You are on page 1of 5

NHÂN VẬT BÀ CỤ TỨ TRONG BỮA CƠM

Nhà văn Nguyễn Minh Châu từng cho rằng: “Thiên chức của nhà văn là suốt
đời đi tìm những hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người”. Trên hành
trình đi tìm những vẻ đẹp tâm hồn tựa như “hạt ngọc ẩn giấu” ấy, còn gì quan
trọng với người nghệ sĩ hơn là một trái tim nhân ái, biết yêu thương và đồng
cảm với con người. Ta cũng bắt gặp một trái tim ấm áp, nồng nàn tình thương
như thế ở người văn nghệ sĩ Kim Lân - một cây bút tiêu biểu của văn học Việt
Nam. Viết về cái đói cái chết, nhưng qua ngòi bút nhân đạo của nhà văn, ta vẫn
thấy được vẻ đẹp của tình người, của khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc
mãnh liệt len lỏi vào trong từng trang văn “Vợ Nhặt”. Trong thiên truyện độc
đáo này nhà văn đã xây dựng thật thành công nhân vật bà cụ Tứ với nhiều nét
đẹp cao quý, đặc biệt nổi bật qua đoạn trích
“..”
Có thể nói, Kim Lân là một trong những cây bút văn xuôi xuất sắc nhất của nền
văn học Việt Nam hiện đại. Ta chẳng thể bắt gặp ở đâu một quan niệm văn
chương độc đáo như Kim Lân từng tâm niệm: “Người cầm bút phải viết như
chơi, viết thoải mái bằng tấm lòng của mình, hướng vào cái thật, cái đẹp, giúp
cho con người sống thật, sống đẹp với nhau”. Tác phẩm ‘’Vợ nhặt’’ - một trong
số ít những tác phẩm của nhà văn được in trong tập truyện “Con chó xấu xí”.
Tiền thân của truyện ngắn này là tiểu thuyết “xóm ngụ cư” được Kim Lân viết
viết ngay sau cách mạng tháng tám nhưng còn dang dở. Sau khi hòa bình lập lại
Kim Lân dựa vào một phần cốt truyện cũ để viết nên truyện ngắn "Vợ nhặt" do
đó tác phẩm không chỉ là kết quả của một quá trình suy ngẫm, gọt giũa về cả
nội dung và nghệ thuật mà còn mang âm hưởng lạc quan của một thời đại mới.
"Vợ nhặt" không chỉ miêu tả tình cảnh thê thảm của người nông dân trong nạn
đói khủng khiếp năm 1945 mà còn thể hiện được bản chất tốt đẹp và sức sống
kỳ diệu của họ. Nét tư tưởng chủ đề ấy được thể hiện tập trung ở nhân vật bà cụ
tứ trong đoạn trích này thuộc phần giữa tác phẩm. Là nhân vật xuất hiện ở
khoảng giữa chuyển xong bà cụ tứ vẫn đóng một vai trò đặc biệt quan trọng
giúp thể hiện tư tưởng nhân đạo sâu sắc của tác phẩm. Đến với đoạn trích nằm ở
phần cuối tác phẩm, vẻ đẹp tâm hồn cùng khát vọng sống, khát vọng đổi đời của
bà cụ Tứ trong bữa cơm ngày đón con dâu đã để lại ấn tượng mạnh mẽ trong
lòng người đọc

Trước hết, Kim Lân đã xây dựng hình ảnh bà cụ Tứ bằng ngòi bút mộc mạc,
chân thực nhất. Bà cụ đến giữa câu chuyện mới xuất hiện. Nhưng nếu thiếu
nhân vật này tác phẩm sẽ đánh mất đi chiều sâu nhân bản. Bà là mẹ của Tràng,
một người dân ngụ cư nghèo khổ, góa bụa, ở vậy nuôi con, chịu nhiều cơ cực
đắng cay. Bà xuất hiện trong bóng chiều hôm chạng vạng, lật đật đi từ ngõ vào
với dáng người lọng khọng, gầy còng, lẩm bẩm như tính toán gì trong miệng,
cặp mắt hấp háy, tiếng húng hắng ho. Như vậy, dưới ngòi bút miêu tả chân thực
của Kim Lân, hình ảnh người mẹ nông dân già yếu, nghèo khổ giữa nạn đói
năm 1945 hiện lên thật chi tiết, cụ thể, gợi lên ở người đọc một niềm cảm
thương sâu sắc. Tất cả những điều ấy cho ta thấy bà cụ là một nhân vật điển
hình cho số phận người lao động khốn cùng trong thảm cảnh đen tối của dân
tộc. Nhà văn đã đặt nhân vật vào hoàn cảnh khắc nghiệt để làm nổi bật tính cách
cao đẹp của họ và chủ đề tư tưởng của tác phẩm

Mở đầu đoạn trích, bà cụ Tứ hiện lên là một người mẹ từng trải, hiểu lẽ đời, là
hiện thân của khát vọng sống, khát vọng đổi đời, của niềm tin tưởng lạc quan
vào ngày mai tươi sáng qua chi tiết bữa cơm ngày đói. Trong bữa cơm thảm hại
ngày đói chỉ có độc một lùm rau chuối thái rối và một đĩa muối ăn với cháo
nhưng cả nhà nấu ăn rất ngon lành. Người mẹ từng trải và nhân hậu ấy đóng vai
trò chủ động bằng cách nhóm lên những niềm vui niềm hy vọng cho các con. Bà
cụ gần đất xa trời đã trải qua bao khốn khổ cuộc đời lại là người nói nhiều nhất
về tương lai hạnh phúc. Có lẽ chính niềm tin và tình yêu con đã khiến cho sức
sống, sự lạc quan ở người mẹ ấy bùng lên mạnh mẽ. Suốt bữa ăn bà luôn tươi
cười vui vẻ kể với con dâu chuyện gia cảnh, chuyện làm ăn: “Bà toàn nói
chuyện vui chuyện sung sướng về sau: Khi nào có tiền ta mua lấy đôi gà. Tao
chỗ đầu bếp kia làm chuồng gà thì tiện quá. Này ngoảnh đi ngoảnh lại chả mấy
mà có cả đàn gà cho mà xem. Có lẽ đó là ước mơ thầm kín của bà về cuộc sống
bình yên sung túc và sinh sôi nảy nở trong căn nhà. Mượn hình ảnh đàn gà đông
đúc, người đọc có thể dễ dàng liên tưởng đến lũ cháu đông vui của bà cụ trong
tương lai khi bố mẹ chúng không còn phải lo nhiều đến cái đói khổ sở quay quắt
này nữa. Như vậy, người mẹ già ấy vẫn nghĩ đến cái sống, nghĩ đến ánh sáng
của ngày mai ngay bên bờ vực thẳm của cái chết, bởi đó cũng chính là sức sống
mãnh liệt, kì diệu của con người lao động giữa hoàn cảnh khốn cùng. Trong
đoạn trích, Kim Lân đã thể hiện sự thấu hiểu tâm lý và cảnh ngộ của người nông
dân nghèo khổ. Và chính niềm vui, niềm tin vào cuộc sống ngày mai ấy đã
hướng con người vào những hành động thiết thực để tạo dựng một cuộc sống tốt
đẹp hơn.
Không chỉ vậy, một lần nữa, hình ảnh bà cụ Tứ là hiện thân của khát vọng sống,
khát vọng đổi thay cùng niềm lạc quan vào tương lai tươi sáng đã để lại ấn
tượng đặc biệt trong lòng người đọc với chi tiết nồi chè khoán. Để kéo dài niềm
vui cho các con, bà lão đã lẳng lặng tự chuẩn bị một nồi cháo cám, tự gọi là chè
khoán. Đợi đến khi niêu cháo lõng bõng đã hết nhẵn mới lễ mễ bưng ra. Người
mẹ ấy muốn dành tặng cho các con một điều bất ngờ mà bà đã chắt chiu, mãi
đến hôm nay mới có dịp đãi cac con. Bà lão tươi cười đon đả múc cho cả nhà
rồi mời mọc: "cám đấy mày ạ, hì. Ngon đáo để, cứ ăn thử mà xem". Nhưng ta
biết, bên trong cái vẻ tươi tỉnh niềm nở ấy, lòng mẹ đang quặn thắt. Cái món
mà bà cụ Tứ gọi là "chè khoán" ấy hoá ra lại là cám, gọi như vậy để cho các con
bớt tủi thân, cảm thấy như được động viên, an ủi. Bà muốn con được no đủ,
hạnh phúc trong một việc làm mà bà cố gắng tạo nên dẫu biết rằng đó chỉ là ảo
giác, sau đó thực tại sẽ lại trở về nguyên bản, bẽ bàng và chua chát. Dường như
bà có ý xua tan đi không khí ảm đạm, cố che đậy, vùi đi thực cảnh thê lương.
Chi tiết món ăn đặc biệt trong ngày đón con dâu mới mang nhiều tầng lớp ý
nghĩa, dụng ý nghệ thuật của tác giả. Đó là biểu tượng của tinh thần lạc quan,
tin tưởng hướng về một ngày mai no đủ hơn. Là bản lĩnh, nghị lực dám đương
đầu chống chọi với hoàn cảnh khắc nghiệt của người mẹ cơ cực. Từ đó, nhà văn
muốn gửi gắm đến người đọc thông điệp sống ý nghĩa: phải biết chấp nhận hoàn
cảnh, nâng niu trân trọng những niềm vui dù là nhỏ nhặt trong cuộc sống. Và
hơn thế nữa, nồi chè khoán cũng chính là sự phơi bày, tiếng nói tố cáo tội ác tày
trời của bọn thực dân phong kiến, phát xít đã gây ra thảm cảnh cho dân tộc, đẩy
con người ta vào đường cùng của sự khốn khổ, bi đát. Vì thế, tuy bữa tiệc đón
con dâu mới chỉ là bữa cơm đạm bạc thiếu thốn nhưng đó là bữa cơm của tình
người, của tấm lòng đùm bọc và yêu thương, của nghị lực sống mãnh liệt.

Nhưng tất cả những cố gắng tội nghiệp ấy của bà lão cũng không thể làm cho
bữa ăn vui hơn. Có một chi tiết trong thế tương phản mà Kim Lân đã miêu tả
trong tác phẩm này để ta hiểu hết được tấm lòng sâu kín của người mẹ. Bát cháo
cám là tâm điểm thu hút ánh nhìn của ba nhân vật trong tác phẩm. Mỗi nhân
vật đón nhận theo một cách khác nhau. Từ đó lóe sáng lên tư tưởng chủ đạo
nhà văn gửi gắm. Thị nhìn nồi cháo cám mà hai mắt thị tối sầm lại. Còn Tràng
thì chun ngay mặt lại, miếng cám đắng chát và nghẹn bứ trong cổ. Còn bà mẹ
già vẫn khen ngon đáo để - ăn một cách ngon lành. Hai con người trẻ khỏe còn
không muốn nuốt mà bà mẹ già gần đất xa trời lại ăn ngon lành. Phải chăng đó
là một việc làm vượt trên cả một tình yêu thương, mà chiều sâu của nó là nghị
lực sống của bà mẹ nghèo, đang cố bùng cháy sáng dù chỉ là trong khoảnh khắc
để nhen lên niềm tin, hi vọng cho những đứa con thân yêu của mình để chúng
có đủ sức mạnh vượt qua những khó khăn đang ngập đầy trước mắt. Nhưng
thật tội nghiệp cho bà lão, tội nghiệp thay cho cái niềm vui bé nhỏ chới với
giữa một bể bi thương, khi mà màu sắc của hiện tại phải được trả về đúng nghĩa
của nó. "Bà không dám để con dâu nhìn thấy bà khóc". Một lần nữa, người mẹ
lại nuốt đắng cay vào trong để hi vọng mong manh còn đủ sức soi đường con
bước. Những giọt nước mắt lại rơi, giọt nước mắt đầy ám ảnh...Có thể, người
đàn bà ấy chẳng còn sống, còn gần các con được lâu nữa. Thế nhưng bà sống
trọn một đời vì các con, tìm thấy ý nghĩa cuộc đời mình trong sự chăm lo, vun
vén cho con, mơ ước cho con. Bằng tất cả sự nâng niu trân trọng, Kim Lân đã
để trái tim đập cùng một nhịp đập với trái tim người mẹ nông dân. Viết về bà cụ
Tứ, nhà văn thực sự đã trở thành "người nhân đạo đến tận xương tuỷ" - (Sê
khôp)

Qua hình tượng bà cụ Tứ trong đoạn trích trên, ta thấy được những giá trị hiện
thực và giá trị nhân đạo độc đáo của tác phẩm. Trước hết là sự đồng cảm, chia
sẻ, thương xót của Kim Lân với số phận những người lao động nghèo là nạn
nhân của nạn đói khủng khiếp năm 1945 của dân tộc. Không chỉ vậy, với những
trang văn giàu tình người, tác giả đã phát hiện, trân trọng và ngợi ca những
phẩm chất tốt đẹp của những người người nông dân ấy. Cho dù bị đày đoạ, rơi
vào hoàn cảnh khốn khổ đến cùng cực nhưng ở họ vẫn ngời sáng lên những vẻ
đẹp tâm hồn của con người: bản chất lương thiện, tinh thần lạc quan, sức sống
kì diệu và khát khao vươn lên đổi đời. Cùng với đó, nhà văn cũng đã lên tiếng
tố cáo chế độ thực dân phong kiến cấu kết với phát xít để đẩy nhân dân ta vào
cảnh một cổ hai tròng, cướp đi sinh mệnh của hàng triệu người, gây ra thảm
cảnh đen tối chưa từng có của dân tộc, chà đạp lên quyền sống của nhân dân,
biến giá trị con người trở nên rẻ rúng đến thảm hại. Cuối cùng, điểm mới trong
giá trị nhân đạo của tác phẩm chính là sự đổi đời của nhân vật gắn liền với cách
mạng. Cuộc sống đã hé mở cho anh Tràng một hướng đi. Đó là con đường đến
với cách mạng tự nhiên và tất yếu. Tràng sẽ hòa vào dòng người theo cách
mạng đi tìm ánh sáng cho cuộc đời tăm tối của chính mình. Họ sẽ đến với chân
trời tự do làm chủ cuộc đời và nắm giữ được hạnh phúc.

Như vậy đoạn trích đã khái quát những đặc điểm về vẻ đẹp tâm hồn của nhân
vật bà cụ Tứ - hình ảnh điển hình về một người mẹ Nông dân Việt Nam nghèo
khổ với phẩm chất cao đẹp: giàu tình thương con, thương yêu con người, giàu
đức hi sinh, từng trải hiểu biết và lạc quan tin tưởng vào cuộc sống. Với nghệ
thuật trần thuật đặc sắc kết hợp giữa độc thoại nội tâm và đối thoại cùng giọng
kể chậm rãi, ngôn ngữ bình dị, nhà văn đã khắc họa rõ nét chân dung của bà cụ
Tứ cùng vẻ đẹp chất phác, đôn hậu trong con người bà. Mặc dù chỉ là một nhân
vật phụ nhưng hình ảnh bà lão lại tạo nên cho tác phẩm một sức hút một, chiều
sâu thật đặc biệt. Cuối cùng, đặt những ấp ủ về hạnh phúc, về tương lai vào
trong suy nghĩ của bà mẹ, Kim Lân đã viết lên bài ca sự sống bất diệt về số
phận những con người bị đày đoạ trong một trang sử đen tối của dân tộc.

Từ hình tượng nhân vật bà cụ Tứ trong đoạn trích, ta thấy toát lên niềm tin và sự
trân trọng của nhà văn Kim Lân đối với những khát khao sự sống, khát khao đổi
đời của những người lao động nghèo trong bối cảnh nạn đói khủng khiếp chưa
từng có của dân tộc. Truyện ngắn Vợ Nhặt là một đóng góp lớn cho đề tài nông
thôn, nông dân trong văn học Việt Nam hiện đại, sẽ còn mãi với thời gian bởi
giá trị nhân đạo, hiện thực bền vững, trường tồn của tác phẩm

You might also like