You are on page 1of 6

TỔ 1 DỤC THÚY SƠN (NGUYỄN TRÃI)

Nhà bình luận văn học người Áo J.D Wingtom đã từng nói: “Khi thơ
viết về thiên nhiên không chỉ có thiên nhiên mà luôn có 1 người ngắm
nhìn rung động, suy tư và gửi gắm bao niềm tâm sự”. Quả thực là như
vậy. Tác phẩm “Dục Thuý sơn” của Nguyễn Trãi đã bao trọn lấy vẻ đẹp
thuần tuý của câu nói trên, đã mang đến góc nhìn hoàn toàn mới về
bức hoạ nơi núi Dục Thuý đẹp tựa tiên cảnh rơi cõi tục, vừa thể hiện
niềm say mê với thiên nhiên và còn là những nỗi niềm cảm hoài sâu sắc
của tác giả.
Nguyễn Trãi được xem là một nhà ái quốc vĩ đại, một người anh hùng
“văn võ song toàn” của dân tộc ta. Ông đã để cho kho tàng văn học
nước nhà vô số kiệt tác đồ sộ như: “Bình Ngô Đại Cáo”, “Lam Sơn thực
lục”, “Bảo kính cảnh giới”,… và nổi bật trong số đó là tác phẩm “Dục
Thuý sơn” được sáng tác vào khoảng thời gian sau cuộc kháng chiến
chống giặc Minh và trước khi Nguyễn Trãi lui về ở ẩn tại Côn Sơn. Bài
thơ đã được sưu tầm lại xếp vào “Ức Trai thi tập”- là một trong những
tập thơ chữ Hán đã để lại tiếng vang lớn cho lịch sử văn học Việt Nam.
Núi non trên mặt đất tự ngàn xưa đã là những áng văn chương trác
tuyệt và núi Dục Thúy - một thắng cảnh từ xưa chính là một ví dụ điển
hình. Ngọn núi này không chỉ được Nguyễn Trãi mà còn rất nhiều danh
sĩ như Cao Bá Quát, Tản Đà... đến thăm và làm văn, làm thơ. Mở đầu
bài thơ "Dục Thúy sơn" của mình, tác gia Nguyễn Trãi đã khéo léo nhắc
tới vị trí tọa lạc của ngọn núi:
"Hải khẩu hữu tiên san"
Dịch thơ ( "Cửa biển có non tiên ")
Không gian mở ra đầu tiên trong bài thơ đó chính là khung cảnh cửa
biển - non tiên, sơn thủy hữu tình, từ “tiên” trong tâm thức dân gian
gợi lên sự thoát tục, hạnh phúc và vẻ đẹp cho nên núi Dục Thúy với tác
giả chính là cõi tiên, tiên cảnh mang vẻ đẹp thanh cao, thoát tục. Từ đó,
ta thấy được một khung cảnh rất tuyệt đẹp, sông nước vừa hùng vĩ,
vừa thơ mộng, không chỉ vậy, đây cũng là nền tảng ban đầu, là nguồn
cảm hứng để cho tâm hồn con người rạo rực với những cảm xúc thiêng
liêng. Với cảm hứng yêu thiên nhiên, yêu cảnh đẹp đất nước, Dục Thuý
sơn với Ức Trai dường như có mối duyên riêng nên thường được nhà
thơ tới thăm:
“Tiền niên lũ vãng hoàn”
Dịch thơ (“Từng qua lại mấy phen”)
Ta thấy rằng ngọn núi này là một địa danh quen thuộc với thi nhân,
không rõ trong đời mình Ức Trai bao lần đặt chân lên núi Dục Thuý,
nhưng ở thơ chữ Hán đã có lần ông nhắc tới:
"Dục Thuý vũ tình phong tự ngọc"
(Dục Thuý mưa tan non tựa ngọc)
(Vọng Doanh)
Như vậy, danh lãm núi Dục Thúy không những mang vẻ kì diêu của cõi
tiên mà còn đặt trong mối quan hệ thân thuộc với nhà thơ. Từ cảm
nhận trực giác đến tưởng tượng, ngắm cảnh từ xa đến gần, thi sĩ tả núi
như một bông sen khổng lồ xoè nở ra trên mặt nước.
“Liên hoa phù thuỷ thượng,
Tiên cảnh trụy trần gian”

Dịch thơ: ( “Cảnh tiên rơi cõi tục;


Mặt nước nổi hoa sen.”)

Hình ảnh ẩn dụ “Liên hoa phù thuỷ thượng” tuyệt đẹp, đầy chất thơ.
Hoa sen tượng trưng cho vẻ đẹp rực rỡ, sự thanh khiết thanh cao, là
một biểu tượng cao quý của đạo Phật. Không chỉ có thế, hoa sen còn
tượng trưng cho vẻ đẹp thần bí, huyền ảo, tư tưởng sâu kín. Như vậy có
thể thấy, đây là hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng, gợi ý niệm thoát tục
phù hợp vs “non tiên”. Bằng việc lặp 2 lần chữ tiền trong tiên cảnh và
tiên san đã nhấn mạnh cho người đọc vẻ đẹp diệu kì, hư ảo như thuộc
về cõi tiên của núi Dục Thuý. Ức Trai ví núi Dục Thuý với bông sen nổi
trên mặt nước thật là hay, gợi ra nhiều liên tưởng thú vị. Phép đối “rơi
cõi tục”-“nổi hoa sen” giúp người đọc cảm nhận được chất thơ trong
ngòi viết Nguyễn Trãi, đối với ông, núi Dục Thuý như một sự sáng tạo
tuyệt vời của tạo hoá, địa dành đó như thuộc về tiên giới trong vô thức
mà đánh rơi xuống trần gian. Hai chữ “phủ” (nổi lên) và “trụy” (rơi
xuống) đối chọi nhau rất tài tình, gợi tả cảnh núi non chùa chiền, sông
nước vừa ảo vừa thực, cảm xúc chìm nổi, trầm bổng, lâng lâng. Khác với
những nhà thơ xưa, bức tranh thiên nhiên của Ức Trai động chứ không
tĩnh, thể hiện sự sống động của cảnh vật. Sau khi miêu tả bức tranh
thiên nhiên toàn cảnh, Nguyễn Trãi đã tiếp tục khắc họa nó một cách
cận cảnh, cụ thể:
"Tháp ảnh trâm thanh ngọc;
Ba quang kính thúy hoàn."

Dịch thơ ("Bóng tháp hình trâm ngọc;


Gương sông ánh tóc huyền.")

Trước hết, Nguyễn Trãi miêu tả hình ảnh tháp được phản chiếu trên
mặt nước. Ông đã ví bóng của tháp như một chiếc trâm cài tóc màu
xanh lục bảo. Trong bài thơ cùng tên, Trương Hán Siêu cũng từng viết:
“Trung lưu quang tháp ảnh”
(“Giữa dòng bóng in tháp”)

Ta thấy hình ảnh “bóng tháp” đều xuất hiện trong cả hai tác phẩm
nhưng ở đây, Nguyễn Trãi đã khiến lời thơ của ông trở nên có hồn và có
chất trữ tình hơn trong khi hình ảnh này trong thơ Trương Hán Siêu chỉ
đơn giản là cảm xúc của một người muốn hòa hợp với thiên nhiên. Việc
so sánh hình ảnh bóng tháp như một chiếc trâm cài tóc của một người
phụ nữ thật sự là một sự liên tưởng sáng tạo và hợp lí nhưng cũng rất
bất ngờ, hiện đại. Tiếp đến, Nguyễn Trãi tiếp tục có sự liên tưởng độc
đáo khi ông ví ánh sáng dòng nước như một chiếc gương khổng lồ và
hình ảnh ngọn núi như như một thiếu nữ đang soi mái tóc màu xanh
biếc của mình. Điểm chung trong hai câu thơ này mà ta có thể thấy là
Nguyễn Trãi lấy vẻ đẹp của con người để miêu tả thiên nhiên. Đây thực
sự là một lối viết sáng tạo, sinh động của tác giả. Bởi thơ xưa thường
lấy vẻ đẹp của thiên nhiên làm chuẩn, còn ở đây nhà thơ lại tập trung
vào vẻ đẹp của con người. Chính chất đa tình, lãng mạn, tinh tế đã làm
phong cách thơ của Nguyễn Trãi trở nên độc đáo và độc nhất so với các
nhà thơ đương thời.
Trước vẻ đẹp trữ tình, nên thơ và đầy diễm lệ của núi Dục Thúy, nhà
thơ Nguyễn Trãi lại bất giác ngậm ngùi mà bày tỏ nỗi hoài niệm nhớ
đến công đức người xưa:
“Hữu hoài Trương Thiếu Bảo;
Bi khắc tiểu hoa ban”
Dịch thơ:
(“Nhớ xưa Trương Thiếu Bảo
Bia khắc dấu rêu hoen”)
Trương Hán Siêu là bậc danh sĩ cao khiết, nhà thơ lỗi lạc đời Trần. Tên
tuổi ông gắn liền với Dục Thúy Sơn, với những bài kí rất nổi tiếng. Trong
tâm thức, Nguyễn Trãi nhớ về Trương Hán Siêu và ngậm ngùi khi thấy
bia khắc của ông đã lốm đốm hoa rêu phủ. Lời thơ hàm súc, cho ta cảm
nhận rõ nỗi cảm hoài sâu lắng mênh mông, đứng trông núi ngắm tháp
mà vẫn bùi ngùi thương nhớ người xưa của tác giả Nguyễn Trãi. Tấm
lòng “uống nước nhớ nguồn” đậm đà tình nghĩa thấm đẫm qua từng
vần thơ thật đẹp và trong trẻo. Qua đó, tác giả cũng bày tỏ nỗi buồn về
thời thế, khi mà con người – một thực thể khao khát sống, khát khao
yêu thì cuộc đời “hữu hạn”, còn tạo vật – một thực thể vô tri lại tồn tại
vĩnh hằng. Trong bài thơ “Vãn hứng” của mình, tác giả cũng đồng thời
bày tỏ nỗi lòng như thế:
“Kim cổ vô cùng giang mạc mạc,
Anh hùng hữu hận diệp tiêu tiêu.
Cũng bởi lẽ đó, Nguyễn Trãi thấy buồn, xót xa và ngậm ngùi vô cùng.
Bên cạnh đó, bằng việc sử dụng biện pháp nghệ thuật đối lập, nhà thơ
còn làm rõ và cho thấy cảm hứng hoài cổ bắt nguồn từ lẽ hưng vong
của tạo hóa, vạn vật: cảnh vật còn đây, bia đá còn đây nhưng nét chữ
đang mờ dần bởi rêu phủ và Trương Thiếu bảo cũng không còn. Có thể
thấy nỗi buồn hoài cổ của Nguyễn Trãi là nỗi buồn mang giá trị nhân
bản sâu sắc. Chỉ qua 2 câu thơ cuối ngắn ngủi nhưng người đọc đã cảm
nhận rõ nét sự tiếc nuối, tâm hồn hướng nội, luôn thường trực nỗi ưu
hoài về cuộc đời, con người của nhà thơ, của thi nhân.
Có thể nói rằng tuy những dòng thơ đã ngưng lại nhưng dòng chảy
tâm tư, suy nghĩ cùng với ấn tượng khó phai của tác phẩm vẫn còn
được lưu lại mãi bởi những nét nghệ thuật vô cùng đặc sắc của “Dục
Thuý sơn”. Trước hết là cách sử dụng thể thơ ngũ luật hài hoà. Tuy thơ
Đường luật bị giới hạn và gò bó bởi luật bằng trắc, số câu chữ, vần điệu
nhưng những dòng thơ của ông vẫn vô cùng uyển chuyển, mềm mại và
đã đạt đến một bậc khó ai có thể sánh bằng. Không chỉ có vậy, bài thơ
còn nổi bật hơn với những hình tượng thơ mĩ lệ, cảnh sắc nơi núi Dục
Thuý đượm vẻ thần tiên cùng với ngôn từ tinh tế như xoa dịu tâm hồn
của độc giả. Hơn thế nữa, những biện pháp tu từ như ẩn dụ, so sánh
cũng được tác giả cài cắm tinh tế đan xen giữa những vần thơ đã lay
động đến trái tim của người đọc. Ấy mới thấy được thơ của Nguyễn
Trãi không chỉ là thơ, mà còn là tiếng ca tâm hồn cùng tài năng nghệ
thuật của ông.
Tác phẩm “Dục Thúy Sơn” khép lại nhưng cũng đồng thời tạo được ấn
tượng mạnh mẽ trong lòng bạn đọc về một cảnh sắc thiên nhiên sơn
thủy hữu tình, vừa mĩ lệ vừa đượm vẻ thần tiên. Đồng thời, ta càng
hiểu thêm về tâm hồn thanh cao, trong trẻo và tài năng kiệt xuất của
người anh hùng Nguyễn Trãi. Chính những điều ấy đã tạo nên sức hấp
dẫn cho tác phẩm và khiến nó trường tồn, bất diệt cùng thời gian. Đúng
như nhận định của Ai-ma-tốp: “Một tác phẩm nghệ thuật chân chính
không bao giờ kết thúc ở trang cuối cùng.”
 

You might also like