You are on page 1of 116

1

PHẦN LÝ THUYẾT

Chương 1. CẤU TẠO CHUNG CỦA CƠ THỂ


CON NGƯỜI

1.1. Cơ thể con người là một khối thống nhất


Cơ thể con người là sản phẩm của quá trình tiến hóa liên tục và lâu dài trong thế
giới hữu cơ. Trong quá trình tiến hóa, các chức năng sinh lý đã được phát triển và hoàn
chỉnh hóa dần dần, thể hiện như một khối thống nhất để thích nghi với điều kiện môi trường
luôn thay đổi.
1.1.1. Sự thống nhất về mặt cấu tạo
Tế bào là đơn vị cấu tạo cơ bản của tất cả các bộ phận và các cơ quan trong cơ thể.
Trong cơ thể người, có nhiều loại tế bào khác nhau về mặt hình dạng, cấu tạo và chức năng
nhưng tất cả các tế bào đều có các phần cơ bản là: màng sinh chất, nhân và tế bào chất
(gồm nhiều bào quan: ti thể, bộ máy golgi, ribosome…).

Hình 1.1. Cấu trúc tế bào nhân thực động vật


Các tế bào tập hợp với nhau để tạo thành những tổ chức hay các mô. Mô là hệ thống
các tế bào và các cấu trúc không phải là tế bào, liên kết với nhau để tạo ra một cấu trúc có
cấu tạo, nguồn gốc phát sinh chung nhằm thực hiện một chức năng nhất định. Có bốn loại
mô cơ bản: mô biểu bì, mô liên kết, mô cơ và mô thần kinh.

2
Cơ quan được tạo thành từ nhiều tổ chức khác nhau mà trong đó, có một mô cơ bản.
Mỗi cơ quan có hình dáng và chiếm một vị trí nhất định trong cơ thể. Các mô tạo thành cơ
quan đều thực hiện một nhiệm vụ giống nhau.

Hình 1.2. Các cấp độ tổ chức của cơ thể sống


Các cơ quan là đơn vị hoạt động của cơ thể. Chúng mang tính chất chuyên biệt nhằm
hoàn thành các nhiệm vụ phức tạp để đảm bảo sự tồn tại tối ưu nhất của cơ thể như một
khối thống nhất. Trong quá trình tiến hóa, các cơ quan có cùng một chức năng sẽ tập hợp
với nhau để hình thành hệ cơ quan. Trong cơ thể người có nhiều hệ cơ quan khác nhau. Tất
cả các hệ cơ quan đều liên quan mật thiết và tương tác với nhau trong mọi hoạt động để
đảm bảo sự thống nhất của cơ thể về mặt cấu tạo và chức năng.

1.1.2. Sự thống nhất về mặt chức năng


Mọi hoạt động của cơ thể đều được thể hiện qua quá trình trao đổi chất và năng
lượng, gồm hai quá trình đồng hóa và dị hóa.
Đồng hóa là sự chuyển hóa và hấp thu các chất từ môi trường vào cơ thể để tổng
hợp các thành phần cơ bản cần thiết cho cơ thể, đồng thời tích lũy năng lượng. Dị hóa là
quá trình phân giải các chất phức tạp thành các thành phần đơn giản, giải phóng năng lượng
để cung cấp cho hoạt động sống của cơ thể.
Trao đổi chất và năng lượng là hoạt động đặc trưng của cơ thể sống, liên quan mật
thiết với nhau để đảm bảo hoạt động của cơ thể như một khối thống nhất, xảy ra dưới sự
tham gia của các loại enzyme khác nhau.

3
1.2. Quá trình hình thành và phát triển cơ thể theo từng giai đoạn
Quá trình hình thành và phát triển cơ thể xảy ra liên tục và kéo dài từ lúc trứng mới
thụ tinh cho đến khi chết, gồm ba yếu tố cơ bản: sinh trưởng; phân hóa các cơ quan và hệ
cơ quan; tạo thành hình dáng đặc trưng cho cơ thể.
Các quy luật chi phối sự sinh trưởng và phát triển: quy luật phát triển theo giai đoạn;
quy luật không đồng thì và không đồng tốc; hiện tượng tăng tốc…
Các giai đoạn phát triển cơ thể: phát triển phôi thai (ngoài tử cung, trong tử cung),
phát triển sau phôi thai (từ lúc được sinh ra).

1.3. Các hệ cơ quan trong cơ thể người


Hệ các cơ quan vận động: đảm bảo cho cơ thể di chuyển trong không gian và tham
gia vào việc tạo ra các khoang cơ thể.
Hệ tiêu hóa làm nhiệm vụ xử lý các thức ăn được đưa vào cơ thể bằng con đường
cơ học và hóa học cũng như việc hấp thụ các chất dinh dưỡng, đồng thời, đào thải các chất
cặn bã ra môi trường ngoài.
Hệ hô hấp đảm bảo sự trao đổi khí nhằm cung cấp khí O2 cho hoạt động của cơ thể
và đào thải khí CO2 ra bên ngoài.
Hệ tiết niệu làm nhiệm vụ bài tiết nước tiểu và các sản phẩm của quá trình trao đổi
chất.
Hệ sinh dục đảm bảo sự phát triển và sinh tồn của nòi giống.
Hệ tim mạch cung cấp các chất dinh dưỡng và khí O2 cho các cơ quan, các tổ chức
và đào thải các sản phẩm trao đổi chất qua thận, da hay phổi. Ngoài ra, các sản phẩm của
tuyến nội tiết cũng được máu vận chuyển đi khắp nơi trong cơ thể để thực hiện cơ chế điều
tiết bằng con đường thể dịch.
Hệ thống các tuyến nội tiết (tiết hormone) điều tiết mọi hoạt động của cơ thể bằng
con đường thể dịch.
Hệ thần kinh liên kết tất cả các phần cơ thể thành một khối thống nhất, đảm bảo sự
cân bằng trong hoạt động của cơ thể nhằm tạo ra khả năng thích nghi cao nhất với các điều
kiện của môi trường luôn thay đổi. Cùng với hệ nội tiết, con đường thần kinh – thể dịch đã
điều tiết toàn bộ hoạt động của các bộ phận và các cơ quan trong cơ thể. Hệ thần kinh (vỏ
bán cầu đại não) là cơ sở vật chất của hoạt động tâm thần và là một bộ phận quan trọng của
cơ quan phân tích (giác quan).

4
Chương 3. HỆ TIÊU HÓA VÀ VẤN ĐỀ DINH
DƯỠNG Ở NGƯỜI

3.1. Cấu tạo và chức năng từng phần của các cơ quan tiêu hóa

Hình 3.1. Hệ tiêu hóa của người


Tiêu hóa là quá trình biến đổi thức ăn từ dạng phức tạp, không hòa tan thành dạng
đơn giản và hòa tan để cơ thể có thể hấp thụ được. Quá trình tiêu hóa và hấp thu các chất
dinh dưỡng nhằm đảm bảo việc tích lũy năng lượng tham gia vào quá trình điều hòa mọi
hoạt động của cơ thể.
Hệ tiêu hóa gồm có ống tiêu hóa và các tuyến tiêu hóa. Quá trình tiêu hóa bao gồm
tiêu hóa cơ học và tiêu hóa hóa học.
- Khoang miệng là đoạn đầu tiên, là cửa ngõ của ống tiêu hóa. Trong khoang miệng
có răng, lưỡi và các đôi tuyến nước bọt.
+ Răng có nhiệm vụ cắn, xé, nhai và nghiền nhỏ thức ăn. Mỗi hàm có 16 răng
(4 răng cửa, 2 răng nanh, 10 răng hàm), tổng số răng của người có 32 chiếc. Hình dạng và
kích thước của các loại răng cửa, răng nanh, răng hàm là khác nhau nhưng có đặc điểm cấu
tạo giống nhau là gồm có ba phần chính là thân răng lộ ra ngoài, cổ răng ở giữa và chân
răng cắm chặt vào hố răng ở xương hàm. Thành phần cấu tạo của răng gồm có ba lớp men
răng (phủ bên ngoài, rất cứng và bền có chứa chất khoáng là tinh thể canxi phosphate có
tác dụng bảo vệ răng), ngà răng (là lớp giữa, có cấu tạo giống như cấu tạo của xương) và
5
tủy răng (chứa mô liên kết, các mạch máu và các nhánh thần kinh). Ở người, có hai thế hệ
răng là răng sữa (20 chiếc, mọc sau khi sinh khoảng 5 – 6 tháng tuổi), từ 6 tuổi trở đi, răng
sữa được thay thế bằng răng chính thức hay còn gọi là răng vĩnh viễn.

Hình 3.2. Cấu tạo giải phẫu của răng


+ Lưỡi: là một khối cơ vân chắc và rất mềm dẻo, có thể cử động tự do và rất linh
hoạt để xáo trộn thức ăn. Phần gốc lưỡi dày hơn gọi là cuống lưỡi, dính với nền hầu của
phần sau khoang miệng. Trong lưỡi có nhiều mạch máu và các sợi thần kinh. Bề mặt lưỡi
được phủ một lớp màng nhày có xen các gai vị giác. Lưỡi còn tham gia vào việc hình thành
tiếng nói cùng với môi, má và răng.

Hình 3.3. Cấu tạo giải phẫu của lưỡi

6
+ Có ba đôi tuyến nước bọt nằm trong khoang miệng (tuyến dưới lưỡi, tuyến
dưới hàm và đôi tuyến mang tai) có chức năng tiết ra nước bọt để làm ướt, bôi trơn và tiêu
hóa thức ăn. Trong nước bọt, không có enzyme tiêu hóa protein va lipid mà chỉ có
enzyme tiêu hóa glucid. Dưới tác động của enzyme amylase (ptialin) có trong
nước bọt, tinh bột chín được phân giải thành đường maltose. Ngoài ra, trong khoang
miệng còn có các tuyến nhỏ khác nằm rải rác tiết ra chất dịch đặc quánh có tác dụng bôi
trơn thức ăn, thành phần chất dịch này có chứa lysozyme có tác dụng diệt khuẩn.

Hình 3.4. Vị trí các đôi tuyến nước bọt


- Hầu là một ống ngắn nối tiếp với khoang miệng, phía trên thông với khoang mũi,
phía dưới thông với thanh quản, khí quản và thực quản. Hầu là ngã tư giữa đường hô hấp
và đường tiêu hóa. Tại đây có sụn thanh thiệt làm nhiệm vụ đóng kín khí quản khi nuốt
thức ăn.
- Thực quản là một ống cơ dài, nối liền với hầu, có nhiệm vụ dồn đẩy thức ăn từ
miệng vào dạ dày. Thực quản được cấu tạo bởi ba lớp. Ngoài cùng là lớp thanh mạc mỏng,
lớp cơ trơn (cơ dọc và cơ vòng) nằm ở giữa giúp thực quản co bóp một cách tự động theo
kiểu nhu động. Trong cùng là lớp niêm mạc có các tuyến nhày tiết ra dịch nhày làm trơn
thức ăn.
- Dạ dày là phần lớn nhất của ống tiêu hóa, nằm trong khoang bụng, phía trên thông
với thực quản (đóng mở bằng cơ thắt tâm vị), phía dưới thông với tá tràng (đóng mở bằng
cơ thắt môn vị). Dạ dày có bờ cong lớn và bờ cong nhỏ, chia thành ba vùng thượng vị, thân
vị và hang vị. Thành dạ dày gồm ba lớp, ngoài cùng là thanh mạc, ở giữa là lớp cơ trơn với
ba loại cơ trơn là cơ dọc, cơ vòng và cơ chéo làm cho thành dạ dày trở nên bền chắc để
thực hiên chức năng co bóp, nhào trộn thức ăn rồi đẩy xuống ruột. Trong cùng là lớp niêm
mạc, uốn sâu vào thành dạ dày có nhiều ống tuyến tiết chất nhày, dịch vị và HCl nên dịch
vị trong dạ dày có tính acid cao. Dịch vị có chứa enzyme tiêu hóa protein và lipid.

7
Hình 3.5. Cấu tạo giải phẫu của dạ dày
- Ruột gồm có ruột non và ruột già có cấu tạo khác nhau.
+ Ruột non tiếp giáp với môn vị của dạ dày. Ruột non là đoạn dài nhất của ống
tiêu hóa (khoảng 5 – 6 m, gấp 4 lần chiều cao của cơ thể) và là phần quan trọng nhất để
tiêu hóa và hấp thu thức ăn. Ruột non gồm ba phần là tá tràng, hỗng tràng và hồi tràng. Tá
tràng là nơi nhận dịch tiêu hóa từ gan và tụy. Hồi tràng tiếp giáp với ruột già. Ruột
non cấu tạo gồm ba lớp, ngoài cùng là thanh mạc, lớp giữa là cơ trơn (cơ dọc và cơ vòng)
tạo cử động nhu động đẩy thức ăn. Trong cùng là lớp niêm mạc có nhiều nếp gấp, được bao
phủ bằng lớp nhung mao và vi nhung mao dày đặc làm cho bề mặt hấp thu của ruột
tăng lên. Xen kẽ với các nhung mao còn có rất nhiều tuyến tiết ra chất nhày và dịch ruột.
Dịch ruột có cả ba nhóm enzyme tiêu hóa protein, lipid và glucid. Ngoài ra, còn có hệ
thống thần kinh, mạch máu, mạch bạch huyết phân bố trong các nhung mao để hấp thu các
chất dinh dưỡng.

Hình 3.6. Vị trí của ruột non và ruột già trong ống tiêu hóa

8
+ Ruột già là phần tiếp theo của ruột non và là phần cuối cùng của ống tiêu hóa.
Ruột già gồm ba phần là manh tràng, kết tràng và trực tràng. Manh tràng là phần ruột non
đổ vào qua một van chỉ cho phép các chất đi một chiều từ ruột non đến ruột già mà không
thể đi ngược lại (van hồi – manh), có lỗ thông với ruột thừa. Kết tràng gồm có ba đoạn uốn
cong hình chữ U trong ổ bụng là kết tràng lên (thông với manh tràng), kết tràng ngang và
kết tràng xuống (thông với trực tràng). Trực tràng là nơi tích trữ phân trước khi
thải ra ngoài qua hậu môn. Niêm mạc của ruột già có cấu tạo đơn giản, không tiết ra
dịch tiêu hóa mà chỉ tiết ra chất nhày để bảo vệ niêm mạc của ruột. Niêm mạc ruột già
không tạo thành các nhung mao nhưng lại có hệ vi sinh vật rất phát triển, chủ yếu
là vi khuẩn hoại sinh.
- Gan: nằm ở phía trên hốc bụng bên phải. Gan tiết ra mật, dịch mật được trữ trong
túi mật và chỉ khi tiêu hóa thức ăn, dịch mật mới được chảy vào tá tràng theo cơ chế phản
xạ.Trong dịch mật không có enzyme tiêu hóa, tác dụng tiêu hóa của dịch mật
chủ yếu là vai trò của muối mật. Muối mật có tác dụng tăng cường hoạt động
của các enzyme dịch tụy và dịch ruột. Mật có tác dụng nhũ tương hóa lipid thành
các giọt cực nhỏ, tạo điều kiện cho các enzyme tiêu hóa và hấp thu được.
- Tụy: là một tuyến pha, vừa có chức năng ngoại tiết (tiết enzyme tiêu hóa thức ăn),
vừa có chức năng nội tiết (tiết hormone). Dịch tụy được tiết ra theo cơ chế phản xạ. Ngoài
ra, sự tiết dịch tụy còn phụ thuộc vào loại thức ăn. Trong dịch tụy, có chứa cả ba nhóm
enzyme tiêu hóa protein, lipid và glucid, giúp cho quá trình tiêu hóa hóa học gần như hoàn
tất ở ruột.

Hình 3.7. Vị trí của gan và tụy trong ống tiêu hóa
9
3.2. Cơ chế hấp thu các chất dinh dưỡng
Quá trình hấp thu chất dinh dưỡng diễn ra suốt chiều dài của ống tiêu hóa nhưng
chủ yếu diễn ra tại ruột non.
Chất dinh dưỡng được hấp thu bằng hai con đường: đường mạch máu và đường
mạch bạch huyết.
Chất dinh dưỡng có thể được hấp thụ một cách thụ động, không tiêu hao năng lượng
và tuân theo các quy luật vật lý, hóa học thông thường như cơ chế khuếch tán, thẩm thấu…
Ngoài ra, sự hấp thu các chất dinh dưỡng còn theo cơ chế vận chuyển tích cực ngược
chiều gradient nồng độ, đòi hỏi sự tiêu hao năng lượng, chọn lọc các chất cần thiết, có lợi
cho cơ thể.

3.3. Chế độ dinh dưỡng và nguyên tắc lập khẩu phần ăn


Ăn uống là một nhu cầu cơ bản hàng ngày, không thể thiếu ở con người. Nhu cầu
dinh dưỡng của từng người không giống nhau và phụ thuộc vào tuổi, giới tính, hình thức
lao động và trạng thái sinh lý của cơ thể.
Nhu cầu dinh dưỡng ở trẻ em cao hơn người trưởng thành (đặc biệt là protein) vì
ngoài việc đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho hoạt động, còn cần để xây dựng cơ thể,
tích luỹ cho cơ thể phát triển. Người trưởng thành, đang lao động, nhu cầu dinh dưỡng cao
hơn vì tốn nhiều năng lượng để hoạt động, lao động; người già nhu cầu dinh dưỡng thấp
hơn vì sự vận động của cơ thể kém người trẻ. Nam có nhu cầu dinh dưỡng cao hơn
nữ. Người có kích thước lớn thì nhu cầu cao hơn. Người vừa hết bệnh cần cung cấp chất
dinh dưỡng nhiều hơn để phục hồi sức khoẻ.
Vì vậy, để đảm bảo cho cơ thể sinh trưởng và phát triển bình thường cần cung cấp cho mỗi
người một chế độ ăn hợp lý.
Lượng thức ăn cần cho một người trong một ngày gọi là khẩu phần ăn. Khi lập khẩu
phần ăn, cần đảm bảo nguyên tắc là đủ nhu cầu về chất và nhu cầu về lượng.
- Nhu cầu về chất: các chất chủ yếu và cần thiết cho nhu cầu của con người là
protein, glucid, lipid, muối khoáng, nước, vitamin… Do vậy, trong khẩu phần ăn cần phải
có nhiều loại thức ăn và thường xuyên thay đổi các loại thức ăn trong khẩu phần.
- Nhu cầu về năng lượng: là năng lượng do các loại thức ăn cung cấp, tương đương
với năng lượng đã tiêu hao của một người. Năng lượng có tính chất đặc trưng cho các loại
thức ăn.

10
Các loại thức ăn có tỉ lệ hấp thụ khác nhau. Tỉ lệ chuyển hóa các loại thức ăn còn
phụ thuộc giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cơ thể. Phẩm chất của các loại thức ăn,
cách chế biến, cách ăn uống cũng có vai trò quan trọng trong việc quyết định tỉ lệ hấp thụ
thức ăn.

3.4. Một số bệnh tiêu hóa thường gặp và cách phòng chống bệnh
3.4.1. Viêm loét dạ dày, tá tràng
Là tình trạng xuất hiện một hay nhiều các vết viêm, loét trên bề mặt niêm mạc dạ
dày gây đau đớn cho người bệnh. Đau nóng rát là triệu chứng phổ biến nhất của viêm loét
dạ dày tá tràng.
Đặc trưng của cơn đau là cảm thấy đau bất cứ nơi nào từ rốn đến xương ức từ vài
phút đến vài giờ; đau hơn khi dạ dày trống rỗng; cơn đau giảm bằng cách ăn các loại thực
phẩm nào đó đệm acid dạ dày hoặc bằng cách dùng thuốc giảm acid; cơn đau biến mất và
sau đó trở lại trong một vài ngày hoặc vài tuần.
Nguyên nhân của hầu hết các vết loét là vi khuẩn HP (Helicobacter pylori). Vi
khuẩn HP sống và nhân lên trong lớp niêm mạc bao phủ và bảo vệ các mô đường dạ dày
và ruột non. Đôi khi nó có thể phá vỡ các lớp niêm mạc và viêm niêm mạc dạ dày hoặc tá
tràng, tạo ra loét. Ngoài ra, một số yếu tố nguy cơ gây bệnh viêm loét dạ dày tá tràng:
thường xuyên sử dụng thuốc giảm đau; hút thuốc lá; sử dụng nhiều rượu, bia; căng thẳng,
stress.

3.4.2. Rối loạn tiêu hóa


Rối loạn tiêu hóa là một cụm từ dùng để chỉ một nhóm các triệu chứng như đau
bụng, khó tiêu, nôn, tiêu chảy cấp…
Rối loạn tiêu hóa thường liên quan đến chế độ ăn uống, nguyên nhân khởi đầu có
thể là ăn phải thức ăn ôi thiu, uống sữa quá hạn sử dụng, ăn rau sống gây đau bụng, đi lỏng,
nếu thức ăn bị nhiễm vi sinh vật gây bệnh thì rất nguy hiểm. Nhưng có thể là nguyên nhân
thứ phát (làm khơi dậy một bệnh nào đó tái phát, ví dụ, ăn chua cay làm cơn đau dạ dày
hoặc viêm đại tràng mạn tính tái phát…).

3.4.3. Táo bón


Táo bón mạn tính có tác động ảnh hưởng đến sức khỏe chung, nếu không được điều
trị kịp thời hoàn toàn có thể đe dọa đến tính mạng con người. Nguyên nhân chủ yếu của

11
chứng táo bón là nhịn đại tiện. Ngoài ra, đây cũng là vấn đề thường gặp ở người cao tuổi,
những người ít vận động.
Uống đủ nước là một khuyến nghị nhằm mục đích hạn chế tối đa nguy hại táo bón
ở người già. Duy trì cơ chế ăn có đủ thành phần sở hữu nhiều chủng loại rau lá xanh và
ngũ cốc. Tập thể dục mang đến hiệu quả giúp chống táo bón, những thuốc làm mềm phân,
thuốc thụt tháo và thuốc nhuận tràng hoàn toàn có thể được sử dụng trong trường hợp táo
bón trở nên trầm trọng.

3.4.4. Cách phòng ngừa bệnh về đường tiêu hóa


- Ăn uống đúng bữa, nhai kĩ trước khi nuốt.
- Ăn uống đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ăn chín uống sôi và những thực phẩm
có nguồn gốc rõ ràng, không nên ăn các loại thức ăn nghi ngờ nhiễm khuẩn, để trong tủ
lạnh quá lâu hay những thức ăn đường phố không rõ xuất xứ.
- Hạn chế sử dụng rượu, bia và uống nước có ga, cà phê, những loại bánh kẹo nhiều
đường hay thực phẩm đóng hộp chế biến sẵn…
- Tránh ăn thức ăn nhiều chất mỡ và gia vị.
- Nếu thường xuyên thấy chướng bụng, đầy hơi, đôi khi có triệu chứng buồn nôn,
đắng miệng, ợ chua, ợ nóng… cần sớm đến các cơ sở y tế để được khám, chữa bệnh.

3.5. An toàn thực phẩm


3.5.1. Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm
Ngộ độc thực phẩm hay còn được gọi là ngộ độc thức ăn. Đó là khi người bị ngộ độc
đã ăn, uống phải những loại thực phẩm bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc, có chứa chất gây ngộ độc
hoặc thức ăn bị biến chất, ôi thiu, có chất bảo quản, phụ gia... Ngộ độc thực phẩm cũng có
thể coi là là bệnh truyền qua thực phẩm, là kết quả của việc ăn thực phẩm bị ô nhiễm.
Nguyên nhân gây ngộ độc rất đa dạng nhưng có thể phân chia thành 4 nhóm chính
sau:
- Ngộ độc thực phẩm do ký sinh trùng (do vi khuẩn và độc tố của vi khuẩn; do virus;
do ký sinh trùng; do nấm mốc và nấm men).
- Ngộ độc thực phẩm do thức ăn bị biến chất, ôi thiu (dầu, mỡ dùng đi dùng lại nhiều
lần).
- Ngộ độc do ăn phải thực phẩm có sẵn chất độc (cá nóc, cóc, mật cá trắm, nấm độc,
khoai tây mọc mầm, một số loại quả đậu…).
12
- Ngộ độc thực phẩm do nhiễm các chất hóa học (thực phẩm được nuôi trồng, chế biến
tại các khu vực mà nguồn nước, đất bị ô nhiễm các loại kim loại nặng, do dư lượng thuốc bảo
vệ thực vật, thuốc thú y, do phụ gia thực phẩm; do các chất phóng xạ).
Sau khi ăn hay uống một thực phẩm bị nhiễm độc (sau vài phút, vài giờ, thậm chí có
thể sau một ngày), người bệnh đột ngột có những triệu chứng: buồn nôn, nôn, có khi nôn cả
ra máu, đau bụng, đi ngoài nhiều lần (phân nước, có thể lẫn máu), có thể không sốt hoặc sốt
cao trên 38°C.
* Cách sơ cứu khi bị ngộ độc thực phẩm: uống nhiều nước, chủ động gây nôn. Ngộ
độc nhẹ sau khi nôn và đi ngoài sẽ thải hết chất độc, nên cho ăn cháo nhẹ. Trường hợp sau
khi sơ cứu chưa bình phục ngay và có hiện tượng tím tái, khó thở… cần nhanh chóng đưa
bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để rửa ruột và có những điều trị cần thiết.

3.5.2. Cách bảo quản và chế biến thực phẩm an toàn


- Chọn thực phẩm tươi và nấu kỹ: với rau quả phải chọn các loại rau, quả tươi, không
bị dập nát, không có mùi lạ. Với các loại thịt phải qua kiểm dịch và đạt tiêu chuẩn thịt tươi.
Cá và thủy sản phải còn tươi, không có dấu hiệu ươn. Các thực phẩm đã chế biến phải được
đóng hộp hoặc đóng gói đảm bảo, phải có nhãn hàng hóa ghi đầy đủ nội dung như: tên sản
phẩm, trọng lượng, các thành phần chính, cách bảo quản, sử dụng, nơi sản xuất, chế biến và
còn thời hạn sử dụng. Với đồ hộp không chọn hộp bị méo, phồng hay gỉ. Không nên dùng
thực phẩm khô đã bị mốc, các loại thực phẩm lạ không rõ nguồn gốc xuất xứ, các loại phẩm
màu, đường hóa học.
- Giữ vệ sinh nơi chế biến thực phẩm và đồ dùng nấu nướng: khu vực chế biến thực
phẩm phải đặt ở nơi có ánh sáng, thoáng khí và thông gió, không có nước đọng, xa các khu
khói, bụi bẩn, nhà vệ sinh hoặc khu chăn nuôi gia súc, rác thải gây ô nhiễm môi trường.
Những vật dụng và đồ dùng nấu nướng phải dễ cọ rửa, không để dụng cụ bẩn qua đêm, bát
đĩa dùng xong phải rửa ngay, dụng cụ tiếp xúc với thức ăn chín và sống phải để riêng biệt.
Không dùng dụng cụ bằng đồng, nhôm, thủy tinh gia công, nhựa tái sinh có màu để nấu nướng
và tuyệt đối không được dùng bao bì đã sử dụng để đựng thực phẩm đã nấu chín.
- Bảo quản thức ăn chín và đun kỹ lại trước khi ăn: tốt nhất là ăn ngay sau khi nấu, lúc
thức ăn còn nóng bởi thức ăn chín để nguội ở nhiệt độ bình thường dễ bị vi khuẩn xâm nhập.
Nếu phải chuẩn bị thức ăn trước hoặc phải đợi sau 3 giờ mới ăn thì cần giữ nóng ở nhiệt độ
60°C hoặc duy trì ở điều kiện lạnh ≤ 10°C, nhưng lưu ý là không đưa quá nhiều thức ăn còn
ấm hoặc thức ăn còn đang nóng vào tủ lạnh và không để lẫn thực phẩm sống với thức ăn chín.
Sau khi bỏ thức ăn trong tủ lạnh ra thì phải đun lại thức ăn trước khi ăn là biện pháp tốt nhất
để phòng ngừa các vi khuẩn phát triển trong quá trình bảo quản.

13
- Sử dụng nước sạch trong ăn uống: nước thực sự rất quan trọng trong việc tránh ngộ
độc, sử dụng nguồn nước sạch là bạn đã yên tâm đến 50% trong việc phòng tránh ngộ độc.
Nước sạch phải là nước trong, không có mùi, không có vị lạ. Tuyệt đối không uống nước lã
và lấy nước lã để làm kem, đá. Nước đun sôi 100°C và bảo quản trong tủ lạnh, nếu để bên
ngoài phải có các dụng cụ chứa đảm bảo vệ sinh, kín, không chứa nước vừa đun sôi vào các
bình bằng các chất liệu nhựa, xốp.
- Giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ: khi chuẩn bị và nấu nướng, trang phục phải sạch sẽ, tóc
quấn gọn, cắt ngắn móng tay, không hút thuốc, ho hay hắt hơi trong khi nấu nướng. Trước
khi ăn, sau khi chế biến thực phẩm tươi sống, sau khi đi vệ sinh… phải rửa tay bằng xà phòng
và nước sạch. Không tiếp xúc với thực phẩm khi đang bị đau bụng, tiêu chảy, nôn, sốt hay có
biểu hiện của bệnh truyền nhiễm.
- Giữ vệ sinh môi trường: môi trường sống trong lành, sạch sẽ chính là biện pháp lâu
dài phòng chống ngộ độc, bảo vệ sức khỏe. Nên thực hiện các biện pháp diệt côn trùng, gián,
chuột… và thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn vệ sinh phòng chống các dịch bệnh theo cơ
sở y tế khuyến cáo. Rác thải phải được đựng vào thùng kín có nắp đậy và bỏ rác phân loại
theo đúng quy định.

3.5.3. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm tại các trường học ở địa phương
Làm thế nào để vừa bảo đảm được chế độ dinh dưỡng cho học sinh nhưng vẫn kiểm
soát được vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) luôn là bài toán khó trong các trường học có
bếp ăn tập thể. Tuy nhiên, chất lượng ATTP trong các trường học liên quan đến nhiều khâu,
nhiều quá trình từ sản xuất đến tiêu dùng.Vì vậy, để đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm
là trách nhiệm của toàn dân, toàn xã hội.
Để bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bữa ăn bán trú, nhà trường cần nâng cao nhận
thức, kiến thức ATTP cho giáo viên, người chế biến thực phẩm trong trường học.
Thực hiện nghiêm túc các quy định của luật an toàn thực phẩm, Chỉ thị số 13/CT-
TTg ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà
nước về an toàn thực phẩm, Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT ngày
12/5/2016 của Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế quy định về công tác y tế trường học, Chỉ thị số
4316/CT-BGDĐT ngày 12/10/2018 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về tăng cường công tác
bảo đảm an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục và các văn bản hiện hành của Bộ
GD&ĐT, Bộ Y tế về bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Thực hiện nghiêm việc niêm yết công khai danh mục nguồn gốc thực phẩm, ký cam
kết bảo đảm ATTP, đồng thời phân công cán bộ, nhân viên theo dõi hàng ngày việc tiếp
nhận thực phẩm, ký giao nhận thực phẩm và kiểm thực 3 bước (kiểm tra trước khi chế biến

14
thức ăn, kiểm tra trong quá trình chế biến thức ăn và kiểm tra trước khi ăn), lưu mẫu thức
ăn.
Ngoài kiểm tra thường xuyên và đột xuất, phải xử lý nghiêm những đơn vị vi phạm,
buộc các trường chấm dứt hợp đồng cung cấp thực phẩm với doanh nghiệp vi phạm về
ATTP.
Bên cạnh đó, phụ huynh cần được tham gia trực tiếp vào việc giám sát. Nhà trường
cần thành lập ban giám sát an toàn, vệ sinh thực phẩm, trong đó phụ huynh là thành phần
của ban và trực tiếp giám sát hàng ngày.
Cần có chế tài xử phạt mạnh với các trường hợp vi phạm ATTP, có cơ chế giám sát
chặt chẽ và sự vào cuộc quyết liệt của các ban, ngành liên quan...
Theo Luật ATTP, việc quản lý ATTP trường học thuộc trách nhiệm của UBND các
cấp. Với cơ sở cung cấp bữa ăn cho trường học có giấy phép kinh doanh thì phải có thêm
giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Với cơ sở không đăng ký kinh
doanh (nhà trường tự nấu và cung cấp suất ăn cho học sinh) thì cần có cam kết với cơ quan
chức năng và phải đảm bảo đủ các điều kiện về nguồn gốc thực phẩm, cơ sở vật chất...
Ngành giáo dục cũng thường xuyên quán triệt các trường về vấn đề đảm bảo ATTP,
trong đó nhấn mạnh đến vai trò giám sát của Ban giám hiệu nhà trường và Ban phụ huynh
trong kiểm soát nguồn gốc thực phẩm.

15
Chương 5. HỆ HÔ HẤP Ở NGƯỜI

Quá trình hô hấp rất cần thiết cho cơ thể vì các tế bào cần cung cấp khí O2 để oxi
hoá các chất tạo ra năng lượng ATP và khí CO2. Nếu không được cung cấp năng lượng
đều đặn, tế bào sẽ không thực hiện được chức năng của mình. Hệ hô hấp thực hiện việc
trao đổi khí và một số chức năng khác.
- Chức năng trao đổi khí: hệ hô hấp đưa oxi từ không khí vào máu và carbonic từ
máu ra không khí. Hệ tuần hoàn vận chuyển oxi từ phổi đến các tế bào và vận chuyển khí
carbonic từ các tế bào của cơ thể đến phổi. Do đó, chức năng trao đổi khí thực hiện được
là do sự phối hợp giữa hệ hô hấp và hệ tuần hoàn.
- Điều hoà pH máu: hệ hô hấp có thể làm thay đổi pH máu bằng cách thay đổi hàm
lượng khí carbonic trong máu.
- Chức năng phát âm: sự chuyển động của không khí qua các nếp gấp thanh quản
đã tạo ra âm thanh và lời nói.
- Chức năng khứu giác: cảm giác về mùi xuất hiện khi các phân tử chất mùi trong
không khí và thức ăn đi vào xoang mũi.
- Chức năng bảo vệ: hệ hô hấp bảo vệ cơ thể chống lại một số vi sinh vật khi chúng
xâm nhập vào cơ thể bằng cách đưa chúng ra khỏi bề mặt cơ quan hô hấp.

5.1. Cấu tạo và chức năng từng phần của hệ hô hấp


Hệ hô hấp của người gồm có hệ thống ống dẫn khí và phổi. Hệ thống ống dẫn khí
có chức năng dẫn không khí từ môi trường bên ngoài vào phổi và từ phổi ra môi trường
bên ngoài, gồm có xoang mũi, hầu, thanh quản, khí quản và phế quản.

Hình 5.1. Cấu tạo giải phẫu hệ hô hấp

16
Xoang mũi là cửa ngõ của đường hô hấp là một xoang rỗng được ngăn cách với
xoang miệng bằng khẩu cái. Vách ngăn chia xoang mũi thành hai phần, gọi là hai hố mũi.
Ở vùng ngoài của hố mũi, trên bề mặt của niêm mạc có nhiều lông nhỏ, có tác dụng ngăn
cản, không cho các vật nhỏ và các hạt bụi lớn lọt vào trong mũi. Bên trong lớp niêm mạc
là hệ thống mao mạch dày đặc, có tác dụng sưởi ấm và toả hơi nước làm ẩm không khí.
Xen kẽ với các tế bào niêm mạc còn có các tuyến tiết ra dịch nhày, có tác dụng như một
hệ thống lọc không khí trước khi đưa vào phổi và có khả năng ngăn cản, tiêu diệt vi khuẩn.
Nhờ có cấu tạo như vậy mà khi thở, không khí đi qua xoang mũi với tốc độ chậm và bị xáo
trộn nên đã được lọc sạch, làm ẩm và sưởi ấm.
Trong xoang mũi còn có các cơ quan thụ cảm khứu giác, giúp cơ thể cảm nhận được
các mùi. Khi ngửi thấy một mùi khó chịu thì có thể xuất hiện phản xạ ngừng thở tạm thời
hoặc hắt hơi. Nếu không khí không được trong sạch có thể bị viêm xoang. Ngoài ra, mũi
cũng thông với mắt thông qua một ống nhỏ để nước mắt tiết ra hàng ngày có thể chảy
xuống mũi, góp phần làm ẩm không khí hít vào.
Hầu là ngã tư giao nhau của đường tiêu hoá và đường hô hấp. Phần dưới của hầu
chia thành hai ống: ống phía sau dẫn thức ăn xuống thực quản và ống phía trước dẫn không
khí xuống thanh quản. Hai bên thành của hầu có các
tuyến hạnh nhân (amidan), là
nơi tập trung các lympho bào có khả năng tiêu diệt vi khuẩn.
Thanh quản vừa là đường dẫn khí, vừa là cơ quan phát âm. Nắp thanh quản đậy
đường vào thanh quản khi nuốt thức ăn. Lối đi qua giữa các dây thanh âm gọi là khe thanh
môn. Thanh quản chỉ phát tiếng khi thở ra. Khi thanh quản bị viêm thì giọng trở nên khàn
khàn, khản tiếng hoặc mất tiếng. Ở trẻ dưới 6 tuổi, khe thanh môn ngắn và hẹp nên giọng
của trẻ thường cao. Trước tuổi dậy thì, cấu tạo thanh quản của trẻ em nam và trẻ em nữ
tương đối giống nhau nên giọng nói không khác nhau nhiều. Đến tuổi dậy thì, sự phát triển
thanh quản của các em nam và nữ khác nhau nên giọng nói của các em nam trở nên trầm
và vang, còn giọng nói của các em nữ trở nên cao và trong.
Khí quản là phần nối tiếp với thanh quản và nằm phía trước thực quản. Khí quản là
một ống dài gồm 20 vành sụn hình chữ C. Sụn chiếm ¾ phía trước của khí quản, còn ¼
phía sau, chỗ tiếp giáp với thực quản là màng liên kết, nên có thể lõm vào mỗi khi nuốt
thức ăn. Mặt trong của khí quản được lót bằng lớp niêm mạc với các tế bào có tiêm mao.
Trong lớp niêm mạc của khí quản có những tế bào tuyến tiết dịch nhày, có tác dụng làm
dính các hạt bụi nhỏ và các vi sinh vật theo không khí đi vào để các bạch cầu đến tiêu diệt
và làm giảm độc tố của chúng, có tác dụng bảo vệ đường hô hấp. Khói thuốc lá có khả
năng làm cho các tiêm mao trong khí quản bị tê liệt, không cử động được và làm cho khí
quản tiết nhiều dịch nhày quánh đặc có thể gây viêm. Khi vào đến xoang ngực thì khí quản
chia làm hai nhánh đi vào hai lá phổi, được gọi là phế quản gốc. Khi đến phổi, các phế

17
quản gốc tiếp tục phân nhánh để tạo thành các tiểu phế quản, cuối cùng phân thành các phế
quản tận. Phế quản tận tiếp tục phân nhánh để tạo thành các ống túi phổi nối liền với các
phế nang.
Phổi là bộ phận chủ yếu của hệ hô hấp, nằm trong lồng ngực và chiếm khoảng 4/5
thể tích lồng ngực. Phổi có hình nón, gồm lá phổi bên phải và bên trái, trong đó lá phổi bên
phải lớn hơn lá phổi bên trái. Phổi được hai màng áp sát nhau bao bọc và khép kín tạo nên
xoang màng phổi. Nhờ có khả năng đàn hồi của mô phổi và sự chênh lệch áp suất giữa
không khí phía trong phổi và xoang màng phổi nên nó luôn ở trạng thái giãn căng. Khi
lồng ngực bị thủng, không khí tràn vào xoang màng phổi, làm cho áp lực âm tính phế mạc
không còn nữa, nên phổi bị xẹp xuống và không thể thực hiện được chức năng trao đổi khí.
Các phế nang xếp thành từng chùm trông giống như chùm nho, ở người lớn khoảng
600 – 700 triệu phế nang. Thành của phế nang rất mỏng, chứa nhiều sợi đàn hồi, nên phế
nang có thể phồng lên, xẹp xuống một cách dễ dàng. Bao quanh phế nang là hệ thống mao
mạch dày đặc, đảm bảo trao đổi khí được thuận lợi.

Hình 5.2. Cấu tạo phế nang


5.2. Cơ chế hoạt động của hệ hô hấp
5.2.1. Động tác thở
Cơ thể phải thường xuyên trao đổi khí với môi trường bên ngoài nhờ động tác thở,
gồm hai pha cơ bản là hít vào và thở ra.
Hít vào thông thường là một động tác tích cực, thực hiện được là do cơ hoành và cơ
liên sườn ngoài co lại, làm tăng thể tích của lồng ngực theo cả ba chiều: chiều trên – dưới,
trước – sau và chiều ngang.
Hít vào gắng sức là động tác hít vào rất sâu một cách có ý thức, cơ hoành và cơ liên
sườn ngoài phải co tối đa.

18
Thở ra thông thường là một động tác thụ động, không đòi hỏi năng lượng co cơ.
Khi thở ra gắng sức, các cơ liên sườn trong co cùng với sự tham gia của các cơ hạ
sườn, các xương sườn hạ xuống thấp hơn, xích lại gần nhau hơn, thể tích lồng ngực giảm
theo chiều ngang và chiều trước sau nhiều hơn, lượng khí từ phổi được đẩy ra nhiều hơn.
Như vậy, thở ra gắng sức là một động tác tích cực nên phải tiêu hao năng lượng.

Hình 5.3. Động tác hít vào và thở ra


5.2.2. Trao đổi khí ở phổi và ở mô
Trao đổi khí ở phổi và ở mô được thực hiện chủ yếu theo cơ chế khuếch tán. Chiều
khuếch tán phụ thuộc vào áp suất đặc trưng cho từng loại khí.

Nhờ sự chênh lệch phân áp của các loại khí giữa phế nang và mao mạch
phổi nên quá trình trao đổi khí ở phổi chủ yếu diễn ra theo cơ chế khuếch tán từ phế nang
vào máu. Áp suất CO2 trong mao mạch phổi là 46 mmHg còn trong phế
nang là 40 mmHg, nên CO2 khuếch tán từ mao mạch phổi vào phế
nang.
Ở mô, O2 khuếch tán từ mao mạch vào trong các tế bào còn
CO2 khuếch tán từ tế
bào vào mao mạch.

19
Hình 5.4. Quá trình trao đổi khí ở mô và ở phổi

5.2.3. Vận chuyển khí O2 và CO2 trong máu


Khi vào máu, hầu hết O2 kết hợp với Hemoglobin trong hồng cầu (99,97%) và một
tỉ lệ rất nhỏ (0,3%) hoà tan trong huyết tương. Tại phổi, áp suất O2 rất cao nên O2 kết hợp
với Hb để tạo thành HbO2. Còn tại mô, áp suất O2 rất thấp nên HbO2 phân li nhanh thành
Hb và O2 để cung cấp O2 cho các tế bào.
Trong máu, lượng CO2 hoà tan trong huyết tương chiếm khoảng 77% và khoảng
23% ở dạng kết hợp với Hb, tạo thành HbCO2. Tại mao mạch của mô, áp suất CO2 rất cao
nên CO2 khuếch tán vào mao mạch và kết hợp với Hb tạo thành HbCO2. Tại mao mạch
của phổi, áp suất CO2 rất thấp nên HbCO2 lại phân giải thành Hb và CO2 được thải ra ngoài
qua động tác thở ra.

5.3. Dung tích sống


Dung tích hô hấp gồm có dung tích sống, khí lưu thông, khí dự trữ hít vào, khí dự
trữ thở ra và khí cặn.
Khí lưu thông (VT – Tidal volume) là lượng khí sau khi hít vào thông thường lại
thở ra thông thường.
Khí dự trữ hít vào (IRV – Inspiratory reserve volume) là lượng khí sau khi đã hít
vào thông thường rồi hít vào tận lực.

20
Khí dự trữ thở ra (ERV – Expiratory reserve volume) là lượng khí sau khi đã thở ra
thông thường rồi thở ra hết sức.
Khí cặn (RV – Residual volume) là lượng khí còn lại sau khi đã thở ra hết sức. Nó
đảm bảo cho phổi không bị xẹp xuống hoàn toàn vì trong phổi vẫn còn tồn tại một lượng
khí.
Dung tích sống (VC – Vital capacity) là lượng khí sau khi đã hít vào tận lực rồi thở
ra hết sức. Như vậy, dung tích sống bao gồm khí lưu thông, khí dự trữ hít vào và khí dự
trữ thở ra.

Hình 5.5. Đồ thị thay đổi dung tích phổi khi hô hấp
5.4. Điều hoà hoạt động hô hấp
Hoạt động hô hấp được điều hoà theo cơ chế thần kinh – thể dịch. Các trung khu hô
hấp hưng phấn tự động theo chu kì, đảm bảo cho các động tác hô hấp xảy ra nhịp nhàng.
Vỏ não có thể tạo ra các hoạt động hô hấp tuỳ ý, nên con người có thể chủ động nín thở,
thở nhanh, thở chậm trong một khoảng thời gian nhất định.
Điều hoà hoạt động hô hấp bằng cơ chế thể dịch chủ yếu dựa vào sự chênh lệch áp
suất từng phần của O2 và CO2. Điều hoà thể dịch chính là sự điều chỉnh áp suất của O2 và
CO2 thông qua các cơ quan thụ cảm hoá học nằm ở cung động mạch chủ và xoang động
mạch cảnh.

5.5. Thở đúng cách và một số biện pháp phòng tránh các tác nhân từ môi trường sống
Thở đúng cách là thở bằng mũi, hít vào phải ngắn hơn thở ra.
Vệ sinh hô hấp rất quan trọng và cần thiết nhằm nâng cao sức khoẻ và đảm bảo sự
thích nghi với các hoạt động, nhất là những hoạt động tiêu tốn nhiều năng lượng như tập
thể dục, thể thao… Trong trường hợp hô hấp không đúng có thể dẫn đến mắc một số bệnh

21
làm ảnh hưởng đến khả năng hoạt động và sức khoẻ. Luyện tập hô hấp đòi hỏi phải giữ cho
lồng ngực ở trạng thái tự do khi thực hiện các cử động hô hấp, tránh đè ép và các cử động
cơ học khác ảnh hưởng đến kích thước tự nhiên của lồng ngực. Tập thể dục thường xuyên
và rèn luyện thể lực đúng phương pháp nhằm nâng cao thể tích lồng ngực, tạo nhịp thở đều
và giúp cơ thể tăng tính dẻo dai khi hoạt động. Việc rèn luyện hô hấp cần phải được làm
theo mức độ tăng dần trong giới hạn sinh lý đặc trưng cho từng lứa tuổi và từng
cơ thể.
Không nên la hét, nói to trong điều kiện độ ẩm không khí cao, lạnh và nhiều bụi vì
các yếu tố trên có thể tác động không tốt đến hệ hô hấp. Tránh tiếp xúc với những thay đổi
đột ngột về nhiệt độ như ăn kem hay uống nước lạnh, tiếp xúc với không khí quá lạnh khi
vừa tắm nóng. Nhà ở và nơi học tập phải đảm bảo vệ sinh, tránh bị ô nhiễm môi trường.
Một số khí thải sinh hoạt và khí thải công nghiệp, khí thải của các phương tiện giao thông
như ô tô, xe máy, khói thuốc lá gây viêm lớp niêm mạc, cản trở trao đổi khí và với liều
lượng cao có thể gây tử vong.

5.6. Bệnh về đường hô hấp thường gặp


5.6.1. Bệnh do viêm nhiễm
Hệ hô hấp thường xuyên tiếp xúc với hoá chất và vi sinh vật trong không khí hít
vào. Các hoá chất gây viêm như các chất gây ô nhiễm không khí, khói thuốc lá, các chất
gây dị ứng đều tác động đến ống hô hấp và phổi gây viêm, tiết quá nhiều chất nhầy, phá
huỷ tế bào và gây đau đớn.
Các vi sinh vật như virus, vi khuẩn, nấm có thể xâm nhập và phát triển trong ống
hô hấp và phổi gây viêm như viêm mũi, viêm phế quản, viêm phổi, lao,… Kết hợp với các
nhân tố gây viêm, nói nhiều, gào thét, hát,… có thể gây viêm thanh quản trong đó khi các
dây thanh âm bị viêm có thể gây khản tiếng hoặc mất tiếng nói.

5.6.2. Lao phổi (Tuberculosis)


Lao thường do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis (trực khuẩn Koch) gây nên do
lây nhiễm từ những người bị bệnh lao phổi. Vi khuẩn xâm nhập vào phổi, phá huỷ các mô
và làm hỏng mạch máu, gây chảy máu và tiết các chất nhày có máu (triệu chứng của lao
phổi).

5.6.3. Ung thư phổi (Lung cancer)


Ung thư phổi thường xảy ra trong biểu mô phế quản ở tuổi 40 đến 75. Nhiều tác
nhân có thể gây ung thư phổi nhưng nguy hiểm nhất là khói thuốc. Thống kê cho thấy, sau

55
20 năm nghiện thuốc thì tần số bị ung thư phổi nhiều gấp 20 lần so với người không hút
thuốc. Người không hút thuốc nhưng thường xuyên hít thở phải khói thuốc cũng dễ bị ung
thư phổi.

5.7. Thuốc lá và tác hại


5.7.1. Hút thuốc lá và một số bệnh mắc phải khi hút thuốc lá
Hút thuốc lá là nguyên nhân gây bệnh và tử vong của rất nhiều bệnh. Qua phân tích
cho thấy, trong khói thuốc lá chứa trên 4.000 hoá chất, trong đó có 43 hoá chất là nguyên
nhân gây ung thư, nguy hiểm nhất là chất hắc ín, nicotin, chất gây nghiện... Ngoài ra, trong
khói thuốc lá còn có nhiều chất kích thích khối u, kích thích gây viêm nhiễm đường hô
hấp, gây tổn thương trong lòng mạch máu.
Khi hút thuốc lá, khói thuốc qua phổi ngấm vào máu, tích luỹ lâu ngày trở thành
điều kiện và nguyên nhân gây nên các bệnh tim mạch, ung thư, vô sinh, rối loạn kinh
nguyệt, bệnh về răng miệng,…

5.7.2. Thuốc lá điện tử


Thuốc lá điện tử tạo khói chạy bằng pin mà người dùng hít vào phổi bằng cách đốt
nóng dịch lỏng – vốn thường chứa nicotin, chất tạo hương và các hóa chất tạo khói khác.
Thuốc lá điện tử có rất nhiều tên gọi “e-cigs,” “e-hookahs,” “mods,” “bút vape,” “vapes”,...
Một số thuốc lá điện tử được sản xuất dưới dạng thuốc điếu truyền thống, xì gà hay ống
điếu, có loại giống cây bút, ổ USB và những vật dụng thường ngày khác.
Giữa năm 2019 này, các cơ quan sức khỏe của Hoa Kì đã công bố hơn 200 trường
hợp tổn thương phổi liên quan đến thuốc lá điện tử. Hầu hết các chuyên gia đồng thuận
rằng thuốc lá điện tử ít gây hại hơn thuốc lá truyền thống, nhưng một số loại thuốc lá điện
tử có thể chứa những thành phần nguy hiểm như chất gây ung thư, hóa chất độc hại và chất
kích thích thần kinh chính của cần sa - Tetrahydrocannabinol (THC).

5.8. Hô hấp nhân tạo


Hô hấp nhân tạo nhằm giúp những người bị ngừng thở do một nguyên nhân nào đó
như đuối nước, ngạt, điện giật, ngộ độc thức ăn… nhưng tim vẫn còn đập hoặc mới ngừng
hô hấp đột ngột có thể được phục hồi. Để giúp trung khu hô hấp có thể phục hồi hoạt động,
giúp nạn nhân dần dần thở được cần phải có sự hỗ trợ từ bên ngoài.

56
Có nhiều phương pháp hô hấp nhân tạo như phương pháp nằm sấp, phương pháp
nằm ngửa, phương pháp tác động vào cơ hoành, phương pháp hà hơi thổi ngạt. Tuy nhiên,
dù phương pháp nào cũng phải đảm bảo lượng không khí ra, vào phổi vượt gấp 2 lần dung
tích của đường dẫn khí thì mới đạt hiệu quả.

57
Chương 4. MÁU VÀ HỆ TUẦN HOÀN CỦA CƠ THỂ
NGƯỜI

4.1. Chức năng của máu


4.1.1. Vận chuyển các chất khí, chất dinh dưỡng và chất thải
Máu vận chuyển:
- Khí O2 từ phổi đến mô và khí CO2 từ mô đến phổi để thải ra ngoài.
- Các chất dinh dưỡng, các ion và nước sau quá trình tiêu hoá và hấp thu ở nhung
mao ruột đến các tế bào.
- Các sản phẩm thừa của quá trình trao đổi chất đến thận và thải ra ngoài.
Các chất này được vận chuyển khắp nơi trong cơ thể bằng cách hoà tan trong huyết
tương hay kết hợp với hồng cầu
Nhờ chức năng vận chuyển của máu mà cơ thể được cung cấp các chất dinh dưỡng
và đào thải các sản phẩm thừa của quá trình trao đổi chất.

4.1.2. Vận chuyển các chất cần thiết cho cơ thể


Trong cơ thể, nhiều chất được sản xuất ở cơ quan này được máu vận chuyển đến cơ
quan khác.
Ví dụ:
- Vitamin D được sản xuất ở da được máu vận chuyển đến gan và thận để biến
đổi thành dạng hoạt động, sau đó đến ruột non để thúc đẩy quá trình hấp thu canxi.
- Acid lactic được tạo ra ở tế bào cơ nhờ máu vận chuyển đến gan, tại đây
chúng được chuyển hoá thành đường glucose.

4.1.3. Vận chuyển các chất điều hoà


Nhiều loại hormone và enzyme điều hoà các hoạt động của cơ thể sản xuất ở các
tuyến nội tiết nhờ máu vận chuyển đến các phần khác của cơ thể như đến tế bào đích.

4.1.4. Điều hoà pH và áp suất thẩm thấu

Các hệ đệm trong máu giữ cho máu có pH ổn định trong khoảng từ 7,35
– 7,45. Máu còn điều hoà cân bằng nước và các muối khoáng nên duy trì áp suất thẩm
58
thấu môi trường nội môi luôn ổn định.
4.1.5. Chức năng điều hoà nhiệt
Máu tham gia điều hoà thân nhiệt, đặc biệt là ở những động vật đẳng nhiệt. Duy trì
sự ổn định nhiệt độ bên trong cơ thể và thích ứng với nhiệt độ môi trường ngoài là chức
năng quan trọng của máu thông qua sự lưu thông phân phối máu trên toàn cơ thể.

4.1.6. Chức năng bảo vệ


Máu tham gia bảo vệ cơ thể. Chức năng này do tế bào bạch cầu và các chất trong
máu đảm nhiệm.
- Một nhóm bạch cầu thực hiện quá trình thực bào các vi khuẩn, các vật lạ, các độc
tố xâm nhập vào cơ thể.
- Một nhóm bạch cầu sinh ra kháng thể thực hiện các phản ứng miễn dịch bảo vệ cơ
thể.
- Protein hoà tan trong huyết tương loại globulin cũng tham gia chức năng bảo vệ.
Ngoài ra máu có chức năng bảo vệ khi mạch máu và mô bị tổn thương. Khi mô bị
tổn thương, các cục máu đông được hình thành, là bước đầu tiên để mô tái tạo và phục hồi
chức năng bình thường.

4.1.7. Chức năng thống nhất cơ thể


Máu lưu thông trong hệ mạch và chảy đến tất cả các đơn vị cấu tạo trong cơ thể để
cung cấp các chất cần thiết, đồng thời thu nhận các sản phẩm thừa, cặn bã của quá trình
trao đổi chất. Chính chức năng này của máu đã cùng với hệ thần kinh làm cho cơ thể luôn
luôn là một khối thống nhất.

4.2. Các thành phần của máu và chức năng của mỗi thành phần
Máu là một mô lỏng có màu đỏ, vị mặn, được hình thành cùng với hệ mạch. Mô
máu bao gồm dịch ngoại bào (huyết tương) và các tế bào máu (hồng cầu, bạch cầu, tiểu
cầu).
4.2.1. Huyết tương (Plasma)
Huyết tương là phần dịch lỏng của máu. Nếu ly tâm máu hoặc để máu lắng đọng thì
lớp trên có màu vàng nhạt là huyết tương, lớp dưới có màu đỏ là các tế
bào máu.

59
Trong huyết tương, nước chiếm khoảng 90 – 92%, protein chiếm khoảng 7,5%,
glucid chiếm khoảng 0,12%, lipid chiếm khoảng 0,5 – 1% và muối khoáng chiếm khoảng
1%.

Huyết tương chứa các loại protein như albumin (duy trì áp suất
thẩm thấu), globulin (chức năng vận chuyển và miễn dịch), fibrinogen
(có vai trò quan trọng trong quá trình đông máu).
Glucid tồn tại trong máu chủ yếu ở dạng glucose và có hàm lượng ổn định ở mức
0,12%. Nếu lượng glucose tăng quá 0,18% thì thận sẽ không thể
tái hấp thu hoàn toàn glucose và gây ra bệnh tiểu đường.
Lipid tồn tại trong máu chủ yếu ở dạng kết hợp với protein tạo thành các hợp chất
hoà tan.
Các thành phần vô cơ của huyết tương gồm các nguyên tố hoá học như natri (Na),
canxi (Ca), kali (K), magiê (Mg), kẽm (Zn), đồng (Cu), phốt pho (P), lưu huỳnh (S)… Các
nguyên tố có trong huyết tương thường tồn tại dưới dạng muối, chủ yếu là muối cloride,
phosphate, sulphate. Trong đó, quan trọng nhất là muối Natri clorid (NaCl), chiếm khoảng
0,9%.
Chức năng của huyết tương bao gồm:
- Là dung dịch tạo thành dòng chảy trong hệ mạch, tạo điều kiện cho các tế bào máu
như hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu di chuyển.
- Là dung môi hoà tan các chất hữu cơ và vô cơ nên thực hiện chức năng vận chuyển.
- Đảm bảo áp suất thẩm thấu và giữ cho độ pH của máu ổn định.
- Fibrinogen tham gia vào quá trình đông máu.
- Một số loại protein trong huyết tương tham gia vào cơ chế miễn dịch của cơ thể.

4.2.2. Các tế bào máu


Các tế bào máu được hình thành từ tuỷ đỏ xương, bao gồm tế bào hồng cầu, tế bào
bạch cầu và tiểu cầu.

4.2.2.1. Hồng cầu


Hồng cầu màu đỏ, có cấu tạo hình đĩa có hai mặt lõm, rất nhỏ, đường kính trung
bình là 7,5 µm. Hình dạng lõm hai mặt của hồng cầu làm tăng diện tích tiếp xúc bề mặt
của nó với O2 và CO2 lên 1,63 lần, tạo điều kiện cho sự vận chuyển và trao đổi khí thực
hiện dễ dàng. Màng của hồng cầu có tính thấm chọn lọc đối với O2, CO2, H2O, glucose…

60
và các ion nhưng một số chất khác không qua được.
Thành phần quan trọng nhất của hồng cầu là hemoglobin (Hb). Mỗi phân tử
hemoglobin gồm 4 hem (4%) và 4 globin (96%). Globin gồm 4 chuỗi
polypeptide, mỗi chuỗi gắn với 1 hem là sắc tố màu đỏ, được tạo thành từ hai thành
phần là protoporphyrine và sắt (Fe2+) nằm ở trung tâm. Mỗi nguyên tử sắt có thể gắn
với 1 phân tử oxygen. Một phân tử hemoglobin chứa 4 nguyên tử sắt nên nó có khả
năng liên kết với 4 nguyên tử oxygen. Phân tử globin có khả năng vận chuyển CO2 và
NO (nitric oxide). Số lượng sắt có trong hồng cầu chiếm tới 65% tổng số sắt của toàn
bộ cơ thể.

Hình 4.1. (a) Hình dạng hồng cầu; (b) Cấu trúc phân tử Hemoglobin;
(c) Cấu tạo hóa học của nhân Hem
Hồng cầu non được sinh ra trong tuỷ đỏ của xương trong các tế bào gốc đa năng.
Thời gian sống trung bình của hồng cầu là khoảng 120 ngày. Quá trình sản sinh hồng cầu
được kích thích bởi erythropoietin, chất này do thận sản xuất khi hàm lượng hồng cầu giảm.
Ở nam giới, trung bình có khoảng 5,4 triệu hồng cầu/mm3 máu, trong khi ở phụ nữ trung
bình có khoảng 4,8 triệu hồng cầu/mm3 máu.
Cứ mỗi phút có khoảng 150 triệu hồng cầu già bị tiêu huỷ. Hồng cầu già bị thực bào
bởi các đại thực bào ở gan, lách và tuỷ xương. Khi hồng cầu bị tiêu huỷ, lượng
globin và sắt được tuỷ xương thu hồi để sản xuất hồng cầu mới. Các phân tử
hem bị biến đổi thành bilirubin có màu vàng và giải phóng sắt để sử dụng lại. Bilirubin
theo máu đến gan, được gan tiết vào mật và vào ruột non rồi theo phân ra ngoài, hoặc được
hấp thu lại vào máu, chuyển đến thận để bài tiết ra ngoài theo nước tiểu. Do đó, phân và
nước tiểu thường có màu vàng. Khi gan không bình thường thì bilirubin bị tích tụ trong huyết
tương gây ra hiện tượng vàng da, vàng mắt.
Chức năng chính của hồng cầu là vận chuyển khí O2 từ phổi đến các mô và vận
61
chuyển khí CO2 từ các mô đến phổi để thải ra ngoài.
4.2.2.2. Bạch cầu
Bạch cầu là những tế bào không có hình dạng nhất định, không màu, có nhân. Bạch
cầu bảo vệ cơ thể chống lại vi sinh vật, loại bỏ các tế bào chết và các mảnh vỡ. Số lượng
bạch cầu trong máu khoảng 6.000 – 8.000 tế bào/mm3. Số lượng này có thể thay đổi tuỳ
trạng thái cơ thể, tăng lên sau khi ăn, khi lao động và khi bị nhiễm khuẩn. Sự tăng giảm
bạch cầu liên quan đến các trạng thái bệnh lý. Khi bị nhiễm phóng xạ, nhiễm độc, suy tuỷ
thì bạch cầu giảm.
Thời gian sống của bạch cầu rất ngắn, khoảng 6 – 8 giờ ở trong máu, sau đó xuyên
qua mạch máu vào các mô và ở đó khoảng 2 – 3 ngày. Riêng bạch cầu lympho có khả năng
sống được 100 – 300 ngày.
Bạch cầu thường được sinh ra từ các tế bào gốc trong tuỷ đỏ xương. Bạch cầu
thường bị chết nếu chúng di chuyển ra bề mặt của niêm mạc và bị chết rất nhiều khi bị
bệnh viêm đường hô hấp, viêm mủ. Phần lớn thành phần của mủ là do xác bạch cầu chết
tạo thành.
Có 5 loại bạch cầu:
- Bạch cầu đa nhân trung tính là những tế bào thực bào nhỏ, có thể tiết ra lysozyme
để tiêu diệt vi khuẩn.
- Bạch cầu ưa acid có chức năng giảm viêm, chúng tiết ra các enzyme để phân giải
các chất độc và tiết ra một số chất để tiêu diệt các ký sinh trùng (sán dây, sán lá, giun
móc…).
- Bạch cầu ưa kiềm sản xuất ra histamin để chống viêm và heparin để ức chế quá
trình đông máu.

- Bạch cầu lympho rất quan trọng trong hệ miễn dịch. Bạch cầu
lympho có hai loại là bạch cầu lympho B và bạch cầu lympho T.
+ Bạch cầu lympho B sản xuất ra các kháng thể để tiêu diệt vi
khuẩn.
+ Bạch cầu lympho T chống lại sự xâm nhập của virus và phá
huỷ các tế bào khối u và mô ghép.
- Bạch cầu mono có khả năng thực bào và nó lớn dần lên nên còn được gọi là đại
thực bào, có khả năng kích thích bạch cầu lympho sản xuất ra kháng thể.

62
Hình 4.2. Các loại bạch cầu

4.2.2.3. Tiểu cầu

63
Tiểu cầu là những mảnh vỡ tế bào được tách ra từ các tế bào khổng lồ trong tuỷ
xương, có hình dáng không ổn định và không có nhân. Trong 1 mm3 máu có khoảng
250.000 – 400.000 tiểu cầu. Tiểu cầu chỉ sống được từ 5 – 9 ngày.
Tiểu cầu đóng vai trò quan trọng trong quá trình đông máu, giúp chống mất máu.
Tiểu cầu kết dính vào các sợi collagen ở các mô bị tổn thương và bịt kín các vết thương.
Đồng thời khi tiểu cầu vỡ đã giải phóng chất thromboplastin giúp hình
thành cục máu đông làm giảm mất máu.
Quá trình đông máu gồm ba giai đoạn: Đầu tiên là giải phóng
thromboplastin, sau đó thromboplastin đã hoạt hoá prothrombin
thành thrombin, cuối cùng thrombin hoạt hoá fibrinogen thành fibrin
không hoà tan, fibrin hình thành các cục máu đông.
Một số chất ức chế quá trình đông máu như heparin và antithrombin ức chế hoạt
động thrombin và fibrinogen nên không thể hình thành cục máu đông. Prostacylin chống
lại các tác động của thrombin. Có 13 yếu tố tham gia quá trình đông máu.

4.3. Nhóm máu và nguyên tắc truyền máu


4.3.1. Nhóm máu
Nhóm máu được xác định bởi các kháng nguyên trên bề mặt của hồng cầu và các
kháng thể có trong huyết tương.
Năm 1900, Landsteiner đã phát hiện ra hệ máu ABO trên người. Trong hệ máu này,
trên bề mặt của hồng cầu có ngưng kết nguyên (kháng nguyên) A, B và trong huyết tương
có các ngưng kết tố (kháng thể) α, β. Sự phân bố các kháng nguyên và kháng thể đã chia
máu ra làm 4 nhóm: A, B, AB và O.

Nhóm máu A B AB O
Ngưng kết nguyên A B A, B -
Ngưng kết tố β α - α, β

Tỷ lệ giữa các nhóm máu trên các quần thể người phân bố không đều. Kết quả
nghiên cứu trên người Việt Nam cho thấy người Kinh có:
- Nhóm máu O : 48,35%.
- Nhóm máu A : 19,46%.
- Nhóm máu B : 27,94%.

64
- Nhóm máu AB : 4,24%.
Ngoài ra, còn có nhóm máu Rhesus là Rh+ và Rh–. Nhóm máu Rh+ có kháng nguyên
Rh, trong khi nhóm máu Rh– không có kháng nguyên. Người có nhóm máu Rh– khi tiếp
xúc với máu Rh+ sẽ tạo kháng thể chống Rh+. Nhóm máu Rh là nguyên nhân gây ra hiện
tượng tiêu huyết ở trẻ sơ sinh. Ở Việt Nam, tỷ lệ người có nhóm máu Rh+ là 99,93% và
Rh– là 0,07%.

4.3.2. Nguyên tắc truyền máu


Việc xác định nhóm máu được ứng dụng trong việc truyền máu. Do quá trình truyền
máu rất chậm nên ngưng kết tố của người cho bị dòng máu của người nhận pha loãng nên
không gây ngưng kết hồng cầu người nhận. Vì vậy khi truyền máu cần xác định ngưng kết
nguyên của người cho và ngưng kết tố của người nhận.

Nguyên tắc truyền máu: Ngưng kết tố của người nhận không
làm ngưng kết hồng cầu của người cho.
Sơ đồ truyền máu:

65
Hình 4.3. Sự khác nhau giữa các nhóm máu trong hệ máu ABO

4.4. Cấu tạo và chức năng của hệ tuần hoàn


Hệ tuần hoàn bao gồm hai phần: tim có chức năng bơm máu vào các mao mạch các
mô và phổi; các mạch máu có chức năng làm cho máu lưu thông.
Hệ tuần hoàn có vai trò kết nối các tế bào với các cơ quan trao đổi như phổi trao đổi
O2 đi vào và CO2 đi ra khỏi máu, các chất dinh dưỡng đi vào máu ở ruột non hoặc các chất
thải ra khỏi máu ở thận.
4.4.1. Cấu tạo và chức năng sinh lý của tim
4.4.1.1. Cấu tạo
a. Hình dạng, kích thước và vị trí của tim
Ở người, tim nằm giữa hai lá phổi trong lồng ngực, có hình chóp nón. Phần đáy nằm
phía trên, khoảng giữa xương ức và hơi chếch ra phía sau. Phần mỏm nằm phía dưới, lệch
về bên trái và chếch ra đằng trước. Ở người Việt Nam trưởng thành, tim của nam nặng
khoảng 270 g và của nữ khoảng 240 g.
Màng ngoài tim là một túi kín gồm hai lớp bao quanh tim. Giữa màng ngoài tim và
tim là xoang bao tim, xoang bao tim có chứa một dịch lỏng làm giảm ma sát khi tim co
bóp.
Thành tim gồm 3 lớp. Thành của tâm nhĩ mỏng hơn nhiều so với thành của tâm thất,
thành của tâm thất trái dày hơn thành của tâm thất phải vì áp lực bơm máu đi khắp cơ thể
lớn hơn áp lực bơm máu qua phổi.

66
Hình 4.4. Vị trí của tim
b. Các buồng tim và van tim
Tim có bốn ngăn rỗng: hai tâm nhĩ ở trên và hai tâm thất ở dưới. Hai tâm nhĩ ngăn
cách với nhau bởi vách liên nhĩ và hai tâm thất ngăn cách với nhau bởi vách liên thất. Do
đó, tim được chia thành hai phần riêng biệt trái và phải.
Có các van tim bao gồm:
- Van 2 lá: ngăn thông nằm giữa tâm thất trái và tâm nhĩ trái. Van 2 lá mở ra cho
phép máu đi một chiều từ nhĩ trái xuống thất trái và đóng lại khi dòng máu được bơm từ
thất trái qua van động mạch chủ vào động mạch chủ để đưa máu đi nuôi toàn cơ thể. Việc
đóng lại này ngăn không cho máu đi ngược vào lại tâm nhĩ.
- Van 3 lá: ngăn thông nằm giữa tâm nhĩ phải và tâm thất phải của tim. Van ba lá
mở ra cho máu đi một chiều từ nhĩ phải xuống thất phải và đóng lại khi dòng máu được
bơm từ thất phải qua van động mạch phổi vào động mạch phổi đưa máu lên phổi để trao
đổi O2.
- Van động mạch phổi: gồm có ba van nhỏ hình tổ chim ngăn thông nằm giữa tâm
thất phải và động mạch phổi. Khi van động mạch phổi hở sẽ khiến van tim này không khép
kín, máu bị chảy ngược về tim, làm cho hiệu suất trao đổi oxi của cơ thể bị giảm sút.
- Van động mạch chủ: ngăn thông nằm giữa tâm thất trái và động mạch chủ. Bình
thường van động mạch chủ gồm 3 lá van thanh mảnh đóng mở nhịp nhàng theo hoạt động
của tim cho phép dòng máu chạy theo một chiều từ tâm thất trái ra động mạch chủ. Khi
van động mạch chủ bị hở thì tình trạng van đóng không kín làm một phần lượng máu sau
khi được bơm vào động mạch chủ chảy ngược lại tâm thất trái.

67
Hình 4.5. Cấu tạo giải phẫu của tim
c. Mạch vành tim

Các tế bào ở tim nhận oxi và chất dinh dưỡng bởi các mạch máu riêng đi vào thành
tim. Hai động mạch vành là động mạch vành phải và mạch vành trái từ gốc động mạch chủ
đi vào hai nửa của tim.
Khi động mạch vành bị xơ vữa do cholesterol tích tụ gây cản trở cho lưu thông của
máu, có thể dẫn đến hiện tượng thiếu máu cục bộ, nhồi máu cơ tim…

4.4.1.2. Chức năng sinh lý tim


a. Các đặc tính sinh lý của cơ tim
Cơ tim có 4 đặc tính sau: tính hưng phấn, tính trơ có chu kỳ, tính dẫn truyền và tính
tự động.
- Tính hưng phấn của cơ tim diễn ra theo quy luật “tất cả hoặc không có gì”. Cụ
thể là, khi kích thích có cường độ dưới ngưỡng, cơ tim hoàn toàn không co bóp; khi kích
thích có cường độ ngưỡng, cơ tim đáp ứng bằng sự co tối đa, và kích thích có cường độ
trên ngưỡng cũng không làm cho cơ tim co mạnh hơn nữa.
- Tính trơ có chu kỳ: hưng phấn của cơ tim biểu hiện qua các giai đoạn khác nhau
bao gồm giai đoạn trơ tuyệt đối, giai đoạn trơ tương đối, giai đoạn hưng vượng, giai đoạn
phục hồi hoàn toàn. Nếu kích thích cơ tim vào giai đoạn cơ đang co (tâm thu), thì dù kích
68
thích có cường độ mạnh trên ngưỡng, cơ tim cũng không co thêm nữa, đó là giai đoạn trơ
tuyệt đối của tim. Nếu kích thích vào cuối thời kỳ tâm thu hay lúc cơ tim đang giãn, tim sẽ
đáp ứng bằng một co bóp phụ, gọi là ngoại tâm thu. Sau ngoại tâm thu là giai đoạn nghỉ
bù.
- Tính dẫn truyền: cơ tim và hệ thống dẫn truyền hưng phấn trong tim (các nút, bó
His và mạng lưới Purkinje) có khả năng dẫn truyền các điện thế hoạt động.
- Tính tự động: thể hiện ở khả năng tự động phát các điện thế hoạt động một cách
nhịp nhàng của hệ thống nút. Xung động gây cho tim co bóp phát sinh ở nút xoang rồi
truyền đi khắp tim. Nút nhĩ thất, tâm nhĩ, tâm thất, bó His cũng có khả năng tự động phát
xung nhịp nhàng khi chúng không tiếp nhận được các xung từ nút xoang truyền đến.
b. Hệ thống dẫn truyền của tim
Hệ thống dẫn truyền của tim bao gồm các nút xoang (Keith Flack), nút nhĩ thất
(Aschoff – Tawara), bó nhĩ thất, bó His và các sợi.
Nút xoang làm cho tâm nhĩ co. Nút nhĩ thất và phần còn lại gây ra sự co bóp tâm
thất.
Hệ thống này có tính tự động và không cần phải có kích thích thần kinh bên ngoài.
Nếu không có hệ thống này, tâm nhĩ và tâm thất sẽ có nhịp đập khác nhau.

Hình 4.6. Hệ thống hạch tự động


c. Chu kỳ tim và tiếng tim

Một chu kỳ tim bao gồm tất cả các hoạt động xảy ra trong một
nhịp tim. Trung bình,
tim đập khoảng 70 lần/ phút.
69
Chu kỳ tim được chia ra thành 3 giai đoạn: tâm nhĩ thu (0,1 s), tâm
thất thu (0,30 s)
và tâm nhĩ, tâm thất trương (0,40 s).
Tiếng tim tạo ra là do đóng mở các van tim.
Quá trình hoạt động của tim được điều hòa bởi trung khu điều
hòa tim mạch ở hành tủy và hệ thần kinh tự chủ (giao cảm và phó giao
cảm).

4.4.2. Cấu tạo và chức năng sinh lý của mạch máu


4.4.2.1. Cấu tạo
Mạch máu bao gồm động mạch, tĩnh mạch và mao mạch.
a. Động mạch
- Động mạch là những ống hình trụ, có thành dày, cấu tạo bởi ba lớp, dẫn máu từ
tâm thất phải lên phổi và từ tâm thất trái đi đến các cơ quan, các mô và các tế bào của cơ
thể.
- Đa số động mạch nằm sâu trong cơ thể nên được bảo vệ tốt. Có kích thước lớn và
dài nhất là động mạch chủ. Từ động mạch chủ trở ra, các động mạch được chia thành các
nhánh nhỏ dần. Các động mạch thường được nối thông với nhau, làm cho máu ở các tiểu
động mạch sau cùng được tiếp nối bằng các mao mạch và các mao mạch là khởi đầu của
các tĩnh mạch.

Hình 4.7. Các loại mạch máu

70
b. Tĩnh mạch
- Tĩnh mạch được bắt nguồn từ các mao mạch, các tĩnh mạch thường song song với
các động mạch và gồm một số tĩnh mạch chính (tĩnh mạch phổi, tĩnh mạch tim, tĩnh mạch
chủ trên, tĩnh mạch chủ dưới).
- Đa số tĩnh mạch nằm nông, gần bề mặt cơ thể hoặc nằm ở dưới da nên có thể dễ
dàng nhìn thấy bằng mắt thường.
- Nhìn chung, tĩnh mạch có cấu tạo giống như động mạch nhưng thành mạch mỏng
hơn. Lòng tĩnh mạch thường có đường kính lớn hơn lòng của động mạch tương đương. Do
vậy, tốc độ của dòng máu chảy trong tĩnh mạch là chậm hơn so với trong lòng của động
mạch.
c. Mao mạch: là các mạch máu nhỏ nhất, có chức năng dẫn máu từ các động mạch
sang các tĩnh mạch, chỉ vừa đủ để cho một hồng cầu đi lọt. Mao mạch là nơi diễn ra các
quá trình trao đổi chất giữa máu và các dịch kẽ. Thành của mao mạch rất mỏng gồm một
lớp tế bào.

4.4.2.2. Chức năng sinh lý của mạch máu


Vận tốc của dòng máu khác nhau theo tổng mặt cắt ngang của các mạch máu tại các
khu vực, do đó, lưu lượng máu chậm nhất là ở các mao mạch và cao nhất là ở động mạch
chủ.
Huyết áp là áp lực của máu tác động lên thành mạch máu. Huyết áp cao nhất là ở
động mạch chủ. Huyết áp giảm theo khoảng cách từ tâm thất trái. Càng xa tim huyết áp
càng giảm. Huyết áp thấp nhất tại xoang tĩnh mạch.

4.5. Sự miễn dịch và cơ chế miễn dịch trong cơ thể người


4.5.1. Khái niệm
Miễn dịch là khả năng của cơ thể sẽ không mắc bệnh mà do máu và các mô đã có
các chất có tác dụng để chống lại các tác nhân có thể gây bệnh cho cơ thể, ví dụ như các
loại vi khuẩn, virus… hoặc là các độc tố của chúng có thể gây ra tác dụng xấu cho tế bào,
các mô của cơ thể, hay nói cách khác miễn dịch là tính không cảm thụ của cơ thể đối với
mọi sự nhiễm khuẩn để gây bệnh.
Miễn dịch được chia làm hai loại miễn dịch bẩm sinh (miễn dịch tự nhiên) và miễn
dịch tập nhiễm (miễn dịch nhân tạo).

71
4.5.2. Miễn dịch bẩm sinh
Miễn dịch bẩm sinh là khả năng của con người sẽ không mắc một số bệnh do các
loại vi khuẩn gây bệnh không còn có khả năng để sinh sản và phát triển trong cơ thể của
con người hay động vật.
Ví dụ: con người không mắc các bệnh dịch hạch của động vật có sừng, bệnh dịch tả
của lợn, bệnh sốt ho của chó…
Miễn dịch bẩm sinh giúp cho con người có thể chống lại được một số bệnh đặc
trưng cho loài và đó là kết quả của sự phát triển chủng loại.
Miễn dịch bẩm sinh gồm có các dạng chủ yếu sau:
- Bạch cầu (bạch cầu trung tính, bạch cầu mono và các đại thực bào) thực bào các
vi khuẩn và các tác nhân gây bệnh của chúng khi đã xâm nhập vào cơ thể.
- Phản ứng của da với các loại vi khuẩn hay các vật lạ khi xâm nhập vào cơ thể
người.
- Một số chất hóa học đã có ở trong máu có thể phân hủy các sinh vật lạ, các độc tố
của chúng khi xâm nhập và cơ thể.
- Dịch vị có độ acid cao và các enzyme tiêu hóa có thể có tác dụng phân hủy các
sinh vật khi đã nuốt vào ống tiêu hóa theo thức ăn.

4.5.3. Miễn dịch tập nhiễm


Miễn dịch tập nhiễm là khả năng miễn dịch được tạo nên trong quá trình sống của
con người, do cơ thể đã mắc bệnh hoặc đã được tiêm chủng để tạo nên sự miễn dịch và giữ
cho cơ thể không mắc lại các bệnh đó nữa sau khi đã khỏi bệnh.
Cơ chế miễn dịch tập nhiễm như sau:
- Quá trình miễn dịch tập nhiễm được bắt đầu bởi các tác nhân gây bệnh đã xâm
nhập vào cơ thể. Các tác nhân này gọi là kháng nguyên.
- Mỗi loại tế bào lympho trong cơ thể chỉ có thể sản sinh ra một loại kháng thể, một
loại tế bào T đặc hiệu để chống lại tác dụng của loại kháng nguyên đặc hiệu đó.
- Sự hình thành các tế bào nhớ: sau lần xâm nhập đầu tiên của các kháng nguyên
đặc hiệu, một lượng lớn các tế bào lympho T và B đặc hiệu mới sinh ra sẽ được bổ sung
cho các tế bào gốc. Các tế bào này sẽ lưu thông khắp mọi nơi trong cơ thể và sống ở các
mô bạch huyết. Các tế bào nhớ tạo ra các kháng thể nhanh chóng và mạnh hơn nhiều lần
để chống lại các tác nhân đã xâm nhập vào cơ thể ở các lần sau mà không cho chúng lan
truyền và tồn tại để phát bệnh.

72
4.5.4. Tiêm chủng
Tiêm chủng là nhằm mục đích gây ra sự miễn dịch tập nhiễm cho cơ thể để chống
lại một số bệnh đặc hiệu như:
- Có thể tiêm vào cơ thể những vi khuẩn đã chết, không còn khả năng để gây ra bệnh
tật nhưng vẫn còn tính kháng nguyên nhất định. Loại này dùng để phòng chống một số
bệnh như thương hàn, ho gà, bạch hầu…
- Có thể dùng những độc tố của các vi sinh vật đã được xử lý nhưng vẫn còn tính
kháng nguyên để gây ra sự miễn dịch như chống uốn ván và những bệnh nhiễm độc khác…
- Có thể sử dụng các vi sinh vật đã làm giảm các hoạt lực của nó nhưng vẫn còn
mang các kháng nguyên đặc hiệu để tiêm chủng. Phương pháp này được dùng để tiêm
chủng các bệnh như bại liệt, sốt vàng và một số bệnh virus khác.

4.6. Một số bệnh về máu, tim mạch và cách phòng chống các bệnh
4.6.1. Bệnh lý máu lành tính
4.6.1.1. Thiếu máu thiếu sắt
Thiếu máu thiếu sắt là một dạng bệnh thiếu máu khi cơ thể không có đủ lượng sắt
cung cấp hồng cầu cần thiết. Thiếu máu thiếu sắt thường gặp ở phụ nữ có thai hoặc trẻ em
trong độ tuổi dậy thì.
Người bị thiếu máu thiếu sắt sẽ có biểu hiện như người xanh xao, nhợt nhạt; cơ thể
mệt mỏi; lưỡi nhợt hoặc nhẵn, mòn gai lưỡi; móng tay, móng chân khô; tóc khô, dễ gãy;
thường xuyên bị chóng mặt, hoa mắt, người quay cuồng nhất là khi thay đổi tư thế; giảm
năng suất lao động thể lực và trí lực…
Cách phòng tránh bệnh thiếu máu thiếu sắt: Có chế độ ăn uống hợp lý, cân bằng các
thực phẩm hàng ngày để cung cấp đủ lượng sắt cho cơ thể. Nên ăn các loại thực phẩm có
nhiều sắt như các loại hạt, ngũ cốc, đậu phụ, lòng đỏ trứng, các loại thịt màu đỏ, các loại
rau màu xanh đậm... Uống nhiều nước cam, nước chanh để tăng khả năng hấp thụ sắt. Phụ
nữ có thai nên bổ sung sắt trong suốt thai kỳ. Nuôi con bằng sữa mẹ vì trong sữa mẹ chứa
nhiều sắt dễ hấp thu. Trường hợp nuôi con bằng sữa bột cần chọn loại có chứa đủ sắt hoặc
bổ sung thêm sắt cho trẻ.

4.6.1.2. Bệnh Thalassemia


Thalassemia (bệnh tan máu bẩm sinh) là bệnh có tỉ lệ gặp phải cao trong các bệnh
bẩm sinh. Với những biểu hiện chính là thiếu máu và thừa sắt, bệnh nhân Thalassemia cần
phải được truyền máu và dùng thuốc thải sắt suốt đời. Người mắc bệnh tan máu bẩm sinh

73
sẽ bị giảm khả năng lao động và sinh hoạt gây nên những gánh nặng cho gia đình và cộng
đồng.
Với các biện pháp xét nghiệm, tư vấn tiền hôn nhân. Các cặp vợ chồng chuẩn bị có
thai hoặc đang mang thai, đặc biệt các gia đình đã có bệnh nhân Thalassemia nên được tư
vấn và chẩn đoán tiền hôn nhân. Tư vấn di truyền trước hôn nhân với mục tiêu kiểm soát
sinh con giữa hai người cùng mang gen bệnh.

4.6.1.3. Bệnh máu khó đông (Hemophilia)


Bệnh máu khó đông còn gọi là bệnh ưa chảy máu (Hemophilia) là một rối loạn hiếm
gặp, trong đó máu của người bệnh không đông máu như bình thường vì do thiếu yếu tố
đông máu trong chuỗi 13 yếu tố giúp đông máu. Nếu mắc bệnh máu khó đông, người bệnh
có thể bị chảy máu trong thời gian dài, khó cầm máu hơn sau khi bị chấn thương so với
người thường. Nguyên nhân bệnh máu khó đông xảy ra khi người bệnh bị thiếu một trong
những yếu tố đông máu.
Bệnh máu khó đông tuy là một bệnh lý di truyền do gen nhưng nếu điều trị và chăm
sóc tốt bệnh nhân sẽ vẫn có thể có cuộc sống như người bình thường.

4.6.2. Bệnh lý máu ác tính


4.6.2.1. Ung thư máu
Bệnh ung thư máu hay bệnh bạch cầu cấp là bệnh lý do các tế bào máu bị ung thư
hóa trong quá trình tạo ra tế bào, những tế bào ung thư này nhân lên rất nhanh và nếu không
được điều trị sẽ ứ đọng trong tủy xương và cản trở quá trình tạo ra các tế bào máu bình
thường tiếp theo. Trong bệnh ung thư máu, các tế bào bất thường có thể quan sát được. Số
lượng bạch cầu có thể tăng hoặc giảm, giảm số lượng tiểu cầu.

4.6.2.2. Rối loạn sinh tủy (MDS)


Hội chứng rối loạn sinh tủy (Myelodysplastic Syndrome - MDS) là một nhóm các
rối loạn do các tế bào máu hình thành không bình thường hoặc không hoạt động gây ra.
Hội chứng này xảy ra khi có bất ổn trong tủy xương, nơi sản sinh ra các tế bào máu. Đây
là bệnh khá nặng, dai dẳng và rất khó điều trị. Người bệnh có thể tử vong do các biến chứng
như nhiễm trùng, xuất huyết, ứ sắt do truyền máu nhiều lần gây suy chức năng các cơ quan
hoặc do chuyển thành bệnh bạch cầu cấp.
Nguyên nhân rối loạn sinh tủy bao gồm:

74
- Yếu tố di truyền: một số người mắc bệnh rối loạn sinh tủy có một nhiễm sắc thể
bất thường rút ngắn được gọi là nhiễm sắc thể Philadelphia.
- Yếu tố môi trường: rối loạn sinh tủy có thể là hậu quả do tiếp xúc quá nhiều với
bức xạ, hệ thống dây điện hoặc hóa chất.

4.6.3. Một số bệnh về tim mạch


4.6.3.1. Cao huyết áp
Cao huyết áp (hay tăng huyết áp) là một bệnh lý mãn tính khi áp lực của máu tác
động lên thành động mạch tăng cao. Huyết áp tăng cao gây ra nhiều áp lực cho tim và là
căn nguyên của nhiều biến chứng tim mạch nghiêm trọng như tai biến mạch máu não, suy
tim, bệnh tim mạch vành, nhồi máu cơ tim,...
Cao huyết áp là bệnh lý mạn tính, xảy ra khi áp lực máu lên thành động mạch cao
hơn so với bình thường. Theo hướng dẫn điều trị cao huyết áp của Bộ Y tế, tăng huyết áp
được định nghĩa là khi huyết áp tâm thu > 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương >=
90mmHg.

4.6.3.2. Bệnh van tim


Bệnh van tim xảy ra khi một hoặc nhiều van tim không thực hiện tốt chức năng
đóng mở cho máu lưu thông theo một chiều. Có hai dạng thường gặp trong bệnh van tim,
đó là bệnh hở van và hẹp van.
- Hẹp van tim: là khi lá van không còn mềm mại, bị dày hoặc dính các mép van, làm
hạn chế khả năng mở và cản trở sự lưu thông của máu qua đó. Tim phải bơm mạnh hơn để
buộc máu qua chỗ hẹp.
- Hở van tim: là khi van không thể đóng kín, làm cho một phần máu bị trào ngược
trở lại buồng tim đã bơm máu trước đó. Khi hở van, tim phải làm việc nhiều hơn để bù đắp
khối lượng máu bị thiếu hụt do trào ngược và xử lý khối lượng máu tồn dư cho lần co bóp
tiếp theo.
Một số trường hợp bệnh van tim có thể gặp phối hợp cả hẹp và hở van tim và bệnh
của nhiều van tim trong cùng một bệnh nhân.

4.6.3.3. Xơ vữa mạch máu


Hệ thống động mạch có chức năng vận chuyển máu từ tim, mang nhiều O2 và dưỡng
chất đi nuôi cơ thể. Theo năm tháng, các chất béo, cholesterol và các chất khác lắng đọng

75
vào thành mạch (gọi là mảng xơ vữa) gây hẹp lòng mạch, cản trở dòng máu lưu thông. Đó
gọi là bệnh xơ vữa mạch máu.
Xơ vữa mạch máu là quá trình diễn biến từ từ, bắt đầu ngay từ tuổi trẻ. Độ tuổi xảy
ra các biến cố liên quan đến xơ vữa động mạch đang dần bị trẻ hóa. Nguyên nhân chính
xác gây ra bệnh vẫn còn chưa được biết rõ nhưng người ta đã biết được nhiều yếu tố góp
phần vào sự hình thành mảng xơ vữa mạch máu. Một số tác nhân có thể gây tổn thương
nội mạc mạch máu như cao huyết áp, mức độ lipid cao trong máu, hút thuốc lá, đường
huyết cao.

4.6.3.4. Thiếu máu cơ tim


Bệnh thiếu máu cơ tim (hay còn gọi là thiếu máu cục bộ cơ tim) là bệnh lý xảy ra
khi lưu lượng máu đến tim bị giảm, khiến cho tim không tiếp nhận đủ lượng O2 cần thiết
cho hoạt động co bóp tống máu. Lượng máu đến tim giảm là hậu quả của sự tắc nghẽn một
phần hoặc toàn bộ các nhánh của động mạch tim (động mạch vành). Thiếu máu cơ tim làm
giảm khả năng bơm của tim, gây tổn thương cơ tim, nhiều trường hợp dẫn đến loạn nhịp
tim và nhồi máu cơ tim. Sự tắc nghẽn đột ngột của động mạch vành có thể gây ra nhồi máu
cơ tim.
Một số bệnh nhân thiếu máu cơ tim cục bộ không biểu hiện thành triệu chứng. Tuy
nhiên, khi các dấu hiệu và triệu chứng xuất hiện, phổ biến nhất là cơn đau ở vùng ngực,
thường là phía bên trái của cơ thể (đau thắt ngực). Bên cạnh đó, những biểu hiện của
bệnh thiếu máu cơ tim có thể dễ nhận biết hơn, bao gồm: đau vùng cổ hoặc hàm, đau vai
hoặc cánh tay, nhịp tim nhanh, khó thở khi vận động cơ thể, buồn nôn và nôn, đổ nhiều mồ
hôi, mệt mỏi.

4.6.3.5. Nhồi máu cơ tim


Nguyên nhân thường gặp nhất của nhồi máu cơ tim là xơ vữa mạch máu. Tình trạng
này xảy ra là do mảng xơ vữa tích tụ dần theo thời gian và bám vào thành mạch máu, thành
phần cấu thành bao gồm cholesterol, canxi, mảnh vỡ tế bào.
Ở những đối tượng có một số yếu tố nguy cơ như cao huyết áp, hút thuốc lá, rối loạn
lipid máu, đái tháo đường góp phần thúc đẩy tổn thương mạch máu theo thời gian. Chính
những rối loạn này làm thành mạch máu dễ bị các phân tử cholesterol lắng đọng và bám
vào.

76
4.6.3.6. Suy tim
Suy tim là tình trạng bệnh lý do tim bị yếu đi và không thể hoàn thành được chức
năng bơm máu đi nuôi cơ thể một cách bình thường được. Bệnh nhân suy tim luôn phải
đối mặt với những biến cố tim mạch.
Mức độ suy tim của người bệnh được đánh giá dựa trên triệu chứng cơ năng và khả
năng vận động gắng sức, chia làm bốn cấp độ từ 1 đến 4.
Hầu hết các vấn đề về tim mạch có thể được điều trị bằng thuốc, can thiệp hay phẫu
thuật sửa chữa, thay thế. Tùy vào nguyên nhân và các triệu chứng của bệnh (mệt mỏi, khó
thở, đau tức ngực), bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp với bạn. Để phòng
ngừa bệnh, cần giữ cho cơ thể luôn khỏe mạnh, khi mệt phải đi kiểm tra tim mạch ngay,
không làm việc quá sức, không để nhiễm hóa chất.

77
Chương 6. HỆ BÀI TIẾT Ở
NGƯỜI

6.1. Cấu tạo và chức năng từng phần của hệ bài tiết
Hoạt động bài tiết là đào thải các sản phẩm cuối cùng của quá trình trao đổi chất
như khí CO2, urea, uric acid, ammonia, nước, muối khoáng ra khỏi cơ thể để duy trì cân
bằng nội môi. Đây là khâu cuối cùng của quá trình trao đổi chất giữa cơ thể với môi trường.
Ở người, cơ quan bài tiết nước tiểu gồm 2 quả thận, 2 niệu quản, bàng quang và niệu đạo.

Hình 6.1. Cấu tạo hệ bài tiết


6.1.1. Cấu tạo và chức năng của thận
Ở người có hai quả thận hình hạt đậu, nằm ở hai bên cột sống, phía lưng của khoang
bụng, ở vị trí từ đốt sống ngực XII đến đốt thắt lưng I – II. Thận bên phải thường nhỏ hơn
và nằm thấp hơn thận bên trái một đốt sống.
Bên ngoài mỗi quả thận được bao bọc bởi một lớp mô liên kết sợi và thường có một
lớp mỡ dày bao phủ. Chính giữa bờ cong phía trong của thận có hệ thống mạch máu, dây
thần kinh và niệu quản đi qua gọi lá rốn thận. Bên trong thận gồm có hai phần, giáp với
rốn thận là một xoang rỗng, màu trắng gọi là bể thận, có chứa các mạch máu lớn và dây
thần kinh. Phần còn lại gồm hai lớp. Bên ngoài là lớp vỏ thận, có màu đỏ thẫm và bên trong
là lớp tuỷ thận, có màu đậm hơn.

78
Hình 6.2. Cấu tạo giải phẫu của thận
Trong vùng vỏ thận có các đơn vị thận (nephron) thực hiện chức năng lọc máu để
tạo thành nước tiểu. Mỗi quả thận có khoảng 1 triệu đơn vị thận. Mỗi đơn vị thận gồm có
cầu thận, ống thận và hệ thống mao mạch.
Cầu thận gồm có nang Bowman và quản cầu Malpighi. Nang Bowman là một
khoang rỗng bao bọc quản cầu và thông với ống thận. Quản cầu Malpighi là một búi
hình cầu gồm khoảng 50 mao mạch nằm gọn trong nang Bowman và nhận máu từ
tiểu động mạch. Ống thận chạy từ nang Bowman đến ống góp nước tiểu, bao gồm ống
lượn gần, quai Henle và ống lượn xa. Ống góp nước tiểu nhận nước tiểu từ các đơn vị
thận đổ tới. Nhiều ống góp nhỏ đổ vào ống góp chung và nhiều ống góp chung chụm
đầu lại tạo thành “bó tháp thận” để đổ nước tiểu vào bể thận.
Động mạch thận xuất phát từ động mạch chủ bụng đi vào thận rồi phân nhỏ dần và
có nhánh đến từng đơn vị thận, gọi là động mạch đến rồi phân thành các nhánh mao mạch
trong quản cầu Malpighi. Sau đó, các mao mạch của quản cầu tập hợp lại thành động mạch
đi để ra khỏi quản cầu. Khi đã ra khỏi quản cầu, động mạch đi lại phân thành mạng lưới
mao mạch dày đặc bao quanh suốt chiều dài của hệ thống ống thận để thực hiện nhiệm vụ
tái hấp thu các chất cần thiết cho cơ thể rồi tập trung thành tĩnh mạch nhỏ và đổ vào tĩnh
mạch thận. Tĩnh mạch thận đổ vào tĩnh mạch chủ dưới.

79
Hình 6.3. Cấu tạo đơn vị thận (nephron)

Hình 6.3. Mạng lưới mạch máu ở đơn vị thận (nephron)

80
Thận là cơ quan bài tiết chính của cơ thể. Da, gan, phổi và ruột cũng có khả năng
loại bỏ một số chất thải, nhưng nếu thận không hoạt động, các cơ quan này không thể đảm
đương đầy đủ chức năng bài tiết. Các chức năng của thận bao gồm:
- Chức năng lọc máu: chỉ có protein và các tế bào máu được giữ lại trong máu nên
dịch lọc ban đầu có thể tích rất lớn. Phần lớn thể tích dịch lọc được tái hấp thu trở lại máu
cùng với các phân tử hữu ích và các ion. Một lượng nhỏ nước, chất thải của trao đổi chất,
các phân tử độc hại và các ion dư thừa vẫn còn trong dịch lọc. Các chất thải khác được tiết
ra vào dịch lọc và kết quả là sự hình thành nước tiểu.
- Chức năng điều hoà thể tích máu: thận đóng một vai trò quan trọng trong việc
kiểm soát khối lượng dịch ngoại bào trong cơ thể bằng cách sản xuất nhiều hoặc ít lượng
nước tiểu. Khi uống nhiều nước thì lượng nước tiểu tăng lên và ngược lại.
- Chức năng điều hoà nồng độ các chất hoà tan trong máu: thận giúp điều hoà nồng
độ các ion chính như Na+, Cl-, K+, Ca2+ và HPO42-.
- Chức năng điều hoà độ pH của dịch ngoại bào: thận bài tiết một lượng ion H+
giúp điều hoà pH của dịch ngoại bào.
- Chức năng điều hoà quá trình tổng hợp các tế bào máu: thận tiết ra hormone
erythropoietin có chức năng điều hoà quá trình tổng hợp các tế bào máu ở tuỷ xương.
- Chức năng tổng hợp vitamin D: thận đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát
hàm lượng ion Ca2+ trong máu thông qua việc điều hoà tổng hợp vitamin D.

6.1.2. Cấu tạo và chức năng của bàng quang


Bàng quang (bóng đái) là một túi rỗng nằm ở phần dưới của xoang bụng, phía trước
của trực tràng. Thành của bàng quang có 3 lớp (ngoài cùng là lớp mô liên kết, giữa là lớp
cơ trơn, trong cùng là lớp niêm mạc). Lớp cơ của bàng quang gồm có cơ vòng, cơ dọc và
cơ chéo nên bàng quang rất bền và có khả năng đàn hồi lớn. Cổ bàng quang dài được cấu
tạo từ cơ thắt trơn ở phía trên và cơ thắt vân ở phía dưới.
Bàng quang là nơi chứa nước tiểu do thận bài tiết ra và đào thải nước tiểu thông qua
đường niệu đạo.

6.1.3. Cấu tạo và chức năng của đường dẫn nước tiểu
Có 2 niệu quản dẫn nước tiểu từ 2 quả thận xuống bàng quang. Thành của niệu quản
gồm 3 lớp (ngoài cùng là lớp màng liên kết, giữa là các sợi chun, trong cùng là lớp niêm
mạc).

61
Niệu đạo có nhiệm vụ dẫn nước tiểu từ bàng quang đến cơ quan bài xuất nước tiểu.
- Ở nam, niệu đạo xuất phát từ phần đáy của bàng quang, khi đến tuyến tiền liệt nó
nhập với ống dẫn tinh làm một và chạy dọc dương vật đến quy đầu.
- Ở nữ, niệu đạo xuất phát từ phần đáy của bàng quang chạy trong hố chậu và kết
thúc ở âm hộ, lỗ tiểu tiện nằm giữa âm vật và cửa âm đạo.

6.2. Hoạt động của hệ bài tiết


6.2.1. Quá trình hình thành nước tiểu
Nước tiểu được hình thành trong quá trình lọc máu ở các đơn vị thận. Quá trình lọc
nước tiểu gồm 2 giai đoạn: quá trình lọc ở cầu thận và quá trình tái hấp thu ở ống thận.
- Ở cầu thận, nước tiểu loạt một được hình thành, có thành phần giống với huyết
tương.
- Nước tiểu loạt một chảy qua hệ thống ống thận để thực hiện quá trình tái hấp thu
các chất cần thiết (nước, glucose, amino acid, protein,…). Những chất không được tái hấp
thu (uric acid, muối carbonate, sulphate,…) cùng với số nước còn lại chảy vào ống góp tạo
thành nước tiểu loạt hai (nước tiểu chính thức) đổ vào bể thận rồi xuống bàng quang.
Ở người, lượng máu chảy qua 2 quả thận trung bình mỗi phút là 1,3 lít, mỗi giờ là
80 lít, mỗi ngày là 1.900 lít. Như vậy, trung bình cứ 5 phút, toàn bộ máu trong cơ thể được
lọc qua thận một lần nên nhu cầu oxygen rất lớn.
Ban ngày, cơ thể hoạt động nhiều hơn, nhu cầu thải các chất cặn bã cao hơn nên
lượng nước tiểu được tiết ra nhiều hơn. Ban đêm, khi ngủ, trao đổi chất giảm nên lượng
nước tiểu tiết ra cũng ít hơn. Lượng nước tiểu được hình thành còn phụ thuộc vào thành
phần thức ăn và nước uống. Nếu ăn và uống nhiều nước thì lượng nước tiểu được tiết ra
nhiều, còn nếu ăn và uống ít nước thì lượng nước tiểu được tiết ra ít. Khi nhiệt độ môi
trường xung quanh tăng, mồ hôi được tiết ra nhiều thì lượng nước tiểu giảm và ngược lại.

6.2.2. Quá trình bài xuất nước tiểu


Khi lượng nước tiểu đạt tới một mức độ nhất định sẽ làm tăng áp suất trong bàng
quang, kích thích các nội thụ quan làm xuất hiện phản xạ tiểu tiện. Phản xạ tiểu tiện chịu
sự chi phối của thần kinh giao cảm và đối giao cảm. Ở cầu não và vỏ não có hai trung khu
chi phối phản xạ tiểu tiện là trung khu kích thích và trung khu ức chế. Trung khu ức chế
hoạt động liên tục, còn trung khu kích thích chỉ hoạt động khi “thời cơ” tiểu tiện xuất hiện,
như nơi tiểu tiện, thời điểm và hoàn cảnh của môi trường xung quanh,… Khi bị tổn thương

62
tuỷ sống hoặc hôn mê, vỏ não không còn chi phối hoạt động của tuỷ sống, phản xạ tiểu
tiện sẽ tự động xuất hiện gây ra đái dầm.

6.3. Một số bệnh về hệ bài tiết và cách phòng chống các bệnh
Thận và bàng quang là hai cơ quan thường hay bị bệnh. Triệu chứng thể hiện là đi
tiểu đau, tiểu tiện bất thường, “đái dắt”, đái đầm, đái ra máu. Khi cả hai thận đều bị viêm
nhiễm sẽ rất nguy hiểm. Phân tích thành phần hoá học và hiển vi nước tiểu có thể chẩn
đoán hữu hiệu các bệnh về hệ bài tiết.

6.3.1. Nhiễm khuẩn đường tiết niệu


Nhiễm khuẩn đường tiết niệu do vi khuẩn, virus hoặc nấm gây bệnh từ môi trường
xâm nhập vào niệu đạo rồi theo niệu đạo vào bàng quang hoặc qua đường máu. Nhiễm
khuẩn đường tiết niệu có thể gây viêm niệu đạo, viêm bàng quang, viêm thận. Biểu hiện
thường gặp là đái buốt, đái rắt, rối loạn tiêu hoá,…
Phụ nữ thường mắc nhiễm khuẩn đường tiết niệu hơn vì ở phụ nữ niệu đạo ngắn
nên vi khuẩn, nấm men dễ dàng xâm nhập bàng quang gây viêm. Vào tuổi 30 có trên 20%
phụ nữ bị viêm nhiễm ống tiết niệu, vì vậy cần thường xuyên tắm rửa, uống nhiều nước và
tăng cường tiểu tiện để chống viêm.

6.3.2. Sỏi thận (Liverstone)


Sỏi thận là sự tích luỹ của calcium oxalate, uric acid, calcium phosphate trong vùng
bể thận thành viên càng ngày càng rắn và to dần. Khi sỏi rơi vào niệu quản hoặc niệu đạo
gây rát, chảy máu và rất đau.
Sỏi thận phổ biến ở vùng nhiệt đới, do da tiết nhiều mồ hôi nên phải tăng tái hấp thu
nước làm cho nước tiểu trong bể thận quá đặc. Những người ít vận động hay nằm và ngồi
một chỗ càng dễ bị sỏi thận. Chữa sỏi thận đầu tiên phải tăng cường uống nước, kết hợp
siêu âm để tán sỏi nát ra và được bài xuất theo nước tiểu.

6.3.3. Ung thư bàng quang


Ung thư bàng quang là loại ung thư thường gặp ở người trưởng thành. Đi tiểu nhiều
lần và tiểu ra máu là triệu chứng ung thư bàng quang. Dùng phương pháp nội soi có thể
phát hiện các khối u trong bàng quang.

63
Những người nghiện thuốc lá có tần số bị ung thư bàng quang gấp hai lần người
thường. Liệu pháp cắt bỏ, hoá chất và chiếu xạ là các liệu pháp tốt nếu kết hợp với chẩn
đoán sớm.

6.4. Ghép thận và chạy thận nhân tạo


6.4.1. Ghép thận
Ghép thận không phải là cắt bỏ thận bệnh rồi ghép một quả thận mới vào đúng vị
trí cũ. Thực chất ghép thận là việc lấy một quả thận của người khỏe mạnh hoặc một quả
thận còn tốt của người đã bị chết não để ghép vào bụng (thực chất là ngoài ổ bụng vì thận
ghép ở ngoài màng bụng).
Một người có thể được ghép thận được nhiều lần, nếu thận ghép bị hỏng. Nguồn
thận để ghép có thể từ người sống cho thận hoặc từ người đã bị chết não. Nguồn thận ghép
từ hiến thận khỏe mạnh có thể cùng huyết thống (bố, mẹ đẻ, anh chi em ruột, quan hệ huyết
thống xa hơn: anh em nội tộc) hoặc không huyết thống (hoàn toàn không có quan hệ họ
hàng). Hiện nay ở nước ta hầu hết bệnh nhân được ghép thận từ người cho cùng huyết
thống.
Sau ghép thận, mặc dù chức năng thận ghép tốt, bệnh nhân trở lại cuộc sống khỏe
mạnh như người bình thường nhưng vẫn cần dùng thuốc và tái khám định kỳ theo yêu cầu
của bác sĩ chuyên khoa.

6.4.2. Chạy thận nhân tạo


Chạy thận nhân tạo là phương pháp lọc máu ngoài cơ thể, một vòng tuần hoàn ngoài
cơ thể sẽ được thiết lập. Máu của người bệnh sẽ được dẫn ra bộ lọc của máy chạy thận để
lọc sạch các chất cặn của quá trình chuyển hóa và nước thừa, sau đó máu sẽ được trả về cơ
thể.
Chạy thận nhân tạo còn được sử dụng trong điều trị suy thận cấp và lọc máu khi ngộ
độc, quá liều thuốc.

64
Chương 7. ĐIỀU HOÀ MÔI TRƯỜNG TRONG CỦA CƠ
THỂ

7.1. Môi trường trong của cơ thể


Môi trường bên trong cơ thể (nội môi) là môi trường sống của mọi tế bào, là chất
dịch hoặc gián tiếp hoặc trực tiếp nuôi tế bào.
Môi trường trong của cơ thể bao gồm máu, dịch gian bào, dịch bạch huyết, trong đó
máu là thành phần quan trọng nhất.

7.2. Sự duy trì ổn định của môi trường trong


Môi trường trong có đặc tính là hằng định hoặc thay đổi trong một phạm vi rất hẹp
nhằm đảm bảo cho các quá trình sống của cơ thể được diễn ra một cách bình thường và do
đó cơ thể mới tồn tại, sinh trưởng và phát triển tốt.
Cân bằng nội môi là duy trì sự ổn định của môi trường trong cơ thể. Ví dụ: duy trì
nồng độ glucose trong máu người ở 0,1%; duy trì thân nhiệt người ở 36,7°C...
Sự thay đổi của các yếu tố nội môi là nguyên nhân hay là hậu quả của nhiều cơ chế
bệnh lý khác nhau. Nguyên nhân là do các tế bào, các cơ quan của cơ thể chỉ có thể hoạt
động bình thường khi các điều kiện lý hóa trong thích hợp và ổn định. Khi các điều kiện
này bị biến động và không duy trì được sự ổn định (gọi là mất cân bằng nội môi) sẽ gây
nên sự biến đổi hoặc rối loạn hoạt động của các tế bào và các cơ quan, thậm chí gây ra tử
vong. Ví dụ: nồng độ NaCl trong máu cao (do chế độ ăn có nhiều muối thường xuyên) gây
ra bệnh cao huyết áp.

7.3. Cơ chế duy trì cân bằng môi trường trong


Cơ chế duy trì cân bằng môi trường trong có sự tham gia của bộ phận tiếp nhận kích
thích, bộ phận điều khiển và bộ phận thực hiện.
- Bộ phận tiếp nhận kích thích: là thụ thể hoặc cơ quan thụ cảm. Bộ phận này
tiếp nhận kích thích từ môi trường (trong và ngoài) và hình thành xung thần kinh
truyền về bộ phận điều khiển.
- Bộ phận điều khiển: là trung ương thần kinh hoặc tuyến nội tiết. Bộ phận này
có chức năng điều khiển hoạt động của các cơ quan bằng cách gửi đi các tín hiệu thần
kinh hoặc hormone.

65
- Bộ phận thực hiện: là các cơ quan như thận, gan, phổi, tim, mạch máu… Bộ phận
này dựa trên tín hiệu thần kinh hoặc hormone để tăng hay giảm hoạt động nhằm đưa môi
trường trong trở về trạng thái cân bằng và ổn định.
Sự trả lời của bộ phận thực hiện làm biến đổi các điều kiện lí hóa của nội môi. Sự
biến đổi đó có thể lại trở thành kích thích tác động ngược trở lại bộ phận tiếp nhận kích
thích. Quá trình này gọi là liên hệ ngược.

7.4. Các chỉ số cơ bản của môi trường trong


a. Độ pH và hệ đệm của máu: Ở người, pH máu ổn định trong khoảng 7,35 – 7,45.
pH máu ổn định là nhờ vào quá trình: thải CO2 ở phổi, thải uric ở thận, thải acid hữu cơ ở
tuyến mồ hôi và đặc biệt là nhờ các hệ đệm có trong máu. Trong máu có các hệ đệm chủ
yếu sau: hệ đệm bicarbonat H2CO3/ NaHCO3, hệ đệm phosphat NaH2PO4/ NaHPO–4, hệ
đệm protein, trong đó hệ đệm protein là hệ đệm quan trọng nhất. pH máu ổn định có tác
dụng duy trì các hoạt động trao đổi chất của cơ thể, duy trì tác dụng của các kích thích tố
và hoạt động của các enzyme.
b. Áp suất thẩm thấu (ASTT) của máu: Áp suất thẩm thấu trung bình của máu khoảng
7,7 – 8,1 atm. ASTT của máu bảo đảm sự ổn định ASTT trong các mô nên có vai trò đối
với các hoạt động của cơ thể. Sự thay đổi ASTT sẽ làm rối loạn các hoạt động của cơ thể
và thậm chí có thể gây tử vong. ASTT của máu còn có tác dụng giữ cho hồng cầu nguyên
vẹn.
c. Nồng độ glucose huyết tương: Nồng độ glucose trong máu người dao động khoảng
1,0 – 1,2 g/lít. Nếu tỷ lệ glucose trong máu vượt quá 1,8 g/lít thì sẽ bị đào thải ra ngoài qua
nước tiểu (đái tháo đường).
d. Nồng độ urea trong máu: Thông thường, chỉ số urea máu dao động 2,5 – 7,5
mmol/lít. Nếu như chỉ số này vượt quá ngưỡng cho phép thì chứng tỏ thận đang hoạt động
kém hơn và dễ gặp phải các thương tổn, lâu ngày sẽ gây ra tình trạng suy thận.
e. Nồng độ natri trong máu: Nồng độ natri trong máu bình thường là từ 135 đến 145
mEq/L. Hạ natri máu xảy ra khi natri trong máu giảm xuống dưới 135 mEq/L. Natri giúp
duy trì huyết áp bình thường, hỗ trợ hoạt động của các dây thần kinh, cơ bắp và điều chỉnh
cân bằng chất lỏng trong cơ thể.

7.5. Vai trò của việc khám sức khỏe định kỳ


Khám sức khỏe định kỳ giúp chẩn đoán sớm những bệnh như tiểu đường, xơ gan,
ung thư, cao huyết áp, suy thận, các bệnh về tim mạch, rối loạn nội tiết và cả các rối loạn
về tâm thần kinh... từ đó có chiến lược điều trị kịp thời.

66
Với những kết quả có được, bác sĩ sẽ tư vấn cho bệnh nhân những điều cần thiết để
giảm và điều trị dứt điểm các bệnh. Chương trình tư vấn sẽ bao gồm thay đổi cách sống,
thay đổi môi trường sống, thay đổi phương pháp làm việc, bảo hộ lao động, tập luyện thể
thao, vệ sinh thân thể và chế độ ăn thích hợp cho từng loại bệnh...
Một số trường hợp đặc biệt khác:
- Đàn ông trên 40 tuổi, hút thuốc lá nhiều khả năng ung thư phổi rất cao nên chụp
X-quang phổi định kỳ mỗi 6 tháng nhằm phát hiện sớm bệnh ung thư phổi. Một số người
làm việc ở môi trường ẩm thấp, ở các nước nóng vùng nhiệt đới khả năng bị lao phổi cao
cũng nên chụp X-quang phổi mỗi 6 tháng để phát hiện sớm bệnh lao.
- Những người béo phì, tuổi trên 40 khả năng tiểu đường tuýp II lên đến gần 40%
cũng nên thử đường huyết và đường trong nước tiểu để phát hiện sớm bệnh tiểu đường.
- Phụ nữ trên 40 tuổi, sinh đẻ nhiều, có tiền căn viêm nhiễm cơ quan sinh dục rất
cần khám nội soi cổ tử cung để tầm soát ung thư cổ tử cung.
- Bệnh ung thư tuyến vú cũng là một bệnh ác tính rất hay gặp ở những phụ nữ độc
thân trên 40 tuổi. Việc siêu âm tuyến vú định kỳ mỗi 3-6 tháng cũng có thể giúp phát hiện
bệnh sớm ở những đối tượng này. Và nếu phát hiện sớm, khả năng chữa lành bệnh rất cao.
- Ở mỗi lứa tuổi, mỗi giới nam hay nữ lại thường hay mắc một số nhóm bệnh khác
nhau. Nên khi khám bệnh định kỳ, để tránh lãng phí về tiền bạc và thời gian, tốt nhất là
nên chọn gói khám bệnh hợp lý. Với gói khám bệnh này, các khám nghiệm lâm sàng và
xét nghiệm cận lâm sàng sẽ tập trung hơn, điều này làm cho bác sĩ dễ dàng hơn trong công
tác khám bệnh và điều trị. Cái lợi lớn nhất là thuộc về bệnh nhân, qua việc khám bệnh này,
chúng ta sẽ:
+ Phát hiện bệnh sớm.
+ Tiết kiệm tiền bạc.
+ Tiết kiệm thời gian.
+ Khả năng chữa lành bệnh cao, ít gây tàn phế...

67
CHƯƠNG 2. HỆ VẬN ĐỘNG Ở
NGƯỜI

2.1. Đại cương về hệ vận động


Chuyển động là một loại hoạt động đặc biệt của động vật và con người. Chức năng
di chuyển và vận động được thực hiện nhờ một loại mô đã được chuyên hóa đó là mô cơ.
Mô cơ kết hợp với hệ thống xương mà nó bám vào, đặc biệt là sự chuyển động của các
khớp xương tương tự, các xương riêng biệt liên kết với nhau qua sụn và các dây chằng ở
các khớp.
Hệ vận động bao gồm hai phần chính: phần thụ động (bộ xương, bộ máy dây chằng)
và phần hoạt động (cơ xương).

Hình 2.1. Cấu tạo hệ vận động


2.2. Cấu tạo và chức năng của bộ xương
2.2.1. Cấu tạo của xương
Xương có cấu tạo chủ yếu là mô xương. Bên ngoài mỗi xương được bao bọc bởi
màng xương, là mô liên kết gồm hai lớp, lớp ngoài là mô liên kết cứng, lớp trong có chứa
tế bào tạo xương, giúp xương phát triển (riêng các xương khớp được sụn bao bọc). Xương
có một mạng lưới thần kinh và mạch máu rất phong phú. Đơn vị cấu trúc của xương là hệ
ống xương (hệ Havers), nằm sát nhau, tạo thành xương cứng hoặc đan xen với nhau tạo
thành xương xốp để chứa dịch tủy (tủy đỏ hay tủy vàng).
Xương gồm hai thành phần cơ bản là chất hữu cơ (cốt giao chiếm 1/3) và chất vô
cơ (2/3). Chất vô cơ làm cho xương bền chắc, chất hữu cơ đảm bảo tính mềm dẻo. Trong
quá trình phát triển cá thể, tỉ lệ hai chất này có thay đổi.

68
Hình 2.2. Cấu tạo giải phẫu xương
2.2.2. Chức năng của xương
- Chức năng làm bệ đỡ, hỗ trợ cơ thể (xương chi dưới hỗ trợ toàn bộ cơ thể trong tư
thế đứng; xương chậu hỗ trợ vùng bụng…).
- Chức năng vận động được thực hiện nhờ các khớp nằm giữa các xương liên kết
chuyển động từng phần của cơ thể nhằm tạo ra hệ thống đòn bẩy.
- Chức năng bảo vệ được thể hiện qua việc các xương liên kết với nhau để tạo ra
các khoang có chứa các cơ quan bên trong (hộp sọ bảo vệ não, lồng ngực bảo vệ tim và
phổi, cột sống bảo vệ tủy sống …).
- Chức năng sản xuất tế bào máu từ tủy xương có ở tất cả các xương trong giai đoạn
bào thai trong khi ở người trưởng thành, chỉ có một số xương có khả năng này.
- Bộ xương là nguồn dự trữ chất khoáng và chất béo. Tất cả xương đều có chất nền
chứa canxi phosphate, đây là nguồn cung cấp ion canxi và ion phosphate cho máu. Chất
béo được dự trữ trong tủy vàng của xương.

2.2.3. Bộ xương cơ thể


Bộ xương cơ thể gồm có xương trục (hộp sọ, cột sống, xương lồng ngực) và các
xương chi.

69
Hộp sọ bao gồm các xương sọ và xương mặt. Các xương này có các khoang chứa
khí, được bao bọc bởi màng nhày nên đã giảm khối lượng của xương sọ và làm cộng hưởng
âm thanh.
Các xương sọ gồm 8 xương (2 xương đỉnh, 2 xương thái dương, 1 xương trán, 1
xương chẩm, 1 xương bướm, 1 xương sàng) được ghép với nhau bằng các mối liên kết bất
động gọi là các đường khớp. Lúc mới sinh, trên nắp hộp sọ còn nhiều chỗ là mô liên kết,
nằm xen kẽ giữa các xương gọi là thóp, các thóp trước được khép kín khi trẻ được 2 tuổi.
Xương mặt gồm có xương hàm trên, xương hàm dưới, xương móng, xương lá mía,
xương khẩu cái (vòm miệng), xương gò má, xương lệ, xương mũi, xương xoăn mũi dưới.
Xương móng có hình chữ U, nằm trong cổ phía trên thanh quản, là xương duy nhất trong
cơ thể không khớp với xương khác mà được treo lơ lửng nhờ dây chằng và gắn với lưỡi,
tham gia vào việc nuốt thức ăn. Xương hàm dưới là phần chuyển động của hộp sọ.
Cột sống là trụ cột của cơ thể, liên hệ với xương sườn, với xương chậu và hộp sọ.
Cột sống được tạo thành từ 33 – 34 đốt sống liên kết với nhau, gồm 5 phần: đốt sống cổ (7
đốt), đốt sống ngực (12 đốt), đốt sống lưng (5 đốt), đốt sống cùng (5 đốt), xương cụt (4 –
5 đốt liền nhau).
Các đốt sống liên kết với nhau qua các lớp sụn, dây chằng và các khớp. Cột sống
có 4 điểm uốn khúc. Tại vùng cổ và vùng thắt lưng, cột sống lồi về phía trước tạo thành
các điểm ưỡn. Tất cả các điểm uốn của cột sống xuất hiện dưới tác động của việc chuyển
tư thế theo chiều thẳng đứng đã làm tăng sức chịu đựng cho cột sống, đảm bảo cho tư thế
thẳng đứng của cơ thể được vững chắc hơn. Đồng thời, làm tăng sức bật của cơ thể khi
chuyển động bằng cách tăng tính đàn hồi, giảm bớt các tác động gây chấn thương cột sống
khi đi bằng hai chân.
Các xương sườn gồm 12 đôi nằm cân xứng dọc theo hai phía. Mỗi xương sườn đều
gồm phần xương dài nằm ở phía sau nối với cột sống và phần sụn ngắn nằm ở phía trước
nối với xương ức tạo thành lồng ngực.
Các xương chi trên gồm có xương đai vai (xương đòn và xương bả nối với nhau qua
khớp xương ức – đòn), xương cánh tay, xương cẳng tay, xương bàn tay. Các xương chi
dưới gồm có xương đai chi dưới (xương đai hông hay chậu hông, xương cùng và xương
cụt), xương đùi, xương cẳng chân và xương bàn chân. Cấu tạo của xương chậu ở nam và
nữ có sự khác biệt.

70
Hình 2.3. Cấu tạo bộ xương người

Hình 2.4. Cấu tạo xương đầu mặt

71
Hình 2.5. Cấu tạo xương sống
2.3. Cấu tạo và chức năng của cơ
Mọi hoạt động của chúng ta thực hiện được nhờ sự liên kết chặt chẽ giữa xương và
cơ để tạo ra các hệ thống đòn bẫy khác nhau.

2.3.1. Đại cương về cơ


Cơ là một tổ chức rất khác nhau về mặt cấu tạo, nguồn gốc phát sinh và chức phận.
Tuy nhiên, tất cả các loại cơ đều có chung một đặc điểm là có khả năng co bóp. Thường
có ba loại cơ là cơ vân (cơ xương), cơ trơn và cơ tim.
Cơ xương gắn liền với mô liên kết, chiếm khoảng 40% khối lượng của cơ thể giúp
cơ thể vận động, thể hiện nét mặt, tư thế, hoạt động thở và nhiều chuyển động khác của cơ
thể. Hệ thống thần kinh tự động hoặc có ý thức điều khiển các hoạt động của cơ xương.
Cơ trơn là loại cơ phân bố rộng rãi nhất trong cơ thể và có chức năng đa dạng. Cơ
trơn nằm ở thành các cơ quan rỗng và ống, bên trong mắt, thành mạch máu và các khu vực
khác để thực hiện nhiều chức năng.
Cơ tim chỉ có ở tim và hoạt động của cơ tim tạo ra áp lực để vận chuyển máu trong
hệ tuần hoàn. Khác với cơ xương, cơ trơn và cơ tim hoạt động tự động, co bóp tự nhiên
theo chu kỳ, hệ thần kinh và nội tiết chi phối hoạt động ở mức độ nhất định.

72
Hình 2.6. Các loại mô cơ

2.3.2. Cấu tạo cơ vân (cơ xương)


Cơ xương được cấu tạo từ các sợi cơ kết hợp lượng nhỏ mô liên kết, mạch máu và
dây thần kinh. Mỗi sợi cơ là một tế bào hình trụ đơn có chứa nhiều nhân là do sự hợp nhất
của nhiều nguyên bào. Các nguyên bào cơ hình thành biến đổi thành sợi cơ chứa protein,
các tế bào thần kinh phát triển và phân bố trong các sợi cơ.
Số lượng sợi cơ xương rất ổn định sau khi sinh ra đời. Các sợi cơ có thể gia tăng
kích thước nhưng số lượng cơ không thay đổi.
Khi quan sát mặt cắt dọc của sợi cơ, thấy các dải sáng, tối xen kẽ nhau ở một sợi cơ
vân. Một sợi cơ đơn có thể kéo dài từ đầu đến cuối trong một sợi cơ nhỏ, nhưng ở các sợi
cơ dài có nhiều sợi cơ tiếp xúc nhau liên tiếp trong toàn bộ chiều dài của cơ. Tất cả các sợi
cơ trong một cơ đều có chiều dài bằng nhau.
Bên trong sợi cơ chủ yếu lấp đầy các tơ cơ, các bào quan khác như ti thể hay các
hạt glycogen nằm xen kẽ giữa các tơ cơ. Mỗi tơ cơ là một cấu trúc sợi có đường kích từ 1
– 3 µm kéo dài từ đầu đến cuối sợi cơ. Tơ cơ gồm hai loại protein là sợi tơ cơ. Sợi actin
(tơ cơ mỏng, đường kính 8 nm) và sợi myosin (tơ cơ dày, đường kính 12 nm). Sợi actin và
myosin được sắp xếp trong một cấu trúc có trật tự cao gọi là sarcomere, sarcomere tham
gia từ đầu đến cuối để hình thành tơ cơ.
Cơ vân không có khả năng co nhịp nhàng theo lối tự động và cũng không có khả
năng co chậm và co lâu như cơ trơn. Cơ vân chỉ co khi nhận xung động qua các dây thần
kinh vận động. Sự co của cơ vân là do sự trượt và lồng vào nhau giữa các sợi myosin và

73
sợi actin, làm cho đơn vị co cơ ngắn lại, xảy ra nhanh và chấm dứt cũng nhanh, được hoạt
hóa bởi ion canxi (Ca2+) và năng lượng ATP (Adenosine triphosphate).

Hình 2.7. Cấu tạo mô cơ vân (cơ bám xương)

Hình 2.8. Cấu tạo của sarcomere

74
Hình 2.9. Cơ chế co cơ vân

2.4. Vệ sinh hệ vận động

2.4.1. Bệnh học đường (vẹo cột sống), nguyên nhân và hậu quả
Vẹo cột sống là tình trạng cột sống bị uốn cong sang bên phải hoặc bên trái theo
hình chữ C hay chữ S (thuận hoặc ngược).
Cong cột sống là khi cột sống xuất hiện những đoạn cong bất thường theo 2 dạng:
gù (cột sống phần ngực uốn cong quá mức ra phía sau); ưỡn (cột sống phần thắt lưng uốn
cong quá mức ra phía trước).
Các nguyên nhân bao gồm:
- Tư thế ngồi học không đúng: lệch vai sang trái hoặc sang phải, cúi đầu quá thấp.
- Học sinh phải ngồi học trong thời gian quá dài trên những bộ bàn ghế không đúng
kích thước.
- Học sinh có thói quen mang cặp một bên mà không đeo cặp trên hai vai.
- Do phải lao động sớm: gánh vác, gặt hái, bế em hoặc mắc phải một số di chứng
của bệnh còi xương, suy dinh dưỡng, lao cột sống, bại liệt.
Hậu quả: bệnh cong vẹo cột sống không phải bệnh nguy hiểm, không gây tác hại
nghiêm trọng tức thời, tuy nhiên bệnh sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe thể chất và tâm
thần của một thế hệ trong tương lai.

75
- Gây lệch trọng tâm cơ thể, làm học sinh ngồi học không được ngay ngắn, gây cản
trở cho việc đọc, viết, căng thẳng thị giác và làm trí não kém tập trung dẫn đến ảnh hưởng
xấu kết quả học tập.
- Gây ảnh hưởng đến hoạt động của tim, phổi và sự phát triển của khung xương
chậu (đặc biệt đối với em gái sẽ gây ảnh hưởng đến sinh đẻ khi trưởng thành).
- Cơ thể lệch, bước đi không cân đối, bước đi không đều ảnh hưởng đến thẩm mỹ.

2.4.2. Bệnh loãng xương, nguyên nhân và tác hại


Bệnh loãng xương là do thiếu canxi và phospho trong xương.
Nguyên nhân có thể do di truyền, do thiếu hụt hormone sinh dục, do từng bị gãy
xương, do chế độ dinh dưỡng, do hút thuốc lá…
Khi bị loãng xương, bộ xương trở nên yếu và dễ gãy, cột sống bị chùn lại, gây gù
lưng và còng lưng. Càng về già, bệnh loãng xương càng phát triển gọi là loãng xương già.

2.4.3. Một số biện pháp bảo vệ các cơ quan của hệ vận động và cách phòng chống các
bệnh, tật
- Bàn ghế học tập cần có kích thước phù hợp với chiều cao của học sinh đối với
từng cấp học khi sử dụng.
- Đối với học sinh tiểu học và THCS phải sử dụng cặp sách 2 quai để đeo trên vai.
- Thầy cô giáo và bố mẹ luôn hướng dẫn, nhắc nhở các em ngồi học đúng tư thế.
- Lập thời gian biểu cụ thể cho học tập, vui chơi giải trí, lao động, nghỉ ngơi hợp lý
ở trường cũng như ở nhà sao cho phù hợp với từng lứa tuổi cho từng cấp học.
- Tập luyện thể dục thường xuyên, sẽ giúp cho xương chắc khỏe, phòng ngừa được
bệnh loãng xương. Vận động hợp lý, ngủ đủ giấc giúp tăng cường sức khỏe chung, điều
hòa hoạt động của hệ nội tiết, trong đó có tuyến yên, tuyến giáp. Nhờ đó hệ nội tiết tiết các
kích thích tố tăng trưởng GH (Growth Hormone) giúp tận dụng hết tiềm năng di truyền,
đồng thời kích thích sự phát triển của tế bào xương, tăng chiều dài của xương.
- Sự mỏi cơ là do tích tụ các sản phẩm của trao đổi chất trong cơ đang hoạt động
như acid lactic, acid phosphoric… Nghỉ ngơi đúng cách là yếu tố quan trọng để phục hồi
khả năng làm việc của cơ. Cử động, luyện tập đúng phương pháp để phòng tránh chuột rút,
giãn cơ…
- Chế độ dinh dưỡng phải hợp lý, khẩu phần ăn có chứa canxi, phospho, vitamin D,
vitamin K2 sẽ giúp cho bộ xương chắc, khỏe.
18
Chương 8. HỆ THẦN KINH VÀ CÁC GIÁC QUAN Ở NGƯỜI

8.1. Cấu tạo và chức năng sơ lược của tế bào thần kinh
Đơn vị cấu trúc của hệ thần kinh là tế bào thần kinh (neuron). Chức năng của neuron
là tiếp nhận kích thích, tạo ra các xung động thần kinh và dẫn truyền đến các tế bào khác.
Neuron có cấu tạo và hình dạng rất khác nhau.
- Theo hình dạng, có thể chia thành: neuron đơn cực, neuron lưỡng cực và neuron
đa cực.
- Theo chức năng, có thể chia thành: neuron cảm giác, neuron vận động và neuron
hỗ trợ.
Neuron được cấu tạo gồm phần thân và các rễ:
- Thân neuron bao gồm màng, nhân và tế bào chất.
- Các rễ của neuron gồm hai loại là sợi trục và sợi nhánh. Mỗi neuron có một hay
nhiều sợi nhánh nhưng bao giờ cũng chỉ có một sợi trục được gọi là các sợi vận động ly
tâm. Sợi nhánh là phần toả ra của thân neuron, đây là một phần của màng thân neuron biệt
hoá thành. Sợi nhánh làm nhiệm vụ tiếp nhận xung thần kinh để truyền đến các trung tâm
thần kinh nên còn được gọi là sợi cảm giác, sợi hướng tâm.

Hình 8.1. Cấu tạo tế bào thần kinh


Phần tiếp giáp giữa các neuron gọi là synapse. Mỗi synapse gồm màng trước
synapse, khe synapse và màng sau synapse. Có hai cơ chế dẫn truyền xung thần kinh qua
synapse:

19
- Cơ chế vật lý: hưng phấn dưới dạng điện muốn truyền từ màng trước qua màng
sau phải vượt điện trở của khe synapse và điện trở của hai màng; do đó dòng điện phải có
cường độ nhất định, đó chính là ngưỡng kích thích.
- Cơ chế hoá học: ở màng trước có các bọc chứa chất môi giới thần kinh là
acetylcholine đối với các sợi thần kinh tự chủ, sợi thần kinh đối giao cảm và giao cảm,
hoặc catecholamine (adrenaline và noradrenaline) đối với sợi thần kinh giao cảm chi phối
hoạt động cơ trơn và cơ tim.
*Hoạt động điện thế trên sợi thần kinh:
- Ở trạng thái nghỉ ngơi, các sợi trục không có các hưng phấn thần kinh. Khi chúng
hoạt động, các sợi trục xuất hiện hưng phấn thần kinh, gọi là điện thế động.
- Điện thế nghỉ: khi một sợi thần kinh ở trạng thái nghỉ ngơi, màng sợi trục có tính
phân cực, bên ngoài tích điện dương, bên trong tích điện âm.
- Điện thế hoạt động: khi sự phân cực của màng sợi trục có sự thay đổi đã làm xuất
hiện xung động thần kinh. Đầu tiên, bên trong sợi trục chuyển dần sang điện tích dương
(quá trình khử cực) và bên ngoài chuyển sang điện tích âm (đảo cực). Sau đó bên trong trở
lại điện tích âm (tái phân cực). Để tạo ra điện thế hoạt động đòi hỏi có sự tham gia của hai
loại kênh vận chuyển trên màng (kênh Na+ và kênh K+) và bơm Na+ - K+.

Hình 8.2. Hoạt động điện thế trên sợi thần kinh
*Sợi thần kinh có các đặc tính sinh lý như sau:
- Tính hưng phấn: khi có kích thích làm xuất hiện sự biến đổi điện thế trong và
ngoài màng tạo ra dòng điện dẫn truyền trên sợi thần kinh. Tính hưng phấn của sợi thần
kinh có myelin cao hơn sợi không có myelin.
- Tính dẫn truyền: khi có một kích thích tác động vào một điểm nào đó trên sợi thần
kinh (với cường độ đủ ngưỡng) thì làm phát sinh luồng xung điện chạy trong sợi thần kinh,
đó là tính dẫn truyền hưng phấn của sợi thần kinh. Tốc độ dẫn truyền hưng phấn trong sợi

20
thần kinh phụ thuộc vào đường kính của sợi thần kinh, sợi có myelin tốc độ dẫn truyền cao
hơn sợi không có myelin. Sợi thần kinh có myelin dẫn truyền hưng phấn theo cách nhảy
bậc (nhảy cóc) từ eo ranvier này đến eo ranvier khác nên tốc độ sẽ nhanh hơn.
- Tính linh hoạt: tính linh hoạt của sợi thần kinh có bao myelin cao hơn sợi không
có myelin. Sợi thần kinh có thể tiếp nhận hàng ngàn xung thần kinh trong 1 giây.

8.2. Cấu tạo và chức năng sơ lược của hệ thần kinh


Hệ thần kinh là một hệ thống chuyên biệt để tiếp nhận, xử lí thông tin và đưa ra các
phản ứng thích hợp. Về mặt cấu tạo, hệ thần kinh gồm hai phần:
- Hệ thần kinh trung ương (Central nervous system – CNS): gồm não và tủy sống
nằm ở vị trí trung tâm của cơ thể.
- Hệ thần kinh ngoại biên (Peripheral nervous system – PNS): gồm phần tự chủ
(somatic) và phần tự động (autonomic), bao gồm tất cả các dây thần kinh sọ não và thần
kinh tuỷ sống. Các dây thần kinh ngoại biên nằm ở vị trí bên ngoài hệ thần kinh trung ương.
Sự phân chia giữa hệ thần kinh trung ương và hệ thần kinh ngoại biên là để phân
biệt vị trí, còn hai hệ thống cùng hoạt động với nhau.
Hệ thần kinh đóng vai trò rất quan trọng trong việc điều hoà mọi hoạt động của cơ
thể, giúp cho cơ thể thích nghi với môi trường xung quanh. Hệ thần kinh là cơ quan duy
nhất có thể thực hiện các hoạt động kiểm soát hết sức phức tạp, nó tiếp nhận hàng triệu mã
thông tin từ các cơ quan cảm giác rồi tổng hợp, phân tích và đưa ra phản ứng thích hợp
nhất.

Hình 8.3. Cấu tạo hệ thần kinh

21
Hệ thần kinh thực hiện ba chức năng cơ bản:
- Chức năng cảm giác: các thụ thể cảm giác ở da và các cơ quan phản ứng với các
kích thích bên ngoài và bên trong cơ thể tạo ra các xung động thần kinh truyền vào não và
tuỷ sống.
- Chức năng phân tích tổng hợp: não và tuỷ sống phân tích, tổng hợp các dữ liệu
nhận được từ các phần của cơ thể và đưa ra các xung thần kinh trả lời.
- Chức năng vận động: các xung thần kinh từ não và tuỷ sống đến các cơ quan đáp
ứng như cơ và các tuyến. Quá trình co cơ và bài tiết của các tuyến là đáp ứng với kích thích
nhận được của thụ thể cảm giác.

8.3. Cấu tạo và chức năng từng phần của hệ thần kinh
8.3.1. Hệ thần kinh trung ương
8.3.1.1. Cấu tạo và chức năng sinh lý của tuỷ sống
a. Cấu tạo: Tuỷ sống là phần dưới cùng của hệ thần kinh trung ương, nằm trong cột
sống. Ở người, tuỷ sống dài khoảng 40 – 43 cm, nặng khoảng 30 gram, phía trên giáp với
hành tuỷ, còn bên dưới hẹp dần để tạo thành phần đuôi được gọi là đuôi ngựa. Tuỷ sống
được chia ra thành 31 tiết đoạn có cấu tạo giống nhau. Mỗi tiết đoạn nằm trong một đốt
sống, đều có hai đôi rễ thần kinh: đôi rễ trước và đôi rễ sau. Sau khi chui ra khỏi tuỷ sống,
rễ trước và rễ sau hợp lại với nhau tạo thành các đôi dây thần kinh tuỷ. Các tiết đoạn của
tuỷ sống chia thành 4 phần:
+ Phần cổ: 8 tiết đoạn (C1 – C8).
+ Phần ngực: 12 tiết đoạn (từ D1 – D12 hoặc T1 – T12).
+ Phần thắt lưng: 5 tiết đoạn (L1 – L5).
+ Phần cùng: 6 tiết đoạn (S1 – S6).
Khi cắt ngang một tiết đoạn tuỷ sống ta thấy, chất xám có hình chữ H nằm ở trong,
chất trắng nằm ở ngoài.
- Chất xám gồm có sừng trước, sừng bên và sừng sau:
+ Sừng trước do thân của các tế bào thần kinh vận động tạo thành. Các tế bào này
có kích thước lớn.
+ Sừng bên tập trung các neuron có các sợi trục ngắn là thân của các tế bào thần
kinh sinh dưỡng.

22
+ Sừng sau bao gồm thân của các tế bào thần kinh kích thước nhỏ có các rễ ngắn,
phân ra thành nhiều nhánh liên kết với nhau để tạo thành thần kinh đệm. Chúng nối 1 – 2
tiết đoạn tuỷ sống với nhau. Còn thân của các tế bào cảm giác nằm trong hạch tuỷ.
- Chất trắng bao quanh chất xám là các đường dẫn thần kinh. Đó là các sợi myelin
thuộc hệ thống dẫn truyền đi lên và đi xuống. Hệ thống các đường dẫn đi lên sẽ truyền
thông tin hướng tâm tới các trung khu thần kinh khác của não bộ. Các đường dẫn truyền đi
xuống sẽ truyền thông tin tới các neuron vận động nằm trong sừng trước của tuỷ sống.
b. Chức năng:
Tuỷ sống tham gia vào thực hiện ba chức năng cơ bản là: phản xạ, dinh dưỡng và
dẫn truyền. Các phản xạ cơ bản của tuỷ sống là các phản ứng vận động phức tạp của cơ
thể. Một trong số các phản ứng này là phản xạ gân – cơ như phản xạ đầu gối. Ngoài phản
ứng này ra, tuỷ sống còn thực hiện các phản xạ giãn cơ, phản xạ co duỗi, phản xạ tư thế…
toàn bộ các phản xạ của tuỷ sống đều liên quan với các chức năng vận động nên được gọi
là các phản xạ bản thể.
Chức năng dinh dưỡng của tuỷ sống do hệ thần kinh dinh dưỡng đảm nhiệm. Tuỷ
sống điều tiết hoạt động của hệ sinh dục – tiết niệu thông qua hệ thần kinh dinh dưỡng.
Chính vì vậy, mọi phản xạ như bài xuất nước tiểu, đại tiện, xuất tinh, cương dương vật,…
đều do tuỷ sống đảm nhiệm.
Chức năng dẫn truyền được thực hiện qua hệ thống các đường dẫn đi lên và đi
xuống.

8.3.1.2. Cấu tạo và chức năng sinh lý của não


Não là trung tâm kiểm soát mọi hoạt động của cơ thể, nằm trong xoang sọ não. Não
bao gồm thân não (brainstem), tiểu não (cerebellum), não trung gian (diencephalon) và đại
não (cerebrum). Từ não xuất phát 12 đôi dây thần kinh gọi là dây thần kinh sọ não, trong
đó có 2 đôi xuất phát từ hai bán cầu đại não và 10 đôi xuất phát từ thân não.
a. Thân não: bao gồm hành tuỷ, cầu não và não giữa. Thân não nối tuỷ sống và các
phần còn lại của não, đảm nhiệm nhiều chức năng quan trọng. Tổn thương một khu vực
nhỏ của thân não thường gây chết bởi vì nhiều phản xạ quan trọng liên quan đến thân não,
trong khi đó, tổn thương nhiều khu vực lớn của bán cầu não hay tiểu não có thể không gây
chết.
+ Hành tuỷ: là phần dưới cùng của thân não và tiếp giáp với tuỷ sống. Hành tuỷ
gồm các bó thần kinh đi lên và đi xuống, các nhân não (được tạo thành bởi thân của các tế
bào thần kinh) và một phần của tổ chức lưới. Các nhân của hành tuỷ có chức năng như các

23
trung tâm phản xạ tham gia điều hoà nhịp tim, đường kính mạch máu, hô hấp, nuốt, nôn,
nấc, ho và hắt hơi. Các bó dây thần kinh đi xuống tham gia kiểm soát hoạt động cơ có ý
thức. Gần đến phần dưới cùng, hầu hết các bó thần kinh đi xuống đều bắt chéo qua phần
đối diện nên dẫn đến hiện tượng mỗi nửa của não kiểm soát một nửa của phần cơ thể đối
diện. Có thể trám giúp giữ thăng bằng, phối hợp và điều tiết âm thanh ở tai trong.
+ Cầu não: nằm trên hành tuỷ, gồm các bó sợi thần kinh đi lên và đi xuống cùng
với các nhân não. Nhân cầu não chuyển tiếp thông tin từ vỏ não đến tiểu não. Tại cầu não
còn có trung tâm ngủ và trung tâm hô hấp. Trung tâm hô hấp ở cầu não hoạt động phối
hợp với trung tâm hô hấp ở hành tuỷ để giúp kiểm soát động tác hô hấp.
+ Não giữa: là vùng nhỏ nhất của thân não, nằm trên cầu não. Não giữa gồm
cuống não và củ não sinh tư, có chức năng tham gia các phản xạ thị giác, thính giác, điều
hoà tư thế vận động.
b. Tiểu não: là bộ phận cấp cao của hệ thần kinh trung ương. Nó có vai trò quan
trọng trong việc điều hoà các cử động phối hợp tuỳ ý và không tuỳ ý. Các bán cầu tiểu não
chỉ phát triển ở động vật có vú và phát triển nhất ở Linh trưởng. Tiểu não có chức năng
điều hoà trương lực cơ, qua đó thực hiện các phản xạ quan trọng như phản xạ thăng bằng
cơ thể; phản xạ tư thế, chỉnh thế, các động tác tuỳ ý. Sau khi cắt bỏ hoặc tiểu não bị tổn
thương, cơ thể bị những rối loạn như mất trương lực cơ, không đứng vững, chóng mặt do
các cử động cơ liên tục, không phối hợp được cử động các cơ, mất nhịp điệu.
c. Não trung gian: là phần não giữa thân não và đại não. Não trung gian gồm đồi thị
(thalamus) và vùng dưới đồi. Đồi thị là vùng lớn nhất và chiếm 80% khối lượng não trung
gian. Đồi thị là trạm cuối cùng chuyển tiếp của tất cả các đường dẫn truyền cảm giác từ
dưới đi lên não. Các nhân xám nằm ở vùng dưới đồi là trung ương điều khiển các quá trình
trao đổi chất và điều hoà thân nhiệt.
d. Đại não: hay còn gọi là não cùng, là phần lớn nhất của não. Kích thước của não
liên quan đến kích thước cơ thể nhưng không liên quan đến trí thông minh. Đại não được
phân chia thành hai bán cầu não trái và phải bởi một khe dọc. Trên bề mặt của mỗi bán cầu
có nhiều nếp gấp gọi là cuộn não (gyri), do đó làm tăng diện tích bề mặt của vỏ não. Mỗi
bán cầu não được phân chia thành các thuỳ và tên của các thuỳ được đặt theo tên của xương
sọ não ở vùng đó.
+ Thuỳ trán: đóng vai trò quan trọng với chức năng vận động tự chủ, sự kích
thích vận động, khứu giác và tâm trạng.
+ Thuỳ đỉnh: là trung tâm chính tiếp nhận và xử lý các thông tin cảm giác trừ
khứu giác, thính giác và thị giác.

24
+ Thuỳ chẩm: tiếp nhận và tổng hợp các hình ảnh thu nhận được và không phân
biệt rõ ràng với các thuỳ khác.
+ Thuỳ thái dương: tiếp nhận và đánh giá các thông tin khứu giác và thính giác,
đóng vai trò quan trọng trong quá trình nhớ. Phần phía trước và phía sau của thuỳ thái
dương được xem như “vỏ não tâm lý” và cũng liên quan với các chức năng khác như tư
duy trừu tượng và suy luận.
Đại não gồm chất xám tạo thành vỏ não là trung tâm của các phản xạ có điều kiện;
chất trắng nằm dưới vỏ não là những đường thần kinh nối các phần của vỏ não với nhau
và vỏ não với các phần dưới của hệ thần kinh. Trong chất trắng còn có các nhân nền tham
gia vào kiểm soát chức năng vận động.

8.3.2. Hệ thần kinh ngoại biên


Phần ngoại biên do các sợi thần kinh và các hạch thần kinh tạo thành. Các sợi thần
kinh tập hợp với nhau để tạo thành các dây thần kinh.
Dựa vào chức phận, có 3 loại dây thần kinh khác nhau:
- Các dây thần kinh hướng tâm: chuyên dẫn truyền xung thần kinh từ các cơ quan
thụ cảm về trung ương thần kinh.
- Các dây thần kinh ly tâm: chuyên dẫn truyền xung thần kinh từ các trung khu thần
kinh tới các cơ quan thừa hành.
- Các dây thần kinh pha: làm nhiệm vụ liên hệ giữa các phần khác nhau của hệ thần
kinh và giữa hệ thần kinh với các cơ quan thụ cảm.
Cách phân loại dây thần kinh thứ hai là dựa vào bộ phận tạo ra nó gồm có: 12 đôi dây
thần kinh sọ não và 31 đôi dây thần kinh tuỷ sống.

8.3.2.1. Hệ thống thần kinh tự chủ


Nhiều hoạt động trong hệ thống thần kinh tự chủ là có ý thức và chúng luôn bắt
nguồn từ vỏ não, ví dụ như khi chúng ta quyết định di chuyển chân, tay.
Các hoạt động khác trong hệ thống thần kinh tự chủ là do các phản xạ. Phản xạ là
những phản ứng không có ý thức để đáp ứng với các thay đổi xảy ra bên trong hoặc bên
ngoài cơ thể. Phản xạ xảy ra một cách nhanh chóng mà chúng ta không cần suy nghĩ về
nó. Cung phản xạ là con đường mà xung thần kinh truyền từ cơ quan thụ cảm qua trung
ương thần kinh đến các cơ quan phản ứng. Một cung phản xạ gồm 5 yếu tố bao gồm cơ
quan thụ cảm, neuron hướng tâm, neuron trung gian, neuron li tâm và cơ quan phản ứng.

25
Phản xạ là cần thiết đối với cân bằng nội môi và giúp cho cơ thể tránh các chấn
thương. Nó giữ cho các hoạt động chức năng của các cơ quan bên trong xảy ra trong giới
hạn bình thường và bảo vệ cơ thể khỏi các tác hại từ bên ngoài.

8.3.2.2. Hệ thống thần kinh tự động


Hệ thần kinh tự động chi phối hoạt động các cơ trơn, các tuyến nội tiết, các hoạt
động trao đổi chất, điều khiển các hoạt động không tuỳ ý dưới sự điều khiển của các trung
khu dưới vỏ.
Hệ thần kinh tự động gồm phân hệ giao cảm và phân hệ đối giao cảm.
- Phân hệ giao cảm: có trung ương nằm ở chất xám thuộc sừng bên tuỷ sống. Có tác
dụng tăng nhịp tim, dãn đồng tử, giảm tiết nước bọt, co mạch máu da, dãn cơ bóng đái,…
- Phân hệ đối giao cảm: có trung ương là các nhân xám trong trụ não và đoạn cùng
tuỷ sống. Có tác dụng giảm nhịp tim, co đồng tử, tăng tiết nước bọt, dãn mạch máu da, co
cơ bóng đái,…
Nhờ tác dụng đối lập của hai phân hệ này mà hệ thần kinh tự động điều hoà được
hoạt động của các cơ quan nội tạng.

8.4. Một số bệnh về hệ thần kinh và cách phòng bệnh


8.4.1. Rối loạn sức khỏe tinh thần
Ngày càng có nhiều trẻ em trong lứa tuổi học sinh bị mắc bệnh rồi loạn sức khỏe
tinh thần bao gồm rối loạn hành vi ứng xử như chứng tăng động, rối loạn tư duy học hành
(hội chứng Down..) và rối loạn về tâm lý (trầm cảm học đường…).
Nguyên nhân gây ra chứng rối loạn này có thể là do bẩm sinh hoặc do môi trường
như bạo lực học đường, lạm dục tình dục, phân biệt đối xử, tác động của gia đinh như bố
mẹ ly dị… Rối loạn sức khỏe tinh thần có ảnh hưởng nghiêm trọng đến học sinh khiến các
em luôn cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi chán nản, sợ hãi, kém tập trung, có em lạm dụng
rượu, thuốc lá thậm chí là tự sát…
Cách phòng tránh bệnh rối loạn sức khỏe tinh thần: luôn quan tâm và bảo vệ trẻ,
xây dựng một môi trường sống lành mạnh cho trẻ; cho trẻ một môi trường đầy tình thương
yêu, khuyến khích trẻ bộc lộ cảm xúc của mình; ngoài việc chăm sóc thể chất cho trẻ hãy
học cách lắng nghe các em nói chuyện. Khuyến khích trẻ tự lập trong cuộc sống.

26
8.4.2. Các bệnh nhiễm trùng
Viêm não (Encephalitis) là tình trạng viêm của não, thường gây ra bởi một loại virus
và đôi khi là do vi khuẩn hoặc các nguyên nhân khác. Các triệu chứng thường xuất hiện là
sốt, liệt, hôn mê, hoặc thậm chí tử vong.
Viêm tuỷ (Myelitis) là tình trạng viêm của tuỷ sống do chấn thương, bệnh đa xơ
cứng hoặc một số nguyên nhân nhiễm trùng khác như virus hoặc vi khuẩn. Các triệu chứng
xuất hiện tuỳ theo mức độ chấn thương và nhiễm trùng.
Viêm màng não (Mengingitis) là tình trạng viêm các màng não. Nó có thể do virus
gây ra nhưng chủ yếu là do vi khuẩn. Các triệu chứng bao gồm cứng cổ, đau đầu và sốt.
Có thể chảy dịch màng não dẫn đến úng thuỷ. Viêm màng não cũng có thể gây ra tê liệt,
hôn mê hoặc tử vong.

8.4.3. Bệnh Alzheimer


Bệnh Alzheimer là một loại suy sụp thần kinh nghiêm trọng hoặc mất trí nhớ. Bệnh
thường xuất hiện ở những người lớn tuổi. Bệnh có thể là do nhiễm trùng, lạm dụng ma tuý
và rượu.
Bệnh Alzheimer liên quan đến giảm kích thước não do thoái hóa tế bào thần kinh ở
vỏ não. Các triệu chứng bao gồm thiểu năng trí tuệ, mất trí nhớ, mất khả năng tập trung,
mất phương hướng. Trong não của bệnh nhân có hiện tượng tích luỹ nhôm trong các đám
rối thần kinh, các sợi trục bị thoái hoá chứa một lượng lớn protein.

8.4.4. Bệnh Parkinson


Bệnh Parkinson là một trong những bệnh về thần kinh, thường xảy ra khi nhóm tế
bào trong não bị thoái hóa, không thể kiểm soát được vận động của cơ bắp, khiến cho con
người đi lại khó khăn, cử động chân chạp, chân tay bị run cứng.
Xét về giới tính, nam giới có khả năng mắc bệnh Parkinson cao hơn nữ giới. Các
yếu tố làm tăng nguy cơ bị bệnh Parkinson như: tuổi tác, yếu tố di truyền, giới tính, tiếp
xúc với độc tố.
Hiện nay, vẫn chưa có một phương pháp để có thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh nhân
bị mắc bệnh Parkinson mà chỉ có những biện pháp giúp cải thiện chất lượng cuộc sống, trì
hoãn tiến trình tiến triển của bệnh.

27
8.4.5. Tai biến mạch máu não (đột quỵ)
Tai biến mạch não (đột quỵ) xảy ra khi nguồn cung cấp máu cho một phần của bộ
não bị gián đoạn hoặc suy giảm nghiêm trọng, làm mất oxy và dinh dưỡng mô não. Trong
vòng vài phút, các tế bào não bắt đầu chết. Đột quỵ là một cấp cứu y tế. Hành động sớm
có thể giảm thiểu tổn thương não và các biến chứng tiềm năng.
Các dấu hiệu và triệu chứng có thể bao gồm:
- Khó đi bộ. Có thể vấp ngã hoặc chóng mặt đột ngột, mất thăng bằng hoặc mất phối
hợp.
- Có thể nói khó hoặc là không thể giải thích những gì đang xảy ra (mất ngôn ngữ).
Hãy cố gắng lặp lại một câu đơn giản. Nếu không thể, có thể bị đột quỵ.
- Tê liệt hoặc tê ở một bên của cơ thể hoặc khuôn mặt. Cố gắng nâng cao cả hai tay
trên đầu cùng một lúc. Nếu một cánh tay bắt đầu yếu, có thể có cơn đột quỵ. Tương tự như
vậy, một bên miệng có thể trễ xuống khi cố gắng để cười.
- Vấn đề với tầm nhìn một hoặc cả hai mắt. Có thể đột nhiên bị mờ hoặc tối, hoặc
có thể nhìn đôi.
- Nhức đầu. Bất ngờ nhức đầu nghiêm trọng, có thể kèm theo nôn mửa, chóng mặt
hoặc thay đổi ý thức, có thể cho biết đang có cơn đột quỵ.
Tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu
chứng của một cơn đột quỵ. Một cơn đột quỵ không được điều trị, sẽ có tiềm năng tổn
thương não và khuyết tật. Để tối đa hóa hiệu quả của việc đánh giá và điều trị, tốt nhất đến
phòng cấp cứu trong vòng 60 phút khi các triệu chứng đầu tiên.

8.5. Các chất gây nghiện cho hệ thần kinh và tác hại
Chất gây nghiện là các chất khi hấp thụ vào cơ thể của một sinh vật sống có thể làm
thay đổi chức năng bình thường của cơ thể theo hướng tạo ra sự phụ thuộc của cơ thể đối
với chất đó hoặc cảm giác thèm thuồng, ghiền, nghiện ở các mức độ khác nhau. Một số
loại chất gây nghiện thường gặp như cần sa, cocain, heroin, ma tuý đá, thuốc lắc, LSD, cỏ
mỹ, ketamin,…
Ban đầu, dùng với liều lượng thấp sẽ gây ảo giác trong 2 hoặc 3 giờ với những biểu
hiện như: vui vẻ, thoải mái, đói, nhịp tim tăng, mắt vằn đỏ, kém tập trung, hoặc nói nhiều
hoặc trầm tư... Sau dần, liều dùng cao mạnh thì cảm giác bồn chồn, khó kiểm soát cảm
xúc, ảo giác, lo âu, sợ hãi, rối loạn hành vi...

28
Sử dụng lâu ngày các loại chất gây nghiện sẽ gây nhiều tác hại đến chức năng sinh
lý của các cơ quan trong cơ thể. Bên cạnh đó, các tác hại không chỉ gây hệ luỵ xấu cho bản
thân người nghiện mà còn liên luỵ cho cả gia đình và xã hội.

8.6. Các giác quan ở người


8.6.1. Cơ quan thị giác
Khả năng nhìn phụ thuộc vào mắt, thần kinh thị giác và khả năng xử lý hình ảnh của
vỏ não. Mắt có ba lớp là màng cứng, màng mạch và võng mạc.
- Lớp ngoài gọi là màng cứng, có cấu trúc sợi màu trắng và phần phình ra phía trước
gọi là giác mạc.
- Lớp giữa chứa sắc tố và mạch máu gọi là màng mạch.
- Lớp trong cùng là võng mạc chứa các tế bào que và tế bào nón, trong đó tế bào
nón giúp phân biệt màu sắc.
Giác mạc, các chất dịch và thuỷ tinh thể giúp cho ánh sáng tập trung vào võng mạc.
Thuỷ tinh thể thay đổi giúp cho việc nhìn ở các cự ly khác nhau.
Khi ánh sáng tác động vào phân tử rhodopsin trong tế bào que, rhodopsin phân ly
thành opsin và retinal. Một loạt các phản ứng làm đóng các kênh ion trên màng tế bào que
dẫn đến tạo ra các xung thần kinh. Các xung thần kinh được được truyền qua các nơron ở
võng mạc và tập trung thành bó thần kinh thị giác đi lên vỏ não cho ta cảm giác ánh sáng
và hình ảnh đối tượng.
Tế bào nón rất nhạy cảm với ánh sáng và có khả năng phân biệt ánh sáng có bước
sóng khác nhau nên cho ta cảm giác màu sắc của đối tượng.
Cơ quan phụ của mắt bao gồm lông mày, mí mắt và lông mi; bộ phận lệ đạo sản
xuất nước mắt và các cơ bên ngoài mắt giúp mắt cử động:
- Lông mày che mắt khỏi ánh nắng Mặt trời và ngăn chặn mồ hôi hoặc các mảnh vỡ
rơi vào mắt. Mí mắt là một phần của da. Lông mi của mắt có thể ngăn cản các vật làm cho
chúng không xâm nhập vào mắt. Tuyến bã nhờn ở mỗi lông mi sản xuất dịch nhờn bôi trơn
mắt. Viêm một trong các tuyến này được gọi là lẹo.
- Bộ phận lệ đạo gồm các tuyến lệ, túi lệ và các ống dẫn. Tuyến lệ tiết dịch lệ chảy
vào mắt khi mắt nhấp nháy. Dịch lệ (nước mắt) theo hai đường dẫn nhỏ chảy vào túi lệ và
chảy vào xoang mũi qua ống mũi lệ.

29
- Các cơ ngoài mắt: giúp mắt cử động. Có ba đôi cơ ngoài mắt đối xứng nhau điều
khiển mắt xoay trên và dưới, di chuyển hai bên, xoay tròn mắt cùng chiều và ngược chiều
kim đồng hồ.

Hình 8.4. Cấu tạo giải phẫu của mắt


8.6.2. Cơ quan thính giác và thăng bằng
Tai có hai chức năng giác quan là thính giác và trạng thái cân bằng. Các thụ thể cảm
giác của hai giác quan này ở tai trong và đó là các tế bào lông với các lông tiết cứng (vi
nhung mao dài) nhạy cảm với kích thích cơ học. Các tế bào lông là các thụ thể cơ học.
8.6.2.1. Thính giác
Tai gồm ba phần là tai ngoài, tai giữa và tai trong.
- Tai ngoài gồm vành tai, ống tai ngoài, có chức năng thu nhận âm thanh.
- Tai giữa bắt đầu từ màng nhĩ và ba xương (xương búa, xương đe, xương bàn đạp).
- Tai trong gồm 2 bộ phận:
+ Ốc tai: gồm ốc tai xương, trong có ốc tai màng. Ốc tai có chức năng thu nhận
các kích thích của sóng âm.
+ Bộ phận tiền đình và các ống bán khuyên thu nhận các thông tin về vị trí và sự
chuyển động của cơ thể trong không gian.
Âm thanh được truyền từ ống tai ngoài đến màng nhĩ, từ màng nhĩ qua hệ thống các
xương, âm thanh được khuếch đại lên gấp 20 lần. Tác động của âm thanh vào các cấu trúc
bên trong tai làm xuất hiện các xung thần kinh ở tế bào ốc tai và truyền về não cho ta cảm
giác âm thanh.

30
Hình 8.5. Cấu tạo giải phẫu của tai
8.6.2.2. Thăng bằng
Tiền đình và các ống bán khuyên là nơi có các đầu mút sợi thần kinh nhận cảm về
sự thay đổi áp suất chất nội dịch trong tai rồi truyền theo thần kinh tiền đình lên các phần
thần kinh trung ương để thực hiện chức năng thăng bằng. Có 2 loại thăng bằng:
- Thăng bằng tư thế: do tiền đình đảm nhiệm, các bộ phận nhận cảm trong tiền đình
có liên quan với trương lực cơ và phản xạ trọng lượng cơ thể đè lên hai bàn chân gây phản
xạ thăng bằng trong tư thế đứng. Đó là thăng bằng tư thế trong trạng thái tĩnh.
- Thăng bằng chỉnh thế: khi thực hiện những động tác phức tạp làm chuyển động
nội dịch trong các ống bán khuyên. Các ống này được sắp xếp 3 chiều khác nhau trong
không gian. Khi thay đổi tư thế thì các chất dịch này chuyển động theo hướng ngược lại
với động tác, nên người ta sẽ nhận biết được sự thay đổi đó và biết được vị trí đỉnh đầu của
mình nằm ở hướng nào trong không gian. Khi tổn thương ống bán khuyên nào thì đầu ngả
về phía bên đó, nếu tổn thương cả 3 ống thì bị chóng mặt và dễ bị ngã, gọi là rối loạn tiền
đình. Căn cứ vào đường đi của dây tiền đình lên trung ương tới các phần thần kinh khác,
ta thấy có mối liên quan với các bộ phận khác trong phản xạ thăng bằng khi làm các động
tác phức tạp nhưng vẫn đảm bảo tính chính xác của nó:
+ Các cơ vận nhãn định hướng đường chân trời, khi mất thăng bằng thì bị lay tròng
mắt.
+ Tiểu não điều khiển các loại thăng bằng nói trên.
+ Nhân đỏ và nhân tiền đình điều khiển trương lực cơ.
+ Vỏ não đóng vai trò điều khiển chỉ đạo chung.

31
+ Tuỷ sống thực hiện các mệnh lệnh vận cơ và trương lực cơ để giữ thăng bằng
hoặc thực hiện các động tác chính xác.

8.6.3. Cơ quan vị giác


Vị giác là cơ quan cảm giác vị của thức ăn và các chất khi chúng tác động lên niêm
mạc lưỡi và khoang miệng. Các thụ thể cảm giác vị giác là các gai vị giác nằm trên lưỡi.
Nơi tập trung nhiều gai trên lưỡi là đầu mút, hai bên rìa và gốc lưỡi. Ở người trưởng thành
có khoảng 2.000 gai vị giác. Các gai vị giác bao gồm nhiều chồi vị giác có hình củ hành.
Mỗi chồi có khoảng 4 – 5 sợi thần kinh.
Cơ chế cảm nhận các vị: các chất có vị khác nhau hoà tan trong nước bọt, xâm nhập
vào lỗ vị giác và tác động lên tế bào vị giác ở chồi vị giác. Bằng cách cơ chế khác nhau
làm cho tế bào vị giác bị khử cực. Các tế bào này không có sợi trục và không tạo ra điện
thế hoạt động riêng. Các chất dẫn truyền thần kinh được giải phóng khi các vị khác nhau
tác động vào tế bào vị giác và các chất này tác động lên các tế bào thần kinh liên kết với
các tế bào vị giác.
Có 5 vị cơ bản mà cơ quan vị giác cảm nhận được, đó là vị mặn, chua, đắng, ngọt
và vị ngọt umami của các amino acid. Các tính chất của thức ăn trong khoang miệng cũng
ảnh hưởng đến nhận thức về hương vị. Nhiệt độ thức ăn nóng hoặc lạnh có thể làm thay
đổi cảm giác vị giác. Ngoài ra, vị giác còn chịu ảnh hưởng của khứu giác, khi chúng ta bịt
mũi lại thì cũng rất khó để phân biệt các vị khác nhau.
Mỗi tế bào vị giác đều nhạy cảm nhất với một vị nhất định. Độ nhạy cảm với vị
đắng là cao nhất, độ nhạy cảm của vị ngọt và mặn là thấp nhất.

Hình 8.6. Cấu tạo của chồi vị giác

32
8.6.4. Cơ quan khứu giác
Cảm giác khứu giác là quá trình nhận biết các mùi khác nhau bởi các thụ thể khứu
giác nằm ở phía trên khoang mũi. Hầu hết diện tích khoang mũi có chức năng hô hấp, chỉ
có một khu vực nhỏ có chức năng khứu giác. Tại vùng này chứa các tế bào niêm mạc khứu
giác.
Cơ chế cảm nhận mùi: phân tử các chất bay hơi đi vào xoang mũi và được hoà tan
trong lớp dịch của biểu mô khứu giác. Một số phân tử chất bay hơi gọi là mùi hương gắn
vào các thụ thể hoá học của túi khứu giác. Khi các phân tử mùi liên kết với thụ thể trên các
lông mao của túi khứu giác làm xuất hiện phản ứng khử cực và tạo ra điện thế hoạt động
trong các tế bào khứu giác. Điện thế hoạt động được dẫn truyền qua các neuron khứu giác
và sau đó tập hợp thành dây thần kinh khứu giác dẫn truyền về não.

Hình 8.7. Vị trí của thụ thể khứu giác


8.7. Một số bệnh học đường thường gặp và cách phòng tránh bệnh
8.7.1. Khái niệm
Tật khúc xạ là một rối loạn mắt phổ biến, xảy ra khi mắt không thể tập trung rõ ràng
các hình ảnh từ thế giới bên ngoài. Hệ quả của các tật khúc xạ là mờ tầm nhìn, đôi khi làm
thị lực suy yếu. Có ba tật khúc xạ của mắt phổ biến nhất là cận thị, viễn thị và loạn thị:
- Cận thị: là tình trạng mà một người có thể nhìn thấy rõ các sự vật ở gần (khi đọc
sách hay làm việc trên máy vi tính) nhưng lại khó nhìn thấy các vật ở xa (các ký hiệu giao
thông hay số xe buýt). Nguyên nhân là do các tia sáng sau khi khúc xạ tụ lại tại tiêu điểm
nằm phía trước võng mạc. Để khắc phục phải sử dụng kính với thấu kính phân kì các tia
sáng.
- Viễn thị: là tình trạng mà một người có thể nhìn thấy sự vật ở xa nhưng thị lực gần
(đọc) lại kém. Nguyên nhân là do khả năng khúc xạ của mắt kém hay độ dài của nhãn cầu

33
ngắn, các tia sáng song song sẽ hội tụ tại phía sau của võng mạc. Để khắc phục phải sử
dụng kính với thấu kính hội tụ ánh sáng.
- Loạn thị: là tình trạng mà ở đó giác mạc bị cong bất thường làm cho móp méo thị
lực. Giác mạc bình thường có hình dạng giống như hình cầu nhưng đối với loạn thị giác,
giác mạc có hình oval, gây nhiều vấn đề trong việc tập trung ánh sáng đi vào trong mắt.
Loạn thị thường phổ biến và xảy ra cùng với cận thị hoặc viễn thị.

Hình 8.8. Các tật khúc xạ mắt


8.7.2. Một số nguyên nhân gây bệnh về mắt
Để mắt làm việc quá nhiều: việc tập trung nhìn gần trong khoảng thời gian dài là
một trong những nguyên nhân chính.
Thói quen sinh hoạt không đúng cách: do tư thế ngồi học không đúng cách, học tập
và làm việc trong môi trường thiếu ánh sáng, ăn uống không đủ chất dinh dưỡng, … đây
là những thói quen khiến sức khỏe đôi mắt ngày càng xuống dốc.
Tiếp xúc quá nhiều nguồn sáng nhân tạo: với sự phát triển của công nghệ, máy tính,
ipad, … trở thành công cụ thân thiết giúp con người học tập và giải trí tiện lợi hơn. Tuy
nhiên, việc tiếp xúc với màn hình của các thiết bị điện tử trên 3 giờ mỗi ngày, mắt sẽ có
nguy cơ giảm thị lực 90%.
Ánh sáng phát ra từ các thiết bị điện tử mang năng lượng cao, tác động sâu vào đáy
mắt gây tổn thương võng mạc, bên cạnh đó còn làm cho mắt bị áp lực khiến mắt mệt mỏi.
*Biểu hiện của tật khúc xạ khá phức tạp, tùy thuộc vào từng loại tật. Tuy nhiên, mờ
mắt là biểu hiện phổ biến nhất. Một số dấu hiệu và triệu chứng thượng gặp khác như: không
nhìn rõ các vật ở xa; hay nheo mắt lại hoặc lại gần mới thấy rõ; nhức đầu; mỏi mắt; vùng
nhìn bị chói hoặc bị quầng sáng; nhìn đôi,…

34
8.7.3. Cách phòng tránh bệnh
Phải chăm sóc đặc biệt cho đôi mắt và đảm bảo nơi làm việc và học tập đầy đủ ánh
sáng. Nếu học ban đêm cần phải có ánh sáng phòng và đèn bàn, đèn phải có chụp phản
chiếu. Chiếu từ phía sau, chiếu từ phía trên xuống, nghịch với bên tay thuận của người làm
việc.
Kích thước của bàn, ghế phải phù hợp với chiều cao của từng người. Ngồi học đúng
tư thế, không được cuối đầu gầm mặt, nghiêng đầu, áp má bên bàn học, luôn để mắt xa
sách vở với khoảng cách thích hợp (tối đa khoảng 35cm).
Nên giảm mọi căng thẳng của mắt: Không sử dụng mắt làm việc quá lâu, hạn
chế thời gian xem ti vi, chơi game, nhìn máy vi tính,… không đọc sách có chữ quá nhỏ
hay mờ, có hình ảnh lem nhem.
Cứ mỗi 20 phút làm việc và học tập nghỉ ngơi khoảng 3 – 5 phút. Không xem tivi ở
khoảng cách gần, tránh ánh sáng phản xạ trực tiếp lên màn hình. Nếu có tật khúc xạ thì nên
đeo kính khi xem tivi. Nên có chế độ ăn uống hợp lý, trong thức ăn cần có đủ tinh bột,
đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.
Để chăm sóc tốt cho mắt khi có dấu hiệu lạ về mắt như nhìn thấy mờ hơn hoặc mỏi
mắt nên đi khám tại các bệnh viện mắt chuyên khoa để bác sĩ theo dõi và điều trị kịp thời
tránh tình trạng bệnh chuyển biến nặng hơn.

35
Chương 9. HỆ NỘI TIẾT Ở
NGƯỜI

9.1. Đại cương về tuyến nội tiết


Tất cả các tuyến trong cơ thể được chia thành hai nhóm lớn:
- Tuyến ngoại tiết: gồm tất cả các tuyến có ống dẫn kết thúc trên bề mặt da hay đổ
vào một khoang nào đó của cơ thể. Ví dụ: tuyến mồ hôi, tuyến nước bọt, tuyến ruột,…
- Tuyến nội tiết: gồm tất cả các tuyến không có ống dẫn, các chất hóa học (hormone)
do chúng tạo ra có hoạt tính cao và đổ thẳng vào máu. Ví dụ: tuyến yên, tuyến thượng thận,
tuyến sinh dục, …
Vai trò của hormone trong điều hòa trao đổi chất và các quá trình chuyển hóa:
- Tham gia vào kiến tạo và phát triển cơ thể.
- Điều tiết hoạt động của các cơ quan và hệ cơ quan trong cơ thể.
- Điều hòa quá trình trao đổi chất và năng lượng trong cơ thể.
- Điều hòa quá trình chuyển hóa mỡ và chất béo.
Các tuyến nội tiết trong cơ thể: tuyến yên, tuyến giáp, tuyến cận giáp, tuyến tụy,
tuyến thượng thận, tuyến tùng, tuyến ức và tuyến sinh dục. Ngoài các tuyến nội tiết ra, một
số tổ chức thần kinh cũng có khả năng sản sinh ra các chất hóa học có hoạt tính cao
(hormone địa phương hay hệ thống các chất môi giới thần kinh) như: acetylcholine,
adrenaline, histamine,…

Hình 9.1. Vị trí các tuyến nội tiết trên cơ thể người
36
9.2. Cấu tạo và chức năng của các tuyến nội tiết
9.2.1. Tuyến yên
Tuyến yên là một cơ quan đơn nằm dưới não, trong hốc yên Thổ Nhĩ Kỳ, tiếp xúc
với gò xám vùng dưới đồi qua cái cuống hình phễu, khối lượng khoảng 1/70.000 so với
khối lượng cơ thể, gồm ba thuỳ: thuỳ trước, thuỳ giữa và thuỳ sau.
9.2.2.1. Thuỳ trước
- Tiết hormone tăng trưởng GH (Growth Hormone Somatotropin) kích thích tăng
kích thước các tế bào và làm tăng khối lượng của cơ thể, kích thích mô sụn và xương phát
triển.
- Tiết hormone TSH (Thyroid-Stimulating Hormone) kích thích hoạt động tuyến
giáp.
- Tiết hormone ACTH (Adrenocorticotropic Hormone) kích thích miền vỏ tuyến
thượng thận sản xuất ra cortisol, điều tiết trong phản ứng đối với stress.
- Tiết hormone FSH (Follicle Stimulating Hormone) kích thích nang trứng hoặc sự
phát triển của tinh dịch; LH (Luteinizing Hormone) kích thích sự sản sinh estrogen và
progesterone cần cho sự rụng trứng trong chu kỳ kinh nguyệt hoặc kích thích tinh hoàn sản
sinh ra testosterone cần cho quá trình sản sinh tinh trùng và các đặc điểm sinh dục thứ cấp.
- Tiết hormone prolactin kích thích sự bài tiết sữa.

Hình 9.2. Vai trò của tuyến yên đối với các tuyến nội tiết khác

37
9.2.1.2. Thuỳ giữa
Tiết hormone MSH kích thích sự phát triển của các tế bào sắc tố non thành các tế
bào sắc tố trưởng thành, kích thích các tế bào này tổng hợp sắc tố (melanine) và phân bố
sắc tố đó trên bề mặt da.

9.2.1.3. Thuỳ sau


- Tiết hormone oxytoxin có tác dụng lên tử cung (tăng co bóp), tác dụng lên bài tiết
sữa.
- Tiết hormone vasopressin ADH (Antidiuretic Hormone) chống bài niệu, làm giảm
sự bài tiết nước tiểu.

9.2.2. Tuyến giáp


Tuyến giáp ở người là một cấu tạo đơn màu đỏ thẫm hay nâu đỏ nằm ở hai bên phía
dưới hầu và thanh quản, gồm có hai thùy (trái và phải) nối với nhau qua một eo hẹp sát vào
nhau.
Mọi hoạt động của tuyến giáp đều chịu sự kiểm soát của tuyến yên thông qua tác
dụng của TSH.
Tuyến giáp chứa ba hormone chủ yếu là: thyroxine, triiodothyroxine và calcitonin.
Thyroxine và triiodothyroxine giúp điều phối sự trao đổi chất.
Calcitonin có vai trò duy trì mức thích ứng của canxi (Ca2+) trong máu. Khi nồng
độ canxi trong máu tăng quá cao, calcitonin sẽ kích thích sự hấp thụ canxi vào xương.

Hình 9.3. Vị trí của tuyến giáp và tuyến cận giáp

38
Hình 9.4. Vai trò của tuyến giáp

9.2.3. Tuyến cận giáp

Tuyến cận giáp bao gồm bốn cấu trúc nhỏ nằm rải rác hai bên ở bề mặt phía sau của
tuyến giáp.
Tuyến cận giáp sản sinh ra PTH (Parathyroid hormone), ảnh hưởng đến quá trình
chuyển hóa canxi và photpho. Mức canxi trong máu bình thường (9 – 10mg/100ml máu)
là rất quan trọng đối với sự hoạt động của cơ, nếu thiếu có thể gây nên sự co cứng cơ
nghiêm trọng. PTH được tổng hợp và được giải phóng ra trong phản ứng khi ion Ca2+ tồn
tại trong máu ở mức thấp, kích thích các tế bào hủy xương hòa tan các tinh thể photphat
canxi của cơ chất xương và phóng thích canxi vào máu.

9.2.4. Tuyến tuỵ nội tiết


Tuyến tụy nằm ở sát ngay bên dưới dạ dày và liên kết vào tá tràng của ruột non qua
ống tụy. Trong tuyến tụy thường tồn tại song song hai loại tế bào: các tế bào tuyến rỗng
(ngoại tiết) và các tế bào biểu mô đặc của đảo Langerhans (nội tiết) nằm rải rác trong nhu
mô. Vì vậy, tuyến tụy là một tuyến pha, vừa có chức năng ngoại tiết, vừa có chức năng nội
tiết.
Các đảo Langerhans của tuyến tuỵ tiết 2 hormone: tế bào beta (β) tiết ra insulin, tế
bào alpha (α) tiết ra glucagon.

39
- Insulin tăng tổng hợp glycogen, kích thích các tế bào (cơ vân, mỡ, gan) hấp thụ
glucose và giảm lượng glucose trong máu. Khi lượng đường trong máu cao, insulin sẽ được
tiết ra nhiều và ngược lại.
- Glucagon có tác dụng ngược lại với insulin. Glucagon làm tăng lượng đường trong
máu bằng cách phân hủy glycogen dự trữ trong gan.

Hình 9.5. Các tế bào của đảo tụy Langerhans

Hình 9.6. Vai trò của hormone insulin và glucagon trong điều hòa nồng độ đường huyết

40
9.2.5. Tuyến thượng thận
Tuyến thượng thận nằm ngay bên trên mỗi quả thận, gồm hai phần: phần tuỷ và
phần vỏ.
- Phần tuỷ trên thận: tiết hormone epinephrin và norepinephrin kích thích gan cung
cấp glucose cho máu, cũng như các phản ứng điều hoà khác.
- Phần vỏ trên thận: tiết 3 loại hormone corticosteroit (các glucocorticoit, các
corticoit khoáng, số lượng nhỏ các steroit giới tính). Aldosterone là một corticoit khoáng
kích thích thận giữ Na+ và tiết K+. Cortisol là glucocorticoit vốn làm cho các tế bào giảm
sự tiêu thụ glucose, ngoài ra, còn tham gia vào phản ứng miễn dịch.

Hình 9.7. Vai trò của tuyến thượng thận


9.2.6. Tuyến tùng

Tuyến tùng (tuyến quả thông) là một thể nhỏ có kích thước của hạt đậu Hà Lan và
có hình dạng giống quả thông, nằm ở phía trên củ não sinh tư.

Hình 9.8. Vị trí của tuyến tùng

41
Tuyến tùng sản xuất melatonin có khả năng tác động lên màu sắc của da, liên quan
đến sự điều hoà nhịp sinh học và quang chu kỳ. Mức melatonin trong máu tăng vào ban
đêm và giảm xuống vào ban ngày. Mùa đông, đêm dài hơn ngày, melatonin được tiết ra
nhiều hơn.

9.2.7. Tuyến ức (tuyến hung)


Tuyến ức nằm trong các mô lỏng lẻo phía sau lồng ngực, áp sát vào phần cổ dưới,
gồm có hai thùy.
Chức năng nội tiết của tuyến ức (timozine hormone) chỉ thể hiện trong giai đoạn
trước khi trưởng thành sinh dục, sau thởi kỳ trưởng thành, tuyến ức bị thoái hóa dần.
Ngoài ra, tuyến ức còn ảnh hưởng đến quá trình tạo ra các thể miễn dịch.

Hình 9.9 Vị trí của tuyến ức


9.2.8. Tuyến sinh dục

9.2.8.1. Tuyến sinh dục đực


Tuyến sinh dục đực là hai tinh hoàn. Các hormone sinh dục đực được gọi chung là
androgen, trong đó testosterone là hormone chủ yếu.
Các hormone sinh dục đực có tác dụng biệt hoá giới tính trong thời kỳ bào thai, duy
trì và kích thích sự phát triển cơ quan sinh dục đực và các tuyến sinh dục phụ, làm xuất
hiện các đặc điểm sinh dục phụ thứ cấp, kích thích thần kinh hưng phấn gây ra các phản
xạ về sinh dục giống đực.

42
Hình 9.10. Vai trò của tuyến yên đối với việc sản xuất hormone sinh dục nam

9.2.8.2. Tuyến sinh dục cái


Tuyến sinh dục cái chủ yếu là hai buồng trứng. Các hormone sinh dục cái bao gồm
estrogen, progesterone và hormone của nhau thai.
- Estrogen thúc đẩy sự phát triển của cơ quan sinh dục cái và các đặc điểm sinh dục
phụ thứ cấp; thúc đẩy trứng phát triển, thành thục, chín và rụng trứng; làm tăng sinh các tế
bào niêm mạc âm đạo, tăng sinh tế bào tử cung và ống dẫn trứng; làm phát triển hệ thống
ống dẫn của tuyến vú; kích thích tuyến yên bài tiết LH và prolactin,…
- Progesterone do thể vàng tiết ra kích thích sự phát triển hơn nữa của niêm mạc tử
cung, âm đạo,… để chuẩn bị đón hợp tử về làm tổ và phát triển của thai nhi; làm cho nhau
thai phát triển; làm giảm tính mẫn cảm của cơ trơn tử cung với oxytoxin; ức chế tuyến yên
sản xuất FSH và LH,…
- Hormone HCG do nhau thai bài tiết gồm một ít prolan A (tác dụng như FSH) và
nhiều prolan B (tác dụng như LH). Ngày có thai thứ tám, HCG đã có trong nước tiểu và
máu nên có thể ứng dụng trong việc chẩn đoán phụ nữ có thai sớm.

Hình 9.11. Vai trò của tuyến yên đối với việc sản xuất hormone sinh dục nữ

43
9.3. Một số bệnh liên quan đến hệ nội tiết thường gặp và cách phòng tránh bệnh
9.3.1. Một số bệnh liên quan đến hệ nội tiết thường gặp
Bệnh nội tiết là bệnh liên quan đến hệ thống nội tiết trong cơ thể và mắc phải khi hệ
thống mất đi sự cân bằng sẽ gây ra nhiều bệnh nguy hiểm.
9.3.1.1. Đái tháo đường
Nguyên nhân gây bệnh đái tháo đường là do rối loạn chuyển hóa cacbohydrate khi
hormone insulin của tụy bị thiếu hay giảm tác động trong cơ thể. Biểu hiện là mức đường
trong máu luôn cao, trong giai đoạn mới phát thường làm bệnh nhân đi tiểu nhiều, tiểu ban
đêm và do đó làm bệnh nhân luôn cảm thấy khát nước.
Biến chứng của bệnh tiểu đường rất nguy hiểm đến sức khoẻ như: suy thận, mù mắt,
tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, hoại tử và có nguy cơ tử vong... Vì vậy, phát hiện
sớm các yếu tố nguy cơ để có thể chẩn đoán sớm bệnh tiểu đường cũng như nắm vững
được các biến chứng của bệnh là hết sức cần thiết.

9.3.1.2. Cường giáp và suy giáp


Bệnh cường giáp gặp phải khi cơ thể dư thừa quá nhiều hormone tuyến giáp trong
máu. Sự dư thừa nồng độ của hormone tuyến giáp làm tăng chuyển hóa và tăng nguy cơ bị
những bệnh khác như bệnh tim, loãng xương và những rối loạn chuyển hóa khác. Tuyến
nội tiết khi sản sinh ra nhiều hormone tuyến giáp hơn mức cơ thể cần sẽ gây ra những rối
loạn về thần kinh, rối loạn tiêu hóa và các rối loạn tình dục.
Các biểu hiện của bệnh cường giáp bao gồm căng thẳng và kích thích; đánh trống
ngực và tim đập nhanh; run giật chân tay; sụt cân hoặc tăng cân; tăng số lần đi đại tiện hoặc
bị tiêu chảy; phù nề phần thấp ở chân/ bị liệt đột ngột; khó thở khi gắng sức; rối loạn giấc
ngủ; thay đổi thị giác: sợ ánh sáng hoặc nhạy cảm với ánh sáng, kích ứng mắt kèm với tăng
tiết nước mắt, nhìn đôi, lồi mắt; mệt mỏi và yếu cơ...
Cường giáp nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến cơ thể mắc một
số bệnh về tim mạch như: rung nhĩ, rối loạn chức năng tâm trương, giảm phân suất tống
máu (EF – Ejection Fraction), dày thất trái, co thắt cơ tim, loãng xương.
Bệnh suy giáp gây suy giảm chức năng của tuyến giáp. Khi tuyến nội tiết có nhiệm
vụ sản xuất hormone tuyến giáp nhưng không đầy đủ so với nhu cầu của cơ thể sẽ gây nên
tổn thương ở các mô, cơ quan, các rối loạn chuyển hoá trên lâm sàng và xét nghiệm.
Suy giáp có thể biểu hiện bằng các hình thái khác nhau tuỳ thuộc vào tuổi bệnh nhân
và mức độ giảm tiết hormone giáp trạng. Đối với bệnh này, độ tuổi có vai trò quan trọng
về mặt biểu hiện của bệnh. Bệnh suy giáp thường hay gặp ở phụ nữ.

44
Suy giáp dẫn đến nhiều rối loạn với các biểu hiện: mệt mỏi; giảm khả năng gắng
sức; có khi tăng cân; sợ lạnh, da khô và thô, da tái lạnh; tóc dễ rụng gãy, rụng lông mày,
lông nách, lông mu thưa; phù niêm mạc toàn thể, da mỡ (trông láng bóng), thâm nhiễm các
cơ quan như mi mắt (nặng mí mắt), lưỡi (lưỡi to dày), thanh quản (nói khàn, khó thở), cơ
(gây giả phì đại cơ); dễ bị táo bón; nhịp tim chậm, tim to, tràn dịch màng tim; nếu suy giáp
nặng có thể suy tim (nhất là khi có thiếu máu đi kèm); suy nghĩ và vận động chậm chạp,
nói chậm, trí nhớ giảm.

9.3.1.3. Suy tuyến thượng thận


Khi tuyến thượng thận ngừng sản xuất các hormone cần thiết cho các chức năng
sống của cơ thể sẽ dẫn tới bệnh suy tuyến thượng thận.
Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi và cả nam lẫn nữ. Biểu hiện chính của bệnh bao gồm
mệt yếu cơ, trọng lượng cơ thể giảm, tụt huyết áp, có trường hợp bệnh nhân còn bị sạm da
vùng tiếp xúc với ánh sáng và cả vùng không tiếp xúc với ánh sáng. Bệnh suy tuyến thượng
thận thường được điều trị bằng cách bù lại lượng hormone bị thiếu hụt.

9.3.1.4. Suy tuyến yên


Tuyến yên bài tiết ra hormone có tác dụng kích thích các tuyến khác. Bệnh gây suy
giảm chức năng của tuyến yên trong việc sản sinh ra các hormone. Bệnh lý tuyến yên là
bệnh lý ít được mọi người để ý đến cho đến khi khối u đã quá to gây chèn ép và gây suy
tuyến yên ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh.

9.3.2. Cách phòng tránh bệnh liên quan đến hệ nội tiết
- Tập thể dục hàng ngày bằng những bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, chạy bộ, tập
yoga,… là cách giúp cơ thể tăng cường sức khỏe, giảm viêm, giảm căng thẳng, hỗ trợ giấc
ngủ và điều hòa chuyển hóa trong cơ thể.
- Cần phải có chế độ ăn uống, làm việc, nghỉ ngơi một cách khoa học như ăn đúng
và đủ bữa, bổ sung một lượng chất béo vừa phải, cân đối giữa thịt và rau củ, bổ sung
vitamin cần thiết cho cơ thể… để quá trình sản xuất nội tiết tố hoạt động tốt hơn. Bổ sung
đủ nước mỗi ngày, lượng nước cần thiết cho một người khỏe mạnh là 1,5 - 2 lít nước lọc.
- Sử dụng các loại thực phẩm sạch và có nguồn gốc rõ ràng, tốt nhất là nên dùng
thực phẩm hữu cơ và rau tự trồng.
- Hạn chế, tránh tiếp xúc với môi trường ô nhiễm.

45
- Ngủ đủ giấc, hạn chế và tốt nhất nên tránh thức khuya, tránh làm việc quá sức,
căng thẳng (stress)…
- Sử dụng thuốc tránh thai và các loại thuốc điều trị bệnh cần theo đúng hướng dẫn
của bác sĩ, không nên lạm dụng thuốc đặc biệt là thuốc tránh thai.
- Cần xét nghiệm máu định kỳ để phát hiện sớm và điều trị kịp thời tình trạng rối
loạn nội tiết tố.

46
Chương 10. DA VÀ ĐIỀU HOÀ THÂN NHIỆT Ở NGƯỜI

10.1. Cấu tạo sơ lược và chức năng của da


10.1.1. Cấu tạo
Da là một cấu trúc tinh vi và đa chức năng, chiếm khoảng 15% trọng lượng cơ thể.
Về thành phần hóa học, da có khoảng 70% nước, 25% protein và 2% lipid. Cấu trúc da
gồm 3 phần chính là thượng bì (biểu bì), trung bì và hạ bì. Ba lớp này hoạt động nhịp
nhàng, phối hợp với nhau để định hướng các tế bào, sợi và những cấu trúc vô định khác
trên da tạo nên một làn da khỏe mạnh.

Hình 10.1. Cấu tạo các lớp của da


10.1.1.1. Lớp biểu bì – Lớp bảo vệ
Lớp biểu bì là cấu trúc da ở lớp trên cùng, bao gồm các mô vảy sừng phân tầng. Lớp
biểu bì phân hóa thành 5 lớp khác nhau: lớp đáy, lớp gai, lớp hạt, lớp bóng (tuyến dầu) và
lớp sừng. Lớp sâu nhất của biểu bì chứa 70 – 75% nước và lớp sừng chứa 10 – 15% nước.
Độ dày trung bình cấu trúc da lớp biểu bì khoảng 0,1 – 1mm tùy vùng da. Mỏng
nhất là mi mắt, dày nhất là lòng bàn tay, bàn chân. Lớp biểu bì có khả năng tái sinh và thay
thế cao khi bị tổn thương, tuy nhiên khả năng này sẽ giảm dần qua tuổi tác.
Da có tính acid nhẹ (pH = 4,5 – 5,5) và được gọi là lớp vỏ acid của da. Lớp này có
tác dụng bảo vệ làn da của bạn khỏi những vi khuẩn, tia bức xạ từ mặt trời, máy tính, điện
thoại, ô nhiễm môi trường,…duy trì lớp keratin được kết nối chặt chẽ. Nếu lớp keratin yếu
đi da sẽ dễ bị nhiễm trùng, nhạy cảm với tia cực tím, hóa chất, trở lên khô, kích ứng và
bong da.

47
10.1.1.2. Lớp trung bì – Lớp giữa của da
Lớp trung bì được phân tách với lớp biểu bì qua lớp tế bào đáy, đây là cấu trúc da
thứ hai. Đây là cầu nối giữa lớp hạ bì và biểu bì thông qua một cấu trúc sợi có khả năng di
động tương đối. Độ dày của lớp trung bì trung bình từ 0,5 – 4 mm. Có 2 lớp trung bì là lớp
nhú và lớp lưới.
Chức năng cơ bản của lớp trung bì là cung cấp O2 và chất dinh dưỡng cho lớp biểu
bì; điều hòa thân nhiệt thông qua thay đổi tuần hoàn máu và tiết mồ hôi; giữ chức năng bảo
vệ cơ học cho các cấu trúc sâu hơn của da; quyết định độ nhạy cảm của da.

10.1.1.3. Lớp hạ bì – Lớp mỡ dưới da


Lớp mỡ dưới da nằm ngay dưới và liên kết lỏng lẻo với lớp trung bì. Lớp hạ bì của
da có cấu trúc như lớp bọt biển gồm sợi collagen, elastin, tế bào mỡ, mạch máu, mạch bạch
huyết, tế bào thần kinh. Bề mặt lớp mô mỡ được nối với lớp trung bình bằng các sợi
collagen hướng từ lớp trung bì đến hạ bì.
Chức năng chính của lớp mỡ dưới da là:
- Cung cấp năng lượng: chất béo là nguồn năng lượng dồi dào, 1 gram chất béo
cung cấp 9 cal năng lượng.
- Cách nhiệt: chất béo giữ ấm cho cơ thể do nó ngăn cách và cung cấp nhiệt cho cơ
thể trong môi trường lạnh.
- Bảo vệ: chất béo giúp giảm nhẹ chấn động và va chạm, nhiệt độ, giúp da linh động,
vì da có thể co giãn theo bất cứ hướng nào trong một giới hạn cho phép. Do đó, bảo vệ làn
da khỏi những tổn thương.
- Sản xuất hormone: mô mỡ có thể độc lập tổng hợp estrogen và testosterone.
*Ngoài ra lớp phụ của da gồm tuyến bã nhờn, mô hôi, lông, móng…. chức năng của
lớp này là điều hòa thân nhiệt, bảo vệ làn da tránh mất nước…

10.1.2. Chức năng


Da là bộ phận tiếp xúc trực tiếp với môi trường nhiều nhất trong cơ thể, nó không
chỉ là vỏ bọc bên ngoài cơ thể mà cấu trúc da còn đảm nhiệm nhiều chức năng khác nhau.
- Bảo vệ các cơ quan như thần kinh, mạch máu, xương, nội tạng trước các yếu tố có
hại về sinh học, cơ học, hóa học và vật lý. Cấu trúc da hình thành từ các sợi collagen có
tính chất đàn hồi giúp da chịu được những áp lực đặt lên da.

48
- Bài tiết: tùy vào cơ địa mà tuyến mồ hôi bài tiết với cường độ khác nhau để điều
hòa thân nhiệt và đào thải độc tố cho cơ thể.
- Miễn dịch: trong cấu trúc da có các tế bào langerhans giúp kháng khuẩn tăng cường
hệ miễn dịch cho cơ thể.
- Điều hòa thân nhiệt.
- Dự trữ nước
- Cảm giác: Da là một trong năm giác quan của con người. Da có khả năng nhạy
cảm với nhiều áp lực, tiếp xúc, nhiệt độ và đau.
- Tổng hợp vitamin D.

10.2. Chức năng cảm giác của da


Bề mặt của da là một trường thụ cảm lớn, là bộ phận ngoại vi của cơ quan phân tích
da. Ở trạng thái bình thường, vai trò của da thường kém thể hiện vì nó bị các cơ quan phân
tích khác làm lu mờ. Nhưng chỉ cần một trong số các cơ quan phân tích nào đó không hoạt
động thì cơ quan phân tích da thể hiện ngay vai trò quan trọng của mình.
Các cơ quan thụ cảm ở da gồm 4 loại là nóng, lạnh, xúc giác và đau. Các cơ quan
thụ cảm nóng và lạnh được gọi chung là cơ quan thụ cảm nhiệt độ. Các cơ quan thụ cảm
xúc giác là sự phối hợp giữa cơ quan thụ cảm va chạm và cơ quan thụ cảm về áp lực.
Mỗi cơ quan thụ cảm tiếp nhận một kích thích tương ứng, trừ các cơ quan thụ cảm
đau. Tất cả các kích thích khi vượt quá một giới hạn nào đó về cường độ sẽ cho ta cảm giác
đau. Số lượng các cơ quan thụ cảm phân bố không đồng đều trên bề mặt da.
Ví dụ:
- Số lượng thụ quan nóng ít hơn số lượng thụ quan lạnh.
- Thụ quan đau nhiều hơn so với thụ quan áp lực và va chạm.
- Các thụ quan xúc giác tập trung chủ yếu ở phần da của các đầu ngón tay, bề mặt
lòng bàn tay của các ngón, ở gót chân, đầu lưỡi.

10.2.1. Các cơ quan thụ cảm xúc giác


Xúc giác là một dạng cảm giác xuất hiện khi kích thích cơ học tác động làm thay
đổi bề mặt của da qua các cơ quan thụ cảm áp lực. Cường độ của cảm giác áp lực phụ thuộc
vào tốc độ biến dạng của da. Da biến dạng càng nhanh bao nhiêu thì hiệu quả của tác động

49
càng lớn bấy nhiêu. Do đó, ngưỡng của cảm giác xúc giác phụ thuộc vào khối lượng của
vật tác động và diện tích của bề mặt tiếp xúc.
Cảm giác tiếp xúc sẽ xuất hiện khi một vật nào đó chạm vào bề mặt của da, còn cảm
giác áp lực là khi ấn mạnh vào một điểm nào đó trên bề mặt của da. Trong cả hai trường
hợp, da đều bị biến dạng. Như vậy, sự khác biệt ở đây là do cường độ của kích thích tạo
ra. Một dạng khác của cảm giác xúc giác là ngứa.
Các cơ quan thụ cảm xúc giác trên bề mặt da có cấu tạo rất khác nhau, nó phụ thuộc
vào mức độ phủ lông của bề mặt da. Tại các vùng da có lông, các cơ quan thụ cảm xúc
giác là các đám rối thần kinh bao quanh lỗ chân lông. Tại vùng da không có lông, các cơ
quan thụ cảm xúc giác đặc biệt là các hạt Messner. Các thể này nằm ở lớp da chính thức,
trong lớp biểu mô của lòng bàn tay, ngón tay, chân, ngực, lưng, môi, lưỡi, núm vú,…và
các phần khác có các đĩa xúc giác (thể Merkel).
Các cơ quan thụ cảm xúc giác phân bố không đều trên bề mặt da nên độ nhạy cảm
xúc giác ở các vùng da khác nhau.

10.2.2. Các cơ quan thụ cảm nhiệt độ


Cơ quan thụ cảm nhiệt độ của da chia hai loại: loại thứ nhất chuyên tiếp nhận kích
thích lạnh, còn loại thứ hai chuyên tiếp nhận kích thích nóng. Các tế bào thụ cảm phân bố
không đồng đều nên độ nhạy cảm của các vùng da trên bề mặt của cơ thể đối với kích thích
nhiệt độ cũng khác nhau.
Da của phần thân thường nhạy cảm đối với các kích thích nóng hơn so với da của
các chi. Còn trong các chi thì độ nhạy cảm đối với kích thích nhiệt độ phụ thuộc vào khoảng
cách tới phần trung ương. Trên các chi, các phần ở xa có độ nhạy cảm đối với nhiệt độ cao
hơn so với phần ở gần. Các phần da của cơ thể luôn được quần áo bao bọc có độ nhạy cảm
cao đối với lạnh.
Tiết diện bề mặt càng lớn thì cường độ phản ứng càng mạnh. Ví dụ, khi nhúng một
ngón tay vào chậu nước ấm 40°C và nhúng cả bàn tay vào chậu nước 37°C thì trường hợp
thứ hai cho cảm giác nóng hơn.

10.2.3. Các cơ quan thụ cảm đau


Cảm giác đau xuất hiện dưới tác động của các kích thích gây tổn thương các tổ chức
khác nhau của cơ thể. Trong quá trình phát triển, các cơ quan thụ cảm đau xuất hiện để làm
nhiệm vụ bảo vệ cơ thể chống lại những tác động có hại từ môi trường xung quanh.

50
Các kích thích tạo ra cảm giác đau không mang một tính đặc trưng nào. Đó có thể
là các tác động vật lí, hoá học, cơ học, nhiệt độ,… Điểm chung nhất của tất cả kích thích
gây đau là đều gây ra sự tổn thương. Trong các trường hợp tác động của các kích thích gây
đau, cảm giác xuất hiện thường mang tính chất tổng hợp. Vì đồng thời với các cơ quan thụ
cảm đau, các cơ quan thụ cảm xúc giác, nhiệt độ cũng bị hoạt hoá.
Dưới tác động của kích thích gây đau, sẽ xuất hiện những thay đổi về mặt dinh
dưỡng làm tăng nồng độ adrenaline và glucose trong máu, tăng huyết áp, tăng khả năng
đông máu. Đặc biệt, những tác động quá mạnh lên cơ thể làm xuất hiện cảm giác đau có
thể tạo ra những rối loạn trong hoạt động của hệ thần kinh trung ương và làm cho huyết áp
giảm đáng kể, tim hoạt động yếu, rối loạn hô hấp và điều hoà thân nhiệt,… Điều này chứng
tỏ vỏ não là cơ quan điều tiết sự hình thành cảm giác đau.
Đôi khi, sự kích thích của các thụ thể đau bên trong gây ra cảm giác đau của vùng
da tương ứng với các cơ quan nội tạng. Đây được gọi là phản xạ đau. Một số cơ quan nội
tạng có phản xạ đau tương ứng với vùng da lưng, háng và bụng. Ví dụ, cảm giác đau ở tim
được cảm nhận trong vai trái và cánh tay. Phản xạ này xảy ra khi xung thần kinh từ các thụ
thể đau của cơ quan nội tạng đi vào tuỷ sống cùng qua synapse với các tế bào thần kinh
cảm giác đau đến từ da.

10.3. Một số bệnh về da và các biện pháp chăm sóc da an toàn


10.3.1. Một số bệnh về da
10.3.1.1. Viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa (chàm hay eczema), đây là một bệnh da liễu thường gặp nhất ở cả
người lớn và trẻ em. Viêm da cơ địa không lây, không gây hậu quả nghiêm trọng nhưng
nếu người bệnh gãi nhiều dẫn đến lở loét thì có thể gây nhiễm trùng da. Bệnh thường xuất
hiện vào những mùa có thời tiết nắng nóng kéo dài khiến độ ẩm và nhiệt độ của cơ thể
không ổn định tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh viêm da cơ địa xuất hiện.
Có hai nguyên nhân chính gây ra bệnh này đó là do di truyền hoặc do môi trường
làm việc ô nhiễm, thường xuyên tiếp xúc với khói bụi và hóa chất. Ngoài ra, sức để kháng
kém cũng là nguyên nhân làm cho cơ thể dễ bị các loại vi khuẩn tấn công dẫn đến viêm da
cơ địa. Đối với trẻ em khi bị dị ứng thực phẩm cũng có thể gây viêm da cơ địa. Người bệnh
viêm da cơ địa thường kèm theo hen suyễn hoặc dị ứng phấn hoa.
Các dấu hiệu thường gặp ở bệnh viêm da cơ địa đó là: da dày lên, đỏ và khô; da sần
sùi, ngứa; chảy dịch và bong vảy; xuất hiện nhiều vết sưng rất khó gãi,…

51
10.3.1.2. Bệnh vảy nến
Vảy nến là bệnh về da mãn tính thường xuất hiện và sau đó tự hết. Bệnh khiến cho
da bị tổn thương, ngứa ngáy và dẫn đến nhiễm trùng. Bệnh xuất hiện nhiều nhất trong độ
tuổi 15 – 30 tuổi và tỉ lệ nam giới mắc bệnh vảy nến nhiều hơn nữ giới. Vảy nến là một
bệnh tuy không nguy hiểm nhưng nếu không được chăm sóc và điều trị kịp thời, người
bệnh có thể bị các biến chứng sau: đỏ da toàn thân, vảy nến mủ, viêm khớp, nhiễm trùng
da...
Vảy nến thường xuất hiện nhiều ở da đầu, mặt, cùi chỏ, bàn tay, đầu gối, bàn chân,
ngực, phần lưng dưới,… Móng tay và móng chân là những nơi thường bị tổn thương.
Một số nguyên nhân gây ra bệnh vảy nến đó là: do yếu tố di truyền; sử dụng quá
nhiều thuốc tây; do ảnh hưởng từ các bệnh khác như bệnh amidan, viêm họng, … ; do tâm
lý căng thẳng mệt mỏi; do thời tiết quá nóng nực, hanh khô.
Tùy thuộc vào mức độ hay cơ địa của từng người mà dấu hiệu của bệnh là khác
nhau, tuy nhiên một số triệu chứng thường gặp nhất đó là: vùng da bị ngứa, lở loét, đỏ da;
da rất khô, có nhiều vết nứt, dẫn đến chảy máu; xuất hiện vùng da có màu óng ánh bạc với
rìa xung quanh màu đỏ.

10.3.1.3. Bệnh viêm da tiếp xúc


Là căn bệnh thường gặp nhất đối với những người có làn da nhạy cảm. Khi da tiếp
xúc với mỹ phẩm, các hóa chất, thuốc trừ sâu thì vùng da tiếp xúc với những chất đó sẽ bị
dị ứng dẫn đến sưng đỏ, nổi mụn hoặc phát ban. Những người làm việc trong môi trường
thường tiếp xúc với nhiều hóa chất như thợ làm tóc, thợ cơ khí, người làm vườn hay những
đầu bếp,… có nguy cơ mắc căn bệnh này rất cao.
Nguyên nhân chính dẫn đến căn bệnh này là do môi trường sinh sống và làm việc
tiếp xúc với nhiều chất độc hại hoặc những chất mà cơ thể dị ứng.
Các dấu hiệu và triệu chứng của viêm da tiếp xúc đó là: ngứa, da bị khô, nứt nẻ và
bong vảy, phát ban trên da,…

10.3.1.4. Rôm sảy


Rôm sảy là một trong những bệnh rất thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ vào thời
tiết nóng. Bệnh cũng có thể xuất hiện ở người lớn nhưng tỉ lệ ít hơn. Rôm sảy thường xảy
ra nhiều nhất vào mùa hè, mùa nắng nóng vì thời tiết quá nóng sẽ làm cho mồ hôi ra quá
nhiều dẫn đến tắc nghẽn tuyến mồ hôi, khiến mồ hôi không thoát ra được, tạo điều kiện
thuận lợi cho vi khuẩn và bụi bẩn phát triển gây tình trạng viêm, nổi mụn đỏ.

52
Bệnh này xuất hiện nhiều ở các vùng da bài tiết nhiều mồ hôi như ngực, lưng, trán...,
Rôm sảy thường nổi thành đám, mảng lớn.
Rôm sảy thường có rất nhiều nguyên nhân mà nguyên nhân chủ yếu là do tuyến mồ
hôi bị tắc nghẽn làm cho mồ hôi không thể thoát ra ngoài được gây nên hiện tượng rôm
sảy. Đối với trẻ em, nguyên nhân của tình trạng rôm sảy là do chất liệu quần áo mà bé sử
dụng. Làn da của bé thường rất nhạy cảm, khi mặc quần áo có chất liệu kém không thấm
hút mồ hôi được sẽ tạo điều kiện cho rôm sảy xuất hiện.
Những dấu hiệu thường gặp của bệnh rôm sảy là: da sẩn màu đỏ hồng, trên có mụn
nước nhỏ hoặc mụn mủ trắng xen lẫn; người bệnh có cảm giác bứt rứt, khó chịu, ngứa,…

10.3.1.5. Viêm nang lông


Viêm nang lông là một trong những bệnh ngoài da thường gặp nhất, bệnh xuất hiện
là lỗ chân lông bị tắc nghẽn nên vi khuẩn phát triển gây nên viêm nang lông. Bệnh có thể
gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào và thường xuất hiện nhiều ở các bộ phận như cánh tay, chân,
lưng, mông và sau đó sẽ lan rộng ra các bộ phận khác của cơ thể.
Bệnh này không nguy hiểm, nhưng thường khiến người bệnh khó chịu và ngứa.
Trong những trường hợp nghiêm trọng, bệnh có thể gây rụng lông và để lại sẹo.
Những yếu tố gây ra bệnh viêm nang lông đó là: do các virus, vi khuẩn xâm nhập;
do ảnh hưởng từ các bệnh về da khác như viêm da và mụn trứng cá; do bôi thuốc kháng
sinh quá nhiều; do triệt lông không an toàn dẫn đến nhiễm trùng lỗ chân lông; mặc áo quần
quá nóng, không thấm mồ hôi,…
Những dấu hiệu thường gặp nhất của bệnh viêm nang lông: da nổi ban đỏ hoặc
nhiễm trùng; cảm giác ngứa, đau rát; xuất hiện các đám mụn nhỏ có đầu đỏ và đầu trắng
xung quanh các nang lông; mụn nước có nhiều mủ bị vỡ ra,…

10.3.1.6. Nổi mề đay


Mề đay là bệnh ngoài da gây ngứa ngáy rất khó chịu cho người bệnh. Từ một nốt
mẩn ngứa nhỏ bệnh có thể lan rộng ra các khu vực khác rất nhanh chóng, gây ảnh hưởng
không nhỏ đến quá trình sinh hoạt, học tập và làm việc của người bệnh.
Bệnh này thường xảy ra do các nguyên nhân sau: do dị ứng thức ăn, dị ứng thuốc,
côn trùng cắn, dị ứng mỹ phẩm, do di truyền,…

53
Những dấu hiệu nổi mề đay có thể xuất hiện như: nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy khó chịu,
khó thở. Ngoài ra một số người còn xuất hiện một số dấu hiệu như: mụn nước, da bong
tróc, phù mí mắt, phù môi, mệt mỏi, đau bụng, buồn nôn…

10.3.2. Các biện pháp chăm sóc da an toàn


10.3.2.1. Giữ vệ sinh cá nhân, môi trường sống sạch sẽ
Để phòng tránh các bệnh ngoài da hiệu quả nhất, điều đầu tiên cần làm đó là giữ gìn
vệ sinh cá nhân sạch sẽ, tắm gội hằng ngày, thường xuyên rửa tay để loại bỏ những vi
khuẩn có thể xâm nhập vào da và cơ thể. Khi tắm rửa nên sử dụng những loại dầu gội có
chất tẩy nhẹ nhàng.
Thường xuyên dọn dẹp, tạo những thói quen tốt như vứt rác đúng chỗ, tiểu, đại tiện
đúng nơi quy định,... đảm bảo không gian sống thoáng mát, sạch sẽ và không khí trong
lành. Phải sử dụng nước sạch để tắm, không tắm nước ở ao hồ, sông suối vì chứa rất nhiều
vi khuẩn.

10.3.2.2. Hạn chế sử dụng mỹ phẩm


Làn da là bộ phận nhạy cảm nhất của cơ thể con người, đặc biệt là da mặt. Da mặt
rất dễ bị dị ứng, vì vậy nếu sử dụng mỹ phẩm có nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng thì sẽ
có thể mắc viêm da, nám da, nguy hiểm hơn là ung thư.
Ngoài ra, các loại thuốc nhuộm tóc, thuốc sơn móng tay cũng là những hợp chất khá
độc hại dễ gây dị ứng, viêm da đầu.

10.3.2.3. Không dùng chung đồ đạc cá nhân


Hạn chế dùng chung đồ đạc cá nhân như áo quần, tuyệt đối không dùng chung khăn
mặt hay khăn tắm vì những vật dụng này rất dễ gây ra những bệnh về da.
Mặc quần áo sạch sẽ, nên phơi quần áo ở những nơi có ánh nắng mặt trời chiếu trực
tiếp để tiêu diệt vi khuẩn một cách triệt để nhất. Bảo quản quần áo, các vật dụng cá nhân ở
nơi sạch sẽ thoáng mát, tránh tình trạng ẩm mốc,...

10.3.2.4. Chế độ ăn uống đảm bảo dinh dưỡng


Cơ thể đủ chất sẽ tăng sức đề kháng giúp phòng ngừa các loại bệnh rất hiệu quả
trong đó có các bệnh ngoài da. Hạn chế sử dụng các chất kích thích như cà phê, trà, thuốc
lá, rượu, bia.
54
Nếu cơ thể bị dị ứng với các loại hải sản như cua, tôm, mực hay những thực phẩm
khác như trứng, sữa,... thì không nên ăn. Ăn các loại thực phẩm nhiều vitamin C để tăng
sức đề kháng. Ăn nhiều rau xanh, trái cây, thức ăn giàu canxi như đậu nành, cá hồi…

10.3.2.5. Bổ sung nước thường xuyên


Nước là một trong những thành phần không thể thiếu đối với cơ thể, vì vậy cung
cấp đủ lượng nước mỗi ngày đúng cách sẽ giúp da luôn được tươi trẻ và cơ thể luôn khỏe
mạnh.
Ngoài uống nước lọc, có thể uống kèm theo các loại nước ép hoa quả với nhiều
vitamin và khoáng chất có lợi cho sức khỏe.

10.3.2.6. Tập thể dục đều đặn


Tập thể dục mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể, trong đó có da. Sau khi tập luyện, cơ
thể thường tiết nhiều mồ hôi, nên để đảm bảo vệ sinh da thì cần phải tắm rửa sạch sẽ nhằm
tránh những tác nhân gây hại xâm nhập vào cơ thể.

10.4. Thân nhiệt và cơ chế điều hòa thân nhiệt


10.4.1. Khái niệm thân nhiệt
Thân nhiệt là nhiệt độ của cơ thể sống. Nhiệt độ này có thể thay đổi theo nhiệt độ
của môi trường (ở động vật biến nhiệt) hoặc không biến đổi theo nhiệt độ của môi trường
(ở động vật đẳng nhiệt).
Trong cơ thể người, nhiệt độ luôn được giữ ở mức độ ổn định. Nhiệt độ ở các vị trí
khác nhau không hoàn toàn giống nhau. Trung tâm sinh nhiệt của cơ thể là các mô và các
cơ quan, chủ yếu là ở cơ và gan. Từ đó, nhiệt được máu vận chuyển đến hệ thống mao
mạch dưới da để thải ra ngoài. Nhiệt cũng có thể được thải ra ngoài qua hơi thở, qua nước
tiểu và mồ hôi.

10.4.2. Cơ chế điều hoà thân nhiệt


Để giữ cho thân nhiệt ở mức ổn định, cơ thể đã sử dụng cơ chế hoá, lý để điều tiết:
- Điều tiết bằng cơ chế hoá học: được thực hiện nhờ sự tăng, giảm cường độ trao
đổi chất. Khi nhiệt độ môi trường tăng, cơ thể sẽ giảm quá trình chuyển hoá để giảm bớt
mức sinh nhiệt, còn khi nhiệt độ môi trường giảm thì cơ thể tăng cường trao đổi chất để
tăng mức sinh nhiệt.
55
- Điều tiết bằng cơ chế lý học: được thực hiện qua cách chống nóng và chống lạnh.
Điều tiết thân nhiệt do hệ thần kinh và một số hormone đảm nhiệm. Các trung khu
điều tiết thân nhiệt nằm rải rác trong hệ thần kinh.

10.5. Cơ chế chống nóng, chống lạnh


Cơ thể chống nóng bằng cách phát tán nhiệt qua da (80%), toả nhiệt nhờ bốc hơi
nước (20%). Khi nhiệt độ môi trường cao, hoặc khi lao động nặng, sự toả nhiệt do bốc hơi
nước trên da và qua hơi thở tăng lên nhiều. Lượng nước bốc hơi qua da và qua phổi phụ
thuộc vào độ ẩm của không khí xung quanh. Độ ẩm không khí càng cao thì cường độ bốc
hơi nước càng giảm nên sự toả nhiệt kém.
Khi nhiệt độ môi trường xung quanh thấp, để chống mất nhiệt, cơ thể đã làm giảm
sự toả nhiệt như làm co các động mạch nhỏ dưới da và tăng sự sinh nhiệt.

10.6. Các biện pháp phòng ngừa bệnh cảm lạnh, cảm nắng
10.6.1. Các biện pháp phòng ngừa bệnh cảm lạnh
- Cách phòng bệnh tốt nhất là tránh tiếp xúc gần với người bệnh, rửa tay kỹ và
thường xuyên; và tránh chạm mặt và miệng. Xà phòng diệt khuẩn thì không có tác dụng
với virus cảm, tuy nhiên những động tác cọ rửa sẽ giúp tẩy đi các virus.
- Tăng cường uống vitamin C giúp phòng và chữa cảm lạnh, giúp làm giảm cơn khó
chịu của bệnh cảm như ho, nhảy mũi, nghẹt mũi, sổ mũi, bần thần... và nhiều triệu chứng
cảm khác. Ăn nhiều trái cây như cam, bưởi, chanh, hoặc ăn sống các rau cải có màu xanh
đậm để cung cấp vitamin C.
- Uống đủ nước để giúp cơ thể thải được độc tố (2 lít nước mỗi ngày).
- Cần vệ sinh răng miệng và súc miệng bằng nước muối sinh lý giúp cho cổ họng
thông hơn, bớt nghẹt mũi, diệt vi khuẩn và làm khạc ra đờm nhiều hơn.

10.6.2. Các biện pháp phòng ngừa bệnh cảm nắng


- Khi phải ra ngoài khi trời nắng nóng, cần che kín cơ thể bằng cách mặc quần áo
rộng, nhẹ và sáng màu, đội mũ rộng vành, sử dụng kem chống nắng.
- Uống đầy đủ nước khi trời nắng nóng hoặc phải lao động nặng dưới ánh nắng mặt
trời gay gắt. Thường xuyên uống nước dù chưa cảm thấy khát. Có thể ống nước có pha
một chút muối hoặc uống dung dịch oresol, nước trái cây, tránh xa nước ngọt có ga, đồ
uống năng lượng.
105
- Không làm việc quá lâu dưới trời nắng hoặc làm việc trong môi trường nóng bức,
tránh các hoạt động thể lực quá sức. Nên nghỉ ngơi định kỳ sau khoảng 45 phút hay 1 tiếng
làm việc liên tục ở nơi nắng nóng, nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát từ 10 - 15 phút.
- Khi vừa đi nắng về, đây là thời điểm cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi, nhiệt cơ thể độ
cao, nếu tắm ngay sẽ làm thay đổi thân nhiệt đột ngột, rất nguy hiểm, có thể dẫn đến đột
quỵ.
- Không được để trẻ em hoặc bất kỳ ai trong xe hơi đỗ, tắt máy, trong thời tiết nắng
nóng dù chỉ để trong thời gian ngắn, do nhiệt độ trong xe hơi có thể tăng hơn 1°C chỉ trong
10 phút.

106
Chương 11. SINH SẢN Ở
NGƯỜI

11.1. Sơ lược cấu tạo và chức năng của cơ quan sinh dục nam và nữ
11.1.1. Cấu tạo và chức năng cơ quan sinh dục nam
Cơ quan sinh dục nam bao gồm tinh hoàn, túi tinh, ống dẫn tinh, ống phóng tinh,
dương vật và các tuyến sinh dục.

Hình 11.1. Cấu tạo giải phẫu cơ quan sinh dục nam
11.1.1.1. Tinh hoàn
a. Cấu tạo
Tinh hoàn có hình trứng được treo ở bên ngoài cơ thể trong một cái túi gọi là bìu,
có kích thước dài khoảng 4,5 cm, rộng khoảng 2,5 cm, bọc ngoài bởi màng xơ dày màu
trắng. Màng trắng ăn sâu vào tinh hoàn chia tinh hoàn thành nhiều thuỳ nhỏ, mỗi thuỳ nhỏ
có vài ống sinh tinh. Giữa các ống sinh tinh là các tế bào kẽ (tế bào Leydig). Những tế bào
này cùng các mao mạch tạo thành tuyến nội tiết kiểu riêng lẻ gọi là tuyến kẽ tinh hoàn.
Mỗi tinh hoàn chứa hàng trăm ống sinh tinh có chức năng tạo ra tinh trùng. Các ống
này kết hợp với nhau và tạo thành các ống xoắn cuộn của mào tinh hoàn. Sau đó mào tinh
hoàn nối với ống dẫn tinh và tiếp đó là đường tiết niệu đi ra ngoài qua niệu đạo.
b. Chức năng
Tinh hoàn có hai chức năng là sản sinh tinh trùng và tiết hormone.

107
- Chức năng sản sinh tinh trùng: quá trình này diễn ra tại các ống sinh tinh. Dưới
tác dụng của hormone sinh dục của tuyến yên, tinh hoàn bắt đầu sản sinh tinh trùng ở tuổi
dậy thì và chức năng này được duy trì đến suốt cuộc đời. Từ tuổi dậy thì trở đi, mỗi ngày
có khoảng 300 triệu tinh trùng được sản sinh ở tinh hoàn.
Tinh trùng có cấu tạo 3 phần: đầu, thân và đuôi. Phần đầu có tác dụng phân giải các
lớp xung quanh noãn chín để mở đường cho tinh trùng tiến vào tế bào chất. Đoạn giữa của
tinh trùng có nhiều ty thể để tạo ra năng lượng. Chuyển động quất mạnh của đuôi giúp tinh
trùng tiến lên phía trước với vận tốc 4 mm/giây. Tinh trùng được dự trữ trong mào tinh
hoàn và sẽ thành thục hoàn toàn tại đó. Ở người, sự sinh tinh diễn ra liên tục nhưng ở một
số loài động vật có vú khác, nó có thể xuất hiện theo mùa và trong những giai đoạn sinh
sản nhất định.
- Chức năng tiết hormone: tinh hoàn là tuyến sinh dục chính của nam, testosterone
là hormone chủ yếu. Khoảng tuần thứ bảy trong bào thai, một lượng đáng kể testosterone
được tiết ra giúp hình thành mào tinh, ống dẫn tinh, túi tinh và ống phóng tinh, đồng thời
kích thích đưa tinh hoàn từ bụng xuống bìu ở giai đoạn 2 – 3 tháng cuối thai kỳ. Từ tuổi
dậy thì trở đi, testosterone làm xuất hiện và bảo tồn đặc tính sinh dục thứ cấp như phát
triển dương vật, tuyến tiền liệt, túi tinh, đường dẫn tinh, mọc lông mu, lông nách, mọc
râu, gây hói đầu, giọng nói trầm do thanh quản mở rộng, da dày, thô, nổi mụn trứng
cá,… Ngoài ra, testosterone còn kích thích sự sản sinh tinh trùng, tác dụng lên sự chuyển
hoá protein ở cơ.
Hiện nay, testosterone (hoặc androgen) tổng hợp bị cấm sử dụng trong thi đấu thể
thao do một số vận động viên sử dụng để phát triển cơ bắp nhằm tăng thành tích thi đấu.

11.1.1.2. Túi tinh


a. Cấu tạo
Có 2 túi tinh, mỗi túi dài 5 cm, nằm phía sau cổ bàng quang, chen vào giữa túi bóng
tinh phía trên và tuyến tiền liệt phía dưới. Túi tinh là một ống khúc khuỷu chia ngăn, trong
được lót bởi lớp tế bào biểu mô.
Túi tinh bài tiết một chất dịch chứa nhiều fructoza, acid citric, nhiều chất dinh dưỡng
khác (fibrinogen, prostaglandin,…). Trong giai đoạn phóng tinh, túi tinh đổ dịch vào ống
phóng tinh ngay sau khi tinh trùng được đổ vào từ ống dẫn tinh. Dịch của túi tinh chiếm
60% thể tích tinh dịch.
b. Chức năng
Dịch túi tinh có những chức năng đẩy tinh trùng ra khỏi ống phóng tinh, cung cấp
chất dinh dưỡng cho tinh trùng trong thời gian di chuyển ở đường sinh dục nữ cho đến khi
thụ tinh với noãn.
108
Prostaglandin trong trong túi tinh phản ứng với dịch cổ tử cung để làm tăng tiếp
nhận tinh trùng, đồng thời làm tăng co bóp tử cung và nhu động vòi tử cung để đẩy tinh
trùng về phía loa vòi tử cung.

11.1.1.3. Các tuyến sinh dục phụ


Có ba loại tuyến phụ sinh dục là tuyến tiền liệt, tuyến Cowper và các tuyến tinh
nang. Các tuyến này có nhiệm vụ bổ sung các enzyme và chất dinh dưỡng cho tinh trùng
tạo nên tinh dịch (dịch lỏng như sữa).
a. Tuyến tiền liệt
- Cấu tạo: trong các tuyến phụ thuộc đường dẫn tinh, tuyến tiền liệt là tuyến lớn
nhất, nằm ngay dưới bàng quang, vây quanh đoạn cổ bàng quang và đoạn đầu niệu đạo.
- Chức năng: tiết dịch trắng đục (pH khoảng 7,5), lượng dịch này chiếm khoảng
30% thể tích dịch phóng ra trong mỗi lần giao hợp. Dịch tuyến tiền liệt chứa nhiều acid
citric, ion Ca2+, nhiều loại enzyme đông đặc và prostaglandin, fibrinolysin.
+ Fibrinogen làm đông nhẹ tinh dịch ở đường sinh dục nữ do vậy có thể giữ tinh
trùng nằm sát cổ tử cung. Sau 15 – 30 phút, tinh dịch lại được làm loãng trở lại nhờ enzyme
fibrinolysin có trong dịch tuyến tiền liệt và tinh trùng hoạt động trở lại.
+ Prostaglandin làm co cơ tử cung, tăng nhu động vòi tử cung giúp tinh trùng di
chuyển trong đường sinh dục nữ.
b. Tuyến hành niệu đạo (tuyến Cowper)
- Cấu tạo: có 2 tuyến hành niệu đạo nằm ngay phía sau hành niệu đạo.
- Chức năng: sản sinh tinh dịch màu trắng đục hoặc trắng sữa nuôi dưỡng tinh trùng
và giúp bài xuất tinh trùng vào đoạn gần niệu đạo dương vật.
c. Tuyến tinh nang
- Cấu tạo: những tuyến này nằm trong lớp đệm của niệu đạo.
- Chức năng: dịch tiết của tuyến tinh nang có dạng keo phèn màu trắng, hơi vàng,
khi gặp chất tiết của tuyến tiền liệt thì ngưng kết lại thành một cục để nút cổ tử cung không
cho tinh dịch chảy ngược ra ngoài. Chất tiết này còn có γ-globulin có tác dụng chống vi
khuẩn xâm nhập và còn có các thành phần khác như fructoza, lipid,… cung cấp năng lượng
cho tinh trùng hoạt động.
*Tinh dịch
- Thành phần tinh dịch: là hỗn hợp dịch bao gồm dịch từ ống dẫn tinh (10%), dịch
túi tinh (60%), dịch tuyến tiền liệt (30%) và một lượng nhỏ từ các tuyến niêm mạc. Tinh

109
dịch được phóng ra khi giao hợp. Trong ống sinh tinh, tinh trùng có thể sống vài tuần nhưng
khi đã được phóng ra ngoài, tinh trùng sống tối đa chỉ từ 24 – 48 giờ. Với nhiệt độ thấp,
chuyển hoá của tinh trùng giảm nên thời gian sống kéo dài hơn.
- Chức năng: dịch túi tinh có tác dụng đẩy tinh trùng ra khỏi ống phóng tinh và niệu
đạo. Độ pH trung bình của tinh dịch là 7,5. Với độ pH hơi kiềm này, tinh dịch sẽ trung hoà
bớt tính acid của dịch âm đạo, tạo môi trường thích hợp cho tinh trùng hoạt động.

11.1.1.4. Bìu
Bìu là một cấu trúc có nhiều nếp nhăn, màu sẫm. Da bìu mỏng có các tuyến nhờn,
tuyến mồ hôi và các sợi đàn hồi. Ở giữa có vách ngăn chia bìu thành hai túi để chứa hai
tinh hoàn. Dưới da có màng cơ trơn có tác dụng nâng bìu lên.

11.1.1.5. Dương vật


a. Cấu tạo
Dương vật là bộ phận niệu – sinh dục ngoài, gồm hai phần chính: phần gốc đính với
bìu và mu háng, phần thân có tận cùng là quy đầu, giữa quy đầu có lỗ tiểu tiện. Phủ lên
quy đầu có nếp da gọi là bao quy đầu.
Cấu tạo bên trong dương vật gồm có ba thể hình thỏi xốp: phía trên là hai thỏi thể
hang (dài 15 – 20 cm), phía dưới niệu quản là thỏi thể xốp (dài 12 – 16 cm). Dương vật
được dùng để đưa tinh dịch vào âm đạo của phụ nữ. Khi bị kích thích tình dục, các tổ chức
cương xốp chứa đầy máu làm cho dương vật cứng và dựng lên.
b. Chức năng
Dương vật có chức năng sinh sản và bài tiết nước tiểu.
- Chức năng sinh sản là giao hợp: trong giao hợp, khi khoái cảm lên đỉnh điểm thì
có hiện tượng phóng tinh. Tinh dịch được phóng vào âm đạo. Quá trình cương cứng của
dương vật và phóng tinh điều hoà bởi cơ chế phản xạ tuỷ mà trung tâm phản xạ nằm ở đoạn
thắt lưng cùng. Cơ chế phản xạ này được khởi phát bằng các kích thích truyền xuống từ
não bộ, hoặc kích thích vào các cơ quan sinh dục, thông thường thì phối hợp cả hai.
- Chức năng bài tiết nước tiểu: nước tiểu ở bàng quang thải ra thông qua dương vật.

11.1.1.6. Dậy thì và suy giảm hoạt động sinh dục nam
a. Dậy thì
Dậy thì là thời kỳ có những biến động lớn về thể chất, tâm lý và đặc biệt là hoạt
động chức năng của hệ thống sinh sản. Ở trẻ trai đánh dấu tuổi dậy thì là lần xuất tinh đầu

110
tiên. Tuy vậy rất khó xác định chính xác lần xuất tinh đầu tiên vì các em thường ít để ý.
Tuổi dậy thì của nam thường ở xung quanh tuổi 14 – 16. Những biến đổi trong thời kỳ dậy
thì là dưới tác dụng của hormone sinh dục nam (testosterone) phối hợp cùng các hormone
tăng trưởng khác, cơ thể đứa trẻ phát triển nhanh, đặc biệt khối lượng cơ tăng nhanh.
Đến giai đoạn dậy thì, vùng dưới đồi bài tiết đủ lượng GnRH kích thích tuyến yên
tiết FSH và LH, các hormone này tác động làm tuyến sinh dục nam (tinh hoàn) hoạt động.
Tinh hoàn bắt đầu sản sinh tinh trùng và bài tiết testosterone. Dưới tác dụng của
testosterone, cơ thể lớn nhanh và xuất hiện các đặc điểm sinh dục nam thứ cấp. Đứa trẻ bắt
đầu có khả năng hoạt động tình dục và sinh sản.
b. Suy giảm hoạt động sinh dục nam
Sau tuổi dậy thì, hormone tuyến yên được bài tiết liên tục trong suốt thời gian còn
lại. Nam giới tuy không xuất hiện giai đoạn suy giảm hoàn toàn chức năng tuyến sinh dục
như ở nữ giới nhưng theo thời gian, tuổi càng cao, hoạt động chức năng của tinh hoàn cũng
suy giảm dần. Bắt đầu từ tuổi 40 – 50, sự bài tiết testosterone bắt đầu giảm. Tuổi chấm dứt
hoạt động sinh dục ở nam giới là khoảng 68. Tuy nhiên, có sự khác nhau rất lớn về thời
gian hoạt động sinh dục giữa người này với người khác.
Ngoài ra, nếu thiếu testosterone thời kỳ bào thai dẫn đến rối loạn hình thành các cơ
quan sinh dục phụ của nam. Mất tinh hoàn hoặc tinh hoàn không hoạt động ở trước tuổi
dậy thì dẫn đến không xuất hiện các đặc tính sinh dục nam thứ cấp. Trẻ bị mất tinh hoàn
khi lớn lên thường cao hơn so với người bình thường, xương mỏng, cơ không phát triển,
cơ quan sinh dục giống của trẻ con, không mọc râu, giọng nói thanh và cao nữ.

11.1.2. Cấu tạo và chức năng cơ quan sinh dục nữ


Cơ quan sinh dục nữ gồm buồng trứng, ống dẫn trứng, tử cung, âm đạo, bộ phận
sinh dục ngoài và tuyến vú.

11.1.2.1. Buồng trứng


a. Cấu tạo
Có hai buồng trứng nằm ở hai bên. Khi mới tạo ra, buồng trứng có khoảng 2 triệu
nang trứng nhưng ở giai đoạn dậy thì chỉ còn khoảng 300.000 – 400.000 nang trứng, trong
đó chỉ có khoảng 400 nang trứng trưởng thành để tạo ra tế bào trứng.
Mỗi tháng một trứng được trưởng thành trong suốt thời gian sinh sản của phụ nữ.
Quá trình sinh trứng phụ thuộc rất nhiều vào tuổi tác, do đó phụ nữ lớn tuổi có nhiều khả
năng sinh ra những đứa con có khuyết tật di truyền.
b. Chức năng

111
Buồng trứng có chức năng sinh trứng và tiết hormone.
- Chức năng sinh trứng: quá trình sinh trứng xảy ra ở một nang trứng. Hàng tháng
có thể có nhiều nang trứng cùng phát triển, nhưng chỉ có một nang trứng phát triển đầy đủ
để tạo ra tế bào trứng. Nếu có hai nang trứng cùng phát triển tạo ra hai tế bào trứng và được
thụ tinh thì dẫn đến hiện tượng sinh đôi khác trứng.
- Chức năng tiết hormone: buồng trứng tiết hai loại hormone là Estrogen và
Progesterone.
+ Estrogen có chức năng làm tăng sinh các tế bào nội mạc của tử cung; phát
triển hệ thống các tuyến sinh dục; làm tăng tiết FSH và LH trong giai đoạn trước
rụng trứng; làm giảm FSH và LH sau thời gian rụng trứng; phát triển các đặc điểm
tính dục thứ cấp.
+ Progesterone có tác dụng làm tăng kích thước tế bào nội mạc và tiết dịch của
tử cung; làm giảm tiết FSH và LH sau thời gian rụng trứng; phát triển các đặc điểm
tính dục thứ cấp.

Hình 11.2. Cấu tạo giải phẫu cơ quan sinh dục nam
11.1.2.2. Ống dẫn trứng
a. Cấu tạo: Ống dẫn trứng là một ống dài 10 – 12 cm. Thành của ống dẫn trứng cấu
tạo bởi ba lớp từ ngoài vào trong: lớp liên kết sợi, lớp cơ trơn, lớp màng nhầy.
b. Chức năng: Ống dẫn trứng vừa là đường dẫn trứng, vừa là nơi trứng gặp tinh
trùng để xảy ra quá trình thụ tinh.

112
11.1.2.3. Tử cung
Tử cung có kích thước và hình dạng giống quả lê ngược, thường nằm ở trên bàng
quang, có ba phần gồm phần đáy, phần thân và phần cổ tử cung. Khối lượng và kích thước
tử cung biến đổi theo chu kỳ kinh nguyệt.
Phôi thai được phát triển trong tử cung. Nhau thai là nguồn cung cấp chất
dinh
dưỡng cần thiết cho sự phát triển phôi và thai nhi.
Ung thư cổ tử cung là một dạng ung thư phổ biến ở phụ nữ, có thể phát hiện sớm
qua xét nghiệm tế bào cổ tử cung.

11.1.2.4. Âm đạo
Âm đạo là một ống cơ dài khoảng 10 cm, kéo dài từ tử cung đến phần ngoài cơ thể,
là cơ quan giao hợp của nữ có chức năng nhận dương vật trong quá trình giao hợp và giúp
cho máu kinh nguyệt chảy qua và sinh con.
Thành của âm đạo có lớp cơ co giãn giúp tăng kích thước để phù hợp với dương vật
khi giao hợp và để kéo dài trong sinh đẻ. Nằm hai bên thành âm đạo có hai tuyến tiền đình
tiết ra dịch nhờn để bôi trơn âm đạo. Dịch này có tính acid nhẹ.
Màng trinh là một màng nhày mỏng bao phủ hoàn toàn cửa âm đạo hay bao phủ
không hoàn toàn tạo thành lỗ. Các lỗ này thường bị rách trong lần quan hệ tình dục đầu
tiên. Ngoài ra, màng trinh cũng có thể bị rách khi hoạt động thể dục như chạy nhảy…

11.1.2.5. Bộ phận sinh dục bên ngoài


Bộ phận sinh dục bên ngoài của nữ được gọi chung là âm hộ, gồm hai môi lớn bên
ngoài và hai môi bé bên trong. Âm vật (clitoris) là cơ quan tương đồng với dương vật của
nam giới, cũng chứa các thể hang và bị căng cứng khi bị kích thích. Ở mặt trước, giữa cửa
âm đạo và âm vật là lỗ niệu, nơi thải nước tiểu ra ngoài. Các hệ thống tiết niệu và sinh sản
ở phụ nữ là hoàn toàn riêng biệt.

11.1.2.6. Tuyến vú
Tuyến vú là cơ quan sản xuất sữa và nằm trên ngực, có nguồn gốc từ tuyến mồ hôi.
Vú phụ nữ phát triển to dần lên trong tuổi dậy thì do tác động của hormone estrogen và
progesterone. Có một số nam giới, ngực cũng phát triển to lên như nữ giới, đây là tình trạng
bị nữ hoá tuyến vú, nguyên nhân do hormone.

113
11.2. Chu kỳ kinh nguyệt, sự thụ tinh và cách phòng tránh thai
11.2.1. Chu kỳ kinh nguyệt
Chu kỳ kinh nguyệt là quá trình biến đổi của buồng trứng và tử cung xảy ra theo
chu kỳ hàng tháng dưới tác động của hệ thống hormone sinh dục. Chu kỳ kinh nguyệt ở nữ
trung bình khoảng 28 ngày.

Hình 11.3. Thay đổi hormone, chu kỳ buồng trứng và niêm mạc tử cung
trong chu kỳ kinh nguyệt bình thường
Chu kỳ kinh nguyệt được chia làm hai pha pha trước rụng trứng và pha sau rụng
trứng.

- Pha trước rụng trứng (pha nang trứng, pha tăng sinh): kéo dài khoảng 14 ngày
đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt. Các hormone sinh dục tiết ra làm nang trứng thành thục
và làm cho buồng trứng tiết estrogen. Sự tăng sản xuất hormone LH và FSH diễn ra vào
ngày thứ 14 và là nguyên nhân trực tiếp của sự rụng trứng.

114
- Pha sau rụng trứng (pha thể vàng): sau khi trứng rụng, các nang bào trở thành thể
vàng và tiết ra hormone progesterone làm giảm mạnh nồng độ LH và FSH. Không thể có
nang trứng phát triển trong khi thể vàng tiếp tục tiết progesterone.
Nếu trứng không được thụ tinh thì thể vàng sẽ teo đi trong vòng 10 ngày kể từ sau
khi trứng rụng và kinh nguyệt có thể được lặp lại.
Trong trường hợp trứng được thụ tinh thì hoạt động của thể vàng được duy trì suốt
thời kỳ có thai nhờ hormone HhCG do nhau thai tiết ra. Sự có mặt của HhCG trong nước
tiểu chứng tỏ là đã có thai và đó chính là phương pháp đơn giản để chẩn đoán có thai.

11.2.2. Sự thụ tinh


Quá trình thụ tinh sẽ được xảy ra tại 1/3 đầu trước của ống dẫn trứng, đây là nơi
trứng và tinh trùng gặp nhau để tạo thành hợp tử.
Sự thụ tinh có thể diễn ra trong khoảng thời gian tương đối ngắn. Sau khi xuất tinh,
tinh trùng có thể sống được 48 giờ, trong khi trứng chỉ có thể được thụ tinh trong khoảng
10 – 15 giờ. Hơn nữa để thụ tinh xảy ra, sự giao hợp cần phải diễn ra không quá 48 giờ
trước khi, hoặc 10 – 15 giờ sau khi rụng trứng.

11.2.3. Cách phòng tránh thai


Các biện pháp tránh thai nhằm vào các mục đích:
11.2.3.1. Ngăn cản không cho tinh trùng gặp trứng
- Triệt sản nam: bằng phương pháp thắt hay cắt ống dẫn tinh.
- Triệt sản nữ: bằng phương pháp thắt hay cắt ống dẫn trứng.
- Dùng bao cao su dương vật: giữ cho tinh dịch ở trong bao không cho vào âm đạo
trong quá trình giao hợp.
- Các phương pháp dùng màng ngăn âm đạo, mũ tử cung, thuốc diệt tinh trùng và
xuất tinh ra ngoài.
- Tính vòng kinh: để tránh giao hợp trong những ngày trứng có thể rụng để tinh
trùng không gặp được trứng.
- Thuốc tránh thai: gồm các loại thuốc uống, thuốc tiêm và thuốc cấy dưới da dành
cho nữ giới.

115
11.2.3.2. Ngăn cản không cho hợp tử làm tổ và phát triển thành thai
Hiện nay biện pháp chủ yếu ngăn cản hợp tử làm tổ và phát triển là sử dụng dụng
cụ tử cung hay còn gọi là vòng tránh thai. Tác dụng sinh lý của vòng tránh thai là làm cho
thể vàng tiêu giảm nhanh nên phôi không phát triển và không làm tổ được.

11.3. Các bệnh lây qua đường sinh dục thường gặp và biện pháp phòng ngừa
Có nhiều loại bệnh lây lan qua con đường tình dục, một số bệnh phổ biến trong
chúng là lậu, giang mai và HIV/AIDS
- Bệnh lậu: là do nhiễm lậu cầu khuẩn. Bệnh lậu có thể gây tắc ống dẫn trứng, làm
hẹp đường dẫn tinh dẫn đến hiện tượng thai ngoài tử cung hoặc vô sinh. Con của người bị
bệnh lậu sinh ra có thể bị mù loà do nhiễm khuẩn khi qua âm đạo. Bệnh lậu dễ lây truyền
qua con đường tình dục nhưng có thể điều trị dễ dàng nếu được phát hiện sớm.
- Bệnh giang mai: do xoắn khuẩn gây ra. Triệu chứng của bệnh là xuất hiện các vết
loét nông, cứng, không đau, không có mủ, không đóng vảy, gọi là “sắng”. Sau đó các vết
loét mất đi nhưng bệnh tiếp tục phát triển ra khắp toàn thân với các mụn nổi trên da có các
vết ban tròn hoặc bầu dục. Ngoài ra, bệnh còn gây tổn thương hệ tuần hoàn, thần kinh, gây
loét gan. Con sinh ra có thể mang khuyết tật hoặc dị dạng bẩm sinh. Bệnh giang mai lây
qua quan hệ tình dục và có thể lây truyền qua cách tiếp xúc như hôn, sờ vì mầm bệnh ở da,
hoặc qua truyền máu, qua các vết xây xát trên cơ thể, qua nhau từ mẹ sang con.
- HIV/AIDS: HIV là virus gây ra bệnh AIDS có thể lây truyền qua máu và quan hệ
tình dục khác giới và đồng giới. Lây qua con đường tình dục là phổ biến nhất, chiếm 70 –
80%. HIV có trong tinh dịch, dịch âm đạo.
Để tránh khỏi bị lây nhiễm các bệnh trên cần có hành vi tình dục an toàn như sử
dụng bao cao su khi quan hệ tình dục, một vợ một chồng, không quan hệ tình dục với nhiều
người. Nhất thiết phải đi khám và điều trị tại các cơ sở y tế chuyên khoa khi mắc các bệnh
lây truyền qua đường tình dục.

11.4. Sức khoẻ sinh sản vị thành niên và an toàn tình dục trong học đường
Tuổi dậy thì – vị thành niên là giai đoạn chuyển tiếp từ trẻ em sang người lớn. Độ
tuổi vị thành niên là 10 – 19 tuổi. Lớp tuổi vị thành niên được chia thành 3 nhóm: từ 10 –
13 tuổi là nhóm vị thành niên sớm, từ 14 – 16 tuổi là nhóm vị thành niên giữa, từ 17 – 19
tuổi là nhóm vị thành niên muộn. Ở tuổi vị thành niên, dưới tác dụng sinh lý của hormone,
cơ thể trẻ em sẽ diễn ra hàng loạt những thay đổi về hình dáng, cơ quan sinh dục, tâm sinh
lý, phân biệt rõ giới tính nam/nữ và bắt đầu có khả năng tình dục, khả năng sinh sản.

116
Sức khoẻ sinh sản vị thành niên là tình trạng khỏe mạnh về thể chất, tinh thần và xã
hội của tất cả những yếu tố liên quan tới cấu tạo và hoạt động của bộ máy sinh sản ở tuổi
vị thành niên.
Do những thay đổi về tâm sinh lý, trẻ vị thành niên dễ bị dụ dỗ, lường gạt, mua
chuộc, xâm hại và dễ bắt chước những thói hư tật xấu. Những nguy cơ hay gặp ở trẻ là:
- Quan hệ tình dục không an toàn.
- Mang thai sớm ngoài ý muốn, dễ sảy thai, đẻ non, làm tăng nguy cơ tử vong của
người mẹ; làm mẹ quá trẻ; trẻ sinh ra thiếu cân, suy dinh dưỡng, mắc bệnh hoặc thậm chí
là tử vong.
- Bỏ học giữa chừng, ảnh hưởng tới tương lai; dễ nảy sinh tâm lý chán nản; phải
gánh chịu định kiến xã hội; gánh nặng về kinh tế khi nuôi con.
- Phá thai có thể dẫn đến các tai biến như nhiễm trùng, thủng tử cung, vô sinh,...
- Mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục và thậm chí là HIV/AIDS.
- Dễ bị lôi kéo sử dụng chất kích thích, chất gây nghiện
Thời kỳ vị thành niên, trẻ gặp nhiều vấn đề khủng hoảng, hoang mang về tâm lý.
Tuy trưởng thành về mặt cơ thể nhưng trẻ vị thành niên vẫn cần được giúp đỡ, giáo dục từ
gia đình và nhà trường để phát triển đúng hướng. Gia đình, nhà trường và chính trẻ vị thành
niên cần:
- Rèn luyện về kỹ năng sống: chủ động tìm hiểu kiến thức về giới tính, sức khỏe sinh
sản tuổi thành niên từ cha mẹ, thầy cô, người thân và bạn bè. Tâm sự những lo lắng, băn
khoăn với người thân hoặc thầy cô. Duy trì thời gian biểu học tập, nghỉ ngơi, tập luyện và
giải trí phù hợp. Phân biệt rõ ràng giữa tình yêu và tình bạn trong sáng.
- Chăm sóc sức khỏe thể chất và tâm lý: trẻ cần được cung cấp đầy đủ các chất dinh
dưỡng cần thiết trong chế độ ăn gồm protein, vitamin, khoáng chất, tinh bột,... Cần có sự
quan tâm, chăm sóc, giáo dục của cha mẹ, người thân và thầy cô giáo. Tránh xa các chất
kích thích như rượu bia, thuốc lá, ma túy,... Phụ huynh cũng cần căn cứ vào nhu cầu, sở
thích và năng lực của trẻ vị thành niên để hướng nghiệp phù hợp.
- Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên: trẻ nữ cần biết cách vệ sinh thời kỳ
kinh nguyệt, đi khám nếu đến 15 – 16 tuổi vẫn chưa có kinh nguyệt và bổ sung viên sắt
theo chỉ định của bác sĩ. Trẻ nam phải biết phát hiện những bất thường về cơ quan sinh dục
của mình để đi khám kịp thời; không mặc quần lót bó sát, quá chật. Tránh xa hình ảnh,
phim ảnh, trang web đồi trụy, khiêu dâm. Không nên quan hệ tình dục trước tuổi trưởng
thành. Nếu quan hệ tình dục cần thực hiện tình dục an toàn.
 HẾT 

117
118

You might also like