You are on page 1of 3

NHỮNG CƠ CHẾ CỦA GIẤC MƠ

Chào mừng các bạn đã quay trở lại với số radio thứ hai của Blog Tâm lý học nói về
những giấc mơ.

Trong số radio trước, chúng ta đã cùng trả lời câu hỏi “Tại sao chúng ta mơ?” dựa trên
quan điểm của Sigmund Freud. Nếu bạn còn nhớ, thì Freud cho rằng, giấc mơ là nơi
những suy nghĩ, động cơ và khao khát sâu thẳm của chúng ta được thể hiện – một cách
có hạn chế – vì cái tôi và siêu tôi luôn ở đó, ngăn cản chúng ta mơ đến những điều
mang tính chất 18+. Và nếu bạn còn nhớ kỹ hơn, thì tôi cũng đã hứa hẹn rằng, chúng
mình sẽ đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “Làm các nào để có thể lý giải những giấc mơ?”
trong số radio này, đúng không? Nhưng trước khi bàn về điều đó, thì chúng mình sẽ
tìm hiểu về những cơ chế của giấc mơ trước đã nhé? Bù lại, chúng ta sẽ giải quyết vấn
đề đó vào số radio sau. Tôi xin chắp tay và cúi đầu xin lỗi bạn một cách chân thành vì
đã thất hứa, nhưng tôi đảm bảo với bạn rằng, chủ đề lần này của chúng ta cũng rất thú
vị đấy.

Bắt đầu thôi nào!

Trong cuốn “Giải mã giấc mơ”, Freud đã chia một giấc mơ thành 2 phần: “ý tưởng
tiềm ẩn” và “nội dung biểu hiện”. Giải thích hai khái niệm này, Freud đã nói: “Nội
dung biểu hiện của giấc mơ là cái thay thế đã bị biến đổi đi của những ý tưởng tiềm ẩn
và sự biến đổi này là công việc của một cái tôi tự bảo vệ”. Trong đó, sự thay thế và
biến đổi được thực hiện qua 5 cơ chế: cô đặc, di chuyển, kịch hóa, biểu tượng hóa, và
xem xét lại.

Chúng ta sẽ xem xét 5 cơ chế này bằng cách diễn giải một giấc mơ cụ thể nhé. Một nữ
bệnh nhân của nhà tâm lý học Frink – đồng nghiệp của Freud, nằm mơ thấy mình đi
dạo cùng một người bạn gái, rồi dừng lại trước một quầy hàng bán những chiếc mũ.
Cô bước vào quầy hàng, mua một chiếc mũ – và giấc mơ kết thúc. Tuy ngắn ngủi như
vậy, nhưng khi phân tích giấc mơ ấy, Frink lại khai thác ra những ý tưởng tiềm ẩn vô
cùng rộng lớn và phong phú. Đó chính là sự cô đặc. Người phụ nữ kể rằng, hôm ấy
chồng cô phải nằm ở nhà vì ốm. Một căn bệnh vặt vãnh, nhưng không hiểu sao, cô lại
có ý nghĩ lo sợ chồng mình có thể chết. Vậy là, cô được chồng khuyến khích đi dạo
cùng bạn để khuây khỏa đầu óc.

Khi đi dạo, cô kể với bạn về một người đàn ông trước khi cưới và thú nhận rằng cô đã
yêu người ấy. Frink hỏi tại sao hồi đó cô không lấy anh ta. Người phụ nữ trẻ cười và
nói không thể như thế được: về tài sản và địa vị xã hội, anh ta đứng cao hơn cô nhiều
đến mức cô không dám ảo tưởng về chuyện đó.
Frink yêu cầu nữ bệnh nhân liên tưởng về việc mua mũ. Cô nói rằng mình đã muốn
mua một chiếc, nhưng không thể vì không có đủ điều kiện kinh tế. Nói đến đây, người
phụ nữ bỗng nhớ lại rằng, trong giấc mơ cô đã mua một chiếc mũ đen – màu của mũ
tang.

Như vậy, trong giấc mơ của nữ bệnh nhân, cuộc đi dạo thật ra chẳng quan trọng gì
nhưng lại là điều đầu tiên được nhớ lại, trong khi ký ức về chiếc mũ tang – chìa khóa
mở toàn bộ cảm xúc nằm bên dưới giấc mơ, lại gần như bị bỏ quên. Đó chính là sự di
chuyển – cơ chế ngụy trang những xúc cảm của các ý tưởng tiềm ẩn bằng cách nhiễu
loạn những phần quan trọng và những phần vụn vặt trong giấc mơ. Sự di chuyển khiến
cho một giấc mơ có nội dung biểu hiện nhàm chán nhưng lại ẩn giấu những tình cảm
mãnh liệt, trong khi một giấc mơ khủng khiếp hoặc quan trọng lại có thể được nhớ tới
mà không hề có một xúc cảm có ý thức nào.

Frink lý giải giấc mơ của nữ bệnh nhân như sau: “Trước khi nằm mơ, nữ bệnh nhân ấy
đã sợ chồng mình chết. Cô ta mơ thấy mình mua một chiếc mũ tang, và như vậy là đã
thực hiện một sự tưởng tượng về cái chết. Trong cuộc đời thực, cô ta không thể mua
được chiếc mũ vì chồng nghèo. Còn trong giấc mơ, cô ta lại có thể mua được. Điều
này giả định cô ta có một ông chồng giàu… Kết luận: người phụ nữ trẻ kia đã mệt mỏi
vì chồng mình, cô ta muốn chồng mình chết từ trong vô thức; việc cô ta sợ chồng mình
chết chỉ là một quá trình bù đắp, một phản ứng tự vệ chống lại ý muốn của cô ta: cô ta
muốn lấy người đàn ông mình đã yêu và có đủ tiền để thỏa mãn tất cả những sở thích
của mình.”

Chiếc mũ đen ẩn dụ cho sự tưởng tượng về cái chết mà Frink đã nêu ra chính là một ví
dụ của sự biểu tượng hóa. Mặc dù biểu tượng hóa và di chuyển đều liên quan đến bóp
méo và ẩn dụ, nhưng trong khi lý giải sự di chuyển đòi hỏi chúng ta phải có một sức
liên tưởng mạnh mẽ, đôi khi phải thâm nhập nhiều vào đời sống của người nằm mơ
mới có thể làm được; thì biểu tượng hóa cho phép ta lý giải giấc mơ theo những
thường thức thông thường. Biểu tượng hóa được Freud nhắc đến nhiều trong tính dục,
ông đã đưa ra một loạt các biểu tượng của cơ quan sinh dục nam nữ và sự thỏa mãn
khoái lạc trong chương 10 của “Phân tâm học nhập môn”.

Sự kịch hóa kết nối những hình ảnh rời rạc của nội dung biểu hiện thành những thước
phim rất đỗi sống động, nhưng lại thiếu đi liên kết và sự nhất quán. Tuy nhiên khi nằm
mơ, chúng ta sẽ không nhận ra được sự phi logic đó – điều đó chỉ được phát hiện sau
khi tỉnh lại. Đó là lý do tại sao câu chuyện trong mơ thường ngớ ngẩn đối với người
ngoài, nhưng lại có thể khơi gợi những kích thích mạnh mẽ từ người sở hữu nó.

Sự xem xét lại diễn ra khi người nằm mơ tỉnh dậy và muốn đem lại những ý nghĩa
nhất định cho giấc mơ lộn xộn của mình. Như vậy, quá trình nữ bệnh nhân kể lại giấc
mơ của cô cho Frink chính là quá trình xem xét lại. Đây là yếu tố cần thiết để con
người có thể hiểu được giấc mơ của mình trong trạng thái thức, nhưng chúng ta
thường rất dễ thêm những yếu tố sai lệch vào nội dung biểu hiện, dẫn đến các ý tưởng
tiềm ẩn bị hiểu bóp méo và hiểu sai.

Như vậy, chúng ta đã đi hết tất cả 5 cơ chế của giấc mơ rồi. Bạn có hài lòng về buổi
tâm sự ngày hôm nay không? Vào những số radio tiếp theo của chủ đề “Diễn giải giấc
mơ”, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu những khía cạnh thú vị hơn, để bạn có thể học
cách tự mình lý giải những giấc mơ của bản thân cũng những của những người khác
nhé.

Tài liệu tham khảo:


[1] Khoa học về giấc mơ – Freud đã thực sự nói gì (Phần 1), (2019). [online] oopsy.vn. Available at:
http://oopsy.vn/blog/nhan-cach/khoa-hoc-ve-giac-mo-freud-da-thuc-su-noi-gi-phan-1-329 [Accessed
on 23 Jan. 2021].

[2] Khoa học về giấc mơ – Freud đã thực sự nói gì (Phần 2), (2019). [online] oopsy.vn. Available at:
http://oopsy.vn/blog/nhan-cach/khoa-hoc-ve-giac-mo-freud-da-thuc-su-noi-gi-phan-2-330 [Accessed
on 23 Jan. 2021].

[3] Khoa học về giấc mơ – Freud đã thực sự nói gì (Phần 3), (2019). [online] oopsy.vn. Available at:
http://oopsy.vn/blog/nhan-cach/khoa-hoc-ve-giac-mo-freud-da-thuc-su-noi-gi-phan-3-331 [Accessed
on 23 Jan. 2021].

[4] Kim Phụng, (2018). Về “Giải mã giấc mơ” của Sigmund Freud. [online] ybox.vn.Available at:
https://ybox.vn/gia-vi/ve-giai-ma-giac-mo-cua-sigmund-freud-kmdhoxmiqm?
fbclid=IwAR2HUBEXWRTQTIF3xJrkGXmA7i7UxpqUEpu-e_wpO9BPP8Ka1PLBSriunb8
[Accessed on 23 Jan. 2021].

You might also like