You are on page 1of 3

PHÂN TÍCH TÁC PHẨM TỰ TÌNH II CỦA HỒ XUÂN HƯƠNG

Hồ Xuân Hương là một trong những thi sĩ xuất sắc tiêu biểu của nền thơ ca Việt
Nam. Được biết đến là một nhà thơ viết nhiều về thân phận phụ nữ, bà là người dũng
cảm đề cao vẻ đeph, sự hi sinh của người phụ nữ, đồng thời lên tiếng và phê phán
gay gắt sự tàn bạo bất công của xã hội phong kiến xưa. Bà để lại số lượng tác phẩm
khá nhiều, một trong số dó là chùm thơ Tự Tình hay tiêu biểu hơn cả là Tự Tình II.
Một bài thơ khắc họa rõ nét nỗi buồn của người phụ nữ lỡ thì quá lứa, duyên phận
hẩm hiu:
Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn
….……………………….
Mảnh tình san sẻ tí con con.
Bài thơ Tự Tình II viết bằng chữ Nôm theo thể thơ Thất ngôn bát cú Đường luật,
nằm trong chùm thơ Tự tình gồm 3 bài của Hồ Xuân Hương. Không biết Hồ Xuân
Hương viết chùm thơ khi nào nhưng qua ý thơ và giọng thơ, thì đây là những cảm
xúc chân thực mang nét riêng của người thi sĩ tài năng sau khi nếm trải những chua
chát, đắng cay trên con đường tình duyên.Nhan đề “Tự Tình” có thể hiểu là giãi bày,
là bộc lộ tình cảm của nhà thơ trong hoàn cảnh éo le ấy.
Bài thơ mở đầu với 2 câu thơ tả cảnh nhưng cũng là nét vẽ hình ảnh người
phụ nữ cô đơn, lẻ loi , là nỗi niềm bẽ bàng của tác giả trong đêm khuya thanh
vắng:
Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn
Trơ cái hồng nhan với nước non
Thi phẩm mở ra một bối cảnh giữa không gian và thời gian gợi nỗi buồn và sự
lạc lõng. “Đêm” là khoảng thời gian vạn vật chìm vào giấc ngủ. Trong cái cảnh
thanh vắng ấy, kẻ phải thao thức là kẻ chất chứa bao tâm sự chẳng ai có thể sẻ chia
được. Mà “đêm khuya” lại càng mang đến cái im ắng mênh mang, càng tô đậm thêm
sự hiu hắt của cảnh, gợi cho con người ta những nỗi niềm, miên man những ý nghĩa
về cuộc đời, thân phận. Nhưng chưa dừng lại ở đó, bối cảnh còn vẽ lên âm thanh
văng vẳng của tiếng trống canh dồn. Bút pháp lấy động tả tĩnh qua từ “văng vẳng”
càng cho thấy sự im lìm, yên ắng đến lạ thường của đêm khuya. ‘Tiếng trống canh từ
âm thanh của vật lí lại được cảm nhận bằng âm thanh của tâm lí.Thời gian trong đêm
chuyển hóa thành thời gian cuat tuổi xuân trôi vùn vụt, vội vã, gấp gáp. Đặc biệt là
khi nhân vật trữ tình đối diện với vũ trụ mênh mông rộng lớn thì lại càng cô đơn,
càng chất chứa nỗi niềm và sự bất an.
Tiếp đến câu thơ thứ 2,biện pháp nghệ thuật đảo ngữ được sử dụng, từ ‘trơ’
được đảo lên đầu câu. ‘Trơ’ ở đây có thể hiểu là trơ trọi lẻ loi,nhấn mạnh nỗi đau, cái
hoàn cảnh cô đơn tủi hờn nhưng cũng là trơ lì, chai sạn, thể hiện bản lĩnh, cá tính
mạnh mẽ của HXH, bản lĩnh dám thách thức đối đầu vơi những bất công ngang trái
của xã hội:
“Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt”
‘Hồng nhan’ vốn là mĩ từ chỉ người con gái kiều hoa diễm lệ,là vẻ đẹp thời xuân sắc
sức sống tràn trề, lại được đặt cạnh từ ‘cái’ một từ ngữ dùng để định danh đồ vật mà
nghe đến là thấy sự tầm thường, rẻ rúng. Cố tình sử dụng cụm kết hợp từ đặc biệt
này, nhà thơ đã biểu đạt sự mỉa mai, rẻ rúng cái kiếp hồng nhan của chính mình.
Đúng là hồng nhan thì phận đời càng lao đao, lận đận. HXH cảm nhận được từng
bước đi của thời gian, đồng thời cảm nhận được tiếng lòng của tuổi xuân đang trôi
đi, cảm nhận được sự tủi hổ bẽ bàng của thân phận lẽ mọn. Nhịp thơ 1/3/3 và nghệ
thuật đối lập giữa không gian rộng lớn với người phụ nữ nhỏ bé, cô đơn càng cho
thấy nỗi niềm chua xót đắng cay của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa, đặc
biệt là người làm lẽ.
Trước cuộc đời rộng lớn, HXH nhận ra thân phận của mình, người phụ nữ
ấy đã tìm đến rượu giải sầu. Hai câu thơ tiếp theo trong phần thực là nỗi niềm
chua xót buồn tủi của nhà thơ trong hoàn cảnh thực tại :
Chén rượu hương đưa say lại tỉnh
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn
Từ xưa, rượu vốn là thứ mà các thi nhân thường mượn để giải sầu, HXH cũng
không phải ngoại lệ. Bà tìm đến rượu để gạt đi nỗi buồn trong tình cảnh lẻ loi, tìm
đến cái chất men say để lãng quên nhưng rồi say lại tỉnh. ‘Say lại tỉnh’ cho ta hiểu là
một vòng lặp luẩn quẩn không lối thoát, rượu giúp quên đi nhưng rồi thực tại của
những đêm sau lại đến, lại bủa vây cho nên say chỉ là thoáng chốc. Không thể tìm
đến rượu, người thi sĩ tìm đến vầng trăng như một người tri âm tri kỉ muôn đời của
những tâm hồn cô đơn, tìm đến trăng để sẻ chia nỗi niềm cô đơn buồn tủi. Nhưng
với HXH trăng lại khuyết chưa tròn. Trăng bóng xế là trăng đã sắp tàn tựa như tuổi
xuân của nữ sĩ dần qua đi. Vầng trăng bỗng hóa biểu tượng của hạnh phúc, thời gian
của phũ phàng và tàn nhẫn khiến ta nhớ đến ý thơ trong Truyện Kiều Nguyễn Du:
Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường
Vầng trăng chưa trong tựa nhân duyên chưa trọn vẹn, chưa tìm tới được hạnh phúc
viên mãn, là sự muộn màng dở dang của thân phận lẽ mọn. Nghệ thuật đối ‘say lại
tỉnh’ ‘khuyết chưa tròn’ càng tô đậm thêm nỗi sầu, những ứa nghẹn trong tâm hồn
người thiếu nữ, làm niềm mong mỏi thoát khỏi hoàn cảnh thực tại nhưng không tìm
được lối thoát. Cuối cùng rơi vào bế tắc tuyệt vọng, cuộc đời của HXH trở thành bi
kịch.
Tiếp đến hai câu thơ của phần luận, bằng việc lấy cảnh ngụ tình, tác giả cho thấy
nỗi niềm phẫn uất và thái dộ phản kháng của HXH:
Xiên ngang mặt đất rêu từng đám
Đâm toạc chân mây đã mấy hòn
Rêu vốn là loài mỏng manh nhưng lại có sức sống mạnh mẽ trong bất cứ hoàn cảnh
nào, còn đá thì nhỏ bé đối lập hoàn toàn với sự rộng lớn của đất trời. Tuy nhiên việc
sử dụng các động từ mạnh đâm, xiên, nghệ thuật đảo ngữ nhấn mạnh từ được đảo lên
đầu câu như chứa đựng nội lực, sự căm phẫn muốn phá tan tất cả. Rêu yếu ớt hèn
mọn không chịu yếu mềm, đá nhỏ bé im lìm nhưng phải rắn chắc để đâm toạc chân
mây cũng là sự gào thét trong tâm hồn tác giả, một HXH vơí bản lĩnh, cá tính mạnh
mẽ muốn xiên ngang đâm toạc những định kiến từng ngày thắt chặt lấy cuộc đời
những người phụ nữ
Cuối cùng bài thơ kết lại với 2 câu thơ quay lại với tâm trạng buồn tủi chán chường,
nỗi niềm ngao ngán của người thi nhân:
Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại
Mảnh tình san sẻ tí con con
Xuân ở đây vừa là mùa xuân của đất trời nhưng cũng là tuổi xuân của người phụ nữ.
Nhà thơ cảm nhận được mùa xuân của đấy trời vô biên vô tận, luân phiên theo chu
trình rồi tuần hoàn trở lại. Nhưng mùa xuân của người phụ nữ ngán nỗi lại một đi
không trở lại. Cách cảm nhận này cho thấy sự tương đồng với cách cảm nhận của X
Diệu:
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại
Còn đất trời nhưng chẳng còn tôi mãi
Nhà thơ thấm thía được quy luật của thời gian, thấy được sự bẽ bàng thân phận của
chính mình. Nghệ thuật tăng tiến mảnh tình - san sẻ - tí con con càng làm cho tình
cảnh thêm éo le hơn. Mảnh tình vốn đã bé lại phải san sẻ chỉ còn tí con con. Mảnh
tình càng bé thì nỗi đau càng tăng, HXH đã phải sẻ chia đi thứ vốn chẳng thể chia sẻ.
Có thể nói góp phần là nên thành công cho bài thơ cũng như chùm thơ Tự tình
phải kể đến những thành công về nghệ thuật. Sử dụng thành công thể thơ thất ngôn
bát cú với ngôn ngữ tiếng Việt mang đến cho thể thơ cổ điển nét đẹp mới gần gũi
thân thuộc , ngôn ngữ giản dị mà sâu sắc, hình ảnh giàu sức gợi tả, nghệ thuật đảo
ngữ. Bài thơ diễn tả các cung bậc cảm xúc, sự tinh tế, phong phú trong tâm trạng của
người phụ nữ khi nghĩ đến thân phận của mình.
Tóm lại bài thơ Tự Tình là một bài thơ hay với lời thơ khép lại thấy được khát
vọng hạnh phúc, đọng lại dư vị và dư vang sâu lắng, xót xa về thân phận người phụ
nữ với tình duyên hẩm hiu cay đắng. Không những vậy đây còn là một bài thơ đòi
quyền hạnh phúc, một lời phản kháng độc đáo chứa chan tiếng nói bênh vực người
phụ nữ của HXH. Thể xác của bà hơn 100 năm nay đã hòa tan làm một cùng với đất
mẹ nhưng sự nghiệp văn chương của con người tài hoa ấy chưa bao giờ ngừng sống
làm lay chuyển lòng người.

You might also like