You are on page 1of 6

Tôi tự hỏi thơ là gì?

Thơ là thứ sức mạnh nhiệm màu mà người ta hay kể


trong truyện cổ tích hay sao? Nếu không thì thơ có sức mạnh gì mà có thể
thao túng cảm xúc của con người như vậy, không bao giờ ngừng lay động,
thổn thức và xuyến xao? Phải chăng “thơ” ở đây trước hết là cuộc đời sau đó
mới là nghệ thuật? Ở đây, ta không bàn về thơ tình, ta bàn về một loại thơ
khác mà người ta còn hay gọi là thơ ca cách mạng. Mà thơ nào không phải
thơ tình nhỉ, vốn dĩ thơ nó đã mang chất tình trong bản chất rồi. Bàn về thơ
ca cách mạng ta phải nói đến những cái tên như Quang Dũng, Chính Hữu,
Phạm Tiến Duật và hơn hết là Tố Hữu. Một trong số tác phẩm của ông từng
gây tiếng vang lớn trong thi đàn văn học là Việt Bắc-lời nhắn gửi tâm tình
giữa người về xuôi và người ở lại. Việt Bắc mang nặng tâm tình của tác giả
với những con người đã gắn bó suốt mười mấy năm nơi trận địa Điện Biên
lừng lẫy. Đây chính là một trong những tác phẩm thơ thể hiện tài năng đỉnh
cao của Tố Hữu.
Tháng mười 1954, thủ đô Hà Nội rợp bóng cờ bay sau chiến thắng
Điện Biên chấn động và lừng lẫy. Chiến thắng ấy là một trong những mốc
son quan trọng đối với lịch sử dân tộc, là tiền đề cũng là động lực cho công
cuộc bảo vệ đất nước và giải phóng dân tộc sau này. Nó cũng là kết quả
xứng đáng cho cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ nhưng đầy anh dũng
của nhân dân ta và trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng, sức mạnh
thời đại.
Trước Việt Bắc, ta đã biết đến tác phẩm Từ Ấy của Tố Hữu. Bài thơ ghi
lại bước ngoặc khi tác giả tham gia vào hàng ngũ của Đảng, nó thể hiện
niềm vui sâu sắc của Tố Hữu trước cương vị mới cũng như tình cảm gắn bó
của một đảng viên với nhân dân trong cách mạng. Nếu Từ Ấy là mở đầu cho
cuộc đời cách mạng của ông thì Việt Bắc chính là tác phẩm được ra lò khi
ông đã là một chiến sĩ cách mạng chân chính, cũng là một dấu mốc quan của
ông và của cả nước. Là một trong những cán bộ kháng chiến từng sống và
gắn bó với người dân và thiên nhiên Việt Bắc, tác phẩm chính là khúc nhạc
tâm hồn với giọng điệu da diết khi con người thi sĩ phải chia tay nơi chiến
trường Việt Bắc thân thương.
Mở đầu Việt Bắc là sự đóng vai của Tố Hữu với vai trò là người ở lại hỏi
người ra đi với câu hỏi đầy ngậm ngùi,vì trong chia tay thì người ở lại có lẽ là
người chơi vơi nhất:
“Mình về mình có nhớ tam
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng
Mình về mình có nhớ không
Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?”

Mình - ta tiếng gọi nghe thân thương làm sao, chỉ cách gọi nhau cũng đủ cho
chúng ta thấy tình cảm đôi bên sâu nặng nhường nào! Tố Hữu đã tinh tế
dùng cách xưng hô ấy cho đồng bào Việt Bắc với những người chiến sĩ từng
đóng quân nơi ấy, những người có sứ mệnh giành lại hoà bình cho đất nước.
Ở đoạn thơ này, mình là người cán bộ về xuôi, “ta” là người Việt Bắc. Nhưng
ở đoạn khác “mình”, “ta” lại có sự chuyển hóa. Trong đó “mình” và “ta” tuy hai
mà một, tuy một mà hai, trong “mình” có “ta”, trong “ta” có “mình” tạo nên một
thể hòa hợp và thống nhất, cùng thể hiện sự gắn bó sâu sắc tình quân dân.
“Mình” và “ta” cũng là cách cũng hô giữa vợ và chồng, tuy ở đây đôi bên
không phải tình cảm trai gái nhưng tình cảm của họ với nhau còn hơn như
thế nữa.
Song song ấy, nối tiếp tiếng gọi thân thương là những câu hỏi liên tục,
mang trên đó là sự da diết, là lời nhắn nhủ thâm tình về con người, về rừng
núi cảnh vật nơi chiến khu Việt Bắc. Nó như tâm thế đôi chút khó kiềm nén
của người hỏi, lại thêm đôi chút lo lắng sợ người đi sẽ thật sự đã quên
những kỷ niệm gắn bó cùng nhau. Điệp từ “nhớ” được nhắc lại nhiều lần
trong câu hỏi tu từ càng xoáy sâu vào trong lòng người đọc, như muốn gợi
lên lại những hồi ức về khoảng thời gian từng gắn bó với nhau xem nhau
như người một nhà. “Mười lăm năm” là mốc thời gian bao quát sự kiện lịch
sử trên vùng đất Việt Bắc, nơi viết nên giai thoại lừng lẫy năm châu chấn
động địa cầu. Từ trước nhân dân ta đã có truyền thống đấu tranh kháng
chiến giành độc lập. Từ thời Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán trên sông
Bạch Đằng, ba lần kháng chiến chống Mông Nguyên,…Có thể nói tại Châu Á
ít có dân tộc nào chịu nhiều cam go thử thách như vậy trong quá trình dựng
nước và giữ nước. So với hàng nghìn năm đấu tranh với giặc giặc ngoại xâm
thì mười lăm năm ấy chẳng thể so bì được, nhưng cái quan trọng ở đây,
khoảng thời gian ấy như một trang nhật trình, bồi đắp biết bao tình cảm của
người với người và có thể đong đầy bằng cả một đời. Câu hỏi cũng bày tỏ sự
nghi hoặc về lòng thuỷ chung son sắt của người ở lại trước người đi. Khi trở
về với phố xá đông đúc nhộn nhịp ấy thì liệu người đã xa có từng nhớ đến
bóng dáng xưa cũ “cây,núi, sông, nguồn?” không? Hay ánh đèn điện nơi phố
thị đã làm vơi đi màu sắc nhạt nhòa của ánh trăng cùng đèn dầu, bếp lửa
trong lòng họ. Ta biết cuộc đời luôn vận động theo quy luật của nó, có gặp gỡ
thì cũng có chia ly, sự chia ly có thể bị ngăn trở bởi khoảng cách thế nhưng
tình cảm thì vẫn luôn đong đầy trong tim, tin chắc là như vậy. Tác giả đặc biệt
dùng từ ngữ vô cùng biểu cảm là “thiết tha” và “mặn nồng”, điều đó như làm
đong đầy hơn giá trị của những thứ tình cảm ấy. Phải thật trân trọng, đáng
quý và chân thành xiết bao mới khiến con người ta luôn nhung nhớ khôn
nguôi nếu phải đánh mất đi thứ gì đó. Thật vậy, Tây Bắc từ con người đến
cảnh vật đều đã trở thành nơi nương náu tâm hồn của tác giả và mọi người
lính lúc bấy giờ, dù xa nhưng trái tim họ vẫn luôn giành một chỗ cho Việt Bắc
thân yêu.
Nếu bốn câu trước là lời của người Việt Bắc thì bốn câu tiếp theo là lời
của người chiến sĩ về xuôi với hồi ức về giây phút chia tay cùng những cảm
xúc khó tả thành lời:
“Tiếng ai tha thiết bên cồn
Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi
Áo chàm đưa buổi phân li
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…”
Từ “ai” đã khơi gợi được nhiều xúc cảm của đọc giả, nó làm con người ta
phải suy nghĩ và trăn trở về đối tượng mà tác muốn nhắc đến. “Ai” có thể là
người ra đi, cũng có thể là người ở lại. Nhưng dù trên danh nghĩa là người đi
hay người ở lại thì trong lòng mọi người chắc chắn đều không mấy dễ chịu
khi sắp phải giã từ những người đồng hành cùng mình suốt mười lăm năm.
Mười lăm không dài cũng không ngắn nhưng nó đủ để con người ta từ người
dưng mà trở nên thân thiết như từng khúc ruột của mình. Người cô già khi
nào còn xa lạ nhưng bây giờ trở thành người mẹ thứ hai của mình, cô em gái
nhỏ ngày nào cũng từng sợ sệt trước những người lạ mặt giờ cũng bịn rịn
lưu luyến người anh mới. Có thể nói tuy chiến tranh gây ra hậu quả khôn
lường nhưng trong chiến tranh họ lại hình thành những tình cảm mới, mà
xuất phát điểm của họ chỉ là những người xa lạ với nhau mà thôi. Trở lại với
tác phẩm, tiếp nối thành công của từ phiếm chỉ ai thì từ láy “tha thiết” càng
khắc họa rõ nét hơn tình cảm của quân và dân ta trong kháng chiến. “bâng
khuâng” và “bồn chồn” vì trong lòng họ như chất chứa nhiều nỗi niềm tâm sự
ở đó. Xen lẫn niềm vui chiến thắng trước kẻ địch hung ác sau hơn mấy mươi
ngày đêm chiến đấu ác liệt, cùng với đó là niềm vui được về lại quê hương,
đoàn tụ với gia đình. Cũng trong giây phút đó con người lại trải nghiệm noỗi
buồn trong niềm vui khi phải chia tay mảnh đất thấm đẫm nghĩa tình. Không
phải nơi họ sinh ra, không phải nơi họ chôn nhau cắt rốn nhưng hành trình
mười lăm năm trôi qua khiến những người lính đã vô tình xem Việt Bắc trở
thành ngôi nhà của mình. Tình cảm với con người và cảnh vật như trở thành
tâm khảm của mọi người lính chứ không riêng gì tác giả nữa.
Nối mạch cảm xúc là hình “Aó chàm” hình ảnh chiếc áo truyền thống
của dân tộc một màu áo nâu giản dị không cầu kỳ nhưng nó thể hiện được
linh hồn tươi đẹp, gần gũi, bình dị của người dân núi rừng Tây Bắc. Chiếc áo
ấy như tín vật của người ở lại giành cho người ra đi với hi vọng thủy chung
của con người Tây Bắc giành cho những người lính anh hùng và mong rằng
bản thân họ sẽ là một kỷ niệm đẹp trong lòng những anh hùng của họ. Có lẽ
sau màu áo xanh bộ đội của những người chiến sĩ thì màu áo nâu ấy tuy
giản dị nhưng sẽ trở thành chiếc áo đẹp nhất trong lòng họ mà không gì thấy
thế được. Qua câu thơ “cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…” ta thấy được
trong buổi chia ly ấy những cảm xúc bịn rịn mà con người ta không thể thốt
thành lời . Dẫu biết là lần cuối gặp nhau, trong lòng là nghàn lời muốn tâm sự
nhưng lại không biết bắt đầu từ đâu mà nói. Điều đặc biệt khó phát hiện ở
đây chính là khoảng lặng giữa lúc phân li ngậm ngùi, đó là cảm xúc bình
thường của người khi phải chia xa những gì thân thương của mình. Họ nhìn
nhau mà nghẹn lòng, ngập ngừng, muốn nói rồi lại thôi, muốn tranh thủ nói
thật nhiều nhưng thật sự không biết nói gì. Trong phút chia ly thì bàn tay
nóng ấm gắn với trái tim đầy xúc động hơn mọi lời nói khác, nhất là ở cuộc
chia ly chưa biết ngày trở lại.
Khép lại khung cảnh chia ly đầy xúc động với những cảm xúc quyến
luyến không muốn chia lìa của đôi bên. Tiếp đó là lời thoại của những người
ở lại nhắc về ký ức những ngày chiến khu tuy vất vả mà vui:
“Mình đi, có nhớ những ngày
Mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mù
Mình về, có nhớ chiến khu
Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai?
Mình về, rừng núi nhớ ai
Trái bùi để rụng măng mai để già.”
Có thể nói để giành được chiến thắng vẻ vang Điện Biên Phủ năm 1954 là
phải đánh đổi thật sự rất nhiều. Đánh đổi nhiều mảnh đời tươi đẹp đang tuổi
xuân xanh, đánh đổi bằng máu, xương và thịt của những người anh hùng
dân tộc. Cuộc trường kỳ kháng chiến ấy là cuộc chiến vô cùng vất vả, so về
quân lực ta không thể nào sánh được với địch, so về vũ khí hay trang thiết bị
càng không thể. Nếu muốn so ta chúng ta có một đội quân mạnh mẽ, gan dạ
cùng tinh thần quyết chiến quyết thắng kiên định. Như đã nói, quân và dân ta
đã chiến đấu mạnh mẽ nhưng trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt và thiếu
thốn. Cuộc sống sinh hoạt chiến đấu gắn liền với núi rừng, khát thì uống
nước suối, đói thì nắm cơm với rau rừng, măng già. Những điệp ngữ “Mình
đi”, “mình về” với nhịp điệu liên tục và dồn dập như dệt lên bức tranh sinh
hoạt của các chiến sĩ trong những ngày chiến đấu lao khổ. Sau mỗi cụm từ
“Mình đi”, “Mình về”, nhà thơ đã tinh tế đặt một dấu phẩy, điều đó tạo nên
một khoảng lặng giữa các ý trong đoạn thơ, là khoảnh khắc ngưng đọng, để
kỷ niệm ùa về trong tâm tưởng. Cũng để cho đọc giả có thể mường tượng
nên câu chuyện mà tác giả muốn kể. Những kỷ niệm ấy luôn chiếm hữu
trong tim của những người dân Tây Bắc, “những ngày”trong không gian
“chiến khu” cùng những hình ảnh “mưa nguồn suối lũ”, “những mây cùng
mù”, “miếng cơm chấm muối”, là ẩn dụ cho thời kỳ gian khổ của người hoạt
động cách mạng nhất là những năm đầu kháng chiến, khi con người chưa
quen được với hoàn cảnh mới có lẽ còn gặp nhiều khó khăn. Nhưng cũng
chính những khó khăn ấy đã khiến cho những đóa hoa cảm tình giữa quân
và dân ta nở lên thắm thiết. Bằng sự quan tâm, chăm sóc đùm bọc của
những người dân địa phương, những chiến sĩ sẽ dễ dàng hơn trong việc làm
quen với hoàn cảnh mới, cũng dễ dàng cho việc chiến đấu bảo vệ tổ quốc.
Nhưng khi những người lính đã hoàn thành nghĩa vụ của mình, họ trở về nơi
quê nhà thật sự của họ thì những hình ảnh ấy sẽ trở thành những kỷ niệm
khó quên của người dân Việt Bắc. Người ta nói nhìn cảnh sẽ nhớ người,
điều đó giải thich cho lý do vì sao con người khi muốn quên đi một ai đó sẽ
vứt bỏ mọi thứ có liên quan đến người đó. Những hình ảnh, cụm từ “trái bùi
để rụng”, “măng mai để già” đã thể hiện nỗi buồn thăm thẳm, chạnh lòng khi
người cách mạng về xuôi để lại núi rừng Tây Bắc chênh vênh, đìu hiu thiếu
đi nhịp sống mạnh mẽ của cách mạng một thời. Vô tình cảnh vật cũng trở
nên lạ lẫm khi nhịp sống đột ngột thay đổi từ đông vui về vắng vẻ như những
ngày trước 1940.

“Mình đi, có nhớ những nhà


Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son
Mình về còn nhớ núi non
Nhớ khi kháng Nhật, thuở còn Việt Minh
Mình đi mình có nhớ mình
Tân Trào, Hồng Thái, mái đình, cây đa?”
“Mình có còn nhớ hay không những ngày tuy gian khổ mà vui vẻ bên những
người đồng đội cùng những cuộc quây quần đậm tình quân dân?” Đó như
câu hỏi luôn tồn tại trong lòng những người ở lại. Trong bốn câu thơ này tác
giả đã thật tỉ mĩ khi sử dụng phép đảo ngữ, đưa “hắt hiu” lên đầu câu tạo nên
sự tương phản của hai vế. Đầy tiên là “Hắt hiu lau xám” lột tả nỗi buồn trống
vắng, hiu hắt của núi rừng cũng đồng thời ám chỉ những ngôi nhà của những
con người áo chàm hồn hậu mà bình dị. Đối lập với đó là vế sau với nội dung
ca ngợi phẩm chất con người nơi đây “đậm đà lòng son”. Đó là tấm lòng
nhân dân thủy chung, son sắt luôn hướng về những chiến sĩ, tràn đầy tinh
thần cách mạng. Họ đã có một tấm lòng bao dung to lớn luôn bao bọc che
chở, nhường cơm, sẻ áo cho bộ đội. Tuy hoàn cảnh của họ thiếu thốn nhưng
đối với những anh hùng của đất nước họ luôn giành sự giàu có nhất của
mình, đó là một tâm hồn giàu lòng yêu thương nhân ái. Chính những tình
cảm ấy đã góp phần to lớn để làm nên chiến thắng Điện Biên lừng lẫy năm
châu, chấn động địa cầu.
Cũng chính Tố Hữu đã viết:
“Chín năm làm một Điên Biên
Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”
Hai câu thơ ấy của Tố Hữu nói về là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc
Việt Nam, thể hiện một tầm vóc lịch sử đáng tự hào của dân tộc trước sự
kiện đại thắng quân Pháp vang dội. Chiến thắng ấy để lại những giá trị quan
trọng cho lịch sử và cả giới văn học nghệ thuật nước nhà và toàn thế giới.
Hai mươi câu thơ mở đầu cho tác phẩm Việt Bắc là xuyên suốt hai mươi
câu dạt dào tình cảm. Từng câu, từng chữ đều đong đầy cảm xúc và là tiếng
lòng chứa chan nỗi niềm của tác giả. Bằng vốn ngôn từ đa dạng cùng sự
chọn lọc tỉ mĩ cẩn thận, ngòi bút của Tố Hữu đã thật sự tạo được tiếng vang
lớn với một Việt Bắc không chỉ là văn chương mà còn mang nặng tấm lòng
của cả nhiều con người nữa. Những câu hỏi, những hình ảnh, những cảm
xúc mà Tố Hữu đề cập đến đều mang những giá trị sâu sắc về tình cảm
quân và dân ta trong suốt mười lăm năm Việt Bắc đầy giang lao.
Việt Bắc không phải là bức tranh chiến trường khốc liệt mà là áng thơ
ngọt ngào, đằm thắm như một bản tình ca sâu lắng, rất tiêu biểu cho hồn
thơ, cho phong cách thơ Tố Hữu. Xuyên suốt hai mươi câu thơ với nhiều
cung bậc cảm xúc lẫn lộn giữa vui mừng chiến thắng và quyến luyến sự chia
tay, niềm vui và nỗi buồn ấy xen lẫn vào nhau nhưng tạo nên một tổng thể
hoà hợp dễ hình dung về cảm xúc của người đi và người ở lại. Qua ngồi bút
tinh tế mà sâu sắc Tố Hữu đã đem đến ta một đoá hoa đẹp giữa cuộc đời,
đoá hoa ấy mang màu sắc xinh đẹp là sự kết tinh của tình yêu thương gắn
bó đoàn kết của quân và dân ta trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp
trường kỳ khốc liệt. So với Từ Ấy thì Việt Bắc đã thể hiện một tinh thần thơ
vững trải hơn sau gần mươi hoạt động cách mạng, đánh dấu cho sự trưởng
thành và phát triển trong cuộc đời hoạt động cách mạng và nghệ thuật của
Tố Hữu

You might also like