You are on page 1of 16

Đóng vai người lính kể lại bài Đồng chí

Chiến tranh đã đi qua và cuộc sống hôm nay là cuộc sống yên vui, hạnh phúc. Ngồi
trong căn nhà nhỏ, trong không khí yên bình của đất nước, tôi ngước nhìn ánh trăng
rằm đang sáng rực giữa bầu trời đêm quanh những vì sao lấp lánh. Ánh trăng thơ
mông gợi nhắc trong tâm tưởng tôi về những kỉ niệm cùng đồng đội tham gia chiến đấu
trong chiến dịch Việt Bắc năm xưa. Đó là những đêm trăng dài cùng người đồng đội
vượt lên mọi gian khổ nơi chiến trường để thực hiện lí tưởng Cách mạng cao đẹp và là
kết tinh của tình đồng chí thiết tha.
Anh và tôi, hai con người xa lạ gặp nhau trong chiến khu. Khi ấy chúng tôi đều là là
những thanh niên trẻ, vô tư và tràn đầy nhiệt huyết để chiến đấu vì ngày mai tươi sáng
của dân tộc. Nếu quê hương anh “nước mặn đồng chua” thì làng tôi cũng nghèo “đất
cày lên sỏi đá”. Chúng tôi đều xuất thân từ những vùng quê nghèo khó, cuộc sống của
chúng tôi nghèo nàn đủ đường. TUy cái nghèo đớn đau nhưng nó cũng là điều khằng
định được sự chân chất trong tôi, những con người của miền quê nông thôn nồng
hậu ,ấm áp.
Từ hai con người hoàn toàn xa lạ, hai chúng tôi đã gặp nhau và trở nên thân thiết trong
chiến trường bom đạn này. Và có thể nói, hoàn cảnh khắc nghiệt ấy đã vun đắp tình
cảm giữa tôi với anh. Như bao người lính khác, lí tưởng, nhiệm vụ của chúng tôi
là“Súng bên súng, đầu kề sát đầu”. Nhớ lại những đêm cùng đắp chung chăn dưới nền
trời lạnh cóng, để cùng nhau chống chọi cái lạnh và giữ cho mình niềm tin đẹp tôi vô
cùng xúc động. Tình tri kỉ giữa anh và tôi-tình đồng chí giản dị mà thanh cao đã hình
thành như thế đó.
Hai chúng tôi đều phải rời khỏi quê hương để tham gia chiến đấu. Và dẫu dù có xuất
thân khác nhau, đến từ miền đất v ới đặc trưng riêng nhưng có lẽ giấc mơ về ngày đất
nước độc lập, giấc mơ và mong ước cống hiến ấy đã thôi thúc conn gười chúng tôi.
Những đêm cạnh nhau, anh kể tôi nghe chuyện về quê hương anh trong niềm nhung
nhớ khôn nguôi. Nghe anh tâm sự về cảnh nhà với bao nỗi vất vả tôi thấy vô cùng
thương anh. Ruộng nương anh gửi cả cho bạn thân mình cày hộ, còn căn nhà đành
phải bỏ mặc cho gió to tàn phá. Câu chuyện riêng tư, anh chia sẻ cho tôi thể hiện được
tình cảm gắn bó và sẻ chia bên nhau. Anh tin tưởng và cùng tôi tâm sự để ít nhất trong
ngày đông lạnh giá nơi chiến trường thi chúng tôi càng thêm gắn bó, yêu thương.
Ở rừng có đại dịch sốt rét làm các chiến hữu của tôi chết rất nhiều. Anh với tôi biết từng
cơn ớn lạnh, rét run cả người, toàn thân thể ướt ngập mồ hôi. CHúng tôi sợ, sợ căn
bệnh ấy như ác quỷ nhưng cũng chỉ dám hi vọng vào ngày mai tốt đẹp, tươi sáng hơn.
Áo anh rách vai, quần tôi có vài mảnh vá- thiếu thốn ấy đủ đường. Hai người bạn bên
nhau cùng tương trợ cho nhau vượt qua khó khăn. ,Dẫu mệt mỏi, dẫu khổ sở nhưng
miệng vẫn cười, cười trong cái lạnh cóng để động viên an ủi nhau.
Những đêm rừng hoang sương muối, anh và tôi đứng canh gác cạnh bên nhau “chờ”
giặc tới. Nhiệm vụ hàng đầu của chúng tôi là chiến đấu và tình đồng chí của chúng tôi
đã sưởi ấm lòng giữa cảnh rừng hoang lạnh giá. Nhưng đêm lạnh không chỉ có chúng
tôi mà còn một người bạn nữa là vầng trăng tri kỉ. Súng và trăng tuy gần mà xa, hài
hòa, đan cài vào nhau tạo nên cảnh đẹp giữa đêm.
Đất nước bây giờ đã độc lập, bình yên và tôi càng thêm hiểu, thêm trân trọng những
ngày tháng sống trong gian khổ. Nhớ về khoảng thời gian còn chiến đấu, nhớ về anh-
người bạn tri kỉ của năm xưa. TÌnh cảm đồng chí thiêng liêng, cao cả ấy tôi vô cùng
trân trọng.
Tưởng tượng gặp gỡ và trò chuyện với người lính trong bài thơ
Đồng chí của Chính Hữu.
Chiến tranh luôn là nỗi đau đau đáu trong lòng mỗi người. Nhưng có lẽ đau đớn và xót xa khôn
nguôi hơn cả là những con người đã oằn mình trong cuộc chiến ấy vì bảo vệ biên cương. Hôm
nay, nhân ngày Quân đội nhân dân Việt Nam, trường tôi có mời một bác cựu chiến binh đã tham
gia chiến trường chống Pháp năm xưa. Trò chuyện, tâm sự với bác sau buổi lễ kết thúc tôi mới
có dịp được hiểu rõ và biết được bác chính là anh lính năm xưa được nhà thơ Chính Hữu khắc
họa qua bài thơ Đồng chí.

Biết rằng hôm nay sẽ có một cựu chiến binh đến thăm trường nhân ngày Quân đội nhân dân Việt
Nam nên tôi vô cùng háo hức. Tôi ấn tượng khi nhìn thấy bác bởi vẻ ngoài thật đặc biệt. Chân
dung bá là chân dung người lính đứng tuổi vô cùng uy nghi trong bộ quân trang màu xanh cùng
rất nhiều quân hàm. Đó có lẽ là niềm kiêu hãnh và tự hào khôn cùng ở bác.

Dáng đi của bác có phần chậm chạp hơn bởi tuổi tác. Nhìn mái tóc bạc trắng, những vết chân
chim nơi khóe mắt bác giúp tôi nhận ra dấu hiệu thời gian. Để ý kĩ tôi thấy cánh tay hoạt động
không được linh hoạt mà có phần chậm hơn bình thường. Tôi chợt hiểu ra đó có lẽ là vết thương
chiến tranh đã để lại. Bác vô cùng xúc động khi bài hát Quốc ca vang lên và khi nghe về truyền
thống lịch sử của dân tộc. Tôi còn chú ý hơn cả đến ánh mắt, sự chú tâm nhìn xuống các bạn học
sinh phía dưới dõi theo từng hoạt động của chúng em.

Cuộc gặp gỡ, nói chuyện với bác diễn ra dù chỉ ít phút nhưng khiến tôi xúc động khôn nguôi.
Tôi may mắn là người đại diện cho toàn khối để lắng nghe câu chuyện của bác khi buổi lễ kết
thúc. Bác hiền hậu, ân cần qua từng cử chỉ, hành động. Và tôi còn thêm bất ngờ khi biết bác
chính là người lính trong bài Đồng chí của Chính Hữu.

Hòa bình đất nước được lặp lại, bác là người may mắn trong số những người lính được trở về
quê hương, sau những ngày kháng chiến gian lao, đứng giữa sự sống và cái chết. Đến bây giờ
được sống trong hòa bình, độc lập, trong lòng bác vẫn luôn khao khát được một lần về thăm quê
của bạn, quê người đồng chí năm xưa.

Bác là anh cả trong một gia đình có sáu anh em, cha mẹ bác là những người nông dân vất vả,
bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, sống trên một vùng quê khó khăn “đất cày lên sỏi đá”, bác
luôn mong muốn quê mình giàu có, đẹp hơn nữa. Cuộc kháng chiến vừa bắt đầu, bác đã xin nhập
ngũ. Rời quê hương lên đường, bác thấy thật hạnh phúc và cần cố gắng biết bao.

Vào quân đội bác được cử lên Việt Bắc – nơi chiến trường khốc liệt nhất của chiến tranh. Ngày
ra quân, hành quân trên đường đi đến Việt Bắc bác mới thấy hết được sự cực nhọc, vất vả của
những người lính cụ Hồ.

Đến nơi, những người lính đi trước bác vài hôm đã nghĩ sẵn ở đó. Nổi bật trong số đó, người
có thiện cảm với bác từ lần đầu tiên là một anh lính trạc bằng tuổi tôi bây giờ, dáng người cao
cao, trông thật nhanh nhẹn. Như một phản xạ, bác nhanh chóng đến bắt chuyện với anh.
Anh ấy có vẻ hơn ngại ngùng, chỉ cười gượng. Như đã được định sẵn, hai bác cùng chung
một tiểu đội mang tên BK107. Đêm về bác không sao ngủ được bởi nôn nao muốn kết bạn với
anh lính trẻ chung chí hướng như mình. Bác lại gần anh, thủ thỉ về chí hướng, về khát khao đuổi
hết giặc ra khỏi quê hương, về tự tin có thể đánh bại bọn chúng. Người con trai ấy hơi sững sờ,
chắc là tại vì bác quá tự tin.

Câu chuyện dần cởi mở và tự nhiên hơn. Mình ở Nam Định, vùng “nước mặn đồng chua”,
khổ lắm! Con người chân lấm tay bùn. Vậy là từ hai người xa lại hai bác đã trò chuyện và quen
nhau, ngày cùng nhau làm nhiệm vụ, tối đắp chung chăn. Đứng cạnh bên nhau, nhìn về phía xa
xa, bác và người lính ấy mong sao hòa bình được lặp lại, chiến tranh kết thúc. Nếu không có
chiến tranh thì chắc chắn sẽ không có những giọt máu rơi xuống, sẽ không có những giọt nước
mắt rơi xuống, tiếng khóc chờ chồng, chờ cha.

Bác kể về xuất thân của bác và đồng đội đều là người lính nông dân nghèo khó. Đồng đội cùng
chung nhau lý tưởng, đồng đội cùng sống trong hoàn cảnh gian khó và đồng hành vượt lên khắc
nghiệt với căn bệnh sốt rét, với áo rách, quần vá...Các bác đã động viên nhau vượt qua khó khăn
và trở thành tri kỉ, là người bạn thân thiết gắn bó với trăng, với không khí chiến trường khắc
nghiệt. Tôi chỉ biết điều ấy qua trang thơ, nay qua lời kể của bác em thêm bồi hồi, xúc động khôn
nguôi.

Cuộc gặp gỡ lần đầu của hai bác tuyệt biết bao! Ngày hôm nay gặp thế hệ chúng tôi hôm nay,
là tương lai đất nước, bác kể lại những kỉ niệm xưa. Sao ngày ấy dù sống trong hoàn cảnh khắc
nghiệt của chiến tranh mà hai bác vẫn luôn nở nụ cười trên môi, vẫn lạc quan yêu đời.

Bác nhìn tôi với niềm tin tưởng, hy vọng cũng như niềm tin vào thế hệ trẻ tương lai của đất
nước. Giọng bác dịu hiền yêu thương: Các cháu hãy cố gắng nối tiếp truyền thống cha anh. Bác
và cả dân tộc đều trông chờ vào thanh niên sức dài vai rộng. Người lính đồng chí năm xưa nay
vẫn ở đây như một chứng nhân lịch sử để nhắc nhở tất cả chúng tôi bằng tình yêu thương lớn
lao.

Cuộc trò chuyện với Bác kết thúc giúp tôi hiểu ra nhiều điều. Chiến tranh khắc nghiệt gian khổ
nhưng cũng làm sáng rõ và nổi bật vẻ đẹp của anh lính bộ đội cụ Hồ dẫu mấy chục năm qua thì
vẻ đẹp, khí thế ấy sống mãi.

Hóa thân người lính kể lại bài thơ Tiểu đội xe không kính
Ngồi trên chiếc ghế đá mát lạnh tôi ngước nhìn khung trời màu xanh biếc, vô tận mà tôi
nhớ đến ngày xưa. Những ngày tháng tôi cùng đồng đội ở chiến khu, trên chiếc xe
không kính quen thuộc. Tôi hớp một ngụm nước chè xanh quen thuộc, rồi xoay đầu
qua nhìn ông bạn Tâm cũng đang chăm chú nhìn phương xa. Tôi bảo: “ Mới đây nhanh
quá ông nhỉ, thoắt đã hơn chục năm rồi.”, ông ấy mỉm cười nói: “Ừ, đúng thế". Và cả hai
cùng ngồi thẫn ra, đều mang vẻ vui buồn lẫn lộn…
Nhớ những tháng ngày năm 46, thực dân Pháp lại một lần nữa xâm chiếm đất nước,
cùng với một quy mô hùng hậu và nhiều loạt vũ khí tối tân thời bấy giờ. Lúc ấy tôi chỉ
vừa tròn hai mươi tuổi nhưng vì độc lập đất nước, tôi đã gia nhập đội ngũ bằng cả trái
tim của mình dù biết phải xa gia đình để đến chiến khu. Tuy ở chiến khu rất gian nan và
khó khăn nhưng ở đấy tôi không hề cô đơn. Vì tôi đã có thêm rất nhiều người anh em,
có cùng chí hướng với tôi là giành lại tự do cho đất nước, cho nhân dân và tôi gọi họ là
những “đồng chí”. Trong đó có ông bạn vẫn luôn gắn bó với tôi đến bây giờ.
Lúc đầu tôi chưa quen lắm, nhưng dần dần chúng tôi trở nên thân thiết nhiều hơn như
bằng hữu lâu năm. Mỗi tối bọn chúng thường ngồi tụ lại với nhau rồi kể chuyện của
mình cho những người còn lại nghe. Bỗng có một anh lớn hơn tôi tầm hai, ba tuổi hỏi:
“Quê chú ở đâu ra sao?” tôi trả lời: “ Em ở một ngôi làng nghèo đất cày lên sỏi đá luôn
đó anh.” Nói đến đây tôi chợt nhớ đến ba mẹ chốn quê nhà, không biết mẹ có còn đau
chân hay không, ba có đỡ bệnh chưa. Rồi anh ấy lại nói: “ Quê hương anh cũng nghèo
lắm, nước thì mặn, đồng thì chua. Khổ lắm chú ạ, lúa nó cứ chết hoài.”. Mọi người say
sưa ngồi cười cười, nói nói suốt đêm mà không ai hay biết gì hết, cho đến tận trời tờ
mờ sáng.
Tôi nhớ những ngày còn ở chiến khu, túp lều của chúng tôi được dựng ở những cánh
rừng núi hoang vu nên đêm xuống sương ẩm che phủ khắp mọi nơi. Chúng tôi đã cố
gắng san sẻ chăn cho nhau để giữ ấm rồi trở thành những đôi tri kỷ. Nhưng cho dù
chúng tôi có chăn đi nữa thì nó vẫn không đủ ấm và có một số người bị bệnh rất nặng.
Vì là rừng nên muỗi cũng nhiều đặc biệt là loại muỗi truyền bệnh sốt rét. Bộ đội đã bỏ
xác không ít người chỉ do loại bệnh chết người này, đội ngũ dần ít đi. Điều đó khiến
những người còn lại trong đó có tôi vô cùng hoảng loạn nếu tình hình này vẫn cứ tiếp
tục…
Nhưng chúng tôi, những người yêu quê hương, tổ quốc sẽ không bao giờ gục ngã bởi
bất kỳ trở ngại nào. Vì nền độc lập đất nước, không chỉ riêng tôi mà tất cả mọi người đã
bỏ qua sự ích kỷ của riêng mình, nỗi sợ hãi cá nhân để xung phong lên đường cứu
nước. Nhưng chắc chắn trong lòng mỗi người nhớ luôn đến người thân ơi quê nhà, lo
lắng nhà cửa bây giờ có bình yên hay không. Tất cả chúng tôi bỏ lại sau lưng những
nỗi nhớ da diết vì đại cuộc, cho dù phải hy sinh.
Trên con đường hành quân, mọi người chúng tôi phải leo lên từng con dốc, băng qua
từng dòng suối siết chảy. Chúng tôi cứ đi mãi, đi mãi, từ ngày này qua ngày kia không
kể bao nhiêu khó khăn, gian khổ. Mặc cho thời tiết có như thế nào, dù nắng hay mưa,
chúng tôi vẫn luôn vượt qua. Đi đến nỗi quần áo của mọi người cũng bạc màu và rách
đi vài chỗ. Không chỉ thế, chân chúng tôi cũng đã chai sần vì đi quá nhiều vả lại chúng
tôi chẳng có một đôi giày chắc chắn để mang. Tuy thế chúng tôi không màng đến. Đôi
lúc khí trời rét lạnh nhưng bên trong chúng tôi vẫn hừng hực lửa, quyết tâm chống chọi
lại với sự ghẻ lạnh của thiên nhiên và mỉm cười cùng đồng đội, cùng nắm tay đi qua hết
đoạn đường đầy chông gai này.
Ban đêm, khu rừng ngập tràn sương muối lạnh buốt cả hai tay. Xung quanh tối mù mịt,
những tán cây cũng trở nên tối đen, chỉ còn ánh trăng óng ánh màu bạc tỏa chiếu khắp
nơi. Chúng tôi núp dưới bụi cây to, vai vác trên mình những cây súng thô sơ chờ địch
đến rồi chớp lấy thời cơ mà xông lên. Đó là một trận quyết liệt giữa quân dân Việt Nam
và bọn thực dân hung ác.
Giờ đây chiến tranh đã kết thúc, chúng tôi cũng đã lớn tuổi nhưng kỷ niệm thời niên
thiếu về những lần xông pha trên chiến trường sẽ không bao giờ xóa nhòa trong lòng
tôi, cũng như mọi người. Những kỷ niệm chúng tôi ngồi kể chuyện, ca hát với nhau về
niềm tin chiến thắng của đất nước. Tất cả như một câu chuyện mà tôi không bao giờ kể
hết được nhưng nó sẽ chẳng bao giờ có thể mất được.

Kể lại cuộc gặp gỡ của em với người lính lái xe trong bài
bài thơ Tiểu đội xe không kính
Nhân dịp kỉ niệm ngày thành lập quân đội nhân dân và quốc phòng toàn dân, ngày 22
tháng 12, trường chúng tôi đã mời một đoàn khách đặc biệt đến thăm, đó là đoàn cựu
chiến binh về thăm và trò chuyện với chúng tôi. Các chú lần lượt giới thiệu về mình,
hoàn cảnh công tác và những thành tích mình đạt được. Lớp tôi vinh dự được chọn là
lớp sẽ tiếp đãi và được nói chuyện với các chú. Sau đó, trường dẫn đoàn vào một
phòng rộng, từng em xếp chỗ ngồi với các chú, tôi được nói chuyện cùng chú Hoà,
người lính đã lái những chiếc xe không kính khiến tôi hết sức tò mò. Cuộc nói chuyện
đã đem đến cho tôi nhiều trải nghiệm thú vị.
Dù năm tháng qua đi lâu, nhưng chính những năm gian khó đã rèn luyện cho chú sức
khoẻ, vóc dáng săn chắc, có một vẻ gì đấy kiên cường, mạnh mẽ.
Tôi hỏi chú: "Những năm tháng lái xe trong điều kiện hoàn cảnh như vậy, chú làm cách
nào để vượt qua được ạ?”
Chú chia sẻ: “Cháu biết không, làm người lính lái xe tuy không dễ dàng, bọn chú phải
luôn giữ vững tư thế ung dung, tự tại của người lính. Đã ngồi trong buồng lái là con mắt
phải luôn nhìn thẳng bao quát mọi hướng không gian để tránh máy bay, tránh hố bom
của đoàn xe ta tiến lên phía trước.”
Em hiểu được mặc dù thiếu đi những vật chất, điều kiện cần thiết nhưng dường như
những người lính như chú Hoà lại càng thêm toát ra vẻ đẹp hiên ngang , dũng cảm của
mình.
Chú nói: "Trên tuyến đường Trường Sơn giặc Mĩ đánh phá vô cùng ác liệt; bom Mĩ cày
xới đất đai, phá hỏng những con đường, đốt cháy những cánh rừng, phá huỷ biết bao
nhiêu những rừng cây là lá chắn của ta. Nhưng không vì "bom rơi đạn lạc" như vậy mà
các chú lùi ý chí, các đoàn xe tải ngày đêm nối đuôi nhau ra tiền tuyến, những cô thanh
niên xung phong, các bạn trên cùng tuyến đường sát vai đầy ý chí bên nhau, họ dẫn
đường cho nhau, các chú còn phải đi trong bóng để không ngừng tiến về phía trước
trong màn đêm sâu thẳm của rừng hoang. Ban ngày mịt mùng, hoang dại, mĩ ném bom
như ném rác, đến ban đêm hòng tiêu diệt quân ta, chúng cũng thả bom hòng phá
đường đi. phá vỡ chiếc cầu nối Bắc - Nam. Nhưng bọn chú chưa bao giờ lùi bước dù
có phải hi sinh, đoàn xe dù không có kính vì bị "bom giật bom rung kính vỡ đi rồi"
nhưng vẫn cứ băng băng chạy về phía trước, nghĩ đến cũng hiểm, chẳng hiểu sao lúc
ấy, lại mạnh mẽ, dạn dày thế. Bom đạn trải xuống hàng loạt khiến nào là kính, nào là
đèn vỡ, nào là thùng xe xước... Không có đèn vượt qua dãy Trường Sơn đầy nguy
hiểm như thế, các chú dùng lửa trái tim để thắp sáng con đường tăm tối vượt hiểm
nguy”.
Câu chuyện của chú đầy thu hút tôi, thích nhất là lúc chú đùa rằng xe không có kính, lại
chạy nhanh với người lính lái xe còn thấy con đường trước mắt như chạy thẳng vào tim
mình, đây là hình ảnh độc đáo cũng có thể là biểu tượng cho con đường cách mạng,
hành trình trái tim. Xe không có kính khiến cho cảnh vật bên ngoài thiên nhiên như gần
gũi hơn, xoá nhoà mọi khoảng cách. Rồi chú kể về những nguy hiểm luôn luôn gần kề,
cái sống cái chết lúc nào cũng trong gang tấc. Lái xe không kính thì mối nguy hiểm gần
nhất là bụi đất. Đường Trường Sơn vừa dài, không chỉ đường gập ghềnh khó đi mà
mùa khô bụi cuốn mù trời sau làn xe chạy. Bụi dày đặc đến mức mắt cay xè, nhuộm
trắng tóc. Rồi cả mưa cũng như tập kích bất ngờ. Mưa xối xả quất vào người, vào mặt,
vào mắt. Những làn nước cay xè, buốt rát khiến việc lái xe khó hơn nhiều lần rồi thậm
chí, những chuyến xe vẫn về đến hẹn quả là kì tích.
Câu chuyện với chú giúp tôi học thêm nhiều điều có ý nghĩa hơn.

Đóng vai người cháu kể lại câu chuyện bếp lửa


Mỗi lần đi ngang qua những cánh đồng của đất nước Nga mênh mông, rộng lớn, tôi lại
nhớ đến quê hương Việt Nam thân thương của tôi. Nhất là vào những ngày tuyết rơi
trắng xóa, thời tiết lạnh thấu xương, tôi run rẩy trong chiếc áo dày cộm ngồi bên lò
sưởi. Nhưng lúc đó sao tôi lại thấy lò sưởi sao quen thuộc đến thế! Ngọn lửa ấm áp
làm tôi nhớ đến cái bếp lửa của bà tôi quá!
Tôi sinh ra vào thời chiến tranh loạn lạc, cái thời kì mà đất nước bị chia cắt làm hai, cái
thời kì mà đất nước bị giày xéo bởi gót giày của giặc. Gia đình tôi có một truyền thống
yêu nước nồng nàn, nên từ khi tôi còn bé, bố mẹ tôi đã luôn rời xa tôi để đi phục vụ Tổ
quốc ở nơi chiến khu gian nan, hiểm trở. Vì vậy tôi đã sống với bà từ những ngày thơ
ấu. Tôi có những kỉ niệm không bao giờ quên với bà, đặc biệt là hình ảnh bà luôn gắn
với cái bếp lửa ấp iu nồng đượm ấy. Bà thức dậy từ sớm tinh mơ để nhóm cái bếp lửa
chờn vờn sương sớm, để nhóm lên cái ngọn lửa bởi tình bà cháu ấm áp, nồng đượm.
Nghĩ về bếp lửa tôi lại thương bà tha thiết, sự tần tảo, vất vả của bà sao tôi có thể
quên.
Còn nhớ lại cái năm tôi vừa mới lên bốn tuổi, năm ấy là năm 1945 – cái năm đói mòn
đói mỏi. Tôi đã chứng kiến cái nạn đói len lỏi vào trong từng gia đình, gây nên cái chết
thương tâm của hai triệu dân mình, cái chết như để thể hiện cho tội ác của chiến tranh,
một thời kì đau khổ của dân tộc Việt Nam ta. Bố tôi thì đi đánh xe khô rạc ngựa gầy.
Còn tôi thì vẫn ở với bà, bà nhóm bếp để khói xua tan cái mùi chết chóc. Nghĩ lại đến
giờ sống mũi vẫn còn cay! Cay vì mùi khói! Cay vì một thời kì bi thương, đói khổ, chết
chóc của dân tộc ta!
Tám năm ròng tôi cùng bà nhóm bếp, bà bao bọc, che chở tôi, bà dạy tôi làm, bà chăm
tôi học. Tôi lớn lên trong sự dạy dỗ, bảo ban của bà. Nhớ đến mùa hè năm ấy, tu hú
kêu trên những cánh đồng xa, tiếng tu hú nghe sao mà tha thiết thế! Tiếng tu hú như
khơi dậy những hoài niệm, những nhớ nhung mong nhớ trong tôi. Bà hay kể cho tôi
nghe những ngày ở Huế, tôi luôn hào hứng, thích thú những câu chuyện của bà, từng
giọng nói ấm áp của bà chạm đến trái tim tôi, cho tôi biết thương cảm, yêu thương
người khác hơn. Nghĩ đến đây tôi liền trách thầm những con tu hú sao không ở cùng bà
mà lại kêu chi hoài trên những cánh đồng xa?
Cuộc sống tưởng như yên bình trôi qua trong mắt đứa trẻ như tôi, nhưng không ngờ
năm đó là năm giặc càn quét dữ dội, chúng để lại một kí ức in mãi trong tâm trí tôi.
Chúng đốt làng cháy tàn cháy rụi, hình ảnh làng xóm lại trở về lầm lụi, may thay bà tôi
sống có nghĩa có tình, được hàng xóm đỡ đần bà dựng lại túp lều tranh trên đống tro
tàn. Lúc đó tôi sợ đến òa khóc, nói với bà rằng:” Cháu muốn viết thư cho bố mẹ để bố
về nhà chăm sóc, bảo vệ bà cháu mình “. Thế mà bà vẫn vững lòng, vẫn còn niềm tin
vào cuộc chiến đấu của dân tộc. Bà dặn tôi đinh ninh rằng:” Bố ở chiến khu, vẫn còn
việc bố, mày có viết thư chớ kể này kể nọ, cứ bảo nhà vẫn được bình yên!”. Rồi sớm
rồi chiều bà lại nhóm bếp lửa lên, nhóm lên tình bà thắm thiết, nhóm lên niềm tin dai
dẳng của bà vào cuộc sống, vào tương lai của đất nước.
Ngày qua ngày bếp lửa vẫn được nhóm lên, nhóm lên niềm yêu thương ngọt bùi của
khoai sắn, nhóm lên hương vị dẻo thơm của nồi xôi gạo mới sẻ chung vui, nhóm dậy cả
tâm tình tuổi nhỏ. Ôi thật kì lạ và thiêng liêng – bếp lửa! Bếp lửa kì lạ vì nó cháy lên
trong mọi hoàn cảnh, dù nắng hay mưa, đói khát hay chiến tranh thì nó vẫn cháy lên.
Nó chưa bao giờ tắt vì bất cứ lý do gì.
Bếp lửa thật thiêng liêng và mầu nhiệm, nó gắn liền với hình ảnh người bà đáng kính
của tôi, nó cũng là hình ảnh cho hi vọng niềm chiến thắng của dân tộc tôi, cháy lên
không bao giờ bị dập tắt, vẫn ấp iu nồng đượm, vẫn ấm áp đầy yêu thương. Giờ tôi đã
đi xa, tiếp nhận được tri thức của nhân loại. Có ngọn khói trăm tàu, có lửa trăm nhà,
niềm vui trăm ngả. Nhưng không đâu bằng ngọn lửa của bà tôi, không niềm vui nào
bằng những ngày ở cùng bà, bà ơi!
Nay tôi đang ở nơi đất khách quê người, nơi xa lạ, không người thân thiết làm tôi nhớ
Tổ quốc, nhớ bà tha thiết. Ánh lửa lò sưởi bập bùng ngay trước mắt, nhưng không có
mùi khói cay của bếp lửa bà tôi. Ôi bà ơi, con nhớ mùi khói cay và hình ảnh bếp lửa
gắn bó với bà cháu mình, cháu chỉ muốn nhắc bà rằng : “Sớm mai này bà nhóm bếp
lên chưa”.

Đóng vai ngư dân kể lại Đoàn thuyền đánh cá


Nói về cuộc sống mới khiến tôi lại nhớ về năm 1958, 10 năm sau thắng lợi của Cách
mạng tháng Tám. Thời điểm đó, nhân dân ta bắt tay vào lao động sản xuất, xây dựng
xã hội mới, những ngư dân như chúng tôi cũng quay trở về với biển, bám biển để nuôi
sống bản thân, gia đình và làm giàu cho quê hương, đất nước.

Một ngày như bao ngày khác, tôi cùng anh em trai tráng khỏe mạnh lên con thuyền ra
khơi vào lúc trời nhá nhem tối. Khi mặt trời xuống biển, không gian bước vào màn đêm
cũng là lúc khởi đầu chuyến ra khơi của đoàn thuyền. Thuyền tôi ra khơi mạnh mẽ như
một con chiến mã, thuyền có gió làm lái, có trăng làm buồn, cứ băng ra biển, xé tan
màn đêm. Biển Đông giàu có với rất nhiều loài cá quý, nào là cá bạc, cá thu đang lấp
lánh giữa biển trăng, là cá nhụ, cá chim, cá đé. Anh em ngư dân chúng tôi ra khơi với
tâm thế vô cùng hứng khởi, lòng phơi phới niềm tin về một chuyến đi bội thu. Không
còn là nô lệ chịu áp bức, được tự do làm chủ công việc khiến ai cũng hăng say lao
động chẳng màng mệt nhọc, vất vả. Để xua tan những nỗi lo trước biển lớn, những
nặng nhọc đêm dài đánh cá, chúng tôi ngân nga những câu hát, đó như là bài ca lao
động đầy niềm vui cùng thiên nhiên. Dàn lưới ra xung quanh thuyền như một thế trận
bủa vây, chúng tôi bắt đầu nghêu ngao hát, hát và gõ vào thuyền để dụ cá vào lưới.
Mỗi ngư dân chúng tôi đều rất biết ơn biển cả, biển cho nguồn sống là cá, biển cho
công việc và giúp chúng tôi được lớn lên thành người, biển cả như là người mẹ thứ hai
của mỗi người. Tờ mờ sáng, khi sao vẫn còn, chúng tôi phải nhanh tay kéo lưới để kịp
trời sáng, mẻ lưới đầy cá nặng trĩu, mấy anh em chung tay kéo mới lên được. Chuyến
ra khơi đã bội thu, chúng tôi xếp lưới, căng buồm quay thuyền trở về. Ra khơi hào
hứng bao nhiêu thì trở về càng thêm phơi phới bấy nhiêu.

Qua công việc ra khơi đánh cá hàng ngày, tôi luôn thầm ấp ủ ước mơ hòa hợp và chinh
phục thiên nhiên. Tôi muốn mình có thể làm giàu từ biển nhưng mong muốn bảo vệ sự
trù phú, giàu có của biển.

Đóng vai người lính kể lại bài thơ ánh trăng


Quê hương là mảnh đất linh thiêng, huyền diệu, đẹp đẽ nhất trong tâm hồn mỗi con
người. Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê yên bình, xinh đẹp. Tuổi thơ tôi là những
tháng ngày thỏa sức đắm mình trong gió mát, bên những cánh đồng bát ngát thẳng
cánh cò bay, những dòng sông hiền hòa chở nặng phù sa... Ký ức tuổi thơ tôi là trọn
vẹn những kỷ niệm tuyệt vời đáng nhớ.
Chiến tranh bất ngờ ập đến, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc và bảo vệ quê hương, tôi
cùng các bạn lên đường nhập ngũ. Cuộc sống gắn bó với núi rừng hoang vu sặc mùi
đạn bom khiến lòng tôi trào dâng nỗi nhớ nhà da diết, khắc khoải. Xóm làng, gia đình
cùng những cảnh vật quen thuộc cứ ẩn hiện trong tâm trí. Những đêm dài đứng gác, tôi
cùng đồng đội hay ngẩng đầu lên cao, nương theo ánh trăng sáng vằng vặc trên đầu
tâm sự. Có lần anh hỏi tôi:
- Cậu có nhớ quê nhà không? Mỗi lần thấy trăng, tôi lại nhớ những ngày êm đềm ở quê
hương, không biết đến khi nào mới được quay lại thời gian đó.
Tôi không nhớ mình đã đáp lại anh như thế nào chỉ biết rằng khoảnh khắc đó, hồi ức tôi
gìn giữ bấy lâu như tan vỡ ra. Những năm tháng tuổi thơ xưa kia, tôi sống cùng sông
rừng biển cả, hòa mình trong thiên nhiên mát lành và hồn nhiên vô lo vô nghĩ. Những
năm tháng chiến tranh gian khổ này, tôi vẫn hòa mình giữa thiên nhiên núi rừng chiến
khu, cảnh vật ít nhiều có sự thay đổi, thân phận địa vị cũng khác. Thế nhưng mỗi lần
ngẩng đầu lên, vầng trăng tình nghĩa vẫn yên lặng ở đó. Nó giống như dõi theo hành
trình trưởng thành của tôi, một bước không rời. Tôi cứ ngỡ bản thân sẽ không bao giờ
quên vầng trăng ấy, vậy mà...
Chiến tranh kết thúc, hai miền Nam - Bắc của Tổ quốc được thống nhất, độc lập và tự
do. Tôi may mắn sống sót nên rời đơn vị và trở về quê nhà, tạm biệt những tháng ngày
đạn bom máu lửa để sống một cuộc sống bình thường, an ổn. Năm tháng xoay vần,
con trai tôi ngỏ ý đưa bố lên thành thị sinh sống. Sự lo lắng của con khiến tôi chẳng nỡ
chối từ nên đành rời miền quê thân thương, chuyển về thành phố xa hoa rực rỡ ánh
đèn.
Căn nhà tôi sinh sống đầy đủ tiện nghi, nằm ở trung tâm thành phố đông đúc, nhộn
nhịp, người qua kẻ lại tấp nập ngược xuôi. Không còn âu lo, nghĩ ngợi về ngày mai còn
mất, không còn mất ngủ cả đêm hay ầm ầm bên tai tiếng mưa bom bão đạn, tôi thong
thả thư giãn trong những giấc ngủ bình yên, những bữa ăn đầy đủ ngon miệng. Gian
khổ khó nhọc trước kia bỗng chốc phai mờ trong tâm trí. Những ký ức cùng vầng trăng
tình nghĩa cũng vô tình bị lãng quên từ bao giờ chẳng hay.
Ngày qua ngày, tháng qua tháng, những tưởng rằng bản thân đã mãi mãi quên đi quá
khứ, quen sống với những hiện đại xa hoa, đầy đủ tiện nghi. Tưởng chừng ánh sáng
rực rỡ nơi thành thị sẽ mãi giữ chân tôi trong bốn bức tường sơn vôi kín đáo, an toàn
nhưng có phần cô quạnh thì một đêm kia, ánh sáng vầng trăng đã đột nhiên ghé tới,
đánh thức tâm hồn và gợi lên nhiều cảm xúc khó tả.
Trên cao, trăng vẫn tròn vành vạnh, tỏa ánh sáng bàng bạc bao phủ khắp muôn nơi.
Song có thứ gì đó chợt rưng rưng, nghẹn ngào. Hình ảnh quê hương với con sông,
cánh đồng,... bất chợt ùa về trong tâm trí tôi. Niềm xúc động không thể gọi thành tên
khiến tôi bật khóc thành tiếng, những giọt nước mắt xót xa không ngăn được, lăn dài
trên má. Tôi hối hận bừng tỉnh, nhận ra bấy lâu bản thân đã thờ ơ hững hờ với quá khứ
tình nghĩa, với vầng trăng chung thủy. Tôi đã đổi thay nhưng trăng vẫn vẹn nguyên,
nghĩa tình, vẫn luôn bên cạnh và dõi theo chúng tôi.
Lòng tôi bỗng dấy lên bao nghĩ suy cùng hoài niệm, sống như tôi khi ấy, lãng quên quá
khứ nhiều gian lao là sống vô tâm và ích kỷ. Biết bao người vẫn âm thầm lặng lẽ với
bom đạn kẻ thù còn sót lại, rải rác khắp mọi miền Tổ quốc, biết bao người vẫn oằn
mình trong đói khổ triền miên. Đau thương mất mát vẫn âm ỉ dày xéo trong lòng dân tộc
bởi lẽ chiến tranh lùi xa nhưng dấu vết nó in hằn trên dáng hình dân tộc vẫn còn. Khi cả
nhân dân đang gắng gượng vượt lên quá khứ thì tôi lại vui vẻ tận hưởng cuộc sống đầy
đủ vật chất.
Nếu không có ánh trăng soi sáng hôm nay, tôi không biết đến chừng nào bản thân mới
thức tỉnh và nhìn lại mình. Cuộc sống độc lập tự do hôm nay không dành cho riêng ai
mà thuộc về cả dân tộc Việt Nam, là kết quả bao anh hùng dân tộc đã phải đánh đổi
bằng máu xương và tính mạng. Tôi cảm thấy phải làm gì đó xứng đáng với Tổ quốc, để
bù đắp những ích kỉ vô tâm và sống cho xứng đáng với tinh thần người lính thời đại
mới. Quá khứ dù đau thương nhưng chính là hồi ức quý giá, hãy trân trọng nó để sống
tốt hơn, sống cho xứng những gì mình nhận được.

ĐÓNG VAI ÔNG HAI KỂ LẠI LÀNG


Người ta có thể tách con người ra khỏi quê hương nhưng không thể tách quê hương ra
khỏi con người. Câu nói ấy thật sâu sắc. Đối với tôi, làng Chợ Dầu là máu thịt, là linh
hồn, không gì có thể cướp lấy hay xóa nó đi trong tâm hồn tôi.
Đã mấy chục năm rồi, có lẽ chừng ấy năm ròng cũng đủ để tôi thấu hiểu hầu hết những
người dân trong làng. Họ và tôi, chúng tôi đều là người Việt Nam, chúng tôi đều mang
trong mình dòng máu lạc hồng luôn đỏ mãi trong lòng mỗi người. Người trong làng tôi
hầu hết đều là những người nông dân một nắng hai sương tần tảo sớm hôm vất vả ra
đồng. Chúng tôi sống cho bản thân mình nhưng chưa giây phút nào chúng tôi quên
được lòng yêu Tổ Quốc, yêu nơi mà tôi sinh ra và lớn lên. Thế mà không hiểu vì lí do gì
mà mọi người lại tung tin đồn xấu cho làng tôi.
Hôm ấy trời nắng đẹp và trong, như mọi hôm tôi lại đến phòng thông tin để đọc báo. Tôi
rất thích đến đây nghe người khác đọc báo. Tuy là nông dân nghèo, cuộc sống cực
khổ, làm nhiều việc tôi vẫn có cái thú vui đọc tin tức thường xuyên để nắm bắt thông tin
mọi nơi. Khi vừa bước ra khỏi phòng thông tin, rẽ vào quán dặn vợ mấy việc rồi đi ra lối
huyện cũ, tôi bắt gặp tốp người tản cư bàn tán rất náo nhiệt.
Tính tôi cũng hay tò mò không biết có việc gì nên liền lại tán gẫu cùng. Được biết có
làng nào ấy Việt gian theo Tây. Tôi nào ngờ ấy lại là làng Chợ Dầu – chính ngôi làng tôi
sống. Họ bảo làng tôi Việt gian, người làng tôi theo giặc. Như không tin được vào tai
mình. Tôi thầm nghĩ đủ điều. Chẳng nhỡ làng mình theo Tây thật rồi sao. Sao lại có
chuyện đấy được. Người làng ta đều là những con người yêu nước hết cả mà. Không
nhẫn nhịn được nỗi nhục nhã đến tận cùng, tôi đành đánh trống lảng bỏ đi: “Hà, nắng
gớm, về nào…”
Kể từ cái ngày tin đồn ấy được truyền lây lan rộng khắp nơi, tôi chẳng dám bén lẻn ra
đường nữa. Tâm trí tôi như dần triệt quệ, tôi không thèm màng đến việc gì nữa. Cả vợ
tôi cũng chán nản không thiết làm việc nhà. Được sinh ra và lớn lên trong thời kì chiến
tranh, từ bé tôi đã phải sống với bom đạn. Thấy thế tôi luôn nhủ với lòng mình rằng sau
này phải gắng sức làm việc gì đấy giúp ích cho đất nước.
Trong đầu tôi cũng như gia đình, làng xóm tôi đều hứa với lòng sẽ luôn ủng hộ Cụ Hồ
Chí Minh muôn năm. Thế mà giờ đây chúng tôi còn chưa làm được điều gì đã làm tổn
hại đến đất nước rồi. Tôi cũng yêu làng tôi lắm, cái làng Chợ Dầu ấy đã gắn bó với tôi
khá lâu rồi. Nhưng sâu thẳm trong trái tim mộc mạc , bình dị của người nông dân nghèo
này vẫn luôn dành một phần quan trọng đối với Tổ quốc. “Làng thì yêu thật, nhưng làng
theo Tây mất rồi thì phải thù”.
Thời điểm ấy, khắp nơi mọi người đều xua đuổi dân làng Chợ Dầu. Bà chủ nhà của tôi
rồi cũng phải từ chối gia đình tôi sinh sống tại nhà bà. Trong vài ba hôm ngắn ngủi,
không biết làm gì, đi về đâu, đầu óc tôi như trống rỗng bởi sự nhục nhã không cam chịu
nổi.
Thế mà nỗi buồn ấy lại bỗng chốc chuyển sang nụ cười vui hồn nhiên nở dần trên
gương mặt tôi. Tôi vui sướng khi được nghe tin mừng rằng tin làng Chợ Dầu Việt gian
đã được cải chính lại. Đúng thật là, toàn là sai sự mục đích cả. Tôi đi đến khắp nơi báo
tin mừng dây cho mọi người. Ngay cả bà chủ nhà cũng vui và đành cho tôi tiếp tục ở
nhà bà. Thế là cuộc sống tôi lại trở nên vui vẻ như trước.
Mọi con sông đều chảy ra biển, tình yêu nhà, yêu làng xóm, yêu quê hương trở thành
tình yêu Tổ Quốc. Đối với người nông dân một nắng hai sương, làng có một vị trí rất
quan trọng. Đấy là nơi tôi sinh ra, lớn lên và làm việc. Quan trọng hơn làng đã trở thành
cội nguồn quê hương, là một phần không thể thiếu trong tâm hồn của người nông dân.
Riêng bản thân tôi, tôi sẽ không bao giờ quên đi được bóng dáng cái làng Chợ Dầu
thân thuộc ấy và sẽ luôn tin tưởng, chẳng bao giờ rời xa làng mình.

Tưởng tượng mình gặp gỡ và trò chuyện với ông Hai


Hình ảnh ông Hai trong truyện “Làng” là một trong những hình ảnh đẹp đại diện cho
người nông dân bình thường, chân lấm tay bùn nhưng giàu lòng yêu nước trong suốt
cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Hình tượng Ông Hai với những tình cảm chân
thực và thắm đượm tình yêu quê hương, đất nước. Từ khi đọc truyện ngắn “Làng” tôi
thường mơ ước một lần được gặp ông để cùng trò chuyện với ông và tìm hiểu điều gì
đã xảy ra với ông. Và vào một đêm hôm nọ, sau khi đọc lại câu chuyện, tắt đèn và lên
giường đi ngủ, điều tôi mơ ước đã thành sự thật. Tôi đã được gặp gỡ và trò chuyện với
ông Hai, đó là những phút giây mà tôi không thể quên được.
Trong không gian mờ mờ ảo ảo tôi đã đến đây, ngôi làng nơi ông Hai ở. Tôi đưa mắt ra
xa tôi thấy mình đang ở trong một ngôi làng nhỏ của miền trung du. Cái làng này nhỏ
lắm, chỉ chừng mấy mươi nóc nhà thôi. Tôi mơ màng đặt chân đi trên con đường đất
nằm giữa làng. Tôi thấy hàng tốp người đang đứng, ngồi dưới mấy gốc đa xù xì, cành
lá sum sê đan vào nhau, trải bóng mát xuống mặt đường và bãi cỏ rộng lớn.Tiếng
người lớn, tiếng trẻ con cùng với tiếng cười nói râm ran. Uốn quanh co phía dưới chân
đồi là những thửa ruộng lúa xanh mượt, lấp loáng như một khúc sông quê. Thấp
thoáng đâu đó là mấy bóng cò trắng bay dật dờ….
Bỗng tôi giật mình, tôi cảm thấy cảnh này vừa lạ lạ vừa quen quen.Hình như quang
cảnh này tôi đã gặp đâu đó rồi thì phải nhưng tôi không thể nào nhớ được.Bỗng tôi
nhìn thấy một ông lão ngồi trong một cái quán nước gần đấy. Vừa hút một điếu thuốc
lào, uống một bát nước chè tươi nóng, ông chóp chép cái miệng như đang đắc ý một
điều gì đó trong đầu. Tôi mạnh dạn tiến lại gần. Bấy giờ tôi mới nhìn rõ đó là một ông
lão với dáng người mảnh khảnh, đầu chít khăn gọn gàng. Tôi đoán ông độ trên dưới
sáu mươi tuổi. À, ông Hai thì phải? Hình như đã có lần tôi được gặp gỡ và trò chuyện
với ông Hai rồi thì phải? Tôi thấy ông quen lắm.
- Cháu chào ông? Ông có phải là ông Hai không ạ? Ông có thể cho cháu biết đây là
đâu không ạ? Tôi hỏi.
- Ừ, ông là ông Hải. Cháu không biết mình đang ở nơi tản cư à! Bố mẹ cháu đâu rồi? -
Ông đáp
- Cháu không biết tại sao cháu lại ở đây? Ông có thể giúp cháu về nhà được không ạ?
Ông Hai đặt bát nước chè tươi xuống chõng và nói: Thôi, tốt nhất là cháu theo ông về
nhà ông, rồi ông sẽ đi báo chính quyền đưa lên loa phát thanh của xã để tìm người nhà
cho cháu. Ông Hai đứng dậy, trả tiền nước, chèm chẹp miệng vài tiếng và vươn vai nói
to: về nhà nào…
Tôi đi theo ông về nhà. Trên đường đi về ông giới thiệu với tôi ông là người làng chợ
Dầu và mọi người thường gọi ông với cái tên thân mật là ông Hai Thu.Lúc đó tôi mới
xác nhận đúng là mình đã gặp ông Hai thật. Tôi đang bâng khuâng không biết điều này
thực hay mơ đây thì đã về tới nhà ông.Vào nhà ông rót cho tôi một chén nước và hỏi
chuyện tôi.Ông hỏi tôi từ đâu tới đây, vì sao tôi bị lạc cha mẹ…Tôi nhận thấy hình như
ông không thấy tôi quen thì phải hay ông không nhớ…? Tôi chỉ trả lời ậm ờ cho qua
chuyện, vì tôi cũng không rõ đang có chuyện gì xảy ra. Tôi bèn đánh trống lảng hỏi
sang chuyện khác:
- Cháu nghe nói làng mình nhiều anh hùng lắm ông nhỉ! Ông có thể kể cho cháu nghe
được không?
Như bắt được mạch, ông Hai kể chuyện say sưa. Ông kể chuyện về làng, về những
con người nơi đây một cách say mê và náo nức lạ thường. Hai con mắt ông sáng lên,
cái mặt biến chuyển khi kể từ sự việc này sang sự việc khác. Ông khoe ở làng có cái
phòng thông tin - tuyên truyền được xây dựng sáng sủa, rộng rãi nhất vùng này, cột
phát thanh thì cao bằng ngọn tre, cứ chiều chiều loa nói cả làng đều nghe thấy. Ông
khoe làng ông có nhiều nhà ngói nằm san sát, cả làng sầm uất như trên tỉnh.Đường
trong làng toàn lát bằng đá xanh, trời mưa gió mà phải đi khắp đầu làng cuối ngõ cũng
không sợ bùn dính đến gót chân. Tháng năm ngày mười vào mùa gặt nhà nhà phơi
rơm, phơi thóc thì tốt thượng hạng, không có lấy một hạt thóc bị dính đất.
Dù những điều này tôi đã đọc thuộc lòng trong truyện nhưng khi nghe ông kể tôi vẫn
cảm thấy xúc động. Ông Hai nhìn tôi say sưa kể tiếp: Kháng chiến chống Pháp bùng
nổ, người người đi sơ tán, nhà nhà đi sơ tán nhưng ông thì muốn ở lại làng cùng anh
em bộ đội và dân quân kháng chiến bám làng để đánh giặc.Nhưng vì hoàn cảnh gia
đình nên ông vẫn phải cùng gia đình đi tản cư.Ở nơi tản cư, ông rất nhớ quê hương và
thường hay kể về làng mình cho những người nơi tản cư nghe. Ngày nào ông cũng ra
phòng thông tin để nghe tin tức kháng chiến ở quê hương mình. Tâm can ông cứ nhảy
múa hết cả lên khi nghe được tin hay, tin quân ta đánh được địch.
Kể đến đây ông dừng lại, có vẻ trầm ngâm suy nghĩ. Tôi vội hỏi:
- Chuyện gì xảy ra vậy ông? Sao ông không kể tiếp?
Ông Hai nhìn tôi với cặp mắt đầy suy tư, tâm trạng
- Cứ từ chứ! Chờ ông uống miếng nước.
Nói xong ông lấy cốc nước uống một ngụm. Ông kể tiếp: Hôm ấy ông nghe được tin có
người dân làng chợ Dầu của ông theo giặc làm Việt gian. Cổ họng ông nghẹn đắng lại,
mặt ông nặng trĩu. Ông lặng đi,tưởng như nghẹt thở. Một lúc lâu ông mới đằng hắn một
cái, nuốt vào trong lòng có cái gì đó vướng ở cổ, ông chạy đi hỏi lại về cái tin ấy, thì
người ta đã khẳng định lại một cách chắc chắn. Ông cúi gằm mặt xuống, đứng lảng ra
chỗ khác rồi đi thẳng một mạch về nhà về nhà. Ông buồn quá, buồn tận trong đáy lòng.
Cuộc gặp gỡ và trò chuyện với ông Hai của tôi như đang bắt đầu vào cao trào. Nghe
ông kể đến đây tôi có thể cảm nhận được tâm trạng ông khi đó. Có gì đó đau đớn, tủi
nhục cho ông Hai khi nghe được một người đàn bà di tản từ dưới xuôi lên nói: “Cả làng
chúng nó Việt gian theo Tây rồi”, “Việt gian từ thằng chủ tịch mà đi cơ ông à!”, Niềm tự
hào bao lâu nay bỗng chốc tan tành, sụp đổ ngay trước mặt ông. Giá như ông không
yêu nơi sinh trưởng của mình đến thế, thì giờ đây ông đâu cảm thấy đau đớn và nhục
nhã đến như vậy. Ông Hai kể tiếp:
- Về đến nhà, ông nằm vật ra giường nhìn thấy lũ con mà tủi thân quá, nước mắt ông
cứ chảy ràn rụa ra. Bọn trẻ chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư? Chúng nó bị
người ta rẻ rúm, hắt hủi đấy ư? Ông ngờ ngợ chả nhẽ những người ở lại làng lại đốn
đến thế ư? rồi ông tự điểm lại trong đầu thấy họ đều là những người đều có tinh thần
yêu nước, yêu quê hương, yêu kháng chiến, chẳng nhẽ lại đi làm cái điều nhục nhã ấy
sao? Ông đắn đo, suy nghĩ nhưng “không có lửa làm sao có khói”. Ông cảm thấy tủi
nhục vô cùng. Chiều hôm ấy bà nhà ông về, bà ấy cũng có vẻ khác lạ. Trong nhà tồn tại
cái sự im lặng thật là khó chịu. Mãi đến khuya bà ấy mới hỏi ông về cái tin tức ấy. Ông
nghe bà hỏi, lúc đầu ông im lặng, rồi sau đó ông gắt lên vậy là bà im bặt. Phải đến ba
bốn ngày hôm sau ông vẫn không dám bước chân ra ngoài đường chỉ ở trong gian nhà
chật trội để nghe ngóng tin tức từ cái loa phóng thanh của xã. Lúc nào ông cũng trong
tình trạng nơm nớp lo sợ, hễ nghe đến tin chiến sự là ông lại giật mình. Ông căm ghét
bọn phản bội bán làng, bán Tổ quốc. Nỗi đau đớn, nhục nhã và lo sợ của ông lên tới
đỉnh điểm khi nghe tin nhân dân địa phương có người làng Dầu tản cư đến là họ tẩy
chay người dân làng ông, “đi đến đâu có người làng Dầu người ta cũng đuổi như đuổi
hủi”, ngay mụ chủ nhà cũng đã đuổi khéo vợ chồng, con cái nhà ông ra khỏi nhà. Trước
tình cảnh ấy, bế tắc lắm nhưng ông nhất định không chịu trở về làng: “Về làng là bỏ
kháng chiến, bỏ Cụ Hồ”. Cũng không thể đi đâu, đâu đâu người ta cũng đuổi người
làng ông. Trong tâm trạng đau đớn, tủi nhục, ông tâm sự với thằng con trai út. Như trút
được bầu tâm sự bấy lâu nay, nỗi khổ của ông cũng vơi đi phần nào.
Tuy được gặp gỡ và trò chuyện với ông Hai đến đây, tôi cũng lặng đi trong xúc động.
Thật thương cho ông Hai. Không hiểu sao nước mắt đã nhòe trong khóe mắt và chỉ
trực tràn ra trên khuôn mặt tôi. Ông Hai lấy tay quệt nước mắt cho tôi và cười nói: Xem
cháu kìa! Mau nước mắt quá! Nghe ông nói vậy tôi chỉ biết cười ngượng. Tôi hỏi ông:
- Vậy tin làng Chợ Dầu theo Tây được đính chính khi nào hả ông?
Nghe tôi hỏi vậy ông Hai ngẩn người ra. Tôi biết mình đã lỡ lời. Thoáng chút im lặng
trôi qua, ông nói với tôi, giọng xúc động:
- Vào một hôm khoảng ba giờ chiều, có một người đàn ông đến nhà ông chơi. Ông ấy
rủ ông đi theo ông ấy mà không biết ông đi đâu, đến sẩm tối ông mới về nhà. Lúc ấy
tâm trạng ông rất vui. Đến bậc cửa ông đã bô bô khoe rằng thằng Tây nó đốt nhà mình
rồi, ông chủ tịch làng ông vừa mới lên khu tản cư để cải chính, ông ấy cho biết cái tin
làng chợ Dầu của ông theo Tây làm Việt gian là sai hoàn toàn. Niềm vui mừng của ông
thật vô bờ bến biết bao. Ông mua quà cho các con, ông muốn chia sẻ niềm vui sướng
ấy cho mọi người trong đó có cả mụ chủ nhà từng gieo cho ông bao nỗi bực dọc, căm
tức. Cứ thế ông lật đật đi khoe khắp nơi, tối hôm ấy ông còn sang gian bác Thứ kể
chuyện về làng của mình trong tâm trạng tự hào, vui sướng.
Nói xong ông đưa tay quệt nước mắt đã rơi trên gò má khi nhắc đến kỉ niệm đó. Tôi
cảm thấy mình thật nhỏ bé trước ông Hai. Ông đã gắn tình yêu đắm say quê hương,
làng mạc của mình với tình yêu đất nước. Điều này đã làm nên con người vĩ đại trong
ông. Cũng chính vì thế mà có như thế nào đi nữa, ông vẫn một lòng, một dạ ủng hộ
kháng chiến, ủng hộ Cụ Hồ. Đang trầm ngâm với suy nghĩ của mình tôi nghe tiếng gọi
- Ông Hai ơi ngoài ủy ban đang nói tin về làng chợ Dầu của ông kìa?
Nghe tiếng gọi ông Hai vội vàng đứng dậy, ông bảo tôi nghỉ ngơi còn ông nhanh chóng
chạy ra ủy ban nghe tin đồng thời báo cáo về trường hợp của tôi. Nhìn cái dáng tất bật
của ông mà tôi trào dâng niềm yêu thương.
Reng! Reng! Reng! Tiếng chuông báo thức vang lên làm tôi giật mình tỉnh dậy. Giờ tôi
mới nhận ra mình đã có một giấc mơ thật đẹp. Cuộc gặp gỡ và trò truyện với ông Hai
đã giúp tôi hiểu thêm về vẻ đẹp tâm hồn của người nông dân Việt Nam thời kỳ kháng
chiến chống thực dân Pháp xâm lược nước ta. Đó là lòng yêu làng, yêu nước và gắn
bó với kháng chiến. Có lẽ vì thế mà tác phẩm “Làng” xứng đáng là một trong những
truyện ngắn xuất sắc của văn học Việt Nam giai đoạn văn học hiện đại.

ĐÓNG VAI ANH THANH NIÊN KỂ LẠI LẶNG LẼ SAPA


Là thanh niên, tôi luôn nghĩ rằng với sức dài vai rộng, phải xung phong đến nơi đầu
sóng ngọn gió, đem sức mình cống hiến cho công cuộc chiến đấu bảo vệ tổ quốc và
dựng xây đất nước. Thế nên, sau khi tốt nghiệp trường đại học, tôi rời thành phố tình
nguyện lên công tác ở đỉnh Yên Sơn, cao hai nghìn sáu trăm mét, thuộc Sa Pa, Lào
Cai.
Tôi được phân công làm công tác khí tượng thủy văn kiêm vật lí địa cầu. Nhiệm vụ của
tôi là đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, dự vào việc báo trước
thời tiết hằng ngày, phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu. Công việc không mấy cực
nhọc nhưng phải đo, tính và báo cáo cứ 4 giờ một lần. Gian khổ nhất là lần ghi và báo
về lúc một giờ sáng. Trời rét lắm. Ở đây có cả mưa tuyết đấy. Nửa đêm đang nằm
trong chăn, nghe chuông đồng hồ chỉ muốn đưa tay tắt đi. Chui ra khỏi chăn, ngọn đèn
bão vặn to đến cỡ nào vẫn thấy là không đủ sáng. Xách đèn ra vườn, gió tuyết và lặng
im ở bên ngoài như chỉ chực đợi mình ra là ào ào xô tới. Cái lặng im lúc đó mới thật dễ
sợ: nó như bị gió chặt ra từng khúc, mà gió thì giống những nhát chổi lớn muốn quét đi
tất cả, ném vứt lung tung… Những lúc im lặng lạnh cóng mà lại hừng hực như cháy.
Xong việc, trở vào, không thể nào ngủ lại được.
Những ngày đầu mới lên, chưa quen nơi ở mới, tôi buồn lắm. Vốn quen với cuộc sống
nơi thành phố tiện nghi và nhộn nhịp, giờ một mình trên đỉnh núi, bốn bề chỉ cây cỏ và
mây mù lạnh lẽo, nhớ ơi là nhớ. Cái cảm giác cả ngày chỉ nhìn thấy cỏ cây, không
được trò chuyện cùng ai, không nói, không cười thật là đáng sợ. Nhiều lúc, bởi thèm
nói chuyện, thèm được lắng nghe giọng nói quá, tôi lăn khúc cây lớn chắn ngang giữa
đường, có xe nào đó dừng lại, lấy cớ phụ lăn cây vào lề để được nhìn trông và nói
chuyện một lát. Những lần như thế, tôi quen được bác lái xe tốt bụng. Mỗi lần ở dưới
lên, bác thường mua tặng tôi món này món kia để tôi vui.
Một lần, bác lái xe dẫn một đoàn khách gồm một ông họa sĩ già và một cô kỹ sư thẻ lên
thăm tôi. Lúc ấy, tôi chưa rõ khách đến thăm mình là ai, chỉ vừa thấy xe dừng lại, ba
người vừa đi một đoạn là tôi từ trên đỉnh núi háo hức chạy xuống chào đón.
Bận trước, bác lái xe có nói bác gái đang ốm, tôi chuẩn bị sẵn củ tam thất mới đào
được gửi tặng cho bác gái bồi dưỡng sức khỏe. Bác lái xe cũng không quên đưa cho
tôi mấy quyển sách mà tôi đã dặn nhờ bác mua hộ. Rồi bác dắt tôi lại chỗ nhà hội hoạ
và cô gái. Sau những lời chào hỏi, tôi đưa mọi người lên thăm nơi ở và làm việc của tôi.
Tôi xin phép chạy lên trước, ý là để pha sẵn ấm trà nóng, mọi người lên tới là có uống
ngay cho ấm và tranh thủ cắt lấy một ít hoa cho cô gái. Tôi thầm nghĩ: “con gái nào
chẳng thích hoa, nhà mình đầy hoa. Thế nào cô ấy cũng thích”.
Thật đúng là như vậy, khi lên tới nơi, cô gái chỉ kịp “ô” lên một tiếng! Sau gần hai ngày,
qua ngót bốn trăm cây số đường dài cách xa Hà Nội, đứng trong mây mù ngang tầm
với chiếc cầu vồng kia, bỗng nhiên lại gặp hoa dơn, hoa thược dược, vàng, tím, đỏ,
hồng phấn, tổ ong… ngay lúc dưới kia là mùa hè, đột ngột và mừng rỡ, quên mất e lệ,
cô chạy đến bên tôi đang cắt hoa. Rất tự nhiên như với một người bạn đã quen thân,
tôi trao bó hoa đã cắt cho cô gái, và cũng rất tự nhiên, cô đỡ lấy, trên môi nở một nụ
cười rạng rỡ.
Đó cô là cô gái thứ nhất từ Hà Nội lên tới nhà tôi từ bốn năm nay. Tôi nói với cô cứ lấy
bao nhiêu tùy thích. Cô ôm bó hoa vào ngực, bạo dạn nhìn thẳng vào mặt tôi cảm
động. Bắt gặp cái nhìn đó, phủi vội giọt mồ hôi trên sống mũi, mỉm cười, tôi hạ giọng
hỏi vài câu cho đỡ ngượng rồi chuyển sang bác lái xe và ông họa sĩ.
Tôi bước lại bên bác lái xe và ông họa sĩ, hồ hởi kể về công việc của tôi cho ông họa sĩ
nghe. Cô gái từ nãy giờ ôm bó hoa đứng ở ngoài vườn cũng lặng lẽ lắng nghe. Nước
chè đã ngấm, tôi mời mọi người vào trong nhà cho ấm và thưởng thức nước chè thơm.
Tôi rót nước chè mời nhà họa sĩ, ngoảnh lại tìm cô gái, thấy cô đang đọc, liền bưng cái
chén con đến yên lặng đặt trước mặt cô. Ông họa sĩ nhấp chén trà nóng ba ngày nay
ông mới lại gặp, không giấu vẻ thích thú, tự rót lấy một chén nữa. Ông hóm hỉnh hỏi
sao người ta bảo tôi là người cô độc nhất thế gian? Rằng tôi “thèm” người lắm? “A!
Chắc bác lái xe đã khoe chuyện này rồi” – tôi thầm nghĩ rồi bật cười khanh khách phân
trần rằng: “một mình thì anh bạn trên trạm đỉnh Phan-xi-păng ba nghìn một trăm bốn
mươi hai mét kia mới một mình hơn cháu. Làm khí tượng, ở được cao thế mới là lí
tưởng chứ”.
Thế rồi, tôi kể lại thời gian hồi mới vào nghề. Những đêm bầu trời đen kịt, nhìn kĩ mới
thấy một ngôi sao xa, tôi cũng nghĩ ngay ngôi sao kia lẻ loi một mình. Bây giờ làm nghề
này tôi không nghĩ như vậy nữa. Vả, khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao lại là
một mình được? Huống chi việc của tôi gắn liền với việc của bao anh em, đồng chí
dưới kia. Công việc của tôi gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi, tôi buồn đến chết mất. Ai
cũng muốn được sống giữa mọi người. Nhưng, mình sinh ra là gì, mình đẻ ở đâu, mình
vì ai mà làm việc? Tất cả những điều ấy là động lực thôi thúc tôi làm việc không ngừng
nghỉ và không còn thấy việc mình đang làm là gian khổ nữa.
Nhân dân miền Nam đang ngày đêm kháng chiến chống Mĩ, máu nhân dân vẫn đang
đổ xuống vì nền hòa bình dân tộc, vì sự nghiệp thống nhất nước nhà. Miền Bắc tiến lên
xây dựng xã hội chủ nghĩa. Cần lắm sức trẻ biết hi sinh lợi ích nhỏ của riêng mình vì lợi
ích chung của đất nước, vì tương lai của cả dân tộc. Ngay lúc này đây, mình chọn lối
sống an nhàn, tận hưởng những điều vụn vặt là có lỗi lắm, sao yên lòng được.
Tôi cứ say sưa kể chuyện thì ông họa sĩ lặng lẽ cũng hí hoáy vẽ vẽ vào cuốn sổ tì lên
đầu gối. Tôi biết họa sĩ đang vẽ tôi, hơi ngượng ngùng nhưng để khỏi vô lễ, tôi vẫn ngồi
yên cho ông vẽ, nhưng cho là mình không xứng với niềm kì vọng của ông. Tôi xin ông
đừng vẽ tôi. Tôi giới thiệu ông kĩ sư ở vườn rau dưới Sa Pa kia đã cống hiến cả tuổi
thanh xuân của mình trong vườn rau thực nghiệm chỉ để tạo ra những giống cây tốt
hơn, năng suất hơn, đóng góp thiết thực phục vụ cho công cuộc xây dựng đất nước.
Tôi còn giới thiệu thêm đồng chí nghiên cứu khoa học ở cơ quan, mười một năm không
một ngày xa cơ quan, không đi đến đâu mà tìm vợ chỉ để dò tìm và vẽ lại bản đồ sét
riêng cho nước ta. Trong cái lặng im của Sa Pa, dưới những dinh thự cũ kĩ của Sa Pa,
Sa Pa mà chỉ nghe tên, người ta đã nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi, có những con người
làm việc và lo nghĩ như vậy cho đất nước.
Ông họa sĩ khép lại cuốn sổ. Tôi không biết ong đã vẽ gì trong đó, chỉ thấy nụ cười nhẹ
trên môi với vẻ mặt ưng ý lắm. Bất giác, tôi nhìn lên đồng hồ: “- Trời ơi, chỉ còn có năm
phút!” – tôi kêu lên thảng thốt và tiếc rẻ. Sợ không kịp tiễn đưa, tôi liền chạy ra nhà phía
sau lấy mấy quả trứng gà tặng ông họa sĩ. Khi mọi người ra khỏi cửa, tôi phát hiện cô
gái còn quên chiếc khăn mùi xoa, tôi vội nhặt lấy gửi cô. Cô gượng cười thẹn thùng,
mặt đỏ bừng khó hiểu, vội quay đi. Để tránh phải đối diện với giây phút từ biệt ngậm
ngùi, tiếc nuối, tôi lấy cớ tới giờ “ốp”, không đưa mọi người xuống chân núi.
Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi nhưng cũng đủ để tôi thỏa lòng mong nhớ. “Chao ôi, có ai ở
trong hoàn cảnh của tôi mới biết cái cảm giác “thèm người” nó đáng sợ như thế nào”.
Chẳng ai thích sống cô đơn ở nơi vắng lặng như thế này nhưng vì dân tộc, vì đất nước,
tôi vẫn luôn tự hào về công việc mình đang làm, yêu nơi mình đang sống. Trong cái Sa
Pa lặng lẽ nhưng vẫn luôn có những con người sôi nổi, ngày đêm cống hiến sức lao
động của mình cho đất nước. Và có ai đó đòi hoán đổi, nhất định tôi sẽ không đồng ý.
Chỉ cần trong lòng ta luôn rộn ràng, luôn gắn kết mình với mọi người thì dù có ở nơi
không người đi chăng nữa, ta vẫn cảm thấy vui tươi và lạc quan về cuộc sống, về
tương lai rộng mở.
TƯỞNG TƯỢNG CUỘC GẶP GỠ VỚI ANH THANH NIÊN TRONG BÀI
LẶNG LẼ SAPA

Du khách đến với Sa Pa – mảnh đất trong sương không chỉ ấn tượng bởi những
cảnh đẹp, những dinh thự cao tầng mà còn ấn tượng bởi sự hiếu khách, hồ hởi của
người dân nơi đây. Là một lữ khách nhỏ tuổi từ thủ đô Hà Nội, cùng gia đình lên
thăm Sa Pa, tôi mới thực sự cảm nhận sự đón tiếp nồng hậu, chân tình, cởi mở của
người thị trấn giản dị “Sa Pa”. Đặc biệt, tình cảm ấy được khởi nguồn từ cuộc gặp
gỡ, trò chuyện với nhân vật thanh niên trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của nhà
văn Nguyễn Thành Long.

Chiếc xe của chúng tôi dừng lại dưới chân núi nghỉ lại thị trấn Sa Pa. Dọc theo
con đường đất đỏ lên núi, được biết cách đây là đỉnh Yên Sơn – ngọn núi khá
cao tại Sa Pa này. Chao ôi! Khung cảnh nơi đây thật đẹp. Từng dải núi uốn lượn
trập trùng bao trùm là cả màu xanh bạt ngàn của núi rừng. Những dải mây vắt
ngang núi như những dải lụa đào uốn lượn, bồng bềnh và huyền ảo. Hình như
vẻ đẹp mộng mơ này tôi đã gặp ở đâu rồi thì phải, sao quen quá! Tôi không tài
nào nhớ nổi, hai bên là những cây thông chỉ cao quá đầu, thấp thoáng vài căn
nhà nhỏ kiểu nhà sàn. Những bông hoa tử kinh màu tím khẽ đung đưa theo
chiều gió như đang e ngại ngập ngừng núp trong làn sương mù ảo, thật nên thơ
và gợi cho người ta cảm giác thoải mái, khoan khoái, không náo nhiệt, ồn ào tấp
nập như nơi đô thị. Theo con đường mòn nên núi, trong đầu tôi xuất hiện bao ý
nghĩ vẩn vơ, thú vị, bỗng có một giọng nói vang lên từ bên trái tôi, tôi giật mình
quay lại. Xuất hiện trước mắt tôi là bác trạc bốn mươi tuổi, vóc dáng khỏe
mạnh, khuôn mặt chữ điền, trên tay còn cầm một chiếc máy bộ đàm. Bác ni

You might also like