You are on page 1of 24

BÀI 1

ĐẠI CƯƠNG CHỨC NĂNG VÀ RỐI LOẠN CHỨC NĂNG CƠ THỂ SỐNG
MỤC TIÊU
1. Trình bày được qui luật hoạt động bình thường của các cơ quan, hệ cơ quan trong
trạng thái bình thường.
2. Giải thích cơ chế điều hòa hoạt động bình thường của các cơ quan trong cơ thể.
3. Trình bày được khái niệm về bệnh, bệnh nguyên và bệnh sinh.
4. Trình bày được những yếu tố ảnh hưởng tới quá trình bệnh sinh.
5. Giải thích được cơ chế sự hình thành vòng xoắn bệnh lý và ý nghĩa.

NỘI DUNG
Cơ thể sống là một hệ thống mở, liên quan mật thiết với môi trường. Cơ thể tồn tại được
nhờ liên tục tiếp nhận vật chất như: không khí, thức ăn, nước uống từ môi trường bên ngoài,
đồng thời cũng đưa các chất thải ra ngoài môi trường. Đơn vị sống cơ bản của cơ thể là tế
bào. Mỗi cơ quan là một tập hợp bao gồm vô số các tế bào. Những tế bào này liên kết với
nhau nhờ các cấu trúc liên tế bào. Trong cơ thể có nhiều loại tế bào khác nhau, mỗi loại tế
bào đều có những đặc trưng riêng của nó. Tuy vậy, chúng đều có những đặc điểm chung,
những đặc điểm đó được gọi là đặc điểm của sự sống.
1. Đặc điểm của sự sống
1.1. Đặc điểm thay cũ đổi mới
Các tế bào trong cơ thể tồn tại và phát triển được nhờ quá trình luôn thay cũ đổi mới.
Thực chất quá trình thay cũ đổi mới là quá trình chuyển hoá. Chuyển hoá là một quá trình
bao gồm nhiều giai đoạn từ tiêu hoá, hô hấp đến giai đoạn chuyển hoá chất xảy ra trong tế
bào rồi giai đoạn bài tiết. Các hoạt động tiêu hoá, hô hấp, bài tiết là những hoạt động trao
đổi giữa trong và ngoài cơ thể. Còn hoạt động chuyển hoá cơ bản được xảy ra trong tế bào.
Quá trình chuyển hoá gồm hai quá trình:
- Quá trình đồng hoá: là quá trình thu nhận vật chất, chuyển vật chất thành chất dinh
dưỡng, thành thành phần cấu tạo đặc trưng của tế bào để cho sinh vật tồn tại và phát triển.
- Quá trình dị hoá: là quá trình phân giải vật chất, giải phóng năng lượng cho cơ thể
hoạt động và thải các sản phẩm chuyển hoá ra khỏi cơ thể.
Quá trình đồng hóa và dị hóa là hai quá trình đối nghịch nhau nhưng có mối liên quan rất
chặt chẽ, đó là hai mặt thống nhất của quá trình chuyển hoá và thường cân bằng với nhau để cơ
thể có thể tồn tại và phát triển. Chuyển hoá ngừng là ngừng sự sống. Rối loạn chuyển hoá là rối
loạn hoạt động chức năng của cơ thể.
1
1.2. Tính chịu kích thích
Khả năng chịu kích thích là khả năng đáp ứng với các tác nhân kích thích vật lý như:
cơ học, điện học, quang học, nhiệt học; với các kích thích hoá học, tâm lý học... Ví dụ: chạm
vào vật nóng làm tay rụt lại, ánh sáng làm co đồng tử, thức ăn chua làm chảy nước bọt, sợ
hãi làm tim đập nhanh, kích thích vào các tuyến gây bài tiết dịch và enzym, kích thích điện
vào cơ làm cơ co... Khả năng chịu kích thích biểu hiện ở mức tế bào, cơ quan hoặc toàn bộ
cơ thể. Cường độ tối thiểu tạo ra đáp ứng với mỗi tác nhân kích thích được gọi là ngưỡng
kích thích. Ngưỡng kích thích thay đổi tuỳ thuộc đặc tính của từng loại tế bào, từng loại cơ
quan, từng cơ thể, tuỳ thuộc vào tác nhân kích thích. Tính chịu kích thích vừa là biểu hiện
của sự sống vừa là điều kiện tồn tại của sự sống.
1.3. Tính sinh sản
Đây là phương thức tồn tại của nòi giống. Hoạt động sinh sản là một hoạt động tổng
hợp bao gồm nhiều chức năng và được thực hiện nhờ mã di truyền nằm trong phân tử DNA
của các tế bào, nhờ đó mà nó tạo ra được các tế bào con giống hệt tế bào mẹ. Mỗi khi có tế
bào già, chết hoặc bị huỷ hoại do quá trình bệnh lý, các tế bào còn lại có khả năng tái tạo ra
các tế bào mới cho đến khi bổ sung được một số lượng phù hợp. Nhờ có đặc điểm sinh sản
này mà cơ thể có thể tồn tại và phát triển. Đặc điểm sinh sản có thể thể hiện ở mức tế bào để
tạo ra các tế bào mới thay thế các tế bào già hoặc chết có thể ở mức cơ thể đảm bảo duy trì
nòi giống từ thế hệ này sang thế hệ khác.
2. Nội môi - Hằng tính nội môi
Năm 1813-1878, Claude Bernard là người đầu tiên từ nghiên cứu trên thực nghiệm
đã đưa ra quan niệm về "Nội môi".
2.1. Nội môi
Khoảng 56% trọng lượng cơ thể người trưởng thành là dịch. Hầu hết dịch của cơ thể
nằm trong tế bào, lượng dịch này được gọi là dịch nội bào. Số còn lại chiếm khoảng 1/3
tổng lượng dịch cơ thể nằm ở ngoài tế bào và được gọi là dịch ngoại bào. Có nhiều loại
dịch ngoại bào như máu, dịch kẽ, dịch bạch huyết, dịch não tuỷ, dịch nhãn cầu, dịch ổ
khớp... Trong các loại dịch ngoại bào này thì máu và dịch kẽ đóng vai trò rất quan trọng vì
hai loại dịch này luôn luôn được luân chuyển và thay đổi. Dịch ngoại bào được vận chuyển
trong cơ thể nhờ hệ thống tuần hoàn mà chủ yếu là tuần hoàn máu. Máu và dịch nằm trong
tế bào được trao đổi qua lại nhờ sự khuếch tán dịch và vật chất qua thành mao mạch rồi qua
dịch kẽ.
Dịch ngoại bào cung cấp chất dinh dưỡng cần thiết cho sự tồn tại và phát triển của các
tế bào. Như vậy, về căn bản các tế bào trong cơ thể đều được sống trong cùng một môi
trường đó là dịch ngoại bào, vì vậy dịch ngoại bào được gọi là môi trường bên trong hay
còn gọi là nội môi. Các tế bào chỉ có thể tồn tại, phát triển và thực hiện được chức năng của
2
nó khi được sống trong môi trường thích hợp và ổn định về nồng độ các chất như: oxy,
glucose, các ion, các acid amin, các acid béo và các thành phần khác. Khái niệm về sự ổn
định nồng độ các chất trong dịch ngoại bào (nội môi) được Cannon (1871 - 1945) gọi là
"homeostasis".
Sự khác nhau cơ bản giữa dịch ngoại bào và dịch nội bào là dịch ngoại bào chứa
nhiều chất dinh dưỡng như: oxy, acid amin, acid béo, chứa một lượng lớn ion Na +, Cl-,
HCO3ˉ. Trong khi đó, dịch nội bào lại chứa nhiều ion K +, Mg2+, PO43-.
2.2. Hằng tính nội môi
Thuật ngữ hằng tính nội môi được các nhà sinh lý học dùng với nghĩa là sự ổn định
nồng độ các chất của nội môi, hay nói cách khác là duy trì hằng định của nội môi vì đây
chính là điều kiện để các tế bào, các cơ quan và hệ thống cơ quan trong cơ thể đảm bảo
được chức năng của chúng.
Hằng tính nội môi được thực hiện nhờ ba hệ thống đó là hệ thống tiếp nhận chất dinh
dưỡng, tiêu hoá và chuyển hoá chất dinh dưỡng. Các chất dinh dưỡng sẽ được chuyển đến
các tế bào nhờ hệ thống vận chuyển mà chủ yếu là tuần hoàn máu. Trong quá trình chuyển
hoá các tế bào sử dụng các chất dinh dưỡng và thải các sản phẩm chuyển hoá ra dịch ngoại
bào và qua hệ thống bài tiết, các sản phẩm chuyển hoá không cần thiết cho cơ thể được thải
ra ngoài.
2.2.1. Hệ thống tiếp nhận chất dinh dưỡng, tiêu hoá và chuyển hoá chất dinh dưỡng
Hệ thống này bao gồm hệ tiêu hoá, hệ hô hấp và hệ thống các tế bào trong cơ thể.
- Hệ tiêu hoá: thức ăn được cung cấp từ bên ngoài vào cơ thể được vận chuyển trong
ống tiêu hoá. Trong quá trình vận chuyển, thức ăn được nghiền nhỏ ở miệng và được vận
chuyển qua thực quản xuống dạ dày và ruột nhờ cơ chế cơ học và được tiêu hoá thành các
sản phẩm có khả năng hấp thu được nhờ các enzym tiêu hoá và các thành phần khác trong
dịch tiêu hoá do các tuyến tiêu hoá bài tiết. Nhờ có hệ thống này mà cơ thể có thể tiếp nhận
đủ các chất dinh dưỡng như: glucose, acid béo, acid amin, các ion, các vitamin, nước...
- Gan: không phải tất cả các chất dinh dưỡng được hấp thu qua hệ thống tiêu hoá đều
có thể được sử dụng ngay cho tế bào. Gan có nhiệm vụ thay đổi thành phần hoá học của nhiều
chất thành những dạng thích hợp hơn cho tế bào. Đồng thời gan cũng là nơi tổng hợp một số
chất khi các tế bào sử dụng không hết trở thành dạng dự trữ cho cơ thể. Ngược lại, nó lại có
khả năng phân giải chúng để cung cấp cho tế bào khi cần thiết.
Rối loạn hoạt động của hệ thống này cơ thể sẽ không tiếp nhận đủ các chất dinh dưỡng
để cung cấp và đảm bảo tính hằng định cho nội môi - một điều kiện để cơ thể tồn tại và
phát triển.

3
- Hệ hô hấp: bao gồm từ mũi đến khí quản, phế quản, các phế nang, màng khuếch tán
khí, màng phổi cho đến các cơ hô hấp và lồng ngực. Sự hoạt động của hệ thống này đảm
bảo sự lưu thông khí từ ngoài vào cơ thể và từ cơ thể ra ngoài để cung cấp đủ lượng oxy
cho tế bào đồng thời thải CO2 ra ngoài. Tổn thương hoặc rối loạn hoạt động hệ thống hô
hấp sẽ dẫn đến rối loạn hoạt động của cơ thể vì oxy không chỉ là nhiên liệu cho quá trình
thiêu đốt vật chất mà còn là một trong những yếu tố tham gia vào quá trình điều hoà hằng
tính nội môi.
-Hệ thống cơ: hệ thống cơ vân giúp cơ thể vận động để tìm kiếm, chế biến thức ăn,
nghiền thức ăn. Hệ thống cơ trơn giúp cho việc tiếp nhận, vận chuyển khí và chất dinh
dưỡng từ ngoài vào cơ thể và từ cơ thể thải ra ngoài.
2.2.2. Hệ thống vận chuyển chất dinh dưỡng
Hệ thống vận chuyển chất dinh dưỡng là hệ thống dịch ngoại bào, bao gồm: máu, dịch
bạch huyết, dịch kẽ, dịch não tuỷ... đặc biệt là hệ thống tuần hoàn máu.
- Máu: là loại dịch ngoại bào đóng vai trò quan trọng nhất trong hệ thống vận chuyển
chất dinh dưỡng đến các tế bào trong cơ thể. Tuần hoàn máu gồm hai giai đoạn: giai đoạn
đầu là các chất dinh dưỡng được vận chuyển trong hệ tuần hoàn đến các mô; giai đoạn sau
là sự trao đổi dịch và chất dinh dưỡng giữa mao mạch và các tế bào. Tại các mô liên tục có
sự trao đổi dịch và chất dinh dưỡng giữa máu và dịch kẽ, dịch này chứa đầy trong các
khoảng giữa các tế bào. Thành của mao mạch có các lỗ nhỏ khiến cho dịch và phần lớn các
chất có thể khuếch tán qua lại dễ dàng từ mao mạch ra dịch kẽ và ngược lại. Nhờ vậy, ở bất
cứ vị trí nào trong cơ thể thì dịch ngoại bào trong máu và trong dịch kẽ luôn trộn vào nhau
và duy trì được tính đồng nhất.
- Hệ thống tuần hoàn: để đảm bảo được sự vận chuyển liên tục của máu cơ thể có một
hệ thống bơm bao gồm tim và hệ thống mạch. Rối loạn hoạt động hệ thống này sẽ rối loạn
quá trình vận chuyển chất dinh dưỡng đến tế bào và ngược lại, do đó sẽ ảnh hưởng đến hoạt
động chức năng của tế bào.
2.2.3. Hệ thống bài tiết các sản phẩm chuyển hoá
Đây là chặng cuối cùng trong quá trình tạo hằng tính nội môi. Các tế bào tiếp nhận và
sử dụng các chất dinh dưỡng cho quá trình chuyển hoá trong tế bào. Trong quá trình chuyển
hoá, năng lượng sẽ được sinh ra cho tế bào hoạt động, cho việc tổng hợp một số chất tham
gia cấu tạo tế bào đồng thời cũng sinh ra một số sản phẩm chuyển hoá mà cơ thể cần phải
thải ra ngoài. Tham gia vào hệ thống bài tiết này có nhiều cơ quan và hệ thống cơ quan như
hệ thống hô hấp, tiêu hoá, tiết niệu và da.
- Hệ thống hô hấp: cùng lúc phổi lấy oxy từ không khí bên ngoài vào cơ thể rồi trao O2
cho tế bào thì máu cũng nhận CO2 từ tế bào rồi chuyển đến phổi và thải ra ngoài. Rối loạn hô
hấp không chỉ ảnh hưởng đến sự tiếp nhận O2 cho cơ thể mà cũng ảnh hưởng đến quá trình thải
4
CO2 và làm rối loạn hoạt động của cơ thể vì nồng độ CO2 cũng là một trong những yếu tố điều
hoà hoạt động chức năng của nhiều cơ quan trong cơ thể.
-Hệ thống tiết niệu: máu qua thận sẽ được thận lấy đi các chất không cần thiết cho cơ
thể hoặc các chất cần thiết nhưng có nồng độ vượt quá yêu cầu của cơ thể rồi thải ra ngoài.
Ngược lại, thận lại tái hấp thu các chất cho cơ thể khi nồng độ của nó thấp dưới mức bình
thường. Như vậy, thận là cơ quan có nhiệm vụ lọc và thải bỏ các chất không cần thiết cho cơ
thể như urê và một số sản phẩm chuyển hoá khác, đồng thời tham gia điều chỉnh nồng độ các
chất trong máu.
- Hệ thống tiêu hoá: sau khi tiếp nhận, tiêu hoá chất dinh dưỡng thành những sản phẩm
cơ thể có thể hấp thu được, những sản phẩm còn lại mà cơ thể không sử dụng được như các
chất xơ, xác các vi khuẩn đường ruột, dịch tiêu hoá... sẽ được thải ra ngoài dưới dạng phân.
-Da: hệ thống da vừa là cơ quan bảo vệ cơ thể vừa là cơ quan bài tiết. Da đóng vai trò
quan trọng trong cơ chế điều nhiệt. Cân bằng thân nhiệt cũng là một trong những yếu tố
quan trọng của hằng tính nội môi. Thông qua việc bài tiết mồ hôi, da có thể tham gia điều
hoà thân nhiệt. Ngoài ra, một số ion như Na+, Pb (chì) cũng được bài tiết qua da và niêm
mạc.
3. Điều hòa chức năng
Con người sống trong môi trường tự nhiên luôn luôn chịu mọi tác động của môi
trường, ngược lại con người cũng luôn tác động trở lại nhằm cải thiện, nâng cao môi trường
tự nhiên. Ngoài các yếu tố tự nhiên, con người ngay từ thời kỳ cổ xưa cho đến nay luôn
cùng sống trong một cộng đồng, giữa từng cá thể và cộng đồng luôn có tác động qua lại với
nhau và đó chính là môi trường xã hội.
Cả môi trường tự nhiên và môi trường xã hội đều luôn biến động, đặc biệt trong thời
đại ngày nay tốc độ phát triển của khoa học, kinh tế và xã hội ngày càng nhanh. Con người
luôn chịu mọi tác động của môi trường xung quanh hàng ngày, hàng giờ, hàng phút. Để có
thể tồn tại và phát triển con người luôn cần thích ứng được với những biến động của môi
trường.
Trong quá trình tiến hoá của sinh vật, con người đã có một cơ chế điều hoà chức năng,
đây chính là cơ chế điều chỉnh để ổn định hằng tính nội môi nhằm đảm bảo điều kiện cần
thiết cho các tế bào trong cơ thể hoạt động và nhằm tạo ra sự hoạt động thống nhất giữa các
cơ quan, hệ thống cơ quan trong cơ thể và giữa cơ thể với môi trường.
Điều hoà chức năng được thực hiện nhờ hai hệ thống là hệ thống thần kinh và hệ thống
thể dịch. Hai hệ thống này phối hợp hoạt động và tạo ra các hệ điều khiển trong cơ thể.
Trong cơ thể có vô số các hệ điều khiển khác nhau, có hệ điều khiển ở mức tế bào, mức cơ
quan hoặc hệ thống cơ quan, có hệ điều khiển ở mức toàn bộ cơ thể.

5
3.1. Điều hoà bằng đường thần kinh
Hệ thống thần kinh bao gồm các cấu trúc thần kinh như vỏ não, các trung tâm dưới
vỏ, hành não và tuỷ sống, các dây thần kinh vận động, các dây thần kinh cảm giác, các dây
thần kinh sọ và hệ thần kinh thực vật. Các cấu trúc thần kinh này tham gia điều hoà chức
năng thông qua các phản xạ. Có hai loại phản xạ là phản xạ không điều kiện và phản xạ có
điều kiện. Cả hai loại phản xạ này đều được thực hiện nhờ cung phản xạ.
3.1.1. Cung phản xạ:gồm 5 bộ phận.
- Bộ phận cảm thụ: các cảm thụ (receptor) thường nằm trên da, niêm mạc, bề mặt
khớp, thành mạch, bề mặt các tạng, cơ quan trong cơ thể.
- Đường truyền vào: thường là dây thần kinh cảm giác hoặc dây thần kinh thực vật.
- Trung tâm thần kinh: vỏ não, các cấu trúc dưới vỏ và tuỷ sống.
- Đường truyền ra: thường là dây thần kinh vận động và dây thần kinh thực vật.
- Bộ phận đáp ứng: thường là cơ hoặc tuyến.
Hình 1.1. Cung phản xạ điều hòa hoạt động tim

(1. Thụ cảm thể áp suất; 2. Đường truyền vào; 3. Đường truyền ra; 4. Tim)
3.1.2. Phản xạ không điều kiện (PXKĐK)
Đây là loại phản xạ cố định có tính bản năng, tồn tại vĩnh viễn suốt đời và có khả năng
di truyền sang đời sau. Loại phản xạ này có một cung phản xạ cố định. Với một kích thích
nhất định, tác động vào một bộ phận cảm thụ nhất định sẽ gây một đáp ứng nhất định.
Ví dụ: khi thức ăn vào miệng kích thích vào niêm mạc miệng sẽ gây bài tiết nước bọt.
Khi tay đụng vào lửa sẽ có phản xạ rụt tay lại. Khi tim đập nhanh mạnh, máu tống qua động
mạch chủ nhiều làm tăng áp suất ở quai động mạch chủ và xoang động mạch cảnh sẽ có
phản xạ làm tim đập chậm lại và điều chỉnh huyết áp trở về bình thường. Ngược lại, khi cơ
6
thể mất máu lại có phản xạ làm tim đập nhanh, co mạch để nâng huyết áp trở lại mức bình
thường...Tất cả các phản xạ này ngay từ khi sinh ra đã có và tồn tại vĩnh viễn.
PXKĐK có tính chất loài, trung tâm của phản xạ nằm ở phần dưới của hệ thần kinh.
Ví dụ: trung tâm của phản xạ gân - xương, phản xạ trương lực cơ nằm ở tuỷ sống; trung
tâm của phản xạ giảm áp, phản xạ hô hấp nằm ở hành não...
PXKĐK phụ thuộc vào tính chất của tác nhân kích thích và bộ phận cảm thụ. Ví dụ:
ánh sáng chiếu vào mắt gây co đồng tử nhưng tiếng động không gây co đồng tử, trong khi
đó ánh sáng chiếu vào da không gây đáp ứng.
Nhờ những phản xạ không điều kiện này mà cơ thể có thể đáp ứng nhanh, nhậy, tự
động với các tác nhân kích thích bên trong và ngoài cơ thể nhằm đảm bảo được các hoạt
động bình thường và thống nhất giữa các cơ quan trong cơ thể cũng như giữa cơ thể với
môi trường bên ngoài.
3.1.3. Phản xạ có điều kiện (PXCĐK)
Khác với PXKĐK, PXCĐK là phản xạ được thành lập trong đời sống, sau quá trình luyện
tập và phải dựa trên cơ sở của PXKĐK. Nói cách khác, muốn tạo ra PXCĐK cần có tác nhân
kích thích không điều kiện. Ví dụ: phản xạ tiết nước bọt khi nhìn thấy quả chanh chỉ có ở những
người đã từng ăn chanh và đã biết được vị chua của chanh.
Cung PXCĐK phức tạp hơn. Muốn thành lập được PXCĐK cần phải có sự kết hợp
của hai tác nhân kích thích là không điều kiện và có điều kiện; trong đó tác nhân có điều
kiện bao giờ cũng đi trước và trình tự này phải được lặp lại nhiều lần. Trung tâm của
PXCĐK có sự tham gia của vỏ não. PXCĐK không phụ thuộc vào tính chất của tác nhân
kích thích và bộ phận cảm thụ. Ví dụ, ánh sáng chiếu vào mắt có thể gây bài tiết nước bọt.
PXCĐK có tính chất cá thể và là phương thức thích ứng linh hoạt của cơ thể đối với
môi trường. PXCĐK này có thể mất đi sau một thời gian nếu không củng cố và một phản
xạ có điều kiện mới lại được hình thành trong một điều kiện mới. Nhờ có PXCĐK mà cơ
thể có thể luôn luôn thích ứng được với sự thay đổi của môi trường sống. Người thích nghi
với môi trường là người có khả năng dập tắt PXCĐK cũ và thành lập PXCĐK mới trong
đời sống.
Chính những đặc điểm của PXCĐK đã khiến các nhà sinh lý học đưa ra một khái niệm
mới mang tính chất khái quát hơn đó là khái niệm "Điều kiện hoá" (PXCĐK do Pavlov phát
hiện ra chỉ là một loại của điều kiện hoá). "Điều kiện hoá" là cơ sở sinh lý học rất quan
trọng để cơ thể có thể thiết lập những mối quan hệ mới nhằm thích ứng với môi trường tự
nhiên và môi trường xã hội. "Điều kiện hoá" cũng chính là cơ sở quan trọng của quá trình
học tập.

7
3.2. Điều hoà bằng đường thể dịch
Nhìn chung, hệ thống thể dịch liên quan đến điều hoà chức năng chuyển hoá của cơ
thể, bao gồm: điều hoà tốc độ của các phản ứng hoá học trong tế bào, sự vận chuyển vật
chất qua màng tế bào hoặc một số hoạt động chức năng khác của cơ thể như sự phát triển
và bài tiết. Yếu tố điều hoà bằng đường thể dịch là các chất hoà tan trong máu và dịch thể
như: nồng độ các chất khí, các ion, đặc biệt là các hormon.
3.2.1. Vai trò của nồng độ các chất khí trong máu
Duy trì nồng độ O2 và CO2 là một trong những điều kiện quan trọng để đảm bảo hằng
tính nội môi.
- O2: là một trong những chất chủ yếu cần cho các phản ứng hoá học trong tế bào. Cơ thể
có một cơ chế điều hòa để luôn giữ nồng độ O2 ở mức ổn định. Cơ chế này chủ yếu phụ thuộc
vào các đặc tính hoá học của hemoglobin. Khi máu qua phổi, tại phổi nồng độ O2 rất cao nên
hemoglobin đã kết hợp với O2 và được vận chuyển đến mô. Tại mô nếu nồng độ O2 cao,
hemoglobin sẽ không giải phóng O2; nếu nồng độ O2 thấp, hemoglobin sẽ giải phóng O2 vào
dịch kẽ với một lượng đủ để lập lại sự cân bằng về nồng độ O2 cho tế bào. Chức năng này được
gọi là chức năng đệm O2 của hemoglobin.
- CO2: là một trong những sản phẩm cuối cùng chủ yếu của các phản ứng oxy hoá
trong tế bào. Nếu tất cả CO2 sinh ra không được thải ra ngoài mà cứ tích tụ lại trong dịch
kẽ thì tự nó sẽ có tác dụng làm ngừng tất cả các phản ứng cung cấp năng lượng cho tế bào.
Khác với cơ chế điều hoà nồng độ O2, CO2 được điều hoà nhờ cơ chế thần kinh. Chính
nồng độ CO2 tăng một mặt sẽ kích thích trực tiếp vào trung tâm hô hấp một mặt tác động
thông qua các bộ phận cảm thụ hoá học tại quai động mạch chủ và xoang động mạch cảnh
làm tăng thông khí để thải CO2 ra ngoài và duy trì nồng độ CO2 trong dịch ngoại bào ở mức
ổn định.
Khi nồng độ O2 và CO2 thay đổi sẽ có tác dụng thay đổi hoạt động của tế bào và cơ
quan như hoạt động thông khí phổi, hoạt động của tim và hệ thống tuần hoàn, hoạt động
của hệ thần kinh - cơ... Sự thay đổi nồng độ O2 và thải CO2 nhằm điều chỉnh nồng độ hai
chất khí này trở lại mức bình thường.
3.2.2. Vai trò của các ion trong máu
Các ion K+, Na+, Ca++, Mg++, Mn++, Fe++, Cl¯, HCO3ˉ ... đều đóng vai trò quan
trọng trong điều hoà chức năng.
- Ion K+, Na+, Ca++, Mg++: tham gia vào cơ chế tạo điện thế màng, dẫn truyền xung
động thần kinh trong sợi thần kinh và qua synap. Rối loạn nồng độ các ion này sẽ làm mất
tính ổn định của nội môi và dẫn đến rối loạn hoạt động ở các tế bào đặc biệt là tế bào thần
kinh, tế bào cơ như cơ tim, cơ vân, cơ trơn.

8
- Ion Ca++: tham gia vào cơ chế co cơ, đông máu và ảnh hưởng đến tính hưng phấn
của sợi thần kinh. Rối loạn nồng độ ion Ca++ sẽ dẫn đến rối loạn đông máu và rối loạn hoạt
động của hệ thần kinh - cơ.
- Ion Fe++: tham gia cấu tạo hemoglobin là thành phần chủ yếu của hồng cầu. Thiếu
Fe++ sẽ gây ra tình trạng thiếu máu và ảnh hưởng đến hoạt động chức năng của các cơ quan
khác.
Ngoài ra còn nhiều ion khác cũng có những vai trò của nó trong từng hoạt động chức
năng của cơ thể.
3.2.3. Vai trò của hormon
Hormon là thành phần đóng vai trò chủ yếu trong cơ chế điều hoà thể dịch. Hormon
có thể do các tuyến nội tiết bài tiết ra như vùng dưới đồi, tuyến yên, tuyến giáp, tuyến cận
giáp, tuyến tụy, tuyến thượng thận và các tuyến sinh dục. Hormon cũng có thể được bài tiết
từ các nhóm tế bào như histamin, prostaglandin, bradykinin... Các hormon do các tuyến nội
tiết bài tiết sẽ được vào máu và được máu vận chuyển tới khắp cơ thể giúp cho việc điều
hoà chức năng các tế bào. Ví dụ: hormon tuyến giáp làm tăng hoạt động chuyển hoá của
hầu hết các tế bào trong cơ thể và do đó nó có thể làm tăng tốc độ hoạt động của cơ thể;
hormon insulin của tuyến tụy làm tăng thoái hoá glucose ở tế bào, do đó nó có tác dụng
điều hoà nồng độ glucose trong máu; hormon cận giáp điều hoà nồng độ ion Ca ++ trong
máu...
Nhìn chung hormon là thành phần chủ yếu tham gia điều hoà chức năng chuyển hoá và
phát triển cơ thể. Đặc điểm của hormon là tác dụng với nồng độ rất thấp, vì vậy chỉ cần một
thay đổi nhỏ về nồng độ cũng có thể làm thay đổi hoạt động chức năng của cơ thể.
3.3. Cơ chế điều hoà ngược
Trong cơ thể toàn vẹn, điều hoà chức năng dù bằng con đường thần kinh hay thể dịch
thì phần lớn đều tuân theo cơ chế điều hoà ngược. Có hai kiểu điều hoà ngược là điều hoà
ngược âm tính và điều hoà ngược dương tính.
Điều hoà ngược là kiểu điều hoà mà mỗi khi có một sự thay đổi hoạt động chức năng
nào đó thì chính sự thay đổi này sẽ có tác dụng ngược trở lại trung tâm điều khiển để tạo ra
một loạt các phản ứng liên hoàn nhằm điều chỉnh hoạt động chức năng đó trở lại bình thường.
Đây là cơ chế điều hoà nhanh và nhạy để tạo ra trạng thái hoạt động ổn định của cơ thể.
3.3.1. Điều hoà ngược âm tính
Điều hoà ngược âm tính là kiểu điều hoà có tác dụng làm tăng nồng độ một chất hoặc
tăng hoạt động của một cơ quan khi nồng độ chất đó hoặc hoạt động của cơ quan đó đang
giảm và ngược lại sẽ giảm nếu nó đang tăng. Ví dụ:

9
- Khi nồng độ CO2 trong dịch ngoại bào tăng sẽ kích thích trung tâm hô hấp tăng hoạt
động để làm tăng thông khí phổi, kết quả là nồng độ CO2 sẽ giảm trở lại bình thường vì
phổi đã thải ra ngoài một lượng lớn CO2. Ngược lại, nếu nồng độ CO2 quá thấp sẽ ức chế
thông khí phổi và làm tăng nồng độ CO2 trong máu.
- Cơ chế điều hòa huyết áp: khi huyết áp tăng sẽ có một loạt các phản ứng như giảm
nhịp, giảm sức co bóp của cơ tim và giãn mạch để điều chỉnh huyết áp trở về bình thường.
Ngược lại, khi mất máu huyết áp giảm lại có phản xạ làm co mạch, tim đập nhanh để làm
tăng huyết áp trở lại.
Điều hoà ngược âm tính càng được thể hiện rõ trong điều hoà hoạt động chức năng
nội tiết. Khi nồng độ hormon tuyến đích tăng sẽ có tác dụng ngược trở lại ức chế hoạt động
của tuyến chỉ huy và kết quả là làm giảm hoạt động của tuyến đích và nồng độ hormon
đang tăng được điều chỉnh trở lại bình thường. Ngược lại, trong trường hợp hormon tuyến
đích giảm lại có cơ chế điều hoà để tăng nồng độ trở lại bình thường.
3.3.2. Điều hoà ngược dương tính
Khi một yếu tố nào đó hoặc hoạt động chức năng của một cơ quan nào đó tăng, một
loạt các phản ứng xảy ra dẫn tới kết quả làm tăng yếu tố đó hoặc hoạt động chức năng của
cơ quan đó. Ngược lại, khi đã giảm lại càng giảm thêm. Cách điều hoà này được gọi là điều
hoà ngược dương tính. Ví dụ: một người bị mất đột ngột 2 lít máu, lượng máu trong cơ thể
giảm tới mức không đủ máu để tim bơm có hiệu quả, áp suất động mạch giảm và máu đến
nuôi cơ tim cũng giảm. Kết quả này làm tim suy yếu và càng làm giảm hiệu suất bơm của
tim vì lưu lượng máu đến mạch vành càng giảm và tim càng suy yếu. Chu trình này cứ tiếp
diễn cho đến khi gây tử vong.
Như vậy, bản chất của điều hoà ngược dương tính không dẫn tới sự ổn định mà ngược
lại càng tạo ra sự mất ổn định hoạt động chức năng và có thể dẫn tới cái chết. Tuy nhiên,
trong cơ thể bình thường các trường hợp điều hoà ngược dương tính thường có ích cho cơ
thể. Những trường hợp ngược lại thường ít xảy ra vì cơ chế điều hoà ngược dương tính chỉ
tác động đến một giới hạn nào đó thì xuất hiện vai trò của cơ chế điều hoà ngược âm tính
để tạo lại sự cân bằng nội môi. Ví dụ: hiện tượng đông máu; khi thành mạch vỡ, một loạt
các enzym được hoạt hoá theo kiểu dây chuyền, các phản ứng hoạt hoá enzym ngày càng
tăng thêm để tạo cục máu đông. Quá trình này cứ tiếp diễn cho đến khi lỗ thủng của thành
mạch được bít kín và sự chảy máu dừng lại.
Sổ thai cũng là trường hợp có sự tham gia của cơ chế điều hoà ngược dương tính. Khi
các cơn co bóp của tử cung trở nên đủ mạnh để đẩy đầu thai nhi từ thân tử cung đến cổ tử
cung, sự căng của cổ tử cung truyền tín hiệu ngược đến thân tử cung và làm cho cơ tử cung
càng co bóp mạnh hơn. Tử cung co bóp càng mạnh càng làm căng cổ tử cung, cổ tử cung

10
càng căng lại tạo thêm các co bóp mạnh của thân tử cung cho đến khi lực co bóp đủ mạnh
thì đứa trẻ sẽ ra đời.
Như vậy, cơ chế điều hoà ngược âm tính là cơ chế điều khiển cơ bản, nhờ nó mà cơ thể
luôn tạo được tính ổn định và thích ứng với môi trường. Trong một số trường hợp điều hoà
ngược dương tính tuy không tạo ra sự cân bằng mà ngược lại càng làm tăng sự bất ổn nhưng
lại rất cần thiết cho cơ thể. Tuy vậy, ngay trong những trường hợp này điều hoà ngược dương
tính cũng chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn và chỉ là một phần của toàn bộ quá trình điều
hoà ngược.
4. Đại cương về rối loạn chức năng cơ thể
Khi mọi quá trình điều hòa chức năng của cơ thể bị rối loạn dẫn đến mất cân bằng nội
môi, rối loạn chức năng cơ thể dẫn đến bệnh.
4.1. Một số khái niệm về bệnh trong lịch sử
4.1.1. Thời đại nguyên thuỷ
Người nguyên thủy quan niệm rằng bệnh là sự trừng phạt của các đấng siêu linh đối
với con người ở trần thế, do đó muốn chữa bệnh phải cúng bái, phải cầu xin. Tuy vậy, trong
thực tế người nguyên thuỷ cũng đã bắt đầu biết dùng thuốc chứ không chỉ phó mặc số phận
cho thần linh.
4.1.2. Thời các nền văn minh cổ đại
- Trung Quốc cổ đại: Bệnh là sự mất thăng bằng âm dương và sự rối loạn quan hệ
tương sinh, tương khắc của ngũ hành trong cơ thể. Từ đó, họ đề ra nguyên tắc chữa bệnh là
điều chỉnh lại, kích thích mặt yếu, chế áp mặt mạnh. Quan niệm về bệnh thời kỳ này là duy
vật, các thế lực siêu linh bắt đầu bị loại trừ khỏi vai trò gây bệnh. Tuy nhiên, mới chỉ là
trình độ duy vật hết sức thô sơ.
- Hy Lạp và La Mã cổ đại: Gồm hai trường phái lớn: Trường phái Pythagore và trường
phái Hippocrat. Trường phái Pythagore (600 năm trước công nguyên): dựa vào triết học
cho rằng cơ thể do 4 nguyên tố tạo thành, luôn thăng bằng nhau và tạo ra sức khỏe, đó là
Thổ (khô), Khí (ẩm), Hỏa (nóng), Thủy (lạnh), nếu mất thăng bằng sẽ sinh bệnh. Trường
phái Hippocrat đã có những tiến bộ rõ rệt. Ông đã quan sát trực tiếp trên cơ thể sống và cho
rằng cơ thể có 4 dịch tồn tại theo tỷ lệ riêng, có quan hệ thăng bằng nhau để tạo ra sức khoẻ,
đó là máu đỏ, dịch nhày, máu đen, mật vàng, thể hiện các đặc tính “nóng, lạnh, ẩm, khô”.
Bệnh là sự mất thăng bằng về tỷ lệ và quan hệ giữa các dịch đó. Quan niệm này khá duy
vật và biện chứng, nhưng còn chung chung và trừu tượng. Song những quan sát trực tiếp
của Hippocrat lại khá cụ thể và cho phép kiểm chứng được. Nhờ vậy, các thế hệ sau có điều
kiện kiểm tra, sửa đổi và phát triển nó, nhất là khi phương pháp thực nghiệm được áp dụng

11
vào Y học, đưa Y học cổ truyền tiến lên hiện đại. Chính vì vậy, Hippocrat được thừa nhận
là ông tổ của Y học nói chung.
4.1.3. Thời kỳ trung cổ và phục hưng
4.1.3.1. Thời kỳ trung cổ (thế kỷ IV-XII): các quan điểm tiến bộ bị đàn áp, các nhà khoa
học tiến bộ bị khủng bố, quan niệm về bệnh tỏ ra rất mê muội
4.1.3.2. Thời kỳ phục hưng (Thế kỷ thứ XVI- XVII): Giải phẫu học và Sinh lý học ra đời
đặt nền móng vững chắc để Y học từ cổ truyền tiến vào thời kỳ hiện đại.
4.1.3.3. Thế kỷ thứ XVIII-XIX
Đây là thời kỳ phát triển của Y học hiện đại, với sự vững mạnh của hai môn Giải phẫu
học và Sinh lý học. Nhiều môn Y học và Sinh học đã ra đời, cùng với nó nhiều quan niệm
về bệnh dựa trên những kết quả đã được thực nghiệm kiểm tra và khẳng định cũng ra đời.
- Thuyết bệnh lý tế bào: Wirchow cho rằng bệnh là do các tế bào bị tổn thương hoặc
các tế bào tuy lành mạnh nhưng thay đổi về số lượng, vị trí và về thời điểm xuất hiện.
- Thuyết rối loạn hằng định nội môi: Claud Benard đã đưa thực nghiệm vào Y học
một cách hệ thống và sáng tạo, đã đề ra khái niệm “hằng định nội môi”. Ông cho rằng bệnh
xuất hiện khi cơ thể có rối loạn thăng bằng nội môi.
- Cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX có học thuyết Freud và học thuyết Pavlov. Theo
Freud bệnh là do rối loạn và mất cân bằng giữa ý thức, tiềm thức, bản năng. Học thuyết
Pavlov cho rằng bệnh là kết quả của sự rối loạn hoạt động phản xạ thần kinh cao cấp. Học
thuyết Pavlov đã tiếp thu nhiều tiến bộ của khoa học nên được đánh giá cao trong Y học
nhưng cũng có những biểu hiện thiên lệch.
4.2. Quan niệm về bệnh hiện nay
4.2.1. Hiểu bệnh qua quan niệm về sức khoẻ
- WHO/ OMS đưa ra định nghĩa: “Sức khoẻ là tình trạng thoải mái về tinh thần, thể
chất và giao tiếp xã hội, chứ không phải chỉ là vô bệnh, vô tật”.
Dưới góc độ Y học, các nhà Y học cho rằng “Sức khoẻ là tình trạng lành lặn của cơ
thể về cấu trúc, chức năng, cũng như khả năng điều hoà giữ cân bằng nội môi, phù hợp và
thích nghi với sự thay đổi của hoàn cảnh”.
4.2.2. Một số định nghĩa về bệnh hiện nay
- “Bệnh là tình trạng tổn thương hoặc rối loạn về cấu trúc và chức năng, dẫn tới mất
cân bằng nội môi và giảm khả năng thích nghi với ngoại cảnh”.
- “Bệnh là sự rối loạn các hoạt động sống của cơ thể và mối tương quan với ngoại
cảnh, dẫn đến giảm khả năng lao động”.

12
- “Bệnh là bất kỳ sự sai lệch hoặc tổn thương nào về cấu trúc và chức năng của bất
kỳ bộ phận, cơ quan, hệ thống nào của cơ thể, biểu hiện bằng một bộ triệu chứng đặc trưng
giúp cho thày thuốc có thể chẩn đoán xác định và chẩn đoán phân biệt, mặc dù nhiều khi ta
chưa rõ về nguyên nhân, về bệnh lý học và tiên lượng”.
4.3. Một số vấn đề cần chú ý trong khái niệm về bệnh
4.3.1. Bệnh có tính chất là một cân bằng mới kém bền vững
Trong cơ thể luôn có sự cân bằng giữa hai quá trình sinh và huỷ để giữ hằng định
sinh lý, ví dụ quá trình sinh và hủy hồng cầu... Một yếu tố nào đó làm nhiễu loạn các hoạt
động, làm thay đổi các thông số của nội môi, cơ thể sẽ phản ứng lại. Huỷ hoại bệnh lý và
phòng ngự sinh lý là hai mặt đối lập, nhưng liên quan và ảnh hưởng lẫn nhau trong mọi quá
trình bệnh lý. Chính sự đấu tranh giữa hai yếu tố đó tạo ra một cân bằng mới, nhưng cân
bằng này không kéo dài, luôn có xu hướng thay đổi về cân bằng sinh lý hoặc tiếp tục rối loạn
nặng thêm đi đến tử vong. Cần tìm mọi biện pháp hạn chế các yếu tố huỷ hoại, thúc đẩy các
yếu tố phòng ngự nhằm đưa các hoạt động về mức ổn định sinh lý.
4.3.2. Bệnh làm hạn chế khả năng thích nghi của cơ thể
Trong khi ngoại môi luôn luôn thay đổi mà nội môi lại đòi hỏi một sự hằng định để
hoạt động. Tình trạng đó bắt buộc cơ thể bình thường phải luôn luôn tìm cách vận dụng
những cơ chế thích nghi mạnh mẽ để đối phó lại với những thay đổi thường xuyên và đột
ngột của môi trường và hoàn cảnh sống.
Khi cơ thể bị bệnh, khả năng thích nghi vẫn còn, song rõ ràng nó đã bị hạn chế rất
nhiều. Ví dụ: khả năng điều hòa nhiệt ở người bị sốt, khả năng điều hòa glucose máu trên
những bệnh nhân xơ gan,... Ở bất kỳ hoàn cảnh nào, cơ thể khoẻ mạnh cũng có khả năng
thích nghi tốt hơn cơ thể bị bệnh. Cần xem trọng công tác phòng bệnh, khuyến khích việc
rèn luyện thân thể (nhằm tăng sự thích nghi, tăng lề an toàn), bảo vệ khả năng thích nghi
của cơ thể, hạn chế những kích thích quá mạnh.
4.3.3. Bệnh làm hạn chế khả năng lao động
Bệnh vừa làm giảm khả năng lao động, năng suất lao động xã hội, vừa gây tốn kém
tiền của. Vì vậy phòng bệnh quan trọng hơn chữa bệnh. Trong công tác phòng bệnh cần tập
trung ưu tiên cho những bệnh mang tính chất xã hội tức là nhiều người mắc, những bệnh
dễ lây lan thành dịch. Trong điều trị cần nhanh chóng trả lại khả năng lao động cho người
bệnh, chú ý đặc biệt đến những bộ phận liên quan đến chức năng lao động.
5. Đại cương về bệnh nguyên học
5.1. Khái niệm
5.1.1. Định nghĩa

13
Bệnh nguyên học là môn học nghiên cứu về nguyên nhân gây bệnh, bản chất của
chúng, cơ chế mà chúng tác động, đồng thời nghiên cứu các điều kiện để nguyên nhân phát
huy tác động.
Bệnh nguyên học có vai trò quan trọng về lý luận và thực hành.
+ Về lý luận: bệnh nguyên học giúp nâng cao trình độ lý luận của Y học nói chung,
nhất là việc phát hiện ra các nguyên nhân mới và làm sáng tỏ cơ chế tác động của chúng.
+ Về thực hành: bệnh nguyên học có vai trò rất quan trọng trong phòng bệnh và điều
trị, bởi vì có biết rõ nguyên nhân và các điều kiện gây bệnh thì việc đề ra và thực hiện các
biện pháp phòng và chống bệnh mới có hiệu quả.
5.1.2. Các quan niệm về nguyên nhân gây bệnh trong quá khứ
5.1.2.1. Thuyết một nguyên nhân
Thuyết một nguyên nhân cho rằng mọi bệnh đều do một nguyên nhân (do vi khuẩn).
Quan niệm này được phát triển rộng rãi khi có các thành tựu rực rỡ về vi khuẩn học do
Pasteur và Koch phát hiện ra. Vì vậy, trong thực hành rất nhiều bệnh không phải do vi
khuẩn nhưng vẫn được chạy chữa như nhiễm khuẩn, nhiều khi gây hậu quả nghiêm trọng.
Dần dần thời gian và các thành tựu mới đã làm thuyết một nguyên nhân bị lung lay. Kết
quả các thực nghiệm cho thấy có thể gây cho động vật nhiều bệnh khác nhau bằng những
nguyên nhân khác nhau mà không nhất thiết phải có vi khuẩn. Ví dụ các bệnh thiếu vitamin,
thiếu máu thiếu sắt...
5.1.2.2. Thuyết điều kiện
Thuyết này ra đời cùng thời với thuyết một nguyên nhân (cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ
XX). Ngược lại với thuyết trên thuyết này cho rằng: để gây được bệnh phải có một tập hợp
các điều kiện, mỗi điều kiện quan trọng ngang nhau, trong đó nguyên nhân cũng chỉ là một
điều kiện. Ví dụ, có người cho rằng bệnh lao phát sinh do nhiều yếu tố đồng thời tác động
như: vi khuẩn lao, ăn uống thiếu thốn, lao động nặng nhọc, nhà cửa tối tăm ẩm thấp, môi
trường ô nhiễm .... Đáng ra phải coi vi khuẩn lao là nguyên nhân, thiếu nó sẽ không thể có
bệnh lao, các yếu tố khác chỉ là điều kiện. Thuyết điều kiện có những hạn chế và tiêu cực
tạo ra tư tưởng chờ đợi, có đủ biện pháp mới phòng được bệnh.
5.1.2.3. Thuyết thể tạng
Cho rằng bệnh có thể tự phát, không cần nguyên nhân hoặc nếu có nguyên nhân thì cùng
một nguyên nhân bệnh phát ra hay không, nặng hay nhẹ, cũng tuỳ “tạng” mỗi người...
Các thành tựu Y học chứng minh rằng thể tạng là có thật, nhưng thể tạng không bao
giờ có thể đóng vai trò bệnh nguyên, nó chỉ là một điều kiện để cơ thể dễ mắc bệnh này hay
khó mắc bệnh kia. Ngược với thuyết điều kiện hạ thấp vai trò của nguyên nhân, coi nguyên
nhân cũng chỉ là một điều kiện, thuyết thể tạng lại coi điều kiện là nguyên nhân. Cả hai
14
thuyết đều dẫn tới thái độ tiêu cực, bất lực trước bệnh tật.
5.2. Quan niệm hiện nay về bệnh nguyên
Quan hệ giữa nguyên nhân và điều kiện gây bệnh, qui luật nhân quả trong quá trình
bệnh sinh là những vấn đề quan trọng của bệnh nguyên học.
5.2.1. Quan hệ giữa nguyên nhân và điều kiện gây bệnh
- Nguyên nhân là yếu tố quyết định gây ra bệnh, là yếu tố khách quan. Cụ thể:
+ Có bệnh, ắt phải có một nguyên nhân nào đó gây ra nó. Mặc dù hiện nay có nhiều
bệnh chưa tìm được nguyên nhân, song bất cứ bệnh nào cũng phải có nguyên nhân.
+ Nguyên nhân quyết định tính đặc hiệu của bệnh. Các bệnh do nguyên nhân khác
nhau biểu hiện không giống nhau. Ví dụ: Vi khuẩn lao gây ra bệnh lao, HIV gây ra bệnh
AIDS…
- Điều kiện hỗ trợ và tạo thuận lợi cho nguyên nhân phát huy tác động. Nguyên nhân
chỉ có thể gây được bệnh khi có môi trường và một số điều kiện thuận lợi.
+ Có nguyên nhân đòi hỏi nhiều điều kiện mới phát huy được tác động. Ví dụ: bệnh
lao phổi do trực khuẩn lao gây nên, song thường xảy ra ở cơ thể suy yếu sức đề kháng giảm
sút, hoàn cảnh sinh hoạt thiếu thốn. Nhưng cũng có nguyên nhân đòi hỏi ít điều kiện, thậm
chí có nguyên nhân không cần điều kiện gì. Ví dụ, khi da tiếp xúc nhiệt độ cao đều bị bỏng.
+ Điều kiện không thể gây được bệnh nếu thiếu nguyên nhân. Ví dụ; dù ăn uống thiếu
thốn, lao động quá mức nhưng nếu không có trực khuẩn lao cũng không có bệnh lao.
Trong thực tế cần chú ý: nguyên nhân của bệnh này lại có thể là điều kiện của bệnh
kia và ngược lại. Ví dụ: ăn uống thiếu thốn là nguyên nhân của suy dinh dưỡng, song trong
nhiều trường hợp nó lại là điều kiện của bệnh lao.
5.2.2 Qui luật nhân quả giữa nguyên nhân và bệnh
- Mỗi bệnh (hậu quả) đều phải có nguyên nhân: nguyên nhân có trước, bệnh có sau.
- Có nguyên nhân nhưng không phải bao giờ cũng có hậu quả (bệnh) do thiếu điều
kiện hoặc do thể tạng và sự phản ứng tốt của cơ thể. Ví dụ: cơ thể đã được miễn dịch...
- Một nguyên nhân có thể gây nhiều hậu quả (bệnh) khác nhau, tuỳ thuộc vào điều
kiện. Vi khuẩn lao có thể gây những thể bệnh khác nhau ở phổi, màng bụng, màng não…
- Các nguyên nhân khác nhau có thể gây cùng một hậu quả. Nếu coi mỗi triệu chứng
bệnh lý như một hậu quả thì có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên. Ví dụ: thiếu
máu, sốt…
5.2.3. Sự phản ứng của cơ thể
Tác động của nguyên nhân còn phụ thuộc vào sự phản ứng của cơ thể, bởi vậy có thể
coi nó là một điều kiện.
15
Cùng một nguyên nhân, mỗi cơ thể có thể phản ứng rất khác nhau do đó hậu quả có
thể khác nhau.
Tính phản ứng trước một yếu tố gây bệnh nếu ít nhiều có tính hệ thống và tính di
truyền thì được gọi là “tạng”, ví dụ, tạng dị ứng…
5.3. Xếp loại bệnh nguyên
Hiện nay bệnh nguyên được xếp thành hai nhóm lớn: nguyên nhân bên ngoài và
nguyên nhân bên trong.
5.3.1. Nguyên nhân bên ngoài
5.3.1.1. Yếu tố cơ học, vật lý
- Chấn thương mô, cơ quan.
- Nhiệt độ quá nóng, quá lạnh gây bỏng, thoái hóa các protein, enzyme..
- Tia xạ, dòng điện, áp xuất, tiếng ồn…
5.3.1.2. Yếu tố hoá học và độc chất
Các acid mạnh hoặc kiềm mạnh có thể gây bỏng cháy. Các chất độc vô cơ hoặc hữu
cơ gây độc cho cơ thể. Một số sản phẩm động vật, thực vật (nọc rắn, mật cá trắm, nấm
độc...)
5.3.1.3. Yếu tố sinh học
Nhiều sinh vật, động vật và thực vật có thể gây bệnh hoặc truyền bệnh cho người.
Đứng đầu là các loại vi khuẩn, virus và ký sinh trùng, nấm.
5.3.1.4. Yếu tố xã hội
Bệnh của người có ba loại :
- Loại liên quan đến đặc điểm sinh học và thể tạng của riêng con người. Ví dụ bệnh
loét dạ dày, dị ứng, tăng huyết áp.
- Loại liên quan đến vai trò hoạt động thần kinh cao cấp. Ví dụ; bệnh tâm thần, bệnh
suy nhược thần kinh, bệnh do Stress.
- Loại liên quan với yếu tố xã hội. Ví dụ: bệnh điếc do tiếng ồn, bệnh do thuốc, do
nhiễm xạ.
5.3.2. Nguyên nhân bên trong
5.3.2.1. Yếu tố di truyền.
Đã từ lâu người ta phát hiện một số bệnh mang tính gia đình, họ tộc di truyền qua
nhiều thế hệ. Bằng kỹ thuật sinh học phân tử người ta đã phát hiện trong nhân tế bào người
bệnh mang sẵn gen bệnh do thế hệ trước truyền cho. Đến nay, cơ chế di truyền đã được làm
sáng tỏ, các yếu tố bên ngoài tia xạ, hóa chất, độc tố…tác động lên tế bào làm biến đổi cấu

16
trúc dẫn đến biểu hiện bệnh lý. Nếu bị tác động trong thời kỳ phôi thai thường gây một số dị
tật bẩm sinh, nhiều trường hợp dị tật có khả năng di truyền.
5.3.2.2. Thể tạng
Thể tạng là tổng hợp các đặc điểm chức năng và hình thái của cơ thể, hình thành trên
cơ sở di truyền, đưa đến các phản ứng đặc trưng của cơ thể đó đối với các yếu tố kích thích.
Do vậy, thể tạng khá ổn định ở mỗi cá thể và có thể truyền cho thế hệ sau.
6. Đại cương về bệnh sinh học
6.1. Khái niệm
Bệnh sinh là quá trình diễn biến của một bệnh từ khi bắt đầu phát sinh đến khi kết
thúc. Bệnh sinh học là môn học nghiên cứu các quy luật về sự phát sinh, phát triển và kết
thúc của một bệnh cụ thể, cũng như của mọi bệnh nói chung, nhằm phục vụ cho công việc
chữa bệnh và phòng bệnh.
6.2. Vai trò và ảnh hưởng của bệnh nguyên trong quá trình bệnh sinh
6.2.1. Vai trò của bệnh nguyên trong quá trình bệnh sinh
Bệnh nguyên có thể đóng 2 vai trò khác nhau trong quá trình diễn biến của một bệnh
đó là: Vai trò mở màn và vai trò dẫn dắt.
6.2.1.1. Bệnh nguyên chỉ là tác nhân mở màn cho bệnh sinh
Có nhiều bệnh, bệnh nguyên chỉ đóng vai trò mở màn, khi bệnh đã phát sinh cũng là
lúc bệnh nguyên hết vai trò. Sau đó, quá trình bệnh sinh tự diễn ra và kết thúc theo qui luật
riêng của nó mà không cần có mặt của bệnh nguyên. Vì vậy, điều trị các bệnh này không
phải loại trừ nguyên nhân gây bệnh mà phải điều trị theo cơ chế bệnh sinh.
Ví dụ : nhiệt độ cao gây bỏng chỉ tồn tại và tác động rất ngắn lên cơ thể nhưng sau đó
bỏng diễn ra nhiều tuần mà không cần sự có mặt của bệnh nguyên.
6.2.1.2. Bệnh nguyên tồn tại suốt trong quá trình bệnh sinh
Trường hợp này bệnh nguyên tồn tại và tác động suốt quá trình bệnh sinh. Nó dẫn
dắt quá trình bệnh sinh tới khi bệnh kết thúc. Nếu điều trị loại trừ được bệnh nguyên, bệnh
sinh cũng ngừng diễn biến.
Ví dụ: khi nhiễm độc, nếu chất độc cũng tồn tại trong cơ thể thì bệnh cũng tiếp tục
diễn biến, nhưng khi chất độc bị loại trừ thì lập tức quá trình bệnh sinh cũng kết thúc.
6.2.2. Ảnh hưởng của bệnh nguyên tới quá trình bệnh sinh
Cùng một yếu tố bệnh nguyên nhưng bệnh sinh có thể thay đổi tuỳ theo cường độ,
liều lượng, thời gian và vị trí tác động của bệnh nguyên.
6.2.2.1. Ảnh hưởng của cường độ và liều lượng

17
- Cùng tác động vào một vị trí trên cơ thể, nhưng cường độ tác động của bệnh nguyên
mạnh hay yếu sẽ làm bệnh diễn ra rất khác nhau.
- Cùng một chất độc, cùng một đường xâm nhập, nhưng liều lượng khác nhau sẽ gây
ra những bệnh cảnh có diễn biến khác nhau.
- Cùng một loại vi khuẩn, nếu độc lực hay số lượng khác nhau cũng làm bệnh sinh
diễn ra khác nhau.
Những yếu tố vốn không gây bệnh lại có thể gây bệnh nếu cường độ và số lượng đạt
tới một ngưỡng nào đó.
6.2.2.2. Thời gian tác động của bệnh nguyên
Yếu tố gây bệnh cường độ cao, liều lượng lớn thường chỉ cần thời gian ngắn cũng đủ
làm bệnh phát sinh. Yếu tố gây bệnh cường độ thấp, liều lượng nhỏ, cần thời gian tác dộng
dài hơn.
6.2.2.3. Vị trí tác động của bệnh nguyên
- Bệnh nguyên dù cùng một cường độ, liều lượng nhưng gây được bệnh hay không,
nặng hay nhẹ, cấp hay mạn tính, cũng tuỳ thuộc vào vị trí tác động. Ví dụ chấn thương vào
đầu, bệnh cảnh khác hẳn chấn thương vào cơ bắp.
Bệnh cảnh diễn biến của bệnh lao rất khác nhau tuỳ theo vị trí là lao phổi, lao xương
hay lao màng não, tuy bệnh nguyên chỉ là trực khuẩn lao.
6.3. Ảnh hưởng của cơ thể tới quá trình bệnh sinh
6.3.1. Khái niệm về tính phản ứng của cơ thể
Tính phản ứng là tập hợp các đặc điểm phản ứng của cơ thể trước các kích thích nói
chung và trước bệnh nguyên nói riêng. Tính phản ứng khác nhau có thể làm quá trình bệnh
sinh ở mỗi cá thể và mỗi nhóm khác nhau.
6.3.2. Những yếu tố ảnh hưởng tới tính phản ứng
6.3.2.1. Thần kinh, tâm thần
- Trạng thái vỏ não: Nếu vỏ não ở trạng thái hưng phấn thường tạo ra những phản ứng
mạnh, nếu ở trạng thái ức chế thì phản ứng ngược lại.
- Trạng thái thần kinh: loại thần kinh yếu thường kém chịu đựng, một yếu tố kích thích
nhẹ cũng có thể gây bệnh. Loại thần kinh mạnh nhưng không cân bằng cũng dễ bị rối loạn
nặng nề trước những tác nhân gây bệnh. Hệ thần kinh giao cảm chi phối các phản ứng đề
kháng tích cực giúp cơ thể huy động năng lượng chống lại tác nhân gây bệnh khi cần thiết.
Loại phó giao cảm tạo trạng thái trấn tĩnh, tiết kiệm năng lượng, tăng chức năng tiêu hóa.
- Yếu tố tâm lý: lời nói, thái độ của những người xung quanh, đặc biệt của người thầy
thuốc ảnh hưởng tốt hoặc xấu đến tâm lý và diễn biến của bệnh. Lời nói ân cần, thông cảm,

18
thái độ nhẹ nhàng, lịch sự khi giao tiếp của người thày thuốc làm cho người bệnh yên tâm,
tin tưởng, bệnh sẽ mau lành, tăng khả năng chịu đựng và tự cơ thể đấu tranh được với bệnh
tật.
6.3.2.1. Nội tiết.
Các hormon có ảnh hưởng rõ rệt tới bệnh sinh. Cùng một bệnh nhưng tình trạng nội
tiết khác nhau có thể làm bệnh diễn biến và nặng nhẹ khác nhau. Ví dụ người có xu hướng
cường giáp dễ bị sốt cao khi nhiễm khuẩn .
+ ACTH và corticosteroid ảnh hưởng tới bệnh sinh thông qua tác động chống viêm,
ức chế thực bào, ức chế tạo kháng thể, giảm tính thấm thành mạch, làm chậm quá trình
thành sẹo. Như vậy nó góp phần quan trọng khi bệnh nguyên gây ra những trạng thái viêm
có cường độ quá mạnh và sự hưng phấn quá mức hệ giao cảm. Trái lại corticosteroid có chỉ
định hạn chế khi cơ thể suy kiệt, khi nhiễm khuẩn mà không có các loại kháng sinh thích
hợp.
+ Thyroxin ảnh hưởng tới bệnh sinh thông qua tác động gây tăng chuyển hoá cơ bản
và tăng tạo nhiệt. Có vai trò rất lớn trong phản ứng tạo cơn sốt và sự huy động năng lượng
chống lại tác nhân gây bệnh.
+ STH và Aldosteron ảnh hưởng tới bệnh sinh thông qua tác động tăng cường quá
trình viêm, làm mô liên kết tăng sinh, chống hoại tử.
6.3.2.3. Giới và tuổi
- Giới: một số bệnh hay gặp và dễ nặng lên ở nam (ung thư phổi, loét dạ dày tá tràng,
nhồi máu cơ tim), một số bệnh hay gặp ở nữ (ung thư vú, viêm túi mật).
- Tuổi: viêm, sốt ở cơ thể trẻ thường mạnh hơn so với cơ thể già. Triệu chứng lâm
sàng thường điển hình, có khi quá mức ở người trẻ. Do vậy hậu quả tốt xấu cũng thường
trái ngược nhau. Cơ thể trẻ có thể mau lành bệnh còn cơ thể già các biểu hiện bệnh kém rõ
rệt (khó chẩn đoán), lại dễ có biến chứng nguy hiểm khi viêm, sốt.
6.3.2.4. Ảnh hưởng của môi trường
- Thời tiết: nhiệt độ môi trường, độ ẩm, sức gió…đều ảnh hưởng tới bệnh sinh của
nhiều bệnh. Bệnh tật dễ phát sinh, tái phát hoặc nặng lên khi thời tiết thay đổi.
- Chế độ dinh dưỡng: dinh dưỡng năng lượng đặc biệt protein và vitamin ảnh hưởng
rất rõ rệt tới bệnh sinh của nhiều bệnh. Chế độ dinh dưỡng kém không những là điều kiện
thuận lợi để bệnh phát sinh, diễn biến xấu mà cũng là nguyên nhân gây bệnh (bệnh suy dinh
dưỡng).
6.3.2.5. Ảnh hưởng qua lại giữa toàn thân và tại chỗ trong bệnh sinh
Bệnh là một phản ứng toàn thân mà biểu hiện tại chỗ là chủ yếu. Quá trình bệnh lý tại
chỗ phụ thuộc vào tình trạng toàn thân, đồng thời ảnh hưởng sâu sắc tới toàn thân. Ví dụ
19
các bệnh trầm trọng ở cơ quan riêng lẻ như não, tim, gan…bao giờ cũng kèm theo những
rối loạn sâu sắc và nặng nề ở toàn thân.
Ngược lại, trạng thái toàn thân luôn ảnh hưởng tới cục bộ, trước hết là tới sự đề kháng
và hồi phục khi yếu tố bệnh nguyên xâm nhập tại chỗ.
6.4. Điều trị theo bệnh sinh và vòng xoắn bệnh lý
6.4.1. Điều trị theo cơ chế bệnh sinh
6.4.1.1. Điều trị triệu chứng
Là phương pháp dùng thuốc để làm giảm hoặc loại bỏ triệu chứng của bệnh. Ví dụ:
dùng thuốc hạ sốt để giảm sốt, dùng thuốc ho để giảm ho…
- Điều trị triệu chứng mới chỉ giải quyết phần ngọn mà chưa tác động vào cái gốc
(nguyên nhân) sinh ra triệu chứng đó, thậm chí còn gây tác hại. Ví dụ: dùng giảm đau trong
viêm ruột thừa cấp sẽ làm che lấp triệu chứng, không chẩn đoán và xử trí kịp thời, có thể
đưa đến hậu quả nghiêm trọng là vỡ ruột thừa, gây viêm phúc mạc cấp.
- Quan niệm đúng: trong nhiều trường hợp vẫn cần điều trị triệu chứng và có thể phối
hợp hay không phối hợp các cách điều trị khác. Ví dụ: Viêm họng cấp do nhiễm khuẩn, cần
phối hợp điều trị nguyên nhân bằng kháng sinh với việc điều trị các triệu chứng hạ sốt nếu
sốt cao và thuốc giảm ho. Tuy nhiên, một số trường hợp nhiễm virus chưa có thuốc điều trị
nguyên nhân nhưng vẫn cần phải điều trị triệu chứng như sốt cao, viêm long đường hô
hấp...
6.4.1.1. Điều trị theo cơ chế bệnh sinh
Đó là phương pháp điều trị dựa vào sự hiểu biết về cơ chế bệnh sinh của một bệnh, để
áp dụng các biện pháp dẫn dắt sự diễn biến của bệnh đó theo hướng thuận lợi nhất, đem lại
kết quả tôt đẹp nhất.
Quan niệm sai lầm trong điều trị: Ví dụ: Một bệnh nhân đến viện với lý do tiêu chảy
cấp do ngộ độc thức ăn, mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt. Rất sai lầm và có hại cho bệnh nhân
nếu điều trị bằng các thuốc chống tiêu chảy, thuốc nâng huyết áp. Thứ nhất, thuốc ngừng
tiêu chảy làm cho các chất độc không được đào thải ra ngoài, tích tụ lại trong cơ thể gây
nhiễm độc. Thứ hai, cơ chế tụt huyết áp ở đây là do mất nước, giảm khối lượng tuần hoàn,
nên dùng thuốc nâng huyết áp theo cơ chế co mạch (adrenalin) không có tác dụng.
Cách đúng nhất là điều trị theo cơ chế bệnh sinh. Trường hợp trên chúng ta cần dựa
theo cơ chế bệnh sinh để điều trị: bồi phụ nước, điện giải để nâng huyết áp và giúp thận đào
thải các chất độc ra khỏi cơ thể, đồng thời điều chỉnh rối loạn cân bằng kiềm toan do mất
nước, điện giải gây ra.
Một số trường hợp bắt buộc phải điều trị theo cơ chế bệnh sinh như: sốc, bỏng…Tóm
lại, phải có sự hiểu biết đầy đủ về sinh lý bệnh mới cơ thể điều trị tốt theo cơ chế bệnh sinh.
20
6.4.2. Vòng xoắn bệnh lý
Quá trình bệnh lý phức tạp thường diễn biến qua nhiều khâu, các khâu có liên quan mật
thiết với nhau, khâu trước là tiền đề xuất hiện khâu sau, khâu sau tác động trở lạị khâu trước
làm cho quá trình bệnh sinh ngày càng nặng hơn cứ thế hình thành một vòng khép kín tự
duy trì gọi là vòng xoắn bệnh lý.
Hình 1.2: Vòng xoắn bệnh lý trong sốc mất máu cấp

Mất máu Suy giảm Quá tải Tim kém


chức năng được nuôi
dưỡng

Vòng xoắn bệnh lý

Giảm thể tích Huyết áp tụt Tăng cường Tăng nhịp,


tuần hoàn thiếu oxy chức năng co mạch
não tim
Ví dụ:
- Khi mất đột ngột 10% thể tích máu cơ thể huy động một loạt các biện pháp thích nghi
do hệ giao cảm và hệ tim mạch chi phối, nhằm bù đắp khối lượng máu, duy trì huyết áp,
đảm bảo cơ bản lưu lượng tuần hoàn và nhu cầu oxy cho các cơ quan quan trọng nhất.
- Nếu mất 30 - 40% thể tích máu các biện pháp trên chỉ giúp cơ thể thích nghi được
trong một thời gian ngắn, mâu thuẫn sẽ phát sinh, hệ tim mạch bị quá tải nhưng lại kém
được nuôi dưỡng, huyết áp tụt dần, mạch nhanh nhỏ, kèm theo tình trạng lơ mơ, vã mồ hôi
chân tay lạnh, thể trạng xấu dần. Để thoát khỏi tình trạng này hệ giao cảm và tuần hoàn lại
phải tăng công xuất và vòng xoắn bệnh lý đã hình thành (hình 1.1).
Trong điều trị, cần sớm phát hiện vòng xoắn bệnh lý và tìm cách phá vỡ vòng xoắn
đó bằng việc tác động vào các khâu, đặc biệt là cắt đứt khâu chính. Khâu chính là một trong
những khâu chủ yếu, quan trọng nhất của vòng xoắn bệnh lý. Nếu tác động vào khâu chủ
yếu này thì vòng xoắn sẽ bị phá vỡ, sẽ loại bỏ được các rối loạn và hồi phục chức năng.

21
6.5. Diễn biến của quá trình bệnh sinh
6.5.1. Thời kỳ tiềm tàng (ủ bệnh)
Từ khi bệnh nguyên xâm nhập cho đến khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên. Tuỳ theo
tính chất, cường độ nơi xâm nhập của bệnh nguyên mà thời gian ủ bệnh rất khác nhau, có
thể không có thời gian ủ bệnh (bỏng, điện giật), có khi rất ngắn (sốc chảy máu cấp, nhiễm
độc), có thể kéo rất dài (bệnh dại, HIV/AIDS). Thời gian ủ bệnh cũng phụ thuộc vào trạng
thái cơ thể người bệnh.
6.5.2. Thời kỳ khởi phát
Bắt đầu từ khi triệu chứng đầu tiên xuất hiện cho đến khi có các triệu chứng điển hình.
Một số bệnh có các triệu chứng khá đặc trưng, dễ chẩn đoán nhưng cũng có những bệnh rất
khó phân biệt, khó chẩn đoán phải dùng nhiều xét nghiệm cận lâm sàng và điều trị thử...mới
xác định được.
6.5.3. Thời kỳ toàn phát
Các triệu chứng xuất hiện rõ rệt và tương đối đầy đủ, người thầy thuốc chẩn đoán
chính xác được bệnh. Thời gian toàn phát cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Dựa vào tính
chất và thời gian diễn biến để chia ra bệnh cấp tính hay bán cấp.
6.5.4. Thời kỳ kết thúc của bệnh
Sau thời kỳ tiềm tàng, khởi phát, toàn phát thì đến thời kỳ kết thúc của bệnh. Bệnh có
nhiều cách kết thúc: khỏi hoàn toàn hoặc tử vong.
6.5.4.1. Khỏi bệnh
Là một quá trình bao gồm: loại trừ yếu tố gây bệnh và phục hồi. Tuỳ theo mức độ hồi
phục về cấu trúc và chức năng của các mô, các cơ quan mà chia ra:
- Khỏi hoàn toàn: hết hẳn bệnh, cơ thể hoàn toàn phục hồi trạng thái sức khoẻ như khi
chưa mắc bệnh.
- Khỏi không hoàn toàn: các triệu chứng chủ yếu đã hết, các rối loạn chính đã được
khắc phục nhưng cấu trúc và chức năng không được phục hồi hoàn toàn, vẫn còn dấu tích
của bệnh (sau gẫy xương, sau các phẫu thuật cắt cụt, thay thế các cơ quan, sau khi điều trị lao
khớp, viêm thận ...). Tuy nhiên, một số trường hợp khó phân biệt khỏi hoàn toàn hoặc không
hoàn toàn, ví dụ cắt bỏ một thận, thận kia vẫn đảm bảo chức năng bình thường.
Khỏi không hoàn toàn có thể để lại trạng thái bệnh lý hoặc để lại di chứng.
+ Để lại di chứng: bệnh đã hết nhưng hậu quả về giải phẫu và chức năng thì vẫn còn lâu
dài (sau viêm não trí nhớ giảm sút, gẫy xương đã liền nhưng có di lệch, khó cử động...).
+ Để lại trạng thái bệnh lý: diễn biến rất chậm và đôi khi có thể sấu đi, khó khắc phục.
Ví dụ: chấn thương bị cắt cụt một ngón tay, vết thương còn để lại sẹo lớn.

22
6.5.4.2. Tái phát, tái nhiễm, chuyển sang mãn tính
- Tái phát, tái nhiễm: đều mắc lại bệnh cũ, nhưng tái phát là yếu tố gây bệnh vẫn tồn
tại trong cơ thể nay gây bệnh trở lại, còn tái nhiễm là yếu tố gây bệnh từ ngoài xâm nhập
trở lại
- Chuyển sang mãn tính: tức là giảm hẳn tốc độ tiến triển. Không kể những bệnh diễn
biến mãn tính ngay từ đầu (xơ gan, xơ vữa động mạch), còn có những bệnh từ cấp tính
chuyển sang mãn tính. Có thể có những thời kỳ được coi như đã khỏi, hoặc đã ngừng diễn
biến, hoặc diễn biến hết sức chậm, nhưng sẽ tái phát và có thể có những đợt cấp (tiến triển
nhanh hơn).
6.5.4.3. Chết (tử vong)
Hiện nay hầu hết tử vong là do bệnh, rất ít khi là do già. Khi chết tất cả các cơ quan,
bộ phận ngừng hoạt động không cùng một lúc mà có bộ phận ngừng trước, bộ phận ngừng
sau. Các giai đoạn chết: gồm có 2 – 4 giai đoạn:
- Giai đoạn tiền hấp hối: kéo dài nhiều giờ tới vài ngày biểu hiện bằng khó thở, hạ
huyết áp, nhịp tim nhanh và rất yếu, tri giác giảm (có thể lú lẫn, hôn mê).
- Giai đoạn hấp hối: các chức năng dần dần suy giảm toàn bộ, kể cả có rối loạn (co
giật, rối loạn nhịp tim, nhịp thở...) thường kéo dài từ 2 đến 4 phút, nhưng cũng có thể ngắn
hơn hoặc dài hơn.
- Giai đoạn chết lâm sàng: các dấu hiệu bên ngoài của sự sống không còn nữa (tim,
phổi ngừng hoạt động). Tuy nhiên nhiều tế bào của cơ thể còn sống kể cả não thậm chí vẫn
còn hoạt động chức năng. Nhiều trường hợp chết lâm sàng vẫn có thể hồi phục.
- Chết sinh vật: não chết hẳn không còn khả năng hồi phục.
Tóm lại:
Trong cơ thể sống mỗi tế bào đều có đặc trưng riêng để thực hiện được chức năng
của chúng. Tuy nhiên, chúng đều có liên quan chặt chẽ với nhau và có những đặc điểm
chung là: thay cũ đổi mới, tính chịu kích thích và tính sinh sản giống mình. Mỗi cơ quan
là tập hợp của nhiều tế bào, mỗi cơ quan đảm nhiệm một chức năng chuyên biệt, nhưng
đều cho kết quả cuối cùng là duy trì hằng tính nội môi. Nội môi ổn định lại chính là môi
trường thuận lợi để các tế bào trong cơ thể tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, các tế bào
phải luôn thực hiện chuyển hoá, sự hoạt động này đã luôn làm thay đổi thành phần của
nội môi. Hơn nữa, để thích ứng với sự thay đổi của môi trường, các hoạt động chức
năng của các cơ quan, hệ thống cơ quan luôn phải thay đổi, những thay đổi này cũng
23
góp phần làm thay đổi thành phần nội môi. Vì vậy, cơ thể lại bắt đầu điều hòa hoạt động
chức năng của một hay nhiều cơ quan bằng con đường thần kinh và thể dịch để thích
ứng với môi trường. Khi có rối loạn điều hòa hoạt động chức năng của cơ thể dẫn đến
rối loạn hằng định nội môi, rối loạn chức năng cơ quan, mô, tees bào trong cơ thể dẫn
đến bệnh. Chúng ta cần phải có mộtquan niệm đúng đắn về bệnh, nguyên nhân gây bệnh
và cơ chế bệnh sinh giúp các thầy thuốc có thể tiên lượng, điều trị và phòng bệnh một
cách có hiệu quả. Đặc biệt, đứng trước một bệnh nặng và phức tạp, người thầy thuốc
cần xác định sớm được vòng xoắn bệnh lý và cắt đưt vòng xoắn bệnh lý là một việc vô
cùng quan trọng giúp điều trị hiệu quả an toàn cho tính mạng của bệnh nhân.

24

You might also like