You are on page 1of 3

Nạn đói năm 1945 đã trở thành nỗi ám ảnh khủng khiếp đối với con người Việt

Nam, nó gợi nhắc


về một thời kỳ đen tối của lịch sử. Viết về nạn đói, Tô Hoài từng viết: “Mỗi khi chợt nghĩ lại, tôi vẫn
bàng hoàng về những năm khủng khiếp ấy.”, nhà văn Kim Lân cũng từng có những chia sẻ về cái dữ
dội của nạn đói đồng thời cũng phát hiện “hào quang” được tỏa ra từ chính những con người trong thời
cuộc ấy: “Đói, nó vừa đắng cay, vừa đau đớn, đồng thời một mặt nào đó lại lóe lên một tia sáng về đạo
đức, danh dự.” “Vợ nhặt” là truyện ngắn xuất sắc của Kim Lân viết về nạn đói, đồng thời qua đó nhà
văn ca ngợi vẻ đẹp của tình thương, sức sống tiềm tàng của con người đặc biệt qua đoạn trích miêu tả
diễn biến tâm trạng của bà cụ Tứ: “Tràng chợt đứng dừng lại…ròng ròng.”
Kim Lân là một trong những cây bút tiêu biểu nhất của nền văn học hiện thực Việt Nam. Tuy
nhiên Kim Lân không như những cây bút hiện thực cùng thời, đi sâu vào hiện thực tàn khốc của xã hội,
mà trái lại tác phẩm của ông chú trọng nhiều vào các giá trị nhân văn, nhân đạo, khai thác và làm sáng
rõ những vẻ đẹp của con người thông qua nghịch cảnh cuộc sống để mang đến ánh sáng, niềm tin hy
vọng trong những tháng ngày tăm tối nhất. Truyện ngắn “Vợ nhặt” được viết ngay sau khi Cách mạng
tháng Tám 1945 bùng nổ, phản ánh cuộc sống ngột ngạt, bức bối của nhân dân ta trong thời kỳ xảy ra
nạn đói khủng khiếp đã làm chết hơn hai triệu người. Đoạn trích nằm ở đoạn giữa của tác phẩm, kể lại
cuộc gặp gỡ giữa bà cụ Tứ và nàng dâu mới. Qua đó, tác giả làm nổi bật nét tính cách bao dung, nhân
hậu của nhân vật cũng như ca ngợi tinh thần lạc quan của con người ngay trong hoàn cảnh khó khăn
nhất.
Tâm trạng bà cụ Tứ sau khi đã hiểu:
- Băn khoăn mãi, khi đã hiểu, “bà lão cúi đầu nín lặng”, cái cúi đầu của con người bởi nỗi khổ đeo
bám suốt cuộc đời, giờ đến khi gần đất xa trời mà cũng không lo được cho con một mái ấm.
- Cái cúi đầu nín lặng ấy chính là sự kìm nén cảm xúc, nén hết những xót xa, tuổi hơn, buồn lo vào
trong lòng, nén cả một cơn bão lòng đang nổi lên làm xáo trộn tâm tư của bà. Đó cũng là cái cúi đầu
của một người mẹ bởi nỗi khổ đeo bám suốt cuộc đời, giờ đến khi gần đất xa trời mà cũng không lo
được cho con một mái ấm. Bên ngoài là một người mẹ nhìn lẩm cẩm, nhưng bên trong người mẹ ấy là
cả một thế giới nội tâm sâu sắc. Cái nín lặng ấy khiến mạch truyện lắng xuống thiết tha.
Khi hiểu ra cơ sự, trong tâm trạng người mẹ nghèo khổ ấy đan xen biết bao cung bậc cảm xúc, có
ai oán xót thương, có tuổi phận, có buồn thương lo sợ và nỗi buồn xen lẫn niềm vui:
b1, Ai oán, xót thương:
Sắc thái đầu tiên dấy lên trong tâm trạng bà cụ Tứ là vừa ai oán, xót thương cho đứa con mình bởi
hơn ai hết, bằng sự từng trải, bà đã nhận ra nghịch cảnh của cuộc hôn nhân này: “Chao ôi, người ta
dựng vợ gả chồng …Còn mình thì…”. Hai chữ “chao ôi” như kéo dài ra ai oán, đó là tiếng thốt lên
trong âm thầm, chua xót. Càng thương con bao nhiêu, bà lại càng tủi phận bấy nhiêu, bà thấy có lỗi với
con trai, bà lại tự mặc cảm thấy mình không lo nổi hạnh phúc cho con. Kim Lân để lại ba dấu chấm
lửng khiến nỗi niềm của người mẹ càng trở nên như mối tơ vò, tự trách bản thân.
Nỗi buồn tủi đã trào ra theo dòng nước mắt: “Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai dòng nước
mắt”. Câu văn khắc họa bức chân dung khổ hạnh của người mẹ già nua tội nghiệp, cảm giác trái tim
người mẹ trong cái thân hình còm cõi đang rung lên đau đớn, xót xa. Có lẽ trong suốt cuộc đời bà cụ
Tứ đã đau khổ rất nhiều, khóc rất nhiều nên trước sự éo le của hoàn cảnh nước mắt bà chỉ còn có thể
“rỉ ra”. Kim Lân như một nhà quay phim tài ba đầy cảm xúc lia ống kính máy quay của mình chớp lấy
thần cảnh, thước phim từ cận cảnh làm hiện lên đôi mắt hằn dấu chân chim một đời vất vả của người
mẹ già, và trên cái khoé mắt nứt nẻ theo thời gian ấy rạn ra hai dòng nước mắt khô héo.
Trong dòng nước mắt này có cả nỗi niềm thương con và cả nỗi thương thân trách phận. Câu hỏi tu từ
“Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không” càng làm nổi bật tấm
lòng của người mẹ nhân hậu. Bà luôn băn khoăn, trăn trở, lo lắng cho tương lai của các con. Câu hỏi
vang lên vừa biểu hiện sự lo lắng, vừa chứa đựng tình yêu thương bà dành cho vợ chồng Tràng. Không
biết trong đầu của bà mẹ nghèo kia đã trải qua bao suy nghĩ trong những mảng sáng tối để rồi dừng lại
ở một suy nghĩ bị đeo đẳng bởi hiện thực khắc nghiệt.
b2, Đồng cảm trân trọng biết ơn con dâu
- Từ tình thương con trai, bà càng thêm thương cảm với con dâu. Suy nghĩ "Người ta có gặp bước
khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con trai mình." của bà cụ Tứ bộc lộ sự đồng cảm sâu sắc
với số phận cùng đường của nàng dâu nhặt. Trong suy nghĩ của bà không có ý khinh miệt hay rẻ rúng
người vợ nhặt này. Đó không chỉ là sự cảm thông với số phận cùng đường của một người đàn bà xa lạ
mà còn là lòng biết ơn, hàm ơn người đàn bà ấy sâu sắc. Trong suy nghĩ nhân hậu của bà cụ Tứ, chính
nhờ nạn đói se duyên, nhờ sự cùng đường mà con bà mới có được vợ, có được hạnh phúc nên bà cũng
tự động viên mình : "Thôi thì bổn phận bà là mẹ, bà đã chẳng lo lắng được cho con…chứ biết thế nào
mà lo cho hết được ?".
b3, Vui mừng
- Lời đầu tiên mà bà cụ Tứ nói với nàng dâu mới là bộc lộ niềm vui trước hạnh phúc của hai con
“Ừ, thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau u cũng mừng lòng…”. Với người mẹ, lúc này
người đàn bà kia đã là nàng dâu mới, có lẽ bà cũng đã cố gắng hết sức để không làm tổn thương thị nên
nói chuyện với giọng rất nhẹ nhàng. Bà cho rằng cuộc hôn nhân này là do “phải duyên phải kiếp với
nhau”, cách nói giản dị mà đầy trân trọng, chan chứa tình người ấy quả thực đã làm ấm lòng hai thân
phận tội nghiệp, trút đi bao gánh nặng trong Tràng. Câu nói ấy cũng tránh được cho nàng dâu khỏi sự
bẽ bàng, tủi nhục và khiến thị thấy mình được nâng niu, trân trọng. Đặc biệt, cách xưng hô “u-các con”
chứa đựng bao yêu thương và dệt nên một sợi dây liên kết mối quan hệ ruột thịt giữa mẹ con bà với
người phụ nữ kia, như một sự công nhận rằng giữa họ là tình cảm gia đình gắn bó, keo sơn.
- Bởi mừng lòng trước hạnh phúc của con trai, bà đã cư xử rất khéo léo, từ tốn và điềm đạm, bà
mong mỏi các con biết đùm bọc lẫn nhau, bà hy vọng với tình cảm yêu thương thuận vợ thuận chồng
thì “rồi ra may mà ông giời cho khá”.
-> Trong bóng tối của đói nghèo đang bủa vây, bà lão vẫn gieo vào lòng các con niềm tin về cuộc
sống, về tương lai tươi sáng. Đây là vẻ đẹp của một tâm hồn lạc quan và tràn đầy sức sống.
b4, Tâm trạng lo lắng cho tương lai của hai con
- Ngay trong lúc khuyên nhủ, động viên thì trong sâu thẳm đáy lòng người mẹ ấy vẫn bị day dứt
ám ảnh bởi một nỗi lo: “Bà lão đăm đăm nhìn ra ngoài. Bóng tối trùm lấy hai con mắt (…) Bà lão nghĩ
đến ông lão, nghĩ đến đứa con gái út. Bà lão nghĩ đến cuộc đời cực khổ dài dằng dặc của mình.” Trong
sâu thẳm đáy lòng bà cụ Tứ vẫn bị ám ảnh bởi nỗi băn khoăn trăn trở: “Vợ chồng chúng nó lấy nhau,
cuộc đời chúng nó liệu có hơn bố mẹ trước kia không?” Câu hỏi tu từ ấy vang lên vừa biểu hiện sự lo
lắng, vừa chứa đựng cả niềm hy vọng cùng biết bao nhiêu tình thương yêu bà dành cho vợ chồng
Tràng. Bà đã coi thị như con gái của chính mình nên bà lão đã hạ thấp giọng, thân mật nói với thị: “Kể
có ra làm được dăm ba mâm thì phải đấy, nhưng nhà mình nghèo, cũng chả ai người ta chấp nhặt chi
cái lúc này.” Câu nói đó vừa có ý thanh minh về gia cảnh, vừa chia sẻ nỗi áy náy của một người mẹ về
bổn phận trách nhiệm của mình.
- Tuy không có điều kiện để làm đám cưới trọn vẹn cho con dù chỉ là nhỏ nhoi, đơn sơ nhưng vài
ba mâm cỗ nhưng bà đã cố động viên các con mong các con sống hạnh phúc: Cốt làm sao chúng mày
hòa thuận là u mừng rồi. Đó là cái gửi gắm chân tình chứa đựng ước muốn và khát vọng tràn đầy niềm
tin của bà về tương lai tươi sáng của các con. Bà thương các con đến quặn lòng bởi vì năm nay thì đói
to. Nói đến đây thì bà cụ nghẹn lời không nói được nữa, nước mắt cứ chảy xuống ròng ròng. Những
giọt nước mắt ấy chất chứa bao tình thương, giờ không còn rỉ ra nữa mà đã thành ròng như sự kìm nén
đến lúc bật tung vỡ òa khiến người xem không khỏi xót xa thương cảm.

Thành công của tác phẩm nói riêng và cả thiên truyện nói chung là nhờ vào sự đóng góp của các
yếu tố nghệ thuật được Kim Lân sử dụng tinh tế, linh hoạt và sáng tạo: cách xây dựng tình huống
truyện hấp dẫn, cảm động; cách kể chuyện tự nhiên, giản dị mà chặt chẽ, khéo léo; các biện pháp tu từ
đặc sắc làm nổi bật tâm trạng của bà cụ Tứ khi đón nàng dâu mới. Đặc biệt nghệ thuật xây dựng nhân
vật cũng góp phần tạo nên thành công của Kim Lân, giúp nhà văn diễn tả đầy đủ và trọn vẹn nhất
những bước chuyển biến trong tâm lí bà cụ Tứ, từ đó tác giả đã khắc họa chân thực và sinh động tấm
lòng của người mẹ nghèo khổ nhưng giàu lòng vị tha, nhân hậu. Với những tình cảm mà bà cụ đã dành
cho con trai và con dâu, chúng ta càng thấu hiểu hơn về tấm lòng của người mẹ và cũng chính điều này
khiến cho hình ảnh bà cụ Tứ trở nên chân thật và cảm động hơn đối với độc giả chúng ta.
Bằng nghệ thuật khắc họa nhân vật vô cùng tinh tế và độc đáo, đoạn trích nói riêng và tác
phẩm “Vợ nhặt” nói chung đã gây ấn tượng mạnh mẽ về dòng cảm xúc của bà cụ Tứ khi lần đầu gặp
con dâu, qua đó góp phần không nhỏ làm nên giá trị nhân đạo sâu sắc mà Kim Lân muốn gửi gắm tới
độc giả. Giống như nhà văn Hoài Việt đã nhận xét: “Nhà văn dùng “Vợ nhặt” để làm cái đòn bẩy để
nâng con người lên trong tình nhân ái. Câu chuyện “Vợ nhặt” đầy bóng tối nhưng từ trong đó đã lóe lên
những tia sáng ấm lòng.”

You might also like