You are on page 1of 4

Như sắc xuân tươi thắm nhuộm màu hạnh phúc cho cả trần thế, như những tia

nắng nhẫn nại đem


đến cho đời những ấm áp vô ngần hay như những con nước kiên trì len lỏi qua từng ngõ nhỏ để mang
đến cho nhân loại những sự sống mát lành thì nghệ thuật nói chung và văn chương nói riêng cũng như
ánh sáng dẫn lối cho mọi người đến với những điều tốt đẹp. Như nhà phê bình văn học nổi tiếng người
Pháp-Charles Dubos đã nói: “Văn học đó là tư tưởng đi tìm cái đẹp trong ánh sáng”. Và một khi đã “du
ngoạn” đến địa đàng văn chương Việt Nam, những người thưởng văn sẽ chẳng bao giờ quên đi “tư
tưởng đi tìm cái đẹp” của một tâm hồn “suốt đời đi tìm cái đẹp”-Nguyễn Tuân. Xuyên suốt các sáng tác
nghệ thuật của ông, ta sẽ luôn luôn bắt gặp “cái tư tưởng ấy” dẫu có viết về đề tài gì đi chăng nữa. Và đó
cũng chính là “âm điệu chuyên chở tâm hồn” đặc trưng cho Nguyễn Tuân. Song, nổi bật lên trên ấy
chính là thiên tùy bút “Người lái đò sông Đà” với vẻ đẹp trữ tình, thơ mộng của một Đà giang bình
thường nhưng không tầm thường…

Khi đã đến với “tư tưởng đi tìm cái đẹp” thì ta sẽ chẳng thể nào quên đi người đi tìm cái đẹp một
cách mãnh liệt nhất-Nguyễn Tuân. Ông sinh ra trong một gia đình nhà Nho khi Hán học đã tàn nhưng
ông vẫn là một người nghệ sĩ tài hoa, uyên bác, là một nhà văn lớn của văn học Việt Nam hiện đại. Ông
là một người có cá tính độc đáo, sáng tác ở nhiều thể loại và đặc biệt thành công ở thể tùy bút. Cả đời
say mê cái đẹp. Cả đời đi tìm cái đẹp. Một đời văn chương chìm đắm trong muôn vàn cái đẹp và hiện
thực tàn khốc… Một tâm hồn đẹp của văn học. Văn ông cứ vang bóng cả một thời xa vắng, cái đẹp tồn
tại song song với hiện thực xã hội rồi nương nhau mà sống-một sự sống trường thiên, vĩnh cửu. Sự sống
ấy dường như vượt qua sự băng hoại của thời gian, thổi một nguồn sống mãnh liệt vào trong văn học
Việt Nam. Bởi thế ông được cho là “một nhà văn suốt đời đi tìm cái Đẹp, cái Thật”(Nguyễn Đình Thi) và
“văn Nguyễn Tuân không phải thứ văn cho kẻ nông nổi thưởng thức”(Vũ Ngọc Phan).

Đã nhắc đến Nguyễn Tuân thì không thể nào không nhắc đến thiên tùy bút “Người lái đò sông Đà” của
ông được. Văn phẩm được Nguyễn Tuân sáng tác sau những chuyến đi thực tế gian khổ và hào hứng tới
miền Tây Bắc xa xôi, rộng lớn. Bài tùy bút được in trong tập “Sông Đà”(1960)-kết quả chuyến đi thực tế
Tây Bắc của Nguyễn Tuân. Nội dung tùy bút là miêu tả con sông Đà với vẻ đẹp hùng vĩ, dữ dội, trữ tình,
thơ mộng và hình ảnh người lái đò như “thứ vàng mười đã qua thử lửa”.

“Tác phẩm nghệ thuật là một hình ảnh thực tại, nhưng đó là hình ảnh có linh hồn mà chính cái linh
hồn này mới làm cho tác phẩm sống. Nghĩa là dù trải qua thời gian vẫn gây được xúc động trong lòng
người”. Và có lẽ “linh hồn” của tùy bút “Người lái đò sông Đà” chính là vẻ đẹp của Đà giang, đặc biệt là
vẻ đẹp đối lập của nó khi ở thượng nguồn và hạ lưu. Nếu ở thượng nguồn, người thưởng bắt gặp vẻ
hung bạo, dữ dội của một Đà giang “nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió” hay “độc dữ, nham hiểm” với
“những cái hút nước “xoáy tít đáy” giữa lòng sông” từng dìm và phá tan những bè gỗ hay con thuyền thì
đến với hạ lưu, độc giả sẽ bắt gặp một hình tượng sông Đà với vẻ đẹp hoàn toàn khác-vẻ trữ tình, thơ
mộng động lòng người. Dáng vẻ của Đà giang được chính Nguyễn Tuân quan sát và miêu tả ở nhiều góc
độ, điểm nhìn khác nhau. Từ trên cao nhìn xuống, con sông đầy ghềnh thác bọt tung trắng xóa ấy, con
sông mà “đời đời kiếp kiếp làm mình làm mẩy với con người Tây Bắc” lại ngoằn ngoèo như một cái dây
thừng. “Ngoằn ngoèo” là thế, “phức tạp” là thế nhưng quãng sông ấy lại đầy chất thơ và cũng là một
quãng sông cổ tích:

“Núi cao sông hãy còn dài


Năm năm báo oán đời đời đánh ghen”

Một dòng sông của ca dao, một dòng sông của cổ tích và một dòng sông thật thân thuộc, gần gũi với
nhân dân ta. Từ một góc độ khác, Nguyễn Tuân lại có một phát hiện mới mẻ về vẻ thi vị, yên ả của sông
Đà. “Con sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời
Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân”. Nếu ở
thượng nguồn, Đà giang như một cô gái đỏng đảnh, khó chiều mà “làm mình làm mẩy” với người lao
động thì đến đây, “cô gái ấy” đã trút bỏ vẻ “tiểu thư” ấy mà trở về với vẻ dịu dàng, yêu kiều, diễm lệ vốn
có của mình. Điệp từ “tuôn dài” gợi tả độ dài của sông Đà, của “mái tóc người thiếu nữ”. Nó “tuôn dài”
giữa núi rừng Tây Bắc, giữa lòng người lao động nơi đây, “tuôn dài” nơi đáy hồn văn nhân và “tuôn dài”
mà vắt ngang qua núi rừng Tây Bắc hùng vĩ, mĩ lệ. Phép so sánh sông Đà như một áng tóc trữ tình của
người thiếu nữ lại càng tô đậm thêm chất thơ, chất họa, nổi bật hơn vẻ kiều diễm, dịu dàng của dòng
sông ấy. Một dòng sông làm xiêu lòng người nghệ sĩ, một dòng sông như một bức họa dài đẹp đẽ, một
dòng sông tựa như “một bản nhạc đầy chất thơ”. Dòng sông như áng tóc ẩn hiện trong mây trời lại gợi
ta nhớ đến “Bài dư ngôn tháng Bảy”, cũng là một áng tóc thiếu nữ, cũng là trong mây, cũng tha thiết
như mây trời Tây Bắc:

“Từ em ngọn tóc mây buông lỡ

Chạm xuống hồn tôi để hoang đàng”

Bao nhiêu vẻ đẹp của thơ mộng, trữ tình không chỉ của sông Đà mà còn là đất trời, mây nước nơi Tây
Bắc cứ thế mà ùa về trong câu văn nhẹ nhàng, uyển chuyển, tinh tế ấy của “con người suốt đời đi tìm cái
đẹp”. Và cũng giống như con sông Đà hung bạo, con sông Đà trữ tình cũng luôn được người nghệ sĩ khát
khao tìm kiếm cái đẹp thơ mộng tự nhiên nhất. Lúc thì nhà văn nhìn qua đám mây mùa xuân, lúc lại
xuyên qua đám mây mùa thu mà nhìn xuống. Và ông đã phát hiện sắc nước sông Đà cũng thay đổi theo
mùa. “Mùa xuân dòng xanh ngọc bích” chứ “không xanh màu xanh canh hến của sông Gâm sông Lô”.
Mùa thu thì lại “lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một
người bất mãn mỗi độ thu về”. Mỗi mùa lại một vẻ. Dòng sông dưới ngòi bút thiên tài của Nguyễn Tuân
tựa như một người thiếu nữ đang ở độ tuổi xuân thì: có xinh, có giận, có hờn,… Và dường như, ở sông
Đà hay chính ở những văn phẩm của “người nghệ sĩ say mê cái đẹp” không có chỗ cho những thứ lỡ cỡ,
tất cả đều phải là những thứ tuyệt đỉnh. Mùa xuân dòng nước xanh thì phải xanh màu ngọc bích chứ
không xanh mờ nhạt, lờ đờ vô hồn. Mùa thu dòng nước đỏ thì phải đỏ bầm đi như một khuôn mặt
người đầy tâm trạng. Giữa khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc, giữa bạt ngàn rừng cây
xanh ngắt, giữa một mùa xuân thơ mộng sắc sảo, sông Đà hiện lên như một người con gái mĩ miều, diễm
lệ làm say đắm tâm hồn người nghệ sĩ và cả độc giả. Thật đẹp biết bao!

Chính Nguyễn Tuân cũng đã từng nói: “Tôi quan niệm đã viết văn phải cố viết cho hay và viết cho
đúng cái tạng riêng của mình”. Và đúng như thế, Nguyễn Tuân đã chứng minh được cái tạng riêng của
ông, không ai có thể tìm thấy giọng văn của ông trong bất kì cổ họng của một nhà văn nào khác. Chính
trong “Người lái đò sông Đà” cũng thế. Một thiên tùy bút nhưng lại đậm chất thơ trong ấy. “Con sông Đà
gợi cảm”. Ở thời điểm này, câu chữ của Nguyễn Tuân lại lai láng chất thơ khi ông tự nhận “nhìn sông Đà
như một cố nhân”. Một câu văn nhưng lại mang đầy ý thơ, gợi ta nhớ đến những vẫn thơ tha thiết của
Mạnh Hạo Nhiên trong “Quá cố nhân trang”:

“Cố nhân cụ kê thử,

Yêu ngã chí điền gia.”

Với Nguyễn Tuân, đi rừng lâu ngày lại thấy Đà giang “đằm đằm ấm ấm như gặp lại cố nhân”. Không gian
sông Đà lắng đọng trong vẻ đẹp “bờ sông Đà, bãi sông Đà, chuồn chuồn bươm bướm trên sông Đà”. Quả
thật, vẻ đẹp thơ mộng, dịu dàng của dòng sông gợi cho người ngoạn cảnh một cảm giác “đằm đằm ấm
ấm”, gợi ra biết bao thi vị, ý vị cho khách lãng du và cũng gợi ra một vẻ đẹp trên bề mặt sông “lóe lên
một màu nắng tháng ba Đường thi “Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu”. Đẹp như một bức tranh vẽ
cảnh vương vấn lòng người. Chìm đắm trong vẻ đẹp trữ tình, thơ mông của một Đà giang đầy dịu dàng,
mĩ lệ, Nguyễn Tuân đã tìm ra biết bao cái nên thơ, nên họa trên dòng sông này. Vẻ đẹp vừa như trang
nghiêm trong cổ mạch Đường thi, vừa như lắng đọng hoài vọng về một thời Lí-Trần-Lê, vừa như buâng
khuâng, cảm giác về một sự sống mới “Cảnh ven sông ở đây lặng tờ. Hình như từ đời Lí đời Trần đời Lê,
quãng sông này cũng lặng tờ đến thế mà thôi”. Vừa vượt qua những thác ghềnh, ai ngờ rằng sông Đà lại
có một quãng lặng tờ như thế? Vậy mà điều đó lại đang hiện hữu. Sông Đà với một vẻ đẹp cổ kính, gần
gũi, thân thiết. Cái hoang dại của bờ sông được so sánh với nét hoang sơ thời tiền sử, cái trẻ trung của
dòng sông được so sánh với nỗi niềm hồn nhiên cổ tích. Lại một lần nữa, ta thấy Nguyễn Tuân dùng biện
pháp so sánh để miêu tả sông Đà một cách chân thật nhất. Lần so sánh nào cũng khiến người ta than
phục, ngỡ ngàng, say mê. Những câu văn ấy lại đưa những người thưởng văn xuôi về những ngày quá
vãng xa xưa để cảm nhận nét bình yên, êm đềm, thơ mộng, gần gũi trên tấm áo khoác lung linh, huyền
ảo của một Đà giang trữ tình. Sông Đà như một phần lịch sử của dân tộc, là hồn thiêng đất Việt mang
theo khát vọng tự ngàn đời của nòi giống Việt Nam. Không phải Nguyễn Tuân mới phát hiện ra nét đẹp
của sông Đà, càng không phải Nguyễn Tuân tạo ra nét đẹp của sông Đà mà vẻ đẹp của Đà giang tự ngàn
đời vẫn thế, vẫn “Long lanh đáy nước in trời”(Nguyễn Du) như thế. Dòng chảy sông Đà là một dòng chảy
lịch sử, con sông Đà từ quá khứ cho đến hiện tại và sẽ trôi chảy đến tương lai. Những câu văn, những từ
ngữ được Nguyễn Tuân sử dụng lại giàu chất thơ, chứa chan cảm xúc trữ tình. Phải chăng chất thơ ấy là
chất thơ “hoài cựu”(Nguyễn Đăng Mạnh) dưới nét bút tài hoa của người nghệ sĩ. Những câu văn trong
quá khứ rồi lại ngỡ ngàng, giật mình quay trở về hiện tại. Giữa bức tranh đầy chất thơ của đôi bờ sông
lặng tờ, giữa dòng chảy êm đềm xưa cũ, nhà văn lại them một tiếng còi sương. Đó không chỉ đơn thuần
là âm thanh của hiện đại mà còn là âm thanh của nỗi niềm, của khát vọng, của ước mơ trong tâm khảm
người nghệ sĩ. Ngòi bút của “một người suốt đời đi tìm cái đẹp” không chỉ làm người ta kinh ngạc bởi sự
dữ dội, hung bạo của dòng sông hay sự dũng cảm, giản dị của ông lái đò-người anh hùng lao động mà
còn làm người ta yêu thích bởi chất trữ tình, thơ mộng của một Đà giang bình thường nhưng không tầm
thường…

Một tác phẩm văn chương chân chính luôn phải là một kết tinh của nghệ thuật. Nghệ thuật không chỉ
là cái cốt lõi tạo nên văn phẩm mà còn là “tiếng nói riêng” của văn phẩm nơi cõi văn chương rộng lớn,
bao la. Và Nguyễn Tuân cũng đã làm cho “Người lái đò sông Đà” đứng vững giữa một cõi văn chương
lộng gió bằng ngòi bút tài năng và nghệ thuật của chính ông. “Người suốt đời đi tìm cái đẹp” đã thật tinh
tế biết bao khi sử dụng những ví von, so sánh, liên tưởng, tưởng tượng độc đáo, bất ngờ và thú vị trong
việc miêu tả con sông Đà để thể hiện Đà giang là một con sông có hồn, có một nét đẹp trữ tình vương
lòng người. Bên cạnh đó, ông còn tài tình sử dụng từ ngữ phong phú, sống động, giàu hình ảnh và có sức
gợi cảm cao để dệt nên những câu văn sinh động mà nhẹ nhàng, giản dị mà không kém phần tinh tế.
Chẳng những thế, ông còn sử dụng một cách “chín” của ngôn từ bằng những câu văn đa dạng, nhiều
tầng, giàu nhịp điệu để cho Đà giang thêm bội phần trữ tình, thơ mộng.

“Tác phẩm chân chính không kết thúc ở trang cuối cùng” (Aimatop). Bởi lẽ, ở nơi cuối cùng của tác
phẩm chính là lời nói, lời tâm sự của tác giả cũng có thể là câu chuyện về nhân vật mà tác giả muốn để
lại mãi về sau. Và “Người lái đò sông Đà” cũng là một văn phẩm như thế. Chính Nguyễn Tuân, chính “con
người suốt đời đi tìm cái đẹp” ấy đã tinh tế thế nào mới dệt nên những câu văn nơi sông Đà trữ tình, thơ
mộng và cũng là nơi gần khép lại thiên tùy bút như thế. Từ đó cho độc giả cảm nhận vẻ đẹp trữ tình, thơ
mộng nơi Đà giang rộng lớn, và cũng từ đó gieo vào lòng độc giả một nỗi niềm cảm xúc, tự hào về chính
con sông quê hương đất Việt, chính cảnh đẹp trường tồn mãi nơi vùng đất hồn thiêng Việt Nam.

Nếu “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam là một áng thơ êm dịu thì ắt hẳn thiên tùy bút “Người lái
đò sông Đà” của Nguyễn Tuân là một áng văn đậm chất thơ vấn vương lòng người. Hơn hết chính là hình
tượng con sông Đà trữ tình, thơ mộng đã gieo vào lòng người thưởng văn những lắng đọng khó quên.
Những câu văn đã bắt rễ từ cuộc sống mà nở hoa nơi từ ngữ, một bức tranh mĩ lệ với câu từ đạt đến độ
“chín” nhưng không màu mè mà gắn liền với cuộc sống. Tất cả sẽ mãi cuồn cuộn sức sống và trở thành
cây đại thụ trong lòng độc giả, vượt qua sự băng hoại của thời gian mà trường tồn mãi mãi bởi lẽ, văn
chương không bao giờ đặt dấu chấm hết trên con đường vươn tới cuộc sống.

You might also like