You are on page 1of 4

HỌ VÀ TÊN: ĐÀO NGUYỄN NGÂN TRÂM

SỐ: 38

ĐỀ 1: PHÂN TÍCH 8 CÂU THƠ ĐẦU CỦA BÀI THƠ “VIỆT BẮC”:

“- Mình về mình có nhớ ta

Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.

Mình về mình có nhớ không

Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?

- Tiếng ai tha thiết bên cồn

Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi

Áo chàm đưa buổi phân li

Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay...”

BÀI LÀM

Thơ ca như một bông hoa tuyết nhẹ nhàng hạ cánh bên bờ của hiện thực, khiến người đọc mê
mẩn chiêm ngưỡng và quyện lòng mà không chút đắn đo. Nếu ví thế giới nghệ thuật là một bức tranh
muôn màu, muôn vẻ, thì thơ chính là một mảng màu tươi sáng và đẹp đẽ, say đắm lòng người với vô vàn
cung bậc xúc cảm như Voltaire đã viết: “Thơ là âm nhạc của tâm hồn, những tâm hồn đa sầu, đa cảm”.
Nhắc đến thơ ca kháng chiến, ta không thể nào quên đi hình ảnh của một người chiến sĩ làm thơ, là “cánh
chim đầu đàn" của thơ ca cách mạng Việt Nam - Tố Hữu. Mỗi tác phẩm của ông như mang trong mình
tiếng nói của thời đại, một thời đại bi tráng của dân tộc, một thời đại đất nước ngập chìm trong bom đạn,
khó khăn. Song chưa bao giờ ta bắt gặp ở thơ Tố Hữu sự bi thương đến cùng cực, thơ ông như một bản
tình ca dịu dàng, đầm thắm, lạc quan, khơi dậy trong lòng độc giả những rung cảm khôn nguôi. Một trong
những kiệt tác thơ ca của Tổ Hữu chính là tác phẩm “Việt Bắc” - khúc tình ca sâu nặng, thủy chung của
người cán bộ Tố Hữu đối với nhân dân, với Cách mạng đã “gây xúc động” bao trái tim yêu thơ qua bao
tháng năm dài. Tám câu thơ đầu của bài thơ đã trở thành lời ướm hỏi tràn đầy nỗi băn khoăn, trăn trở, gom
góp những nhớ thương vô ngần của người ở lại dành cho người ra đi giữa cảnh rừng Việt Bắc đẹp tươi:

“- Mình về mình có nhớ ta

...

Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay...”

“Việt Bắc” vận hành linh hoạt trong sự tương giao của cái tôi trữ tình tác giả nhưng cái tôi ấy đã
thực hiện quá trình phân thân thành hai chủ thể thơ trong tổng thể thi phẩm: kẻ ở - người đi. Bốn dòng thơ
đầu là lời ướm hỏi dạt dào của người ở lại, bước đầu gợi nhớ về quãng thời gian đã qua này chỉ còn trong
kỉ niệm, thể hiện một tình cảm nhớ thương, gắn bó sâu sắc dành cho người về xuôi. Trong giây phút chia li
đầy xúc động, người Việt Bắc đã cất lên tiếng lòng thổn thức của mình, câu hỏi nghi vấn mở đầu như để
thuật lại một đoạn đời dài đằng đẵng hơn mười lăm năm đã cùng gắn bó với quân nhân miền xuôi:
“- Mình về mình có nhớ ta

Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.

Mình về mình có nhớ không

Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?”

Tuy trưởng thành trong thời kỳ cách mạng - thời kì đã có những tác phẩm mang lối tư duy mới
mẻ, những phong cách, thể thơ sáng tạo và độc đáo nhưng người chiến sĩ cách mạng ấy vẫn lựa chọn thể
thơ lục bát để viết nên khúc hát của mình. Sự kết hợp của đại từ nhân xưng "mình - ta"gợi lên cho ta một
chuỗi ki ức đằm sâu với biết bao câu ca dao đã ăn sâu vào trong tiềm thức những người con đất mẹ dịu
hiền. Xuyên suốt bài thơ là nỗi nhớ da diết, bịn rịn của người đi với người ở lại, với cảnh vật thiên nhiên nơi
chiến khu Việt Bắc. Câu thơ đầu tiên như đã khơi mở ra chủ âm của toàn bài, khiến đọc giả phải bồi hồi
cảm nhận:

“Mình về mình có nhớ ta”

“Mình” ở đây chính là những người cán bộ cách mạng đã hoàn thành nhiệm vụ trở về với thủ đô
Hà Nội thân thương, để rồi dường như người ở lại - nhân dân Việt Bắc muốn cất lên câu hỏi: Cán bộ cách
mạng liệu có còn nhớ đến những năm tháng chia ngọt sẻ bùi, nhớ những phút giây gắn bó với đồng bảo
Việt Bắc hay không? Câu thơ như cuộn trào trong sự bịn rịn, luyến tiếc về một thời hào hùng đã qua. “Thơ
chỉ bật ra khi trong tim anh mọi thứ đã được ứ đầy”, đọc mỗi câu thơ Việt Bắc, ta như cảm nhận được hết
những xúc cảm đạt dào, nỗi nhớ to lớn của người nghệ sĩ. Tố Hữu đã nhẹ nhàng để người ở lại lên tiếng
trước, bày tỏ nỗi nhớ nhung của mình trước, như một sự kính trọng và thương yêu cô cùng dành cho
những con người đã cùng cán bộ Cách mạng chung một mái nhà và chung những tình cảm gắn bó ruột
thịt sau ngần ấy năm dài. Ta như hình dung một khung cảnh chia tay đầy quyến luyến đang hiện lên trước
mắt, như được nhà thơ chở ngược mà xuôi dòng về quá vãng xa xôi, nơi những kỉ niệm đan chặt và hiện
dần về trong tâm trí.

Xuôi theo dòng chảy của cảm xúc, nhà thơ lại để cho người ở lại lên tiếng gợi nhắc về những kỉ
niệm gắn bỏ trong suốt chặng đường gian nan, vật vả:

“Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.”

Mười lăm năm keo sơn gắn bó, gợi ra chặng đường vất vả của cả dân tộc từ những ngày đầu cách
mạng với cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn năm 1940, đến khi những người kháng chiến trở về Thủ đô vào tháng 10
năm 1954. Tài năng của Tố Hữu đặc biệt được thể hiện tinh tế khi ông khéo léo đan cái vào những sự kiện
lịch sử mang tính trọng đại của dân tộc, nhưng không làm cho thơ trở nên khô khan trả lại giống như một
chất xúc tác khuấy động tâm hồn người thưởng thức. Hiếm có một nhà thờ nào có thể lấy cái khô khan,
cứng nhắc, những bước đi của lịch sử để đưa vào thơ ca một cách đẹp đẽ và tuyệt vời đến như vậy! Phải
tinh tế, khéo léo và tài năng đến đâu mới có thể thốt ra những lời thơ hay, chạm đến trái tim độc giả như
cách “Hồn thơ dân tộc" Tố Hữu đã làm! “Mười lăm năm”– một khoảng thời gian không phải quá dài, nhưng
cũng không hề ngắn để người ra đi có thể dễ dàng quên đi những kỉ niệm, kí ức thân thương ở chốn chiến
khu Việt Bắc nghĩa tình. Câu thơ như trở nên tâm tình, sâu lắng khi tác giả sử dụng từ lấy "thiết tha", khúc
hát tràn ngập trong nỗi nhớ, giờ đây lại trở nên nhẹ nhàng, tâm tình khi mang một cảm xúc bịn rịn, khiến
nỗi lòng của những người ở lại như được bộc lộ một cách rõ nét hơn, những nhớ nhung, hoài niệm về mười
lăm năm gắn bó, mặn mà.

“Mình về mình có nhớ không


Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?”

Nghệ thuật sử dụng ngôn từ, những câu hỏi cứ được lặp đi lặp lại “mình về mình có nhớ ta”.
“mình về mình có nhớ không" như một khúc ca dàn trải nỗi nhớ rộng khắp trang thơ. Cụm từ “Mình về”
được lặp lại một cách vô cùng ý nhị, sự chia tay, sự xa cách là điều chắc chắn, không thể né tránh, gợi lên
trong trái tim biết bao nhiêu day dứt, thổn thức và xót xa. Hai câu thơ như đan cài nỗi nhớ, song hành khiến
cho sự bịn rịn, chia xa như được nhân lên gấp bội. Nếu như ở câu thơ đầu tiên, thi nhân gợi nhớ về khoảng
thời gian mười lăm năm gần bỏ ân tình, thì ở những câu thơ tiếp theo lại gợi lên những hình ảnh thân quen
chốn chiến khu Việt Bắc, thử hỏi lòng người ra đi có quyến luyến, có nhớ thương? Tính dân tộc trong thơ
Tố Hữu lại thêm một lần nữa được thể hiện một cách đầy tinh tế, khi hình ảnh núi, sông gợi lên cho ta đạo
lý “uống nước nhớ nguồn" – một vẻ đẹp trong phong cách, lối sống của con người Việt Nam. Một bức
tranh thiên nhiên rộng lớn hiện lên qua từng đường nét khắc hoạ, hình ảnh “cây”, "sông" tượng trưng cho
những cảnh vật chốn đồng bằng; hình ảnh núi cao, suối nguồn gắn với cảnh vật chốn chiến khu. Câu thơ
như một lời nhắn gửi với người ra đi rằng dẫu có rời xa, dẫu có chia tay nhưng đừng bao giờ quên những
cảnh vật, những kí ức thân thương suốt chặng đường vất vả, hãy nhớ về chiến khu, về tình cảm sâu nặng
của nhân dân Việt Bắc, thể hiện đạo lý ngàn đời của dân tộc Việt Nam - chung thủy, sắt son, nghĩa tình.

Nếu như bốn câu thơ đầu là lời thủ thỉ, tâm tình của những người ở lại, của nhân dân Việt Bắc thi
đến bốn câu thơ tiếp theo, tác giả lại để cho cán bộ cách mạng - người đi bộc bạch, thủ thỉ hết nổi lòng
mình:

“Tiếng ai tha thiết bên cồn

Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi

Áo chàm đưa buổi phân li

Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay...”

Tiếng "ai" ở đây đã gợi ra bao nhiêu suy ngắm, chỉ bằng một từ đặc biệt, Tố Hữu cũng đã khiến
độc giả phải đặt ra biết bao câu hỏi. “Ai” ở đây không chỉ một cá nhân đơn lẻ nào, mà đó chính là toàn bộ
nhân dân Việt Bắc, là những người ở lại đã một lòng tha thiết thương nhớ người đi . Cụm từ “tha thiết" bộc
lộ một nỗi nhớ bịn rịn khôn nguôi về những thanh âm trong trẻo “bên cồn”, để rồi người ra đi phải lưu
luyến, lắng nghe tiếng lòng tha thiết của người ở lại. Tác giả đã sử dụng hai từ láy kế tiếp nhau: “bâng
khuâng”, “bồn chồn" gợi lên tâm trạng vẫn vương, buồn vui hòa lẫn của người cán bộ cách mạng khi rời xa
Việt Bắc. Đặc biệt, từ láy “bồn chồn”đã giúp Tố Hữu diễn tã thành công cảm xúc day dứt, hồi hộp, tâm can
xoáy chìm vào trong bao nôn nao khiến cho bước chân đi cũng ngập ngừng, bịn rịn không muốn chia xa.
“Trong dạ” không muốn rời xa, "bước đi” ngập ngừng không nỡ trong ánh mắt chất chứa bao nhiêu tiếc
nuối dành cho kỉ niệm chưa giây phút nào mờ phai. Vì thể, có một mảnh đất đã hóa thân thành hồn, thành
nỗi nhớ trong lòng cán bộ về xuôi, đó là mảnh đất Việt Bắc ân tình, quê hương kháng chiến - quê hương
của những người dân một thời gắn bó.

"Thơ là đi giữa nhạc và ý, rơi vào cái vực ý thì thơ dễ sâu, rơi vào cái vực nhạc thì thơ dễ say đắm
say người, nhưng cũng dễ nông cạn. Tố Hữu đã giữ được thế quân bình giữa hai vực thu hút ấy. Thơ của
anh vừa ru người trong nhạc, vừa thức người bằng ý”(Chế Lan Viên). Đọc mỗi câu thơ, ta như đang lắng
nghe một khúc hát du dương, một dòng chảy của cảm xúc ngọt ngào, thương nhớ. Cạnh bên đó là sự đan
cài, sự tái hiện các hình ảnh đầy ẩn ý. “Áo chàm” là hình ảnh hoán dụ tài tình tượng trưng cho đồng bào
Việt Bắc - đó là những con người nghèo khổ “hắt hiu lau xám" nhưng luôn “đậm đà lòng son” thủy chung,
mặn nồng. Hình ảnh thơ gợi lên sắc đơn sơ, mộc mạc từ một loại trang phục truyền thống của dân tộc
vùng cao, được nhuộm màu “chàm”, trở thành một nét đặc trưng, biểu tượng của người dân chốn chiến
khu. Câu thơ ngắt nhịp 3/3/2 tại nên khoảng lặng để lắng đọng cảm xúc - là sự bùi ngùi trong giây phút
chia tay đầy lưu luyến:

“Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay...”

Giữa những dòng cảm xúc đan xen lẫn nhau, có vui mừng vì sau những năm tháng gian lao vất vả,
người cán bộ cách mạng được trở về với quê hương của mình, được đoàn tụ với gia đình nhưng sau cùng
vẫn là nỗi luyến tiếc khôn nguôi, bởi từ lâu Việt Bắc đã trở thành quê hương thứ hai trong lòng mỗi người
cán bộ kháng chiến. Nếu chia tay một cách dễ dàng, có thể nói lên lòng mình một cách rõ ràng, hứa hẹn
dành cho nhau thì cuộc chia tay ấy sẽ nhẹ nhàng hơn biết bao! Nhưng ở đây, cầm tay nhau nhưng không
biết nói gì cho phải, liệu rằng sau này có còn gặp lại, liệu rằng người ra đi có còn nhớ về chốn chiến khu
nghĩa nặng tình sâu? Giây phút chia tay lưu luyến khiến người đọc bùi ngùi xúc động, nhưng ta cũng hiểu
rằng đó không phải là một cuộc chia tay đẫm nước mắt để nuối tiếc về những gì đang xảy ra, bởi
kẻ ở - người đi đã dành trọn vẹn tuổi trẻ cho hòa bình độc lập khi ấy. Họ luôn hi vọng về một tương lai
phía trước, thế nên, cuộc chia tay này của họ đã đánh dấu một bước ngoặc vô cùng quan trọng trong
chặng đường đấu tranh của dân tộc, và họ - những người ra đi và cả những người ở lại luôn luôn hi vọng,
chờ đợi giây phút ấy từ rất lâu. Đến tận bây giờ, tuy có chút bâng khuâng, luyến tiếc nhưng những năm
tháng vất vả cuối cùng cũng có ngày được đền đáp xứng đáng bằng hòa bình, bằng sự bình yên. Việt Bắc
sẽ mãi trở thành máu thịt của cán bộ cách mạng, trở thành một phần kí ức đẹp đẽ về một thời kì bom đạn,
khó khăn của đất nước. "Cảnh vật và tinh thần Việt bắc đã nhập vào hồn tôi, máu thịt tôi, Việt Bắc ở trong
tôi” như Tố Hữu từng viết.

Đoạn thơ như một khúc ca ân tình, son sắt, cuộc chia tay bịn rịn của kẻ ở - người đi hòa cùng
những kỉ niệm, nỗi nhớ bồi hồi, da diết. Nhà thơ Quang Dũng đã đưa người đọc đến từng miền hoài niệm
xa xăm, về mười lăm năm ân nặng, tình sâu về những hình ảnh thân thương của áo chàm, của núi cao, của
suối nguồn... rung lên trong tim mỗi người những suy ngẫm xa xăm về một thời kì hào hùng của dân tộc .
Mỗi tác phẩm nghệ thuật đều mang trong mình một câu chuyện đằng sau nét chữ. Thơ ca không giản đơn
chỉ là bộ lộ cảm xúc, thơ ca chân chính phải mang lại cho độc giả những cảm xúc mãnh liệt, những sự rung
cảm sâu sắc.”Vạt áo của triệu nhà thơ không bọc hết vàng mà đời rơi vãi. Hãy nhặt lấy chữ của đời mà góp
nên trang” (Chế Lan Viên). Chính vì có thể thổi vào tác phẩm những cảm xúc chân thành, những tình cảm
mãnh liệt nên khi đứng giữa sa mạc của cuộc đời, với sự chảy trôi khốc liệt của thời gian, “Việt Bắc” vẫn giữ
vẹn nguyên giá trị, như một viên pha lê lấp lánh, rực rỡ, sáng lòa.

You might also like