You are on page 1of 7

Đề 1: Phân tích tâm trạng bà cụ Tứ khi Tràng dắt vợ về giới thiệu, từ đó nhận xét

về tấm lòng của nhà văn Kim Lân đối với người nông dân nghèo
DÀN Ý CHI TIẾT
MỞ BÀI
- Giới thiệu khái quát về tác giả Kim Lân và tác phẩm “Vợ nhặt”: Kim Lân là cây
bút chuyên viết truyện ngắn, thường viết về nông thôn và những người nông dân.
“Vợ nhặt” là truyện ngắn xuất sắc của Kim Lân không chỉ viết về tình cảnh thê
thảm của người nông dân trong nạn đói 1945 mà còn thể hiện được bản chất tốt
đẹp, khát khao tổ ấm gia đình, tình thương yêu đùm bọc và niềm tin vào cuộc sống.
- Nêu vấn đề NL: Tâm trạng bà cụ Tứ ngạc nhiên, mừng tủi, ai oán xót xa, lo lắng
khi con trai dắt người phụ nữ xa lạ về làm vợ giữa lúc đói khát cùng cực qua đó ta
hiểu được tấm lòng nhân hậu của nhà văn Kim Lân đối với những người nông dân
nghèo (qua đó người đọc hiểu rõ ý tưởng của nhà văn khi xây dựng nhân vật bà cụ
Tứ)
THÂN BÀI
1. Cảm nhận chung (Tiền phân tích)
* Hoàn cảnh sáng tác
- “Vợ nhặt” có tiền thân từ tiểu thuyết “Xóm ngụ cư” được viết sau cách mạng
tháng Tám nhưng bị mất bản thảo, sau khi hoà bình lập lại (1954) tác giả nhớ lại
cốt truyện cũ và viết thành truyện ngắn này.
- Là truyện ngắn xuất sắc được in trong tập “Con chó xấu xí” (1962)
* Tóm tắt đến vị trí đoạn trích
Truyện được xây dựng trên nền cảnh của năm đói 1945, xoay quanh việc
Tràng nhặt được vợ. Tràng, một thanh niên xấu xí, ngờ nghệch, nhà nghèo, dân
ngụ cư lại sống với một mẹ già, ai cũng tưởng Tràng ế vợ suốt đời. Ấy vậy mà
đúng vào lúc ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh, thì Tràng nhặt
được vợ chỉ bằng bốn bát bánh đúc và mấy câu nói đùa. Bà cụ Tứ, mẹ Tràng, đón
nhận người đàn bà khốn khổ ấy làm con dâu trong nỗi buồn lo tủi cực, xót xa và
thương cảm sâu sắc.
* Vai trò, sự xuất hiện của bà cụ:
- Bà cụ Tứ là nhân vật phụ nhưng có vai trò rất quan trọng trong việc thể
hiện chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Đến khoảng giữa câu chuyện, Kim Lân để bà
xuất hiện nhằm hoàn thiện bức tranh về tổ ấm gia đình. Nhưng không chỉ có thế,
xây dựng nhân vật bà lão dường như nhà văn muốn hướng người đọc nhìn nhận
việc lấy vợ của Tràng ở một góc độ khác trong một tâm trạng khác.
- Nhân vật bà cụ Tứ được miêu tả khá chi tiết, sinh động từ ngoại hình, dáng
vẻ đến cử chỉ hành động, từ lời thoại đến những dòng độc thoại nội tâm. Bà cụ
xuất hiện trong tiếng ho “húng hắng”, trong dáng người “lọng khọng vừa đi vừa
lẩm bẩm tình toán”. Đó là những nét khắc họa đầy ấn tượng về dáng vẻ của một
người mẹ nghèo già nua còm cõi, trĩu nặng những lo toan về cuộc sống.
2. Phân tích diễn biến tâm trạng bà cụ Tứ:
* Ngạc nhiên, lo lắng
Ngay khi vừa xuất hiện, bà cụ đã phải đối mặt với tình huống oái oăm thằng
con trai ngờ nghệch của bà dắt về một cô vợ rách tả tơi ngay trong những ngày đói
khát thê thảm. Chính tình huống oái oăm đó đã bộc lộ chân thực vẻ đẹp tâm hồn bà
cụ Tứ.
- Vừa về tới cổng, bà cụ đã rất ngạc nhiên trước biểu hiện khác thường của
con trai. Tràng ra tận ngõ đón mẹ rồi “reo lên như một đứa trẻ” cùng với hành
động ân cần, thái độ vồn vã. Bà cụ không hiểu chuyện gì đang xảy ra vội “phấp
phỏng theo con vào nhà”. Biết bao lo lắng băn khoăn đang diễn ra trong tâm trạng
bà cụ qua hai chữ “phấp phỏng”.
- Vào trong nhà bà hết sức ngạc nhiên khi nhìn thấy một người đàn bà lạ
khép nép “đứng ngay đầu giường thằng con mình… lại chào mình bằng u”. Điều
gì đang xảy ra vậy? Hàng loạt câu hỏi dồn dập xuất hiện trong đầu óc già nua của
bà “Quái, sao lại có người đàn bà nào ở trong ấy nhỉ? Người đàn bà nào lại đứng
ngay đầu giường thằng con trai mình thế kia? Sao lại chào mình bằng u? Không
phải con cái Đục mà. Ai thế nhỉ?”. Bà lão càng băn khoăn đặt câu hỏi càng không
hiểu chuyện gì đang xảy ra trong nhà mình. Bà ngạc nhiên, lo lắng đến mức bước
“lập cập”, rồi “đứng sững lại”, thậm chí như không tin nổi vào mắt mình “thấy
mắt mình nhoèn ra thì phải” nên “Bà hấp háy cặp mắt cho đỡ nhoèn” để nhìn lại
người đàn bà một lần nữa nhưng vẫn không nhận ra là ai. Có lẽ trái tim nhạy cảm
của người mẹ đã linh cảm có điều gì đó thiêng liêng lớn lao đang đến với cuộc đời
con trai mình. Nhưng vì nạn đói vì gia cảnh nghèo khó khiến người mẹ tội nghiệp
không thể tin nổi những điều bà đang lờ mờ phỏng đoán trong đầu.
* Ai oán, tủi cực, lo lắng, xót thương
- Khi nghe lời giới thiệu của con trai “Nhà tôi nó mới về làm bạn với tôi đấy
u ạ! Chúng tôi phải duyên phải kiếp với nhau… Chẳng qua nó cũng là cái số
cả…”. Con trai lấy vợ giữa những ngày đói khát cùng cực, khiến lòng bà ngổn
ngang trăm mối tơ vò “Bà lão cúi đầu nín lặng”. Bà hiểu ra “biết bao cơ sự” trong
cái cúi đầu nín lặng ấy. Người mẹ nghèo khổ từng trải đã hiểu tất cả những éo le
trong việc nhặt vợ của con trai, đó là những điều bà không nỡ hỏi, con trai bà
không nỡ nói. Những điều đang làm người đàn bà đói khát xa lạ kia tủi hổ bẽ bàng.
Hai chữ “cơ sự” mà bà vừa hiểu ra là những oái oăm bi hài của cảnh ngộ, những
cay đắng trớ trêu của duyên kiếp. Khác với anh con trai ngờ nghệch vô tâm, sự
kiện lớn lao này đã khiến bà cụ chìm đắm trong những nỗi niềm “vừa ai oán vừa
xót thương cho số kiếp đứa con mình”. Bà thương nó phải lấy vợ nhặt, phải nhờ
vào trận đói quay quắt này mới lấy được vợ. Vừa thương xót con, bà vừa tủi phận
mình nghèo khó chưa làm tròn bổn phận người mẹ, chưa lo chu tất việc dựng vợ
cho con“chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm
nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì…”. Những câu văn
thật cảm động, vừa nhoi nhói nỗi tủi hờn ai oán cho số kiếp nghèo khổ của mình,
cho hoàn cảnh éo le lúc này, vừa cố nén một cảm giác bất đắc dĩ để chấp nhận một
một sự việc đã rồi. Con trai có vợ, bà cụ mừng lắm chứ, nhưng niềm vui của cụ
không sao xóa được nỗi lo miếng ăn của cả nhà ngày đói. Thêm một miệng ăn
đồng nghĩa với khó khăn thêm chồng chất, thêm một miệng ăn là gần hơn với cái
chết. Nỗi niềm tủi cực, chua xót hiện ra “Trong kẽ mắt lèm nhèm của bà rỉ xuống
hai dòng nước mắt…”. Dòng nước mắt tưởng đã cạn khô bởi cả cuộc đời mẹ dài
dặc trong khốn khó, nay lại “rỉ” ra qua hai “kẽ mắt kèm nhèm” khi con trai lấy vợ.
Dòng nước mắt ấy, cả Tràng và người đàn bà lạ kia làm sao có thể hiểu nổi! Câu
văn ngắn gọn đã tái hiện sinh động bức chân dung đầy khổ hạnh trong tâm trạng
rối bời lo lắng của người phụ nữ nông dân nghèo lớn tuổi, gợi nhiều cảm thương
trong lòng người đọc.“Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn
đói khát này không?” câu hỏi cứ đeo bám, day dứt lòng người mẹ nghèo nhiều trải
nghiệm đắng cay! Kim Lân thật tinh tế khi diễn tả nỗi buồn lo cứ đau đáu trong
lòng bà cụ, điều này khác hẳn với nỗi lo lắng thoảng qua của Tràng. Nếu Tràng cứ
phớn phở trong niềm hạnh phúc lứa đôi, còn bà cụ thì không sao thoát khỏi nỗi lo
miếng ăn ngày đói.
- Nhưng dù buồn tủi hay lo lắng, thì mọi nỗi niềm của bà đều xuất phát từ
tấm lòng yêu thương con, từ tấm lòng nhân hậu yêu thương con người. Điều
đáng trân trọng hơn là từ chỗ thương con, bà cũng đồng thời cảm thông, xót
thương cho cảnh ngộ của người đàn bà lạ nay trở thành con dâu của bà. Không một
lời tra xét hay phản đối, “Bà lão khẽ thở dài ngửng lên”. Ở đây cần phải thấy sự
tinh tế trong cách miêu tả tâm lí nhân vật của Kim Lân. Nếu như khi nhận rõ gia
cảnh của Tràng, người vợ nhặt cố “nén một tiếng thở dài”, thì bà cụ Tứ, khi hiểu rõ
cơ sự của con đã không còn đủ sức nén nỗi niềm ngao ngán trong lòng. Bà lão
“đăm đăm nhìn” nàng dâu mới đang “vân vê tà áo đã rách bợt… lòng đầy thương
xót”. Bà cụ “đăm đăm nhìn” người đàn bà xa lạ kia không phải để soi xét, mà để
thương cảm, chia sẻ với dòng suy nghĩ đầy nhân hậu “người ta có gặp bước khó
khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có được vợ”.
Bà rất hiểu nỗi khổ sở, bất đắc dĩ của người vợ nhặt. Bà hiểu thị bị cái đói dồn đuổi
tới cùng đường, buộc phải liều thân theo con bà, thậm chí, bà còn rất biết ơn thị đã
về làm vợ Tràng. Bởi hơn ai hết, bà hiểu thằng con bà không được bình thường,
không được may mắn như con nhà người ta nó xấu trai, ngờ nghệch, gia cảnh lại
nghèo khó. Kim Lân đã ghi lại dòng tâm tư của bà cụ trong những câu văn thật
cảm động và sâu sắc. Đó là tâm trạng vừa nhoi nhói một nỗi tủi hờn ai oán cho số
kiếp, vừa như cố nén một cảm giác bất đắc dĩ trước sự việc đã rồi, lại vừa rưng
rưng xao xuyến một niềm vui, một sự biết ơn, trân trọng.
* Mừng tủi chấp nhận, lo lắng, động viên
Thế rồi, bà nhẹ nhàng nói với các con: “ừ, thôi các con đã phải duyên phải
kiếp với nhau, u cũng mừng lòng…”. Chỉ một lời ngắn gọn của bà cụ đã giúp con
trai trút được gánh nặng lo âu “Tràng thở đánh phào một cái, ngực nhẹ hẳn đi” và
cũng làm vơi đi bao nỗi ê chề của người vợ nhặt. Bà cụ hiểu hoàn cảnh trớ trêu,
duyên kiếp tiền định đã buộc chặt số phận hai đứa lại với nhau. Bà “mừng lòng”
chấp nhận nàng dâu mới, chấp nhận hôn nhân của con. Kim Lân thật tinh tế khi
dùng hai chữ “mừng lòng” chứ không phải bằng lòng. Bằng lòng là bà cụ còn có
sự lựa chọn, nhưng con trai cụ đã đưa người ta về nhà, đã chính thức giới thiệu
“Nhà tôi nó mới về làm bạn với tôi đấy u ạ! Chúng tôi phải duyên phải kiếp với
nhau… Chẳng qua nó cũng là cái duyên cái số cả…” bà cụ đâu còn sự lựa chọn
nào khác ngoài chấp nhận. Bà “mừng lòng” chấp nhận hạnh phúc của con bằng
kinh nghiệm sống, bằng cuộc đời nhọc nhằn, bằng ý thức sâu sắc về hoàn cảnh.
Hai chữ “mừng lòng” trong câu nói đầu tiên với nàng dâu mới thật sâu sắc: vừa
như chua xót ngậm ngùi, vừa như vỗ về an ủi, vừa như chấp nhận một việc đã rồi,
cũng vừa như lời chúc phúc cho các con.
- Bà ân cần dặn dò, động viên nàng dâu mới “Nhà ta thì nghèo con ạ. Vợ
chồng chúng mày liệu mà bảo nhau làm ăn. Rồi thì may ra ông trời cho khá… Biết
thế nào hở con, ai giàu ba họ ai khó ba đời”. Bà chân thành nói về gia cảnh với
nàng dâu mới và dặn dò động viên các con chăm chỉ bảo nhau làm ăn “Rồi thì may
ra ông trời cho khá… Biết thế nào hở con, ai giàu ba họ ai khó ba đời”. Cuộc sống
hiện tại đang đói khát cùng cực, lòng người mẹ đang se sắt rối bời lo lắng, nhưng
bà cụ vẫn hướng các con đến một niềm tin mãnh liệt vào tương lai “Có ra rồi thì
con cái chúng mày về sau”. Khổ đau, đói rét không quật ngã được người mẹ ấy vì
mẹ tin rằng: “Ai giàu ba họ, ai khó ba đời”. Đó cũng là niềm lạc quan, là triết lý
sống dân gian đã nuôi dưỡng bao tâm hồn người Việt trong hành trình mưu sinh
gian khó. Thật cảm động biết bao, nhà văn đã để cho một bà cụ cả cuộc đời nghèo
đói cơ cực gieo niềm tin, niềm hi vọng về một cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn cho đôi
trẻ.
- Động viên an ủi các con, nhưng lòng mẹ đang lo lắng héo hắt “Bà lão
đăm đăm nhìn ra ngoài. Bóng tối trùm lấy hai con mắt”. Nỗi niềm tâm trạng bà cụ
biểu hiện rất rõ trong trạng thái ngồi lặng lẽ đăm đăm nhìn vào vô thức, trong bóng
tối trùm phủ hai con mắt đã kèm nhèm. Bà cụ không lo lắng sao được khi nhà thêm
một miệng ăn, trong khi cái đói đang hoành hành dữ dội, trong khi xóm ngụ cư vẫn
văng vẳng tiếng khóc hờ ai oán, “Mùi đốt đống rấm ở những nhà có người chết
theo gió thoảng vào khét lẹt”. Con trai bà lấy vợ trong cảnh ngộ này thật xót xa tội
nghiệp khiến bà cụ không sao thoát khỏi buồn tủi lo lắng xót thương. Bà nghĩ đến
ông lão, nghĩ đến đứa con gái út, nghĩ đến cuộc đời dằng dặc những cực khổ của
mình, và trên hết là nghĩ đến tương lai mờ mịt “Vợ chồng chúng nó lấy nhau, cuộc
đời chúng liệu có hơn bố mẹ trước kia không?...”. Sự sống hiện tại của cả gia đình
đang bị đe dọa, tương lai mù mịt nhưng mẹ vẫn cố nén chặt trong lòng để yên ủi
các con. Bà cụ thật nhân hậu và giàu đức hi sinh!
- Bà ân cần với nàng dâu mới “Con ngồi xuống đây. Ngồi xuống đây cho đỡ
mỏi chân”. Một cử chỉ nhỏ nhặt nhưng chứa đựng biết bao tình cảm yêu thương
chân thành của bà cụ đã làm vợi đi những cay đắng tủi nhục của người vợ nhặt và
ta càng trân quý tấm lòng nhân hậu với những suy nghĩ sâu sắc của cụ. “Bà lão
nhìn người đàn bà lòng đầy thương xót. Nó bây giờ là dâu con trong nhà rồi.”. Và
cũng như biết bao bà mẹ nhân từ khác, bà cụ luôn động viên con “cốt sao chúng
mày hoà thuận là u mừng rồi.”. Bao yêu thương của người mẹ dồn tụ trong một
câu nói giản dị ấy.
Động viên khuyên nhủ các con, nhưng lòng mẹ đang quặn thắt lo lắng
“Năm nay thì đói to đấy. Chúng mày lấy nhau lúc này, u thương quá”. Bà cụ nghẹn
lời không nói được nữa “nước mắt cứ chảy xuống ròng ròng”. Dù đã cố gắng kìm
nén, cố gắng không để các con buồn phiền nhưng có tới ba lần bà cụ rơi nước mắt.
Đó là dòng nước mắt buồn tủi, xót thương, dòng nước mắt lo lắng và trên hết là
dòng nước mắt của tình thương con vô bờ bến.
3. Nhận xét về tấm lòng của nhà văn Kim Lân với những người nông dân
nghèo (ý tưởng xây dựng nhân vật bà cụ Tứ)
- Xây dựng nhân vật bà cụ Tứ, Kim Lân muốn hoàn thiện bức tranh về tổ ấm
gia đình và cũng để thêm một góc nhìn mới về việc Tràng nhặt được vợ. Tràng dắt
vợ về nhà, bà cụ Tứ đón nhận nàng dâu mới giữa lúc “cái đói đã tràn đến..” mạnh
mẽ như thác dữ làm cả không gian xóm ngụ cư vốn đã xơ xác vì nghèo đói lại
càng thêm ảm đạm tang tóc thê lương. Ngòi bút Kim Lân không né tránh hiện thực
mà khai thác hiện thực, tạo cho thiên truyện một tấm phông nền nhàu nát, ảm đạm,
xám xịt. Nhưng từ bóng tối của hoàn cảnh, Kim Lân muốn làm toả sáng tâm hồn
tình cảm của người nông dân nghèo. Mảng tối bức tranh hiện thực buồn đau là đòn
bẩy tỏa sáng tình người, chất nhân văn cảm động thấm thía. Nhà Văn Kim Lân đã
phát hiện và trân trọng vẻ đẹp tâm hồn ẩn sau vẻ ngoài đói rách khổ sở của những
người nông dân nghèo. Đúng như ý đồ nghệ thuật của ông là “… Khi đói người ta
không nghĩ đến con đường chết mà chỉ nghĩ đến con đường sống. Dù ở trong tình
huống bi thảm đến đâu, dù kề bên cái chết, vẫn khao khát hạnh phúc, vẫn hướng
về ánh sáng, vẫn tin vào sự sống và vẫn hi vọng vào tương lai, vẫn muốn sống,
sống cho ra người”
- Qua tác phẩm, Kim Lân muốn gửi đến cho người đọc một thông điệp mang
ý nghĩa nhân văn sâu sắc: Hãy biết sống cả những khi cuộc đời trở nên không thể
chịu đựng được nữa. Hay nói cách khác, “Vợ nhặt” là bài ca về những người nông
dân nghèo khổ, đã biết sống cho ra con người ngay cả khi cuộc sống cơ cực cùng
quẫn nhất.
* Đánh giá đặc sắc nghệ thuật
Có thể thấy bằng tất cả sự nâng niu trân trọng, Kim Lân đã thấu hiểu tấm
lòng nhân ái, tình yêu thương vô bờ của một người mẹ nông dân nghèo. Nhà văn
đã đặt nhân vật vào tình huống độc đáo, éo le bi hài để miêu tả thành công nhân vật
với những tâm trạng khác nhau. Diễn biến tâm trạng bà cụ Tứ khi con trai dắt vợ
về trong một buổi chiều tối sầm vì đói khát được khắc họa chân thực, sinh động
qua nghệ thuật kể chuyện hấp dẫn, tự nhiên. Đặc biệt là nghệ thuật khắc họa tâm lí
nhân vật tinh tế thông qua hành động, cử chỉ lời nói trong sự kết hợp hiệu quả giữa
đối thoại, độc thoại và dòng tâm tư. Nếu Tràng luôn phớn phở tự đắc với mình,
người vợ nhặt thì ngượng ngập tủi hổ, ê chề thì bà cụ Tứ ai oán, mừng tủi, lo lắng
xót thương. Những lời nói của bà cụ Tứ với các con vừa giản dị đậm chất thôn quê
vừa có chiều sâu phù hợp với tính cách và sự trải nghiệm của nhân vật. Bà cụ Tứ
hội tụ vẻ đẹp tâm hồn của một con người ẩn sau vẻ ngoài già nua nghèo khổ cơ
cực.
KẾT BÀI:
- KL vấn đề: Đoạn trích tái hiện sinh động diễn biến tâm trạng bà cụ Tứ khi Tràng
dắt người vợ nhặt về nhà: từ ngạc nhiên đến lo lắng, mừng tủi ai oán xót xa. Qua
đây ta thấy được tấm lòng yêu thương, nhân hậu vị tha và niềm tin mãnh liệt vào
cuộc sống của bà cụ.
- Mở rộng vấn đề: Đoạn trích góp phần làm nên giá trị hiện thực và nhân đạo sâu
sắc của tác phẩm. Khi viết về người nông dân nghèo nhà văn không hề rẻ rúng
khinh thường họ mà ngược lại ông đã phát hiện, trân trọng những phẩm chất rất
đáng quý của họ ngay cả khi cuộc sống đẩy họ đến chỗ cùng cực. Chính những
điều đó đã làm nên tên tuổi của Kim Lân gắn liền với “Vợ nhặt”, một truyện ngắn
xuất sắc về đề tài nông thôn và người nông dân, trong nền văn học VN hiện đại.

You might also like