You are on page 1of 2

CHƯƠNG 12

SỰ ĐÁNH ĐỔI NGẮN HẠN GIỮA LẠM PHÁT VÀ THẤT NGHIỆP

Đường Phillips. Vào năm 1958, nhà kinh tế học người Anh tên là A.W.Phillips đã tìm ra mối quan hệ
tỷ lệ nghịch giữa lạm phát và thất nghiệp. Nghĩa là, những năm lạm phát cao đi kèm với thất nghiệp
thấp. Mối quan hệ nghịch này cũng xuất hiện ở các nước khác, kể cả Mỹ, và nó được gọi là đường
Phillips. Đường Phillips có vẻ như đã đưa ra cho các nhà hoạch định chính sách một thực đơn về cách
lựa chọn giữa lạm phát và thất nghiệp. Để có tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn, điều cần thiết chỉ là chọn tỷ lệ
lạm phát cao hơn.
Mô hình tổng cầu và tổng cung có thể giải thích mối quan hệ được mô tả bởi đường Phillips. Đường
Phillips chỉ ra các kết hợp lạm phát và thất nghiệp nảy sinh trong ngắn hạn bởi sự dich chuyển trong
đường tổng cầu dọc theo đường tổng cung ngắn hạn. Ví dụ, sự gia tăng trong tổng cầu chuyển nền kinh
tế dọc theo đường tổng cung ngắn hạn đến mức giá cao hơn, sản lượng cao hơn và một thất nghiệp thấp
hơn. Do giá trong giai đoạn trước bây giờ được cố định, mức giá cao hơn trong giai đoạn hiện tại hàm
ý tỷ lệ lạm phát cao hơn, mà hiện tại được kết hợp với tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn. Điều này có thể thấy
trong hình 1. Sự gia tăng trong tổng cầu chuyển nền kinh tế từ điểm A tới điểm B trong phần (a) kết hợp
với một sự di chuyển dọc theo đường Phillips ngắn hạn từ điểm A tới điểm B.
Đường Phillips thiết lập mối quan hệ giữa lạm phát và thất nghiệp, nhưng nó không thiết lập mối
quan hệ nhân quả. Nếu đọc đường Phillips từ trục thất nghiệp đến trục lạm phát, chúng ta thấy rằng khi
thất nghiệp thấp một cách bất thường, thị trường lao động căng thẳng và tiền công cùng giá cả bắt đầu
tăng nhanh hơn.
Sự dịch chuyển của đường Phillips: Vai trò của kỳ vọng. Vào năm 1968, các nhà kinh tế Mỹ Friedman
và Phelps lập luận rằng đường Phillips không phải là thực đơn để các nhà hoạch định chính sách có thể
khai thác. Điều đó là vì trong dài hạn tiền tệ có tính trung lập và không có hiệu ứng thực tế nào cả. Chính
sự gia tăng tiền tệ gây ra sự thay đổi theo tỷ lệ trong giá cả, thu nhập và nó không ảnh hưởng đến thất
nghiệp. Do đó, đường Phillips dài hạn phải thẳng đứng ở tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên - tỷ lệ thất nghiệp
mà nền kinh tế tự nhiên bị hút vào đó.
Đường Phillips dài hạn thẳng đứng tương ứng với đường tổng cung dài hạn thẳng đứng. Như hình
1 cho thấy, trong dài hạn sự gia tăng cung tiền làm dịch chuyển đường tổng cầu sang phải và chuyển
nền kinh tế từ điểm A tới điểm C trong phần (a). Đường Phillips tương ứng tìm trong phần (b), nơi mà
sự gia tăng tiền tệ làm tăng lạm phát, nhưng bởi vì tiền là có tính trung lập trong dài hạn, giá cả và thu
nhập vận động cùng nhau và lạm phát thất bại trong việc tác động đến thất nghiệp. Như vậy, nền kinh
tế chuyển từ điểm A tới diểm C trong phần (b) và phác hoạ ra đường Phillips dài hạn.
Friedman và Phelps dùng khái niệm tỷ lệ thất nghiệp "tự nhiên" không phải bởi nó đáng mong muốn
hoặc không đổi, mà bởi vì nó nằm ngoài ảnh hưởng của chính sách tiền tệ. Khi sự thay đổi chính sách
trong thị trường lao động, chẳng hạn thay đổi trong luật tiền công tối thiểu và bảo hiểm thất nghiệp, làm
giảm tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên, nó sẽ làm dịch chuyển đường Phillips dài hạn sang bên trái và đường
tổng cung dài hạn sang phải.
Mặc dù Friedman và Phelps lập luận rằng đường Phillips dài hạn là thẳng đứng, nhưng họ cho rằng
trong ngắn hạn, lạm phát có thể có tác động thực chất đến thất nghiệp. Lập luận của họ tương tự như
điều đã nói đến trong đường tổng cung ngắn hạn, trong đó mọi người đã giả định rằng trong ngắn hạn
kỳ vọng về giá được cố định. Chính vì với tổng cung ngắn hạn, nếu kỳ vọng về giá cả cố định trong
ngắn hạn, sự tăng của lạm phát có thể tạm thời làm tăng sản lượng và giảm thấp thất nghiệp xuống dưới
tỷ lệ tự nhiên. Trong hình 2, đó là một sự di chuyển từ điểm A tới điểm B. Tuy nhiên trong dài hạn, mọi
người điều chỉnh đến tỷ lệ lạm phát cao hơn bởi việc tăng các kỳ vọng của họ về lạm phát và đường
Phillips ngắn hạn dịch ngược lên. Nền kinh tế chuyển từ điểm B đến điểm C có lạm phát cao hơn nhưng
không có sự thay đổi trong thất nghiệp. Như vậy, các nhà hoạch định chính sách phải đối mặt với đánh
đổi ngắn hạn giữa lạm phát và thất nghiệp, nhưng nếu họ mưu toan khai thác nó, mối quan hệ sẽ biến
mất và họ dẫn ngược tới đường Phillips dài hạn thẳng đứng. Các phân tích của Friedman và Phelps có
thể tổng kết bởi đồng nhất thức sau:
Tỷ lệ thất nghiệp = Tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên - (lạm phát thực tế - lạm phát dự kiến)
Điều này nói lên rằng đối với tỷ lệ lạm phát bất kỳ đã cho, nếu lạm phát thực sự vượt lạm phát dự
kiến , thất nghiệp sẽ giảm xuống dưới tỷ lệ tự nhiên bởi một lượng phụ thuộc vào tham số . Tuy nhiên,
trong dài hạn mọi người hiểu được lạm phát nào tồn tại và tỷ lệ thất nghiệp sẽ bằng tỷ lệ tự nhiên.
Friedman và Phelps đã soạn thảo các giả thiết tỷ lệ tự nhiên, nó công bố rằng thất nghiệp rồi đến
cuối cùng lại trở lại tỷ lệ tự nhiên của nó, bất chấp lạm phát thế nào. Trong quá trinh tranh luận, nó đã
được cho là đúng. Trong những năm 1960, chính sách tiền tệ và tài chính mở rộng đã làm tăng mạnh tỷ
lệ lạm phát và thất nghiệp giảm xuống. Tuy nhiên, Đầu những năm 1970, mọi người tăng kỳ vọng của
họ về lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp trở lại tỷ lệ tự nhiên - khoảng 5 hoặc 6%.
Sự dịch chuyển của đường Phillips: Vai trò của các cú sốc cung. Đường Phillips ngắn hạn cũng có thể
bị các cú sốc cung làm dịch chuyển. Cú sốc cung là một sự kiện trực tiếp tác động đến chi phí và giá cả
của các doanh nghiệp, làm dịch chuyển đường tổng cung của nền kinh tế và đường Phillips. Cú sốc cung
đã xảy ra vào năm 1974 khi OPEC tăng giá dầu. Hành động này làm tăng chi phí sản xuất và dịch chuyển
đường tổng cung ngắn hạn của Mỹ sang trái, làm cho giá tăng lên và sản lượng giảm xuống, tức tình
trạng lạm phát đi kèm suy thoái. Do lạm phát tăng và thất nghiệp tăng, tình trạng này tương ứng với sự
dịch chuyển sang phải (lên trên) của đường Phillips ngắn hạn. Bây giờ, các nhà hoạch định chính sách
phải đối mặt với sự đánh đổi ít mong muốn nhất giữa lạm phát và thất nghiệp. Đó là, các nhà hoạch định
chính sách phải chấp nhận tỷ lệ lạm phát cao hơn đối với mỗi tỷ lệ thất nghiệp, hoặc tỷ lệ thất nghiệp
cao hơn đối với mỗi tỷ lệ lạm phát. Giờ đây họ cũng có sự lựa chọn khó khăn hơn, bởi vì nếu cắt giảm
tổng cầu để chống lạm phát, họ sẽ làm tăng thất nghiệp thêm nữa. Nếu tăng tổng cầu để cắt giảm thất
nghiệp, họ lại tiếp tục làm tăng lạm phát.
Nếu cú sốc cung làm tăng lạm phát dự kiến, thì sự dich chuyển của đường Phillips sẽ có tính chất
"lâu dài". Nếu nó không làm tăng lạm phát dự kiến , sự dịch chuyển chỉ mang tính chất tạm thời. Trong
những năm 1970, Fed đã thích ứng với hai cú sốc cung bất lợi bằng cách làm tăng tổng cầu. Cách làm
này đã dẫn đến sự gia tăng lạm phát dự kiến và sự dịch chuyển sang phải (lên trên) của đường Phillips
mang tính "lâu dài". Vào năm 1980, lạm phát là 9% và thất nghiệp là 7%.
Cái giá của việc cắt giảm lạm phát. Tháng mười 1979, Chủ tịch của Fed Paul Volcker theo đuổi một
chính sách cắt giảm lạm phát - tức làm giảm tỷ lệ lạm phát. Chính sách cắt giảm cung tiền làm giảm
tổng cầu, làm giảm sản lượng và tăng thất nghiệp. Điều này được chỉ ra trong hình 3 bằng sự di chuyển
từ điểm A tới điểm B. Theo thời gian, lạm phát dự kiến giảm xuống và đường Phillips ngắn hạn dịch
xuống dưới, chuyển nền kinh tế từ điểm B tới điểm C.
Cái giá phải trả cho việc cắt giảm lạm phát là một thời kỳ thất nghiệp và sản lượng giảm. Tỷ lệ hy
sinh là số phần trăm sản lượng hàng năm bị mất đi do việc cắt giảm lạm phát một phần trăm gây ra.
Lượng sản lượng mất đi phụ thuộc vào độ dốc của đường Phillips và mọi người tìm cách cắt giảm kỳ
vọng về lạm phát nhanh chóng đến mức nào.
Một số nhà kinh tế ước lượng tỷ lệ hy sinh là vào khoảng 5, tức rất lớn. Những người ủng hộ lý
thuyết được gọi là kỳ vọng hợp lý đã gợi ý rằng cái giá phải trả cho việc cắt giảm lạm phát có thể nhỏ
hơn nhiều và có thể là zêrô. Kỳ vọng hợp lý gợi ý rằng mọi người sử dụng một cách tối ưu tất cả những
thông tin sẵn có, bao gồm cả các chính sách của chính phủ, khi dự báo về tương lai. Như vậy, một khi
chính sách chống lạm phát đã được loan báo và được mọi người tin tưởng có thể chuyển nền kinh tế từ
điểm A tới điểm C, không cần phải thông qua điểm B. Volcker đã loan báo chính sách chống lạm phát
vào cuối năm 1979 và giảm được lạm phát từ 10% xuống 4% vào năm 1984, nhưng cái giá phải trả là
sự gia tăng đáng kể của thất nghiệp. Tuy nhiên, cần chú ý rằng sự gia tăng trong thất nghiệp thấp hơn
mức dự tính trước đó dựa vào tỷ lệ hy sinh ước lượng được. Lý thuyết kỳ vọng hợp lý có thể không
chính xác, hoặc mọi người không có thể tin vào các thông báo chính sách.

You might also like