You are on page 1of 18

THIÊN NHIÊN TRONG THƠ NGUYỄN TRÃI

I. Thiên nhiên trong văn học trung đại


- Cổ nhân từng nói: “Thi trung hữu họa”. Thật vậy, người nghệ sĩ làm
thơ phải như vẽ tranh, trong thơ phải có họa. Do đó, thiên nhiên có địa vị
danh dự trong văn học trung đại và có mặt hầu hết trong sáng tác của các
thi nhân giai đoạn này.
- Thiên nhiên biểu hiện cảm quan vũ trụ, mỹ cảm và tư tưởng, triết lý
phương Đông của các nhà Nho: con người hòa đồng với vạn vật, tạo vật
và con người tương sinh trong thế giới này và làm nên diện mạo, linh
hồn của các tác phẩm văn chương. Bước vào vũ trụ văn chương trung
đại, người đọc như được sống giữa thế giới tạo vật thiên nhiên non nước
hữu tình vừa trong trẻo, trầm lắng vừa hoành tráng, kì vĩ đến lạ thường.
- Đối với người xưa, thiên nhiên vừa rất huyền bí lại vừa rất gần gũi với
con người. Do vậy, điều dễ thấy nhất trong thơ ca trung đại là sự xuất
hiện rất thường xuyên của không gian vũ trụ, không gian thiên nhiên.
- “Thơ xưa thường chuộng thiên nhiên đẹp,
Mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông”
(Hồ Chí Minh)
Những hình ảnh đó cùng với tùng – cúc – trúc – mai đã đi vào các sáng
tác trung đại để rồi trở thành chuẩn mực của vẻ đẹp thiên nhiên, khơi gợi
biết bao nguồn cảm hứng nơi nghệ sĩ.
- Qua lăng kính của các tác giả, thiên nhiên không chỉ đẹp mà còn ẩn
chứa nhiều tầng ý nghĩa. Họ gửi gắm trong bức tranh những tình cảm,
những suy ngẫm, những triết lý nhân sinh sâu sắc.
II. Thiên nhiên trong thơ Nguyễn Trãi
Khái quát:
· Nguyễn Trãi là một nhà chính trị, nhà văn, nhà văn hóa lớn của dân tộc.
· Ông đã để lại cho hậu thế một di sản văn hóa đồ sộ, quý giá, trong đó
tiêu biểu hơn cả là lĩnh vực văn chương nghệ thuật.
· Các sáng tác của ông được viết bằng chữ Hán và chữ Nôm, nổi tiếng
nhất là “Ức Trai thi tập” (chữ Hán) và “Quốc âm thi tập” (chữ Nôm).
· Tình yêu thiên nhiên là nguồn cảm hứng lớn trong thơ văn Nguyễn
Trãi. Hai tập thơ “Ức Trai thi tập” và “Quốc âm thi tập” chứa đựng cả
một thế giới thiên nhiên đa dạng, vừa mĩ lệ vừa bình dị, gần gũi.
· “Quốc âm thi tập” gồm 254 bài, thơ viết về thiên nhiên chiếm 118 bài.
· Còn trong “Ức Trai thi tập”, có khoảng ⅓ trong tổng số 105 bài là thơ
tả thiên nhiên.
=> Thiên nhiên chiếm vị trí quan trọng trong thơ Nguyễn Trãi. Với
ông, thiên nhiên không phải phương tiện để bộc lộ tâm tình mà là một
sinh thể sống động, là người bạn, là tri kỷ của ông:
“Núi láng giềng, chim bầu bạn,
Mây khách khứa, nguyệt anh tam.”
(“Thuật hứng”, bài 19)
1. Thiên nhiên trong thơ chữ Hán:
1.1: Khái quát:
· Thơ chữ Hán viết về thiên nhiên của Nguyễn Trãi có số lượng đồ sộ
không khác gì thơ viết bằng chữ Nôm của ông sau này. Trong đó nổi bật
nhất là “Ức trai thi tập”, một trong những tập thơ chữ Hán đặc sắc của
nhà thơ Nguyễn Trãi. Tập thơ gồm 105 bài thơ.
· Trong đó, thơ viết về thiên nhiên của Nguyễn Trãi là những bài thơ với
cuộc đời thăng trầm đầy bi kịch của người anh hùng, như cũng soi chiếu
tâm tư của chính nhà thơ trong những hoàn cảnh khác nhau. Lúc làm
quan giữa triều, khi về ở ẩn sống đời thanh bần giữa núi rừng, dù ở đâu
thiên nhiên vẫn chiếm một địa vị quan trọng, một người bạn tâm giao để
Nguyễn Trãi kí thác nỗi lòng luôn quặn thắt những ưu tư thời thế. Cảm
hứng bao trùm trong những bài thơ chữ Hán viết về thiên nhiên của
Nguyễn Trãi là cảm hứng giao hòa, hòa quyện giữa tình yêu thiên nhiên
với tình yêu đất nước. Điều đó như đã được tác giả khái quát bằng hai
câu thơ sau:
“ Kim cổ vô cùng giang mạc mạc
Anh hùng hữu hận diệp tiêu tiêu.”
(“Vãn hứng”)
1.2: Cụ thể:
a. Thiên nhiên đầy hùng vĩ, khoáng đạt, mang cảm hứng lịch sử:
· Thiên nhiên hùng vĩ: (Bài thơ “ Bạch Đằng hải khẩu”)
· Bài thơ “Cửa biển Bạch Đằng” rút trong “Ức Trai thi tập”, một trong
những bài thơ kiệt tác của tác gia Nguyễn Trãi. Bài thơ như một thiên bút
kí trữ tình về một cuộc du ngoạn tuyệt đẹp của thi nhân, khắc cảnh tượng
thiên nhiên hùng tráng, kì vĩ của cửa biển Bạch Đằng:
“Sóc phong xuy hải khí lăng lăng,
Khinh khởi ngâm phàm quá Bạch Đằng.
Ngạc đoạn kình khô sơn khúc khúc,
Qua trầm kích chiết ngạn tằng tằng.
Quan hà bách nhị do thiên thiết,
Hào kiệt công danh thử địa tằng.
Vãng sự hồi đầu ta dĩ hĩ,
Lâm lưu phủ ảnh ý nan thăng.”

Dịch thơ:
“Biển lùa gió bấc thổi băng băng
Nhẹ kéo buồm thơ vượt Bạch Đằng.
Ngạc chặt kình băm non lởm chởm,
Giáo chìm gươm gãy bãi dăng dăng.
Quan hà hiểm trở, Trời kia dựng
Hào kiệt công danh đất ấy từng.
Chuyện cũ ngoảnh đầu, ôi đã dứt
Dòng trôi tìm bóng dạ bâng khuâng.”
(Khương Hữu Dụng dịch)
· Mở đầu bài thơ là hình ảnh “cánh buồm căng gió lướt nhẹ vượt Bạch
Đằng Giang”. Một không gian mênh mông, bao la biển Trời sông nước.
Gió biển lùa thổi mạnh, con thuyền lướt “băng băng”trên mặt biển.
Cảnh quan bao la ấy của biển trời đã khơi dậy một tứ thơ khoáng đạt
dâng lên dào dạt trong tâm hồn phơi phới của thi nhân. Du khách cùng
với con thuyền và cánh buồm thơ đang sống trong tâm thơ vô cùng ung
dung, thư thái:
“Sóc phong xuy hải khí lăng lăng,
Khinh khởi ngâm phàm quá Bạch Đằng.”
(“Biển lùa gió bấc thổi băng băng
Nhẹ kéo buồm thơ vượt Bạch Đằng.”)
· Hai câu thực là bức tranh hoành tráng về dòng sông, cửa biển Bạch
Đằng:
“Ngạc đoạn kình khô sơn khúc khúc,
Qua trầm kích chiết ngạn tằng tằng.”
(“Ngạc chặt kình băm non lởm chởm,
Giáo chìm gươm gãy bãi dăng dăng.”)
Núi, sông, bờ bãi hiện lên qua vần thơ và các hình ảnh ẩn dụ: “Ngạc”,
“kình”, “gươm giáo” mang ý nghĩa tượng trưng. Trên cửa biển Bạch
Đằng, núi trập trùng như bức trường thành chẳng khác nào đàn cá ngạc,
cá kình - lũ giặc phương Bắc bị nhân dân ta căm giận băm vằm và chặt
thành từng khúc. Bờ bãi nhấp nhô “dăng dăng” kéo dài vô tận như giáo
gươm của lũ giặc ngoại xâm bị nhân dân ta đánh chìm, bẻ gãy chất đống
mà thành. Phép đối thần tình tạo nên vần thơ cân xứng hài hòa, cảnh vật
cao thấp, xa gần đầy ấn tượng. Chất thơ dạt dào cảm hứng lịch sử đã
đem đến cho người đọc những liên tưởng đầy tự hào về dòng sông và
chiến công oai hùng của thiên nhiên. Người đọc như cùng nhà thơ sống
lại những năm tháng hào hùng thuở trước. Phải có một tấm lòng yêu
nước và niềm tự hào dân tộc mãnh liệt, Ức Trai mới viết nên những vần
thơ tráng lệ như vậy.
· Tiếp theo phần luận phép đối vẫn được sử dụng sáng tạo, cảm hứng lịch
sử của thi nhân bừng sáng, ý thơ càng trở nên thâm trầm sâu sắc. Thiên
nhiên được khắc họa ngày càng hùng vĩ, hiểm trở hơn, đồng thời một bài
học giữ nước về địa lợi, về nhân hòa, về hào kiệt được nhà thơ nói lên rất
thấm thía:
“Quan hà bách nhị do thiên thiết,
Hào kiệt công danh thử địa tằng.”
(“Quan hà hiểm trở, Trời kia dựng,
Hào kiệt công danh đất ấy từng.”)
=>> Địa thế Bạch Đằng hiểm yếu, là tử địa đối với lũ giặc phương Bắc,
cửa biển lòng sông hiểm yếu ấy là quà tặng của thiên nhiên ban cho
nhân dân ta để bảo vệ xã tắc “vững bền muôn thuở”. Quan hà với hào
kiệt, trời với đất, được đặt trong thế đăng đối, Ức Trai muốn khắc sâu tư
tưởng yêu nước chống xâm lăng. Cuộc chiến đấu chống ngoại xâm để
bảo vệ Tổ quốc Đại Việt từng diễn ra trên Bạch Đằng là chính nghĩa,
lòng dân hợp lẽ Trời nên đã chiến thắng vẻ vang.
=>> Đằng sau những cảnh núi sông tráng lệ là hình ảnh nhân dân
anh hùng được nhà thơ ca ngợi với tất cả niềm tự hào về sức mạnh
nhân nghĩa Việt Nam.
=>>Đọc bài thơ “Cửa biển Bạch Đằng”, đã cảm nhận sâu sắc thêm vế
đối của người xưa: “Đằng Giang tự cổ huyết do hồng" - Ta thêm yêu
đất nước và con người Việt Nam, tự hào về những trang sử chống
xâm lăng của nhân dân ta. Tâm hồn Ức Trai đã hóa núi sông ta.

b. Thiên nhiên mang vẻ đẹp gần gũi, thân thuộc, là ngôi nhà thứ hai của
Nguyễn Trãi:
“Côn Sơn hữu tuyền,
Kỳ thanh lãnh lãnh nhiên,
Ngô dĩ vi cầm huyền.
Côn Sơn hữu thạch,
Vũ tẩy đài phô bích,
Ngô dĩ vi đan tịch.
Nham trung hữu tùng,
Vạn lí thuý đồng đồng,
Ngô ư thị hồ yển tức kì trung.
Lâm trung hữu trúc,
Thiên mẫu ấn hàn lục,
Ngô ư thị hồ ngâm tiêu kỳ trắc.
Vấn quân hà bất quy khứ lai,
Bán sinh trần thổ trường giao cốc?”
( Trích “Côn Sơn Ca”)

Dịch thơ:
“Côn Sơn suối chảy rì rầm,
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai.
Côn Sơn có đá rêu phơi,
Ta ngồi trên đá như ngồi đệm êm.
Trong ghềnh thông mọc như nêm,
Tìm nơi bóng mát ta lên ta nằm.
Trong rừng có bóng trúc râm,
Dưới màu xanh mát ta ngâm thơ nhàn.
Về đi sao chẳng sớm toan,
Nửa đời vướng bụi trần hoàn làm chi?”
(Phan Võ, Lê Thước, Đào Phương Bình dịch)
- Bài thơ được viết khi Nguyễn Trãi cáo quan về Côn Sơn ở ẩn nhằm giữ
tâm hồn mình thanh thuần, trong sạch tránh xa lớp bụi trần thế.
- Đối với Nguyễn Trãi, Côn Sơn là một miền đất có sức hút kì lạ. Chẳng
thế mà hai lần cáo quan về ở ẩn, ông đều tìm về với Côn Sơn. Và núi
rừng Côn Sơn thanh vắng đã trở thành một thế giới riêng đầy thân
thương gắn bó với thi nhân. Tại Côn Sơn, Nguyễn Trãi được sống với
chính mình. Dường như thiên nhiên đã trở thành cứu cánh cho tâm hồn
ông- một tâm hồn đớn đau vì nhân tình thế thái
- Trong cảm xúc của ông, cảnh trí Côn Sơn hiện ra thật thơ mộng và lãng
mạn: có tiếng suối chảy rì rầm, có đá rêu phơi êm ái, có rừng thông mọc
rậm, dày, có rừng trúc xanh mát..., vừa có cái hoang dã của thiên nhiên,
vừa có hơi ấm của cuộc sống đầy ắp tình người. Hơn nữa, trong con mắt
thi nhân, thiên nhiên không chỉ là cảnh, mà đã trở thành nhà. Ngôi nhà
thiên nhiên ấy thật đặc biệt: suối là đàn, rêu là chiếu, bóng thông làm
giường, bóng tre trúc là nơi ngâm vịnh thơ ca. Và trong ngôi nhà thiên
nhiên ấy, ông để tâm hồn mình giao hoà với cảnh và vẽ lại nó bằng một
ngọn bút tài hoa.
- Một hình ảnh so sánh liên tưởng đầy thú vị khiến ta không khỏi cảm
thán trước tâm hồn phong tình, tinh tế ấy (“Tiếng suối reo” róc rách từng
đợt hệt như có bàn tay uyển chuyển đang gảy khúc đàn ngân nga bên tai)
. Nguyễn Trãi trở về Côn Sơn không phải là để ẩn dật theo đúng nghĩa
của cách sống ẩn dật, mà ông trở về Côn Sơn với nỗi hân hoan đầy tự do
của một con người trở về nhà mình (ý của Hoàng Phủ Ngọc Tường). Và
trong ngôi nhà ấy, ông không những được tha hồ nghe nhạc rừng, ngồi
trên đá đánh cờ, mà còn được nằm dưới bóng thông râm mát, được ngâm
thơ nhàn dưới bóng trúc xanh. Một cuộc sống mà người và cảnh gắn bó
với nhau, hoà nhập vào nhau. Lòng Ức Trai thanh thản đến lạ kì.

c. Thiên nhiên mang vẻ đẹp mĩ lệ, tinh tế, trong thơ Nguyễn Trãi:
· Bài thơ “Dục Thuý sơn”:
· Trong “Tự thán” bài 2, Nguyễn Trãi viết: “Túi thơ chứa hết mọi giang
san”. Quả thật Ức Trai đã đi nhiều nơi, thăm nhiều danh thắng. Với lòng
yêu thiên nhiên say đắm, với hồn thơ rộng mở, nhạy cảm và tinh tế, tới
đâu Nguyễn Trãi cũng có thơ về cảnh đẹp non sông đất nước. Người đọc
ngày nay có thể tìm thấy một bộ sưu tập phong cảnh Việt Nam rất phong
phú và đa dạng qua tập thơ chữ Hán – “Ức Trai thi tập”: núi Côn Sơn,
núi Yên Tử, cảng Vân Đồn, chùa Tiên Du, chùa Đông Sơn, núi Long
Đại, núi Lam Sơn... Đặc biệt, Nguyễn Trãi có nhiều thơ về các địa danh
ở Ninh Bình, tạo nên một quần thể danh thắng của vùng “vịnh Hạ Long
cạn” này: núi Dục Thuý, cửa biển Thần Phù, trấn Vịnh Doanh. Đó là
những danh lam thắng cảnh mang vẻ đẹp mĩ lệ, tinh tế nhưng cũng
không kém phần hoang sơ,...

· Trong quần thể danh thắng đó, nổi bật lên là Dục Thuý sơn. Trước đây
núi có tên là Sơn Thuý. Tên Dục Thuý là do Trương Hán Siêu đặt. Có
người giải thích núi giống hình chim trả, lại ở trên bờ sông, nên gọi là
Dục Thuý, với nghĩa là chim trả tắm (dục: tắm, thuý: chim trả). Dù thế
nào thì tên gọi Dục Thuý sơn cũng rất đẹp và thơ mộng, người chưa
được đến thăm có thể qua tên mà hiểu cảnh.
· Nguyễn Trãi viết “Dục Thuý sơn” với hai nguồn cảm hứng: cảm hứng
thiên nhiên và cảm hứng hoài cổ. Ở nguồn cảm hứng nào người đọc
cũng thấy những nét riêng, độc đáo của Ức Trai.
“Hải khẩu hữu tiên san;
Tiền niên lũ vãng hoàn.
Liên hoa phù thuỷ thượng;
Tiên cảnh truỵ trần gian.
Tháp ảnh, trâm thanh ngọc;
Ba quang kính thuý hoàn.
Hữu hoài Trương Thiếu Bảo;
Bi khắc tiển hoa ban.”

Dịch nghĩa:
Cửa biển có ngọn núi tiên;
Năm xưa ta đã nhiều lần qua lại nơi này.
Dáng núi như đóa hoa sen nổi trên mặt trước;
Tưởng như là cõi tiên rơi xuống trần gian.
Bóng tháp trên núi soi xuống mặt nước giống như cái trâm ngọc xanh;
Ánh sáng của sóng nước phản chiếu ngọn núi như đang soi mái tóc biếc.
Chạnh nhớ Trương Thiếu bảo;
Bia đá khắc thơ văn của ông nay đã lốm đốm rêu.
· Phân tích những câu thơ đặc sắc miêu tả thiên nhiên trong bài thơ:
· Nhìn chung, trong bốn câu thơ đầu tác giả tập trung cảm hứng vào vẻ
đẹp thần tiên, huyền ảo, đầy mĩ lệ của Dục Thuý sơn.
Nhà thơ có một ấn tượng sâu sắc về danh thắng này, đó là “núi tiên”,
“cảnh tiên”. Trong một đoạn thơ ngắn, thi sĩ hai lần dùng từ “tiên” làm
định ngữ để nói về núi Dục Thuý, về cảnh Dục Thuý. Thơ Đường có
phép kị trùng chữ. Nhưng ở đây để làm nổi bật vẻ đẹp thần diệu của Dục
Thuý sơn. Nguyễn Trãi đã bất chấp luật kiêng kỵ đó để phóng bút dùng
hai chữ “tiên”. Trong cảm nhận ngôn ngữ của người Việt, tiên thường
gợi lên sự thần diệu, phi thường, thoát tục (phép tiên, cầu tiên) sự sung
sướng, hạnh phúc (sướng như tiên), vẻ đẹp (đẹp như tiên). Từ tiên trong
“núi tiên”. “cảnh tiên” gây ấn tượng sâu sắc về vẻ đẹp huyền ảo của
Dục Thuý sơn. Người không mang cảm quan tôn giáo, nước cảnh đẹp
cũng như đang vào cõi mộng, cõi tiên. Cái hiện hữu được khẳng định
(“hữu tiên san”) càng làm nổi bật cái hư ảo, kỳ diệu:
“Tiên cảnh trụy trần gian”
(Như cảnh tiên rơi xuống cõi trần)
Dục Thuý sơn là sáng tạo tuyệt vời của hoá công, không phải cho cõi
trần, không phải từ cõi trần mà cho tiên giới, từ liên giới. Một chút “vô
thức” (đánh rơi) đã tô điểm thêm vẻ đẹp hạ giới.

Tác giả dùng hình tượng hoa sen để gợi tả vẻ đẹp Dục Thuý sơn. Dù
không bắt nguồn từ cảm hứng tôn giáo thì hình tượng đó vẫn mang đậm
dấu ấn linh thiêng thoát tục của Phật giáo:
“Liên hoa phù thuỷ thượng”
(Núi tựa (như) đoá hoa sen nổi trên mặt nước)
Về mặt liên tưởng, nhà thơ đã có liên tưởng khá xác thực – núi trên dòng
sông với đóa sen trên mặt nước. Về mặt nội dung thẩm mĩ, hoa sen là
biểu tượng của vẻ đẹp tinh khiết, rất phù hợp với cảnh tiên, non tiên.
· Nguồn cảm hứng đó bất chợt không liền mạch khi tác giả phát hiện ra
một vẻ đẹp khác, không kém mỹ lệ mà lại có phần quyến rũ hơn, say
người hơn:
“Tháp bảo trâm thanh ngọc
Ba quang kính thúy hoàn.”
(Bóng ngọn tháp (trên núi trông giống như cái) cái trâm bằng ngọc xanh
Ánh sáng (lấp lánh trên) sóng nước tự như gương soi mái tóc xanh
(biếc).
=>>Từ những điều phân tích ở trên, có thể nói bài thơ Dục Thuý sơn
đã đem đến cho người đọc nguồn cảm xúc thẩm mĩ dồi dào: cảm xúc
về vẻ đẹp của danh thắng, vẻ đẹp của hình tượng nghệ thuật và đặc
biệt là vẻ đẹp của tâm hồn Ức Trai: yêu thiên nhiên, yêu đất nước,
giàu chất nhân văn.
d. Thiên nhiên mang tâm sự buồn bã, thấm đẫm vẻ ảm đạm:
“Diêu giai hạc lệ song tà nguyệt,
Điếu chử ngư hàn trạo các sa.
Đồ giác hồ trung phong nguyệt hảo,
Niên niên bất dụng nhất tiền xa.”
(Trích “Hoạ hữu nhân Yên hà ngụ hứng kỳ 3”)
Dịch nghĩa :
Hạc kêu ở thềm ngọc, trăng chiếu qua song cửa
Bến câu cá lạnh lẽo, mái chèo gác trên cát
Tự mình biết có trăng đẹp trong bầu thời gian
Năm này qua năm khác chẳng hề tốn tiền mua.
- Bài thơ thuộc mục “Thơ tỏ ý chán nản và muốn về nghỉ” từ tập “Ức
Trai thi tập” (theo thi viện)
- Thiên nhiên mang vẻ gần gũi, bình dị, là trăng, là hạc, là những cảnh
vật xuất hiện thường nhật xoay quanh cuộc sống chúng ta,dù cảnh ấy đã
xuất hiện bao lần trong thi ca từ cổ chí kim song cảnh ấy đi vào thơ
Nguyễn Trãi luôn được khoác lên mình một tấm áo mới - cái “tình” -
cảnh đã thấm đẫm tâm sự con người, tỏ ý muốn lui về thưởng trăng
thưởng vẻ đẹp dung dị của cuộc sống, “lánh đục tìm trong” (câu thơ cuối
: “Niên niên bất dụng nhất tiền xa” tức “Năm này qua năm khác chẳng
tốn tiền mua”)
- Trăng đơn thuần, trăng trăm năm chung thuỷ,thanh cao và thuần khiết,
trăng vốn là tri âm tri kỉ của hầu hết các bậc tao nhân mặc khách, đặc
biệt là những viên quan bất đắc chí với thời cuộc, cáo quan về ở ẩn hòa
mình với thiên nhiên.

“Thạch bạn tùng phong cô thắng thưởng,


Giản biên mai ảnh phụ thanh ngâm.
Yên hà lãnh lạc trường kham đoạn,
Viên hạc tiêu điều ý phỉ câm.
Bằng trượng nhân gian cao hoạ thủ,
Bút đoan tả xuất nhất ban tâm.”
( Trích từ “Khất nhân hoạ Côn Sơn đồ”)
Dịch nghĩa :
Cạnh ghềnh đá, gió thông không ai thưởng thức
Bên khe nước, bóng mai đành phụ thú ngâm nga
Khói ráng chiều quạnh quẽ, buồn muốn đứt ruột
Vượn hạc tiều điều, cảm xúc khó cầm
Muốn nhờ tay vẽ giỏi trên đời
Lấy bút tả hết nỗi lòng ta.
- Bài thơ thuộc mục “Thơ tỏ ý chán nản và muốn về nghỉ” từ tập “Ức
Trai thi tập” (theo thi viện)
- Thiên nhiên thấm đẫm vẻ cô đơn, ảm đạm, “gió thông” không còn
người thưởng thức, cảnh đẹp trữ tình song lại vắng bóng người ngâm
nga, thưởng ngoạn.
-> Lòng người phải chăng cũng sớm lạnh lẽo như vậy? Phảng phất sau
bức tranh thiên nhiên là nỗi ưu tư trước lẽ hưng phế, lại hoài niệm về
những triều đại vàng son đã qua.
=> Chốt : Tiếp xúc với thiên nhiên trong thơ chữ Hán của Nguyễn
Trãi trong “Ức Trai thi tập”, chúng ta có thể nhận thấy ý kiến đánh
giá của PSG.TS Lã Nhâm Thìn thật xác đáng: “Đó là một thiên nhiên
kỳ vĩ, hoành tráng nhưng cũng đồng thời mĩ lệ, thi vị; thiên nhiên gắn
với những địa danh như một cuốn nhật kí gắn với cuộc đời phong phú
từng trải của Nguyễn Trãi; qua đó ta nhận ra một tâm hồn cao rộng,
khoáng đạt, phong tình và tinh tế.”
2. Thiên nhiên trong thơ chữ Nôm
2.1. Khái quát
- Khác với vẻ hùng vĩ, tráng lệ của thiên nhiên trong thơ chữ Hán, thơ
Nôm Nguyễn Trãi chủ yếu hướng về những cảnh giản dị, đơn sơ, mộc
mạc của làng quê Việt Nam. Đó là một không gian thanh bình, yên ả với
dòng sông bến nước, với con đò, bãi bờ, với “luống mồng tơi”, rau
muống, dọc mùng, “đậu kê”, kê khoai, núc nác,...
- Không gắn liền với cảm hứng lịch sử như “Bạch Đằng hải khẩu” hay
cảm hứng hoài cổ như “Dục Thúy sơn”, thiên nhiên trong thơ Nôm
Nguyễn Trãi mang đậm phong vị dân tộc. Ức Trai là người đầu tiên đưa
chất liệu nghệ thuật lấy từ cuộc sống bùn đất của người nông dân vào
sáng tác trữ tình. Đây cũng là lần đầu trong lịch sử thơ Nôm ta thấy xuất
hiện những bài thơ Việt Nam ca tụng cảnh sắc thiên nhiên.
2.2. Cụ thể
a. Hình ảnh thiên nhiên giản dị, dân dã chốn thôn quê:
Quãng đời lui về ẩn cư tại quê ngoại Côn Sơn giúp Nguyễn Trãi có dịp
hoà nhập hết mình với thiên nhiên, khi “công danh đã được hợp về
nhàn”, những cảm xúc thiên nhiên trong chùm thơ “Bảo kính cảnh
giới”, “Mạn thuật”, “Thuật hứng”, những cảm nhận về hoa cỏ trong
“Hoa mộc môn”…cũng bộc lộ con người ông thật bình dị, gần gũi. Ta
cũng nhận ra chân dung tâm hồn Nguyễn Trãi sinh động tự nhiên hơn
trong những vần thơ dân dã, nôm na.
DẪN CHỨNG
“Hoè lục đùn đùn tán rợp trương.
Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ,
Hồng liên trì đã tịn mùi hương.”
( “Bảo kính cảnh giới” – 43)
+ Qua ba câu thơ, một bức tranh thiên nhiên thật sống động và đầy màu
sắc đã hiện ra một cách chân thật nhất. Ở đây, Nguyễn Trãi đã miêu tả
cảnh ngày hè với những sự vật vô cùng gần gũi với cuộc sống hằng ngày.
Màu xanh của hòe, màu đỏ của lựu, màu hồng của sen, màu vàng lung
linh của ánh nắng chiều. Tất cả hoà quyện lại với nhau, tạo nên cảnh vật
đặc trưng của mùa hè.
+ Cảnh sắc ấy vô cùng xinh đẹp và bình dị. Hình ảnh cây hoè, hoa lựu,
bông sen đều là những hình ảnh quen thuộc của làng quê Việt Nam, rất
dễ bắt gặp. Cây hoè vốn được trồng nhiều ở thôn quê; hoa lựu và sen là
biểu tượng cho cảnh sắc mùa hè. Khi sen trong ao làng đã “tịn mùi
hương” tức là đã cuối hè. Nhà thơ đã gắn tâm hồn mình với cảnh vật
thiên nhiên mùa hè bằng một tình quê đẹp.
- Hồn thơ Nguyễn Trãi gắn chặt với quê hương, nên một nét tạo vật quê
nhà cũng trở thành tạo vật tâm tình, cũng là cảm xúc thi ca. Đó có thể là
một cây hoa xoan tím nở trong lất phất mưa bụi mùa xuân hay đơn thuần
chỉ là một cây chuối:
“Tự bén hơi xuân tốt lại thêm,
Đầy buồng lạ, màu thâu đêm.
Tình thư một bức phong còn kín,
Gió nơi đâu, gượng mở xem.”
(“Ba tiêu”)
+ Nếu các nhà thơ ngày xưa hay lựa chọn những chủ đề xa vời, đẹp đẽ
thì Nguyễn Trãi lại lựa chọn một chủ đề hết sức dân dã và bình dị: cây
chuối – hình ảnh vô cùng gần gũi với đời sống và khung cảnh làng quê,
nhưng khi bước vào trang thơ của Nguyễn Trãi, nó lại được hiện lên một
cách thật sinh động và độc đáo bởi chính thi nhân đã thổi hồn vào nó
những xúc cảm sâu sắc để làm cho bài thơ được nâng tầm giá trị.
+ Bằng cái nhìn tinh tế rất nghệ sĩ, Nguyễn Trãi đã biến những cảnh vật
quen thuộc trở nên lãng mạn hơn bao giờ hết. Ông thấy tàu lá chuối kia
như là một bức thư tình còn đang phong kín, chứa chất trong đó bao ngọt
ngào ân ái và e ấp của một tình yêu buổi đầu trao gửi còn rất đỗi ngập
ngừng.
- Cây hoa xoan, cây chuối đi vào thơ dẫu sao cũng có dáng vẻ văn
chương. Nhưng giậu mồng tơi, bè rau muống có gì là văn chương mà
thành văn chương. Hoá ra, khi tình quê nồng nàn, cảm thức nghệ sĩ chan
chứa thì sự vật tầm thường cũng nên thơ và rất thơ:
“ Ao quan thả gởi đôi bè muống,
Đất bụt ương nhờ mấy lảnh mồng.”
(“Thuật hứng”, 23)
Hay:
“Tả lòng thanh, vị núc nác,
Vun đất ải, luống mồng tơi.”
(“Ngôn chí”, 9)
+ Chẳng cần là khung cảnh hùng vĩ, tráng lệ mà những cảnh vật bình dị,
thân thuộc như đất cày ngõ ải, giậu mùng tơi, lánh mùng, bè muống…
tất cả đều gợi lên trong tâm tưởng Ức Trai những tứ thơ mênh mông, lai
láng, những khoảnh khắc say sưa, nồng nhiệt. Thật đúng là Nguyễn Trãi
đã có một mối tình với thiên nhiên, như ông viết: “Non nước cùng ta đã
có duyên” (“Tự thán”, bài 4)
+ Qua những hình ảnh thiên nhiên bình dị, dân dã, mộc mạc, đơn sơ, gần
gũi gắn với đời sống thôn quê, ta nhận ra một Nguyễn Trãi gần gũi quá
đỗi. Ông không còn là người anh hùng với cuộc đời nhiều thăng trầm,
biến cổ, nặng những nỗi suy tư, “ưu dân ái quốc”, Nguyễn Trãi cũng như
bao người nông dân Việt khác, cuộc sống gắn liền với chuyện cày cuốc,
đồng áng, với những cảnh vật vô cùng nhỏ bé, dân dã. Thế mới thấy tâm
hồn Ức Trai thật thanh thản, tự do, thoải mái, luôn yêu quý, hòa hợp với
mọi vật trên đời, dù là nhỏ bé, dù là bình phàm nhất.
b. Hình ảnh thiên nhiên mang tính ước lệ, cổ điển
- Thế giới thiên nhiên trong thơ Nôm Nguyễn Trãi không chỉ là chốn
thôn dã mộc mạc, gần gũi với “luống mồng tơi”, “đất cày ngõ ải”,… mà
còn là những hình ảnh thiên nhiên ước lệ, cổ điển trong thơ ca trung đại
như “tùng, cúc, trúc, mai” hay “phong, hoa, tuyết, nguyệt”.
- Đọc “Quốc âm”, ta không khó để thấy những đường nét ước lệ quen
thuộc ấy. Ví như trong “Mạn thuật” bài 13:
“Khách đến, vườn còn hoa lác
Thơ nên, cửa thấy nguyệt vào.”
Hay trong “Thuật hứng”, bài 7:
“Khách lạ đến ngàn, hoa chửa rụng
Câu thần ngâm dạ, nguyệt càng cao.”
Hoặc có thể kể đến “Thuật hứng”, bài 15:
“Trúc mai chẳng phụ lòng quân tử,
Viên hạc đà quen bạn dật dân.
Hái cúc ương lan hương bén áo,
Tìm mao đạp nguyệt tuyết xâm khăn.”
“Thuật hứng”, bài 24:
“Kho thu phong nguyệt đầy qua nóc
Thuyền chở yên hà nặng vạy then.”
- Đặc biệt, trong phần “Mộc hoa môn” của “Quốc âm thi tập”, Nguyễn
Trãi còn viết những bài vịnh về “tùng, cúc, trúc, mai”.
- Những loài cây quen thuộc ấy đi vào thơ Ức Trai vẫn phảng phất nét cổ
điển, xưa cũ như đúng thơ xưa. Tùng hiện lên vẫn với dáng cao thẳng,
cốt cách vững vàng, khinh rẻ tuyết sương “Thu đến cây nào chẳng lạ
lùng/Một mình lạt thuở ba đông” (“Tùng”, I); cúc vẫn là dáng vẻ thanh
cao, ngạo nghễ, hiên ngang không màng giá rét “Tình tình nào đoái bề
ong bướm/ Tiết muộn chẳng nài thuở tuyết sương”
(“Cúc”. I); trúc trong sạch, thanh khiết “Hoa liễu chiều xuân cũng hữu
tình/Ưa mày vì bởi tiết mày thanh” (“Trúc”, I); mai vẫn là bông hoa rực
rỡ, tỏa hương khoe sắc buổi đầu xuân “Bóng thưa ánh nước động người
vay/ Lịm đưa hương, một nguyệt hay” (“Mai”, III).
- Quả là “văn dĩ tải đạo, thi dĩ ngôn chí”, ẩn dưới tầng sâu của hình ảnh
“thiên nhiên đẹp” ấy là những tâm sự, nỗi niềm một đời người quân tử.
Ví như bài “Tùng”, “tâm sự xuyên suốt bài thơ là niềm tin chắc vào việc
mình sẽ được dùng vào việc lớn, không hôm nay thì mai sau”. Tùng có
thể làm rường cột, có thể gánh vác được những trọng trách lớn lao, cũng
có thể là hổ phách, phục linh để làm thuốc trường sinh, cứu dân, giúp
dân. Nói cây nhưng cũng chính là đang nói mình. Cả đời thơ Nguyễn
Trãi chẳng bao giờ nhắc đến những công lao sự nghiệp của mình, nhưng
đọc “Tùng”, ta đâu đó cảm nhận được tiếng cười tự hào, hào sảng với cả
một cuộc đời lo cho dân, phục vụ hết mình cho dân của ông.
=> Như vậy, qua việc nhấn mạnh phẩm chất của những hình tượng thiên
nhiên trên, Nguyễn Trãi đã khẳng định phẩm chất của người quân tử.
Đây cũng là một đặc điểm của thiên nhiên mang tính ước lệ. Ức Trai
qua những vần thơ vịnh cây, vịnh cảnh ấy đã cho ta thấy rõ cốt cách, khí
khái của người quân tử trong ông.
=> Tâm hồn Nguyễn Trãi: Tâm hồn Nguyễn Trãi đầy rộng mở, tinh tế,
lãng mạn; ông nâng niu từng vẻ đẹp, từng khoảnh khắc được giao
hòa với thiên nhiên. Đó là một tâm hồn nhạy cảm đến thanh tao, tinh
tế mà giản dị, tâm hồn ấy tựa như vì sao khuê đang toả sáng giữa
bầu trời đêm cũng như Lê Thánh Tông từng viết rằng: “Ức Trai tâm
thượng quang khuê tảo”
3. Nghệ thuật miêu tả
· Bằng bút pháp chấm phá, tả cảnh ngụ tình… Nguyễn Trãi đã vẽ ra
trước mắt người đọc những bức tranh thiên nhiên với đủ màu sắc, đủ
trạng thái.
· Nghệ thuật trữ tình mang nét trang nhã, hàm súc “ý tại ngôn ngọai”.
· Ngôn ngữ cô đúc, bình dị, đơn giản, đậm đà tính dân tộc.
· Sự sáng tạo của ông trong thể thơ và nhịp điệu giúp việc bộc lộ tình
cảm, cảm xúc thêm dễ dàng.
· Những hình ảnh thiên nhiên giản dị, quen thuộc, gần gũi qua con mắt
của người nghệ sĩ đã trở nên có hồn và mang ý nghĩa sâu sắc.
· Việc sử dụng nhiều từ láy làm tăng tính nhạc trong câu thơ và khiến
hình ảnh thơ gợi hình gợi cảm.
=> Như vậy, bằng những thủ pháp nghệ thuật độc đáo, Nguyễn Trãi
đã vẽ lên trước mắt ta những tuyệt cảnh nhân gian. Bên cạnh đó,
thiên nhiên trong thơ ông còn gắn liền với tư tưởng nhân nghĩa cao
đẹp, tiến bộ, đem đến cho ta những bài học nhân sinh sâu sắc. Ta có
thể thấy Nguyễn Trãi là người yêu thiên nhiên, mang tâm hồn nghệ sĩ,
nhạy cảm và chí khí thanh cao của người quân tử trong xã hội xưa.
Đọc những vần thơ của thi nhân, ta có thể kết luận rằng Ức Trai “một
nền thơ ruột rà và quen thuộc, một cái gì như là Tổ quốc thơ”
(Jacques Gaucheron). Ông đã in dấu tài hoa và kiệt xuất của mình lên
nền văn học trung đại nói riêng, nền văn học Việt Nam nói chung.
Hậu thế nhớ đến ông không chỉ là một bậc khai quốc công thần mà
còn là một thi sĩ, một nghệ sĩ chân chính của mọi thời.

You might also like