bồi hồi sung sướng, bất giác đưa
tay ra hứng từng giọt âm thanh, từng giọt sương sớm hay từng giọt mưa xuân long lanh:
"Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng. “
Không hề nói đến nắng mà ta vẫn cảm nhận được ánh hồng bình minh làm long lanh
những giọt sương tròn như hòn ngọc bé tí treo trên đầu ngọn cỏ, lá cây. "Từng giọt long
lanh rơi" cũng có thể là những chuỗi âm thanh, từng chuỗi tiếng chim chiền chiện từ trời
cao vọng đến, "rơi" xuống? Cái cử chỉ "đưa tay... hứng" thể hiện một hồn thơ chan hoà với
thiên nhiên, đất trời, tạo vật. Đó là sự liên tưởng đầy chất thơ qua nghệ thuật chuyển đổi
cảm giác: thính giác, thị giác, xúc giác đã được huy động để cảm nhận những hình khối
thẩm mỹ của âm thanh. Thể hiện niềm say sưa, ngây ngất, sự nâng niu trân trọng như ôm
trọn vào lòng những giọt tinh túy, đẹp đẽ của mùa xuân. Như vậy, qua khổ thơ đầu của bài
thơ Thanh Hải đã gợi lên trước mắt người đọc bức tranh thiên nhiên xứ Huế vào mùa xuân.
Bức tranh ấy có bông hoa màu tím, có tiếng chim hát vang trời. Đưa đến cho người đọc cảm
nhận tinh tế về mùa xuân xứ Huế.
Với thể thơ 5 chữ và làn điệu dân ca miền Trung mang âm điệu nhẹ nhàng, tha thiết,
hình ảnh đẹp và sinh động, đây quả là một mùa xuân nho nhỏ mà nhà thơ Thanh Hải đã
dành tặng cho đời vào những giây phút cuối của cuộc đời mình. Đoạn thơ sử dụng biện
pháp ẩn dụ giàu tính sáng tạo, ngôn ngữ giàu hình ảnh và nhịp điệu, cấu trúc thơ giàu tính
biểu cảm. Khung cảnh mùa xuân đc mở ra theo chiều cao bầu trời, theo chiều rộng mặt
nước nhưng ko tĩnh lặng mà xao động bởi âm thanh, màu sắc hình ảnh, tất cả đều hết sức
giản dị, thân thuộc gần gũi với cuộc sống đời thường. Cảnh xuân vì thế mà tươi vui, rộn rã
lòng người.
Mùa xuân đẹp đến mức làm cho trái tim của một người gần đất xa trời phải bừng
tỉnh hay chính sức sống mãnh liệt, niềm tin yêu cuộc sống và khát khao dâng hiến đến hơi
thở cuối cùng của nhà thơ đã thổi vào trong từng câu chữ nhưng màu sắc và âm thanh của
sự hồi sinh. Năng lượng sống tích cực của Thanh Hải hòa cùng nghệ thuật thơ điêu luyện đã
lan tỏa vào từng câu chữ, khiến cho chúng ta, những con người chỉ biết thở dài trong cuộc
sống xô bồ đôi khi phải chậm lại để thêm một chút gia vị cho tâm hồn, một chút rung cảm
trước thiên nhiên, đất trời. Đọc đoạn thơ, hẳn lòng ai cũng như ngân lên những giai điệu
xuân thật đáng yêu, dạt dào sức sống mới.

You might also like