You are on page 1of 3

NGHỊ LUẬN VĂN HỌC:

BÀI CA NGẤT NGƯỞNG


(Nguyễn Công Trứ)
I. MỞ BÀI
Nguyễn Công Trứ (1778 - 1858) xuất thân dòng dõi Nho gia, quê ở làng Uy Viễn, huyện
Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Nhìn vào cuộc đời Nguyễn Công Trứ, chúng ta sẽ thấy rõ hai nét: thấm
nhuần đến tận chân tơ kẽ tóc đạo trung hiếu. quân thần và ý thức rất rõ về tài đức của mình. Điều
đáng quý là ông đem hết tài đức cống hiến cho nước, cho dân. Nguyễn Công Trứ có cá tính mạnh
mẽ và phong cách ngất ngưởng của ông vượt khỏi khuôn khổ chật hẹp của lễ giáo phong kiến. Ông
có thêm tài văn chương, tâm hồn nghệ sĩ và cốt cách tài tử phong lưu, biết sống và dám sống. Có
thể coi Bài ca ngất ngưởng là bản tự thuật ngắn gọn có ý nghĩa tổng kết cuộc đời và tính cách của
ông. Nguyễn Công Trứ đã phô trương thái độ ngang tàng, một lối sống chân thật, dám khẳng định
bản lĩnh cá nhân vượt ra ngoài khuôn khổ Nho giáo. Cảm xúc phóng túng được tác giả gửi vào thể
ca trù có hình thức tương đối tự do, vừa là thơ vừa là ca, là nhạc:
Vũ trụ nội mạc phi phân sự,

Trong triều ai ngất ngưởng như ông
II. THÂN BÀI
* Khái quát: Tinh thần của bài thơ toát lên thái độ ngất ngưởng. Thái độ ấy không chỉ thể
hiện ở tựa đề mà còn ở bốn lần tác giả nhắc lại tính từ ngất ngưởng như một sự trùng lặp cố ý, tạo
thành điệp khúc đúng vào chỗ đúc kết ý trên và mở ra ý dưới.
* Phân tích bài thơ:
Theo Từ điển tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học (2003), từ ngất ngưởng đồng nghĩa với từ
ngất nghểu, được dùng để chỉ người ở tư thế trên cao không vững vàng, lắc lư nghiêng ngả như
chực ngã. Phong thái ngất ngưởng khác người ấy của Nguyễn Công Trứ vốn có từ trước, kể cả
trong thời gian làm quan, hằng ngày ra vào nơi triều chính, nhưng nó bộc phát mạnh mẽ và không
cần giấu giếm từ sau khi Độ môn giải tổ chi niên (trả lại ấn tín, vua cho nghỉ hưu, trở về cuộc sống
đời thường). Bởi vì thái độ ngất ngưởng như thế không được phép diễn ra trước mắt các ông vua
chuyên chế của triều đình nhà Nguyễn.
Mở đầu bài thơ, tác giả viết:
Vũ trụ nội mạc phi phận sự,
Có nghĩa là mọi việc trong vũ trụ, chẳng có việc nào mà không phải là phận sự của ta. Cách
nói phủ định để khẳng định ấy đề cao tâm thế của một nhà Nho chân chính.
Tác giả đặt mình ngang tầm vũ trụ nhưng rồi lại làm ra vẻ khiêm tốn tự nhận:
Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng.
Làm quan, ông coi là đã vào lồng, tức là vào khuôn phép nghiêm ngặt, từ túng của Tam
cương, Ngũ thường. Mà như thế là mất tự do, là trái với tài đội trời đạp đất của ông. Biết vậy nhưng
ông vẫn tham gia triều chính vì đó là phương tiện để ông thể hiện tài năng và hoài bão của mình.
Cách xưng hô trong bài thơ có nét độc đáo. Mới đọc qua ta sẽ tưởng rằng tác giả không phải là
Nguyễn Công Trứ vì các đại từ thuộc ngôi thứ ba (ông, tay) được dùng thay cho đại từ ngôi thứ
nhất (tôi, ta). Qua đó, nhà thơ chứng tỏ rằng mình là một giá trị hiển nhiên giữa đời, không thể phủ
nhận.
Nguyễn Công Trứ vừa mới đề cao vai trò bản thân trong vũ trụ ở câu thứ nhất thì ngay câu
thứ hai đã tự trách mình là đem cái tài bộ ấy nhốt vào lồng. Tuy thế, ông không giấu sự khoan
khoái, tự hào khi nhắc tới những mốc son của đời mình, dù mỗi sự kiện chỉ được nhắc bằng vài chữ
như dửng dưng, không có gì là quan trọng:
Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng
Khi Thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông...
Lúc bình Tây, cờ đại tướng,
Có khi về Phủ doãn Thừa Thiên.
Nếu theo đúng lời ông kể trong bài thơ thì ông không chỉ làm quan mà còn làm quan to,
không bị giáng chức như trong cuộc đời thực mà còn luôn luôn thăng tiến. Con đường công danh
thênh thênh rộng mở cho đến khi ông được vua cho phép giải tổ chi niên. Nhắc đến những sự kiện
lớn lao hiển hách trong đời mình mà giọng kể của ông nghe như bỡn cợt, đùa chơi. Đỗ Thủ khoa
(đỗ đầu cử nhân khoa), làm Tham tán quân sự..., những chức vụ ấy nói sơ qua cũng được, nhưng
làm đến Tổng đốc, một chức quan to đứng đầu mấy tỉnh, hay lĩnh chức đại tướng bình Tây. Tất cả
chỉ là phận sự của đấng nam nhi đứng trong vũ trụ, đến tay mình thì làm, cái cốt yếu là đã làm thì
phải hết lòng hết sức.
Câu tổng kết sự nghiệp: Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng khẳng định đối với công
danh, dù là Tổng đốc, dù là đại tướng, ông cũng coi nhẹ tênh, chẳng có gì quan trọng. Đó là biểu
hiện thứ nhất của thái độ ngất ngưởng.
Tiếp theo là một hành động ngất ngưởng xưa nay chưa từng có: Thường thường, các bậc
quan lại giàu sang đi đâu thì cưỡi ngựa, còn Nguyễn Công Trứ lại cưỡi bò vàng và còn cho bò vàng
đeo đạc ngựa:
Đô môn giải tổ chi niên
Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng.
Ông cho bò vàng đeo đạc ngựa cũng là một cách chơi ngông. Hơn nữa, hành động ấy xảy ra
ngay sau khi ông về hưu. Vừa nêu rõ thời điểm; Độ môn giải tổ chi niên (giải tổ có nghĩa là cởi dây
đeo ấn), thì lại cho ngay bò vàng mình cưỡi đeo đạc ngựa để nó cũng ngất ngưởng như mình. Nếu
ai suy diễn điều này thì chắc không khỏi cho rằng hành vi của Nguyễn Công Trứ là xấc xược, phạm
thượng. Đó là biểu hiện thứ hai của thái độ ngất ngưởng.
Biểu hiện thứ ba là Nguyễn Công Trứ ngất ngưởng cả với Bật:
Kìa núi nọ phau phau mây trắng,
Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi.
Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì,
Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng.
Lên thăm chùa ở trên núi mây phủ trắng phau, ông tự cười nhạo mình là Tay kiếm cung mà
nên dạng từ bi. Kì thực đó chỉ là cái dạng thôi (vẻ bên ngoài), bởi theo hầu ông còn có một đoàn gót
sen “tiên nữ” đủng đỉnh một đôi dì là các cô ả đào. Không những chẳng nên dạng từ bi chút nào mà
còn bất kính nữa. Tuy vậy, ông vẫn rất tự nhiên, khiến Bụt chẳng nỡ chau mày quở trách mà còn
nực cười độ lượng trước ông quan thượng già tính khí khác người. Đến chùa, ông không lễ Phật mà
bày tiệc hát ca, có cả ả đào, đàn địch, trống khách hẳn hoi. Ông say mê thưởng thức một bữa tiệc
rộn rã đàn ca và
cảm thấy mình đã trút sạch tục lụy của cõi đời, tâm hồn lâng lâng bay bổng trên chín tầng mây, phơi
phới luồng ấm mát của gió xuân:
Được mất dương dương người thái thượng,
Khen chê phơi phới ngọn đồng phong
Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng,
Không Phật, không Tiên, không vướng tục.
Cá tính thượng thư bốc lên hết cỡ trong roi chầu tài hoa của Nguyễn Công Trứ. Bây giờ thì
mọi sự đời: cái được, cái mất, tiếng khen, tiếng chê... Ông đều không qquaan tâm. Hồn ông lâng
lâng trên cõi gió mây trong lành, cao khiết. Lời thơ vút lên hào hứng: Được mất / dương dương /
người thái thượng, Khen chê / phơi phới / ngọn đồng phong. Tâm hồn Nguyễn Công Trứ bay bổng
trên cao, trong âm điệu rộn rã của giọng ca, tiếng đàn tiếng trống. Câu thơ: Khi ca / khi tửu / khi cắc
/ khi tùng ngoài ý nghĩa liệt kê còn thêm sắc thái biểu cảm rõ nét, diễn tả tài tình tư thế ngả nghiêng
thoải mái trong cuộc chơi tưởng chừng bất tận. Dù cuộc vui bày ra ngay nơi cửa Phật và có cả một
đôi di tham dự nhưng Nguyễn Công Trứ vẫn cảm thấy mình trong sạch, thanh cao: Không Phật /
không Tiên / không vướng tục.
Đây là đoạn mà ý thơ rõ nhất và cũng là đoạn hay nhất của bài thơ. Nếu như hai câu trước
trải dài, nhịp điệu thênh thênh, thanh thoát như tấm lòng không còn vướng chút bụi trần thì hai câu
sau là nhịp ca, nhịp trống, nhịp phách, nhịp rượu chúc mừng, rồi dồn lên, dồn lên rối rít và chấm dứt
ở một
chữ mang thanh trắc đục (tục). Chấm dứt câu thơ mà cũng là nện mạnh dùi xuống mặt trống để tự
thưởng, tự hào, tự khẳng định cái tài tình, cái khoáng đạt của tâm hồn mình, khí phách mình.
Chẳng Trái, Nhạc cũng vào phường Hàn, Phú
Nguyễn Công Trứ ngông nghênh tự đặt mình ngang hàng với những nhân vật lỗi lạc ngày
xưa như Trái Tuân, Nhạc Phi, Hàn Kì, Phú Bật – những danh tướng có sự nghiệp hiển hách.
Kết thúc bài thơ phóng khoáng, bay bổng này, Nguyễn Công Trứ không quên nhắc lại điệp
khúc nhàm chán của đạo sơ chung, mặc dù câu đó chỉ được đặt giữa một câu tự đánh giá rất cao về
bản thân và một câu như muốn thách thức với cả triều đình nhà Nguyễn:
Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung.
Trong triều ai ngất ngưởng như ông !
Trước sau ông vẫn là một nhà Nho coi trong tư tưởng hành đạo, có tinh thần nhập thế tích
cực và luôn tâm niệm: Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung. Ông sống và làm việc hết mình, đồng
thời biết thưởng thức, nếm trải những thú vui ở trên đời. Mọi hành động của Nguyễn Công Trứ đều
toát ra tinh thần tự do, phóng khoáng.
* Nghệ thuật: Thái độ ngất ngưởng bất cần mọi sự đã tìm được ở thể ca trù một âm điệu an
toàn thích hợp: câu ngắn, câu dài tùy ý, vần liền từng cặp xen lẫn thanh, bằng, thanh trắc đều đặn,
niêm luật tự do, đối không bắt buộc. Âm điệu được chi phối bởi trạng thái tâm hồn nhà thơ: lúc
cười cợt, lúc tự hào, sảng khoái. Cách nói nôm na kiểu khẩu ngữ đã đem lại cho bài thơ một vẻ đẹp
sinh động lạ thường.
III. KẾT BÀI
Giọng điệu Bài ca ngất ngưởng thể hiện nét độc đáo trong tính cách tác giả: tự hào gần như
tự phụ, thậm chí ồn ào. Có hai điều Nguyễn Công Trứ không hề che giấu là công tích lớn lao mà
ông coi như chuyện thường tình, còn thú chơi ngông thì lại đề cao.

You might also like