You are on page 1of 13

CHUYÊN ĐỀ 4

TỔNG CẦU VÀ TỔNG CUNG

Mô hình cổ điển phát triển trong hai chương trước đã giải thích hành vi của nền
kinh tế thực trong dài hạn. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách và các nhà kinh tế
vĩ mô cũng quan tâm đến những biến động của nền kinh tế từ quý này qua quý khác và từ
năm này qua năm khác. Hoạt động kinh tế thường xuyên biến động. Do có sự tăng trưởng
trong lực lượng lao động, tư bản và tiến bộ công nghệ, nền kinh tế sản xuất ra ngày càng
nhiều hàng hóa và dịch vụ hơn. Sự tăng trưởng này cho phép người dân được hưởng mức
sống ngày càng cao. Tuy nhiên trong một số giai đoạn nền kinh tế có thể trải qua tăng
trưởng âm. Hàng hóa và dịch vụ mà các hãng sản xuất ra không được tiêu thụ hết buộc
nhiều nhà máy phải thu hẹp sản xuất, thậm chí phải đóng cửa, nhiều công nhân bị mất
việc, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Giai đoạn mà thu nhập giảm trong khi thất nghiệp tăng
được gọi là suy thoái. Một cuộc suy thoái trầm trọng được gọi là khủng hoảng. Trong một
số giai đoạn khác, nền kinh tế có thể bùng nổ quá mức. Sản xuất vượt quá mức bình
thường có thể duy trì và áp lực lạm phát liên tục dâng lên. Các doanh nghiệp có thể yêu
cầu tăng ca, làm thêm giờ, trì hoãn việc bảo dưỡng thiết bị để tăng sản lượng tạm thời
trong ngắn hạn. Các biến động kinh tế xung quanh xu hướng dài hạn thường được gọi là
chu kỳ kinh doanh.
Trong suốt 15 năm qua tỷ lệ tăng trưởng bình quân hàng năm trong GDP thực tế của
Việt Nam là 7,3%. Tuy nhiên, tỷ lệ tăng trưởng đã không ổn định qua các năm. Sau khi
đạt đỉnh cao nhất vào năm 1995, tăng trưởng kinh tế đã chậm lại và giảm xuống mức đáy
vào năm 1999, chủ yếu do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ khu vực. Bắt
đầu từ năm 2000, sau những nổ lực kích cầu của chính phủ, nền kinh tế Việt Nam đã
ngày càng khởi sắc với đà tăng trưởng ngày càng cao.
Mô hình cổ điển chỉ có thể giải thích được sự thay đổi của GDP do sự thay đổi
trong các nhân tố sản xuất hay công nghệ. Trong khi sự gia tăng lao động, tư bản và tiến
bộ công nghệ có thể là lý do rất thuyết phục để giải thích sự tăng trưởng kinh tế trong dài
hạn, thì chúng ít ý nghĩa khi giải thích những biến động kinh tế trong ngắn hạn. Điều gì
gây ra những biến động kinh tế trong ngắn hạn ? Liệu chính phủ có thể sử dụng các chính
sách kinh tế vĩ mô để ngăn chặn các giai đoạn thu nhập sụt giảm và thất nghiệp tăng cao
hay kiềm chế lạm phát khi nền kinh tế phát triển quá nóng ? Đây là những câu hỏi mà
chúng ta sẽ xem xét trong chương này và các chương tiếp theo.
Mô hình tổng cầu và tổng cung là cách tiếp cận được các nhà kinh tế sử dụng rộng
rãi để giải thích những biến động kinh tế trong ngắn hạn. Hiểu và biết cách vận dụng mô
hình này để phân tích ảnh hưởng của các cú sốc và chính sách của chính phủ là mục tiêu
chính của chương này. Sau khi có một cái nhìn tổng quan về mô hình, chúng ta sẽ đi sâu
nghiên cứu mặt cầu của nền kinh tế trong các chương tiếp theo.
I. Mô hình tổng cầu và tổng cung:
Tổng cầu và tổng cung là hai thuật ngữ được các nhà kinh tế vĩ mô sử dụng thường
xuyên nhất. Chúng là những lực lượng làm cho nền kinh tế thị trường hoạt động. Chúng
quyết định sản lượng hàng hóa và dịch vụ được sản xuất ra và mức giá chung của nền
kinh tế. Nếu muốn biết một biến cố hoặc chính sách ảnh hưởng tới nền kinh tế như thế
nào, thì trước hết bạn phải nghĩ xem nó ảnh hưởng tới tổng cầu và tổng cung như thế nào.
Mô hình tổng cầu và tổng cung chỉ ra cách thức tổng cầu và tổng cung quyết định mức
giá cả và sản lượng trong một nền kinh tế. Hai biến số được mô hình tập trung giải thích
là tổng sản lượng hàng hóa và dịch vụ được đo bằng GDP thực tế và mức giá chung được
đo bằng chỉ số điều chỉnh GDP hay chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Các nhà kinh tế thường sử
dụng đồ thị để biểu diễn mô hình tổng cầu và tổng cung trong đó mức giá được biểu diễn
trên trục tung và GDP thực tế được biểu diễn trên trục hoành. Bây giờ, chúng ta sẽ lần
lượt giới thiệu hai bộ phận cấu thành của mô hình, đó là đường tổng cầu và đường tổng
cung.
1. Tổng cầu của nền kinh tế (Aggregate Demand – AD)
Chúng ta bắt đầu nghiên cứu hành vi của nền kinh tế trong ngắn hạn bằng cách xem xét
tổng cầu. Tổng cầu là tổng sản lượng trong nước mà các tác nhân kinh tế sẵn sàng và có
khả năng mua tại mỗi mức giá. Trong một nền kinh tế mở, tổng cầu bao gồm bốn thành
tố: tiêu dùng (C), đầu tư (I), chi tiêu chính phủ (G) và xuất khẩu ròng (NX = X – IM). Sử
dụng AD để biểu thị tổng cầu, chúng ta có thể tổng hợp các thành tố của tổng cầu trong
phương trình sau:
AD = C + I + G + NX
Đường tổng cầu
Có rất nhiều biến số quyết định mức sản lượng mà các tác nhân kinh tế sẵn sàng và có
khả năng mua mà chúng ta sẽ giới thiệu chi tiết ở các chương sau. Bây giờ bạn hãy tưởng
tượng ra một tình huống trong đó chúng ta sẽ giữ cho tất cả các biến số này không đổi trừ
một biến số là mức giá. Chúng ta hãy xét xem sự thay đổi trong mức giá sẽ tác động tới
lượng tổng cầu về GDP như thế nào.
Đường tổng cầu trong hình 5-1 cho thấy điều gì xảy ra đối với lượng GDP mà các tác
nhân kinh tế muốn mua khi chỉ có mức giá thay đổi. Đường tổng cầu được vẽ với giả
định rằng tất cả các biến số khác có ảnh hưởng đến tổng cầu ngoài mức giá như thu nhập,
kỳ vọng và chính sách của chính phủ không thay đổi. Đường tổng cầu dốc xuống chỉ ra
rằng nếu những cái khác không thay đổi, thì giảm mức giá chung, chẳng hạn từ P0 xuống
P1, sẽ có xu hướng làm cho lượng tổng cầu về GDP của quốc gia đó tăng lên, từ Y0 đến
Y1.
P

A
P0
B
P1

Y0 Y1 Y

Hình 5-1 Đường tổng cầu

Tại sao đường tổng cầu dốc xuống ?

Đường tổng cầu dốc xuống phản ánh thực tế là mức giá có ảnh hưởng ngược chiều đến
lượng tổng cầu. Trong bốn thành tố của tổng cầu chi tiêu chính phủ được giả định là biến
ngoại sinh do chính sách của chính phủ quyết định tùy thuộc vào mục tiêu của điều tiết vĩ
mô mà không phụ thuộc vào mức giá.Do đó để hiểu tại sao đường tổng cầu dốc xuống
chúng ta cần làm rõ sự thay đổi trong mức giá có ảnh huởng như thế nào đến ba thành tố
còn lại của tổng cầu, bao gồm tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu ròng chúng ta sẽ lần lượt
xem xét từng ảnh hưởng đó.
Mức giá và tiêu dùng : Hiệu ứng của cải
Khi mức giá giảm thì lượng tiền trong ví hay trong tài khoản ngân hàng của bạn trở
nên có giá trị hơn vì chúng có thể mua được nhiều hàng hoa và dịch vụ hơn. Như vậy một
sự cắt giảm trong mức giá chung làm cho các hộ gia đình nhận thấy mình trở nên giàu có
hơn và họ sẵn sàng mua nhiều hàng hóa và dịch vụ hơn. Sự tăng lên trong mức tiêu dùng
có nghĩa là lượng cầu về GDP tăng lên
Mức giá và đầu tư : hiệu ứng lãi suất
Tại mức giá thấp hơn, công chúng sẽ cần giữ ít tiền hơn để mua lượng hàng hóa và
dịch vụ theo kế hoạch. Điều này hàm ý một phần trong số tiền họ đang nắm giữ để phục
vụ cho động cơ giao dịch trở nên dư thừa. Nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp sẽ tìm cách
cắt giảm lượng tiền nắm giữ bằng cách chuyển một số tiền mặt hoặc tài sản có thể viết
séc thành các tài khoản sinh lãi như trái phiếu hay tiền gởi ngân hàng có kỳ hạn, kết quả
là lãi suất sẽ giảm. Giảm lãi suất đến lượt nó có tác dụng khuyến khích các hãng đầu tư
nhiều hơn vào nhà xưởng và thiết bị mới, và các hộ gia đình mua nhiều nhà ở mới hơn.
Như vậy một mức giá thấp hơn làm giảm lãi suất, khuyến khích chi tiêu vào các hàng hóa
đầu tư và do đó làm tăng lượng tổng cầu.
Mức giá và xuất khẩu ròng : Hiệu ứng tỷ giá hối đoái.
Trong bối cảnh mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế, sự giảm giá của hàng trong nước làm
cho hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam trở nên rẻ hơn một cách tương đối so với hàng
hóa và dịch vụ sản xuất ở nước ngoài tại một mức tỷ giá hối đoái cho trước. Khi đó một
số người tiêu dùng trong nước và nước ngoài có xu hướng chuyển từ mua hàng của nước
khác sang sản xuất tại Việt Nam. Kết quả là xuất khẩu được khuyến khích và nhập khẩu
bị hạn chế làm tăng xuất khẩu ròng và làm tăng tổng cầu. Như vậy cả ba hiệu ứng trên
đều cho thấy có một mối quan hệ ngược chiều giữa mức giá và khối lượng hàng hóa và
dịch vụ sản xuất trong nước được mua: giảm mức giá chung làm tăng lượng tổng cầu về
GDP ngược lại tăng mức giá chung làm giảm lượng tổng cầu về GDP. Trên trục tọa độ
trong đó mức giá được biểu diễn trên trục tung và GDP thực tế được biểu diễn trên trục
hoành mối quan hệ này được biểu diễn bằng đường tổng cầu dốc xuống.
Sự di chuyển và dịch chuyển
Di chuyển là một thuật ngữ đề cập đến hiện tượng trượt dọc trên một đường nhất định.
Trên hệ trục Y-P sự duy chuyển dọc một đường tổng cầu phản ánh sự thay đổi của lượng
tổng cầu do sự thay đổi của mức giá trong khi các biến số ảnh hưởng đến tổng cầu được
giữ nguyên như ban đầu. Ví dụ như trong hình 6-1 sự dịch chuyển từ điểm A đến điểm B
phản ánh lượng tổng cầu tăng từ Yo đến Y1 do mức giá giảm từ Po xuống P1.

Hình 5-2 Sự dịch chuyển của đường tổng cầu


Dịch chuyển đề cập đến hiện tượng thay đổi vị trí của một đường. Nhưng chúng ta đã
biết đường tổng cầu dốc xuống cho biết một sự cắt giảm mức giá sẽ làm cho lượng cầu về
GDP tăng lên. Tuy nhiên, còn có nhiều biến cố khác ảnh hưởng đến tổng lượng cầu tại
một mức giá nhất định. Khi một sự kiện hoặc chính sách nào đó làm thay đổi lượng cầu
về GDP tại mức giá cho trước, thì đường tổng cầu sẽ dịch chuyển. Đường tổng cầu sẽ
dịch chuyển sang bên phải khi lượng cầu tăng lên tại mỗi mức giá cho trước. Ngược lại
đường tổng cầu sẽ dịch chuyển sang bên trái khi lượng cầu giảm xuống tại mỗi mức giá
cho trước. Hình 5-2 minh họa sự dịch chuyển sang bên phải hay ra phía ngoài của đường
tổng cầu từ ADo đến AD1. Tại mức giá Po, ban đầu lượng tổng cầu Yo nay đã tăng lên Y1.
Do tổng cầu về GDP của một nền kinh tế mở bao gồm bốn nguồn yêu cầu về hàng
hóa: tiêu dùng của các hộ gia đình, đầu tư cho các hãng và các hộ gia đình, chi tiêu chính
phủ và xuất khẩu ròng, nên chúng ta có thể phân loại nguyên nhân gây dịch chuyển
đường tổng cầu hạn theo các thành tố này của tổng cầu như sau:

Sự dịch chuyển bắt nguồn từ những thay đổi trong tiêu dùng. Nếu người Việt Nam trở
nên an tâm hơn về tình hình việc làm và thu nhập trong tương lai, hoặc nếu giá cổ phiếu
tăng làm cho các hộ gia đình trở nên giàu có hơn hay chính phủ giảm thuế thu nhập, thì
các hộ gia đình sẽ chi tiêu nhiều hơn cho tiêu dùng tại mỗi mức giá cho trước và kết quả
là đường tổng cầu sẽ dịch chuyển sang bên phải từ ADo đến AD1 như được biểu diễn
trong hình 5-2.
Sự dịch chuyển bắt nguồn từ những thay đổi trong đầu tư. Nếu các doanh nghiệp trở nên
lạc quan vào triển vọng mở rộng thị trường trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và
quyết định xây nhà máy mới và mua thêm máy móc, thiết bị mới, hoặc nếu chính phủ
giảm thuế cho các doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư, ngân hàng trung ương tăng
cung ứng tiền tệ làm giảm lãi suất thì đầu tư sẽ tăng và đường tổng cầu sẽ dịch chuyển
sang bên phải.
Sự dịch chuyển bắt nguồn từ những thay đổi trong chi tiêu chính phủ. Nếu chính phủ chủ
động tăng chi tiêu nhằm đối phó với đà tăng trưởng chậm, thì đường tổng cầu sẽ dịch
chuyển sang bên phải.
Sự dịch chuyển bắt nguồn từ những thay đổi trong xuất khẩu ròng. Nếu thế giới bên
ngoài lâm vào suy thoái và nhập khẩu ít hàng của Việt Nam hơn, hoặc đồng Việt Nam
tăng giá so với tiền của các đối tác thương mại thì xuất khẩu ròng của Việt Nam sẽ giảm
kết quả là đường tổng cầu sẽ dịch chuyển sang bên trái.
2. Tổng cung của nền kinh tế (Aggregate Supply- AS)
Bây giờ chúng ta chuyển sang xem xét hành vi của tổng cung: Tổng cung của một nền
kinh tế là mức sản lượng mà các doanh nghiệp trong nước sẵn sàng và có khả năng sản
xuất và cung tại mỗi mức giá. Lượng tổng cung phụ thuộc vào các doanh nghiệp trong
việc sử dụng lao động và các đầu vào để sản xuất ra hàng hóa và dịch vụ bán cho các hộ
gia đình, chính phủ, và các doanh nghiệp khác cũng như để xuất khẩu ra thế giới bên
ngoài.

Hình 5-3 Đường tổng cung dài hạn và ngắn hạn


Đường tổng cung liên kết lượng tổng cung với mức giá chung. Chúng ta cần phân biệt
hai loại đường tổng cung. Đường tổng cung giới hạn (AS LR) liên kết mức giá và sản
lượng mà các doanh nghiệp muốn sản xuất và cung ứng trong khoản thời gian đủ dài để
mọi giá cả hoàn toàn linh hoạt. Đường tổng cung ngắn hạn (AS SR hay có thể viết gọn là
AS) liên kết mức giá với mức sản xuất với giả thiết của các nhân tố sản xuất không thay
đổi. Đường tổng cung giới hạn là đường thẳng đứng, trong khi đường tổng cung ngắn hạn
là đường dốc lên như được vẽ trong hình 5-3.
Tại sao đường tổng cung dài hạn lại thẳng đứng ?
Đường tổng cung dài hạn là đường thẳng đứng bởi vì trong dài hạn khi giá cả điều
chỉnh đủ mạnh để mọi thị trường không chỉ thị trường tài chính và thị trường hàng hóa
mà cả thị trường các nhân tố sản xuất, đều ở trạng thái cân bằng. Cân bằng thị trường các
nhân tố sản xuất có nghĩa là mọi nguồn lực đều được sử dụng đầy đủ. Khi đó cung về
hàng hóa và dịch vụ chỉ phụ thuộc vào cung về các nhân tố sản xuất như tư bản, lao động,
tài nguyên thiên nhiên và trình độ công nghệ của nền kinh tế. Nói cách khác trong dài hạn
tổng cung về hàng hóa và dịch vụ của nền kinh tế không phụ thuộc vào mức giá chung.
Đường tổng cung dài hạn biểu thị mức sản lượng tạo ra khi các nguồn lực được sử
dụng đầy đủ, được gọi là sản lượng tiềm năng hay sản lượng tự nhiên (Y*). Do đó bất kỳ
nhân tố nào làm thay đổi mức sản lượng tự nhiên sẽ làm dịch chuyển đường tổng cung
dài hạn. Do sản lượng tự nhiên phụ thuộc vào cung về lao động tư bản tài nguyên thiên
nhiên và tri thức công nghệ nên ta có thể phân loại nguyên nhân làm dịch chuyển đường
tổng cung dài hạn theo các yếu tố đầu vào này.
Sự dịch chuyển xuất phát từ lao động. Nếu một nền kinh thị trường tế có nhiều công
nhân ra nước ngoài làm việc, cung về lao động trong nền kinh tế giảm. Do đó lao động
làm việc ít hơn, lượng hàng hóa và dịch vụ mà nền kinh tế thị trường có thể sản xuất ra sẽ
nhỏ hơn. Kết quả là đường tổng cung dài hạn dịch chuyển sang bên trái. Ngược lại nếu
nền kinh tế có nhiều công nhân nhập cư thì đường tổng cung sẽ dịch chuyển sang bên
phải.
Sự dịch chuyển xuất phát từ tư bản. Một sự tăng trưởng trong số lượng tư bản sẽ nâng
cao năng suất và do đó làm tăng lượng hàng hóa và dịch vụ mà nền kinh tế sản xuất ra.
Kết quả là đường tổng cung dài hạn dịch nhuyển sang bên phải. Ngược lại một sự giảm
trong lượng tư bản sẽ làm giảm năng suất và giảm cung hàng hóa và dịch vụ khiến cho
đường tổng cung dài hạn dịch chuyển sang bên trái.
Lô gíc này không thể áp dụng cho tư bản hữu hình mà cả tư bản con người hay vốn
nhân lực. Sự tăng lên số lượng máy móc hay số người tốt nghiệp đại học, cao đẳng, các
trường dạy nghề đều góp phần nâng cao năng lực sản xuất hàng hóa và dịch vụ. Do vậy
chúng đều làm cho đường tổng cung dài hạn dịch chuyển sang bên phải.
Sự dịch chuyển xuất phát từ tài nguyên thiên nhiên. Nền sản xuất của một quốc gia phụ
thuộc vào tài nguyên như đất đai khoáng sản và thời tiết. Việc phát hiện và bắt đầu khai
thác một mỏ khoáng sản mới có thể làm dịch chuyển đường tổng cung dài hạn sang bên
phải. Thời tiết trở nên khắc nghiệt hơn có thể làm cho việc trồng trọt và chăn nuôi trở nên
khó khăn hơn, làm giảm năng suất cây trồng và vật nuôi và do đó sẽ làm cho đường tổng
cung dài hạn dịch chuyển sang bên trái.
Sự dịch chuyển xuất phát từ tri thức công nghệ. Có lẽ lý do quan trọng nhất để chúng
ta ngày hôm nay sản xuất ra nhiều hàng hóa và dịch vụ hơn thế hệ trước là sự tiến bộ
trong trí thức công nghệ với những phát minh đã giúp chúng ta sản xuất ra nhiều hàng
hóa và dịch vụ hơn với cùng một lực lượng lao động tư bản và tài nguyên thiên nhiên.
Kết quả là, đường tổng cung dài hạn dịch chuyển sang bên phải.
Tại sao đường tổng cung ngắn hạn lại dốc lên ?
Trong ngắn hạn, đường tổng cung dốc lên như được vẽ trong hình 5-3. Điều này hàm ý
trong vòng một năm hay hai năm, tăng mức giá chung sẽ có xu hướng làm tăng tổng
lượng cung về hàng hóa và dịch vụ và giảm mức giá chung sẽ có xu hướng làm giảm
lượng tổng cung về hàng hóa và dịch vụ.
Điều gì tạo ra mối quan hệ dương này giữa mức giá và sản lượng được cung ứng ? Luận
cứ phổ biến nhất hướng sự chú ý đến việc thỏa thuận tiền lương giữa các doanh nghiệp và
công nhân. Các quan sát thực nghiệm cho thấy trong các ngành công nghiệp có sự hoạt
dộng của công đoàn ở các nước công nghiệp phát triển, tiền lương thường được ấn định
trước trong các hợp đồng dài hạn. Hơn nữa ngay cả trong các ngành không có sự hoạt
động của công đoàn, thường cũng có các thỏa thuận ngầm hoàn toàn tương tự. Nhiều
công nhân hiểu ngầm với các thân chủ của họ về mức tiền lương được xem xét lại một
lần trong mỗi năm ngay cả khi họ không ký các hợp đồng chính thức. Tiền lương của
công nhân không thay đổi cùng với từng sự kiện tác động đến lợi nhuận của các doanh
nghiệp nơi họ làm việc.
Khi một doanh nghiệp và các công nhân của họ mặc cả về tiền lương, họ đã có trong
đầu một mục tiêu nào đó về tiền lương thực tế mà họ cuối cùng phải sẽ thoải thuận. Mức
tiền lương này phụ thuộc vào sức mạnh tương đối của doanh nghiệp và công nhân của họ.
Tuy nhiên trong hợp đồng đã ký kết các điều khoản được viết theo tiền lương danh nghĩa
chứ không phải tiền lương thực tế. Để ấn định tiền lương danh nghĩa, các doanh nghiệp
và công nhân dựa trên kỳ vọng về mức giá chung.
Trong khi tiền lương được ấn định trước trong các hợp đồng lao động còn mức giá trên
thực tế có thể khác với mức dự tính . Giả sử cầu về lao động quyết định mức làm việc.
Nói cách khác quá trình thương lượng giữa công nhân và doanh nghiệp không quyết định
trước mức lao động được thuê, mà trái lại công nhân đồng ý cung ứng số lao động mà các
doanh nghiệp muốn thuê tại mức lương đã quy định từ trước.
Bây giờ giả thiết mức giá trên thực tế cao hơn mức dự tính. Khi đó tiền lương thực tế
thực hiện thấp hơn mức dự tính. Việc thuê lao động trở nên rẽ hơn, do đó các doanh
nghiệp sẵn sàng thuê nhiều công nhân hơn và sản lượng sẽ tăng. Hoàn toàn ngược lại nếu
như giá trên thực tế thấp hơn mức dự tính. Các doanh nghiệp nhận được ít thu nhập hơn
so với dự tính, và họ sẽ có xu hướng cắt giảm mức sản xuất.
Hình 5-3 cho thấy đường tổng cung ngắn hạn rất thoải ở những mức sản lượng thấp và
trở nên rất dốc khi sản lượng vượt quá mức tự nhiên. Tại các mức sản lượng thấp, hệ số
co dãn của cung lớn do các doanh nghiệp có thể phản ứng nhanh chóng trước sự thay đổi
của mức giá. Trong khoảng sản lượng này, các doanh nghiệp vẫn còn năng lực nhàn rỗi,
chẳng hạn nhà xưởng máy móc thiết bị bỏ không cả ngày hoặc một phần trong ngày và
nhiều lao động chưa có việc làm. Một sự gia tăng nhỏ trong mức giá cũng làm cho doanh
nghiệp thu được nhiều lợi nhuận hơn và họ sẽ tận dụng phần năng lực sản xuất nhàn rỗi
này và dễ dàng thuê thêm công nhân. Khi sản lượng tăng dần, doanh nghiệp dần dần tận
dụng hết năng lực sản xuất. Khi năng lực sản xuất đã sử dụng hết, việc tăng năng suất
thêm nữa đòi hỏi phải xây dựng thêm nhà xưởng mới và mua sắm thêm trang thiết bị mới
mà điều này chỉ có thể thực hiện trong dài hạn. Trước mắt doanh nghiệp chỉ có thể tăng
sản lượng bằng cách kéo dài thời gian lao động mà biện pháp này sẽ phải đối mặt với hai
vấn đề thứ nhất sản phẩm cận biên của lao động giảm dần: thứ hai doanh nghiệp phải trả
thêm tiền làm ngoài giờ. Để khuyến khích các doanh nghiệp quyết định chấp nhận thêm
các khoản chi phí này, mức giá phải tăng đáng kể do vậy tổng cung trở nên ít co dãn hơn.
Sự dịch chuyển các đường tổng cung ngắn hạn được gọi là cú sốc cung. Các nhân tố
làm dịch chuyển đường tổng cung dài hạn cũng sẽ làm dịch chuyển đừong tổng cung
ngắn hạn theo cùng chiều hướng. Tuy nhiên đường tổng cung ngắn hạn có thể dịch
chuyển trong khi đường tổng cung dài hạn không dịch chuyển. Trong ngắn hạn khối
lượng hàng hóa và dịch vụ mà các doanh nghiệp cung ứng không chỉ phụ thuộc vào các
nguồn lực, mà còn phụ thuộc vào giá các nhân tố sản xuất. Mỗi đường tổng cung ngắn
hạn được vẻ với giả thiết các nhân tố sản xuất cho trước. Do đó đường tổng cung ngắn
hạn sẽ dịch chuyển khi giá các nhân tố sản xuất thay đổi, với mỗi mức giá cho trước,
việc tăng giá các đầu vào sản xuất (tăng lương, tăng giá nguyên, nhiên, vật liệu...) sẽ làm
tăng chi phí sản xuất và làm giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp và do đó buộc họ phải
thu hẹp mức sản xuất. Ngược lại việc giảm giá các đầu vào sản xuất sẽ làm giảm chi phí
và làm tăng lợi nhuận và do đó khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng sản xuất. Trên
đồ thị đường tổng cung sẽ dịch chuyển sang bên phải.
Đường tổng cung ngắn hạn cũng dịch chuyển khi mức giá dự kiến thay đổi. Khi mức
giá chung được dự kiến tăng lên, thì các doanh nghiệp sẽ cho rằng giá các đầu vào sản
xuất sẽ tăng và điều này đồng nghĩa với sự gia tăng của chi phí sản xuất. Khi đó các
doanh nghiệp sẽ quyết định cung ứng ít hàng hóa và dịch vụ hơn tại bất kỳ mức giá nào
cho trước. Trên đồ thị đường tổng cung ngắn hạn dịch chuyển sang bên trái. Ngược lại
khi mức giá được dự kiến giảm thì các doanh nghiệp sẽ cho rằng giá các đầu vào sản xuất
sẽ giảm chi phí sẽ giảm, và các doanh nghiệp sẽ tăng sản lượng cung ứng. Trên đồ thị
đường tổng cung ngắn hạn dịch chuyển sang bên phải.
3. Xác định sản lượng và mức giá cân bằng
Bây giờ chúng ta có thể kết hợp cả hai mặt cầu và cung để xem xét sản lượng và mức
giá để quy định đồng thời như thế nào.
Trong hình 5-4 giá trị cân bằng của sản lượng (Yo) và mức giá (Po) xuất hiện tại giao
điểm (Eo) của đường tổng cung AS và đường tổng cầu AD. Chúng ta mô tả tổ hợp của sản
lượng và mức giá nằm trên cả hai đường tổng cầu và tổng cung ngắn hạn như là trạng
thái cân bằng của nền kinh tế. Để thấy được đây là trạng thái cân bằng duy nhất, đầu tiên
chúng ta xem xét điều gì xảy ra nếu mức giá hiện tại không phải là Po. Giả sử ban đầu
mức giá là P1 thấp hơn mức giá cân bằng Po. Tại mức giá thấp hơn này, sản lượng mà các
doanh nghiệp mong muốn cung ứng thấp hơn mức mà mọi người muốn mua. Sự dư thừa
tổng cầu sẽ làm tăng giá cả và sản lượng sẽ trượt lên phía trên dọc theo đường tổng cung
ngắn hạn, như vậy không có trạng thái cân bằng ứng với mức giá thấp hơn Po. Tương tự,
như hình 5-4 chỉ ra khi mức giá cao hơn Po chẳng hạn P2 , cuộc cạnh tranh giành giật
khách hàng giữa các nhà cung ứng sẽ đẩy mức giá giảm xuống. Như vậy chỉ tại giao
điểm của hai đường tổng cầu và tổng cung (Eo), cả người mua và người bán đều thỏa
mãn: mọi nhu cầu của người mua đều được đáp ứng và toàn bộ sản lượng mà các doanh
nghiệp sản xuất và cung ứng đều được bán hết. Kết quả là thị trường ở trạng thái ổn định
và không có xu hướng điều chỉnh.

Hình 5-4 Xác định trạng thái cân bằng


Một điều chúng ta cần lưu ý trạng thái cân bằng không có nghĩa là trạng thái tối ưu
hay là trạng thái đáng mong muốn. Nó có thể tương ứng với trạng thái phát triển nóng
(khi sản lượng cao hơn mức tự nhiên và lạm phát cao) hoặc nền kinh tế đang lâm vào suy
thoái (khi sản lượng thấp hơn mức tự nhiên). Trạng thái cân bằng đơn giản chỉ phản ánh
xu thế mà nền kinh tế sẽ tồn tại trong những điều kiện nhất định.
II. Nguyên nhân gây ra biến động kinh tế ngắn hạn và vai trò của các chính sách
ổn định
Sau khi giới thiệu mô hình tổng cầu và tổng cung, bây giờ chúng ta có thể vận dụng
những gì đã học để xem xét hai nguyên nhân cơ bản gây ra các biến động kinh tế trong
ngắn hạn.
Khi phân tích kích thích tác động của một sự kiện nào đó tới thị trường chúng ta tiến
hành theo ba bước. Thứ nhất chúng ta xác định xem sự kiện xảy ra tác động tới đường
tổng cung, đường tổng cầu hay cả hai đường (trong một số tình huống). Thứ hai chúng ta
xác định xem các đường này dịch chuyển sang bên trái hay sang bên phải. Thứ ba chúng
ta sử dụng đồ thị tổng cầu và tổng cung để xem xét sự dịch chuyển đó tác động tới mức
giá và sản lượng cân bằng như thế nào.
1. Các cú sốc cầu
Khi đường cung có tốc dộ dương, các cú sốc ngoại sinh tác động đến tổng cầu sẽ gây
ra sự dao động của sản lượng và mức giá. Sự dao động của sản lượng xung quanh mức tự
nhiên đựợc gọi là chu kỳ kinh doanh. Điều này thường được coi là tốn kém và không
mong muốn. Vì chính phủ có thể tác động đến tổng cầu thông qua các chính sách kinh tế
vĩ mô, do đó chính phủ có thể cân nhắc việc sử dụng các chính sách này để ổn định kinh
tế.
Ví dụ, giả sử nền kinh tế Việt Nam ban đầu ở trạng thái cân bằng tại mức sản lượng tự
nhiên. Nếu các nhà đầu tư và các hộ gia đình đột nhiên trở nên bi quan về trọng lượng
phát triển của nền kinh tế và chi tiêu ít hơn, thì điều này sẽ làm giảm tổng cầu. Trong
hình 5-5 đường tổng cầu dịch chuyển sang bên trái từ ADo đến AD1. Trong ngắn hạn, nền
kinh tế di chuyển dọc theo đường tổng cung ngắn hạn ASo từ A đến B. Khi nền kinh tế
chuyển từ A đến B, sản lượng từ Y* xuống Y1 và mức giá từ P0 xuống P1. Sự co giảm sản
lượng cho nền kinh tế lâm vào suy thoái. Các doanh nghiệp phản ứng lại doanh số bán ra
bằng cách co giảm một số việc làm và thất nghiệp trong nền kinh tế sẽ tăng.

Hình 5-5 Ảnh hưởng của sự cắt giảm tổng cầu đến sản lượng và mức giá
Các nhà hoạch định chính sách nên làm gì đối mặt với một cuộc suy thoái như vậy?
Một khả năng là thực hiện các biện pháp kích thích tổng cầu, là cho đường tổng cầu dịch
chuyển sang bên phải, Nếu các nhà hoạch định chính sách hành động kịp thời và chính
xác,họ có thể triệt tiêu hoàn toàn tác động của cú sốc đến tổng cầu đẩy đường tổng cầu
trở về ADo và đưa nền kinh tế trở lại điểm A. Trong các chương tiếp theo, chúng ta sẽ
thảo luận kỹ hơn về cách mà chính phủ có thể sử dụng để điều tiết tổng cầu với sự nhấn
mạnh vào chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.
Ngay cả khi các nhà hoạch định chính sách không can thiệp gì thì nền kinh tế thị
trường cũng sẽ có cơ chế tự phục hồi sau một khoảng thời gian. Do tổng cầu giảm, mức
giá giảm xuống. Trong ngắn hạn, tiền lương không thể giảm được do bị ràng buộc bởi
hợp đồng lao động dài hạn đã ký. Trong thời gian dài hơn, công nhân và doanh nghiệp có
thể thương lượng với nhau và tiền lương sẽ điều chỉnh theo hướng giảm dần do sức ép
của đội quân thất nghiệp tăng cao và phù hợp với sự biến động của mức giá, làm cho
đường tổng cung ngắn hạn dịch chuyển dần sang bên phải. Một khi sản lượng còn thấp
hơn mức tự nhiên và do đó thị trường lao động vẫn còn dư cung thì vẫn còn áp dụng giảm
tiền lương. Chỉ trong dài hạn quá trình điều chỉnh mới hoàn thành: đường tổng cung dịch
chuyển đủ mạnh với AS1 như được vẽ trong hình 6-5 và nền kinh tế chuyển đến điểm C,
tại đó đường tổng cầu mới (AD1) cắt đường tổng cung dài hạn.
Tại điểm cân bằng dài hạn C, sản lượng trở lại mức tự nhiên Y *. Mặc dù làng sóng bi
quan làm giảm tổng cầu, nhưng sự giảm sút của mức giá (đến P 2) đủ để bù đắp sự thay
đổi ban đầu của tổng cầu. Như vậy trong dài hạn, sự dịch chuyển của đường tổng cầu
được phản ánh hoàn toàn trong mức giá mà không có một ảnh hưởng nào tới sản lượng.
Nói cách khác, ảnh hưởng dài hạn của sự dịch chuyển đường tổng cầu là làm thay đổi
các biến danh nghĩa (mức giá thấp hơn) chứ không phải làm thay đổi các biến thực tế
(sản lượng và việc làm như cũ). Điều này thường được biết đến với tên gọi là sự phân đổi
cổ điển. Theo lý thuyết kinh tế vĩ mô cổ điển, có sự tách rời giữa các biến số thực tế (tính
bằng lượng hay giá tương đối như GDP thực tế hay tiền lương thực tế )và các biến danh
nghĩa (tính bằng tiền như mức giá): trong dài hạn những thay đổi trong tổng cầu chỉ ảnh
hưởng đến các biến danh nghĩa mà không tác động tới các biến thực tế, còn sản lượng
được quyết định bởi công nghệ và cung về các nhân tố sản xuất, chứ không phụ thuộc
vào tổng cầu
2. Các cú sốc cung
Các cú sốc cung xảy ra do sự thay đổi giá cả các yếu tố đầu vào hay sự thay đổi các
nguồn lực trong nền kinh tế. Các cú sốc làm giảm tổng cung được gọi là cú sốc cung bất
lợi. Ngược lại, các cú sốc làm tăng tổng cung được gọi là cú sốc cung có lợi.
Các ví dụ về cú sốc cung bất lợi như: thời tiết xấu làm giảm số lượng các sản phẩm
nông nghiệp: công đoàn gây áp lực làm tăng tiền lương; Tổ chức các nước xuất khẩu dầu
mỏ (OPEC) hạn chế sản lượng khai thác làm tăng giá dầu trên thị trường thế giới.
Các cú sốc cung bất lợi làm tăng chi phí sản xuất ở mỗi mức giá cho trước, các hãng
muốn bán ra ít hàng hóa và dịch vụ hơn. Như trong hình 5-6 cho thấy, đường tổng cung
ngắn hạn dịch chuyển lên trên và sang bên trái từ AS0 đến AS1. Trong ngắn hạn, nền kinh
tế di chuyển dọc theo đường tổng cầu từ điểm A đến điểm B. Sản lượng của nền kinh tế
giảm từ Y* đến Y1, trong khi mức giá tăng từ P o lên P1. Do nền kinh tế vừa rơi vào suy
giảm (sản lượng giảm), vừa trải qua lạm phát (mức giá tăng) nên hiện tượng này được gọi
là lạm phát đi kèm suy thoái (stagflation)

Hình 5-6 Cú sốc cung bất lợi và phản ứng chính sách
Các nhà hoạch định chính sách nên làm gì khi đối mặt với hiện tượng lạm phát đi kèm
suy thoái này? Quả là không có những lựa chọn dễ dàng. Một trong những khả năng là
các nhà hoạch định chính sách có thể muốn triệt tiêu tác động bất lợi của sự dịch chuyển
đường tổng cung ngắn hạn đến sản lượng bằng cách tăng tổng cầu. Khi đó, chính phủ cần
kích cầu để dịch chuyển đường tổng cầu tới AD 1 vừa đủ để duy trì mức sản lượng ban
đầu. Nền kinh tế chuyển đến điểm C. Sản lượng trở về mức tự nhiên và mức giá tiếp tục
tăng lên P2. Như vậy các nhà hoạch định chính sách đã thích ứng với sự dịch chuyển của
tổng cung bởi họ cho phép sự tăng lên trong chi phí ảnh hưởng đến giá cả một cách lâu
dài.
Ngược lại, nếu muốn triệt tiêu tác động bất lợi của cú sốc cung này đến mức giá, các
nhà hoạch định chính sách cần chủ động cắt giảm tổng cầu. Trên đồ thị ở hình 5-6, đường
tổng cầu dịch chuyển từ AD0 đến AD2 vừa đủ để duy trì mức giá ban đầu. Nền kinh tế
chuyển đến điểm D. Mức giá trở về P2, còn sản lượng tiếp tục giảm xuống Y2 và nền kinh
tế lún sâu hơn vào suy thoái.
Tóm lại, chúng ta đã có một mô hình cơ bản về nền kinh tế trong ngắn hạn và dài hạn.
Sự điều chỉnh của mức giá có xu hướng đưa nền kinh tế trở lại mức sản lượng tự nhiên
trong dài hạn. Mức sản lượng tự nhiên tăng lên theo thời gian, do đó những biến động
kinh tế có thể coi là những dao động ngắn hạn xung quanh đường xu hướng trong dài
hạn. Nền kinh tế có thể bị tác động bởi nhiều cú sốc. Các cú sốc như vậy có thể tạo ra
những biến động không hiệu quả trong nền kinh tế. Do đó, chính phủ có thể sử dụng các
chính sách ổn định để chống lại chu kỳ kinh doanh.

You might also like