You are on page 1of 2

TẠI SAO CHÚNG TA MƠ?

Có lẽ ai cũng biết rằng, một người trung bình dành ra 8 tiếng một ngày để ngủ, tức là
khoảng 1/3 cuộc đời của mình. Nhưng bạn có biết rằng, chúng ta cũng dành ra khoảng
từ 5 đến 6 năm cuộc đời để mơ đấy.

Ai cũng không thể phủ nhận tầm quan trọng của giấc ngủ: giúp cơ thể chúng ta được
nghỉ ngơi, hỗ trợ quá trình tăng trưởng của trẻ nhỏ, giúp cải thiện trí nhớ, tăng khả
năng tập trung và sức sáng tạo,… Vậy, còn những giấc mơ thì sao? Bạn đã từng bao
giờ tự hỏi tại sao chúng ta lại mơ chưa?

Những giấc mơ thường khá kì quái, thậm chí còn đáng sợ hệt như phim kinh dị, kiểu
như bị rơi xuống một hố sâu hun hút, bị một con quái vật tấn công khi đang đi trên
đường, rồi bị trượt bài kiểm tra,… Hồi nhỏ, tôi cũng đã từng mơ có người cắt mất đuôi
cá của nàng Ariel, cho lên giá nướng rồi mời tôi ăn. Giờ nhớ lại vẫn còn sợ run. Chính
vì những giấc mơ lạ lùng như vậy mà chúng ta thường bỏ qua chúng, coi chúng là vô
nghĩa và ngớ ngẩn. Tuy nhiên, nếu dành thời gian xem xét kỹ hơn, bạn sẽ thấy, những
giấc mơ có thể chứa đựng rất nhiều điều thú vị đấy.

Có rất nhiều nhà tâm lý đã cho ra những học thuyết nổi tiếng lý giải về mục đích của
giấc mơ. Ví dụ như nghiên cứu của William Domhoff đã chỉ ra, giấc mơ phản ánh
những suy nghĩ và mối quan tâm của người sở hữu nó trong đời sống lúc tỉnh. Hay,
quan điểm của Calvin Hall cho rằng, giấc mơ là một phần của quá trình nhận thức và
chúng ta có thể học được những điều mới khi nằm mơ. Tuy nhiên, khi nói đến giấc
mơ, thì ta không thể không nhắc đến một người. Bạn có biết đó là ai không? Đúng rồi,
là Sigmund Freud.

Trong cuốn sách “Giải mã giấc mơ” (The Interpretation of Dreams) của mình, Freud
khẳng định rằng, giấc mơ là nơi mà những điều ước ngoài đời thực trở thành hiện thực.
Ông lý giải tính chất kỳ quặc của những giấc mơ là do cuộc đấu tranh giữa cái tôi
“ego” và cái siêu tôi “superego”, chống lại cái ấy “id”. Đó là 3 thành tố tạo nên tính
cách một con người, trong đó cái ấy là bản năng động vật, cái tôi là con người hiện
thực và siêu tôi là những chuẩn mực đạo đức xã hội. Cái ấy tuân theo nguyên lý thỏa
mãn, nó đáp ứng lại nhu cầu và ham muốn của con người bằng cách tìm kiếm sự dễ
chịu ngay tức khắc. Tuy nhiên, những hành vi bị thống trị bởi nguyên lý thỏa mãn
thường mang tính phá hoại và không được xã hội chấp nhận. Cái tôi giúp điều hòa
chúng trở nên phù hợp hơn với các quy tắc xã hội, còn siêu tôi thì đối lập hoàn toàn
với cái ấy – nó đàn áp tất cả các khao khát xấu xa.

Khi chúng ta tỉnh táo, cái tôi và siêu tôi thường lấn át cái ấy. Còn khi chúng ta chìm
vào giấc ngủ sâu, cái ấy trỗi dậy và để những ham muốn biểu hiện qua những giấc mơ.
Cái tôi và siêu tôi yếu đi, nhưng vẫn còn hiện hữu – vì thế, chúng bóp méo cảnh trong
mơ theo hướng che lấp đi những ý tưởng thực sự bằng các hình ảnh biểu tượng mơ hồ
và khó hiểu. Để dễ hiểu hơn, bạn có thể coi cái ấy là một người làm phim – chuyên
làm những bộ phim có chứa các yếu tố nhạy cảm, còn cái tôi và siêu tôi giống như
những nhà kiểm duyệt và chỉnh sửa phim.

Trong đời sống hiện đại ngày nay, khi chúng ta đang sống trong một xã hội ngày càng
đề cao các thiết chế, quy tắc cũng như các chuẩn mực đạo đức, hầu như mọi nhu cầu
và thôi thúc cá nhân thường bị kìm nén hoặc lãng quên. Và một khi cảm xúc của con
người bị đè nén quá mức, sẽ gây ra những vấn đề bất thường về sức khỏe sinh lý và
tâm lý. Vì vậy, bạn cần hiểu được những nhu cầu và ham muốn của mình rồi kịp thời
thỏa mãn nó, để có thể điều hòa và cân bằng các trạng thái tâm thần. Diễn giải những
giấc mộng là một trong những phương pháp hiệu quả để làm điều này.

Tuy nhiên, trước những chi tiết và hình ảnh khó hiểu mà chính bản thân người sở hữu
cũng khó lý giải được của những giấc mơ, làm sao chúng ta có thể lý giải chúng? Thời
lượng radio tuần này đã hết rồi, nên chúng ta sẽ bàn tiếp về điều này vào số radio tuần
sau của Blog Tâm lý học bạn nhé.

Tài liệu tham khảo


[1] CrashCourse, (2014). To Sleep, Perchance to Dream: Crash Course Psychology #9. [video]
www.youtube.com.
Available at: https://www.youtube.com/watch?v=rMHus-
0wFSo&list=PL8dPuuaLjXtOPRKzVLY0jJY-uHOH9KVU6&index=10 [Accessed on 20 Jan. 2021].

[2] Như Trang, (2018). Bản năng, bản ngã và siêu ngã (The Id, The Ego and The Superego). [online]
trangtamly.blog.
Available at: https://trangtamly.blog/2018/11/21/ban-nang-ban-nga-va-sieu-nga-the-id-the-ego-and-
the-superego/ [Accessed on 21 Jan. 2021].

[3] Như Trang, (2020). Freud nói gì về giải mã giấc mơ?. [online] trangtamly.blog.
Available at: https://trangtamly.blog/2020/03/21/freud-noi-gi-ve-giai-ma-giac-mo/ [Accessed on 20
Jan. 2021].

You might also like