You are on page 1of 12

MỞ ĐẦU

Hiến pháp là đạo luật gốc của mỗi quốc gia, là “bản văn có giá trị pháp lí cao nhất của
một”. Các quy định trong Hiến pháp được thể hiện một cách ngắn gọn, súc tích và chỉ xác
lập nên những quy tắc chung mà không đi sâu giải quyết các tình huống cụ thể và do đó,
Hiến pháp có tính ổn định lâu dài. Trong khi đó, cuộc sống luôn thay đổi không ngừng dẫn
đến việc hiểu các quy định của Hiến pháp cũng có phần khác đi so với thời điểm nhà làm
luật mới xây dựng nên nó. Như vậy, nhu cầu giải thích Hiến pháp được đặt ra.
Do có sự khác biệt về lịch sử, nền tảng văn hóa, chế độ chính trị, hình thức chính thể
và hệ tư tưởng, các quốc gia lại có các quan điểm và quy định về việc giải thích Hiến pháp
khác nhau. Một số quốc gia, hoạt động giải thích Hiến pháp được đặc biệt coi trọng và được
áp dụng các học thuyết để tiến hành, trong khi một số quốc gia khác lại không. Vì vậy, một
số câu hỏi được đặt ra: Các quốc gia đã quy định thế nào về hoạt động giải thích Hiến pháp?
Đằng sau các quy định ẩn chứa triết lý gì của nhà làm luật? Bài học nào được rút ra cho Việt
Nam trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền?
Từ một số vấn đề được đặt ra như trên, người viết lựa chọn đề tài “Giải thích Hiến
pháp trên thế giới và ở Việt Nam hiện nay” để thực hiện tiểu luận kết thúc học phần Tư duy
pháp lý.
Tiểu luận nhằm trả lời một số câu hỏi chính:
- Giải thích Hiến pháp là gì? Đặc điểm của giải thích Hiến pháp là gì, các lý
thuyết liên quan đến hoạt động giải thích Hiến pháp là gì?
- Hoạt động giải thích ở một số quốc gia trên thế giới diễn ra như thế nào?
- Thực tiễn giải thích pháp luật ở Việt Nam ra sao?

Tiểu luận được thực hiện chủ yếu bằng phương pháp tổng hợp và phân tích tài liệu, so
sánh và đối chiếu trên nền tảng phương pháp luận của phép duy vật biện chứng và chủ nghĩa
duy vật lịch sử.

Tiểu luận gồm 3 chương:


Chương 1: Một số vấn đề lý luận liên quan đến giải thích Hiến pháp
Chương 2: Giải thích Hiến pháp ở một số quốc gia trên thế giới
Chương 3: Giải thích Hiến pháp ở Việt Nam
1
CHƯƠNG I. MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN LIÊN QUAN ĐẾN GIẢI THÍCH HIẾN
PHÁP
1. Giải thích pháp luật

Giải thích pháp luật là việc làm sáng tỏ về nội dung, ý nghĩa và mục đích của các quy
phạm pháp luật, để giúp cho các cá nhân, tổ chức, hiểu và áp dụng các quy phạm pháp luật
đó một cách chính xác và thống nhất1. Căn cứ vào giá trị pháp lý, có thể chia giải thích pháp
luật thành 2 loại: giải thích chính thức và giải thích không chính thức. Trong phạm vi của bài
tiểu luận, người viết chủ yếu tiếp cận dưới góc độ giải thích pháp luật chính thức – được
thực hiện bởi các chủ thể đại diện quyền lực nhà nước, giải thích có giá trị bắt buộc và thực
hiện theo trình tự, thủ tục đặc biệt.

Giải thích pháp luật xuất phát từ nhu cầu tất yếu của mỗi quốc gia. Bởi lẽ, pháp luật
dẫu có nhiều thì cũng không thể nào bao phủ lên mọi tình huống trong thực tế, cuộc sống thì
luôn thay đổi, nếu các quy phạm không được giải thích thì việc áp dụng sẽ rất khó khăn và
dần dần dẫn tới việc hiểu sai, áp dụng sai và quy phạm trở nên thiếu sức sống. Nhu cầu này
cũng có thể bắt nguồn do lỗi của các nhà lập pháp như lỗi kỹ thuật đánh máy, lỗi về từ vựng
khiến việc hiểu quy phạm trở nên khó khăn. Do dó, giải thích pháp luật có mối quan hệ chặt
chẽ với hoạt động lập pháp và hoạt động áp dụng pháp luật; nếu như quy phạm bị hiểu chưa
đủ, chưa đúng thì áp dụng pháp luật sẽ khó khăn và nhà lập pháp cũng khó tìm ra lỗi sai để
thực hiện sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng lại quy phạm mới.

Giải thích pháp luật cần phải được phân biệt với quá trình lập pháp. Giải thích pháp
luật lại là việc căn cứ vào các quy phạm có sẵn, bằng những phương pháp cụ thể (giải thích
văn phạm, giải thích hệ thống, giải thích lịch sử,…) để đưa ra những lý giải phù hợp để giải
quyết các tình huống cụ thể mà không sáng tạo ra các quy phạm mới. Có thể ví rằng: “Giải
thích pháp luật giống như hoạt động của đầu bếp, chế biến các nguyên liệu từ chợ, nông
trại, ngư trường… thành các món ăn để phục vụ cho những thực khách ngày càng khó tính”.
Thật vậy, các vụ việc trên thực tế ngày càng phức tạp do đời sống đang phát triển một cách

1
Nguyễn Minh Tuấn, Nguyễn Hoàng Anh, 2020, Giáo trình Tư duy pháp lý. Hà Nội, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, tr.
284

2
chóng mặt, giải thích pháp luật lại càng đòi hỏi các chủ thể phải có năng lực tốt để đưa ra
cách hiểu phù hợp cho mỗi tình huống.

Giải thích pháp luật vừa là hoạt động, vừa là quy trình và cũng là kết quả 2. Là hoạt
động khi nhìn dưới góc độ các công việc, phương pháp mà chủ thể tiến hành giải thích pháp
luật. Là quy trình khi nhìn dưới góc độ các thủ tục, trình tự. Giáo trình Tư duy pháp lý của
Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội đã nhận định “...hiểu là kết quả, khi muốn nhấn mạnh
các sản phẩm của giải thích pháp luật là những quy phạm có giá trị …”. Người viết cho
rằng quan điểm này chưa được xác đáng, vì khi nói “giải thích pháp luật là kết quả” thì cần
chỉ ra nguyên nhân của nó là hoạt động lập pháp chứ không phải chỉ ra sản phẩm của nó là
gì. Giải thích pháp luật là kết quả vì nó là một hệ quả của hoạt động lập pháp, giải thích pháp
luật tốt thì có thể là nguyên nhân dẫn đến hoạt động áp dụng pháp luật hiệu quả.

2. Giải thích Hiến pháp

Giải thích Hiến pháp là một dạng đặc biệt của giải thích pháp luật, được phân loại
theo hình thức giải thích pháp luật. Giải thích Hiến pháp vừa mang những đặc điểm của giải
thích pháp luật nói chung vừa mang các đặc điểm riêng biệt. Điều này xuất phát từ bản chất
của Hiến pháp là một văn bản giới hạn quyền lực của nhà nước và bảo vệ quyền con người,
quyền công dân.

Giải thích Hiến pháp là vừa hoạt động mang tính pháp lý, song cũng vừa có tính
chính trị cao. Tính pháp lý thể hiện ở việc giải thích Hiến pháp không chỉ nhằm giải quyết
các tình huống mà còn nhằm tạo nên sự thống nhất trong hệ thống pháp luật. Hiến pháp là
văn bản có hiệu lực cao nhất, việc giải thích Hiến pháp có thể dẫn đến hiệu lực của một số
luật, pháp lệnh hay các văn bản pháp quy của các cơ quan khác bị thay đổi hiệu lực. Tính
chính trị ở chỗ, Hiến pháp thể hiện hệ tư tưởng, triết lý hoạt động của nhà nước, giá trị của
quyền con người, quyền công dân trong mỗi quốc gia và là kết tinh của lịch sử, kinh tế và
văn hóa. Cho nên, hoạt động giải thích Hiến pháp phải tuân thủ đúng tinh thần của Hiến
pháp, trung thành với ý chí nguyên thủy của các nhà lập hiến, đặc biệt trong bối cảnh xã hội
có nhiều biến động.

2
Sđd tr. 258
3
Hoạt động giải thích Hiến pháp có tính chất như một hoạt động bảo hiến. Vì nó giúp
các quy định của Hiến pháp trở nên dễ hiểu, được áp dụng và có hiệu lực, do đó mà Hiến
pháp có sức sống lâu dài. Điều này đặc biệt đúng khi tại nhiều quốc gia, Hiến pháp không có
hiệu lực trực tiếp mà phải thông qua các luật, pháp lệnh, văn bản pháp quy khác. Mỗi quốc
gia sẽ thành lập các mô hình giải thích Hiến pháp, pháp luật khác nhau. Ở một số quốc gia,
thẩm quyền này thường gắn với các Tòa án Hiến pháp, nhưng ở một số quốc gia khác như ở
Việt Nam, thẩm quyền này được giao luôn cho chủ thể lập Hiến (Ủy ban Thường vụ Quốc
hội) đảm nhận.

Như vậy, giải thích Hiến pháp – một dạng đặc biệt của giải thích pháp luật có tính
chất là một hoạt động bảo hiến và có tính chính trị pháp lí cao. Mỗi một quốc gia thành lập
nên một mô hình giải thích Hiến pháp khác nhau phù hợp với bối cảnh của nước mình. Sự
khác biệt cụ thể là gi? Người viết sẽ phân tích thông qua một số quốc gia đại diện cho những
mô hình giải thích Hiến pháp được áp dụng phổ biến.

4
CHƯƠNG II. GIẢI THÍCH HIẾN PHÁP Ở MỘT SỐ QUỐC GIA TRÊN THẾ GIỚI
1. Giải thích Hiến pháp Hoa Kỳ
Hoa Kỳ là quốc gia theo mô hình Tư pháp giải thích pháp luật, thẩm quyền giải thích
Hiến pháp thuộc về Tòa án (nhất là Tòa án Tối cao Hoa Kỳ) thông qua các án lệ. Trong vụ
Mabury v. Madison (1803), Chánh án John Marshall đã tuyên bố: “Trách nhiệm và bổn phận
của cơ quan tư pháp là giải thích pháp luật”. Madison cũng nhấn mạnh, hoạt động giải thích
Hiến pháp nên được dành cho những phán quyết hợp lý của một thẩm phán độc lập, hơn là
cho một quy trình chính trị đầy khó hiểu và tranh cãi3.
Ba lý do chính giải thích cho thẩm quyền này của Tòa án tại Hoa Kỳ là: học thuyết
phân quyền, văn hóa án lệ và sự hàm súc của Hiến pháp. Thứ nhất, Hoa Kỳ là quốc gia áp
dụng triệt để nhất học thuyết phân quyền, Tòa án giải thích Hiến pháp giúp hạn chế sự lạm
quyền của nhánh quyền lực lập pháp và hành pháp - một trong các biện pháp là thẩm quyền
tuyên bố một văn bản của chính phủ hoặc nghị viện là vi hiến. Thứ hai, án lệ tại Hoa Kỳ
thường chứa các nội dung giải thích pháp luật cho từng trường hợp cụ thể, và các nội dung
của Hiến pháp cũng được các thẩm phán giải thích qua đây. Thứ ba, Hiến pháp Hoa Kỳ từ
năm 1787 đến nay vẫn chỉ vỏn vẹn có 7 điều quy định về tổ chức quyền lực nhà nước và các
Tu chính án về vấn đề quyền con người, quyền công dân; nếu Tòa án không giải thích Hiến
pháp, các quy định sẽ thiếu sức sống đặc biệt trong bối cảnh ngày nay.
Hoạt động giải thích Hiến pháp tại Hoa Kỳ diễn ra tương đối thường xuyên, hiệu lực
của sản phẩm giải thích pháp luật có hiệu lực đối với từng tình huống cụ thể, và khi được
đưa lên làm một án lệ thì sẽ có giá trị áp dụng trong các trường hợp tương tự khác. Thông
thường, mỗi khi Tòa án thực hiện giải thích Hiến pháp là khi nhu cầu xem xét tính hợp hiến
của một hành vi công quyền được đặt ra.
2. Giải thích Hiến pháp Trung Quốc
Tại Trung Quốc, thẩm quyền giải thích Hiến pháp thuộc về cơ quan lập pháp - Ủy
ban Thường vụ Quốc hội, mô hình này được gọi là lập pháp giải thích pháp luật. Thẩm
quyền này được trao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào năm 1978 qua hiến pháp và đến

3
Nguyên văn: Madison had written that constitutional interpretation must be left to the reasoned judgment of
independent judges, rather than to the tumult and conflict of the political process. (Surpreme Court of The United States,
The Court and Constitutional Interpretation, trực tuyến tại: https://www.supremecourt.gov/about/constitutional.aspx).

5
năm 1982, Trung Quốc đã thông qua hệ thống giải thích Hiến pháp và pháp luật. Nhìn
chung, hoạt động giải thích Hiến pháp ở quốc gia này không được thực hiện thường xuyên,
sôi nổi như ở các quốc gia theo mô hình tư pháp giải thích.
Hệ thống pháp luật của các nước xã hội chủ nghĩa nói chung và Trung Quốc nói riêng
cũng mang một số đặc điểm gần như các nước theo hệ thống Civil Law. Thẩm quyền giải
thích pháp luật ở một số quốc gia theo hệ thống này cũng thuộc về cơ quan lập pháp. Điều
này bắt nguồn từ nguyên tắc của luật La Mã cổ rằng, người làm được việc lớn cũng làm
được việc nhỏ. Nhưng trong bối cảnh hiện đại thì nguyên tắc này lại không hợp lí nên các
quốc gia đã có sự thay đổi. Nhưng với các quốc gia xã hội chủ nghĩa, có lẽ nguyên tắc này
vẫn được áp dụng.
Luật pháp ở Trung Quốc là sự thể hiện ý chí của giai cấp thống trị, điều này ảnh
hưởng nhất định đến cơ chế thi hành và áp dụng pháp luật. Trung Quốc là một nước theo hệ
thống pháp luật Xã hội Chủ nghĩa, chịu ảnh hưởng từ truyền thống Nho giáo, văn hóa pháp
luật không trọng kiện tụng trước tòa mà thiên về hòa giải. Cho nên, giải thích Hiến pháp
chưa được quan tâm đúng mực. Tòa án ở đây có vai trò không lớn, dù Tòa án Nhân dân tối
cao cũng có quyền ban hành giải thích nhưng ở đây chỉ là “giải thích quy phạm tĩnh” không
áp dụng vào từng vụ việc.
Hoạt động này được thực hiện gần giống như hoạt động lập pháp (có những nét tương
đồng về thủ tục, quy trình), nên đôi khi được nhận định là không có sự phân biệt rõ ràng
giữa quyền giải thích pháp luật và quyền lập pháp. Đôi khi trong hoạt động giải thích pháp
luật, các nhà lập pháp còn bổ sung thêm một số điểm không có trong văn bản trước đó.
Nhiều khi sản phẩm của giải thích pháp luật tại quốc gia này được gọi là “lập pháp bổ sung”.
Tính chính trị trong hoạt động giải thích pháp luật nói chung và giải thích Hiến pháp
nói riêng tại Trung Quốc vượt trội hơn hẳn tính pháp lý. Sản phẩm giải thích mang ý nghĩa
là sự nhấn mạnh hơn ý chí của giai cấp thống trị mà không tập trung giải quyết các tranh
chấp. Đây là một hạn chế không chỉ riêng Trung Quốc mà cũng tồn tại ở các quốc gia theo
mô hình lập pháp giải thích này, trong đó có cả Việt Nam.
3. Giải thích Hiến pháp Hàn Quốc
Thẩm quyền giải thích Hiến pháp và các văn bản luật tại Hàn Quốc được giao cho cả
ba thiết chế lập pháp, hành pháp và tư pháp thực hiện; trong đó, giải thích của nhánh lập
6
pháp và hành pháp được coi là dự liệu. Tòa án có thẩm quyền xem xét lại sản phẩm giải
thích của các chủ thể khác, đặc biệt là Tòa án Hiến pháp. Mô hình giải thích Hiến pháp này
của Hàn Quốc là mô hình cả ba cơ quan quyền lực giải thích pháp luật.
Nguyên tắc pháp quyền được theo đuổi và áp dụng tại quốc gia này, theo đó, quá
trình làm luật và quá trình áp dụng luật là hai phượng diện chủ yếu thể hiện các giá trị của
pháp quyền. Nguyên tắc pháp quyền ảnh hưởng rất lớn lên hoạt động của nhà nước, quyền
lực nhà nước được vận hành trong khuôn khổ pháp luật, tinh thần thượng tôn pháp luật được
phổ biến rộng rãi. Vai trò của Tòa án được đề cao trong việc đảm bảo nguyên tắc này vì nó
là chủ thể tích cực trong việc bảo vệ các quy phạm pháp luật thông qua hoạt động xét xử và
giải thích pháp luật.
Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hàn Quốc là ba quốc gia đại diện cho ba mô hình giải thích
Hiến pháp tiêu biểu trên thế giới. Mỗi một mô hình đều có nhưng thế mạnh riêng, điều này
lý giải cho sự tồn tại của chúng trong thế giới hiện đại. Nhìn chung, vai trò của Tòa án của
các quốc gia trong việc giải thích Hiến pháp được coi trọng, hoặc ít nhất đang dần được cải
thiện. Với các quốc gia theo nguyên tắc phân quyền như Hoa Kỳ hay theo nguyên tắc pháp
quyền như Hàn Quốc, Tòa án là chủ thể chính giải thích Hiến pháp. Ngay cả với các quốc
gia tập trung quyền lực như Trung Quốc, Tòa án cũng đang dần dần có thêm vị thế trong
hoạt động này.
Như vậy, với Việt Nam, đặc biệt trong quá trình cải cách tư pháp và hướng tới một
nhà nước pháp quyền, có những khó khăn gì trong hoạt động giải thích Hiến pháp và có bài
học gì được rút ra cho Việt Nam từ các quốc gia nêu trên?

7
CHƯƠNG III. GIẢI THÍCH HIẾN PHÁP Ở VIỆT NAM

1. Hoạt động giải thích pháp luật ở Việt Nam


Theo Hiến pháp 2013, Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan được trao thẩm quyền
giải thích Hiến pháp một cách chính thức thông qua việc ban hành các Nghị quyết. Học
thuyết phân quyền không được áp dụng tại Việt Nam vì nó trái với nguyên tắc tập trung
quyền lực và định hướng xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Trao quyền cho
cơ quan thường trực quốc hội cũng mang ý nghĩa thể hiện sự tôn trọng tới quyền lực mà cơ
quan này đại diện – quyền lập pháp, lập hiến, quyền lực của nhân dân.
Giải thích Hiến pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là giải thích quy phạm tĩnh,
không áp dụng trong từng vụ việc. Theo Luật tổ chức Quốc hội sửa đổi 2020, Quốc hội có
thể tự mình hoặc theo đề nghị của theo đề nghị hoặc kiến nghị của các cơ quan khác để giải
thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh. Văn bản giải thích của Quốc hội không bị giới hạn những
vấn đề giải thích và có hiệu lực bắt buộc thi hành – điều này cũng khiến văn bản giải thích là
một phần đi kèm, mở rộng cho quy phạm. Trên thực tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa
lần nào giải thích Hiến pháp.
Tại Việt Nam, thông thường khi một đạo luật mới được ban hành thì cần phải có các
văn bản hướng dẫn thi hành của cơ quan hành pháp và tư pháp. Những văn bản hướng dẫn
thi hành ít nhiều chưa trong đó những nội dung giải thích hiến pháp, luật và pháp lệnh nói
chung, đây là giải thích không chính thức. Nhưng điều này cũng dẫn đến vấn đề rằng, nếu
như một đạo luật được ban hành mà không có việc giải thích không chính thức trên thì việc
triển khai trong thực tế gặp không ít khó khăn và đôi khi cũng đến sự chồng chéo trong hệ
thống pháp luật. Đặc biệt với Hiến pháp 2013, có rất nhiều quy định mang tính định hướng
về kinh tế, văn hóa, giáo dục,… cũng như các quy định khác về việc hạn chế quyền con
người, quyền công dân,… Không có giải thích chính thức của Ủy ban Thường vụ Quốc hội,
cách hiểu đến này vẫn chưa được thông nhất. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch đang bùng
phát, nhiều câu vấn đề ra liên quan đến quy định về trường hợp khẩn cấp và phạm vi giới
hạn, hạn chế quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp mà đỏi hỏi có sự giải thích
chính thức.

8
Do việc giải thích chính thức chủa được thực hiện, cùng với việc không có hiệu lực
trực tiếp mà phải thông qua luật, pháp lệnh và các văn bản pháp quy khác, tinh thần Hiến
pháp chưa được phổ biến rộng rãi trong xã hội. Để xây dựng một nhà nước pháp quyền thì
cần phải có những công dân thượng tôn Hiến pháp, thượng tôn pháp luật và một nhà nước
bình đẳng với người dân trong việc thực hiện pháp luật. Vì vậy, người viết xin được đưa ra
một số đề xuất nhằm cải thiện hoạt động giải thích Hiến pháp và phát huy quyền lực tư
pháp.
2. Một số đề xuất
Nhiều tác giả cho rằng, cần trao Tòa án thẩm quyền giải thích Hiến pháp chính thức,
với quan điểm cá nhân của mình, người viết cho rằng việc này là cần thiết nhưng cần phải
thay đổi dần dần. Hiện nay, môt tác giả nhận định, việc trao thẩm quyền này cho Tòa án còn
gặp một số khó khăn như: năng lực của thẩm phán còn hạn chế mà Hiến pháp lại là văn bản
vô cùng quan trọng, không được giải thích sai; nước ta không áp dụng học thuyết phân
quyền ngay cả Hiến pháp 1946 – được cho là có tính dân chủ cao nhất thì thẩm quyền này
cũng không thuộc về Tòa án; … Người viết cho rằng, những lý do này chưa được thuyết
phục do năng lực của thẩm phán đã được cải thiện trong những năm gần đây và việc cải cách
tư pháp cũng đặt ra yêu cầu phải cho phép tư pháp giải thích Hiến pháp. Vì vậy, người viết
xin đưa ra một số đề xuất trong thời gian tới:
- Cho phép Tòa án Nhân dân Tối cao ban hành các nghị quyết hướng dẫn một số
điều khoản của Hiến pháp và Ủy ban Thường vụ Quốc hội có quyền xem xét và thông qua
nghị quyết. Việc này khiến Tòa án trở thành chủ thể tích cực trong việc giải thích Hiến pháp,
song, vẫn đảm bảo được cơ quan lập pháp kiểm soát được hoạt động này. Việc cho pháp Tòa
án Nhân dân Tối cao giải thích Hiến pháp chính thức nhằm phục vụ nhu cầu trên thực tế, đặc
biệt trong quá trình xét xử và cũng giúp hình thành dần nên một cơ chế bảo hiến cho Việt
Nam.
- Cho các Tòa án cấp dưới thẩm quyền đề nghị giải thích Hiến pháp. Điều này
giúp tăng tính chủ động của các Tòa án trong hoạt động giải thích và đưa việc giải thích quy
phạm tĩnh sang giải thích động – giải thích để áp dụng trong từng vụ việc cụ thể.
- Nâng cao vai trò của các chuyên gia trong việc hỗ trợ Tòa án Nhân dân Tối
cao thực hiện thẩm quyền giải thích Hiến pháp. Việc giải thích Hiến pháp không chỉ đơn
9
thuần là giải thích pháp lí mà còn là giải thích chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội. Có sự
đóng góp ý kiến của chuyên gia, Tòa án sẽ hạn chế được những sai lầm trong quá trình giải
thích.

KẾT LUẬN

Bài viết đã giải quyết những vấn đề lý luận liên quan đến hoạt động giải thích Hiến
pháp, phân tích đặc điểm của hoạt động giải thích Hiến pháp tại một số quốc gia và so sánh
với Việt Nam. Đồng thời người viết cũng đưa ra một số đề xuất để cải thiện hoạt động giải
thích Hiến pháp tại Việt Nam.

Giải thích pháp luật nói chung và giải thích Hiến pháp nói riêng là những hoạt động
đóng vai trò quan trọng trong quá trình áp dụng và xậy dựng pháp luật. Giải thích Hiến pháp
vừa là hoạt động có tính pháp lý và cũng vừa là hoạt động mang tính chính trị cao. Hoạt
động này gắn liên với cơ chế bảo hiến của mối quốc gia, giúp cho tinh thần của Hiến pháp
được đi vào đời sống. Có ba mô hình giải thích Hiến pháp phổ biến trên thế giới: mô hình tư
pháp giải thích, mô hình lập pháp giải thích và mô hình cả ba cơ quan quyền lực cùng giải
thích với các đại diện lần lượt là Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hàn Quốc. Mỗi mô hình đều có
những điểm mạnh và hạn chế khác nhau. Ở Việt Nam, mô hình lập pháp giải thích được áp
dụng do tổ chức bộ máy nhà nước theo nguyên tắc tập quyền.

Trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền, việc thực hiện giải thích hiệu quá
Hiến pháp không chỉ giúp nâng cao chất lượng hoạt động áp dụng pháp luật mà còn giúp
nâng cao ý thức pháp luật của người, tinh thần thượng tôn Hiến pháp và pháp luật được đề
cao trong cộng đồng. Nhận thấy rằng, để làm được điều đó, một cơ quan không thể tự mình
thực hiện mà đòi hỏi sự đoàn kết, tập trung cao độ của cả bộ máy nhà nước.

10
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Theories of Constitutional Interpretation.

Trực tuyến tại: http://law2.umkc.edu/faculty/projects/ftrials/conlaw/interp.html [Truy


cập ngày 6.5.2021].

2. Bình, P. T. T., 2014. Vai trò của Tòa án trong giải thích pháp luật, Hà Nội: s.n.

3. Cương, N. V., 2016. Vài nét về giải thích hiến pháp ở Hoa Kỳ. Tạp chí Nghiên cứu
Lập pháp, Issue 17(321).

4. Dũng, Đ. T., 2006. Hoạt động giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh trong giai đoạn
xây dựng nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa ở nước ta hiện nay. Luận văn thạc
sĩ luật học.

5. Dung, N. Đ., 2009. Cải cách tư pháp trong quyền lực nhà nước. Tạp chí Khoa học
ĐHQGHN, pp. 135-144.

6. Dung, N. Đ., 2017. Giải thích Hiến pháp và luật. Tạp chí nghề luật, 1.pp. 3-9.

7. Hải, Đ. P., 2019. Chức năng giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh của Ủy ban Thường
vụ Quốc hội. Tạp chí Lý luận Chính trị.

8. Hạnh, N. H., 2008. Giải thích Hiến pháp, luật và pháp lệnh: Tìm mục đích đích thực
của văn bản quy phạm pháp luật và ý chí của các nhà lập pháp. Báo điện tử Đại biểu
Nhân dân, 16 9.

9. Mạnh, N. Đ., 2008. Bàn về lập hiến. Tạp chí nghiên cứu lập pháp, Issue 7.

10. Murrill, B. J., 2018. Modes of Constitutional Interpretation, s.l.: CRS Report.

11. Ngọc, H. T. B., 2017. Đảm bảo thực hiện giải thích pháp luật ở Việt Nam - Một số
vấn đề thực tiễn và giải pháp. tạp chí Khoa học trường Đại học Vinh.

12. Nguyễn Đăng Dung, Đặng Minh Tuấn, Vũ Công Giao, 2018. Giáo trình Luật Hiến
pháp Việt Nam. Hà Nội: Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.

11
13. Nguyễn Minh Tuấn, Lê Minh Thúy, 2021. Án lệ, áp dụng án lệ trên thế giới và gợi
mở cho Việt Nam. Tạp chí nghiên cứu lập pháp.

14. Nguyễn Minh Tuấn, Nguyễn Hoàng Anh, 2020. Giáo trình Tư duy pháp lý. Hà Nội:
Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.

15. Quế, H. T. K., n.d. Giáo trình Lý luận về nhà nước và pháp luật. Hà Nội: Nxb Đại
học Quốc gia Hà Nội.

16. Ribeiro, G. d. A., 2020. WHAT IS CONSTITUTIONAL INTERPRETATION?. s.l., s.n.

17. Surpreme Court of United States, S., n.d. The Court and Constitutional
Interpretation.
Trực tuyến tại: https://www.supremecourt.gov/about/constitutional.aspx [Truy cập
ngày 5.5.2021]

18. Trường đại học Kiểm sát Hà Nội, Đ., n.d. Những vấn đề đặt ra từ thực tế giải thích
pháp luật ở Việt Nam hiện nay. Thông tin khoa học.

12

You might also like