You are on page 1of 13

CÁC PHƯƠNG THỨC ĐỊNH HÌNH NGÔN TỪ

1. Mấy khái niệm mở đầu


Cấu trúc đơn giản nhất của một quá trình giao tiếp bằng ngôn ngữ là
bao gồm bốn thành tố như sau: (A) - người phát ngôn; (B) - người tiếp
ngôn; (C) - ngôn ngữ được sử dụng; (D) - ngôn từ được tạo ra và được tiếp
nhận trong quá trình đó.
Tuy nhiên, nếu đứng ở một góc độ khác, tập trung sự chú ý nhiều hơn
đến quá trình tạo ra ngôn từ như là một loại hình lao động đặc biệt của con
người, đến sự hình thành và tồn tại vật chất của các ngôn từ , thì chắc hẳn
chúng ta sẽ hình dung ra rằng: lao động tạo ra ngôn từ (dù là chuyên nghiệp
hay không chuyên nghiệp) đều có cấu trúc chung bao gồm bốn thành tố
như sau: (E) - vật liệu lao động ngôn từ (Td: là không khí, nhờ đó sóng âm
tạo ra từ miệng và truyền đi, là giấy mực, nhờ đó chữ viết hiện lên và lưu
lại, v.v...); (F) - công cụ lao động ngôn từ (Td: là cơ quan phát âm ở mỗi
người, là cái bút hay viên phấn nhờ đó mà viết ra chữ, v.v...); (G) - bản thân
hành động tạo ra ngôn từ, tức là hoạt động hành ngôn (nói ra, viết ra v.v...)
theo nghĩa hẹp là chỉ sự vận dụng ngôn ngữ để tạo ra ngôn từ, nhưng theo
nghĩa rộng có thể bao gồm cả việc sử dụng các vật liệu và công cụ vật chất
để tạo ra các ngôn từ cụ thể; (H) - sản phẩm lao động ngôn từ, tức là một
ngôn từ cụ thể được định hình bởi một dạng vật chất nhất định (Td: lời
giảng bài của thầy giáo trong lớp học, một bức thư viết trên giấy bằng bút
mực, một bài thơ dược khắc trên vách đá, v.v...).
Đem so sánh cấu trúc của sự kiện giao tiếp ngôn từ - được viết tắt
dưới dạng X (A,B,C,D), với cấu trúc của sự kiện lao động ngôn từ - được
viết tắt dưới dạng Y (E,F,G,H), chúng ta sẽ nhận thấy rằng:
- Thành tố (H) trong cấu trúc Y có sự tương ứng nhất định với thành
tố (D) trong cấu trúc X. Cả hai đều là sản phẩm của hoạt động ngôn ngữ,
song nội hàm của (H) có phần rộng hơn (D); nếu như (D) chỉ là sản phẩm
do chính chất liệu ngôn ngữ tạo nên, thì (H), ngoài cái đó ra, còn mang

NGUYỄN QUANG HỒNG 341


những thuộc tính vật chất do vật liệu và công cụ lao động ngôn từ đưa lại.
Bởi vậy, liên quan với thuật ngữ hành ngôn đã được hiểu với hai nghĩa hẹp
và rộng như trên kia, ở đây thiết tưởng cũng nên dùng thuật ngữ ngôn từ
với nghĩa hẹp để chỉ (D) và với nghĩa rộng để chỉ (H). Tất nhiên, tuỳ theo
văn cảnh, các nghĩa rộng hẹp khác nhau đó sẽ được tiếp nhận một cách
thích hợp (1).
- Ngoài (D) và (H) ra, không còn có một sự tương ứng nhất định nào
giữa các thành tố khác trong hai cấu trúc X và Y đã cho. Tuy các nhân tố
(A) (B) (C) không hiện diện trong công thức Y (E,F,G,H), nhưng chúng
bao giờ cũng là tiền đề của lao động ngôn từ và trực tiếp chi phối toàn bộ
sự kiện lao động ngôn từ. Thế nhưng cũng cần thấy rằng chủ thể của lao
động ngôn từ không phải bao giờ cũng chỉ là người phát ngôn (A), mà
nhiều khi phải qua bàn tay trung gian nào đó mới có thể đưa đến thành
phẩm ngôn từ (H) ( Td: thợ khắc bài thơ lên vách đá, thợ xếp chữ trong nhà
in v.v...).
Các thành tố (G) và (H) trong cấu trúc lao động ngôn từ Y bao giờ
cũng liên quan trực tiếp với ngôn ngữ sử dụng (C). Trong khi đó thì hai
thành tố (E) và (F) lại hầu như không hề có mối liên quan tất yếu nào với
ngôn ngữ được sử dụng trong lao động ngôn từ. Như vậy, hai thành tố (E)
và (F) chỉ là những yếu tố vật chất, phi ngôn ngữ, nhưng trực tiếp tham gia
vào sự định hình nên một ngôn từ cụ thể. Đó chính là hai thành tố hợp
thành phương thức định hình ngôn từ. Chúng ta gọi phương thức định
hình ngôn từ là sự phối hợp giữa hai thành tố vật liệu và công cụ trong
lao động ngôn từ để sản phẩm hành ngôn được định hình dưới một dạng
thức vật chất nhất định.
Cần phải thừa nhận rằng tất cả các yếu tố (A,B,C) và (E,F,G) trong cả
hai loại hình cấu trúc kể trên, một cách riêng lẻ hoặc trong sự phối hợp với
nhau, đều có tác dụng trong việc tạo thành và thẩm định sản phẩm hành
ngôn (D/H) - tức là các ngôn từ cụ thể. Tuy nhiên, trong bài này chúng ta
hãy tập trung sự chú ý vào hai nhân tố vật liệu ngôn từ (E) và công cụ ngôn
từ (F), tức là các nhân tố hợp thành các phương thức định hình ngôn từ, và
những hệ quả nảy sinh từ chúng.

342 NGÔN NGỮ - VĂN TỰ - NGỮ VĂN


2. Các phương thức định hình ngôn từ
Theo sự phát triển của xã hội loài người, tuỳ thuộc vào trình độ văn
minh của mỗi dân tộc mà các ngôn ngữ cụ thể có thể được sử dụng với sự
tham gia của các loại phương thức định hình ngôn từ ngày càng phong phú
và đa dạng, và ở những mức độ phổ biến khác nhau. Xem xét một cách
tổng quát mọi phương thức định hình ngôn từ vốn có, từ đơn giản và tự
nhiên nhất cho đến tinh vi và hiện đại nhất, chúng ta có thể phân chia
chúng ra thành bốn loại hình cơ bản là phương thức nói miệng, phương
thức tạo tay, phương thức in ấn và phương thức truyền thông. Dưới đây sẽ
lần lượt xem xét những đặc trưng chủ yếu của từng loại phương thức định
hình cơ bản này.
1. Phương thức nói miệng (viết tắt: M)
Đây là phương thức định hình tự nhiên nhất, là phương thức tối thiểu
nhưng được sử dụng tối đa đối với mọi ngôn ngữ. Trong đó bộ máy phát
âm ở mỗi người là công cụ tạo nên chấn động âm học, và không khí là vật
liệu định hình và truyền đi các sóng âm, tạo nên ngôn từ thành tiếng trong
quá trình giao tiếp trực diện.
Có thể hình dung được rằng, ở vào thời điểm sơ khai của xã hội loài
người, và ngay cả hiện nay đối với những bộ tộc chưa có chữ viết lại sống
biệt lập với các dân tộc văn minh khác, thì phương thức nói miệng đã và
đang là phương thức định hình duy nhất được sử dụng để tạo ra ngôn từ
trong quá trình giao tiếp. Còn đối với những dân tộc có trình độ văn minh
tương đối cao, thì ngoài phương thức nói miệng, ngôn ngữ của họ còn được
sử dụng với sự tham gia của nhiều phương thức định hình ngôn từ khác nữa.
Song dẫu thế nào mặc lòng, xét theo toàn thể xã hội cũng như xét theo từng
cá nhân, thì trong cuộc sống tự nhiên và bình thường, phương thức nói
miệng bao giờ cũng là phương thức chủ yếu, chiếm tỉ lệ lớn nhất trong toàn
bộ hoạt động giao tiếp bằng ngôn từ trong đời sống hằng ngày của xã hội
và của mỗi người.
Theo phương thức nói miệng, nhìn chung các ngôn từ chỉ được tạo ra
một cách tức thời và tại chỗ, không lưu lại về thời gian và không truyền đi
xa trong không gian. Sự định hình vật chất của ngôn từ nói miệng tự nhiên
bao giờ cũng là lâm thời. Nơi lưu trữ duy nhất, nếu có thể gọi như vậy, của
các ngôn từ nói miệng là trí nhớ của người nói và người nghe. Thế nhưng

NGUYỄN QUANG HỒNG 343


các ngôn từ này có được khôi phục lại hay không là còn tuỳ thuộc vào nhu
cầu giao tiếp, chứ không chỉ là do trí nhớ cho phép hay không. Xét về sự
cần thiết phải ghi nhớ và nhu cầu cần lặp lại (khôi phục lại), ta có thể phân
biệt mấy trường hợp sau đây đối với ngôn từ nói miệng:
a. Ngôn từ nói miệng nói ra và nghe xong thì thôi, không cần ghi nhớ
và lặp lại trong một lần giao tiếp nào khác. Nhìn chung, đây là trường hợp
phổ biến của ngôn từ đàm thoại trong sinh hoạt thường nhật của bất cứ ai.
b. Ngôn từ nói miệng nghe xong có thể hoặc cần phải ghi nhớ để sau
đó truyền đạt lại cho người nào (hoặc những người nào) khác biết. Nói
chung, đây là trường hợp của những ngôn từ mang tính chất truyền tin
(nhắn tin, đưa tin hoặc loan báo, lời đồn).
c. Những ngôn từ nói miệng mà người nói không tự mình tạo ra, cả
người nói và người nghe đều thừa nhận là có sẵn, không rõ xuất xứ, đã từ
lâu được nhiều người ghi nhớ và khi cần thiết có thể khôi phục lại trong
nhiều lần giao tiếp khác nhau. Đây là trường hợp của những ngôn từ truyền
miệng dân gian (Td: các câu truyện kể, các câu tục ngữ, ca dao v.v...), luôn
được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Do được khôi phục theo trí
nhớ và được gia công bởi nhiều người, tính dị bản của các ngôn từ lưu
truyền (truyền miệng dân gian) là điều không thể tránh khỏi.
Trên đây là tình hình của ngôn từ nói miệng tự nhiên, nó tồn tại từ khi
xã hội chưa có chữ viết cho đến ngày nay. Sau khi có chữ viết, ngoài ngôn
từ nói miệng tự nhiên, người ta còn dùng đến những ngôn từ nói miệng tái
tạo lại trên cơ sở những dàn ý, kịch bản hay văn bản đã viết trước như
trong trường học (với lời giảng bài của giáo viên), trên sân khấu (với lời
thoại của các nhân vật, hoặc nghệ sĩ diễn xướng một bài thơ đã viết sẵn,
v.v.).
2. Phương thức tạo tay (viết tắt : T)
Phát minh ra chữ viết là một bước tiến cực kỳ quan trọng của loài
người trong việc mở mang khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ trong không
gian và qua thời gian. Sau khi có chữ viết, các ngôn từ khác nhau không chỉ
được định hình trong không khí, và do đó tránh được phần nào tình trạng
“ lời nói gió bay “. Với chữ viết, trong lao động tạo ra ngôn từ người ta đã
sử dụng hàng loạt các loại vật liệu và công cụ định hình khác nhau, mà bàn

344 NGÔN NGỮ - VĂN TỰ - NGỮ VĂN


tay mỗi người (biết chữ) có thể tác động lên đó để tạo ra các loại ngôn từ
dưới hình thức chữ viết - tức là văn bản. (2).
Để có cái nhìn khái quát về các loại vật liệu và công cụ được sử dụng
trong phương thức định hình tạo tay, chúng ta có thể phân chia chúng theo
tiêu chí chuyên dùng hay không chuyên dùng cho việc định hình văn bản.
Các vật liệu và công cụ chuyên dùng bao giờ cũng là sản phẩm công nghệ
(giấy, mực, bút v.v...), người ta sản xuất ra chúng cốt để cung cấp cho
những ai có nhu cầu tạo ra văn bản. Tuy nhiên, trong thực tế cũng có không
ít trường hợp các văn bản được tạo ra đã không dùng đến hoặc không hoàn
toàn dùng đến các vật liệu và công cụ chuyên dùng. Chẳng hạn, một viên
phấn (công cụ chuyên dùng) có thể dùng để viết bài học lên bảng đen (vật
liệu chuyên dùng), mà cũng có thể dùng nó để viết gì đó lên bức tường đầu
ngõ (vật liệu không chuyên dùng). Hay như trong trường hợp cụ Nguyễn
Du để cho Thuý Kiều “Rút trâm sẵn giắt mái đầu. Vạch da cây vịnh bốn
câu ba vần “, ta có được một văn bản (bài thơ tứ tuyệt) mà công cụ (trâm)
và vật liệu (da cây) định hình ra nó đều là công cụ không chuyên dùng.
Các loại ngôn từ được định hình theo phương thức tạo tay là vô cùng
phong phú và đa dạng. Nếu căn cứ vào cách thức và hệ quả tác động của
công cụ lên vật liệu thì chúng ta cũng có thể phân biệt hai loại hình chủ yếu
các văn bản viết tay và các văn bản khắc tay. Ngoại trừ những trường hợp
đặc biệt (như lấy que viết lên mặt đất chẳng hạn), sự phân biệt viết và khắc
trên đại thể có thể hình dung như sau: Nếu công cụ tác động lên bề mặt của
vật liệu một cách nhẹ nhàng, không gây "thương tích" gì trên bề mặt vật
liệu, mà các dòng chữ vẫn hiện lên (qua màu sắc của vật xúc tác là phấn,
mực viết…), thì đó là trường hợp của những văn bản viết tay. Còn nếu
công cụ tác động lên vật liệu với một áp lực tương đối lớn để tạo ra trên bề
mặt vật liệu những vết hằn xuống hoặc nổi lên tương ứng với các dòng chữ,
thì đó là trường hợp của những văn bản khắc tay (còn gọi là văn bản chạm
khắc), gọi tắt là văn khắc.
Nói chung, vật liệu thích hợp cho việc định hình các văn bản khắc tay
là những bề mặt chất rắn như đá, kim loại, gỗ, đất sét v.v..., và công cụ
cũng phải là vật nhọn, sắc và cứng như dao, đục, dùi v.v... Các văn bản
được khắc trên xương thú, mai rùa, vách đá, thân cây hoặc trên bia, chuông,
khánh, biển gỗ, gạch nung v.v... đều là được định hình theo phương thức
khắc tay. Do tính chất tương đối bền chắc của vật liệu định hình, các văn

NGUYỄN QUANG HỒNG 345


bản khắc tay nói chung thường được lưu truyền lâu dài về sau và trong
nhiều trường hợp chúng thường tồn tại với các di tích hay di vật kỷ niệm.
Nếu không kể vô số những công cụ và vật liệu không chuyên dùng
nhưng lâm thời có thể được sử dụng để tạo ra các văn bản viết tay (Td:
dùng vôi trắng viết chữ lên tấm cót, dùng hòn than viết chữ lên tường nhà,
v.v...), thì các vật liệu và công cụ chuyên dùng cho việc tạo thành các văn
bản viết tay thông thường là giấy (đủ các loại), bút (đủ các loại) với vật liệu
phụ kèm là mực (cũng đủ các loại khác nhau). Ngoài ra cũng phải kể đến
các loại phấn viết và bảng viết, thường được dùng đến trong nhà trường và
ở một số nơi công cộng. Có thể nhận thấy rằng trên bề mặt của vật liệu định
hình (gỗ, lụa, giấy...) các dòng chữ được hiển thị là do có chất màu từ công
cụ định hình (mực, chì, phấn, than...) truyền sang. Nói chung các văn bản
viết tay được định hình nhanh gọn, ít tốn công phu hơn so với các văn bản
khắc tay, nhưng tính bền vững của chúng, do vật liệu quy định, thường là
không lâu dài bằng văn khắc.(3)
Việc nhân bản hay khôi phục lại các bản văn khắc với chất liệu tương
tự như nguyên bản nói chung ít khi được đặt ra, trừ khi có nhu cầu cần phải
khôi phục, trùng tu toàn bộ di tích hay di vật có liên quan. Khi có nhu cầu
thu thập tư liệu để nghiên cứu, người ta có thể tiến hành sao chép hoặc in
rập các bản văn khắc ấy (như văn khắc trên bia, chuông, biển gỗ v.v...) lên
mặt giấy. Các bản sao và bản rập như thế mặc dù trong nhiều trường hợp
có thể đại diện cho nguyên bản văn khắc, song bản thân chúng không phải
là văn bản khắc tay, mà đã được tạo thành bằng các phương thức định hình
khác hẳn (hoặc là viết tay hoặc là in ấn, và ngày nay dùng cả photocopy).
Đối với các văn bản viết tay thì việc tái tạo hay nhân bản chúng bằng
chính phương thức viết tay (sao chép) là chuyện vẫn thường đặt ra và thực
hiện khá phổ biến, nhất là đối với các văn bản là bản thảo công trình học
thuật, văn chương hoặc tư liệu. Bài vở của học sinh, thư từ giữa các cá nhân
v.v... nói chung không có nhu cầu sao chép, nhân bản, nếu không muốn
biến chúng thành tư liệu cho vấn đề nào đó cần nghiên cứu. Việc sao chép
bằng phương thức viết tay, dù là với bàn tay chuyên nghiệp, cũng khó lòng
tránh khỏi mọi sự sai sót xê dịch, thậm chí là “tam sao thất bản”.
Ngoài các văn bản viết tay và khắc tay ra, theo phương thức tạo tay
còn có thể kể đến những văn bản đặc biệt khác, trong đó có các dòng chữ
được hình thành là do tô đắp (Td: câu đối đắp bằng xi-măng hay vôi vữa ở

346 NGÔN NGỮ - VĂN TỰ - NGỮ VĂN


trụ cổng đình chùa), lắp ghép (Td: cắt chữ dán khẩu hiệu lên vải), thêu thùa
(Td: thêu chữ lên bức trướng, lên áo khoác) v.v...Thông thường, đó đều là
những văn bản gắn với nghệ thuật trang trí. Dù là trong trường hợp nào
(viết, khắc, lắp ghép, cắt dán v.v...), thì người tạo ra văn bản cũng bằng bàn
tay của mình dùng công cụ để làm hiện lên trên vật liệu định hình từng chữ
một, từ đầu cho đến cưối văn bản. Mỗi văn bản được tạo ra theo từng lần
riêng lẻ, chứ không sản xuất đồng loạt.
Còn có một loại văn bản tạo tay đặc biệt, có lẽ là trường hợp trung
gian giữa “viết tay” và “khắc tay”. Đó là những văn bản kinh nhà chùa thể
hiện trên lá buông, mà các sư thầy người Khmer thường tạo ra và sử dụng
trong các chùa ở Nam Bộ. Lá buông là loại lá dài, được phơi khô và ép
phẳng, rồi cắt thành từng phiến hẹp và dài. Mối phiến lá được chia thành
dòng theo chiều dọc (thường là 5 dòng). Nhà sư dùng một loại bút cán gỗ,
đầu bút gắn một mẩu nhọn kim loại, viết đè lên lá buông, tạo thành những
dòng chữ chìm theo độ nhấn của đầu bút. Sau đó dùng túi mực vuốt lên,
các dòng chữ sẽ hiện lên và dễ dàng đọc được.
3. Phương thức in ấn (viết tắt: I)
Đây là phương thức dựa vào chữ viết để tạo ra và đồng thời nhân
bản các ngôn từ thành văn một cách đồng loạt. Dễ dàng nhận thấy rằng,
kể từ khi loài người phát minh ra phương thức in ấn thì việc định hình và
nhân bản ngôn từ bằng phương thức này dần dần trở thành một nghề
nghiệp kinh doanh trong xã hội, và các văn bản đươc sản xuất ra hàng loạt
đã thực sự trở thành hàng hoá, ngày càng thịnh hành và đa dạng.
Ngày nay, các ngôn từ có thể được in ấn bằng rất nhiều cách thức
khác nhau. Nhưng có ba loại là phương thức in ấn chủ yếu, đã lần lượt
xuất hiện trong lịch sử văn minh của nhân loại, và cho đến nay chúng vẫn
không hoàn toàn loại trừ lẫn nhau.
a. Phương thức khắc in (xylography). Đây là phương thức in ấn thủ
công. Theo phương thức này, với một ngôn từ đã được thảo sẵn (viết tay),
người ta dùng dao nhọn khắc từng dòng chữ lên một tấm ván đã bào nhẵn.
Cần lưu ý là các chữ (và hình vẽ, nếu có) đều phải khắc ngược (khác với
khi khắc chữ để tạo ra các bản văn khắc trên bia đá, biển gỗ ... như đã
trình bày ở trên). Mỗi tấm ván đã được khắc chữ ngược như thế sẽ làm
thành một khuôn in, sau khi tẩm mực, sẽ lần lượt in lên mặt giấy (thường

NGUYỄN QUANG HỒNG 347


là các loại giấy bản, xốp mềm, dễ thấm mực) để cho ra các bản in. Như
vậy, không kể việc soạn ra bản thảo ngôn từ thì toàn bộ quy trình sản xuất
ra các văn bản khắc in bao gồm hai công đoạn: ở bước một, công cụ và
vật liệu định hình là dao nhọn và các tấm gỗ đã bào nhẵn; ở bước hai,
công cụ là khuôn in (các tấm ván đã khắc chữ ngược) được tẩm mực và
vật liệu định hình là giấy (đôi khi là vải, lụa...). (4) Nếu ngôn từ là một tác
phẩm dài, số lượng ván khắc có thể nhiều, các bản in ra theo thứ tự sẽ
được sắp xếp lại và đóng thành tập sách. Ngược lại, các văn bản khắc in
ngắn nhất, nhỏ nhất, thường là các bản in ra từ những khuôn in là con dấu,
ấn triện, khuôn nhãn hiệu hàng hoá v.v... Vật liệu tạo nên các khuôn in
này thường là gỗ, nhưng cũng có thể là kim loại (đồng, bạc, vàng ...), đá
quý, ngọc.
b. Phương thức xếp chữ (typogaphy). Với việc sáng chế ra các con
chữ rời bằng kim loại tương ứng với các chữ cái trong các hệ thống văn tự
phiên âm, nghề in xếp chữ đã trở thành một thứ công nghệ (5). Trong công
nghệ này, qua bàn tay người thợ, một số lượng khá lớn các chữ rời kim
loại sẽ được sắp xếp thành khuôn chữ (theo bản thảo cho trưóc), chế ra
bản kẽm, cùng với cỗ máy in vận hành làm thành một thứ công cụ định
hình văn bản khá quy mô và phức tạp. Còn vật liệu định hình văn bản vẫn
là giấy (đủ các loại) với chất phụ kèm là mực in (cũng đủ các loại).
Phương thức in ấn xếp chữ tỏ ra rất có hiệu quả trong việc nhanh chóng
nhân bản một cách đồng loạt một tác phẩm ngôn từ ra thành một số
lượng lớn các phiên bản, do đó có thể cung cấp một lúc hàng nghìn hàng
vạn bản in đến tận từng người đọc riêng lẻ. Chính vì vậy mà các ngôn từ
có tính chất thông báo kịp thời những tin tức, sự kiện xảy ra hàng ngày
trong xã hội - ngôn từ báo chí, chỉ có thể thực sự hình thành và phát
triển mạnh mẽ sau khi phương thức in ấn xếp chữ được sử dụng rộng rãi.
Về nguyên tắc, tất cả các bản in ra từ một khuôn in đều là đồng nhất về
mặt văn bản học.
c. Phương thức sao chụp (photocopy). Phương thức in ấn này hiểu
theo nghĩa hẹp có thể chỉ là dùng kỹ thuật điện quang để sao chụp và nhân
bản nguyên dạng các văn bản đã được định hình từ trước theo các phương
thức khác (viết tay, khắc tay, khắc in, in ty-pô ...). Tât nhiên, kích thước
bản sao chụp có thể thu nhỏ lại hoặc phóng to hơn so với nguyên bản.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp (trong kỹ thuật in xê-len, in ôp-set),

348 NGÔN NGỮ - VĂN TỰ - NGỮ VĂN


việc định hình nên các bản mẫu (khuôn in) cũng là một công đoạn nằm
ngay trong quy trình của phương thức sao chụp. Phương thức sao chụp,
hiểu theo nghĩa rộng, có thể bao gồm cả công nghệ vi xuất bản mới xuất
hiện gần đây với sự ứng dụng máy vi tính vào tất cả các khâu trong quá
trình in ấn: từ sắp chữ la-de để tạo nên bản mẫu cho đến in chụp ra các
bản in cuối cùng. Với kỹ thuật hiện đại, người ta có thể truyền đi xa các
trang in hoặc bản mẫu qua sóng điện tử, và từ nơi xa có thể in chụp lại
nhanh chóng các trang in đó. Như vậy, cũng có thể thấy rõ mối liên quan
của công nghệ in ấn này với phương thức truyền thông sẽ nói đến dưới
đây.
Ngoài các phương thức in ấn chủ yếu kể trên, còn có một số các
phương thức in ấn khác như đánh máy chữ, in rô-nê-ô, in li-tô v.v...vốn đã
từng được sử dụng khá rộng rãi trong những điều kiện eo hẹp, với quy mô
in ấn nhỏ và gọn nhẹ, nhất là đối với máy chữ. Cũng cần phải kể đến một
loại phương thức in ấn đặc biệt nữa là in đúc hoặc in dập, trong đó vật
liệu tạo nên khuôn in (khuôn đúc hoặc khuôn dập) đều là kim loại rắn,
còn vật liệu trực tiếp định hình nên các văn bản thường là những kim loại
dễ nóng chảy và mềm dẻo. Đó là trường hợp các văn bản kèm theo trên
bề mặt những đồng tiền, những tấm huy hiệu, những vỏ đồ hộp v.v...
4. Phương thức truyền thông ( viết tắt: K)
Đây là phương thức định hình ngôn từ sử dụng những kỹ thuật nghe
- nhìn hiện đại một cách tổng hợp. Theo phương thức truyền thông, các
ngôn từ được tạo ra (hoặc được phiên chuyển, tái tạo lại), được nhân bản,
lưu giữ, truyền đi và tiếp nhận với sự tham gia của các phương tiện thu
phát âm - hình hiện đại. Để tiện hình dung một cách khái quát, ta có thể
phân biệt các loại định hình ngôn từ truyền thông như sau: a) thu - phát
âm thuần tuý; b) thu - phát hình (văn bản) thuần tuý; c) hỗn hợp cả hai:
vừa thu - phát âm, vừa thu - phát hình song song.
a. Thu - phát âm thuần tuý. Thí dụ đơn giản nhất cho loại định hình
ngôn từ này là nói chuyện qua máy điện thoại (telephone). Ở đây, ngôn từ
đàm thoại vốn định hình tự nhiên theo phương thức nói miệng được
truyền đi qua máy điện thoại và chuyển đến cho người tham gia đối thoại
ở xa (không trực diện). Ngôn từ phát ra từ phát thanh viên ở đài phát
thanh, truyền đi theo làn sóng điện, và người nghe thu nhận được bằng

NGUYỄN QUANG HỒNG 349


máy ra-đi-ô, cũng là được định hình theo phương thức thu - phát âm thanh.
Ngày nay, với sự xuất hiện của kỹ thuật ghi âm trên băng từ và sản xuất
ra đủ các loại máy cát-sét, việc thu - phát âm thanh của ngôn từ (nói
miệng hoặc được tái tạo lại thành tiếng theo văn bản có sẵn) đã trở nên rất
phổ biền và vô cùng tiện lợi trong đời sống mọi người.
b. Thu - phát hình thuần tuý. Chẳng hạn những văn bản có sẵn (Td:
một văn bản di chúc, một trang sách cổ v.v...) hoặc lâm thời được tạo ra
(Td: những dòng chữ và sơ đồ, công thức do diễn giả viết ra giấy trong
khi đang thuyết trình ở hội thảo), qua một hệ thống đèn chiếu có thể được
phóng to và chiếu lên màn ảnh để mọi người xem và đọc. Với kỹ thuật
điện quang, người ta cũng có thể tạo ra và chiếu các biểu ngữ, các dòng
quảng cáo, thông báo thời tiết v.v...lên màn ảnh điện trên đường phố,
hoặc trên màn ảnh trong rạp hát. Người ta cũng có thể chuyển các văn bản
tương tự qua làn sóng truyền hình và tiếp nhận chúng qua máy ti-vi
(televison) hoặc qua các thiết bị thông tin, bưu điện hiện đại.
c. Thu - phát âm - hình hỗn hợp. Đây là những trường hợp mà trong
đó cả hai hình thức âm thanh và chữ viết của ngôn từ đều được đồng thời
phát đi, ghi lại và tiếp nhận. Có thể bắt gặp những ngôn từ - văn bản như
vậy trên màn ảnh trong rạp chiếu bóng, trên máy ti-vi, máy vidéo, máy vi
tính (computer), qua các hệ thống điều khiển truyền hình trong nhà máy,
ở cửa hàng, qua các thiết bị nghe - nhìn trong lĩnh vực thông tin - thư viện
và bưu điện - truyền thông hiện đại.
Trong các quá trình định hình ngôn từ theo phương thức truyền
thông, các thao tác thu và phát, lưu giữ và truyền đi, truyền đi và tiếp
nhận có khi là tách bạch nhau, nhưng cũng có khi được tiến hành đồng
thời. Một điều đáng lưu ý nữa là, trong các phương thức định hình ngôn
từ truyền thông, công cụ và vật liệu định hình không phải bao giờ cũng
tách biệt nhau, mà nhiều khi thống nhất với nhau làm một.
Đặc điểm chung của các ngôn từ truyền thông là chúng hầu như đều
được tái tạo, gia công lại trên cơ sở những ngôn từ đã được định hình
bằng các phương thức khác (nói miệng, tạo tay, in ấn). Sự tái tạo, gia
công đó được thực hiện bằng các phương tiện truyền thông hiện đại, phát
huy cao độ khả năng nghe - nhìn trong giao tiếp ngôn ngữ, chữ viết. Theo
sự phát triển nhanh chóng của kỹ thuật nghe - nhìn, các ngôn từ truyền

350 NGÔN NGỮ - VĂN TỰ - NGỮ VĂN


thông ngày càng phong phú, đa dạng. Song xét về nội dung và phạm vi sử
dụng thì ngôn từ truyền thông trên đại thể có thể chia làm hai loại chính:
- Ngôn từ truyền thông đại chúng (mass comunication) có mặt rộng
rãi trong mọi hoạt động xã hội hàng ngày với sự tham gia của nhiều loại
máy thu phát âm - hình khác nhau, như điện thoại, máy phóng thanh, máy
cát-sét, vi-đê-ô, đài phát thanh và truyền hình v.v...
- Ngôn từ truyền thông tin học (informination) chủ yếu có mặt trong
các hoạt động thông tin khoa học kỹ thuật, thông báo các tin tức mang
tính chuyên môn mà đối tượng tiếp nhận thường phân biệt thành những
tập hợp chuyên nghiệp khác nhau. Ngoài các phương tiện vẫn sử dụng
trong truyền thông đại chúng, trong khi định hình các ngôn từ truyền
thông tin học còn sử dụng những thiết bị chuyên dùng trong các quan hệ
thông tin - thư viện, bưu điện - viễn thông và tài chính – ngân hàng với sự
tham gia tạo lập và điều khiển của công nghệ thông tin hiện đại.
3. Nhận xét bổ sung
a. Trên đây chúng ta đã lần lượt mô tả một cách khái quát các
phương thức định hình ngôn từ trong hoạt động giao tiếp, trong lao động
ngôn từ của con người từ nguyên thuỷ đến hiện đại. Rõ ràng là các
phương thức định hình ngôn từ phong phú và đa dạng dần theo sự phát
triển của văn minh xã hội, gắn liền với sự tiến bộ khoa học kỹ thuật
trong lịch trình tiến hoá của xã hội loại người. Trong đó, sự xuất hiện
của một phương thức định hình mới thường là không phủ nhận hay loại
bỏ hẳn các phương thức định hình đã có, mà thâm nhập vào, bổ sung
cho nhau để mở rộng và nâng cao hơn hiệu quả giao tiếp ngôn ngữ trong
xã hội.
b. Một tác phẩm ngôn từ có thể được định hình bằng một phương
thức đơn nhất và không lặp lại (Td: cuộc trò chuyện giữa hai người bạn
gặp nhau bất chợt trên đường phố). Song cũng có thể được định hình bằng
nhiều phương thức khác nhau (lần lượt hoặc đồng thời), và do đó có thể
tồn tại dưới nhiều dạng vật chất khác nhau. Chẳng hạn một bài thơ, mới
đầu tác giả viết thảo ra trên giấy, sau đó đánh máy lại bản thảo, rồi gửi
đăng lên mặt báo, và có thể được đọc trên đài phát thanh hay truyền hình
v.v...

NGUYỄN QUANG HỒNG 351


c. Phương thức định hình chỉ làm nên dạng tồn tại vật chất của tác
phẩm ngôn từ, chứ không phải là chất liệu ngôn ngữ của ngôn từ, và do
đó chúng nằm ngoài hệ thống ngôn ngữ. Thế nhưng, sự nảy sinh và hoàn
thiện các loại ngôn từ, các phong cách chức năng của một ngôn ngữ, sự
phát triển và hoàn chỉnh các chức năng xã hội của một ngôn ngữ, không
phải là vô can đối với các phương thức định hình ngôn từ ngày càng đa
dạng và tinh xảo hơn. Chẳng hạn, một ngôn ngữ dân tộc khó lòng đạt tới
sự thống nhất cao độ, khó có thể đạt tới một ngôn ngữ văn hoá thực sự,
nếu như ngôn ngữ ấy không có chữ viết, chỉ có ngôn từ nói miệng tự
nhiên mà không tạo ra được một kho tàng những văn bản đáng kể được
thực hiện bởi các phương thức viết tay, khắc tay, khắc in v.v... Và, một
ngôn ngữ tuy đã biết đến các văn bản khắc in, song một khi chưa tiếp
xúc với máy in xếp chữ kim loại, thì ngôn ngữ ấy cũng chưa thể hình
thành và phổ biến rộng rãi ngôn từ báo chí, và phong cách ngôn ngữ báo
chí cũng chưa thể hoàn chỉnh. Cũng cần lưu ý rằng, hình thức âm thanh
qua giọng đọc một văn bản có sẵn bao giờ cũng có sự khác biệt ít nhiều
so với hình thức ngữ âm trong ngôn từ nói miệng tự nhiên. Có thể nói
rằng, một ngôn ngữ được tiếp xúc càng nhiều và càng đầy đủ với các
phương thức định hình ngôn từ khác nhau, thì ngôn ngữ ấy càng có điều
kiện để tự hoàn thiện và phát huy cao độ chức năng giao tiếp xã hội của
mình trong phạm vi dân tộc và phạm vi quốc tế.
Tóm lại, sản xuất ra ngôn từ dưới những dạng tồn tại vật chất khác
nhau là một loại hình lao động đặc biệt của con người trong giao tiếp xã
hội. Trong lao động ngôn từ, các phương thức định hình ngôn từ ngày
càng phong phú và tinh xảo, chúng luôn luôn tiến triển theo sự tiến bộ của
văn minh vật chất mà xã hội đạt được, và đồng thời, chúng cũng thúc đẩy
sự hoàn thiện và phát triển của bản thân ngôn ngữ.

Ghi chú:
(1) Hoặc giả, khi thật cần thiết, cũng có thể sử dụng hai thuật ngữ khác nhau để
phân biệt: ngôn phẩm thay cho ngôn từ với nghĩa hẹp (D), và ngôn bản thay
cho ngôn từ với nghĩa rộng (d). Cái mà ngữ pháp văn bản trong ngôn ngữ học
hiện đại hay nói đến chính là ngôn phẩm. Còn đối tượng khảo sát trực tiếp của
văn bản học (textology) trong ngữ văn học cổ điển lại chính là các ngôn bản
(và văn bản) cụ thể.

352 NGÔN NGỮ - VĂN TỰ - NGỮ VĂN


(2) Ngôn từ dưới hình thức chữ viết, tức là ngôn từ thành văn, lẽ ra có thể gọi tắt
là văn từ. Song tên gọi này đã quá quen dùng với ý nghĩa hơi khác (chỉ loại
giấy tờ hành chính hoặc tế lễ). Trong khi đó thì thuật ngữ văn bản được dùng
phổ biến chính là với nghĩa ngôn từ thành văn. Cũng như thuật ngữ ngôn từ,
thuật ngữ văn bản có lẽ cũng cần được hiểu theo hai nghĩa rộng hẹp khác nhau.
Ơ nghĩa hẹp, văn bản là sản phẩm hành ngôn do chất liệu ngôn ngữ và chữ
viết tạo nên. Với nghĩa rộng, văn bản cần được hiểu là một sản phẩm của lao
động ngôn từ, trong đó, ngoài chất liệu ngôn ngữ và chữ viết ra, còn phải kể
đến cả khía cạnh vật chất do công cụ và vật liệu định hình đưa lại (giấy, lụa,
gỗ, v.v.).
(3) Trước khi loài người phát minh ra giấy bút, các văn bản khắc tay đã chiếm ưu
thế và dược phát triển đến mức khá cao. Chẳng hạn: Văn khắc trên mai rùa và
xương thú (văn giáp cốt) đã được tạo ra ở Trung Hoa trong khoảng từ năm
1300 đến năm 1028 trước Công nguyên. Hàng nghìn bản đất sét trên có khắc
chữ hình nêm được tìm thấy ỏ vùng Lưỡng Hà có niên đại khoảng 2000 năm
trước Công nguyên.
(4) Phương thức in khắc ván ra đời sớm nhất ở Trung Hoa (vào khoảng thế kỷ VII
hoặc sớm hơn), và cũng được sử dụng phổ biến và lâu dài nhất ở đó cũng như
ở các nước lân cận như Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam (trong mối liên quan
chặt chẽ với loại hình chữ viết ở khu vực này).
(5) Từ lâu, người ta vẫn cho rằng việc sáng chế ra chữ kim loại và nghề in xếp
chữ ra đời sớm nhất ở châu Âu vào thế kỷ XV (1452), mặc dù trước đó người
Trung Hoa và Nhật Bản có thử làm, song không thành công. Gần đây, theo
các học giả Triều Tiên, thì ngay từ thế kỷ XIV trên bán đảo này đã có chữ kim
loại và sách in bằng cách xếp chữ kim loại. Dấu tích một cuốn sách như thế có
tên là Djikdji Simkyeung (nói về đạo Phật) in năm l377 (ra đời sớm hơn 75
năm so với cuốn sách đầu tiên in bằng chữ kim loại ở châu Âu của Gutenberg
- người Đức) vẫn còn lưu lại đến nay (Xem: Kim Yeung Hwang.
Hounmịneung-eum, alphabet Coreen. Trong "La Coreen d’auourd’hui".
N.5/1986, pp. 26-27).
TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH
[1] Rozhdestvensky Ju. V. Vvedenie v obshuju filologju (Dẫn luận ngữ văn học đại
cương). Nxb “Vyshaja skola”, M., 1979.
[2] Materialy nauchnogo seminara “Semiotika sredstv masovoj kommunikacii” (Tài
liệu Hội thảo khoa học “Nghiên cứu ký hiệu học các phương tiện truyền thông đại
chúng”). Hai tập. Nxb MGU, 1973.
[3] Nguyễn Quang Hồng. Di sản Hán Nôm nhìn từ góc độ của khoa học ngữ văn. Tạp
chí Hán Nôm, N. 2(3)/ 1987.
*Tạp chí Ngôn ngữ, Hà Nội, 1990, N.2.

NGUYỄN QUANG HỒNG 353

You might also like