You are on page 1of 7

"Thuyền tôi trôi trên Sông Đà. Cảnh ven sông ở đây lặng tờ.

Hình như từ đời Lí


đời Trần đời Lê, quãng sông này cũng lặng tờ đến thế mà thôi. Thuyền tôi trôi
qua một nương ngô nhú lên mấy lá ngô non đầu mùa. Mà tịnh không một bóng
người. Cỏ gianh đồi núi đang ra những nõn búp. Một đàn hươu cúi đầu ngốn
búp cỏ gianh đẫm sương đêm. Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông
hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa. Chao ôi, thấy thèm được giật
mình vì một tiếng còi xúp lê của một chuyến xe lửa đầu tiên đường sắt Phú Thọ
- Yên Bái - Lai Châu. Con hươu thơ ngộ ngẩng đầu nhung khỏi áng cỏ sương,
chăm chăm nhìn tôi không chớp mắt lừ lừ trôi trên một mũi đò. Hươu vểnh tai,
nhìn tôi không chớp mắt mà như hỏi tôi bằng các tiếng nói riêng của con vật
lành: “Hỡi ông khách Sông Đà, có phải ông cũng vừa nghe thấy một tiếng còi
sương?”. Đàn cá dầm xanh quẫy vọt lên mặt sông bung trắng như bạc rơi thoi.
Tiếng cá đập nước sông đuổi mất đàn hươu vụt biến. Thuyền tôi trôi trên “Dải
Sông Đà bọt nước lênh đênh – Bao nhiêu cảnh bấy nhiêu tình” của “một người
tình nhân chưa quen biết” (Tản Đà). Dòng sông quãng này lững lờ như nhớ
thương những hòn đá thác xa xôi để lại trên thượng nguồn Tây Bắc. Và con
sông như đang lắng nghe những giọng nói êm êm của người xuôi, và con sông
đang trôi những con đò mình nở chạy buồm vải nó khác hẳn những con đò đuôi
én thắt mình dây cổ điển trên dòng trên.

(Trích tùy bút “Người lái đò Sông Đà”, Nguyễn Tuân)

Phân tích hình tượng sông Đà trữ tình trong đoạn trích trên. Từ đó nhận xét về
ngòi bút tài hoa của nhà văn Nguyễn Tuân.

🌞DÀN Ý CHI TIẾT:

🌺 Yêu cầu chính: Hình tượng sông Đà (cảnh đẹp đôi bờ sông)

Luận điểm 1: Vẻ tĩnh lặng nhưng lại tràn đầy sức sống của bãi bờ sông Đà.

+ “Thuyền tôi trôi trên Sông Đà. Cảnh ven sông ở đây lặng tờ. Hình như từ
đời Lí đời Trần đời Lê, quãng sông này cũng lặng tờ đến thế mà thôi.”

+ “Thuyền tôi trôi qua một nương ngô nhú lên mấy lá ngô non đầu mùa. Mà
tịnh không một bóng người. Cỏ gianh đồi núi đang ra những nõn búp. Một đàn
hươu cúi đầu ngốn búp cỏ gianh đẫm sương đêm.”

+ “Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi
niềm cổ tích tuổi xưa.”
+ “Chao ôi, thấy thèm được giật mình vì một tiếng còi xúp lê của một chuyến
xe lửa đầu tiên đường sắt Phú Thọ - Yên Bái - Lai Châu.”

Luận điểm 2: Cuộc đối thoại giả định giữa ông khách sông Đà và con hươu thơ
ngộ.

+ “Hỡi ông khách Sông Đà, có phải ông cũng vừa nghe thấy một tiếng còi
sương?”.

+ Đánh thức cuộc đối thoại: Đàn cá dầm xanh quẫy vọt lên mặt sông bung
trắng như bạc rơi thoi. Tiếng cá đập nước sông đuổi mất đàn hươu vụt biến.

Luận điểm 3: Cuộc hội ngộ giữa Nguyễn Tuân và người bạn vong niên Tản Đà:

+ Thuyền tôi trôi trên “Dải Sông Đà bọt nước lênh đênh – Bao nhiêu cảnh bấy
nhiêu tình” trong thư “người tình nhân chưa quen biết” (Tản Đà).

+ Vật cũng nhớ những hòn đá thác xa xôi trên đoạn thượng nguồn.

🌺 Yêu cầu phụ: Nhận xét ngòi bút tài hoa của Nguyễn Tuân.

- Nguyễn Tuân là nhà văn của núi cao, thác dữ, dốc đèo hiểm trở; là nhà văn của
cảm giác dữ dội, của cái phi thường nhưng khi ông đặt bút viết về cái trữ tình,
thơ mộng cũng không kém phần ấn tượng và đặc sắc.

- Văn Nguyễn Tuân là sự hiện thân cho cái đẹp, cho sự hoàn mĩ; văn giàu hình
ảnh và gợi cảm; giàu liên tưởng so sánh mới mẻ, độc đáo.

🌞BÀI VIẾT THAM KHẢO

🌻 Mở bài

“Dải sông Đà bọt nước lênh bênh

Bao nhiêu cảnh bấy nhiêu tình”

Thi sĩ Tản Đà đã không ngần ngại ngân lên những câu thơ đầy sự ngợi ca,
thán phục trước vẻ đẹp tình tứ của dòng sông bắt nước cho truyền thuyết dân
gian “Sơn Tinh, Thủy Tinh” ấy. Và có lẽ, thật đặc biệt hơn khi ở điểm giao thoa
giữa khúc thượng lưu và hạ lưu sông Đà, ta lại cùng Nguyễn Tuân gặp gỡ người
bạn tri âm tri kỷ của mình - Tản Đà để cùng hòa mình vào cảnh đẹp của một
“bờ tiền sử”. Cái dáng vẻ thướt tha, trữ tình, thơ mộng của dòng sông ấy một
lần nữa được bút lực của Nguyễn Tuân ngợi ca trong “Người lái đò Sông Đà”.
🌻Giới thiệu sâu về tác giả:

Nhà văn Pautopxki từng quan niệm: “Niềm vui của nhà văn chân chính là niềm
vui của người dẫn đường đến xứ sở của cái đẹp”. Và Nguyễn Tuân chính là một
nhà văn như thế! Ông là nhà văn suốt đời mộng mị trong giấc mơ của vẻ đẹp
trần gian, một nhà văn nói như Thạch Lam “suốt đời đi tìm cái đẹp”, và cũng
chính ông đã “coi cái đẹp như tôn giáo của mình” (Trần Đình Sử). Hầu hết các
sáng tác của Nguyễn Tuân trước Cách mạng đều là thế giới nhân vật của người
nghệ sĩ; của những con người thuộc về “vang bóng một thời”, hoặc sống trong
hiện tại nhưng cũng bơ vơ, lạc lõng như những kẻ “sinh nhầm thế kỉ”. Với ông
đó mới là những con người xứng đáng để hạ bút, tô vẽ và tái sinh trên trang
giấy. Thế nhưng sau Cách mạng, ngòi bút của Nguyễn Tuân lại tập trung tiếp
cận thế giới trên phương diện văn hóa nghệ thuật, tiếp cận con người ở phương
diện tài hoa nghệ sĩ. Nhân vật chính của những trang viết này là tập thể đại
chúng, nhân dân, chị dân quân, anh bộ đội. Ông tìm về cái đẹp ở những người
phi thường với những công việc bình thường như hình ảnh ông lái đò trong
“Người lái đò Sông Đà”. Với tùy bút “Người lái đò Sông Đà” Nguyễn Tuân lại
say mê vẻ đẹp độc đáo của con người và cuộc sống Tây Bắc. Tác phẩm là kết
quả của chuyến đi Tây Bắc xa xôi năm 1958 được in trong tập “Sông
Đà”(1960). Ham thích xê dịch, luôn tìm kiếm khám phá những vẻ đẹp độc đáo
của thiên nhiên và cuộc sống, Nguyễn Tuân đã bắt gặp sông Đà như một người
bạn “tình khơi chữ nảy bút”. Tất cả những vẻ đẹp độc đáo, cuốn hút của sông
Đà được Nguyễn Tuân phơi bày, phóng bút kỳ công và tỉ mỉ. Nguyễn Tuân đã
dày công “tỉ mẩn” tô đậm sông Đà với vẻ đẹp trữ tình và thơ mộng của nó. Mỗi
lần đến với dòng sông này bước chân Nguyễn Tuân như bị níu giữ bởi cảnh sắc
thiên nhiên nơi đây, con sông Tây Bắc duyên dáng mà tình tứ quá!

🌻Phần thân

1. Yêu cầu chính: Phân tích đoạn trích

Đoạn dẫn: Dòng Đà giang cứ ngỡ như đã hút trọn mắt người đọc bằng dáng
vẻ hùng vĩ, dữ dội, hiểm ác từ những dòng văn đầu tiên. Song có lẽ ta càng say
mê hơn vẻ đẹp trữ tình của nó khi Nguyễn Tuân dùng những hình ảnh dịu dàng,
trong sáng nhất để miêu tả về cảnh đẹp đôi bờ sông Đà. Đó là thời điểm cho câu
chữ Nguyễn Tuân “lai láng chất thơ” chắp cánh cho vẻ đẹp của dòng sông bay
lên từng câu chữ, bằng cái nhìn và tình cảm của một con người coi sông Đà như
một “cố nhân”.

🌻Luận điểm 1: Cảnh đẹp tĩnh lặng đôi bờ sông


Vẻ đẹp của dòng sông Đà được toát lên từ không gian tĩnh lặng. Với bàn tay
tài hoa của bậc thầy ngôn ngữ Nguyễn Tuân, cảnh đôi bờ sông đã được miêu tả
hiện lên thật ấn tượng. Người đọc như lạc vào thế giới cổ tích, thế giới của một
“bờ tiền sử”. Câu văn “thuyền tôi trôi trên Sông Đà” được gieo lên bởi toàn
thanh bằng, kết tạo nên không gian như trải dài tới vô tận. Dòng sông Đà tạo
cho ta cảm giác yên ả, thanh bình và tĩnh lặng, dường như nó đã đụng đến vùng
cảm xúc sâu kín nhất của tâm hồn con người. Khẽ lay tâm hồn theo dòng sông,
“người thợ hoàn kim của câu chữ” đã dẫn dắt chúng ta đi sâu vào “lớp trầm
tích” được phủ kín bởi vẻ đẹp nhẹ nhàng ấy - vẻ đẹp của lịch sử những buổi đầu
dựng nước và giữ nước: “Hình như từ đời Trần, đời Lý, đời Lê quãng sông này
cũng lặng lẽ như tờ đến thế mà thôi”. Cái tĩnh lặng vốn có của dòng sông này đã
khơi dậy ta trở về với quá khứ, nơi hội tụ kết tinh vẻ đẹp của lịch sử ngàn đời.
Không liên tưởng bằng cảm xúc dồi dào, nhưng Nguyễn Tuân lại gợi cho chúng
ta một thứ cảm xúc thật khác lạ đến từ vẻ đẹp mộng mơ, huyền ảo, hồn nhiên,
hoang dã của sông Đà: “Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử, bờ sông hồn
nhiên như nỗi niềm cổ tích tuổi xưa”. Nguyễn Tuân là nhà văn của “cái dữ dội”,
của cái phi thường, thế nhưng đến với cảnh thơ mộng hay tình tứ cũng khó là
“thách thức” với ông. Nguyễn Tuân đã có một cách nói thật độc đáo khi so sánh
sự yên tĩnh của bờ bãi sông Đà. Một cách viết rất riêng của Nguyễn Tuân. Bởi
Nguyễn Tuân chưa bao giờ, và ít khi “cụ thể hóa” một hình ảnh liên tưởng nào
trong văn của mình. Tất cả những hình ảnh Nguyễn Tuân đưa ra đều là những
hình ảnh mang tính “trừu tượng hóa” và buộc người đọc phải tưởng tượng và
vận động theo ngòi bút của ông. Vậy nên, Nguyễn Tuân đã không ngần ngại khi
nhân hóa dòng sông Đà như một sinh thể sống động, đầy man dại và phóng
khoáng, so sánh dòng sông ấy như một điều thiêng liêng và kì bí.

Đến với nghệ thuật, đối với Nguyễn Tuân là tìm đến sự tìm tòi, sáng tạo. Bởi vì,
“nhà văn là người sáng tạo lại thế giới”. Đi tìm “thứ vàng mười” của màu sắc
sông núi, bờ sông Đà được nguyễn Tuân khai phá nổi bật lên vẻ đẹp của những
thảm thực vật và muông thú. Trong cảnh lặng như tờ của thiên nhiên, trong
cảnh sương đêm chưa tan hết, người nghệ sĩ ấy đã phát hiện và vẽ nên một vẻ
đẹp đầy sức sống: “Một nương ngô nhú lên mấy lá ngô non đầu mùa. Mà tịnh
không một bóng người. Cổ gianh đồi núi đang ra những nón búp”. Cảnh tượng
đó còn đẫm sương đêm, một vẻ đẹp ấy thật đầy chất thơ, chất họa. Thiên nhiên
giống như một bức tranh thủy mặc lộng lẫy; thiên nhiên như một bức tranh của
một danh họa thời cổ, nhưng là cổ của một miền “cổ tích”. Cảnh sắc như nâng
tâm hồn con người lạc vào chốn tiên du. Nguyễn Tuân đã thi triển triệt để các
giác quan để tạo nên một khối quan sát tinh tường, lý thú cuốn hút bất cứ ai khi
đọc những câu văn viết về cảnh đẹp bờ bãi sông Đà. Chất thơ trong văn Nguyễn
Tuân, có lẽ cũng toát lên từ điển tích ấy. Nó gợi lên vẻ đẹp của dòng sông Tây
Bắc - nơi khơi nguồn cho tình yêu đất nước.

Trong cái đỉnh cao của nghệ thuật ngôn từ, Nguyễn Tuân đã mài giũa cho câu
văn mình một cá tính đặc biệt, giàu nhạc tính và trở trên gợi cảm hơn bao giờ
hết. Dòng Đà giang trở thành một linh hồn riêng, chất chứa những trầm tích về
văn hóa, là sự hòa quyện giữa niên đại thời gian, dòng chảy lịch sử cùng với nét
đẹp huyền bí của nó. Chỉ bằng một câu văn, Nguyễn Tuân đã đủ sức dệt nên
một bức tranh thủy mặc, ống kính của nhà thơ đã phát hiện ra vẻ đẹp trữ tình,
thơ mộng của dòng sông Đà với cảnh sắc ven sông đẹp như trong huyền thoại,
cổ tích. Để rồi, thèm giật mình khỏi đi lạc vào miền cổ tích ấy: “Chao ôi, thấy
thèm được giật mình vì một tiếng còi xúp lê của một chuyến xe lửa đầu tiên
đường sắt Phú Thọ - Yên Bái - Lai Châu”.

🌻 Luận điểm 2: Cuộc nói chuyện với con hươu thơ ngộ

Con hươu thơ ngộ ngẩng đầu nhung khỏi áng cỏ sương, chăm chăm nhìn tôi
không chớp mắt lừ lừ trôi trên một mũi đò. Hươu vểnh tai, nhìn tôi không chớp
mắt mà như hỏi tôi bằng các tiếng nói riêng của con vật lành: “Hỡi ông khách
Sông Đà, có phải ông cũng vừa nghe thấy một tiếng còi sương?”. “Tiếng còi
sương” xuất hiện ở đây vụt lên ngân vang như một khát vọng, khát vọng đánh
thức mình ra khỏi miền cổ tích đấy để cho mình biết đang tồn tại ở cõi thực chứ
không phải là một giấc chiêm bao,... Những câu văn vừa cổ kính, vừa hiện đại
nó chất chứa những hơi thở của cuộc đời, của con người phả vào nhịp đập của
cuộc sống.

Bức tranh sông Đà ở quãng trung lưu đẹp đẽ, dịu dàng và thơ mộng khiến bất ai
cũng phải ngắm nhìn và thảng thốt trước vẻ đẹp mê say, nồng nàn, ý vị của nó.
Nguyễn Tuân đã đưa ta chạm đến ranh giới giữa thực và mơ, mơ và thực. Nhà
văn đã khéo léo tạc được một giấc mơ ngay giữa ban ngày để rồi sau đó như sực
tỉnh với tiếng của “đàn cá dầm xanh quẫy vọt lên mặt sông bụng trắng như bạc
rơi thoi. Tiếng cá đập nước sông đuổi mất đàn hươu vụt biến”. Phút sực tỉnh
cũng là giây phút nhà văn hiến cho độc giả một hình ảnh cực kì sống động. Bút
pháp lấy động tả tĩnh đã được vận dụng hết sức đắc địa. Cảnh tĩnh lặng đến mức
chỉ tiếng cá quẫy cũng đủ khiến ta phải giật mình. Nhưng điều đặc biệt là dưới
ngòi bút của Nguyễn Tuân, cái tĩnh không đi cùng với phẳng lặng, đơn điệu mà
luôn hàm chứa bất ngờ, không ngừng biến hóa.

🌻Luận điểm 3. Cuộc hội ngộ người bạn tri âm – Tản Đà


Giữa lúc đắm chìm trong cảnh sắc thiên nhiên, Nguyễn Tuân lại cất thơ Tản Đà
– người bạn tâm giao, tri âm, tri kỷ của ông. Có lẽ, chất “Nho giáo” trong
Nguyễn Tuân dù có thay đổi trong đối tượng hay nhân vật của mình thì “sự đổ
bóng” ấy vẫn luôn rõ nét như vậy. Với những người tri âm, họ luôn biết cách
nhớ về nhau và vịnh thơ theo một cách riêng. Cho nên, vào giây phút “có cảnh,
có tình” thì không thể nào thiếu “bạn hiền” nên Nguyễn Tuân đã nhớ đến “bạn
hiền” của mình bằng hai câu thơ: “Dải Đà bọt nước lênh đênh – Bao nhiêu cảnh
bấy nhiêu tình” trong “Thơ trách người tình nhân chưa quen biết” của thi sĩ Tản
Đà. Và có lẽ, chính nguồn cảm xúc nhớ thương ấy, đã in vào cảm xúc của dòng
sông quãng này, khi nó lững lờ nhớ thương “những hòn đá thác xa xôi để lại
trên thượng nguồn Tây Bắc”. Và con sông như đang “lắng nghe những giọng
nói êm êm của người xuôi, và trôi những con đò mình nở chạy buồm vải nó
khác hẳn những con đò đuôi én thắt mình dây cổ điển trên dòng trên”. Dường
như cảnh nào vật nào được “ngòi bút như thần viết” của Nguyễn Tuân gõ đến
cũng đều cựa quậy không ngừng, không chịu ép mình xuống trang giấy mà sống
động trên từng câu chữ. Bởi chúng tài tình quá!

2. Yêu cầu phụ: đặc sắc trong phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân

Với tài nghệ của “bậc thầy ngôn ngữ” Nguyễn Tuân đã bày ra trước mắt chúng
ta một bữa tiệc ngôn từ thịnh soạn, sự giàu có về ngôn ngữ đã lấp đầy cả những
vực sâu hun hút, đưa sông Đà lên trên vẻ đẹp kì vĩ. Đọc “Người lái đò sông Đà”
ta cảm nhận được hơi thở phập phồng của Nguyễn Tuân để rồi thấy thứ ngôn
ngữ “nóng nảy sự sống”. Sức nóng ấy tỏa ra xung quanh, nung đốt và tỏa sáng
lên vẻ đẹp của con người trong hành trình vượt thác. Để rồi hôm nay người đọc
chúng ta có một sông Đà để thương để nhớ, để yêu, để chiêm nghiệm và say
đắm. Dòng sông in dấu đậm nét cá tính sáng tạo của Nguyễn Tuân. Lê Đạt từng
khẳng định “Mỗi người có một loại vân tay mỗi nghệ sĩ chân chính đều có một
thứ vân chữ không trộn lẫn”. Thứ vân chữ mà Nguyễn Tuân xây dựng nên “giàu
có và đặc sắc về giá trị tạo hình”. Trước hết, nó biểu hiện một cảm quan thẩm
mĩ độc đáo trong cách nhìn và quan sát sự vật, sự tỉ mỉ và chi tiết làm cho người
ta có cảnh giác sự vật đang sống dậy từ những trang văn bước ra cuộc đời. Độc
đáo thôi chưa đủ, vốn hiểu biết sâu rộng mới là chìa khóa để Nguyễn Tuân khai
thác chất xám trong bộ não của chính mình. Nguyễn Tuân đã sử dụng hàng loạt
các tri thức liên ngành từ quân sự, âm nhạc đến thể thao, hội họa tạo nên một
môn nghệ thuật thứ bảy lung linh dưới ánh hào quang chiếu sáng chói lọi.
Nguyễn Tuân xứng đáng là “Người thầy kim hoàn của chữ” hay chính là “ca sĩ
của vẻ đẹp tinh khôi tuyệt đỉnh của tạo hóa”.
🌻 Đánh giá nghệ thuật:

Những câu văn xuôi của Nguyễn Tuân vút lên như vần thơ mềm mại, du dương
như nét vẽ thanh nhẹ với những biến ảo không ngừng. Nguyễn Tuân đã dựng
lên cả “Một thế giới sống, một thế giới biết nói”. Và có lẽ, chính từ những dòng
văn ấy phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân đã được khắc tạc rõ ràng trong
những câu văn đầy tinh tế. Dưới ngòi bút dạt dào chất thơ, chất họa vẻ đẹp của
dòng nước sông Đà hiện lên như một bức tranh kỳ thú như những thước phim
huyền ảo. Nguyễn Tuân như đưa người đọc vào trong thế giới của thần tiên, cổ
tích, thơ mộng cảnh vừa hoang sơ, cổ kính vừa thơ mộng trữ tình, tĩnh lặng và
yên ả nhưng ẩn chứa sức sống tươi non, một mạch chảy mãnh liệt không bao
giờ vơi cạn. Nguyễn Tuân đã làm ta say trong thế giới ngôn từ đầy sắc màu rực
rỡ của câu chữ sống động, vẻ đẹp của con người được.

🌻 Kết bài:

Vẻ đẹp trữ tình, thơ mộng của Đà giang dưới ngòi bút của Nguyễn Tuân đã trở
nên gắn bó, quyện hòa với dáng hình đất nước. Dòng sông ấy là dòng sông giữa
đời, giữa thiên nhiên bao la rộng lớn, được xây dựng, vun đắp nên từ một tấm
lòng trần gian. “Người lái đò sông Đà” chính là một giai phẩm đặc sắc bậc nhất
mà Nguyễn Tuân đã tô điểm cho văn học Việt Nam - một nét vẽ độc đáo, mới lạ
nhưng cũng không kém sự hấp dẫn và lưu luyến! Và chúng ta sẽ nhớ về sông
Đà – một dòng sông đầy bí ẩn!

You might also like