You are on page 1of 7

SINH LÍ HỌC TRẺ EM

CHƯƠNG 3: HỆ VẬN ĐỘNG


Mục đích yêu cầu

- Phân tích được vai trò của hệ vận động.

- So sánh được sự giống nhau và khác nhau về cấu tạo và thành phần hóa học của xương trẻ em và
xương của người lớn.

- Trình bày sự phát triển hệ xương của trẻ, các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển hệ xương của trẻ.

- Mô tả được cấu tạo của cơ vân, cơ trơn, cơ tim và chức năng của chúng.

- Trình bày đươc cơ chế co cơ, đặc điểm phát triển của hệ cơ của trẻ, và các yếu tố ảnh hưởng đến sự
phát triển hệ cơ của trẻ.

- Xác định được các tư thế sai lệch ở trẻ và biện pháp phòng ngừa.

1. Tầm quan trọng của hệ vận động


Hệ vận động gồm hệ xương và hệ cơ.

Hệ xương tạo thành bộ khung của cơ thể, tạo nên hình dạng cơ thể đồng thời là khoang chứa và bảo
vệ các cơ quan bên trong. Các xương lớn đặc biệt là các xương dài, bên trong có chứa tủy xương là
hệ thống sản xuất các tế bào máu cho cơ thể. Các xương còn là kho dự trữ chính của canxi và các
muối phốt phát.

Hệ cơ có vai trò quan trọng trong sự vận chuyển, hoàn thành một cử động hoặc giữ cho cơ thể có
một tư thế nhất định hoặc giữ cân bằng cho cơ thể. Cơ co giải phóng năng lượng sưởi ấm cho cơ thể.
Cơ còn thực hiện chức năng sinh sản, dinh dưỡng và sự biểu thị tình cảm thông qua sự co rút của cơ.
Hệ cơ có vai trò trong việc phát thanh để phát ra tiếng nói ở người.

2. Cấu tạo của hệ xương


2.1. Giới thiệu bộ xương người
Bộ xương người gồm 206 xương, chia thành 3 phần:

a) Xương đầu: là cơ quan bảo vệ nhiều bộ phận rất quan trọng như não, gồm xương sọ và xương
mặt. Xương sọ gồm 8 xương dẹp, nối với nhau bằng khớp bất động tạo thành khoang rỗng chứa não.
Xương mặt: gồm 13 xương bất động và 1 xương động (xương hàm dưới). Ở xương đầu có nhiều hốc,
chủ yếu chứa các cơ quan cảm giác như mắt, tai, mũi, miệng...

b) Xương thân: gồm có cột sống và lồng ngực.


Cột sống là phần chính của bộ xương nâng đỡ toàn bộ khối lượng của đầu, chi trên và mình. Cột sống
không thẳng mà có những khúc uốn ở các vị trí cổ, ngực, thắt lưng và cùng. Nhờ vậy mà sự di chuyển
của cột sống rất linh động, giúp cơ thể điều chỉnh trọng tâm, nên cơ thể giữ được thăng bằng ở mọi
trạng thái và đi lại uyển chuyển, dễ dàng.
Lồng ngực do 12 đôi xương sườn, các đốt sống ngực và xương ức tạo thành để bảo vệ phổi, tim,
thực quản và một số bộ phận trong khoang bụng như gan, dạ dày… và thực hiện động tác hô hấp.

c) Xương chi: gồm có xương chi trên và xương chi dưới. Xương chi trên gồm có xương đai vai và
xương tay. Xương chi dưới gồm có xương đai hông và xương chân. Xương chi trên và chi dưới có
những đặc điểm giống nhau về số lượng xương, về sự phân bố, sắp xếp. Nhưng sự khác nhau cơ bản
là xương tay mảnh, nhỏ hơn, các khớp cử động nhiều hơn, còn xương chân to, chắc chắn hơn, các
khớp ít cử động hơn.

d) Khớp xương
Có 3 loại khớp:

- Khớp bất động: được tạo nên từ sự dính liền các xương lại với nhau bởi mô liên kết hay sụn như
xương hộp sọ.

- Khớp bán động: các xương trong khớp này vận động nhưng hạn chế. Giữa hai đầu xương có đĩa sụn
hay đĩa sợi dính hai xương. Ví dụ: khớp giữa các ngón, đốt sống.

- Khớp động: các xương cử động rộng rãi. Mỗi khớp được bao phủ bởi một mô liên kết rất dày. Xung
quanh và trong thành của bao khớp có các dây chằng đàn hồi, vững chắc. Mặt khớp được bao phủ
bởi một lớp mô sụn, do đó sự cọ xát giữa các xương được giảm đi nhiều. Bên trong bao khớp luôn có
chất dịch, làm giảm sự cọ sát khi cử động.

2.2 Cấu tạo của xương


Mặt ngoài của xương được cấu tạo bởi mô liên kết, tạo thành màng xương, gồm 2 lớp: lớp ngoài có
chức năng che chở, lớp trong gắn trực tiếp với mô xương, làm thành tầng sinh xương chứa tế bào
sinh xương, có khả năng sinh sản. Mô xương có 2 loại: mô xương cứng và mô xương xốp.

Xương dẹt (xương sọ, xương sườn) cấu tạo gồm bên ngoài là mô xương cứng, bên trong là mô
xương xốp.

Xương ngắn: (xương ngón tay, ngón chân) có thành phần chủ yếu là xương xốp, mặt ngoài bao phủ
bởi một lớp mỏng mô xương cứng. Ở các xương ngắn và xương dẹt thì mô xương xốp chứa tủy đỏ và
các nang xương xốp xếp theo hướng chịu lực tác động.

Xương dài: hai đầu xương dài có cấu tạo giống xương ngắn. Thân xương có màng xương bao bọc và
giúp xương phát triển bề ngang; mô xương cứng có khả năng chịu lực và vững chắc; khoang xương
có chứa tủy đỏ ở trẻ em (tạo máu) và một số biến thành tủy vàng ở người lớn.

2.3 Thành phần hóa học của xương


Thành phần cấu tạo của xương gồm: 1/3 là chất hữu cơ và 2/3 là chất vô cơ. Chất hữu cơ dẻo, bền,
chắc và có tính đàn hồi cao. Chất vô cơ chủ yếu là CaCO3 và Ca3(PO4)2 làm cho xương cứng rắn.
Nhờ đó mà xương vừa bền chắc vừa cứng rắn.

Trong xương các chất hữu cơ và vô cơ kết hợp chặt chẽ với nhau, tỷ lệ các chất này thay đổi theo lứa
tuổi. Ở xương trẻ em, chất hữu cơ chiếm ưu thế hơn nên xương mềm, dễ bị biến dạng nếu trẻ đi,
đứng, ngồi không đúng tư thế. Ở người già, chất vô cơ nhiều nên xương giòn, dễ gãy.

2.4 Đặc điểm phát triển xương ở trẻ


2.4.1. Đặc điểm chung của bộ xương trẻ em
Bộ xương của trẻ em đang phát triển. Trẻ sơ sinh, bộ xương còn nhiều sụn, trong nhiều xương vẫn
còn những phần sụn ở giữa các trung tâm cốt hóa riêng biệt. Sau đó, bộ xương tiếp tục phát triển và
xuất hiện thêm những trung tâm cốt hóa mới. Các khớp xương, bao khớp, dây chằng, gân lỏng lẻo.

Hình thể bộ xương của trẻ em khác người lớn. Xương đầu to, thân dài, tay chân ngắn, xương sống
gần như một đường thẳng, lồng ngực tròn.

Thành phần hóa học của xương: Trẻ càng nhỏ chất hữu cơ càng nhiều hơn chất vô cơ, nhiều nước, ít
muối khoáng nên xương của trẻ em mềm, dẻo hơn xương người lớn.

Xương trẻ nhẹ vì có nhiều ống xương, số lượng tế bào xương và mạch máu nhiều.

2.4.2 Sự hình thành mô xương


Trong quá trình phát triển bào thai, lúc đầu hình thành bộ xương sụn, sau đó mới phát triển thành
xương. Mô sụn bắt đầu hình thành sau khi thai được 5 tuần. Bên trong mô sụn không có mạch máu.
Về sau chúng bị tiêu hủy và thay vào đó là mô xương được hình thành.

Quá trình cốt hóa này xảy ra từ khi thai được 6 tuần tuổi. Cốt hoá nội sụn (tế bào xương bắt đầu xuất
hiện trong lòng sụn) đồng thời trong lòng sụn có sự lắng đọng muối canxi, mô sụn bị huỷ hoại dần
thay vào đó là mô xương. Cốt hoá ngoại sụn: xảy ra giống cốt hoá nội sụn, chỉ khác tế bào tạo xương
bắt đầu trên mặt mô sụn. Khoang xương có nhiều mạch máu cung cấp oxy và các chất dinh dưỡng
cho các tế bào xương, nên tế bào xương sống trong nhiều năm hơn so với tế bào sụn.

2.4.3 Sự phát triển của bộ xương


a) Xương sọ: Ở trẻ sơ sinh, các xương dẹt của bộ não vẫn chưa dính sát với nhau. Giữa xương trán
và xương đỉnh có một khoảng rộng gọi là thóp trán (thóp lớn). Thóp này dần được lấp kín trong
những năm đầu, thường thì vào đầu năm thứ 2 hầu như không sờ thấy nữa. Giữa xương chẩm và
xương đỉnh có một thóp bé, thóp này được lấp kín sớm hơn, thường là trong những tháng đầu sau
sinh.

Các xương sọ lớn lên không đều: trong những năm đầu nó lớn lên nhanh, vì thế vòng đầu tăng
khoảng 30%, chiều rộng tăng hơn 40%, dung tích của sọ não tăng khoảng 2,5 lần. Kích thước của sọ
mặt cũng tăng nhanh như thế trong những năm đầu. Trong những năm sau, mức độ lớn lên của sọ
mặt giảm đi rõ rệt. Tuy vậy, dung tích của sọ não vẫn tiếp tục tăng lên đến lúc 3 tuổi, lúc này đạt tới
80% dung tích sọ não người lớn và các thóp đã kín. Khi trẻ 7 - 8 tuổi, dung tích của sọ não chỉ kém
người lớn 8-10%, còn vòng đầu nhỏ hơn 2cm. Đối với sọ mặt thì còn tiếp tục lớn lên trong nhiều
năm. Đến khi 13 - 14 tuổi thì những đặc điểm cá biệt của nét mặt được hình thành. Do tỷ lệ phát
triển không đều giữa xương sọ và xương mặt và giữa các xương mặt với nhau đã làm thay đổi hình
dạng của đầu và mặt.

b) Xương cột sống: Ở trẻ, xương cột sống chưa ổn định, lúc đầu gần như thẳng, còn nhiều sụn, về
sau hình thành hình dáng cong và cốt hóa dần: lúc sơ sinh cột sống gần như thẳng. Khi 2 - 3 tháng
tuổi (biết ngẩng đầu), cột sống (vùng cổ) cong về phía trước. Trẻ 6 tháng (khi biết ngồi), cột sống
cong về phía sau. Trẻ 1 năm (biết đi), cột sống vùng lưng cong về phía trước. Trẻ 7 tuổi, cột sống có 2
đoạn uốn cong vĩnh viễn ở cổ và ngực. Đến tuổi dậy thì có thêm đoạn cong ở vùng thắt lưng và cùng.

c) Lồng ngực: Trẻ nhỏ lồng ngực tròn, đường kính trước sau bằng đường kính ngang, xương sườn
sườn nằm ngang. Trẻ càng lớn lồng ngực càng hẹp dần, đường kính ngang lớn hơn đường kính trước
sau, xương sườn chếch theo hướng dốc nghiêng, nên trẻ nhỏ lồng ngực di động kém, lúc thở chỉ có
cơ hoành di động, xương sườn ít di động.
d) Xương chi: Chiều dài của xương (chủ yếu là các xương dài ở chi) tăng nhanh trong năm đầu, sau
đó giảm dần, chiều dày của xương tăng ít nhưng có thể tăng suốt đời. Tốc độ phát triển xương không
đồng đều ở các giai đoạn khác nhau và ở các xương khác nhau.

Trong năm đầu, sự cốt hóa các đầu xương dài ở chi sẽ kết thúc nhưng xương tiếp tục dày thêm và
chắc hơn. Các trung tâm cốt hóa đầu tiên ở hầu hết các đầu xương dài chỉ xuất hiện sau khi trẻ ra
đời. Ở phần lớn các xương dài và đốt sống, lớp sụn ở thân xương và đầu xương vẫn còn cho đến 17 -
20 tuổi. Các xương dài của chi phát triển nhanh trong năm đầu. Sau đó chiều dài của các xương tăng
chậm lại.

e) Xương chậu: Trẻ dưới 6 - 7 tuổi khung chậu ở trẻ nam và nữ không khác nhau. Sau đó sẽ phát
triển theo hướng phân hóa đến năm 20 - 21 tuổi thì dừng lại. Kết quả khung chậu của nữ rộng hơn
nam.

Sự hình thành bộ xương và hình dạng của từng xương phụ thuộc rất nhiều vào tư thế vào các hoạt
động tập luyện của trẻ, vào chế độ dinh dưỡng, khí hậu, điều kiện sống, đồ dùng, trang thiết bị
trường học…

3. Hệ cơ
3.1. Cấu tạo của cơ
a) Cơ vân
Cơ vân đa số là các cơ bám vào xương, cơ hoành, cơ thành bụng và cơ dưới da. Mỗi sợi cơ có màng
bao bọc, trong là nguyên sinh chất, có nhiều tơ cơ nằm dọc cùng một hướng với sợi cơ có khả năng
co rút, nhân tế bào nằm gần bề mặt sợi cơ. Dọc chiều dài của sợi có các đĩa sáng do các vi sợi actin
tạo nên và các đĩa tối do các sợi actin và sợi myosin tạo nên. Ở các cơ vân bám vào xương, các sợi cơ
tập hợp thành bó, được bao bọc trong một màng mỏng tạo thành bắp cơ, hai đầu bắp cơ là gân bám
vào xương.

Trong cơ có nhiều mạch máu và sợi thần kinh chia nhánh đến từng sợi cơ. Cơ vân hoạt động theo ý
muốn và dưới sự điều khiển của hệ thần kinh động vật.

b) Cơ trơn
Chiếm khoảng 20% trọng lượng cơ thể, tạo nên thành cơ quan rỗng: thành ống tiêu hoá, thành động
mạch, tĩnh mạch…

Cấu tạo: cơ trơn gồm những tế bào cơ thuôn nhọn hai đầu. Mỗi sợi cơ trơn được bao bọc bởi màng
ngoài, trong là chất nguyên sinh và có nhiều tơ cơ xếp theo chiều dọc sợi cơ, giữa có một nhân hình
que. Khi cơ co, sợi cơ ngắn lại. Tốc độ co cơ nhỏ, không theo ý muốn, dưới sự điều khiển của hệ thần
kinh thực vật.

c) Cơ tim
Cơ tim cấu tạo giống cơ vân nhưng các sợi cơ phân nhánh và lẫn vào nhau theo kiểu hợp bào. Các sợi
cơ tim dài, tiết diện sợi cơ không đồng đều, tốc độ co trung bình, hoạt động không theo ý muốn,
dưới sự điều khiển của hệ thần kinh thực vật.

3.2. Cơ chế co cơ
Khi có kích thích tác động vào cơ, co phản ứng bằng sự co cơ.
Theo thuyết trượt của A. Husley và X. Husley: trong mỗi tơ cơ có đĩa sáng I (do các sợi actin tạo nên),
đĩa tối A (do các sợi actin và myosin tạo nên). Khi co cơ, các sợi actin chui vào khoảng giữa các sợi
myosin. Do đó, chiều dài của đĩa sáng I ngắn lại, chiều dài của đĩa tối A không thay đổi. Kết quả: bắp
cơ ngắn lại và phình to ra. Cơ bám vào xương nên co cơ làm cho khớp xương chuyển động, tạo nên
sự vận động của cơ thể.

Ngược lại khi có hiện tượng duỗi cơ, các sợi actin trượt ra ngoài sợi myosin, làm cho đĩa sáng I dài ra
trong khi đĩa tối A vẫn không thay đổi kích thước. Nguồn năng lượng chủ yếu để duy trì hoạt động
của cơ là ATP.

Sự mỏi cơ: là hiện tượng giảm sút hoặc ngừng hẳn hoạt động của cơ do làm việc. Để cơ hoạt động
được cần có năng lượng nhờ sự đốt cháy glucose bằng O2, nhưng khi hoạt động quá nhiều, O2
không được cung cấp đủ nên sự đốt cháy sẽ không đến cùng (tạo thành CO2 và H2O) mà tạo ra các
sản phẩm trung gian như axit lactic gây mỏi cơ.

3.3. Đặc điểm phát triển hệ cơ ở trẻ em


Hệ cơ của trẻ phát triển yếu, khi mới sinh chỉ chiếm 23% khối lượng cơ thể, sau đó hệ cơ phát triển
dần.

Mầm móng của các cơ hình thành và bắt đầu co rút nhanh từ khi thai nhi được 2 - 3 tuần. Đến 4 - 5
tháng, ở thai nhi các cơ đã có sẵn hình dạng cấu tạo, sau đó chiều dài và chiều dày của cơ tăng
nhanh, tương ứng với sự lớn lên của bộ xương. Chiều dài của các cơ tăng lên do các sợi cơ và gân dài
ra, các cơ dày lên là do các sợi cơ mới được hình thành và do tăng đường kính của các sợi cơ.

Các sợi cơ của trẻ còn mảnh, lực cơ ở trẻ yếu nên khi trẻ vận động nhiều chóng mệt mỏi. Trọng
lượng cơ so với trọng lượng cơ thể cũng thay đổi. Chẳng hạn như: Trẻ mới sinh, cơ chiếm 20 - 22%
khối lượng cơ thể, trẻ 4 tuổi: 26%, trẻ 6 tuổi: 27%, trẻ 14 tuổi: 30%, 18-20 tuổi: 40% khối lượng cơ
thể.

Các cơ của trẻ phát triển không đồng đều, các cơ lớn (cơ đùi, cơ vai, cơ cánh tay) phát triển trước.
Các cơ nhỏ (cơ ngón tay, cơ lòng bàn tay) phát triển muộn hơn. Vì vậy, trẻ mẫu giáo cần làm quen
dần với các công việc đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ đôi tay.

Trong cơ của trẻ có nhiều nước, ít chất đạm, chất mỡ, nên khi trẻ bị tiêu chảy mất nước nặng thì trẻ
sụt cân nhanh.Trò chơi xâu hạt luyện tập cho trẻ phối hợp các cơ ngón tay khéo léo. Ví dụ: cầm bút,
đi giầy, đi tất, mặc quần áo.

Sự phát triển của cơ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố nhưng đặc biệt phụ thuộc vào tính tích cực vận
động của trẻ. Chế độ dinh dưỡng cũng có vai trò quan trọng giúp hệ cơ ở trẻ phát triển.

4. Sự phát triển tư thế của trẻ


4.1. Khái niệm
Tư thế là vị trí của cơ thể khi ngồi, đứng và đi, nó được bắt đầu hình thành từ rất sớm.

4.2. Các loại tư thế


Gồm có 2 loại:

- Tư thế bình thường là tư thế thuận lợi nhất đối với bộ máy vận động cũng như toàn bộ cơ thể thực
hiện các chức năng vận động. Nó được đặc trưng bởi các dấu hiệu: độ cong tự nhiên của cột sống,
hai xương bả vai nằm cân xứng nhau, hai vai mở rộng, chân thẳng, vòm bàn chân phát triển bình
thường. Từ đó thân hình cân đối, đầu giữ thẳng, các cơ săn chắc, các cử động gọn và chính xác.

- Tư thế không bình thường là tư thế gây cản trở cho sự vận động của các cơ quan cũng như toàn cơ
thể, ví dụ:

+ So vai (do hệ cơ phát triển kém): Đầu và cổ hơi ngả về phía trước, lồng ngực lép kẹp, vai nhô ra
trước, bụng phình to ra.

+ Gù lưng: do các cơ phát triển yếu, các dây chằng kém đàn hồi làm cho độ cong của cột sống ở vùng
lưng tăng lên rõ rệt.

+ Ưỡn bụng: do cột sống ở vùng hông cong nhiều về phía trước làm độ cong cơ bị giảm đi, bụng ưỡn
nhiều ra phía trước.

+ Vẹo lưng: do vai, các xương bả vai và thân hình không cân xứng.

Ở lứa tuổi mầm non, sai hỏng tư thế thường gặp ở trẻ có thể lực phát triển yếu, có bệnh còi xương,
bệnh lao và ở trẻ có mắt và tai kém. Từ đó ảnh hưởng không tốt đến hoạt động của các cơ quan, trở
ngại trao đổi chất, mệt mỏi, kém ăn, cơ thể uể oải, không thích vận động, và có thể dẫn đến sự biến
dạng lâu dài của hệ thống xương.

4.3. Các biện pháp đề phòng sự sai lệch tư thế ở trẻ


Cần bảo đảm chế độ dinh dưỡng phù hợp với từng lứa tuổi của trẻ, tạo điều kiện để cơ thể trẻ phát
triển tốt.

Cho trẻ luyện tập thể dục, thể thao, chơi các trò chơi vận động ở nơi thoáng khí nhưng cần phải
đảm bảo tính vừa sức, phù hợp với từng lứa tuổi, từ dễ đến khó, đồng thời xen kẽ với thời gian nghỉ
ngơi để tránh gây mệt mỏi cho trẻ.

Dạy cho trẻ cách ngồi đúng tư thế khi ăn, khi chơi, khi học. Bàn ghế cho trẻ ngồi phải phù hợp với
tầm vóc của trẻ, và phải sắp xếp chỗ ngồi hợp lý, tạo khoảng cách để cô giáo kịp thời đến từng cháu
để uốn nắn tư thế.

Không cho trẻ nằm võng, nằm đệm quá cứng hoặc quá mềm, nằm nghiêng một bên, đứng một chân
và ngồi xổm quá lâu, không để trẻ đi bộ xa, mang vác vật nặng.

Các cô giáo cần quan tâm đặc biệt đến trẻ yếu, trẻ còi xương, trẻ khuyết tật. Ngoài ra cần tránh một
số vấn đề sau: trước ba tháng không nên bế trẻ ở tư thế đứng, trước 6 tháng không nên cho trẻ tập
ngồi, trước 9 tháng không nên cho trẻ tập đi, khi tập đi không nên dắt một tay, để trẻ vận động một
cách tự nhiên, không gượng ép.

Bài tập nhóm:


Câu 1.Trình bày đặc điểm phát triển của hệ cơ của trẻ, các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển hệ
cơ của trẻ?

Câu 2. Làm thế nào để phòng ngừa sự sai lệch tư thế ở trẻ?

Câu 3. Trình bày sự giống nhau và khác nhau về cấu tạo và thành phần hóa học của xương trẻ em
so với xương của người lớn?
Bài tập cá nhân:

Câu 1. Phân tích vai trò của hệ vận động?

Câu 2. Trình bày sự phát triển hệ xương của trẻ, yếu tố nào ảnh hưởng đến sự phát triển hệ
xương của trẻ?

Câu 3. Trình bày cấu tạo, chức năng của cơ vân, cơ trơn, cơ tim và cơ chế co cơ.

You might also like