You are on page 1of 17

Quà tài liệu của Xóm Trọ Văn Chương - Chúc các sĩ tử ôn tập tốt, đỗ NV1 nhé!

SÔNG ĐÀ TRỮ TÌNH

Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp của Sông Đà, từ đó nêu một vài
nhận xét về cái tôi của Nguyễn Tuân được thể hiện trong đoạn trích
sau:

“Từ trên tàu bay mà nhìn xuống Sông Đà, không ai trong tàu bay
nghĩ rằng cái dây thừng ngoằn ngoèo dưới chân mình kia lại chính
là cái con sông hàng năm và đời đời kiếp kiếp làm mình làm mẩy với
con người Tây Bắc và phản ứng giận dỗi vô tội vạ với người lái đò
Sông Đà. Cũng không ai nghĩ rằng đó là con sông của đồng dao thần
thoại Sơn Tinh Thủy Tinh “Núi cao sông hãy còn dài – Năm năm báo
oán đời đời đánh ghen”. Hình như khi mà ta đã quen đọc bản đồ
sông núi, thì mỗi lúc mà ngồi tàu bay trên chiều cao mà nhìn xuống
đất nước Tổ quốc bao la, càng thấy quen thuộc với từng nét sông tãi
ra trên đại dương đá lờ lờ bóng mây dưới chân mình. Con Sông Đà
tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện
trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn
cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân. Tôi đã nhìn say sưa làn mây
mùa xuân bay trên Sông Đà. Mùa xuân dòng xanh ngọc bích, chứ
nước Sông Đà không xanh màu xanh cánh hến của Sông Gâm , Sông
Lô. Mùa thu nước Sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm
đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bực
bội gì mỗi độ thu về. Chưa hề bao giờ tôi thấy dòng sông Đà là đen
như thực dân Pháp đã đè ngửa con sông ta ra đổ mực Tây vào mà
gọi bằng một cái tên Tây láo lếu, rồi cứ thế mà phiết vào bản đồ lai
chữ.

Con Sông Đà gợi cảm. Đối với mỗi người, Sông Đà lại gợi một cách.
Đã có lần tôi nhìn Sông Đà như một cố nhân. Chuyến ấy ở rừng đi
núi cũng đã hơi lâu, đã thấy thèm chỗ thoáng. Mải bám gót anh liên
lạc, quên đi mất là mình sắp đổ ra Sông Đà. Xuống một cái dốc núi,
trước mắt thấy loang loáng như trẻ con nghịch chiếu gương vào mắt
mình rồi bỏ chạy. Tôi nhìn cái miếng sáng lóe lên một màu nắng
tháng ba Đường thi “Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu”. Bờ Sông
Đà, bãi Sông Đà, chuồn chuồn bươm bướm trên Sông Đà. Chao ôi,
trông con sông, vui như thấy nắng giòn tan sau kì mưa dầm, vui như
nối lại chiêm bao đứt quãng. Đi rừng dài ngày rồi lại bắt ra Sông Đà,
đúng thế, nó đằm đằm ấm ấm như gặp lại cố nhân, mặc dầu người

1
Quà tài liệu của Xóm Trọ Văn Chương - Chúc các sĩ tử ôn tập tốt, đỗ NV1 nhé!

cố nhân ấy mình biết là lắm bệnh lắm chứng, chốc dịu dàng đấy, rồi
chốc lại bẳn tính và gắt gỏng thác lũ ngay đấy.

Thuyền tôi trôi trên Sông Đà. Cảnh ven sông ở đây lặng tờ. Hình
như từ đời Lí đời Trần đời Lê, quãng sông này cũng lặng tờ đến thế
mà thôi. Thuyền tôi trôi qua một nương ngô nhú lên mấy lá ngô non
đầu mùa. Mà tịnh không một bóng người. Cỏ gianh đồi núi đang ra
những nõn búp. Một đàn hươu cúi đầu ngốn búp cỏ gianh đẫm
sương đêm. Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn
nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa. Chao ôi, thấy thèm được
giật mình vì một tiếng còi xúp – lê của một chuyến xe lửa đầu tiên
đường sắt Phú Thọ - Yên Bái – Lai Châu. Con hươu thơ ngộ ngẩng
đầu nhung khỏi áng cỏ sương, chăm chăm nhìn tôi lừ lừ trên một
mũi đỏ. Hươu vểnh tai, nhìn tôi không chớp mắt mà như hỏi tôi
bằng cái tiếng nói riêng của một con vật lành: “Hỡi ông khách Sông
Đà, có phải ông cũng vừa nghe thấy một tiếng còi sương?”. Đàn cá
dầm xanh quẫy vọt lên mặt sông bụng trắng như bạc rơi thoi. Tiếng
cá đập nước sông đuổi mất đàn hươu vụt biến. Thuyền tôi trôi trên
“Dải Sông Đà bọt nước lênh bênh – Bao nhiêu cảnh bấy nhiêu tình”
của “một người tình nhân chưa quen biết” (Tản Đà). Dòng sông
quãng này lững lờ như nhớ thương những hòn đá thác xa xôi để lại
trên thượng nguồn Tây Bắc. Và con sông như đang lắng nghe những
giọng nói êm êm của người xuôi, và con sông đang trôi những con
đò mình nở chạy buồm vải nó khác hẳn những con đò đuôi én thắt
mình dây cổ điển trên dòng trên”.

(Nguyễn Tuân, Người lái đò sông Đà, SGK Ngữ văn 12, tập 1, NXBGD
2012)

2
Quà tài liệu của Xóm Trọ Văn Chương - Chúc các sĩ tử ôn tập tốt, đỗ NV1 nhé!

PHÂN TÍCH CHI TIẾT

1. Mở bài
“Nhà văn là thứ côn trùng lấy cái râu mà thăm dò không khí của
thời đại. Nhưng nhà văn muốn mang tầm cỡ thời đại thì phải ngụp
sâu vào dân tộc mình, nhân dân mình’’(Nguyễn Minh Châu) và
Nguyễn Tuân là nhà văn như vậy. Chính cái sự “ngụp lặn ấy’’ đã
giúp nhà văn ghi dấu ấn rõ nét trên thi đàn văn học Việt Nam. Hơn
hết, Nguyễn Tuân là một nhà duy mỹ , người suốt đời đi tìm cái đẹp.
Nhà văn đã khám phá ra cái đẹp ấy qua bức tranh thiên nhiên hùng
vĩ và tráng lệ của con sông Đà trong tùy bút Người lái đò sông Đà,
sông Đà còn là biểu tượng cho con người và thiên nhiên Tây Bắc.
Nhà văn Nguyễn Tuân đã say mê với nét đẹp đầy thơ mộng trữ tình
của dòng sông này được thể hiện rõ nhất thông qua đoạn trích: “ Từ
trên tàu bay mà nhìn xuống sông Đà… khác hẳn những con đò đuôi
én thắt mình dây cổ điển trên sông”. Đồng thời đoạn trích làm nổi
bật cái tôi cá tính độc đáo của nhà văn đầy tài hoa này.

2. Giới thiệu tác giả - tác phẩm


Người yêu văn chương hẳn đã không còn xa lạ với tên tuổi
Nguyễn Tuân - một nhà văn lớn của nền văn học Việt Nam hiện
đại.Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Minh Châu coi Nguyễn Tuân
‘cái định nghĩa rất chuẩn về về người nghệ sĩ chân chính’. Bởi lẽ,
trong từng con chữ của mình đậm chất phong cách tài hoa, uyên
bác gắn liền với chữ “ngông” hiếm nhà văn nào có được. Hiển nhiên
Nguyễn Tuân không chấp nhận những thứ tầm thường nhạt nhẽo và
con sông đà độc đáo với hai tính cách nổi bật vừa hung bạo vừa trữ
tình đã trở thành đối tượng khai thác của nhà văn. Áng văn “Người
lái đò sông Đà” là kết tinh chuyến đi thức tế của nhà văn đến mảnh
đất Tây Bắc hoang sơ, nên thơ được in trong tập tuỳ bút “sông Đà”.
Tác phẩm đã cho người đọc biết tới diện mạo độc đáo của con sông
quê hương qua lăng kính của “nhà văn suốt đời đi tìm cái đẹp” - một
công trình nghệ thuật tuyệt vĩ tạo nên chất men say cho con người
trong cuộc sống.

3
Quà tài liệu của Xóm Trọ Văn Chương - Chúc các sĩ tử ôn tập tốt, đỗ NV1 nhé!

3. Khái quát về Sông Đà


Đến với mảnh đất văn chương và tâm hồn thi sĩ của Nguyễn
Tuân, giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh từng có quan niệm rằng: “Mỗi khi
cầm bút dường như lại đặt minh trong yêu cầu phải chứng tỏ được
cải tài hoa, uyên bác hơn đời của mình. Ông có thói quen nhìn sự
vật ở mặt mĩ thuật của nỏ, cổ tim cho ra ở đấy những gì nên họa,
nên thơ. Đồng thời mỗi đối tượng quan sát của ông là một đối tượng
khảo sát đến kì cùng". Vì vậy, nếu như ở đoạn văn miêu tả sự hung
bạo, dữ dội của sông Đà nhà văn đã sử dụng rất nhiều kiến thức về
quân sự, võ thuật, hay nhiều động từ mạnh thì ở đoạn văn miêu tả
vẻ đẹp trữ tỉnh của con sông, ông hoàn toàn sử dụng con mắt tinh tế
để quan sát cùng ngôi bút lãng mạn để vẽ lại con sông thơ mộng,
nhẹ nhàng. Sông Đà tạo thành chất men say cho cuộc sống của con
người Tây Bắc. Từ nhiều góc nhìn khác nhau, Nguyễn Tuân đã có
những phát hiện mới mẻ về vẻ thi vị, yên ả của con sông này. Qua
bao thác ghềnh, con sông trở nên hiền hòa, mềm mại, uyển chuyển
hơn bao giờ hết.

4. Gợi ý cảm nhận về vẻ đẹp sông Đà trong đoạn trích


* Từ trên cao nhìn xuống, dòng chảy uốn lượn của con sông giống
như “cái dây thừng ngoằn ngoèo dưới chân mình”, đặc biệt là giống
như mái tóc của người thiếu nữ “con sông Đà tuôn dài tuôn dài như
một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây
Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi
Mèo đốt nương xuân”.
- Dòng sông mang vẻ đẹp của một áng tóc trữ tình mềm mại, tha
thướt và duyên dáng.
- Vẻ đẹp của dòng sông hài hòa với núi rừng Tây Bắc, được núi rừng
điểm tô thêm cho nhan sắc mĩ miều.

Hành văn:
Gợi ý 1: Belinsky từng phân biệt: “Nhà triết học nói bằng phép tam
đoạn luận, nhà văn nói bằng các hình tượng và bức tranh”. Bức
tranh mà Nguyễn Tuân vẽ lên từ hai màu sắc đặc biệt không thể
trộn lẫn: hình tượng con sông Đà và người lái đò trên dòng sông,
trong đó con sông Đà để lại ấn tượng cho nhà văn hơn cả ở tính trữ
tình thơ mộng. Lấy máy quay phóng ống kính ra xa, nhà văn không
khỏi bất ngờ trước hình dáng con sông Đà, trước tiên niềm ngạc
nhiên kinh ngạc ấy là vì con sông Đà như sợi dây thừng ngoằn

4
Quà tài liệu của Xóm Trọ Văn Chương - Chúc các sĩ tử ôn tập tốt, đỗ NV1 nhé!

ngoèo khác xa con sông dữ dằn thâm hiểm, con sông đời đời kiếp
kiếp làm mình làm mẩy với con người Tây Bắc và phản ứng dữ dội
vô tội vạ với người lái đò sông Đà. Con sông còn được ghi dấu bởi
đồng dao thần thoại theo truyền thuyết Sơn Tinh Thủy tinh, phải
chăng như dân gian lưu truyền, cuộc chiến giành vợ của hai vị vua
miền biển và miền núi này dẫn đến một phiên bản sông Đà độc dữ
cho đến nay. Tính trữ tình thơ mộng của dòng sông nổi bật hơn cả
trong câu: “tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân
tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng
hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân’’, Nguyễn Tuân
đã sử dụng biện pháp so sánh áng tóc trữ tình kết hợp cùng cách
điệp từ tuôn dài tuôn dài khiến cho câu văn thêm mềm mại nhẹ
nhàng và hiền hòa. Khi so sánh sông Đà với áng tóc trữ tình, người
đọc đã mường tượng ngay trong đầu một cô thiếu nữ thướt tha với
mái tóc dài mượt làm say đắm lòng người, từ ngữ áng tóc hết sức
độc đáo là một lối so sánh cách tân sáng tạo chỉ có ở nhà văn họ
Nguyễn. Thông thường ta hay gặp áng văn chương hay áng thơ ca
còn ở Nguyễn Tuân ông chỉ đích danh đó phải là áng tóc, nhưng
cũng vì vậy câu văn càng thêm sức gợi hình, gợi cảm. Đã từng có
một nhân vật trong thơ ca trung đại Việt Nam có lối so sánh đầy mới
lạ này, ta đã bắt gặp thấy sự quen thuộc của hình ảnh áng tóc xuất
hiện trong Dục Thúy Sơn của Nguyễn Trãi:
"Tháp ảnh trâm thanh ngọc,
Ba quang kính thúy hoàn ”
(Bóng tháp hình trâm ngọc,
Gương sông ánh tóc huyền)
Cả hai người nghệ sĩ đều lấy hình ảnh áng tóc là cảm hứng để
gán đến sự vật mà mình miêu tả nhưng suy cho cùng áng tóc hiện
lên trong Dục Thúy Sơn vẫn có vẻ đẹp riêng khác sông Đà với với
áng tóc tuôn dài tuôn dài trong câu văn Nguyễn Tuân. Tuy vậy họ
vẫn có một điểm chung đầy thú vị cả hai ngòi bút đều hướng đến
hình ảnh ẩn dụ một cô gái mang vẻ đẹp thướt tha dịu dàng nhẹ
nhàng và hết mực e lệ. Nguyễn Tuân thông qua đó cũng gửi vào Tây
Bắc một tình yêu với thiên nhiên, con người và rộng ra là một tình
cảm thiêng liêng với tổ quốc.

5
Quà tài liệu của Xóm Trọ Văn Chương - Chúc các sĩ tử ôn tập tốt, đỗ NV1 nhé!

Gợi ý 2: Khi xuống được hạ lưu, vẻ đẹp của con sông Đà đã thay đổi
một cách táo bạo. Giờ đây con sông không còn những “luồng chết”
hay những “cửa tử” đánh lừa con thuyền, không còn dáng vẻ đanh
thép, hiểm nguy nữa. Thay vào đó, Nguyễn Tuân đã lại một lần nữa
“mắt thấy tai nghe” những sự vật, sự việc nằm quanh Đà giang mà ở
đó toát lên một vẻ đẹp thơ mộng và đầy trữ tình. Thật may mắn khi
chính nhà văn đã không chỉ khám phá miền đất Tây Bắc bụi rậm
hoang sơ mà có riêng cho mình một trải nghiệm, một góc nhìn
thoáng đãng từ trên “tàu bay” xuống mặt đất. Với chính trải nghiệm
và góc nhìn lạ ấy chắc chắn tác phẩm càng có sức hấp dẫn hơn với
người đọc. Trước mắt tác giả, Đà Giang hiện lên với một hình dáng
dài và được sử dụng biện pháp so sánh làm sinh động hóa nên vẻ
đẹp dài ấy đẹp “như một áng tóc trữ tình”. Chính phép so sánh độc
đáo ấy đã cho người đọc có sự liên tưởng thú vị tới người thiếu nữ
Tây Bắc kiều diễm ẩn khuôn mặt mình trong làn mây mờ ảo. Chưa
dừng lại ở đó, với cái nhìn tinh tế của một cây bút tài ba, những
bông ban hoa gạo trắng xóa nở rộ làm điểm sáng cho bức tranh
được ví như như chiếc cặp tóc có họa tiết bông hoa nhí trắng trẻo
cài lên trên áng tóc của thiếu nữ Tây Bắc. Với điểm nhấn độc đáo
nhưng không kém phần gợi cảm ấy, người đọc còn cảm nhận được
hình ảnh ấy giống với câu thơ “Cỏ non xanh tận chân trời/ Cành lê
trắng điểm một vài bông hoa” của Đại thi hào Nguyễn Du. Độc giả
đều cảm nhận được rất rõ trên cả hai nền tranh thiên nhiên mát mẻ
ấy đều được “điểm” lên một vài bông hoa trắng tươi ngát, càng gợi
cho bức tranh ấy trở nên thơ mộng, tinh khôi hơn đáng kể. Nhưng
có thể trong chính cái nhìn say mê đắm đuối cái đẹp ấy, Đà giang
hiện lên như một người bạn “cố nhân”, như một người bạn tri kỉ bởi
sự mềm mại, dẫu khác biệt nhưng vẫn thân thương, say đắm sự đa
dạng, đa vẻ của sông Đà. Có thể nói đây chính là điểm khác biệt lớn
nhất so với con sông, suối thác dữ dội ở thượng lưu – một sự
chuyển mình của Đà Giang mà “không ai nghĩ tới”. Thậm chí, hình
ảnh sông Đà ở nguồn còn được gắn với câu đồng dao thần thoại
“Núi cao sông hãy còn dài – Năm năm báo oán đời đời đánh ghen”
để chỉ sự hung ác của con sông ở thượng nguồn. Không chỉ vậy, sự
hung ác còn được gắn với liên tưởng độc đáo của Nguyễn Tuân
chính là “đòi nợ suýt”. Chính sự đối lập và khác biệt ấy tạo sự bất
ngờ và mang đến cho người đọc xúc cảm cũng như hình dung mới
mẻ thú vị về sông Đà.

6
Quà tài liệu của Xóm Trọ Văn Chương - Chúc các sĩ tử ôn tập tốt, đỗ NV1 nhé!

* Màu nước sông Đà: Nhìn ngắm sông Đà từ nhiều thời gian khác
nhau, tác giả đã phát hiện ra những sắc màu tươi đẹp và đa dạng
của dòng sông. Màu nước biến đổi theo mùa, mỗi mùa có vẻ đẹp
riêng trong cách so sánh rất cụ thể:
- Mùa xuân, nước Sông Đà xanh màu “xanh ngọc bích”, tươi sáng,
trong trẻo, lấp lánh.
- Mùa thu, nước Sông Đà lại “lừ lừ chín đỏ như da mặt một người
bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn
bực bội gì mỗi độ thu về”
- Đặc biệt, nhà văn khẳng định chưa bao giờ con sông có màu đen
như thực dân Pháp đã “đè ngửa con sông ta ra đổ mực Tây vào”, và
gọi bằng cái tên lếu láo Sông Đen.

Hành văn: Helen Keller từng tâm niệm: “Cuộc sống là cuộc phiêu
lưu đầy táo bạo hoặc không có gì cả”. Quả thật đúng là như vậy !
Hành trình khám phá và cảm nhận miền Tây Bắc của Nguyễn Tuân
vẫn chưa dừng lại ở việc đơn thuần là ngắm cảnh mà ông còn thấm
thía, nếm mùi vị của từng nét đẹp con sông Đà. Phải công nhận rằng
một điều, việc nhà văn tiếp tục “ngục sâu” xuống cảm nhận vẻ đẹp
trữ tình qua màu nước của mặt sông quả thật đúng là một sự phát
hiện vô cùng tinh tế và đắt giá. Nguyễn Tuân đã vận dụng trí đồng
thời có sự quan sát tài tình của mình để phác họa lại màu nước bằng
phép so sánh độc nhất của chính mình. Từ màu “xanh ngọc bích”
cho đến màu đỏ “lừ lừ”, “như da mặt của một người bầm đi rượu
bữa”, tất cả các phép so sánh ấy đều khiến người đọc thích thú bởi
sự miêu tả đầy chân thực đến khó tin của Nguyễn Tuân đã được ông
cụ thể hóa qua các sự vật, hiện tượng vô cùng gần gũi với đời sống
quanh ta. Và ta có thể khẳng định rằng những ngôn từ, những hình
ảnh đậm chất thi vị ấy đúng là làm nên “bụi vàng của tác phẩm”
(Paustovsky). Không chỉ vậy, màu sắc của bức tranh Đà giang được
tác giả khắc họa lên “nhìn miếng sáng lóe lên một màu nắng tháng
ba Đường thi” và chính hình ảnh tươi sáng, trong trẻo ấy khác hoàn
toàn với định kiến của bọn thực dân Pháp về một Đà giang “đen”
đuốc, lấm bẩn, “một dòng sông đổ ra mực”. Những gam màu sắc
thực tế đầy rực rỡ như một lời khẳng định chắc nịch, như một lời
bác bỏ mạnh mẽ và phá tan những lời xuyên tạc của giặc ngoại xâm.
Với niềm yêu thiên nhiên mãnh liệt hòa với sự tự hào về một Việt
Nam hùng vĩ, Nguyên Tuân đã không ngần ngại, thẳng thừng lên án
bọn Pháp là “láo lếu”. Chính những nét vẽ phác họa nên Đà giang

7
Quà tài liệu của Xóm Trọ Văn Chương - Chúc các sĩ tử ôn tập tốt, đỗ NV1 nhé!

cùng với lời lẽ đanh thép với kẻ phá hoại quê hương mình, tất cả
những giá trị ấy đã nói lên tình cảm sâu đậm trong tâm hồn Nguyễn
Tuân đối với miền Tây Bắc nói chung và thiên nhiên đất mẹ nói
riêng. Nhà văn khéo léo khi so sánh dòng sông với con người, khéo
léo trao thần sắc, tâm trạng của con người vào dòng sông vô tri, vô
giác. Ta cũng bắt gặp vẻ đẹp màu mỡ ấy trong “Nhớ sông Đà (Quang
Lâm):
“Đẹp ngàn đời biển trời sông bát ngát
Cá dầm xanh, anh vũ nhảy theo mùa
Khi mùa lũ thác reo gầm dữ dội
Thu chớm lạnh sóng nước lặng lờ trôi”
Vẻ đẹp ấy sẽ luôn nằm ở đó, sẽ vẫn còn qua từng bờ dâu, bãi
mía như qua từng ngóc ngách của dải đất này để làm trù phú thêm
vẻ đẹp của tổ quốc mà tạo hóa đã ban tặng cho con người Việt Nam.

* Bờ bãi sông Đà: Góc nhìn từ bờ bãi sông Đà, dòng sông mang vẻ
đẹp của một “cố nhân”
- Vẻ đẹp của nước Sông Đà gợi nhớ đến một trò chơi của con trẻ
“trước mắt thấy loang loáng như trẻ con nghịch chiếu gương vào
mắt mình rồi bỏ chạy”, đẹp một cách hồn nhiên và trong sáng
- Vẻ đẹp của nắng sông Đà lại gợi nhớ đến thế giới Đường thi “tôi
nhìn cái miếng sáng lóe lên một màu nắng tháng ba Đường thi “Yên
hoa tam nguyệt há Dương Châu” (Xuôi thuyền về Dương Châu giữa
tháng ba, mùa hoa khói).
- Vẻ đẹp của bờ bãi sông Đà lại gợi nhớ đến thế giới thần tiên trong
khu vườn cổ tích “bờ sông Đà, bãi sông Đà, chuồn chuồn bươm
bướm trên sông Đà”.
→ Nhà văn đã cảm nhận được cái chất “đằm đằm ấm ấm” thân thuộc
khi gặp lại sau một thời gian “ở rừng đi núi đã hơi lâu”.

Gợi ý 1: Sau khi khắc họa vẻ đẹp Sông Đà từ góc độ trên cao, nhà
văn tiếp tục dẫn dắt người đọc đến với dòng sông từ một góc độ
khác: đứng trên bờ mà nhìn ngắm dòng sông. Từ góc độ này, Sông
Đà bỗng hiện lên như một cố nhân. Cố nhân là một từ gốc Hán, vốn
dùng khi nói đến bạn cũ, người xưa giờ đã xa cách. Trong thơ ca
xưa, không ít lần hai tiếng “cố nhân” vang lên khắc khoải:
“Khuyến quân cánh tận nhất bôi tửu
Tây xuất Dương Quan vô cố nhân”
( “Vị Thành khúc” – Vương Duy )

8
Quà tài liệu của Xóm Trọ Văn Chương - Chúc các sĩ tử ôn tập tốt, đỗ NV1 nhé!

Trong thơ ca cổ là thế, còn trong bài bút kí hiện đại này,
Nguyễn Tuân cũng dùng chữ “cố nhân” khi nói về con Sông Đà, tác
giả không chỉ dừng lại trên bề mặt để ghi lại cái chất thơ của dòng
sông để đi sâu vào tâm hồn để nhận thấy chất trữ tình trong tính
cách, trong quan hệ của dòng sông và con người. Bởi vậy, khi phải
xa cách dòng sông, Nguyễn Tuân nhớ dòng sông như nhớ da diết
một người bạn tri kỉ.Lúc đầu, đó mới chỉ là cảm giác “thấy thèm chỗ
thoáng” của nhà văn khi “ở rừng đi núi cũng đã hơi lâu”, thậm chí
“quên mất là mình sắp đổ ra Sông Đà”. Thế rồi, con sông mà cụ
Nguyễn mong đợi như “cố nhân” ấy cũng đã hiện ra, với một miếng
sáng loang loáng mà “lóe lên một màu nắng tháng ba Đường thi”.
Chao ôi, sau bao ngày sống nơi rừng núi rậm rạp, khuất bóng mặt
trời, giờ đây gặp cái nắng Đường thi vàng hoe, ấm áp, khỏi phải nói
Nguyễn Tuân đã sung sướng đến nhường nào. Cái vui như tràn ra
trên bề mặt câu chữ: “Bờ Sông Đà, bãi Sông Đà, chuồn chuồn bươm
bướm trên Sông Đà”. Câu văn mang một trật tự cú pháp rất đặc biệt,
chỉ đơn thuần là những cụm từ đặt cạch nhau, nhưng sức gợi hình,
gợi cảm lại vô cùng lớn. Thậm chí niềm vui ấy lớn đến độ khiến nhà
văn phải hạ bút viết nên một phép so sánh có một không hai: “vui
như thấy nắng giòn tan sau kì mưa dầm, vui như nối lại chiêm bao
đứt quãng”. Từng từ, từng chữ trong câu văn đều được sử dụng vô
cùng chuẩn xác, cơ hồ không thể thay thế được. Bàn về lao động
nghệ thuật của người nghệ sĩ ngôn từ, nhà văn Tô Hoài từng tâm
niệm: “Mỗi chữ phải là hạt ngọc buông xuống những trang bản
thảo, phải là hạt ngọc mới nhất của mình tìm được, do phong cách
văn chương của mình mà có”. Và điều đó quả thực đúng với Nguyễn
Tuân, khi mỗi chữ của ông quả là “hạt ngọc” mà ông đã lục tìm
trong cái kho cảm xúc, liên tưởng phong phú, độc đáo của mình.
Hẳn rằng, cái vui như thấy “nắng giòn tan”, như “nối lại chiêm bao
đứt quãng ấy” sẽ còn khiến độc giả nhớ mãi. Nối tiếp niềm vui ấy,
nhà văn viết: “Đi rừng dài ngày rồi lại bắt ra Sông Đà, đúng thế, nó
đằm đằm ấm ấm như gặp lại cố nhân”. Thử hỏi, nếu không yêu,
không quý, không nhớ dòng Đà giang thì làm sao có được cái cảm
giác “đằm đằm ấm ấm” thân thương ấy ? Kể cả khi cố nhân có “lắm
bệnh lắm chứng”, “chốc lại bẳn tính và gắt gỏng ngay đấy” thì cũng
làm sao ngăn được niềm vui của nhà văn. Bởi lẽ, có còn gì đẹp hơn,
hạnh phúc hơn khi được gặp lại cố nhân trong cái nắng Đường thi
mơ mộng như tự thuở xa xưa nào.

9
Quà tài liệu của Xóm Trọ Văn Chương - Chúc các sĩ tử ôn tập tốt, đỗ NV1 nhé!

Gợi ý 2: Nguyễn Tuân lại một lần nữa cảm nhận vẻ đẹp thơ mộng
của sông Đà ở trong một hoàn cảnh đặc biệt, ông xem dòng sông
như một vị “cố nhân”. Nhà văn kể lại nỗi thèm thuồng khoảng
không gian thoáng đãng trên sông Đà khi ông lạc vào rừng sâu Tây
Bắc. Nguyễn Tuân không chỉ xem con sông như một con người mà
còn là một người tri âm tri kỉ, một người đồng điệu về tâm hồn nghệ
sĩ. Cảm xúc của người lâu ngày gặp lại sông Đà “vui như thấy giòn
tan sau kì mưa dầm, vui như nối lại chiêm bao đứt quãng”. Làm sao
không yêu cho được lỗi viết thi vị hóa của “phù thủy văn chương”,
sự nhân hóa đó làm con sông gần gũi hơn bao giờ hết. Như Tản Đà
từng viết:
“Dải sông Đà bọt nước lênh đênh
Bao nhiêu cảnh bấy nhiêu tình”
Nguyễn Tuân am hiểu dòng sông “chốc dịu dàng đấy rồi chốc
lại bẳn tính” nhưng khi gặp lại “cố nhân” thì lại trào dâng một cảm
xúc “đằm đằm, thắm thắm” trong lòng mỗi người. Để rồi khi đổi
điểm nhìn thì trước mắt nhà văn, cảnh vật ven sông “lặng tờ”.
Dường như nhà văn đang sống ở một thời đại nào đó xa xôi lắm, xưa
cổ lắm, không có tiếng âm thanh của cộ xe, của thành phố náo
nhiệt. Hai bên bờ sông, cảnh vật yên ả, thanh bình, tràn trề nhựa
sống như đang bắt đầu vào mùa sinh sôi nảy lộc. Trên đồi, cỏ gianh
xanh mơn mởn đang phun trào những lộc búp: “cỏ gianh đồi núi
đang ra những nõn búp”. Có một đàn hươu thơ ngộ đang “cúi đầu
ngốn búp cỏ gianh đẫm sương đêm”. Ôi khung cảnh an yên quá đỗi!
Ngay cả cử chỉ cúi đầu nhai cỏ của đàn hươu cũng thật nhẹ nhàng,
trầm lắng. Chưa dừng lại ở đó, nhà văn còn miêu tả sự hoang sơ, cổ
kính của quãng sông này. Bờ sông Đà nguyên sơ như chưa có đôi
bàn tay nào đến đây khai phá, để rồi: “Bờ sông hoang dại như một
bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa”.
Đúng rồi, đây là một bờ sông trong câu chuyện cổ tích năm nào ta
nghe kể. Tĩnh vắng như vậy, hoang sơ như vậy thì còn gì mà không
phải nữa chứ? Đoạn văn miêu tả cảnh hai bên bờ sông Đà có lẽ là
đoạn văn mượt mà, ngọt ngào và thơ mộng nhất trong tác phẩm.
Câu văn mang dáng dấp mềm mại, êm trôi, không khí mơ màng
khiến người đọc đắm say ngây ngất.

10
Quà tài liệu của Xóm Trọ Văn Chương - Chúc các sĩ tử ôn tập tốt, đỗ NV1 nhé!

* Góc nhìn từ giữa lòng sông Đà, con sông mang vẻ đẹp của một
người tình nhân:
- Đó là vẻ đẹp tĩnh lặng, yên ả, thanh bình như còn lưu lại dấu tích
của lịch sử cha ông.
- Đó là vẻ đẹp tươi mới, tràn trề nhựa sống, như bắt đầu một mùa
nảy lộc sinh sôi.
- Đó còn là vẻ đẹp hoang sơ, cổ kính
→ Cảnh đẹp đã gợi cảm hứng cho thi ca bao đời. Vẻ đẹp ấy đã cùng
với sông Đà chảy qua không gian, thời gian, và đặc biệt là chảy qua
cả những áng thơ ca bao đời, thơ Nguyễn Quang Bích rồi Tản Đà…
để trở thành bất tử. Trong cái nhìn của thi sĩ Tản Đà, Sông Đà đã trở
thành “một người tình nhân chưa quen biết”.

Hành văn

Gợi ý 1: Đứng trên bộ mà trông lại Sông Đà quả thực đem lại nhiều
cảm xúc lâng lâng khó tả. Nhưng ngồi trên thuyền xuôi giữa dòng
sông cũng thú vị không kém. Này đây lại là một câu văn độc đáo:
“Thuyền tôi trôi trên Sông Đà”. Câu văn toàn thanh bằng, mang cái
êm ái, du dương như nhạc tính của một câu thơ. Từ góc độ này,
Sông Đà bỗng hiện lên với vẻ “lặng tờ” đến lạ. Nó khiến nhà văn
phải liên tưởng tới thuở xưa, “hình như từ đời Lí đời Trần đời Lê,
quãng sông này cũng lặng tờ đến thế mà thôi”. Rõ ràng, đó không
phải là cái yên lặng nhất thời, mà là cái lặng tờ thuộc về bản tính
của dòng sông, như tự ngàn năm vẫn vậy. Theo dòng trôi của con
thuyền, cảnh vật hai bên bờ sông cũng dần dần hiện ra trong cái
yên lặng “tịnh không một bóng người”, chỉ thấy những “nương ngô
nhú lên mấy lá ngô non đầu mùa”, “cỏ gianh đồi núi đang ra những
nõn búp”, rồi “một đàn hươu cúi đầu ngốn búp cỏ gianh đẫm sương
đêm”. Thuyền trôi trên Sông Đà mà tưởng như đang lạc vào chốn
hoang dã chưa từng có dấu chân người, một nơi “hoang dại như một
bờ tiền sử” mà đẹp mơ màng, hồn nhiên “như một nỗi niềm cổ tích
tuổi xưa”. Những câu văn êm ái, mượt mà, rất giàu chất thơ đã đưa
người đọc lạc vào cái thế giới tĩnh lặng và bình yên của dòng Đà
giang thơ mộng, trữ tình. Ở chốn ấy dường như mọi thứ đều tĩnh
lặng tuyệt đối, đến độ khiến nhà văn phải thốt lên: “Chao ôi, thấy
thèm được giật mình vì một tiếng còi xúp-lê của một chuyến xe lửa
đầu tiên đường sắt Phú Thọ - Yên Bái – Lai Châu”. Có lẽ, không một

11
Quà tài liệu của Xóm Trọ Văn Chương - Chúc các sĩ tử ôn tập tốt, đỗ NV1 nhé!

dòng sông nào có được vẻ đẹp hoang dã, yên lặng đến độ gần như
tuyệt đối, khiến người ta phải thèm một chút ồn ào đến thế.

Gợi ý 2: Trong một điểm nhìn khác, trên một con thuyền lững lờ trôi
trên Sông Đà, Nguyễn Tuân lại có một phát hiện mới, đó là không
gian hoang sơ, lặng tờ của dòng sông. Nhịp văn của ông không còn
dồn dập phấn khích mà khoan thai hẳn. Người văn nhân ấy đã nhìn
về rất xa mà tìm kiếm bóng hình con sông qua các triều đại, ông
ngẫm rằng: “Hình như từ đời Lí đời Trần đời Lê, quãng sông này
cũng lặng tờ đến thế mà thôi”. Dẫu cho qua bao thời đại, dòng sông
vẫn vẹn nguyên, hoang sơ đến vậy, không một ai có thể quấy rầy
khung cảnh thanh bình thư thái ấy. Quãng sông này làm chúng ta
nhớ tới “Tràng giang" của Huy Cận. Đều cùng là cảnh sông nước
Việt Nam, ẩn sau đó là tình yêu tha thiết sâu nặng với quê hương;
đều không có sự xuất hiện, tổn tại của con người, chỉ có “ bờ xanh
tiếp bãi vàng". Vậy mà ở Tràng Giang, đó là một nỗi buồn, thiếu sức
sống đến trống vắng cô liêu, là tâm trạng chung của người nghệ sĩ
trước cách mạng; còn ở Đà Giang, đó là sức sống mơn mởn. Cho đến
tận bây giờ, sự sống hai bên bờ vẫn không ngừng đâm chồi nảy lộc,
có “nương ngô nhú lên mấy lá ngô non đầu mùa”, “cỏ gianh đồi núi
đang ra những nõn búp”, có đàn hươu đang “cúi đầu ngốn búp cỏ
gianh đẫm sương đêm” như một chốn bồng lai tiên cảnh giữa chốn
nhân gian. Dường như trong lòng người văn sĩ ấy có một cảm giác
đắm say lạ thường, cảm xúc chìm sâu giữa một khung cảnh hoang
sơ, tươi đẹp của một chốn hồng hoang, một xứ sở cổ tích: “Bờ sông
hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm
cổ tích tuổi xưa.”. Ở nơi ấy, có con hươu hươu thơ ngộ, có đàn cá
dầm xanh để thêm vào cho chốn thanh cảnh yên ắng sức sống căng
tràn. Tất cả những hình ảnh đều gần gũi, thân thuộc như chính
thiên nhiên ngoài kia nhưng giờ đang được tái tạo bởi “cái đẹp
không nằm ở đôi má hồng của người thiếu nữ mà ở trong mắt của kẻ
si tình”, từ đó trở thành một bức tranh sống động và tuyệt đẹp.

12
Quà tài liệu của Xóm Trọ Văn Chương - Chúc các sĩ tử ôn tập tốt, đỗ NV1 nhé!

5. Nhận xét cái tôi của Nguyễn Tuân


Dẫn chuyển:
- Nguyễn Tuân cũng từng nhấn mạnh: “Nghệ thuật là lĩnh vực của
cái độc đáo. Vì vậy, nó đòi hỏi phải có phong cách, tức là phải có nét
gì đó rất mới, rất riêng thể hiện trong tác phẩm của mình.”
- Leonov viết “Không có tiếng nói riêng, không mang lại những điều
mới mẻ cho văn chương mà chỉ biết dẫm theo đường mòn thì tác
phẩm nghệ thuật sẽ chết”.
- Nam Cao: "Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu,
biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái
gì chưa có.

Khái niệm:
- Giải thích khái niệm “cái tôi”: Cái tôi là cá tính sáng tạo của nhà
văn với tư cách là một nghệ sĩ, là phong cách độc đáo, riêng biệt có
thể phân biệt nhà văn này với nhiều nhà văn khác cùng thời. Đây
cũng là tiếng nói riêng, màu sắc khác biệt mà mỗi nghệ sĩ tạo ra khi
sáng tạo nghệ thuật.

Nhận xét về “cái tôi” của Nguyễn Tuân thể hiện qua đoạn trích:
+ Cái tôi tài hoa, uyên bác: vốn sống phong phú và trí tưởng tượng
dồi dào tạo nên những trang viết hết sức độc đáo và có giá trị nghệ
thuật cao.
+ Cái tôi với tài năng điêu luyện trong việc sử dụng ngôn từ.
+ Cái tôi độc đáo trong cách nhìn, cách khám phá thiên nhiên, qua
đó kín đáo thể hiện tình cảm yêu nước tha thiết và niềm say mê, tự
hào với thiên nhiên của quê hương, xứ sở mình.

So sánh đối chiếu với PCNT của Nguyễn Tuân trước CMT8
- Đọc thêm tại:
+ Sáng tác của Nguyễn Tuân thời kỳ trước cách mạng Tháng
Tám 1945
+ Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân trước cách mạng
tháng 8 - thuy linh
- Một vài ý cần chú ý:
- Trước Cách mạng:
+ Quan niệm về cái đẹp chỉ có trong quá khứ gọi là "vang bóng một thời” "
và tài hoa nghệ sĩ chỉ có ở những con người xuất chúng, thuộc thời trước
còn vương sót lại (Nguyễn Tuân gọi là "sinh lầm thế kỉ” ", bơ vơ lạc lỏng
trong thời hiện đại).

13
Quà tài liệu của Xóm Trọ Văn Chương - Chúc các sĩ tử ôn tập tốt, đỗ NV1 nhé!

+ Tìm cảm giác mạnh ở quá khứ " vang bóng một thời” ", ở chủ nghĩa xê
dịch, ở đời sống trụy lạc.
+ Sử dụng thể văn tùy bút, thiên về diễn tả nội tâm của cái tôi chủ quan.

- Sau Cách mạng:


+ Không đối lập quá khứ với hiện tại. Cái đẹp có cả ở quá khứ, hiện tại và
tương lại và tài hoa có ở cá nhân đại chúng.
+ Tìm những hiện tượng gây cảm giác mạnh ở những phong cảnh đẹp,
hùng vĩ của thiên nhiên đất nước và những thành tích của nhân dân trong
chiến đấu và xây dựng.
+ Vẫn dùng thể văn tùy bút nhưng có pha chút kí với bút pháp hướng
ngoại, để phản ánh hiện thực, ghi chép thành tích chiến đấu, xây dựng
của nhân dân.

Hành văn:
Gợi ý 1: Nam Cao từng nói "Văn chương chỉ dung nạp những người biết
đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những
cái gì chưa có”. Một nhà nghệ sĩ chân chính, nhà văn tài ba sẽ luôn có
những sáng tác độc lạ và mới mẻ dù ở thời đại nào, thể loại tác phẩm
được viết là gì đi chăng nữa. Và tất cả những điểm sáng ấy có thể gói gọn
lại trong hai chữ “cái tôi” - cá tính sáng tạo của nhà văn với tư cách là
một nghệ sĩ, là phong cách độc đáo, riêng biệt có thể phân biệt nhà văn
này với nhiều nhà văn khác cùng thời. Đây cũng là tiếng nói riêng, màu
sắc khác biệt mà mỗi nghệ sĩ tạo ra khi sáng tạo nghệ thuật. Ở nhà văn
Nguyễn Tuân, ta thấy ở ông có một cái tôi rất mạnh mẽ, rất đẹp đẽ và cao
cả. Cái tôi tài hoa, uyên bác trong việc vận dụng vốn sống phong phú và
trí tưởng tượng dồi dào tạo nên những trang viết hết sức độc đáo và có
giá trị nghệ thuật cao. Cái tôi với tài năng điêu luyện trong việc sử dụng
ngôn từ. Các thuật ngữ chuyên môn của các ngành quân sự, điện ảnh, thể
thao,… được huy động một cách hết sức linh hoạt nhằm diễn tả một cách
chính xác và ấn tượng những cảm giác về đối tượng. Hình ảnh dòng sông
Đà đã được nhà văn miêu tả, tái hiện một cách ấn tượng từ nhiều góc
nhìn, với những chi tiết điển hình, tiêu biểu; những liên tưởng, so sánh
bất ngờ, thú vị. Tất cả đều cho thấy khả năng quan sát và sử dụng ngôn
ngữ hết sức điêu luyện của Nguyễn Tuân - “người thợ kim hoàn của chữ.
Qua đó càng khẳng định một vị trí đỉnh cao, một “bậc thầy tùy bút” trong
văn đàn văn học Việt Nam.

Nhưng đặc biệt nhất chính là cái tôi độc đáo trong cách nhìn, cách
khám phá thiên nhiên, qua đó kín đáo thể hiện tình cảm yêu nước tha
thiết và niềm say mê, tự hào với thiên nhiên của quê hương, xứ sở mình.
Trước Cách mạng, sáng tác của Nguyễn Tuân chủ yếu xoay quanh ba đề
tài: “chủ nghĩa xê dịch”, vẻ đẹp “vang bóng một thời” và đời sống trụy lạc.

14
Quà tài liệu của Xóm Trọ Văn Chương - Chúc các sĩ tử ôn tập tốt, đỗ NV1 nhé!

Cá tính cùng với tâm trạng bất mãn và bất lực trước thời cuộc của
Nguyễn Tuân đã khiến ông tìm lối thoát trong cái thú giang hồ, xê dịch
nhằm muốn thoát ra ngoài mọi ràng buộc với gia đình, xã hội, quê hương,
đất nước trong những “Một chuyến đi”, “Thiếu quê hương”,... Sau Cách
mạng, Nguyễn Tuân vẫn tìm hiện tượng gây cảm giác mạnh ở những
phong cảnh đẹp, hùng vĩ của thiên nhiên đất nước nhưng gắn chặt với
cuộc sống chiến đấu và lao động của con người. Cái đẹp không còn đối
lập quá khứ với hiện tại. Cái đẹp có cả ở quá khứ, hiện tại và tương lại và
tài hoa có ở cá nhân đại chúng. Đà giang hiện lên qua ngòi bút của
Nguyễn Tuân vừa hùng vĩ, vừa dữ dội nhưng cũng vô cùng mĩ lệ, trữ tình
và vô cùng lãng mạn. Quan trọng hơn, đằng sau dòng sông ta thấy hiện
lên một bức chân dung của một NT với tình yêu quê hương đất nước; một
NT đã được ánh sáng của Đảng soi rọi, được phù sa của nhân dân bồi đắp;
một NT với tâm hồn mà như Tố Hữu đã viết:
“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim”
Như vậy, NT viết bài kí “Người lái đò sông Đà” bằng một tâm hồn rộn ràng
tiếng chim như thế, bằng một tâm hồn như một vườn hoa thơm quả ngọt.
Rõ ràng ông là người chiến sĩ trên mặt trận văn chương.

Gợi ý 2: Nam Cao: "Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu,
biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì
chưa có”. Một nhà nghệ sĩ chân chính, nhà văn tài ba sẽ luôn có những
sáng tác độc lạ và mới mẻ - hay còn gói gọn trong hai chữ “cái tôi” - cá
tính sáng tạo của nhà văn. Cái tôi là phong cách độc đáo, riêng biệt mà
mỗi nghệ sĩ tạo ra khi sáng tạo nghệ thuật. Ở nhà văn Nguyễn Tuân, ta
thấy ở ông có một cái tôi rất mạnh mẽ, rất đẹp đẽ và cao cả. Nhưng đặc
biệt nhất chính là cái tôi độc đáo trong cách nhìn, cách khám phá thiên
nhiên, qua đó kín đáo thể hiện tình cảm yêu nước tha thiết và niềm say
mê, tự hào với thiên nhiên của quê hương, xứ sở mình. Trước Cách mạng,
sáng tác của Nguyễn Tuân chủ yếu xoay quanh ba đề tài: “chủ nghĩa xê
dịch”, vẻ đẹp “vang bóng một thời” và đời sống trụy lạc. Cá tính cùng với
tâm trạng bất mãn và bất lực trước thời cuộc của Nguyễn Tuân đã khiến
ông tìm lối thoát trong cái thú giang hồ, xê dịch nhằm muốn thoát ra
ngoài mọi ràng buộc với gia đình, xã hội, quê hương, đất nước trong
những “Một chuyến đi”, “Thiếu quê hương”,... Sau Cách mạng, Nguyễn
Tuân vẫn tìm hiện tượng gây cảm giác mạnh ở những phong cảnh đẹp,
hùng vĩ của thiên nhiên đất nước nhưng gắn chặt với cuộc sống chiến đấu
và lao động của con người. Cái đẹp không còn đối lập quá khứ với hiện
tại. Cái đẹp có cả ở quá khứ, hiện tại và tương lại và tài hoa có ở cá nhân

15
Quà tài liệu của Xóm Trọ Văn Chương - Chúc các sĩ tử ôn tập tốt, đỗ NV1 nhé!

đại chúng. Đà giang hiện lên qua ngòi bút của Nguyễn Tuân vừa hùng vĩ,
vừa dữ dội nhưng cũng vô cùng mĩ lệ, trữ tình và vô cùng lãng mạn là vì
thế.
Bên cạnh đó, ở Nguyễn Tuân cũng nổi bật cái tôi tài hoa, uyên bác
trong việc vận dụng vốn sống phong phú và trí tưởng tượng dồi dào tạo
nên những trang viết hết sức độc đáo và có giá trị nghệ thuật cao. Cái tôi
với tài năng điêu luyện trong việc sử dụng ngôn từ. Các thuật ngữ chuyên
môn của các ngành quân sự, điện ảnh, thể thao,… được huy động một
cách hết sức linh hoạt nhằm diễn tả một cách chính xác và ấn tượng
những cảm giác về đối tượng. Quan trọng hơn, đằng sau dòng sông ta
thấy hiện lên một bức chân dung của một NT với tình yêu quê hương đất
nước; một NT đã được ánh sáng của Đảng soi rọi, được phù sa của nhân
dân bồi đắp; một NT với tâm hồn mà như Tố Hữu đã viết:
“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim”

6. Kết bài

Gợi ý 1: “Tác phẩm nghệ thuật sẽ chết nếu nó miêu tả cuộc sống chỉ
để miêu tả, nếu nó không phải tiếng thét đau khổ hay lời ca tụng
hân hoan, nếu nó kh đặt ra những câu hỏi hoặc câu trả lời những
câu hỏi đó”. Và quả thực, tác phẩm “Người lái đò sông Đà” của
Nguyễn Tuân là tác phẩm như thế!Trong suốt quá trình dài của thời
gian, tuỳ bút của Nguyễn Tuân vẫn luôn vẹn nguyên những giá trị
và sống mãi trong lòng người đọc về thiên nhiên, con người nơi xứ
sở Tây Bắc nói riêng và thiên nhiên đất nước ta nói chung.

Gợi ý 2: Sau hơn nửa thế kỷ, “Người lái đò sông Đà” nói chung và
đoạn trích nói riêng vẫn còn nguyên vẹn những giá trị về cả nội
dung lẫn nghệ thuật. Nhờ cái tôi độc đáo của Nguyễn Tuân mà
ngoài vẻ hung bạo ra thì vẻ đẹp trữ tình của sông Đà thật đáng để
chúng ta chiêm ngưỡng nó. Nhà văn từng chia sẻ rằng “Tôi cũng tự
thấy mình là một con người đi tìm vàng quang sống Đà, đi tìm thứ
vàng của màu sắc sông núi Tây Bắc, nhất là cái thứ vàng mười mang
sẵn trong tâm trí tất cả những con người ngày nay đang nhiệt tình
gắn bó với công cuộc xây dựng cho Tây Bắc thêm sáng sủa, tươi vui
và vững bền.” Ông còn để lại bài học về trách nhiệm với giang sơn,
tổ quốc cho tất cả người dân trên dải đất hình chữ S này, đặc biệt là

16
Quà tài liệu của Xóm Trọ Văn Chương - Chúc các sĩ tử ôn tập tốt, đỗ NV1 nhé!

cho thế hệ trẻ hôm nay người nắm giữ chìa khóa mở cánh cổng
tương lai của Đất Nước.
----------------------------
Xóm trọ Văn chương - Kể chuyện tứ phương!
Email: xomtrovanchuong@gmail.com
TikTok: xomtrovanchuong
Instagram: xomtrovanchuong_2021
Hotline: 0964452735 (Thanh Tâm)
0365315461 (Hiền Hiền)

CHÚC CÁC SĨ TỬ ÔN TẬP TỐT, ĐỖ NV 1 NHÉ!

17

You might also like