You are on page 1of 2

Phân tích hình ảnh phố huyện lúc chiều tàn và tâm trạng của Liên.

Thạch Lam là thành viên của nhóm Tự lực văn đoàn và là một trong những cây bút văn
xuôi đầu tiên của Việt Nam. Ở người nghệ sĩ này có sự thống nhất giữa văn và người. Truyện
ngắn Thạch Lam không có cốt truyện, mỗi tác phẩm như một bài thơ trữ tình đượm buồn, ông
có biệt tài đi sâu vào thế giới nội tâm nhân vật với những cảm giác cảm xúc mơ hồ mong
manh và tinh tế. Khác với văn của Nhất Linh và Khái Hưng, văn phong Thạch Lam lại giản dị
trong sáng mà thâm trầm sâu lắng hơn. Đọc truyện ngắn của nhà văn này khiến ta trở nên
phong phú và tinh tế hơn “chúng đem đến cho người đọc một cái gì đó nhẹ nhõm thơm tho và
mát dịu”. Truyện ngắn Hai đứa trẻ in trong tập “Nắng trong vườn” năm 1938, tác phẩm đã
thể hiện nhất quán về quan điểm và phong cách sáng tác giàu tình đời, tình người của Thạch
Lam. Một truyện ngắn chứa đựng sự yên tĩnh, yên lặng mà chẳng thể yên lòng.
Tác phẩm mở đầu với những nét gợi đơn giản và huyền ảo về thiên nhiên. Để tô vẽ nên
bức tranh của mình Thạch Lam đã dùng cái quan sát rất tài tình. Ông tận dụng hết cả thị giác
và thính giác của mình để dựng nên các cảnh và cứ cảnh trước lại mở ra cảnh sau, nâng đỡ, tô
điểm. Hoàn cảnh buổi chiều nơi phố huyện mở đầu với “tiếng trống thu không… từng tiếng
một vang ra xa”, tiếng trống thu là tiếng trống đánh dấu sự khép lại của ngày dài, từng hồi
tiếng một buông ra nghe thật thảm thiết não nề, đượm buồn. Trong thời khắc giao tranh giữa
ánh sáng và bóng tối giữa không gian yên tĩnh, có một bản hòa âm của tiếng ếch nhái kêu ran
ngoài đồng ruộng từ xa vọng lại, tiếng muỗi vo ve ngoài cửa hàng. Giữa khung cảnh trời đất
tĩnh mịch, êm ả và vắng lặng sự vang đó không làm phố huyện nhỏ thêm ồn ào náo nhiệt mà
chỉ làm nó tăng lên vẻ hoang vu đơn điệu buồn tẻ.
Cái độc đáo của Thạch Lam ở chỗ ông chẳng cần dùng những nét vẽ cao xa mà chỉ cần
phẩy tay vấy hồn cho những cảnh đơn sơ, mộc mạc cũng đã khiến nó trở lên thật tuyệt tác.
Bên cạnh những âm thanh đặc trưng nhà văn còn đan xen thêm những đường nét, hình ảnh và
màu sắc chân thực của bức tranh phố huyện lúc trời chiều. Đó là “Phương tây đỏ rực như lửa
cháy và những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn”. Dấu hiệu của sự lụi tàn đang chập
chững buông xuống, bóng tối đang xâm lấn vào từng thớ đất, thớ trời. Màu đỏ vốn là một gam
màu tươi sáng nhưng đặt trong ngữ cảnh đó cũng không thể xua tan đi cái ảm đạm, cô đơn
của cảnh sắc, của lòng người.
Những đường nét quen thuộc của bức tranh thiên nhiên trời chiều được dựng lên: “dãy tre
làng đen lại và cắt hình rõ rệt trên nền trời”. Hình ảnh của dãy tre làng trước mặt cắt hình rõ
rệt trên nền trời xám xịt. Đây là một hình ảnh tả thực, khi thời khắc chuyển dần về buổi tối,
nhìn xa xăm thu lại vào ánh mắt ta chỉ là cái bóng của cảnh vật, mọi cảnh vật đen lại phản
chiếu rõ rệt trên nền trời. Không gian như chỉ bao trùm một màu sắc u tối, nhạt nhòa.
Không quá cao sang, không gay gắt mà chỉ bằng những câu văn giản dị, rất đỗi chân thực
đã miêu tả rõ nét cái thần và hồn của phong cảnh làng quê Việt Nam, rất đỗi thanh bình, dịu
nhẹ nhưng lại u buồn và lặng lẽ nhường nào.
Trong văn học trung đại thời gian buổi chiều là thời gian tâm lí dễ gợi buồn và trong Hai
đứa trẻ của Thạch Lam cũng vậy thời điểm chiều tàn cũng mở ra thế giới tâm trạng của Liên
một cô bé nhạy cảm hay động lòng trắc ẩn. Nhìn buổi chiều đang buông dần nơi phố huyện
bóng tối đang bao trùm mọi thứ Liên cảm nhận một nỗi buồn bâng khuâng, man mác “Liên
ngồi lặng yên bên mấy quả thuốc sơn đen, đôi mắt chị bóng tối ngập đầy dần” và cái buồn của
buổi chiều quê thấm thía vào tâm hồn thơ ngây của chị. Liên không hiểu sao, nhưng thấy lòng
buồn man mác trước giờ khác của ngày tàn. Buồn mà không biết về cái gì thì thật đau khổ,
nỗi buồn đó hiện ngay trong tư thế ngồi yên lặng của Liên gợi cho người đọc nhiều thương
cảm về cô gái mới lớn chứa đầy nỗi buồn sâu sắc.
Cảnh thiên nhiên chỉ là khúc dạo đầu để mở ra cảnh sinh hoạt của người dân nơi phố
huyện lúc chiều tà. Bức tranh sinh hoạt được mở ra với không gian cảnh chợ tàn: “Chợ họp
giữa phố vẫn từ lâu. Người về hết và tiếng ồn ào cũng mất. Trên đất chỉ còn rác rưởi, vỏ bưởi,
vỏ thị, lá nhãn và bã mía”. Không gian yên tĩnh với những hình ảnh ảo não, tiêu điều, thất thơ
được liệt kê: đó là rác rưởi, vỏ bưởi, bã mía. Đây là những gì cuối cùng còn sót lại sau khi vãn
chợ. Rồi những đứa trẻ nghèo tội nghiệp vất vưởng lom khom trên mặt đất tìm tòi, nhặt nhạnh
những gì người bán hàng để lại. Cảnh chợ thế nhưng lại là chợ tàn, chợ buồn, xơ xác đến ám
ảnh. Và cái mùi “âm ẩm bốc lên”, cái mùi chẳng mấy là dễ chịu lại cứ “nồng nàn” chìm vào
không gian, thế nhưng mùi vị ấy lại quá quen thuộc, đó là mùi của đất quê hương, trở thành
một nỗi thắm thiết da diết trong tâm hồn cô bé Liên. Trong bức tranh cảnh sinh hoạt nổi bật
lên với hình ảnh của những kiếp người tàn, họ là những người tàn tạ đi trong đói nghèo lam lũ
như những đứa trẻ con nhà nghèo ở khu bên chợ, rồi đến mẹ con chị Tí loay hoay, mệt nhọc
với gánh hàng mà cũng chẳng mấy ăn thua hay chị em Liên đã phải đối mặt với sức lo cơm áo
gạo tiền, vốn cái tuổi được ăn chơi học hành nhưng các em đã phải phụ mẹ bán hàng kiếm
tiền trang trải cho cuộc sống. Bức tranh sinh hoạt càng khiến cho phố huyện lúc nhá nhem
thêm tàn phai, héo úa, số phận con người hiện lên thật nhỏ bé, rẻ rúm và đáng thương. Đây
chính là thực tại miền Bắc nước ta một thời.
Nhân vật trong truyện ngắn Thạch Lam không phải những người nông dân bị truy đuổi
trong cảnh sưu thuế hay bị dồn nén đến con đường cùng tha hóa như truyện ngắn của Ngô Tất
Tố, Nam Cao. Thân phận con người mà Thạch Lam quan tâm là những kiếp người nhỏ bé
sống quẩn quanh tù túng trong đêm đen xã hội Thạch Lam viết họ bằng tất cả sự cảm thông
chia sẻ.
Dù là cảnh thiên nhiên hay cảnh sinh hoạt cũng cốt là làm nổi lên bức tranh tâm hồn nhân
vật Liên. Trong tâm hồn của cô bé mới 9 tuổi hiện lên những nét vẽ thật đẹp, thật thơ mộng.
“Liên trông thấy động lòng thương nhưng chính chị cũng không có tiền để mà cho chúng nó”
Liên thương chúng cũng là Liên thương chính mình thương những người dân phố huyện. Với
mảnh đất này Liên có một tình yêu thương da diết mãnh liệt dường như phải yêu quê hương,
gắn bó với quê hương da diết đến thế nào cô bé mới có thể cảm nhận và yêu cái hay cái đẹp
và trân trọng cái dáng vẻ, bóng hình và âm thanh quê hương; bóng tối buông xuống như thấm
sâu vào tâm hồn Liên trở thành chút dư vị quen thuộc, gắn bó. Sau tất cả bừng sáng lên nét
đẹp trong tâm hồn em đó chính là tình thương người sâu sắc.
Nghệ thuật mà Thạch Lam sử dụng là những chất liệu hiện thực được chính ông trải
nghiệm. Xen lẫn trong hiện thực là cảm hứng lãng mạn cho mỗi khung cảnh thiên nhiên, cho
mỗi hình tượng nhân vật để làm nên ý nghĩa biểu tượng sâu sắc. Nghệ thuật miêu tả đặc sắc,
chất trữ tình thấm đượm cũng là những yếu tố tạo nên sự thành công cho tác phẩm.
Bức tranh phố huyện lúc chiều tàn vừa khắc họa được bức tranh thiên nhiên đẹp mà đượm
buồn, vừa cho thấy cuộc sống quẩn quanh, bế tắc, nghèo nàn của những con người nơi đây.
Đằng sau bức tranh phố huyện ta còn thấy được tình yêu thiên nhiên, cũng như tấm lòng nhân
đạo sâu sắc của tác giả: trân trọng nâng niu những số phận và ước mơ đổi đời của họ. Qua đó
thấy được vẻ đẹp tâm hồn của cô bé đầy lòng trắc ẩn với trái tim yêu thương sâu sắc, mãnh
liệt.
 

You might also like