You are on page 1of 2

Những năm 1960 là giai đoạn miền bắc bước vào công cuộc xây dựng

XHCN, và “tâm hồn Tây Bắc” chính là một trong những miền đất mà có biết
bao nhà văn, nhà thơ đã hướng ngòi bút của mình tới để thực hiện quá trình lột
xác văn học. Và Nguyễn Tuân đã mang “chủ nghĩa xê dịch” của mình đặt chân
đến đó qua tác phẩm tùy bút “Người lái đò sông Đà”, đặc biệt là qua hình tượng
sông Đà với vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình của thiên nhiên Tây Bắc.
Nguyễn Tuân là một trong những cây bút có sức sáng tạo dồi dào nhất
của nền văn học VN với những thành tựu xuất sắc ở cả hai giai đoạn trước và
sau CMT8 năm 1945. Ông là một nghệ sĩ tài ba, uyên bác, có cá tính độc đáo.
Là một nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái đẹp, Nguyễn Tuân thường khám phá thế giới
ở phương diện văn hóa thẩm mỹ, thường miêu tả con người trong vẻ đẹp tài hoa
của người nghệ sĩ. Ông sáng tác nhiều thể loại nhưng đặc biệt thành công ở thể
tùy bút. Tác phẩm tiêu biểu nhất của Nguyễn Tuân ở thể loại này là tùy bút
“Người lái đò sông Đà” – được coi là một trong những áng văn đẹp được làm
nên từ tình yêu đất nước thiết tha cùa nhà văn Nguyễn Tuân. Được sáng tác năm
1960, là thành quả nghệ thuật đẹp đẽ mà tác giả đã thu hoạch được trong chuyến
đi gian khổ và hào hứng tới miền Tây Bắc rộng lớn, xa xôi của Tổ quốc.
Phần đầu của đoạn trích, tác giả chủ yếu miêu tả sự hung bạo, hung vĩ,
hiểm nguy của một dòng sông lắm thác nhiều ghềnh. Đó là sự dữ dội của cảnh
đá dựng bờ sông, cảnh ghềnh Hát Lóong “nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió”,
cảnh những hút nước rùng rợn; cảnh thác đá gào thét; dòng sông với biết bao
cửa tử cửa sinh… Cuối đoạn trích tác giả chủ yếu bàn về vẻ đẹp trữ tình của
dòng sông.
Bên cạnh sự hung bạo, sông Đà còn hiện lên với những nét nên thơ, trữ
tình. Nguyễn Tuân quan sát sông Đà với nhiều góc độ. Đầu tiên, từ trên cao
nhìn xuống, “con sông Đà tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc, chân tóc
ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban, hoa gạo”. Phép so sánh sông
Đà như một áng tóc trữ tình như nhấn mạnh hình dáng dòng sông mềm mại,
mượt mà, lại duyên dáng uyển chuyển, yêu kiều như áng tóc của người con gái.
Cùng vớ hình ảnh ẩn hiện mây trời Tây Bắc và phép so sánh mây trời ấy cuồn
cuộn như mù khói núi mèo đốt nương xuân, chính điều này làm tăng thêm vẻ hư
ảo kín đáo e ấp tình tứ của dòng sông. Vẻ đẹp trữ tình của sông Đà còn được
Nguyễn Tuân thể hiện qua việc miêu tả sắc nước. Ở mỗi thời điểm khác nhau
người ta lại thấy Sông Đà trong một dáng vẻ, màu sắc khác nhau. Mùa xuân,
nước sông Đà xanh ngọc bích “chứ không xanh màu xanh canh hến của nước
sông Gâm, sông Lô”. Xanh ngọc bích là xanh trong, xanh sáng, xanh biếc – một
sắc màu gợi cảm, trong lành. Thật tài hoa và thật trữ tĩnh bởi đó gợi lên sắc màu
của nước, của núi, của da trời. Mùa thu, nước sông Đà được so sánh “lừ lừ chín
đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một
người bất mãn bực bội độ thu về”. Chắc hẳn phải có sự quan sát tinh tế, sự am
hiểu sâu sắc về dòng sông với những kiến thức địa lí phong phú, Nguyễn Tuân
mới có thể có những câu văn ấn tượng, tài hoa đến vậy.
Khi đi từ rừng ra, tác giả ví sông Đà như một cố nhân đi xa thì nhớ, gặp
lại thì mừng vui khôn xiết. Trong cảm nhận của Nguyễn Tuân, khi gặp lại sông
Đà, ông mới nhận ra “dòng sông vui như thấy nắng tan đi sau cơn mưa dầm dề,
vui như nối lại một giấc mộng tan vỡ”. Với cách so sánh, nhân hóa độc đáo,
sông Đà hiện lên thật đẹp bởi chiều sâu: thân thiện, dễ mến, phảng phất hơi ấm
tình người của con sông. Nó trở thành một người bạn trung thành và thủy
chung, bình lặng chờ đợi sự trở về của những người đã đi xa.
Nguyễn Tuân còn đặc biệt ấn tượng sâu sắc khi đi qua sông Đà bằng
thuyền vì mặt sông ở những quãng sông này “lặng tờ”, gợi không khí cổ kính
tĩnh lặng mang tính huyền thoại. Vẻ đẹp huyền ảo, lung linh đó còn được khắc
họa qua những nét vẽ về cảnh sắc: lá non nhú trên những nương ngô, những con
hươu "ngẩng đầu nhung khỏi áng cỏ sương". Trên mặt nước sông Đà, những
đàn cá quẫy vọt lên dòng sông như đàn thoi đang rơi. Tất cả những hình ảnh,
chi tiết đều thấm đượm vẻ đẹp nhẹ nhàng để làm nổi bật sự thơ mộng, trữ tình
của sông Đà. Qua đó, chúng ta có thể thấy được những cảm nhận tinh tế, sâu sắc
của tác giả Nguyễn Tuân đối với cảnh sắc thiên nhiên Tây Bắc.
Vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình của sông Đà được Nguyễn Tuân khám phá và ngợi
ca dưới sự kết hợp của những biện pháp nghệ thuật độc đáo, mở ra trước mắt người
đọc những hình ảnh thật đẹp. Tất cả được tạo nên bởi cái tài, cái tâm, cái trí tuệ uyên
bác cùng vốn hiểu biết sâu rộng trên nhiều lĩnh vực của Nguyễn Tuân. Để rồi từ đó,
ông đã thể hiện nguồn cảm xúc tha thiết đối với người lao động và thiên nhiên đất
nước.
Cuộc sống quanh ta luôn vận động với theo vòng quay của đất trời, nhưng suy
cho cùng ngày lại qua ngày, mây vẫn bay và gió vẫn thổi nhưng chính Nguyễn Tuân
đã mang đến cho ta một thế giới mới, tinh khôi và kì diệu. Song, ông cũng là một nhà
văn góp phần sáng tạo lại thế giới. Văn chương của ông đã mang đến cho chúng ta
một chân trời huyền bí riêng biệt, hấp dẫn và độc đáo. Đó là chân trời của cái đẹp, của
sự tài hoa và uyên bác!

You might also like