You are on page 1of 5

HỌ VÀ TÊN: ĐÀO NGUYỄN NGÂN TRÂM

SỐ: 38

ĐỀ 2: PHÂN TÍCH 12 CÂU THƠ TIẾP THEO CỦA BÀI THƠ “VIỆT BẮC”:

“- Mình đi, có nhớ những ngày

Mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mù

Mình về, có nhớ chiến khu

Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai?

Mình về, rừng núi nhớ ai

Trám bùi để rụng, măng mai để già.

Mình đi, có nhớ những nhà

Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son

Mình về, còn nhớ núi non

Nhớ khi kháng Nhật, thuở còn Việt Minh

Mình đi, mình có nhớ mình

Tân Trào, Hồng Thái, mái đình, cây đa?”

BÀI LÀM

Thơ ca như một bông hoa tuyết nhẹ nhàng hạ cánh bên bờ của hiện thực, khiến người
đọc mê mẩn chiêm ngưỡng và quyện lòng mà không chút đắn đo. Nếu ví thế giới nghệ thuật là
một bức tranh muôn màu, muôn vẻ, thì thơ chính là một mảng màu tươi sáng và đẹp đẽ, say đắm
lòng người với vô vàn cung bậc xúc cảm như Voltaire đã viết: “Thơ là âm nhạc của tâm hồn, những
tâm hồn đa sầu, đa cảm”. Nhắc đến thơ ca kháng chiến, ta không thể nào quên đi hình ảnh của
một người chiến sĩ làm thơ, là “cánh chim đầu đàn" của thơ ca cách mạng Việt Nam - Tố Hữu. Mỗi
tác phẩm của ông như mang trong mình tiếng nói của thời đại, một thời đại bi tráng của dân tộc,
một thời đại đất nước ngập chìm trong bom đạn, khó khăn. Song chưa bao giờ ta bắt gặp ở thơ
Tố Hữu sự bi thương đến cùng cực, thơ ông như một bản tình ca dịu dàng, đầm thắm, lạc quan,
khơi dậy trong lòng độc giả những rung cảm khôn nguôi. Một trong những kiệt tác thơ ca của Tổ
Hữu chính là tác phẩm “Việt Bắc” - khúc tình ca sâu nặng, thủy chung của người cán bộ Tố Hữu
đối với nhân dân, với Cách mạng đã “gây xúc động” bao trái tim yêu thơ qua bao tháng năm dài.
Đặc biệt mười hai câu thơ tiếp theo đã tái hiện lại những nỗi niềm tâm sự luyến lưu, bịn rịn và tình
cảm gắn bỏ sâu nặng của người ở lại dành cho người ra đi:

“- Mình đi, có nhớ những ngày

...
Tân Trào, Hồng Thái, mái đình, cây đa?”

Chính nhà thơ Tố Hữu đã từng viết: “Thơ chỉ trào ra khi trong tim ta cuộc sống đã tràn
đầy". Đúng thật như vậy, tình yêu và nỗi nhớ đã trở thành sợi dây giăng mắc khắp các trang thơ
của Việt Bắc, dung chứa những mạch nguồn thiêng liêng của một thứ tình cảm lớn lao không thể
nào quên. Đó là những kỉ niệm miên man, da diết cứ thổn thức mãi trong lòng người ở lại. Thi
nhân không chỉ vẽ ra khung cảnh chia li đầy ngậm ngùi, thương mến giữa người đi - kẻ ở mà còn
gợi nhắc những hỏi ức về cuộc kháng chiến chống Pháp đầy gian khổ:

“- Mình đi, có nhớ những ngày

Mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mù

Mình về, có nhớ chiến khu

Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai?”

Bằng việc sử dụng điệp từ “mình”, Tố Hữu đã tạo nên những vần thơ chất chứa nỗi lòng
từ sâu thẳm tâm hồn người ở lại. Cuộc chia li giữa “mình" và “ta” là cuộc chia tay giữa người cán
bộ Cách mạng với đồng bào Việt Bắc. Họ đã từng sống gắn bó với nhau trong khoảng thời gian
mười lăm năm “thiết tha mặn nồng". Chữ “mình” được cất lên tha thiết, nhắc nhớ về những kỉ
niệm trong cuộc sống kháng chiến của kẻ ở dành cho người đi. Từ “nhớ” ở hai câu thơ “Mình đi,
có nhớ những ngày” và “Mình về, có nhớ chiến khu" cho ta thấy sự luyến lưu, nhớ nhung da diết
của người dân Việt Bắc muốn gửi gắm đến những người chiến sĩ nay phải trở về, phải chia tay
mảnh đất “thủ đô gió ngàn” đã từng gắn bó. Lời nhắn nhủ ân cần như khơi gợi trong lòng người
cán bộ một nỗi nhớ miên man về những tháng ngày kháng chiến gian khổ, hiểm nguy: “Mưa
nguồn suối lũ, những mây cùng mù". Nhớ về Việt Bắc là nhớ về những cơn mưa đầu nguồn xối xả,
với lũ suối thành sông, với âm u rừng núi, mây mù che phủ. Trong bức tranh thiên nhiên khắc
nghiệt, lạnh lẽo chồng chất khó khăn ấy, những tia sáng ấm áp từ nhân dân Việt Bắc đã soi sáng
khắp không gian núi rừng, hun đúc lên thứ tình cảm quân dân cao đẹp. Các hình ảnh “mưa
nguồn”, “suối lũ”, “mây mù" đã gợi tả sự vất vả, cực nhọc mà những người cán bộ và nhân dân đã
cùng nhau trải qua. Chỉ bằng một câu thơ tám chữ, Tố Hữu đã khắc họa rõ nét bức tranh hiện thực
chiến tranh vô cùng gian khổ nhưng cũng thật hào hùng, khiến cho người đọc không khỏi xót xa
về những gian lao mà cán bộ Cách mạng và nhân dân Việt Bắc đã phải chịu đựng trong cuộc
kháng chiến lúc bấy giờ để giành lại độc lập, tự do. Không chỉ nhớ về khung cảnh mưa lũ, mây mù
có chút ảm đạm nhưng vẫn mang đậm chất trữ tình, phóng khoáng và hùng vĩ của thiên nhiên mà
người ở lại còn gợi nhớ về một cuộc sống sinh hoạt ở chiến khu cách mạng.

Cuộc hành quân của các anh không chỉ có những tiếng hoan ca và sự lạc quan đời lính
mà còn trải qua cảnh “miếng cơm chấm muối" đạm bạc, san sẻ cho nhau từng bữa cơm chứa chan
nghĩa tình. Mảnh đất chiến khu tưởng chừng như đầy đủ trang thiết bị vật tư nhưng lại thiếu thốn
trăm bề, vật dụng còn thô sơ, lương thực thì lại càng hạn chế. Bốn chữ “miếng cơm chấm muối"
như quặn thắt lòng ta, cái nghèo, cái đói xâm chiếm đến từng bữa ăn, giấc ngủ. Tố Hữu đã tái hiện
một cách sống động nơi tiền tuyến đầy rẫy những hiểm nguy rình rập như thế để làm đòn bẩy
“họa mây nẩy trăng” góp phần làm nổi bật lên vẻ đẹp tinh thần anh dũng, can trường của người
lính. Họ không hề sợ hãi, chùn bước mà luôn sáng ngời ý chí quyết tâm, bởi lẽ họ đang gánh vác
trên vai một trách nhiệm nặng nề và lớn lao hơn. Đó là mối thù bị cướp nước làm cho người dân
Việt Nam ta phải chịu những tang thương, mất mát, hi sinh. Họ phải tận mắt chứng kiến cảnh chia
li đau đớn tột cùng khi mẹ xa con, người vợ xa chồng, con xa cha. Tất cả những xa cách đó dường
như một đi không trở lại, in hằn những kí ức đau buồn đến khôn cùng. Người lính quên đi cái tôi
cá nhân để hòa vào cái ta chung, cái cộng đồng rộng lớn. Họ dùng tiếng cười để động viên nhau,
truyền cho nhau hơi ấm tình người, sự lạc quan, dũng cảm cầm súng lên đường ra trận để giết
giặc, cứu nước. Câu thơ cũng bộc lộ niềm tự hào của những con người đã từng trải qua những
ngày tháng gian khổ, kiên trì đấu tranh để giành lại độc lập, tự do và đem đến cho nhân dân một
cuộc sống hạnh phúc, ấm no. Những câu hỏi tu từ cứ nối đuôi nhau như sóng cuộn trào, nhịp thơ
2/2/2/ và 4/4 đều đặn, đại từ nhân xưng “mình” cùng các hình ảnh gợi tả đặc sắc, Tố Hữu đã tái
hiện một cách chân thực và sinh động những năm tháng kháng chiến gian lao đầy vất vả, hi sinh
nhưng lòng người luôn kiên cường, bất khuất, cùng nhau đồng cam cộng khổ đẩy lùi tất cả. Đúng
như lời mà Bác Hồ từng căn dặn: “Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua,
kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Qua bốn câu thơ tiếp theo người dân Việt Bắc đã khắc ghi vào trái
tim của người ra đi bằng những câu hỏi tu từ khơi gợi nhiều kỉ niệm với thiên nhiên và con người
mang nặng nghĩa tình:

“Mình về, rừng núi nhớ ai

Trám bùi để rụng, măng mai để già.”

Người về với thị thành tấp nập để lại một khoảng trống khó lấp đầy của không gian núi
rừng cũng như bần thần “nhớ ai”. Biện pháp nghệ thuật hoán dụ kết hợp với nhân hóa đã diễn tả
sâu đậm tấm lòng của người dân Việt Bắc đối với những con người cách mạng. Người ở lại đã
thông qua lời hỏi để khẳng định rằng thiên nhiên nơi đây cũng rất lưu luyến, bịn rịn và trống vắng
khi người đi. Trong từng tấc đất Việt Bắc dường như đã in dấu chân của những người cán bộ chiến
sĩ. Những cung bậc cảm xúc thiết tha, quyến luyến cùng nỗi nhớ miên man, trải dài vô tận đã nhắc
nhớ về khoảnh khắc mà họ cùng nhau kề vai sát cánh, chia ngọt sẻ bùi, làm nên những điều tuyệt
vời cho cuộc kháng chiến. Người con xứ Huế Nguyễn Kim Thành thật sự đã sống - sống sâu, sống
đầy với đời để có thể “mở hồn ra đón lấy tất cả những vang động” của đất trời để rồi bật lên tiếng
“ai” vừa bâng khuâng, xao xuyến, vừa tha thiết, lạ lùng. Nó tựa như một câu nhắc nhở, buộc thốt
lên vang vọng khắp không gian núi rừng đại ngàn nắng gió, đi sâu vào trong tâm khảm người đọc
như một hoài niệm không thể phai nhòa. Hình ảnh “trám bùi”, “măng mai” chính là những món ăn
dân dã, mộc mạc, giản đơn của người miền ngược và đồng thời cũng là những điều tốt đẹp nhất
mà nhân dân Việt Bắc đã dành dụm, chắt chiu cho cán bộ cách mạng. Nhịp ngắt 4/4 cùng với hai
vế câu đối xứng đã làm cho chúng ta thấy được những sản vật quý giá nhưng vô cùng quen thuộc,
bình dị của núi rừng. Nhà thơ Tố Hữu đã mượn cái thừa để nói cái thiếu gợi ra tấm lòng son sắt,
thuỷ chung và nỗi nhớ khắc khoải của người đi - kẻ ở. Qua những vần thơ thấm đượm nghĩa tình
sâu nặng ấy, tác giả đã thể hiện sự tiếc nuối, băn khoăn và tình cảm sâu nặng mà người ở lại đã
dành cho người ra đi. Nỗi buồn trống trải, cô đơn, quạnh hiu của người và cảnh đã dâng trào cả
không gian rộng lớn, hùng vĩ như muốn níu chân người áo xanh trở lại. Tuy thiên nhiên Việt Bắc có
khắc nghiệt đến đâu, điều kiện chiến đấu có thiếu thốn cỡ nào, thì giữa những màu xám tro hiu
hắt của cảnh vật, vẫn luôn còn đó những tấm “lòng son” mà những con người “áo chàm” nghèo
khó dành cho các anh trong suốt mười lăm năm trường kì kháng chiến – thứ khiến cho cuộc chia li
hiện tại càng khó có thể buông đứt:

“Mình đi, có nhớ những nhà

Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son”

Chảy trôi theo dòng cảm xúc nhớ thương của người lính, trạm dừng chân kế tiếp đó
chính là “nhà”. Mái nhà ấy hoán dụ cho đồng bào Việt Bắc luôn gìn giữ cốt cách cao đẹp của
người Việt Nam “ân nghĩa thủy chung". Hai câu thơ có hình ảnh tượng trưng đầy ấn tượng đã đậm
tô những ngôi nhà sàn thấp thoáng sau lau sậy hắt hiu, hoang vắng ẩn chứa tình cảm nghĩa tình
của con người miền núi chân chất, mộc mạc. Đối với mỗi gia đình, ngôi nhà không chỉ là thành
quả lao động cả một đời mà họ đã chắt chiu, dành dụm mà còn là nơi nuôi dưỡng những tấm
lòng son sắt, trung hậu với cách mạng. Những mái nhà tranh nghèo đã sờn cũ trong nắng gió
cuộc đời với cái dáng vẻ “hắt hiu lau xám" đã khơi gợi nên nỗi buồn đơn độc, trống vắng và chất
chứa tình yêu thương đậm sâu của người ở lại đối với người ra đi. Điều đó làm ta nhớ đến những
vần thơ du dương trọn vẹn trong thi phẩm “Tây Tiến” của Quang Dũng: “Nhà ai Pha Luông mưa xa
khơi”.Người chiến sĩ Tây Tiến đã từng rất phấn khởi khi nhìn thấy thấp thoáng những nếp nhà sơn
dã ẩn hiện giữa cơn mưa Tây Bắc trắng xóa. Dường như trong tâm can mỗi người lính, người cán
bộ cách mạng, họ đều nhớ đến nhân dân với những cảm xúc bồi hồi, bình yên khó tả. Vẫn trong
mạch cảm xúc băn khoăn, trăn trở, đồng bào chiến khu đã gợi nhớ những mái ấm gần gũi, thân
thương bằng một niềm kiêu hãnh về phẩm chất cách mạng của mình. Sự tương phản, đối lập giữa
“hắt hiu lau xám” và “đậm đà lòng son” - một hình ảnh ẩn dụ rất đẹp ca ngợi tấm lòng thủy chung,
ân tình càng khắc sâu ấn tượng về những con người tuy nghèo khổ, thiếu thốn nhưng giàu tình
yêu nước, gắn bó với cách mạng và kháng chiến. Tất cả những lí tưởng cao đẹp đó đã góp phần
làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu": “Chín năm làm một
Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng” .

Lội ngược dòng quá khứ, những kỉ niệm từ thuở “kháng Nhật” từ khi “còn Việt Minh" vẫn
được người ở lại nhớ như in để nhắc nhớ người cán bộ về xuôi:

“Mình đi, mình có nhớ mình

Tân Trào, Hồng Thái, mái đình, cây đa?”

Tố Hữu thật tinh tế và tài tình trong cách gợi nhắc về hai sự kiện lịch sử trọng đại của dân
tộc, gắn liền với những địa danh đã trở thành dấu mốc của chiến khu cách mạng. Cùng với những
hình ảnh đặc trưng cho vùng cao Việt Bắc, đại từ “mình” xuất hiện đều đặn, nhịp nhàng và biến
hóa linh hoạt suốt khổ thơ đã tạo nên sắc điệu trữ tình, thắm thiết, đậm đà tính dân tộc. Nếu đại
từ "mình" được dùng để chỉ những người bộ miền xuôi, người ra đi trong cuộc chia tay ấy ở phần
đầu thì sang đến câu thơ cuối khổ, “mình” được lặp lại ba lần với nhiều ý nghĩa khác nhau mà lại
quyện hòa, không thể phân định. Những vần thơ trữ tình cất lên như lời nhắn nhủ thiết tha của
người ở lại, dù cho người chiến sĩ có đi đâu về đâu, có trở về thủ đô Hà Nội hoa lệ huyên náo thì
các anh luôn là một phần máu thịt của Việt Bắc, hãy luôn nhớ về những ý chí quyết tâm cùng lí
tưởng sống cao cả mà họ đã dành trọn cho non sông Tổ quốc. Với tình cảm gắn bó tha thiết ấy,
người ra đi đừng quên những cái tên thân thuộc: Tân Trào, Hồng Thái - nơi khởi nguồn cho những
thắng lợi sau này, đừng vội phai nhòa những kí ức thiêng liêng về buổi lễ xuất quân dưới gốc đa
Tân Trào cổ thụ, bên mái đình xưa. Mảnh đất đầy sương gió này đã hun đúc nên ngọn lửa nồng
cháy, rèn chí luyện gan cho người chiến sĩ cách mạng - những con người mang theo hào khí của
thời đại. Câu thơ cuối cùng có sự đổi chỗ thú vị: mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào được hoán vị
thành “Tân Trào, Hồng Thái, mái đình, cây đa?" vừa nhấn mạnh những địa danh đã in dấu chân
trưởng thành và lớn mạnh của lực lượng kháng chiến, vừa tạo nên tính chất mới mẻ, độc đáo cho
câu thơ lục bát. Qua đó, tác giả còn đan cài thông điệp về lẽ sống cao cả, truyền thống tốt đẹp của
người dân Việt Nam ta: “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.

Bằng việc sử dụng ngôn từ giản dị, gần gũi với lời ăn tiếng nói của quần chúng nhân dân
cùng kết cấu đối đáp thường gặp trong ca dao, dân ca, mười hai câu thơ tiếp theo trong thi phẩm
“Việt Bắc” vang lên như những giai điệu hay nhất của cung đàn nghĩa tình, ấm áp. Những kỉ niệm
cứ tràn về trong miên man nỗi nhớ, thổn thức mãi trong lòng người ở lại, để rồi họ tiếp tục với
hàng loạt câu hỏi, với những điệp ngữ dồn dập, liên tiếp nhau, càng tô đậm trong lòng người ra đi
một không gian núi rừng hùng vĩ cùng những hồi ức không thể nào quên. Cái đặc sắc nhất của
đoạn thơ đó chính là sự phối hợp và sử dụng khéo léo cặp từ “mình đi - mình về" với lối điệp cấu
trúc, nhịp thơ nhịp nhàng như nhịp chao của những cánh chim chiều, rất phù hợp với giọng điệu
trữ tình - chính trị của phong cách thơ Tố Hữu. Qua đó, vẻ đẹp của thiên nhiên và con người Việt
Bắc, của cuộc sống chiến đấu gian khổ nhưng ấm áp tình người, của lịch sử cách mạng một thời
không thể nào quên cũng được hiện lên sâu đậm hơn bao giờ hết. Lắng nghe, đón đọc những lời
thơ như vậy, ta mới mường tượng được rõ ràng về một thời đại lịch sử đầy hào khí của cha ông đi
trước, mới thấu hiểu những tháng ngày phải “nằm gai nếm mật” đầy hiểm nguy của họ, để rồi từ
đó ta biết trân quý hơn những gì mà mình có trong ngày độc lập. Trang sách khép lại, câu chuyện
kết thúc, nhưng những thông điệp sâu sắc phía sau thì lại nhen nhóm và lan tỏa đến tận hôm nay.
Thi nhân đã gửi gắm biết bao niềm tin cho thế hệ sau này ở từng vẫn thơ, con chữ về lòng yêu
nước, tinh thần tự hào dân tộc, lòng thủy chung với dải đất hình chữ S cao quý của nhân dân Việt
Nam. Với những tình cảm sâu sắc được trao gửi vào thơ, “Cánh chim đầu đàn của thơ ca cách
mạng Việt Nam” sẽ luôn ngời tỏa trong lòng độc giả, cho ta nhớ mãi về một Việt Bắc “tha thiết" và
“đẹp vô cùng”.

You might also like