You are on page 1of 5

NGƯỜI LÁI ĐÒ SÔNG ĐÀ

Trong tùy bút, Sông Đà hiện lên vừa hùng vĩ, kiêu sa, dữ dội lại vừa xinh đẹp,
dịu dàng, thơ mộng. Nguyễn Tuân đã miêu tả dòng sông trên nhiều góc độ, nhiều
phương diện mà nhìn trên phương diện nào cũng thấy thấy đẹp, thấy yêu. Không tĩnh
lặng soi bóng hàng tre mỗi trưa hè, cũng không mang nét tư lự trong từng hơi thở khi
màn đêm buông xuống mà sông Đà hiện lên vô cùng sống động, dữ dội và mãnh liệt.
Nó như được xem là "kẻ thù số một của con người". Những con thác lớn dữ dội, những
gạn nước từ Vạn Yên về xuôi thật mênh mang. Hai bờ sông dựng đá thành những vách
hiểm trở khôn cùng. Nước và sóng xô chồng lên nhau như đang thi nhau phô bày tất cả
vẻ dữ tợn, oai hùng của mình: "Có vách đá thành chẹt lòng Sông Đà như một cái yết
hầu. Đứng bên này bờ nhẹ tay ném hòn đá qua bên kia vách. Có quãng con nai con hổ
đã có lần vọt từ bờ này sang bờ kia”. Mặt sông khi nhìn từ trên cao xuống là vô vàn
những hút nước như những trụ bê tông. Dòng nước kêu lên thành những tiếng ghê
rợn, khi thì kêu lên như những cái giếng đang bị sặc nước, khi lại ằng ặc như tiếng dầu
sôi”. Tất cả dựng lên trước mắt ta thế hiểm trở và đầy rẫy những thách thức, nguy hiểm
mà ai đi qua cũng phải đối mặt. Sông với tư thế hùng dũng và có phần bạo ngược của
mình sẵn sàng nhấn chìm bất kể ai không vững vàng tay lái trước từng con con sông,
không làm chủ trên chiến trận chinh phục dòng sông. Bởi vậy mà nó khiến bao con
thuyền đi qua phải dè chừng, hoảng sợ, cố tránh né những cạm bẫy mà sông Đà bố trí
sẵn: “Không thuyền nào dám men gần những cái hút nước ấy, thuyền nào cũng trèo
nhanh để lướt quãng sông”, biết bao nhiêu bè gỗ đã phải chịu trận trước những hút sâu
khổng lồ, biết bao nhiêu con thuyền nghênh ngác phải tan xác dưới lòng sông.

Vốn am hiểu sâu sắc cùng sự trải nghiệm của mình Nguyễn Tuân dùng những
ngôn từ mới lạ, lĩnh hoạt, độc đáo để miêu tả một dòng sông Đà. Sông Đà cũng mang
dáng dấp đẹp đẽ, dịu dàng và thơ mộng, uyển chuyển như vẻ đẹp của người thiếu nữ
chốn núi rừng Tây Bắc vậy. Sông Đà lúc này thật thơ và mơ mộng, tình yêu như đang
tràn với bao cảm xúc nồng nàn khó tả: “Con sông Đà tuôn dài, tuôn dài như một áng
tóc trữ tình...cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân". Vẻ đẹp của dòng sông thật
yên bình, khơi gợi sự yêu thương, đưa lòng người đến với những rung cảm trong tâm
hồn mình, một sức hấp dẫn tuyệt vời quá đỗi. Đôi lúc, sông Đà cũng có những cảm
xúc, cũng nhớ, cũng thương như bao người vậy. Vẻ đẹp trữ tình của dòng sông còn
được thể hiện giữa thiên nhiên, mây trời tạo nên nét riêng biệt không trộn lẫn, bởi vậy
dù bất cứ lúc nào nó cũng khiến người thưởng thức bị thu hút: "Tôi đã nhìn say sưa làn
mây mùa xuân bay trên sông Đà, tôi đã xuyên qua đám mây mùa thu mà nhìn xuống
dòng nước sông Đà”. Không chỉ vậy, sông Đà còn khiến người ta thích thú bởi sắc
nước đổi thay theo mùa: “Mùa xuân dòng xanh ngọc bích, chứ nước Sông Đà không
xanh màu xanh canh hến của Sông Gâm, Sông Lô. Mùa thu nước Sông Đà lừ lừ chín
đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người
bất mãn bực bội gì mỗi độ thu về".

Bờ sông Đà cũng thật đẹp, thật ngọt ngào bởi hương vị của hoa, của bướm, của
chuồn chuồn, của những bãi ngô non đầu mùa hay những cô giành vàng nõn búp. Đó
đây những đàn hươu đang thong thả gặm những bãi cỏ non tơ ướt đẫm sương đêm,
mọi vật như đang hòa mình trong nét tuyệt diệu của dòng sông, tô điểm nên một vẻ đẹp
gọi mời khiến lòng người thổn thức: "Con hươu thơ ngộ ngẩng đầu nhung khỏi áng cỏ
sương, chăm chăm nhìn tôi lừ lừ trôi trên một mũi đò. Hươu vểnh tai, nhìn tôi không
chớp mắt mà như hỏi tôi bằng cái nói riêng của con vật lành: “Hỡi ông khách Sông Đà,
có phải ông cũng vừa nghe thấy một tiếng còi sương?”. Sông Đà như một "người cố
nhân" lại như một" người nghệ sĩ tài hoa". Qua cách miêu tả thật độc đáo với những
cảm xúc chân thành, sự trân trọng, nâng niu từ những điều bình dị, nhỏ nhặt, Nguyễn
Tuân như khắc hoạ nên một bức tranh thủy mặc của sông Đà say đắm lòng người với
vẻ tuyệt vời, thân thương.

Cùng với hình tượng sông Đà cá tính, đến với tác phẩm ta còn cảm nhận được
hình ảnh người lái đò tài hoa, nghệ sĩ, điêu luyện trên dòng sông. Người lái đò ấy
không phải là một chàng thanh niên trai tráng với thân hình vạm vỡ mà là một ông già
đã gần bảy mươi tuổi: “Trên dòng sông Đà ông xuôi, ông ngược hơn một trăm lần rồi,
chính tay giữ lái độ sáu chục lần". Phải chăng những kinh nghiệm qua bao cuộc hành
trình suốt mười năm làm việc đã giúp ông trở nên thuần thục, bản lĩnh và kiên trường
đến như vậy: "Ông nhớ tỉ mỉ như đóng đanh vào lòng đất tất cả những luồng nước của
tất cả những con thác hiểm trở". Người lái đò như một thứ "vàng mười" đã qua thử lửa:
Cái đầu bạc quắc thước ấy đặt trên một thân hình cao to và gọn quánh như chất sừng,
chất mùn", con người ông là con người của chốn sông nước hùng vĩ, trên ngực ông là
những "củ khoai nâu" in dấu những trận chiến vật vã với con sông Đà dữ dội, với tác
giả dường như đó là những tấm huy chương cao quý mình chứng cho sức lao động
của con người trong công việc của mình. Đứng trước những đợt sóng kinh hoàng,
những thạch trận hiểm nguy, ông không hề sợ sệt mà trái lại càng bản lĩnh thích thú
hơn: "Ngoặt khúc sông lượn, thấy sóng bọt đã trắng xóa cả một chân trời đá... Và một
mình một thuyền ông đã giao chiến như một vị dũng sĩ đầy tài ba. Trải qua ba thạch
trận bằng dũng cảm, mưu trí cả mình, người lái đò đã chiến thắng , trở về với cảnh lao
động và cuộc sống bình yên: "Thế là hết thác... Sông nước lại thành bình. Đêm ấy nhà
đò đốt lửa trong hàng đá, nướng ống cơm lam...".

Nguyễn Tuân đã mang đến cho nền văn học nước nhà một kiệt tác vô cùng độc
đáo, một phong cách nghệ thuật riêng biệt, uyên bác, tài hoa. Khép lại những trang văn
của tùy bút “Người lái đò sông Đà”, em vẫn không nguôi cảm xúc lâng lâng trong tâm
hồn mình, có chăng, đó là những điều đẹp đẽ nhất mà văn học đã mang lại, khơi gợi
trong lòng mình những cảm xúc thẩm mỹ vô cùng lớn. Thật cảm ơn Nguyễn Tuân, một
người nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái đẹp để nâng niu những giá trị vững bền của đời sống
lao động và của dân tộc.
AI ĐÃ ĐẶT TÊN CHO DÒNG SÔNG

Hoàng Phủ Ngọc Tường không phải là nhà văn gốc Huế, ông vốn gốc người
Quảng Trị, nhưng từ khi sinh ra ông đã ở Huế và cho đến tận cuối đời ông vẫn gắn bó
với đất Huế. Có lẽ cũng chính vì thế mà nhà văn có một tình yêu và sự nghiên cứu rất
sâu sắc về văn hóa, lịch sử, địa lý của xứ Huế, là cơ sở vững chắc để viết được bài tùy
bút này xuất sắc đến vậy.

Nhà văn luôn sáng tác với một phong cách nghệ thuật riêng biệt, tác phẩm của
ông luôn mang một sức liên tưởng dồi dào và lối hành văn mê đắm, hài hòa, kết hợp
nhuần nhuyễn giữa cái chất trữ tình và trí tuệ, giữa nghị luận sắc bén và niềm suy tư đa
chiều. Chính những đặc điểm ấy ở nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường mà nền văn học
Việt Nam mới có được những trang bút ký tuyệt vời có giá trị sâu sắc cho đến tận ngày
hôm nay.

Tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông được viết vào ngày 4/11/981, tại Huế,
được in trong tập sách cùng tên, bài bút gồm có ba phần, đoạn trích chúng ta được học
nằm ở phần mở đầu, chủ yếu nói về vẻ đẹp thơ mộng trữ tình của dòng Hương giang
lững lỡ giữa trời Huế mộng mơ.

Hoàng Phủ Ngọc Tường viết những trang bút ký này bằng tất cả tình yêu thương
cùng cảm xúc dâng trào của mình trong nỗi niềm với Huế. Hình ảnh sông Hương hiện
lên như hình ảnh một cô gái Huế xinh đẹp, diễm tình, mái tóc đen dài như suối, tính
cách của cô gái mang đầy màu sắc mới mẻ, có cá tính lúc mạnh lúc dịu dàng uyển
chuyển.

Mở đầu, dưới sự am tường sâu sắc về địa lý, tác giả đem đến cho người đọc
người nghe cái vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên đa dạng phong phú cùng sức quyến rũ
của dòng sông. Sông Hương được nhìn nhận trên vẻ đẹp cảnh quan địa lý của xứ Huế
và ngược lại vẻ xinh đẹp của thiên nhiên hai bên bờ sông cũng được dòng sông nâng
đỡ làm nổi bật hẳn, giữa chúng là sự tương hỗ, phụ trợ cho nhau tạo nên một vẻ đẹp
rất Huế, rất thơ mộng. Sông Hương chảy qua ba đoạn lớn, sông Hương chảy giữa lòng
Trường Sơn, sông Hương chảy ở ngoại vi thành phố Huế, cuối cùng là sông Hương
chảy qua thành phố, và chính lúc lúc này dòng Hương Giang đã in bóng cái vẻ đẹp
tuyệt mỹ của kinh thành Phú Xuân.

Sông Hương trong không gian núi rừng Trường Sơn, in bóng những vẻ đẹp mà
núi rừng Trường Sơn đã tạo nên, đã góp phần hình thành nên dòng sông xinh đẹp. Và
để làm rõ điều này tác giả đã đưa vào bài bút ký ba hình ảnh so sánh và nhân hóa đặc
biệt ấn tượng, “sông Hương như một bản trường ca của rừng già”, một hình ảnh so
sánh hết sức độc đáo mới lạ, cho thấy cái cá tính của tác giả trong việc liên tưởng rất
phong phú và mạnh mẽ đậm chất Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Sông Hương mang cái chất hào hùng, dài bất tận, nằm giữa lòng Trường Sơn
với bộ mặt vừa hùng vĩ vừa hùng tráng, cũng rất đỗi trữ tình. Tất cả thể trong cái nhịp
chảy của nó “rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn”, “mãnh liệt qua những ghềnh thác”, “cuộn
xoáy như những cơn lốc”, tác giả sử dụng những động từ mạnh để nhấn mạnh cái
hùng tráng của dòng sông. Nhưng không chỉ thế dòng sông cũng chẳng kém phần thơ
mộng trữ tình khi chảy qua “những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng” và
giữa cái cảnh sắc ấy dòng sông lại mang những phẩm chất khác hẳn “dịu dàng và say
đắm”. Cả dòng sông tồn tại như một sinh thể mang những nét tính cách đối lập nhau
nhưng vẫn rất hài hòa tạo nên một vẻ đẹp đa dạng phong phú, một sức sống mãnh liệt
cho dòng Hương giang.

Nhưng chưa dừng lại ở đó, tự cảm thấy vẫn chưa lột tả hết được cái vẻ đẹp, cái
tính cách của dòng sông ở đoạn này, nên nhà văn dùng tiếp một hình ảnh nhân hóa
đầy sáng tạo, tác giả so sánh sông Hương giống như “một cô gái Digan phóng khoáng
và man dại”, giống như bộ tộc sống du mục, tự do mạnh mẽ có phần hoang dại, làm ta
liên tưởng đến những cô gái với vũ khúc tình tứ, cháy bỏng, say mê lòng người. Dòng
sông qua miêu tả của tác giả trở nên có cá tính và tâm hồn khoáng đạt, chính rừng già
đã hun đúc cho nó một bản lĩnh gan dạ, một tâm hồn tự do và trong sáng. Cái cá tính
và tâm hồn ấy lại chính là thứ mà dòng sông muốn giấu đi và ẩn mình trong núi ngàn
sâu thẳm, ngay khi ra khỏi rừng già, nó đã lập tức kết thúc phần đời hùng tráng ấy tại
cửa rừng và ném chìa khóa vào lòng sâu của vực thẳm dưới núi Kim Phụng. Việc
Hoàng Phủ Ngọc Tường tìm đến được vùng thượng nguồn con sông, thể hiện cái sự
kỳ công, lòng khám phá không ngừng, cái sự tinh tế trong cảm nhận của nhà văn, thể
hiện được quá trình lao động nghệ thuật công phu và khó nhọc của tác giả.

Ngay sau khi ra khỏi rừng già sông Hương đã vặn mình và khoác lên mình một
tấm áo với nét đẹp hoàn toàn mới lạ, khiến cho chúng ta hơi ngỡ ngàng, bối rối. Tác giả
so sánh vẻ đẹp của sông Hương như “người mẹ phù sa của vùng văn hóa xứ sở”,
mang trong mình vẻ đẹp dịu dàng đầy trí tuệ, nuôi dưỡng những đứa con xứ Huế, bồi
đắp nên nền văn hóa hai bên bờ sông cho cố đô băng dòng phù sa ngọt ngào, ấm áp.
Sự lặng lẽ chảy, lặng lẽ cống hiến bồi đắp phù sa để hình thành nên nền văn hóa rực
rỡ, giống như một người mẹ hiền lúc nào cũng âm thầm, hi sinh chịu đựng, tất cả vì
những đứa con thân yêu, người mẹ ấy chẳng đòi hỏi gì, chỉ mong sao con mình khôn
lớn, nay mai tỏa khắp phương trời. Đến đây tác giả đã thực sự thành công khi biến một
dòng sông vốn vô tri vô giác, nay đã trở thành một sinh thể có cảm xúc, có cá tính, biết
hi sinh như một con người thực thụ, để lại cho người đọc người nghe những ấn tượng
vô cùng sâu sắc về dòng sông.

Hết phần chảy ở giữa Trường Sơn, sông Hương bắt đầu một giai đoạn mới
trong cuộc đời của mình ở vùng ngoại vi kinh thành Huế, đi qua vùng Châu Hóa đầy
hoa dại, hết sức lãng mạn, hết sức thi vị. Mang vẻ đẹp của “người gái đẹp”, trong cảm
nhận của nhà văn cô gái ấy đang nằm ngủ mơ màng, thì người tình mong đợi đến và
đánh thức. Sở dĩ tác giả có liên tưởng như vậy là bởi dòng sông khúc này nước chảy
rất êm đềm. Hành trình về xuôi, hành trình chảy ra cửa biển Thuận An của sông Hương
giờ đây giống như một cuộc tìm kiếm có ý thức, tìm kiếm người tình trong mộng. Thế
nên đoạn chảy này được tác so sánh như cuộc tìm kiếm và đuổi bắt, hào hoa và đầy
đam mê. Đây là hành trình của những người yêu nhau tìm về với nhau, là hành trình
của nàng công chúa đi tìm chàng hoàng tử trong mơ.

Dòng sông mang trong mình đầy đủ những sức sống mới những vóc dáng mới,
chuyển dòng một cách liên tục, “vòng giữa những khúc quanh đột ngột, uốn mình theo
những đường cong thật mềm”. Tác giả ngắm nhìn dòng sông mà tưởng tượng đến
“người gái đẹp” đang phô ra những đường cong quyến rũ đầy hấp dẫn của mình, đây là
dòng liên tưởng đầy sáng tạo và mạnh mẽ của nhà văn.
Sông Hương khi đi qua vùng Châu Hóa không chỉ mang vẻ đẹp mềm mại quyến rũ của
người con gái mà còn mang những vẻ đẹp rất đa dạng và phong phú. “Có khi sắc nước
trở nên xanh thẳm”, “mềm như tấm lụa”, một vẻ đẹp mềm mại, yên bình đến thế. Rồi
dòng sông khi đi qua những ngọn đồi, mặt nước phản quang thành những mảng màu
rực rỡ, “sớm xanh, trưa vàng, chiều tím”, thật kỳ thú và dòng Hương Giang như một
bức tranh nhiệm màu, đặc sắc vô cùng. Khi sông Hương đi qua những lăng tẩm thì lại
trở nên trầm mặc, cổ thi, tạo cảm giác như dòng sông Hương đang chiêm nghiệm,
thành kính, suy nghĩ về lịch sử của những ông hoàng bà chúa xưa kia đã từng huy
hoàng như thế nào, và rồi sông Hương bỗng bừng sáng, trẻ trung hơn hẳn khi nghe
thấy âm thanh của thành phố.

Cuối cùng tác giả đem đến cảnh sông Hương nằm trong vòng tay của kinh thành
Huế như người con gái đang e ấp trong vòng tay của người thương, và lúc chuẩn bị rời
xa người yêu. Nhà văn thật tài tình khi sáng tác ra những hình ảnh độc đáo “chiếc cầu
trắng của thành phố in ngần trên nền trời, nhỏ nhắn như vành trăng non”, gợi ra một
mối tình mới chớm của người con gái Huế. Rồi thì “dòng sông mềm hẳn đi như tiếng
“vâng” không nói ra của tình yêu”, như tấm lòng thẹn thùng, bẽn lẽn của cô gái Huế
trong tình yêu đầu đời. Tác giả so sánh sông Hương như một điệu “slow” của xứ Huế,
chậm rãi, như một “mặt hồ yên tĩnh”, “điệu chảy lặng lờ của nó ngang qua thành phố…
Đấy là điệu slow tình cảm dành riêng cho Huế”, những câu văn mang theo âm nhạc
chậm chạp hòa vào lòng người đọc, du dương, mềm mại, ý nghị, một sức liên tưởng
đầy thi vị, lãng mạn. Rồi thì nhà văn lại tiếp tục có những liên tưởng mới hết sức thú vị
“sông Nêva cuốn trôi những phiến băng lô xô”, “mỗi phiến băng chở một con hải âu
nghịch ngợm đứng co lên một chân, thích thú với chiếc thuyền xinh đẹp của chúng”.
Tác giả muốn hóa mình thành con chim hải âu trôi nhanh ra biển trên chiếc tàu thủy tinh
ấy, rồi cuối cùng chẳng kịp nói lời tạm biệt với lũ bạn trên bờ vì tàu trôi nhanh quá, thế
tác giả mới thấm thía nhớ về sông Hương và “chợt thấy quý cái điệu chảy lặng lờ của
nó khi đi qua thành phố”. Kiểu chảy lững lờ ấy khiến ta liên tưởng đến một cô gái, bẽn
lẽn nửa muốn đi, nửa lại muốn ở, chẳng nỡ rời xa vòng tay yêu dấu của người thương,
lòng đầy vấn vương. Với lối viết sinh động và sáng tạo, tác giả biến dòng Hương giang
thành một “nàng thơ” vừa cá tính lại vừa e ấp, dịu dàng đắm mình trong tình yêu cùng
chàng trai xứ Huế mộng mơ.

Hơn thế nữa sông Hương còn là nhân chứng cho lịch sử biết bao thăng trầm
hưng thịnh của cố đô Huế “vẻ vang soi bóng kinh thành Phú Xuân”, những dấu ấn,
những sự kiện không bao giờ có thể lãng quên của dân tộc Việt Nam, đều được sông
Hương chứng kiến và ghi lòng tạc dạ. Sông Hương chính là biểu tượng đẹp đẽ nhất
xây dựng cho Huế một hình ảnh xinh đẹp thơ mộng, suốt mấy nghìn năm văn hiến của
đất nước. Một vẻ đẹp lặng lờ, ẩn sâu trong đó là nét cá tính, sông Hương đã có từ lâu
nhưng nó chưa bao giờ già cỗi, nó vẫn mang trong mình nhiệt huyết yêu đương của cô
gái đang độ xuân thì.

Bằng óc sáng tạo, liên tưởng tài tình, sự quan sát tỉ mỉ, tinh thế, sự am hiểu tinh
tường về các kiến thức xã hội, văn hóa của xứ Huế tác giả Hoàng phủ Ngọc Tường đã
cho ra đời một tác phẩm bút ký thật đặc sắc, như họa vào lòng người đọc người nghe
một bức tranh Huế và sông Hương tuyệt đẹp, vẻ đẹp vừa gần gũi, lại thiêng liêng,
nhưng cũng rất dịu dàng e lệ. Tất cả như hướng độc giả đến cái khao khát một lần
được về thăm Huế, đứng trên cây cầy Tràng Tiền vắt ngang sông Hương mà chiêm
ngưỡng dòng sông cho thỏa nỗi lòng.

You might also like