You are on page 1of 14

1

BÁO CÁO THAM DỰ HỘI THẢO KHOA HỌC TRẺ 2008


TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC NGÔ THÌ NHẬM

Cù Ngọc Phương

Triết học là “tinh hoa về mặt tinh thần của thời đại” (C.Mác), nên nghiên
cứu triết học cũng là làm sáng tỏ văn hóa tinh thần. Sống trong thời kỳ của những
chuyển biến xã hội hết sức lớn lao và nhanh chóng vào cuối thế kỷ XVIII - đầu thế
kỷ XIX Ngô Thì Nhậm đã có những cống hiến quan trọng đối với sự phát triển đất
nước và của lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam. Trên dòng chảy của lịch sử dân
tộc, Ngô Thì Nhậm đã chứng kiến không biết bao nhiêu sự thay da, đổi thịt của đất
nước: từ kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa… nhưng đó cũng chính những tiền đề
hình thành tư tưởng triết học của ông.
Thế kỷ XVIII là một thế kỉ đầy biến động và phức tạp. Hiếm có một giai
đoạn nào trong lịch sử chế độ phong kiến chuyên chế của Việt Nam mà sự xuất
hiện và sự tranh đoạt nhau giữa các tập đoàn chính trị lại diễn ra một cách mau lẹ
và gấp rút đến như vậy. Trong cách nhìn của các nhà Nho đó là “một phen thay
đổi sơn hà”, một thời loạn. Chỉ trong những khoảng thời gian rất ngắn tập đoàn
này chưa kịp ổn định thì tập đoàn khác đã đứng ra thay thế. Một bối cảnh bất nhất
dồn dập hiện ra trước con mắt của các nhà Nho: Kiêu binh nổi loạn trong phủ chúa
Trịnh - Tây Sơn diệt Nguyễn ở Đàng Trong và Trịnh ở Đàng Ngoài - quân Thanh
xâm lược - quân Thanh đại bại - Quang Trung mất - Tây Sơn lung lay - Nguyễn
Ánh diệt Tây Sơn ....Kẻ sĩ, đại diện là nho sĩ đương thời, hầu hết đều đối diện với
tâm trạng hoang mang dao động cực độ: Nên đi theo ai, nên đứng chân vào lực
lượng chính trị nào?
Cũng trong giai đoạn này Nho giáo vẫn được nhà nước phong kiến bảo vệ,
duy trì để làm nền tảng cho các tổ chức chính trị, kinh tế của chính quyền, làm kỷ


Học viên cao học Triết học, Khóa 2007 – 2010, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, TP.Hồ Chí Minh
2

cương của xã hội. Tuy vậy, Nho giáo thời kỳ này không còn giữ vị trí độc tôn.
Thực trạng này được biểu hiện ở lĩnh vực giáo dục, thi cử. Lối học từ chương, phù
phiếm vẫn duy trì không còn thích hợp. Những nguyên tắc đạo đức và lễ giáo
phong kiến chỉ còn là những hình thức suông. Nội dung học tập thi cử nông cạn,
khuôn sáo, không còn tính sáng tạo. Thuyết “chính danh, định phận”, một nội
dung cơ bản của Nho giáo nhằm bảo vệ chế độ đẳng cấp và tôn ti trật tự phong
kiến, mất dần phép màu nhiệm. Sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế hàng hóa
và sự tấn công của đồng tiền vào thành trì lễ giáo phong kiến đã làm cho ý thức hệ
Nho giáo bị rạn nứt dần. Triết lý “chính danh, định phận” của đạo Nho đã phải lùi
bước trước nhân sinh quan đồng tiền là trên hết, đè bẹp tất cả.
Trong thế kỉ XVII - XVIII sự suy đồi của Nho giáo và sự thay đổi của hoàn
cảnh đã góp phần làm cho văn học chữ Hán không còn thịnh đạt như thời Lê sơ,
trở nên khô khan cằn cỗi và phù phiếm. Trong lúc đó văn học chữ Nôm, đặc biệt
văn học dân gian phát triển rất mạnh, hình thành cả một kho tàng văn học dân gian
phong phú. Những tri thức khoa học, kinh nghiệm sản xuất, kinh nghiệm ứng
xử… được đúc kết dưới dạng ca dao, tục ngữ. Những suy tư của nhân dân lao
động về đời sống chính trị, xã hội, về tình yêu nam nữ, yêu thiên nhiên, yêu cuộc
sống… được thi vị hóa đã làm phong phú cuộc sống tinh thần của con người, đồng
thời thể hiện khát vọng được sống tự do, hòa bình, được giải phóng khỏi bất công
xã hội đã là nội dung tư tưởng, tình cảm chủ đạo của dòng văn học bình dân thời
bấy giờ.
Tóm lại, trong giai đoạn lịch sử đầy biến động này giai cấp phong kiến tỏ ra
bất lực cùng với sự suy vong thay thế của các vương triều, chiến tranh Lê – Mạc
rồi Trịnh – Nguyễn là nguyên nhân dẫn đến tan vỡ sự thống nhất đất nước và gây
nên những cuộc khủng hoảng tinh thần. Cuộc sống nông dân lâm vào tình trạng vô
cùng khốn khó. Nho Gia mất vị trí với tư cách là ánh sáng đối với tầng lớp tri thức
Việt Nam đương thời. Phật giáo giai đoạn này tuy không còn giữ vị trí thống trị
nhưng vẫn phát triển mạnh, là nguồn nội lực quan trọng trong tinh thần dân tộc.
Đó là những cơ sở xã hội cho sự hình thành tư tưởng triết học của Ngô Thì Nhậm.
3

Thời đại của Ngô Thì Nhậm là thời đại biến loạn lịch sử và khủng hoảng tư
tưởng sâu sắc. Thời đại đó đã khiến con người nhất là tầng lớp sĩ phu đã suy tưởng
về những quan điểm triết học để làm phương châm xử thế cho mình cũng như lựa
những hướng đi phù hợp. Ngô Thì Nhậm là một trong những học giả đương thời
luôn trăn trở với thời cuộc, triết lý sống của ông giản dị phù hợp với thực tiễn hoạt
động chính trị giai đoạn này. Thế nhưng, không phải ngẫu nhiên mà bạn hữu và
môn đồ tôn ông làm tổ thứ tư của Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Trong sự phát triển tư
tưởng triết học của mình Ngô Thì Nhậm đã kế thừa những thành tựu của Thiền
Trúc Lâm Yên Tử mà Trần Nhân Tông (1258- 1308) là người mở đầu xuất sắc.
Trong giai đoạn nhà Trần, cả dân tộc phải đối diện một mặt với các cuộc
kháng chiến chống ngoại xâm đầy cam go để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, và mặt
khác là nhiệm vụ phục hồi kinh tế, khai khẩn đất đai ở những vùng đất mới, ổn
định đời sống của nhân dân. Trước xu thế đó, mọi nguồn tinh lực của dân tộc đều
được huy động. Và, dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử ra đời trong bối cảnh đó.
Có thể nói đóng góp của Trần Nhân Tông là mở rộng từ việc tuyên truyền
đạo Phật giữa chúng sinh đến giảng giải kinh sách cho đệ tử, qua thơ văn đi sâu
biện giải mối quan hệ giữa "hữu" và “vô”, “thân” và “tâm”, đề cao bản ngã chủ thể
“nghiệp lặng”, “an nhàn thể tính”, “tự tại thân tâm”, “sống giữa cõi trần, hãy tùy
duyên mà vui với đạo”, đồng thời coi trọng cuộc sống thực tại, cảnh tỉnh lối tu
hành cực đoan, cố chấp. Tư tưởng của dòng thiền Trúc Lâm là phát triển đỉnh cao
của quan niệm “tức tâm tức Phật”. Trong bài phú Cư trần lạc đạo, ngài Trần Nhân
Tông đã viết:
Nhân khuấy bổn nên ta tìm Bụt
Chỉnh mới hay chính Bụt là ta.
Phật giáo ở đời Trần nói chung và Phật giáo thời Trần Nhân Tông thiết định
nói riêng là một nền Phật giáo nhập thế, Phật pháp được đưa vào tận hang cùng
ngõ hẻm của xã hội và làm một chuẩn mực đạo đức, định hướng cho đời sống của
nhân dân. Cái tinh yếu của Trúc lâm Yên tử là “sống đạo” và cuộc đời của vua
Trần Nhân Tông là một thí dụ điển hình. Thiền phái Trúc Lâm Yên tử của vua
Trần Nhân Tông có thể nói là khởi đầu của Phật giáo Việt Nam, được mô thức hóa
4

bởi nguyên tắc “đạo pháp áp dụng vào đời”. Trong cách hiểu Phật giáo này, tu
hành theo Phật giáo không chỉ giới hạn vào các nghi lễ, cúng bái hay thiền hành,
mà là tu hành ngay trong cuộc sống hàng ngày. Không cần phải tìm giác ngộ và
yên ổn đâu xa, ngoài chính mình và môi trường mình đang sống. Qua những thăng
trầm theo lịch sử, thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã thấm sâu vào nhiều con người
Việt Nam.
Nối tiếp Trần Nhân Tông, đệ nhị tổ Pháp Loa (1284 - 1330) cũng là người
uyên thâm Thiền học, có tài tổ chức các hoạt động Phật giáo. Qua hơn hai mươi
năm lãnh đạo, Pháp Loa đã cho khắc bộ Ðại Tạng kinh với hơn 5.000 quyển, xây
dựng hàng trăm ngôi chùa và trực tiếp giảng dạy giáo lý, có tới ba nghìn đệ tử đến
cầu pháp và đắc pháp. Ông để lại các tác phẩm khuyên người xuất gia chăm lo
việc tu đạo, khuyên mọi người hiểu sâu con đường tu thiền chân chính bằng việc
học giới luật, thiền định và trí tuệ.
Người cuối cùng trong số ba vị tổ Trúc Lâm là Huyền Quang (Lý Ðạo Tái,
1254 - 1334), hơn Pháp Loa tròn ba mươi tuổi nhưng lại tu hành muộn hơn, từng
làm quan trong triều đình rồi mới từ chức đi tu. Huyền Quang để lại hơn hai mươi
bài thơ chữ Hán, một bài phú vịnh chùa Vân Yên bằng chữ Nôm và câu chuyện
liên quan đến Ðiểm Bích đượm chất thế sự. Thơ ông có nhiều bài vịnh cảnh chùa,
vịnh hoa và đến bài Phú vịnh chùa Vân Yên (Vịnh Vân Yên tự phú) cho thấy nghệ
thuật sử dụng chữ Nôm đã có bước tiến rõ nét, trở nên dung dị, dễ hiểu.
Nhìn chung, với sự hiện diện của ba vị sư tổ Trần Nhân Tông - Pháp Loa -
Huyền Quang và khoảng hơn ba mươi năm hưng thịnh, Thiền phái Trúc Lâm Yên
Tử đã trở thành một biểu tượng giá trị tinh thần người Việt. Ðây cũng chính là sự
đáp ứng nhu cầu đời sống tâm linh, tín ngưỡng của mỗi cộng đồng người ở từng
thời đại, giai đoạn lịch sử cụ thể. Mặc dù đến hết triều Trần, Phật giáo không còn
giữ được địa vị như giai đoạn trước, song tinh thần Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử
đã kịp chuyển hóa, thấm sâu trong đời sống tinh thần dân chúng và trở thành
những giá trị văn hóa bền vững trước thời gian. Quả thật “Phật giáo đặt sự tồn
vong của mình trong sự tồn vong của dân tộc. Vì sự tồn vong của dân tộc có liên
hệ mật thiết đến sự tồn vong của mỗi cá thể làm nên dân tộc đó. Cho nên dù mục
5

tiêu cuối cùng của đời sống Phật giáo là sự giải thoát, tức là đạt đến tự do tuyệt đối
cho mỗi con người, nhưng mục tiêu đó chỉ đạt được nhờ vào mối tương quan với
các cá thể khác trong một cộng đồng”1
Như vậy, dòng thiền Trúc Lâm do vua Trần Nhân Tông thành lập đã có
những tác động to lớn đối với lịch sử dân tộc và Phật giáo và được kế thừa liên tục
thậm chí cho đến ngày nay. Đồng thời, đó chính là những tiền đề tư tưởng không
thể thiếu được cho sự ra đời tư tưởng triết học Ngô Thì Nhậm.
Từ sự chuyển biến trong đời sống kinh tế xã hội thế kỉ cuối thế kỷ XVII,
đầu thế kỷ XVIII ở nước ta, dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử phát triển mạnh mẽ,
người đứng đầu là ngài Chân Nguyên (1647-1726). Ý đồ phát triển nền Phật giáo
thời Trần Nhân Tông là một trong những nỗ lực nhằm tìm một giải pháp cho
những bế tắc của thời đại, khi mà các thế lực phong kiến cấu xé nhau để giành giật
binh quyền mà không quan tâm gì đến quyền lợi của dân tộc và xã hội đang trên
đà băng hoại. Ngài đã viết nhiều tác phẩm về Phật giáo với nhận thức khá mới mẻ.
Tuy nhiên, những cố gắng đó vẫn không xoay chuyển được tình thế, nhưng dẫu
sao cũng đã tạo nên một sự phấn khích cho thế hệ đương thời và sau đó, mà một
trong những người kế thừa xuất sắc là Ngô Thì Nhậm (1746-1802).
Tư tưởng triết học của Ngô Thì Nhậm chứa đựng những chiều kích phi
thường của tài năng và khát vọng, ông sẵn sàng từ bỏ những tín điều cũ kĩ để được
trổ tài cá nhân thỏa chí kinh thế nhưng đồng thời cũng là một “lãn ông”, một
“chuyết phu” mệt mỏi và thất vọng cực độ trước chính sự. Điều đáng chú ý ở ông
là một cá nhân tài năng xuất phàm, có khát vọng mạnh mẽ, hơn nữa ý thức rất rõ
về giá trị và khát vọng của mình, cho nên những đổ vỡ mệt mỏi trong giai đoạn
cuối đời sẽ được ông trải nghiệm và thấm thía trong tất cả chiều sâu của nó. Lịch
trình tư tưởng của ông gắn liền với những thăng giáng trên hoạn lộ nhưng cũng là
lịch trình song hành và bổ sung ngày càng đậm yếu tố Phật giáo trong con người
Nho gia, tạo nên một mảng sáng tác hết sức quan trọng trong cuộc đời của ông.
Xuất thân từ một vọng tộc vốn mang đậm tư tưởng Nho giáo chính thống,
nhưng chính Ngô Thì Nhậm lại mang một cảm tình lớn đối với Phật giáo. Điều
1
Lê Mạnh Thát, “Lời tựa”, Thơ Thiền Lý –Trần, Nxb. TP. Hồ Chí Minh, 2000
6

này một phần bởi thiên hướng tư tưởng cá nhân ông nhưng một phần không nhỏ là
chịu ảnh hưởng bởi gia đình. Trong gia đình họ Ngô của ông, cũng có nhiều người
giành mối quan tâm khá lớn đối với Phật giáo, Phật học. Ngô Thì Hoành, em thứ
tư của ông là một người hiểu sâu về Phật học. Người ta thường gọi Ngô Thì
Hoành là ông Tú Chùa, vì ông này đã đi tu tại Thiền viện Trúc Lâm (chính Ngô
Thì Hoành là tác giả phần Thanh dẫn trong Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh). Ngô
Thì Chí, em trai thứ hai của Ngô Thì Nhậm theo gia phả họ Ngô Thì là người viết
bảy hồi đầu của Hoàng Lê nhất thống chí, cũng là tác giả của bộ Tân đàm tâm
kinh, nghiên cứu Phật học. Đặc biệt, người cha của Ngô Thì Nhậm là Ngô Thì Sĩ,
rất có thiện cảm với đạo Phật.
Trong cuộc đời của mình có thể nói cuộc gặp gỡ giữa Quang Trung và Ngô
Thì Nhậm là một cuộc gặp gỡ kỳ diệu giữa  người trí thức lỗi lạc với người anh
hùng kiệt xuất. Học hành - thi cử - làm quan để “dựng nên sự nghiệp vương hầu”
là phương châm sống của các trí thức đương thời. Ngô Thì Nhậm cũng không nằm
ngoài quy luật ấy. Tuy nhiên điều đáng quý ở Ngô Thị Nhậm là trong giai đoạn
suy vong của triều Tây Sơn, ông vẫn giữ nguyên vẹn một tấm lòng thủy chung son
sắt, luôn luôn tìm mọi cách củng cố triều đại, phục vụ tổ quốc và nhân dân. Chúng
ta tìm thấy tư duy triết học nhị nguyên trong tư tưởng của ông nhưng ẩn sâu bên
trong là một tinh thần dân tộc, một nhà tư tưởng đã dành nhiều tâm huyết cho các
vấn đề triết học.
Trong bản thể luận của mình, Ngô Thì Nhậm quan niệm thế giới vừa thống
nhất, vừa đa dạng. Mỗi môi trường đều có vật trung tâm và những vật khác xoay
xung quanh nó (trên trời thì mặt trời là trung tâm, xoay quanh nó là trăng, sao,
mây, gió; ở người thì Vua là trung tâm, xung quanh là thần dân). Thống nhất ở chỗ
“Số của trời bắt đầu từ một nguyên, lý của âm dương bắt đầu từ một khuyên (thái
cực), số “một” là nơi hóa công cất dấu những cái vô tận và thánh nhân chứa đựng
những cái bất kiệt", “Vạn vật quy vào một, lẻ hợp vào xâu, cái lý và số của trời
đất, âm dương đều ở đó”. Mọi sự vật hiện tượng đều có những mặt đối lập như thể
và dụng, tán và tụ, dị và đồng, cương và nhu… có cái này không thể nào không có
7

cái kia. Chúng đối lập nhưng lại gắn bó với nhau, không thể gạt bỏ nhau, là điều
kiện tồn tại của nhau.
Bản thể ở Ngô Thì Nhậm là quan niệm về “thời, mệnh”. Quan niệm này về
cơ bản không vượt qua qua niệm truyền thống của Nho giáo. “Thịnh suy, dài ngắn
vận mệnh do trời, không phải do sức người có thể tạo dựng được” 2. Như vậy, theo
ông mệnh trời là lực lượng bên ngoài chi phối mà con người không thể cưỡng lại
được. Tuy nhiên điểm tiến bộ trong tư tưởng của ông là gắn lòng dân với ý trời;
mệnh trời, đạo trời được hiểu với ý nghĩa chủ đạo là quy luật vận động, biến đổi
của xã hội. Theo Ngô Thì Nhậm “thời” có vai trò quan trọng đối với vận mệnh của
các triều đại. Nhưng “thời” ở trong dòng chuyển biến liên tục nên đạo cũng phải
thay đổi cho phù hợp nghĩa là khi tình thế thay đổi thì cách xử lý của con người
cũng phải thay đổi. Không những thế, Ngô Thì Nhậm còn đi đến một phương pháp
luận để hành động: những tình thế khác nhau, cánh xử lý cũng khác nhau: “Gặp
thời thế, thế thời phải thế”3
Kế thừa tư tưởng "Dân là gốc nước" (Dân vi bang bản), ông xem dân là
trung tâm vũ trụ, lòng dân là trung tâm của mối quan hệ trời người. “Trời trông,
trời nghe do ở dân. Lòng dân yên định thì ý trời cũng xoay chuyển”; “trong nước
yên là được lòng dân”; “Lòng dân yên... thì khí hòa sẽ tụ tập lại”; “Dân hoà cảm ở
dưới thì thiên hoà ứng ở trên, hiệu nghiệm được mùa không hẹn mà đến (Kim mã
hành dư) Muốn được lòng dân, cốt là phải làm cho dân thư thả; “hài lòng”, “thỏa
dạ", “vừa ý”…
Tư tưởng về “thời, mệnh” của Ngô Thì Nhậm tuy mang nhiều yếu tố duy
tâm khách quan nhưng chứa đựng những tư tưởng biện chứng tích cực, tiến bộ.
Nhận thức luận của Ngô Thì Nhậm đã kế thừa và phát huy quan niệm về
“lý” của Tống Nho theo tinh thần duy vật và thực tiễn. Nếu như Hải Thượng Lãn
Ông Lê Hữu Trác (1920 – 1791) đi sâu vào khái niệm “khí” và học thuyết âm
dương nhằm làm rõ cơ sở triết học cho lý luận nghề thuốc của mình, Lê Quý Đôn
với tác phẩm “Vân đài loại ngữ” cũng không chú tâm bàn sâu về “lý”, mà chỉ đề
2
Ngô Thì Nhậm, Tuyển dịch, Vũ Khiêu (chủ biên), Nxb. Văn Học, Hà Nội, tr. 256
3
Đại cương lịch sử tư tưởng Triết học Việt Nam, t.I, Nguyễn Hùng Hậu (chủ biên), Nxb. Đại học Quốc gia
Hà Nội, 2002, tr. 205
8

cập nhiều đến mối quan hệ giữa “lý” và “khí” trong các sự vật thì Ngô Thì Nhậm
bàn về những phạm trù này khá sâu sắc, xuyên suốt trong tư tưởng triết học của
mình. Thực chất đề cập đến “ khí” là đề cập đến vật chất, đề cập đến“lý” là đề cập
đến tinh thần.
Ngô Thì Nhậm quan tâm đến “lý”, chính là cái mà ngày nay người ta gọi là
quy luật của tự nhiên, tất yếu. Ngô Thì Nhậm cũng cho rằng, “lý” có nguồn gốc từ
thái cực, “lý” bao trùm toàn bộ thế giới, chi phối sự vận động, biến hoá của trời
đất và vạn vật. “Lý” cũng có nghĩa là cụ thế mà con người có thể nhận thức được
“lý như mộc, tiết lý chi lý” (lý như cái thớ, cái đốt của thân cây) 4. “Lý” là cái có
thể nắm bắt được và do vậy, “lý” không phải là cái trừu tượng, chung chung mà là
cụ thể, là cái mà con người có thể nhận thức được. Như vậy, Ngô Thì Nhậm cũng
đề cập đến “lý” với tư cách đạo lý, nhưng chủ yếu ông quan tâm nhiều đến “lý”
với tư cách quy luật, nhằm soi sáng thời thế và làm cơ sở lý luận cho phương
châm hành động và thái độ ứng xử của mình trước những sự biến xã hội quá phức
tạp và mau lẹ. “Lý” được quan niệm như là quy luật của sự vật mà con người có
thể nhận thức để làm cơ sở cho hành động. Hơn thế nữa, ông còn đề cập đến ý
nghĩa thực tiễn của việc nắm được “lý” của sự vật: khi chẻ cây, nếu biết được thớ
và đốt của nó và chẻ dao theo đúng thớ của nó thì công việc sẽ trôi chảy dễ dàng.
Điều đó hàm chứa tư tưởng triết học: con người phải tuân theo quy luật, đó là bí
quyết dẫn đến thành công. Với Ngô Thì Nhậm, mọi vật đều theo “lý tự nhiên”, tồn
tại khách quan, không phụ thuộc vào ý muốn của con người và con người phải
thuận theo nó.
Ngô Thì Nhậm đề cập đến tính phổ biến và đặc thù của “lý”. Đó là tư tưởng
“lý thuận” và “lý nghịch”. Thuận thì như trăm dòng nước đổ về Đông, muôn thứ
hoa đều nở về mùa xuân, nghịch thì như dòng Nhược Thủy chảy về Tây, hoa cúc
nở mùa thu, “khan thủy thị thủy, bất thị chân” (Nước xem là nước thì đó không
phải là nước thật)5. Ngô Thì Nhậm hiểu rõ “lý thuận” là phổ biến, là thông thường,
dễ nhận thức; bởi vậy, ông rất chú ý đến “lý nghịch”, tức là chú ý đến các sự vật
4
Ủy Ban Khoa học Xã hội, Thơ văn Ngô Thì Nhậm, tập I, Cao Xuân Huy dịch, Nxb. Khoa học Xã hội,
1978, tr. 54
5
Sđd, tr. 65
9

phát triển một cách đặc biệt. Với Ngô Thì Nhậm, thế giới khách quan luôn là đối
tượng của nhận thức và nhận thức của con người không thể dừng lại ở hiện tượng,
mà phải đi sâu vào bản chất của sự vật. Xem xét sự vật, theo ông, không được
dừng ở chỗ cảm quan, trực giác, mà phải tìm hiểu sâu sắc nguyên nhân, bản chất
của nó. Trong Ký đình thuỷ nhất, Ngô Thì Nhậm viết: “Sông núi là chủ của trăng
gió, trăng gió là khách của núi sông. Nếu chỉ biết thấy cao cho là núi, thấy dài cho
là sông, thấy mát cho là gió, thấy trong cho là trăng, thì mới biết nhìn cái hình bên
ngoài mà chưa biết cái ý bên trong”6
Theo Ngô Thì Nhậm, việc nhận thức “lý” không đơn giản, muốn nhận thức
nó phải có trí tuệ siêu việt như Khổng Tử, Thích Ca, và phải có cái tâm trong
sáng, từ bỏ dục vọng. Ông cho rằng ai cũng có lòng dục “Dục như thủy tẩu hạ,
hỏa đàm thương chi lục” (Dục là như nước chảy xuống, lửa bốc lên)7 . Lòng dục
này do “tâm” mờ tối không nhận thức được “lý”. Ngô Thì Nhậm kế thừa tư tưởng
“Tâm, Không” của Trần Thái Tông. Nếu như Trần Thái Tông cho rằng “Tâm” là
cơ sở xuất phát cho việc kiến giải các vấn đề triết học như “ngộ”, “kiến tính”,
“sinh tử”, “giải thoát”. “Không” là bản nguyên, cội nguồn của vạn vật… thì Ngô
Thì Nhậm cho rằng “Tâm” là điều kiện, tiền đề của “lý”.
Ngô Thì Nhậm chủ trương xóa tất cả mọi dục vọng để “Tâm” được tuyệt đối
trong sáng. Khi đề cao tuyệt đối cái thiên tính, ông còn yêu cầu con người phải diệt
bỏ mọi dục vọng ngay cả trong ý nghĩ của mình. Theo ông, khi nhận thức, nếu “trong
lòng chỉ một khối thiên lý, không hề có một mảy nhân dục riêng tây” thì có thể nhận
thức đối tượng một cách “quang minh chính đại”, còn nếu “vọng tưởng quàng xiên,
làm cho lòng dạ phiền nhiệt, càng tư tưởng càng bế tắc” thì không thể nhận thức được
đối tượng. Chỉ khi con người diệt được “nhân dục” thì mới có thể nhận thức được
“thiên lý” và noi theo nó. “Muốn chặt đứt cái nghiệp căn, hay muốn không để mất
thiên lương, tức là đạo người thì phải có một tia sáng - trí tuệ”8.
Ông tiếp cận vấn đề con người và bản tính con người vừa trên cơ sở “thiên
tính tự nhiên” vừa trong những mối quan hệ xã hội phức tạp. Từ quan điểm triết
6
Sđd, tr. 170
7
Sđd, tr. 54
8
Sđd, tr. 141
10

học “vạn vật đồng nhất thể”, ông cho rằng, con người cũng như vạn vật “đều có
thiên tính tự nhiên của nó”9. Vậy thiên tính tự nhiên là gì? Ông trích dẫn Kinh
Thư: “Trời sinh con người có Dục” và lý giải: với con người, “Dục là tính [tự
nhiên], nó ở trong nhật dụng thường hành, như đói thì muốn ăn, khát thì muốn
uống, không có không được”10. Theo đó, ngay từ khi sinh ra, con người được đã có
tính tự nhiên - dục, mà dục được hiểu theo nghĩa là những nhu cầu tự nhiên của con
người, do vậy việc đáp ứng những nhu cầu ấy là tất yếu trong quá trình tồn tại và
phát triển của họ. Ở đây, khi nhìn nhận con người trong chính bản tính tự nhiên vốn
có của nó, ông đã tuyệt đối hóa cái thiên tính tự nhiên đó. Ông cho rằng, “lòng
người chẳng qua là lòng dục mà thôi”.
Chịu ảnh hưởng sâu sắc của Tống Nho, Ngô Thì Nhậm đã chỉ rõ mối quan
hệ giữa “tính trời” và “tình người”. Ông nói: “Trời cho người cái tâm có tính
thường. Có cái tính của trời thì có cái tình của người”. Cũng như Tống Nho chủ
trương “Tồn thiên lý, diệt nhân dục”
Đặc biệt, ông chỉ ra vai trò to lớn của điều kiện kinh tế và giáo dục đối với
sự hình thành và thay đổi bản tính con người. Xuất phát từ quan điểm Nho giáo về
“thiên tính”, “nhân tính”, ông quan niệm “mệnh” - “thiên tính” là cái toàn thể,
rộng lớn như biển cả, bao quát như đất trời còn “tính người” thì rất nhỏ. Tính
người “chỉ là một vốc nước con trong biển”, được chứa đựng trong cái toàn thể -
mệnh. Điều đáng chú ý là, trong tư tưởng của mình, ông đã nhấn mạnh sự tác động
của các yếu tố xã hội đến việc thay đổi bản tính con người. Ở đây, ông đã có lý khi
đề cập đến vai trò của trí tuệ, như là ánh sáng soi rọi để con người giữ được đạo
người, trở về với đức tính tốt trời phú cho. Ông thừa nhận tính khách quan của
“lý”, sự vật vận động theo quy luật vốn có của nó “tuần hoàn theo lý” và cho rằng
con người có thể nhận thức được “lý”.
Trong vấn đề nhận thức, Ngô Thì Nhậm còn chủ trương phải coi trọng nội
dung hơn hình thức. Ông nói: “Y phục hình thức, không phải ý trời ở đó”. Bởi thế,
“y phục hình thức là cái văn ở bên ngoài, đạo đức nhân nghĩa là cái chất ở bên

9
Sđd, tr. 57
10
Sđd, tr. 57
11

trong. Người quân tử nên sáng (minh) bên trong mà không nên tìm kiếm ở bên
ngoài”11. Mặt khác, Ngô Thì Nhậm cũng thấy rõ sự thống nhất giữa nội dung và
hình thức, giữa cái bên trong và cái bên ngoài khi nhận thức sự vật. Quan điểm
của ông được thể hiện rõ trong thiên Biểu lý thanh (Trúc Lâm tông chỉ nguyên
thanh): “Thanh có biểu (ngoài), lý (trong), thực ra chỉ có một… Hai cái đó đi đôi
với nhau mà không trái ngược nhau. Học giả phải thấu suốt Biểu (ngoài), Lý
(trong)”12
Ngô Thì Nhậm còn thể hiện quan niệm về tính tương đối của nhận thức.
Đặt ra vấn đề: “trong thiên hạ vật gì là tốt?”, Ngô Thì Nhậm đưa ra quan điểm:
“Mọi vật đều tốt cả. Vật gì ta thích thì tốt, ta không thích thì không tốt. Cho nên có
cái tốt mà không tốt, có cái không tốt mà tốt. Bởi thế, “nào thiện, nào ác, chưa
chắc đã có cái gì là nhất định”. Rõ ràng, quan niệm của Ngô Thì Nhậm vừa thể
hiện cái nhìn biện chứng về sự vật, vừa thấy rõ mọi kết quả nhận thức chỉ mang
tính tương đối. Vì vậy, “vật vốn không nhất định là tốt, không nhất định là không
tốt. Cho nên người ở trong núi, trong thung lũng thì sở thích là áo cỏ, hang đất;
nếu lấy mũ áo văn vật mà nói với họ thì họ lấy làm kỳ lạ… Nước La Sát cho hếch
mũi, vẩu răng là đẹp, nhưng thấy ai mày ngài, mắt phượng thì sợ hãi gào khóc mà
chạy trốn”13. Điều đó có nghĩa là, không thể coi tốt và xấu nói riêng, tri thức về sự
vật nói chung là cố định, tuyệt đối, mà phải gắn nó với điều kiện, hoàn cảnh cụ
thể.
Ngô Thì Nhậm luôn trăn trở với thời cuộc, không sống bằng tư tưởng trốn
tránh. Ông đến với Thiền bằng một tác phẩm Thiền luận: Ở “Đại chân viên giác
thanh” Ngô Thì Nhậm không nói rõ tông chỉ của Trúc Lâm là gì nhưng qua tác
phẩm này thì đối với Ngô Thì Nhậm ngoài việc phê phán lối mê tín, sùng mộ dung
tục những yếu tố Mật giáo, Tịnh độ tông thịnh hành trong chùa chiền lúc đó là sự
dung hợp Nho, Phật, Lão (Tam giáo đồng nguyên). Ngô Thì Nhậm không đem
phần vũ trụ luận của Phật, Lão Trang dung hợp thành các phạm trù của mình,
trang bị cho mình như các học giả đời Tống đã làm. Ông chỉ sử dụng các phạm trù
11
Sđd, tr.137
12
Sđd, tr. 125
13
Sđd, tr. 125
12

mà Tống Nho đã tạo dựng như Tâm, Tính, Lý, Dục để giải thích trở lại các quan
điểm triết học của Phật giáo. Ðiểm này Ngô Thì Nhậm có chỗ thuận lợi vì chính
các bản thể, các phạm trù vừa nêu đã được các học giả đời Tống kiến lập trên cơ
sở vay mượn mô thức tư duy và các quan điểm triết học của Phật giáo. Dù hiểu
vấn đề triết học của Thiền Tông, Ngô Thì Nhậm vẫn chưa phải là người có thể ngộ
được Thiền, ông vẫn là nhà Nho.
Thông thường sự rạn vỡ khủng hoảng trong tâm lý dễ hé mở những ô cửa
để cảm quan khổ, vô thường của Phật giáo tràn vào trong cấu trúc tư tưởng của
nhà Nho. Nhưng như một phản ứng có tính di truyền của nhà Nho khi lâm vào
hoạn nạn, Ngô Thì Nhậm đã tựa vào những giá đỡ đạo đức - triết học của kho tàng
minh triết trong kinh điển Nho giáo để chống đỡ lại ngoại cảnh, bảo vệ phẩm giá
của mình. Các phạm trù đạo đức trong Thi, Thư, Dịch, Lễ..., đặc biệt là triết lý tùy
thời xử biến được trưng dẫn và nghiền ngẫm trong tất cả cái duy lý tỉnh sát vững
vàng đã hạn chế rất nhiều sự xâm nhập của tâm lý và triết lý Phật giáo, không ít
lúc nỗi buồn và cảm xúc nghệ thuật thật sự đã kéo ông xích lại gần đạo Phật tuy
nhiên ông vẫn chưa bén duyên được với Phật giáo. Ông đã chạm được Phật giáo
trong những nét phảng phất rất dễ hòa lẫn với Đạo gia; hoặc đã thẩm thấu Phật lý
nhưng là với một hàm lượng vừa phải hòa tan trong tâm trạng của một thi nhân
muốn hóa giải vui buồn bằng một cái nhìn trong trẻo siêu thoát.
Tuy không thành công trong việc kết hợp tư tưởng Nho, Phật, Lão nhưng
tư tưởng triết học Ngô Thì Nhậm vẫn mang nhiều ý nghĩa tích cực trong việc tìm
ra cái mới.
Vượt ra ngoài cái khuôn đánh giá "tích cực", "tiêu cực", có thể thấy sự tìm
về với Phật giáo của Ngô Thì Nhậm, nhất là ở gian đoạn cuối đời, thể hiện sự
thiếu hụt của triết học Nho giáo trong việc kiến tạo một bảng giá trị đầy đủ cung
cấp cho đời sống tinh thần của nhà Nho, và trong đối sánh với Phật giáo sự thiếu
hụt đó chính là phương diện con người tâm linh, con người trong sự “thể chứng tự
nội” như cách nói của D.T. Suzuki.
Triết học Ngô Thì Nhậm ra đời trong không khí các tác phẩm của Thiền
Trúc Lâm được sưu tập khá đầy đủ, thiền phái Trúc Lâm đã được phục hưng.
13

Những kinh điển Đại thừa được du nhập khá nhiều bên cạnh sự sút giảm niềm tin
vào Lý học ở giới trí thức. 57 tuổi chứng kiến nhiều biến cố trong lịch sử dân tộc,
ông tham gia vào thời cuộc như một nhân vật trung tâm. Thơ văn Ngô Thì Nhậm
là chứng cứ tốt nhất để hiểu được sức chi phối. Thời đại Ngô Thì Nhậm là thời đại
anh hùng trong lịch sử Việt Nam. Tư tưởng triết học Ngô Thì Nhậm tuy không có
hệ thống, tuy nhiên tư tưởng đó là kim chỉ nam cho cuộc đời hoạt động của ông,
bài học quý giá cho chúng ta. Có thể coi Ngô Thì Nhậm là nhà “lý học”, là tổ thứ
tư của việc kế tục xứng đáng tinh thần của Thiền Trúc Lâm Yên Tử.
Tóm lại, Sống trong thời đại có những biến đổi xã hội sâu sắc, cũng giống
như nhiều Nho sĩ Việt Nam đương thời, Ngô Thì Nhậm đã quan tâm và suy nghĩ
đến một số vấn đề triết học, lấy đó làm nền tảng cho những tư tưởng chính trị,
nhân sinh và phương châm xử thế của mình. Với những đóng góp của mình, ông
mãi mãi là ngôi sao sáng trên bầu trời Việt Nam. Tìm hiểu tư tưởng triết học của
Ngô Thì Nhậm giúp ta phần nào hiểu dược bề sâu, bề dày của lịch sử tư tưởng triết
học Việt Nam nói chung, bước tiến của tư tưởng triết học Việt Nam nói riêng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Doãn Chính (chủ biên), Đại cương triết học Trung Quốc, Nxb. Chính trị
quốc gia, Hà Nội, 1997.
2. Doãn Chính, Lịch sử tư tưởng Triết học Ấn Độ Cổ Đại, Nxb. Chính trị quốc
gia, Hà Nội, 1997.
3. Trương Văn Chung, Tư tưởng Triết học của Thiền phái Trúc Lâm thời Trần
Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998.
4. Nguyễn Hùng Hậu, Lược khảo tư tưởng thiền Trúc Lâm Việt Nam. Nxb Khoa
học xã hội, Hà Nội, 1997.
5. Nguyễn Duy Hinh, Tư tưởng Phật giáo Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội,
1999.
14

6. Cao Xuân Huy – Thạch Can (chủ biên), Tuyển tập thơ văn Ngô Thì Nhậm,
q.II. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1997.
7. Trần Đình Hựu, Về xu hướng tam giáo đồng nguyên trong “Trúc lâm tông chỉ
nguyên thanh”, tạp chí triết học số 4, 1986.
8. Trần Nghĩa, Tìm hiểu thái độ chính trị của Ngô Thì Nhậm, Tạp chí văn hóa,
số 4, 1973.
9. Lê Mạnh Thát, Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh, Nxb. Thành phố Hồ Chí
Minh, 1999.
10. Nguyễn Đăng Thục, Lịch sử tư tưởng Việt Nam, tập 5, Nxb. Thành phố Hồ
Chí Minh, 1992.
11. Nguyễn Đăng Thục, Thiền học Việt Nam, Nxb. Thuận Hóa, 1999
12. Nguyễn Tài Thư (chủ biên), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb Khoa học xã
hội, Hà Nội, 1999.
13. Thích Thanh Từ, Tam tổ Trúc lâm giảng giải. Thiền Viện Thường Chiếu. Nxb.
Thành Phố Hồ Chí Minh, 1997.
14. Thơ văn Ngô Thì Nhậm, t.I (người dịch: Cao Xuân Huy). Nxb Khoa học xã
hội, Hà Nội, 1978.
15. Ngô Thời Sĩ, Việt sử tiêu án, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 2001.

You might also like