You are on page 1of 3

ĐỀ 1:

Đóng vai ông Hai để kể về tâm trạng của ông khi nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc
A. MỞ BÀI
Là một người nông dân gắn bó sâu nặng với làng quê nên tôi vô cùng yêu quý và tự hào về cái
làng Chợ Dầu quê tôi. Có một việc xảy ra đã cho tôi hiểu tình yêu tôi dành cho làng sâu đậm đến
nhường nào. Đó là ở nơi tản cư tôi đột ngột nghe tin làng Chợ Dầu mà tôi vẫn tự hào là làng kháng
chiến đã Việt gian theo Tây phản bội Tỏi quốc.
B. THÂN BÀI
1. Hôm ấy, sau khi làm xong việc nhà, tôi đến phòng thông tin để nghe đọc báo. Tôi nghe được
bao nhiêu là tin hay về chiến thắng của quân ta. Ruột gan tôi cứ múa cả lên, vui quá! Rời phòng
thông tin, tôi ghé vào một quán nước, hút điếu thuốc lào, uống bát chè xanh. Bỗng tôi giật mình
nghe thấy một người đàn bà nói oang oang:
- Nó rút qua Bắc Ninh, về Chợ Dầu nó khủng bố ông ạ.
Nghe thấy hai tiếng “Chợ Dầu”, tôi quay lại lắp bắp hỏi:
- Nó ...nó vào làng Chợ Dầu hở bác? Thế ta giết được bao nhiêu thằng?
Người đàn bà cong môi lên đỏng đảnh:
- Cả làng chúng nó Việt gian theo Tây rồi, còn giết gì nữa.
Nghe người đàn bà nói thế, cổ họng tôi nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rân rân. Tôi lặng đi, tưởng
như không thở được. Một lúc sau tôi mởi hỏi lại, giọng lạc hẳn đi:
- Có thật thế không hở bác? Hay là chỉ lại...
Nhưng trước sự khẳng định chắc chắn của người đàn bà tản cư thì tôi không thể không tin.
Không còn mặt mũi nào ngồi đấy, tôi đứng dậy lảng ra chỗ khác rồi đi thẳng. Tôi cúi gằm mặt
xuống mà đi vì đau đớn, xấu hổ, nhục nhã. Bên tai tôi cứ văng vẳng tiếng người đàn bà tản cư chửi
bọn Việt gian bán nước.
2. Về đến nhà, tôi nằm vật ra giường. Nhìn lũ con, nước mắt tôi cứ trào ra. Tôi thương con vì
chúng nó là trẻ con làng Việt gian, chúng nó sẽ bị người ta hắt hủi. Tôi nắm chặt hai tay lại mà rít
lên:
- Chúng bay ăn miếng cơm hay miếng gì vào mồm mà đi làm cái giống Việt gian bán nước để nhục
nhã thế này.
Tôi bỗng ngờ ngợ lời mình nói không được đúng lắm. Tôi kiểm điểm lại từng người trong óc và
thấy ai cũng có tinh thần cả. Nhưng rồi tôi lại phân vân. Không có lửa làm sao có khói? Ai người ta
bịa tạc ra những chuyện ấy làm gì? Nghĩ thế tôi càng thấy nhục nhã, xấu hổ. Tôi lại càng lo sợ hơn
khi nghĩ đến việc không ai làm ăn buôn bán với người làng Việt gian.
3. Những ngày sau đó, tôi không dám bước chân ra bên ngoài, chỉ quanh quẩn ở góc nhà. Một
đám đông xúm lại tôi cũng để ý, dăm bảy tiếng cười nói xa xa tôi cũng chột dạ. Lúc nào tôi cũng
nơm nớp tưởng như người ta đang bàn tán đến chuyện làng tôi theo giặc.
Rồi lại có tin đồn ở nơi tản cư người ta sẽ đuổi hết người làng Chợ Dầu. Từ lúc ấy, bao nhiêu ý
nghĩ đen tối cứ rối bời trong lòng tôi. Gia đình tôi biết đi đâu bây giờ? Tôi định quay về làng nhưng
vừa nghĩ đến điều ấy tôi đã gạt phắt đi. Tôi hiểu rằng về làng tức là bỏ kháng chiến, bỏ Cụ Hồ. Với
tôi, làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù.
4.Trong tâm trạng bế tắc, tôi đã tâm sự với thằng con út cho vơi bớt nỗi niềm. Tôi hỏi con
“Nhà con ở đâu ?” là muốn con phải ghi lòng tạc dạ rằng “Nhà ta ở làng Chợ Dầu”. Tôi mong con
luôn nhớ rằng dù thế nào thì làng Chợ Dầu cũng vẫn là quê hương bản quán của mình. Tôi ôm khít
con vào lòng và hỏi:
- Thế con ủng hộ ai?
Thằng bé dõng dạc nói:
- Ủng hộ Cụ Hồ Chí Minh muôn năm!
Tôi đã nghẹ ngào nói trong nước mắt:
- Ừ đúng rồi! Ủng hộ Cụ Hồ con nhỉ!
Trong đau đớn tưởng chừng đến bế tắc, tôi vẫn giữ vững lòng yêu làng, vẫn tin tưởng tuyệt đối
vào Cách mạng và kháng chiến.
C.KẾT BÀI
Qua sự việc này tôi đã nhận thức được sâu sắc rằng tình yêu làng quê là tình cảm thiêng liêng
trong trái tim mỗi con người. Nhưng tình yêu làng phải gắn liền với lòng yêu nước và tinh thần
kháng chiến thì mới trở thành tình cảm cao đẹp.
ĐỀ 2:
ĐÓNG VAI NGƯỜI LÍNH TRONG BÀI THƠ “ĐỒNG CHÍ” ĐỂ KỂ VỀ TÌNH ĐỒNG
CHÍ ĐỒNG ĐỘI
A.MỞ BÀI
Chiến tranh đã qua đi nhưng kỉ niệm về những năm tháng quân ngũ vẫn vẹn nguyên trong kí ức
tôi. Trong những năm tháng gian khổ mà hào hùng ấy, điểm tựa tinh thần vững chắc của những
người lính chúng tôi chính là tình đồng chí đồng đội.
B.THÂN BÀI
Tôi sinh ra ở một làng quê nghèo vùng đồi núi trung du. Ở cái nơi đất chỉ cày lên toàn sỏi đá ấy,
cuộc sống của những người nông dân chúng tôi tuy nghèo khổ nhưng bình yên dưới những nếp nhà
tranh. Rồi kháng chiến chống Pháp bùng nổ, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, tôi cùng bao trai
tráng trong làng lên đường ra lính. Hành trang của những người lính nông dân chúng tôi chẳng có gì
ngoài lòng yêu nước nồng nàn cháy bỏng.
Đơn vị chúng tôi phần lớn là những người nông dân mặc áo lính. Trong thời gian tham gia chiến
dịch Việt Bắc tôi đã gắn bó thân thiết với một người đồng đội tên Nam. Quê anh ở Hà Nam, vùng
chiêm trũng nước mặn đồng chua. Cùng cảnh nông dân nghèo nên chúng tôi dễ thân nhau. Cuộc
sống thật kì diệu, tôi với anh từ những con người xa lạ, chẳng hẹn mà quen nhau. Chính tình yêu Tổ
quốc lớn lao, sự đồng lòng, đồng chí hướng đánh giặc đã gắn kết chúng tôi trong cùng một chiến
hào chống Pháp. Rồi từ những đêm đồng rét mướt nơi chiến trường Việt Bắc, sẻ chia với nhau tấm
chăn ấm áp mà chúng tôi đã trở thành tri kỉ của nhau.
Chúng tôi thường tâm sự với nhau về gia đình, quê hương và cả những ước mơ khi giải ngũ. Nam
cũng như tôi đã để lại sau lưng ruộng nương, gian nhà, giếng nước, gốc đa , đó là tất cả những gì
gần gũi, thân thiết nhất với người nông dân chúng tôi. Khi ra lính, chúng tôi đều hi vọng sẽ có ngày
trở về để tiếp tục cấy cày trên mảnh ruộng xưa. Hi vọng này không chỉ của tôi, của Nam mà còn là
của tất cả những người lính nông dân. Mặc dù Nam không nói ra nhưng tôi hiểu trong lòng người
đồng chí luôn thường trực nỗi nhớ gia đình, quê hương. Tôi biết bạn cũng như tôi thường mơ về
thửa ruộng mới cày, về những buổi hẹn hò bên gốc đa đầu làng, về những nếp nhà bình dị ẩn mình
sau lũy tre xanh. Chính nỗi nhớ ấy đã giúp những người lính chúng tôi thêm vững vàng tay súng nơi
chiến trường.
Những ngưòi lính chúng tôi đã đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi nơi chiến trường ác liệt.
Chiến đấu nơi rừng thiêng nước độc, ám ảnh nhất với những người lính chống Pháp chúng tôi chính
là những cơn sốt rét rừng. Tôi và Nam đã trải qua những cơn sốt đến run người khiến vầng trán ướt
mồ hôi. Trong cơn sốt mê man, tôi vẫn cảm nhận được bàn tay ấm áp của người đồng chí đang nắm
chật lấy tay tôi và cả ánh mắt đầy lo lắng, thương cảm của bạn. Cuộc đời người lính dù ốm đau,
bệnh tật, dù áo rách, quần vá, chân không giày song chúng tôi vẫn nở nụ cười lạc quan trong mọi
hoàn cảnh. Bởi chúng tôi tin rằng một ngày không xa, đất nước sẽ hòa bình, chúng tôi sẽ được trở
về nhà.
Những đêm cùng đồng đội phục kích chờ giặc nơi rừng hoang biên giới đã cho tôi cảm nhận
được sự thiêng liêng của tình đồng chí. Tôi và Nam đứng cạnh bên nhau, khẩu súng trên tay, đạn đã
lên nòng, ngón tay đặt vào cò súng. Dù thời tiết khắc nghiệt, sương muối giá lạnh song chúng tôi
vẫn thấy ấm áp vì có người đồng chí kề vai sát cánh trong chiến đấu. Đêm khuya, vầng trăng trên
cao như treo trên đầu ngọn súng. Tôi nhìn vầng trăng rực sáng và mơ về một ngày mai thanh bình
và tôi biết ngưòi đồng chí bên cạnh cũng mơ ước như tôi.
C.KẾT BÀI
Rồi ngày đất nước hòa bình cũng đã đến. Tôi chia tay Nam trở về quê hương. Cuộc chiến đã lùi
xa nhưng những năm tháng hào hùng ấy mãi khắc ghi trong tâm khảm tôi. Trong những năm tháng
ấy, chính nhờ tình đồng chí đồng đội mà cuộc đời người lính chúng tôi đã trở thành bài ca không
bao giờ quên.

You might also like