You are on page 1of 2

"Tấm Cám"

Đề bài: Kể về câu truyện Tấm Cám

Bài làm
Trong kho tàng cổ tích của ông cha ta ngày xưa, có rất nhiều câu truyện hay, mang ý nghĩa giáo dục sâu
sắc. Nhưng tiêu biểu nhất vẫn là câu truyện Tấm cám. Câu truyện thể hiện được mơ ước của những
người nghèo khổ, bị áp bức muốn được sống hạnh phúc, công bằng trong cái xã hội phong kiến lúc bấy
giờ.

Truyện Tấm Cám phản ánh mâu thuẫn xã hội xưa về quan hệ khắc nghiệt giữa mẹ ghẻ con chồng. Vì thế
mà trong câu truyện, Tấm luôn bị mẹ con Cám bắt nạt và hành hạ. Sáng đến tối, Tấm phải làm việc quần
quật từ chăn trâu, gánh nước, thái khoai, vớt bèo đến xay lúa giã gạo. Còn Cám thì luôn được cưng
chiều, không phải làm bất cứ việc gì. Hôm nọ, mụ dì ghẻ đưa cho Tấm và Cám hai cái giỏ để bắt tôm tép,
nếu ai bắt được đầy giỏ thì sẽ được một cái yếm đỏ. Có thể thấy, cái yếm đỏ đối với Tấm không chỉ là cái
yếm đỏ thông thường mà còn là cái mơ ước về sự ăn mặc đẹp mà từ khi còn nhỏ Tấm chưa bao giờ có
được. Nhưng công sức cả buổi trời chăm chỉ bắt tôm tép đã bị Cám dùng mưu mô gian trá lấy mất hết.
Tấm không những mất yếm đỏ mà còn mất đi cái lòng tin về sự công bằng vốn có.

Sau khi bị lấy mất tôm tép, Tấm chỉ còn biết ôm mặt mà khóc, rồi Bụt hiện lên, như một điều thần kì đến
với Tấm. Bụt đã chỉ cho Tấm con cá bống còn sót lại trong giỏ để đem về nuôi. Tấm vui mừng khôn xiết,
ngày nào cũng vậy, Tấm cho cá bống ăn như đúng lời Bụt dặn, nàng gọi:

“ Bống bống bang bang

Lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta

Chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người”

Khi đó, cá bống lại nổi lên ăn, Tấm và bống quen nhau như hai nguời bạn thân. Nhưng niềm vui nhỏ nhoi
ấy lại bị mẹ con Cám cướp đi, chúng đã rình xem, gọi bống lên và ăn thịt bống. Khi biết được, Tấm vô
cùng đau buồn, nàng khóc rất nhiều, Bụt lại hiện lên và chỉ Tấm cách tìm xương rồi đem chôn vào hũ
dưới châm giường.

Không lâu sau, nhà vua mở hội ở kinh thành, như bao cô gái khác, Tấm náo nức, chờ đợi được đi trẫy
hội. Nhưng mụ dì ghẻ thâm độc ấy chỉ cho nàng đi dự hội khi nhặt xong đống thóc và gạo ra hai phần.
Thừa biết mình không thể nào làm xong để đi dự hội, Tấm lại khóc, Bụt hiện lên chỉ cho Tấm kêu chim
xuống nhặt giùm. Nhưng Tấm vẫn khóc vì không có quần áo đẹp, Bụt lại chỉ cho cách đào những lọ
xương dưới chân giường lên, trong đó có đầy đủ đồ đẹp, nào là quần áo, nào là giày thêu và có cả con
ngựa với bộ yên tuyệt đẹp nữa. Tấm vui mừng vội tắm rửa, thay đồ rồi cưỡi ngựa đến lễ hội. Trên
đường đi, Tấm vô ý đánh rơi một chiếc giày. Tình cờ Vua đi qua và nhặt được. Chiếc hài xinh xắn được
Vua ngắm nghía không chớp mắt và lệnh ai mang vừa hài sẽ được làm Hoàng hậu. Ai ai trong lễ hội đều
háo hức mang thử nhưng chỉ có Tấm mang vừa giày dưới cặp mắt tức tối của mẹ con Cám.
Sau ngày hôm đó, Tấm sống hạnh phúc bên Vua nhưng cái hạnh phúc trong mơ ấy lại bị mẹ con Cám âm
mưu đánh cắp. Trong một lần về giỗ cha, Tấm đã bị hại chết dưới âm mưu độc ác của mẹ con Cám. Tấm
chết đi, Cám trơ trẽn đòi thay thế nhưng nhà Vua không hề quan tâm tới. Tuy thân xác chết đi mà linh
hồn nàng đã biến thành con chim Vàng Anh hót líu lo bên cạnh nhà vua. Cám ghen tức, bắt và làm thịt
chim Vàng Anh rồi đem lông vứt ra sân vườn. Không đầu hàng số phận, Tấm lại hoá thân thành cây xoan
đào từ bộ lông đó và lấy bóng cây xoan đào che mát cho nhà vua. Cám lại chặt cây làm khung cửi, nhưng
vì trong khung cửi luôn phát ra giọng nói của Tấm, Cám đem đốt và đổ tro đi thật xa. Từ đám tro đó lại
mọc lên một cây thị, hương trái thị thơm ngào ngạt. Bà lão đi ngang qua và ngỏ lời xin trái thị đem về,
thị tự khắc rơi vào bị bà. Sau nhiều lần hoá thân, để chứng tỏ sự hiện diện của mình trên cõi đời này,
Tấm thật sự bước vào hành trình tự mình giành lại hạnh phúc. Dưới vỏ bọc quả thị, Tấm giúp bà lão việc
nhà, cơm nước. Không lâu sau, Nàng bị bà cụ bắt gặp và giữ lại, bóp nát vỏ thị. Họ sống với nhau như mẹ
con, bà cụ đặt biệt thích tài tiêm trầu cánh phượng của nàng. Một hôm, Vua đi ngang qua nhà bà cụ để
xin một miếng nước và được bà cụ mời trầu. Vua nhìn miếng trầu tiêm cánh phượng, nhận ngay ra vợ
mình và họ lại được sum họp. Cám ganh tỵ với chị mình và đã bỏ mạng vì muốn đẹp như chị. Đó cũng là
cái giá phải trả cho sự ích kỷ, gian độc của bản thân Cám.

Câu truyện đề cập đến việc cái thiện luôn thắng cái ác, người sống hiền lành luôn được hạnh phúc và
người làm việc ác luôn phải trả giá. Đó là quan niệm của ông cha ta ngày xưa : “Ác giả ác báo” và “Ở hiền
gặp lành”. Qua câu truyện, còn thể hiện được khát vọng được sống hạnh phúc và sự công bằng trong cái
xã hội phong kiến ngày xưa, nơi mà những người hiền lương như Tấm luôn bị đàn áp, chà đạp, không
được hưởng cuộc sống đầy đủ như bao người khác. Và qua việc hoá thân liên tục của nàng Tấm đã thể
hiện lòng kiên trì, quyết tâm vượt qua số phận của nhân dân xưa.

Từ đó, em thấy rằng người xưa luôn có quan niệm “Nhân nào quả nấy” và nếu muốn có được hạnh phúc
thì phải tự mình nổ lực giành lấy như nàng Tấm trong truyện. Song song đó, còn thể hiện ước mơ được
sống hạnh phúc, công bằng của con người.

You might also like