You are on page 1of 4

Hình tượng sông Đà hung bạo và trữ tình

Nguyễn Tuân là một cây đại thụ lớn của nền văn học Việt Nam. Nếu Xuân
Diệu coi tình yêu là tôn giáo của đời mình thì Nguyễn Tuân coi “cái đẹp” là lẽ
sống mà ông dành cả đời mải miết kiếm tìm, tôn vinh, phụng sự. Bởi thế mà mỗi
trang văn của ông đều là những “tờ hoa” dâng tặng trong cuộc đời. Tùy bút “Người
lái đò sông Đà” là một trong những “tờ hoa” đẹp đẽ nhất trong đời văn Nguyễn
Tuân. Trong tác phẩm, bên cạnh hình tượng người lái đò, hình ảnh con sông Đà
nổi bật với hai nét tính cách đối ngược: hung bạo và trữ tình, đặc biệt thể hiện qua
hai đoạn trích: “Còn xa lắm mới đến cái thác dưới…đàn trâu da cháy bùng bùng”
và “Con sông Đà tuôn dài tuôn dài…mãi độ thu về”.
Nguyễn Đình Thi từng nhận xét về Nguyễn Tuân là con người “sinh ra để
tôn thờ nghệ thuật với hai chữ viết hoa”. Bởi thế, nhà văn luôn tiếp cận đối tượng
trên phương diện tài hoa, nghệ thuật. Là một đứa con của “chủ nghĩa xê dịch”
Nguyễn Tuân đã in dấu chân mình trên mọi miền của Tổ quốc. Trong chuyến công
tác lên vùng cao Tây Bắc, nhà văn đã tìm ra “chất vàng” của thiên nhiên, của con
người nơi đây. Từ đó, ông chắp bút viết nên tùy bút “Người lái đò sông Đà”. Cả
tác phẩm là sự kết tinh của “chất vàng” nơi dẻo cao của đất nước: Là thiên nhiên
hung bạo nhưng cũng nên thơ, trữ tình, là con người tài hoa, trí dũng, “anh hùng
sông nước” nhưng cũng giản dị, mộc mạc. Hai đoạn trên đã khắc họa nên vẻ đẹp
hung bạo của con sông qua âm thanh của thác đá khi ở thượng nguồn và vẻ đẹp thơ
mộng, trữ tình qua hình dáng, màu sắc của Đà giang khi ở hạ lưu.
Tên của tùy bút là “Người lái đò sông Đà” nhưng khi đọc tác phẩm, ta thấy
hình tượng con sông Đà là một hình tượng lớn bao trùm lên cả tác phẩm. Mở đầu
tác phẩm là con sông Đà, theo dọc tác phẩm cũng là con sông Đà và kết thúc tác
phẩm cũng là người lái đò trên sông Đà. Sông Đà hiện lên với hai nét vẽ chính:
hung bạo và trữ tình. Không chỉ có vậy, Đà giang còn có tính độc đáo được thể
hiện qua lời đề từ:
“Chúng thủy giai Đông tẩu
Đà giang độc Bắc lưu”
Điểm đặc biệt của dòng sông này được thể hiện ngay từ đầu, với lời đề từ
mang ý nghĩa là mọi con sông đều chảy về hướng Đông, duy chỉ có sông Đà là
chảy theo hướng Bắc. Việc sử dụng chữ hán đã giúp Nguyễn Tuân làm nổi bật lên
sự khác biệt, độc đáo của con sông. Cái độc đáo của của Sông Đà đã gặp gỡ, đồng
điệu hòa vào với cái độc đáo của Nguyễn Tuân. Nếu ví Đà giang như một bức vẽ
đặc biệt thì Nguyễn Tuân chính là người họa sĩ tài năng với lối tranh đầy màu sắc
và cả âm thanh. Chính bởi sự đặc biệt đó, hình tượng con sông Đà hiện lên như
một nốt láy đầy ấn tượng về thiên nhiên Tây Bắc: Một Đà giang hung bạo như một
bầy thủy quái qua những thanh âm rùng rợn của nước thác.
Trước đó, sông Đà được miêu tả như một con quái vật đầy bí hiểm, dữ tợn,
chỉ trực nuốt chửng cái thuyền nào đó đi qua nó qua hình ảnh của “vách đá”,
“Ghềnh Hát Loóng”, “hút nước”. Bằng việc miêu tả âm thanh của thác đá, Nguyễn
Tuân đã khắc họa sông Đà như một bầy thủy quái đang sục sôi, chờ những con
thuyền đến để bắt sống. Chưa nhìn thấy hình đáng của “kẻ thù số một của con
người”, ta đã nghe thấy những âm thanh ghê rợn, vang vọng. Càng tiến đến gần,
những âm thanh ấy “réo gần mãi lại réo to mãi lên”. Và khi này ta mới thấy “đây
không chỉ đơn thuần là tiếng thác nước mà là những tiếng “oán trách”, “van xin”,
“khiêu khích”, “chế nhạo”. Việc nhân hóa con sông với những từ ngữ chỉ hành
động của con người nhà văn đã cho ta thấy tâm địa, diện mạo của “kẻ thù số một”.
Ta càng lại gần, sự hung bạo lại càng được đẩy lên cao. Từ “oán trách”, “van xin”
được đẩy lên “khiêu khích”, “chế nhạo”. Đà giang dường như cũng có lý trí riêng
của nó. Mới đầu là “oán trách” con người vì đã đi vào lãnh thổ của nó, sau là sự
“van xin” con người đừng đụng vào nó, đừng tiến gần nó. Nhưng khi con người
tiến đến gần, giọng điệu của con sông thay đổi hoàn toàn. Nó mời gọi, “khiêu
khích” con người đi vào trận địa của nó để rồi “chế nhạo” sức mạnh yếu ớt của con
người nhỏ bé, đơn chiếc trước thiên nhiên hung bạo, hùng vĩ. Nốt nhấn của cả đoạn
trên là hình ảnh so sánh: “rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng
lộn giữa rừng vầu, rừng tre nứa nổi lửa, đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cũng
gầm thét với đàn trâu da cháy bừng bừng”. Câu văn đã bộc lộ rõ sự “ngông” trong
ngòi bút của Nguyễn Tuân. Ở những câu văn trước, nhà văn đã sử dụng những từ
ngữ miêu tả âm thanh tăng tiến, tạo sự hãi hùng, ớn lạnh cho người đọc khi càng
đến gần con thác. Nhưng đến câu văn này, âm thanh lại được miêu tả bằng hình
ảnh “một ngàn con trâu mộng”. Điều này không chỉ thể hiện sự liên tưởng phong
phú của Nguyễn Tuân mà còn cho ta thấy được cái “ngông” đã thấm đẫm vào con
người ông, vào những trang văn tuyệt đẹp. Qua đó, ta thấy được sự hung bạo của
con sông Đà, sự dữ dội của thác nước giống như một bầy thủy quái đang trực chờ
nuốt chửng bất cứ con thuyền nào đi ngang qua. Sự hiểu biết sâu rộng, cũng việc
miêu tả âm thanh sống động không chỉ qua thính giác mà còn qua những hình ảnh
ấn tượng của thị giác, Nguyễn Tuân đã thành công khắc họa sự hung bạo của sông
nước Đà giang.
Sông Đà hiện lên không chỉ như một bầy thủy quái mà còn như một cô gái
đẹp. Trước đó, khi ở thượng nguồn sông Đà hung bạo với tâm địa của “kẻ thù số
một của con người” trong cuộc chiến với người lái đò. Nhưng khi xuống dưới hạ
lưu, cuộc chiến kết thúc, người lái đò trở về làm người lao động bình dị, mộc mạc
còn sông Đà rũ bỏ lớp áo gai góc của mình để lộ ra những vẻ đẹp nên thơ, trữ tình.
Không còn “những vách đá dựng đứng vách thành”, không còn “những vách đá
chẹt ngang lòng sông như một cái yết hầu” nữa, mà giờ đây, sông Đà “tuôn dài
tuôn dài như một áng tóc trữ tình”. Câu văn dài, nhiều vế và chỉ có duy nhất một
dấu chấm phẩy đã phá vỡ trật tự cú pháp thông thường trong tiếng Việt. nhưng
“văn chương không cần sự khéo tay’, “văn chương cần có sự lạ hóa, độc đáo và
Nguyễn Tuân đã làm được điều đó. Việc phá vỡ cấu trúc trật tự cú pháp thông
thương cùng từ “tuôn dài” đã góp phần làm hiện lên vẻ đpẹ mềm mại, tuôn dài của
con sông vô vị, vô trung. Ta từng bắt gặp dòng sông Hương uốn lượn, mềm mại
như mảnh lụa nhưng vô hồn, đối lập với “áng tóc trữ tình”. “Áng tóc trữ tình” là
một hình ảnh tuyệt đẹp về mái tóc của những cô thiếu nữ. Từ đó, ta vừa thấy được
vẻ đẹp mềm mại, duyên dáng của dòng sông, vừa gợi ra sức sống tràn trề của con
sông Đà. Nguyễn Tuân không dùng mái tóc mà dùng “áng tóc” để miêu tả dáng vẻ
của con sông. Có thể thấy, đối với nhà văn, sông Đà là một công trình nghệ thuật
tuyệt mĩ mà tạo hóa ban tặng. Tác giả đã khéo léo đưa chất liệu sử thi vào đưa
người đọc tiếp cận với văn hóa. Trước kia, thiên nhiên được coi như chuẩn mực
của cái đẹp, Nguyễn Du đã viết nên những vần thơ tuyệt đẹp khi dùng thiên nhiên
để miêu tả nhan sắc của Thúy Kiều:
“Làn thu thủy nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”
Nhưng ở đây, Nguyễn Tuân đã chọn một lối đi riêng, đi ngược lại với các thi
nhân xưa: con người là chuẩn mực của cái đẹp. Có thể thấy, nhà văn đã nhận ra
mối quan hệ đặc biệt giữa thiên nhiên và con người. Con người là tiêu chuẩn của
“cái đẹp”, con người đẹp nổi bật trên một khung cảnh thiên nhiên đẹp. Dưới góc
nhìn từ trên cao xuống, con sông còn hiện ra với vẻ đẹp hoang sơ, man dại “ẩn hiện
trong mây trời Tây Bắc, bung nở hoa ban, hoa gạo tháng Hai và cuồn cuộn mù
khói núi Mèo đốt nương xuân”. Từ “ẩn hiện” gợi lên những hình ảnh lúc nhòe mờ,
lúc rõ nét, lúc mơ hồ, lúc ẩn hiện. Qua đó, dòng sông hiện lên như cõi tiên cảnh
vừa có thực, vừa không có thực giữa mênh mông núi rừng Tây Bắc.
Không chỉ mang vẻ đẹp huyền ảo, sông Đà còn chảy giữa những màu sắc trẻ
trung, rực rỡ. Màu đỏ của hoa gạo, màu trắng của hoa gạo tháng hai góp phần làm
nên vẻ đẹp xuân sắc của sông Đà. Dòng sông hiện lên như cô thiếu nữ đang say
giấc nồng giữa mênh mang núi rừng Tây Bắc và những bông hoa rực rỡ đang nở
rộ. Những hình ảnh, câu chữ của Nguyễn Tuân đã đem đến cho người đọc vẻ đẹp
nên thơ, trữ tình của không gian sông nước Đà giang. Để rồi ta nhận ra, nếu đất trời
Tây Bắc là một mỹ nhân thì sông Đà là mái tóc tôn lên vẻ đẹp của cô gái ấy.
Nét trữ tình của sông Đà không chỉ hiện lên qua dáng vẻ mà con hiện lên
qua sắc nước. Chỉ ngắm nhìn sông Đà từ trên cao là chưa đủ với Nguyễn Tuân. Từ
“tôi” lặp lại cùng với cụm từ “say sưa” đã bộc lộ tình cảm, cảm xúc của nhà văn.
Đó là thứ tình cảm nồng cháy, say sưa, yêu mến, trân trọng mà nhà văn dành cho
dòng sông của đất trời Tây Bắc. Tình yêu ấy đã khiến thi nhân phải sà xuống,
“xuyên qua đám mây”, lại gần hơn với sông Đà. Vẫn là góc nhìn từ trên cao xuống
nhưng gần hơn, xuyên qua làn mây mùa thu, Nguyễn Tuân khám phá ra vẻ đẹp độc
đáo của sắc nước sông Đà. Theo dòng chảy của thời gian, màu sắc của dòng sông
cũng biến chuyển vào mùa xuân, dòng sông xanh màu “xanh ngọc bích”. Bằng vốn
hiểu biết phong phú, uyên bác về màu sắc cũng như cách dùng từ, nhà văn đã giúp
người đọc thấy được màu sắc của dòng sông. Như một sự ưu ái với con sông đặc
biệt này, Nguyễn Tuân đã sử dụng bút pháp đòn bẩy để nâng vẻ đẹp của sông Đà
lên một nấc thang mới. Ông so sánh màu xanh tuyệt đẹp, huyền ảo của ngọc bích
với màu xanh sẫm canh hến của sông Lô, sông Gâm. Có thể thấy, sông Đà có một
vị trí không hề nhỏ trong trái tim của nhà văn. Còn khi thu về, dòng sông “lừ lừ
chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu vữa”. Hình ảnh so sánh, liên tưởng
thú vị, độc lạ đã khắc họa rõ nét màu sắc kì ảo của dòng sông. Không phải màu đỏ
tươi, đỏ sẫm mà là màu đỏ “như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa”. đây là
điều làm nên tên tuổi của Nguyễn Tuân. Dù ông so sánh chiếc lá hay dòng sông thì
người đọc cũng ấn tượng mãi không quên. “Sắc đỏ ở dây chính là do phù sa cuộn
lên. Phải rất tinh tế, quan sát kĩ mới có thể nhìn ra điều này. Qua đây, ta thấy được
sự độc đáo trong hình ảnh so sánh, hình ảnh liên tưởng, tưởng tượng và cách dùng
từ của Nguyễn Tuân. Phải yêu sông Đà, phải ngắm nhìn kĩ lắm, ông mới có được
những phát hiện mới lạ và những trang văn giàu chất thơ như vậy. Sự thay đổi,
biến chuyển của màu sắc cho ta thấy sông Đà mang vẻ đẹp biến hóa, đổi thay chứ
không chỉ một màu, bất biến.
Hai đoạn trích là hai nét vẽ tưởng như đối lập nhưng lại cùng nhau hoàn
thiện bức tranh sông nước Đà giang. Đó là vẻ đẹp của “chát vàng trong thiên nhiên
Tây Bắc”. Qua đó, ta thấy được tình yêu, niềm tự hào của Nguyễn Tuân dành cho
dòng sông quê hương. Đối với nhà văn, “chất vàng” không chỉ là sự quý hiếm mà
còn là giá trị mà nó đem lại cho con người. Sự hung bạo của sông Đà làm nên tiềm
năng thủy điện dồi dào cho đất nước. Nét trữ tình của dòng sông đem lại tiềm năng
phát triển du lịch cho miền dẻo cao Tây Bắc. Trước Cách mạng, ngòi bút của
Nguyễn Tuân chủ yếu phản ánh những vấn đề lớn lao của thời đại và những con
người “vang bóng một thời” mà tiêu biểu là nhân vật Huấn Cao trong “Chữ người
tử tù”. Nhưng sau cách mạng, Nguyễn Tuân đã có sự chuyển mình trong ngòi bút,
hướng đến thực tiễn xây dựng cuộc sống mới. Bằng việc khai thác đặc điểm của
thể loại cho phép sự tự do trong việc sử dụng tư liệu, tự do trong việc bộc lộ cảm
xúc, Nguyễn Tuân viết tùy bút “Người lái đò sông Đà” hay đó cũng chính là những
dòng tâm sự của nhà văn khi nói về dòng sông quê hương. Sự thành công trong
việc xây dựng hình tượng con sông Đà với hai nét tính cách trái ngược không chỉ
nhờ sự tài hoa trong nghệ thuật ngôn từ mà còn nhờ sự uyên bác, uyên thâm trong
nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau như điện ảnh, mĩ thuật, …
Tác phẩm khép lại nhưng những hình ảnh về một dòng sông hung bạo như
một bầy thủy quái với âm thanh dữ tợn nhưng cũng có lúc êm đềm, trữ tình như cô
gái đẹp với những vẻ đẹp biến đổi theo thời gian vẫn đọng lại trong tâm trí người
đọc. Những trang văn của Nguyễn Tuân quả xứng đáng là những trang hoa đẹp
dâng tặng cho đời. Với sự thành công của “Người lái đò sông Đà”, Nguyễn Tuân
xứng đáng là cây đại thụ của nền văn học Việt Nam, là bậc thầy của thể loại tùy
bút.

You might also like