You are on page 1of 6

PHÂN TÍCH NHÂN VẬT BÀ CỤ TỨ TRONG

TRUYỆN NGẮN “VỢ NHẶT” CỦA NHÀ VĂN KIM LÂN

(Bài viết của cô Minh Ngọc Nguyễn, vào năm 2002, là sinh viên năm 2 đại học Sư phạm)

Nhà văn Kim Lân có lần đã tâm sự về ý định của ông khi viết truyện ngắn “Vợ
nhặt”: “Viết về cái đói, thường mọi người có ý nghĩ là khi đói người ta ta khổ cực và chỉ
muốn chết. Tôi định viết một truyện ngắn nhưng với ý khác là khi đói người ta không
nghĩ đến con đường chết mà chỉ nghĩ đến con đường sống. Vẫn muốn sống, sống cho ra
người”. Chính lòng khát khao sự sống, khát khao hạnh phúc của các nhân vật trong câu
chuyện đã tạo nên cho tác phẩm “Vợ nhặt” giá trị nhân đạo sâu sắc. Và nhân vật thực
hiện dự định của nhà văn, người khơi nguồn khát vọng cho những nhân vật khác trong
truyện ngắn là bà cụ Tứ. Một bà mẹ nông dân nghèo mang trái tim thiên sứ, đầy nhân
hậu, bao dung. Bà cụ Tứ là nhân vật làm nên điểm sáng, sức sống, linh hồn cho tác phẩm.

(Ý 1: Giới thiệu nhân vật) Bà cụ Tứ là người mẹ nông dân nghèo, luôn canh cánh
trong lòng một nỗi niềm day dứt, băn khoăn, đó là chuyện hôn nhân của Tràng. Vì gia
cảnh túng bấn, lại là dân ngụ cư, nên Tràng vẫn chưa lấy được vợ, thậm chí có nguy cơ
“ế” vợ. Vậy mà, trong “tao đoạn đói quay đói quắt”, bà cụ Tứ lại được nhà văn đặt vào
một tình huống oái oăm, một nghịch cảnh không biết nên cười hay nên khóc: đấy là việc
đứa con trai bỗng dưng lấy được vợ giữa những ngày đói kém, mà lấy vợ hoàn toàn ngẫu
nghiên như “nhặt” được. Tạo nên tình huống bi hài kịch ấy, ngòi bút nhà văn Kim Lân có
điều kiện đi sâu vào đời sống nội tâm, diễn biến tâm lý trong lòng người mẹ nghèo khổ
trước sự kiện “nhặt vợ” đầy bất ngờ kia.

(Ý 2: Đặc điểm nhân vật/ Luận điểm 1) Bà cụ Tứ đã trải qua một quãng đời dài
dằng dặc tính đếm bằng lo toan, buồn tủi, đói khổ. Cho nên, khác với Tràng và vợ Tràng,
tâm lý bà cụ Tứ có sự xáo động mạnh, diễn biến phức tạp hơn cả khi con trai lấy vợ giữa
nghịch cảnh đen tối. Đi vào diễn tả những diễn biến tâm lý phức tạp của bà cụ Tứ, nhà
văn Kim Lân đã giúp người đọc thấy được vẻ đẹp của đức hy sinh, lòng vị tha, nhân hậu
trong tâm hồn nhân vật. Quá trình tâm lý của bà cụ Tứ diễn ra trong nhiều trạng thái khác
nhau, vui buồn lẫn lộn nhưng hết sức phù hợp với lôgic đời sống bên trong con người.

Biểu hiện đầu tiên của bà cụ Tứ là thái độ ngạc nhiên, không hiểu được sự kiện
con trai mình lấy vợ. Không ngạc nhiên sao được khi bà biết rõ số phận hẩm hiu của đứa
con. Nghèo khổ, xấu xí, ngờ nghệch lại là dân ngụ cư…Tràng hầu như không có hy vọng
lấy được vợ. Vậy mà giữa tao đoạn đói kém, Tràng lại dẫn người vợ nhặt về nhà vì
“chúng tôi phải duyên phải kiếp với nhau”. Nhà văn đã dùng hàng loạt câu hỏi ngắn, nối
tiếp nhau dồn dập trong đầu óc già nua của bà cụ Tứ để biểu thị trạng thái ngạc nhiên cao
độ: “Quái lạ, sao có người đàn bà nào ở trong ấy nhỉ? Người đàn bà nào lại đứng đầu
giường thằng con mình thế kia? Sao lại chào mình bằng u? Không phải cái Đục mà, ai thế
nhỉ?”. Trước một hiện tượng không bình thường, phản ứng tâm lý của bà cụ Tứ là hoàn
toàn hợp lý. Dựng vợ gả chồng là chuyện quan trọng trong đời người, gây dựng gia đình
cho con là nỗi bận tâm của hết thảy các bà mẹ trên đời. Bởi thế, nó cần được suy tính,
xem xét kĩ lưỡng. Thế mà đùng một cái, vừa bước chân về nhà, bà đã nghe một cô gái xa
lạ gọi mình bằng “u”. Thái độ băn khoăn, ngơ ngác, không hiểu gì của bà cụ Tứ là thái độ
hết sức tự nhiên, lôgic.

Từ sự ngạc nhiên, sau khi hiểu ra cơ sự, tâm lý bà cụ Tứ xuất hiện nhiều trạng
thái, xúc cảm khác nhau: vừa mừng vừa tủi, vừa thương vừa lo âu cho con. Giờ thì “bà
lão hiểu rồi! Lòng người mẹ nghèo khổ ấy hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự vừa ai oán, vừa
xót thương cho số kiếp đứa con mình. Bà lão cúi đầu nín lặng”. Bà mừng đấy mà lại buồn
ngay đấy. mừng bởi vì sau bao nhiêu chờ đợi, cuối cùng, con trai bà cũng đã có vợ, có
một gia đình nho nhỏ để lo toan, chia sẻ. Một người con chỉ thực sự trưởng thành trong
mắt người mẹ khi anh ta cưới vợ, lập gia đình. Nỗi niềm canh cánh bấy lâu về thân phận
hẩm hiu, khó lấy vợ của đứa con giờ đây đã được giải toả trong tâm hồn người mẹ.
Nhưng đi liền với cảm giác vui mừng là cảm giác tủi phận, buồn thương. Tủi vì mình là
mẹ mà không thể lo liệu chuyện lấy vợ cho con, không thể thực hiện việc cưới xin của
con theo những nghi thức truyền thống tối thiểu nhất. Cảnh đám cưới trong truyện ngắn
của Nam Cao trước cách mạng dẫu buồn như cảnh đám tang, vẫn có sự hiện diện của
hình ảnh quả cau, miếng trầu. Còn sự kiện Tràng lấy vợ chỉ được đánh dấu bằng hai hào
dầu thắp tối. Nó ít ỏi và hờn tủi như chính thân phận con người.

Càng xót xa, tủi phận mình, bà cụ Tứ càng thương con trai: “Chao ôi! Người ta
dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái
mở mặt sau này. Còn mình thì…trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai dòng nước
mắt”. Người mẹ thương con không được như người khác, không bằng người khác. Giọt
nước mắt ở đây là giọt nước mắt bất lực của người mẹ nghèo, tủi thân vì biết mình chưa
làm tròn bổn phận với con cái. Phải có một sự nhập thân, thấu hiểu lạ lùng, nhà văn Kim
Lân mới cso thể nhìn ra và đồng cảm với nỗi đau của người mẹ. Hình ảnh dòng nước mắt
rỉ xuống từ kẽ mắt kèm nhèm của bà cụ Tứ gây một sự xúc động lớn ở người đọc. Nước
mắt ở đây là nước mắt người mẹ già đã đi qua bao năm tháng đắng cay, tủi cực. “Tuổi già
hạt lệ như sương”, nên dòng lệ không chứa chan mà “rỉ xuống”. Đó là hạt lệ hiếm hoi của
người già lúc cuối đời khi nước mắt đã chảy ngược vào trong.

Thương con bao nhiêu, bà cụ Tứ lại càng thương nàng dâu mới bấy nhiêu. Bà cảm
giác như không phải với con dâu khi không lo nổi dăm ba mâm cơm báo với làng xóm.
Bà thừa hiểu rằng người vợ nhặt theo không con trai bà xuất phát trước hết từ ý định tìm
kiếm một chỗ nương thân và miếng ăn trong ngày đói kém. Ở cương vị một người mẹ, bà
hoàn toàn có thể không chấp nhận người con dâu mới. Bởi chắc gì hai mẹ con bà đã vượt
qua thời kì đói khổ, chắc gì trong tương lai, hai mẹ con bà không trở thành những xác
chết nằm chòng queo bên vệ đường mà còn “đèo bòng’ thêm một miệng ăn. Nuôi nổi
thân mình lúc thóc cao gạo kém đã khó, huống chi nuôi thêm một người chỉ đẩy cái đói,
cái chết đến bên mình nhanh hơn. Vậy mà, người mẹ nghèo vẫn đón nhận cô con dâu
bằng tình thương yêu, lòng thông cảm. Hành động đón nhận nàng dâu mới của bà cụ Tứ,
xét cho đến cùng, là việc san sẻ sự sống, san sẻ sự tồn tại với những người cùng khổ như
mình. Chỉ một câu nói giản dị: “Ừ, thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u
cũng mừng lòng” đã cho ta thấy vẻ đẹp tấm lòng người mẹ nhân hậu, bao dung. Hai chữ
“mừng lòng” chứ không phải “vui lòng” thể hiện sự vị tha, nhân ái của bà cụ Tứ.
Nhưng niềm vui chưa kéo dài được bao lâu, không khí chết chóc ở những nhà có
người chết làm thức dậy nỗi lo âu trong lòng người mẹ: “năm nay thì đói to đấy, chúng
mày lấy nhau lúc này, u thương quá”. Và dường như không kìm nén được nỗi lòng mình
nước mắt vỡ oà ra trên gương mặ buồn tủi của bà cụ. “Bà lão nghẹn lời không nói được
nữa, nước mắt chảy ròng ròng”.

(Ý 2: Đặc điểm nhân vật/ Luận điểm 2) Tuy nhiên, vượt lên trên những buồn tủi,
lo âu, người mẹ nghèo vẫn chan chứa niềm vui, hy vọng và bà lấy chính niềm vui, hy
vọng đó để nhen nhóm trong tâm hồn hai đứa con khao khát tương lai, khao khát hướng
về ánh sáng. Bà thủ thỉ nói với vợ chồng Tràng những lời lẽ hàm chứa triết lý dân gian
sâu xa, lạc quan: “Nhà ta thì nghèo con ạ! Vợ chồng chúng mày liệu mà bảo nhau làm ăn,
rồi may ra ông giời cho khá…Biết thế nào hở con, ai giàu ba họ, ai khó ba đời, có ra rồi
thì con cháu chúng mày về sau…”. “Ai giàu ba họ, ai khó ba đời” triết lý dân gian mộc
mạc ấy bao đời nay đã là điểm tựa cho người lao động Việt Nam khi họ đứng bên bờ vực
tuyệt vọng của cái đói, cái chết. Người nông dân bao đời đều sống và vượt lên số phận
bằng chân lý lạc quan, xanh tươi sự sống này. “Cuộc đời này không có con đường cùng,
chỉ có những ranh giới”, sức sống luôn nảy mầm từ đau thương, chết chóc, đó là quy luật
muôn đời trong tự nhiên, trong xã hội. Mượn hình ảnh cô đúc triết lý của dân gian, bà cụ
Tứ như đang khơi dậy ngọn lửa niềm tin trong lòng đôi vợ chồng trẻ.

Niềm vui có con dâu mới, niềm tin vào cuộc sống khiến cho người mẹ già “nhẹ nhõm,
tươ tỉnh khác ngày thường, cái mặt bủng beo u ám của bà rạng rỡ hẳn lên”. Bà vui với
công việc sửa sang, sắp xếp nhà cửa. Dường như, trong suy nghĩ của bà, thu dọn nhà cửa
sạch sẽ, gọn gàng, cuộc sống sẽ trở nên sáng sủa hơn. Không phải ngẫu nhiên sau cảnh
đem tân hôn của Tràng, một đêm tân hôn bị ám ảnh bởi tiếng khóc người chết tỉ tê, tiếng
quạ gào lên thê thiết, Kim Lân lại đi vào tả rất cụ thể cảnh tượng một buổi sáng tinh khôi,
rạng rỡ. Sự sống, khao khát sống của con người được gửi vào trong những chi tiết hết sức
giản dị, đời thường. Chính cái cảnh tượng người mẹ rẫy cỏ trong nắng mai, người vợ lúi
húi quét sân đã khơi dậy trong Tràng ý thức trách nhiệm với gia đình. Một tương lai trước
mắt như đang hiển hiện trong óc Tràng bắt đầu từ hành động cụ thể của người mẹ.
Hình ảnh bà cụ Tứ hiện lên đẹp nhất trong bữa cơm đón nàng dâu mới. Bữa cơm ngày
đói thảm hại với niêu cháo lõng bõng, đĩa rau chuối thái rối và nồi chè khoán đắng ngắt,
chát nghẹn trong cổ họng. Trong bữa cơm ấy, bà mẹ nghèo nói nhiều nhất. Bà nói luôn
miệng như để lấp đầy cảm giác ám ảnh về cái đói, cái cơ cực, cái chết đang hiển hiện ra
trước mắt. Bà vẽ ra cuộc sống tương lai với những hình ảnh giản dị: mua phên ngăn
buồng cho đôi vợ chồng trẻ, dự tính mua lấy đôi gà, “chẳng mấy chốc sẽ có cả một đàn
gà”. Nụ cười và câu bông đùa của người mẹ tội nghiệp khi đãi hai đứa con món chè
khoán: “cám đấy mày ạ, ngon đáo để cơ” là sự cố gắng mang lại cho con cảm giác đỡ tủi
hổ khi ăn cháo cám. Bữa cơm ngày đói hầu như đã trở thành đề tài quen thuộc, ám ảnh
trong nhiều tác phẩm văn chương nhưng Kim Lân đã viết về nó trên một góc độ tiếp cận
riêng. Ngô Tất Tố thường nhìn cái đói ở phương diện vật chất, ở cách người nông dân
sáng chế bao nhiêu “món ăn” lạ lùng để làm no cái dạ dày khốn khổ như ăn đất. Nam Cao
lại nhìn cái đói trong sự thống khổ về mắt tinh thần, trong mối quan hệ giữa miếng ăn và
nhân phẩm. Còn Kim Lân, viết về bữa cơm ngày đói, ông lại cố gắng khai thác nỗ lực của
con người nhằm kiếm tìm sự sống, kiếm tìm niềm vui, niềm hy vọng. Sự nỗ lực của ba
nhân vật trong “Vợ nhặt” thật đẹp, dù ăn cháo cám, dù đối mặt với cái chết, họ vẫn vươn
tới sự sống, vẫn muốn sống cho ra một con người. Và cảm động thay, người khơi dậy
ngọn lửa niềm tin, lòng khát khao sự sống lại là bà cụ Tứ. Một người mẹ già trải qua
quãng đời dài tủi cực, hiểu được thế nào là sức mạnh ghê gớm của cái đói vẫn gượng vui,
gượng cười để gieo mầm hy vọng cho con trai, con dâu.

Chính tình yêu thương, nhân hậu của người mẹ nông dân nghèo đã tạo nên sự biến
chuyển trong tâm lý người vợ nhặt. Từ chỗ chấp nhận theo không Tràng về nhà để kiếm
miếng ăn vì ngỡ anh ta “rích bố cu”, thị đã tìm thấy ở đây mối dây liên hệ mật thiết của
gia đình. Một người đàn bà chát chao, chỏng lỏn bỗng trở nên hiền hậu, đúng mực. Chỉ
có sức mạnh tình thương của bà mẹ chồng mới làm nên sự thay đổi đáng ngạc nhiên như
thế. Sức mạnh tình thương, niềm tin ấy còn giúp Tràng, đứa con trai ngờ nghệch, vô tâm
trước đây trở thành một người đàn ông có ý thức trách nhiệm với gia đình, có nhận thức
về con đường tương lai. Sau nỗ lực nhem nhóm lòng tin của bà cụ Tứ, tác phẩm đã kết
thúc đầy lạc quan với chi tiết lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trong óc Tràng.

(Ý 3: Bình luận, đánh giá) Bà cụ Tứ tiêu biểu cho vẻ đẹp phẩm chất và tinh thần của
người nông dân Việt Nam trước cách mạng. Những con người sống có tình, có nghĩa, đầy
nhân ái, bao dung. Trên cái khung cảnh đậm màu tăm tối, chết chóc, đầy rẫy sự đe doạ
tính mạng con người, hình ảnh bà cụ Tứ còn hiện lên như một tia sáng của hy vọng, của
niềm tin vào sức sống và tình yêu thương giữa con người với con người. Với bà cụ Tứ,
Kim Lân đã đem đến một phát hiện, suy ngẫm mới cho người đọc. Đó là phát hiện về sức
mạnh của tình người: Tình người có thể biến bóng tối thành ánh sáng, biến nỗi buồn
thành niềm vui, đưa con người hướng về tương lai dẫu cho họ đang ở trên bờ vực cái
chết. Tuy là một nhà văn sáng tác không nhiều, nhưng xây dựng được nhân vật để đời ấn
tượng như bà cụ Tứ, Kim Lân đã chứng tỏ tài năng và tấm lòng mang nặng sự gắn bó với
lớp người cùng khổ của mình. Nhà văn xây dựng hình ảnh người mẹ nông dân rất sinh
động, tự nhiên với đời sống tâm lí phong phú, ngôn ngữ giản dị, mộc mạc và những chi
tiết ấn tượng, tiêu biểu.

You might also like