You are on page 1of 100

TÂM LÝ HỌC VƯ–GỐT–XKI

TÂM LÝ HỌC VƯ–GỐT–XKI

TẬP MỘT
KHẢO CỨU, GHI CHÉP, TÓM TẮT,
BÌNH LUẬN, DỊCH THUẬT

Tác giả: PHẠM MINH HẠC

LỜI NÓI ĐẦU

Năm 1996, các nhà tâm lý học thế giới kỷ niệm 100 năm ngày sinh hai
nhà tâm lý học kiệt xuất của thế kỷ XX: Lép Vưgôtxki và Giăng Piagiê.

Hội khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với Cộng hoà liên
bang Nga và Thụy Sĩ để phối hợp tổ chức một số hoạt động khoa học tưởng
nhớ công lao của hai nhà tâm lý học, một ở Liên Xô (cũ), một ở Thụy Sĩ, hết
sức tiêu biểu cho nền tâm lý học khoa học của thế giới ngày nay; và điều chủ
yếu hơn - để học tập, vận dụng các lý thuyết của hai ông vào giảng dạy và
nghiên có tâm lý học.

Về phía Thụy Sĩ, Đại sứ quán Thụy Sĩ ở Hà Nội, nhất là ông bà Đại sứ,
ủy ban quốc gia Thụy Sĩ kỷ niệm 100 năm ngày sinh G.Piagiê đã hết lòng
cộng tác. Kết quả là đã tổ chức triển lãm, dịch sách và hội thảo về tâm lý học
Piagiê.

Từ phía Nga, rất tiếc, không bắt được liên lạc! Chúng tôi hết sức áy
náy, không yên lòng và suốt năm qua không nguôi ý nguyện làm bằng được
công việc nói trên. Lục lọi tất cả tủ sách gia đình và tranh thủ mọi thời gian có
thể trong suốt ba tháng qua đến hôm nay mới có tập sách này, trước hết để
tỏ lòng biết ơn nền tâm lý học Nga, các giáo sự và các nhà nghiên cứu tâm lý
học Nga, Trường ĐHTH Lômônôxốp Mátxcơva và Viện Tâm lý học Mátxcơva.
Phần thứ nhất của sách gồm ba bài: bài Lép Vưgốtxki - nhà tâm lý học
kiệt xuất của thế kỷ XX tôi viết năm 1996, cùng khoảng thời gian với bài viết
về G. Piagiê, để gửi đăng trong một vài tạp chí trong nước nhân dịp kỷ niệm
100 năm ngày sinh hai ông; bài Thân thế và sự nghiệp mới viết trong tháng
ba vừa qua, dựa theo cuốn sách Lép Vưgôtxki của Iarôsépxki và một số tư
liệu cũng như thông tin, cảm nhận của tôi thu thập từ trước tới nay. Bài thứ ba
có cùng tên gọi với cuốn sách này là một chương trong luận án Tiến sĩ tôi tiến
hành nghiên cứu từ 1973 trên 1976 và bảo vệ thành công tháng 6/1977.

Phần thứ hai gồm ba bài tôi đọc và ghi chép tóm tắt hồi 1973 - 1976.
Trong này có một số đoạn là đoạn trích nguyên văn và nay tôi dịch từ tiếng
Nga sang tiếng Việt. Các đoạn khác là tôi tóm tắt ý của tác giả, một số chỗ có
ghi chú lời nhận xét, bình luận, cách tôi hiểu tác phẩm. Các đoạn này ghi
phần lớn bằng tiếng Nga và có phần bằng tiếng Việt bây giờ đọc lại, hiểu lại,
có phần suy ngẫm và ít nhiều có liên hệ với các thành tựu tâm lý học trong
mấy chục năm qua, viết ra bằng tiếng Việt cho có mạch văn để người đọc có
thể đọc được ấy là hy vọng như thế! Về phần mình, tôi đã cố gắng giữ được
tinh thần cốt lõi của các tác phẩm của nhà tâm lý học lỗi lạc Vưgôtxki.

Phần thứ ba gồm ba bài tôi dịch tác phẩm của Vưgốtxki, một bài dịch
hồi 1975 - 1976, hai bài mới dịch năm nay. Ở đây không có sự lựa chọn: may
và có được như vậy và đưa vào tập sách này.

Trong vở ghi chép của tôi còn có một số bài viết về tâm lý học
Vưgốtxki, nhất là những bài của các cộng sự của ông mà sau cũng trở thành
những nhà tâm lý học rất nổi tiếng ở nước Nga như A.N. Lêônchiép, A.R.
Luria, P.Ia.Ganpêrin, D.B. Encônhin, v.v... Gần đây, ở Giơnevơ (Thụy Sĩ) có
ra một tập san Piagiê và Vưgốtxki được UNECSO tài trợ. Nhiều nước, như
Mỹ, Đức cũng đã xuất bản một số tập sách chuyên khảo về Vưgốtxki. Cũng
hy vọng là sẽ liên hệ lại được với Hội Tâm lý học Nga và sẽ có “Toàn tập
L.Vưgốtxki" cũng như tập Kỷ yếu hội thảo kỷ niệm 100 ngày sinh L. Vưgốtxki
của giới tâm lý học Nga.
Lần này được sự giúp đỡ hết sức nhiệt tình cùng với một tình cảm hết
sức quý báu của Nhà xuất bản Giáo dục, tập sách này được ra mắt bạn đọc.
Và tin rằng sẽ có các tập tiếp theo để các nhà tâm lý học và giáo dục học, triết
học và y học, v.v... có tài liệu đọc trực tiếp Vưgốtxki và các kết quả vận dụng
tư tưởng xuất sắc của ông.

Bản thân chúng tôi cùng một số cộng sự mấy năm gần đây rất chú ý
đến Tâm lý học phát triển với khái niệm phát triển người của Vưgốtxki và
Piagiê, kết hợp phương pháp tiếp cận hoạt động với phương pháp tiếp cận
giá trị, đem tâm lý học đóng góp vào việc xây dựng và phát triển khoa học về
con người Việt Nam, trong đó có một vấn đề trung tâm là vấn đề con người
văn hoá.

Tập sách hẳn còn phải được bổ sung, sửa chữa, hoàn thiện... Chúng
tôi rất mong đợi sự chỉ bảo của quý bạn đọc và các bạn đồng nghiệp.

14-4-1997
TÁC GIẢ

Phần một. KHẢO CỨU

I. LÉP VƯ-GỐT-XKI NHÀ TÂM LÍ HỌC KIỆT XUẤT CỦA THẾ KỈ XX


Năm nay, giới tâm lý học thế giới và nhân loại tiến bộ kỷ niệm 100 năm
ngày sinh của Lép Vưgốtxki (1896 - 1984) - nhà tâm lý học Nga vĩ đại. Ông là
người đặt nền móng cho tâm lý học hoạt động là nền tâm lý học lấy khái niệm
hoạt động trong học thuyết mácxít làm khái niệm công cụ then chốt nhất để
đưa nền tâm lý học thoát khỏi tình trạng khủng hoảng, bế tắc do đường lối
duy tâm, nội quan, thần bí hoá tâm lý người và đường lối duy vật máy móc,
sinh vật hoá tâm lý người tạo nên hồi cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX.
Vưgốtxki và Piagiê được coi là hai cột trụ lớn nhất của tâm lý học hiện đại.

Ông đã phân tích một cách khoa học sự đóng góp tích cực của các
dòng phái tâm lý học hồi đó, như tâm lý học hành vi chủ nghĩa, tâm lý học
phân tâm, tâm lý học ghestan, phản xạ học, phản ứng học là đều có cùng một
ý đồ hết sức đáng trân trọng: bằng mọi cách phải đưa tâm lý học phát triển
theo phương pháp khách quan. Nhưng các nền tâm lý học vừa nêu đều có
một hạn chế chung là chưa tính đến một cách đầy đủ tính xã hội, tính lịch sử
của tâm lý con người. Vưgốtxki đề xuất phải xây dựng nền tâm lý học thực sự
con người mà ông gọi là tâm lý học lịch sử. Nền tâm lý học này lấy hoạt động
lao động của con người làm mô hình để nghiên cứu và phát triển tâm lý
người; coi tâm lý con người như một hoạt động, nghĩa là nó cũng có đối
tượng, có công cụ, có chủ thể lao động và sản phẩm. Tương tự như trong
hoạt động lao động có công cụ lao động, trong hoạt động tâm lý cũng có công
cụ tâm lý (thắt nút để nhớ, dùng hột ngô để đếm, cao hơn nữa là từ ngữ, chữ
viết, con số, hình ảnh, hình tượng...). Ông viết tác phẩm Công cụ và dấu hiệu
vào đầu những năm 1930, đến gần đây vẫn chưa xuất bản. Sau này, A. N.
Lêônchiép phát triển, xây dựng thành mô hình cấu trúc vĩ mô của hoạt động
bao gồm một bên là hoạt động, hành động, thao tác và một bên là động cơ,
mục đích, điều kiện. Vưgốtxki đưa ra nguyên tắc gián tiếp: các chức năng tâm
lý giữ vai trò công cụ trong quá trình con người làm chủ bản thân và tác động
vào môi trường, theo đây một loạt công trình nghiên cứu về chú ý, trí nhớ, tư
duy... đã được tiến hành và công bố trong cuối những năm 20 và đầu những
năm 30 của thế kỷ này. Kết quả nghiên cứu đã cho thấy sự phát triển tâm lý là
đi từ các chức năng tâm lý trực tiếp chuyển sang các chức năng tâm lý gián
tiếp (ví dụ, từ ghi nhớ trực tiếp chuyển sang ghi nhớ gián tiếp, v.v...). Và các
chức năng tâm lý gián tiếp được Vưgốtxki gọi là các chức năng tâm lý cấp
cao, đặc trưng của con người. Chính trong cơ chế gián tiếp này chứa đựng
cả kinh nghiệm lịch sử (thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau), kinh nghiệm
xã hội (người này truyền cho người kia) lẫn kinh nghiệm cá nhân (từng người
sáng tạo ra). Cơ chế gián tiếp được thực hiện bằng các công cụ tâm lý, trong
đó tư duy, ngôn ngữ, kí hiệu, trải nghiệm giữ vai trò cực kỳ quan trọng. Tác
phẩm Tư duy và ngôn ngữ Vưgốtxki viết năm 1934 được dịch ra nhiều tiếng
nước ngoài, được xuất bản ở Mỹ, Anh, Pháp, Đức, v.v..., và được đánh giá
rất cao. Tác phẩm này đã phản ánh những nội dung cơ bản của tâm lý học
Vưgốtxki.
Cũng như trong tác phẩm Lịch sử phát triển các chức năng tâm lý cấp
cao (1931), trong tác phẩm Tư duy và ngôn ngữ, tác giả đã khái quát lên
rằng, chính quá trình phát triển các chức năng tâm lý cấp cao là quá trình
từng con người lĩnh hội và phát triển văn hoá. Nguyên tắc phát triển là một
nguyên tắc bao trùm trong cuộc sống tâm lý. Do đó, người ta gọi tâm lý học
Vưgốtxki là tâm lý học văn hoá, gộp với tên gọi đã nêu ở trên, ta có tâm lý học
lịch sử - văn hoá.

Lý thuyết của Vưgốtxki đã được ứng dụng rộng rãi vào nghệ thuật (ở
ta, tác phẩm Tâm lý học nghệ thuật của ông đã được dịch ra tiếng Việt và
xuất bản hai lần), vào ngôn ngữ học, dân tộc học, nhi khoa, và nhất là vào
giáo dục. Việc ứng dụng này dựa trên cơ sở toàn bộ lý luận tâm lý học do ông
đề ra, nhất là lý thuyết về sự phát triển nói chung và về vùng phát triển gần
nói riêng: với sự giúp đỡ của người lớn cần tổ chức cho trẻ hoạt động phù
hợp để trẻ có thể thể hiện năng lực cao hơn điểm phát triển dừng trước đó.
Lý thuyết thời kỳ nhạy cảm có ý nghĩa quan trọng trong việc tổ chức điều
khiển quá trình phát triển của trẻ em vì ở mỗi một tuổi, não bộ có một khả
năng bắt đầu tiếp thu nhanh và tốt hơn (so với tuổi khác) đối với một loại tác
động nhất định nào đó. Tất nhiên, khả năng đó ở trẻ này có thể không giống
trẻ khác. Lý thuyết thời kỳ nhạy cảm gắn bó với lý thuyết phát triển hệ thống
liên chức năng: các chức năng tâm lý bao giờ cũng hoạt động theo hệ thống,
trong đó tuỳ từng lứa tuổi, từng thời điểm của hoạt động mà một chức năng
nào đó giữ vai trò chính - lúc đầu cảm giác, tri giác là chính, sau có thể tư duy
là chính; có khi tư duy theo chỗ nhớ được, có lúc lại nhớ bằng tư duy, v.v...

Một nội dung cốt lõi trong tâm lý học Vưgốtxki là lý thuyết về nghĩa và ý.
Nói vắn tắt và đơn giản, nghĩa là nội dung của một từ mà tộc người nói từ đó
đã đặt vào nó và được mọi người nói chung đều hiểu như nhau, ý là nghĩa
riêng của một từ đối với một người ở một thời điểm nhất định, trong một hoàn
cảnh nhất định. Có lúc Vưgốtxki coi toàn bộ sự phát triển tâm lý tựu trung lại
là lĩnh hội các nghĩa và ý; coi nghĩa là "tế bào" của hoạt động. Chính lý thuyết
ý và nghĩa là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tâm lý học nghệ thuật của ông. Từ lý
thuyết này, ông đã góp phần xác định hướng xây dựng một tâm lý học hoạt
động hoàn chỉnh mà Lêônchiép, người cộng sự sau ông và tự coi là học trò
của Vưgốtxki, đã cùng với các bạn đồng nghiệp của mình phát triển lên và
khắc phục các hạn chế trong tâm lý học Vưgốtxki.

Vưgốtxki chỉ thọ có 38 tuổi. Ông tốt nghiệp đại học, rồi ra dạy tại một
trường sư phạm trung cấp ở một tỉnh lẻ gần biên giới Bêlarút và Ba Lan, sau
đó, nhờ công trình nghiên cứu thực nghiệm và những bài lý luận rất sắc sảo,
ông được mời về làm cán bộ của Viện Tâm lý học Mátxcơva. Cuộc đời khoa
học từ đấy chỉ có hơn 10 năm mà ông đã viết được khoảng 10 tập sách và
một số bài báo, tính ra có thể đến bốn, năm ngàn trang. Ông được coi là
người đặt nền tảng cho tâm lý học mác-xít. Ngày nay, giới tâm lý học thế giới
coi ông và Piagiê là hai người sáng lập ra tâm lý học phát triển
(developmental psychology) và giữ vai trò then chốt cho lý luận phát triển
người nói riêng cũng như cho các khoa học nghiên cứu con người nói chung.

II. THÂN THẾ, SỰ NGHIỆP


1. Quê hương và thời học phổ thông

Lép Xêmiônôvích Vưgốtxki sinh ngày 5-11-1896 ở thị trấn Oócsa, nước
Cộng hoà Bạch Nga (Bêlarút), sau chuyển về sinh sống ở thị trấn Gômen,
gần biên giới Bạch Nga - Ba Lan và tốt nghiệp phổ thông trung học (lớp 10) ở
đó cho đến năm 1913 khi ông thi đỗ vào Trường Đại học Tổng hợp Mátxcơva.
Tốt nghiệp đại học, ông lại quay về Gômen làm giáo viên. Bố ông là một nhân
viên ngân hàng, mẹ là người có học thức.

Lúc nhỏ, cậu bé Vưgốtxki học ở nhà với một ông thầy là cựu sinh viên
đã từng bị đi đày ở Xibêri vì tội hoạt động cách mạng. Hết lớp 6, cậu mới thi
vào học ở một trường tư thục. Khi học phổ thông trung học, cậu từng khởi
xướng và tổ chức các cuộc hội thảo về văn học, lịch sử và triết học, đề xướng
các chủ đề hội thảo. Cậu thường được tập thể tán thưởng và điều khiển các
hội thảo rất thành công, bản thân trình bày các báo cáo có nội dung sâu sắc
và hấp dẫn, kết luận hội thảo rất rành mạch, đầy thuyết phục. Nhờ vậy, sau
này, ông đã trở thành một nhà giáo dục nổi tiếng và người tổ chức, nghiên
cứu khoa học xuất sắc.

Ngay từ phổ thông trung học, cậu học sinh Vưgốtxki đã rất quan tâm
đến tri thức lịch sử và mặt triết học của lịch sử, đã thích thử áp dụng sơ đồ
luận đề - phản đề - tổng hợp luận đề (có khi nói vắn tắt là: đề - phản luận đề -
tổng đề). Cậu sớm đi sâu nghiên cứu tác phẩm Đạo đức học của Spinôda và
sau này ông đã nhiều lần quay lại tác phẩm này. Ông rất thích môn nghệ
thuật và thơ, nhất là thơ của Pukin, nhà thơ Nga vĩ đại và kịch Hămlét của
Sếchxpia. Sau này, ông đã hoàn thành một tác phẩm đồ sộ Tâm lý học nghệ
thuật rất nổi tiếng (đã dịch sang tiếng Việt và đã xuất bản hai lần). Ông cũng
chịu ảnh hưởng sâu sắc của tác phẩm ý tưởng và ngôn ngữ của
A.A.Pôtépnhia.

Học sinh Vưgốtxki tốt nghiệp phổ thông trung học, được thưởng huy
chương vàng (tất cả các môn đều đạt điểm 5 là điểm cao nhất) và đã bắt đầu
bộc lộ khá rõ năng lực cũng như hứng thú đi vào các môn nhân văn.

2. Những năm học đại học

Năm 1913, Vưgốtxki thi đỗ vào trường Đại học Tổng hợp Mátxcơva.
Đúng năm đó, Viện Tâm lý học được thành lập trong khoa Sử - Văn, do Sukin
tài trợ và G.I Trênpanốp làm Viện trưởng. Lúc đầu chưa có ý định đi vào tâm
lý học, cậu sinh viên này thi vào khoa Sử - Văn, nơi đào tạo giáo viên về hai
môn này cho PTTH. Nhưng cha mẹ lại bắt cậu thi vào trường Đại học Y, nơi
sau này dễ có một cuộc sống khá giả hơn. Nhưng học chưa đầy một tháng
cậu chuyển sang khoa Luật. Bên cạnh khoa Luật là Viện Tâm lý học và Viện
Sinh lý học do Xêtrênốp sáng lập từ cuối thế kỷ XIX. Bên cạnh môn luật, ông
cũng bắt đầu quan tâm đến tâm lý học và sinh lý học. Ngoài ra, ông cũng rất
thích môn kinh tế chính trị học và ngày càng đi sâu vào triết học.

Cùng một lúc, Vưgốtxki học cả ở trường Đại học Tổng hợp. Mátxcơva
và cả trường Đại học tư thục của Sanhiápxki. Ở trường tư này có nhiều giáo
sư tiến bộ, có một số đảng viên Đảng Xã hội - Dân chủ giảng dạy. Ở đây,
Vưgốtxki đi sâu vào sử triết học và phê bình văn học. Công trình khoa học
đầu tiên của ông đã phân tích tác phẩm Anh Karênina của Tônxtôi và tác
phẩm Phêôđo của Đôxtôépxki. Ngay từ lúc còn là sinh viên, ông đã công bố
một số bài viết về trường phái tượng trưng trong nghệ thuật Nga và phê bình
một số vở kịch.

Những năm Vưgốtxki học ở đại học là những năm sau Cách mạng
1905 và trước Cách mạng 1917. Đó là những năm xã hội Nga đầy khủng
hoảng. Trong giới trí thức cũng vậy, phần đông họ lấy các nhà triết học duy
tâm, như Sôpan- haoơ và Nítse làm thần tượng, Sếchxpia ngày càng có ảnh
hưởng lớn trong văn hoá Nga. Từ khi còn là một cậu học sinh phổ thông,
Vưgốtxki - như trên đã trình bày, đã chú ý đọc và nghiên cứu Hămlét, bây giờ
là sinh viên lại càng nghiên cứu kỹ hơn, suy nghĩ nhiều hơn về lẽ sống và cái
chết của nhân vật trong kịch Sếchxpia. Cậu sinh viên này có một cuốn nhật ký
rất bí mật không để cho ai xem, trong đó có ghi các suy nghĩ của mình về việc
bi kịch của tác giả người Anh đã ảnh hưởng sâu sắc đến ông như thế nào,
thậm chí đến mức có thể nói rằng ông nhìn thế giới bằng con mắt của Hămlét.
Tình hình đó phần nào phản ảnh tâm trạng của phần lớn trí thức Nga thời đó,
như trong vở kịch này nói, đó là thời lúc "trật khớp" "ruỗng nát".

3. Dạy học và nghiên cứu khoa học ở Gômen

Năm 1917, trước khi Cách mạng tháng Mười Nga thắng lợi, Vưgốtxki
tốt nghiệp Khoa Luật trường Đại học Tổng hợp Mátxcơva. Ông rời thủ đô, về
Gômen. Ở đây lúc đó tình hình rất xấu. Bọn Bạch vệ Ba Lan luôn luôn đe doạ
thành phố và đầu 1918 bị quân Đức tấn công và chiếm đóng. Nước Nga nội
chiến. Trong gia đình, em 12 tuổi bị ốm nặng. Ông phải theo mẹ đưa em đi
Crưm chữa bệnh, nhưng trên đường đi phải dừng lại Kiép vài tháng. Sau đó,
Gômen được giải phóng, chính quyền xô-viết được thiết lập, ông trở về quê
hương, bắt đầu đi làm giáo viên dạy môn văn, lúc đầu tại trường phổ thông
lao động, đồng thời cùng với người em họ D.I. Vưgốtxki và bạn S.Pa.Đốpkin
mở nhà xuất bản "Các thế kỷ trước và hôm nay". Nhà xuất bản này dự kiến in
các tác phẩm văn học cố điển và hiện đại. Nhưng không vượt qua được các
khó khăn, chẳng bao lâu nhà xuất bản phải đóng cửa.

Vưgốtxki vẫn tiếp tục dạy học, dạy văn, lịch sử nghệ thuật, tâm lý học.
Thứ hai hằng tuần, ông thường đi nói chuyện ở nhiều nơi với các chủ đề khác
nhau, thậm chí có khi nói về thuyết tương đối của Anhxtanh. Hiện giờ ở bảo
tàng Gômen còn nhiều tài liệu lưu trữ về các buổi sinh hoạt này. Ông sáng lập
ra một tờ báo của tiểu ban kịch thuộc phòng văn hoá địa phương.

Nhưng phần lớn năng lực của mình Vưgốtxki vẫn tập trung vào tâm lý
học, nhất là tâm lý học sư phạm. Thời gian đó, ông dạy hai môn này ở một số
trường. Ông tổ chức phòng thí nghiệm tâm lý học về đánh giá và thi cử. Ông
được cử làm giảng viên thường trực về tâm lý học duy vật và giáo dục học
mác-xít hiện đại, dạy văn ở các khoa công nông. Đây cũng là thời kỳ Vưgốtxki
có những thay đổi cực kỳ quan trọng trong thế giới quan theo quan điểm duy
vật biện chứng.

Tháng 8 năm 1922, ông có một tham luận tại Hội nghị khoa học thành
phố Về phương pháp giảng dạy văn ở trường trung học. Ông đã đặt vấn đề
về phương pháp giảng dạy văn theo các đặc điểm ý thức của trẻ, nhấn mạnh
khía cạnh giáo dục đạo đức trong dạy văn (ví dụ qua các bài về thơ ngụ
ngôn), chú ý nghiên cứu cơ chế tâm và khí chất của trẻ trong các tranh vẽ của
các em. Trong thời gian ở Gômen, ông còn để lại bản thảo thử nghiên cứu
quá trình hiểu ngôn ngữ qua các bài dịch từ một tiếng này sang một tiếng
khác. Cùng một ý có thể biểu đạt bằng các thứ tiếng khác nhau, như thế là
giữa ý tưởng và ngôn từ có sự không đồng nhất. Ông bắt đầu dự định tiến
hành một công trình thực nghiệm tâm lý học về vấn đề này. Cho đến giờ vẫn
chưa biết công trình đó có được thực hiện hay không, tuy trong gia đình vẫn
còn lưu trữ về phương pháp thực nghiệm. Trong thời kỳ này, Vưgốtxki đã đi
vào một đề tài nghiên cứu cụ thể, đó là mối quan hệ giữa các sự kiện ý thức
và các sự kiện ngôn ngữ, giữa ý tưởng và ngôn từ. Ý tưởng thì không nhìn
thấy được nhưng ngôn từ thì lại là một hiện tượng có thể phân tích khách
quan được. Chính ở đây đã hé ra một con đường tiến tới thực nghiệm phân
tích thế giới tâm lý bên trong.

Tâm lý học đầu những năm 20 của thế kỷ này ở Nga một mặt còn đang
chịu ảnh hưởng chủ yếu của lý thuyết duy tâm về ý thức, tâm lý; mặt khác,
chịu ảnh hưởng của lý thuyết duy vật với Xêtrênốp, Bécchêrép, Páplốp.
Nhưng các lý thuyết duy vật này mới chỉ phát hiện được bản chất phản xạ
của các hành động sống ở con người, mà chưa đi vào nghiên cứu thực chất
của ý thức, của tâm lý. Để giải quyết vấn đề, ở đây, Vưgốtxki cũng như các
nhà khoa học khác đã đi vào nghiên cứu triết học mác-xít về con người, như
chúng tôi đã có dịp trình bày trong tác phẩm Hành vi và hoạt động (1977), bạn
có thể tham khảo trong tập sách này. Ông dạy học ở Gômen tất cả 5 năm.

4. Từ phản xạ học đến tâm lý học

Trong thời sinh viên, Vưgốtxki, như đã nói ở trên, rất hay lui tới đọc
sách, nghe giảng ở Viện Tâm lý học và Viện Sinh lý học. Ông biết rõ ở Viện
Tâm lý học, người ta nghiên cứu tâm lý, ý thức theo cách phân tích ra thành
các yếu tố như cảm giác, xúc cảm đơn giản, hình ảnh trí nhớ, v.v... Còn
Bécchêrép ở Viện Sinh lý học thì đi vào xây dựng và phát triển "phản xạ học".
Đồng thời, ông cũng rất chú ý nghiên cứu Phrớt, Giêmxơ và Đintây, thấy
được sự đa dạng phong phú trong khoa học tâm lý và nhiều điều khác biệt
giữa tâm lý học duy tâm Nga của Trênpanốp với "phản xạ học", và cũng khác
cả với các trường phái tâm lý học ở Đức ở Mỹ... Dần dần ông đi tới quan
niệm tâm lý học như là khoa học điều khiển ý thức của hành vi, được nghiên
cứu bằng phương pháp khách quan.

Năm 1923, I.Páplốp cho xuất bản tác phẩm 20 năm kinh nghiệm nghiên
cứu hoạt động thần kinh cấp cao (hành vi) của động vật, tác phẩm được coi là
sự chiến thắng tâm lý học duy tâm một cách tuyệt đối. Cùng năm đó có công
trình của A. Úctômxki về điểm hưng phấn ưu thế trong hoạt động thần kinh
(gọi tắt là thuyết "ưu thế”) giúp giải thích cơ chế điều khiển hành vi.
Bécchêrép tổ chức một màng lưới nghiên cứu rộng rãi phát triển các tư tưởng
phản xạ học. Tất cả những hướng nghiên cứu này đều được Vưgốtxki chú ý
tham khảo, chắt lọc để vận dụng những mặt tốt, loại trừ những điểm không
phù hợp đối với việc nghiên cứu tâm lý con người.

Năm 1924, ông được bổ nhiệm làm ủy viên Ban trường công lập, phụ
trách tập san ấn phẩm, trong đó ông viết Tóm tắt tâm lý học sư phạm, Lý
thuyết phản xạ có điều kiện.

Năm 1926, vừa tròn 30 tuổi, ông viết cuốn sách đầu tiên lấy tên là Tâm
lý học sư phạm. Tập sách này phản ánh kết quả nghiên cứu và những suy
nghĩ về khoa học sư phạm từ hồi ở Gômen. Trong lời tựa của ấn phẩm, ông
viết: trên cơ sở của các thành tựu sinh lý học phải xây dựng một nền tâm lý
học mới. Phản xạ có điều kiện giúp chúng ta đi từ sinh vật học sang xã hội
học và tìm ra bản tính và bản chất của quá trình sư phạm. Ông rất tán thưởng
lý thuyết của Sêringtơn, nhà thần kinh học Mỹ, coi hệ thống thần kinh có chức
năng tích hợp. Ông chú ý áp dụng lý thuyết "ưu thế” (thống trị) của Úctômxki,
nhà sinh lý học người Nga và đặc biệt lưu ý tới phát kiến của Sêringtơn: số
dây thần kinh cảm nhận nhiều hơn số dây thần kinh vận động (thực hiện), tựa
như có sự đấu tranh giữa các dây thần kinh để đạt được một đường vận
động thực hiện ra bên ngoài. Vưgốtxki ví hệ thần kinh như là một cánh cửa
hẹp của một nhà hát mà số đông khán giả đều chen nhau vào. Tuỳ thuộc vào
thời điểm và một số điều kiện khác mà trong hệ thần kinh có điểm "thống trị",
có "đường ra" của hành động thắng thế, tạo nên các hành vi mang tính tích
hợp và thống nhất. Đặc điểm tích hợp và thống nhất này có từ động vật cấp
cao. Đến người thì nó biểu hiện thành tích hợp ba loại hình kinh nghiệm; lịch
sử, xã hội và kinh nghiệm "kép" với cơ chế dấu hiệu (signi- ficative - signifying
- tiếng Anh), mà ta đọc trong các bài của tập sách này sẽ thấy rõ nội dung. Ở
đây, phải nhấn mạnh sự vận dụng rất thành công triết học Mác về hoạt động
lao động ở con người vào việc nghiên cứu tâm lý người, nhất là ở các công
trình nghiên cứu về sau như Tư duy và ngôn ngữ. Lúc đầu, hồi 1926, trong
các cuốn sách đầu tiên của mình về tâm lý học sư phạm thì ông còn dùng các
khái niệm học được từ học thuyết của Xêtrênốp và Vưgốtxki gọi hành vi là
"phản xạ tâm lý", mà ý tưởng (suy tính) là 2/3 khúc đầu và ý tưởng là khâu tổ
chức chuẩn bị hành vi của chúng ta.

Như vậy, theo Vưgốtxki, cuộc sống con người không đơn thuần là tổng
các S trả lời tổng R (S ->R), mà thay vào (->) là cả một hoạt động tâm lý rất
phức tạp ở giữa - đó là "không gian bên trong" (thế giới bên trong) của con
người mà thường được học thuyết Páplốp gọi là sự cơ động của các quá
trình thần kinh hay "sự cân bằng giữa hưng phấn và ức chế”. Thực ra, đó là
cả một thế giới tâm lý.

Từ thời đó ông cũng đã giải thích ngôn từ theo lý thuyết tâm lý học.
Trong lĩnh vực này, Vưgốtxki học tập được nhiều ở Pôtépnhia, nhà ngôn ngữ
học nổi tiếng ở Nga. Tác giả này đã thấy trong ngôn từ (có khi nói từ) có ba
thành tố: (1) âm thanh, (2) hình thái nội tại bên trong (hình ảnh hoặc trình diễn
lần thứ hai) và (3) nghĩa. Ông viết: nhà tâm lý học ngôn ngữ phân biệt ba yếu
tố trong từ là âm thanh, nghĩa và hình ảnh. Nhưng hình ảnh ở đây không phải
được theo tâm lý học truyền thống là cảm giác, tri giác, biểu tượng hay một
cái gì đó là ý thức, mà đó là cả một nội dung xã hội, chứ không phải riêng của
từng người. Ví dụ, từ "mực” lúc đầu nó là "đen" thật, sau ta gọi là mực đỏ,
mực xanh, v.v... và vai trò của từ không phải chỉ để thông báo, mà còn giữ vai
trò quan trọng như một thứ trung gian giữa kích thích và trả lời. Và từ đây ông
khái quát lên là chính các yếu tố của văn hoá chứa đựng các yếu tố trung
gian của hoạt động tâm lý. Và các yếu tố trung gian này giữ vai trò tâm lý điều
chỉnh hành vi, dần dần tâm lý học thoát khỏi thời kỳ thấy ý thức như là một cái
gì bí ẩn trong quan niệm duy tâm, duy linh trước đây.

Qua nghiên cứu ngôn từ, ta thấy sự vận dụng "cung phản xạ" phải theo
một cách mới, hết sức sáng tạo và độc đáo. Không phải một từ tác động vào
tai ta như một kích thích vật lý bên ngoài, rồi theo đó có sự chuyển hoá ở
trung tâm và cuối cùng có trả lời cơ bắp, mà là kích thích ngôn ngữ là một sự
thống nhất của âm thanh, nghĩa và hình ảnh tác động vào hoạt động ở con
người, kéo theo bao sự biến đổi trong nội tâm, rồi mới có trả lời, tác động lại.
Trước Vưgốtxki, không có ai đề xuất một cách hiểu như thế. Ngày nay (1989),
có một số tác giả, trong đó có Iarôsépxki cho rằng ở đây Vưgốtxki đã kết hợp
thành công truyền thống khoa học tự nhiên và truyền thống văn hoá - một ý
kiến đáng để tâm nghiên cứu và sau này tác giả đã xây dựng thành cả một lý
thuyết với mong muốn đưa tâm lý học ra ngoài "vòng cương toả" của sinh vật
học nói chung, của sinh học phản xạ nói riêng (tất nhiên không bao giờ tâm lý
học lại không dựa vào cơ sở của các khoa học này). Các công trình nghiên
cứu của Vưgốtxki hướng chủ yếu vào mối quan hệ giữa tâm lý với văn hoá và
giao lưu.

Nghiên cứu ngôn từ, Vưgốtxki dùng thuật ngữ "vòng phản ứng" (tương
tự như Sáclơ Ben đề ra từ nửa đầu thế kỷ XIX) để chỉ đối thoại trong tiểu
cộng đồng. Ông viết: "Ngôn ngữ là công cụ điều phối kinh nghiệm xã hội của
các cá nhân" (Tâm lý học sư phạm, 1926).

Tóm lại, cũng như những năm ở Gômen, trong những năm này
Vưgốtxki đang đi trên hướng xây dựng một nền tâm lý học thực sự khoa học,
khách quan, có thể nghiên cứu cả hành vi và ý thức trên cơ sở xây dựng một
lý thuyết về con người. Trong thời kỳ này, ông đặc biệt quan tâm đến phương
pháp nghiên cứu. Tại Đại hội những người nghiên cứu hành vi toàn quốc (3-
10-1924), ông trình bày bản báo cáo áp dụng các phương pháp nghiên cứu
phản xạ học vào nghiên cứu tâm lý, trong đó có hai bài báo viết từ hồi ở
Gômen: Bây giờ chúng tôi dạy tâm lý học như thế nào? Và Kết quả nghiên
cứu thái độ của các học sinh bỏ học. Báo cáo này sau được sửa chữa, bổ
sung và in trong tập sách Các vấn đề của tâm lý học hiện đại. Chính trong
báo cáo này ông đã kết luận là Páplốp và Bécchêrép còn để tâm lý ở ngoài
hành vi, tức là còn để nhị nguyên luận trong tâm lý học.

Báo cáo tại Đại hội này đã gây ấn tượng rất sâu sắc đối với các đại
biểu. Một giáo viên tâm lý học từ một tỉnh lẻ dám "công kích", phê phán các
nhà khoa học nổi tiếng thế giới, và đã đưa ra lập trường nhất nguyên luận để
nghiên cứu tâm lý học: toàn bộ hành vi con người phải được nghiên cứu theo
luận điểm phản xạ. A.R. Luria đã giới thiệu với Coócnhilốp, Viện trưởng Viện
Tâm lý học, mời Vưgốtxki về làm việc tại Viện Tâm lý học Mátxcơva. Tại đây,
tiếp tục dòng suy nghĩ và nghiên cứu ở Gômen, năm 1925, Vưgốtxki đã đưa
ra một cương lĩnh xây dựng một nền tâm lý học mới.

5. Nghiên cứu tâm lý trẻ em khuyết tật

Hồi này (1920 - 1925), các cán bộ của Viện Tâm lý học Mátxcơva còn
tiếp tục tranh luận về mối quan hệ giữa các phương pháp chủ quan và các
phương pháp khách quan (giữa phương pháp nội quan và phương pháp
ngoại quan), tổ chức các hội thảo về các nhà tâm lý học nổi tiếng trên thế
giới, như Phrớt, Átle, Stécnơ, v. v... Thời cuộc lúc đó là những năm sau Cách
mạng tháng Mười (1917) và kết thúc nội chiến, cả xã hội hào hứng xây dựng
cuộc sống mới trong đất nước xã hội chủ nghĩa.

Tại Bộ Giáo dục, đứng đầu là Lunatraxki và Crúpxkaia, Vụ Bảo vệ trẻ


em thiệt thòi (khuyết tật, lang thang, v.v..) được thành lập. Vưgốtxki được đề
bạt làm Trưởng phòng, tại đây, ông đi vào nghiên cứu tâm lý các trẻ em này.
Khi còn ở Gômen, ông đã từng dạy học ở trường nuôi các cháu mồ côi. Rất
có thể tại đó, ông đã có dịp chú ý tới các trẻ em có khuyết tật. Nhưng về
Mátxcơva, ông đi thẳng vào nghiên cứu đối tượng này, nhất là trẻ em mù, trẻ
em câm điếc và trẻ chậm phát triển trí tuệ với tất cả tấm lòng nhân đạo và tinh
thần khoa học, coi đây là nơi có thể quan sát, thực nghiệm tâm lý trẻ thơ để
tìm ra phương pháp dạy các cháu có hiệu quả. Như chúng ta đều biết, cả ở
Nga cũng như ở trên thế giới, Vưgốtki được coi là một chuyên gia rất nổi tiếng
về tật học, ông có nhiều công trình, nhiều phương pháp nghiên cứu trong lĩnh
vực này.

Vào năm 1924, ông được Bộ giao cho đứng ra tổ chức Hội nghị bảo vệ
trẻ em thiểu số (trẻ khuyết tật, v.v...) lần thứ hai. Trong những ngày tháng
công tác tại Bộ, cũng như qua việc tổ chức Đại hội này, Vưgốtxki thể hiện rõ
là một nhà tổ chức có tài. Sau Đại hội, ông là người chủ biên và phụ trách
xuất bản kỷ yếu: Những vấn đề giáo dục trẻ mù, câm điếc và chậm phát triển
trí tuệ, trong đó có một báo cáo của ông mang tên là Về tâm lý học và giáo
dục học trẻ khuyết tật đánh dấu một mốc lớn, hết sức cách mạng trong lịch sử
phát triển các khoa học này. Cũng trong năm này, Vưgốtxki có một báo cáo
khoa học khác trình bày tại Hội nghị tâm lý học thần kinh toàn Nga. Ông rất
chú ý tới việc ứng dụng tâm lý học phục vụ xã hội, phục vụ cuộc sống.

Thực tiễn và lý luận tật học - nhất là cơ chế bù trừ chức năng, đã tạo
thêm căn cứ để Vưgốtxki tiếp cận các vấn đề phương pháp luận chung của
tâm lý học, trong đó có vấn đề điều chỉnh, vận hành của hành vi. Ở đây, ta
thấy ảnh hưởng rõ rệt của Thuyết tiến hoá của Sáclơ Đácuyn, thuyết góp
phần giải quyết mối quan hệ giữa cơ thể và môi trường, khả năng thích nghi
của cơ thể cũng như sự tiến hoá trong cấu trúc cơ thể và biến đổi trong hành
vi. Rồi sau đó là ảnh hưởng rõ rệt của học thuyết phản xạ có điều kiện như là
cơ chế tiếp thu và hình thành, phát triển các hình thái mới của hành vi của thể
giới động vật nói chung, bao gồm cả người. Nhưng ở người, Vưgốtxki nhấn
mạnh, phải thấy được những đặc thù với một chất lượng mới. Vì vậy, phương
pháp luận chủ yếu, giữ vai trò quyết định để giải quyết vấn đề này là vận dụng
phương pháp mác-xít. Từ đây, như Iarôsépxki nhận xét, phải thấy được môi
trường lịch sử, môi trường xã hội và môi trường văn hoá cũng như mối quan
hệ giữa cơ thể người và môi trường xã hội - văn hoá. Tất nhiên, theo chúng
tôi nghĩ, không thể bỏ qua môi trường tự nhiên, và phải nói rõ hơn về quan hệ
giữa con người (chứ không phải cơ thể người) với lịch sử, với xã hội và với
văn hoá, hay nói vắn tắt là mối quan hệ giữa con người với môi trường văn
hoá. Vưgốtxki đã vận dụng phương pháp tiếp cận này, một phương pháp tiếp
cận đầy tính nhân văn và rất lạc quan, vào việc giải quyết một phần các vấn
đề tâm lý học và giáo dục học tật học. Đương nhiên muốn vậy phải xem xét
lại toàn bộ tâm lý học cũ và giáo dục học cũ như là Liên Xô đã và đang làm
(hồi sau Cách mạng tháng Mười). Đi vào cụ thể, ta thấy ngay từ trong các
công trình nghiên cứu trẻ có khuyết tật, Vưgốtxki đã chú ý đến vai trò của các
ký hiệu tượng trưng. Tất cả các cơ sở lý luận và thực tiễn đã giúp ông đi đến
những công trình nghiên cứu có ý nghĩa khá quyết định đối với việc xây dựng
tâm lý học phát triển.
Năm 1925, Lunatraxki, Bộ trưởng Bộ Giáo dục, cử Vưgốtxki sang Anh
dự Hội nghị khoa học quốc tế về đào tạo và giáo dục trẻ em câm - điếc. Tại
Hội nghị này, ông đã có một báo cáo khoa học trình bày các nguyên tắc của
nhà trường lao động dạy các em học sinh có khuyết tật, nói lên sự thống nhất
tinh thần khoa học sâu sắc, sáng tạo với tinh thần trách nhiệm xã hội rất cao,
luôn luôn gắn khoa học với cuộc sống, gắn sinh mệnh của bản thân với sự
phát triển xã hội.

Năm 1925 - 1926, Vưgốtxki sáng lập phòng thí nghiệm tâm lý học trẻ
em có khuyết tật đặt trong trạm y tế học đường của Bộ Giáo dục. Đến năm
1929, phòng thí nghiệm này chuyển thành Viện Nghiên cứu thực nghiệm tật
học trực thuộc Bộ Giáo dục (nay là Viện Tật học thuộc Viện Hàn lâm giáo dục
Nga). Năng lực nghiên cứu khoa học cùng với năng lực tổ chức biểu hiện
thành một tổ hợp năng lực rất đáng quý ở Vưgốtxki. Ông tiếp tục làm người
lãnh đạo khoa học của Viện này trong nhiều năm. Chính từ đây ông đã nảy
sinh và phát triển tư tưởng phải xây dựng nên một khoa học mới về trẻ em
theo hướng suy nghĩ: xây dựng khoa học giáo dục và tâm lý không phải chỉ
theo chiều nằm kéo dài về thời gian, mà phải đặc biệt chú ý theo chiều đứng
có biến đổi về chất lượng, ví dụ phân biệt tầng bậc phản xạ và tầng bậc lịch
sử trong hành vi ứng xử (phản ứng) con người, hay trình độ thích nghi thấp
(cơ thể) và trình độ thích nghi cao (trí tuệ), tầng bậc sinh lý học và tầng bậc
văn hoá, hay như phân biệt các loại môi trường của con người và mối quan
hệ của nó với các loại môi trường ấy. Vừa phân biệt như vậy về mặt nhận
thức, về mặt căn nguyên của các khuyết tật ở trẻ cũng như cách phục hồi
chức năng, ông vừa nhấn mạnh sự hội tụ (các điểm gặp nhau) giữa các tầng
bậc, các trình độ và các phạm trù mới đầụ tưởng như đối nghịch nhau. Vấn
đề là ở sự phát triển và tìm ra con đường để trẻ phát triển các tiềm năng của
mình, bù trừ cho các khuyết tật. Theo quan điểm này, Vưgốtxki đã không
đồng ý với I.Lêvin, nhà tâm lý học Đức, khi tác giả này không nhận thấy ý
tưởng và xúc cảm là hai phần của ý thức con người trong một cái chỉnh thể,
chúng đan xen, quyện lấy nhau và phát triển theo lô-gích của cuộc sống ở
từng người. Ngày nay, Mỹ và phương Tây rất chú ý tới hướng này: không
xem xét trí tuệ một cách thuần tuý (như đo chỉ số thông minh IQ chẳng hạn),
mà quan tâm đến "Trí tuệ xúc cảm" (Emotional Intelligence - gọi tắt là EQ).

6. Nghiên cứu tâm lý học nghệ thuật

Trong cuộc đời nghiên cứu tâm lý học, Vưgốtxki rất chú ý tới các tư liệu
văn học, trước hết là Sếchxpia và Đôxtôiépxki, cũng như các lý thuyết triết
học. Từ các tư liệu về lý thuyết này, ông đi vào nghiên cứu thực nghiệm các
vấn đề cụ thể, như động cơ, nhu cầu, xúc cảm, ngôn ngữ, tư duy, v. v... cho
đến nhân cách. Trong các tư liệu văn học, nghệ thuật có thể tìm được chìa
khoá mở ra tâm hồn và ý nghĩa của cuộc đời. Ông coi đó là một căn cứ tư liệu
để xây dựng một lý thuyết tâm lý học, để rồi từ lý thuyết này có thể hiểu đúng
các sự kiện tâm lý, và quan trọng hơn là điều khiển, điều chỉnh hành vi ứng
xử và giáo dục để hình thành, phát triển nhân cách cùng với năng lực, kỹ
năng sống, kỹ xảo hành nghề... Rất may mắn là ở ta, tác phẩm nổi tiếng Tâm
lý học nghệ thuật của Vưgốtxki đã được dịch ra tiếng Việt và xuất bản hai lần.
Ở đây, chúng tôi chỉ cung cấp thêm một số tư liệu của lịch sử vấn đề để các
bạn tham khảo thêm.

Như trên đã trình bày, ngay từ hồi dạy học ở Gômen, Vưgốtxki đã chú ý
nghiên cứu văn học. Bản thân ông dạy văn và đã lại tổ chức nhiều hội thảo
văn học ở thị trấn đó. Trước đó, từ thời sinh viên, ông cũng học tập rất cẩn
thận lịch sử văn học và lý luận phê bình văn học, trong đó có nhiều trường
phái như chủ nghĩa tượng trưng, chủ nghĩa ấn tượng... bên cạnh chủ nghĩa
hiện thực. Ngay công việc giảng dạy và văn học cũng đã cho ông thấy phải
nghiên cứu tâm lý học.

Không khí tâm lý trong Viện Tâm lý học Mátxcơva thời đó như thế nào?
Ông là một cán bộ của Viện này, cùng với các bạn đồng nghiệp, nhất là các
bạn cùng thế hệ hết sức trăn trở việc xây dựng lại nền tâm lý học và muốn
thoát khỏi tâm lý học duy tâm chủ quan của Trênpanốp. Họ thảo luận với
nhau: liệu có thể xây dựng tâm lý học theo con đường của các nhà phản xạ
học được không? Có thể kết hợp Phrớt và Các Mác được không? v.v...

Hầu hết Viện Tâm lý học Mátxcơva do Coócnhilốp làm Viện trưởng đều
nhất trí là phải xây dựng tâm lý học mác-xít, nhưng bằng cách nào, thì mỗi
người có một cách làm. Riêng Coócnhilốp thì đi vào xây dựng phản ứng học.
Vưgốtxki cho rằng phản ứng học là một xu thế tiến bộ, duy vật, gần với tâm
vật lý và chủ nghĩa hành vi, nên ông không phản đối. Đồng thời, ông đi tìm
một hướng khác để xây dựng một nền tâm lý học mới. Hướng đó là đi vào
thực nghiệm với ngôn từ với sự cộng tác của A.N.Lêônchiép và A.R.Luria là
hai cán bộ trẻ, lúc đó 20 tuổi. Hai ông này lúc đó cùng nhau tập trung vào
nghiên cứu các phản ứng vận động đối với ngôn từ trong các trường hợp
căng thẳng (ví dụ khi sinh viên chuẩn bị thi). Vưgốtxki rất chú ý tới thực
nghiệm trả lời kích thích bằng từ và các thể nghiệm xúc cảm và mặt đạo đức,
theo ông, là cái có thể đi vào để nghiên cứu mặt ý nghĩa của nhân cách.
Không may, sau lần đi họp ở Luân Đôn về, ông bị bệnh lao, và do đó phải
nghỉ việc (không thực nghiệm, không đi giảng bài). Nằm chữa bệnh ở nhà,
ông dùng các tư liệu đã thu thập từ mấy năm trước hoàn tất cuốn Tâm lý học
nghệ thuật.

Đây không chỉ là công trình tâm lý học về quá trình sáng tạo, mà chủ
yếu Vưgốtxki đi vào các tác phẩm văn học như là các đối tượng thẩm mỹ. Và
đi vào các đối tượng thẩm mỹ thì tìm được các "sự kiện tâm lý" hay các yếu tố
tâm lý, nhưng một khi đã có sự kiện, các yếu tố tâm lý thì phải tìm bản chất
của chúng. Thế là phải đi trên một khái niệm của tâm lý học, mà từ trước đến
giờ người ta thường lại chỉ đi vào khái niệm ý thức như là một sự nhận biết ra
ở bên trong chủ thể. Đó là cách làm của tâm lý học duy tâm chủ quan.
Vưgốtxki không đi theo đường cũ. Ông đi vào nghiên cứu sự cảm thụ văn học
của chủ thể đối với nội dung là hình thức thể hiện của các tác phẩm nghệ
thuật, nghiên cứu hiệu quả của nghệ thuật đối với con người. Và như vậy là
ông cũng muốn khắc phục quan điểm của trường phái hình thức chủ nghĩa
(phi tâm lý học) do V.Xclốpxki đứng đầu, cũng như quan điểm phản ứng học
hay hành vi chủ nghĩa áp dụng vào lĩnh vực nghệ thuật tuy cả hai đều dùng
phương pháp khách quan; họ đi vào các cấu trúc mà không xem xét đầy đủ
góc cạnh của các vấn đề cơ bản của cuộc sống và hoạt động của con người
trong xã hội. Vưgốtxki đến lượt mình đã đi theo hướng gắn kết nghệ thuật với
hoạt động của cá thể.

Đi vào phương pháp nghiên cứu cụ thể, ông nghiên cứu ngôn từ như là
sự kiện tâm lý cơ bản. Tất nhiên, nghiên cứu từ ngữ cũng có nhiều cách.
Phản xạ học, phản ứng học, trường phái hình thức... cũng nghiên cứu từ ngữ.
Với họ đó là phản xạ, là phản ứng hay là cấu trúc sáng chế kỳ lạ. Vưgốtxki rất
chú ý tới các chất liệu văn học, coi đó là tổ hợp kích thích "lai ghép" có thể
giúp ta, theo tư tưởng của Spinôda (1632 - 1677, nhà triết học vĩ đại người
Hà Lan), nghiên cứu đạo đức con người trên cơ sở chú ý đến cơ thể con
người. Tất nhiên không thể hiểu đơn giản một cách máy móc là từ bản tính cơ
thể sinh ra kiến trúc, hội hoạ, thơ ca, v.v... Và càng không có chuyện coi tâm
hồn như một loại yếu tố vật chất. Tương tự như vậy, không có một tinh thần
phi cơ thể nào tạo ra văn nghệ. Vấn đề là ở chỗ có quan niệm đúng, như
Spinôda đã chỉ ra, về cơ thể cũng như về tâm hồn, tâm lý. Vưgốtxki, như các
bạn đọc thấy trong Tâm lý học nghệ thuật, đã lấy câu nói của Spinôda làm đề
dẫn cho cả tác phẩm của mình. Đi vào nghiên cứu cụ thể để giải đáp các câu
hỏi đặt ra ở đây, Vưgốtxki đã học tập và vận dụng trước hết lý luận mác-xít về
nghệ thuật. Trước hết phải hiểu "nghệ thuật là cái xã hội trong chúng ta", phải
thấy, như Plêkhanốp (1856 - 1918), nhà triết học Nga nổi tiếng đã nhận xét,
công việc sáng tạo nghệ thuật như là một công trình xã hội học.

Vưgốtxki đi vào nghiên cứu con người cảm thụ nghệ thuật là để xây
dựng một lý thuyết tâm lý học. Đó là sự cảm thụ (đồng hoá) và sự biến
chuyển thực tiễn của thế giới và qua đó, tác phẩm nghệ thuật trở thành
phương tiện lợi hại để giáo dục con người. Trong nghệ thuật, như Vưgốtxki
đã chứng minh, chứa đựng sự tập trung cao độ các quá trình sinh thể và các
quá trình xã hội mà thông qua đó con người hội nhập vào xã hội. Vưgốtxki đã
dùng ngôn ngữ của tâm lý học khách quan để nói về các sự kiện khách quan
của nghệ thuật, nhưng không phải là như phản xạ học hay hành vi chủ nghĩa
thiên về ngôn ngữ của cơ thể. Các tác phẩm nghệ thuật trước hết chứa đựng
các tổ hợp "tín hiệu nghệ thuật", chứ không phải các tín hiệu vật lý. Các tín
hiệu ấy (nghệ thuật) điều chỉnh hành vi người; và trong hành vi có các yếu tố
thần kinh - sinh lý, có yếu tố xã hội - văn hoá. Chính từ đây, ông đã xây dựng
cả một lý thuyết dấu hiệu học mà ta đọc trong các công trình tập hợp trong
cuốn sách này cũng thấy rõ. Các tín hiệu nghệ thuật chịu đựng biện chứng
của cái sinh vật, cái xã hội và cái nghệ thuật. Nghệ thuật được coi như một
dạng hành vi mà qua đó có thể giúp ta tự hiểu bản chất tâm lý của từng con
người cùng với sự cảm thụ nghệ thuật ở họ. Trong cách lý giải các "phản ứng
nghệ thuật" do các "tín hiệu nghệ thuật" tạo ra không thể thiếu sự lý giải tâm
lý học bao hàm cả ý thức lẫn sinh thể như là một hệ thống tích hợp các dạng
hoạt động, kể cả cơ chế hoạt động thần kinh. Ông đi từ tác phẩm nghệ thuật -
đến hành vi đến ý thức như là một hệ thống văn hoá lịch sử. Từ đây, sau này
hình thành nên lý thuyết tâm lý học xã hội về nghệ thuật nói riêng và lý thuyết
tâm lý học văn hoá lịch sử nói chung. Lúc đầu, Vưgốtxki dự định viết tác
phẩm này như là một luận án phó tiến sĩ, nhưng vì ông bị ốm nên không bảo
vệ được. Bốn mươi năm sau Tâm lý học nghệ thuật mới được xuất bản và
thời gian càng trôi đi, tác phẩm càng được chú ý nghiên cứu, được dịch ra
nhiều thứ tiếng trên thế giới và càng được đánh giá cao. Tâm lý học nghệ
thuật giữ một vị trí đáng kể trong di sản của Vưgốtxki để lại cho tâm lý học
ngày nay.

7. Con đường khắc phục khủng hoảng trong tâm lý học

Bên cạnh tất cả các công trình nghiên cứu kể trên vào thời kỳ những
năm 20, Vưgốtxki tập trung sức lực với các bạn đồng nghiệp trong Viện Tâm
lý học Mátxcơva vào việc cải cách tâm lý học theo các nguyên tắc của chủ
nghĩa Mác. Ngay từ hồi mới dạy tâm lý ở Gômen, ông đã tham gia vào nhóm
chuẩn bị và tiến hành Đại hội toàn Nga lần thứ nhất của những người nghiên
cứu hành vi vào tháng 1 năm 1923 với mục tiêu phát triển một nền tâm lý học
mới theo phương hướng mác-xít.
Mặt khác, Vưgốtxki không chỉ dừng ở sự nhìn nhận tâm lý học riêng ở
nước Nga, mà rất chú ý tới tâm lý học ở Tây Âu và Mỹ. Điều đó thể hiện trong
Lời nói đầu ông viết cho tập sách Tâm lý học năm 1925 (xuất bản ở Mỹ) dịch
từ tiếng Anh sang tiếng Nga. Ông đã giới thiệu và đánh giá cao Phrớt, Cốpca
và Toócđai với ba dòng tâm lý học: tâm lý học phân tâm, tâm lý học ghestan
và tâm lý học hành vi. Cũng trong năm 1925, ông viết Lời nói đầu trong tác
phẩm Vượt lên trên nguyên tắc thoả mãn của Phrớt được dịch ra tiếng Nga.
Năm 1926, ông giới thiệu cuốn Các cơ sở của việc học của Toócđai và cho
xuất bản những ghi chép và nhận xét của ông về cuốn Nội quan và phương
pháp tâm lý học của Cốpca. Ông coi các dòng tâm lý học này cùng với các
đại diện của chúng như là một cao trào nổi bật trong lịch sử phát triển tâm lý
học.

Còn tâm lý học ở Nga thì sao? Tình hình rất nghiêm trọng. Cái cũ thì đã
bị xoá bỏ, cái mới thì chưa hình thành. Nhưng nhìn về mặt phương pháp luận
một cách tổng quát, thì tâm lý học ở Tây Âu và Mỹ không phải là không có
vấn đề. Vưgốtxki đã phân tích các hạn chế của các dòng phái tâm lý học thế
giới và nêu ra nhận xét về tình trạng khủng hoảng của khoa học tâm lý về mặt
lý luận (Trong Tâm lý học nghệ thuật, ông đã có ý nhìn nhận các dòng tâm lý
học thời đó như vậy). Và đến năm 1926, ông hoàn thành bản thảo một công
trình lý luận cực kỳ quan trọng Xem xét các dòng tâm lý học hiện nay ở
phương Tây. Mặc dù tình trạng sức khoẻ của ông ngày càng kém, theo lời kể
của Luria, các bác sĩ chẩn đoán Vưgốtxki chỉ sống được vài tháng nữa, ông
vẫn say sưa làm việc, sửa chữa và bổ sung bản thảo này và đã hoàn thành
với tiêu đề ý nghĩa lịch sử của cuộc khủng hoảng trong tâm lý học. Ở đây, cần
nhấn mạnh sự vận dụng sáng tạo phương pháp tiếp cận lôgích lịch sử của
duy vật biện chứng vào việc phân tích tình hình tâm lý học, kế thừa những cái
tích cực, phủ định các cái lạc hậu, xây dựng một phương pháp luận chung
của tâm lý học như là một khoa học cụ thể và xây dựng cách tổ chức nghiên
cứu tâm lý, cách thức trình bày các tri thức tâm lý học... Ông có ý định xây
dựng một khoa học tâm lý tổng quát bao trùm (hay thay thế) các tâm lý học
hiện hành như Ph. Brentunô (1838 - 1917, nhà triết học Áo), năm 1874 đã
đưa ra ý tưởng xây dựng một tâm lý học thay cho nhiều tâm lý học. Cũng có
người hiểu một khoa học tâm lý tổng quát hay "một tâm lý học" là một tâm lý
học đại cương chung cho tất cả các dòng tâm lý học. Nhà tâm lý học Thuỵ Sĩ
L.Binsvangơ đã thể hiện ý tưởng này trong tác phẩm Nhập môn vào những
vấn đề của tâm lý học đại cương xuất bản ở Béclin năm 1922. Tác giả này đề
xuất nên xây dựng các luận điểm (concept) cơ bản, có tính nguyên tắc của
tâm lý học và cấu trúc của khoa học này. Thực ra, từ đầu thế kỷ cho đến nay,
dù đã là cuối thế kỷ, vấn đề được nêu ra ở đây vẫn còn nguyên tính thời sự.

Biết bao nhiêu vấn đề còn ngổn ngang, chưa sáng tỏ. Ví dụ, có phải
tâm lý học đại cương là phương pháp luận (lý thuyết về con đường và
phương pháp của các tri thức khoa học cụ thể) không? Mối quan hệ giữa
quan điểm và sự kiện, giữa lý thuyết và kinh nghiệm như thế nào? Và tổng
quát hơn, có thể có một khoa học tâm lý bao hàm (thâu nạp) được tất cả các
dòng (trường phái, lý thuyết) tâm lý học hay không? v. v...

III. TÂM LÍ HỌC VƯ-GỐT-XKI


L.X. Vư-gốt-xki đã được thời gian thử thách và đánh giá rất cao. Thêm
một sự xác nhận mới của quy luật viễn cảnh không gian: có đứng xa núi cao,
mới thấy núi cao. Bởi ngày càng nổi lên rõ rệt hơn ảnh hưởng của ông đối với
tâm lí học hiện đại. Di sản của ông để lại là vốn quý của tâm lí học Liên Xô cũ
và thế giới. Chính Vư-gốt-xki đã đề ra những nguyên tắc cơ bản mà về sau
đã trở thành những nguyên tắc xuất phát để phát triển tâm lí học Liên Xô, một
nền tâm lí học được coi là đồng nghĩa với tâm lí học mác-xít. Những tư tưởng
của ông đã làm cơ sở cho một loạt công trình lí luận và thực nghiệm đáng kể
trong mấy thập kỉ qua ở Liên Xô cũ. Có thể nói rằng, không nghiên cứu hệ
thống tư tưởng tâm lí học của Vư-gốt-xki thì không thể hiểu được tâm lí học
Nga, sự hình thành và phát triển của nó, những tư tưởng then chốt và các
nguyên tắc cơ bản của nó.
Sức sống của các tác phẩm của Vư-gốt-xki, các tác phẩm được đánh
giá “là một hiện tượng kiệt xuất trong lịch sử Khoa học tâm lí Liên Xô” trước
hết là ở chỗ, những luận điểm có tính nguyên tắc trong các tác phẩm ấy đã
định hướng về mặt phương pháp luận cho việc cải tổ thực sự nền tâm lí học
theo hướng mác-xít mà năm 1923, Coóc– nhi– lôp đã đem ra công bố.

Ý nghĩa lớn lao của hoạt động khoa học của Vư-gốt-xki là đấu tranh
không mệt mỏi chống các luận điểm duy tâm, siêu hình, duy vật máy móc
thịnh hành đương thời, đấu tranh để lập ra “một nền tâm lí học lịch sử,
người”. Trong hệ thống các luận điểm đa dạng của ông, nổi lên hàng đầu là
những vấn đề về nguồn gốc, cấu trúc, vận hành của các chức năng chuyên
biệt người. “Học thuyết về bản chất xã hội – lịch sử của ý thức người là cơ sở
của hệ thống đó. Chính trong quá trình giải quyết vấn đề này, đã hình thành
phương pháp tiếp cận lịch sử vận dụng vào nghiên cứu tâm lí người và quan
niệm về tính xã hội quy định tâm lí. Lô– gích giải quyết vấn đề đó đã đưa Vư-
gốt-xki tới chỗ phát hiện ra một phương pháp phân tích cuộc sống tâm lí hoàn
toàn mới – đó là phương pháp phân tích “theo đơn vị”. Với phương pháp này,
ông đã đề ra nguyên tắc ám chỉ (Signiflcatif), rồi dùng nguyên tắc này giải
quyết vấn đề cấu trúc của ý thức là vấn đề trung tâm của tâm lí học người.
Những tư tưởng, vấn đề và nguyên tắc kể ra đây chính là những luận điểm
quan trọng nhất của tâm lí học mác-xít. Nhiệm vụ đặt ra ở đây là sẽ giới hạn
trong việc trình bày các luận điểm đó, các luận điểm đã có đóng góp đáng kể
vào việc hình thành phạm trù hoạt động trong hệ thống khoa học tâm lí.

1. Cần xây dựng lại nền móng của tâm lí học


Xây dựng hệ thống tâm lí học mới là mục đích Vư-gốt-xki đã đề ra cho
bản thân, và ông đã đem hết trí tuệ ý chí phục vụ mục đích đó. Ông đã xác
định một chương trình hành động chung nhằm: 1) Phân tích tình hình tâm lí
học hiện đại để tìm ra “một sự định hướng đúng đắn trong các dòng tâm lí
học hiện đại”; 2) Tìm hiểu tình hình nghiên cứu phương pháp luận chung,
nghiên cứu các luận điểm chung của chủ nghĩa duy vật biện chứng vận dụng
vào tâm lí học; 3) Tiến hành các công trình nghiên cứu bộ phận trong phòng
thí nghiệm để lấy tư liệu thực sự, xác lập các tính quy luật bộ phận trong một
lĩnh vực nào đó của hành vi, đưa quá trình nghiên cứu về các nguyên nhân
gần nhất quy định nó. Nói về hai điểm sau trong chương trình, Vư-gốt-xki đã
chỉ ra rằng, “việc xây dựng tâm lí học mác-xít phải tiến hành như đào một
đường hầm từ hai đầu bằng các công trình nghiên cứu đó”; 4) Vận dụng các
kết quả thu thập được vào cuộc sống.

Các công trình tập hợp trong tập “Ý nghĩa lịch sử của cuộc khủng
hoảng trong tâm lí học” của Vư-gốt-xki đều được viết dưới ánh sáng của
nguyên tắc lịch sử và nguyên tắc tính đảng. Phân tích các dòng tâm lí học cũ,
một mặt ông đánh giá cao hạt nhân thực tế đã làm phong phú thêm cho khoa
học, mặt khác ông phê bình đến nơi, đến chốn, không thương tiếc các quan
điểm lí luận của các thuyết đó. Mục tiêu của sự phê bình này là chú ý tới cuộc
khủng hoảng lúc đó trong tâm lí học, vạch trần thực chất của cuộc khủng
hoảng ấy, tìm cách khắc phục nó và đặt tâm lí học trên một cơ sở thực sự
khoa học.

Trong những điểm đặc trưng cho cuộc khủng hoảng đó, ngoài thuyết
sức sống quy tâm lí về “tâm hồn”… thần bí, về “cái bản thể tâm lí”; ngoài
thuyết máy móc trước hết thể hiện trong công thức cổ điển S – R; ngoài
thuyết nhị nguyên đưa các hiện tượng tâm lí đơn giản như cảm giác và tri
giác, vào bình diện đo đạc sinh lí học, còn các hiện tượng tâm lí phức tạp
hơn, như trí nhớ có chủ định, tư duy lô– gích, ý chí v.v… thì cho vào lĩnh vực
tác động của “bản thể tinh thần”, Vư-gốt-xki còn chú ý đặc biệt tới một quan
điểm phổ biến trong toàn bộ nền tâm lí học không mác-xít – quan điểm siêu
hình về tâm lí và hành vi người, phủ nhận bản chất xã hội – lịch sử của các
hiện tượng tâm lí.

Ví dụ, ông viết trong “Tâm lí học nghệ thuật” (1919 – 1924): Tác dụng
của tác phẩm nghệ thuật (tức là của các hiện tượng tâm lí) bị phái tâm lí học
phân tâm coi là hoàn toàn do các bản năng, do cơ chế ý thức chèn ép các
bản năng quyết định, ngoài hoàn cảnh xã hội của nhà văn, nhà thơ. Nguyên
tắc tình dục tràn lan là nguyên tắc cơ bản của thuyết phân tâm. Vư-gốt-xki
trích lời Marx viết trong “Hệ tư tưởng Đức”: “Con người chỉ khác con cừu ở
chỗ ý thức thay thế cho bản năng, hay bản năng con người đã được ý thức
hóa”.

Có thể hiểu được cuộc sống bản năng của con người, nếu đặt nó dưới
ánh sáng của tính ý thức của con người là một thành tố tạo ra hoạt động lao
động.

Vư-gốt-xki thấy khuyết điểm có tính nguyên tắc của các trào lưu hành vi
chủ nghĩa, khuyết điểm tạo sinh ra mọi khuyết tật của các trào lưu này là ở
chỗ họ nghiên cứu hành vi “loại có vú thượng đẵng” chứ không nghiên cứu
hành vi của “con người xã hội”. Vì vậy, những nhà nghiên cứu ấy vừa thoát ra
khỏi cảnh “thực vật hóa” tâm lí, coi sự trưởng thành của cơ thể là nguyên
nhân quyết định sự phát triển tâm lí, thì lập tức rơi vào cảnh “động vật hóa”
tâm lí, coi sự phát triển tâm lí chỉ là một dạng phức tạp hơn, phát triển hơn
trong quá trình nẩy sinh và tiến hóa các dạng tâm lí của hành vi đã có trong
thế giới động vật. Tâm lí học Ghes– tan cũng bỏ qua mất các yếu tố xã hội
trong khi nghiên cứu tâm lí người. Vư-gốt-xki đã nhấn mạnh rằng, nếu không
có một luận điểm khoa học về con người và hoạt động của con người có thể
vạch ra con đường phát hiện được những nét chuyên biệt trong tâm lí và
hành vi người, thì bất cứ một tâm lí học nào, trước sau, cũng đều sẽ bất lực
trước khối lượng tư liệu đồ sộ đã thu thập được trong tâm lí học người.

Sau khi phân tích sâu sắc tất cả các xu hướng tâm lí học chủ yếu hồi
đầu thế kỉ này, Vư-gốt-xki đã đi đến một kết luận chung: rút cục mỗi một xu
hướng chỉ sửa lại hay sáng tạo ra một chương sách xây dựng trên một loại
sự kiện mới tìm ra, và coi đấy là, sự kiện trung tâm của tâm lí học, xu hướng
nào cũng có tham vọng đưa sự kiện mới được phát hiện lên vị trí lí thuyết
chung cho khoa học tâm lí. Nhưng kết quả là không có một xu hướng nào xây
dựng được một lí thuyết tâm lí học.

Tóm lại, bản chất của cuộc khủng hoảng trong tâm lí học những năm
hai mươi là thiếu cơ sở phương pháp luận hoặc có cơ sở phương pháp luận
sai. Từ đó, cần đưa ra một khẩu hiệu cho tâm lí học: “phải xây dựng lại nền
móng của tâm lí học”. Khẩu hiệu này khẳng định việc lập ra một nền tâm lí
học kiểu mới là một nhu cầu chín muồi. Vư-gốt-xki viết từ năm 1926: “Nói
chung, chúng tôi không có ý định đi tìm một hệ thống tâm lí học mác-xít có
sẵn trong tâm lí học phương Tây. Nếu tâm lí học mác-xít xuất hiện ở đó thì
thật là kì quặc. Tác giả nhiều lần nhắc đến ý này, để nhấn mạnh rằng, tâm lí
học Liên Xô, vào những năm đó, có nhiệm vụ phải tự hình thành các cơ sở
phương pháp luận mới về chất. Để thực hiện nhiệm vụ này, phải đi từ những
nguyên lí chung của chủ nghĩa duy vật biện chứng, duy vật lịch sử, và vận
dụng vào tâm lí học. Vư-gốt-xki viết tiếp: “rõ ràng là tâm lí học mác-xít có một
nhiệm vụ to lớn là “biện chứng hóa tâm lí học, tức là xây dựng hệ thống
phương pháp luận cho các khái niệm tâm lí học cụ thể trên cơ sở của lí thuyết
duy vật biện chứng”. Nói cách khác, toàn bộ bộ máy khái niệm của tâm lí học
phải có cơ sở là chủ nghĩa duy vật và phải xây dựng lại theo tinh thần biện
chứng. Chính đây là nhiệm vụ trung tâm mà ông đặt ra cho toàn bộ phong
trào tiến tới tâm lí học mác-xít, khoa học thực sự”. Nền tâm lí học này lấy
phạm trù hoạt động làm phạm trù then chốt của bộ máy khái niệm. Vư-gốt-xki
đã gọi tâm lí học kiểu mới là “tâm lí học lịch sử người”.

2. Tâm lí học lịch sử người


Từ năm 1926, Vư-gốt-xki đã xác định ý đồ chung trong việc cải tổ tâm lí
học trên cơ sở của chủ nghĩa Marx là xây dựng “một khoa học về hành vi của
con người xã hội”, chứ không phải hành vi của cơ thể con người. Khoa học
này phải tìm ra được những đặc điểm chuyên biệt ở hành vi người. Đây là
nhiệm vụ chiến lược của tâm lí học kiểu mới, quy định toàn bộ chương trình
hành động của Vư-gốt-xki và các cộng sự của ông. Bộ máy khái niệm của
tâm lí học mác-xít phải thấm nhuần nhiệm vụ đó. Vì vậy, Vư-gốt-xki đã lấy
khái niệm tâm lí học lịch sử người làm khái niệm xuất phát của bộ máy khái
niệm ấy. Năm 1930, Vư-gốt-xki viết: “… hiện nay đang nói tới chuyện làm sao
cho khoa học chiếm lĩnh được một khái niệm mới. Vấn đề là làm cho tâm lí
học thoát khỏi cảnh tù túng trong khuôn khổ sinh vật hóa, và chuyển vào lĩnh
vực tâm lí học lịch sử người” (gạch dưới - P.M.H). Nền tâm lí học này chính là
mục tiêu chung mà Vư– gốt–xki đã đề ra cho các chiến hữu và các bạn đồng
nghiệp.

Hoàn toàn đồng ý với Pô– lít– zer, người đã đề ra cho tâm lí học nhiệm
vụ nhân văn hóa quyết định luận và yêu cầu phải nhìn “con người đang làm
việc, chứ không phải là cơ co bóp”, Vư-gốt-xki nói thêm rằng, “không phải trí
nhớ ghi nhớ, mà là con người ghi nhớ”, rằng, phải thấy con người suy nghĩ,
chứ không phải một dòng tự trị các tư tưởng đang suy nghĩ. Vấn đề đặt ra
trước tâm lí học không phải là đo độ trưởng thành của cơ thể, mà khám phá
ra quá trình hình thành nên con người như là tồn tại xã hội. Vì vậy, lần đầu
tiên trong lịch sử khoa học, Vư-gốt-xki đã phát biểu rằng nhiệm vụ hàng đầu
của nền tâm lí học mới là “đặt con người vào trung tâm”. Ông xác định luận
điểm khoa học của mình là xu thế “lập ra một nền tâm lí học người, nền tâm lí
học này điều khiển toàn bộ công trình nghiên cứu của chúng ta”. Khác với tất
cả các nhà tâm lí học “mô tả” và “giải thích”, nhà tâm lí học Xô viết đề ra cho
bản thân nhiệm vụ lí giải bản chất các chức năng tâm lí chuyên biệt của con
người, và hợp theo là điều khiển sự vận hành của các chức năng ấy cũng
như tìm cơ chế hình thành các chức năng ấy.

Để giải quyết được nhiệm vụ này, tâm lí học phải thoát khỏi thế giới các
trạng thái hay quá trình ý thức khép kín, cũng như phải thoát khỏi vòng “cơ
thể – môi trường”. Theo ý Vư-gốt-xki, nếu tâm lí học muốn nghiên cứu một
cách thực sự hành vi, tâm lí người, thì nó phải hướng tới các quá trình hành
vi và ý thức tham gia vào cuộc sống. Vư-gốt-xki viết: “Các hiện tượng tâm lí
dù chúng quyện chặt một cách phức tạp với từng mặt của thực tế, về bản
chất, vẫn là hiện tượng tâm lí và bản chất của chúng không những không bị
che lấp đi, mà bộc lộ một cách nguyên hình với tất cả sự phong phú của nó
trong tính đa dạng của các mối quan hệ thực giữa các hiện tượng tâm lí với
thực tế xung quanh”. Tóm lại phải nghiên cứu hành vi và tâm lí người trong
sự tác động qua lại với môi trường xung quanh. Thế thì sự tác động qua lại ấy
là gì?
Khác với đại diện của các xu hướng tâm lí học khác nhau, những người
giới hạn quá trình ấy trong định đề về mối liên hệ trực tiếp giữa kích thích và
cử động cơ thể cảm giác, phản ứng, phản xạ, Vư-gốt-xki giải thích quá trình
đó xuất phát từ quan niệm duy vật lịch sử và duy vật biện chứng về bản chất
người. Quan niệm này dạy rằng, bằng hoạt động lao động của mình, con
người tạo ra một loại hình thích nghi mới về chất với môi trường, loại hình
thích nghi này hoàn toàn khác với các dạng hành vi mà động vật có, loại hình
thích nghi này bao hàm sự tác động tích cực vào thế giới bên ngoài, vào
những người xung quanh, và do đó, tác động tích cực lên chính bản thân
mình.

Như vậy, Vư-gốt-xki hiểu sự tác động qua lại giữa con người và môi
trường xung quanh là các mối quan hệ thực giữa con người với toàn bộ thực
tại xung quanh, nghĩa là quan hệ giữa con người với thiên nhiên, quan, hệ
giữa người với người, trong đó có quan hệ giữa con người và bản thân. Quan
hệ này, ta tìm thấy trong sơ đồ do Vư-gốt-xki phác họa, nó phản ảnh các mối
liên hệ khách quan, có bản chất xã hội ta cần tìm trong các mối quan hệ này
chìa khóa giúp ta hiểu được tâm lí người… Sơ đồ bao gồm một số vòng tròn,
bán nguyệt… và bên trong những từ sau đây: “con người”, “công cụ”, “đối
tượng lao động”, “sản phẩm”, “ngôn ngữ” và “ngọn lửa” (văn hóa) đứng cạnh
“công cụ”.
B3

B2
D

B1
A

Hình 1: Sơ đồ tâm lí, ngôn ngữ, văn hóa… là sản phẩm của hoạt động
và cũng là thành tố của hoạt động

Sơ đồ này chứa đựng nội dung mới về nguyên tắc của tất cả các khái
niệm có trong tâm lí học hồi đó, như các khái niệm môi trường, kích thích và
hành vi. Môi trường và con người sống trong đó không được hiểu một cách
đơn giản là tổng các kích thích vật lí và các kích thích xã hội, mà phải hiểu
môi trường có chứa đựng đối tượng và sản phẩm lao động. Cần nhấn mạnh
rằng, trong môi trường có công cụ lao động chứa đựng các thao tác lao động
nhất định với tư cách là sản phẩm của kinh nghiệm xã hội – lịch sử. Các kinh
nghiệm này chứa đựng trong các công cụ lao động và được chuyển từ thế hệ
này qua thế hệ sau. Bằng công cụ lao động, con người thực hiện sự tác động
qua lại với thiên nhiên, tức là hoạt động lao động nằm trong cơ sở của các
mối quan hệ qua lại giữa con người và môi trường. Vì vậy, nếu như hành
động của động vật, một mặt, tuân theo các quy luật của trường quang học,
mặt khác, tuân theo các quy luật của các nhu cầu cơ thể, thì đối với hành
động của con người, có trường tâm lí bao gồm cả trường thời gian mở rộng,
trường không gian kéo dài về phía trước lẫn phía sau, tức là cả quá khứ lẫn
tương lai. Trường tâm lí của con người vận hành theo cơ chế xã hội, lịch sử
của việc gìn giữ và truyền đạt kinh nghiệm từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nó
cũng vận hành theo ý định và mục đích do bản thân từng người tạo ra. Ý định
và mục đích là các thành tố cần thiết của hoạt động lao động.

Môi trường trong đó con người sống và hành động tựa như được mở
rộng ra. Môi trường của con người không phải chỉ là môi trường thiên nhiên,
mà còn là môi trường xã hội, môi trường này trước hết được hiểu là tổng hòa
của các quan hệ xã hội do con người tạo ra trong quá trình thực hiện hoạt
động của mình, và con người tham gia vào các quan hệ ấy. Hơn thế nữa, môi
trường của con người luôn luôn thay đổi dưới tác động của con người. Tóm
lại, có một quá trình hai chiều: môi trường tác động lên con người, và con
người tác động lên môi trường bằng hành động có mục đích của mình, con
người thay đổi môi trường, đồng thời thay đổi bản thân. Nói cách khác, các
mối quan hệ qua lại giữa con người và môi trường, cũng như sự giao lưu xã
hội của con người, không thể tiến hành ngoài hoạt động của con người. Với ý
nghĩa đó, con người bao giờ cũng là chủ thể của các mối quan hệ có bản chất
xã hội. Vấn đề con người đã được Vư–gốt– xki giải quyết như vậy trong hệ
thống tư tưởng tâm lí học của mình. Chỉ có hiểu không đầy đủ hệ thống ấy,
thì mới bỏ qua vấn đề con người là vấn đề có ý nghĩa hết sức cơ bản đối với
việc xây dựng lí thuyết tâm lí học mới.

Vì con người muốn tồn tại, buộc phải sử dụng công cụ ngôn ngữ và các
phương tiện khác do tập thể tạo ra và truyền từ người này sang người kia,
nên phải đặt hành vi và tâm lí người vào trong quá trình hoạt động lao động
và giao lưu xã hội, mới có thể hiểu được tâm lí và hành vi.

Nhờ có tính chất công cụ, tính chất gián tiếp, hành vi người không nên
hiểu như là tổng hay chuỗi phản ứng phản xạ, mà phải hiểu là quá trình nắm
lấy các chức năng tâm lí và xã hội của bản thân, tức là hành vi được hiểu là
hoạt động nhằm vào bản thân mình, đồng thời tham gia vào hoạt động bên
ngoài, tác động lên các đối tượng bên ngoài hoặc những người khác. Đó là
quan niệm về hành vi ta thấy trong tất cả các tác phẩm của Vư-gốt-xki, kể cả
các tác phẩm đầu tay của ông. Từ đó bắt đầu vận dụng nguyên tắc tính tích
cực, tính có ý thức, các nguyên tắc xuất phát từ việc sử dụng và sáng tạo ra
các “phương tiện hỗ trợ cho hành vi”, vào giải thích hành vi người. Tâm lí, ý
thức người được xem là kết quả của các mối liên hệ thực của con người với
toàn bộ hiện thực của nó.

Từ đó có thể có kết luận: Khái niệm tâm lí học lịch sử, người do Vư-gốt-
xki đưa vào tâm lí học với tư cách là một khái niệm chi phối toàn bộ hệ thống
khái niệm của tâm lí học mác-xít, đã mở ra con đường cho tâm lí học lĩnh hội
phạm trù hoạt động của chủ nghĩa Marx. Bài báo có tính chất cương lĩnh “ý
thức là vấn đề của tâm lí học hành vi” của Vư-gốt-xki là một bước quan trọng
bậc nhất trên con đường đó.

3. Cương lĩnh đầu tiên: ý thức là vấn đề của tâm lí học hành vi
Ngay từ những năm đầu trong đời hoạt động khoa học của mình (1915
– 1924), Vư-gốt-xki phân tích tình hình tâm lí học đương thời, đã phát hiện ra
xu thế tiến tới khách quan là xu thế duy vật, khoa học tự nhiên, bao gồm
thuyết hành vi Mĩ, phản xạ học Nga và phản ứng học. Ông chọn con đường
dẫn tới tâm lí học khách quan, coi đó là con đường duy nhất có thể cứu khoa
học thoát khỏi khủng hoảng và đặt khoa học vào những điều kiện phát triển
thuận lợi. Nhưng chẳng bao lâu sau, ông thấy phải đoạn tuyệt với các trào lưu
khách quan một thời là bạn đường của mình, để tìm ra con đường riêng xây
dựng tâm lí học mác–xít. Ông viết: “Buổi đầu, cuộc khủng hoảng Nga nổ ra từ
lúc hướng vào thuyết hành vi Mĩ có tính chiến đấu: lúc đầu như vậy là đúng.
Cần phải chiếm lĩnh lấy quan điểm khách quan trong tâm lí học và thoát khỏi
cảnh tù túng của chủ nghĩa chủ quan duy tâm, duy linh. Nhưng ngay từ bây
giờ, đã rõ là tâm lí học mác–xít chỉ có thể cùng đi đường với behaviorism Mĩ
và phản xạ học Nga đến một mốc nhất định thôi. Bây giờ cần đoạn tuyệt với
các bạn đường ấy và định ra con đường riêng”.
Vư-gốt-xki thấy rõ rằng, muốn cải tổ tận cội rễ tâm lí học theo hướng
chủ nghĩa Mác mà Coóc– nhi– lốp, Blôn– xki, Ba– xôv và các nhà tâm lí học
Liên Xô khác đã nói tới trong những năm hai mươi, thì không thể dùng thuyết
hành vi hay phản ứng học, tâm lí học Ghes– tan hay thuyết Fhơ– rớt làm
điểm xuất phát. Điểm xuất phát ấy nằm trong chủ nghĩa Marx: cần đi từ học
thuyết của Karl Marx mà xây dựng một phương pháp luận mới cho việc
nghiên cứu tâm lí học một cách cụ thể, tức là xây dựng nên một cơ cấu khái
niệm mới của tâm lí học. Vư-gốt-xki là nhà tâm lí học đầu tiên hiểu ra điều đó;
và điều đó được phản ánh một phần trong cách ông đặt vấn đề đối tượng và
phương pháp nghiên cứu tâm lí hồi năm 1925. Chúng tôi muốn nói tới bài báo
của ông: “ý thức là vấn đề của tâm lí học hành vi, bài báo này được xem là
cương lĩnh đầu tiên của lí thuyết tâm lí học về hoạt động. Chúng tôi chỉ sẽ
dừng lại phân tích bài báo này dưới góc độ của các nguyên tắc dẫn tới
phương pháp tiếp cận hoạt động dùng vào phân tích tâm lí người.

Chúng ta đều biết tâm lí học chủ quan coi ý thức là một hiện tượng
chung chung, không có chất lượng đặc thù. Khi thì coi đó là điều kiện cho các
quá trình tâm lí diễn biến, khi thì coi đó là sân khấu, nơi xảy ra các quá trình
tâm lí, khi thì coi đó là nguồn gốc chung của các chức năng tâm lí v.v… Vì
vậy, tâm lí học, tuy được “mệnh danh là một khoa học về ý thức, kì thực,
chưa bao giờ là một khoa học như vậy”.

Còn các trào lưu tâm lí học khách quan, thì ngay từ những ngày đầu,
đều nhằm vào lí giải các mối quan hệ giản đơn của tồn tại sống với thế giới
bên ngoài. Kết quả là trong tâm lí học có tình trạng: đối tượng của tâm lí học
hoặc là nghiên cứu tâm lí, không nghiên cứu hành vi, hoặc nghiên cứu hành
vi, không nghiên cứu tâm lí”, theo cách nói của Blôn– xki. Trong tình trạng đó,
các nhà tâm lí học buộc phải coi hành vi là các quá trình tự tồn tại ở bên
ngoài, còn ý thức, tâm lí là các thể nghiệm chủ quan tự tồn tại ở bên trong,
tức là mỗi thứ tồn tại riêng biệt, không phụ thuộc vào nhau, hoặc song song
cùng tồn tại. Trong trường hợp này, tâm lí, ý thức hóa ra là một thứ vô dụng
đối với cuộc đời, thậm chí có thể coi sự tồn tại của tâm lí, ý thức là một thứ kì
quặc

Tóm lại, toàn bộ tâm lí học cũ, kể cả các dạng nội quan lẫn các xu
hướng khách quan, hành vi chủ nghĩa, đều ở trong vòng cương tỏa của
thuyết nhị nguyên, duy linh và hiện tượng luận. Vư-gốt-xki thấy khả năng phủ
định nền tâm lí học cũ trong việc đặt và giải quyết vấn đề ý thức con người là
vấn đề trung tâm của tâm lí học hành vi.

Vào những năm bài báo ra đời, đối với nhiều người, bản thân tên bài
báo là một cái gì có vẻ ngược đời, vì ngay từ những ngày đầu tâm lí học hành
vi loại trừ ý thức ra ngoài phạm vi nghiên cứu. Ngược lại, Vư-gốt-xki khẳng
định: “Không nghiên cứu phản xạ, màng nghiên cứu hành vi, cơ chế, thành
phần, cấu trúc của hành vi”. Đồng thời phải nghiên cứu cả ý thức trong nghiên
cứu hành vi. Ông viết: “Nếu loại trừ vấn đề ý thức, thì bản thân tâm lí học tự
ngăn mình không nghiên cứu bất cứ một vấn đề hơi phức tạp nào của hành vi
con người”.

Như vậy là tâm lí học phải nghiên cứu cả hành vi người với tư cách là
“cái con người làm ra” lẫn ý thức người: ý thức người cũng là một thực tại
như hành vi. Đó chính là đối tượng của tâm lí học. Cả cái này lẫn cái kia đều
được xem xét trong mối liên hệ qua lại chặt chẽ với nhau, và đều được
nghiên cứu bằng các phương pháp khách quan. “Về mặt tâm lí.., – Vư-gốt-xki
viết – ý thức là một sự kiện quá rõ ràng, là một thực tế hàng đầu và đó là sự
kiện có ý nghĩa vô cùng quan trọng, chứ không phải sự kiện phụ hay ngẫu
nhiên. Không ai chối cãi điều đó. Có nghĩa là cần và có thể tạm để vấn đề đó
lại chứ không phải bỏ đi nói chung. Chừng nào tâm lí học mới mà chưa đặt ra
một cách rõ ràng, dũng cảm, vấn đề tâm lí và ý thức, chừng nào mà chưa giải
quyết vấn đề này bằng con đường thực nghiệm khách quan, chừng đó tâm lí
học chưa thoát cảnh cơ cực”.

Vư-gốt-xki đã dành vị trí trung tâm trong bài báo cương lĩnh của mình
cho một tư tưởng lớn: tâm lí học, với tư cách là một khoa học cụ thể, phải
hướng các cố gắng của mình vào nghiên cứu ý thức và hành vi của người –
người được hiểu là một tồn tại lịch sử, xã hội, lao động, có ý thức, chứ không
phải là: “cái túi đựng đầy phản xạ”. Lập trường xuất phát đó chỉ ra rằng, chỉ có
thể giải quyết vấn đề ý thức là hiện tượng chỉ con người mới có, trong sự
phân tích các dạng hành vi đặc thù người, khác với hành vi động vật. Hoạt
động lao động là dạng chủ đạo trong các dạng hành vi người. Chính vì vậy,
ông đã lấy một đoạn trích từ tác phẩm “Tư bản” của Mác làm tiền đề cho
cương lĩnh của mình: “Con nhện thực hiện các thao tác giống các thao tác
của người thợ dệt, con ong xây tổ sáp làm cho đôi nhà kiến trúc phải hổ thẹn,
nhưng ngay một nhà kiến trúc tồi, từ đầu đã khác một con ong cừ nhất ở chỗ
trước khi dùng sáp xây tổ nhà kiến trúc đã xây nó trong đầu mình rồi. Khi quá
trình lao động kết thúc, nhận được kết quả, thì kết quả này đã có dưới dạng
tinh thần trong biểu tượng của con người từ lúc quá trình ấy mới bắt đầu. Con
người không những chỉ biến đổi hình thức cái thiên nhiên đã cho; mà trong
cái thiên nhiên cho, con người đồng thời còn thực hiện cả mục đích có ý thức
của mình, mục đích này là quy luật quy định phương thức và tính chất của
hành động của con người, con người bắt ý chí của mình phải theo mục đích
đó”.

Điểm đặc thù trong lao động của con người do Mác nêu ra, được Vư-
gốt-xki gọi là “kinh nghiệm kép”. Nói “kép” là ở chỗ “trong cử động của tay và
trong sự biến đổi vật liệu lao động lặp lại cái đã làm trước đó trong biểu tượng
của người lao động, tựa như làm việc với mô hình của mình về chính các cử
động đó và về chính vật liệu đó”. Chính trong kinh nghiệm kép ấy ta thấy
nguồn gốc của ý thức, sự tồn tại thực của ý thức, cũng như chức năng định
hướng hành động thực sự của ý thức. Khái niệm kinh nghiệm kép cũng chứa
đựng tư tưởng cho rằng biểu tượng, ý thức hay tâm lí người nói chung, đều là
các mặt của hành vi, và hành vi lúc đó (năm 1925) đã được ngầm hiểu là hoạt
động. Vư-gốt-xki không coi ý thức là bản thể, tức là một phương thức tồn tại
tạo ra tồn tại khác, hay một thuộc tính thần bí của tinh thần. Từ đó có thể hiểu
ra rằng công nhận ý thức là đối tượng của tâm lí học hành vi, với quan niệm
mới về bản chất, chức năng của ý thức đối với hành vi người, lần đầu tiên,
tâm lí học có được khả năng thoát khỏi thuyết duy linh, hiện tượng luận và nhị
nguyên luận.

Thế là lần đầu tiên trong lịch sử khoa học này, ý thức với tư cách là vấn
đế của tâm lí học được xem xét trong bối cảnh của hoạt động lao động của
con người. Tình hình này, thực tế, là tiền đề của tư tưởng vận dụng nguyên
tắc công cụ, nguyên tắc gián tiếp là các nguyên tắc đặc trưng cho hoạt động
lao động vào nghiên cứu tâm lí: điều này mang lại một sức sáng tạo to lớn
cho khoa học của chúng ta. Ở mộ t chỗ khác sẽ nói tiếp về điểm này, còn bây
giờ ta quay trở lại ý kiến của Vư– gốt– xki cho rằng “ý thức là vấn đề cấu trúc
của hành vi”. Điều đó có nghĩa là ý thức phải được xếp vào cùng hàng với
toàn bộ các thành tố của hành vi và phải giải thích ý thức trong hành vi đó. Sự
phân tích khái niệm kinh nghiệm kép phần nào đã nói lên điều đó. Đối với các
thành tố khác của hành vi người cũng phải có sự suy xét tương tự.

Vư-gốt-xki xác định ranh giới giữa hành vi động vật và hành vi người là
ở chỗ chúng có các cấu trúc hoàn toàn khác nhau. Ở động vật, các dạng
hành vi chủ yếu hợp thành bởi hai nhóm phản ứng: bẩm sinh hay vô điều
kiện, tự tạo hay có điều kiện. Nói cách khác, hành vi động vật áng chừng có
thể coi là (kinh nghiệm di truyền) hay (kinh nghiệm di truyền; kinh nghiệm cá
thể). Ở người cấu trúc hành vi bao gồm kinh nghiệm lịch sử, kinh nghiệm xã
hội và kinh nghiệm kép. Ở trên đã nói về kinh nghiệm kép. Còn kinh nghiệm
lịch sử, kinh nghiệm xã hội là gì?

Kinh nghiệm lịch sử được hiểu là việc sử dụng rộng rãi kinh nghiệm của
các thế hệ trước, tức là cái có thể gọi là “di truyền xã hội”. Vư–gốt–xki viết: “…
Toàn bộ cuộc sống của chúng ta, lao động, hành vi – dựa trên sự sử dụng
rộng rãi kinh nghiệm của các thế hệ trước, không truyền qua con đường sinh
đẻ từ cha sang con. đại thể chúng tôi gọi nó là kinh nghiệm lịch sử”. Trong nội
dung của hành vi người có các tri thức trong nghĩa rộng nhất của từ này là
thành tố bắt buộc của hành vi. Các tri thức, các kĩ xảo lao động, các kĩ năng
sinh hoạt, các quy tắc văn hóa và các khái niệm văn hóa, v.v… là do các thế
hệ trước truyền đạt lại cho thế hệ trẻ. Lĩnh hội những cái đó, con người có
khả năng trở thành tồn tại xã hội. Muốn biến khả năng này thành hiện thực,
từng người phải biến những tri thức đó thành các phương tiện của hành vi ở
bản thân. Trong trường hợp này, hành vi người không còn bị hiểu là một hệ
thống các cử động cơ thể hay một chuỗi phản ứng, hành vi được hiểu là một
quá trình tích cực có nguồn gốc xã hội. Đồng thời, trong kinh nghiệm lịch sử
cũng như trong kinh nghiệm kép có chứa đựng khả năng tiến hành nghiên
cứu một cách khách quan ý thức, tâm lí người. Phải xem xét cả nguồn gốc
lẫn sự vận hành của ý thức, tâm lí người trong các kinh nghiệm ấy.

Trong cấu trúc của hành vi người có kinh nghiệm xã hội. Kinh nghiệm
xã hội được hiểu là những tri thức nhận từ người khác tới. Kinh nghiệm này
cũng được gọi là kinh nghiệm tập thể. Về thực chất, kinh nghiệm xã hội không
khác kinh nghiệm lịch sử. Loại thứ nhất tựa như là một dạng của loại thứ hai.
Có thể nói rằng kinh nghiệm xã hội là kinh nghiệm lịch sử trong hiện tại. Trong
cả hai loại kinh nghiệm, vấn đề tựu trung là truyền đạt kinh nghiệm từ thế hệ
này qua thế hệ khác và từng người lĩnh hội kinh nghiệm ấy. Tách ra hai loại
chỉ nhằm nhấn mạnh sự khác biệt giữa kinh nghiệm di truyền một cách sinh
vật và kinh nghiệm lịch sử, đó là hai loại hình phát triển hành vi khác nhau về
chất lượng. Có thể nhận xét ngay rằng, tư tưởng coi có hai loại hình phát triển
hành vi – loại sinh vật và loại lịch sử – là một trong những tư tưởng nền tảng
của các công trình tiếp theo của Vư-gốt-xki và những người cộng tác của ông.
Ngoài ra tách kinh nghiệm xã hội ra khỏi các kinh nghiệm khác còn để cho
thấy hành vi người, và cùng với hành vi là ý thức, tâm lí thường được hình
thành, phát triển, vận hành trong giao lưu xã hội. Trong ý nghĩa đó, Vư– gốt–
xki nói rằng cơ chế của ý thức chính là cơ chế của kinh nghiệm lịch sử và
kinh nghiệm xã hội.

Một điểm cuối cùng rất đáng chú ý: Vư-gốt-xki cho rằng kinh nghiệm
lịch sử và kinh nghiệm xã hội có “cùng một số hiệu với kinh nghiệm kép”. Khai
thác luận điểm này, người ta hiểu rằng, ba loại kinh nghiệm nói tới ở đây hợp
thành công thức (cấu trúc) hành vi người. Cả ba đều thuộc một bước phát
triển hành vi, cùng có những đặc điểm chất lượng chuyên chỉ có trong loại
hình lịch sử của hành vi người. Cả ba có cái chung là nội dung của chúng đều
xuất phát từ quá trình lao động, từ quá trình truyền đạt kinh nghiệm từ thế hệ
này sang thế hệ khác, từ người này tới người khác, và từ việc mỗi người lĩnh
hội các kinh nghiệm. Đương nhiên không thể thực hiện được các quá trình
này, nếu không có tâm lí và ý thức giữ chức năng định hướng và tích cực
hóa. Vì vậy Vư-gốt-xki lại viết: ý thức “hóa ra là một cấu trúc rất phức tạp của
hành vi, nếu nói riêng, thì làm cấu trúc rất phức tạp của quá trình phân đôi
của hành vi”. Trong tất cả các loại kinh nghiệm của con người nói tới đây đều
có sự thống nhất giữa các hình thái bên trong và các hình thái bên ngoài của
hành vi.

Tóm lại, Vư-gốt-xki đã phác họa ra cương lĩnh đầu tiên của lí thuyết
tâm lí học về hoạt động. Lí thuyết này bao hàm mộ quan điểm mới về đối
tượng của tâm lí học hành vi có cấu trúc bao gồm kinh nghiệm lịch sử, kinh
nghiệm xã hội và kinh nghiệm kép, hành vi được hiểu ngầm là hoạt động của
con người. Và cả ý thức nữa, cũng có trong đối tượng của tâm lý học với tư
cách là một bộ phận tổ thành của đối tượng tâm lí học; ý thức được coi là một
thực tại khách quan có chức năng điều chỉnh đối với hành vi, và cùng với
hành vi, ý thức là một thành tố của hoạt động. “Tâm lí học hành vi” mà Vư-
gốt-xki nói tới năm 1925 thực chất là tiền ảnh của tâm lí học lịch sử người. Có
cùng một mục đích với xu hướng khách quan là hình thành nên tâm lí học
khách quan, nhưng tâm lí học lịch sử con người, về tất cả các khoản đều
khác với tâm lí học hành vi.

Cương lĩnh đầu tiên của lí thuyết tâm lí học về hoạt động xuất phát
thẳng từ Các Mác. Phương pháp tiếp cận mới đối với hành vi và ý thức với tư
cách là đối tượng của tâm lí học khoa học, là một trong những kết quả đầu
tiên của quá trình Vư-gốt-xki lĩnh hội học thuyết mác–xít về hoạt động của con
người, kết quả ấy tạo ra nền tảng của mọi nền tảng tâm lí học kiểu mới.

Mọi người biết rằng trong suốt đời hoạt động khoa học của mình, Vư-
gốt-xki không một phút bỏ lơi vấn đề ý thức là vấn đề trung tâm trong toàn bộ
hệ thống quan điểm của ông. Và đương nhiên, trong cương sách này, nhiều
lần chúng tôi sẽ còn đề cập đến vấn đề này chủ yếu để tìm hiểu những tư
tưởng nào của ông có tác dụng đến tiến trình hình thành phạm trù hoạt động
cho tâm lý học và nội dung của phạm trù này. Một trong những tư tưởng đó là
nguyên tắc gián tiếp mà chúng tôi sẽ nói trong những dòng tiếp theo.

4. Nguyên tắc gián tiếp


Con đường dẫn tới tâm lí học người thực sự khách quan, theo Vư-gốt-
xki, chính là làm sao tìm ra cái đặc thù của tâm lí người, tức là làm sao tìm ra
cái tâm lí được tạo ra bởi các mối liên hệ thực của con người, trong các mối
quan hệ ấy con người thực hiện mối tác động qua lại giữa con người với thực
tế xung quanh. Cùng với nhiệm vụ này, nhà khoa học còn có một nhiệm vụ
khác nữa là biểu đạt “những cái được tạo ra” ấy trong các khái niệm khoa học
cụ thể. Một trong những khái niệm ấy là khái niệm “chức năng tâm lí cấp cao”,
tư tưởng về tính gián tiếp của các chức năng tâm lí người thể hiện rõ rệt trong
sự phân tích cấu trúc của chức năng tâm lí cấp cao. Tư tưởng nay không tách
rời các biểu tượng do Vư-gốt-xki phát triển về tính xã hội – lịch sử quy định
tâm lí ý thức người trên cơ sở nguyên tắc gián tiếp hình thành nên các chức
năng tâm lí cấp cao.

Có thể nói rằng quá trình hình thành các chức năng tâm lí cấp cao thực
chất là quá trình các chức năng tâm lí có được cơ chế gián tiếp. Các chức
năng tâm lí đặc thù người là cấu tạo tâm lí mới, không có sẵn từ đầu, mà là
kết quả của quá trình lịch sử chung, cũng như quá trình phát triển cá thể, diễn
ra trong quá trình lĩnh hội các phương tiện bên ngoài của sự phát triển văn
hóa của xã hội, như ngôn ngữ, văn tự, tính toán, v.v…

Tương tự như lao động là hình thái khởi đầu và chủ đạo các hoạt động
người có tính chất, gián tiếp do công cụ lao đang tạo nên, các chức năng tâm
lí cấp cao chỉ có ở người có tính chất gián tiếp do các kích thích mà bản thân
con người tự đưa vào hoạt động của mình tạo nên. Các kích thích có thể là
các “phương tiện hỗ trợ” của trí nhớ từ các dấu vết trong thiên nhiên đến “các
nút” khác nhau, các loại văn tự hiện đại v.v…, từ tiếng kêu “xúc động” đến từ
ngữ, từ “số học thông dụng” đến tính toán trên đầu ngón tay hay tính toán
bằng các con số, v.v…

Vư-gốt-xki đã nhiều lần chỉ ra những chỗ giống nhau và khác nhau giữa
công cụ tâm lí và công cụ kĩ thuật. Thứ nhất, chúng có một chỗ tương đồng là
chức năng gián tiếp cho lao động và tâm lí đã nói ở trên. Thứ hai, chúng có
một khác biệt cơ bản là chúng có hướng khác nhau. Công cụ kĩ thuật là
phương tiện của hoạt động bên ngoài, nó là cái trung gian dẫn tác động của
con người tới khách thể, do đó, có tham gia vào làm biến đổi khách thể. Công
cụ tâm lí, ngược lại, là phương tiện của hoạt động bên trong, tức là hoạt động
hướng vào trong, đó là phương tiện tác động lên hành vi, hành vi mình và
hành vi người khác, không biến đổi gì trong khách thể. Điều đó không có
nghĩa là trong một quá trình này con người có quan hệ với khách thể, và trong
quá trình kia không có. Thoảng có khi gặp ý kiến cho rằng hệ thống tư tưởng
tâm lí học của Vư-gốt-xki hình như bỏ qua vấn đề về khách thể. Sở dĩ có ý
kiến ấy, có lẽ vì phân tích hơi phiến diện lí thuyết tâm lí học của ông. Kiểu
phân tích này làm ta nhớ tới, theo ngạn ngữ phương Đông, cách mô tả của
người mù sờ voi…

Quay lại câu hỏi nêu ra ở trên, chúng ta phải nhận xét rằng cả hai quá
trình, quá trình lao động và quá trình tâm lí tuy đi vào hai hướng “khác” nhau,
nhưng đều có cùng một nhiệm vụ là thực hiện sự tác động thật của con người
vào thế giới đối tượng. Bằng các dấu hiệu tâm lí, con người nắm được quá
trình này hay quá trình tâm lí khác, nhờ đó thực hiện được hành vi hay hoạt
động hướng vào một đối tượng nào đó. Sự tác động qua lại giữa chủ thể và
khách thể về bản chất là sự tác động tích cực, và là cơ sở của các quá trình
tâm lí.

Như vậy có nghĩa là đằng sau các kích thích giữa vai trò gián tiếp mà ta
nói tới ở đây có các khách thể nhất định. Bao giờ chúng cũng ám chỉ một cái
gì đấy: một nút thắt trên khăn ám chỉ một ngày đã trôi qua, một đốt ngón tay
và một con cừu, một nét vẽ chỉ thức ăn, một từ chỉ đồ vật, v.v… Vì vậy gọi
chúng là dấu hiệu. Vì những dấu hiệu ấy là sự sáng tạo của loài người, tức là
con người tự đưa các dấu hiệu ấy vào hành vi của mình, các dấu hiệu đó
được coi là dấu hiệu tự tạo. Các dấu hiệu này là bộ máy trung gian đứng giữa
các kích thích tự nhiên và hành vi người. Nhờ bộ máy đó người ta xác định
được hành vi, nói cách khác, người ta chỉ ra được hành vi. Nhờ các dấu hiệu
tự tạo mà con người làm cho bản thân thấy được hành vi của mình, và nhờ
đó người khác cũng thấy được hành vi của mình. Kết quả là con người có
được một nguyên tắc mới – nguyên tắc gián tiếp điều khiển hoạt động của
bản thân, nguyên tắc này giúp người ta thoát khỏi sự tác động trực tiếp của
dòng kích thích, và hành vi người không còn đơn thuần là hành vi phản ứng,
mà trở nên hành vi tích cực. Nhờ các dấu hiệu, bằng cách này hay cách khác,
có tham gia vào hoạt động lao động mà con người có một hình thái đặc thù
để phản ánh hiện thực. Vư-gốt-xki viết: “Một trình độ làm chủ hành vi, một
trình độ làm chủ các quá trình tâm lí của con người buộc phải tương ứng với
một trình độ ngự trị các lực lượng thiên thiên. Quá trình con người tích cực
thích nghi với môi trường, việc con người thay đổi tự nhiên không thể dựa vào
quá trình tín hiệu hóa phản ánh một cách thụ động các mối liên hệ tự nhiên
của mọi tác nhân có thể có. Quá trình thích nghi và thay đổi ấy đòi hỏi phải
tích cực khép kín các mối liên hệ đó – điều này không thể xảy ra trong loại
hành vi tự nhiên tức là loại hành vi dựa vào sự kết hợp các tác nhân một cách
tự nhiên. Con người đưa ra các kích thích tự tạo xác định nghĩa hành vi, và
nhờ có các dấu hiệu, tác động từ bên ngoài, tạo ra các đường liên hệ mới ở
trong não”. Qua đó ông đã nhấn mạnh tính chất gián tiếp chỉ có trong cơ chế
hành vi người: “Không thể có sự giao lưu trực tiếp giữa các tâm hồn, tất
nhiên, đó là định đề của tâm lí học khoa học. Đó là thực chất của nguyên tắc
hành vi người mà Vư-gốt-xki gọi là nguyên tắc “chỉ nghĩa” (Signiflcation) –
nguyên tắc đặc trưng cho hoạt động của con người.

Các chức năng tâm lí cấp cao hình thành, phát triển, vận hành theo
nguyên tắc chỉ nghĩa (principe significatif). Như đã chỉ ra, các chức năng tâm
lí chỉ trở thành các chức năng cấp cao khi chúng dùng các dấu hiệu để có
được tính chất gián tiếp. Nguyên tắc chỉ nghĩa là kết quả cụ thể của việc giải
quyết vấn đề gián tiếp trong các công trình nghiên cứu tâm lí học, đó là một
trong những nguyên tắc quan trọng cho phép Vư-gốt-xki và những người
cộng tác của ông, lần đầu tiên trong lịch sử tâm lí học, có thể nghiên cứu các
chức năng tâm lí cấp cao, tức là nghiên cứu ý thức của con người, một cách
khách quan.

Mọi người đều biết đối tượng của tâm lí học sinh lí, tâm lí học giảng giải
là nguyên cớ của tâm lí học khoa học tự nhiên là các hiện tượng tâm lí giản
đơn diễn ra theo các quy luật bất biến của thiên nhiên, tâm lí học tinh thần,
tâm lí học mô tả, tâm lí học thông hiểu giải thích các chức năng tâm lí cấp cao
như là các thuộc tính vốn có của tinh thần theo nghĩa của chủ nghĩa duy tâm.
Ở đây có một sự thay đổi giản đơn một loại quy luật bất biến này bằng một
loại quy luật bất biến khác, các quy luật thiên nhiên được thay thế bằng các
quy luật tinh thần. Cả trong hai loại các hiện tượng này hay chức năng tâm lí
học đều được xem xét ở thế tĩnh, chứ không ở thế động. Kết quả là khoa học
đứng trước hai ngả: “Hoặc là sinh lí học tinh thần, hoặc là toán học tinh thần
chứ không phải là lịch sử phát triển của con người với tư cách là một bộ phận
của lịch sử chung của nhân loại”. Toàn bộ sự phong phú thực của tâm lí
người hóa ra đứng ngoài tâm lí học cũ, tâm lí học không mác-xít về vấn đề
các chức năng tâm lí cấp cao, “toán học tinh thần” theo luận điểm tiên nghiệm
và trực giác, thì các chức năng ấy nằm sâu trong bản thân tinh thần, cho sẵn
trước khi có một kinh nghiệm nào dấy. Còn “sinh lí học tinh thần”, trong vấn
đề này, lại có ý đồ rút ra các chức năng tâm lí cấp cao từ các kĩ xảo được tập
hợp lại hay từ chỗ kĩ xảo này ngăn cản kĩ xảo kia. Tóm lại, như đã nói ở trên,
cả hai thứ tâm lí học đều không giải quyết được vấn đề các chức năng tâm lí
cấp cao.

Nguyên tắc chỉ nghĩa (ám nghĩa) dựa trên mối liên hệ giữa con người
và thế giới khách quan, mối liên hệ này xuất hiện dưới dạng hoạt động của
con người. Qua đây ta hiểu được tất cả những gì làm trung gian cho hành vi
con người trong tiến trình hiện thực hóa mối liên hệ ấy. Mặt khác, nhờ có
nguyên tắc chỉ nghĩa mà có thể khách quan hóa quá trình làm chủ hành vi của
bản thân, tức là khách quan hóa sự tồn tại thực của ý thức và chức năng điều
chỉnh của ý thức. Với nghĩa này, nguyên tắc chỉ nghĩa chứa đựng cả tính
trung gian, lẫn tự điều chỉnh. Khái niệm sau giúp ta giải thích tính chủ định
như là một đặc trưng của chức năng tâm lí cấp cao.

Ngoài các “công cụ hỗ trợ” cho trí nhớ, tư duy, v.v… nêu trên như là
các công cụ tự tạo; tức là các dấu hiệu do người ta đưa vào hoàn cảnh tâm lí,
ở đây có thể nêu lên một số ví dụ đơn giản khác: bắt thăm khi cần lựa chọn
một cái gì đó, hay một lời chỉ dẫn để hình thành phản xạ có điều kiện lựa
chọn (ví dụ, khi “tôi giơ ngón tay trỏ” – anh giơ tay phải, khi “tôi giơ nắm đấm”
– anh giơ tay trái). Những tín hiệu này trở thành những phương tiện tâm lí,
con người dùng các phương tiện này để tạo ra các p ương thức hoạt động
tương ứng. Vư-gốt-xki gọi chúng là “kích thích – phương tiện”, các kích thích
này có trong công thức cấu trúc hành vi. Do đó hành vi có một dạng hoàn
toàn mới với một nội dung mới tương ứng. Nhờ các phương tiện và phương
thức ấy người ta thoát được nguyên tắc phản ứng một cách máy móc đối với
các kích thích không điều kiện và có điều kiện để chờ đợi một kích thích
không điều kiện nào đó. Điều đó nói lên ý nghĩa chức năng của “các kích
thích – phương tiện” đối với hành vi.

Nguyên tắc chỉ nghĩa do Vư-gốt-xki đề ra thay thế cho định đề trực tiếp
là định đề nền tảng của ngôi nhà tâm lí học truyền thống (cả tâm lí học duy
linh lẫn tâm lí học hành vi). Kết quả là tâm lí học Liên Xô (cũ) đã đi vào con
đường khắc phục định đề trực tiếp đặc trưng cho toàn bộ tâm lí học cũ. Nói
cách khác, khoa học tâm lí có khả năng vượt ra ngoài vòng ý thức khép kín
của tâm lí học duy linh và công thức hành vi theo mạch thằng của chủ nghĩa
hành vi đưa ra.

Nhờ Vư-gốt-xki phát hiện ra nguyên tắc gián tiếp cho tâm lí học mà
khoa học này có thể nghiên cứu được vốn phong phú của tâm lí người, có thể
thấy cuộc sống thực là nguồn gốc thực sự sinh ra vốn phong phú đó, đưa cái
đó trở thành đối tượng của tâm lí học.
Đồng thời cần nhận xét rằng bản thân việc đặt vấn đề về tính chất gián
tiếp trong tâm lí học, cũng như việc giải quyết vấn đề này đã dẫn Vư-gốt-xki
tới quan niệm về tính xã hội – lịch sử quy định tâm lí người, vì các dấu hiệu tự
tạo nói tới ở trên chính là sản phẩm do loài người sáng tạo ra, tức là việc
sáng tạo ra các dấu hiệu đó cũng như việc sử dụng chúng bao giờ cũng diễn
ra như là những quá trình xã hội – lịch sử. Tất cả những tư tưởng vô cùng
quan trọng ấy của tâm lí học mác–xít mà dưới đây sẽ còn nói tiếp, đã được
Vư– gốt-xki thể hiện trong quá trình phân tích khái niệm chức năng tâm lí cấp
cao, và đằng sau các chức năng này là ý thức.

Về mặt nguồn gốc, cụ thể là về sự phát triển loài, các chức năng tâm lí
cấp cao không phải là sản phẩm của tiến hóa sinh vật, mà là sản phẩm phát
triển lịch sử của hành vi. Về mặt phát triển cá thể, chúng cũng có nguồn gốc
lịch sử xã hội đặc biệt. Về mặt cấu trúc, đặc điểm của chúng là khác với cấu
trúc phản ứng trực tiếp của các quá trình sơ đẳng, các chức năng cấp cao
được xây dựng trên cơ sở sử dụng các kích thích – phương tiện (dấu hiệu) và
do đó, chúng có tính chất gián tiếp. Cuối cùng đối với hành vi, các chức năng
cấp cao có một nhiệm vụ mới, về căn bản khác với nhiệm vụ của các chức
năng sơ đẳng, đó là nhiệm vụ thích nghi một cách có tổ chức với môi trường,
bằng cách làm chủ hành vi của bản thân.

Trong một số quan hệ nhất định, các luận điểm cơ bản của lí luận tâm lí
học về hoạt động đều xuất phát từ nguyên tắc gián tiếp. Vư-gốt-xki đạt được
nguyên tắc này là nhờ ông quan niệm rằng hoạt động lao động có mục đích
cội nguồn và tiền ảnh của bản thân hoạt động tâm lí. Có mối liên hệ nội tại
giữa nguyên tắc này với tư tưởng không thể tách rời tâm lí, ý thức khỏi hoạt
động như là một trong những tư tưởng nữ then chốt của tâm lí học mác-xít.

5. Phương pháp phân tích “theo đơn vị”


Thường thường phương pháp khoa học là một bộ phận tổ thành của lí
thuyết. Hơn nữa, chính phương pháp nghiên cứu giữ vai trò quyết định trong
tiến trình thực hiện các tư tưởng và nguyên tắc hợp thành lí thuyết đó. Và
ngay từ khi mới bắt đầu hình thành cương lĩnh cải tổ tâm lí học theo chủ
nghĩa Mác, Vư-gốt-xki đã đề ra cho mình nhiệm vụ tìm ra phương pháp phân
tích đời sống tâm lí người. Cần phải tìm cho được phương pháp có thể phát
hiện ra thực chất các chức năng tâm lí chuyên biệt người. Theo Vư-gốt-xki,
đó là phương pháp phân tích “theo đơn vị”, dùng phương pháp này có thể
phát hiện ra tính chất cơ bản nhất của các chức năng tâm lí cấp cao. Nhờ
phương pháp phân tích “theo đơn vị” ngay từ nửa sau trong thập kỉ thứ ba, đã
thực hiện một loạt các công trình tâm lí học cụ thể, trong đó trước hết phải kể
đến các tác phẩm “Sự phát triển trí nhớ” của Lê– ông– chi– ép, “Tâm lí học
chú ý” của Vư–gốt–xki, “Hình thành khái niệm ở trẻ em” của Xa–kha–rôp,
v.v… Chính những công trình nghiên cứu này là những thực nghiệm xác nhận
một quan niệm mới về tâm lí người, coi tâm lí mang tính chất công cụ giao
tiếp một cách đặc thù, quan niệm này, như đã chỉ ra, xuất phát từ sự phân
tích hoạt động lao động. Từ đây bắt nguồn tư tưởng trung tâm của A. N. Lê –
ông– chi – ép về hoạt động đối tượng là “đơn vị” phân tích thế giới tâm lí
người.

Phương pháp phân tích do Vư-gốt-xki đưa ra để nghiên cứu các chức
năng tâm lí cấp cao hoàn toàn khác với phương pháp phân tích ra “thành yếu
tố” là phương pháp đã được sử dụng rộng rãi trong tâm lí cũ. Phương pháp
phân tích sau, như mọi người biết, là phương pháp chia các hiện tượng tâm lí
tổng thể ra thành các yếu tố không chứa đựng các thuộc tính có trong chỉnh
thể như là một chỉnh thể, nhưng đồng thời có một loạt các thuộc tính mới
không có trong chỉnh thể. Tương tự như nước bị tách ra thành H và O như
các yếu tố hợp thành nước, từ chia thành âm và nghĩa, tâm lí học cũ vẫn
dùng cách phân tích chia ý thức thành cảm giác và tri giác, xúc cảm và tình
cảm, tư duy và ý chí, v.v… hành vi được chia thành các phản xạ hay phản
ứng, v.v… Đương nhiên là theo phương pháp tiếp cận này, cả hành vi lẫn ý
thức và tâm lí nhất định đều bị lọt lưới hết, những đặc điểm chuyên biệt của
chúng bị bốc hơi cả.
Còn phương pháp phân tích mới đã mở ra những triển vọng tốt đẹp cho
các công trình nghiên cứu tâm lí học. Thực chất của phương pháp này là tách
cái tổng thể thống nhất phức tạp ra thành đơn vị, chứ không chia thành yếu
tố. “Chúng tôi hiểu đơn vị – Vư-gốt-xki viết là một sản phẩm của sự phân tích.
Khác với các yếu tố đơn vị có đầy đủ các thuộc tính có ở chỉnh thể, đấy là các
phần không chia tiếp được nữa của sự thống nhất ấy”. Ví dụ, nghiên cứu
phân tử của các hóa chất hay chia sinh vật ra tế bào. Tiếp tục ví dụ nêu ở trên
về hóa học mới, Vư-gốt-xki nói rằng, tách nước thành yếu tố H là yếu tố có
thuộc tính cháy, và yếu tố O là yếu tố làm cháy – cách phân tích này không
cho ta một hiểu biết gì về những đặc điểm chuyên biệt của nước. Phải tách
nước thành các đơn vị còn giữ đủ các thuộc tính của nước. Đơn vị đó là phân
tử H2O.

Vư-gốt-xki coi “cử động công cụ” là đơn vị của hành vi đơn vị của ý
thức. Cử động bằng công cụ là một cấu tạo mới chỉ có ở người, bao gồm các
quá trình tâm lí, trong khi thực hiện các quá trình này con người làm chủ hành
vi của bản thân bằng cách sử dụng các công cụ tâm lí ở trong các quá trình
ấy (như ngôn ngữ, dãy số, tính toán, kĩ thuật nhớ, dấu hiệu đại số, tác phẩm
nghệ thuật, chữ viết, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ, v.v…, là các hình thái tồn tại bên
trong và các hình thái tồn tại bên ngoài của các công cụ đó). Đối với các thao
tác tâm lí, các công cụ này giữ vai trò như là vai trò của các công cụ kỹ thuật
trong quá trình lao động. Khác với các kích thích làm nhiệm vụ của các khách
thể và được gọi là kích thích – khách thể (S), các công cụ tâm lí được gọi là
kích thích – phương tiện (X) giữ vai trò của khâu trung gian đứng giữa kích
thích – khách thể và thao tác tâm lí. Nguyên tắc trực tiếp của hành vi đã bỏ
qua mất toàn bộ đặc thù của hành vi người khi nghiên cứu hành vi người.
Nguyên tắc trực tiếp được thay thế ở trong hệ thống mới thống mới bằng
nguyên tắc mới.

Nguyên tắc này chỉ ra những nét đặc trưng cho hoạt động của con
người. Thực chất của phương pháp phân tích tâm lý ra “các cử động công cụ”
là trong tất cả các công trình nghiên cứu chức năng tâm lý cấp cao phải tìm
cho ra một cử động (acte), mà trong khi tiến hành cử động này, con người có
thể chuyển những khách thể nhất định thành kích thích – phương tiện, và
bằng các kích thích – phương tiện này, con người tổ chức được hành vi để
trả lời các kích thích - khách thể. Điều đó có nghĩa là “cử động công cụ”
chẳng qua là sự sử dụng các khách thể nào đấy làm các phương thức,
phương tiện nắm hành vi của bản thân. Cần đặc biệt nhấn mạnh rằng nếu
không có tính tích cực của người - chủ thể của hành vi và tâm lí, thì không thể
có cử động đó được. Mọi người đều biết, không có sẵn các thao tác lao động
trong chất liệu làm ra công cụ để tiến hành thao tác đó. Các thao tác đó phải
được con người, ấy nói đúng hơn, được loài người đưa vào công cụ. Sau đó,
các thao tác ấy được thế hệ này truyền cho thế hệ khác. Nắm một công cụ
nào đó tức là nắm các thao tác chứa trong các công cụ đó. Con người với tư
cách là chủ thể của cử động công cụ phải tự mình xác định nội dung của kích
thích – phương tiện, tức là xác định cái đứng ở đằng sau các kích thích đó,
hay xác định mối liên hệ giữa kích thích phương tiện và kích thích khách thể.
Một loạt ví dụ lấy từ dân tộc học và tâm lí học về ghi nhớ có chủ định nói lên
điều đó. Đằng sau “nút để nhớ” có chứa đựng một sự kiện nào đó cần phải
nhớ một cách có chủ định. Khi đưa một kích thích nào đó ra, người tham gia
thực nghiệm về cho bản thân một hình vẽ tương ứng tức là xác lập nên mối
quan hệ giữa hình vẽ và kích thích. Vì vậy, người đó nhìn thấy kích thích ở
đằng sau hình vẽ. Tóm lại, nhờ các hình vẽ ấy – là “cái kích thích – phương
tiện” mà người tham gia thực nghiệm tổ chức được hoạt động nhớ của bản
thân. Nói cách khác, “các kích thích – phương tiện” có chức năng của các
công cụ tâm lí.

Phương pháp phân tích hành vi người ra “các cử động công cụ” là các
đơn vị của hành vi. Phương pháp này đã mang lại cho tâm lí học khả năng
nghiên cứu một cách khách quan các chức năng tâm lí cấp cao ý thức con
người. Ý thức được khách quan hóa trong các cử động ấy, tựa như ý thức
được đưa ra bên ngoài và tồn tại dưới hình thái các sản phẩm của hoạt động
của con người. “Tâm lí học công cụ” thực sự có khả năng, như các công trình
nghiên cứu tâm lí học cụ thể tiến hành bằng phương pháp phân tích “theo
đơn vị” đã cho thấy khắc phục được thuyết nguyên tử luận và thuyết hiện
tượng luận trong tâm lí học không mác-xít. “Vấn đề cơ bản và chủ yếu liên
quan đến quá trình hình thành khái niệm và quá trình hoạt động có mục đích
nói chung – Vư-gốt-xki viết – là vấn đề về phương tiện dùng để thực hiện một
thao tác tâm lí này hay một thao tác tâm lí khác dùng để thực hiện hoạt động
có mục đích này hay hoạt động có mục đích khác.

Giống như chúng ta không thể thỏa mãn với sự giải thích hoạt động lao
động có mục đích của con người con người bằng cách nói rằng hoạt động ấy
được tiến hành là do con người có mục đích, có nhiệm vụ, mà chúng ta phải
giải thích bằng sự sử dụng công cụ, bằng cách ứng dụng các phương tiện
đặc thù, không có các công cụ, phương tiện ấy thì lao động không nảy sinh ra
được. Giống hệt như vậy, vấn đề trung tâm trong việc giải thích tất cả các
hính thái cấp cao của hành vi là vấn đề phương tiện con người dùng để nắm
lấy quá trình hành vi của bản thân.

Vư-gốt-xki đã mô tả trong những nét chung như vậy nguyên tắc tính
công cụ đặc trưng cho toàn bộ hoạt động của con người.

Nếu ông đã coi “cử động công cụ” là đơn vị của hành vi, như trên đã chỉ
ra, thì trong sự tác động qua lại giữa hành vi và môi trường trong các công
trình của ông lấy “trải nghiệm” làm đơn vị. Trải nghiệm là nhận biết ra, suy
nghĩ tới một sự kiện nhất định nào đó nói chung và quan hệ xúc cảm với sự
kiện đó. Trong đó thể hiện sự thống nhất keo sơn giữa các đặc điểm nhân
cách và đặc điểm môi trường. “… sự kiện, hoàn cảnh trong môi trường – Vư–
gốt -xki viết – sẽ ảnh hưởng tới đứa trẻ theo cách khác nhau, tùy thuộc vào
chỗ đứa trẻ hiểu ý và hiểu nghĩa của hoàn cảnh như thế nào”. Nghĩa là, sự
thể hiện của trải nghiệm – là đơn vị của tư duy và ý thức, là lăng kính qua đó
môi trường rọi vào cá thể. Tư tưởng này cùng với tư tưởng về hệ thống các
mối liên hệ liên chức năng có ảnh hưởng to lớn đối với việc nghiên cứu cấu
tạo ý theo thứ bậc của ý thức con người. Chúng ta sẽ quay lại vấn đề này ở
dưới. Còn bây giờ, nhân nói về vấn đề ý và nghĩa, chúng tôi nhận thấy Vư-
gốt-xki bằng phương pháp phân tích của mình, đã nêu lên được đơn vị của
hành vi và đơn vị của ý thức như là các cấu tạo của tâm lí mới. Tuy các công
cụ tâm lí là thành quả chung của loài người, nhưng thực tế mỗi người, như đã
nói ở trên, luôn luôn phải “sáng chế” ra cho mình các công cụ tâm lí riêng của
mình. Tất nhiên không nên quên rằng quá trình sáng chế ấy không thể diễn ra
ngoài giao lưu xã hội, và sự giao lưu này đòi hỏi phải có những điều kiện xã
hội – lịch sử nhất định. Rõ ràng là trong các cử động công cụ, ngoài “công cụ”
trung gian, còn có các yếu tố xã hội giữ vai trò trung gian cũng không kém
phần quan trọng. Tóm lại, khái niệm “cử động công cụ” thực sự chứa đựng
những đặc điểm chuyên biệt của tâm lí người, nói lên nguồn gốc xã hội – lịch
sử, cấu trúc gián tiếp, vai trò điều chỉnh một cách có ý thức của các chức
năng tâm lí cấp cao.

6. Nguyên tắc lịch sử và nguồn gốc xã hội của các chức năng tâm
lí cấp cao
Vận dụng phương pháp tiếp cận lịch sử vào nghiên cứu tâm lí người là
một nét chủ yếu trong hệ thống các quan điểm tâm lí học của Vư-gốt-xki. Đó
là “điểm trung tâm” trong học thuyết của ông. Và chính đó là công lao chủ yếu
của Vư-gốt-xki với tư cách là nhà tâm lí học Liên Xô, đó là cơ sở của toàn bộ
đóng góp to lớn của ông đối với sự phát triển tâm lí học Liên Xô”. Nguyên tắc
lịch sử là linh hồn của phương pháp luận của tâm lí học lịch sử, người. Vư-
gốt-xki và các bạn chiến đấu của ông đã xây dựng nguyên tắc đó bằng cách
vận dụng một cách sáng tạo các nguyên lí của chủ nghĩa duy vật biện chứng
vào các công trình nghiên cứu tâm lí học cụ thể. Có được nguyên tắc ấy là
nhờ tâm lí học Liên Xô có được quan niệm duy vật lịch sử về xã hội quy định
tâm lí nói chung và từng chức năng tâm lí cấp cao nói riêng. Sử dụng phương
pháp tiếp cận này và “phương pháp phân tích nguồn gốc – lịch sử” rút từ
phương pháp tiếp cận ấy, đã mở ra những triển vọng vô cùng to lớn cho việc
phân tích các quy luật thực sự của cuộc sống tâm lí.

Phương pháp tiếp cận lịch sử là then chốt của toàn bộ lí luận tâm lí học
hoạt động. Vậy bản chất của phương pháp tiếp cận này là gì?
Nói đến lịch sử, thường người ta nghĩ tới phạm trừ quá khứ ngầm hiểu
lịch sử là các giai đoạn đã qua. Xuất phát từ chủ nghĩa duy vật biện chứng,
Vư– gốt-xki đã có một quan niệm đúng về lịch sử. Phương pháp tiếp cận lịch
sử, trong hệ thống Vư-gốt-xki, trước hết là nội dung phạm trù phát triển vận
dụng vào nghiên cứu thế giới tinh thần của con người. Theo đây, phải nghiên
cứu tất cả các chức năng tâm lí trong sự vận động, tức là trong hình thành,
biến đổi, tác động qua lại với nhau, chuyển hóa từ chức năng này thành chức
năng kia, v.v… cần phải “hiểu nhân cách của thiếu niên – Vư-gốt-xki viết –
không phải như là một vật thể, mà là một quá trình, tức là nghiên cứu nó một
cách động, chứ không phải tĩnh…”.

Sự phát triển các chức năng tâm lí cấp cao, các chức năng tạo nên hạt
nhân của ý thức, như đã nói nhiều lần ở trên, được Vư-gốt-xki quy về quá
trình các chức năng tâm lí có cơ chế gián tiếp. Quá trình này diễn ra theo một
loại hình thích nghi hoàn toàn mới, đặc trưng của con người đối với thức tại
xung quanh, được thực hiện bằng hoạt động lao động, ngôn ngữ của loài
người và giao lưu xã hội. Sự thích nghi đó bao gồm việc sử dụng các dấu
hiệu tự tạo, và nhờ các dấu hiệu này, con người làm chủ hành vi bản thân.
Tức là trong các công trình nghiên cứu tâm lí, nguyên tắc lịch sử được thể
hiện cụ thể trong sự tìm tòi, lí giải nguồn gốc của các hình thái cấp cao của
hành vi, tức là nguồn gốc và phát triển các chức năng tâm lí cấp cao.

Cuộc sống tâm lí của con người, như mọi người biết, không một giây
phút có thể tách biệt khỏi cuộc sống thực của con người, không thể tách khỏi
lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất của xã hội trong đó nó sinh sống. Vì
vậy không thể hiểu nổi bản chất các chức năng tâm lí cấp cao ngoài các mối
quan hệ của con người với môi trường và các quan hệ thực của con người
với các người khác. Chính toàn bộ nền văn minh của chúng ta, văn minh vật
chất và văn minh tinh thần, như lịch sử loài người đã chỉ ra, đã nảy sinh và
phát triển trong các mối quan hệ qua lại đó. Chỉ cần lấy lao động và ngôn ngữ
của người ta làm ví dụ là đủ. Các “nút kĩ thuật” của trí nhớ như chữ viết, con
số, hình vẽ, v.v… cũng ra đời và vận hành bằng cách đó. Con đường phát
triển chuyên biệt của tâm lí người là tiến hóa lịch sử của hành vi người. “Điều
khác biệt cơ bản và quyết định nhất giữa quá trình lịch sử và quá trình tiến
hóa – Vư– gốt-xki viết chính là ở chỗ sự phát triển các chức năng tâm lí cấp
cao diễn ra không có sự biến đổi loại hình sinh vật của con người… Nổi lên
hàng đầu là sự phát triển các cơ quan nhân tạo – tức là các công cụ, chứ
không phải là sự thay đổi các cơ quan và cấu tạo thân thể”. Với nghĩa đó con
đường mới của sự phát triển hành vi chỉ có ở người được xác định là con
đường văn hóa, hay nói đơn giản hơn là hệ thống “hình thái” cấp cao của
hành vi.

Đối với Vư-gốt-xki, phát triển văn hóa của hành vi có nghĩa là nắm lấy
“các công cụ tâm lí” và đưa vào tổ chức hành vi. Các công cụ, dấu hiệu ấy
(điệu bộ, ngôn ngữ nói, ngôn ngữ viết, tính toán, v.v…) là sản phẩm hoạt
động của con người, vốn từ đầu là phương tiện liên lạc xã hội giữa con người
và con người, đồng thời là phương tiện tác động lên người khác. Người lớn
dùng các công cụ đó tác động lên trẻ em, sau trẻ em chuyển chúng thành
phương tiện tác động lên chính bản thân, tức là biến các thao tác với các dấu
hiệu ấy thành hoạt động tượng trưng, thoạt đầu dưới dạng bên ngoài, sau
dưới dạng bên trong. Tóm lại, trong sự tác động qua lại với những người
xung quanh, trẻ em nắm được các công cụ tâm lí, và nhờ các công cụ này trẻ
học được cách nắm hành vi của bản thân. Đằng sau các dấu hiệu, Vư-gốt-xki
chẳng những thấy có các khách thể, mà còn thấy các quan hệ xã hội giữa
người và người. Thậm chí điều đó đã cho phép ông nói rằng trong hệ thống
của ông, cái quyết định tâm lí và hành vi người đã được “xã hội hóa”, “...dấu
hiệu đứng ngoài cơ thể, giống như công cụ tách biệt khỏi nhân cách và thực
chất là cơ quan xã hội hay phương tiện xã hội”.

Là sản phẩm của lịch sử toàn thể loài người, bản chất tâm lí người vận
hành và phát triển như là các quan hệ xã hội được chuyển thành các chức
năng tâm lí. Nói cách khác, nội dung của tâm lí người trong sự phát triển của
nó chẳng qua là hiện tượng xã hội được chuyển vào trong, nội tâm hóa, thành
của riêng của nhân cách. Như vậy là khác với Pi–a–giê – người coi nội tâm
hóa là bước chuyển từ tự kỉ trung tâm rất riêng tư của cá thể đứa trẻ sang các
thao tác lô– gích nội tại, và bước di chuyển đó được thực hiện bởi sự ép buộc
của môi trường xã hội xung quanh tác động lên đứa trẻ một cách có hệ thống.
Đối với Vư-gốt-xki, sự phát triển tâm lí của trẻ khởi thủy từ cái xã hội; và do
đó, đối với ông, nội tâm hóa chẳng qua là cơ chế cá thể lĩnh hội kinh nghiệm
xã hội – lịch sử có trong môi trường xã hội. Sự phát triển hình thái cao cấp
của hành vi, như đã nói ở trên, được quy về sự phát triển các chức năng tâm
lí cấp cao, có “dấu ấn của các mối quan hệ tập thể, xã hội giữa con người và
con người”. Bằng các công trình nghiên cứu của mình. Vư-gốt-xki và các
người cộng tác của ông, lần đầu tiên trong lịch sử tâm lí học, đã thử làm được
việc đưa nội dung tâm lí học, đã thử làm được việc đưa nội dung tâm lí học
cụ thể vào luận cương thứ 6 nổi tiếng của Mác về Phoiơ-bach: “Trong tính
hiện thực, bản chất con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội”. Từ đó xây
dựng cơ sở phương pháp luận cho tâm lí học, xuất phát từ “một khoa học về
những con người thực và sự phát triển lịch sử của những người đó”. Nguyên
tắc lịch sử của chủ nghĩa Mác được Vư-gốt-xki đưa vào các công trình nghiên
cứu tâm lí cụ thể, và ông phát triển quan điểm coi nội tâm hóa là cơ chế lĩnh
hội kinh nghiệm xã hội lịch sử, cũng tức là cơ chế lĩnh hội “tổng hòa các quan
hệ xã hội” – nguyên tắc và quan điểm ấy là mộ trong những cái định hướng
đảm bảo cho việc xây dựng tâm lí học kiểu mới, tâm lí học Liên Xô – tâm lí
học mác-xít.

Cùng với việc giải quyết vấn đề tính trung gian vận dụng vào tâm lí học
bằng phương pháp phân tích tâm lí “theo đơn vị” xuất phát từ nguyên tắc lịch
sử và quan niệm mác-xít về xã hội quy định tâm lí, hành vi người, Vư-gốt-xki
đi đến quy luật chung về phát sinh, phát triển chức năng tâm lí cấp cao:
“Trong sự phát triển văn hóa của trẻ, mỗi chức năng xuất hiện hai lần, trong
hai bình diện, thoạt đầu trong bình diện xã hội, sau trong bình diện tâm lí,
thoạt đầu giữa nó và người khác như là phạm trù tâm lí nội tại”. Cả chú ý có
chủ định lẫn trí nhớ lô-gích, cũng như sự hình thành khái niệm và sự phát
triển ý chí đều diễn ra như vậy. Chúng tôi có quyền coi luận điểm này là một
quy luật với đầy đủ ý nghĩa của từ này, nhưng đương nhiên là bản thân quá
trình chuyển hóa từ ngoài vào trong được chuyển hóa, có biến đổi cấu trúc và
chức năng của quá trình ấy.

Các quy luật chung về sự hình thành và phát triển các chức năng tâm lí
cấp cao có thể biểu đạt như sau:

1. Quy luật chuyển từ các chức năng trực tiếp sang các chức năng gián
tiếp.

2. Quy luật chuyển chức năng từ ngoài vào trong hay là quy luật nội
tâm hóa các chức năng tâm lí cấp cao.

Bằng những quy luật này, hệ thống các quan điểm của Vư-gốt-xki đã
mở ra, như lịch sử phát triển tâm lí học Liên Xô trong nửa thế kỉ qua đã chứng
minh một cách trực quan, những triển vọng to lớn cho việc nghiên cứu các
chức năng tâm lí chuyên biệt người. Các quy luật đó là những thành quả
quan trọng nhất đạt được trong quá trình hình thành “Tâm lí học lịch sử
người” và đó là điều kiện tất yếu cho nền tâm lí học ấy tiếp tục phát triển.

7. Hai khả năng phát triển nền tâm lí học lịch sử, người
Như mọi người biết, Vư-gốt-xki đưa vấn đề ý thức thành vấn đề trung
tâm của tâm lí học người. Vấn đề này đã trình bày những nét đại cương trong
bài báo cương lĩnh xuất bản năm 1925. Ngay từ hồi đó vấn đề ý thức đã
được phát triển lên như là vấn đề cấu trúc của hành vi. Trong tiến trình giải
quyết vấn đề này, đã hình thành được các luận điểm có tính chất nguyên tắc
quan trọng nhất như đã phân tích bên trên. Ở đây, chúng tôi chỉ dừng lại xem
Vư-gốt-xki sử dụng các luận điểm ấy trong đó đặc biệt chú ý tới nguyên tắc
gián tiếp và phương pháp phân tích “theo đơn vị” vào vấn đề cấu trúc hệ
thống và cấu trúc ý của ý thức, và cụ thể hóa thành vấn đề nghĩa với tư cách
là đơn vị của tư duy ngôn ngữ và ý thức. Đồng thời, ông đã tiến sâu vào bản
thân phương pháp tiếp cận hoạt động vận dụng vào nghiên cứu các chức
năng tâm lí cấp cao. Do Vư-gốt-xki bị mất sớm, nên việc thực hiện ý đồ sử
dụng phương pháp tiếp cận mác-xít ấy vào nghiên cứu tâm lí đã bị bỏ dở, ông
chỉ kịp đề ra được một trong những đường hướng nhằm thực hiện mục đích
đó.

Luận điểm và chức năng dấu hiệu của các kích thích – phương tiện
trong hệ thống quan điểm của Vư-gốt-xki, như đã nói ở trên, là chìa khóa để
hiểu sự hình thành, vận hành và phát triển các chức năng tâm lí cấp cao, tức
là các dạng cấp cao của tâm lí, hành vi người nói chung. Xin nhắc lại rằng
khái niệm hành vi dùng ở đây là theo cách hiểu của Vư-gốt-xki. Theo ông,
quá trình hình thành hành vi diễn ra như sau:

a) Giai đoạn hành vi tự nhiên là phương thức sử dụng dấu hiệu tự


nhiên, ở giai đoạn này dấu hiệu tự nhiên không có vai trò định hướng hoạt
động trong mối quan hệ với người khác, cũng như đối với bản thân. Ví dụ,
điệu bộ chỉ trỏ như là một cử động cầm nắm mà chưa trúng đích, hay là một
tiếng kêu xúc cảm mà chưa phải là ngôn từ. Có thể nói rằng, điệu bộ và tiếng
kêu đó là “dấu hiệu tự thân”, tức là chưa thành điệu bộ chỉ trỏ và chưa thành
ngôn từ thật sự.

b) Giai đoạn dấu hiệu có chức năng xã hội: dấu hiệu bên ngoài bắt đầu
có khả năng điều khiển hành động của người khác. Điệu bộ trở thành điệu bộ
chỉ trỏ thực sự và từ ngữ trở thành phương tiện giao lưu, v.v… ở đây dấu
hiệu đã thành “dấu hiệu cho người khác”.

c) Giai đoạn phương thức có ý thức của hành vi hình thành bằng con
đường cấu tạo “dấu hiệu cho bản thân”, tức là có thể bắt đầu sử dụng dấu
hiệu như là phương tiện để điều khiển hành vi của mình: điệu bộ trở thành
điệu bộ cho bản thân, từ ngữ thành lệnh của bản thân, v.v… Theo “các dấu
hiệu cho bản thân các em thiếu niên tự mình tiến tới mục đích đã đề ra và
thực hiện những hành vi nào đó phù hợp với mục đích ấy”.

Tóm lại, quá trình hình thành hành vi thực tế là hình thành hoạt động
dấu hiệu, từ sự kiện trung gian đơn giản của hành vi đến chỗ dấu hiệu có
được nghĩa của công cụ, phương tiện giao lưu, cũng như là phương tiện điều
khiển hành vi của bản thân. Chính vấn đề nghĩa trở thành vấn đề trung tâm
trong thời kì này, thời kì 1929 – 1934 trong quá trình phát triển luận điểm của
Vư-gốt-xki. Ta thấy rõ điều này trong quá trình phát triển vấn đề hệ thống các
mối liên hệ giữa các chức năng tâm lí cấp cao.

Hệ thống các mối liên hệ giữa các chức năng được hình thành bằng
cách chuyển từ các hình thái tâm lí sơ đẳng chưa phân hóa sang các chức
năng tâm lí cấp cao có phân hóa của hành vi người. Trong phát triển cá thể,
sự hình thành ấy diễn ra như sau:

a) Ở trẻ sơ sinh, tâm lí như là một chỉnh thể chưa phân hóa.

b) Sau đó lần lượt các chức năng tâm lí xuất hiện và giữ vai trò chủ
yếu: ở đầu tuổi thơ có tri giác, ở tuổi mẫu giáo có trí nhớ, ở tuổi học sinh có tư
duy.

Chức năng có phân hóa ấy trở thành một chức năng chủ đạo, tức là
chức năng này, ở một mức độ nào đó, quy định các chức năng tâm lí khác. Ví
dụ, ở tuổi thơ, khi tri giác mới tách ra là một chức năng được phân hóa, thì
các chức năng khác chỉ được vận hành tùy thuộc vào tri giác tức là trong
phạm vi cái tri giác được. Có thể nói đơn giản: nhìn đến đâu – nghĩ đến đấy.

c) Chức năng nào mới tách ra ở lứa tuổi này thì tựa như được ưu tiên
hơn cả, tức là có những điều kiện phát triển thuận lợi nhất. Ở lứa tuổi đang
lấy làm ví dụ, trí nhớ, tư duy và các chức năng khác tựa như phục vụ cho sự
phát triển tri giác. Nhờ vậy, tri giác phát triển với nhịp độ tối đa và có sự phân
hóa nội tại tối đa.

d) Khi đã có một loạt các chức năng tâm lí đã xuất hiện tập hợp lại
thành hệ thống, thì việc hình thành tiếp tục các hệ thống chức năng giữa các
chức năng thực chất là thay đổi sự tuân thủ mối quan hệ trong hệ thống.
Đồng thời có sự phân hóa nội bộ trong một chức năng.

Vài ví dụ về tiến trình phân hóa nội bộ một chức năng. Tri giác tách ra
khỏi tâm lí chung chưa phân hóa, lúc đầu đó là tri giác theo xúc cảm, sau đó
mới có tri giác đã phát triển, tức là tri giác vận hành trong hệ thống nhận biết
– trí nhớ và ở đây trí nhớ đóng vai trò chức năng thống trị. Đến khi trong hệ
thống chức năng có xuất hiện tư duy là chức năng thống trị, khi đó ta có tri
giác có suy nghĩ, rồi đến khi, có tư duy khái niệm bắt đầu vận hành như là
chức năng trung tâm trong hệ thống, khi ấy ta có tri giác theo phạm trù. Như
vậy là từ chỗ là chức năng thống trị, tri giác chuyển sang vị trí phụ thuộc vào
một chức năng khác (trí nhớ, chú ý v.v…).

Trong tiến trình hình thành các hệ thống ấy, như chúng ta đã thấy, chức
năng này xếp lên trên chức năng kia.

Kết quả là ý thức có hạt nhân là hệ thống các mối liên hệ qua lại giữa
các chức năng tâm lí cấp cao, ý thức “được cấu tạo nên theo thứ bậc” và có
cấu trúc hệ thống, nhiều lớp, tựa như kiến tạo vỏ trái đất. Lớp ngoài cùng của
cấu trúc này là tư duy khái niệm, đó là lớp kiến tạo cuối cùng, vì vậy nó giữ vị
trí thống trị và ưu tiên. Điều đó có nghĩa là, sau khi hình thành, hệ thống các
mối quan hệ giữa các chức năng trong hệ thống này có đầy đủ các chức năng
tâm lí chuyên biệt người. Và theo Vư-gốt-xki, các chức năng trong hệ thống
này đều phụ thuộc vào tư duy khái niệm lấy từ và nghĩa làm dấu hiệu của tư
duy khái niệm.

Ông đã chứng minh rằng âm và nghĩa trong từ không tách rời nhau.
Đồng thời nghĩa của từ và âm chỉ một đối tượng nhất định, vừa chứa đựng
một khái quát nhất định, tức là nghĩa cũng được dùng làm phương tiện giao
lưu. Kết quả là trong nghĩa của từ có sự thống nhất giữa ngôn ngữ và tư duy,
khái quát và giao lưu, vì vậy nghĩa của từ là đơn vị của tư duy ngôn ngữ. Vì
tư duy ngôn ngữ là, như đã nói ở trên, lớp cao nhất, lớp thống trị của ý thức
với hệ thống các chức năng tâm lí cấp cao làm hạt nhân chủ yếu, cho nên
nghĩa là đơn vị của ý thức.

Vì con người, từng giây từng phút muốn hay không, cũng phải sống
bằng cuộc sống thực của mình, cùng là một sự kiện trong cùng một thời gian
đối với các người khác nhau, hay trong các thời điểm khác nhau đối với cùng
một người, có thể có ý hoàn toàn khác nhau tuy thuộc vào cuộc sống của
mình. Đối với một con người trong một thời điểm nhất định, sự phản ánh một
sự kiện nào đó phụ thuộc vào chỗ sự kiện ấy có ý gì đối với hoạt động thực
tiễn. Ý là sự trải nghiệm; sự trải nghiệm này là sự thống nhất của quá trình
nhận biết ra nghĩa của sự kiện và thái độ xúc cảm đối với sự kiện đó, tức là
sự thống nhất của các quá trình trí tuệ và các quá trình xúc cảm. Chính vì
vậy, trải nghiệm được lấy làm đơn vị của hệ thống quan hệ giữa chức năng –
hệ thống này là hạt nhân của ý thức. Kết quả là, với đơn vị của ý thức và đơn
vị của hệ thống quan hệ giữa các chức năng, cấu tạo thứ bậc của ý thức mở
ra cho khoa học như là một cấu trúc ý. Từ đó tâm lí học lần đầu tiên có được
khả năng trở thành một khoa học cụ thể về ý thức.

Trong khi phân tích tư duy ngôn ngữ và ý thức thành các đơn vị như là
nghĩa của từ và trải nghiệm, lại đặt ra vấn đề về mối quan hệ của nghĩa của
từ, đối với hành động thực tiễn. Để giải quyết vấn đề này, trong bài báo
“Nguồn gốc phát sinh của tư duy và ngôn ngữ”, Vư-gốt-xki đã sử dụng những
thực nghiệm trên khỉ hình người của Cô-lơ.

Xin nhắc lại vắn tắt trong vài dòng về những thực nghiệm ấy. Xuất phát
từ luận điểm cho rằng, mối quan hệ giữa hành vi khỉ và hành vi người giống
mối quan hệ giữa giải phẫu khỉ và giải phẫu người, Cô–lơ thử tìm mầm mống
trí tuệ người trong loài khỉ hình người. Về mặt lí luận, các công trình của Cô–
lơ cũng giống như các công trình khác do phái tâm lí học Ghes– tan tiến
hành, đều nhằm chống thuyết coi có sức sống thần bí nào đó quyết định tâm
lí, và chống các thuyết giải thích tư duy một cách máy móc.

Để đưa ra một cách giải thích tư duy, ông đã tiến hành một loạt thực
nghiệm độc đáo. Vì hành vi người có đặc trưng là tạo ra và sử dụng công cụ
lao động, do đó tạo ra các hoàn cảnh thực nghiệm sao cho trong đó diễn ra
các cử động hành vi tượng tự với việc lập tạo và sử dụng ấy. Các chú khỉ
hình người phải tạo ra một chiếc gậy hay nối hai gậy vào làm một cái dài hơn,
hay phải xếp hộp này lên hộp kia… để có thể leo lên lấy mồi. Trong một thực
nghiệm khác, phức tạp hơn, các động vật tham gia thực nghiệm trước hết
phải kiếm ra một chiếc gậy, sau phải kiếm được chiếc thứ hai, rồi nối hai cái
lại với nhau để đạt tới đích. Trong trường hợp thứ ba, muốn đạt được mục
đích, thoạt đầu khỉ phải gạt mồi xa nơi mình đứng ra, tức là nơi có khe mà
quả không lọt được, gạt về cạnh khác của lồng, nơi có thể thò gậy ra khều
mồi vào lấy.

Phân tích những thí nghiệm đó, Vư-gốt-xki quan tâm đến những kết
luận nào trong những kết luận Cô – lơ đã rút ra? Những hành động chúng
thực hiện trong các thực nghiệm ấy hoàn toàn do cấu trúc của thế giới đối
tượng quy định. Mặt khác, hành động của khỉ hình người hoàn toàn lệ thuộc
vào nhu cầu cơ thể bản thân. Vư-gốt-xki đặc biệt quan tâm tới nhận xét của
Cô– lơ rằng, đặc trưng của trí tuệ của khỉ hình người là không có ngôn ngữ,
rằng hành động của chúng không phụ thuộc vào ngôn ngữ, chúng có phát ra
một số âm, thì đó chỉ là những thể hiện xúc cảm, chứ không phải là dấu hiệu
chỉ một cái gì đó khách quan. Chính từ đây sinh ra một đặc điểm khác trong
hành động có đối tượng của động vật tham gia thực nghiệm là hành động của
chúng không phụ thuộc vào giao lưu giữa chúng với nhau. Chúng không có
giao lưu được thực hiện bằng các phương tiện có chức năng dấu hiệu. Vư-
gốt-xki gọi trí tuệ của khỉ hình người là trí tuệ “thực tiễn”. Đặc trưng của trí tuệ
thực tiễn ở động vật là trí tuệ này chưa phải là hoạt động dấu hiệu. Và thế là
ông đi đến kết luận rằng, khác với trí tuệ của khỉ hình người, tư duy người với
tư cách là một dạng hành vi lịch sử, chỉ có ở người là có đặc điểm riêng và
chỉ phát triển “trong sự phụ thuộc vào chỗ nắm các phương tiện xã hội của tư
duy, tức là trong sự phụ thuộc vào ngôn ngữ”. Vì vậy, nhà tâm lí học Xô viết
coi rằng, tư duy gặp ngôn ngữ là chỗ có ý nghĩa quyết định đối với hành vi có
ý thức, hành vi trí tuệ, cả trong phát triển loài lẫn trong phát triển cá thể của
con người.

Từ những lập luận tương tự như vừa trình bày, có thể rút ra kết luận:
vấn đề trung tâm của tâm lí học lịch sử người phải là vấn đề ngữ ngôn vận
hành trong hành vi. Nhưng không nên quy ý đồ chung của Vư– gốt– xki về kết
luận đó. Vì trong chương đầu và chương cuối của tác phẩm nổi tiếng “Tư duy
và ngôn ngữ”, ông có chỉ ra rằng, không được xem xét tư duy tách khỏi “toàn
bộ cung bậc của cuộc sống, tách khỏi kích thích của cuộc sống, khỏi hứng
thú, đam mê của người nghĩ”. Ông cũng chỉ ra rằng trong khi hiểu ngôn ngữ
của người khác mà chỉ hiểu từ ngữ thôi, không hiểu ý nghĩ của người nói, thì
hoàn toàn thiếu sót. Nhưng nếu mới hiểu ý nghĩ người đối thoại mà không
hiểu động cơ của người ấy, không hiểu người ấy nói điều đó để làm gì, thì
mới hiểu được một phần thôi: Giống hệt như vậy, khi phân tích tâm lí bất kể
lời phát biểu nào, muốn phân tích đến cùng thì phải phát hiện ra bình diện
thầm kín bên trong của tư duy ngôn ngữ: động cơ của tư duy ngôn ngữ. Vư-
gốt-xki ví tư tưởng với đám mây lơ lửng trên trời biến thành trận mưa từ, và ví
quá trình động cơ của tư tưởng với luồng gió đưa đám mây bay.

Tóm lại, cuộc sống thực của con người đứng đằng sau tư duy, đằng
sau nghĩa của từ với tư cách là đơn vị của ý thức. Ngay từ năm 1925, như đã
chỉ ra ở trên, Vư– gốt-xki đã coi lao động, “kinh nghiệm kép” là chìa khóa để
nhận thức hành vi. Hành vi được ngầm hiểu là hoạt động. Ý thức tham gia
vào hành vi như là một thành tố của hành vi, ý thức giữ chức năng điều chỉnh.
Xuất phát từ phân tích hoạt động của cá thể, đi từ các dạng bên ngoài tới các
dạng bên trong của hoạt động, đi từ hoạt động lao động tới ý thức, tâm lí – đó
là lập trường xuất phát mà Vư-gốt-xki dùng giải quyết vấn đề xây dựng hệ
thống tâm lí học mác-xít. Ở đây, nên nhắc tới chi tiết là, khi nói về lập trường
xuất phát của mình, Vư-gốt-xki đã trích nhận xét của V.I. Lê– nin về tác phẩm
“Lô– gích học” của Hê– ghen như sau: “Khi Hê– ghen cố gắng – đôi khi thậm
chí cố hết sức và vô hiệu quả – đưa hoạt động có mục đích của con người
vào phạm trù lô gích, Hê–ghen nói rằng hoạt động đó là “kết luận”, rằng chủ
thể (con người) giữ vai trò của một “bộ phận nào đó trong “vòng” lô – gích của
“kết luận”, v.v… Đó không những chỉ là một bằng chứng quá rõ ràng, đó
không phải là trò chơi. Ở đây có một nội dung rất sâu sắc hoàn toàn duy vật:
Cần phải đứng chân xuống đất. Hoạt động thực tiễn hàng triệu lần đã phải bắt
ý thức con người lập lại các vòng lô– gích khác nhau. Nếu không, các vòng
đó chỉ có ý nghĩa của các tiền đề…”.
Không phải ngẫu nhiên Vư-gốt-xki chú ý tới tư tưởng đó của Lê– nin:
Sự chú ý như vậy đã đưa đến một biểu hiện là trong tác phẩm “Tư duy và
ngôn ngữ” đã khẳng định rằng, chính cuộc sống tạo ra sự vận động của nghĩa
trong từ. Tuy trong các công trình nghiên cứu nghĩa với tư cách là đơn vị của
ý thức – A.N.Lê–ông–chi– ép viết có thể nói rằng, nghĩa xuất hiện từ mặt trái
của sự vận động của nó, và vì vậy, nghĩa xuất hiện như là cái nằm đằng sau
cuộc sống và điều khiển hoạt động, nhưng đối với Vư-gốt-xki, luận đề ngược
lại vẫn là luận đề bất di bất dịch: không phải là nghĩa, không phải là ý thức
đứng đằng sau cuộc sống, mà “cuộc sống đứng đằng sau ý thức”. Nhưng
bằng cách nào phân tích được các quá trình của cuộc sống tạo ra nghĩa? Có
hai con đường nghiên cứu bổ sung lẫn cho nhau.

Vư-gốt-xki đã chỉ ra một khả năng đi vào nghiên cứu bình diện “thầm
kín” của ý thức – đi vào lĩnh vực xúc cảm – ý chí. Nhiều lần ông đã nhấn
mạnh rằng, không thể nghiên cứu ý thức mà bỏ qua không nghiên cứu bình
diện động cơ “thầm kín” của ý thức, không phân tích xu thế cảm xúc – ý chí
quy định tính đam mê của các quá trình tâm lí. Tác phẩm cuối cùng chưa xuất
bản của Vư-gốt-xki “Spi– nô – da hay vấn đề cảm xúc” chứng tỏ rằng Vư-gốt-
xki không nguôi quan tâm tới lĩnh vực cảm xúc - nhu cầu, vấn đề cuộc sống
đứng đằng sau ý thức.

Một khả năng khác có thể phát triển tâm lí học “lịch sử, người” là trực
tiếp đi vào phân tích hoạt động có đối tượng là hoạt động sinh ra nghĩa. Lê–
ông– chi– ép nhận xét rằng, các công trình nghiên cứu của Vư-gốt-xki đã đưa
ra cương lĩnh phải nghiên cứu… chức năng tích cực một cách công khai của
nghĩa, của ý nghĩa. Muốn làm được việc này, phải quay lại phạm trù hoạt
động có đối tượng…”

Tâm lí học Xô viết, sau Vư-gốt-xki, đã quay trở lại phạm trù hoạt động
có đối tượng, đi theo con đường khẳng định phát triển phạm trù mác-xít ấy,
và vận dụng vào các công trình tâm lí học cụ thể. Tất cả chúng ta đều biết
rằng, tìm ra được những đường hướng đúng đắn, rõ ràng, nghiêm chỉnh trong
quá trình lịch sử, thực là một việc làm không dễ dàng gì. Và lịch sử tâm lí học
Liên Xô tất nhiên không phải là ngoại lệ. Trong nền tâm lí học này ít nhất có
hai xu hướng phát triển phạm trù hoạt động. Một xu hướng bắt nguồn từ hệ
thống tư tưởng của Vư-gốt-xki và dẫn tới lí luận tâm lí học về hoạt động của
A. N. Lê-ông–chi–ép. Xu hướng thứ hai tương đối độc lập với xu hướng thứ
nhất, thể hiện trong quan niệm của Ru– bin– stê–in về hoạt động.

Phần hai. GHI CHÉP – TÓM TẮT – BÌNH LUẬN

IV. CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ HÀNH VI


Tác phẩm này Vưgốtxki cùng với A.R. Luria xuất bản năm 1930. Các
công trình nghiên cứu lịch sử hành vi tập trung nói lên quan điểm phát triển
được vận dụng vào việc nghiên cứu hành vi tâm lý từ khỉ đến con người văn
hoá và chứng minh rằng hành vi của con người văn hoá là sản phẩm của cả
ba tuyến phát triển - tuyến tiến hoá, tuyến lịch sử và tuyến cá thể. Cụ thể, cái
gọi là "sáng chế” và "sử dụng" công cụ ở khỉ hình người đã hoàn tất sự phát
triển cơ thể của hành vi trong tuyến tiến hoá và đồng thời chuẩn bị quá độ cho
toàn bộ quá trình phát triển trên một con đường mới, tạo ra tiền đề tâm lý cơ
bản cho sự phát triển lịch sử của hành vi. Tiếp theo đó, lao động và sự phát
triển có liên quan với lao động là ngôn ngữ người và các dấu hiệu tâm lý khác
giúp con người mông muội bắt đầu tập làm chủ hành vi - đó là sự mở đầu,
quá trình phát triển văn hoá hay lịch sử trong đúng nghĩa của hai từ này. Cuối
cùng, cùng với sự trưởng thành về mặt cơ thể và sự chín muồi, có tuyến thứ
hai của sự phát triển nổi lên một cách rõ rệt - đó là sự trưởng thành về mặt
văn hoá dựa trên sự lĩnh hội các biện pháp, phương pháp hành vi và tư duy.
Như vậy là trong quá trình trẻ lớn lên, tuyến phát triển tách ra làm hai nhánh:
nhánh phát triển tâm lý = tự nhiên và nhánh phát triển tâm lý - văn hoá.

Quan điểm vừa trình bày ngược với quan điểm nguồn gốc sinh vật
song song: sự phát triển cá thể lặp lại sự phát triển giống loài và hai hình loại
phát triển này tồn tại song song, tuy giữa chúng có chỗ tương hợp mối liên hệ
nhất định, cái này hỗ trợ cho cái kia, phát triển giống loài chuẩn bị cho phát
triển cá thể.

Tư tưởng chủ đạo của tác phẩm chứng minh rằng trong phạm vi phát
triển tâm lý có một yếu tố nào đó thuộc phạm vi phát triển cơ thể đã sẵn sàng
từ trước. Giống như trong quá trình phát triển lịch sử, các cơ quan tự nhiên
(cơ thể) của con người không thay đổi, mà họ thay đổi các công cụ của mình,
trong quá trình phát triển tâm lý, con người hoàn thiện công việc trí tuệ của
mình chủ yếu bằng cách phát triển "các phương tiện hỗ trợ" - phương tiện kỹ
thuật đặc biệt của tư duy và hành vi. Nếu không hiểu lịch sử chữ viết làm sao
hiểu được lịch sử trí nhớ. Nếu không hiểu lịch sử ngôn ngữ làm sao hiểu
được lịch sử tư duy. Chỉ cần nhận ra bản chất xã hội và nguồn gốc của các
cử chỉ văn hoá là có thể hiểu được sự phát triển tâm lý là sự phát triển xã hội
do môi trường quy định. Sự phát triển tâm lý cắm sâu và chắc chắn vào trong
sự phát triển xã hội và nó cũng bộc lộ cho ta thấy như sự phát triển của cơ
thể vậy.

Tác phẩm mở đầu bằng câu nói của Bêcơn (1561 - 1626), nhà triết học
Anh: "Hai bàn tay không và trí tuệ suông có giá trị không nhiều lắm; tất cả
được thực hiện nhờ vào công cụ và các phương tiện hỗ trợ".

A. HÀNH VI CỦA VƯỢN (KHỈ HÌNH NGƯỜI)


1. Ba tầng bậc phát triển hành vi

a) Bản năng là các phản ứng bẩm sinh và các phương thức di truyền
của hành vi nhằm thoả mãn các nhu cầu chủ yếu của cơ thể. Chức năng tự
bảo tồn cơ thể như là một chức năng sinh vật được thực hiện theo cấu trúc di
truyền của cơ thể, không cần có sự học tập. Nhờ có cơ cấu tổ chức di truyền
mà cơ thể có các phản ứng bẩm sinh; chúng mang lại một ý nghĩa sinh vật
bảo đảm sự thích nghi có lợi đối với môi trường xung quanh và được tạo nên
trong cuộc đấu tranh sinh tồn bằng con đường chọn lọc tự nhiên.

b) Luyện tập hay phản xạ có điều kiện được hình thành trên cơ sở
của các phản xạ bản năng. Về bản chất, việc luyện tập của động vật không
tạo ra các phản xạ mới, mà chỉ là tổ hợp các phản xạ bẩm sinh, cũng như tạo
ra các mối liên hệ có điều kiện mới giữa các phản ứng bẩm sinh với các kích
thích của môi trường xung quanh. Mọi phản ứng có điều kiện chính là phản
ứng bẩm sinh bị các điều kiện xung quanh biến dạng đi. Các phản ứng có
điều kiện có chức năng làm cho cá thể phù hợp với điều kiện tồn tại của động
vật. Nếu Đácuyn nghiên cứu nguồn gốc của loài, thì Páplốp nghiên cứu
nguồn gốc của cá thể.

Mầm mống của các phản ứng có điều kiện bắt đầu xuất hiện ở kiến,
ong và cua. Chúng phát triển đầy đủ ở động vật có xương sống và bắt đầu trở
nên linh hoạt trong các khả năng bẩm sinh. Động vật có xương sống bắt đầu
có trò chơi- Trò chơi ở động vật là hoạt động bản năng, nhưng đồng thời cũng
là bản năng có tập luyện, đó là trường học tự nhiên của các động vật trẻ, một
hình thức tự tập luyện của chúng.

Các phản xạ có điều kiện làm thay đổi các bản năng, tạo nên "các bản
năng biến dạng". Vì vậy, nhà sinh lý học Úctômxki nói: "Bản năng không phải
là cái vốn bất di bất dịch, nó được mở rộng, và cũng là thành quả cải tạo của
con người... Toàn bộ công việc của con người và hành vi của nó là xây dựng
và gieo trồng các bản năng mới".

c) Tầng bậc trí tuệ ở vượn. Tầng bậc này chỉ có ở vượn (khỉ hình
người).

Chính ở đây ta có thể tiên thấy mắt xích tâm lý trong chuỗi tiến hoá:
hành vi của khỉ so với hành vi của người giống như cơ thể của nó so với cơ
thể người. Các Mác đã nói: "Cơ thể người là chìa khoá giúp ta hiểu cơ thể
khỉ. Chỉ có thể hiểu một số đặc điểm nào đó của cơ thể cao cấp đã có dấu
hiệu ở động vật cấp thấp, nếu ta hiểu các đặc điểm của cơ thể cao cấp". Theo
nhận xét của Các Mác, Côlơ, nhà tâm lý học Đức, đã giả định rằng tồn tại một
đặc điểm đặc thù và cơ bản nhất trong hành vi người là sáng chế và sử dụng
công cụ, và ông đi tìm mầm mống của hành vi này ở khỉ.

2. Các thực nghiệm của Côlơ


Từ năm 1919 đến năm 1920, Côlơ tiến hành thực nghiệm với 9 khỉ hình
người (sanhpăngde) ở đảo Tênôríp, lần đầu tiên thấy được rõ nét các phản
ứng trí tuệ qua ba thao tác: (1) tìm ra đường vòng đạt tới đích khi đi đường
thẳng không đạt được; (2) đi vòng qua hoặc xoá bỏ điểm cản trở trên đường
tới đích, (3) sử dụng (hoặc sáng tạo và sử dụng) công cụ như là phương tiện
để đạt mục đích.

Côlơ nhận xét thấy trong khi chơi, khỉ đã tỏ ra có khả năng sử dụng
công cụ. Con Suntan dựng đứng một cành cây, trèo lên và nhảy sang một
chỗ khác. Sau nó cũng dùng động tác đó để trèo lấy quả trên cao. Nó còn
dùng gậy để chọc lên các thứ trên cao, đào rễ cây, có khi để đánh nhau, tuy
không được dạy. Bulơ đi đến kết luận: ở rừng, nó đã quen sử dụng cành cây
như là cái gậy, quen leo cây hái quả như là ta đi trên đường tới đích.

Hành vi của khỉ mà ta thấy trong thực nghiệm có liên quan với các hình
thái tự nhiên của hành vi mà nó đã thể hiện trong trò chơi. Nhốt khỉ trong lồng,
để quả ngoài lồng, buộc dây vào quả, nó biết cầm dây kéo giật lấy quả.
Nhưng nếu dạy chó thực nghiệm này thì nó có thể làm được. Nếu có nhiều
dây buộc với mục liêu ở ngoài, thì khỉ chọn đầu dây nào mà nó thấy là gần
nhất. Ở đây có sự lệ thuộc vào cấu trúc trường thị giác và điểm tựa quang
học nối công cụ với mục đích. Thực nghiệm tương tự với chó, chó không làm
được.

Nếu quả để ngoài lồng, trong lồng có gậy, mà gậy và quả trong cùng
một trường thị giác, thì khỉ dùng gậy lấy quả được ngay. Hoặc nếu phải lấy
hai gậy cắm nối lại với nhau để khều quả, nó cũng làm được sau một vài
động tác "tìm hiểu”. Khỉ có thể xếp hộp này lên hộp kia, rồi trèo lên lấy quả.
Thậm chí nó còn xếp hộp lại để lấy gậy trước, rồi mới dùng gậy lấy quả hoặc
dùng gậy này khều gậy khác tôi mới nối hai gậy với nhau... Tất cả phụ thuộc
vào trường thị giác và cấu trúc của tập hợp các "công cụ” và mục tiêu.

3. Luật cấu trúc và hành vi của khỉ


Các tác giả thực nghiệm trên đều kết luận là các động tác của khỉ trong
thực nghiệm đều phụ thuộc vào tri giác không gian và đều là chức năng của
trường thị giác. Trường thị giác cũng là một cấu trúc, như trong thực nghiệm
gậy và đích là các bộ phận của một cấu trúc, và một khi ở trong một cấu trúc
thì gậy trở thành công cụ. Côlơ đi đến kết luận: quy luật cấu trúc quy định
hành vi của khỉ. Bản chất của quy luật này có thể biểu đạt chung như thế này:
các quá trình hành vi của chúng ta cũng như tri giác của chúng ta không được
hình thành nên một cách đơn giản như là một tổng số của các thành tố riêng
rẽ, mà ngược lại, hành động của chúng ta, tri giác của chúng ta là một cái
chỉnh thể mà chức năng và ý nghĩa của mỗi thành tố trong đó được quy định
bởi các tính chất của cái tổng thể đó. Cái chỉnh thể ấy được tâm lý học gọi là
cái cấu trúc.

4. Trí tuệ và kinh nghiệm tự nhiên của khỉ

Bule chú ý nhiều tới hoàn cảnh thiên nhiên mà khỉ sống trong đó. Con
khỉ có thể đem kinh nghiệm leo cây và dùng các cành cây vào các thực
nghiệm, trong đó nó có chú ý tới các cấu trúc không gian và có những điểm
do khỉ biến đổi trong các cấu trúc đó. Ông đi đến kết luận rằng hành vi của khỉ
gồm có (1) bản năng, (2) luyện tập tự nhiên ở trong rừng, (3) tự tổ hợp kinh
nghiệm cũ; từ đó có mầm mống trí tuệ. Có nhiều cách lý giải nguồn gốc của
trí tuệ.

Líp (Đức) đưa ra quy luật vượt khó: trong quá trình diễn biến các hiện
tượng tâm lý, nếu gặp khó khăn hay gặp một yếu tố nào đó cản trở, thì có sự
tăng cường sức lực, năng lượng thần kinh và tính tích cực... đó là sự mở đầu
của hoạt động trí tuệ. Páplốp (Nga) thì lại cho rằng tất cả là do phản xạ mục
đích làm nên cà cuộc đời. Đuy (Mỹ): khi có vấn đề, khi có khó khăn thì xảy ra
tư duy.

5. Trí tuệ là tầng bậc thứ ba của hành vi

Phải phân biệt rõ trí tuệ và các phản ứng hay phản xạ có điều kiện. Về
phương thức hình thành, phản xạ có điều kiện được hình thành dần dần, và
phản ứng trí tuệ thì được hình thành một cách đột biến, như Côlơ nhận xét,
bỗng nhiên tìm ra giây phút phát kiến. Cả về chức năng sinh vật, trí tuệ và
phản xạ có điều kiện cũng khác nhau. Bulơ viết: chức năng sinh vật của trí
tuệ là sáng chế với nghĩa đúng nhất của từ này. Con người tạo ra công cụ
cho mình, động vật thì không - đó là kết luận khoa học thời xưa. Nhưng đến
năm 1917, chúng ta biết thêm rằng khỉ hình người cũng sử dụng công cụ và
tuỳ hoàn cảnh yêu cầu mà nó cũng có thể tự tạo ra công cụ.

Khi gặp hoàn cảnh mới mà bản năng và phản xạ có điều kiện không
giải quyết được thì bắt đầu nảy sính trí tuệ. Trong các trường hợp này, theo
thực nghiệm của Côlơ, động vật không theo phương pháp đi về chỗ này mà
không được thì lao vào chỗ khác, tức là không theo phương pháp thử và sai,
mà theo phương pháp kìm các cử động bên ngoài lại và đi theo một con
đường tới đích gọi là "dùng phép thử ở trong đầu”. Ở đây, việc giải quyết khó
khăn không được thực hiện bằng các biện pháp bên ngoài, mà bằng các quá
trình bên trong (tâm vật lý) và từ đó có nhận xét hình như "đùng một cái tìm ra
giải pháp", hay Bulơ gọi là "à ra thế đấy? ".

Trí tuệ có một đặc điểm là có thể chuyển một giải pháp đã tìm ra trong
trường hợp này sang áp dụng vào một trường hợp khác. Phương thức hành
vi đã được hình thành tựa như đã tách khỏi hoàn cảnh. Trong một cấu trúc
nào đó, công cụ trở nên có một ý nghĩa chức năng nhất định và ý nghĩa đó có
thể di chuyển sang các đối tượng (vật thể) khác.

Côlơ đi đến kết luận: "Hành vi có trí tuệ của khỉ hình người cùng loại
với người. Nhưng bề ngoài, không phải lúc nào phản ứng có trí tuệ của nó
cũng tựa giống như hành động của người. Trong một số điều kiện thực
nghiệm, loại hình hành vi có trí tuệ như ở người rõ ràng đã được hình thành...
Nói chung, có một điều không nghi ngờ gì nữa: khỉ hình người đã tách khỏi
thế giới động vật và tiến gần đến con người, không phải chỉ về mặt đặc điểm
hình thái và sinh lý, mà còn cả dưới dạng hình thái hành vi chuyên biệt
người... Về mặt lý trí, khỉ hình người gần với người hơn với các loài khỉ hạ
đẳng".
6. Sử dụng công cụ như là một tiền đề tâm lý của hoạt động lao
động

Phải thấy được sự khác biệt chất lượng giữa hành vi khỉ và hành vi
người qua những nét sau đây:

Khỉ không có mầm mống ngôn ngữ trong nghĩa rộng nhất của từ này,
tức là không có kỹ xảo tạo ra dấu hiệu (và các phương tiện hỗ trợ tâm lý nói
chung) - đặc điểm tiêu biểu của hành vi người và văn hoá loài người. Đây
chính là ranh giới giữa khỉ và con người mông muội nhất. Những cái gọi là
hành động của khỉ hình người đều gắn với "hoàn cảnh cụ thể hiện tại", không
có quá khứ, không có tương lai, như Côlơ đã nhận xét. Trí tuệ của khỉ là trí
tuệ không ngôn ngữ; nó không có ngôn ngữ và không có cả biểu tượng. Do
đó, chúng không có mầm mống của sự phát triển văn hoá.

Tuy kỹ xảo sáng chế và sử dụng công cụ là tiền đề của toàn bộ sự phát
triển văn hoá của loài người, việc nghiên cứu khỉ hình người, như ở trên đã
chứng minh, đã nói lên rằng: khỉ có thể dùng công cụ để thích nghi với môi
trường. Ta có thể nói là ở khỉ mới chỉ chuẩn bị xong cho bước nhảy vọt dùng
công cụ như là cơ sở của quá trình thích nghi với thiên nhiên, nhưng điều đó
chưa diễn ra ở khỉ, và tất nhiên chưa thể nói đến chuyện hoàn tất bước nhảy
vọt đó. Điều này xảy ra là nhờ có lao động; đó là hình thái chủ yếu để con
người thích nghi với thiên nhiên. Lao động đã đưa con người tới địa vị thống
trị thiên nhiên, đồng thời đòi hỏi họ biết làm chủ bản thân (phạm trù ý chí ra
đời). Các Mác đã nhận định: ở khỉ mới chỉ có mầm mống, còn ở người mới
thực sự có sự sáng chế và sử dụng phương tiện lao động. Plêkhanốp, nhà
triết học Nga, cũng cho rằng: công cụ lao động là khí quan (cơ quan) mới của
con người; nó làm thay đổi cấu tạo cơ thể con người - đó là các khí quan tự
tạo. Trước đó chỉ tồn tại các khí quan tự nhiên. Từ đó có hai tuyến phát triển:
(1) phát triển khí quan tự nhiên; (2) phát triển khí quan tự tạo. Lịch sử con
người, lịch sử văn hoá là lịch sử hoàn thiện tuyến khí quan thứ hai. Bản chất
của quá trình lao động là sáng tạo các khí quan tự tạo này, và theo Các Mác,
có thể mô tả: "đối tượng có sẵn trong thiên nhiên trở thành khí quan của hoạt
động ở con người. Khí quan này được con người gắn vào các cơ quan của
nhân thể, và trái với kinh thánh, chúng kéo dài các cơ quan của cơ thể".

Vận dụng cách nhìn này vào thế giới tâm lý, tác giả đã coi các công cụ
lao động là các dấu hiệu, như là các phương tiện hỗ trợ (tổ chức, vận hành,
điều khiển, kiểm tra) tâm lý. Vưgốtxki viết: "Tương tự với hoạt động lao động,
trong phạm vi phát triển tâm lý người, việc sáng chế và sử dụng các dấu hiệu
cho phép con người làm chủ các quá trình hành vi của mình; lịch sử phát triển
hành vi trong một mức độ đáng kể chuyển thành lịch sử phát triển các
phương tiện tự tạo hỗ trợ hành vi, thành lịch sử con người làm chủ hành vi
của chính bản thân". Và từ đây ông đưa ra một kết luận có thể coi như một
quy luật: sự phát triển hành vi người về cơ bản không chịu sự quy định của
các quy luật tiên hoá sinh vật, mà chịu sự quy định của các quy luật phát triển
lịch sử của xã hội.

B. CON NGƯỜI MÔNG MUỘI VÀ HÀNH VI CỦA NÓ


1. Ba bình diện phát triển tâm lí

Các chức năng tâm lý đều là sản phẩm của sự phát triển qua ba bình
diện

- Bình diện tiến hoá sinh vật kéo rất dài, có khi gọi là bình diện di
truyền, phát triển loài.

- Bình diện phát triển cá thể: hành vi của người lớn nảy sinh dần và
phát triển từ tuổi thơ lên. Thậm chí có nhà triết học, như Đề các, Manbơrăng
(Pháp) coi là ý tưởng tư duy bẩm sinh có ở trẻ em. Đến tuổi dậy thì, quá trình
nắm ngôn ngữ mới được hoàn thành về cơ bản, và ngôn ngữ mới trở thành
công cụ hình thành nên các khái niệm trừu tượng, trở thành phương tiện của
tư duy trừu tượng.

- Bình diện phát triển lịch sử. Vưgốtxki viết: "Hành vi của con người văn
minh hiện đại không những là sản phẩm của tiến hoá lịch sử, là kết quả phát
triển trong thời thơ ấu, mà còn là sản phẩm của phát triển lịch sử. Trong quá
trình phát triển lịch sử của loài người, chẳng những các quan hệ bên ngoài
con người và các quan hệ giữa loài người và tự nhiên thay đổi, mà chính con
người cũng thay đổi và phát triển, bản tính của con người cũng thay đổi theo".

Lịch sử phát triển loài người bắt đầu từ con người mông muội - đó là
bậc thấp nhất, là xuất phát điểm của sự phát triển lịch sử hành vi con người.

2. Ba lý thuyết và phát triển văn hoá - tâm lý

a) Với hai đại diện là Taylo và Spenxơ, dựa trên tài liệu dân tộc học và
tâm lý học liên tưởng, lý thuyết thứ nhất cho rằng trong mọi thời đại trên toàn
thế giới có cùng một loại quy luật tinh thần của loài người. Theo họ, tư duy và
hành vi người hoàn toàn do điều kiện quyết định, vấn đề không phải ở công
cụ tư duy và hành vi, mà chỉ là ở chất liệu, ở số lượng kinh nghiệm tạo nên
cái tâm lý này hay tâm lý kia.

Theo các tác giả này, cơ sở của toàn bộ sự phát triển văn hoá của loài
người thời hoang sơ, mông muội và vật linh nguyên thuỷ là coi mọi hiện
tượng của vật thể trong thiên nhiên đều có tâm hồn. Họ rất đề cao luật liên
tưởng và luật nhân quả coi luật thứ nhất là cơ chế tâm lý chủ yếu của hành vi
và luật thứ hai là nguyên tắc chủ yếu của tư duy lô gích. Và họ cho rằng cả
người mông muội lẫn người văn minh đều tuân theo hai quy luật này.

b) Lý thuyết của Lêvi Brun, nhà dân tộc học Pháp nổi tiếng. Tác giả này
đi vào tìm hiểu tâm lý cá thể từ tính cách của biểu tượng tập thể, chứ không
lấy tâm lý cá thể giải thích đặc điểm dân tộc, không dùng tâm lý học liên
tưởng để giải thích các biểu tượng tập thể. Mặt khác, ông cũng lấy loại hình
xã hội giải thích loại hình tâm lý cá thể.

Lêvi Brun có phân biệt người mông muội và người văn minh, cho rằng
tư duy của người mông muội là tư duy tiền lô gích. Loại hình tư duy và loại
hình hành vi là các đại lượng biến đổi theo lịch sử. Tư duy tiền lôgích không
phải là tư duy phi lôgích hay chống lôgích, mà là tư duy chưa đạt đến hình
thức lôgích và có đặc điểm là không nhạy cảm với các mâu thuẫn và hoạt
động theo "quy luật cùng tham gia" (một sự vật có thể xuất hiện trong những
khác nhau của tồn tại). Cấu trúc xã hội, cấu trúc nhóm quy định loại hình chức
năng tâm lý. Tuốcvan phản đối ý kiến của Lêvi Brun. Ông cho rằng người
mông muội có tư duy lôgích: khi bị ốm họ coi là có một cái hồn nào đó nhập
vào, phải xua đuổi nó đi thì khoẻ, hoặc họ muốn săn bắn, hái lượm, trồng trọt
thì phải có tư duy lôgích thực sự.

Lêvi Brun là người đầu tiên đặt ra tư tưởng phát triển lịch sử của tư
duy.

c) Lý thuyết phát triển văn hoá - tâm lý của Vưgốtxki.

3. Người mông muội như là một loại hình sinh vật

Ở người mông muội, ta thấy ưu thế thuộc về các chức năng tâm lý tự
nhiên (thiên nhiên), như mắt tinh, tai thính, ngủ tốt, tìm dấu vết giỏi..., và kém
phát triển các chức năng tâm lý cấp cao. Có người xếp trình độ các chức
năng tâm lý cấp cao của người mông muội như của trẻ em. Như vậy người
mông muội có phải là một loại hình sinh vật hay không? Vưgốtxki trả lời: "Sự
phát triển người như một loại hình sinh vật về cơ bản chấm dứt ở thời điểm
mở đầu lịch sử của loài người. Trong sinh vật học, người không dừng ở đấy".
Còn những hiện tượng ưu thế thuộc về các chức năng tâm lý tự nhiên, thì
không hẳn hoàn toàn như vậy. Một số tác giả lại cho rằng đó là kết quả của
sự luyện tập của con người thời đó. Một số tác giả, như Ricác, Mâyéc, Mác
Đugân lại cho rằng khả năng của các giác quan và tốc độ của phản ứng ở
người văn minh và người mông muội không có gì khác nhau, chỉ tuỳ thuộc
vào luyện tập hay nghề nghiệp mà có sự khác nhau mà thôi.

Trên cơ sở phân tích các ý kiến này, Vưgốtxki và Luria đi đến kết luận
rằng: quá trình chuyển người mông muội thành người văn hoá (văn minh) về
bản chất khác với quá trình đến người. Nói cách khác, quá trình phát triển lịch
sử hành vi người và quá trình tiến hoá sinh vật người không trùng khớp với
nhau, cái này không phải là sự nối tiếp của cái kia, và mỗi cái đều tuân theo
quy luật riêng của nó.

4. Trí nhớ của người mông muội

Lêvi Brun trong quá trình nghiên cứu nhiều năm ở các dân tộc châu Phi
đã có nhận xét rằng trong tâm lý và hành vi người mông muội, trí nhớ có vai
trò to lớn hơn nhiều so với đời sống trí tuệ của chúng ta. Hầu như toàn bộ
kinh nghiệm của người mông muội là dựa vào trí nhớ: nhớ tốt dấu vết của
động vật, nhớ kĩ thông điệp của tộc trưởng, trưởng bộ lạc, nhớ theo lá cây,
nhớ theo địa hình... Đó là trí nhớ cụ thể, trí nhớ theo từng giác quan. Thời đó
không có chữ viết. Ngày nay, ở người không biết chữ có thể thấy dấu ấn của
trí nhớ đó - trí nhớ tự nhiên. Họ có thể nhớ y nguyên hình thù, màu sắc, nhớ
như in vậy. Đó là trí nhớ tuân theo các quy luật tri giác một cách tuyệt đối mà
ta có thể gặp ở trẻ em kém phát triển trí tuệ, có khi cả ở các em đến tuổi dậy
thì. Trí nhớ này ăn nhập vào với tri giác và tạo nên các hình ảnh thị giác (nhớ
như in). Do đó, tưởng tượng khó phát triển, tri giác khách quan mang nặng
màu sắc chủ quan, đó là cơ sở để sáng tạo ra thần thoại.

Từ các cách thức ghi nhớ nói ở trên, trong đó có khả năng nhớ dấu vết
và coi các dấu vết như là các dấu hiệu được dùng làm phương tiện ghi nhớ
các bức tranh phức tạp hơn của cuộc sống và của thiên nhiên. Vưgốtxki đã
viết một kết luận cực kỳ quan trọng: "... từ việc sử dụng dấu hiệu tự nhiên,
con người mông muội trên một tầng bậc phát triển nhất định lần đầu tiên tiến
tới sáng tạo ra dấu hiệu tự tạo. Đó là bước ngoặt trong lịch sử phát triển trí
nhớ của họ". Lịch sử phát triển trí nhớ của người xưa gắn liền với lịch sử nảy
sinh chữ viết.

Nhà dân tộc học Tuốcvan có một người giúp việc là một người dân tộc
địa phương. Khi ông sai người này đi đâu để làm một việc gì đó, người ấy
đem theo một vật để ghi nhớ, tựa như tạo ra một phương tiện ghi nhớ, tức là
bắt đầu làm chủ trí nhớ của mình. Người ta quan sát thấy ở các bộ tộc châu
Phi, người đi kể chuyện dân gian có mang theo một túi những mảnh kim loại
giống như đồng tiền và thấy họ cứ lần theo các đồng tiền đó mà dẫn chuyện.
Dần dần, người mông muội đã biết dùng dây thắt nút để ghi nhớ người khi
chôn cất người đó, rồi sau họ biết dùng các nút để xây dựng nên "biên niên
sử", hoặc có khi để làm thông báo tình hình quân lính hay thông điệp cho cấp
dưới. Người ta tìm thấy ở Ấn Độ, người cổ dùng các lông chim làm các hình
vẽ "tổng kết" trận đánh như sau:

Ở mỗi làng Pê-ru có một viên chức chuyên phụ trách việc thắt nút và
đọc nút. Khi ở nơi khác gửi "thư" hay "thông điệp" (các nút) tới, người này biết
đọc các lá thư hay bức thông điệp đó. Sau này, người ta hoàn thiện được gần
như cả "một hệ thống nút" đến mức độ có thể ghi được các sự kiện của một
tộc người, một "bộ luật" v.v..

Từ các tài liệu dân tộc học kể trên, Vưgốtxki đi đến nhận xét về sự phát
triển tâm lý con người. Ông viết: "Trong quá trình phát triển tự nhiên của trí
nhớ sang dần tới sự phát triển chữ viết, từ nhớ trực tiếp như in các hình
tượng sang chỗ biết dùng các hệ thống dấu hiệu bên ngoài để nhớ, từ nhớ
trực tiếp sang nhớ có kỹ thuật - đã diễn ra sự đột biến mở đầu toàn bộ sự
phát triển văn hoá của trí nhớ người. Sự phát triển ở bên ngoài thay dần sự
phát triển ở bên trong". Như vậy là trí nhớ được hoàn thiện tuỳ thuộc vào sự
ra đời và hoàn thiện các hệ thống chữ viết, các hệ thống dấu hiệu và các
phương thức dấu hiệu. Sự phát triển lịch sử của trí nhớ người về cơ bản và
chủ yếu là sự phát triển và hoàn thiện các phương tiện hỗ trợ - các phương
tiện này góp phần tạo nên con người xã hội trong quá trình sống một cuộc
sống văn hoá.

Từ thời kỳ này, trí nhớ "tự nhiên" có hai nhân tố mới: (1) trí nhớ này có
thay đổi thì là do các thay đổi từ ở môi trường xã hội, tức là dựa vào các
phương tiện có ở trong môi trường xã hội; (2) trí nhớ dựa hẳn vào cái gọi là
"chữ viết" trong từng cộng đồng thời đó; trí nhớ tựa như "giảm đi".

Như trên đã trình bày, chữ viết có thời kỳ lịch sử phát triển ban đầu từ
“những nút” gọi là thời kỳ "kỹ thuật nhớ”. Tiếp theo là thời kỳ hình vẽ ước lệ
(pic- togramme) biểu đạt ý nghĩa và khái niệm. Ví dụ một bức thư tình của cô
gái viết cho một chàng trai như sau:

Thời kỳ thứ ba trong lịch sử hình thành chữ viết là sáng tạo ra chữ viết
tượng hình, như chữ Trung Quốc mà chúng ta đều quen biết. Các hình vẽ
ước lệ dần dần trở thành các dấu hiệu tượng trưng, lúc đầu là tượng trưng
cho từng nhóm lớn đồ vật rồi nhóm nhỏ, rồi mỗi sự vật. Đây cũng có thể coi là
các kĩ thuật ghi nhớ, có điều là nó phát triển đến mức tượng trưng cho từng
vật thể, rất tinh vi. Cùng với chữ viết tượng hình có chữ theo vần a, b, c. Ở
đây chúng tôi chỉ nói các mốc lớn trong lịch sử ra đời chữ viết để thấy được
lịch sử phát triển trí nhớ và có thể nói rằng: lịch sử chữ viết là lịch sử con
người vươn tới nắm lấy trí nhớ của mình. Ở đây cũng thấy có dấu hiệu ta
dùng cho người khác và có dấu hiệu ta dùng cho ta, cho sự điều khiển hành
vi của mình. Vưgốtxki viết: "Chúng ta nhận thấy rằng hình thức thoạt đầu làm
chủ trí nhớ là dấu hiệu không dùng cho bản thân, mà dùng cho người khác,
tức là với mục đích xã hội, về sau các dấu hiệu này mới trở thành các dấu
hiệu cho bản thân".

5. Tư duy trong mối liên hệ với ngôn ngữ trong xã hội ấu trĩ

Tiếng nói của con người trong xã hội ấu trĩ (nguyên thuỷ) rất cụ thể, có
ý chỉ từng đặc điểm của sự vật. Con hươu ở mỗi một tuổi có tên khác nhau;
có đến 11 tiếng để nói lên thời tiết lạnh, 41 tiếng chỉ tuyết rơi:.. Tính chính xác
của ngôn ngữ được xác định bởi tính cụ thể. Dần dần tính cụ thể bị giảm đi.
Tính cụ thể của các tiếng nói lúc đầu có thể so với chụp ảnh ngày nay, đi đến
từng trạng thái ở các thời điểm; các từ ngữ của người mông muội còn gắn
liền với từng sự vật, đi liền với các ấn tượng cảm tính. Tuốcvan đã làm thí
nghiệm với một số người ở một bộ tộc xa xôi còn sống trong xã hội hoang sơ:
yêu cầu họ đếm số lợn trong chuồng, họ đếm được, nhưng đến số 60 họ
dừng lại, không đếm tiếp nữa. Tìm hiểu ra, người ta thấy bộ tộc đó không có
các tập hợp vật thể bao gồm quá 60; ở họ ngữ ngôn và số đếm gắn liền với
hoàn cảnh cụ thể.
Đặc điểm thứ hai trong ngôn ngữ của người mông muội là "tính kép":
có ngữ ngôn của ngôn từ (ngôn ngữ nói) và ngữ ngôn của điệu bộ (dấu hiệu
bằng tay, ngôn ngữ tay v.v...). Ngôn ngữ của họ phụ thuộc chủ yếu vào tai và
mắt, tri giác và trí nhớ.

Vậy mối tương quan giữa ngôn ngữ và tư duy như thế nào? Vưgốtxki
trả lời: "Ngữ ngôn và tính chất của nó quy định tính chất và cấu tạo của các
thao tác tư duy giống hệt như công cụ quy định cấu tạo và thành phần của
thao tác lao động ở con người". Kiôsing đã sống "ba cùng" với một bộ tộc và
nêu nhận xét rằng ngay trong cuộc sống còn đơn sơ, mông muội, hai bàn tay
đã nối liền với đầu óc, hai bàn tay đã trở thành một bộ phận thực sự của trí
tuệ. Lêvi Brun viết: "Tiến bộ văn minh là nhờ vào ảnh hưởng qua lại của hai
bàn tay tới trí tuệ và của trí tuệ tới hai bàn tay. Muốn nghiên cứu cuộc sống trí
tuệ của người mông muội, phải chú ý tới các cử động của hai tay, ngữ ngôn
và ý tưởng của họ gắn liền với các cử động này. Người mông muội nói cùng
với sự cử động của hai tay, và họ suy nghĩ cũng vậy- không thể thiếu hai tay".

Người mông muội chưa có khái niệm, chưa có tên trừu tượng chỉ một
loại hình. Cách dùng từ ngữ phản ảnh thao tác tư duy đi kèm tương ứng. Ở
họ, một từ có thể dùng như một tên riêng hay một âm thanh liên tưởng liên
kết với một khách thể nào đó. Và trong trường hợp này ta có một thao tác liên
tưởng của trí nhớ; tư duy tựa như đứng hàng thứ hai, và trí nhớ đứng ở hàng
đầu. Đây là thời kỳ thứ nhất của sự nảy sinh, phát triển từ ngữ và cách dùng
từ ngữ; mỗi từ gần như là một tên riêng của vật thể và cách dùng nó như là
dấu hiệu liên tưởng với từng vật thể một.

Sang thời kỳ thứ hai, một từ được dùng như một dấu hiệu liên tưởng
với một nhóm đối tượng khách thể, như là tên riêng của một nhóm, một họ. Ở
thời kỳ này, chức năng của từ không dừng lại ở chức năng liên tưởng, mà có
thêm cả chức năng tư duy cũng đứng lên hàng đầu cùng với trí nhớ. Từ ở
đây đã gắn liền với thao tác phân loại, đã là phương tiện hình thành một bộ.
Tuy vậy, họ mới chỉ tư duy theo nhóm, bộ, chứ chưa tư duy bằng khái niệm.
Tư duy theo nhóm, bộ, tức là theo quy luật "tham gia" do Lêvi Brun đề ra: một
vật thể có thể đứng vào tổ hợp các bộ khác nhau, ví dụ người vào một tổ hợp,
các loài chim vào một tổ hợp.

Thời kỳ thứ ba của sự phát triển từ và cách dùng từ là thời kỳ hình


thành khái niệm.

6. Thao tác sao người mông muội

Hệ đếm ở nhiều bộ tộc còn sống hiện nay như người mông muội không
quá số 2 - 3. Tất nhiên họ có thể đếm được hơn số đó bằng cách tri giác cụ
thể, ghi nhớ tự nhiên, so sánh. Cái đó ta gọi là số học sơ khai - có tác giả,
như nhà triết học Lépnít, gọi là số học vô thức, vì họ đếm dựa vào tri giác trực
tiếp. Họ nhìn một cái thấy đàn cừu thiếu 1 - 2 con, nghe một cái thấy thiếu
một khúc nhạc, một vần thơ, cứ như ta nhìn số, nhìn vần trên một sơ đồ, một
đường biểu diễn. Như vậy là hình ảnh và số lượng tựa như còn ăn nhập với
nhau thành một tổ hợp, một bộ, tựa như họ có hình ảnh về số lượng.

Con đường phát triển hệ đếm đó là quá trình hình thành các dấu hiệu
đặc biệt, nhờ đó số học sơ khai chuyển thành số học có văn hoá. Tất nhiên
lúc đầu người mông muội dùng các dấu hiệu hãy còn mang tính chất cụ thể,
trực quan thị giác. Họ đếm một nhóm sự vật bằng cách so chúng với số
lượng các bộ phận trên cơ thể mình (ví dụ so với số ngón tay). Như vậy là ở
đây có phép so sánh một nhóm này với một nhóm khác. Thế là ngón tay đã
trở thành công cụ đếm: đây là một bước chuyển biến cực kỳ quan trọng để
tiến tới trừu trượng - một con đường phát triển hoàn toàn mới. Tất nhiên, ở
đây vẫn nặng về phương thức tri giác nhìn là chủ yếu, và vẫn còn dùng một
kỹ thuật để nhớ là chính, chứ chưa phải là một thao tác số theo đúng nghĩa
của từ này. Một bàn tay: 5; hai bàn tay: 10. Một nút đơn: 1; một nút kép: 5.
Dần dần hình thành nên dãy số tự nhiên từ 0 đến 9, và sau đó có 10...

Tóm lại, số học sơ khai dựa trên tri giác trực tiếp số lượng chuyển
thành thao tác gián tiếp dựa vào dấu hiệu. Quan sát, nghiên cứu trên đưa ta
đến kết luận từ đếm sinh ra số, chứ không phải tạo ra số để đếm và có số rồi
mới đếm.
7. Hành vi mông muội

Tư tưởng chủ đạo về sự phát triển từ hành vi mông muội lên hành vi
văn minh là: giống như quá trình thống trị thiên nhiên chủ yếu dựa vào kỹ
thuật, chứ không phải bằng các khí quan tự nhiên trong cơ thể, quá trình làm
chủ bản thân (sự phát triển hành vi con người) chủ yếu dựa vào sự hoàn
thiện các dấu hiệu bên ngoài, các biện pháp và phương thức bên ngoài được
hình thành trong môi trường xã hội nhất định dưới ảnh hưởng của các nhu
cầu kinh tế và kỹ thuật. Tất cả các thao tác tâm lý tự nhiên đều được cải tổ
dưới ảnh hưởng đó, một số thao tác mất đi, một số phát triển lên. Và một điều
quan trọng nhất, quyết định nhất, nổi bật nhất là toàn bộ quá trình này diễn ra
từ ngoài vào và suy cho cùng được quy định bởi cuộc sống xã hội của nhóm
hay dân tộc mà cá thể sống trong đó.

Ngay cả hành động tâm linh thần bí hay tư duy thần bí cũng là một loại
hành vi bên ngoài nhằm vào đích chiến thắng thiên nhiên và đồng thời làm
chủ hành vi con người. Chẳng hạn trong lễ cầu mưa, người mông muội tái tạo
lại hình ảnh trời mưa thật hay hình ảnh giao cấu trên đồng cỏ để cầu trời cho
họ có con. Hiện tượng này ở động vật không có, mà chỉ có ở người - một
bước quan trọng trong lịch sử phát triển tinh thần. Điều đó thể hiện ở chỗ họ
tạo nên một hình tượng nào đó theo ý chí của mình. Chính từ đó con người
trở nên có kỹ thuật để sống với thiên nhiên và có văn hoá để làm chủ bản
thân. Trên con đường này, trong tinh thần, trong tư duy, cái khách quan và cái
chủ quan được tách ra. Nhờ sáng tạo ra kĩ thuật, con người tác động lên thiên
nhiên và nhận ra rằng thiên nhiên là cái gì đứng ở ngoài họ và diễn ra theo
một số quy luật nhất định. Đồng thời, họ thu thập được kinh nghiệm bản thân
- kinh nghiệm tâm lý, từ đó dẫn đến chỗ nhận thức ra quy luật điều khiển hành
vi. Vấn đề đặt ra ở đây là quá trình chế ngự thiên nhiên và quá trình làm chủ
bản thân đều phải qua một lực lượng trung gian, đó là công cụ và dấu hiệu.
Vưgốtxki cho rằng ở người mông muội, hai quá trình này còn tách rời nhau,
chưa ăn khớp với nhau, và nếu có, thì mới ở trình độ thống nhất của "tâm lý
học ngây thơ" với "vật lý học ngây thơ". Và ông cho rằng đây là đặc điểm nổi
bật trong nhân cách của người mông muội.

Tư duy thần bí đó chỉ là một mặt trong đời sống tinh thần của người
mông muội, chứ không phải như Lêvi Brun khi ông không đánh giá tư duy
thực tiễn và hoạt động kỹ thuật ở họ. Chúng ta phải thấy rằng tư duy ở người
mông muội, nhờ vậy đã vượt lên hơn hẳn các thao tác của khỉ hình người
(vượn người). Không nên coi tư duy của người mông muội như là hoạt động
bản năng được tự động hoá. Vưgốtxki giải thích cội nguồn của tư duy thần bí
mông muội là do: (1) chưa tách biệt được đâu là ngự trị thiên nhiên, đâu là
làm chủ bản thân; (2) tư duy lúc đó còn là tư duy theo bộ, nhóm đồ vật; (3) hai
dòng phát triển: dòng tư duy kỹ thuật, tư duy thực hành và dòng ngôn ngữ
chưa gặp nhau.

C. TRẺ EM VÀ HÀNH VI CỦA TRẺ


1. Trong tâm lí người lớn ít nhất có ba dòng quyện vào nhau

- Tiến hoá sinh vật.

- Phát triển lịch sử - văn hoá.

- Phát triển cá thể.

Cần chống lại quan điểm vận dụng một cách máy móc quy luật sinh vật
vào xem xét sự phát triển tâm lý người cho rằng mỗi một dòng kể trên có còn
đường, hình thái và giai đoạn phát triển riêng.

2. Người lớn và trẻ em

Phải khắc phục cái gọi là nguyên tắc biến dạng siêu hình, lấy mình
(người lớn) làm thước đo mọi thứ cho trẻ em, coi trẻ em là người lớn thu nhỏ
lại. Phải khẳng định trẻ em và người lớn khác nhau cả về thể xác lẫn tinh
thần.
3. Trẻ sơ sinh và thế giới của nó

Ở đây phải khắc phục thuyết môi trường - thuyết coi con người là sản
phẩm của môi trường và bản chất con người nằm trong bản chất của hoàn
cảnh xung quanh. Trẻ lớn lên là quá trình chúng chuyển từ cuộc sống cơ thể
tồn tại theo nguyên tắc "hữu cơ" sang theo nguyên tắc thực tiễn bên ngoài, và
trước hết là thực tiễn xã hội.

Phải thấy được rằng trẻ quan hệ với thế giới bên ngoài khác với người
lớn. Trẻ suy nghĩ không giống người lớn.

4. Tự giác sơ đẳng

Theo Bulơ, trẻ nhận thức thế giới bằng miệng, tay và mặt, gần như là tri
giác sinh lý thuần tuý, chưa có khả năng thấy viễn cảnh tri giác và chưa có
tính ổn định. Theo thực nghiệm của Magio mô tả trong cuốn Những bước
chập chững trong phát triển tâm lý, khi cho trẻ xem ảnh màu, ta thấy có ba
bước phát triển: (1) Lúc đầu không biết đấy là ảnh, mà chỉ biết là mẩu giấy;
(2) Sau trẻ coi đó như là một vật thực; (3) Cuối cùng chúng mới nhận ra đó là
ảnh màu.

5. Tư duy sơ đẳng

Từ 2 đến 5 tuổi trẻ có ngôn ngữ tự kỷ trung tâm: tự nói với mình, độc
thoại; từ 3 đến 5 tuổi đến 54 - 60%, từ 5 - 7 tuổi đến 44 - 47% ngôn ngữ của
trẻ là ngôn ngữ tự kỷ trung tâm. Trong hoàn cảnh khó khăn thì ngôn ngữ tự kỷ
trung tâm tăng lên, điều đó chứng tỏ ngôn ngữ này giữ vai trò tham gia vào
việc điều khiển hành động. Đến 4 - 5 tuổi, trẻ chưa biết "tôi không biết" là cái
gì. Trẻ chưa biết nói câu phức tạp "khi..., thì...", "do có... thì...", "bởi vì...", hay
dùng "và...", tức là chưa nắm được phạm trù nhân quả. Các câu có quan hệ
không gian khó, trẻ không hiểu được, ví dụ: B ở bên phải của A và bên trái
của C (A-B-C); nó là em của A và anh của C, v.v... Trẻ chưa quy nạp hay diễn
dịch, mà mới chuyển dịch: chỉ biết nói từ sự việc này tiếp sang sự việc kia,
chứ không hiểu cái này là do cái kia...
6. Các bước mở đầu tiếp cận văn hoá

Cần xem xét mối liên hệ giữa quá trình phát triển loài người và sự phát
triển của đứa trẻ; chúng không đồng nhất và cũng không song song. Có thể
cho rằng trẻ trải qua thời kỳ tiền văn hoá và ăn nhập dần dần vào môi trường
văn hoá.

Điều rất đáng chú ý là khác với người mông muội, trẻ sinh ra trong một
môi trường văn hoá đã có sẵn, trong môi trường đó nó tạo ra cho bản thân
các hình thái thích nghi, mà các hình thái này cũng có sẵn ở người lớn. Tất cả
vấn đề phát triển của trẻ là ở chỗ tạo ra cho chúng (hay trẻ tự tạo ra cho
mình) các hình thái văn hoá ngày càng phức tạp để thích nghi với môi trường.

7. Nắm các công cụ

Từ 1,5 - 2 tuổi trẻ phải hình hành được năng lực sử dụng các đối tượng
bên ngoài như là một khách thể công cụ giúp chúng đạt một mục đích nào đó.
Biết dùng vật thể làm công cụ tức là tạo ra chức năng mới cho khách thể, làm
phong phú thêm vai trò của nó - đó là một bước quyết định để trở thành con
người bắt đầu phát triển văn hoá.

Lípman và Bôgen trong tác phẩm Vật lý học ngây thơ (1923) đã mô tả:
lúc đầu khi trẻ ăn bằng thìa, bát, chúng mới chỉ hiểu các vật dụng này gắn liền
với hoàn cảnh ăn uống, sau dần dần mới hiểu chúng như là các công cụ nói
chung, dùng được ở các trường hợp khác nhau, tức là mới biết dùng và hiểu
công cụ theo đúng nghĩa của chúng.

Bulơ làm một thực nghiệm như sau: buộc quả táo vào một cái dây để
trên bàn xa chỗ trẻ ngồi, rồi bảo trẻ lấy táo mà ăn. Trẻ 9 tháng đến 1 năm tuổi
không biết cầm dây kéo quả táo lại. Chúng chưa xác định được phạm trù mục
đích và phương tiện.

Luria làm một thực nghiệm khác: treo một đồ chơi ở góc bảng trên cao,
cạnh đó có một cái ghế và một cái gậy. Trẻ 7 - 8 tuổi mới biết dùng ghế và
gậy để khều lấy trò chơi. Trẻ chậm phát triển trí tuệ không làm được việc này.
8. Phát triển văn hoá các chức năng chuyên biệt: trí nhớ gián tiếp,
chú ý có chủ định

Yêu cầu trẻ nhớ một cái gì đó bằng cách dùng một vật khác làm dấu
hiệu trung gian để nhớ, thì trẻ 4 - 5 tuổi ít làm được, 6 - 7 tuổi bắt đầu làm
được, 10 tuổi trở lên làm được một cách dễ dàng. Đó là trí nhớ gián tiếp. Chú
ý có chủ định cũng vậy; đó là chức năng tâm lý được thực hiện qua các kích
thích gián tiếp được gọi là các kích thích mới bổ sung. Các kích thích này chỉ
có trong môi trường văn hoá tạo nên một trạng thái căng thẳng, thúc đẩy tiến
tới một hoạt động. Đó là các kích thích do con người tự tạo ra cho mình, gọi
là các kích thích văn hoá, gây nên một lực mới khá mạnh tổ chức hoạt động
của con người và tác động lên nhân cách, hành vi. Bằng cách đó, con người
tạo ra các phương tiện chuyên biệt để điều khiển các thao tác tâm lý, biết đặt
ra nhiệm vụ và hoạt động để thực hiện nhiệm vụ cũng như biết dùng phương
tiện để đạt mục đích.

Sau đó, ngôn ngữ trở thành một trong các phương tiện đầy sức mạnh.
Thoạt đầu mẹ nói và chỉ vào vật thể, trẻ chú ý vào đó. Rồi sau trẻ cũng tự nói
với mình và tự chú ý vào đó, ở đây ta nói ngôn ngữ có chức năng của một
thao tác văn hoá.

9. Sự phát triển văn hoá của chức năng chuyên biệt: trừu tượng
hoá

Tư duy của trẻ rất cụ thể, đó là điều ai cũng biết. Đến một tuổi nào đó
trẻ đếm được ngón tay trên hai bàn tay mình, nhưng chưa đếm được số ngón
tay trên bàn tay người khác. Phân biệt bên phải (P), bên trái (T) cũng là một
thực nghiệm hay. Nếu 5 tuổi trẻ phân biệt được tay P và tay T của mình, thì 7
tuổi nó mới phân biệt được vật này bên P, vật kia bên T; 8 tuổi mới phân biệt
được tay P, tay T của người đứng trước mặt và 11 tuổi trẻ mới phân biệt
được vị trí P, T của ba vật xếp gần nhau.

Làm một thực nghiệm bảo trẻ đếm chín miếng gỗ hình khối xếp vào hai
đường của một chữ thập + xem trẻ có thể đếm một cách trừu tượng hay cứ
đếm cụ thể theo hai đường thẳng (miếng gỗ ở giao điểm được tính vào một
đường hay hai đường). Kết quả: 62% các em từ mẫu giáo giữa vẫn có lỗi,
đến cấp tiểu học còn 6% học sinh tham gia làm thực nghiệm còn bị lỗi. Khả
năng trừu tượng được hình thành dần dần.

10. Sự phát triển tư duy và ngôn ngữ

Traxi trong Tâm lý học trẻ em (Bôstông, 1894) đã tính được số lượng từ
ở trẻ: 12 tháng tuổi có 4 - 10 từ; lên 2 tuổi có 300 từ, 3 tuổi - 1000 từ, v.v...
Cần nghiên cứu quá trình ngôn ngữ ngoài chuyển thành ngôn ngữ trong và
cơ chế của ngôn ngữ trong, coi đây là cơ chế có vai trò quan trọng trong tổ
chức hành vi và Luria cho rằng cơ chế này chính là cơ sở các em phát triển ý
thức.

11. Các giai đoạn phát triển văn hoá ở trẻ

Trước hết phải hiểu đúng khái niệm phát triển không phải là sự tăng độ
chín muồi của các tố chất bẩm sinh.

a) Trẻ trước hết trải qua giai đoạn thích nghi trực tiếp đối với thế giới
bằng các khả năng tự nhiên. Pha phát triển này gọi là pha thiên nhiên của các
hình thái hành vi, đó là pha của các chức năng tự nhiên.

b) Giai đoạn sau có thể gọi là giai đoạn thích nghi gián tiếp, có khi gọi là
pha "kỹ xảo văn hóa” biết dùng công cụ và dấu hiệu.

Lấy ví dụ qua một thực nghiệm: đưa cho trẻ một số từ, nghe thấy một
từ thì ấn vào một phím đàn. Làm trực tiếp: từ - ấn phím đàn (A) rất khó với
trẻ. Sau đưa một dãy tranh làm kích thích trung gian: nghe từ - nhìn tranh - ấn
phím đàn (B). Trẻ từ 6 - 7 tuổi trở lên làm được thực nghiệm B: qua tranh nhớ
được từ.

c) Giai đoạn thứ ba là giai đoạn có sự dùng dấu hiệu bên ngoài một
cách suy nghĩ. Cũng làm thực nghiệm tương tự như B (tạm gọi ở đây là B 1).
Nhưng B1 khác với B ở chỗ cho trẻ tự ghép tranh với từ thành từng cặp một
(còn trong B việc này do người tiến hành thực nghiệm làm). Trẻ lớn hơn 7 - 8
tuổi mới làm được thực nghiệm này.

d) Giai đoạn thứ tư là giai đoạn sử dụng dấu hiệu bên trong, còn gọi là
giai đoạn của các quá trình tâm lý - thần kinh: các dấu hiệu bên ngoài chuyển
thành các dấu hiệu bên trong và cũng được sử dụng như là các phương tiện,
công cụ đạt mục đích.

Các thực nghiệm cụ thể kể trên được tiến hành theo một quan niệm
chủ đạo coi con người là thực thể xã hội và các điều kiện xã hội - văn hoá
chuyển hoá có tác động làm thay đổi, phát triển con người ấy, tạo ra một loạt
các hình thái và biện pháp mới của hành vi. Nghiên cứu các đặc điểm của
quá trình này chính là nhiệm vụ của khoa học tâm lý. Chúng ta phải nghiên
cứu, như Luria đã chỉ ra, các hình thái (dạng thức) văn hoá của hành vi nhân
cách; khái niệm nhân cách văn hoá ở ngoài cơ thể và nghiên cứu các thói
quen văn hoá, có khi cả ăn mặc, chúng ta sẽ có các tư liệu quý giá để hiểu
hành vi của con người.

V. LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN CÁC CHỨC NĂNG TÂM LÍ CẤP CAO


Tác phẩm này Vưgốtxki viết năm 1930 - 1931, tôi đọc trong tập Sự phát
triển các chức năng tâm lý cấp cao xuất bản năm 1960 ở Mátxcơva. Mở đầu
tác giả tựa đề bằng câu nói của Ph. Ăngghen viết trong Biện chứng tự nhiên":
"Các quy luật vĩnh cửu của tự nhiên ngày càng chuyển thành các quy luật lịch
sử". Tác phẩm này đã đặt một trong những viên gạch đầu tiên cho ngành tâm
lý học phát triển (devel- opmental psychology) mà bây giờ, những năm 90,
mới xuất hiện rõ nét.

A. VẤN ĐỀ PHÁT TRIỂN CÁC CHỨC NĂNG TÂM LÍ CẤP CAO


Điểm qua lịch sử tâm lý học, Vưgốtxki nhận xét rằng từ trước đến nay
các nhà tâm lý học chưa ai nghiên cứu lịch sử phát triển các chức năng tâm lý
cấp cao. Ông đưa ra khái niệm phát triển các chức năng tâm lý cấp cao và coi
đây là một trong những khái niệm trung tâm của tâm lý học trẻ em. Thường
những người nghiên cứu chỉ thu thập một số sự kiện nói lên sự phát triển của
trẻ và chưa bao giờ coi các sự kiện này là sự kiện nói lên sự phát triển các
chức năng tâm lý cấp cao và càng chưa bao giờ thấy đó là các sự kiện của
sự phát triển lịch sử, mà chỉ coi đó là các quá trình tự nhiên, còn lẫn lộn các
phạm trù cái thiên nhiên và cái văn hoá, cái tự nhiên và cái lịch sử, cái sinh
vật và cái xã hội; ở đây ta có hai dãy sinh trưởng khác nhau. Không hiểu và
phân biệt rõ các cặp phạm trù này thì không thể hiểu bản chất các hiện tượng
và các sự kiện mà ta nghiên cứu, thu thập được về sự phát triển tâm lý của
trẻ.

Nghiên cứu các cấu tạo và các quá trình phức tạp mà chỉ chia tách
thành các yếu tố cấu thành, nhất là chỉ coi đó là các quá trình hay cấu tạo tự
nhiên, thiên nhiên, sinh vật tạo thành các chức năng tâm lý, thì ta không thể
thấy chúng như là một cấu trúc chỉnh thể. Theo đó sự phát triển các quá trình
tâm lý phức tạp chỉ được xem như tổng các bộ phận hay yếu tố riêng rẽ. Tâm
lý học trước đây chỉ nghiên cứu các hình thức đã hình thành của hành vi, chứ
không nghiên cứu nguồn gốc nảy sinh của các hình thức đó; tâm lý học cũ chỉ
ra rằng trẻ 14 tuổi có thể có khái niệm lôgích giống như y học chỉ ra rằng trẻ 7
tuổi bắt đầu thay răng.

Vưgốtxki đã phê phán cả tâm lý học duy tâm chủ quan - kinh nghiệm
chủ nghĩa lẫn tâm lý học khách quan - duy vật máy móc, như hành vi chủ
nghĩa, phản xạ học, v.v... Ông viết: tất cả các dòng phái này đều loại bỏ các
đặc điểm chuyên biệt và tính quy luật của sự phát triển văn hoá của con
người; các chức năng tâm lý cấp cao phải được định nghĩa là các chức năng
văn hoá. Các trường phái này mới chỉ tạo nên thời kỳ "tiền sử của các chức
năng tâm lý cấp cao", bởi vì tất cả các chức năng lâm lý được nghiên cứu chủ
yếu theo quan điểm nguyên tử luận, coi tất cả các chức năng tâm lý như là
các chức năng sơ cấp, như là tổ hợp các phản xạ, các phản ứng, hay cao
lắm là các hệ thống các kỹ xảo.
Đúng là ở tuổi nhà trẻ, các em đang ở vào thời "tiền sử" của sự phát
triển các chức năng tâm lý cấp cao, thời kỳ bào thai của các chức năng này
và thời kỳ bào thai của thế giới tinh thần. Về nghiên cứu thời kỳ này, lúc mà
mặt tự nhiên, thiên nhiên còn chiếm ưu thế, Vưgốtxki viết: "... chính sự phát
triển sinh vật của hành vi diễn ra với một cường độ cao ngay sau khi trẻ ra đời
là đối tượng nghiên cứu cực kỳ quan trọng của tâm lý học... Nghiên cứu lịch
sử phát triển các chức năng tâm lý cấp cao không thể không nghiên cứu tiền
sử của các chức năng ấy, các cội rễ sinh vật và các tố chất cơ thể của chúng.
Ở lứa tuổi nhà trẻ bắt đầu phát sinh cội rễ của hai dạng thức văn hoá chủ yếu
của hành vi: (1) sử dụng công cụ, (2) sử dụng ngôn ngữ của loài người. Do
đó, lứa tuổi này được chuyển vào trung tâm tiền sử của sự phát triển văn
hoá".

Quan niệm này có thể khắc phục được việc nghiên cứu tâm lý trẻ em
theo quan điểm chỉ tìm sao cho ra các phản ứng bẩm sinh và các phản ứng
tự tạo, tách biệt các chức năng tâm lý cấp cao và các chức năng tâm lý cấp
thấp, không nhìn thấy sự liên quan về nguồn gốc, chức năng hay cấu trúc. Có
thể so sánh thời kỳ này trong tâm lý học như thời kỳ sinh vật học trước
Đácuyn. Từ đây mới khắc phục lý luận nhị nguyên trong tâm lý học, chia ra
tâm lý học sinh lý và tâm lý học tinh thần.

Theo quan niệm mới nghiên cứu của tâm lý trẻ em của Vưgốtxki, cần
phải nắm vững ba khái niệm:

- Chức năng tâm lý cấp cao

- Sự phát triển văn hoá của hành vi.

- Nắm vững (lĩnh hội) các quá trình hành vi của bản thân.

Hiểu rõ ba khái niệm này sẽ giúp ta xác định được đối tượng nghiên
cứu tâm lý trẻ: nghiên cứu quá trình trẻ nắm các phương tiện bên ngoài của
sự phát triển văn hoá và tư duy, như tiếng nói, chữ viết, tính toán, vẽ, v.v...
Phải phân biệt hai thuyết phát triển tâm lý. Vưgốtxki viết: "Hành vi của
người lớn, văn hoá hiện nay là kết quả của hai quá trình khác nhau của sự
phát triển tâm lý. Một mặt đó là quá trình tiến hoá sinh vật của các loài động
vật dẫn đến chỗ nảy sinh loài homo sapiens; mặt khác, đó là quá trình phát
triển lịch sử đưa người mông muội nguyên thuỷ thành con người văn hoá.
Trong nguồn gốc chủng loại, hai quá trình này - quá trình phát triển sinh vật
và quá trình phát triển văn hoá của hành vi, tách biệt nhau như hai tuyến phát
triển độc lập; còn trong nguồn gốc cá thể, hai quá trình này bện lại với nhau.

Quá trình lịch sử và quá trình tiến hoá khác nhau cơ bản ở chỗ sự phát
triển các chức năng tâm lý cấp cao diễn ra không kèm theo sự thay đổi loại
hình sinh vật ở con người, còn đối với quá trình tiến hoá thì sự biến đổi loại
hình sinh vật là cơ sở; đối với sự phát triển lịch sử người nổi lên hàng đầu là
sự phát triển các cơ quan tự tạo - các công cụ, chứ không phải là các cơ
quan và cấu tạo cơ thể.

Vưgốtxki khẳng định: "Văn hoá sáng tạo ra các hình thái đặc biệt của
hành vi văn hoá thay đổi loại hình hoạt động của các chức năng tâm lý, văn
hoá kiến tạo nên các tầng mới trong hệ thống luôn phát triển của hành vi con
người. Trong quá trình phát triển lịch sử, con người xã hội thay đổi phương
thức và biện pháp hành vi của mình, chuyển hoá các tố chất và các chức
năng thiên nhiên, tạo lập các dạng thức mới, văn hoá đặc thù của hành vi".
Con người có một hình thức thích nghi mới và đây là cơ chế cân bằng chủ
yếu của cơ thể với môi trường. Dạng thức hành vi này nảy sinh trên cơ sở
các tiền đề sinh vật nhất định, nhưng đã vượt ra ngoài phạm vi sinh vật, tạo
nên một hệ thống hành vi có chất lượng khác và theo một tổ chức mới.
Vưgốtxki gọi dạng thức hành vi này là "hành vi cấp cao".

Cần nhấn mạnh rằng cả trong nguồn gốc loài người và nguồn gốc cá
thể đều có hai tuyến phát triển - tuyến sinh vật và tuyến văn hoá. Ở trẻ, lúc
đầu vừa có sự phát triển văn hoá, vừa có những biến đổi cơ thể. Vưgốtxki
viết: "Toàn bộ đặc điểm chuyển hoá từ một hệ thống tích cực này (động vật)
sang hệ thống tích cực khác (người) do trẻ tự tạo ra không phải đơn giản là
hệ thống này thay hệ thống kia, mà cả hai hệ thống đồng thời cùng nhau phát
triển... Trẻ không chuyển sang hệ thống mới sau khi hệ thống tích cực cũ của
cơ thể đã phát triển xong. Trẻ sử dụng công cụ sau khi con người mông muội
đã phát triển xong cơ thể".

Rất cần phân biệt hai tuyến phát triển, nhưng thực ra phân biệt thiên
nhiên và văn hoá là sự phân biệt hết sức quy ước mà thôi. Ông viết: "Quá
trình một đứa trẻ bình thường ăn nhập với nền văn minh thường quện thống
nhất với các quá trình cơ thể chín muồi. Hai bình diện phát triển - tự nhiên và
văn hoá - nhập vào với nhau. Hai dãy biến đổi thâm nhập qua lại với nhau và
thực chất tạo nên một sự hình thành thống nhất xã hội sinh vật của nhân cách
trẻ. Sự phát triển cơ thể xảy ra trong môi trường văn hóa trong chừng mực nó
chuyển thành quá trình sinh vật được lịch sử quy định. Mặt khác, sự phát triển
văn hoá có tính chất độc đáo đặc thù diễn ra đồng thời và quện với sự chín
muồi cơ thể trong chừng mực cơ thể đang biến đổi và lớn lên; chín muồi là kẻ
mang sự phát triển văn hóa. Sự phát triển ngôn ngữ của trẻ có thể là một ví
dụ tốt về sự gắn quyện hai bình diện phát triển - tự nhiên và văn hoá".

Phương pháp tiếp cận này có thể dùng để nghiên cứu cả trẻ em bình
thường lẫn trẻ em khuyết tật. Và suy rộng hơn nữa, như Vưgốtxki nhận định,
"lịch sử phát triển văn hoá của trẻ đưa chúng ta đến lịch sử phát triển nhân
cách...; chỉ có vượt ra ngoài phạm vi phương pháp luận của tâm lý học trẻ em
truyền thống chúng ta mới có thể nghiên cứu sự phát triển của cái tổng hợp
tâm lý cao nhất - cái có đầy đủ cơ sở gọi là nhân cách của trẻ". Vấn đề nhân
cách và sự phát triển nhân cách là vấn đề tập trung cao nhất của toàn bộ tâm
lý học. Một kết luận hết sức quan trọng.

B. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU


Phương pháp nghiên cứu vừa là tiền đề và sản phẩm, vừa là công cụ
và kết quả của các công trình nghiên cứu. Đây là một nhận xét rất chí lý, một
cách nhìn động, rất biện chứng. Thậm chí có thể coi phương pháp nghiên
cứu đồng nhất với quy luật chủ yếu của hành vi. Ví dụ, S -> R vừa là quy luật
hành vi, theo hành vi chủ nghĩa, vừa là phương pháp nghiên cứu hành vi tâm
lý không những của phái hành vi, mà còn của nhiều trường phái tâm lý học
cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, và không loại trừ cho đến ngày nay. Theo
Vưgốtxki, phương pháp S -> R thực chất có thể coi là điều kiện để tự quan
sát tốt hơn mà thôi. Các phương pháp tâm vật lý tâm sinh lý học, phản xạ
học, kể cả cho đến phái ghestan... cũng đều dùng phương pháp S -> R cả.
Ông cho rằng quan niệm cấu trúc tâm lý của phái ghes-tan đề ra rất hay,
nhưng thực sự các tác giả của phái này chưa vượt qua được phương pháp S
-> R, không dứt khoát hoàn toàn dùng phương pháp cấu trúc. Trong khi đó
Vưgốtxki viết: "Quan niệm cấu trúc về tâm lý tạo ra tiền đề phương pháp luận
cần thiết và chuyên dùng cho loại thực nghiệm mà chúng tôi thiên về ý cho
rằng đó là phương pháp chính phù hợp với việc nghiên cứu sự phát triển văn
hoá của trẻ em".

Phương pháp S -> R là cách tiếp cận tự nhiên chủ nghĩa nghiên cứu
tâm lý con người, nói lên cách thích nghi thụ động của con người, không nhận
thấy con người còn có (và chủ yếu có) cách thích nghi tích cực. Như Ph.
Ăngghen đã nói trong Biện chứng tự nhiên: chỉ có con người mới để lại dấu
ấn ý chí của nó trong thiên nhiên. Theo phương pháp S -> R thì không thể
thấy được sự phát triển tâm lý của con người là một bộ phận của quá trình
chung của sự phát triển lịch sử loài người. Các chức năng tâm lý cấp cao là
khâu cuối cùng của sự phát triển văn hoá. Nghiên cứu tâm lý theo quan điểm
lịch sử không phải là nghiên cứu cái gì đã là dĩ vãng, mà là sử dụng phạm trù
phát triển để nghiên cứu các hiện tượng trong sự vận động, phạm trù phát
triển là cơ sở của cả các nghiên cứu lý thuyết. Blônxki, nhà tâm lý học Nga
nổi tiếng, đã viết: "Chỉ có thể hiểu được hành vi khi ta hiểu nó như lịch sử
hành vi". Vưgốtxki khẳng định: chỉ nhìn thấy ranh giới không xâm phạm giữa
nghiên cứu lịch sử và nghiên cứu các hình thức hiện có là một quan niệm
ngây thơ. Thực ra nghiên cứu theo phương pháp tiếp cận lịch sử chỉ là sự
vận dụng phạm trù phát triển vào nghiên cứu các hiện tượng. Nghiên cứu một
cái gì đó theo phương pháp tiếp cận lịch sử có nghĩa là nghiên cứu cái đó
trong quá trình vận động. Đó chính là yêu cầu cơ bản của phương pháp biện
chứng. Trong khi nghiên cứu ta nắm lấy quá trình phát triển một vật thể nào
đó trong mọi pha, mọi sự biến đổi, từ lúc sinh ra cho đến lúc chết đi, đó chính
là tìm ra bản tính, bản chất của nó, vì chỉ có trong vận động, sự vật mới cho ta
thấy nó là cái gì. Tóm lại, nghiên cứu hành vi theo phương pháp lịch sử không
phải là cái gì bổ sung thêm thắt vào nghiên cứu lý thuyết, mà chính là cơ sở
của nghiên cứu lý thuyết.

Phương pháp S -> R đem chia tách thao tác ra thành từng phần, do đó
làm mất đi phần chủ yếu nhất là hoạt động đặc thù của con người nhằm làm
chủ hành vi của bản thân mình. Phải thấy đằng sau các S là có bàn tay, khối
óc của con người. Chính sự xuất hiện các kích thích mới là kết quả do hoạt
động tích cực của con người tạo ra. Ấy thế mà họ quên một con người khi
nghiên cứu hành vi, tâm lý đó là sai lầm của chúng ta, Vưgốtxki kết luận như
vậy. Một kích thích nào đó vào con người có thể chỉ là công cụ hoạt động của
con người, con người còn tự mình tạo ra các kích thích vào mình, và nó dùng
các kích thích đó như là phương tiện làm chủ hành vi của chính mình - bản
chất vấn đề là ở đây ta có kích thích - phương tiện: "Con người tự kiểm soát
hành vi của mình bằng các kích thích - phương tiện tự tạo". Ví dụ, gieo quẻ
bói toán, buộc nút để nhớ..., tức là tạo ra một vật thể để dựa vào đó mà nói
suy nghĩ của mình, hay dựa vào đó mà nhớ cái gì đó (chẳng hạn nhớ những
ngày chồng đi săn). Các kích thích - phương tiện này xuất hiện đưa loài
người thoát khỏi thời kỳ mông muội, mở đầu thời kỳ văn minh. Từ lâu, R.
Tuốcvan đã nhận xét: "Nếu sự bắt đầu lịch sử loài người được lấy mốc từ khi
họ dùng lửa, thì ranh giới giữa hình thái thấp và hình thái cao trong tồn tại của
loài người phải là sự xuất hiện ngôn ngữ viết... Chính thắt nút để nhớ là hình
thức đầu tiên của ngôn ngữ viết. Hình thức này đã giữ một vai trò to lớn trong
lịch sử văn hoá và lịch sử chữ viết". Thời đại biết tạo ra kỹ thuật nhớ là thời
đại đầu của chữ viết. Cái nút đầu tiên mà con người thắt để nhớ đó chính là
sự ra đời của ngôn ngữ viết, mà không có ngôn ngữ viết thì chắc là không có
văn minh. Ở Pêru, người ta đã tìm thấy các văn bản viết bằng các mấu nút
thắt, và sau đó là có các biên niên viết bằng chữ Lêvi Brun, nhà dân tộc học
Pháp (nửa sau thế kỷ XIX), đã nhận thấy rằng người mông muội có trí nhớ tự
nhiên phát triển cực kỳ cao, đến mức ông có chiều hướng đánh giá người các
bộ tộc châu Phi mà ông nghiên cứu là họ có thể dùng hồi tưởng thay cho suy
nghĩ. Lúc đầu, ngôn ngữ viết chỉ là phương tiện ghi nhớ, sau trở thành
phương tiện giao lưu.

Trước khi xuất hiện con số, người ta dùng ngón tay để đếm và trước
nữa, người ta có thể tri giác trực tiếp số lượng; còn trước đó nữa thì tính chất
số lượng được coi như là một trong những tính chất của chất lượng.

Đếm bằng ngón tay khi ra đời là một thành tựu văn hoá quan trọng của
loài người đi từ số học thiên nhiên đến số học tự tạo, từ tri giác trực tiếp số
lượng sang đếm. Tương tự như vậy, trẻ đi từ phản ứng trực tiếp đối với kích
thích số lượng sang chỗ sáng tạo ra các kích thích hỗ trợ. Kích thích nhân tạo
do con người tự tạo ra (gọi là kích thích a hay b không có mối liên hệ trực tiếp
với một hoàn cảnh cụ thể, nhưng lại giúp con người thích nghi một cách tích
cực, và chính các kích thích này là một nét đặc biệt của các hình thái cao cấp
của hành vi. Chúng ta có thể sơ đồ hoá lại như sau:

(1) Các hình thái thấp của hành vi theo quy luật S -> R.

(2) Các hình thái cao của hành vi theo quy luật

a
S R
b

Từ (1) sang (2) quan hệ S và R đã thay đổi. Trong trường hợp (1) hành
vi hoàn toàn do R quy định, còn trong trường hợp (2) đã có quá trình tự kích
thích do chính chủ thể tự tạo ra (autostimulation). Và nếu tổng các R là ngoại
cảnh, thì tổng các (a) và các (b) tạo ra "hoàn cảnh tâm lý". Các kích thích tự
tạo được gọi là dấu hiệu (3HAK - tiếng Nga) với nghĩa rộng của từ này. Các
dấu hiệu là công cụ làm chủ hành vi, cả hành vi của bản thân lẫn hành vi của
người khác. Việc tạo ra và sử dụng các tín hiệu tự tạo gọi là các dấu hiệu làm
cho hoạt động của con người khác hoạt động của con vật. Vưgốtxki viết: "Dấu
hiệu hoá (signification) là hoạt động chủ yếu chung nhất của hai bán cầu đại
não ở cả người và động vật. Dấu hiệu hoá - tức tạo lập và sử dụng các tín
hiệu tự tạo, là hoạt động chung nhất của con người, trước hết đứng về mặt
tâm lý học người khác động vật là ở chỗ này".

Lâu nay, phương pháp S -> R được dùng để nghiên cứu mọi hình thái
hành vi, cả thấp lẫn cao, một cách đồng đều. Chúng ta thấy phương pháp này
không dùng để nghiên cứu các chức năng tâm lý cấp cao được, vì nó không
phát hiện ra bản chất của các chức năng này, không phát hiện ra cái đặc thù,
cái chất lượng riêng của chúng. Phương pháp văn hoá mới có thể phù hợp
với các chức năng tâm lý cấp cao. Mà toàn bộ trọng tâm của tâm lý học thực
nghiệm ngày nay là phải tập trung vào nghiên cứu các chức năng tâm lý cấp
cao, đây là điểm tựa để tâm lý học vượt qua được khủng hoảng.

Như chúng ta đều biết, Páplốp đã phát hiện ra các cơ sở chung nhất
của hoạt động thần kinh cao cấp của hai bán cầu đại não của cả người và
động vật. Nhưng, theo Vưgốtxki, đó mới chỉ là nghiên cứu các hiện tượng sơ
đẳng. Hoạt động thần kinh cấp cao ở người có các hiện tượng cao cấp. Cho
nên phải phân biệt phương pháp sinh lý học và phương pháp tâm lý học.
Phương pháp tâm lý học đi tìm đặc điểm chuyên biệt của hành vi người. Cái
chuyên biệt này không phải chỉ ở chỗ hoàn chỉnh về mặt số lượng của các
bán cầu đại não, mà trước hết phải đi tìm bản chất xã hội, trong đó có
phương thức thích nghi rất đặc thù ở người, khác hẳn với động vật. Và ở đây
ta thấy - như đã nói ở trên nguyên tắc tín hiệu là nguyên tắc chung cho người
và động vật, còn nguyên tắc dấu hiệu là của riêng người. Tất nhiên, hai
nguyên tắc đó có quan hệ mật thiết với nhau. Quá trình tín hiệu hoá tạo ra các
mối liên hệ có điều kiện là tiền đề sinh vật, là cơ sở của quá trình dấu hiệu
hoá. Tín hiệu hoá chỉ phản ánh, sao chép các mối liên hệ thiên nhiên mà thôi,
còn dấu hiệu hoá mới tạo ra khả năng con người tích cực thay đổi thế giới
đây là cơ sở toàn bộ lịch sử nhân loại, và đi liền theo đó là tích cực biển đổi
hành vi. Như thế là nguyên tắc dấu hiệu dẫn đến nguyên tắc điều khiển hành
vi. Con người từ bên ngoài tạo ra các mối liên hệ ở trong não theo nguyên tắc
tín hiệu (phản xạ) và nguyên tắc dấu hiệu, từ đó nó điều khiển bộ não của
mình và thông qua não điều khiển thân thể mình, hành vi của mình. Não có
khả năng phản ánh và tạo ra các mối liên hệ tạm thời song song với các mối
liên hệ thường xuyên, tạo ra các mối liên hệ giữa các kích thích thiên nhiên và
các kích thích do con người tự tạo. Từ đây, thông qua các kích thích tự tạo,
con người điều khiển hành vi của mình.

Vưgốtxki viết: "Cuộc sống mà xã hội tạo ra tất yếu phải buộc hành vi
của cá thể tuân thủ các yêu cầu của nó, và cùng với tình hình đó, cuộc sống
xã hội tạo ra các hệ thống tín hiệu hoá phức tạp - đó là các phương tiện liên
lạc định hướng và điều khiển việc hình thành các mối liên quan có điều kiện
trong não bộ của từng người. Tổ chức hoạt động thần kinh cấp cao tạo ra tiền
đề cần thiết cho khả năng điều chỉnh hành vi từ bên ngoài". Loại hình hành vi
đặc thù của con người đòi hỏi phải có nguyên tắc tương ứng để điều khiển
hành vi. Tác giả viết: "Chúng tôi tìm thấy nguyên tắc này trong quá trình xã hội
quy định hành vi bởi các dấu hiệu. Trong tất cả các hệ thống liên hệ xã hội,
ngôn ngữ có ý nghĩa trung tâm". Ở đây ta rõ thêm là nguyên tắc dấu hiệu ở
tầng bậc cao hơn và dựa trên cơ sở của nguyên tắc tín hiệu mà chúng ta đã
biết qua học thuyết hai hệ thống tín hiệu của Páplốp, trong đó có nói ngôn
ngữ là tín hiệu của tín hiệu. Vưgốtxki đã nâng nó lên thành nguyên tắc dấu
hiệu với ngôn ngữ giữ vị trí đặc biệt, mà trong tác phẩm này cùng với các tác
phẩm khác trong tập sách, chúng ta hiểu sâu thêm một cơ chế rất đặc thù của
hành vi người. Páplốp đã tìm ra bộ máy tạo nên các liên hệ tạm thời.
Vưgốtxki đã tìm ra chìa khoá mở bộ máy đó và cho phép, cùng với các mối
liên hệ được hình thành dưới tác động của các tác nhân tự nhiên (các phản
xạ có điều kiện), tạo ra quyền lực mới, tự tạo, tự điều khiển của con người đối
với lựa chọn các con đường khép thành các mối liên hệ. Cả bộ máy lẫn chìa
khoá liên kết lại dẫn đến khái niệm tự kích thích và làm chủ bản thân, nhờ tạo
lập các mối "liên hệ tâm lý" - mối "liên hệ kiểu mới" trong cùng một hệ thống
hành vi. Ở đây có sự chuyển hoá từ tác động xã hội bên ngoài nhân cách
(người này tác động vào người khác) sang tác động xã hội ở trong một nhân
cách.

Thế là vấn đề chuyển thành vấn đề nhân cách. Tâm lý cuối cùng phải
tập trung vào vấn đề này, vấn đề cơ bản. Phải nghiên cứu mối quan hệ giữa
nhân cách và hành vi. Chính các chức năng tâm lý cấp cao giúp ta hiểu mối
quan hệ đặc biệt đối với nhân cách. Ở đây phải nhấn mạnh một ý tưởng mới
về cấu trúc tâm lý của hành vi và nhân cách: cấu trúc tâm lý của chúng ta,
đứng về nguồn gốc sinh trưởng, là một cấu trúc nhiều lớp như Blônxki,
Phécne đã nêu lên. Vưgốtxki phát triển ý này, viết tiếp: "Trong hành vi của cá
thể có các pha phát triển đã được hình thành xong và đang ở thế tĩnh. Xét về
mặt sinh trưởng, nhân cách có nhiều bình diện, trong đó có các lớp hình
thành ở các thời kỳ khác nhau, và do đó nhân cách có cấu tạo cực kỳ phức
tạp, đồng thời có thể sử dụng nó như một chiếc thang sinh trưởng liên kết các
chức năng cấp cao của nhân cách với hành vi sơ khai trong phát triển cá thể
và phát triển loài thông qua một loạt các dạng thức trung gian. Chính phản
ứng của nhân cách là các hình thái văn hoá của hành vi

Tóm lại, bên cạnh nguyên tắc điều khiển hành vi theo cơ chế phản xạ
có điều kiện, ta có một nguyên tắc điều khiển mới quyết định hành vi xã hội
bằng các dấu hiệu. Trong hệ thống các mối liên hệ xã hội, ngôn ngữ là hệ
thống trung tâm. Con người có thể tạo ra bộ máy tín hiệu và hệ thống các
kích thích có điều kiện tự tạo - nhờ vậy con người tạo ra các mối liên hệ tự
tạo bất kì. Páplốp ví vỏ bán cầu đại não với chiếc bảng tín hiệu đồ sộ.
Vưgốtxki bổ sung: con người đã tìm ra chìa khoá để mở mã của cái bảng ấy,
trong chìa khoá đó có ngôn ngữ là tổ hợp không lồ các tín hiệu và dấu hiệu,
qua đó con người nắm được hoạt động của vỏ não và làm chủ được hành vi
của mình. Có thể gọi nguyên tắc mới này là nguyên tắc dùng hành vi từ ngoài
để làm chủ hành vi - đây chính là một bình diện mới trong phát triển lâm lý,
trong đó có cả xúc cảm trong dấu hiệu, trong phương tiện hành vi và quá trình
buộc hành vi theo ý chí của con người.

Các nhà phản xạ học xem quá trình người này dùng ngôn ngữ tác động
tới người kia chỉ như sơ đồ của các phản xạ có điều kiện, cũng chỉ dừng lại
sự hình thành các mối liên hệ một cách thụ động đối với các tín hiệu âm
thanh, nghĩa là thực hiện hành động theo tín hiệu âm thanh. Trong trường
hợp như thế, chúng ta chỉ mới có ngôn ngữ một nửa. Thực ra, hiểu ngôn ngữ
là sử dụng ngôn ngữ một cách tích cực. Đó là cách hiểu ngôn ngữ của các
chủ nô LaMã. Họ xếp công cụ, gia súc và nô lệ theo tiêu chuẩn công cụ ngôn
ngữ: (1) công cụ là một thứ chưa có ngôn ngữ, chưa có tâm hồn; (2) gia súc
là công cụ có ngôn ngữ một nửa và (3) nô lệ là công cụ nắm được ngôn ngữ.
Họ gọi nô lệ là gia súc đầu tiên.

Vưgốtxki viết: "Chúng ta nghiên cứu các phản ứng của nhân cách (tức
là nghiên cứu các dạng thức văn hoá của hành vi) không phải là chúng ta bàn
đến các quá trình riêng rẽ được lấy ra một cách trừu tượng và nhảy múa
trong nhân cách, mà là nghiên cứu nhân cách một cách chỉnh thể, và theo
cách nói của Crếchme (nhà nghiên cứu não học ở Đức - P.M.H.) là nghiên
cứu nhân cách cao cấp (chứ không phải các phản xạ sơ cấp). Theo dõi sự
phát triển văn hoá của các chức năng tâm lý, chúng ta phác hoạ được con
đường phát triển nhân cách trẻ em. Đó chính là phương hướng xây dựng nền
tâm lý học người. Toàn bộ các công trình nghiên cứu của chúng tôi là theo
động cơ này: nhân văn hoá tâm lý học". Khi nghiên cứu tâm lý học Vưgốtxki,
nhất là trong thời kỳ 1973 - 1977, chúng tôi rất chú ý tới tư tưởng đó của ông.
Phần nào ý tưởng đó này được thực hiện trong chương trình khoa học công
nghệ cấp nhà nước Con người - mục tiêu và động lực của sự phát triển kinh
tế - xã hội KX.07 đã được thực hiện trong kế hoạch 1991 - 1995 và được tiếp
tục thực hiện một phần trong chương trình KHXH- 04 về phát triển văn hoá,
xây dựng con người trong kế hoạch 1996 - 2000.

Tán thành với Pôlítdơ, nhà triết học mác-xít ở Pháp. Vưgốtxki nhấn
mạnh ý tưởng phải đưa con người vào vị trí trung tâm của tâm lý học: phải
thấy con người làm việc, chứ không phải các cơ bắp cử động, phải chuyển từ
bình diện tự nhiên sang bình diện con người, phải lấy các khái niệm nhân học
(humaine) thay cho các khái niệm không nhân học (inhumaine). Theo
Vưgốtxki, muốn thực hiện được sự chuyển dịch đó, phải tuân theo nguyên tắc
mới để điều chỉnh hành vi (nguyên tắc điều chỉnh hành vi mới) như đã trình
bày ở trên - đó là nguyên tắc dấu hiệu - thực hiện chức năng gián tiếp của
một vật thể như công cụ trong lao động, và dấu hiệu trong hoạt động thần
kinh tạo nên công cụ tâm lý để điều chỉnh hành vi.

Vì vậy nguyên tắc quyết định luận trong tâm lý học phải được nhân văn
hoá.

Phải đi từ tâm lý học không có con người đến tâm lý học của từng con
người, đi từ sự phát triển các phản ứng của nhân cách đến sự phát triển cả
nhân cách. Cần thấy rõ sự khác biệt của ba nguyên tắc điều chỉnh hành vi:

- Nguyên tắc phản xạ không điều kiện (tương tự như điện thoại trực
tiếp).

- Nguyên tắc phản xạ có điều kiện (điện thoại qua tổng đài "vỏ não!”),

- Nguyên tắc dấu hiệu (máy điện thoại cùng với hoạt động của điện
thoại viên - qua các dấu hiệu tự tạo).

Nói thêm một chút về nguyên tắc dấu hiệu: hiện tượng thắt nút để nhớ,
tức là dùng một vật thể bên ngoài để nhắc nhở mình, nói cách khác, đưa quá
trình nhớ ở trong đầu ra bên ngoài, chuyển thành một hoạt động bên ngoài,
Vưgốtxki viết: "Bản chất của trí nhớ ở con người chính là con người dùng các
dấu hiệu để nhớ một cách tích cực... Con người tự can thiệp vào các mối
quan hệ của mình với môi trường và thông qua môi trường tự biến đổi hành vi
của bản thân, buộc hành vi theo ý chí của mình". Ở đây, ta có một - tương
đồng giữa sáng chế và sử dụng công cụ lao động. Dấu hiệu được coi như
một công cụ - tức là dấu hiệu có chức năng công cụ. Công cụ lao động và
dấu hiệu đều là công cụ, và cũng có thể được coi là phương tiện kích thích.
Arixtốt, nhà triết học cổ đại, coi tay là công cụ của công cụ. Đuy, nhà triết học
thực dụng Mỹ, coi ngôn ngữ là công cụ của công cụ. Vunt, nhà tâm lý học
Đức, coi tiếng nói là công cụ tiện lợi nhất, là công cụ quan trọng nhất của tư
duy. Công cụ lao động là phương tiện lao động điều khiển các quá trình của
tự nhiên, còn ngữ ngôn là phương tiện giao lưu và liên hệ xã hội; cả hai đều ở
trong nội hàm của khái niệm tự thích nghi.

Giữa công cụ lao động và dấu hiệu có ba vấn đề đáng lưu ý:

1. Có sự tương đồng và có điểm giao nhau: cả hai đều thực hiện chức
năng đứng giữa (ví dụ giữa người lao động và đối tượng lao động) tạo nên
một hoạt động lấy việc sử dụng công cụ hay sử dụng dấu hiệu làm trung gian,
tuy chúng không ngang nghĩa và không ngang về chức năng.

Về hoạt động gián tiếp, Hêghen, nhà triết học Đức, lấy lý trí làm ví dụ,
ông viết: "Lý trí vừa tinh ranh, vừa mãnh liệt. Nó tinh ranh ở chỗ nó là một
hoạt động gián tiếp, tức là cho hai khách thể tác động lên nhau phù hợp với
bản tính của chúng, để trong tác động đó cả hai anh bị gầy mòn đi. Lý trí
không trực tiếp can thiệp vào quá trình đó, tuy vậy vẫn tập trung vào thực hiện
mục đích của nó". Như vậy thực chất của việc sử dụng tín hiệu là con người
tác động lên hành vi thông qua dấu hiệu, tức là thông qua các kích thích, cho
chúng hành động theo bản chất tâm lý của chúng.

2. Công cụ và dấu hiệu khác nhau ở phương hướng tác động của
chúng.

Công cụ Dấu hiệu

- Dẫn truyền tác động của con người - Phương tiện tác động tâm lý lên
lên khách thể hành vi của mình và của người khác

- Tạo ra biến đổi trong khách thể - Không tạo ra biến đổi của thao tác
tâm lí.

- Hướng ra ngoài - Hướng vào trong


- Phương tiện của hoạt động bên - Phương tiện của hoạt động bên
ngoài trong

- Đi đến chinh phục thiên nhiên - Đi đến điều khiển, chế ngự hành vi
con người

3. Công cụ và dấu hiệu có liên hệ với nhau cả trong nguồn gốc phát
sinh chủng loại lẫn nguồn gốc phát sinh cá thể. Chinh phục thiên nhiên và
điều khiển hành vi có liên hệ qua lại với nhau, tương tự như con người làm
thay đổi thiên nhiên, đồng thời thay đổi bản thân.

C. PHÂN TÍCH CÁC CHỨC NĂNG TÂM LÍ CẤP CAP


Bản thân thế nào là phân tích cũng là một vấn đề. Người ta có thể có
các khái niệm khác nhau về phân tích tâm lí như sau:

1. Phân tích tâm lý được coi là biện pháp cơ bản của tâm lý học mô tả,
vì vậy tâm lý học mô tả được gọi là tâm lý học phân tích. Quan niệm này gần
với phương pháp hiện tượng luận: tách tâm lý ra thành các yếu tố cấu thành,
ngược với tâm lý học giải thích.

2. Trong tâm lý học liên tưởng, phân tích là phân tích ra các nguyên tử -
các yếu tố, vì nó coi các quá trình tâm lý chỉ khác nhau về mặt số lượng, ngay
cả các quá trình tâm lý cấp cao cũng chỉ là tổng của các yếu tố đơn giản liên
tưởng lại. Ở đây không có các mối quan hệ nhân quả, cơ động.

3. Tâm lý học cấu trúc phản đối việc phân tích yếu tố, và đi vào phân
tích giảng giải, tức là dùng phân tích một cách chỉnh thể để phân tích cấu trúc.
Làm như vậy tuy có tránh được phương pháp nguyên tử luận, nhưng chưa
khắc phục được phương pháp mô tả.

4. Tâm lý học hành vi tuy thiên về phân tích giảng giải, nhưng vẫn giữ
nguyên phân tích kiểu nguyên tử luận.
Các kiểu phân tích vừa nêu, Vưgốtxki nhấn mạnh, đều có chung một
chỗ yếu là thiếu phân tích động, nặng về phân tích tĩnh, và hoàn toàn không
có sự phân tích nguồn gốc phát sinh hay nghiên cứu sự phát triển hành vi.
Thực chất đằng sau các kiểu phân tích là các cách hiểu khác nhau về các sự
kiện tâm lý. Tác giả viết tiếp: "Trong lý thuyết tâm lý học, sự thay đổi quan
niệm phân tích tuỳ thuộc vào phương pháp tiếp cận chung các vấn đề tâm lý
học. Có thay đổi phương pháp tiếp cận chung thì mới thay đổi được cách hiểu
về phân tích tâm lý".

Vưgốtxki đưa ra ba điều đáng lưu ý đối với phân tích tâm lý:

1. Cần phân biệt phân tích vật thể và phân tích quá trình: trước đây quá
trình tâm lý được coi như là một vật thể và một cấu tạo tâm lý được coi như là
một cái gì chắc, bền. Ngược lại, chúng ta phải nghiên cứu tâm lý như nghiên
cứu một quá trình, phải làm bộc lộ một cách cơ động các thành tố chính tạo
nên cả dòng lịch sử phát triển của quá trình đó. Vì vậy - phải dùng phương
pháp thực nghiệm: phát sinh - phương pháp tạo ra quá trình phát sinh phát
triển tâm lý một cách nhân tạo. Phương pháp này cũng có thể gọi là phương
pháp phân tích động lực, nghiên cứu phân tích quá trình là chính; phải rải sự
vật ra thành quá trình, tức là nắm lấy nó trong sự vận động của nó.

2. Phân tích là giải thích khoa học, chứ không phải là mô tả từ một hiện
tượng. Phân tích là làm bộc lộ ra các quan hệ và liên hệ nhân quả - cơ động
trong bản chất của các hiện tượng. Đó là sự phân tích khách quan, xem xét
cả về mặt phát sinh di truyền, cả về mặt phát sinh tự tạo. Ví dụ chỉ mô tả bề
ngoài thì ngôn ngữ của trẻ 1,5 - 2 tuổi đã giống ngôn ngữ của người lớn.
Ngôn ngữ tự kỷ trung tâm, đứng về phương diện bề ngoài, không giống ngôn
ngữ bên ngoài, nhưng về nguồn gốc phát sinh thì hai loại ngôn ngữ này lại
gần nhau.

3. Một số quá trình tâm lý là tự động hoá quá nên không cho phép ta
phân tích và hiểu được bản chất nội tại của chúng. Nhiệm vụ của chúng ta là
phải đưa chúng vào quá trình vận động để xem xét, nghiên cứu.
D. CẤU TRÚC CỦA CÁC CHỨC NĂNG TÂM LÍ CẤP CAO
Tâm lý học ghestan đã thấy là phải đưa cái chỉnh thể lên hàng đầu để
phân tích. Cái chỉnh thể có các thuộc tính riêng quy định các thuộc tính và
chức năng của các bộ phận hợp lại thành nó. Không thể từ tổng số đơn thuần
các bộ phận mà rút ra các thuộc tính của chỉnh thể.

Trong sự phát triển của trẻ ta thấy có các cấu trúc sơ đẳng là cái chỉnh
thể tâm lý tự nhiên, chủ yếu là do các đặc điểm sinh vật quy định. Đây là khởi
điểm. Dựa trên cơ sở các cấu trúc sơ đẳng này nảy sinh các cấu trúc cấp
cao. Đối với cấu trúc sơ đẳng, cả hoàn cảnh lẫn phản ứng về hoàn cảnh ăn
nhập với nhau, S và R ở trong cùng một bình diện và mang màu sắc xúc cảm
rất rõ rệt. Nhưng đó la điểm khởi đầu sau nó được cải tổ đi và chuyển thành
các cấu trúc cấp cao. Trong cấu trúc cấp cao đã có kích thích - phương tiện
làm khâu trung gian (sơ đồ minh hoạ dưới đây). Vưgốtxki viết: "Trong cấu trúc
cấp cao, dấu hiệu và phương thức sử dụng dấu hiệu là tiêu cự hay chỉnh thể
có chức năng chủ yếu trong toàn bộ quá trình phát triển". Vai trò chức năng
khác nhau của hai loại kích thích (A và B) và các mối liên hệ giữa chúng là cơ
sở của các mối quan hệ tạo nên chính quá trình đó.

C phuong tien kich thich

B
C
Phản ứng
khách thể kích thích
Hình a

Tách biệt hai cực của hai loại kích thích (là đặc trưng của cấu trúc cấp
cao) tạo ra một ý nghĩa mới cho toàn bộ thao tác này: đó là việc nắm chính
quá trình hành vi và các phản ứng của bản thân. Vưgốtxki viết: chính hai chức
năng này tác động lên hành vi lúc đầu do hai người (ví dụ do trẻ và mẹ nó),
phân công nhau làm, sau đó trong cấu trúc phức tạp của hành vi hai chức
năng đó tập hợp lại vào trong một chỉnh thể. Các hình thức hành vi mà
thường người lớn dùng đối với trẻ bây giờ được nó bắt đầu tự sử dụng cho
chính bản thân mình - đây chính là chìa khoá để hiểu sự kiện làm chủ bản
thân".

Côlơ gọi cấu trúc cao cấp là "cấu trúc đường cong": để đi đến mục tiêu
có khi phải đi đường vòng theo nghĩa đen (1), cũng có khi phải dùng công cụ
tránh đường vòng để đạt mục tiêu (2) và có khi lại dùng một dấu hiệu để đạt
mục tiêu. Cái thứ (3) mang tính chất đường vòng hướng vào trong, nắm lấy
phản ứng và hành vi của bản thân. Có đường vòng của các vật thể thật, có
đường vòng của các thao tác tâm lý. Trong "đường vòng tâm lý" đường vòng
tách các "phản ứng trí tuệ" ra thành một lớp đặc biệt, chứ không phải đơn
giản chỉ là các phản ứng phức tạp, thì đây là một tầng bậc phát triển mới.

Về vấn đề làm chủ bản thân và vấn đề ý chí, Lênin - nhà tâm lý học
Đức, đã chia ra thành hai hình thức hành vi: một loại chủ động được, một loại
không chủ động được. Loại hành vi thứ hai là tuỳ thuộc vào hoàn cảnh, tuân
theo quy luật tự nhiên. Tâm lý học duy linh cho rằng có một lực tâm lý nào đó
tác động lên não, rồi qua não lên cơ thể. Theo Vưgốtxki, toàn bộ vấn đề là ở
phương tiện nắm hành vi, ở vấn đề nắm kích thích; bao giờ có quá trình gián
tiếp thì lúc đó có khả năng làm chủ hành vi, tất cả là ở kích thích - dấu hiệu và
nhiệm vụ được đặt ra trước chủ thể; nó sẽ quy định cấu trúc của quá trình
hành vi là có ý chí hay không có ý chí. Tải bản FULL (193 trang): https://bit.ly/3trTXXw
Dự phòng: fb.com/TaiHo123doc.net
Qua ví dụ phát triển ngôn ngữ của trẻ, ta hiểu được hai loại cấu trúc: sơ
đẳng và cao cấp, mà ở đây được gọi là cấu trúc sơ đẳng và cấu trúc văn hoá
của ngôn ngữ ở trẻ. Từ đầu tiên của trẻ bằng cả một câu. Ví dụ, từ "mẹ" là cả
một câu "mẹ ơi, mẹ lại đây!". Nó là một cái gì chỉnh thể, chưa phân hoá, gắn
liền với hoàn cảnh và còn mang đậm màu sắc xúc cảm. Sau 3 tuổi, trẻ đã nói
được câu có đủ 3 - 4 từ và không còn phải liên hệ tác động lên sự vật, mà tác
Tải bản FULL (193 trang): https://bit.ly/3trTXXw
động lên hành vi người khác. Dự phòng: fb.com/TaiHo123doc.net
Bulơ, nhà tâm lý học Đức, chia sự phát triển hành vi ra làm ba bậc: (1)
bản năng, (2) kỹ xảo, (3) trí tuệ (trong bậc này có phân bậc của khỉ hình
người, phân bậc của trẻ em và phân bậc của người lớn). Vưgốtxki thêm một
bậc (4) nữa là bậc người - bậc sử dụng dấu hiệu. Các phái sinh vật phản đối
bậc (3), coi tất cả chỉ quy về phản ứng bẩm sinh và phản ứng tự tạo là đủ.
Phái tâm lý chủ quan thì không tán thành xếp trí tuệ khỉ vào cùng một bậc với
người và coi bậc (4) là ý chí.

Vưgốtxki tập trung mọi cố gắng để khắc phục dòng sinh vật hoá tâm lý
học, làm sao xây dựng cho được nền tâm lý học lịch sử người với tầng bậc
(4) vừa nói, thay đổi hẳn hình loại phát triển hành vi theo quy luật phủ định
của phủ định: bậc cao vừa loại trừ vừa chứa đựng tầng bậc thấp, đưa đến
loại hình lịch sử trong phát triển hành vi.

Trường phái trí tuệ luận trong tâm lý học trẻ em coi sự phát triển của từ
diễn ra theo loại hình các thao tác lô gích. Vưgốtxki không đồng ý như vậy.
Ông nhấn mạnh sự phát triển ở đây là phát triển chức năng của các biện
pháp, các phương tiện, mà các biện pháp văn hoá là một yếu tố cấu thành
không thể thiếu được của nhân cách; phát triển không đơn thuần là phát triển
các thao tác lôgích. Tải bản FULL (193 trang): https://bit.ly/3trTXXw
Dự phòng: fb.com/TaiHo123doc.net

E. NGUỒN GỐC CÁC CHỨC NĂNG TÂM LÍ CẤP CAO


Vưgốtxki khẳng định rằng đối tượng của tâm lý học là nguồn gốc và sự
phát triển các chức năng tâm lý cấp cao. Stanly Hôlơ, nhà tâm lý học Mĩ, cũng
khẳng định trong tâm lý học, sự phát triển phát sinh (nguồn gốc) quan trọng
hơn sự phát triển lôgích. Nói tới nguồn gốc, cũng có khi người ta thêm vào đó
sự phát sinh, phát triển hay là sinh trưởng tức là nói đến vấn đề từ đâu xuất
hiện cái này hay cái khác và nó sẽ đi đến đâu. Blônxki cũng đã nói: muốn hiểu
hành vi thì phải hiểu lịch sử hành vi.

Để có quan niệm đúng về phát sinh, phát triển, trước hết phải khắc
phục thuyết hình thái tiền định cho rằng cả một cơ thể hoàn chỉnh đã được
sắp xếp sẵn trong bào thai, trẻ em là người lớn thu nhỏ lại và sự phát triển
của trẻ chỉ là phát triển số lượng. Tương tự như vậy, phải khắc phục việc vận
dụng một cách máy móc thuyết tiến hoá vào tâm lý học, coi sự phát triển của
trẻ như là cây cỏ mọc ngày một cao, không có bước biến đổi nhảy vọt, cách
mạng. Tiến hoá và cách mạng quy định lẫn nhau. Nhảy vọt là một trong
những đỉnh điểm trên toàn tuyến đường phát triển của trẻ.

Thuyết hình thái nhân chủng coi hình thái cao và hình thái thấp của
cuộc sống đều theo một quy luật chung. Theo Vưgốtxki, các lý thuyết vừa nêu
đều không thấy mối quan hệ phức tạp luôn luôn phát triển giữa các hình thái
thấp và cao của cuộc sống. Ông cho rằng sự phát triển của não giống như sự
hình thành trái đất nó có tầng tầng lớp lớp, và cấu tạo hành vi người cũng
tương tự như vậy. Chẳng hạn lớp bản năng vừa mất đi vừa để lại dấu ấn
(theo quy luật phủ định của phủ định) trong lớp phản xạ có điều kiện; tương
tự như vậy đối với các chức năng của phần dưới não và các chức năng của
vỏ não (não mới), sau đó phản xạ có điều kiện cũng "có mặt" trong hành động
trí tuệ, vừa không cùng tồn tại lại vừa cùng tồn tại. Ở trong não có các trung
tâm thấp và trung tâm cao. Trong khi não hoạt động, các trung tâm cùng phối
hợp làm việc, không tách biệt nhau, theo hướng trung tâm cao ngày càng giữ
vai trò chính. Có thể nói rằng, cấu tạo tâm lý là một cấu tạo nhiều "tầng bậc
địa chất", nhiều lớp, nhiều bậc, nhiều pha. Blônxki trong Tiểu luận tâm lý học
nêu ra bốn tầng bậc hành vi người:

1. Cuộc sống ngủ, trạng thái hoang sơ của cuộc sống;

2. Trạng thái tình hoang sơ;

3. Trạng thái chưa tỉnh hẳn; 4105138

You might also like