You are on page 1of 4

Nhà văn Nguyễn Minh Châu từng cho rằng: “Thiên chức của nhà văn là suốt đời đi

tìm những hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người”. Trên hành trình đi tìm
những vẻ đẹp tâm hồn tựa như “hạt ngọc ẩn giấu” ấy, còn gì quan trọng với người
nghệ sĩ hơn là một trái tim nhân ái, biết yêu thương và đồng cảm với con người. Ta
cũng bắt gặp một trái tim ấm áp, nồng nàn tình thương như thế ở người văn nghệ sĩ
Kim Lân - một cây bút tiêu biểu của văn học Việt Nam. Viết về cái đói cái chết,
nhưng qua ngòi bút nhân đạo của nhà văn, ta vẫn thấy được vẻ đẹp của tình người, của
khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc mãnh liệt len lỏi vào trong từng trang văn “Vợ
Nhặt”. Trong thiên truyện độc đáo này nhà văn đã xây dựng thật thành công nhân vật
bà cụ Tứ với nhiều nét đẹp cao quý, đặc biệt nổi bật qua đoạn trích
“..”
Có thể nói, Kim Lân là một trong những cây bút văn xuôi xuất sắc nhất của nền văn
học Việt Nam hiện đại. Ta chẳng thể bắt gặp ở đâu một quan niệm văn chương độc
đáo như Kim Lân từng tâm niệm: “Người cầm bút phải viết như chơi, viết thoải mái
bằng tấm lòng của mình, hướng vào cái thật, cái đẹp, giúp cho con người sống thật,
sống đẹp với nhau”. Tác phẩm ‘’Vợ nhặt’’ - một trong số ít những tác phẩm của nhà
văn được in trong tập truyện “Con chó xấu xí”. Tiền thân của truyện ngắn này là tiểu
thuyết “xóm ngụ cư” được Kim Lân viết viết ngay sau cách mạng tháng tám nhưng
còn dang dở. Sau khi hòa bình lập lại Kim Lân dựa vào một phần cốt truyện cũ để viết
nên truyện ngắn "Vợ nhặt" do đó tác phẩm không chỉ là kết quả của một quá trình suy
ngẫm, gọt giũa về cả nội dung và nghệ thuật mà còn mang âm hưởng lạc quan của một
thời đại mới. "Vợ nhặt" không chỉ miêu tả tình cảnh thê thảm của người nông dân
trong nạn đói khủng khiếp năm 1945 mà còn thể hiện được bản chất tốt đẹp và sức
sống kỳ diệu của họ. Nét tư tưởng chủ đề ấy được thể hiện tập trung ở nhân vật bà cụ
tứ trong đoạn trích này thuộc phần giữa tác phẩm. Là nhân vật xuất hiện ở khoảng
giữa chuyển xong bà cụ tứ vẫn đóng một vai trò đặc biệt quan trọng giúp thể hiện tư
tưởng nhân đạo sâu sắc của tác phẩm. Trong đoạn trích này nhà văn không đi sâu vào
những khổ đau của bà trước tình huống con trai nhặt được vợ từ đó làm người sáng vẻ
đẹp của tấm lòng thương con vị tha nhân hậu và tinh thần lạc quan rất đáng quý ở
người mẹ nghèo khổ này.

Vẻ đẹp của bà cụ Tứ ngời sáng trong một hoàn cảnh hết sức đặc biệt. Bà là dân ngụ cư
nghèo khổ, lại chịu thêm cảnh góa bụa ở vậy nuôi con một mình. Cuộc đời bà đã trải
qua nhiều cơ cực, đắng cay. Đặc biệt, cũng như bao người nông dân khác, bà phải đối
mặt với nạn đói khủng khiếp năm 1945. Cảnh ngộ của bà cụ Tứ rất tiêu biểu cho cuộc
sống của những con người lao động nghèo trước Cách mạng. Giữa cái đói thê thảm,
con trai bà cụ Tứ bỗng đưa một người đàn bà về làm vợ, chẳng cưới xin gì. Đặt nhân
vật bà cụ Tứ vào tình huống đặc biệt ấy, ngòi bút tràn đầy cảm hứng nhân đạo của nhà
văn Kim Lân đã khám phá biết bao nét đẹp đáng quý trong tâm hồn người mẹ nghèo
khổ này.
Khơi sâu vào tâm trạng của bà cụ Tứ khi con trai đưa người vợ về, Kim Lân đã làm
sáng lên tình yêu thương con thiết tha sâu nặng của người mẹ nghèo ấy. Tình yêu
thương con của bà được thể hiện thật xúc động ở nỗi xót số kiếp của con trai. Khi hiểu
ra việc Tràng nhặt vợ, bà "cúi đầu nín lặng. Bà lão hiểu rồi. Lòng người mẹ nghèo khổ
ấy còn hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự”. Có biết bao nhiêu thấu hiểu, bao nhiêu nỗi niềm
trong cái “ cúi đầu nín lặng” ấy. Người mẹ từng trải đã hiểu tất cả những uẩn khúc,
những éo le trong việc nhặt vợ của con, cũng như hình dung được cảnh ngộ của người
vợ nhặt. Đó là những “cơ sự” bà đã đoán ra mà không nỡ hỏi, những điều con bà đang
nghĩ tới mà không nỡ nói, những điều đang làm người đàn bà xa lạ, đói rách kia sợ
hãi, tủi hổ, bẽ bàng. Sự nín lặng của bà cụ Tứ không chỉ cho thấy sự từng trải mà còn
là biểu hiện rõ nhất của trái tim nhân hậu tràn đầy tình yêu thương con. Bằng sự từng
trải, người mẹ ấy đã nhận ra nghịch cảnh của cuộc hôn nhân này “Chao ôi, người ta
dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ
cái mở mặt sau này. Còn mình thì….Trong he mái hem nhóm của bà rỉ xuống hai
dòng nước mũi, biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này
không”. Những dòng độc thoại nội tâm này là tiếng lòng chân thật của mẹ nghèo. Bà
cụ Tứ vừa lo lắng cho hạnh phúc của con trai, vừa tủi vì mình không được như người
ta, vừa xót xa ngậm ngùi vì không lo nổi hạnh phúc cho con, để con phải nhặt vợ. Tất
cả những nỗi niềm ấy trào ra theo dòng nước mắt. Đó là nước mắt tủi hờn thương
thân, trách phận nhưng trên hết là nước mắt của nỗi xót thương con, nước mắt của tình
mẫu tử. Tuy trong lòng ngổn ngang bao nỗi lo lắng nhưng bà vẫn mừng trước hạnh
phúc của con “Ừ thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cx mừng lòng”.
Câu nói ý nhị của bà thể hiện sự thuận tình trước một sự việc đã rồi nhưng không phải
là bắt buộc phải chấp nhận mà là đón nhận bằng tất cả niềm vui của người mẹ. Sự
chấp nhận ấy cho thấy bà đã bỏ qua không chỉ lễ giáo thông thường mà còn cả gánh
nặng sẽ chồng chất thêm của sự đói khát để đùm bọc cưu mang một người khốn khổ,
nhất là để vun đắp hạnh phúc của con trai. Đặc biệt, cách xưng hô “u”, “các con” chứa
đựng bao tình cảm trìu mến, yêu thương.

Không chỉ giàu tình yêu thương con, bà cụ Tứ còn giàu lòng bao dung, nhân hậu.
Không chỉ xót thương cho con trai mà bà còn thương xót cả người đàn bà xa lạ bỗng
trở thành dâu con trong nhà. Bà đã cảm thông cho hoàn cảnh của người vợ nhặt: “
người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình.”. Ngôn
ngữ độc thoại nội tâm như hàm chứa sắc thái đối thoại như bệnh vực, thanh minh cho
hành động theo không của người vợ nhặt. Trong suy nghĩ của bà tuyệt nhiên không hề
có ý khinh miệt, rẻ rúng người phụ nữ theo không con trai bà. Thậm chí, bà còn rất
bao dung khi nghĩ rằng đói khổ lại chính là cơ may cho con bà, bởi nhờ đó mà con bà
mới có vợ. Dường như bà còn có ý hàm ơn người vợ nhặt đã đem đến cho con bà hạnh
phúc vợ chồng. Khi “đăm đăm nhìn người đàn bà”, trong lòng bà đã dâng “đầy thương
xót”. Đó lòng nhân từ của người mẹ, là sự cảm thông giữa hai người đàn bà trong thời
thế tao loạn. Cách cư xử vừa tế nhị vừa thân mật của bà cụ Tứ với người vợ nhặt cũng
làm đậm thêm tấm lòng nhân hậu của bà. Bà vồn vã mời con dâu ngồi “Con ngồi
xuống đây. Ngồi xuống đây cho đỡ mỏi chân”. Cách xưng hô của bà cụ Tứ là sự công
nhận mối quan hệ gia đình giữa mẹ con bà với người vợ nhặt, giúp người vợ nhặt xoá
đi mặc cảm. Bà hạ giọng thân mật an ủi nàng dâu, giãi bày gia cảnh để con dâu thông
cảm mà bỏ qua những nghi lễ tối thiểu của một cuộc gây dựng hạnh phúc trăm
năm:“Kể có ra làm được dăm ba mâm thì phải đẩy, nhưng nhà mình nghèo”. Cách cư
xử cho thấy sự tinh tế trong lòng người mẹ nghèo, bà muốn bằng thái độ, giọng nói và
cả cách xưng hô để làm vơi đi những căng thẳng, lo lắng của vợ chồng con trai, nhất
là những tủi hổ bẽ bàng của người đàn bà gặp cảnh éo le đối khát mà phải theo không
con trai mình.

Vẻ đẹp nhân hậu trong trái tim, trong cách đối đãi với người, với đời của bà cụ Tứ gợi
nhắc ta về tình phụ tử ngời sáng trong văn chương Nam Cao. Ta còn nhớ Lão Hạc -
một người cha đã hy sinh cả cuộc đời mình cho hạnh phúc của con, chấp nhận nhường
“tấm chăn ấm" mang tên hạnh phúc cho đứa con trai duy nhất ở xa nhà, bởi lẽ, “hạnh
phúc chỉ là một cái chăn quá hẹp. Người này có thì người kia bị hở" như nhà văn đã
từng viết. Cho đến thiên truyện “Vợ nhặt”, sự xót thương về một thảm cảnh khốc liệt
– nạn đói 1945 đã được Kim Lân tái hiện chân thực, nhưng trên cái nền u tối của đói
nghèo, nhà văn đã tô đậm vẻ đẹp tâm hồn của người mẹ Việt Nam - nơi tình mẫu tử
ngự trị trong trái tim của người mẹ nhân hậu, bao dung và thương con hơn tất thảy
mọi thứ ở đời. Bà cụ Tứ và Lão Hạc chính là những đại diện cho tình mẫu tử, tình phụ
tử cao đẹp - những giá trị cao quý mà mỗi người đều quý trọng và nâng niu.

Ta còn thấy ngời sáng ở bà tinh thần lạc quan rất đáng quý. Trước hạnh phúc của con
trai, bà cụ Tứ vẫn canh cánh nỗi lo cho tương lai của các con, song ở bà vẫn không
mất đi niềm lạc quan, hi vọng vào tương lai. Bằng triết lí dân gian, bà đã gieo vào
lòng vợ chồng Tràng niềm hi vọng về một sự đổi đời "Ai giàu ba họ, ai khó ba đời.”.
Không chỉ có vậy, bà còn dặn dò các con biết nương tựa vào nhau để gây dựng cuộc
sống “liệu bảo nhau làm ăn...” Thái độ lạc quan và tin vào tương lai tươi sáng đã làm
nổi bật nghị lực sống, khát vọng sống ở người mẹ nghèo. Chính nhờ những đặc điểm
đó mà ta có thể nói dù một thân già yếu nhưng bà lại là chỗ trụ vững chắc cho các con
của mình.

Tâm trạng của bà cụ Tứ đã được khắc hoạ thành công qua tình huống truyện éo le,
khiến độc giả thấm thía cái hiện thực trớ trêu, dở khóc dở cười được phản ánh trong
tác phẩm - “Tràng nhặt vợ”. Nếu ví cả tác phẩm là một dòng sông thì tình huống ấy là
một xoáy nước, bởi nó là nút thắt của câu chuyện, là hoàn cảnh để mọi nhân vật bộc
lộ cảm xúc và phẩm chất trong đó có bà cụ Tứ. Bên cạnh đó, ông đã sử dụng ngôn
ngữ mộc mạc và đậm chất đời sống kết hợp cách kể chuyện linh hoạt, tự nhiên và
chân thật. Với bà cụ Tứ, Kim Lân đã không dùng ngòi bút của mình để miêu tả chân
dung, mà tập trung miêu tả nội tâm nhân vật. Người cầm bút ấy đã lột tả đầy đủ tâm
trạng của một người mẹ trước hạnh phúc của người con trai, từ đó làm nổi bật vẻ đẹp
khuất lấp cuả người mẹ già.

Tâm trạng của bà cụ Tứ trước tình huống con trai nhặt được vợ đã được thể hiện thành
công bằng ngòi bút mang đậm dấu ấn, phong cách nghệ thuật độc đáo của Kim Lân
cũng như làm sáng lên tình cảm nhân đạo của cả tác phẩm. Có thể nói, bà cụ Tứ chính
là điển hình cho hình ảnh những người mẹ nông dân nghèo khổ nhưng ngời sáng
nhiều phẩm chất cao quý: yêu thương con vô bờ bến, nhân hậu, vị tha, giàu tình
thương người và luôn lạc quan, có niềm tin bất diệt vào tương lai. Viết nên những
trang văn “Vợ nhặt" trong bối cảnh ngột ngạt và ảm đạm của thời đại, nạn đói năm
1945 nhưng cái mà ông hướng đến không phải hiện thực thê thảm trong bóng tối của
nạn đói mà ông đã phát hiện ra ánh sáng đẹp đẽ của tình thương, tình yêu giữa con
người với con người. Trong nạn đói cái chết vây hãm, chỉ chực chờ để rút sạch đi sự
sống thì những nạn nhân khốn khổ vẫn cố gắng vươn lên bằng niềm tin và tình
thương. Những trang văn mộc mạc của Kim Lân đã gửi gắm tới người đọc thông điệp
sâu sắc rằng cuộc sống dù có khó khăn cách mấy thì hãy cứ dũng cảm yêu thương đi
vì nó sẽ là tia sáng cứu lấy cuộc đời.

“Khi một tác phẩm nâng cao tinh thần ta lên và gợi cho ta những tình cảm cao quý và
can đảm, không cần tìm một nguyên tắc nào để đánh giá nó nữa. Đó là một cuốn sách
hay và do một nghệ sĩ viết ra” (La-Bơ ruy e). Với những bài học mang tinh thần nhân
đạo cao cả, khơi lên cho người đọc lòng trân trọng và yêu thương con người, tôi tin
chắc rằng “Vợ nhặt” chính là một tác phẩm bất hủ, do một người nghệ sĩ – nhà nhân
đạo chân chính viết ra. Áng văn ấy, cùng tên tuổi Kim Lân – một nhà văn, nhà nhân
đạo chủ nghĩa sẽ còn sống mãi, ghi một dấu ấn không phai trong nền văn học nước
nhà.

You might also like