You are on page 1of 6

MÔN HỌC TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

VÀ TRIẾT LÝ GIÁO DỤC “THÀNH NHÂN TRƯỚC THÀNH DANH”


TS. Dương Đức Hưng

Tóm tắt: “Thành nhân trước thành danh” là quan điểm giáo dục không mới
nhưng luôn mang tính thời sự sâu sắc. Bởi đối tượng giáo dục, đào tạo là con người,
mà mục tiêu căn bản của mỗi con người là thành nhân và thành danh, là phẩm chất
đạo đức và tài năng, sự nghiệp. Thành nhân và thành danh có mối quan hệ đặc biệt,
biện chứng. Không “thành nhân” khó mà “thành danh”, ngược lại khi đã “thành
danh” thì “nhân” sẽ hoàn thiện hơn, sâu sắc hơn và đúng nghĩa hơn. “Nhân” là khái
niệm rộng, là tổng hợp các giá trị, phẩm chất của con người. Trong đó đạo đức là yếu
tố căn bản, quyết định. Vì vậy, để “thành nhân” điều trước tiên là phải học tập, tu
dưỡng và rèn luyện đạo đức. Và đạo đức ấy phải là đạo đức mới, đạo đức cách mạng.
Với những chuẩn mực đạo đức của con người Việt Nam trong thời đại ngày nay mà
Hồ Chí Minh đã xác định. Bên cạnh đó, một nhiệm vụ cũng không kém phần quan
trọng để “thành nhân” là phải luôn luôn học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ
Chí Minh.
Từ khóa: Thành nhân, thành danh, sinh viên, đạo đức, Hồ Chí Minh.
1. Đặt vấn đề
Với triết lý giáo dục “thành nhân trước thành danh” của Trường Đại học Văn
Hiến cho thấy một quan điểm đào tạo toàn diện cả về phẩm chất, đạo đức và trình độ
chuyên môn, nghiệp vụ cho sinh viên. Tuy nhiên, “thành nhân” hay “thành người”,
“nên người” được đặt lên trên, được quan tâm trước tiên. Để thực hiện được triết lý
giáo dục này đòi hỏi một hệ thống tri thức của tất cả các môn học mà sinh viên được
tiếp cận trong Trường Đại học Văn Hiến, đó là cơ sở định hướng cho “thành nhân” và
sau đó là “thành danh”. Các môn lý luận chính trị nói chung và môn Tư tưởng Hồ Chí
Minh nói riêng đã tham gia tích cực vào quá trình này. Trong bài tham luận hội thảo
chúng tôi chỉ xin đề cập một vấn đề: Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh góp phần vào
việc “thành nhân” trong triết lý giáo dục “thành nhân trước thành danh” của nhà
trường.
2. “Thành nhân” và “Thành danh”
Thành nhân là một khái niệm rộng, nó thể hiện tất cả những gì thuộc về người
đã trưởng thành, đầy đủ và trọn vẹn, tức là đã “nên người”. Đó là những người có
phẩm chất, đạo đức, nhân văn với những tính cách cần thiết như: yêu nước, thương

1
dân, cần, kiệm, liêm, chính, vị tha, bao dung, trách nhiệm, thẳng thắn, thật thà, dũng
cảm, dám hi sinh vì nghĩa lớn… Tóm lại, “thành nhân” là tổng hợp những giá trị
thuộc về con người. Vì vậy, muốn “thành nhân” phải trải qua một quá trình tích lũy,
quá trình tu dưỡng và rèn luyện về mọi mặt với một ý chí, nghị lực và tinh thần tự giác
cao. Khổng Tử đã khái quát về nhân: Người có đức nhân là người phải nghiêm trang,
tề chỉnh; rộng lượng, khoan dung; đức tín, lòng thành; siêng năng, cần mẫn; bố đức,
thi ân. Và ông lý giải: Nghiêm trang, tề chỉnh sẽ làm người khác không dám khinh
nhờn; rộng lượng, khoan dung sẽ làm người khác bị thu phục; đức tín, lòng thành sẽ
làm người khác tin cậy; thi ân, bố đức sẽ làm người khác nghe lời; cần mẫn, siêng
năng sẽ mang lại nhiều điều bổ ích.
“Thành danh” có thể hiểu là công danh, là sự nghiệp mà con người có được
thông qua sự phấn đấu tự giác của mỗi người. “Thành danh” còn là lượng tri thức
chuyên môn trong một lĩnh vực nhất định để từ đó con người có được những thành
công hay có thể gọi đó là thành đạt. “Thành danh” cũng có thể hiểu là những người có
tài và nhờ có tài mà đạt đến một địa vị nhất định trong xã hội ở những lĩnh vực cụ thể.
Ví dụ, nhờ tài năng trong chính trị mà họ trở thành chính khách, nhờ tài năng trong
sản xuất kinh doanh mà họ trở thành những ông chủ giàu có, nhờ tài năng trong
nghiên cứu khoa học mà họ trở thành nhà bác học nổi tiếng… Như vậy, “thành danh”
ở một góc độ nhất định chính là sự thành công, là việc đạt được những mục tiêu của
cuộc đời mà mỗi người định ra cho mình.
Giữa “thành nhân” và “thành danh” có mối quan hệ biện chứng không thể tách
rời, có thể coi là hai mặt trong một con người hoàn thiện. “Thành nhân” là điều kiện,
là cơ sở của “thành danh”, và ngược lại “thành danh” giúp cho cái “nhân” hoàn thiện
hơn, đúng nghĩa hơn. Muốn làm nên sự nghiệp thì trước hết phải biết làm người. Con
người chân chính, đạo đức, nhân văn sẽ là nền tảng của sự thành công, thành tựu trong
sự nghiệp.
Với một con người, có “thành danh” hay không, hay “thành danh” đến mức độ
nào sẽ được quyết định bởi yếu tố “nhân” trong chính con người đó. Bởi vì nếu không
“thành nhân”, không “nên người” thì cũng chẳng bao giờ có danh tiếng, tên tuổi hay
thành công. Nếu coi “thành nhân” là sự hoàn thiện về đạo đức, “thành danh” là kết
quả của tài năng, thì Bác Hồ đã có quan điểm rất hay khi nói về mối quan hệ này. Đó
là, đức và tài, hồng và chuyên, phẩm chất và năng lực thống nhất làm một. Trong đó
đức là gốc của tài, hồng là gốc của chuyên, phẩm chất là gốc của năng lực. Tài là thể
hiện cụ thể của đức trong hiệu quả hành động. Từ đó Bác Hồ khẳng định: Có đức mà

2
không có tài thì làm việc gì cũng khó, còn có tài mà không có đức là người vô dụng.
Điều này hoàn toàn phù hợp với triết lý giáo dục “thành nhân trước thành danh”.
3. Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh – Định hướng cơ bản của “thành nhân”
Khi khẳng định “nhân” là người, “nhân” là đức nhân, là đạo đức của con người
thì một nguyên tắc cơ bản được đặt ra là: Đạo đức, những chuẩn mực đạo đức mà
chúng ta xây dựng hiện nay là đạo đức mới, mang bản chất xã hội mới chứ không phải
đạo đức chung chung. Không phải đạo đức cũ, đạo đức nho giáo mà nó đã ảnh hưởng
rất sâu sắc trong lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam. Nói thế không có nghĩa là
hiện nay chúng ta xây dựng một nền đạo đức mới là phủ định tất cả những giá trị của
đạo đức cũ, đạo đức nho giáo. Mà ngược lại, chúng ta chọn lọc, kế thừa và phát triển
để xây dựng những chuẩn mực của đạo đức mới. Nói như Bác Hồ, đó là đạo đức cách
mạng, đạo đức xã hội chủ nghĩa.
Phải khẳng định nguyên tắc trên vì định hướng cho “thành nhân” trong triết lý
giáo dục của Trường Đại học Văn Hiến hiện nay cũng không nằm ngoài nguyên tắc
đó. Tức là định hướng trên cơ sở những chuẩn giá trị đạo đức mới. Hồ Chí Minh là
một trong những nhà tư tưởng, những lãnh tụ cách mạng đã bàn nhiều nhất đến vấn đề
đạo đức. Bác Hồ không để lại những tác phẩm đạo đức lớn, nhưng những tư tưởng lớn
về đạo đức của Bác Hồ đã nằm trong những bài viết, bài nói ngắn gọn, được diễn đạt
rất cô đọng, hàm súc theo phong cách phương Đông, rất quen thuộc với con người
Việt Nam. Bản thân Bác Hồ lại thực hiện trước nhất, nhiều nhất những tư tưởng ấy,
nhiều hơn cả những điều Bác đã nói, đã viết về đạo đức. Bác Hồ vừa là nhà đạo đức
học lớn, lại vừa là tấm gương đạo đức trong sáng nhất, tiêu biểu nhất của Việt Nam
trong thời đại mới.
Như vậy, việc định hướng cho “thành nhân” trong triết lý giáo dục của đại học
Văn Hiến không chỉ là những quan điểm, chuẩn mực xây dựng đạo đức mới mà còn là
học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ.
Trước khi đi vào những quan điểm đạo đức và tấm gương đạo đức Hồ Chí
Minh để tuyên truyền, giáo dục cho sinh viên, thanh niên để họ “thành nhân” và sớm
“thành danh”, chúng ta thử xem Bác Hồ đã nghĩ, đã nói về sinh viên, thanh niên như
thế nào.
Khi nói về thanh niên bao giờ Hồ Chí Minh cũng khẳng định: Thanh niên là
lớp người trẻ tuổi có hoài bão, ước mơ giàu nghị lực và rất khát khao với lý tưởng cao
đẹp, có đức xả thân vì nghĩa lớn và lòng vị tha sâu sắc. Đó là lứa tuổi sung sức, vươn
lên và đón nhận; lứa tuổi ham hiểu biết, khám phá và tự thể nghiệm mình. Đó là lứa

3
tuổi nhạy cảm với cái mới, cái đẹp và cái tiến bộ. Với tính cách và tâm lý ấy nếu được
giáo dục tốt, một sự giáo dục tiến hành trên cơ sở tạo ra những điều kiện vật chất và
tinh thần cho sự phát triển tính cách; đồng thời biết định hướng và động viên đúng
mức thanh niên sẽ say sưa với lý tưởng sống cao đẹp, phát huy tài năng và tính sáng
tạo, sẵn sàng hy sinh vì đại nghĩa. Để làm được điều đó và để xứng đáng là thế hệ kế
thừa sự nghiệp cách mạng vẻ vang của cha anh, Hồ Chí Minh đặc biệt chú ý đến việc
giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên, nhằm giúp họ trở thành những công dân
tốt, người lao động tốt, người chiến sĩ tốt, người chủ xứng đáng của đất nước, và là
người cách mạng chân chính.
Nội dung cơ bản trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, những căn cứ, những
định hướng cho “thành nhân” chính là bốn chuẩn mực đạo đức của con người Việt
Nam mới mà Người đã xác định.
Thứ nhất, trung với nước, hiếu với dân. Đây là phẩm chất quan trọng nhất, bao
trùm nhất, cũng là mối quan hệ lớn nhất của mỗi người với đất nước mình, nhân dân
mình, dân tộc mình. Sẵn sàng hi sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của
nhân dân.
Thứ hai, thương yêu con người và sống có tình, có nghĩa. Đây là phẩm chất đạo
đức cao đẹp nhất. Đó là tình cảm, tình yêu thương rộng lớn được thể hiện trong các
mối quan hệ bạn bè, đồng chí, gia đình, với mọi người bình thường trong quan hệ
hàng ngày. Muốn vậy phải nghiêm khắc với mình, rộng rãi, độ lượng, vị tha và tôn
trọng con người.
Thứ ba, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Đây là phẩm chất đạo đức gắn
liền với hoạt động hàng ngày của mỗi người. Cần là siêng năng, chăm chỉ, lao động có
kế hoạch và hiệu quả. Kiệm là tiết kiệm thời gian, công sức, của cải, không hoang phí.
Liêm là trong sạch, không tham lam. Chính là thẳng thắn, đứng đắn. Chí công vô tư là
công bằng, công tâm, không thiên vị, không nghĩ đến mình trước mà nghĩ đến việc
chung, đến mọi người.
Thứ tư, có tinh thần quốc tế trong sáng, thủy chung. Đây là phẩm chất đạo đức,
yêu cầu đạo đức của mối quan hệ rộng lớn, vượt qua khuôn khổ quốc gia, dân tộc. Đó
là sự tôn trọng, hiểu biết, thương yêu và đoàn kết với tất cả các dân tộc và nhân dân
các nước trên thế giới. Tinh thần quốc tế trong sáng là phải chống lại sự chia rẽ, hằn
thù, bất bình đẳng, dân tộc hẹp hòi và sô vanh nước lớn.
Trên đây là bốn chuẩn mực đạo đức của con người Việt Nam mới theo quan
điểm của Bác Hồ, là cơ sở cho việc tu dưỡng và rèn luyện đạo đức của mỗi người, của

4
mỗi thanh niên, sinh viên. Bên cạnh đó việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức
của Bác cũng được thể hiện ở các nội dung sau:
Một là, học trung với nước, hiếu với dân, suốt đời đấu tranh cho sự nghiệp giải
phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người.
Hai là, học cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, đời riêng trong sáng, nếp
sống giản dị và đức khiêm tốn phi thường.
Ba là, học đức tin tuyệt đối vào sức mạnh của nhân dân, kính trọng dân và hết
lòng phục vụ nhân dân, luôn nhân ái, vị tha, khoan dung, nhân hậu và độ lượng với
con người.
Bốn là, học tấm gương về ý chí, nghị lực tinh thần to lớn, quyết tâm vượt qua
mọi thử thách, gian nguy để đạt được mục đích cuộc sống.
Như vậy, quá trình giáo dục đạo đức cho thanh niên, sinh viên là làm cho họ
lĩnh hội đươc những quy tắc, những ưu điểm của đạo đức cách mạng để biến những
quy tắc chuẩn mực đó thành niềm tin của mọi người, đó phải là quá trình tổ chức toàn
bộ cuộc sống cho thanh niên, tổ chức những hoạt động, những mối quan hệ xã hội của
thanh niên theo những nguyên tắc và chuẩn mực đề ra. Trong suốt cuộc đời hoạt động
của mình, Bác Hồ luôn quan tâm bồi dưỡng cho các thế hệ thanh niên Việt Nam. Tất
cả đều thấm đượm tình cảm thương yêu, nhân ái, nhân đạo và nhân văn sâu sắc. Đó là
những chỉ dẫn quan trọng cho việc rèn luyện, giáo dục thanh niên trong giai đoạn mới
hiện nay. Đó cũng chính là những tiêu chí để thanh niên, sinh viên “rèn đức, luyện
tài”. Đó là cơ sở không thể thiếu để các bạn sinh viên trường Đại học Văn Hiến thực
hiện tốt nhất tinh thần giáo dục “Thành nhân trước thành danh”.
4. Kết luận
“Nhân” là một phạm trù rộng, là tổng hợp một hệ các giá trị và phẩm chất của
con người, trong đó đạo đức là nội dung cốt lõi, là hạt nhân của hệ giá trị và phẩm
chất đó. Vì vậy để “thành nhân” và chỉ có “thành nhân” thì mới “thành danh”, đúng
theo triết lý giáo dục của Trường Đại học Văn Hiến thì việc học tập và thấm nhuần tư
tưởng đạo đức mới, chuẩn mực đạo đức mới mà Bác Hồ đã xây dựng là một yêu cầu
mang tính nguyên tắc. Đồng thời việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức trong
sáng của Bác Hồ sẽ là cơ sở cho việc tu dưỡng và rèn luyện để “thành nhân” của sinh
viên, thanh niên Việt Nam nói chung và sinh viên Trường Đại học Văn Hiến nói riêng
là vô cùng cần thiết và cấp bách hiện nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

5
1. Hồ Chí Minh (2010). Toàn tập, tập 4. Nhà xuất bản CTQG, HN.
2. Hồ Chí Minh (2010). Toàn tập, tập 5. Nhà xuất bản CTQG, HN.
3. Hồ Chí Minh (2010). Toàn tập, tập 9. Nhà xuất bản CTQG, HN.
4. Hồ Chí Minh (2010). Toàn tập, tập 12. Nhà xuất bản CTQG, HN.
5. Hồ Chí Minh (1980). Về giáo dục thanh niên. NXB Thanh Niên, Hà Nội.
6. Hồ Chí Minh (1977). Vì độc lập tự do vì Chủ nghĩa xã hội. NXB Sự Thật, HN.
7. Vũ Tình (1998). Đạo đức học phương Đông cổ đại. NXB CTQG, HN.

You might also like