You are on page 1of 4

Tháng Giêng là tháng đặc biệt của nhà thơ Nguyễn Khuyến.

Ông sinh ngày 15-2-1835


(tức 18 tháng Giêng năm Ất Mùi) và mất vào ngày 5-2-1909 (tức 15 tháng Giêng năm Kỷ
Dậu), thọ 75 tuổi. Như vậy tính đến xuân này ông đã mất chẵn 100 năm. Một trăm năm
rời chốn trần gian nhiều mộng mị khoa cử và quan trường lận đận, nhưng 100 năm qua và
chắc còn hơn nữa, những câu thơ của Yên Đỗ vẫn còn khiến nhiều người yêu thơ nước
Việt mất ngủ.

1. Ngày nay khi nhắc đến thơ Nguyễn Khuyến, người ta liền nghĩ ngay đến chùm thơ
mùa thu nổi tiếng của ông và dành cho ông một mỹ tự “nhà thơ của mùa thu”. Tính từ khi
Dương Quảng Hàm viết cuốn “Quốc văn trích diễm” vào năm 1925, thơ văn cụ Yên Đỗ,
đặc biệt với chùm ba bài thơ thu đã trân trọng hiện diện trên gần vài chục tập giáo khoa
thư. Trong lịch sử giảng dạy và nghiên cứu văn chương Việt gần một thế kỷ qua, bao
nhiêu bút mực đã dành cho ba bài thơ thu của ông, nhưng cũng ngần ấy năm chẳng thấy
ai nói đến thứ tự trước sau của chùm thơ này, rằng Thu vịnh viết trước hay Thu điếu, hay
Thu ẩm ? Nhà nghiên cứu Ngô Ngọc Ngũ Long trong chuyên khảo rất chất lượng “Thi
hào Nguyễn Khuyến – đời và thơ” do Viện Văn học chủ trương được NXB Khoa học xã
hội in năm 1992 trong khi phân tích chùm thơ này đã lần lượt đi từng bài là Thu ẩm, rồi
Thu điếu và cuối cùng là Thu vịnh. Ông không hề nói vì sao lại theo thứ tự như vậy.
Trong khi phần lớn các cuốn SGK, hoặc các thi tuyển cho học sinh hay sinh viên học thì
đều sắp xếp theo thứ tự Thu vịnh – Thu điếu – Thu ẩm, song cũng không một tác giả nào
nói rõ cơ sở nào họ lại sắp xếp như vậy. Đó là một câu hỏi giản dị đã tồn tại gần một thế
kỷ qua (?)

Theo nhận định của nhà thơ Xuân Diệu trong cuốn “Thơ văn Nguyễn Khuyến” in năm
1971, Thu vịnh được sáng tác vào khoảng 1883 – 1884, nghĩa là trước khi nhà thơ cáo
quan về quê. Cơ sở để nhà thơ khẳng định điều này là câu kết của bài thơ “Nghĩ ra lại
thẹn với ông Đào” đã thể hiện rõ ý nghĩ hổ thẹn của ông quan Nguyễn Khuyến trước Đào
Uyên Minh khi mình vẫn còn vướng phải vòng lợi danh nơi chốn quan trường.

Nhìn trên tổng thể cả ba bài thơ, về bút pháp, về thi cảm, về ngôn từ, chúng ta có thể
nhận thấy ba bài thơ thu này làm ở những thời điểm cách xa nhau, và tất nhiên ở những
cách thế khác nhau. Bởi vậy mỗi bài thơ có một nỗi niềm, một tâm trạng riêng. Và nếu
nhìn trên trục thời gian, có thế thấy rõ Thu vịnh là tâm cảm của một vị quan trước vòm
nha môn đã muốn rũ áo từ quan. Cái cách ngước mắt nhìn trời mấy tầng, rồi hạ dần đôi
mắt xuống “cần trúc lơ phơ”, “nước biếc”, “giậu hoa” rồi chìm dần vào tâm trạng bên
trong “nghĩ ra lại thẹn với ông Đào” thể hiện rõ thi cảm của một nho gia đã chán ngấy
hiện trạng của mình. Ngôn từ bài thơ đầy những thi liệu bác học: trời xanh mấy từng, cần
trúc, nước biếc, khói phủ, song thưa, hoa năm ngoái, ông Đào…

Đến Thu điếu, rồi Thu ẩm, hệ thống ngôn từ gần như dần triệt bỏ hết những chất liệu hàn
lâm để lời lẽ “con dân” chiếm lĩnh tuyệt đối. Nhân vật trữ tình của Thu điếu là một ông
già câu cá lạ kỳ dường như trầm mặc triền miên trong những ý nghĩa bất tận “không lời
đáp” giữa cái tĩnh mịch nên thơ của làng quê nước Việt. Không biết ở đây cách thế người
đi câu ở cái ao con Hà Nam có giống ông già ngồi trên bến phu Văn Lâu giữa kinh đô
Huế vài năm sau không ?
Còn đến Thu ẩm, rõ ràng nhân vật là một lão nông say rượu. Không còn một chút cách
thế, tâm trạng của vị quan ngày nào. Lão nông ấy uống rượu trong “gian nhà cỏ thấp le
te”, nhìn ra ngoài trời chỉ thấy hun hút đêm sâu. Thu ẩm có một thi pháp “nhòe” và
dường như được sáng tác từ điểm nhìn của một người uống rượu, vì thế hiện thực của
nhiều điểm thời gian khác nhau nhập vào làm một trong không gian bài thơ: câu 1 và 2 là
đêm tối, rất tối; câu 3 là cảnh có thể nhìn thấy “màu khói nhạt” ở lưng giậu phất phơ; câu
4 lại cảnh đêm trăng (Làn ao lóng lánh bóng trăng loe). Câu 5 thì khác hoàn toàn: Da
trời ai nhuộm mà xanh ngắt. Đây rõ ràng không phải là câu thơ tả cảnh mà là câu hỏi bất
giác của thi nhân, một tâm cảnh của người uống rượu. Câu hỏi ấy không lời đáp. Và nó
cũng bất thường như “mắt lão không vầy cũng đỏ hoe”.

Từ điểm mở đầu thi triển bài thơ “trời thu xanh ngắt” đến “ao thu lạnh lẽo”, cuối cùng
đến “năm gian nhà cỏ thấp le te”, lần lượt Thu vịnh – Thu điếu – Thu ẩm đã thể hiện
được thi cảm cũng như nỗi niềm của ba trạng thái, ba cách thế khác nhau theo lộ trình từ
quan quy ẩn để thành một ông già “nhà quê” chân yếu mắt mờ thực sự. Tuy vậy nó vẫn
thống nhất trong hình tượng trữ tình một thi nhân giàu cảm xúc trước quê hương và đau
đáu ưu tư trước thời cuộc khó bề xoay chuyển.

2. Khi giảng dạy ba bài thơ thu, người truyền giáo văn chương ít nhiều làm rõ được vẻ
đẹp mùa thu nước Việt, tâm cảm ưu phiền của nhà thơ và bút pháp tả cảnh ngụ tình kiệt
xuất của thi nhân Nguyễn Khuyến. Song họ đã ít để tâm đến chi tiết đắt giá hơn cả trong
ba bài thơ trên, đó là hình ảnh “trời xanh”. Đây là chi tiết đã xuất hiện đều đặn ở cả ba bài
thơ, nhưng ở những vị trí khác nhau: “Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao” (Câu 1 trong
Thu vịnh), “Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt” (Câu 5 trong Thu điếu), “Da trời ai
nhuộm mà xanh ngắt” (Câu 5 trong Thu
ẩm)

Vì quen sử dụng phương pháp luận “con quạ” với kỹ năng “rỉa mồi”, theo nghĩa đen của
từ “phân tích”, các nhà giải phẫu tác phẩm văn chương đã “chiết” chi tiết “trời xanh” này
ra và gán cho nó nhiều nghĩa “ước lệ” theo cách của văn hóa học hoặc của khoa tư biện
cảm tính, trừ cách phân tích tác phẩm trong sự toàn vẹn của văn bản và liên văn bản. Từ
đấy, màu trời trong thơ cụ Yên Đỗ ở trên theo họ là biểu trưng cho vẻ đẹp nên thơ diễm
tình của miền quê nước Việt, là màu xanh hi vọng, là biểu hiện cho sự sống nước Việt,…
là rất nhiều nghĩa, chỉ trừ nghĩa mà cụ Nguyễn Khuyến gửi gắm qua hình ảnh thơ đặc biệt
này (?)

Trong trường hợp này, cũng ít ai nghĩ rằng trong cảm quan thị giác của người Việt, màu
“xanh ngắt” mà cụ Yên Đỗ “lặp” đến cả ba lần ở cả ba bài thơ có thật là màu mà người
Việt chúng ta yêu thích không ? Thực sự là không ! Và một người mang đậm trong mình
những tinh tuý của hồn Việt, văn hóa Việt như cụ Yên Đỗ sao lại lấy màu “xanh ngắt” để
làm “đẹp” cho bầu trời nước Việt ? Chắc câu trả lời cũng không !

Khi lần giở lại tất thảy di cảo của cụ Yên Đỗ, nhất là soát xét gia tài thi ca trong đoạn đời
quy cố hương ở vùng chiêm trũng Bình Lục cho đến tháng Giêng năm 1909, trước khi rời
cõi tạm, chúng ta không còn thấy thi nhân ngước mặt nhìn trời trong các thi tác của ông
nữa. Từ ngày “mắt lão không vầy cũng đỏ hoe”, dường như “trời xanh” đã không còn là
một ẩn mật trong ông, nỗi bận tậm về cõi đời, về sự xuất xử của nho gia cũng không còn
hằn lên trí nghĩ của ông… Dường như hơi rét thế mệnh bao phủ chốn trần gian khiến ông
co mình lại để tìm những nguồn vui bên những bờ giậu thưa, những cột khói đốt đồng,
những giọt “rượu tường đền”, những vui buồn có thực trên mặt đất mà thôi !

Bởi vậy nên lần cuối ở Thu ẩm, nhà thơ đã hỏi “Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt”. Uống
rượu trong “năm gian nhà cỏ thấp le te” giữa một “đêm sâu” bỗng nhiên từ tâm khảm
ông, hình ảnh “trời xanh” lại chới với hiện lên như tra vấn. Và theo sau câu hỏi này là câu
thơ đầy tâm trạng: “Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe”. Dường như câu thơ tiếp ứng liền
liền này lại chính là hệ quả từ câu thơ ở trước vậy ?

GS. Trần Đình Sử trong tiểu luận “Con người trong sáng tác Nguyễn Khuyến” đã viết rất
hay về quan niệm nghệ thuật trong thơ Nguyễn Khuyến như thế này: “…Nguyễn Khuyến
đã nhận ra trạng thái thất hồn, trống rỗng, bất tài, vô vị của người đương thời… Nguyễn
Khuyến là người đầu tiên nhận ra sự lỗi thời ấy trong thơ ông”. Cụ Tam Nguyên Yên Đỗ
là một nho gia. Trong mấy ngàn năm nay, Trời là đấng tối cao, người nắm giữ then máy
tạo hóa, là kẻ chứng giám và minh bạch các giá trị, các chân lý cho chốn bụi hồng. Bởi
vậy nên chúng ta không lạ gì khi Bao Chửng bên Tàu, người phán xử công minh các vụ
án được vua Tống cho nhận tước vị Bao Công lại được nhân dân phong tặng danh hiệu
Bao Thanh Thiên !

Cụ Yên Đỗ là người thông hiểu thi thư thánh hiền, cụ đã gò mình vào con đường khoa cử
để thành danh và cụ ra làm quan với vốn liếng rất cơ bản như vậy để tham gia chính sự.
Thế nhưng, thời cuộc đã đổi thay, tiếng súng xâm lăng của thực dân Pháp là từ trời Tây
đưa tới, triều đình nhà Nguyễn đã như một con ngựa già lụ khụ trên dòng lịch sử, những
lý thuyết của nho gia nghìn năm trước đấy giờ đây đâu còn ý nghĩa gì trước thời đại mới,
lý tưởng cũ đã hết thời, lý tưởng mới thì chưa tới… Rời chính trường về quê, mang danh
phận kẻ sĩ, trong lòng đầy những hoài bão vì đời, vì nước, nhưng nghĩ cho cùng, nhà thơ
vẫn thấy mình là một kẻ bất lực. Nỗi đau đớn tận cùng này hỏi ai bây giờ ?

Ông trời “xanh ngắt” đâu còn nơi là nương tựa cho con người nữa. Ông không đủ khả
năng giải đáp chân lý, thay đổi nước non. Ông ta vô hồn, trống rỗng, bất tài, và tầm
thường đến mức mày tao chi tớ với chúng sinh dưới trần:

Chót vót trên này có một tao

Mày xem tao có nói đâu nào ?

Da tao xanh ngắt pha đen trắng,


Chỉ tại dì Oa vá váy vào

(Trời nói)

Bởi vậy mới thấy rằng, hình ảnh “trời xanh” trở đi trở lại bất thường trong cùng một sắc
độ “xanh ngắt” ở ba bài thơ thu của Nguyễn Khuyến được nói ở trên chỉ là thể hiện sự
khủng hoảng lý tưởng trong con người nho gia của cụ Tam Nguyên Yên Đỗ.

Đây cũng chính là điểm nhìn nghệ thuật của Nguyễn Khuyến khi ông triển khai tứ thơ, và
cũng là cơ sở để người dạy văn xác định được lộ trình sáng tác trong “liên khúc” ba bài
thơ thu, từ đó có thể nhận diện được các giá trị thẩm mỹ đích thực của các thi phẩm.

You might also like