You are on page 1of 3

Vẻ đẹp trữ tình của sông đà

VẺ ĐẸP TRỮ TÌNH CỦA SÔNG ĐÀ


- Dòng sông gợi cảm, trữ tình và nên thơ sau khi đã đi qua thác ghềnh.
Sông Đà tạo thành chất men say cho cuộc sống của con người Tây Bắc.
Từ nhiều góc nhìn khác nhau, Nguyễn Tuân đã có những phát hiện mới
mẻ về vẻ thi vị, yên ả của con sông này. Qua bao thác ghềnh, con sông
trở nên hiền hòa, mềm mại, uyển chuyển hơn bao giờ hết.
+ Từ trên tàu bay nhìn xuống, Tây Bắc như người thiếu nữ duyên dáng,
yêu kiều mà sông Đà chính là áng tóc mềm mượt của người con gái
khao khát thanh xuân này. Nguyễn Tuân nhìn thấy dòng chảy uốn lượn
của con sông Đà tựa như áng tóc buông dài vắt ngang qua núi rừng hùng
vĩ. Nhà văn đã dùng câu văn dài hơi, hạn chế ngắt quãng để gợi tả độ dài
của sông Đà, của mái tóc thiếu nữ. Đồng thời, sử dụng từ ngữ mượt mà
cũng là cách để nhà văn gợi tả cái dòng chảy êm đềm của con sông
mang linh hồn Tây Bắc: “Con Sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng
tóc trữ tình, đầu tóc, chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở
hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương
xuân.”. Hai từ “tuôn dài” được đặt kề nhau không phải là lỗi lặp từ của
Nguyễn Tuân, đó là là cách để dòng sông trong đôi mắt của ông “tuôn
dài” giữa núi rừng, giữa lòng người lao động. Nhà văn khéo léo gợi lại
thần sắc mây trời Tây Bắc, màu hoa hoa trắng xóa, hoa gạo đỏ tươi đặc
trưng cho miền núi rừng hùng vĩ này. Khói núi Mèo mà người đồng bào
đốt nương mỗi khi Tết đến cũng khiến lòng người nao lòng đến lạ. Tây
Bắc muôn đời vẫn đẹp, sông Đà dẫu hung hãn đến đâu cũng có đoạn yêu
kiều, diễm lệ như cô gái cháy bùng sức trẻ trong khoảnh khắc thanh
xuân.
+ Nhìn sông Đà từ nhiều thời điểm khác nhau, nhà văn phát hiện màu
nước sông Đà thay đổi theo mùa, mỗi mùa lại mang một vẻ đẹp riêng.
Nguyễn Tuân đặc biệt chú trọng sắc nước sông Đà ở hai mùa: xuân và
thu. Hai mùa để thương để nhớ, để nhà văn ngắm nhìn và gợi tả cái dòng
nước u huyền, ngọt ngào mang đặc trưng riêng biệt: “Tôi đã nhìn say
sưa làn mây mùa xuân bay trên Sông Đà, tôi đã xuyên qua đám mây
mùa thu mà nhìn xuống dòng nước Sông Đà.” Tây Bắc vào xuân, sự
biến ảo của đất trời, thiên nhiên khiến sắc nước sông Đà cũng xanh trong
kì lạ: “Mùa xuân dòng xanh ngọc bích, chứ nước Sông Đà không xanh
màu xanh canh hến của Sông Gâm, Sông Lô”. Màu xanh “ngọc bích”
khiến dòng nước không chỉ xanh mà còn trong vắt, long lanh như tấm
gương phản chiếu vẻ đẹp của đất trời nơi đây. Đến khi Tây Bắc vào thu,
vẻ trầm mặc của thiên nhiên khiến dòng nước sông đỏ hẳn đi: “Mùa thu
nước Sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì ruợu bữa,
lù lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bực bội gì mổi độ thu về”.
Cách so sánh màu nước sông Đà mùa thu với màu da của một người
nghiện rượu khiến dòng sông có sắc thái, có linh hồn, có xúc cảm hơn.
Màu nước này cũng giống như cái màu đỏ giận dỗi, hờn trách “của một
người bất mãn, bực bội gì mỗi độ thu về”. Nhà văn khéo léo khi so sánh
dòng sông với con người, khéo léo trao thần sắc, tâm trạng của con
người vào dòng sông vô tri, vô giác.
+ Nguyễn Tuân nhìn sông Đà như một “cố nhân”. Nhà văn kể lại nỗi
thèm thuồng khoảng không gian thoáng đãng trên sông Đà khi ông lạc
vào rừng sâu Tây Bắc. Nhớ sông Đà, Nguyễn Tuân lặn lội đi tìm con
sông như tìm một người bạn. Và rồi sông Đà hiện hình trước mắt ông
mà dấu hiệu nhận biết chính là “cái miếng sáng lóe lên một màu nắng
tháng ba Đường thi “Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu”. Cảm xúc
của người lâu ngày gặp lại sông Đà “vui như thấy giòn tan sau kì mưa
dầm, vui như nối lại chiêm bao đứt quãng”. Rõ ràng, sông Đà chính là
người bạn của Nguyễn Tuân.
+ Nguyễn Tuân lại thay đổi điểm nhìn của mình, đặt mình trong vị trí
của người khách hải hồ đi thuyền trên sông Đà, từ đó có những phát hiện
độc đáo về cảnh vật hai bên bờ sông. “Thuyền tôi trôi trên sông Đà”, sáu
thanh bằng trong một câu văn khiến nó mượt mà hẳn đi như đích thị
chiếc thuyền chở người du khách đang trôi trên dòng nước êm ái. Trước
mắt nhà văn, cảnh vật ven sông “lặng tờ”. Dường như nhà văn đang
sống ở một thời đại nào đó xa xôi lắm, xưa cổ lắm, không có tiếng âm
thanh của cộ xe, của súng đạn. Một nỗi hồ nghi dợn lên trong lòng người
nghệ sĩ: “Hình như từ đời Lí đời Trần đời Lên, quãng sông này cũng
lặng tờ đến thế mà thôi”. Bao thời đại trôi qua dòng sông Đà vẫn lặng tờ,
lim dim mơ màng giữa núi rừng Tây Bắc. Hai bên bờ sông, cảnh vật yên
ả, thanh bình, tràn trề nhựa sống như đang bắt đầu vào mùa sinh sôi nảy
lộc. Một nương ngô hiện ra trước mắt nhà văn, ngô chưa ra trái, ngô chỉ
mới “nhú lên mấy lá ngô non đầu mùa”. Trên đồi, cỏ gianh xanh mơn
mởn đang phun trào những lộc búp: “cỏ gianh đồi núi đang ra những
nõn búp”. Có một đàn hươu thơ ngộ đang “cúi đầu ngốn búp cỏ gianh
đẫm sương đêm”. Ôi khung cảnh an yên quá đỗi. Ngay cả cử chỉ cúi đầu
nhai cỏ của đàn hươu cũng thật nhẹ nhàng, trầm lắng. Chữ “ngốn” gợi tả
sự non tơ của cỏ gianh, sự hiền lành đến dễ thương của đàn hươu nào đó
sống bên bờ sông Đà, bãi sông Đà. Cảnh vật hai bên bờ sông hiện lên
như một bức tranh rất đỗi thần tiên “không một bóng người”. Chưa dừng
lại ở đó, nhà văn còn miêu tả sự hoang sơ, cổ kính của quãng sông này.
Bờ sông Đà nguyên sơ như chưa có đôi bàn tay nào đến đây khai phá, để
rồi: “Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một
nỗi niềm cổ tích tuổi xưa”. Đúng rồi, đây là một bờ sông trong câu
chuyện cổ tích năm nào ta nghe kể. Tĩnh vắng như vậy, hoang sơ như
vậy thì còn gì mà không phải nữa chứ? Đoạn văn miêu tả cảnh hai bên
bờ sông Đà có lẽ là đoạn văn mượt mà, ngọt ngào và thơ mộng nhất
trong tác phẩm. Câu văn mang dáng dấp mềm mại, êm trôi, không khí
mơ màng khiến người đọc đắm say ngây ngất.

You might also like